Trang

Chánh Ngữ - Henepola Gunaratana


Chánh Ngữ

Hãy thử nghĩ xem bạn đã bao lần tự nhủ như thế này, "Phải chi tôi đừng nói những lời như thế,” hay “Nhìn nét mặt, tôi biết những lời tôi nói đã xúc phạm đến bạn.” Những lời nói không khéo, những lời nói quá đáng mang đến cho ta bao phiền não. Khi nói dối, chúng ta bị lộ tẩy. Nói xấu bạn, ta gây bao phiền phức cho bạn; nói năng thiếu nghĩ suy, ta làm phật lòng khách hàng hay bè bạn; nói chuyện phù phiếm, ta mất thời gian và không làm được việc gì.

Những thói xấu trong lời nói không phải là điều mới lạ gì. Đức Phật đã coi việc rèn luyện chánh ngữ rất quan trọng đến sự phát triển cá tính và tâm linh đến nỗi Ngài đã tạo ra một ngành riêng biệt cho nó trong Bát Chánh đạo, con đường đưa đến hạnh phúc. Đức Phật dạy rằng, Chánh Ngữ có bốn đặc tính: Chúng là những lời chân thật, Chúng khiến người ta phấn khởi, không phải là những lời ác độc hay cay đắng mà đem lại niềm vui. Chúng nhẹ nhàng, không thô lỗ hay cộc cằn. Chúng khiêm cung, không vô ích hay vô nghĩa.
Đức Phật dạy rằng, người thường nói lời dịu dàng, tử tế, sẽ nhanh chóng được tin cậy và tôn trọng. Người như thế sẽ được hưởng một trạng thái tâm bình lặng và thanh tịnh và có thể giao tiếp với người khác một cách thân thiện. Thí dụ, bạn có để ý rằng người ta thường nói với bạn bằng cung cách mà họ nghe bạn nói không? Nếu ta thường phóng đại hay nói dối, người khác cũng thấy dễ nói dối lại với chúng ta. Nếu ta có thói quen nói xiên xỏ, người khác cũng thấy dễ nói cộc cằn trở lại. Ngược lại cũng thế. Nếu chúng ta thường nói lời chân thật, thì lời nói của ta được người tin hơn. Nếu ta thường kín miệng, người khác cũng khó nói xấu về ta. Nếu lời nói của ta luôn tử tế, dịu dàng, người khác cũng thấy xấu hổ khi dùng lời thô tục hay cộc cằn trước mặt ta.
Rõ ràng là lời nói tạo ra một môi trường để chúng ta vun vén cho hạnh phúc hay phá hoại nó. Chúng ta biết như thế vì chính kinh nghiệm bản thân cho ta thấy rằng ta hành động hay nghĩ suy như thế nào là do ảnh hưởng nặng nề của những lời nói ở quanh ta. Một trong những vị tỳ kheo ni đầu tiên của Đức Phật đã có nhận xét bằng thơ văn như sau:
Nếu kết thân với thiện tri thức,
Thì kẻ ngu cũng thành khôn.
(Thig 213)

Nếu muốn được trở nên khôn ngoan, chúng ta không những phải tìm thiện hữu tri thức, mà còn phải là thiện tri thức đối với người khác. Để làm được như thế đòi hỏi chúng ta phải có sự nỗ lực đầy chánh niệm trong việc thực hành Chánh Ngữ. Một câu chuyện dân gian Phật giáo đã minh họa lời nói có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành động của chúng ta như thế nào:
Một vị tu sĩ trong tăng đoàn của Đức Phật có thói quen dự những bữa ăn thịnh soạn với một nhóm người do tu sĩ đầy ác hạnh, Bồ Đề Đạt Đa dẫn dắt. Bị cám dỗ trước những món ăn ngon mà những người này cúng dường, vị tu sĩ kia thường dành nhiều thời gian giao du với đám bạn bất thiện này. Đức Phật đã quở trách vị tỳ kheo vì đã chọn những người bạn như thế và cảnh cáo ông về những hậu quả của hành động đó. Để thuyết phục vị tỳ kheo đó thay đổi thái độ, Đức Phật đã kể cho ông nghe câu chuyện về một sự kiện đã xảy ra trong kiếp trước, trong đó vị tỳ kheo đã bị đi lầm lạc bởi những lời bất thiện, cộc cằn của những người ở quanh ông.
Đức Phật nói, trong một tiền kiếp, vị tỳ kheo là một con voi to lớn thuộc dưới quyền nhà vua. Con voi này được biết đến vì dáng vẻ khoan thai, dịu dàng của nó. Rồi một nhóm đạo tặc có thói quen tụ tập gần chuồng voi mỗi đêm để bàn thảo về những âm mưu đen tối của họ. Họ nói với nhau một cách cộc cằn và khuyến khích nhau phạm tội sát nhân cũng như các những hành động độc ác khác. Con voi bắt đầu tin rằng những lời thô tục kia cốt ý là để dạy nó rằng nó phải hành động một cách tương tự như thế. Kết quả là con voi dịu hiền trước đây trở thành một con voi dữ, giết hại bất cứ ai muốn đến gần nó.
Nhà vua là người chủ voi gửi một vị đại thần – là vị Phật tương lai- đến để xét xem điều gì đã làm hư con voi hiền kia. Vị đại thần đã nghe được những lời nói ác độc của bọn cướp và nhận thấy chúng đã ảnh hưởng đến con voi như thế nào. Ông khuyên nhà vua hãy gởi những vị thánh hiền học cao hiểu rộng, có tiếng vì những lời nói dịu dàng của họ, đến để nói chuyện gần chuồng voi mỗi đêm. Những lời nói thân thiện và tốt đẹp chẳng bao lâu ảnh hưởng đến con voi khiến nó trở về với bản chất hiền lành và nó chẳng bao giờ ác độc nữa. (J 26)
Chánh ngữ có thể cải thiện cuộc sống của ta về nhiều phương diện. Giá như ta chẳng bao giờ phải hối hận về bất cứ điều gì ta đã nói! Chúng ta sẽ trút được bao gánh nặng.
Hãy phân tích thấu đáo hơn về bốn đặc tính của Chánh Ngữ, xét xem chúng có thể giúp ta như thế nào trên con đường đi đến hạnh phúc.
NÓI SỰ THẬT
Đặc tính đầu tiên của Chánh Ngữ là luôn nói sự thật. Đức Phật dạy chúng ta, đừng bao giờ nói dối dầu vì lợi ích của bản thân, hay lợi ích của ai đó, hay vì bất cứ sự lợi ích gì. Đức Phật đã tóm tắt những lời hướng dẫn cho việc nói sự thật như sau:
Khi (ai đó) được hỏi làm nhân chứng, "Này bạn, hãy nói những gì bạn biết": khi biết, thì nói, "tôi biết"; không biết, thì nói, "Tôi không biết"; không thấy, thì nói, "Tôi không thấy"; nếu thấy, thì nói, "Tôi thấy"; không cố ý nói sai sự thật vì ích lợi của mình hay của ai đó, hay cho những lợi ích tầm thường trong thế gian. (M 41)
Cũng có khi chúng ta được hỏi một câu hỏi mà thái độ im lặng cũng hàm ý một sự trả lời gì đó. Nếu sự im lặng của chúng ta sẽ phản ảnh một điều sai sự thật, thì chúng ta phải lên tiếng. Thí dụ, một người cảnh sát điều tra ở một nơi vừa xảy ra án mạng hỏi đám đông đứng quanh là họ có nhìn thấy gì không. Nếu mọi người đều giữ im lặng, vị cảnh sát sẽ kết luận rằng không có ai chứng kiến sự việc xảy ra. Nếu có ai đó trong đám đông là nhân chứng, thì họ đã nói dối bằng cách giữ yên lặng. Họ có thể cảm thấy rằng mình có đầy đủ lý do để không nói gì như là sợ bị trả thù, nhưng sự im lặng của họ dầu gì cũng là một sự dối trá. Chúng ta cũng có thể nói dối bằng ngôn ngữ của thân. Đôi khi một cái nhún vai hay nhíu mày có thể bị lầm hiểu là "Tôi không biết", nhưng nếu bạn thực sự biết, thì cái nhún vai của bạn là một sự lừa dối.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp, khi sự thật cần phải được giữ kín vì nếu nói ra có thể làm hại người khác. Trong những trường hợp như thế, chúng ta phải đợi đến lúc thích hợp để nói lời thích hợp cho người thích hợp. Chính Đức Phật cũng thường giữ yên lặng khi câu trả lời của Ngài có thể làm tổn hại đến ai đó. Có lần một người đã tham vấn với Đức Phật rằng có đời sống sau khi chết không. Đức Phật chỉ ngồi giữ im lặng cho đến khi người kia bỏ cuộc và đi nơi khác. Sau đó, Ananda, thị giả của Ngài, thưa hỏi vì sao Phật không trả lời. Đức Phật giải thích rằng bất cứ câu trả lời nào cũng sẽ khiến người kia đau khổ. Nếu Ngài trả lời rằng có một đời sống sau khi chết, Đức Phật biết rằng người đó sẽ suy luận rằng có một bản ngã hiện hữu bất diệt, là một tri thức sai lầm đưa đến khổ đau. Nhưng nếu Ngài trả lời rằng không, người kia cũng sẽ phát triển một sự hiểu lầm khác, khi nghĩ rằng, "Nếu thế thì tôi sẽ không còn tái sinh nữa!" và sẽ đau khổ vô cùng vì điều đó. Để tránh làm người đó đau khổ, Đức Phật quyết định giữ im lặng.
Đức Phật đã đặt ra những quy ước theo đó mà Ngài quyết định là sẽ trả lời hay giữ yên lặng. Nếu Ngài biết điều gì đó không đúng, sai sự thật, hay không ích lợi, thì Ngài sẽ không nói điều đó. "Những lời như thế [Đức Phật] không nói". Nếu Ngài biết một điều gì đó là đúng, là có thật, là ích lợi, thì "[Đức Phật] biết lúc để sử dụng lời nói.” Nếu lời nói của Ngài là đúng, là sự thật, có ích lợi, và đúng thời điểm, thì Đức Phật sẽ nói dầu rằng những lời của Ngài sẽ "bị người khác chống đối hay không đồng ý,” hay “được người khác tiếp nhận và đồng ý.” (M 58) Với lòng bi mẫn sâu xa và chú tâm hoàn toàn đến lợi ích của người, Đức Phật chẳng bao giờ nói để “làm vừa lòng người khác." Chúng ta có thể học rất nhiều từ đức hạnh của Ngài.
Khi tôi định nói những lời không đúng theo quy ước của Đức Phật, tôi tự nhắc nhở rằng nếu mở lời, tôi không được ích lợi gì, mà cũng không ai được gì, hay mất gì bởi sự im lặng của tôi. Thí dụ, tôi đang trao đổi với bạn bè, một trong những người đó làm chủ câu chuyện. Tôi cũng có điều để nói và cảm thấy mất kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng tôi quán tưởng những điều tôi muốn nói và biết rằng chúng đúng đối với các sự kiện đã qua, đúng đối với các dữ liệu đang có và chúng sẽ ích lợi cho người nghe. Tuy nhiên, nếu tôi nói ra ngay lập tức, tôi sẽ xúc phạm người đang nói. Như thế là không đúng thời điểm, nên tôi lại tự nhủ rằng tôi sẽ không được lợi ích gì nếu nói không đúng thời điểm, mà cũng không có ai được ích lợi, hay mất mát gì bởi sự im lặng của tôi. Tôi có thể nói những gì cần nói ở lúc khác.
LỜI NÓI KHÔNG PHẢI LÀ VŨ KHÍ
Tính chất thứ hai của Chánh Ngữ là tránh nói thâm độc (tà ngữ). Như một câu nói dân gian đã dạy rằng: "Lưỡi là một vũ khí không có xương bị dính giữa hai hàm răng.” Khi chúng ta nói lời cay độc, lưỡi tuôn ra những gươm đao. Những lời đó sẽ khiến người ta mất danh dự, mất uy tín. Dầu điều mà chúng ta nói về ai đó đúng sự thật, nhưng nếu mục đích nói là để gây tổn hại cho người đó, thì là thâm độc.
Đức Phật định nghĩa tà ngữ là những lời nói sẽ cắt đứt tình bằng hữu giữa hai người. Đây là một thí dụ: Giả dụ trong một chuyến đi tôi gặp một người quen của bạn tôi, đang sống ở xa. Tôi nhớ rằng vài tháng trước đó, bạn tôi đã kể một câu chuyện chẳng hay ho gì về người này. Tôi có thể không nhớ hoàn toàn câu chuyện, nên đã thêm thắt một ít khi lặp lại câu chuyện. Tôi còn làm cho nó có vẻ như tôi đang giúp người đó biết rằng bạn tôi đã nói sau lưng anh ta. Người nghe đó phản ứng một cách nóng nảy. Khi về, tôi lặp lại những lời nói của người đó với bạn tôi, lại thêm thắt một chút để câu chuyện hấp dẫn hơn. Vì việc làm đó gây ra sự bất đồng và đổ vỡ một tình bạn, thì những lời nói như thế là tà ngữ.
Đôi khi chúng ta ngụy trang tà ngữ như là sự lo lắng, quan tâm về hành động của người khác. Hay chúng ta tiết lộ một bí mật mà ai đó đã tin tưởng nói cho ta nghe, tin rằng ta làm như thế "là vì lợi ích của họ." Thí dụ, nói với một phụ nữ rằng chồng bà không trung thành vì "bạn không muốn bà ấy là người cuối cùng khám phá ra", có thể gây ra nhiều đau khổ hơn cho tất cả mọi người liên quan. Khi bạn định nói trong cách đó, hãy tự hỏi xem mục đích của bạn là gì. Nếu là để tỏ ra hơn người khác, để được ai đó mang ơn, cảm kích, thì lời nói của bạn là để thỏa mãn tự ngã và thâm độc hơn là đạo đức.
Lời nói ở nơi công cộng cũng có thể thâm độc như thế. Những tờ báo lá cải, các chương trình truyền thanh trực tuyến hay các phòng chat (nói chuyện) trên internet, và ngay cả một số những phương tiện truyền thông đáng tin cậy dường như đều kiếm sống bằng cách sử dụng lời nói, ngôn ngữ như là một vũ khí. Thí dụ những tin tức nóng hổi về những điều mới xảy ra trong tuần là nhắm đến việc làm tăng thêm số lượng độc giả và số tiền quảng cáo. Những lời thâm độc sẽ hạ người này xuống để tâng bốc người kia lên. Chúng khiến người nói này có vẻ bản lĩnh, thông minh, hay chịu chơi không kể gì đến quyền lợi của người khác.
Không phải tất cả các tà ngữ đều thô tục. Đôi khi người ta sử dụng những lời có vẻ dịu dàng, êm ái nhưng mà ý thì thâm độc. Những lời nói gươm giáo nguỵ trang như thế thì còn nguy hiểm hơn là những lời ác độc bộc trực vì chúng dễ đi sâu vào tâm trí người nghe. Trong ngôn ngữ hiện đại, chúng ta gọi cách nói đó là "lời khen đâm sau lưng.” Thí dụ như khi chúng ta nói với ai đó, “Bạn thiệt là khôn ngoan khi sửa lại nhà cũ thay vì dọn đến một khu dân cư sang trọng hơn,” hay “Tóc bạn bạc trông đẹp quá. Vẻ già dặn thật thích hợp với nghề nghiệp của bạn." Chánh Ngữ không chỉ có nghĩa là ta phải quan tâm đến những lời nói, giọng nói mà còn đòi hỏi rằng lời nói của ta phản ảnh lòng bi mẫn và sự quan tâm đối với người khác và rằng chúng hỗ trợ, chữa lành hơn là gây thương tích và hủy diệt.
LỜI NÓI HÒA NHÃ
Loại tà ngữ thứ ba là lời cộc cằn, thô lỗ. Xúc phạm bằng lời nói, nói cay độc, xiên xỏ, nói lời kiêu căng, chỉ trích nặng lời hay chửi rủa thậm tệ, tất cả đều là thí dụ của lời nói cộc cằn, thô lỗ.
Lời nói là một công cụ đầy quyền lực có thể được dùng cho việc tốt hay việc xấu. Đức Phật đã so sánh lời nói với một cái búa:
Mỗi người sinh ra đời
được sinh ra với cái búa trong miệng.
Kẻ ngu dùng những lời thô tục
là tự làm mình và người khác bị thương
bằng cái búa đó.
(Sn 657)

Có lẽ chúng ta chỉ nghĩ đến cái búa như một dụng cụ để chặt củi đốt. Nhưng trong thời Đức Phật, cái búa là một dụng cụ sắc bén, và hiểm nguy. Nó được dùng để xẻ các thân gỗ dài, để chạm khắc, đục gỗ rất chính xác. Nó có thể đốn hạ cây cao. Và nó là một vũ khí nguy hiểm, một phương tiện ghê gớm có thể làm thương tật hay sát hại người. Có thể so sánh tương tự với chiếc máy vi tính ở thời hiện đại. Máy vi tính có thể dùng để làm nhiều việc hữu ích -để trao đổi xuyên lục địa, tạo ra âm nhạc, hay phóng hỏa tiển lên hành tinh Mars. Nhưng chúng cũng được sử dụng cho mục đích phá hoại. Người ta dùng vi tính để bắn tên lủa và điều khiển các loại vũ khí khác trong chiến tranh.
Giống như khi phải chọn lựa sử dụng khả năng của chiếc búa hay máy vi tính như thế nào, chúng ta cũng phải chọn lựa sẽ sử dụng lời nói như thế nào. Ta có dùng lời nói để cảnh tĩnh, an ủi, khuyến khích người khác không? Hay là ta sẽ dùng lời nói để hạ gục họ, và làm thương tổn bản thân trong quá trình đó? Lời nói xiên xỏ, đồn đại ác ý, nói dối, hay những câu nói đùa thô tục, vô tâm không chỉ xúc phạm người khác mà cũng khiến cho bản thân ta giống như những kẻ ngu không thể sử dụng cái búa trong miệng mà không tự làm chảy máu bản thân.
Chúng ta cũng là kẻ khờ nếu nghĩ rằng lời nói cộc cằn, thô lỗ có thể làm được việc gì một cách tích cực. Dầu ta có thể cảm thấy rất hài lòng khi hạ được người nào -cho họ biết tay ta– nhưng đó không phải là một chiến thắng tốt đẹp gì. Như Đức Phật đã dạy:
Kẻ ngu nghĩ rằng mình đã thắng
với những lời nói cộc cằn thô lỗ.
Nhưng biết làm thế nào để tự kiềm chế
Chỉ việc đó đã là chiến thắng. (SI.7.1 [3])
Dùng lời thô lỗ, xúc phạm để khiến người khác phải im lặng là việc dễ dàng. Một người đối đầu khôn ngoan thường sẽ rút lui khỏi một sự chạm trán như thế và phản ứng lại bằng sự im lặng lạnh lùng. Ta có thể tự khen mình và nghĩ, tôi đã thực sự dạy chó hắn một bài học -hắn ta im ngay khi nghe nói. Nhưng sự chiến thắng bên ngoài đó của ta rất nông cạn. Người đối đầu với ta có thể đã thề chẳng bao giờ giao tiếp với ta nữa, hay thề sẽ bí mật trả thù ta một lúc nào đó trong tương lai. Ác tâm và những khổ thọ mà ta tạo ra cho người, sẽ dội trở lại và ta sẽ hứng chịu hậu quả lúc không ngờ nhất.
Không khó tìm ra các thí dụ khác về những ảnh hưởng tiêu cực của lời nói thô lỗ. Thí dụ bạn có một đồng nghiệp rất giỏi, rất thông minh về kỹ thuật, nhưng cách ăn nói của anh ta có nhiều vấn đề. Anh ta gây hiềm khích với các bạn đồng nghiệp vì những lời thô lỗ, cộc cằn, cao ngạo, cay độc, và miệt thị. Vì thế, dầu công việc anh ta làm rất tốt, không ai có thể chịu đựng nổi anh, kết quả là anh không có đường tiến thân.
Một thí dụ khác đáng buồn hơn là ảnh hưởng tiêu cực của lời nói thô lỗ, cộc cằn đối với trẻ em. Chúng ta ai chẳng từng nghe các bậc cha mẹ nói với con cái mình, "Mày thiệt là nhục," "Mày không thể làm gì đúng,” “Mày sẽ không làm nên tích sự gì." Có thể chúng ta cũng nhớ đã từng bị nói như thế khi còn nhỏ. Sự xúc phạm bằng lời nói có thể để lại những vết thương không bao giờ lành trong tâm hồn đứa trẻ. Dĩ nhiên, đôi khi cha mẹ cũng phải dùng lời lẽ cứng rắn với con cái để chúng không làm những chuyện nguy hiểm, như là chơi với diêm quẹt hay chạy chơi ngoài đường. Nhưng những lời nói cứng rắn đó phát xuất từ tình thương, lòng lo lắng, chứ không phải bằng chủ ý muốn hạ nhục hay hăm doạ.
Ngay chính thú vật cũng bị ảnh hưởng bởi những lời cộc cằn. Cháu trai tôi có một con chó Alaska, tên là Taurus. Taurus rất tò mò về những con thú nò thấy trên ti vi. Nó còn định cắn chúng nữa. Vì quá bự, nên khi Taurus bị cuốn hút bởi cái gì nó thấy trên màn hình, là nó đứng che khuất tầm nhìn của người ngồi sau nó. Bữa nọ, một người la lên, bảo Taurus tránh qua một bên. Giọng nói của người đó rất bực dọc, nghiêm khắc. Taurus phản ứng lại bằng cách bỏ đi xuống tầng hầm dưới nhà. Nó ở đó suốt tuần, không chịu ra, ngay cả để ăn. Thỉnh thỏang nó chạy ra ngoài để giải quyết các vấn đề khác, rồi chạy ngay xuống đó. Cuối cùng, gia đình phải năn nỉ nó, dùng những lời nhẹ nhàng, êm ái thì Taurus mới trở lên với họ.
Những lời nhẹ nhàng của gia đình cháu tôi đã giúp họ tìm lại được sự thân thiện của con chó mà họ yêu quí. Lời tử tế, như Đức Phật đã dạy, luôn thích hợp và được hoan nghênh:
Hãy nói lời tử tế
những lời làm người ta vui vẻ đón nhận,
những lời không ác ý với ai;
hãy luôn nói lời từ ái với người khác.
(Sn 452 [do Thượng Tọa S. Dhammika dịch])

Nói với ai đó, “Tôi thực sự cảm kích những việc bạn làm," "Bạn đã giải quyết vấn đề đó thật tốt đẹp,” hay “Thật vui được gặp anh”. Những lời nói đó sẽ làm ấm lòng người nói cũng như người nghe. Lời nói dịu dàng là mật ngọt trên môi. Bày tỏ sự thán phục hay biết ơn sẽ khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn. Chúng giúp ta tạo ra và giữ được tình bằng hữu, vì ai cũng muốn liên hệ với người mà lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng khiến người nghe cảm thấy thư thái, dễ chịu. Lời nhẹ nhàng, dịu dàng giúp trẻ em trưởng thành với cảm giác tự tin về giá trị bản thân. Những lời nói như thế cũng giúp ta dễ học hỏi và tri ân giáo lý của Đức Phật.
Nếu ta nói lời tử tế, khôn ngoan, thì hạnh phúc mà tacó thể ban trải cho người chung quanh trở nên vô hạn.
Nhưng hãy cẩn trọng: lời dịu dàng, tử tế phải thành thật và phát xuất từ một mục đích cao thượng. Nói lời nhẹ nhàng, êm ái trong khi suy nghĩ hay làm điều ngược lại là giả dối, không phải là một đức hạnh. Tất cả chúng ta đều biết có những vị lãnh đạo tôn giáo dùng lời ngọt bùi để truyền bá sự sợ hãi hay kêu dụ người ta gởi tiền đến cho tổ chức của họ. Tôi còn nhớ có một người Tích Lan đã đi khắp xứ tuyên truyền chống lại sự độc hại của rượu. Nhờ vào tài ăn nói đó, người này đã được nổi tiếng, có quyền lực và được nhiều người biết đến, lôi kéo được nhiều đám đông tin theo. Ông ta hô hào chiến dịch để đóng cửa các quán bar, hủy bỏ các quán rượu, và cấm bán rượu. Vào một ngày hè nóng nực, trong lúc đang diễn thuyết một cách hùng hồn, người kia cởi áo vest ra một cách vội vả. Một chai rượu nhỏ từ trong túi áo của ông rớt ra và rơi xuống sàn sân khấu. Thế là chấm dứt chương trình kêu gọi cấm uống rượu, và cũng chấm dứt luôn sự nghiệp chính trị của ông. Mặc dầu những gì người đó nói về sự độc hại của rượu là đúng, nhưng một khi người nghe thấy được sự giả dối của ông, họ không còn muốn nghe ông nữa.
TRÁNH NÓI CHUYỆN PHÙ PHIẾM
Loại tà ngữ thứ tư là nói chuyện phù phiếm, mà Đức Phật gọi là những lời nói vô nghĩa hay u mê.
Nói sau lưng người (gossip) là tà ngữ, không cần biết những gì chúng ta nói về người đó có đúng hay không. Suy cho cùng nếu ba người kể một câu chuyện với một người thứ tư, thì mỗi câu chuyện lại khác nhau. Bản tánh con người thường tin vào bất cứ điều gì chúng ta nghe trước, dầu đó có thể chỉ phản ảnh quan điểm của một người. Những điều nói đó có thể dựa trên sự thật, nhưng lời nói sau lưng thường được phóng đại, thêm thắt.
Nói sau lưng thường dẫn đến tranh cãi và hiểu lầm. Nó có thể làm tan vỡ những mối liên hệ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, nó có thể đưa đến khiếu kiện vì đã mạ lỵ hay làm mất danh tiếng người khác. Vào thời Đức Phật, hành động này còn có thể lật đổ cả một liên bang:
Dân tộc Licchavi là một bộ tộc độc lập, kiêu hãnh, một trong những thành viên có quyền lực và quan trọng nhất của một liên bang hùng cường của tám dòng tộc. Thủ đô của họ là thủ đô của liên bang. Vua Ajatasattu, một vị đế vương đầy tham vọng, người ủng hộ của vị tà sư Bồ Đề Đạt Đa, dự định sẽ xâm chiếm và đánh bại dân tộc Licchavi. Tuy nhiên, vị vua này cũng tham khảo ý kiến của Đức Phật về dự định xâm chiếm này. Đức Phật nói dân tộc Licchavi sống rất hòa hợp, và khuyên nhà vua, "Ngài không thể xâm lấn, chế ngự họ khi họ còn biết đoàn kết và hòa hợp với nhau." Nhà vua hoãn lại việc xâm lăng và suy nghĩ về lời của Phật.
Sau đó vua Ajatasattu nghĩ ra một kế đơn giản nhưng ác độc. Nhà vua truyền cho vị thủ tướng của mình nói nhỏ điều gì đó vào tai của một người Licchavi. Vị quan này đến gặp một người Licchavi và nói nhỏ một cách bí mật, "Có lúa trên ruộng đồng.” Đó chỉ là một câu nói vô nghĩa, tầm thường. Ai cũng biết lúa có thể được tìm thấy ngoài đồng ruộng.
Nhưng khi thấy hai người thầm thì, một người Licchavi khác bắt đầu suy đoán không biết thủ tướng của vua Ajatasattu đã nói gì với bạn mình. Nên anh ta đến hỏi, thì người kia lặp lại câu nói là có lúa ngoài ruộng. Nghe vậy, người Licchavi thứ hai đã nghĩ, "Anh ta đang giấu sự thật. Anh ta không tin tôi. Anh ta tự đặt ra câu nói xuẫn ngốc về ruộng lúa để lừa dối ta.” Mang đầy nghi ngờ trong lòng, người này lại đến nói với một người Licchavi khác nữa rằng có người đã thầm thì với vị thủ tướng của vua Ajatasattu. Người đó lại kể cho người khác nữa nghe, và cứ thế, cho đến khi mọi người tin rằng người đàn ông kia là gián điệp và đã có một hội kín được bí mật thành lập trong cộng đồng của họ.
Vậy là hòa bình tan vỡ. Người Licchavi kết tội lẫn nhau, rồi sinh ra tranh cãi, và chiến tranh bùng nổ giữa các gia đình lãnh đạo trong liên bang. Nhận thấy kẻ thù của mình đang mất đoàn kết, vua Ajatasattu khởi quân xâm lấn dân tộc Licchavi, và đã thắng trận dễ dàng. Sau đó, nhà vua lại tiếp tục xâm chiếm những bộ tộc còn lại.
Tôi không cần nghe những câu chuyện như thế mới biết rằng lời nói sau lưng người nguy hiểm thế nào. Chính bản thân tôi đã kinh nghiệm được điều đó. Hình như bất cứ khi nào có ai đó cố gắng làm điều gì tốt cho xã hội, thì là có người cảm thấy phải chống lại sự nỗ lực đó. Có thể họ cảm thấy bất an hay ganh tỵ với sự thành công của người khác. Loan tin đồn là vũ khí của họ. Họ không phải ra mặt và đưa ra bằng chứng gì. Họ chỉ cần thầm thì những điều tai hại, rồi dựa vào sự sẳn lòng tham gia của người khác vào những câu chuyện vô ý thức để hoàn thành việc làm xấu xa của họ.
Lần đầu tiên khi chúng tôi cố gắng gây quỹ để xây dựng trung tâm thiền, có người đã loan tin đồn về hội Bhavana. Họ nói rằng tôi lợi dụng các ân nhân, dự định sử dụng nguồn kinh phí mà chúng tôi đã kêu gọi được để bắt đầu một cuộc kinh doanh mờ ám kiếm lợi. Những lá thư nặc danh được gởi đến những người có vai trò quan trọng, bảo họ đừng nên đóng góp. Những tin đồn đó được tạo dựng với ác ý, nhưng chúng lại được loan truyền bởi những người không biết sự thật. Cộng đồng Phật giáo nơi tôi sống, lúc ban đầu đã tỏ ra rất sốt sắng, sau đó trở nên lung lay chia rẽ. May mắn thay những người chống đối sự xây dựng của hội Bhavana không tìm được bằng chứng thực sự nào để phóng đại lên, nếu không họ đã hoàn toàn phá hoại được nỗ lực của chúng tôi.
Khi nào người ta còn sẵn lòng tin vào những gì người khác nói và lặp lại những điều đó một cách vô tâm, thì tin đồn sẽ còn loan truyền. Một lần kia một thành viên người Mỹ trong Ban điều hành của hội Bhavana đến Tích Lan. Khi ở đó, ông đã gia nhập một nhóm những người hành thiền đến từ nhiều xứ sở khác nhau, họ đã nói về các trung tâm thiền ở khắp nơi. Có người nhắc đến Hội Bhavana trong buổi họp mặt đó, và một phụ nữ đã tuyên bố, "Ồ! Đó là trung tâm mỗi tối đều có tiệc trà!" Khi vị thành viên trong Ban điều hành của chúng tôi phản đối, thì bà ta nhất quyết là bà đã nói sự thật. Cuối cùng, vị thành viên phải nói, "Tôi đã biết Sư Gunaratana từ 1971, và đã tham gia vào việc thành lập Hội Bhavana từ những ngày bắt đầu. Tôi biết chắc không hề có tiệc trà gì ở đó cả.” Nếu không có người biết chuyện có mặt, thì đã không có ai có thể phải bác lại lời tuyên bố của người phụ nữ kia. có thể người khác lại còn thêm thắt nhiều điều không đúng sự thật và tai hại hơn nữa. Đó là cách mà tin đồn được tạo ra và nócó thể làm tổn hại đến cá nhân cũng như các tổ chức như thế nào. Nếu chúng ta nghe ai đó tung tin đồn hay thông tin tai hại, ta có hai chọn lựa: hoặc là ta chấm dứt câu chuyện hay là ta không tán đồng với tin đồn thất thiệt, như vị thành viên trong ban diều hành của chúng tôi đã làm.
Nhưng trong lời dạy của Đức Phật khuyên ta nên kiềm chế việc nói xấu, còn có khía cạnh sâu xa, mới mẻ hơn. Phần đông chúng ta bỏ nhiều thì giờ nói về những món ta đã ăn mấy ngày hay mấy tháng trước đó, hay nhớ đến những chi tiết trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình nhảm nhí nào đó mà ta đã xem. Chúng ta còn hoang phí thời gian để nói những câu chuyện chọc cười thiên hạ. Những câu chuyện này chẳng ích lợi gì cho sự phát triển trí tuệ của ta. Khi ta nghĩ đến cuộc sống ngắn ngủi thế nào và chúng bị cướp mất đi do tai nạn, bệnh hoạn, thì ta có thực sự muốn lãng phí thời gian quí báu bằng những cuộc chuyện trò phù phiếm không?
Cũng đúng là có những câu chuyện dường như không quan trọng hay vô bỗ nhưng thực ra chúng được nói với một mục đích quan trọng. Đôi khi chúng ta phải dùng những lời nhẹ nhàng vô nghĩa để an ủi ai đó hay để nối kết tình thâm với con cái. Tất cả những lời nói chánh niệm xuất phát từ tình thương yêu và lòng bi mẫn đều là một phần được chấp nhận của Chánh Ngữ. Phương cách để xét đoán là dừng lại và tự hỏi mình trước khi nói: "Điều tôi sắp nói có đúng sự thật không? Có tử tế không? Có ích lợi không? Có hại cho ai không? Đây có phải là thời điểm để nói ra điều ấy không?”
CHÁNH NIỆM VỀ CHÁNH NGỮ
Chánh Ngữ không phải là điều mà bạn có thể thực hành trên gối thiền. Nó xảy ra trong khi trò chuyện, không phải lúc lặng thinh. Tuy nhiên trong lúc ngồi thiền, ta có thể quán tưởng đến thói quen ăn nói của mình và cố gắng chuyển hóa các tâm pháp bất thiện thành các tâm pháp thiện – xuất phát từ tâm xả, tình thương yêu và lòng bi mẫn. Ta có thể phân tích những hành động trong quá khứ và tự hỏi: "Những điều tôi nói hôm qua có đúng không? Tôi có dùng lời tử tế, dịu dàng, chân thật và có ý nghĩa không?" Nếu nhận thấy rằng mình đã sai trên một khía cạnh nào đó, ta phải nguyện hoàn thiện tâm chánh niệm về Chánh ngữ.
Cách tốt nhất là suy nghĩ trước khi nói. Người ta thường nói, "Hãy giữ miệng!" Nhưng đúng hơn là phải giữ tâm bạn. Miệng lưỡi không thể tự động làm được gì. Chính là tâm điều khiển nó. Trước khi mở miệng, hãy quán sát lại tâm xem động lực hành động có thiện không. Ta sẽ phải ăn năn hối hận nếu có lời nào xuất phát từ tâm tham, sân, hay si.
Ngoài ra cũng phải quyết tâm mạnh mẽ là không nói bất cứ điều gì để có thể tổn thương người khác. Chắc chắn rằng tâm nguyện này sẽ giúp ta suy nghĩ cẩn thận trước khi nói. Khi nói với tâm chánh niệm, tự động ta sẽ nói lời chân thật, dịu dàng, êm ái. Chánh niệm sẽ giúp ta kiềm chế không sử dụng những lời nói như gươm đao có thể làm người ta đau đến tận xương tủy. Nếu tác ý muốn nói lời ác độc khởi lên, thì lập tức dùng chánh niệm và Chánh Tinh Tấn để ngăn cản các tư tưởng đó không kéo dài.
Lời nguyện không làm tổn thương người khác bằng lời nói trở nên đặc biệt quan trọng khi phải nói với người mà bạn ác cảm, hay khi tranh luận về những vấn đề mà bạn ủng hộ mạnh mẽ. Hãy cẩn thận! Chỉ sử dụng những lời dịu dàng, được chọn lựa kỹ càng. Trong những trường hợp đó, lời nói nhẹ nhàng, êm dịu giúp ta giữ được hòa khí và giúp cho sự trao đổi, thảo luận được tiếp tục trong bầu không khí thân thiện, mang lại ích lợi cho mọi người.
Nếu có ai đến bên bạn với thái độ giận dữ -cằn nhằn hay nói xấu về một trong những người bạn của mình, thí dụ như thế- khiến bạn cảm thấy bực tức, thì tốt nhất là đừng nói gì. Hãy tự thầm nhắc nhở, "Ta không được có phản ứng. Ta không nên đánh mất chánh niệm như người kia. Tranh cãi chẳng ích lợi gì. Tôi quyết chỉ tham gia vào những câu chuyện có ích." Người kia sẽ phản ứng lại sự im lặng của bạn bằng cách ngưng nói những điều làm bạn bực mình. Bạn có thể nhân đó, hướng câu chuyện đến một đề tài tốt hơn.
Thật ra, là người Phật tử thì ngay giây phút ta biết câu chuyện bế tắt, không đi đến đâu, ta phải có trách nhiệm để chuyển hướng nó. Thật dễ bị quá đà với những cuộc tranh cãi chuyện tình cảm, đưa đến la hét. Những cuộc cãi vã, la lối đều khiến mọi người trong cuộc đau khổ. Với tâm chánh niệm hãy hồi tưởng lại bạn đã cảm thấy đau đớn thế nào khi mất tự chủ. Hãy nhớ rằng sau đó có thể phải mất nhiều giờ hay nhiều ngày trước khi ta đủ bình tĩnh trở lại để nói chuyện với người kia. Rất nhiều tình cảm tốt đẹp sẽ bị đánh mất, có thể là vĩnh viễn.
Tuy nhiên, nhiều khi dầu ta đã cố gắng hết sức, ta vẫn phải nỗi giận. Nếu người kia tiếp tục khiêu khích bạn, tấn công bạn bằng những lời nói gươm đao, bạn có thể trở nên hoàn toàn mất tự chủ. Lúc đó thật dễ nỗi giận. Khi bạn nhận thấy sự bực tức của mình đang tăng trưởng, hãy nói "Đợi đã!" với người kia, với hy vọng sẽ tìm được một giây phút để lắng lòng. Nhưng nếu người kia trả lời rằng "Không, anh mới phải đợi đã!" và tiếp tục tấn công – thì phải làm sao?
Trong những trường hợp này, khi cuộc đối thoại đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát, nhiệm vụ của ta là phải nhanh chóng đem chánh niệm trở lại và sử dụng Chánh Tinh Tấn để chế ngự cơn giận. Ngay nếu như cảm giác giận dữ khiến tim ta đập nhanh, thân xuất mồ hôi, và tay chân run rẩy, sự chánh niệm về lời nguyện tránh nói lời thô lỗ, cũng có thể giúp ta kiềm chế được mình. Chỉ cần không để cơn giận khiến ta phải nói gì. Chú tâm vào hơi thở để tái lập chánh niệm cho tới khi cơn giận của ta hạ xuống.
Sự tự kiếm chế giúp cả hai, ta và người kia, một cơ hội để mở lòng thân thiện. Khi lòng ta đã lắng dịu, ta có thể nhìn thấy người kia rõ ràng hơn và sẽ hiểu tại sao cả hai đều bực tức. Lúc ấy ta cũng đã biết một trạng thái tâm giận dữ khiến ta khó chịu đến chừng nào. Khi sự quan tâm và tôn trọng đối với người tăng lên, ta có thể quyết định sử dụng giây phút đó để bắt đầu một quan hệ mới trong sự tôn trọng, thương mến nhau hơn, để củng cố tình bằng hữu giữa ta và người. Đó là những gì ta nên luôn mong muốn làm được.
Khi nhận thấy rằng ta đã rèn được tâm và kiềm chế được lời nói để chuyển tình thế thành hòa hợp hơn, hãy vui mừng về điều đó! Hãy tự nhủ, "Đây là điều tôi muốn. Tôi luôn muốn hành động thế nào để đem đến những điều tốt đẹp.” Hãy luôn giữ trong tâm những suy nghĩ đó.
Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện khi bản thân tôi phải sử dụng chánh niệm để thực hành Chánh Ngữ. Có thể kinh nghiệm của tôi sẽ giúp bạn biết phải làm thế nào để áp dụng tâm chánh niệm vào những hoàn cảnh trong cuộc đời bạn -ở sở làm, ở nhà, và trong những mối liên hệ cá nhân.
Nhiều năm về trước, khi tôi đang điều hành một ngôi chùa, một số người đã kêu gọi một buổi họp các vị ân nhân hỗ trợ chùa lại. Họ chống đối một số công trình tôi đã khởi xướng và muốn dùng diễn đàn này để bày tỏ sự bực tức của họ. Một số trong những người này phản ứng rất mạnh về các vấn đề được thảo luận. Họ đã được sanh vào những gia đình Phật giáo, nhưng họ không quan tâm đến thiền. Thực ra họ coi việc hành thiền là một điều điên rồ. Vì thế họ không thể hiểu việc làm của tôi. Tôi cũng biết trong buổi họp này mình sẽ là người được chỉa mũi dùi đến, nhưng những gì xảy ra còn tệ hơn bất cứ điều gì người ta có thể tưởng tượng đến.
Có khoảng bốn mươi người dự buổi họp, bao gồm nhiều thân quyến, bạn bè của tôi và những Phật tử khác đến để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các Phật sự của tôi. Trước khi cuộc họp có thể được chính thức bắt đầu, ngay cả trước khi có sự giới thiệu nào, một người đàn ông cục mịt đứng dậy và bắt đầu nói. Người này ít học, không khéo léo, lại có khuynh hướng sử dụng lời thô lỗ. Anh ta không nói gì nhiều về những vấn đề trong chùa đang được thảo luận, nhưng nói rất nhiều thứ về cá nhân tôi. Với những lời nói thiếu lịch sự, và lễ độ, ông ta kết tội rằng tôi đã không làm gì cho chùa bao năm nay, rằng tôi khiến người ta không còn hỗ trợ cho chùa, vân vân. Ông ta dùng những ngôn từ xúc phạm, khó được chấp nhận trong xã hội để tấn công tôi trong suốt hai mươi phút.
Trong suốt cuộc tấn công bằng những lời lẽ gây sốc đó, tôi phải đấu tranh với chính mình. Tôi phải tự lý giải với bản thân để cản ngăn sự tức giận có thể phát khởi. Tôi có thể thấy rằng người đàn ông này đang ở trong trạng thái tâm bấn loạn, và tôi đã tự nhủ, "Tôi biết người này có bản chất hiền lành. Chúng tôi đã từng có những liên hệ tốt đẹp. Chắc chắn là ông ta đã bị những người chống đối tôi đầu độc để nói năng như thế.” Tôi cũng quán chiếu rằng tôi đã có nhiều cơ hội để phát triển tâm linh và văn hóa mà người kia thiếu sót. Tôi nhớ lại rằng ông ta chỉ có học vấn tiểu học, rất ít khả năng và cũng ít quan tâm đến sự rèn luyện tâm linh. Bằng cách đó, tôi đã cố gắng trải tâm từ bi đến cho ông và cũng đầy lòng biết ơn rằng nhờ công phu tu tập khiến tôi khó lòng nói năng hay hành động giống như ông ta đang làm.
Tôi cũng quán chiếu về nội dung của vấn đề đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng nếu tôi mở lời chống đối lại ông, thì những người ủng hộ tôi sẽ đứng lên bênh vực tôi, và buổi họp có thể sẽ biến thành một cuộc ấu đả lẫn nhau. Tôi thấy nhiều người trợn mắt lên, cau có nhìn người kia và nhấp nhỏm trên ghế ngồi. Tôi cảm nhận được sự đau lòng của họ, đặc biệt là thân quyến tôi. Tôi là bậc trưởng bối trong gia đình – là người anh, cậu, ông chú, và ông cố - và tôi được tiếng là một vị tu sĩ hiền từ. Dĩ nhiên, gia đình tôi rất thương xót và cảm thấy phải bảo vệ tôi. Tôi biết rằng nếu tôi tỏ vẻ bị tổn thương hay bực tức bởi những gì người này nói, người thân của tôi sẽ khởi tâm sân hận cũng như những trạng thái tâm bất thiện khác. Họ còn có thể tấn công người đàn ông này. Vì thế tôi tự nhủ: "Giờ tôi phải thực hành chánh niệm, kiên nhẫn và hiểu biết để mang hòa bình đến cho buổi họp này."
Tôi thiết lập chánh niệm bằng cách chú tâm vào hơi thở. Khi những sự đối đầu như thế này xảy ra, điều quan trọng là ta cần dừng lại và hít thở sâu trước khi phản ứng – có lẽ hai phút hít thở sâu, hoặc là ba mươi cái hít vào và ba mươi cái thở ra. Sự dừng lại này cho ta thời gian để bình tĩnh lại và thanh tịnh tâm, để ta có thể nói một cách từ tốn, thay vì nỗi nóng.
Cuối cùng, người đàn ông hình như đã dốc hết nỗi long nên ngưng nói. Mọi người đều căng thẳng. Tất cả đều hướng về tôi. Bằng một giọng nhẹ nhàng tôi nói, "Người này đã từng là bạn của tôi. Ông là một thí chủ luôn hỗ trợ cho chùa, đã làm được nhiều việc tốt và ích lợi. Ông ấy cũng biết tôi đã làm gì suốt bao năm nay cho chùa. Tuy nhiên hôm nay, ông ấy hình như thất vọng, bực tức, và có thể không cảm thấy bình tĩnh. Do đó tôi cảm thấy cần cầu an cho ông và cho tất cả mọi người."
Tôi yêu cầu tất cả chấp tay cầu nguyện để tỏ lòng kính trọng Đức Phật bằng cách nói ba lần, “Chúng con đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc chánh đẳng chánh giác, bậc hoàn toàn giác ngộ." Đó là cách chúng tôi thường làm khi bắt đầu các nghi lễ nghiêm trang. Từ lúc đó, do uy lực của truyền thống, không ai còn có thể mở lời tranh cãi hay bày tỏ bất cứ ý kiến chống đối nào nữa, vì không muốn tỏ ra bất kính đối với Đức Phật. Rồi tôi hướng dẫn cả nhóm thọ năm giới, để phấn khích tinh thần họ lên và để chắc rằng mọi người đều nhớ đến những lời Phật dạy về hành động không tổn hại, chân thật. Cuối cùng, tôi tụng một bài kinh cầu an dài, và khi chấm dứt, tôi nói, "Giờ thì các bạn có thể về nhà. Cuộc họp đã chấm dứt." Và đó là kết thúc của câu chuyện. Nhiều năm sau, người đàn ông đó vẫn giữ thái độ lạnh lùng đối với tôi, nhưng sau này tôi có cơ hội giúp đỡ ông khi ông trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong đời. Từ đó đến nay, ông ta vẫn thân thiện với tôi và luôn bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng.
Chánh niệm chính là chìa khóa giúp tôi đối phó một cách êm thấm với hoàn cảnh khó khăn đó. Bạn cũng có thể dùng phương pháp này. Đôi khi tôi nghe người ta biện minh rằng sự việc xảy ra quá nhanh đến nỗi “ngay với tâm chánh niệm”, họ cũng không thể kiểm soát được hành động hay lời nói của họ. Nói rằng “ngay với tâm chánh niệm” mà vẫn hành động như thế là không đúng. Có lẽ tâm chánh niệm của họ quá yếu hay đã bị chế ngự bởi lòng tham, sân, hay si. Vì theo định nghĩa, chánh niệm giúp ta kiểm soát những gì ta nghĩ, hành động như thế nào và nói những gì. Bạn không thể chưởi mắng ai một cách đầy chánh niệm, lạm dụng rượu chè một cách đầy chánh niệm, hay phạm những tội tà dâm một cách đầy chánh niệm. Nếu thực sự có chánh niệm, ta không thể nào làm những việc như thế!
Vì thói quen đã huân tập của chúng ta quá mạnh, bất cứ khi nào ta mở miệng, lời nói dường như đã tuôn trào. Có thể bạn không ý thức rằng khi nói ta đã tổn hao biết bao năng lượng. Với tâm chánh niệm, ta có thể dừng lại sự tổn hao này và tìch trữ năng lượng. Và chúng ta có thể sử dụng năng lượng được tích lũy này để phát triển tuệ tri vào trong bản chất của các thói quen của ta. Sử dụng năng lượng này như là một nguồn nguyên liệu, chúng ta có thể tự soi lại mình trong lúc hành thiền, xem xét lại các hành vi của mình, và nỗ lực rèn luyện tâm thêm nữa.
Tuy nhiên khi chúng ta để năng lượng bị dồn nén này phát ra mà không có chánh niệm, thì chúng thường nổ tung, giống như cái nút đậy bình. Tôi thấy những điều này thường hay xảy ra ở cuối các khóa tu thiền. Chỉ vài phút trước đó thôi, mọi thiền sinh đều hoàn toàn im lặng, ngồi yên tĩnh hay di chuyển nhẹ nhàng, chậm rãi. Rồi ngay giây phút giới giữ im lặng của khóa tu được chấm dứt, thì bùng nổ bao tiếng nói. Trận lũ chuyện trò, đối thoại tiếp tục hàng giờ hay hơn nữa, cho đến khi tất cả mọi năng lượng tích trữ được đã tiêu hao hết. Khóa tu càng dài thì người ta càng trở nên ồn ào, càng dễ dãi, trừ khi họ nỗ lực để duy trì sự chánh niệm trong lời nói.
Đối trị duy nhất cho tà ngữ phải là một liều thuốc chánh niệm cực mạnh – không chỉ trong các khóa tu, hay khi bạn đang ở trong một hoàn cảnh thử thách đầy khó khăn, nhưng phải là suốt đời bạn. Chánh niệm về Chánh Ngữ sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn. Tôi bảo đảm điều đó.
TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH NGỮ
Đây là những điều tóm lược để ngăn cản khổ đau bằng phương cách của Chánh Ngữ:
- Chánh ngữ có nghĩa là không được nói dối, không nói lời thô lỗ, cộc cằn và phù phiếm.
- Nói dối bằng cách im lặng thì vẫn là nói dối.
- Nói lời thâm độc là loại ngôn ngữ phá hoại tình bằng hữu của người khác hay làm tổn hại đến thanh danh họ.
- Tấn công bằng lời nói, nói mỉa mai, thô tục, giả dối, chỉ trích hạ nhục quá đáng, tất cả đều thuộc loại lời nói thô lỗ, cộc cằn.
- Lời nói thô lỗ, cộc cằn làm tổn thương người khác và hạ thấp phẩm giá của người nói.
- Nói chuyện người khác, nói chuyện phù phiếm thường dẫn đến tranh cãi, hiểu lầm, làm mất thời gian và khiến tâm bấn loạn.
- Tất cả mọi lời nói không xuất phát từ tâm xả, với tình thương, và lòng bi mẫn đều tai hại.
- Một cách để xét xem bạn có sử dụng Chánh Ngữ hay không, là dừng lại và tự hỏi trước khi nói: "Điều này nói có đúng không? Điều này nói có tử tế không? Điều này nói có ích lợi không? Có làm hại ai không? Có đúng lúc để nói điều đó không?”.
- Sử dụng chánh niệm để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
-ooOoo-

Chánh Kiến - Henepola Gunaratana

Chánh Tư Duy - Henepola Gunaratana

Chánh Ngữ - Henepola Gunaratana

CHÁNH NGHIỆP - Henepola Gunaratana

Chánh Mạng - Henepola Gunaratana

Chánh Tinh Tấn - Henepola Gunaratana

CHÁNH NIỆM - Henepola Gunaratana

Chánh Định - Henepola Gunaratana

 
Bát Chánh Đạo: Con Đường Đến Hạnh Phúc
Theo Dấu Chân Phật
Eight Mindful Steps to Happiness
Walking the Buddha’s Path
Hòa thượng Henepola Gunaratana
Diệu Liên Lý Thu Linh dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét