Bây giờ bạn có cơ hội tiếp xúc với môn Năng Lượng Cảm Xạ , sau một thời gian dài tập luyện tâm thức được khai mở sẽ giúp bạn nhiều lần lắng nghe được tiếng nói của các sinh vật như cây cối, các tảng đá, muông thú. Bạn hãy dỏng tai lắng nghe bằng sự rung động sóng của 7 màu. Và sẽ đến lúc bạn có một cảm xúc vô cùng khó mà tả cho hết khi ta lắng nghe được tiếng nói của Đất và Cây cối, và bạn sẽ không cảm thấy gì là ngạc nhiên khi việc đó xảy ra.
Từ ngữ chỉ là sự diễn đạt của ý, bản thân ý lại là sự sao chép của khái niệm, của rung động sóng, của tần số. Cũng vậy, chúng ta thường là tù binh của các giác quan và của trí tuệ. Chính chúng tước đi của chúng ta khả năng khai thác mặt tâm linh của ta, do đó ta là tù binh của từ ngữ. Tuy vậy, hãy tin rằng người ta không chỉ nghe bằng đôi tai. Mọi vật đều phát ra những rung động vì tất cả đều là tần số. Trước khi miệng nói ra thành lời, để diễn đạt ý phát đi từ ý thức, thì trí tuệ đã tung ra những khái niệm mà ta dễ dàng nắm được. Ta gọi đó là một kiểu thần giao cách cảm vĩ mô tự nhiên. Tất nhiên cái thần giao cách cảm đó có thể rèn luyện được và phát triển được. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về việc này : khi ta gặp một người quen và ta hỏi : Anh có khỏe không ? Anh ta trả lời một cách lịch sự hay chiếu lệ : khỏe ! Nhiều khi đúng là anh ta khỏe mạnh, nhiều khi lại không phải là như vậy. Mặc dầu anh ta khẳng định, chúng ta vẫn cảm thấy anh ta không được khỏe như anh ta nói.
Điều đó dường như là một thí dụ buồn cười, nhưng hãy tưởng tượng chúng ta có thể tăng cảm giác này lên gấp trăm hoặc ngàn lần. Vậy khi chúng ta cảm thấy anh ta không được khỏe thì điều gì sẽ xảy ra ? Có một cái gì đó trong ta nhận ra được hào quang của anh ta, xác định màu sắc của nó là mờ nhạt, tối sẫm, xỉu hay mệt mỏi. Vấn đề là chúng ta có nhạy bén với những tần số – mà ta không cần phải diễn đạt bằng lời không? Dù sao đi nữa, ta tin rằng anh ta nói là không đúng với tình trạng sức khỏe của mình.
Phải biết lắng nghe. Khi ta tiếp xúc với một người, chớ để bị ảnh hưởng bởi lời nói của anh ta. Điều đó không có nghĩa là không tin ở anh ta. Có thể anh ta thành thật khi trình bày những nỗi khổ tâm của mình. Nhưng anh ta có biết đúng nguyên nhân thực và nguồn gốc sâu xa của nỗi khổ đau đó không? Vấn đề là ở chỗ đó. Điều đó có lợi là khi bạn luyện âm thanh sẽ giúp cho bạn cảm nhận tốt khi lắng nghe người đối diện nói với bạn.
Trong âm nhạc, chúng ta biết rằng bản thân một nốt nhạc chẳng là gì cả? Tất cả phụ thuộc vào các nốt trước và sau đó, hoặc các nốt nhạc được chơi cùng lúc. Chính sự phối hợp của chúng tạo nên âm điệu. Người ta cũng có thể làm vang lên những hợp âm của các âm trưởng, âm chủ đem lại sự vui mừng hoặc những âm thứ đem đến nỗi buồn và những dòng lệ. Khi ta lắng nghe một người đang đau khổ, phiền muộn nói, chúng ta nghe được lời nói của anh ta, chỉ độc nhất một tiếng chuông, chúng ta phải khôi phục lại hội âm, nghĩa là hoàn cảnh xã hội, gia đình, nghề nghiệp của con người đang gửi gắm sinh mệnh cho ta.
- Một người đau dạ dày vì vợ anh ta không chung thủy,
- Một người khác đau dạ dày vì bệnh di truyền của bố,
- Người thứ ba bị bệnh đau dạ dày là vì bị tổn thương ở vùng đó khi bị một chấn thương trong tiềm thức,
- Người thứ tư lại đau dạ dày do những thói quen ăn uống không hợp lý.
Bốn kiểu đau dạ dày trên là bốn bệnh khác nhau, bốn hợp âm không vang lên cùng một kiểu, và đòi hỏi chúng ta tác động như bởi bốn “chuyên gia” riêng biệt. Nếu chúng ta xem đó chỉ là một bệnh dạ dày duy nhất thì tác động của ta có thể có hiệu quả đối với người thứ nhất hoặc người thứ hai, nhưng lại không có hiệu quả gì đối với người thứ ba thứ tư, bởi vì chúng ta mới chỉ đề cập đến vấn đề từ bên ngoài, cho nên cần phải lắng nghe người bệnh, ngoài lời nói và những biểu hiện bệnh bên ngoài của anh ta.
Thực ra chỉ cần chăm chú một cách chân thành. Lời nói chỉ là lớp áo phủ ngoài của ý nghĩ, là lớp hóa trang của sự thật. Còn xa chúng ta mới trở thành một nhà phân tích tâm lý, nhưng ta có thể nghe dễ dàng tiếng nói bên trong của người đến nhờ ta biết lắng nghe. Tiếng nói ấy được thu bằng cái tai ở bên trong chúng ta, cái tai ấy nghe được tất cả. Lại một lần nữa chúng tôi phải viện dẫn đến âm nhạc : khi các nhạc công nhạc jazz cùng nhau ứng tấu, không bao giờ họ làm lại tuy họ không hề biết trước đồng nghiệp sẽ cho ra âm gì từ nhạc cụ của anh ta. Họ tin vào trực giác của mình. Tất cả xảy ra như họ đã nghe được trước các nốt của nhạc công phối hợp, và mọi việc được tiến hành. Tương tự như thế việc học ngoại ngữ cũng không ngoại lệ việc lắng nghe người ta nói bằng cảm xúc chớ không phải là dịch những lời nói của anh ta. Việc lắng nghe những người có những vấn đề vướng mắc trong cuộc sống của nhà cảm xạ năng lượng phải giống như hình ảnh trên.
Tôi còn nhớ một bệnh nhân bị đau ở chân phải, thường xuyên bị chuột rút (rút cơ). Anh ta đã đến khám bệnh ở nhiều nhà “chuyên môn”, họ đều khẳng định anh ta không đau gì ở chân. Thất vọng, anh ta đến phòng khám của tôi. Khi anh ta kể bệnh tình của mình, ngay cả trước khi khám cho anh ta, chúng tôi đã cảm thấy các nhà “chuyên môn” đã nói đúng. Chân anh ta không phát ra các tần số nhiễu loạn. Vì thế tôi đã để anh ta kể về bản thân, về đời sống, về công việc của anh. Anh đến từ miến Tây Nam bộ và xin việc làm tại Sài Gòn không bao lâu, xa quê hương, xa gia đình anh chưa thích nghi được với đời sống của thành phố Sài Gòn nhộn nhịp và căng thẳng và trên hết anh ta không yêu thích công việc của mình. Tất cả những vấn đề đó làm anh mệt mỏi, suy sụp, thực ra anh cần nghỉ ngơi, anh “từ chối” việc “phấn đấu tiến lên”.
Ta biết rằng phía phải của cơ thể là đại diện cho mặt hoạt động của não trái của con người cho nên việc giải thích bệnh thật đơn giản : không dám thú nhận sự thất bại, của cuộc phiêu lưu tới thành phố luôn hoạt động, một cách vô ý thức anh tìm cách từ bỏ sự thất bại đó. Chân phải của anh, cái chân tiêu biểu cho sự phấn đấu tiến lên, cho hành động là khu vực của cơ thể mà từ đấy anh cho thoát ra sự mất cân bằng về tâm lý của mình. Với chuyên môn của mình, tôi đã giúp cho anh luyện tập rung động thư giãn, phục hồi các khuôn khổ năng lượng đúng của anh ta, xả hết các vị đắng của sự thất bại mà không phí sức vào chữa cái chân vốn hoàn toàn khỏe mạnh.
Chúng tôi có nhiều ví dụ kiểu này. Tất nhiên, mọi sự không luôn luôn đơn giản. Điều quan trọng phải ghi nhớ là cái đau bên ngoài thường che giấu bệnh tật có bản chất khác. Với ý nghĩ đó việc thực sự lắng nghe người đối diện là cần thiết.
Các con đường càng đi lên, chúng càng chập vào nhau. Ở một tầng cao nào đó trên kim tự tháp của vũ trụ, tất cả chúng ta trở thành một thực thể. Ý thức được sâu sắc, cảm nhận được cái thực sẽ mở cửa cho ta bước vào một thế giới mà sự liên thông tâm linh với người khác và người khác cũng hòa mình trong ta.
Ở bình độ này, các trở ngại tan đi, các ranh giới được xóa bỏ, chúng ta tiếp xúc với người bệnh từ bên trong ta, tim ta đập cùng nhịp với họ, chúng ta ở bên kia của trực giác, chúng ta tiến hóa trong không gian vô tận của cái Biết, của cái Thức.
Trước hết: Hãy tĩnh tâm cho lòng lắng đọng
Những người sung sướng không bao giờ ốm đau. Có bệnh tật là do đau khổ. Trong hầu hết các trường hợp, vấn đề là ở chỗ đau khổ không biểu hiện ra rõ ràng có thể là một nỗi đau bí mật, chôn sâu dưới những lớp đất sẫm màu của vô thức. Có thể là một vết thương từ trong tiềm thức, bây giờ được tái hiện ra để chứng tỏ rằng nó cần được chạy chữa. Trong mọi trường hợp ta không thể giúp đỡ thực sự một người khác chỉ bằng cách rọi sáng các vùng tối để trừ tiệt căn bệnh đã được biết rõ.Như đã nói trên, cần phải tiếp cận một cách dịu dàng, cần làm rung động thư giãn tất cả các cơ bắp, tạng phủ bị đau, các cơ bắp thực thể cũng như cơ bắp tinh thần.
Trong phần kỹ thuật của Năng lượng Cảm xạ này, chúng tôi đề nghị vài bài tập, vì đó là các bài tập mà bạn có thể thực hiện một mình ở nhà, không có khó khăn gì. Còn về vấn đề rung động thư giãn cần nghiên cứu quyển “Rung động thư giãn với Năng lượng Cảm xạ học”. Tuy nhiên với vấn đề chữa bệnh bằng Năng lượng Cảm xạ không sách nào có thể dạy trực tiếp, cần có thầy giáo vừa hướng dẫn vừa uốn nắn các sai sót của bạn.
Thôi miên, tự kỷ ám thị, yoga đều là những con đường dẫn đến thư giãn. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng một sự thư giãn thực sự không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thể chất. Việc thực hành các nghệ thuật về võ công nếu bị tách khỏi mặt triết học chỉ dẫn đến hiện tượng bạo lực mà phải khó khăn lắm mới giải tỏa được. Cũng vậy, một cơ thể thư giãn nhưng chứa đựng cái tâm xáo động không thể đưa đến điều gì tích cực. Vì thế, nếu thư giãn cơ bắp là nguồn gốc của sự thoải mái thì thư giãn tinh thần mới là cơ bản.
Trong thực hành, Phật học có môn Thiền. Cũng không có gì phức tạp. Ngồi xếp bằng tròn, đầu và lưng thẳng. Mắt nhìn vào một điểm trên mặt đất, cách ta khoảng hai mét. Vấn đề là không được có hoạt động gì. Cơ thể hoàn toàn được nghỉ ngơi như một bức tượng. Chuỗi trung tâm các luân xa (sẽ được nói tới sau này) phải hoàn toàn thẳng đứng. Thế là được ! Đây là lúc chúng ta quên đi cơ thể, quên cả thực thể của mình. Tất nhiên, những buổi đầu, lưng và đầu gối hơi đau, nhưng rồi sẽ quen dần với tư thế này, đau đớn được chấp nhận và sẽ biến mất. Cơ thể bước ra khỏi ý thức của ta, ta chỉ còn đối mặt với tinh thần của ta mà thôi. Mục đích của Thiền là làm cho ta thư giãn, cùng với việc cơ thể không hoạt động, tinh thần cũng ngừng “suy nghĩ”. Nhưng đó lại là lúc ta suy nghĩ không ngừng, hoạt động tâm thần của ta mãnh liệt, nó được biểu hiện ngay khi ta ngủ. Cả ngày lẫn đêm, ta thúc đẩy tâm thần hoạt động, không cho tâm trí nghỉ ngơi phút nào. Và, ở đây, bây giờ, trong lúc ngồi Thiền này ta sẽ tạo cho tâm trí ta một dịp nghỉ ngơi thật xứng đáng.
Làm rỗng tâm trí mình không phải là dễ. Càng ít cố gắng “làm rỗng” tâm trí thì nó càng “rỗng”. Hãy tỏ ra lôgic : Khi ta “làm rỗng” tức là ta hoạt động . Mà đúng ra là phải không được hoạt động. Tốt hơn là ta phải bằng lòng với trạng thái có thực của ta. Tâm trí ta là sáng tạo và năng động. Nó thường xuyên tung ra những ý nghĩ, ngoài những ý nghĩ mà nó nhận từ bên ngoài. Tình hình giống như là một nắm đất cát nằm trong một cái bình đầy nước. Khi ta lắc bình, đất cát bị khuấy lên làm vẩn đục nước. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng tương tự như thế. Khi chúng ta làm việc, chúng ta nghĩ đến gia đình, đến nhà cửa, đến những khoản nợ phải trả. Khi chúng ta xem tivi hay nói chuyện với bạn bè mà đầu của ta lại luôn nghĩ đến những công việc làm ăn của mình và thật xấu hổ trong lúc tiếp chuyện thì cái điện thoại cầm tay luôn làm phiền chúng ta và phiền ngay cả những người đang tiếp chuyện với chúng ta. Tóm lại, chúng ta không ngừng suy nghĩ và suy nghĩ đến nhiều vấn đề cùng một lúc. Chúng ta sống trong một tâm trí giống như cái bình mà ta đã lắc kia, trong đó đất cát bị khuấy đục lên làm ta nhìn không thấy rõ.
Thực hành Thiền, là đặt cái bình trên một cái đế ổn định, làm sao cho nước lặng dần, đất cát lắng xuống đáy bình. Khi đạt được mức đó, nước lại trong veo, chúng ta có thể vận động trong một không gian trong suốt và chói lòa. Cái không gian dễ chịu và trong trẻo đó chính là tâm trí của ta lúc đó tĩnh tâm.
Cụ thể, quy tắc của cuộc chơi như sau: Khi các ý kiến, ý niệm xuất hiện, không bao vây chúng, không xua đuổi chúng đi để loại trừ chúng ra khỏi ta. Đơn giản là chỉ cần không quan tâm đến chúng. Thực ra chúng là cái gì nếu không phải là sự tưởng tượng của trí tuệ, chúng không dính gì đến ta lúc này, đang ngồi ở đây, bây giờ khi mà ta đã quên đi cái thân xác của mình. Những lo toan về cuộc sống gia đình, về công việc làm ăn, về thuế má, về các hóa đơn phải thanh toán, về ước muốn, về những kỷ niệm, đều không liên quan đến ta lúc này. Tất cả những cái đó thuộc về quá khứ, về tương lai, về cái “có thể”, về cái “có lẽ” nhưng lại không nói những gì về thuộc chính thời điểm ta đang sống. Khi một ý nghĩ xuất hiện trong trường ý nghĩ của ta, ta không cần biết nó có mặt. Hãy để nó đi theo con đường của nó, nó sẽ tự biến mất nếu ta không nuôi dưỡng nó bằng hoạt động tâm trí của ta. Không có ý nghĩ nào mà tầm quan trọng của nó làm mê li hay chết vì xấu hổ khi nó xuất hiện. Đó chỉ là một ý kiến, thế thôi.
Khi bạn cảm nhận được sự rung động thư giãn trên toàn cơ thể, những giây phút thiền còn giúp cho bạn tách ra được mọi sự, mọi vật, mọi sự kiện thuộc ngoại cảnh, cho phép anh đạt tới cái trạng thái trung tính cần có của một nhà Năng lượng Cảm xạ.
Sau đó: lắng nghe chính mình
Tôi đã cố gắng làm cho các bạn cảm nhận rằng: tất cả chỉ là rung động, sóng và tần số. Vũ trụ trong ta (Tiểu vũ trụ) rung động cộng hưởng với cái Tổng thể (Đại vũ trụ). Mọi trục trặc phát sinh từ sự bị cắt rời giữa ý thức của ta với cái rung động chủ yếu đó. Hãy hình dung cho được cái lực vĩ đại của tần số cơ bản này, nó thúc đẩy và làm cho hài hòa mọi lực của mặt trời, các hành tinh và các sinh vật đã cấu tạo nên Đại vũ trụ.Trạng thái của Đức Phật, cái trạng thái “tỉnh thức” ấy là trạng thái của Giác Ngộ. Đó là trạng thái của ai đó mà tần số rung động cộng hưởng với các tần số của các vô hạn, từ những tần số thấp nhất đến những tần số cao nhất. Người đó đồng hóa với tất cả, từ cọng cỏ nhỏ nhoi đến các thiên hà mênh mông, từ vật chất hữu hình đến tư duy vô hình.
Dĩ nhiên trong thực hành luyện tập để trở thành một nhà Cảm xạ chân chính, không bắt buộc ta phải ta phải trở thành một người có khả năng siêu phàm. Tuy vậy, lắng nghe các sóng rung động của bản thân mình là vô cùng hữu ích. Tận đáy lòng, chúng ta là những con người rất hiền dịu, rất thuần khiết, rất sáng suốt và cũng rất mạnh mẽ. Sau này, chúng ta sẽ thấy lý thú biết bao khi ta liên hệ được với các khu vực màu sắc (trung tâm luân xa) một cách có ý thức và sẽ thấy được những hiểu biết mà sự liên hệ đó đem lại.
Người ta rất hay nói với chúng tôi về “Người hướng dẫn tâm linh“, còn gọi là “Thầy Độ”. Người ta hỏi tôi có biết một hay nhiều Người hướng dẫn của chúng tôi không? Họ đã kể với chúng tôi rằng họ đã thấy Người hướng dẫn trong giấc mơ hoặc nghe Người hướng dẫn nói trong lúc Rung động thư giãn vô thức, và thường chỉ mỉm cười… Về mặt này, sách Đạo Đức Kinh dạy ta nhiều điều qua biện chứng Âm Dương, mà chúng ta sẽ đề cập đến sau này. Khi người ta hỏi Socrate, ông thông minh siêu việt như vậy là do đâu? Ông trả lời: đó là do Daimon, do thiện giác gây thần cảm cho tôi. Daimon là một từ Hy Lạp có ý nghĩa khác hẳn với “ma, quỷ”, mà nó gần với nghĩa “Thần” hơn. Người ta đã chẳng nói rằng một nghệ sĩ lớn là người có “Thần cảm” đó sao?
Khái niệm “Thần cảm” ngoài ý nghĩa gắn liền với hơi thở, cũng không thể tách rời được hình ảnh xoắn trôn ốc. Mà xoắn trôn ốc là một hình thái phổ biến. Trong thế giới vật chất, các thiên hà chuyển động theo hình xoắn ốc, bản thân con người và cây cối cũng phát triển theo kiểu xoắn ốc quanh các khu vực màu sắc (luân xa) của mình, và bản thân các khu vực đó (luân xa) cũng là những xoắn ốc, ở trạng thái thần cảm, cũng là nghe được tiếng nói của nội tâm linh, cái tần số được sinh ra từ xoắn ốc của sự Sống.
Liên hệ được với sóng rung động cơ bản của mình, chúng ta sẽ liên hệ được với các Nguyên lý sáng tạo. Lúc sự tiếp cận của ta với cuộc sống đã vượt ranh giới của sự hiểu biết để đi vào lĩnh vực của cái Biết toàn thể, của cái Thức toàn năng. Chúng ta đã hiểu được rằng sự tự biết mình, sự chấp nhận mình đúng như mình có, sự tự yêu mình sâu sắc để có thể yêu và giúp đỡ người khác là quan trọng biết bao. Thuận theo cái sóng rung động của chính bản thân có tầm quan trọng cơ bản. Câu nói sau đây được khắc trên mặt tiền của đền Delphes : “Ngươi hãy tự hiểu được mình rồi ngươi sẽ hiểu được vũ trụ“. Về phương diện này hiểu biết là thông qua lắng nghe sóng rung động trong từng khu vực của cơ thể.
Bản thân sự lắng nghe lại thông qua sự tĩnh lặng. Chìm ngập trong tiếng ồn, người ta chỉ nghe cái gì đó lờ mờ. Những tiếng rì rầm, những tiếng ồn ào, những tiếng chói tai không cho ta nhận biết được điều gì. Cũng như chỉ có thể nhìn rõ được khi để cho đất cát lắng xuống đáy chiếc “bình tâm linh” của ta, sự “nghe rõ” chỉ có được khi ta đạt đến trình độ “rung động thư giãn siêu thức”.
Những ý nghĩ hàng ngày của ta là hết sức “ồn ào”. Khi ta không khuyến khích chúng “nói”, thì chúng ta có thể nghe được tiếng nói của sự sáng suốt (sự minh triết) của bản thân vì nó vốn là em của minh triết vũ trụ. Và như tất cả những gì liên quan tới vũ trụ, đó là kết quả của tính thuần phác. Hãy thử đi, bạn sẽ nghe thấy.
Từ đó: Mình hãy là chính mình
Thực hành để trở thành nhà cảm xạ không phải như việc đoạt thành tích hay phá kỷ lục trong thể thao. Mỗi người đều có hạn chế, biết tự giới hạn trong những khả năng của mình là người khôn ngoan. Tìm cách vượt quá khả năng bản thân, khoe khoang tài trí mình và mỗi người có sự cảm nhận sóng rung động khác nhau do đó mỗi người có con đường đi riêng của từng người không nên ép người khác phải theo mình. Vì thế tôi nhấn mạnh không nên tác động đến những người xung quanh bằng mọi cách. Đừng tự thách đố mình.Coi trọng cái thiên tư mà chúng ta đang rèn luyện để đem nó phục vụ người khác sẽ đem lại tốt lành cho họ và cho cả bản thân chúng ta.
Truyền đạt những ý tưởng không phải là đánh cuộc. Chúng ta không bao giờ để mình cảm thấy bị “bắt buộc” phải “dạy” cho ai. Chúng ta là những con người cùng đi một con đường với đồng loại, để giúp đỡ họ chứ không phải thay thế họ trong số phận riêng của họ. Hiểu được trạng thái tinh thần này, chúng ta sẽ làm việc một cách thanh thản, như vậy sẽ tốt hơn.
Trước hết phải biết người bệnh ta đang cần gì ? Được tự tin. Họ không muốn bị gây ấn tượng, bị xúc động. Không phải cứ mặc áo dài đạo sĩ, đội mũ nhà chiêm tinh, mang các đồ trang sức có tính huyền bí ma thuật mà nâng cao được uy tín của chúng ta. Một lần nữa xin nói với bạn : ta hãy chính là ta. Hiển nhiên là thái độ của chúng ta, một thái độ trầm tĩnh sâu sắc sẽ làm dịu đi nỗi lo lắng của người đối diện. Khó mà đem lại lòng tin cho người khác khi mà bản thân chúng ta cũng chưa tin ở mình. Vì vậy ý thức được rõ khả năng của bản thân là rất quan trọng. Ngược lại tự giới thiệu mình như một người có thể làm được mọi điều kỳ diệu chỉ là một việc làm hão huyền.
Dù sự thật có như thế nào, không cần thiết phải trưng bày trước mọi người. Đức tính giản dị là con chủ bài quan trọng. Hãy hiểu mình và chấp nhận mình như vậy. Ngay cả những điểm yếu, những khuyết tật của chúng ta nếu biết sử dụng tốt cũng trở thành những ưu điểm. Ví dụ, việc không phải là một người có cơ bắp đồ sộ buộc chúng ta phải sử dụng, phát huy sự tinh tế và sức mạnh của NLCX thay vì dựa vào sức mạnh của cơ thể như người ta thường làm. Hãy quan sát mình kỹ lưỡng, hãy ý thức được rõ những “thiếu sót” của mình, thay vì than vãn, hãy sử dụng chúng một cách có lợi nhất cho ta.
Trong xã hội, nhiều người lẩn trốn vào “trong công việc” của họ, họ đồng nhất cái bản thể của họ với việc làm, với hoạt động của họ. Khi gặp một người nào đó, câu hỏi đầu tiên đặt cho người đó là “Anh làm công việc gì trong đời sống”, nếu anh ta không tự giới thiệu mình khi bắt tay chúng ta. Tôi là kỹ sư, là người quét rác, là phụ nữ nội trợ, là đại diện thương mại trước khi tôi chính là tôi! Kết quả là tạo ra một sự bất ổn nói chung, đơn giản bởi vì trong cuộc sống hiện nay tốc độ và sự mong muốn có hiệu quả tức thì là những nhân tố quyết định, trước khi con người có thời gian để tự biết mình. Người ta tưởng rằng như vậy là tiếp cận được cái chính yếu. Tuy nhiên, sự hình thành Vũ trụ và sự xuất hiện của sự Sống, có vẻ như chứng tỏ điều ngược lại. Không bàn đến cái chuyện Vô thể đẻ ra cái Thực thể, cần nhớ rằng cái thực sự đẻ ra cái năng lượng, có nghĩa là đẻ ra hành động. Nếu chúng ta thuận theo nguyên lý không thể đảo nghịch (và tuyệt vời) này thì chúng ta sẽ ứng xử theo các lôgic đó chúng ta thừa hưởng một sức mạnh vô biên có sẵn trong ta.
Không cần phí sức trong việc phô diễn nhằm tạo ra một hình ảnh mà ta muốn có và hy vọng có thể áp đặt cho người khác.
Chúng ta không tự chất đầy bằng những tần số vô ích của những ý tưởng nhằm làm ta yên tâm và để bảo vệ ta. Chúng ta là trong suốt, do đó cũng là ánh sáng. Người bệnh thấy họ trong cái trong suốt của chúng ta và thấy được ánh sáng xóa đi trong bóng tối, bóng tối chính là bệnh của anh ta. Chúng ta đừng nhầm lẫn: phần lớn công việc của chúng ta thực hiện được là do thái độ của chúng ta. Để có thái độ đúng, không có bí mật khác mà là : mình phải là chính mình.
Về mặt kỹ thuật, thực hành Rung động thư giãn sẽ giúp chúng ta được rất nhiều. Có thể xem là đặc biệt, với một tư thế bên ngoài trông mềm mại, dịu dàng như chim bay, những sóng rung động khác nhau trong từng khu vực của cơ thể đó lại chính là nguồn gốc tạo ra tâm trạng thư giãn thực sự. Đúng là như vậy. Chính trong cái rung động đó mà người ta tìm được cái mềm dẻo. Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường bị đông cứng trong một số trạng thái tâm thần, vì chúng xảy ra thường ngày. Chúng ta như một cái máy tự động điều chỉnh theo cả một “gam” về cách ứng xử mà chúng ta thu thập trong hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Đó là một thói quen không bao giờ tạo ra được mềm dẻo. Thực ra chúng ta đang bị cầm tù trong một mạng lưới của những phản ứng cực kỳ cứng ngắc mà ta không bao giờ thoát ra được.
Như vậy, khi chúng ta đến với một hoàn cảnh chưa có kế hoạch định trước, chúng ta sẽ lạc đường, thậm chí hoàn toàn nhầm lẫn. Điều gì xảy ra nếu ta nhầm lẫn với mọi người xung quanh ta? Chúng ta còn khả năng giúp đỡ anh ta không ? Bạn tin rằng chỉ những lời thuyết phục của ta là giải quyết được tất cả? Không, tất nhiên không! Do vậy sự mềm dẻo là tuyệt vời. Vũ khí này thích nghi với mọi tình huống có thể xảy ra. Vâng, trong cái mang về cách ứng xử mà chúng ta tự đề ra vẫn là một con đường ra : Rung động thư giãn. Cái Rỗng tâm thần mà ta tìm chính là “vô tự chân kinh“; như tên gọi của nó là cái Rỗng, cái Không. Rỗng, theo định nghĩa, là không dính mắc vào vấn đề nào cả. Không một dấu vết nhỏ của cái mạng về cách ứng xử nào. Chúng ta có thể nghỉ ngơi tùy ý, và khi ra khỏi mọi nẻo đường, ta mới thấy sự mềm dẻo và mạnh mẽ, như hình ảnh con hổ được thư giãn từ đầu mõm đến cuối đuôi. Như vậy đó, trong tư thế tự tin, thư giãn, bình tĩnh, thanh thản chúng ta tiếp đón mọi người đến với chúng ta và truyền cái năng lượng cần có đó…
Bờ hồ Hoàn Kiếm, ngày 01 tháng 12 năm 2010
Lãng tử Dư Quang Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét