Trang

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể chuyện tìm mộ em gái

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể chuyện tìm mộ em gái

TP – GS Trần Phương – Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vẫn nhớ đến từng chi tiết câu chuyện đi tìm mộ em gái mình, người chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân.
Câu chuyện tìm mộ đó là một hành trình kỳ lạ mà cho đến hôm nay GS Trần Phương vẫn nói rằng: “Hài cốt em tôi đã được tìm thấy, nhưng con đường dẫn đến kết quả ấy thì bí ẩn”.

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể lại hành trình bí ẩn tìm em gái.
Cuộc tìm kiếm sau 50 năm
Cô gái Vũ Thị Kính sinh năm 1929, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 16 tuổi với bí danh Trần Thị Khang. Năm 1950 cô là Huyện ủy viên của Đảng bộ Phù Cừ, Bí thư phụ nữ Cứu quốc huyện. Tháng 6 năm đó, địch bắt được cô từ hầm bí mật, đưa về bốt La Tiến – một bốt khét tiếng tàn ác, một đồn binh lớn án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc tỉnh Thái Bình và phía tây tỉnh Hải Dương.
Địch đã dùng mọi hình thức tra tấn hòng buộc cô khai báo và đầu hàng. Trước khí tiết không lay chuyển của cô, chúng đã giết và vứt xác nữ du kích này xuống sông Luộc. Ngay sau ngày cô hy sinh, đội nữ du kích Hoàng Ngân của huyện đã phát động tuần lễ giết giặc trả thù cho cô. Huyện ủy và đội nữ du kích Hoàng Ngân đã tổ chức đi tìm xác cô nhưng không thấy.
“Đó là nỗi day dứt xót xa của gia đình tôi suốt mấy chục năm qua. Mẹ tôi hồi còn sống thỉnh thoảng lại hỏi tôi: “Có tìm thấy xác em không? Tôi đành an ủi: Bao giờ hết chiến tranh con sẽ tổ chức việc tìm kiếm, chắc là được mẹ ạ”. Nói thế mà lòng tôi như muốn khóc vì biết mình bất lực trước nỗi đau của mẹ. Cả một dòng sông Luộc mênh mông như thế nối ra biển cả biết tìm kiếm nơi đâu?” – GS Trần Phương tâm sự.
“Mười năm lại đây, nghe tin nhiều người tìm được hài cốt bằng gọi hồn, bằng ngoại cảm, bằng thấu thị… Tôi vốn được đào tạo theo tinh thần của khoa học thực nghiệm, cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin. Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ tin có linh hồn, thần thánh, ma quỷ. Ngay cả những ngày giỗ bố mẹ, tôi cũng không làm cơm cúng, không thắp hương, chỉ sửa một lọ hoa tươi để tưởng nhớ. Vậy mà khi nghe những tin trên, trong tôi vẫn lóe lên niềm hy vọng mong manh: Biết đâu đấy. Nếu bằng phương pháp thần bí mà tìm được hài cốt em tôi thì có gì đâu phải câu nệ?”.
Với tâm lý đó, GS Trần Phương đã tìm cách tiếp cận các nhà ngoại cảm có tiếng tăm. Một nhà ngoại cảm đã vẽ cho GS Phương sơ đồ tìm mộ em gái nhưng gia đình ông sau khi mất 4 ngày tìm kiếm, cũng mới loay hoay gần khu vực được cho là có hài cốt của nữ du kích Trần Thị Khang. Không nản, GS Phương lại tiếp cận được với nhà ngoại cảm nổi tiếng Phan Thị Bích Hằng.
GS Trần Phương chuẩn bị cho cuộc gọi hồn với đầy sự “cảnh giác”: “Tôi lục tìm trong trí nhớ những vụ việc mà chỉ tôi và em tôi biết, để kiểm tra xem có thật là linh hồn em tôi đang nói với tôi không. Dự buổi gọi hồn có chị tôi và em gái tôi, nhưng tôi dặn không ai được nói, đề phòng hớ hênh, để lộ thông tin: “thầy bói nói dựa”.
Bích Hằng là một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp năm ấy mới 28 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, đang làm kế toán cho một công ty xây dựng trong quân đội đồng thời vẫn theo học lớp đào tạo Thạc sĩ quản lý kinh doanh do trường Oxford tổ chức tại Hà Nội.
Bích Hằng yêu cầu đặt lên bàn một chiếc cốc, một vốc gạo để cắm hương, một ngọn nến và một bức ảnh của cô Khang.

Phút “hội ngộ” sau những sinh ly tử biệt
Sau mấy phút dán mắt vào tấm hình, Bích Hằng hớn hở: “Cháu chào cô. Cháu là Phan Thị Bích Hằng. Bác Trần Phương nhờ cháu mời cô về để hỏi hài cốt của cô hiện nay ở đâu?”. Rồi Hằng quay sang GS Phương: “Có một người đàn ông đi cùng với cô Khang…”.
Qua “phiên dịch” của Hằng, cô Khang nói: “Người thanh niên đi cùng với em chính là anh Sơn đấy. Anh vẫn thường xuyên đến gặp em”.
GS Phương giật mình. Anh Sơn chính là người anh, người bạn, người đồng chí thân thiết nhất của ông đã hy sinh.
“Cô Khang” tiếp: “Anh không có duyên rồi. Anh đi tìm em, đối mặt với em rồi mà không đến được với em. Từ hôm anh đến, mấy chị em trong Đội Hoàng Ngân của em cứ bảo sao lâu không thấy anh Phương trở lại. Chỗ em nằm chỉ cách chỗ anh đào ba bước chân về phía bờ ao”.
“…Mười năm lại đây, nghe tin nhiều người tìm được hài cốt bằng gọi hồn, bằng ngoại cảm, bằng thấu thị… Tôi vốn được đào tạo theo tinh thần của khoa học thực nghiệm, cái gì chứng minh được mới tin là có, cái gì chưa chứng minh được thì dứt khoát không tin.” – GS Trần Phương tâm sự
GS Phương hỏi: “Vậy em nằm trên vườn hay dưới ao?”. “Đến bờ ao cũng còn 3 bước chân nữa. Phía trên em chừng 2m là chị Nguyễn Thị Bê, đội viên Đội nữ du kích Hoàng Ngân, quê ở ngay làng La Tiến. Cách chỗ em nằm cũng chừng 2m về phía đông là một người đàn ông bị bắt từ Hải Dương về, em không biết tên, ba cái mộ dường như nằm trên một đường thẳng. Hai người kia bị giết cùng một ngày với em”.
“Chúng cột tay ba người lại với nhau rồi vứt xuống sông lúc nửa đêm. Dân phòng ta có đi tìm nhưng không thấy. Mãi mấy ngày sau xác mới nổi lên. Dân vớt được mới đem về đây chôn. Xa hơn còn 7 người nữa cơ. Mấy người nổi lên trước thì dân còn cho được manh chiếu, còn nổi lên sau thì đến manh chiếu cũng không có nói gì đến quan tài”.
GS Trần Phương kể: “Rồi cô ấy chỉ dẫn tỉ mỉ chỗ cô nằm, với các đặc điểm về cây cỏ xung quanh, bắt đầu từ cây nhãn ở góc vườn mà tôi nhận ra ngay.
Tôi hỏi: “Em có biết chỗ em nằm thuộc đất của ai không?”. Cô đáp: “Em cũng không biết nữa”. Cháu Hằng hỏi: “Hài cốt của cô còn nguyên vẹn không?”. Cô nói: “Chúng đánh em gãy xương sườn, gãy xương cánh tay và xương đòn tay phải, gãy hai chiếc răng ở hàm trên bên phải, giập gò má bên trái. Xương cốt hiện nay vẫn còn nhưng đã mủn, vì chôn có quan tài đâu, răng dưới rụng nhưng răng hàm trên vẫn nguyên”.
Tôi hỏi để kiểm tra: “Răng em bây giờ màu gì?”. “Bây giờ màu đen”. Tôi vội cãi: “Nhưng trước đây răng em trắng kia mà”.
“Cô Khang” nói tiếp: “Em chưa nói hết. Răng em đen xỉn do bùn đất ngấm vào chứ không phải đen hạt na. Ngày xưa, các anh ấy hay trêu em là có hàm răng đẹp nhất, tươi tắn nhất đội du kích. Nếu anh có đào nhầm sang mộ khác thì anh vẫn có thể nhận ra ngay, vì hàm răng của em không thể lẫn được. Cái khuôn mặt cũng vậy. Tuy gò má trái có bị giập, nhưng cả khuôn mặt thì vẫn còn. Anh có thể dễ dàng nhận ra em. Nhưng khi đào anh phải cẩn thận, vì chỉ cần xúc một xẻng đất là nó vỡ ra ngay”.
Mặc dù chỉ được nhắc đến một cách kín đáo, nhưng tôi nhận ra những nét đẹp rất đặc trưng của em tôi. Ôi! Người con gái lìa đời đã 50 năm mà vẫn không quên niềm tự hào về nhan sắc của mình được các chàng trai ngưỡng mộ. Nghĩ thế mà lòng tôi xót xa!
Cuộc gọi hồn kéo dài gần hai tiếng đồng hồ “hội ngộ” đầy xúc động và nhiều chi tiết xác thực. Những nghi ngờ về một màn kịch của nhà ngoại cảm đã bị bay biến trong đầu nguyên Phó Thủ tướng vốn vô thần này. Nhưng cuộc đào mộ sau đó với rất nhiều bất ngờ đã khiến ông chết lặng đi…
Còn nữa
Phùng Nguyên

Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể chuyện tìm mộ em gái (Phần 2)

TP – Hành trình tìm mộ em gái chứa đựng nhiều tình tiết ly kỳ, song rất cảm động. Đã nhiều năm trôi qua sau cuộc đi tìm mộ, giờ đây trong lòng Phó Thủ tướng Trần Phương vẫn còn nguyên vẹn những câu hỏi. Những câu hỏi hết sức nghiêm túc, khoa học, chỉ có thể đặt ra, chứ chưa có câu trả lời.
Liệt sĩ Trần Thị Khang, em gái nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương.
Trong hành trình tìm mộ người em gái, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương kể lại nhiều tình tiết kỳ lạ, trong đó, tác động mạnh mẽ đến ông nhất là cuộc “trò chuyện” giữa ông với người em gái, thông qua “phiên dịch” của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương nhớ lại, thông qua cuộc “trò chuyện” đó, ông đã biết được những thông tin như ngày em gái hy sinh.
Cũng qua “phiên dịch” nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương cũng được “trò chuyện” với một người tên là Sơn. Người này hơn ông Trần Phương 4 tuổi, từng là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông, được điều vào bộ đội khi thành lập Đại đoàn 320, làm Trưởng ban Tuyên giáo của Đại đoàn. Ông hy sinh trong chiến dịch Hà Nam Ninh, vào tháng 6-1951.
Qua các cuộc “trò chuyện” này, nguyên Phó Thủ tướng Trần Phương và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã xác định được vị trí ngôi mộ em gái, các đặc điểm để nhận biết ngôi mộ. Một chi tiết được thông báo trước: Phía trên ngôi mộ sẽ có một thanh củi mục, thực ra đấy là một cái cán thuổng mà người ta đào đất đánh gãy vứt lại đó, vô tình trở thành vật đánh dấu cho ngôi mộ.
GS Trần Phương và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
Những bất ngờ dưới lòng đất
Cuộc tìm mộ tiếp diễn sau đó ít lâu. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cùng đi để chỉ địa điểm cho chính xác. Chị Hằng đến gần gốc nhãn, ngắm nghía một lát rồi cắm hương xuống đất. Lấy bó hương làm tâm, chị vạch một ô hình chữ nhật để đào.
Dưới sự hướng dẫn của Bích Hằng vị trí ngôi mộ đã được xác định và những nhát cuốc bắt đầu bổ xuống.
Đào hết lớp đất “vượt thổ” thì chị Hằng ra lệnh cho thợ ngừng đào. Chị nhảy xuống hố lấy dầm gạt nhẹ từng lớp cát đen. Chưa đến một gang tay thì vướng ngay vào thanh củi mục. Nạy lên, ngâm vào nước thì nhận ra đó là một khúc tre già, ruột tre đã phân hủy hết, nhưng đốt và cật tre thì vẫn còn nguyên. Mọi người đều kinh ngạc khi biết thông tin về cái cán thuổng đã được báo trước.
Sau hành trình kỳ lạ tìm mộ em gái, giáo sư Trần Phương đã ngộ một điều gì đó về thế giới tâm linh. Ông trăn trở nhiều với những câu hỏi: “Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới của con người đang sống không? Thế giới linh hồn đó hoạt động thế nào? Có khả năng tác động thế nào đến thế giới của con người đang sống?”
Riêng GS Phương vui mừng đến lặng đi… Đây là dấu hiệu đáng tin cậy nhất để chứng minh đó chính là mộ của em gái mình. Cái cán thuổng đã bị vùi sâu dưới lòng đất ngót 50 năm rồi, không ai có thể ngụy tạo ra nó được. Dấu hiệu đó lại do chính vong linh anh Sơn mách bảo cách đó 9 hôm, người đời bằng mắt trần không ai nhìn thấy mà mách bảo được.

Sau khi tìm thấy cán thuổng, chỉ gạt vài lớp cát mỏng là phần cốt cô Khang hiện ra. Khi chôn, người ta đã đặt cô nằm nghiêng, người hơi cong, trùm lên sọ là một mảng tóc đen, rồi đến đốt xương cổ nhìn rất rõ. Nhưng khi bốc lên tóc và những đốt xương đều mủn ra. Cuối cùng tìm được 5 chiếc răng, số còn lại lẫn trong đất. GS Phương xem xét thì đúng là răng trắng, nhưng do ngâm lâu trong bùn nên ngả sang màu đen.
Sau đó, nhà ngoại cảm Bích Hằng nói với GS Phương: “ Lần này tìm mộ cô Khang, cháu thương cô quá. Lúc tìm được răng rồi, mấy người trên miệng nhắc cháu tìm móng tay, cháu bèn hỏi cô: móng tay cô ở chỗ nào chỉ cho cháu. Cô giơ hai bàn tay lên trước mặt cháu nói: Chúng nó rút hết móng tay rồi còn đâu”.
“Trong khi chờ đợi nghiên cứu thành công thì cần có những chính sách chế độ để những người có khả năng đặc biệt có thể phát huy tài năng nhiều hơn vào việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn gia đình. Tránh những lời báng bổ vội vã, tránh vơ đũa cả nắm, nhập cục tất cả vào số người buôn thần bán thánh, lợi dụng mê tín dị đoan” – Nguyên phó Thủ tướng Trần Phương nói
Nghe đến đây, ông Trần Phương bàng hoàng: “Tôi vô cùng kinh ngạc vì điều này chỉ mình tôi biết. Sau khi em tôi bị giặc sát hại, huyện ủy Phù Cừ gửi riêng tôi một báo cáo (vì trước đó tôi là phó bí thư tỉnh ủy Hưng Yên có nhiều gắn bó với huyện Phù Cừ ) trong đó kể rõ em tôi bị bắt bị tra tấn, giết hại như thế nào.
Trong cực hình mà địch sử dụng có việc dùng kìm rút hết móng tay rồi cắm kim vào đó… Với những chàng trai thời loạn thì khỏi nói, đằng này lại là một cô gái mảnh mai mới 21 tuổi đầu.Vì thế tôi đã khóc. Tôi quyết định giữ kín thông tin này không cho ai biết. Nay cháu Hằng kể lại, tôi biết chắc người dưới mộ là em gái tôi chứ không phải ai khác. Chúng tôi đưa hài cốt em tôi về nhà và hai hôm sau đưa về nghĩa trang liệt sỹ của huyện”.
Sau hành trình kỳ lạ tìm mộ em gái, giáo sư Trần Phương đã ngộ một điều gì đó về thế giới tâm linh. Ông trăn trở nhiều với những câu hỏi: “Có một thế giới linh hồn ngoài thế giới của con người đang sống không? Thế giới linh hồn đó hoạt động thế nào? Có khả năng tác động thế nào đến thế giới của con người đang sống? Hầu hết mọi người đều không có khả năng nhìn thấy nghe thấy linh hồn, chỉ có một số ít là có khả năng đó. Khả năng đó do hoạt động theo một cơ chế đặc biệt nào vậy? Một khả năng đã giúp cho nhân dân tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sỹ chẳng lẽ không dám bỏ công tìm hiểu khám phá?”.
Nguồn: Tiền Phong online (cache Google)


Phùng Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét