Trang

NGHIÊN CỨU UY LỰC CỦA THIỀN ĐỊNH - Stephan S Hall & Claudia Kalb

NGHIÊN CỨU UY LỰC CỦA THIỀN ĐỊNH 

 (The Mind of a Monk )
 Stephen S Hall joins a neurological investigation into the power of meditation

 

Nguyên tác: Stephan S Hall
Việt dịch: Trần Như Mai
---o0o---

Vào mùa Xuân năm 1992, chiếc máy Fax trong văn phòng của giáo sư Richard Davidson ở  khoa Tâm lý học thuộc  Viện Đại học Wisconsin  bất ngờ in ra một bức thư của Tenzin Gyatso, vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng. Giáo sư Davidson là một nhà thần kinh học được đào tạo từ Viện Đại học Harvard, ông đã nổi danh nhờ công trình nghiên cứu về các tình cảm tích cực, và tin đồn về những thành tựu khoa học của ông đã lan truyền đến miền Bắc Ấn Độ. Vị lãnh đạo tinh thần lưu vong của Phật Giáo Tây Tạng đã viết thư đề nghị rằng Ngài sẵn sàng cho phép các vị sư đệ tử của Ngài được tham gia cuộc nghiên cứu khoa học về não bộ của các vị sư ấy, đặc biệt là năng lực Thiền định của họ.
Hầu hết các nhà nghiên cứu về thần kinh học có lòng tự trọng đều thối lui, nếu không nói là bỏ chạy trước một lời mời nghiên cứu về Thiền định Phật giáo, vì họ xem đây là một lãnh vực rất khó xác định rõ ràng, và như Davidson vừa qua đã thú nhận là  “rất mơ hồ ”. Nhưng vị Giáo sư của Viện Đại học Wisconsin này đã nhảy lên vì vui mừng trước cơ hội này, vì chính ông là một người đã hành Thiền lâu năm – ông ta đã xin phép nghỉ dạy ở đại học để đi du hành qua Ấn độ và Sri Lanka để học phương pháp hành Thiền của Đông phương .
Vào tháng 9 năm 1992, ông đã tổ chức và khởi đầu một cuộc hành trình đầy tham vọng để thu thập dữ kiện ở miền bắc Ấn Độ, ông phải nhọc nhằn mang theo máy phát điện xách tay, máy điện toán xách tay, các trang bị điện tử để ghi nhận những tổn thương não bộ, và đi đến tận dưới chân các ngọn đồi của rặng Hy- mã- lạp- sơn . Mục tiêu của ông là để đo lường một thực thể rất đặc biệt, nhưng cũng có vẻ rất phù du : đó là những đặc điểm thần kinh não bộ của một vị sư Phật giáo đang lúc hành Thiền. Giáo sư Davidson nói “ Những vị sư này là những lực sĩ Thế vận hội, những lực sĩ đoạt huy chương vàng của bộ môn Thiền định”.
Công việc đã bắt đầu từng khoảng thời gian ngắn – lúc đầu các nhà sư đã từ chối không chịu để cho mình bị nối vào dây điện – nhưng bây giờ công trình nghiên cứu về Thiền đã đạt được uy tín mà trước đây một thập niên người ta khó có thể tưởng tượng nổi. Trong 10 năm qua, một số nhà sư Phật giáo do Matthieu Ricard dẫn đầu – ông này là một người Pháp có bằng Tiến sĩ về sinh học phân tử - đã thực hiện một loạt nhiều cuộc thăm viếng từ miền Bắc Ấn Độ và nhiều quốc gia Á châu cho đến phòng thí nghiệm của Giáo sư Davidson ở Madison. Ricard và các bạn đồng sự đã đeo một mớ dây điện rối rắm giống như một vòm cung gồm 256 điện cực của mạng lưới điện não đồ trong lúc ngồi trên sàn nhà của một phòng nhỏ và đáp ứng lại các kích thích thần kinh thị giác. Họ đã trải qua từ hai đến ba giờ mỗi lần trong cái máy chụp hình cọng hưởng từ tính (magnetic resonance imaging machine), cố gắng hành Thiền giữa những tiếng động lách tách và rì rầm của dàn máy điện từ đang chụp hình não bộ.
Chưa có dữ kiện nào từ những cuộc nghiên cứu ấy được xuất bản chính thức, tuy nhiên , trong tập “ Những Viễn Kiến về Lòng Từ Bi”, một công trình sưu tập các bài diễn văn được xuất bản năm qua, Giáo sư Davidson đã ghi nhận rằng, trong số 175 đối tượng của công trình nghiên cứu, một vị sư được mời tham dự đã có những dấu hiệu năng động nhất khi bị kích thích nhiều điểm ở vùng thùy não trái phía trước đỉnh đầu, đây là vùng não bộ được liên kết với những tình cảm tích cực theo các công trình  nghiên cứu gần đây.
Trong những năm kế tiếp kể từ khi Giáo sư Davidson nhận bức điện thư từ Ngài Đạt Lai Lạt Ma, việc nghiên cứu thần kinh học về phương pháp hành Thiền của các vị sư Phật giáo đã vượt qua ngưỡng cửa của những điều có thể chấp nhận được để trở thành một đề tài đáng chú ý về mặt khoa học. Một phần của lý do này nằm ở chỗ ngày càng có nhiều kỹ thuật hiện đại đo lường não bộ có khả năng tiết lộ không những tình trạng tâm thức của hành giả đang lúc hành Thiền mà lại còn những đổi thay lâu dài trong sinh hoạt não bộ sau một thời gian hành Thiền liên tục. Và cũng chẳng có gì phải tổn thương tự ái khi các khoa học gia về thần kinh nổi tiếng trong ngành này bây giờ cũng bị tính tò mò kích thích do các phúc trình sơ khởi về những năng lực tinh thần phi thường của các vị sư Phật giáo. Giáo sư Paul Ekman của Đại học California ở San Francisco và Giáo sư Stephen Kosslyn của Đại học Harvard đã bắt đầu các công trình nghiên cứu riêng của họ về những năng lực tinh thần của các vị sư. Thêm vào đó, một vài cuộc nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ đã gợi ý cho thấy là những bệnh nhân Tây phương thực hành kiểu Thiền định Phật giáo có thể tạo nên những thay đổi về sinh lý não bộ và hệ miễn nhiễm.
Tính chất sinh học của Thiền định ngày càng được kính nể, dù có vẻ miễn cưỡng, và gần đây đã đạt được một điểm mốc quan trọng khi một số khoa học gia  hàng đầu của Hoa kỳ về khoa thần kinh và tâm lý ứng xử đã gặp gỡ các vị sư Tây Tạng, gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, ở một hội nghị được tổ chức tại Viện Kỹ Thuật Massachusetts ( MIT). “Bạn có thể nghĩ đến các nhà sư như những trường hợp chứng minh tiềm năng gì có thể đạt được trong lãnh vực Thiền định”, Jon Kabat- Zinn, vị cựu giáo sư Y khoa ở Đại học Y khoa Massachusetts, người đã có những nghiên cứu tiền phong về những lợi ích sức khỏe của Thiền. “ Nhưng bạn không cần phải làm một người kỳ dị, hay là một Phật tử, hoặc ngồi trên đỉnh một ngọn núi ở Ấn độ, để có thể rút ra được những lợi ích của Thiền. Kiểu nghiên cứu này đang còn trong thời kỳ phôi thai, nhưng chúng ta đang tiến gần đến việc khám phá ra nhiều điều vô cùng hấp dẫn”.
Trong 2500 năm lịch sử của Phật giáo, tôn giáo này đã hướng năng lực của họ vào nội tâm trong một nỗ lực rèn luyện tâm thức để hiểu được trạng thái tinh thần của hạnh phúc, nhận diện và giảm thiểu nguồn gốc của những tình cảm tiêu cực, nuôi dưỡng và phát triển những trạng thái tình cảm như là lòng từ bi để đem lại niềm an lạc cho cá nhân và xã hội. Trong nhiều thập niên, các cuộc nghiên cứu khoa học ở phương Tây đã tập trung vào những ảnh hưởng ngắn hạn của Thiền trên hệ thống não bộ, họ đã tìm thấy rằng Thiền giúp giảm thiểu những dấu hiệu của căng thẳng như là nhịp đập của tim và sự bài tiết mồ hôi. Cuộc nghiên cứu này đã trở thành căn bản cho phương pháp “đáp ứng thư giãn” do Giáo sư Herbert Benson của Viện Đại học Harvard phổ biến trong những năm 1970. Tuy nhiên, Thiền Phật giáo nhấn mạnh đến những thay đổi lâu dài trong hoạt động tinh thần chứ không phải chỉ những kết quả ngắn hạn. Và chính tác dụng thần kinh và vật lý của những đổi thay dài hạn đạt được sau nhiều năm tinh tấn hành Thiền đã kích động tính tò mò của các khoa học gia.
Giáo sư Davidson giải thích “ Trong truyền thống Phật giáo,‘Thiền’ là một từ có ý nghĩa tương đương với chữ ‘thể thao’ của Mỹ. Đó là một nhóm các hoạt động liên hệ với nhau chứ không phải chỉ một hoạt động”. Theo các hành giả Phật giáo, mỗi phần thực hành Thiền định đòi hỏi những kỹ năng tinh thần khác nhau. Ví dụ, các nhà nghiên cứu ở đại học Wisconsin đang tập trung vào ba hình thái Thiền định Phật giáo. Giáo sư Davidson nói : “Hình thái thứ nhất là tập trung sự chú ý . Với hình thái này, họ tư huấn luyện để tập trung sự chú ý vào một đối tượng trong một thời gian dài. Hình thái thứ hai là họ phát nguyện tu tập lòng từ bi. Đó là điều họ làm hằng ngày, và họ có những luyện lập đặc biệt mỗi khi họ tiên liệu sắp có những biến cố tiêu cực xảy ra, những gì làm họ tức giận hay bực bội, và rồi họ tìm cách chuyển hóa nó và truyền cho nó một liều thuốc giải độc, đó là lòng từ bi. Họ nói họ có thể làm điều đó dễ như búng ngón tay” Ông ta nói và búng ngón tay để diễn tả, “ Hình thái thứ ba gọi là ‘ tỉnh thức’. Đây là một trạng thái nhận biết rất rõ ràng bất cứ ý niệm, tình cảm hay cảm giác nào đang khởi lên mà không có phản ứng gì cả. Họ mô tả việc đó như là một sự tỉnh thức thuần tuý”.
Não bộ có thể nhận biết, thích ứng và tự điều chỉnh các phân tử trên căn bản kinh nghiệm và sự luyện tập, điều này cho thấy rằng Thiền tập có thể để lại dấu tích sinh học trên não bộ - và chúng ta có thể chụp hình và đo lường được dấu tích này nhờ kỹ thuật chụp hình não bộ hiện đại ngày càng tinh xảo. Nhà thần kinh học Kosslyn nói: “Điều này cũng phù hợp với các văn bản nghiên cứu chuyên khoa thần kinh học, trong đó người ta nghiên cứu trí nhớ về không gian của những tài xế xe taxi và cảm giác về độ cao âm thanh của các nhạc sĩ dàn nhạc hoà tấu . Nếu bạn làm một cái gì đó, bất cứ cái gì, ngay cả chơi bóng bàn, trong 20 năm, mỗi ngày 8 giờ, thì trong não bộ của bạn sẽ có một cái gì đó khác với những người không làm những việc ấy. Nó phải như vậy thôi.
Giáo sư Jonathan D Cohen, một chuyên gia về sự chú ý và khả năng điều khiển nhận thức của Đại học Princeton, đã bị kích động tính tò mò khi đọc các phúc trình nói rằng một số vị cao tăng Phật giáo có thể duy trì sự chú ý trong một thời gian dài. Ông nói : “ Kinh nghiệm của chúng ta – và bằng chứng ở phòng thí nghiệm thì rất nhiều – cho biết rằng con người có một khả năng chú ý giới hạn. Khi chúng ta cố gắng duy trì sự chú ý trong những khoảng thời gian dài hơn, giống như các nhà điều khiển không lưu cần phải làm, thì chúng ta xem điều đó là một nỗ lực phi thường và hết sức căng thẳng. Phật giáo lại nói nhiều về khả năng điều khiển sự chú ý một cách linh hoạt, và họ nói đến một sự tập trung chú ý đươc duy trì lâu dài mà hành giả vẫn ở trong một trạng thái an lạc chứ không còn căng thẳng nữa”.
Nếu không có gì thay đổi thì hội nghị ở Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) chứng tỏ rằng Giáo sư Davidson, một trong số những người tổ chức hôị nghị, đã tìm cách thuyết phục được một số nhân vật danh tiếng cùng tham gia với ông để khẳng định rằng nghiên cứu các phương pháp hành Thiền là một công việc đáng kính nể về mặt khoa học. Các thành phần tham dự gồm những nhà khoa học chính mạch như Eric Lauder, nhân vật lãnh đạo của dự án Di Truyền Tử của Con Người; Cohen, một nhà nghiên cứu danh tiếng về các cơ cấu thần kinh của những quyết định đạo đức và kinh tế; và Daniel Kahneman, một nhà kinh tế đoạt giải Nobel ở Viện Đại học Princeton, người đã đi tiền phong trong việc nghiên cứu tâm lý của những quyết định tài chánh.
Giáo sư Cohen thú nhận: “Các nhà thần kinh học muốn duy trì cả phẩm chất lẫn hình ảnh nghiêm túc trong phương pháp nghiên cứu, vì thế họ không muốn thiên hạ thấy họ phóng vào một vùng đất mơ hồ của việc nghiên cứu tâm thức. Mặc khác, riêng cá nhân tôi thì tin rằng lịch sử khoa học đã hạ thấp giá trị của chúng ta khi làm cho chúng ta ngạo mạn nghĩ rằng chúng ta đã biết tất cả mọi thứ”.
Cuộc “ thí nghiệm với các nhà sư” ở  Madison đang bắt đầu chen lẫn một số nghiên cứu nhỏ nhưng gợi ý chứng tỏ rằng Thiền định Phật giáo có thể mang lại hiệu quả không những về mặt tình cảm mà còn có những hiệu quả rõ ràng về mặt sinh lý nữa. Có nghĩa là, năng lực Thiền định có thể được những người không theo Phật giáo vận dụng bằng một cách nào đó để đồng thời với việc giảm căng thẳng và lắng dịu những tình cảm tiêu cực, họ còn có thể cải thiện các chức năng miễn nhiễm nữa.
Sức mạnh tinh thần có ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của cơ thể là điều mà các nhà khoa học đã quan tâm từ lâu, nhất là những liên hệ giữa hệ thống não bộ, hệ miễn nhiễm và tuyến nội tiết. Chẳng hạn, Janice Kiecolt-Glaser và Ronald Glaser, là hai nhà nghiên cứu ở Viện Đại Học Ohio State University, đã thực hiện một loạt nghiên cứu chứng tỏ rằng sự căng thẳng đã làm suy yếu chức năng miễn nhiễm, mặc dù bản chất đích thực của những liên hệ đó vẫ còn chưa rõ ràng.
Thật là thú vị khi chính những đối tượng nghiên cứu là các nhà sư Phật giáo lại rất cởi mở đối với việc giải thích khoa học về những công phu tu tập của họ. “Phật giáo, cũng giống như khoa học, dựa trên nền tảng kinh nghiệm và nghiên cứu thực nghiệm, chứ không phải trên giáo điều”. Tháng qua, Tiến sĩ Ricard đã giải thích cho tôi như vậy. “Tôn giáo này có thể được xem như là ‘một khoa học về Thiền định’ ”, ông viết như vậy, và nói thêm: “Đức Phật luôn luôn nói rằng người ta không nên chấp nhận giáo lý của ngài chỉ vì kính trọng ngài, nhưng phải khám phá lại sự thật qua chính kinh nghiệm bản thân, cũng như khi chúng ta kiểm tra phẩm chất của vàng bằng các chà xát nó trên một miếng đá hay nấu chảy nó… vv”.
Vào tháng 7, tôi (tác giả bài này) đã tham gia vào cuộc nghiên cứu của Giáo sư Davidson và nhiều đồng nghiệp khác của ông khi chúng tôi đứng trong phòng điều khiển để theo dõi diễn tiến của cuộc thí nghiệm. Trên một màn hình vô tuyến trong phòng điều khiển, một thiếu nữ ngồi trên một cái ghế ở một phòng kế bên, ngồi trầm tư một mình. Những ý niệm ấy – và nói một cách chính xác hơn, cách cô ta cố gắng kiểm soát chúng khi bị kích động – là trọng tâm của cuộc thí nghiệm.
Davidson đặt giả thuyết rằng một thành tố trong cơ cấu tình cảm của con người phản ảnh một sức mạnh tương đối, hay là tính bất tương xứng, trong hoạt động của hai vùng võ não phía trước đỉnh đầu – mà cuộc nghiên cứu của Giáo sư Davidson đã lý luận rằng phía bên trái liên hệ với tình cảm tích cực, và phía bên phải khi tăng cường hoạt động thì có liên hệ với sự lo âu, trầm cảm và những biến đổi tâm tính bất thường khác.
Nhóm nghiên cứu của ông đã thực hiện những cuộc thí nghiệm trên các ấu nhi và các vị cao niên, những thiền giả tài tử và các vị cao tăng Đông phương, trong một nỗ lực xác định một mạch thần kinh phức tạp nối liền võ não trước đỉnh đầu với các cấu trúc não bộ khác như hạch amygdala, là nơi phát xuất sự sợ hãi, và hạch vòng đai cingulate phía trước, được xem là có liên hệ đến việc “theo dõi xung đột”. Một vài cuộc thí nghiệm cũng đã chứng tỏ rằng kích thích hoạt động ở thùy não trái phía trước đỉnh đầu có liên hệ đến việc nâng cao hoạt động miễn nhiễm nhờ các tế bào có khả năng tiêu diệt tự nhiên và các dấu hiệu miễn nhiễm khác.
Khi một khoa học gia trong phòng kiểm soát nói: “Được rồi, đây là bức hình thứ nhất”, người thiếu nữ có vẻ rất căng thẳng, nắm chặt khuỷu tay. Các điện cực bò ra khỏi da đầu và từ hai điểm ngay dưới mắt trái của cô. Và rồi, nhìn chăm chú vào màn hình, người thiếu nữ ngắm một loạt các hình ảnh rùng rợn đang chiếu trên màn ảnh trước mắt cô - một thân thể con người bị cắt rất ghê rợn, một bàn tay bị chặt đứt, một con rắn độc đang chuẩn bị tấn công. Qua ống nghe, cô gái được nhắc nhở để điều chỉnh các phản ứng tình cảm khi mỗi hình ảnh xuất hiện, hoặc nâng cao hoặc đè nén nó, trong lúc điện cực dưới mắt cô âm thầm đập nhẹ vào một mạch thần kinh chứng tỏ rằng cô đã điều chỉnh thành công các phản ứng tình cảm tích cực hoặc tiêu cực trước các hình ảnh đó”. Davidson giải thích rằng “ Cái đang được đo lường là khả năng của một người có thể tự ý điều chỉnh phản ứng tình cảm của họ.”
Daren Jackson, trưởng nhóm nghiên cứu nói thêm: “Thiền định có khả năng thúc đẩy việc loại trừ các phản ứng tiêu cực nhanh hơn và tự nhiên hơn”.
Những vị sư được mời tham dự, cũng như một nhóm nhân viên văn phòng có thực tập Thiền ở một công ty sinh học gần đó, đã được cho nhìn những hình ảnh rùng rợn ấy với cùng một mục đích: để xác nhận cái mà Davidson gọi là “ phong cách tình cảm”
( Ví dụ, nếu họ có khuynh hướng cứ bám chặt những phản ứng tình cảm tiêu cực ) và  tìm hiểu xem những phong cách ấy có thể điều chỉnh nhờ những nỗ lực tinh thần theo kiểu Thiền định hay không. Chính Giáo sư Davidson và các cộng tác viên của ông là Giáo sư Kabat-Zinn hy vọng rằng uy lực của Thiền định có thể được trang bị để hỗ trợ không những cho sự an vui về tình cảm mà còn về sức khỏe thể chất nữa.
Kể từ khi thành lập Trung Tâm Y Tế Giúp Giảm Thiểu Căng Thẳng ở trường Y Khoa thuộc Viện Đại học Massachusetts vào năm 1979, Giáo sư Kabat-Zinn và các đồng nghiệp đã chữa 16,000 bệnh nhân và dạy cho hơn 2,000 chuyên viên y tế về kỹ thuật  “Thiền Tỉnh Thức”, theo đó họ giảng dạy một phương pháp Phật giáo về sự tỉnh thức toàn diện trong phút giây hiện tại “ mà không phê phán”, như một cách để giảm thiểu căng thẳng. Trong thời gian đó, ông đã xuất bản những công trình nghiên cứu nhỏ nhưng rất đáng chú ý, ông đã chứng minh rằng những người mắc bệnh vẩy cá có thực tập Thiền đã lành bệnh nhanh gấp 4 lần những người không thực tập Thiền, và các  bệnh nhân ung thư có thực tập Thiền đã có những biểu hiện tình cảm tốt hơn rất nhiều so với nhóm người không thực tập Thiền; và không những Thiền đã giúp các bệnh nhân chấm dứt các triệu chứng của bệnh lo âu và đau nhức mãn tính mà lại còn kéo dài những lợi lạc ấy đến 4 năm kể từ khi được huấn luyện để hành Thiền. Giáo sư Kabat-Zinn đang thực hiện một công trình nghiên cứu cho công ty Chăm Sóc Sức Khoẻ Cigna để xem thử có phải Thiền giúp giảm bớt phí tổn chữa trị các bệnh nhân có hội chứng mệt mỏi kinh niên, bệnh sưng khớp và hội chứng ruột già bất ổn.
Trong thời gian chờ đợi này, khoa học về Thiền định vẫn còn mắc kẹt vào một địa hạt văn hóa đang còn trong vòng tranh chấp, giữa một điều có vẻ như mâu thuẫn nghịch lý và một cái gì có vẻ rất có thực. Davidson nói: “Chúng tôi đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu”, và ông công nhận rằng “đại đa số các cuộc nghiên cứu về Thiền đều có phẩm chất kém”. Nhưng một công trình nghiên cứu được hoạch định kỹ lưỡng do Davidson, Kabat-Zinn và các đồng nghiệp của họ xuất bản vào tháng 7 sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy đề tài nghiên cứu là hợp lý.
Vào tháng 7, 1997, Davidson đã tuyển mộ các đối tượng nghiên cứu ở một công ty kỹ thuật sinh học bên ngoài Madison gọi là Promega để nghiên cứu tác dụng của Thiền định Phật giáo trên các hoạt động thần kinh và hệ miễn nhiễm của nhân viên văn phòng Mỹ bình thường. Não bộ của các nhân viên này được gắn dây điện và đo trước khi họ bắt đầu một khóa huấn luyện về Thiền do Kabat-Zinn giảng dạy. Đây là một công trình nghiên cứu trong đó các đối tượng được chọn một cách tình cờ và được kiểm soát kỹ, và sau 8 tuần, các nhà nghiên cứu đã trắc nghiệm lại não bộ và các dấu hiệu miễn nhiễm để đánh giá tác dụng của Thiền.
Có vài nhân viên tỏ vẻ do dự không muốn tình nguyện tham gia, nhưng cuối cùng khoảng 48 nhân viên đã tham dự cuộc nghiên cứu. Mỗi tuần một lần trong vòng 8 tuần, Giáo sư Kabat-Zinn sẽ xuất hiện ở công ty Promega với cái hộp có cán dài, các băng cassette nhạc Thiền màu đỏ và tím, và cái chuông chùm kiểu Tây Tạng, và số nhân viên của công ty Promega đã được tập họp lại - gồm có các nhà khoa học, nhân viên tiếp thị, nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm và cả những viên quản đốc nữa - họ sẽ ngồi trên sàn nhà của phòng hội nghị và thực tập Thiền trong 3 giờ.
Vào tháng 7, kết quả cuộc thí nghiệm ở công ty Promega đã được xuất bản trong tạp chí Y Học về Thân và Tâm, và các nhà khoa học gợi ý rằng quả thật Thiền có thể để lại một dấu ấn rõ ràng và kéo dài trên tâm thức và thân thể của hành giả. Trong số các nhân viên của công ty Promega có thực tập Thiền trong 2 tháng, các nhà nghiên cứu ở Viện Đại học Wisconsin đã tìm thấy sự gia tăng đáng kể các hoạt động trong nhiều vùng của thùy não trái phía trước đỉnh đầu – các hoạt động gia tăng này đã kéo dài ít nhất 4 tháng sau cuộc thí nghiệm, khi các đối tượng được trắc nghiệm trở lại. Hơn nữa, những người có thuỳ não trái phía trước đỉnh đầu gia tăng hoạt động nhiều nhất  sau khi thực tập Thiền thì họ cũng chứng tỏ có khả năng tạo ra các kháng thể mạnh mẽ hơn để chống trả vi khuẩn khi họ được chích ngừa bệnh cúm. Giáo sư Kabat-Zinn gợi ý rằng, kết quả cuộc nghiên cứu chứng tỏ những chuyển đổi chất lượng trong hoạt động của não bộ chỉ sau 2 tháng hành Thiền đã phù hợp với những kết quả sơ khởi được tìm thấy nơi các hành giả chuyên nghiệp như các vị sư Phật giáo.
Vào thời điểm thuận lợi nhất, những kết quả ấy vẫn còn được đón nhận một cách thận trọng. Thật vậy, theo giáo sư Davidson, cuộc nghiên cứu của Viện Đại học Wisconsin phải mất 5 năm mới được xuất bản từng phần bởi vì nhiều nguyệt san danh tiếng đã từ chối ngay cả việc gửi các kết quả nghiên cứu ấy cho các nhà chuyên môn thẩm định giá trị. Tuy nhiên, vào lúc cuộc nghiên cứu chấm dứt, những kinh nghiệm chủ quan cuả các tham dự viên đã bổ sung cho các dữ kiện khách quan: Thiền tập cuối cùng đã  giúp cho con người cảm thấy khỏe mạnh hơn, tích cực hơn và giảm bớt căng thẳng. Michael Slater, một nhà sinh học phân tử ở công ty Promega đã nói :“Quả thật tôi là một nhà khoa học thực nghiệm trong mọi lãnh vực của đời tôi. Tôi nghi ngờ giáo điều, và tôi đã thử thực tập Thiền. Tôi đã thực hành tại phòng thí nghiệm nhưng cũng  tại nhà riêng. Và Thiền đã hấp dẫn tôi bởi vì tôi có thể cảm nhận được sự hạ giảm căng thẳng trong tôi. Tôi có thể nói là tôi bớt cau có gắt gỏng. Tôi có khả năng tiếp nhận nhiều áp lực công việc hơn. Vợ tôi cũng cảm thấy tôi thoải mái hơn khi bà ấy đến gần. Như vậy đã có những tác dụng rõ rệt. Đối với một nhà khoa học thực nghiệm, như vậy là đủ”.
Cứ cho vậy là đúng đi, nhưng điều đó cũng chưa đủ đối với nhiều người khác, nhất là những người đa nghi về khoa học. Nhưng Slater đã buột miệng đưa ra một lời nhận xét mà tôi cho là một cách thẩm định giá trị có tính thuyết phục rất cao, mặc dù hoàn toàn không chính thức. Slater nói rất nhỏ nhẹ: “ Vợ tôi hết sức cầu mong cho tôi bắt đầu hành Thiền trở lại”.

Sources: Australian Financial Review, 7 November 2003. Bài báo này xuất hiện lần đầu tiên trên tờ New York Times Magazine. Stephen S  Hall là tác giả của cuốn Merchants of Immortality: Chasing the Dreams of Human Life
NHỮNG BÀI HỌC
VỀ THIỀN
CỦA ĐỨC PHẬT


Nguyên tác:
Claudia Kalb
Việt dịch: Trần Như Mai
 Vào tuổi 39, Janet Clarke khám phá rằng cô đã bị bướu cột sống khiến cô đau lưng triền miên. Các loại thuốc giảm đau cũng có giúp cô đôi chút, nhưng mãi cho đến khi cô tham dự một khóa Thiền tập ở Lytham, cô mới khám phá ra một vũ khí lợi hại bên trong cơ thể  của mình : đó là tâm của cô. Bằng cách thực tập một phương pháp gọi là “ Giảm Căng Thẳng Bằng Phép Tỉnh Thức”( Mindfulness-Based Stress Reduction – MBSR ), Clarke đã học cách để chấp nhận cơn đau thay vì chống đối nó. Cô nói “Đây là phương pháp dạy cho bạn cách tiếp cận với cơ thể chứ không phải với đầu óc của bạn. Phương pháp Tỉnh Thức đã cho bạn một điều mà thuốc giảm đau không thể có được – đó là thái độ sống thế nào cho đựơc an lạc”.
Bắt nguồn từ những truyền thống Phật giáo cổ đại, phương pháp Tỉnh Thức giờ đây đã có chỗ đứng như một loại thuốc giải độc chữa được nhiều thứ bệnh, từ căng thẳng thần kinh loại A (mãn tính) đến bệnh trầm cảm. Tại Trung Tâm Thực Tập Phép Tỉnh Thức trong Y Khoa, Chăm sóc Y tế và Xã hội ở Đại học Massachusetts, nơi mà Giáo sư Jon- Kabat-Zinn đã phát triển phương pháp “ Giảm Căng Thẳng Bằng Phép Tỉnh Thức”, có 15,000 người tham gia khoá Thiền tập trong 8 tuần, và hằng trăm người khác đã ký tên tham dự tại các trung tâm y tế  khắp Hoa Kỳ. Bây giờ, các khoa học gia đang sử dụng kỹ thuật hiện đại nhất để chụp hình não bộ và thử máu để nghiên cứu kết quả sinh học của Thiền định. Cuộc nghiên cứu đang thu hút sự chú ý ở các cấp cao nhất : Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng quan tâm đến nỗi Ngài đã tham gia lực lượng nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Tâm Thức và Đời Sống ở Boulder, Colorado.Viện này đang bảo trợ công trình nghiên cứu về Thiền và Tâm. Tháng tới, các khoa học gia sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala, Ấn Độ, để tham dự một hội nghi lớn về “ Tính nhu nhuyến của thần kinh não bộ”. Nhà tâm lý học Ruth Baer thuộc Viện Đại học Kenntucky nói “ Người ta thường nghĩ rằng đây là một việc rất thiếu thực tế và huyễn hoặc. Bây giờ họ lại bảo, ‘Này, chúng ta nên bắt đầu chú tâm đi nhé.’ ”
Chú tâm là cốt lõi của phép Tỉnh Thức. Trong 45 phút Thiền tập, các tham dự viên đã quan sát những ý niệm lăng xăng của tâm và các cảm giác của cơ thể. Nguyên tắc chỉ đạo là phải hiện hữu trong từng giây phút, phải nhận biết những gì đang xảy ra nhưng không phân tích hay phán đoán. Điều này không dễ. Các Phật tử thường gọi cái tâm lăng xăng ấy là ‘tâm vượn”, cái tâm vượn này đã miên man dẫn dắt ý niệm của ta đi từ những nuối tiếc quá khứ đến những lo âu về tương lai, khiến ta còn rất ít thời giờ cho phút giây hiện tại ở nơi này. Những nỗ lực Thiền tập lúc đầu có thể làm ta thất vọng (“Tôi sẽ không bao giờ Thiền dược”), thiếu kiên nhẫn (“Bao giờ thì xong đây ?”), và ngay cả những khởi niệm tầm thường như (‘Tôi sẽ làm món gì cho bữa ăn tối ?). Tuy nhiên, mục đích không phải là đạt đến Niết Bàn, nhưng là để quan sát những ý niệm hổn tạp ấy bằng thái độ từ bi, chấp nhận chúng như những cái thoáng qua, “ giống như bọt nước trong bình, hoặc những áng mây báo hiệu thời tiết trên bầu trời”, giáo sư Kabat-Zinn đã nói như vậy.
Trọng tâm của phương pháp Tỉnh Thức là thực hành Thiền định mỗi ngày, nhưng chủ đích là làm cho Thiền tập trở thành một lối sống. Ở Đại học Stanford, Giáo sư Philippe Goldin khuyến khích các bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh “ lo âu về xã hội ” nên có “những giây phút ngừng suy nghĩ đầy ý nghĩa” (Thiền) trong suốt   ngày như là một cách theo dõi và kiểm soát nỗi sợ hãi và hoài nghi của chính họ. Kiểm soát nội tâm có thể là một phương pháp rất hữu hiệu trong việc đối trị mọi căn bệnh mãn tính. Trong một cuộc nghiên cứu thử nghiệm 18 người phụ nữ mập phì, vị Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe, Tôn Giáo và Tâm Linh , giáo sư Jean Kristeller đã tìm thấy rằng phương pháp Tỉnh Thức, được tăng cường bằng các phương pháp ăn trong chánh niệm ( như là chậm rãi thưởng thức hương vị của miếng phô-mai ), đã giúp các bệnh nhân giảm thiểu việc ăn uống quá độ của họ từ trung bình 4 lần một tuần xuống còn 1 lần rưỡi một tuần.
Phương pháp Tỉnh Thức giúp bạn thoát khỏi khuôn sáo của nếp sống cũ. Bạn không còn chiến đấu với tâm của mình như một kẻ đang đấu võ trên võ đài – mà bạn đóng vai khán giả ngồi trên hàng ghế để quan sát tâm của bạn một cách thích thú. Sự tách rời này không làm bạn trở nên thụ động nhưng sẽ đưa bạn đến những cách suy nghĩ mới. Điều này đặc biệt hữu ích đối với bệnh trầm cảm, là chứng bệnh đã dày vò bệnh nhân bằng những suy tưởng khắc nghiệt. Giáo sư tâm thần học của Đại học Toronto là Sindel Segal, cùng với các đồng nghiệp người Anh là John Teasdale ở Đại học Oxford và Mark Williams ở Đại học Cambridge, đã kết hợp phương pháp Tỉnh Thức với “ nhận thức ứng xử trị liệu pháp” theo truyền thống và dạy cho bệnh nhân quan sát nỗi buồn hay đau khổ của mình mà không phê phán. Trong một cuộc nghiên cứu các bệnh nhân đã phục hồi sau một giai đoạn bị trầm cảm, Segal và các đồng nghiệp tìm thấy rằng 66% những người có thực hành Thiền tập vẫn giữ được trạng thái tâm thần ổn định trên một năm  (không bị tái phát bệnh cũ), so sánh với 34% đối với nhóm không thực tập phép Tỉnh Thức.
Ảnh hưởng sinh học của phép Tỉnh Thức là phạm vi kế tiếp trong nghiên cứu khoa học. Trong một công trình nghiên cứu đã được xuất bản nhiều năm trước, giáo sư Kabat-Zinn tìm thấy rằng khi các bệnh nhân mắc bệnh vẩy cá nghe băng nhạc Thiền trong lúc được chữa trị bằng tia cực tím, họ đã lành bệnh nhanh hơn gấp 4 lần nhóm bệnh nhân không được nghe nhạc Thiền. Gần đây hơn, giáo sư Kabat-Zinn và nhà thần kinh học Richard Davidson của Viện Đại học Wisconsin tìm thấy rằng sau 8 tuần thực hành phương pháp Tỉnh Thức, một nhóm nhân viên ngành kỷ thuật vi sinh học đã chứng tỏ có sự gia tăng hoạt động của vỏ não trái phía trước – đây là vùng não bộ được liên kết với trạng thái tinh thần vui vẻ hạnh phúc - nhiều hơn những đồng nghiệp không thực tập Thiền. Những người có thùy não trái hoạt động nhiều nhất thì cũng gia tăng số lượng các kháng thể có sức chống trả mạnh nhất đối với với thuốc chích ngừa bệnh cúm.
Còn nhiều điều mới đang được khám phá. Giáo sư Goldin của Đại học Stanford đang sử dụng kỹ  thuật hiện đại nhất để chụp hình não bộ để tìm xem có phải phương pháp Tỉnh Thức có ảnh hưởng đến những điểm kích động tình cảm không, ví dụ như là hạch amygdala nối với thùy não bên phải có liên hệ đến việc xử lý sự sợ hãi. Và tại Đại học Maryland, Bác sĩ Drian Berman đang nghiên cứu các mức độ sưng khớp của các bệnh nhân thấp khớp đang thực tập phép Tỉnh Thức. Một người trong số đó là cô Dalia Isicoff  đã nói rằng “ Kết quả quá rõ ràng, tôi cảm thấy thân và tâm đều  an lạc.”

Source:  Buddha Lessons ( Newsweek  International, October 4 / 2004  Issue  )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét