Trang

CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT

CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT

-ooOoo-
  1. Đức Phật Cồ Đàm
    Từ Bỏ Thế Tục
    Con Người của Đức Phật
    Phải Chăng Đức Phật là Hóa Thân
    Ân Đức của Đức Phật
    Bằng Chứng Lịch Sử Về Đức Phật
    Giải Thoát Qua Quả Thánh A La Hán
    Bồ Tát
    Đạt Phật Quả
    Ba Thân Phật
ĐỨC PHẬT CỒ ĐÀM, VỊ KHAI SÁNG ĐẠO PHẬT
Đức Phật Cồ Đàm, người khai sáng Đạo Phật, sống tại Bắc Ấn vào thế kỷ thứ sáu trước Tây Lịch. Tên Ngài là Sĩ Đạt Ta, và họ Ngài là Cồ Đàm. Người ta gọi Ngài là Đức Phật sau khi Ngài đạt Giác Ngộ và tìm thấy Chân Lý. Tên này có nghĩa là "Người Đã Tỉnh Thức" hay Người Đã Giác Ngộ". Ngài thường tự gọi Ngài là Như Lai, và các đệ tử của Ngài gọi Ngài là Đấng Thế Tôn, Đấng Thiện Thệ. Có người gọi là Đức Cồ Đàm hay Đức Thích Ca Mâu Ni.
Ngài sanh ra là một Hoàng Tử có đầy đủ mọi thứ trên đời. Ngài được nuôi nấng trong cảnh xa hoa và gia đình Ngài, cả hai bên bên nội ngoại, đều thuộc dòng quý tộc. Ngài là người thừa kế ngai vàng, diện mạo tuấn tú, phong thái uy nghi, trang nghiêm đẹp đẽ khiến ai gặp cũng đem lòng cảm phục và tin tưởng. Vào năm mười sáu tuổi Ngài kết duyên với Công Chúa Da Du Đà La và hạ sanh một người con trai đặt tên là La Hầu La. Vợ Ngài, nhan sắc yêu kiều diễm lệ, luôn luôn tươi cười khả ái, đoan trang và thanh nhã.
Mặc dù sống trong cảnh xa hoa nhưng Ngài cảm thấy giống như con chim bị nhốt trong lồng vàng. Một ngày nọ, trong một cuộc thăm viếng ngoài thành, Ngài nhìn thấy "Bốn Cảnh", một người già, một người bệnh, một người chết và một nhà tu khổ hạnh. Khi nhìn thấy những cảnh tượng trên đây, Ngài nhận định " Không ai thoát khỏi già và chết". Ngài tự hỏi: "Có một cảnh giới nào mà đời sống không già không chết không? Nhìn thấy một nhà tu khổ hạnh với phong thái an nhiên, bình thản dường như không màng tục lụy, là đầu mối khiến Ngài dấn thân trong bước đầu đi tìm Chân Lý và Từ Bỏ thế tục.

Nhất quyết tìm ra con đưòng thoát khỏi trầm luân, Ngài bỏ gia đình để giải cứu chính Ngài và cả nhân loại. Vào năm Ngài 29 tuổi, một đêm, Ngài lặng lẽ từ giã vợ con đang thiêm thiếp giấc nồng, thắng yên cương và phi ngựa trực chỉ rừng già.
Sự từ bỏ của Ngài thật vô tiền khoáng hậu trong lịch sử. Ngài ra đi trong lúc tuổi thanh xuân đang thời kỳ sung mãn, bỏ lạc thú để đổi lấy khó khăn, bỏ hoàn cảnh vật chất vững vàng để đổi lấy hoàn cảnh thiếu thốn đầy bất trắc, bỏ địa vị giàu sang và quyền uy để trở thành một nhà tu khổ hạnh lang thang, sống trong hốc núi, rừng già với manh áo thô sơ chống cái nắng hè gay gắt, gió mưa lạnh lẽo của trời đông. Ngài bỏ địa vị giàu sang, một tương lai đầy hứa hẹn của quyền uy tột đỉnh, một đời sống đầy tình thương và hy vọng để đi tìm Chân Lý mà chưa hề có ai tìm ra cả.
Ròng rã sáu năm, Ngài đã cật lực kiên trì đi tìm Chân Lý. Ngài đã tìm đến các trưởng giáo danh tiếng thời bấy giờ để học hỏi, song không một vị thầy nào có thể dạy được Ngài. Khi Ngài không thể tìm được điều Ngài mong muốn, Ngài gia nhập vào đoàn các nhà tu khổ hạnh, tự hành xác, phá sinh lực, phá sức chịu đựng của thân xác, mà Ngài tưởng đó là con đường tìm được Chân Lý. Với một năng lực phi thường và một ý chí mãnh liệt, Ngài đã vượt qua những nhà tu khổ hạnh về tất cả những khắc khổ họ thực hành ở thời đó. Ngài nhịn ăn đến nỗi thân chỉ còn da bọc xương, có thể lấy tay sờ thấy bao tử và xương sống. Ngài đã tiến xa đến mức độ mà không thể có ai chịu đựng được để sống. Ngài chắc chắn phải chết nếu Ngài không kịp tỉnh ngộ, nhận thức ra được cái vô ích của sự hành hạ xác thân, và Ngài đã quyết định thay thế bằng con đường Trung Đạo.
Vào ngày trăng tròn Tháng Vesakha, Ngài ngồi tham thiền nhập định dưới cội bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng. Đó là lúc mà Trí Tuệ của Ngài đã làm bung vỡ được lớp bóng ảo tưởng của vũ trụ và nhìn thấy bản chất thật sự của đời sống và mọi sự vật. Vào năm 35 tuổi, từ một kẻ tận lực đi tìm được Chân Lý, Ngài đã trở thành Phật, Bậc Đại Giác.
Trong gần một nửa thế kỷ, Ngài đã dọc ngang trên các nẻo đường bụi bậm tại Ấn Độ, đem giáo Pháp dạy cho mọi người, nhờ Ngài biết bao nhiêu chúng sanh đã trở thành cao quý và được giải thoát. Ngài đã sáng lập ra đoàn thể Tăng Già cho Tăng và Ni, xóa bỏ giai cấp xã hội, nâng cao giá trị phụ nữ, dạy giáo lý tự do và bình đẳng, mở cánh cửa giải thoát cho tất cả mọi người, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cao hay thấp, các bậc thánh hay kẻ tội phạm, những kẻ giết người như Angulimala, những kỷ-nữ như Ambapali, ai nấy đều nhờ Ngài trở thành những người lương thiện, cao quý.
Ngài đã đạt đến đỉnh cao nhất của trí tuệ và trí năng. Mọi vấn đề đều được mổ xẻ thành từng bộ phận nhỏ rồi được ráp lại thành hệ thống hợp lý làm sáng tỏ ý nghĩa. Không ai có thể vượt qua Ngài trong đàm luận. Là một đạo sự vô song, Ngài còn là một nhà phân tích tâm lý và các hiện tượng lỗi lạc nhất thời bấy giờ và ngay cả đến thời nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, Ngài cho con người toàn quyền dùng sức mạnh của mình để tự tư duy, nâng cao giá trị của nhân loại, và dạy cho con người biết là có thể đạt được kiến thức cao cả nhất và giác ngộ tối thượng do những nỗ lực của chính mình.
Mặc dù với trí tuệ có một không hai, dòng dõi hoàng tộc, nhưng chẳng bao giờ Ngài tách rời người dân tầm thường. Địa vị và giai cấp xã hội vô nghĩa đối với Ngài. Ngài sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai dù người ấy là người cùng đinh, thấp hèn. Người bị phân chia giai cấp, kẻ nghèo khó, kẻ bị hắt hủi, đến với Ngài, đều tìm lại được nhân phẩm của mình, và thay đổi từ cuộc sống hèn mọn trỏ thành cuộc sống cao quý.
Với lòng từ bi vô biên, trí tuệ tối thượng, Ngài biết cách dạy cho từng cá nhân tùy theo trình độ và khả năng của chính họ đạt điều lợi ích. Ngài đã không quản ngại đường sá xa xôi đến giúp đỡ bất cứ ai cần đến Ngài.
Ngài thương yêu các đệ tử và hết lòng với họ, luôn luôn ân cần thăm hỏi về đời sống và sự tiến bộ của họ. Khi ở tịnh xá, Ngài thường ngày đến thăm các người bệnh. Ta thấy lòng từ bi của Ngài như thế nào đối với những người bệnh qua lời khuyến nhủ của Ngài: 'Ai chăm sóc người bệnh, tức chăm sóc ta' . Ngài ban hành giới luật trên căn bản tương kính. Vua Ba Tư Nặc không hiểu làm sao Đức Phật lại có thể duy trì được giới luật trong hàng ngữ các thầy tu, trong khi chính nhà vua với quyền uy tột đỉnh để trừng trị, cũng không duy trì được kỷ luật trong triều chính.
Ngài có nhiều thần thông phép lạ, nhưng Ngài coi những điều đó không quan trọng. Với Ngài, phép mầu vĩ đại nhất là làm sao giải thích cho mọi người hiểu được Chân Lý. Là vị đạo sư với tấm lòng từ bi sâu xa, Ngài muốn chấm dứt cái khổ đau của nhân loại, và quyết chí giải thoát con người khỏi gông cùm bằng một hệ thống tư tưởng hữu lý, thích hợp với đời sống.
Đức Phật không tuyên bố là đã "tạo" ra các điều kiện trần thế, hiện tượng vũ trụ, hay Định Luật Vũ Trụ mà chúng ta gọi là Pháp. Mặc dù người ta miêu tả Ngài là 'Lokavidu', "Người Hiểu Rõ Thế Giới", Ngài không tự coi là người độc nhất giữ Định Luật Vũ Trụ. Ngài thừa nhận Pháp, cùng với sự vận hành của vũ trụ, vô tận, không ai tạo ra Pháp, Pháp độc lập theo nghĩa tuyệt đối. Mỗi vật được tạo thành, hiện hữu trong vũ trụ, đều bị chi phối bởi tác động của Pháp. Cái mà Đức Phật làm (giống như tất cả các Đức Phật có trước Ngài), là khám phá ra Chân Lý xác thực này, và phổ biến Chân Lý ấy cho nhân loại. Khi tìm ra Chân Lý, Ngài cũng tìm ra phương thức để ta có thể tự giải thoát khỏi cái vòng luân hồi vô tận do những điều tội lỗi và bất toại nguyện.
Sau bốn mươi lăm năm hoằng pháp, Ngài nhập diệt lúc tám mươi tuổi tại Kusinara, bỏ lại hàng ngàn đệ tử, tăng và ni, và một kho tàng giáo Pháp vĩ đại. Đến ngày nay chúng ta vẫn còn cảm thấy được tình thương bao la vô bờ bến, sự tận tụy và gương sáng của Ngài.
Trong cuốn Ba Vĩ Nhân Vĩ Đại của lịch sử, H.G. Wells ghi nhận: 'Các bạn thấy rõ Đức Phật là một con người giản dị, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống thực ch? không phải thần thoại. Ngài cũng đã gửi một bức thông điệp bao quát cho nhân loại. Nhiều những tư tưởng tuyệt diệu hiện đại rất gần gữi tương đồng với thông điệp của Ngài. Tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy, đều do lòng ích kỷ. Con người, trước khi muốn trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng sống cho giác quan hoặc cho chính riêng mình. Rồi từ đó mới trở thành một con người cao cả. Phật Giáo qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ 500 năm trước trước Chúa Christ, đã kêu gọi con người đức tính vị tha. Trong nhiều phương diện, Ngài rất gần gữi với chúng ta, và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Đức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ hơn đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh.
TỪ BỎ THẾ TỤC
Sự từ bỏ thế tục của Thái Tử Tất Đạt Đa là một bước đi dững cảm nhất chưa từng có một ai dám làm.
Thái tử Tất Đạt Đa bị nhiều người chỉ trích vì từ bỏ gia đình và vương quốc. Một số người miêu tả việc trên là điều 'nhẫn tâm khi từ bỏ vợ và gia đình'. Phải, nếu Ngài không đột ngột bỏ gia đình và nếu Ngài từ giã những người thân yêu đúng nghi thức thì việc gì sẽ xẩy ra? Đương nhiên, những người thân yêu của Ngài sẽ năn nỉ Ngài thay đổi ý chí. Cảnh biệt ly ắt hẳn não nùng thảm thiết và chắc chắn vương quốc nhỏ bé của Vua Tịnh Phạn sẽ rơi vào vòng rối loạn. Sự quyết tâm đi tìm chân lý của Ngài ắt hẳn bị Vua Cha cản trở và vợ con sẽ nhất định không cho Ngài thực hiện hoài bão từ bỏ thế tục. Vào lúc 29 tuổi, Ngài đang ở lứa tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, một thanh niên bắt đầu vào cuộc đời. Khi ấy thì cái sức lôi kéo không muốn từ bỏ tất cả những gì Ngài đã thụ hưởng và thương yêu để đi tìm chân lý quả thật là một điều khốc liệt. Trong giờ phút cuối cùng tại cung điện, Ngài đến phòng ngủ nhìn vợ và đứa con trai mới sanh của Ngài đang thiêm thiếp giấc nồng. Ý tưởng thôi thúc mạnh mẽ ở lại và hủy bỏ chương trình chắc hẳn đã làm cho Ngài đau đớn. Tại Ấn vào thời đó, một người từ bỏ gia đình và những người thân yêu để trở thành một nhà tu khổ hạnh, sống một cuộc đời thánh thiện là một điều rất vinh dự. Sau khi cân nhắc tất cả các sự việc, Thái Tử Tất Đạt Đa dững cảm quyết chí thực thi ngay chương trình dự định.
Ngài từ bỏ thế gian không phải vì lợi ích cá nhân Ngài mà vì lợi ích và sự khổ đau của nhân loại. Với Ngài, toàn thể nhân loại là một gia đình. Sự từ bỏ thế tục của Tái Tử Tất Đạt Đa giữa lúc tuổi thanh xuân là một bước tiến dững cảm mà chưa ai có thể làm được.
Từ bỏ thế tục là một yếu tố rất quan trọng để đạt Giác Ngộ. Đạt Giác Ngộ phải bằng cách dứt luyến ái. Nguyên nhân của tất cả những khó khăn trong cuộc sống là do luyến ái. Chúng ta nóng giận, lo lắng, trở nên tham dục, oán trách và cay đắng đều do luyến ái. Tất cả những nguyên nhân của bất hạnh phúc, tinh thần căng thẳng, ương ngạnh, và phiền não đều do luyến ái. Khi xét bất cứ một khó khăn nào hay một phiền muộn nào của chúng ta, ta thấy nguyên nhân chính cũng vẫn là do luyến ái. Nếu như Thái Tử Tất Đạt Đa luyến ái vợ, con, vương quốc và lạc thú trần tục, thì Ngài chẳng bao giờ có thể tìm được chân lý giải thoát cái đau khổ của nhân loại. Cho nên Ngài đã hy sinh tất cả mọi thứ kể cả những lạc thú trần gian, tâm trí Ngài không còn vương mắc một điều gì trần tục, để có thể tìm ra Chân Lý giải thoát nhân loại khỏi khổ đau.
Dưới mắt của Vị Thái Tử trẻ tuổi, thế giới đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tham sân, si và các ô trược khác. Ngọn lửa này bốc cháy do tham dục của chúng ta. Ngài nhìn thấy mỗi chúng sinh trong thế giới này, kể cả vợ và con Ngài, đều đau khổ về vật chất và tinh thần. Bởi vậy, Ngài nhất quyết đi tìm giải pháp để chấm dứt cải khổ đau của nhân loại, và Ngài chấp nhận hy sinh tất cả mọi thứ.
Hai Ngàn Năm Trăm Năm sau cuộc từ bỏ trần tục vĩ đại của Ngài, một số người với nước mắt cá sấu, phê bình hành động của Ngài. Vợ Ngài không hề kết tội Ngài về việc Ngài bỏ ra đi khi Bà nhận thấy việc từ bỏ của Ngài thật vĩ đại và cao cả. Bà đã từ bỏ nếp sống vương giả, sống đơn giản để tỏ lòng thành kính Ngài.
Mấy vần thơ nổi tiếng nhận định về sự ra đi của Đức Phật:

Chẳng phải vì ghét đứa con yêu
Chẳng phải vì ghét người vợ hiền khả ái
Trong thâm tâm - chẳng phải vì kém lòng thương,
Mà vì Phật tính nhiều hơn nên Ngài đã từ bỏ tất cả. (Dwight Goddard)

CON NGƯỜI CỦA ĐỨC PHẬT - ÁNH SÁNG CỦA THẾ GIỚI

"Đã hiểu được những điều cần phải hiểu
Đã trau dồi những điều cần phải trau dồi
Đã đoạn trừ những điều cần phải đoạn trừ
Vậy nên, Brahmin, Như Lai là Đức Phật". (Sutta Nipata)

'Này các thầy, chừng nào mà Mặt Trăng và Mặt Trời, không mọc ở thế giới này thì lúc ấy không có ánh sáng rạng ngời của vầng quang minh rực rỡ. Tối tăm sẽ lan tràn, cái tối tăm của hoang mang bối rối. Sẽ không phân biệt được trăng tròn, trăng khuyết, cả đến tiết mùa, năm, tháng.
Nhưng này các thầy, khi Mặt Trăng và Mặt Trời mọc ở thế giới này, ánh sáng rạng ngời của của vầng quang minh rực rỡ chiếu rọi khắp nơi nơi. Cái tối tăm mờ mịt kia, cái tối tăm của hoang mang bối rối không còn nữa. Năm, Tháng, các mùa trong năm và Ngày rằm đều tỏ rạng.
'Cũng giống như vậy, này các thầy, bao lâu mà Đức Phật là một vị A La Hán, Đức Phật Tối Thượng không xuất hiện, thì ánh sáng rạng ngời của vầng quang minh rực rỡ không có. Chỉ có cái tối của mờ mịt, cái tối của hoang mang bối rối lan tràn. Không có tuyên ngôn, không có giáo lý, không có trình bày, không có bố trí, không có cởi mở, không có phân tách, không có làm sáng tỏ Tứ Diệu Đế.
' Thế nào là Bốn? Đó là Chân Lý của Khổ, Nguyên nhân của Khổ, Chấm dứt Khổ, và con Đường để diệt Khổ.
'Vì thế, này các thầy, các thầy phải cố gắng để thân chứng được: "Đây là Khổ, đây là Nguyên nhân Khổ, đây là sự Chấm dứt Khổ và đây là con Đường diệt Khổ'".
Những lời dạy trên đây cho chúng ta bức tranh rõ ràng về giá trị cao cả của sự xuất hiện của Đức Phật trên thế gian này. Đức Phật xuất hiện cùng thời với nền triết học Tây Phương được mở đầu bởi người Hy Lạp với Triết Gia Heraclites đã đem lại khúc ngoặt cho tôn giáo sơ khai của các vị thần Olympian. Cũng là thời gian mà Ngài Jeremiah gửi một thông điệp mới cho người Do Thái tại Babylon.
Cũng là thời gian mà Pythagoras trình bày thuyết luân hồi tại Ý. Cũng là thời gian mà Đức Khổng Tử khai sáng lý thuyết nhân trị áp dụng vào đời sống quốc gia Trung Hoa.
Cũng trong thời gian này, cơ cấu xã hội Ấn bị bao phủ nặng nề bởi sự lững đoạn của hàng tăng lữ, sự tự hành xác, chia rẽ giai cấp, phong kiến tham những, coi rẻ phái nữ và lo âu sợ hãi dưới thế lục của Bà La Môn.
Chính trong thời gian này, Đức Phật, đóa hoa thơm ngát nhất của nhân loại, xuất hiện trên mảnh đất mà những bậc thánh và những nhà hiền triết đã tận tụy hiến hết đời mình để tìm cầu chân lý.
Ngài là một vĩ nhân đã đem ảnh hưởng phi thường đến cho mọi người ngay trong khi còn đang tại thế. Sức hấp dẫn cá nhân, uy tín đạo đức và kết quả rực rỡ trong việc tìm ra chân lý, đã khiến Ngài thành công khắp nơi. Là một đạo sư lúc còn tại thế, Ngài đã giúp biết bao nhiêu người nghe theo lời dạy của Ngài được giác ngộ. Ngài thu hút mọi hạng người, kẻ sang, người hèn, kẻ giàu người nghèo, người học thức kẻ mù chữ, nam hay nữ, nội trợ, các nhà tu khổ hạnh, người quý tộc kẻ bần hàn. Ngài tìm đến những kẻ độc ác để giáo hóa họ, trong lúc những người thanh tịnh đạo đức thì tìm đến Ngài để học hỏi. Tất cả, ai nấy đều được ân hưởng món quà tinh thần quý giá "Chân Lý" mà Ngài đã tìm ra được. Trong các đệ tử của Ngài có các vua chúa, quân binh, thương gia, triệu phú, hành khất, kỷ nữ, người tu hành, kẻ lừa đảo. Ngài đem hòa bình khi có chiến tranh giữa người dân. Ngài giác ngộ kẻ lầm lạc. Những kẻ bị lửa tham dục và sân si thiêu đốt, Ngài cho họ nước cam lồ của Chân Lý. Khi họ bị bỏ rơi khốn khổ, Ngài đem cho họ tình thương bao la từ tấm lòng bi mẫn của Ngài.
Đức Phật không sắp xếp gì để tái tạo thế gian. Ngài là "Lokavidu", 'Người Hiểu R‚ Thế Gian'. Ngài quả hiểu rõ thế gian nên không còn một ảo ảnh nào về bản chất thực sự của nó hoặc tin rằng các định luật của nó có thể hoàn toàn tái lập cho thích hợp với dục vọng của con người. Ngài hiểu rằng thế giới không phải tồn tại cho lạc thú của con người. Ngài hiểu rõ tính thăng trầm của kiếp nhân sinh. Ngài hiểu rõ cái phù phiếm của óc tưởng tượng hay mơ mộng của con người về thế gian này.
Ngài không khuyến khích tư tưởng ước mong thành lập một thế giới 'Không Tưởng '. Nhưng Ngài dạy mỗi chúng ta Con Đường có thể chinh phục thế giới riêng tư của mình - cái thế giới chủ quan nội tâm trong địa hạt riêng tư của mỗi cá nhân. Bằng một ngôn ngữ đơn giản, Ngài nói cho chúng ta biết rằng cả cái thế giới này là ở trong chúng ta và thế giới chỉ huy bởi tâm thức cho nên tâm thức phải được huấn luyện và thanh lọc một cách đứng đắn.
Giáo Lý của Ngài căn bản rất đơn giản và có ý nghĩa: 'Không làm điều ác ; làm mọi điều thiện; và thanh lọc tâm ý. Đó là lời dạy của Chư Phật.' (Kinh Pháp Cú, Câu 183)
Ngài dạy chúng ta cách nhổ tận gốc rễ vô minh. Ngài khuyến khích ta hãy có thái độ tự do khi tư duy. Nghi thức cứng rắn, giáo điều khắt khe, niềm tin mù quáng và hệ thống giai cấp, tất cả những thứ đó không có trong cuộc đời của Ngài. Mọi người đều là một dưới mắt của Đức Phật.
Qua mọi trắc nghiệm về những gì Ngài đã nói, đã làm, đã biểu lộ Đức Phật đã tự chứng minh Ngài là một con người phi thường trong thời bấy giờ. Ngài thể hiện cho niềm tin của hạnh phục vụ, cho thiên chức của tinh thần hy sinh và hoàn tất nhiệm vụ. Ngài khuyên chúng ta nên, ngay từ hôm nay, bắt đầu cuộc sống như mới vào đời, nên chu toàn trách nhiệm và bổn phận trong cuộc sống thường nhật ngay bây giờ và tại đây và không nên ỷ lại vào người khác làm thế cho chúng ta.
Ngài trình bày cho thế giới một giải thích mới về vũ trụ. Ngài đem đến cho ta một nhãn quan mới về Hạnh Phúc vĩnh cửu, đó là đạt đến toàn hảo để trọn thành Phật Đạo. Ngài vạch ra con đường tiến đến tình trạng vĩnh viễn vượt khỏi mọi vô thường, con Đường tiến đến Niết Bàn, sự giải thoát cuối cùng khỏi cuộc sống khổ đau.
Thời gian của Ngài cách đây 2500 năm, nhưng ngày nay vị Đạo Sư Vĩ Đại này, không những được vinh danh bởi những người đạo hạnh, mà còn được quý trọng bởi các sử gia, các nhà duy-lý-luận, người theo chủ nghĩa vô thần, và các nhà trí thức trên toàn thể thế giới, tất cả đều công nhận Ngài là Đấng Giác Ngộ, Bậc Đạo Sư phóng khoáng và từ bi nhất.
'Sukho Buddhanam Uppado'
'Hạnh Phúc Thay, Chư Phật Giáng Sanh' (Kinh Pháp Cú, Câu 194)

PHẢI CHĂNG ĐỨC PHẬT LÀ HÓA THÂN CỦA THƯỢNG ĐẾ?
Đức Phật không bao giờ tuyên bố Ngài là con hay là một sứ giả của Thượng Đế.
Đức Phật là một con người độc nhất đạt được tự Giác Ngộ. Không ai là người được coi như là Thầy của Ngài. Ngài đạt giác ngộ là do những cố gắng của chính Ngài, và do Ngài tu tập hoàn bị mười đức tính tối thượng (Thập Độ Ba La Mật) 'bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, quyết định, tâm từ và tâm xả. Do thanh lọc được tâm ý, Ngài đã mở được cánh cửa tri thức. Ngài biết tất cả những điều gì cần biết, trau dồi tất cả những điều gì cần trau dồi, và đoạn trừ tất cả những điều gì cần phải đoạn trừ. Thật vậy, không có một vị thầy của một tôn giáo nào khác có thể so sánh với Ngài được trong phạm vi tu tập và đạt được cứu cánh.
Phẩm tính đặc biệt và sức thuyết phục của thông điệp của Đức Phật mạnh mẽ đến nơi nhiều người phải hỏi Ngài "Ngài là Gì" (không nhiều như "Ngài là Ai"). Những câu hỏi '"Ngài là Ai" ắt liên quan đến tên tuổi, gốc gác, tổ tiên của Ngài.... trong khi câu hỏi "Ngài là Gì" ắt muốn biết về đẳng cấp chúng sanh nào mà Ngài tùy thuộc . Ngài có vẻ thần thánh và gây nhiều cảm kích đến nỗi ngay cả vào thời Ngài tại thế, có nhiều người đã toan phong cho Ngài là một vị thần linh hay hóa thân của Thượng Đế. Ngài chẳng bao giờ đồng ý về điều trên đây. Trong kinh Anguttara Nikaya, Ngài nói: 'Quả thực Như Lai chẳng phải là thiên nhân, chẳng phải là càn-thát-bà, chẳng phải là quỷ thần, chẳng phải là nhân mà Như Lai là Phật'. Sau khi Giác Ngộ, không thể sắp Đức Phật là một chúng sinh bình thường vì Ngài thuộc về giống Phật, một loại giống đặc biệt hay loại các chúng sinh đạt giác ngộ, tất cả những gì thuộc về Chư Phật.
Thỉnh thoảng Chư Phật xuất hiện nơi cõi trần. Nhưng có một số người lầm lẫn coi là chỉ vẫn một Đức Phật đó luân hồi hay thị hiện xuống trần nhiều lần. Thật sự không phải chỉ có một Đức Phật, mà có nhiều Đức Phật, nếu không chẳng ai có thể thành Phật được cả. Nguời Phật Tử tin rằng bất cứ ai cung có thể thành Phật nếu người đó phát triển những phẩm tính đến mức toàn hảo, và khi người đó có thể diệt vô minh bằng những cố gắng của chính mình. Sau khi Giác Ngộ, Chư Phật đều giống nhau trong cứu cánh và kinh nghiệm về Niết Bàn.
Tại Ấn, tín đồ của nhiều giáo phái chính thống cố gắng kết tội Đức Phật vì giáo lý phóng khoáng của Ngài đã cách mạng xã hội Ấn thời đó. Nhiều người coi Ngài như kẻ thù, nhất là khi thấy một số đông trí thức và những người thuộc đủ các gia cấp trong xã hội theo tôn giáo của Ngài. Khi âm mưu tiêu diệt Ngài không thành, họ thay đổi chiến lược và gán cho Ngài là một hóa thân của một trong các thần linh của họ. Làm như vậy, họ có thể đem Phật Giáo vào tôn giáo của họ. Ở một mức độ nào đó, chiến lược này đã thành công tại Ấn, và do đó qua nhiều thế kỷ, đã làm suy thoái Phật Giáo và hậu quả là đã làm bật gốc đạo Phật ra khỏi mảnh đất khởi thủy của tôn giáo này.
Ngay cả đến ngày nay một số các nhà tôn giáo đã cố gắng đem Đức Phật vào tín ngưỡng của họ, ngõ hầu quy nạp người Phật Tử theo đạo họ. Chủ yếu làm như để nói là chính Đức Phật đã tiên đoán có một Vị Phật khác ra đời, và Đức Phật cuối cùng này lại rất đại chúng hơn. Một nhóm khác lại phong cho một đạo sư sống 600 năm sau Đức Phật Cồ Đàm là Vị Phật cuối cùng. Một nhóm khác nói là vị Phật kế tiếp đã đến Nhật Bản vào Thế Kỷ Thứ 13. Lại cũng có một nhóm khác tin là vị khai sáng ra đạo của họ thuộc dòng dõi các Đại Đạo Sư (như Đức Cồ Đàm và Chúa Jesus), và vị khai sáng này là Đức Phật cuối cùng. Những nhóm này khuyến cáo người Phật Tử nên bỏ Đức Phật cũ và nên theo Đức Phật mới. Đồng thời với cái nhìn tốt của ta về họ vì họ đã coi Đức Phật như những Đạo sư của họ, chúng ta cũng cảm thấy được thâm ý muốn lôi cuốn ngưòi Phật Tử vào một niềm tin khác bằng cách xuyên tạc chân lý, quả là cực kỳ chua cay.
Những kẻ cho là Đức Phật mới đã ra đời rõ ràng xuyên tạc lời Đức Phật nói. Dù Đức Phật có tiên đoán một vị Phật tương lai sẽ xuất hiện, nhưng Ngài có nêu rõ có một số điều kiện cần phải có trước khi điều này có thể xẩy ra. Do đặc tính của Phật Quả nên Vị Phật Tương Lai sẽ không thị hiện khi nào mà Giáo Pháp của Đức Phật hiện tại vẫn còn hiện hữu. Vị Phật tương lai chỉ thị hiện khi Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo hoàn toàn bị quên lãng. Con người sống thời bấy giờ sẽ được hướng dẫn đúng cách để hiểu rõ vẫn cái Chân Lý đã được giảng dạy bởi các Đức Phật trước. Chúng ta hiện nay đang sống trong hệ thống Giáo Pháp của Đức Phật Cồ Đàm. Mặc dù nền đạo đức bị suy thoái ở một số người, với rất ít ngoại lệ, nhưng Đức Phật tương lai chỉ thị hiện sau một thời gian không thể tính được khi mà nhân loại hoàn toàn lạc mất con Đường đi tới Niết Bàn và chính lúc đó là lúc con người sẵn sàng tiếp đón Vị Phật tương lai này.
ÂN ĐỨC CỦA ĐỨC PHẬT
Đức Phật xuất hiện để phá tan cái tăm tối của vô minh và để chỉ cho nhân gian biết phương pháp giải thoát khỏi khổ đau
.
Đức Phật là hiện thân của tất cả những phẩm hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển lời nói thành hành động. Không lúc nào mà Ngài không trình bầy bất cứ cái yếu đuối của con người hay bất cứ dục vọng căn bản nào. Giới luật của Đức Phật là giới luật toàn hảo nhất mà thế giới từng được biết đến.
Trên 25 thế kỷ qua, hàng triệu người đã tìm được nguồn cảm hứng và an ủi trong Giáo Lý của Ngài. Ngày nay sự vĩ đại của Ngài vẫn rực rỡ như vầng thái dương chiếu sáng nơi tối tăm. Giáo Lý của Ngài vẫn đem yên ổn và bình an của Niết Bàn cho người hành hương lo âu. Không có ai đã hy sinh quá nhiều lạc thú trần gian để cứu khổ cho nhân loại như Ngài.
Đức Phật là vị lãnh đạo tôn giáo đầu tiên trong lịch sử thế giới khiển trách việc dùng sanh mạng con vật để hy sinh bất cứ vì lý do gì, và kêu gọi con người không nên hại bất cứ sinh vật nào.
Với Đức Phật, tôn giáo không phải là chuyện mặc cả nhưng là đường lối để tiến tới giác ngộ. Ngài không muốn tín đồ của Ngài mù quáng; Ngài muốn họ suy gẫm một cách tự do và trí tuệ.
Toàn thể nhân loại được Ngài ban phước do sự hiện diện của Ngài.
Chưa có lúc nào Ngài dùng đến những lời bất nhã với bất cứ một ai. Ngay cả đến những người chống đối Ngài, những kẻ thù xấu nhất, Ngài cũng không bao giờ tỏ ra thiếu thân thiện với họ. Một số người có thành kiến, chống đối Ngài và muốn giết Ngài, nhưng với họ, Đức Phật vẫn không coi họ là kẻ thù. Đức Phật có lần nói: 'Như voi chiến ra trận, hứng lãnh làn tên mữi đạn, cũng thế ấy, Như Lai phải chịu đựng lời nguyền rủa'. (Kinh Pháp Cú, Câu 320).
Trong biên niên sử, không có một nhân vật nào đã hy sinh đem hạnh phúc cho nhân loại như Đức Phật đã làm. Từ giờ Giác Ngộ cho đến lúc Nhập Diệt, Ngài không ngừng tranh đấu để nâng cao nhân loại. Ngài chỉ ngủ có hai giờ một ngày. Hai Mươi Năm Lăm thế kỷ trôi qua từ khi Vị Đại Đạo Sư này đã qua đời, thông điệp tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn hiện hữu thuần khiết như lúc ban đầu. Thông điệp của Ngài vẫn ảnh hưởng sâu xa đến vận mệnh của nhân loại. Ngài là một Đấng Từ Bi cao cả nhất đã soi sáng thế giới với tình thương thân ái.
Sau khi nhập Niết Bàn, Ngài đã để lại bức thông điệp bất tử cho chúng ta. Ngày nay hòa bình thế giới của chúng ta bị đe dọa khủng khiếp. Không bao giờ trong lịch sử của thế giới thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như cho thời đại này.
Đức Phật đản sanh để xóa tan cái tăm tối của vô minh, chỉ cho thế gian làm sao thoát khỏi khổ đau, bệnh não, suy tàn, cái chết và tất cả lo âu, đau đớn khổ sở của chúng sanh.
Theo một số tín ngưỡng, một đấng thiêng liêng nào đó sẽ thỉnh thoảng xuất hiện để diệt kẻ ác, và che chở người lương thiện. Đức Phật không xuất hiện trên thế gian này để diệt kẻ ác nhưng để dạy họ con đường chân chính.
Trong lịch sử thế giới cho đến thời kỳ Đức Phật, chúng ta chưa hề nghe thấy một vị thầy trong bất cứ tôn giáo nào lại chan chứa tình cảm thương yêu đối với nhân loại khổ đau như Đức Phật? Đồng thời với Đức Phật, chúng ta có nghe thấy một số nhà hiền triết Hy Lạp như Socrates, Plato, và Aristotle. Nhưng các vị này chỉ là những triết gia, những nhà tự do tư tuởng và những người đi tìm chân lý; họ đều thiếu sự phát triển tình thương trước sự đau khổ bao la của chúng sanh.
Con đường cứu độ nhân loại của Đức Phật là dạy cho con người làm sao tìm được giải thoát. Ngài không chú trọng đến làm nhẹ bớt một vài trường hợp về thân và tâm bệnh. Ngài quan tâm nhiều đến việc vạch ra con Đường để mọi người đi theo.
Chúng ta hãy lấy tất cả những triết gia, tâm lý, những nhà tự do tư tưởng, khoa học gia, duy lý luận, xã hội, các nhà cách mạng vĩ đại nhất của tất cả các đạo sư của các tôn giáo khác, và với một tinh thần không thiên vị, chúng ta đem so sánh những vĩ đại của họ, đức hạnh của họ, ân đức phục vụ của họ, và trí tuệ của họ với đức hạnh, lòng từ tâm và sự giác ngộ của Đức Phật. Ta có thể thấy ngay Đức Phật đứng trong một vị thế nào giữa những người này.
BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ VÀ ĐỨC PHẬT
Đức Phật là người chiến thắng vĩ đại nhất mà thế gian từng được thấy. Giáo lý của Ngài soi sáng con đường cho nhân loại để vượt khỏi thế giới tối tăm, hận thù, và đau khổ để tiến tới một thế giới mới của ánh sáng, tình thương và hạnh phúc.
Đức Phật Cồ Đàm không phải là một nhân vật huyền thoại nhưng là một con người thật với nhân cách lịch sử, là người khai sáng ra Đạo Phật. Bằng chứng xác nhận cuộc sống của vị Đại Đạo Sư ấy cho thấy trong những sự kiện sau:
1. Lời chứng của những người đích thân biết Ngài. Những lời chứng này được ghi trên tảng đá, trụ đá, và các chùa vinh danh Ngài. Những lời chứng và những lâu đài kỷ niệm Ngài tạo dựng bởi các vị Vua và nhiều người, rất gần với thời của Ngài nên có thể kiểm chứng tiểu sử của Ngài.
2. Công trình khám phá những nơi chôn và tàn tích của những kiến trúc được ghi trong những bài tường thuật thời Ngài.
3. Tăng Già, đoàn thể thánh thiện do Ngài khai sáng, vẫn được duy trì hiện hữu cho đến ngày nay. Tăng Già có những dữ kiện về đời sống và giáo lý của Ngài được truyền thừa qua nhiều thế hệ tại nhiều nơi trên thế giới.
4. Sự kiện vào năm Ngài nhập diệt và vào nhiều thời điểm khác với các cuộc đại hội được kiết tập bởi Hội Đồng Tăng già để kiểm chứng giáo lý hiện tại của Vị Khai Sáng. Giáo lý kiểm chứng được truyền thừa từ Bậc Đạo Sư đến các môn đồ từ thời Ngài cho đến ngày nay.
5. Sau khi Ngài nhập diệt, xác thân của Ngài được hỏa táng, và xá lợi của Ngài được chia cho tám vương quốc tại Ấn. Vua nào cũng đều xây dựng chùa tháp để thờ xá lợi của Ngài. Phần xá lợi chia cho Vua Ajata Satthu được thờ trong một ngôi Chùa xây dựng bởi vị Hoàng Đế này tại Rajagriha. Gần hai thế kỷ sau, Hoàng Đế Asoka (A Dục) đem xá lợi này chia cho khắp nước. Những chữ khắc trên những Chùa Tháp xác nhận xá lợi thờ tại nơi đó là của Đức Phật Cồ Đàm.
6. 'Mahavansa', cuốn lịch sử thời cổ trung thực nhất cho chúng ta thấy chi tiết về đời sống của Hoàng Đế A Dục và tất cả những chư hầu liên hệ đến lịch sử Phật Giáo. Lịch sử Ấn cũng dành những trang sử vẻ vang nói về đời sống, hành hoạt của Đức Phật, truyền thống và tập tục của người Phật Tử.
7. Một vài thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, chúng ta có thể tìm thấy những tài liệu tại các nước tiếp nhận giáo lý của Ngài như Tích lan, Miến Điện, Trung Hoa, Tây Tạng, Nepal, Triều Tiên, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam, Cao Miên và Lào, đều một loạt ghi lịch sử, văn hóa, đạo lý, văn học và các bằng chứng truyền thừa lại do vị Đại Đạo Sư của Ấn tức Đức Phật Cồ Đàm.
8. Tam tạng kinh điển, hồ sơ không hề bị gián đoạn trong suốt 45 năm hoằng Pháp của Ngài thừa đủ để chúng minh là Đức Phật thực sự sống trên thế giới này.
9. Sự chính xác và trung thực trong kinh điển Phật giáo cung cấp tài liệu cho những nhà viết sử Ấn ghi chép lịch sử Ấn trong thế kỷ thứ 5 và thứ 6 trước Tây Lịch. Các bản văn, tiêu biểu là những tài liệu cổ điển được tin cậy ghi chép trong thời thượng cổ Ấn, cho thấy sự thấu hiểu tường t?n tình trạng xã hội, kinh tế, văn hóa, môi sinh chính trị, và những hoàn cảnh trong thời Đức Phật cũng như những người đương thời với Ngài chẳng hạn như Đức Vua Bình Sa Vương.
GIẢI THOÁT QUA QUẢ THÁNH A LA HÁN.
Đạt Niết Bàn do quả thánh A La Hán không phải là ích kỷ.
Một số Phật Tử tin giải thoát bằng cách trở nên A La Hán là một động cơ vị kỷ; vì lẽ mọi người đều tuyên bố, phải cố gắng thành Phật để cứu độ người khác. Niềm tin đặc biệt này không có một chút liên quan gì đến Giáo Lý của Đức Phật. Đức Phật chẳng bao giờ nói là Ngài muốn cứu độ tất cả các chúng sanh trên toàn thể vũ trụ này. Ngài chỉ giúp những ai có tinh thần chấp nhận lối sống cao quý của Ngài.
'Cánh cửa của bất tử đang mở rộng!
Cho những ai nghe theo để từ bỏ học thuyết sai lầm ...
'Bây giờ Như Lai sẽ quay Bánh xe của Đại Định Luật
Để đi vào cảnh giới bất hoại
Nơi đó Như Lai sẽ đánh trống của bất tử
Trên thế gian này đang mò mẫm trong tối tăm'.
-- (Kinh Ariya Pariyesana - Majjhima Nikaya)

Trong giáo lý nguyên thủy của Đức Phật, không có việc 'cứu người khác'. Theo như phương pháp chỉ dẫn bởi Đức Phật, mỗi người hay bất cứ ai phải cố gắng tu hành để thanh tịnh chính mình hầu đạt giải thoát bằng cách thực hành lời dạy của Ngài. Ta luôn luôn nhớ tới lời khuyên của Đức Phật: Chính tự các con phải kiên trì cố gắng để được giải thoát. Chư Phật chỉ là các vị thầy chỉ đường cho các con' (Kinh Pháp Cú, câu 276).
Niềm tin là mỗi người phải cố gắng để trở thành Phật hầu đạt giải thoát không hề được đề cập đến trong Giáo Lý nguyên thủy của Đức Phật. Nếu tin như vậy thì chẳng khác gì đòi hỏi mỗi người chúng ta phải trở nên một bác sĩ để chữa bệnh cho chính mình và cho người. Lời đòi hỏi như vậy không thể thực thi được. Nếu người bệnh muốn chữa bệnh, phải tuân theo lời chỉ dẫn của một vị lương y giỏi. Bệnh nhân dễ dàng làm việc trên mà chẳng cần phải chờ đợi cho đến khi thành bác sĩ mới chữa được bệnh. Nếu mọi người đều trở thành bác sĩ hết, thì ai là bệnh nhân? Cũng như vậy nếu tất cả ai ai cũng thành Phật cả thì ai cứu ai? Đương nhiên, ai muốn trở thành bác sĩ có thể thực hiện được ý nguyện mình. Nhưng người đó phải thông minh, can đảm và có các phương tiện cần thiết mới học thuốc được. Tương tự như vậy, không phải là bất cứ ai bắt buộc trở thành Phật, mới có thể giải thoát cho chính mình được. Ai ước muốn thành Phật, người đó có thể làm được. Tuy nhiên hành giả phải can đảm, có kiến thức, hy sinh các tiện nghi của chính mình, từ bỏ trần tục để đạt Phật Quả. Cũng có những người không mong ước gì hơn là được mạnh khỏe.
Muốn được Quả Thánh A-La-Hán, ta phải nhổ hết gốc rễ tham ái, và ích kỷ. Điều này hàm ý trong khi liên hệ với người khác, Vị A-La-Hán phải hành hoạt với lòng từ bi và cố gắng ảnh hưởng người khác để họ tiến tu trên đường giải thoát. Vị đó đó là bằng chứng sống động của những kết quả tốt lành mà một người đạt được do theo phương pháp chỉ dạy của Đức Phật. Không thể đạt được Niết Bàn, khi ta hành động với động cơ ích kỷ. Do đó, thật là vô căn cứ khi nói rằng nỗ lực để trở thành A La Hán là một hành động ích kỷ.
Phật quả là lý tưởng tối thượng và cao quý nhất trong ba lý tưởng (Phật, Bích-Chi Phật và A-La-Hán). Nhưng không phải là bất cứ ai cũng đạt được lý tưởng tối thượng ấy. Dĩ nhiên tất cả các khoa học gia không thể trở thành Einsteins và Newtons được. Tuy vậy cũng vẫn có chỗ cho những khoa học gia kém lỗi lạc hơn phục vụ cho thế giới tùy theo khả năng của họ.
BỒ TÁT
Bồ Tát là một chúng sanh hiến đời mình để Giác Ngộ.
Là một đấng từ bi, một vị Bồ Tát nhắm mục đích đạt Phật quả và qua sự trau dồi tâm ý, sẽ trở thành Vị Phật tương lai.
Muốn đạt Giác Ngộ Tối Thượng, Bồ Tát thực hành các phẩm hạnh siêu việt (Ba La Mật) đến mức toàn hảo. Những phẩm hạnh ấy là bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, thành thực, quyết định, tâm từ và tâm xả. Vị Bồ Tát trau dồi các phẩm hạnh ấy với lòng từ bi, trí tuệ, không mảy may vì động cơ ích kỷ hay tự phụ. Bồ Tát làm vì hạnh phúc và an vui của chúng sanh, tìm hiểu cái đau khổ của người khác qua hàng loạt các kiếp sống không kể siết. Trên con đường tiến đến toàn hảo, Bồ Tát luôn luôn sẵn sàng thực hành các phẩm hạnh này đôi khi phải hy sinh cả thân mạng.
Trong Kinh Điển Pali, Thái Tử Tất Đạt Đa trước khi Giác ngộ, và trong các tiền kiếp của Ngài, được gọi là Bồ Tát. Chính Đức Phật đã dùng từ ngữ này khi nói về đời sống của Ngài trước khi Giác Ngộ. Trong các bản văn bằng tiếng Pali, không có chỗ nào ghi là Bồ Tát Đạo là con đuờng duy nhất để đạt mục tiêu tối hậu, hạnh phúc Niết bàn. Rất hiếm có một đệ tử trong thời Đức Phật bỏ dịp đạt thánh quả mà tuyên bố Bồ Tát thừa là nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, qua vài hồ sơ cho thấy có một số đệ tử của Đức Phật uớc nguyện thành Bồ Tát để đạt Phật quả.
Trong tư tưởng Đại Thừa, tu hành hạnh Bồ Tát giữ vai trò rất quan trọng. Lý tưởng Đại Thừa coi Bồ Tát là chúng sanh đã tiến tới Niết Bàn nhưng tình nguyện hy sinh đắc quả này trở lại thế gian để cúu độ các chúng sanh khác. Vị Bồ Tát này vui lòng trì hoãn việc giải thoát khỏi luân hồi hầu chỉ cho chúng sanh con đường đạt Niết Bàn.
Mặc dù Phật Giáo Nguyên Thủy kính trọng Bồ Tát, nhưng không cho rằng các Bồ Tát có thể giác ngộ hay cứu độ các người khác trước khi chính bản thân các vị này chưa giác ngộ. Cho nên các vị Bồ Tát không được coi như là các vị cứu thế. Muốn đạt được giải thoát cuối cùng, tất cả chúng sanh phải theo phương pháp do Đức Phật dạy và theo gương Ngài. Chúng sanh phải tự mình nhổ hết gốc rễ ô trược tinh thần và phát triển tất cả những hạnh lành.
Phật Giáo Nguyên Thủy không đồng ý niềm tin cho rằng mọi người phải tranh đấu để trở thành Phật hầu đạt Niết Bàn. Tuy nhiên, từ ngữ 'Bồ Đề' là để dùng khi nói đến các đức tính của một Đức Phật, một Bích Chi Phật, hay một A-La-Hán để diễn tả Samma SamBodhi (Giác Ngộ hoàn toàn), PaccekaBodhi (Giác ngộ của các Bích Chi Phật), và SavakaBodhi (Giác Ngộ của các Bậc A-La-Hán). Ngoài ra, có nhiều Vị Phật ghi trong các trường Phái Đại Thừa không phải là các Đức Phật lịch sử, cho nên Phật Giáo Nguyên Thủy không mấy quan tâm đến. Quan điểm cho rằng một số các Đức Phật và Bồ Tát lúc nào cũng đang ở một cảnh giới thanh tịnh chờ đợi những ai cầu đến các Ngài hoàn toàn xa lạ với giáo lý căn bản của Đức Phật. Một số Bồ Tát được mô tả là tình nguyện ở trong các cảnh giới thanh tịnh, tự mình không cần đến giác ngộ và chỉ giác ngộ khi không còn một chúng sanh nào cần được cứu độ. Do tầm rộng lớn của vũ trụ và số lượng chúng sanh không kể siết trong vòng vô minh và vị kỷ cho thấy rõ ràng là nhiệm vụ đó không thể thành tựu được, và vì số lượng của chúng sanh có bao giờ chấm dứt.
Có bắt buộc một Vị Bồ Tát bao giờ cũng phải là một Phật Tử không? Chúng ta có thể tìm thấy giữa những người Phật Tử, một số có hạnh hy sinh và rất mến mộ các vị Bồ Tát. Đôi khi có thể họ cũng không để ý gì đến nguyện vọng cao thượng, họ chỉ tự nhiên hăng say làm việc để phục vụ người khác và trau dồi đức tính ban sơ của họ. Tuy nhiên các Vị Bồ Tát không những tìm thấy trong số Phật Tử mà cũng có thể tìm thấy ở những người có tôn giáo khác. Những chuyện tiền thân của Đức Phật, miêu tả gia đình và hình thái sinh sống Đức Bồ Tát. Đôi khi Ngài tái sanh làm kiếp thú. Thật là khó có thể tin được là Đức Bồ Tát này được sanh trong một gia đình đạo Phật vào mỗi kiếp sống. Tuy nhiên dù sanh duới hình thái nào, hay vào một gia đình nào, Đức Bồ Tát vẫn tranh đấu cam go để phát triển phẩm hạnh. Đại nguyện đạt được toàn hảo từ kiếp này đến kiếp khác cho đến lần sanh chót khi được thành Phật, là đức tính phân biệt rõ ràng một vị Bồ Tát với chúng sanh khác.
ĐẠT PHẬT QUẢ
Đạt Phật Quả là một nhiệm vụ khó khăn nhất cho một con người theo đuổi trên thế gian này.
Phật Quả không phải chỉ để dành riêng cho một số người được lựa chọn hay cho các siêu nhân. Ai cũng có thể thành Phật. Không có một vị khai sáng tôn giáo nào lại tuyên bố cho tín đồ của mình là họ có cơ hội và khả năng đạt được địa vị như chính vị khai sáng đó.
Tuy nhiên, đạt được Phật Quả là một nhiệm vụ khó khăn nhất cho một con người theo đuổi trong thế gian này. Con người đó phải hết sức nỗ lực, hy sinh mọi lạc thú trần tục. Người đó phải trau dồi, thanh lọc tâm ý khỏi tất cả những tư tưởng xấu xa hầu đạt được sự Giác ngộ này. Con người đó phải tự thanh tịnh hóa qua vô lượng kiếp, phát triển tâm linh để trở thành Phật. Rất cần thiết phải qua những quãng thời gian dài với cố gắng vượt bực mới có thể hoàn thành được tiêu chuẩn cao tột của sự tự tu này. Tiến trình tu học tột bực để đạt Phật quả gồm có kỷ luật tự giác, tự kiềm chế, nỗ lực siêu phàm, quyết tâm, và thiện chí chịu đựng mọi loại đau khổ vì lợi ích cho chúng sanh đang đau khổ trong thế gian này.
Điều trên đây cho thấy rõ ràng Đức Phật không đạt Giác Ngộ Tối Thượng chỉ đơn giản bằng cầu nguyện, sùng bái, hay dâng hiến lễ vật cho những đấng siêu nhiên. Ngài đạt Phật quả do sự thanh lọc tâm ý Ngài. Ngài đạt Giác Ngộ Tối Thượng không do ảnh hưởng của một sức mạnh siêu nhiên bên ngoài nào mà do do chính sự phát triển tuệ giác của chính Ngài. Như vậy chỉ ai có quyết tâm, can đảm vượt qua các chướng ngại, nhược diểm và vị kỷ mới có thể đạt được Phật quả.
Thái Tử Tất Đạt Đa đạt Phật quả không phải chỉ đơn giản qua một đêm bình thường ngồi dưới cội cây Bồ Đề. Không có một đấng siêu nhiên nào xuất hiện và tiết lộ ra một điều gì bằng cách thì thầm bên tai Ngài lúc Ngài đang nhập định duới cội Bồ Đề. Đã có một lịch sử dài với nhiều kiếp trước của Ngài trước khi ngài đạt Phật Quả Tối Thượng. Nhiều chuyện tiền thân của Ngài cho chúng ta thấy Ngài đã tận tụy, hy sanh mạng sống trong nhiều kiếp như thế nào mới đạt Phật quả. Không ai có thể đạt Phật quả mà không thực hành viên mãn mười điều toàn thiện hay Ba La Mật. Thời gian cần thiết để phát triển mười điều toàn hảo này giải thích tại sao một Đức Phật chỉ ra đời sau một thời gian rất dài.
Cho nên lời khuyên của Đức Phật dặn dò các môn đồ là muốn được giải thoát không cần phải chờ đợi cho đến khi mỗi chúng ta được thành Phật. Hành giả có thể đạt giải thoát bằng cách đạt quả Bích-Chi-Phật hay Thánh quả A-La-Hán. Bích-Chi-Phật hay Duyên Giác Phật xuất hiện trong thế gian này khi không có Đức Phật Giác Ngộ nào. Bích-Chi-Phật cũng là những Đấng Giác Ngộ. Tuy nhiên mức độ toàn hảo thì chưa được tương đồng như Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác nhưng Bích-Chi-Phật cũng chứng đắc hạnh phúc Niết Bàn. Không giống như Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác, Bích-Chi-Phật không thuyết giảng cho đại chúng. Các Ngài sống một cuộc đời ẩn dật.
Các Vị A-La-Hán cũng chứng đắc hạnh phúc Niết Bàn như các chư Phật. Niết Bàn không phân biệt giữa Chư Phật, Bích-Chi-Phật hay A-La-Hán. Sự khác biệt duy nhất là A-La-Hán không đạt được Giác Ngộ Tối Thượng để giác ngộ người khác như chư Phật. A-La-Hán phải vượt thắng được tham dục và nhược điểm của con người. A-La-Hán thực hành đúng Pháp do Đức Phật khám phá và truyền dạy. A-La-Hán cũng chỉ bày cho mọi người chánh Pháp và con đường tiến tới giải thoát.
"Kiccho Buddhanam Uppado"
Hi hữu thay một Vị Phật ra đời! (Kinh Pháp Cú, câu 182)
BA THÂN PHẬT
Ba thân Phật gồm có: Pháp Thân, Hóa Thân và Báo Thân.

Theo triết lý Đại Thừa, nhân cách của Đức Phật được phân tích kỷ lưỡng. Theo triết học này, Đức Phật có ba thân: hay ba khía cạnh của nhân cách: Pháp Thân, Hóa Thân và Báo Thân.
Sau khi một Đức Phật giác ngộ, Ngài là hiện thân của trí tuệ, từ bi, hạnh phúc và tự tại. Lúc đầu, chỉ có một Đức Phật trong truyền thống Phật Giáo. Ngài là Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, ngay trong hiện kiếp của Ngài, Ngài đã phân biệt giữa Ngài là Bậc Đại Giác, nhân vật lịch sử, và mặt khác Chính Ngài là hiện thân của Chân Lý. Con người giác ngộ của Ngài được gọi là Báo Thân. Đó là xác thân vật chất sanh ra giữa mọi người, đạt Giác ngộ, thuyết giảng Pháp, và đạt Đại Niết Bàn. Báo thân hay xác thân vật chất của các Đức Phật có rất nhiều và khác biệt giữa Đức Phật này với Đức Phật kia.
Mặt khác, nguyên tắc giác ngộ hiện thân nơi Ngài được gọi là Pháp Thân (Dharma-kaya) hay Chân Thân. Đây là phần tinh hoa của Đức Phật và độc lập hoàn toàn với con người đã giác ngộ. "Dharma" có nghĩa là "Chân Lý" và không liên quan gì đến các lời dạy trong kinh điển. Giáo lý của Đức Phật cũng bắt nguồn từ cái "Chân Như" hay Chân Lý ấy. Cho nên Đức Phật thực sự là Chân Lý hay nguyên tắc của Giác ngộ. Tư tưởng này được nói rõ trong kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy tiếng Pali. Đức Phật nói với Vasettha rằng Như Lai là Pháp Thân, 'Chân Thân hay 'Hiện Thân của Chân Lý' hoặc là Dharmabhuta, 'Trở-Thành Chân Lý', có nghĩa là ' Người đã trở thành Chân Lý' (Kinh A Hàm). Trong một dịp, Đức Phật nói với Vakkali: "Kẻ nào nhìn thấy Pháp tức nhìn thấy Như Lai; ai nhìn thấy Như Lai tức nhìn thấy Pháp (Kinh A Hàm). Trên đây có nghĩa là Đức Phật tức Chân Lý, và tất cả các Đức Phật là một và đều giống nhau, không có gì khác biệt nơi Pháp Thân vì Chân Lý chỉ có một.'Trong lúc hiện tiền, Báo Thân và Pháp Thân hợp nhất trong thân Phật. Tuy nhiên, sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, có sự khác biệt trở thành rõ nét hơn, nhất là trong triết học Đại Thừa Phật Giáo. Báo thân của Ngài chết, và xá lợi của Ngài được tôn thờ trong những Bảo Tháp ; Pháp thân của Ngài vẫn mãi mãi trường tồn.
Sau này, triết học Đại Thừa triển khai 'Hóa Thân' (Sambhoga-kaya). Hóa thân được coi như một hiện thân hay một cách thị hiện nào đó mà Đức Phật tự tại độ đời, dạy Pháp, thuyết giảng Chân Lý, huớng dẫn cho ta hiểu Chân Lý, và hoan hỷ độ các người thiện, người cao thượng. Đó là một niềm hoan hỷ tinh thần, vị tha và thuần khiết không nên nhầm lẫm với lạc thú của cảm giác. Hóa thân này tuyệt đối không có ghi trong các các kinh điển Nguyên Thủy dù rằng quan niệm về Hóa Thân này được đánh giá cao nếu hiểu theo trong phạm vi này. Trong giáo lý Đại Thừa, Hóa Thân không giống như Pháp Thân khách quan và trừu tượng của Đức Phật, mà Hóa Thân cũng được coi như một người, tuy không phải là con người lịch sử bình thường.
Mặc dù từ ngữ Hóa Thân và Pháp Thân tìm thấy sau này trong các bản văn Pali xuất phát từ các bản văn của Đại Thừa và Bán Đại Thừa, học giả của các truyền thống khác không phản đối. Hòa Thượng Buddhaghosa trong cuốn Thanh Tịnh Đạo của Ngài nói về những thân của Đức Phật như sau:
"Đức Phật có một sắc thân đẹp đẽ với tám mươi vẻ đẹp và ba mươi hai tuớng tốt của một đại nhân, Ngài có một Pháp thân thanh tịnh tuyệt hảo về mọi mặt, rạng ngời bởi giới luật và thiền định...đầy huy hoàng và đức hạnh, giác ngộ toàn bích., không gì có thể so sánh".
Mặc dù quan niệm Buddhaghosa thực tế, nhưng không khỏi tránh được khuynh hướng đạo giáo siêu nhân hóa quyền năng Đức Phật. Phẩm Atthasallini, nói trong thời gian ba tháng Đức Phật vắng mặt, khi Ngài thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho mẹ Ngài tại cung trời Đâu Xuất, Ngài tạo ra một số Hóa Thân giống y như Ngài. Không thể phân biệt lời nói, giọng nói, và cả đến hào quang trên thân giữa các hóa thân này và Đức Phật. Đức Phật hóa hiện này chỉ có thể được khám phá bởi các đấng phạm thiên thuộc một cảnh giới cao hơn còn những chư thiên bình thường và người thường không thể nhận biết được. Từ sự miêu tả này, rõ ràng cho thấy Phật Giáo Nguyên Thủy thời cổ chấp nhận báo thân hay hóa thân là của một chúng sanh, và Pháp thân như là sự tổng hợp các Pháp của Ngài bao gồm các giáo thuyết và giới luật.
-ooOoo-

Vì sao tin Phật

Hòa thượng K. Sri Dhammananda

Thích Tâm Quang dịch Việt,
California, Hoa Kỳ, 1997
Nguyên tác: What Buddhists believe , Malaysia, 1987

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét