Trang

Đẻ thuê dưới góc nhìn của một tu sĩ Phật giáo

Đẻ thuê dưới góc nhìn của một tu sĩ Phật giáo

Câu chuyện đau lòng về 15 phụ nữ Việt Nam phải sang Thái Lan đẻ thuê vẫn chưa có hồi kết là một vấn đề xã hội cần được mổ xẻ sâu sắc. TBKTSG xin giới thiệu cách tiếp cận vấn đề này dưới góc nhìn của một tu sĩ Phật giáo
Đẻ thuê: Không thể là dịch vụ bình thường

image
Câu chuyện đau lòng về 15 phụ nữ Việt Nam phải sang Thái Lan đẻ thuê vẫn chưa có hồi kết là một vấn đề xã hội cần được mổ xẻ sâu sắc. TBKTSG xin giới thiệu cách tiếp cận vấn đề này dưới góc nhìn của một tu sĩ Phật giáo, Đại đức Thích Thanh Thắng.
- Đại đức nghĩ gì về sự việc 15 cô gái Việt Nam trong đường dây đẻ thuê cho những người Đài Loan hiếm muộn bị phát hiện tại Thái Lan trong thời gian gần đây?
Đại đức Thích Thanh Thắng
Đại đức Thích Thanh Thắng: Trước khi xét đến động cơ cụ thể của từng người, tôi cho rằng họ là những người phụ nữ đáng thương, bởi trong từng hoàn cảnh, không phải ai cũng có thể đi đến những quyết định như vậy. Đó là chưa kể đến việc họ có thể gặp phải rạn nứt, đổ vỡ trong quan hệ gia đình, tình yêu, hôn nhân.
Hơn nữa, việc họ đẻ thuê được môi giới qua dịch vụ, thông tin cũng cho biết vụ này có dấu hiệu của sự lừa đảo, ngược đãi. Một điều ai cũng rõ, từ khi mang thai đến sinh nở bất cứ khi nào người mẹ cũng có thể đối diện với rủi ro về sức khỏe.
Tôi nghĩ chắc đã có những hứa hẹn rằng sang Thái Lan đẻ thuê sẽ được trả giá cao hơn. Nhưng làm sao có thể mang một sinh thể trong người mà lại không phải là kết quả của tình yêu thương, không có sự ràng buộc nào về mặt tình cảm?
Họ cũng là những phụ nữ với đầy đủ những thiên chức làm mẹ cao cả; họ không phải là máy đẻ. Thêm nữa, những đứa trẻ kia sau này trưởng thành sẽ phát triển nhân cách qua lòng yêu thương, hoàn toàn không phải là một loại sản phẩm mà người có nhu cầu muốn là có thể mua được.
- Theo Đại đức, điều này có nên được xem là thuận với niềm ao ước có một đứa con của những người hiếm muộn hay nó chống lại quyền năng của tạo hóa?
- Điều này rõ ràng không thuận với bất cứ đứa trẻ nào, ngay cả ở những nước không có kết cấu gia đình bền vững. Thực tế cho thấy, những trẻ mồ côi, trẻ được nhận làm con nuôi khi biết rõ sự thật về thân phận đều mong tìm về với bố mẹ đẻ của mình cho dù là họ giàu hay nghèo.
Đã có những bậc cha mẹ nuôi hiểu được tình huyết nhục thiêng liêng không thể thay thế ấy và đi tìm lại cha mẹ đẻ cho con. Trong mỗi con người đều có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh.
Vì vậy, mỗi người được sinh ra đều có quyền được hưởng trọn vẹn sự thật ấy.Tuy nhiên, tôi không nghĩ những người tham gia vào việc đẻ thuê có thể nghĩ xa đến việc chống lại quyền năng tạo hóa. Trong quan hệ xã hội, có "cầu" ắt có "cung". Vấn đề nằm ở cả hai phía.
Điều mọi người muốn biết là họ có nghĩ đến tương lai, hạnh phúc của đứa trẻ hay không, hay đó chỉ là những nhu cầu nhất thời nhằm thỏa mãn những đòi hỏi ích kỷ của cá nhân.
- Liệu có thể lấy lý do nghèo đói để biện minh cho việc mang thai hộ? Bởi số tiền được trả công 5.000 đô la Mỹ cho chín tháng mang nặng đẻ đau là cả một gia tài đối với những cô gái đó?
Thực tế lý do này đã được một số người đưa ra để biện minh rồi. Nhưng nếu phụ nữ nào cũng lấy nghèo đói để cho phép mình làm việc này thì nhất định đạo đức xã hội sẽ bị tổn thương. Nếu ngay cả tình mẫu tử thiêng liêng nhất cũng bị lợi ích vật chất thay thế, những quan hệ xã hội khác sẽ diễn biến khó lường trước.
- Có thể nói gì về trách nhiệm của chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội trong việc này?
Về mặt chính sách, tôi cho rằng, khi người phụ nữ phải sống với "nghề" đẻ thuê, đã cho thấy những thiệt thòi và bất bình đẳng về cơ hội trong cuộc sống, đặc biệt ở những vùng nghèo, sự phân biệt nam nữ còn cao.
Theo tôi, trước mắt không chỉ có định lượng mà còn phải định tính cho vấn đề này nữa, nghĩa là phải có những điều tra, nghiên cứu xã hội học cụ thể, để từ đó có những tư vấn cần thiết cho việc hình thành các văn bản pháp luật.
- Xin hỏi Đại đức ủng hộ hay chống đối việc pháp luật cho phép hoạt động mang thai hộ vì lý do nhân đạo?
Cá nhân tôi không ủng hộ điều này, bởi mối quan hệ mẹ - con vốn mang ý nghĩa thiêng liêng. Đạo Phật chú trọng đến vấn đề thai giáo, tức giáo dục con cái từ khi còn trong bào thai, thông qua những tâm niệm lành của người mẹ. Đứa trẻ nào sinh ra cũng có những cảm nhận đặc biệt với người mẹ, vì thế không có đau khổ nào bằng một đứa trẻ sinh ra mà không được sống trong vòng tay yêu thương của người mẹ. Một đứa trẻ được sinh ra bởi dịch vụ đẻ thuê như thế thì khác nào một đứa trẻ mồ côi mẹ.
Nhưng nếu pháp luật cho phép mang thai vì lý do nhân đạo thì cần có tiêu chí cụ thể. Ở một số nước, dịch vụ đẻ thuê được nhìn nhận dưới góc độ y khoa, tức thông qua việc cấy ghép tinh trùng. Trong khi ở ta, một số sự diễn giải, kể cả trên phim ảnh vẫn chưa có được sự minh bạch khi phần nào gắn việc đẻ thuê với những quan hệ tính giao.
- Qua sự việc này Đại đức nghĩ gì về thân phận người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nghèo?
- Tôi không rõ những nhận xét rằng người Việt mình có chỉ số hạnh phúc cao được căn cứ trên những tiêu chí nào, độ xác thực được bao nhiêu. Nhưng khi có dịp đi đến một vùng nào đó, tôi luôn quan sát khuôn mặt, dáng người của dân mình.
Với rất nhiều phụ nữ, tôi thấy có biết bao lo toan cuộc sống đè nặng lên vai, nên nỗi buồn, sự cơ cực hằn lên trên khuôn mặt của họ.Đã vậy, theo tôi, tác động hàng ngày của các phương tiện truyền thông đối với người dân nông thôn là rất lớn. Lối sống sung túc trên phim ảnh, trên truyền hình tác động không nhỏ đến đời sống của họ khiến họ không thể không suy nghĩ hay so sánh và muốn cuộc sống của mình phải thay đổi.
Tuy nhiên, do bất bình đẳng về cơ hội, chỉ cần có ai lợi dụng, dụ dỗ là họ có thể làm bất cứ điều gì. Những người bán thân, bán máu, bán nội tạng, đẻ mướn... đều bỏ vốn trên chính cơ thể của mình, điều vốn dĩ để lại nhiều hậu quả đau lòng.
Nhà nước cần quan tâm thực sự đến y tế và giáo dục ngay ở những vùng nghèo vì đó chính là đầu tư dài hạn cho tương lai của dân tộc. Tôi nghĩ các quan chức chính quyền và những doanh nhân cũng như những người làm giàu từ dân nhiều hơn mình làm giàu cho dân, cần thường xuyên suy nghĩ về hình ảnh ấy của người phụ nữ để sống sao cho đúng lương tâm và trách nhiệm.
Còn những người tu hành như chúng tôi cũng phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh của dân, nhằm trả cái ơn tin tưởng, bố thí của dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét