Trang

Ly kỳ Sanh nghề tử nghiệp ở VN: Vua điện đừng nên xem thường điện

‘Vua điện’ Bùi Văn Dinh đã qua đời vì… điện

Vì sao Huỳnh Văn Hùng "người không bị giật điện" chết vì… điện giật ?

 

Sau sự kiện “người không bị giật điện chết vì… điện” ở xã Định Bình (thành phố Cà Mau), bà Hồ Thị Cúc, vợ của “vua điện” Bùi Văn Dinh ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành (Tiền Giang) thông báo, ông Dinh mất từ tháng 9 năm ngoái.
Bà Cúc kể, trưa hôm đó có cặp vợ chồng ở Sài Gòn xuống tìm “vua điện” để chứng kiến tận mắt tài nghệ của ông. Bà đã phản đối, không cho ông “làm điện” nữa, vì sức khỏe của ông dạo đó rất kém. Nhưng ông vẫn cứ mời khách vào, nói là chỉ cho xem “đồ nghề” thôi.
Sau đó bà ra ngoài, đến khoảng 3h chiều trở về thì thấy hiện tượng bất thường. Trên nền nhà “đồ nghề” của vua điện quăng tùm lum. Lúc đó điện thoại của cháu ngoại từ Mỹ gọi về, nhưng ông không nghe. Bước đi loạng choạng, ông nói với bà “bị tê tay, tê chân”. Nhưng khi bà dìu ông tới ghế, ông chỉ nói được vài câu thì ngã.
Ngay sau đó gia đình đưa ông tới Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang điều trị 2 tuần, nhưng bệnh tình không giảm. Gia đình đưa ông về nhà, khoảng một tuần sau thì ông mất, thọ 76 tuổi. Bà Cúc thắc mắc: “Có nghe nói sau khi ông được ghi vào sách kỷ lục, có cơ quan nào đó ở Hà Nội thưởng tiền, tặng quà, nhưng ông chờ mãi không thấy”.
“Vua điện” Bùi Văn Dinh phát hiện trong người có “siêu năng lực” vào khoảng năm 1952. Chẳng những sờ tay vào điện không bị giật, ông còn có nhiều kỹ năng độc nhất vô nhị như khi ngậm dây điện hoặc đuôi bóng đèn vào miệng thì bóng đèn cháy sáng. Những lúc trời lạnh, ông xách đầy một xô nước 20 lít rồi một tay sờ vào ổ điện, một tay quậy vào xô nước cho nóng lên rồi tắm!
Có lần ông ngồi sửa điện, nhưng không tắt cầu dao, bà Cúc đi qua chạm vào người ông bị ngã nhào. Rùng rợn nhất là màn “ăn cơm điện” và “uống nước điện”. Nhiều lần ông lên sân khấu biểu diễn màn vừa ăn hoặc vừa cầm lon nước ngọt uống và trong lon có sợi dây điện nối với bóng đèn cháy sáng. Có lần “vua điện” đi hớt tóc, khi anh thợ vừa đưa kéo điện lên đầu thì bị giật. Anh ta hoảng quá, quăng luôn xuống gạch rồi bỏ cái đầu dở dang không chịu cắt tiếp.

Người không sợ điện

Qua đò Cây Trâm đi thêm gần 2km vào ấp Cái Rô trên con đường giao thông nông thôn ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà anh. Đang cặm cụi hàn điện, nhưng thấy người lạ vào nhà mà gọi đúng biệt danh của mình nên anh Huỳnh Văn Hùng (41 tuổi, ở xã Định Bình, thành phố Cà Mau) vội ngừng công việc lên nhà trên tiếp khách.
Hút chưa xong điếu thuốc thì đám thanh niên trong ấp cũng kéo đến vì nghe tin anh có khách, thế nào cũng “giỡn mặt” với… điện!
Thắng độ… 123 tháng lương!
Đang lúc chuẩn bị biểu diễn biệt tài dùng tay cắm vào ổ điện thì nhà anh bỗng nhiên cúp điện. Cả đám thanh niên đang vây quanh trước cửa nhà ồ lên cười vì cho rằng anh nói dối nên đã dặn người nhà đóng cầu dao.
Để minh chứng lời nói của mình, anh vội móc điện thoại di động trong túi ra và gọi cho một người bạn ở khác ấp để tìm cho được nơi có điện. Cuối cùng giây phút hồi hộp chờ đợi của chúng tôi và mọi người trong xã đã đến khi tìm được khu vực không bị cúp điện.
Sợ mọi người không tin, trước khi biểu diễn anh đã lấy một cây quạt cắm vào ổ điện cho nhiều người cùng xem. Sau đó anh mở nắp cầu dao, dùng cây bút thử điện lia qua lia lại, điện bắn “tẹt, tẹt” sáng ánh.
Cuối cùng anh đưa hai ngón tay vào ổ điện trong tiếng vỗ tay liên hồi của mọi người, trong đó một số người thân sợ anh bị điện giật chết nên đã run lên bần bật và toát mồ hôi hột, còn anh vẫn cười tươi như không có chuyện gì xảy ra.
Thoạt đầu mới nghe qua cứ tưởng anh là một người có thân hình to cao và… không bình thường, nhưng khi gặp mặt mới thấy anh chỉ nặng chưa đầy 50kg và cao chừng 1,6m. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai (Bạc Liêu), gia đình anh ai cũng nhút nhát khi tiếp xúc với điện, còn anh rất mê được làm thợ điện.
Năm 26 tuổi anh Hùng bắt đầu hành nghề sửa chữa điện gia dụng. Một năm sau đó anh xin vào làm việc tại Xí nghiệp Cơ khí huyện Giá Rai với nhiệm vụ trông coi nhà máy đèn của xí nghiệp.
Trong một lần mất điện, anh đã vào sửa máy nhưng quên không ngắt cầu dao, lúc có điện lại anh vẫn còn cầm trên tay sợi dây điện nhưng không bị giật. Anh nhớ lại: “Bên ngoài mấy ông thợ ghim điện hàn chì ì xèo nhưng tôi đâu có biết, tưởng chưa có điện nên tôi cứ nối dây bình thường. Từ đó mới biết mình không bị điện giật”.
Những ngày đầu biết được cơ thể “khác người” của mình đã làm anh mất ăn mất ngủ, nhiều người ác miệng còn bảo anh là… “người cõi trên” và đặt cho anh biệt danh Hùng “điện”.
Tuy lo lắng vì không biết có mang trong cơ thể loại bệnh gì không nhưng anh vẫn cố bình tĩnh vào cơ quan làm việc, và mỗi lúc bạn bè kêu anh biểu diễn dùng tay nắm dây điện trần đang dẫn điện thì anh lại bảo là có “độ” mới làm.
Nhiều người không tin nên đã cá độ với anh, khi thì một chầu ăn sáng, uống cà phê hay nhiều hơn là một độ nhậu bia lon… và anh đều thắng. Anh cười tươi: “Nếu không thắng thì đâu còn sống đến bây giờ. Mà lúc ấy liều thiệt, chưa biết cơ thể mình có không bị điện giật hoài không nhưng nghe có độ với mấy thằng bạn là “máu” liền”.
Một trong những lần thắng độ mà anh Hùng cho là vẻ vang nhất vào năm 1990 khi ông giám đốc xí nghiệp của anh lúc đó (ông Võ Thành Long) đã thua anh bằng cách xuất tiền túi trả cho 123 công nhân mỗi người một tháng lương.
“Lúc đầu tôi chỉ cá với ổng bằng cách tặng tôi một tháng lương để nhậu với anh em làm chung, nhưng có lẽ thấy mang một mạng người ra cá độ chỉ với mấy trăm ngàn là quá ít hay sao đấy mà sếp tăng giá đến vậy (?!)” – anh nói.
Vái cho…điện giật chết.!
Sau nhiều năm “giỡn mặt” với điện, thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh nên anh quyết định lấy vợ. Tuy nhiên, lo sợ chị Quách Hồng Lê (vợ anh) bị anh… truyền điện nên anh dặn bạn bè không cho vợ biết chuyện và giấu luôn biệt danh Hùng “điện” của mình. Tuy nhiên, cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra.
Anh kể: “Cưới vợ gần một tháng, hôm đó khi đi đám giỗ ngang qua nhà anh Năm Truyền (Trần Văn Truyền) ở ấp Cây Trâm, không biết ảnh quên hay sao mà hỏi tôi: “Ê, khỏe không Hùng “điện”?”.
Nghe vậy vợ tôi truy hỏi tới cùng vì sao có cái biệt danh ấy nên tôi phải khai ra”. Còn chị khi biết được anh Hùng hay thường xuyên cá độ với bạn bè bằng cách lấy ngón tay làm “cầu chì” thì chị đã khóc ròng và cấm anh nếu còn cá độ sẽ bỏ về bên nhà nhưng cũng không ngăn được anh.
“Vì quá thương tôi nên bả mới làm vậy chứ tôi biết đâu có chuyện gì xảy ra. Mấy lần sau khi thấy tôi nắm dây điện bả chỉ… vái cho tôi bị điện giật chết” – vừa nói anh vừa nhìn vợ tỏ vẻ đắc ý.
Anh Năm Truyền chen lời: “Hôm trước nghe chuyện này ông Hai Bình bực mình đòi cá 1.000 giạ lúa với nó, nhưng nghe ai cũng nói thằng Hùng không sợ điện giật nên ổng vội… rút lui”.
Mặc dù biết không bị điện giật nhưng sợ một ngày nào đó “nguồn điện” trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến vợ và bốn đứa con, vì mỗi khi anh cầm đồng hồ đo điện kế của những người sửa chữa điện tử thì kim đồng hồ chạy lên con số 12V, nên anh quyết định đi TP.HCM khám bệnh.
Theo lời anh thì bác sĩ Nguyễn Thành Thông (Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết cơ thể anh bình thường, chỉ có màng mỡ không giống người khác và khi bị trầy sướt tay chân anh sẽ không bị làm mủ.
Cũng theo anh Hùng, khi xem tivi về chuyện ông Nguyễn Thành Vinh ở Tiền Giang không bị điện giật, anh đã dùng sợi dây nóng cắm vào ly nước và để tay vào nhưng cũng không thấy giật nên anh đã cầm ly nước uống bình thường như ông Vinh. Anh cười: “Chuyện đó dễ ợt, tôi làm hoài”.
Trước khi tiễn khách anh Hùng còn bật mí: “Đến năm 45 tuổi tôi sẽ biểu diễn hơn ông Vinh nhiều thứ nữa cho các anh xem, còn bây giờ thì đang… luyện công. Thằng Tính bạn tôi ở Điện lực Tắc Vân nhiều lúc đi sửa điện cho bà con thấy không kịp nên kêu tôi giúp và vụ nào tôi cũng nối dây điện “sống”, chưa bao giờ tôi biết cúp cầu dao là gì”.

Vì sao "người không bị giật điện" chết vì… điện giật ?

Tin anh Huỳnh Văn Hùng (ngụ ấp Ô Rô, xã Định Bình, thành phố Cà Mau) tử nạn ở tuổi 44 làm người dân trong xóm bàng hoàng, sửng sốt. Bởi lẽ, anh Hùng “điện” chết không phải do bệnh tật hay tai nạn xe cộ mà là do điện giật.
Nổi tiếng với biệt danh “người điện”, không bị điện giật cho dù có tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện, anh Hùng càng nổi tiếng hơn khi chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” của VTV3 thực hiện chương trình về khả năng kỳ lạ của anh.
Hai mươi năm trước, anh Hùng phát hiện mình không bị giật điện khi đang mắc điện ở đám cưới nhà hàng xóm. Khả năng này của anh được nhiều người biết khi có người “cá” anh 1 lít rượu đế nếu anh dám cho tay vào điện. Đó là lần đầu tiên anh “biểu diễn” trước mọi người khả năng siêu phàm của mình.
Được nhận vào làm ở xưởng cơ khí tại thị xã Cà Mau, anh cũng kiêm luôn việc sửa chữa điện tại đây, với cách sửa điện độc nhất vô nhị là dùng tay trần tiếp xúc với các mối điện mà không cần phải ngắt nguồn điện. Làm được một thời gian, lương công nhân không đủ nuôi sống vợ con, anh đành xin nghỉ.
Về nhà, tuy không mở tiệm sửa chữa nhưng anh Hùng thường xuyên được bà con lối xóm gần xa mời sửa chữa các thiết bị điện. Những lần như vậy, anh Hùng cũng làm với cách quen thuộc: không cần phải ngắt nguồn, sửa được ai bồi dưỡng bao nhiêu thì cho, anh cũng chẳng ra giá thù lao.
Chị Tô Mỹ Dung, hàng xóm xuýt xoa: Có lần nhà một người ở Cái Ngang bị đứt đường dẫn từ cột điện vào nhà, trong lúc mấy anh thợ điện ở Tắc Vân phải bó tay, anh Hùng đã leo lên cột điện để nối lại đường dây trong cái lắc đầu của mấy anh kỹ sư đứng phía dưới. Cũng lần khác, khi người ta đưa xáng cạp vào nạo vét kinh Cái Ngang, anh đã theo đoàn xáng nửa tháng trời để leo lên cột điện cắt và nối các đường điện dẫn qua kinh, nửa tháng anh chẳng đem về cho vợ con được đồng nào. Sau lần đó, hàng xóm lại đặt thêm cho “người điện” biệt danh mới là “người công cộng”…
Cuộc sống của “người điện” có lẽ sẽ yên ả trôi qua nếu không có một biến cố xảy ra: vợ anh bị giựt hụi, nợ gần 200 triệu đồng. Hai vợ chồng đành ở đậu nhà người thân tận ở Tây Ninh. Và đến ngày 7.9 vừa qua, khi thấy đường bơm nước bị hư, anh Hùng xông xáo gỡ moteur ra để sửa và gắn đường ống mới, công việc cuối cùng là nối 2 mấu điện lại để vận hành.
Bỗng mọi người giật mình khi nghe anh hô “cúp cầu dao” rồi ngã bất tỉnh. Mọi người ngắt cầu dao và lật đật chở anh đi bệnh xá nhưng sau 20 phút cấp cứu, các y bác sĩ ở đây đành lắc đầu.
Trong căn nhà cột kê, vách lá nằm cạnh cầu Việt, thuộc ấp Ô Rô, xã Định Bình, một người phụ nữ ngồi thất thần, trả lời từng tiếng một những câu hỏi han của mọi người.
Đó là chị Quách Hồng Lê (40 tuổi), vợ của anh Huỳnh Văn Hùng. Đưa tay quệt nước mắt chảy dài, chị nhớ như in lời của anh: “Nhớ mấy đứa nhỏ quá mà không dám về thăm. Chuyến đi này chắc phải bỏ thân nơi xứ người quá em”. Kể đến hình ảnh anh Hùng “điện” nửa đêm ngồi gục đầu hút thuốc, chị lại nấc lên.
Sau cái chết của anh Hùng, nhiều người cố lý giải nhiều cách khác nhau: có người bảo anh bị “tổ trát”, sinh nghề tử nghiệp, có người bảo tại lúc này anh ăn chay nên bị mất sức, không chịu nổi…
Không có lời giải cho khả năng của anh Hùng, cũng không có lời giải cho cái chết bất ngờ và thương tâm của người được mệnh danh là “người điện” này. Cũng như sau cái chết của anh, vợ và 4 con của anh cũng không có lời giải nào cho cuộc mưu sinh trước mắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét