Trang

Chuyện khoa học kỳ lạ

Các nhà khoa học thuộc Đại học Zurich (Thụy Sĩ) đã phát hiện trường hợp một nữ soạn nhạc 27 tuổi có thể nhìn thấy màu sắc và cảm nhận được mùi vị khi nghe nhạc. Hiện tượng lạ này được biết đến với tên khoa học là synaesthesia (chứng loạn cảm giác).
– Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia ở La Jolla, bang California (Mỹ) đã tổ chức một bữa tiệc tối và sau đó phân tích thức ăn thừa của khách mời để xác định cấu trúc di truyền DNA của họ. Ứng dụng này có thể được dùng để tìm… bọn đạo chích vì đối tượng này thường để lại dấu vết khi “viếng thăm” bếp của gia chủ.
Những con voi châu Phi có ít nhất một điểm chung với những con vẹt. Đó là khả năng bắt chước âm thanh mà chúng nghe được ở xung quanh. Các nhà khoa học ở Mỹ và Na Uy đã đi đến kết luận trên sau khi phát hiện trường hợp một con voi cái bị giam cầm ở Kenya đã nhái âm thanh phát ra từ những chiếc xe tải đang di chuyển ở một con đường gần đó, trong khi một con voi đực tại một vườn thú ở Thụy Sĩ đã bắt chước tiếng kêu nho nhỏ của những đồng loại châu Á bị nhốt cùng chuồng với nó.
- Một nhóm sinh viên ở Đại học Brown (Mỹ) đã phát minh ra một chiếc đồng hồ báo thức có thể kiểm soát các ý nghĩ bất chợt và tính được thời điểm tốt nhất để đánh thức chủ nhân. Tuy nhiên, trở ngại duy nhất của phát kiến này là người dùng phải đeo một dây quấn có gắn các điện cực ở trên đầu trong khi ngủ.
- A.Lemaire, một sinh viên 24 tuổi ở Reims (Pháp), đã lập kỷ lục thế giới khi tìm ra căn bậc 13 của một con số gồm 200 chữ số chỉ bằng cách tính nhẩm trong khi một người bình thường phải mất 48 phút 51 giây để hoàn thành.
- A.Haraguchi, một chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần 59 tuổi ở Nhật Bản, đã lập kỷ lục thế giới khi đọc một mạch 83.431 chữ số thập phân của số pi trong vòng 13 giờ, phá kỷ lục trước đây thuộc về một người Nhật khác với thành tích gần 54 nghìn số thập phân.
- Hai chuyên gia về côn trùng người Mỹ đã tỏ sự kính trọng đối với Tổng thống Bush, Phó tổng thống D. Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld bằng cách lấy tên của 3 nhà chính trị gia này đặt tên cho 3 loài bọ mới là Agathidium bushi, Agathidium cheneyi và Agathidium rumsfeldi.
- Người ta phát hiện ra rằng một loài gặm nhấm có hình thù kỳ dị được bán lấy thịt tại một khu chợ ở Lào hóa ra không chỉ là một loài sinh vật mới mà còn là nhóm đầu tiên của một dòng động vật có vú trong hơn 30 năm qua đang chờ được nhận dạng. Nó sống trong các hốc đá nên được tạm gọi là chuột đá.
- Các nhà khoa học ở Northern Territory (Australia) đã phát hiện ra rằng những con cóc mía được nhập khẩu vào nước này để trừ sâu gây hại mía lại rất thích ánh đèn màu của… vũ trường.
- Kết quả một cuộc khảo sát do nhóm nghiên cứu người Anh thực hiện cho thấy các chương trình truyền hình nhiều kỳ về nghiệp vụ của các chuyên gia pháp y có thể vô tình cung cấp cho bọn tội phạm cách thức lẩn trốn pháp luật. Nhiều chuyên gia pháp y thậm chí không muốn hợp tác với các phương tiện thông tin đại chúng vì lý do này.
- Giải thưởng Ig Nobel hằng năm (tôn vinh những phát minh khoa học làm cho mọi người phải ôm bụng cười) là một bằng chứng cho thấy các nhà khoa học cũng rất hài hước. Chẳng hạn, một nhà khoa học đã sáng chế ra chiếc đồng hồ báo thức có thể lôi những người mê ngủ nhất ra khỏi giường bằng cách đổ chuông liên hồi, sau đó nó sẽ bỏ chạy bằng bánh xe và trốn ở một góc nào đó để chủ nhân không thể tóm lấy mà tắt chuông.
Nghiên cứu liệu con người bơi trong si-rô có nhanh hơn trong nước, phân tích hoạt động điện từ của một tế bào não châu chấu trong khi cho nó xem phim Chiến tranh giữa các vì sao và việc xác định áp lực trong hậu môn của những con chim cánh cụt khi chúng… ị cũng là những phát minh khoa học “ẵm” giải Ig Nobel năm nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét