Trang

Ăn Chay và Ăn Mặn

Theo tôi hiểu, Đạo Phật là đạo hướng tới giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, Đạo Phật không phải là đạo ăn chay. Chữ Tỳ-kheo (Bhikkhu) có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là xin ăn (khất thực). Thật không hợp lý nếu mình đã xin ăn mà còn đòi hỏi đó phải là vật thực loại gì (tất nhiên cũng có trừ một số loại vật thực nhất định). Ngày xưa vào thời Đức Phật, việc đi khất thực là điều hiển nhiên và việc thí chủ dâng vật thực gì để cúng là tùy ý. Việc đi khất thực xin ăn là truyền thống của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Khất thực xin ăn theo đúng cách của nhà Phật là cách nuôi mạng chân chính nhất mà con người có thể làm được.
Tất nhiên không thể so sánh cách khất thực xin ăn của nhà Phật với những người xin ăn lung tung ở ngoài đường được. Trong Giáo Pháp của Đức Phật, các vị Tỳ-kheo phải đắp y mang bát và đi lặng lẽ không được phép chèo kéo, năn nỉ, van xin để có được miếng ăn. Việc kiếm miếng ăn mà không làm hại bất kỳ một chúng sanh nào, việc có được miếng ăn được hoàn toàn quyết định bởi thí chủ, cho hay không cho là do tự thí chủ quyết định là cách nuôi mạng chân chánh nhất.
Đức Phật đã chỉ dạy về 3 cách ăn vật thực là thịt (tam tịnh nhục) là:
1) Không được ăn thịt con vật mà mình thấy là vì mình mà nó bị giết.
2) Không được ăn thịt con vật mà mình nghe là vì mình mà nó bị giết.
3) Không được ăn thịt con vật mà mình nghi là vì mình mà nó bị giết.
Trong Kinh Jivaka, Đức Phật đã dạy về vấn đề Tam Tịnh Nhục. Link: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-trungbo/trung55.htm
Một thời Thế Tôn trú ở Rajagaha (Vương Xá), tại rừng xoài của Jivaka Komarabhacca.
Rồi Jivaka Komarabhacca đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Jivaka Komarabhacca bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con nghe nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình". Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình và được làm cho mình", bạch Thế Tôn, những người ấy có nói chính lời Thế Tôn, họ không xuyên tạc Thế Tôn không đúng sự thật, họ trả lời đúng pháp, thuận pháp, và những ai như pháp, thuyết đúng pháp, thuận pháp không có thể quở trách ?
-- Này Jivaka, những ai nói như sau: "Vì Sa-môn Gotama, họ giết hại các sinh vật. Và Sa-môn Gotama tuy biết thế vẫn dùng các loại thịt được giết vì mình được làm cho mình", những người ấy không nói chính lời của Ta, họ xuyên tạc Ta, không như chân, không như thật. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt không được thọ dụng: thấy, nghe và nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt không được thọ dụng. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp, thịt được thọ dụng: không thấy, không nghe và không nghi vì mình mà giết. Này Jivaka, Ta nói trong ba trường hợp này, thịt được thọ dụng.
Người nào sát sanh để dành cúng dường cho chư tăng thì sẽ chất chứa nhiều bất thiện nghiệp như trong Kinh Jivaka Đức Phật đã dạy.
-- Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân. Khi người ấy nói như sau: "Hãy đi và dắt con thú này đến", đó là nguyên nhân thứ nhứt, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Con thú ấy, khi bị dắt đi, vì bị kéo lôi nơi cổ, nên cảm thọ khổ ưu, đó là nguyên nhân thứ hai, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy nói: "Hãy đi và giết con thú này", đó là nguyên nhân thứ ba, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi con thú ấy bị giết, cảm thọ khổ ưu, đây là nguyên nhân thứ tư, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Khi người ấy cúng dường Như Lai hay đệ tử Như Lai một cách phi pháp, đó là nguyên nhân thứ năm, người ấy chất chứa nhiều phi công đức. Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy sẽ chất chứa nhiều phi công đức do năm nguyên nhân này.
Đức Phật có dạy: Này các Tỳ-kheo, do tâm phiền não mà chúng sanh bị phiền não; do tâm thanh tịnh mà chúng sanh được thanh tịnh.
Do vậy, cái ăn không làm cho chúng ta thanh tịnh. Chính cái tâm giữ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say, không ăn sái giờ, không múa hát thổi kèn đờn, xem múa hát nghe đờn kèn, trang điểm thoa vật thơm dồi phấn và đeo tràng hoa, không nằm ngồi nơi quá cao và xinh đẹp), và chính cái tâm thiền mới khiến chúng ta thanh tịnh.
Đức Phật đã hoàn toàn không đề cao việc ăn chay mà chỉ đề cao việc giữ giới, thu thúc lục căn... trong Kinh Đồ Ăn Thối (Amagandha). Link: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tieubo1/tb15-kt2.htm
Ðức Phật Kassapa:
242. Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
Ðây là đồ ăn thối,
Ăn thịt không phải thối.
243. Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.
244. Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
245. Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
246. Ác giói, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.
247. Ở đời đối hữu tình,
Người không biết kiềm chế,
Lấy cướp sở hữu người,
Chú tâm làm hại người,
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
248. Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,
249. Không phải do cá thịt,
Cùng các loại nhịn ăn,
Không phải do lõa thể,
Ðầu trọc và bện tóc,
Không do tro trét mình,
Mặc da thú khô cứng,
Không phải do săn sóc,
Nuôi dưỡng lửa tế tự,
Không do nhiều khổ hạnh,
Ðể được chứng bất tử,
Không bùa chú tế tự,
Các tế đàn thời tiết,
Làm con người trong sạch,
Nếu nghi hoặc chưa đoạn.
250. Do sống hộ trì căn,
Với các căn nhiếp phục,
Vững trú trên Chánh pháp,
Thích chân trực, hiền hòa,
Vượt khỏi các tham ái,
Ðoạn tận mọi khổ đâu,
Bậc trí không nhiễm dính,
Ðiều được thấy, được nghe.
Trong Đại Phẩm thuộc Tạng Luật, tướng quân Sīha đã mua thịt làm sẵn ngoài chợ về để sửa soạn trai tăng cúng dường cho Đức Phật cùng chư tăng; và Đức Phật cùng chư tăng đều đã thọ dụng vật thực ấy.
Trong bài Kinh này, chúng ta lưu ý thêm một chi tiết nữa khi đọc đến đoạn gần cuối.
Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Đoạn trên có nghĩa là tướng quân Sīha đã đắc quả Thánh sau khi nghe xong bài Pháp của Đức Phật. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, một vị thánh không bao giờ vi phạm ngũ giới. Vị ấy biết cách để không phạm giới, biết cách làm thế nào là hợp lẽ. Sau đây là đoạn Kinh.
[78] Vào lúc bấy giờ, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Vào lúc bấy giờ, tướng quân Sīha là đệ tử của Nigaṇṭha đang ngồi trong tập thể ấy. Khi ấy, tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức; có lẽ ta nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy?” Sau đó, tướng quân Sīha đã đi đến gặp Nigaṇṭha Nāṭaputta,[13] sau khi đến đã đảnh lễ Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta điều này:
- Thưa ngài, tôi muốn đi đến để diện kiến Sa-môn Gotama.
- Này Sīha, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này Sīha, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.
Khi ấy, ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn của tướng quân Sīha đã được lắng dịu đi.
Đến lần thứ nhì, ...(như trên)...
Đến lần thứ ba, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Đến lần thứ ba tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Những người Nigaṇṭha dầu có được hỏi ý kiến hay không được hỏi ý kiến thì sẽ làm được điều gì đối với ta? Có lẽ ta không cần hỏi ý kiến các Nigaṇṭha và nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy?”
Sau đó, tướng quân Sīha cùng với năm trăm cỗ xe đã rời thành Vesālī vào ban ngày để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, tướng quân Sīha đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, tôi được nghe rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.” Bạch ngài, những người nào đã nói như vầy: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy,” bạch ngài, phải chăng những người ấy nói đúng về đức Thế Tôn, không gièm pha đức Thế Tôn với sự sai trái, và tuyên bố về pháp phù hợp với Pháp (của ngài) không? Và có phải bất cứ người nào sống theo pháp có lời nói hợp với giáo lý đều không có cơ sở để chê bai? Bạch ngài, chúng tôi thật tình không có ý lên án đức Thế Tôn.
[79] - Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về không hành động của thân làm ác, của miệng nói ác, của ý nghĩ ác; ta giảng về không hành động của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về hành động của thân làm thiện, của miệng nói thiện, của ý nghĩ thiện; ta giảng về hành động của các thiện pháp dưới nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân, của si; ta giảng về sự đoạn diệt của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta ghê tởm với việc làm ác của thân, với lờì nói ác của miệng, với suy nghĩ ác của ý; ta giảng pháp về điều ghê tởm trong sự tạo thành các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng pháp về sự từ bỏ luyến ái, sân, si; ta giảng pháp về sự từ bỏ các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, ta giảng về các pháp ác và bất thiện là việc làm ác của thân, lờì nói ác của miệng, suy nghĩ ác của ý cần được thiêu đốt. Này Sīha, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thiêu đốt.” Này Sīha, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thoát khỏi thai bào.” Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự hiện hữu lần nữa và là sự tái sanh đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta là người tự tin, ta giảng về sự tự tin với sự tự tin tối thượng, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”
[80] Khi được nói như thế, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
- Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.
- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, bởi vì các ngoại đạo sau khi thâu nhận con làm đệ tử có thể vác cờ đi khắp cả Vesālī (rêu rao) rằng: “Tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi!” thế mà đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, lần thứ nhì con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
- Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.
- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.” Bạch ngài, con đã được nghe điều này: “Sa-môn Gotama nói như vầy: ‘Vật cúng dường chỉ nên dâng đến ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến những người khác. Vật cúng dường chỉ nên dâng đến các đệ tử của ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến các đệ tử của những người khác. Đã dâng đến riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến những người khác thì không có quả báu lớn. Đã dâng đến các đệ tử của riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến các đệ tử của những người khác thì không có quả báu lớn,’” thế mà đức Thế Tôn lại khuyến khích con việc bố thí cho những người Nigaṇṭha. Bạch ngài, vả lại trong trường hợp này chúng con sẽ biết thời điểm. Bạch ngài, lần thứ ba con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.
Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.
Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, tướng quân Sīha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, tướng quân Sīha đã ra lệnh cho người đàn ông nọ rằng:
- Này khanh, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).
Sau đó, khi trải qua đêm ấy tướng quân Sīha đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của tướng quân Sīha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người Nigaṇṭha, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama tuy biết được điều ấy, vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.” Sau đó, có người đàn ông nọ đã đi đến gặp tướng quân Sīha, sau khi đến đã thì thầm vào tai của tướng quân Sīha rằng:
- Thưa tướng quân, ngài cần biết điều này. Những người Nigaṇṭha ấy, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và đã làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.”
- Ông bạn ơi, thôi đi! Đã từ lâu nay, các ngài đại đức ấy có ý muốn phỉ báng đức Phật, có ý muốn phỉ báng đức Pháp, có ý muốn phỉ báng đức Tăng nhưng các ngài đại đức ấy không lượng sức, phí công, láo khoét, đã vu khống với điều không thật mà vẫn không làm tổn hại được đức Thế Tôn ấy. Và cho dầu vì lý do sống còn, chúng tôi cũng không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh.
Sau đó, tướng quân Sīha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, tướng quân Sīha đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho tướng quân Sīha đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, khi biết thịt được làm (giết) có liên quan (đến bản thân) không nên thọ dụng; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cá và thịt có được ba điều tuyệt đối thanh tịnh: không được thấy, không được nghe, không nghi ngờ.[14]
[14] Nếu cá và thú ấy bị giết với sự xác định là sẽ làm thức ăn cho một cá nhân nào đó thọ dụng thì cá nhân người ấy không nên ăn.
Vấn đề ăn thịt hay ăn chay chỉ có thể ảnh hưởng để tình trạng sức khỏe mà thôi. Tất nhiên sức khỏe tốt thì cũng góp phần cho việc hành thiền tốt, và ngược lại. Còn sức khỏe quá kém, nằm liệt giường, thở không ra hơi thì không thể nói là việc hành thiền của người đó là dễ dàng được.
Còn vấn đề là ăn trước ngọ (không phải đúng ngọ) thì theo tôi nghĩ đó là vấn đề thu thúc lục căn, tri túc biết đủ. Nếu không có sự hạn chế hay quy định nào về giờ giấc ăn uống, chúng ta sẽ rất dễ duôi buông thả sống theo tham muốn phóng dật của mình. Đó chính là mục đích của việc ăn trước ngọ. Nhưng lợi lạc khác có được từ việc ăn trước ngọ lại là làm người nhẹ nhàng, người nhẹ nhàng khiến cho việc hành thiền được thuận lợi. Tuy nhiên đây là kết quả chứ không phải là mục đích của việc ăn trước ngọ.
386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
Trong thời gian phi thời,
Hãy vào làng khất thực,
Ðúng thời, thì hãy đi,
Ai đi đứng phi thời,
Bị bẫy sập trói buộc.
Do vậy các đức Phật,
Không có đi phi thời.
Link: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tieubo1/tb15-kt2.htm
Nhân tiện đây tôi xin copy một đoạn trong Đại Phẩm của Tạng Luật có đề cập về vấn đề các loại thịt không được phép ăn. Đức Phật chế giới không được ăn các loại thịt người, voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và chó sói. Nguyên nhân không ăn các loại thịt này có đề cập trong Kinh. Link: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-luat-daipham/dp-06.htm
[58] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở vườn nai.
Vào lúc bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā. Cả hai đều ngưỡng mộ, là thí chủ, là người phục vụ, là người hộ độ cho hội chúng. Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đi đến tu viện rồi đi từ trú xá này đến trú xá khác, từ phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:
- Thưa các ngài, vị nào bị bệnh? Vật gì cần được mang lại? Cho vị nào?
Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã uống thuốc xổ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Này chị gái, tôi đã uống thuốc xổ. Tôi có nhu cầu về mùi vị của thịt.
- Thưa ngài, tốt lắm. (Vật ấy) sẽ được mang lại.
Sau khi về nhà, nữ cư sĩ Suppiyā đã bảo người giúp việc rằng:
- Này chú em, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).
- Thưa cô chủ, xin vâng.
Rồi người đàn ông ấy nghe theo nữ cư sĩ Suppiyā đã đi rảo khắp cả thành Bārāṇasī nhưng vẫn không thấy loại thịt đã được làm sẵn. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Thưa cô chủ, không có thịt đã được làm sẵn. Hôm nay là ngày kiêng sát sanh.
Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu bị bệnh ấy mà không có được mùi vị của thịt thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ chết. Đối với ta, việc ta đã hứa mà không cho người đem lại là việc không đúng đắn” nên đã lấy con dao găm cắt miếng thịt ở đùi rồi trao cho người tớ gái (nói rằng):
- Này em, hãy chuẩn bị miếng thịt này rồi dâng đến vị tỳ khưu bị bệnh ấy ở trong trú xá kia. Và ai hỏi ta thì hãy báo cho biết là: “Cô chủ bị bệnh.”
Rồi nàng đã lấy thượng y quấn quanh đùi, đi vào phòng trong, và nằm xuống trên giường. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã trở về nhà và hỏi người tớ gái rằng:
- Suppiyā đâu rồi?
- Thưa ông chủ, bà nằm ở phòng trong.
Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:
- Vì sao nàng lại nằm vậy?
- Thiếp bị bệnh.
- Nàng bị bệnh gì vậy?
Sau đó, nữ cư sĩ Suppiyā đã kể lại sự việc ấy cho nam cư sĩ Suppiya. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Nàng Suppiyā đã được an trú vào niềm tin đến thế. Bởi vì ngay cả thịt của chính bản thân còn được dứt bỏ thì còn có gì khác nữa mà nàng không thể bố thí?” nên mừng rỡ, phấn chấn đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Suppiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.
Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.
Sau đó, khi trải qua đêm ấy nam cư sĩ Suppiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:
- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của nam cư sĩ Suppiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ Suppiya đang đứng một bên điều này:
- Suppiyā đâu rồi?
- Bạch Thế Tôn, nàng bị bệnh.
- Như vậy thì (nàng) hãy đi đến đây.
- Bạch Thế Tôn, nàng không đủ sức.
- Như vậy thì hãy ẵm rồi đưa (nàng) lại đây.
Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã ẵm và đưa nữ cư sĩ Suppiyā lại. Khi đức Thế Tôn nhìn thấy nàng, ngay khi ấy vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì ở đây chỉ với ánh nhìn của đức Thế Tôn, vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
[59] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, vị nào đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt?
Khi được nói như thế, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, chính con đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt.
- Này tỳ khưu, có phải (thịt) đã được đem đến đây?
- Bạch Thế Tôn, (thịt) đã được đem đến đây.
- Này tỳ khưu, có phải ngươi đã thọ dụng?
- Bạch Thế Tôn, con đã thọ dụng.
- Này tỳ khưu, ngươi có quán xét (là thịt gì) hay không?
- Bạch Thế Tôn, con đã không quán xét (là thịt gì).
Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:
- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi chưa quán xét mà lại thọ dụng thịt? Này kẻ rồ dại, ngươi đã thọ dụng thịt người. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...
Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, có những người có niềm tin đã được an trú, ngay thịt của chính bản thân còn được những người này dứt bỏ. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt người; vị nào thọ dụng thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt khi chưa quán xét; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
[60] Vào lúc bấy giờ, các con voi của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt voi và bố thí thịt voi đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt voi? Các con voi là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt voi; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, các con ngựa của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt ngựa và bố thí thịt ngựa đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt ngựa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt ngựa? Các con ngựa là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt ngựa; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt chó và bố thí thịt chó đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt chó. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt rắn và bố thí thịt rắn đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt rắn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt rắn? Loài rắn thì ghê tởm và đáng ghét.
Vua của loài rắn là Supassa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Supassa vua của loài rắn đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, có những loài rắn không có đức tin, không có ngưỡng mộ, chúng có thể hãm hại các vị tỳ khưu dầu là việc không đáng. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay các ngài đại đức chớ nên thọ dụng thịt rắn.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Supassa vua của loài rắn bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Supassa vua của loài rắn đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt rắn; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con sư tử rồi ăn thịt sư tử và bố thí thịt sư tử đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt sư tử rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con sư tử (nhận biết được) mùi thịt sư tử nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt sư tử; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con hổ rồi ăn thịt hổ và bố thí thịt hổ đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt hổ rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con hổ (nhận biết được) mùi thịt hổ nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt hổ; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con beo rồi ăn thịt beo và bố thí thịt beo đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt beo rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con beo (nhận biết được) mùi thịt beo nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt beo; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con gấu rồi ăn thịt gấu và bố thí thịt gấu đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt gấu rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con gấu (nhận biết được) mùi thịt gấu nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt gấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).
Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con chó sói rồi ăn thịt chó sói và bố thí thịt chó sói đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt chó sói rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con chó sói (nhận biết được) mùi thịt chó sói nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.
- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó sói; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).






Còn đây là đoạn có nói về việc Đề-bà-đạt-đa cầu xin Đức Phật chế giới cấm ăn thịt nhưng bị Đức Phật từ chối trong Tiểu Phẩm của Tạng Luật: http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-luat-tieupham/tp-00.htm






[382] Vào lúc bấy giờ, Devadatta do lợi lộc và vinh hiển bị sút giảm nên phải cùng phe nhóm liên tục yêu cầu ở các gia đình rồi thọ thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các sa-môn Thích tử này lại liên tục yêu cầu ở các gia đình rồi thọ thực? Ai lại không thích sự sung túc? Ai lại không hài lòng với đồ ăn ngọt ngào?
Các tỳ khưu đã nghe dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao Devadatta cùng phe nhóm lại liên tục yêu cầu ở các gia đình rồi thọ thực?
Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…
- Này Devadatta, nghe nói ngươi cùng phe nhóm liên tục yêu cầu ở các gia đình rồi thọ thực, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy ta sẽ quy định vật thực theo nhóm ba vị ở các gia đình đối với các tỳ khưu vì ba lý do: “Nhằm kiềm chế những kẻ tồi tệ, vì sự sống an lạc của các tỳ khưu hiền thiện:‘Chớ để các tỳ khưu ác xấu nương tựa vào phe cánh mà chia rẽ hội chúng,’ vì lòng trắc ẩn đối với các gia đình.” Và trong việc vật thực dâng chung nhóm, nên được hành xử theo Pháp.[3]
[383] Sau đó, Devadatta đã đi đến gặp Kokālika, Kaṭamorakatissaka con trai của Khaṇḍadevī, và Samuddadatto, sau khi đến đã nói với Kokālika, Kaṭamorakatissaka con trai của Khaṇḍadevī, và Samuddadatto điều này:
- Này các đại đức, hãy đi. Chúng ta sẽ tiến hành việc chia rẽ hội chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo.
Khi được nói như thế, Kokālika đã nói với Devadatta điều này:
- Này đại đức, Sa-môn Gotama thật sự có đại thần lực, có đại năng lực. Làm thế nào chúng ta sẽ tiến hành việc chia rẽ hội chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo được?
- Này các đại đức, hãy đi. Chúng ta sẽ đi đến gặp Sa-môn Gotama và yêu cầu năm sự việc: “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng cho đến trọn đời, vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Là các vị khất thực cho đến trọn đời, vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ cho đến trọn đời, vị nào hoan hỷ y của gia chủ thì vị ấy phạm tội. Là các vị sống ở gốc cây cho đến trọn đời, vị nào đi đến mái che thì vị ấy phạm tội. Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama sẽ không cho phép năm sự việc này. Và chúng ta đây sẽ công bố cho dân chúng biết về năm sự việc này.
- Này đại đức, với năm sự việc này có thể tiến hành việc chia rẽ hội chúng của Sa-môn Gotama, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo. Này đại đức, bởi vì dân chúng có niềm tin với khổ hạnh.
[384] Sau đó, Devadatta cùng phe nhóm đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Devadatta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, sự tự biết đủ, sự đoạn trừ, sự từ bỏ, sự hoan hỷ, sự giảm thiểu, sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng cho đến trọn đời, vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. Là các vị khất thực cho đến trọn đời, vị nào hoan hỷ sự thỉnh mời thì vị ấy phạm tội. Là các vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ cho đến trọn đời, vị nào hoan hỷ y của gia chủ thì vị ấy phạm tội. Là các vị sống ở gốc cây cho đến trọn đời, vị nào đi đến mái che thì vị ấy phạm tội. Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.
- Này Devadatta, thôi đi. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở rừng, vị nào muốn thì hãy cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị khất thực, vị nào muốn thì hãy hoan hỷ việc thỉnh mời. Vị nào muốn thì hãy là vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, vị nào muốn thì hãy hoan hỷ y của gia chủ. Này Devadatta, ta cho phép chỗ trú ngụ là gốc cây trong tám tháng. Cá thịt là thanh tịnh với ba điều kiện: “Không thấy, không nghe, không nghi ngờ.”
Khi ấy, Devadatta (biết rằng): “Đức Thế Tôn không cho phép năm sự việc này” nên mừng rỡ, phấn chấn cùng phe nhóm đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
[385] Sau đó, Devadatta cùng phe nhóm đã đi vào thành Rājagaha công bố cho dân chúng biết về năm sự việc:
- Này các đạo hữu, chúng tôi đã đi đến gặp Sa-môn Gotama và đã yêu cầu năm sự việc: “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, ...(như trên)..., sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, ...(như trên)..., sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng cho đến trọn đời, vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. ...(như trên)... Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama không cho phép năm sự việc này. Còn chúng tôi thọ trì và thực hành năm sự việc này.
[386] Ở nơi ấy, những người nào không có đức tin, không ngưỡng mộ, kém sáng suốt, những người ấy đã nói như vầy:
- Các sa-môn Thích tử này đúng là có sự từ bỏ, có sở hành đoạn trừ; còn Sa-môn Gotama là kẻ xa hoa nên nghĩ đến việc xa hoa.
Còn những người nào có đức tin, ngưỡng mộ, sáng suốt, những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao Devadatta lại ra sức việc chia rẽ hội chúng của đức Thế Tôn, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo?
Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Vì sao Devadatta lại ra sức việc chia rẽ hội chúng của đức Thế Tôn, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo?
Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…
- Này Devadatta, nghe nói ngươi ra sức việc chia rẽ hội chúng, tức là việc phân chia quyền lãnh đạo, có đúng không vậy?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
- Này Devadatta, thôi đi. Ngươi chớ có hoan hỷ việc chia rẽ hội chúng. Này Devadatta, chia rẽ hội chúng là việc nghiêm trọng. Này Devadatta, kẻ nào phá vỡ sự hợp nhất, kẻ ấy gây nên tội lỗi tồn tại trọn kiếp[4] và bị nung nấu trong địa ngục trọn kiếp. Và này Devadatta, người nào làm hợp nhất hội chúng bị chia rẽ người ấy tạo nên phước báu của Phạm Thiên và sẽ được an vui ở cõi trời trọn kiếp. Này Devadatta, thôi đi. Ngươi chớ có hoan hỷ việc chia rẽ hội chúng. Này Devadatta, chia rẽ hội chúng là việc nghiêm trọng.
[387] Sau đó vào buổi sáng, đại đức Ānanda đã mặc y, cầm y bát, đi vào thành Rājagaha để khất thực. Devadatta đã nhìn thấy đại đức Ānanda đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:
- Này đại đức Ānanda, từ nay trở đi tôi sẽ hành lễ Uposatha (Bố Tát) và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.
Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha xong, đại đức Ānanda sau bữa ăn trên đường đi khất thực trở về đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, nơi đây vào buổi sáng, con đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Rājagaha để khất thực. Bạch ngài, Devadatta đã nhìn thấy con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: “Này đại đức Ānanda, từ nay trở đi tôi sẽ hành lễ Uposatha và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.” Bạch ngài, kể từ nay Devadatta sẽ chia rẽ hội chúng.
Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
[388]
(Điều) tốt người tốt dễ làm,
(điều) tốt kẻ xấu khó làm.
(Điều) ác kẻ xấu dễ làm,
(điều) ác thánh nhân khó làm.
Dứt tụng phẩm thứ nhì.
[389] Sau đó vào ngày lễ Uposatha, Devadatta đã từ chỗ ngồi đứng dậy phân phát thẻ biểu quyết (nói rằng):
- Này các đại đức, chúng tôi đã đi đến gặp Sa-môn Gotama và đã yêu cầu năm sự việc: “Bạch ngài, đức Thế Tôn là người khen ngợi sự ít ham muốn, ...(như trên)..., sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, đây là năm sự việc đưa đến sự ít ham muốn, ...(như trên)..., sự ra sức nỗ lực bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, lành thay các tỳ khưu nên là các vị sống ở rừng cho đến trọn đời, vị nào cư ngụ trong làng thì vị ấy phạm tội. ...(như trên)... Không ăn cá thịt cho đến trọn đời, vị nào ăn cá thịt thì vị ấy phạm tội.” Sa-môn Gotama không cho phép năm sự việc này. Còn chúng tôi thọ trì và thực hành năm sự việc này. Đại đức nào đồng ý năm sự việc này xin hãy nhận lãnh thẻ biểu quyết.
[390] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở thành Vesalī có số lượng năm trăm vị vừa mới xuất gia và không hiểu biết rõ sự việc. Và các vị ấy (nghĩ rằng): “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư” nên đã nhận lấy thẻ biểu quyết. Khi ấy, Devadatta đã chia rẽ hội chúng và dẫn năm trăm tỳ khưu ra đi về phía đỉnh đồi Gayā.
[391] Sau đó, Sāriputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, Devadatta đã chia rẽ hội chúng và dẫn năm trăm tỳ khưu ra đi về phía đỉnh đồi Gayā.
- Này Sāriputta và Moggallāna, không lẽ các ngươi không có lòng trắc ẩn đối với các tỳ khưu mới tu ấy hay sao? Này Sāriputta và Moggallāna, các ngươi hãy đi trước khi các tỳ khưu ấy tạo nên điều sai trái và hư hỏng.
- Bạch ngài, xin vâng.
Rồi Sāriputta và Moggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã đi đến đỉnh đồi Gayā.
[392] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đứng không xa đức Thế Tôn đang khóc lóc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:
- Này tỳ khưu, vì sao ngươi khóc?
- Bạch ngài, ngay cả hai vị thượng thủ thinh văn của đức Thế Tôn là Sāriputta và Moggallāna cũng hoan hỷ với giáo lý của Devadatta và đi đến với Devadatta rồi.
- Này tỳ khưu, việc Sāriputta và Moggallāna hoan hỷ với giáo lý của Devadatta là việc không hợp lý và không có cơ sở; tuy nhiên, họ đã đi để cảnh tỉnh các tỳ khưu.
[393] Vào lúc bấy giờ, Devadatta ngồi giữa hội chúng đông đảo đang thuyết giảng Giáo Pháp. Devadatta đã thấy Sāriputta và Moggallāna đang từ đàng xa đi lại, sau khi thấy đã bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, hãy nhìn xem giáo lý của ta được khéo thuyết như thế nào; ngay cả các thượng thủ thinh văn của Sa-môn Gotama là Sāriputta và Moggallāna cũng hoan hỷ với giáo lý của ta và đi đến với ta nữa.
Khi được nói như thế, Kokālika đã nói với Devadatta điều này:
- Này đại đức Devadatta, chớ có tin tưởng Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna có ước muốn xấu xa và bị chi phối bởi những ước muốn xấu xa.
- Này đại đức, thôi đi. Hãy chào mừng bọn họ bởi vì họ hoan hỷ với giáo lý của ta.
Sau đó, Devadatta đã mời đại đức Sāriputta với một nửa chỗ ngồi (của mình):
- Này đại đức Sāriputta, hãy đi đến. Hãy ngồi chỗ này.
- Này đại đức, thôi đi.
Rồi đại đức Sāriputta đã chọn chỗ ngồi khác và đã ngồi xuống ở một góc. Còn đại đức Mahāmoggallāna cũng đã chọn chỗ ngồi khác và đã ngồi xuống ở một góc. Khi ấy, Devadatta đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các tỳ khưu bằng bài Pháp thoại gần như trọn đêm rồi đã bảo đại đức Sāriputta rằng:
- Này đại đức Sāriputta, hội chúng tỳ khưu đã hết dã dượi và buồn ngủ. Này đại đức Sāriputta, ngươi hãy nghĩ đến bài Pháp thoại cho các tỳ khưu. Lưng tôi bị mỏi nên tôi sẽ nằm duỗi lưng ra.
- Này đại đức, được rồi. Đại đức Sāriputta đã trả lời Devadatta.
Sau đó, Devadatta đã xếp y hai lớp (saṅghāṭi) lại làm tư rồi thực hiện thế nằm ở phía bên hông phải. Trong khi vị ấy mệt mỏi, thất niệm, không tỉnh giác nên chỉ chốc lát đã chìm vào giấc ngủ.
[394] Khi ấy, đại đức Sāriputta đã sách tấn và giảng giải cho các tỳ khưu bằng bài Pháp thoại phân tích về sự kỳ diệu của việc biết được ý nghĩ của người khác. Đại đức Mahāmoggallāna đã sách tấn và giảng giải cho các tỳ khưu bằng bài Pháp thoại phân tích về sự kỳ diệu của thần thông. Sau đó, trong khi đang được sách tấn và giảng giải bởi đại đức Sāriputta về sự kỳ diệu của việc biết được ý nghĩ của người khác và bởi đại đức Mahāmoggallāna về sự kỳ diệu của thần thông thì Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi cho các tỳ khưu ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
Khi ấy, đại đức Sāriputta đã bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các đại đức, chúng ta hãy đi đến với đức Thế Tôn. Vị nào hoan hỷ với Giáo Pháp của đức Thế Tôn ấy, vị ấy hãy đi đến.
Sau đó, Sāriputta và Moggallāna đã đưa năm trăm vị tỳ khưu ấy đi đến Veḷuvana. Khi ấy, Kokālika đã đánh thức Devadatta:
- Này đại đức Devadatta, hãy dậy đi. Các tỳ khưu ấy đã bị Sāriputta và Moggallāna dẫn đi rồi. Này đại đức Devadatta, không phải tôi đã nói với đại đức rằng: “Này đại đức Devadatta, chớ có tin tưởng Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna có ước muốn xấu xa và bị chi phối bởi những ước muốn xấu xa.”
Khi ấy, ngay tại chỗ ấy máu nóng đã ứa ra từ miệng của Devadatta.
[395] Sau đó, Sāriputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, lành thay nếu các tỳ khưu là những người ủng hộ kẻ chia rẽ (hội chúng) có thể tu lên bậc trên lại.
- Này Sāriputta, thôi đi. Ngươi chớ có hoan hỷ với việc tu lên bậc trên lại của các tỳ khưu là những người ủng hộ kẻ chia rẽ. Này Sāriputta, chính vì điều ấy ngươi hãy cho các tỳ khưu là những người ủng hộ kẻ chia rẽ sám hối tội thullaccaya (trọng tội). Này Sāriputta, Devadatta đã cư xử với ngươi như thế nào?
- Bạch ngài, cũng tương tợ như đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các tỳ khưu bằng bài Pháp thoại gần như trọn đêm rồi đã bảo con rằng: “Này Sāriputta, hội chúng tỳ khưu đã hết dã dượi và buồn ngủ. Này Sāriputta, ngươi hãy nghĩ đến bài Pháp thoại cho các tỳ khưu. Lưng ta bị mỏi nên ta sẽ nằm duỗi lưng ra;” bạch ngài, Devadatta đã thực hành đúng y như vậy.
[396] Sau đó, đức Thế tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:
- Này các tỳ khưu, vào thời trước đây, có cái hồ lớn trong khu vực toàn là rừng. Các con long tượng sống nương tựa vào cái hồ đó. Chúng lặn xuống cái hồ ấy, dùng vòi nhổ lên cọng và ngó sen, rửa kỹ lưỡng cho sạch sẽ, rồi đã nhai (cọng và ngó sen) không còn bùn và nuốt xuống. Điều ấy đem lại cho chúng vóc dáng và sức mạnh. Không vì lý do đó mà chúng phải chết đi hoặc khổ như là chết. Này các tỳ khưu, nhưng trong số các con long tượng đã trưởng thành ấy có những con long tượng còn nhỏ, trẻ, non nớt, đang học hỏi. Những con này đã lặn xuống cái hồ ấy, dùng vòi nhổ lên cọng và ngó sen, đã không rửa kỹ lưỡng cho sạch sẽ, rồi đã nhai (cọng và ngó sen) còn dính bùn và nuốt xuống. Điều ấy đã không đem lại cho chúng vóc dáng và sức mạnh. Vì lý do đó chúng phải chết đi hoặc khổ như là chết. Này các tỳ khưu, tương tợ như thế Devadatta là kẻ tội nghiệp lại bắt chước ta sẽ phải tiêu hoại.
[397]
Trong khi ăn cọng sen,
con long tượng khổng lồ
xem xét các giòng sông
và lay chuyển trái đất.
Tương tợ con voi con
chỉ ăn toàn đất bùn,
bắt chước cho giống ta,
kẻ tội nghiệp sẽ chết.
[398] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ tám điều kiện xứng đáng để đi làm sứ giả. Tám điều kiện ấy là gì? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là người lắng nghe, là người làm cho (kẻ khác) lắng nghe, là người hướng dẫn, là người hiểu rộng, là người có sự nhận thức, là người làm cho (kẻ khác) có sự nhận thức, là người rành rẽ về việc có lợi ích hoặc không có lợi ích, không phải là người gây nên các sự tranh cãi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ tám điều kiện này xứng đáng để đi làm sứ giả.
[399] Này các tỳ khưu, Sāriputta hội đủ tám điều kiện xứng đáng để đi làm sứ giả. Tám điều kiện ấy là gì? Này các tỳ khưu, ở đây Sāriputta là người lắng nghe, là người làm cho (kẻ khác) lắng nghe, là người hướng dẫn, là người hiểu rộng, là người có sự nhận thức, là người làm cho (kẻ khác) có sự nhận thức, là người rành rẽ về việc có lợi ích hoặc không có lợi ích, không phải là người gây nên các sự tranh cãi. Này các tỳ khưu, Sāriputta hội đủ tám điều kiện này xứng đáng để đi làm sứ giả.
[400]
Vị nào không sợ hãi
đi vào nơi hội chúng
đang tranh cãi ồn ào,
không bỏ dở lời nói,
không dấu giếm lời dạy,
vị nói không mơ hồ,
bị chất vấn không sân;
vị tỳ khưu như thế
xứng đi làm sứ giả.
[401] Này các tỳ khưu, Devadatta có tâm bị xâm chiếm bị ngự trị bởi tám điều không đúng Chánh Pháp là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Tám điều ấy là gì?
Này các tỳ khưu, Devadatta có tâm bị xâm chiếm bị ngự trị bởi lợi lộc, là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Này các tỳ khưu, ... bởi không có lợi lộc …(như trên)… Này các tỳ khưu, ... bởi danh vọng …(như trên)… Này các tỳ khưu, ... bởi không có danh vọng …(như trên)… Này các tỳ khưu, ... bởi vinh hiển …(như trên)… Này các tỳ khưu, ... bởi không có vinh hiển …(như trên)… Này các tỳ khưu, ... bởi ước muốn xấu xa …(như trên)… Này các tỳ khưu, Devadatta có tâm bị xâm chiếm bị ngự trị bởi bạn bè xấu xa, là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Này các tỳ khưu, Devadatta có tâm bị xâm chiếm bị ngự trị bởi tám điều không đúng Chánh Pháp này là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
Này các tỳ khưu, tốt đẹp thay nếu vị tỳ khưu có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, …(như trên)… có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi.
Và này các tỳ khưu, tùy thuận lợi ích và ý định gì mà vị tỳ khưu có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, …(như trên)… có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi?
Này các tỳ khưu, bởi vì vị ấy trong khi sống quan tâm đến lợi lộc đã được sanh khởi, các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt có thể sanh khởi; nếu vị ấy trong khi sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, được như thế các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt không thể hình thành được. Này các tỳ khưu, bởi vì vị ấy …(như trên)… đến không có lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, ...(như trên)... trong khi sống quan tâm đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi, các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt có thể sanh khởi; nếu vị ấy trong khi sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi, được như thế các lậu hoặc có đặc tính phá hoại và thiêu đốt không thể hình thành được.
Này các tỳ khưu, tùy thuận lợi ích và ý định này mà vị tỳ khưu có thể sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến không có lợi lộc đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến danh vọng đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến không có danh vọng đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến vinh hiển đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến không có vinh hiển đã được sanh khởi, ...(như trên)... đến ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, ...(như trên)... vị ấy có thể sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi.
Này các tỳ khưu, do đó, ở đây chúng ta sẽ sống hoàn toàn không màng đến lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có lợi lộc đã được sanh khởi, …(như trên)… đến danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có danh vọng đã được sanh khởi, …(như trên)… đến vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến không có vinh hiển đã được sanh khởi, …(như trên)… đến ước muốn xấu xa đã được sanh khởi, chúng ta sẽ sống hoàn toàn không màng đến bạn hữu xấu xa đã được sanh khởi. Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập y như thế ấy.
[402] Này các tỳ khưu, Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi ba điều không đúng Chánh Pháp là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được. Ba điều ấy là gì? Ước muốn xấu xa, bạn hữu xấu xa, sự dừng lại ở giữa pháp thiền và pháp siêu thế. Này các tỷ kheo, Devadatta có tâm bị xâm chiếm, bị ngự trị bởi ba điều không đúng Chánh Pháp này là kẻ phải gánh chịu sự bất hạnh, gánh chịu cảnh địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
[403]
Chớ để ác dục gì
sanh khởi ở trên đời,
điều này gây ác dục
hãy nhận biết thế ấy.
Hãy biết kẻ trí tuệ,
bản thân đã chứng thiền,
được nổi danh sáng chói
là “Devadatta”
như tôi đã được nghe.
Kẻ ấy đã ra sức,
một cách không biếng nhác
để sánh với Như Lai,
để rồi vào địa ngục
Avīci bốn cửa
đầy những nỗi kinh hoàng
vì hại bậc hiền thiện,
là kẻ làm ác nghiệp.
Kẻ gây điều ác ấy,
tâm địa thật bất lương,
không còn lòng nhân ái,
nghĩ rằng sẽ đầu độc
hết cả một đại dương
bằng một hũ thuốc độc,
đã không làm gì được
đại dương thật hùng vĩ;
cũng y như thế ấy,
kẻ ấy dùng ngôn từ
quấy rối đấng Thiện Thệ
là bậc đã hoàn hảo,
tâm trí đã thanh tịnh
lời nói đã không còn
tác động đến người được.
Bậc trí hãy kết bạn
với người như thế ấy,
nên phục vụ người ấy.
Tỳ khưu theo đường lối
của vị ấy sẽ đạt
sự chấm dứt khổ đau.
[404] Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, có điều nói rằng: “Sự bất đồng trong hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng.” Bạch ngài, cho đến như thế nào được gọi là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng? Cho đến như thế nào được gọi là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng?
- Này Upāli, một bên có một người, bên kia có hai người, người thứ tư phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy chỉ là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, một bên có hai người, bên kia có hai người, người thứ năm phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy chỉ là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, một bên có hai người, bên kia có ba người, người thứ sáu phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy chỉ là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, một bên có ba người, bên kia có ba người, người thứ bảy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy chỉ là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, một bên có ba người, bên kia có bốn người, người thứ tám phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy chỉ là sự bất đồng trong hội chúng mà không là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, một bên có bốn người, bên kia có bốn người, người thứ chín phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, như vậy là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, chín hoặc hơn chín là sự bất đồng trong hội chúng và là sự chia rẽ hội chúng.
Này Upāli, tỳ khưu ni không chia rẽ hội chúng và cũng không nỗ lực để đưa đến sự chia rẽ. Cô ni tu tập sự (sikkhamānā) không chia rẽ hội chúng, …(như trên)… Vị sa di không chia rẽ hội chúng, vị sa di ni không chia rẽ hội chúng, nam cư sĩ không chia rẽ hội chúng, nữ cư sĩ không chia rẽ hội chúng và cũng không nỗ lực để đưa đến sự chia rẽ. Này Upāli, vị tỳ khưu bình thường (pakatatto) là người cùng cộng trú chung một ranh giới (sīmā) chia rẽ hội chúng.
[405] Bạch ngài, có điều nói rằng: “Sự chia rẽ hội chúng, sự chia rẽ hội chúng.” Bạch ngài, cho đến như thế nào thì hội chúng bị chia rẽ?
- Ở đây, này Upāli, các tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là “Pháp;” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp;” tuyên bố phi Luật là: “Luật;” tuyên bố Luật là: “Phi Luật;” tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố vô tội là: “Phạm tội;” tuyên bố phạm tội là: “Vô tội;” tuyên bố tội nặng là: “Tội nhẹ;” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nặng;” tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội không còn dư sót;” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội còn dư sót;” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa;” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Do mười tám sự việc này, các vị ấy tách ra và tách rời hẳn, chúng thực hiện lễ Uposatha riêng rẽ, chúng thực hiện lễ Pavāraṇa riêng rẽ, chúng thực hiện hành sự của hội chúng riêng rẽ. Này Upāli, cho đến như vậy thì hội chúng bị chia rẽ.
[406] Bạch ngài, có điều nói rằng: “Sự hợp nhất hội chúng, sự hợp nhất hội chúng.” Bạch ngài, cho đến như thế nào thì hội chúng có sự hợp nhất?
Ở đây, này Upāli, các tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp;” tuyên bố Pháp là: “Pháp;” tuyên bố phi Luật là: “Phi Luật;” tuyên bố Luật là: “Luật;” tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều không được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố vô tội là: “Vô tội;” tuyên bố phạm tội là: “Phạm tội;” tuyên bố tội nặng là: “Tội nặng;” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nhẹ;” tuyên bố tội còn dư sốt là: “Tội còn dư sót;” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội không còn dư sót;” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa;” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa.” Với mười tám sự việc này, các vị ấy không tách ra và không tách rời hẳn, không thực hiện lễ Uposatha riêng rẽ, không thực hiện lễ Pavāraṇa riêng rẽ, không thực hiện hành sự của hội chúng riêng rẽ. Này Upāli, cho đến như vậy thì hội chúng có sự hợp nhất.
[407] Bạch ngài, sau khi chia rẽ hội chúng hợp nhất, kẻ ấy gây nên điều gì?
­- Này Upāli, sau khi chia rẽ hội chúng hợp nhất, kẻ ấy gây nên tội lỗi tồn tại trọn kiếp và sẽ bị nung nấu trong địa ngục trọn kiếp.
[408]
Kẻ chia rẽ hội chúng
phải chịu sự bất hạnh,
vào địa ngục trọn kiếp.
Vui thích với phe nhóm,
lại sống không theo Pháp,
kẻ ấy bị xa rời
sự an tịnh của thiền.
Sau khi đã chia rẽ
hội chúng đang hợp nhất
kẻ ấy bị nung nấu
trong địa ngục trọn kiếp.
[409] - Bạch ngài, sau khi làm hợp nhất hội chúng đã bị chia rẽ, vị ấy tạo được điều gì?
- Này Upāli, sau khi làm hợp nhất hội chúng đã bị chia rẽ, vị ấy tạo được phước báu của Phạm Thiên và sẽ được vui hưởng ở cõi trời trọn kiếp.
[410]
Thật là an lạc thay
sự hợp nhất hội chúng
và tán đồng cùng với
những ai sống hợp nhất.
Hoan hỷ trong hợp nhất,
và sống đúng theo Pháp,
vị ấy trú vào được
sự an tịnh của thiền.
Sau khi đã tiến hành
hợp nhất lại hội chúng,
vị ấy được vui hưởng
ở cõi trời trọn kiếp.
[411] Bạch ngài, có thể nào kẻ chia rẽ hội chúng sẽ phải gánh chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được?
- Này Upāli, kẻ chia rẽ hội chúng có thể sẽ phải gánh chịu sự bất hạnh, sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
- Bạch ngài, có thể nào kẻ chia rẽ hội chúng sẽ không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được?
- Này Upāli, kẻ chia rẽ hội chúng có thể sẽ không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.
- Bạch ngài, thế nào là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được?
- Này Upāli, trường hợp vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là: “Pháp.” Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm kiến thức, xác định lầm sự mong ước, xác định lầm sự thỏa thích, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là: “Pháp.” Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm kiến thức, xác định lầm sự mong ước, xác định lầm sự thỏa thích, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là: “Pháp.” Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, có hoài nghi trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm kiến thức, xác định lầm sự mong ước, xác định lầm sự thỏa thích, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là: “Pháp.” Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ, …(như trên)… Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, có hoài nghi trong việc chia rẽ, …(như trên)… Có hoài nghi trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ. Có hoài nghi trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ. Có hoài nghi trong điều ấy, có hoài nghi trong việc chia rẽ, sau khi xác định lầm kiến thức, xác định lầm sự mong ước, xác định lầm sự thỏa thích, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu tuyên bố Pháp là “Phi Pháp;”…(như trên)… tuyên bố phi Luật là “Luật;” tuyên bố Luật là: “Phi Luật;” tuyên bố điều không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều không được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều không được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố vô tội là: “Phạm tội;” tuyên bố phạm tội là: “Vô tội;” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nặng;” tuyên bố tội nặng là: “Tội nhẹ;” tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội không còn dư sót;” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội còn dư sót;” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa;” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ. Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ. Với kiến thức sai Pháp trong điều ấy, có hoài nghi trong việc chia rẽ. Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ. Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, có hoài nghi trong việc chia rẽ. Có hoài nghi trong điều ấy, với kiến thức sai Pháp trong việc chia rẽ. Có hoài nghi trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ. Có hoài nghi trong điều ấy, có hoài nghi trong sự chia rẽ, sau khi xác định lầm kiến thức, xác định lầm sự mong ước, xác định lầm sự thỏa thích, xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ phải) gánh chịu sự bất hạnh, phải sanh vào địa ngục, bị đọa trọn kiếp, không thể khác được.
[412] - Bạch ngài, thế nào là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ) không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được?
- Này Upāli, trường hợp vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là: “Pháp.” Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi không xác định lầm kiến thức, không xác định lầm sự mong ước, không xác định lầm sự thỏa thích, không xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ) không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.
Này Upāli, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp,”…(như trên)… tuyên bố tội ác xấu là: “Tội không ác xấu.” Với kiến thức đúng Pháp trong điều ấy, với kiến thức đúng Pháp trong việc chia rẽ, sau khi không xác định lầm kiến thức, không xác định lầm sự mong ước, không xác định lầm sự thỏa thích, không xác định lầm bản chất rồi vị ấy phân phát thẻ biểu quyết tuyên bố rằng: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời giáo huấn của bậc Đạo Sư. Hãy nhận lấy thẻ này, hãy ủng hộ việc này.” Này Upāli, đây là kẻ chia rẽ hội chúng (sẽ) không phải gánh chịu sự bất hạnh, không sanh vào địa ngục, không bị đọa trọn kiếp, có thể đổi khác được.


(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét