Hành Hương-phần 6: Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
Phạm DoãnBODHGAYA-Bồ Đề Đạo Tràng là vùng đất thuộc tiểu bang Bihar của Bắc Ấn. Đây là vùng đất được tín đồ Đạo Phật coi là linh thiêng và cao quý nhất vì chính tại nơi này hơn hai ngàn năm trước thái tử Siddhartha Gautama đã đạt tới sự giác ngộ cao nhất.
Chúng tôi đến Bodhgaya vào buổi chiều. Đường phố ngập tràn màu áo đỏ của các tu sĩ Tây Tạng. Hỏi ra mới biết ngày mai đây lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng là ngài Lạt Ma thứ mười bốn cũng sẽ tới thuyết giảng tại Bodhgaya. Đứng từ cổng khách sạn, chúng tôi thấy rất nhiều các tu sĩ Tây Tạng đi lại bằng đủ mọi phương tiện. Có nhóm đi bộ, có nhóm đi xe, đa số còn rất trẻ, cười đùa giởn hớt hồn nhiên.
Trong bốn điểm thánh tích (Tứ động tâm, four places that produce enthusiasm), Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng) là điểm đặc biệt có nhiều người đến chiêm bái nhất! Lúc nào nơi đây cũng đông nghịt người. Có cả tu sĩ lẫn cư sĩ và tín đồ khắp nơi trên thế giới. Ta thấy đủ sắc màu của các tông phái Phật giáo ở đây. Áo vàng của Phật giáo nguyên thủy, áo đỏ của Phật giáo Tây Tạng, áo nâu của Phật giáo Đại thừa. Hôm nay, trước một rừng người, bước vào bên trong khuôn viên của Bodhgaya là cả một vấn đề. Các tu sĩ áo đỏ Tây Tạng đến trước nhiều ngày và đươc ưu tiên ngồi gần Đại Tháp.
Tôi có cảm giác rằng tất cả người Tạng lưu vong đều tìm cách lưu trú trong tăng đoàn Phật giáo Tây Tạng. Họ có thể vừa được bảo trợ cuộc sống vật chất vừa có nơi nương tựa tinh thần. Nhìn cách “lạy nằm” sóng soài trên đất của các tu sĩ và tín đồ Mật tông Phật giáo ta mới thấy mức độ tín ngưỡng của người Tạng sâu đậm đến thế nào! Hôm nay là một ngày quá tải khách hành hương. Không gian linh thiêng của Bồ Đề Đạo Tràng không còn thanh tịnh. Kể cả những ngày không có lễ hội, Bồ Đề Đạo Tràng cũng không bao giờ yên tĩnh. Nghe nói rằng ngày nào, lúc nào, cũng có các tu sĩ cầm loa đi vòng quanh tháp đọc tụng mọi thứ gọi là “kinh”. Âm thanh kinh tụng qua micro sang sảng khiến mọi người và sinh vật xung quanh đều có thể nghe thấy (trừ chư thiên và các vị Phật!).
Hôm nay tất cả mọi khách hành hương được hướng dẫn đi vòng quanh Tháp Đại giác- MahaBodhi với khoảng cách rất xa. Tôi rất tiếc là không có cơ hội để ngồi yên lặng trầm tư bên cạnh cây Bồ Đề như dự tính và mơ ước vào lúc khởi hành chuyến đi. Cũng không thể tìm một ít lá Bồ Đề rụng hay một ít đất đá gần đó làm kỉ niệm!
Tháp Đại Giác- Mahabodhi temple
(hình sưu tầm)
Tháp Đại Giác (Mahabodhi) là công trình kiến trúc đánh dấu nơi Đức Phật đã ngồi thiền và đạt được đại giác ngộ. Theo Phật giáo, không có nơi nào trên địa cầu này chịu nổi “sức mạnh” của sự Giác Ngộ tối thượng trừ Bodhgaya. Bodhgaya được coi như cái rốn của địa cầu, là phần vật chất của địa cầu có câu thông với các cõi thiên khác của toàn bộ vũ trụ. Bodhgaya là linh địa duy nhất để một vị Đại Phật xuất hiện. Tương truyền cây Bồ Đề bắt đầu mọc tại đây khi Đức Phật ra đời. Khi chưa có một vị Phật xuất hiện thì Bodhgaya là một nơi bằng phẳng với cát sạch, nơi đây không có một loài cây nào mọc được. Kể cả Sakka (Trời Đế Thích) cũng không thể đi qua vùng không gian phía trên của Bodhgaya.
Khoảng hai trăm năm mươi năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, vua Asoka đến thăm nơi Đức Phật thành đạo và đã cho xây Đại Tháp ở đây. Tương truyền ban đầu đại tháp có một tòa kim cương được xây ngay tại chỗ Đức Phật tọa thiền. Khi Đạo Phật bị suy tàn và sau đó bị hủy diệt vào thế kỉ 12 bởi các đoàn quân Hồi giáo, thì đại tháp bị bỏ phế. Tháp Đại giác mà ta thấy hiện nay là kiến trúc phục dựng hoàn hảo theo mẫu kiến trúc của tháp trong thế kỉ thứ 6.
Tháp Đại Giác (hình sưu tầm)
Và vào năm 2002, Đại tháp Mahabodhi cao 50 mét kiến tạo bởi nhiều loại đá quí, được Unesco xếp vào các công trình di sản của thế giới. [1]
Cận cảnh tháp Đại Giác (Mahabodhi) với các hoa văn. (hình sưu tầm)
Tượng Phật bên trong tháp Đại Giác (hình sưu tầm)
Tuy nhiên Mahabodhi có phải là thánh tích riêng của Đạo Phật hay không thì với người dân Ấn đó vẫn còn là tranh cãi! Trước đây giáo hội Ấn giáo đã sở hữu và kiểm soát ngôi đền này, sau này người Anh và giáo hội Tích Lan đã vận động để ngôi tháp được trả về cho chính quyền bang Bihar. Tuy nhiên vào lúc ban đầu hội đồng quản trị tháp luôn phải có 9 người, và theo luật định đa số thành viên và chủ tịch phải là người Ấn giáo! Mọi Phật tử Việt Nam có thể đều ngạc nhiên về điều này, cũng như sẽ ngạc nhiên vì sao các tu sĩ Phật giáo tu học tại Ấn Độ (về Phật học) đều được cấp những bằng tốt nghiệp do người Bà La Môn kí duyệt!
Văn minh Ấn Độ phát triển trên những quan niệm triết học của Vệ Đà (Veda) và thời gian sau đó là Upanisad (một phần tinh túy của Vệ Đà). Triết học phát triển từ Upanisad thường được gọi là Vệ Đàn Đà (Vedanta). Ngoài Vệ Đà, Ấn Độ còn có Yoga và một số trường phái khác. Ấn Độ giáo (Hindouism) là tên gọi chung cho rất nhiều tôn giáo và giáo phái khác nhau, phát sinh từ cách giải thích kinh Vệ Đà theo các ý nghĩa khác nhau. Giáo lý Vệ Đà luôn được giải thích theo cách mới hơn, nghĩa là nó luôn phát triển theo thời gian và tạo nên các khuynh hướng và tôn giáo mới. [2]
Cả Phật giáo và Ấn giáo (Hindouism) đều bắt nguồn từ cùng một nền văn minh và triết học. Phật giáo và Ấn giáo đều sử dụng chung hầu hết tất cả các khái niệm triết học ví dụ như: nghiệp quả, luân hồi, vũ trụ quan, các tầng trời. v.v… (ngoài một số điều chỉnh nhất định). Khi tìm hiểu trên Internet, tôi cũng không ngờ đạo Phật cũng có những tương đồng đến kinh ngạc với đạo Jain (Kì na) tức đạo lỏa thể của Mahavira. Mahavira cũng xuất thân là một thái tử , cũng đi xuất gia vào năm 30 tuổi, cũng chứng ngộ và giảng dạy trên cùng vùng đất mà Đức Phật Gautama truyền đạo. Mahavira cũng chứng ngộ bằng tự lực “không thày chỉ dạy”, cũng lấy lí tưởng phá bỏ được vòng luân hồi (samsara) làm cứu cánh. Mahavira gọi cứu cánh giải thoát là Moska. Hình thức biểu tượng của Đạo Jain là bánh xe pháp (swatika) giống với bánh xe pháp của đạo Phật v.v… Với những hình thức và nội dung gần giống nhau như vậy, ta thấy thực sự người dân Ấn khó lòng phân biệt được đạo Phật khác với các giáo phái của Ấn giáo ở chỗ nào, nếu không đi sâu vào nội dung triết học.[3]
Ngay từ khi Phật thành đạo, Ấn giáo đã coi Đức Phật chỉ là hóa thân của thần Vishnu. Triết học Ấn độ giáo có lẽ không hình dung nổi một giải thoát vô ngã và vượt ra bên ngoài tam giới (triloka) của Đức Phật Gautama. Người Ấn chỉ nhìn thấy một sa môn, như hàng ngàn sa môn khác trong thời ấy, ngồi thiền dưới cột bồ đề và giác ngộ. Họ không biết và không hình dung được được sự khác biệt giữa các đảng cấp giác ngộ. Có lẽ Ấn giáo đã không phân biệt được giữa một “Giác ngộ vô ngã” của Gautama vượt ra ngoài tam giới (theo vũ trụ quan Ấn độ) với một “giác ngộ Đại ngã” của các tu sĩ bà La Môn còn hạn cục trong tam giới!
Hình trên là một bệ thờ bên cạnh tháp Đại giác. Không hiểu bệ thờ này xuất phát từ niên đại nào, nhưng về hình dạng thì khó phủ định rằng đây là hình tượng của Linga và Yoni trong Ấn giáo. (hình sưu tầm)
Và đây là một hình ảnh sưu tầm khác cho thấy các tượng thần Ấn giáo đã có trong Bồ Đề Đạo Tràng như Ganesha, Lakshmi và các hóa thần khác.
Đại thụ Bồ Đề-Mahabodhi tree
Cây Bồ Đề tại chỗ này (mặt phía tây của tháp) chỉ là một nhánh chiết từ cây Bồ Đề tại Tích Lan. Cây Bồ Đề tại Tích Lan có tên gọi là Sri Mahabodhi tree do con gái vua Asoka thủa xưa đem đến Tích Lan từ cành chiết bên phải của cây gốc. Chúng tôi chỉ được đứng nhìn cây Bồ đề từ xa. Cây Bồ Đề không lớn lắm trong ấn tượng của tôi. Nghe nói đã có lúc cây bị chiết cành bán cho phía Thái Lan. Người tố cáo đã dùng hình ảnh chụp trước khi cây bị cắt làm chứng cứ! Ban quản trị thì phủ nhận tin thất thiệt này.[4]
Cây Bồ Đề, nơi Đức Phật thành đạo, nằm sát Đại tháp, bị vây kín bởi các tu sĩ áo đỏ!
Hình sưu tầm trên Internet cho thấy cây Bồ Đề nhìn từ xa.
Hình cận cảnh cây bồ đề nằm ở phía tây của tháp Đại Giác (sưu tầm trên Internet).
Phật thành Đạo dưới cội đại thụ Bồ Đề
Đức Phật, dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya, đã ngồi thiền liên tục trong bốn mươi chín ngày. Vào đêm cuối cùng Ngài lần lượt chứng các tầng bậc giác ngộ vào canh đầu canh giữa và canh cuối. Theo Đạo Phật Nguyên thủy, Đức Phật thành đạo vào đêm rằm của tháng Vesaka (tức rằm tháng 4). Vào lúc rạng sáng hôm sau, địa cầu đã xuất hiện một vĩ nhân, một bậc giác ngộ tối thượng, một người thầy vĩ đại cho nhân loại và muôn loài. Sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật vẫn lưu lại nơi ngồi thiền trong bảy tuần kế tiếp:
Tuần Lễ Đầu Tiên
Suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi Thành Đạo, Đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây Bồ Đề để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (Vimutti Sukha). Trong đêm cuối tuần, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) theo chiều xuôi như sau: “Khi có cái này (nguyên nhân), thì cái này (hậu quả) có. Với sự phát sanh của cái này (nhân), cái này (quả) phát sanh”.
- Tùy thuộc nơi Vô Minh (avijja), Hành (samkhara), thiện và bất thiện, phát sanh
- Tùy thuộc nơi Hành, Thức (vinnana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thức, Danh-Sắc (nama-rupa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Danh-Sắc, Lục Căn (salayatana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Lục Căn, Xúc (phassa) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Xúc, Thọ (vedana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thọ, Ái (tanha) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Ái, Thủ (upadana) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Thủ, Hữu (bhava) phát sanh.
- Tùy thuộc nơi Hữu có Sanh (jati).
- Tùy thuộc nơi Sanh, phát sanh Bệnh (jara), Tử (marana), Sầu Não (soka), Ta Thán (parideva), Đau Khổ (dukkha), Buồn Phiền (domanassa) và Thất Vọng (upayasa).
Toàn thể khối đau khổ phát sanh như thế ấy.
Lúc bấy giờ đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
“Quả thật vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) [3] đã kiên trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, bao nhiêu hoài nghi đều tan biến vì vị này đã thấu triệt chân lý cùng với các nguyên nhân”.
Khoảng canh giữa trong đêm, Đức Phật suy niệm về Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều ngược như sau: “Khi nguyên nhân này không còn thì hậu quả này cũng không còn. Với sự chấm dứt của nhân này, quả này cũng chấm dứt”.
- Với sự chấm dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hành, Thức chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thức, Danh-Sắc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Danh-Sắc, Lục Căn chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Lục Căn, Xúc chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Xúc, Thọ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thọ, Ái chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Ái, Thủ chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Thủ, Hữu chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Hữu, Sanh chấm dứt.
- Với sự chấm dứt của Sanh, Bệnh, Tử, Sầu Não, Ta Thán, Đau Khổ, Buồn Phiền và Thất Vọng chấm dứt.
Như thế ấy, toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Lúc bấy giờ đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
“Quả thật vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) đã kiên trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, bao nhiêu hoài nghi đều tan biến vì vị này đã thấu triệt sự tận diệt các nguyên nhân”.
Đến canh ba, Đức Thế Tôn suy niệm về pháp “Tùy Thuộc Phát Sanh” theo chiều xuôi và chiều ngược như sau: “Khi nhân này có, thì quả này có. Với sự phát sanh của nhân này, quả này phát sanh. khi nhân này không có thì quả này không có. Với sự chấm dứt này, quả này chấm dứt.”
- Tùy thuộc nơi Vô Minh, Hành phát sanh v.v…
Như thế ấy, toàn thể khối đau khổ phát sanh.
- Với sự chấm dứt của Vô Minh, Hành chấm dứt v.v…
Như thế ấy, toàn thể khối đau khổ chấm dứt.
Lúc bấy giờ đã thấu hiểu ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc lên bài kệ hoan hỷ như sau:
“Quả thật vậy, khi các Chân Lý phát hiện hiển nhiên đến bậc thánh nhân (Brahmana) [5] đã kiên trì cố gắng và suy niệm thâm sâu, thì Ngài vững vàng phá tan vây cánh cửa của Ma Vương cũng như ánh sáng thái dương phá tan đêm tối và rọi sáng bầu trời”.
Tuần Thứ Nhì
Tuần lễ thứ nhì trải qua một cách bình thản, nhưng trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thanh đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cây Bồ Đề trọn một tuần không nháy mắt.
Noi theo gương lành cao quý và để kỷ niệm sự thành công vẻ vang, hàng tín đồ của Đức Phật đến ngày nay vẫn còn tôn kính, chẳng những chính cây ấy mà đến các cây con, cháu của cây ấy.
Tuần Thứ Ba
Vì Đức Phật không rời nơi trú ngụ mà vẫn còn quanh quẩn ở cội Bồ Đề nên chư Thiên lúc bấy giờ còn nghi ngờ, không biết Ngài đã đắc Quả Phật chưa. Đức Phật đọc được tư tưởng ấy, dùng oai lực thần thông tạo một “đường kinh hành quý báu” (ratana camkamana) và đi lên đi xuống thiền hành suốt trọn tuần.
Tuần Thứ Tư
Trong tuần lễ thứ tư, Đức Phật ngự trong “bảo cung” (ratanaghara, cái phòng bằng ngọc, trong ý nghĩa “cái phòng quý báu”) để suy niệm về những điểm phức tạp của Vi Diệu Pháp (Abhidhamma, giáo lý cao siêu) . Kinh sách ghi nhận rằng khi Ngài suy tưởng về lý Nhân Quả Tương Quan (Patthana), bộ khái luận thứ bảy của Tạng Vi Diệu Pháp, tâm và thân Ngài trở nên hoàn toàn tinh khiết và do đó phát tủa ra một vầng hào quang sáu màu là: xanh dương (nila), vàng (pita), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (manjettha) và thứ sáu là năm màu pha lẫn (pabhassara).
Tuần Thứ Năm
Trong tuần thứ năm, Đức Phật ngồi dưới cội Ajapala trứ danh, chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát (vimutti sukha). Vào cuối tuần, khi Ngài xuất ra khỏi trạng thái siêu thế ấy có một vị Bà-la-môn ngã mạn (huhumka jakita) đến gần chào hỏi theo lễ nghi rồi nói: “Này Tôn Giả Gotama (Cồ Đàm), đứng về phương diện nào ta trở thành một thánh nhân (Brahmana) và những điều kiện nào làm cho ta trở thành thánh nhân?”
Để trả lời, Đức Phật đọc lên bài kệ:
“Người kia đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi, không còn ngã mạn (huhumka), đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chân chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy được coi là thánh nhân (Brahmana). Đối với người ấy không còn có sự bồng bột, dầu ở nơi nào trên thế gian.”
Theo bản Chú giải Túc Sanh Truyện, cũng trong tuần lễ này, ba người con gái của Ma Vương – Tanha, Arati và Raga – cố gắng lấy nhan sắc quyến rũ Đức Phật, nhưng thất bại.
Tuần Thứ Sáu
Từ cây Ajapala Đức Phật sang qua cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi suốt nhiều ngày.
Vào lúc ấy Mucalinda, mãng xà vương, từ ổ chun ra, uốn mình quấn xung quanh Đức Phật bảy vòng và lấy cái mỏ to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chấp tay đứng trước mặt Đức Phật. Đức Phật đọc bài kệ như sau:
“Đối với hạng người tri túc, đối với người đã nghe và đã thấy chân lý thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, có thiện chí, người biết tự kiềm chế, thu thúc lục căn đối với tất cả chúng sanh là hạnh phúc. Không luyến người ái, vượt lên khỏi dục vọng là hạnh phúc. Phá tan được thành kiến ‘ngã chấp’ quả thật là hạnh phúc tối thượng.”
Tuần Thứ Bảy
Vào tuần thứ bảy, Đức Phật bước sang cội cây Rajayatana và ở đó chứng nghiệm Quả Phúc Giải Thoát. [6]
Mười danh hiệu của Đức Phật:
Khi Đức Phật thành đạo với giác ngộ tối thượng, ngài được tôn kính bằng mười danh hiệu:
1. Ứng Cúng ………………. Araham The worthy one
2. Chánh Biến Tri…………. Sammasambuddho Perfectly enlightened by himself
3. Minh Hạnh Túc………… Vijjacaranasampanno Impeccable in Conduct and Understanding
4. Thiện Thệ………………… Sugato The Serene One
5. Thế Gian Giải……………. Lokavidu The Knower of the Worlds
6. Vô Thượng Sĩ……………. Anuttaro The Unexcelled Being
7. Ðiều Ngự Trượng Phu…. Purisadhammasarathi Perfect Trainer of Good Men
8. Thiên Nhân Sư………….. Satthadevamanussanam Teacher of Gods and Men
9. Phật ……………………… Buddho The Awaken One
10. Thế Tôn……………………..Bhagavati The Holy One
Như vậy danh hiệu đầu tiên cùa Ngài là Araham tức A La Hán (dịch âm) tức Ứng cúng (dịch nghĩa) [7]
Hàng tín đồ gọi Ngài là Đức Phật (Buddha), Đức Thế Tôn (Bhagava), Đức Thiện Thệ (Sugata) v.v…
Những người ở đạo khác gọi Ngài là Tôn Giả Cồ Đàm (Bho Gotama), Sa Môn Cồ Đàm (Samana Gotama) v.v…
Khi đề cập đến mình, Đức Phật dùng danh từ “Như Lai” (Tathagata) để tránh danh xưng tôi (một bản ngã chủ thể ). Như Lai có nghĩa là “người đã đến như vậy”, “người đã ra đi như vậy”.
Đạo quả của Đức Phật
Với nổ lực tâm linh kéo dài sáu năm, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi chính mình, sa môn Gautama (Cồ Đàm), lúc ấy ba mươi lăm tuổi, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành một vị Phật (Buddha) toàn Giác. Trong chiều thời gian vô hạn, Đức Phật Gautama là một trong chuỗi dài những vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ và sẽ xuất hiện trong tương lai.
Phạn ngữ Buddha (Phật) xuất nguyên từ căn “Budh”, là hiểu biết hay thức tỉnh. Gọi là Buddha (Phật) vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Thâm Diệu Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Ngài được gọi là Samma Sambuddha (Chánh Biến Tri) vì giác ngộ tự thân không do một sự chỉ dẫn của một vị thày hay giáo lý có trước. Trong một thời kì nhất định, thế gian chỉ có một đấng gọi là chánh biến tri.
Trước khi thành đạt Đạo Quả Phật, Ngài được gọi là Bồ Tát (Bodhisatta), có nghĩa là người có nguyện vọng trở thành Phật.
Người đắc Quả Phật phải trải qua thời kỳ Bồ Tát, tu dưỡng những phẩm hạnh như bố thí, trì giới, từ khước (xuất gia), trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả.
Chính Đức Phật nhận ngài là một A La Hán và mọi người đều dùng A La Hán như danh hiệu đầu tiên trong mười danh hiệu để tôn kính Đức Phật Gautama. Danh hiệu A La Hán (Araham) hay Phật (Buddha) cũng cùng để chỉ Đức Phật Gautama. Trong một đoạn kinh, Đức Phật nói ngài chứng đắc như thế nào thì Xá Lợi Phật và các vị đệ tử khác cũng chứng đắc như vậy. Nghĩa là quả vị A La Hán của Phật và các đệ tử như nhau. Tuy nhiên ta vẫn nhận ra ngay một khác biệt: Phật là một đấng “Chánh biến tri” tức người đại giác ngộ không thầy chỉ dạy, còn các đệ tử Phật là những vị giác ngộ nhờ người khác chỉ dạy. Vậy Phật là một A La Hán có phẩm chất vượt trội hơn các A La Hán đệ tử . Sự vượt trội nằm trong ý nghĩa Phật là người khai sáng và là người dẫn đường.
Theo cách hiểu của Phật giáo đại thừa, A La Hán là quả vị thấp kém hơn quả vị Phật và là những vị ích kỉ, hẹp hòi vì chỉ ham mê chứng ngộ Níp bàn mà không làm lợi ích cho chúng sanh! Cũng vì lí do đó Đại Thừa xếp danh hiệu đầu tiên của Đức Phật là Như Lai. [7]
Buổi tối hôm đó tôi rời khỏi nhóm, cố quay lại Bodhgaya một lần nữa. Khi đến cổng khuôn viên Bodhgaya, vẫn thấy đám đông vẫn còn vào ra tấp nập, tôi quyết định không vào và chỉ rảo bộ lang thang trên mấy con đường gần đó. Đêm Bodhgaya thật lạnh, những con đường tối om không có ánh điện, nhưng người thì vẫn đông. Vùng đất này thật kì lạ, nó cuốn hút bao nhiêu người từ mãi tận đâu đâu qui tập về đây. Ngoài những dãy phố mới xây quanh khuôn viên của tháp Đại giác, còn lại vẫn chỉ là các con đường đất với những túp lều tranh tơi tả. Bodhgaya thực sự chỉ nổi danh với một sự kiện từ 2600 năm trước, nơi đây có một thái tử đã thực hiện được đại giác ngộ.
Giác ngộ là gì?
Bản chất và nội dung giác ngộ là gì? Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây trang cãi [8]. Đối với Đạo Phật, giác ngộ là khi vượt thoát khỏi cái hữu hạn của sinh mệnh, thoát khỏi cái khống chế của quá trình sinh tử tiếp nối, do đó vượt thoát khỏi tất cả những đau khổ vốn có của đời sống. Có rất nhiều tôn giáo cũng nói đến giác ngộ, nhưng nếu tìm hiểu sâu thì rõ ràng cách hiểu về giác ngộ của từng tôn giáo có khác nhau.
- Giác ngộ của các tôn giáo thần khải (đạo Do Thái, đạo Thiên chúa, đạo Hồi): là sự ban ơn (blessing) ban phúc của đấng Thượng Đế để một người tỏ ngộ, nhận ra Đấng Thượng Đế và đạt được thiên đàng sau khi chết. Thiên đàng này là duy nhất, do Chúa dựng lên và do chúa ngự trị. Sự giác ngộ trong các tôn giáo thần khải được gọi là mặc khải (revelation).
- Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái): là sự câu thông và nhận biết các cõi trời bằng các kĩ thuật thiền định, yoga hoặc thậm chí bằng sức mạnh của đức tin. Theo Ấn giáo, khi giác ngộ bản ngã cá nhân (Atman) không còn thu thúc trong cơ thể trần gian mà mở rộng đến những cõi to lớn hơn tùy theo mức độ tu chứng. Cuối cùng là sự trở thành làm một với Đại ngã (Bhraman). Các đạo sư Ấn Độ hay diễn đạt trạng thái này bằng câu nói : “Tất cả là một, một là tất cả”. Truyền thống Vedanta thường đề cập đến tha lực, lực gia trì trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ.
- Giác ngộ của Đức Phật Gautama: do nổ lực hoàn toàn tự thân, không nương nhờ tha lực hay sự ban phúc; vượt thoát các cõi trời, không tồn tại như một Đại Ngã mà hoàn toàn “Vô Ngã”. Tuy nhiên sự giác ngộ Níp bàn không phải là hư vô. Khi thực hiện được Đại giác ngộ, Đức Phật sống trong trạng thái an lạc của Níp bàn hữu dư. Điều này cho thấy trạng thái Níp bàn vẫn câu thông và chan hòa với một cơ thể trần gian. Mọi hiện hữu đều là Sắc (vật chất) hoặc là Danh (khái niệm, tinh thần). Níp bàn không thuộc Sắc hay Danh mà là một phạm trù riêng biệt. Abhidamma mô tả thế giới gồm: Danh, Sắc và một phạm trù thứ ba là Níp bàn.
- Thời nay có rất nhiều giáo phái mới phát sinh. Rất nhiều guru, tổ sư, minh sư nói về giác ngộ. Tuy nhiên chưa chắc các loại giác ngộ đó có cùng bản chất với sự giác ngộ của sa môn Gautama tại Bodhgaya. Đối với nhiều giáo phái, có khi chỉ với một vài trải nghiệm tâm linh không đáng kể trong các kĩ thật thiền định, đã được gọi là giác ngộ! Thường thì dễ có sự lẫn lộn giữa thiền định và thiền quán. Đạo Phật nguyên thủy cho rằng chỉ riêng Đạo Phật nguyên thủy mới có pháp thiền quán gọi là Vipassana và chỉ riêng Đạo Phật mới có bốn mức độ giác ngộ (còn gọi là bốn quả sa môn). Bốn mức độ giác ngộ trong Đạo Phật đều có tiêu chuẩn để nhận biết cũng như các bậc thiền định cũng có các tiêu chuẩn để hành giả xác nhận được mình đang ở bậc thiền nào.
Bởi vì nội dung giác ngộ có khác nhau nên phương cách tu tập và thực hành phải khác nhau. Một tu sĩ bà La Môn giữ phạm hạnh tuyệt đối để thực hành thiền định (samadhi), nếu thành công (đắc định) người tu sĩ này sẽ đạt đến cõi trời tương ứng của mức độ định mà mình tu tập được. Đức Phật cũng từng chứng đắc đầy đủ tám định của Bà La Môn nhưng Ngài không thấy cõi trời tối cao là giác Ngộ tối thượng. Không thỏa mãn với các tầng trời và bằng sự tự tin mãnh liệt đã khiến ngài thực hiện một phương pháp riêng và đã tạo nên một kì tích tại cội Bồ Đề. Kinh điển có ghi lại một số diễn tiến tâm thức của Đức Phật dưới cội Bồ Đề sau khi Ngài giác ngộ. “Chánh pháp” của Đạo Phật là tất cả những gì Đức Phật đã thực hành 49 ngày dưới cội Bồ Đề tại Bodhgaya. Bởi vì giác ngộ là đỉnh điểm cuối cùng cho một quá trình tu chứng, là trải nghiệm duy nhất và riêng biệt trong tâm của người tu chứng, cho nên không dễ dàng gì để nói hay mô tả về trạng thái này. Tuy nhiên dù sao ta vẫn có thể hình dung gián tiếp “trạng thái giác ngộ” qua con đường tu tập dẫn đến giác ngộ. Ta sẽ thấy giác ngộ là kết quả của một quá trình tu tập rất khoa học để nhận biết tâm, để phát triển các loại trí và cuối cùng nhận ra Níp bàn như một đối tượng đặc biệt của tâm. Hoàn toàn không có tính thần bí trong sự giác ngộ, không có sự ban phúc từ thượng đế hay một vị thày nào cho người tu tập. Ta cũng hiểu rõ tính gian khó của việc tu tập, chẳng thể nào một người bất ngờ, tự nhiên hay “hốt nhiên” mà đại ngộ được. Đạo Phật thời Đức Phật còn tại thế đã mô tả một đạo lộ Giới-Định-Tuệ rõ ràng cho sự tu tập. Dùng chữ “Đạo lộ” là ý muốn nói đến một chương trình tu tập theo thứ tự (step by step) để người tu biết cách rèn luyện để chuyển biến một tâm thức phàm phu đến các tầng bậc chứng ngộ (bốn đạo quả) và cuối cùng giác ngộ Níp bàn.
Đạo lộ tu tập thời Đức Phật được tìm lại theo các bộ Nikaya, theo Thắng pháp( Abhidamma), theo Thanh Tịnh đạo luận (Visudhimagga), nghĩa là những nguồn (sources) thông tin có giá trị đối với đạo Phật nguyên thủy. Mô tả sau đây chỉ là một phác họa tóm tắt:
Hành giả trước tiên thanh lọc thân tâm bằng giới (sila), sau đó thực hành thiền định (samadhi) để hỗ trợ giới và hỗ trợ tuệ quán (vipassana) sau này. Sự giác ngộ được thực hành tuần tự qua 16 tầng thiền tuệ từ thấp lên cao. Thiền tuệ là phương pháp quan sát thế giới (vật chất và tinh thần) bằng cách quan sát thân tâm của chính hành giả. Bằng năng lực của Định, hành giả thấy rõ từng tâm phát khởi, thấy rõ quá trình tâm duyên hợp phát sinh rồi hủy diệt. Sự biết và thấy rõ các tâm phát sinh ra các trí. Qua mười một tầng tuệ đầu tiên hành giả sẽ bắt đầu trực nhận Níp bàn:
“…Sau khi chứng đắc các tuệ này, hành giả vẫn tiếp tục công việc thấy sự trôi qua và diệt mất của mỗi hành khi chúng khởi lên, với ước muốn thoát khỏi chúng, hành giả sẽ thấy ra rằng cuối cùng tất cả các hành đều diệt. Tâm hành giả trực tiếp biết và thấy Niết-bàn – đó là ý thức trọn vẹn về (vô vi) Niết-bàn kể như đối tượng.
Khi tâm thấy Niết-bàn, hành giả kinh qua năm tuệ còn lại cùng với sự khởi lên của tiến trình tâm đạo (maggavīthi). Năm tuệ đó là:
12. Tuệ Thuận Thứ (Anulama ñāṇa)Tiến trình tâm đạo qua đó năm tuệ cuối cùng này sanh lên có bảy giai đoạn:
13. Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhù ñāṇa)
14. Tuệ Đạo (Magga ñāṇa)
15. Tuệ Quả (Phala ñāṇa)
16. Tuệ Phản Khán (Paccavekkhana ñāṇa)
1. Một ý môn hướng tâm khởi lên thấy các hành kể như vô thường, khổ hoặc vô ngã tùy theo cách Tuệ Xả Hành khởi như thế nào.
2. Một tốc hành tâm (javana) đầu tiên khởi lên (làm “công việc chuẩn bị” – Parikamma), thấy các hành theo cùng cách ấy. Nó duy trì tính tương tục của tâm[18].
3. Một tốc hành tâm thứ hai khởi lên (“cận hành” – upacāra), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.
4. Một tốc hành tâm thứ ba khởi lên (“thuận thứ”” – anuloma), cũng thấy các hành theo cùng cách ấy.
Thực ra, ba tốc hành tâm (chuẩn bị, cận hành và thuận thứ) này là thành phần của tuệ thứ mười hai – Tuệ Thuận Thứ (anuloma ñāṇa).
Thuận (thứ) theo cái gì? Theo những gì đã đến trước và theo những gì sẽ đến sau. Tuệ này thuận theo những phận sự thấy sự thực trong tám tuệ minh sát đã đến trước (từ Tuệ Quán Sự Sanh Diệt đến Tuệ Xả Hành), và nó cũng thuận theo ba mươi bảy pháp thuộc tâm đạo[19] dự phần vào sự giác ngộ sẽ đến sau. Tuệ Thuận Thứ là tuệ cuối cùng có các hành kể như đối tượng của nó.
5. Một tốc hành tâm thứ tư khởi lên có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười ba là Tuệ Chuyển Tộc (Gotrabhū ñāṇa).
Mặc dù tâm này biết (vô vi) Niết-bàn, nó vẫn không hủy diệt các phiền não, nhiệm vụ của nó là chuyển tâm từ phàm tộc sang thánh tộc mà thôi.
6. Một tốc hành tâm thứ năm khởi lên, có Niết-bàn làm đối tượng. Đây là tuệ thứ mười bốn, vốn tiêu diệt các phiền não thích đáng – Tuệ Đạo (Magga ñāṇa).
7. Tốc hành tâm thứ sáu và thứ bảy khởi lên với Niết-bàn làm đối tượng. Chúng là tuệ thứ mười lăm – Tuệ Quả (Phala ñāṇa).
Phản Khán Tuệ (Paccavekkhana ñāṇa)
Tuệ thứ mười sáu và cũng là tuệ cuối cùng là Tuệ Phản Khán. Tuệ này làm nhiệm vụ xét lại năm pháp:
1. Xét lại Đạo TuệNhư vậy hành giả đã đạt đến chánh trí về Tứ Thánh Đế và đã tự mình chứng ngộ Niết-bàn. Với sự chứng ngộ này, tâm hành giả đã được tịnh hóa và thoát khỏi mọi tà kiến. Nếu hành giả cứ tiếp tục theo cách này, có thể hành giả sẽ đạt đến A-la-hán Thánh quả và nhập Vô Dư Niết-bàn…” [9]
2. Xét lại Quả Tuệ
3. Xét lại Niết-bàn
4. Xét lại những phiền não đã bị tiêu diệt
5. Xét lại những phiền não chưa bị tiêu diệt.
Đó là đạo lộ Giới-Định-Tuệ đã được Đức Phật Gautam tự thân thực hành để giác ngộ, sau đó giảng dạy công khai, không dấu diếm, không bí truyền [10]. Tính thần bí và bí truyền cũng như tính luôn đề cao vai trò của giáo chủ là một đặc diểm của Vệ Đà. Có lẽ đó là một cách mà giai cấp Bà La Môn dùng để khống chế các giai cấp khác trong xã hội Ấn Độ.
Sau khi Đức Phật nhập niết bàn, đạo lộ Giới Định Tuệ không còn tính chính thống và chặt chẽ nữa! Giới Định Tuệ dần dần đã được giải thích khác đi để hình thành những pháp thực hành mới, những pháp môn mới. Tranh luận pháp môn nào là Đạo Phật chính thống và nguyên thủy không quan trọng bằng việc tìm hiểu xem pháp môn đó có dẫn tới đúng trạng thái giác ngộ Níp Bàn hay không. Vấn đề tồn vong của Đạo Phật là ở chỗ người thực hành Đạo Phật ngày nay có tìm được trạng thái giác ngộ như ngày xưa Đức Phật và các vị A La Hán đệ tử đã từng trải nghiệm . Một người đã lựa chọn con đường tâm linh nhất thiết phải hình dung về cái đích đến của mình. Đối với Phật giáo, mục đích tu tập của Phật tử phải là hướng đến sự giác ngộ tối thượng (dù trong kiếp sống này ta có đủ sức đi đến hay không). Chính bản chất giác ngộ tối thượng của Đạo Phật (Nibbana) và phương pháp thực hành dẫn đến giác ngộ (rất đặc thù) đó là chuẩn mốc để phân biệt Đạo Phật với các tôn giáo khác.
.
Chú thích:
[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Mahabodhi_Temple
[2] http://en.wikipedia.org/wiki/Vedanta
[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Mahavira
[4] http://en.wikipedia.org/wiki/Bodhi_Tree
[5] Brahmin là một danh từ có nghĩa “người có học kinh Phệ Đà”, hàm ý người tu sĩ Bà La Môn. Đôi khi Đức Phật dùng danh từ này với nghĩa “người đã xa lánh mọi điều xấu xa tội lỗi”, một thánh nhân. Trong sách này, danh từ “Brahmana” được dùng để chỉ một thánh nhân, và danh từ “Brahmin” có nghĩa là một người thuộc giai cấp Bà La Môn.
[6] đoạn “Phật thành đạo dưới cội đại thụ Bồ đề” từ tuần lễ đầu tiên đến tuần lễ thứ bảy được trích từ : Đức Phật và Phật pháp (Narada maha Thera và Pham kim Khánh dịch)
[7] Mười danh hiệu nầy thường thấy trong nhiều kinh điển nguyên thủy, chẳng hạn như trong:
– Trường Bộ, quyển 1, Kinh Ðại Bát Niết Bàn, trang 573-574 (HT Minh Châu dịch, 1991)
– Tăng Chi Bộ, quyển 4, trang 252 và trang 489 (HT Minh Châu dịch, 1994)
Tuy nhiên kinh Đại Thừa không công nhận “Ứng Cúng” (Araham) là danh hiệu cao quý thứ nhất của Đức Phật, cho nên đã thêm danh hiệu “Như Lai” vào phía trên “Ứng Cúng”, thành ra tổng số có đến 11 danh hiệu (Từ Ðiển Phật Học Hán Việt, 1994). Do đó, để làm tròn 10 danh hiệu, thì có sách phải gộp “Vô Thượng Sĩ” và “Ðiều Ngự Trượng Phu” thành một danh hiệu (Ðoàn Trung Còn, Tự Ðiển Phật Học), có sách phải gộp “Phật” và “Thế Tôn” thành một danh hiệu, chẳng hạn như trong bộ kinh “Ðại Bát Niết Bàn (Hán tạng)”, tập 1, trang 585 (Phẩm Phạm Hạnh), HT Trí Tịnh dịch (1996).
[8] Hiện tại search chữ “giác ngộ” trên Internet phần tiếng Việt sẽ có nhiều cách giải thích khác nhau. Tiếng Anh chữ “enlightenment” tạm thời có thể dịch chữ giác ngộ. Tuy nhiên đối với một số người, chữ “enlightenment” có thể làm liên tưởng đến phong trào triết học gọi là thời kì khai sáng ở giữa thế kỉ 19. Chữ “awakening” cũng vậy, từ lâu chữ này đã mang một ý nghĩa phục sinh, phục hưng, phục dựng cho các phong trào tôn giáo hay văn hóa của phương Tây. Nếu muốn tạm dùng thì phải gọi là “Buddhist enlightenment” hay “Buddhist awakening”.
[9] Biết và Thấy (Knowing and Seeing), đoạn: Biết và thấy niết bàn, tác giả: Pa-Auk Tawya Sayadaw (U Acinna), Tỳ khưu Pháp Thông dịch.
[10] “…Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở Ta!
Này Ananda, Ta đã giảng Chánh pháp, không có phân biệt trong ngoài (mật giáo và không phải mật giáo), vì này Ananda, đối với các Pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo sư còn nắm tay (còn giữ lại một ít mật giáo chưa giảng dạy). (Kinh Đại Bát Niết bàn, đoạn 25)
Các bài viết liên quan:
- Hành Hương-phần 1: India trip
- Hành Hương-phần 2: Lumbini (Lâm Tì ni)
- Hành Hương-phần 3: Kushinagar (Câu Thi La)
- Hành Hương-phần 4: Gridhrakuta (Linh Thứu Sơn)
- Hành Hương-phần 5: Nalanda
- Hành Hương-phần 6: Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
- Hành Hương-phần 7: Vanarasi
- Hành Hương-phần 8: Sarnath (Lộc Uyển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét