Trang

Quan niệm của Phật giáo về số mệnh ( Minh Chi)

Quan niệm của Phật giáo về số mệnh

 

Con người có số mệnh hay không? Có nên tin vào số mệnh hay không? Thái độ của các triết gia và của các tôn giáo lớn đối với vấn đề số mệnh như thế nào, và đặc biệt là đạo Phật, một trong những tôn giáo lớn của thế giới và là tôn giáo lớn nhất, có số tín đồ đông nhất ở nước ta hiện nay quan niệm vấn đề số mệnh như thế nào?

Nội dung
I. Các thuyết túc mệnh luận, định mệnh luận, thiên mệnh luận
II. Một số tôn giáo về vấn đề số phận hay số mệnh
III. Phật giáo dùng thuyết nghiệp thay cho thuyết số mệnh
IV. Kết luận: người là chủ nhân của nghiệp

Con người có số mệnh hay không? Có nên tin vào số mệnh hay không? Thái độ của các triết gia và của các tôn giáo lớn đối với vấn đề số mệnh như thế nào, và đặc biệt là đạo Phật, một trong những tôn giáo lớn của thế giới và là tôn giáo lớn nhất, có số tín đồ đông nhất ở nước ta hiện nay quan niệm vấn đề số mệnh như thế nào?
Đó là nội dung chủ yếu của bài nói chuyện này. Hy vọng, trong phạm vi một thời gian có hạn định, có thể giải đáp được một vài bức xúc chủ yếu của đông đảo quần chúng hiện nay. Vâng, trong cuộc sống xã hội đầy bất trắc và đặc biệt trong thời gian kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ trước đây, rất nhiều chuyện xảy ra, có thật không hư cấu, khiến người ta tin là có số mệnh. "Nhanh cũng chết, chậm cũng chết, may thì sống" đó là câu thường được nói tới trong suốt thời gian máy bay Mỹ ào ạt dội bom vào miền Bắc nước ta, khi giữa cái chết và cái sống, khoảng cách chỉ là một tích tắc đồng hồ hay là một sợi gang sợi tóc.
Trong một bối cảnh xã hội và đất nước đầy bất trắc và nước sôi lửa bỏng như vậy, số người tin vào chuyện tướng số, bói toán, cầu đảo phải rất nhiều, và ngày càng nhiều. Hiện nay, nghề xem bói, xem tướng, nhà đất cũng rất phát đạt. Giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư không ít người đi xem bói, xem tướng.
Hãy đặt câu hỏi: Có cơ sở đạo lý gì cho tất cả những chuyện này hay không?
Con người là sinh vật có lý trí, đối với những tai hoạ lớn giáng vào một đất nước, một vùng, một dân tộc hay cá nhân một con người... con người không thể tin đó là ngẫu nhiên, mà tin là có sự tác động của những nguyên nhân sâu xa, có thể là siêu nhiên mà trình độ hiểu biết hiện nay của con người không giải thích được.
Tôi có người bạn cũ là anh Vũ Thơ, nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình. Một lần, anh tâm sự: Tôi là Đảng viên Cộng sản, là Mác-xít, nhưng có chuyện xảy ra ngay trong tỉnh mà tôi phụ trách, khiến tôi nghi rằng có một cái gì đó không phải là vật chất đứng đàng sau những chuyện đó. Chuyện như sau:
"Cái xã gần quốc lộ số một, nối liền Hà Nội với tỉnh lỵ Ninh Bình, có một cô gái xưa nay vốn lười biếng, không hay đi làm. Thế mà hôm ấy, mặc dù trời mưa lớt phớt, cô ta lại ra đồng làm cỏ sớm hơn mọi người. Một chiếc ô tô con chạy nhanh trên đường quốc lộ, không hiểu sao trượt bánh, băng ngang qua đường đúng vào chỗ cô gái đang làm cỏ, nhận cô ta xuống bùn chết tươi. Tôi đích thân đến xem nơi xảy ra tai nạn. Từ chỗ cô gái làm cỏ đến vệ đường cũng phải đo được gần chục mét, chiếc ô tô phải chạy nhanh lắm mới có thể băng qua gần 10 mét được. Tại sao lại xảy ra chuyện như vậy nhỉ, một cô gái hằng ngày vốn lười không đi làm, tại sao đúng hôm nay lại đi làm trước mọi người ngay trong khi trời đang mưa lớt phớt...
Còn bao nhiêu chuyện nữa, cũng vô lý tương tự như chuyện cô gái làm cỏ, xảy ra trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm mọi người dù là duy vật Mát- xít cũng phải tin vào số phận hay số mệnh.
Cơ quan thuỷ sản của Hải Phòng trước đây là một ngôi nhà bốn tầng, tôi đã từng đến thăm trong thời gian có chiến dịch máy bay Mỹ dội bom miền Bắc. Một quả bom xuyên đã rơi trúng cơ quan thuỷ sản, vì là quả bom xuyên, nên nó xuống tận hầm mới nổ, khiến cho những người nào nhanh chân chạy xuống hầm trước đều chết. Trái lại những người còn chậm chân ở tầng ba, tầng hai thì lại không can gì, mặc dù ai cũng dều hú vía.
Tôi có một anh bạn tên Sự, nguyên là vụ trưởng vụ tài vụ của bộ công nghiệp nặng, khi bộ này chưa tách thành nhiều bộ; anh có một cái hầm bê tông ở gần nhà, có thể nói là an toàn 100% để tránh máy bay. Không may cho anh bạn tôi là hôm ấy anh có xuống hầm khi máy bay đến nhưng lại ngồi ở cửa không chịu vào sâu bên trong hầm như vợ và các con của anh. Máy bay Mỹ thả một quả bom tạ vào nhà máy điện Yên Phụ nhưng không trúng, bom nổ gây một chấn động dữ dội, anh Sự ngồi ở cửa hầm đầu đập vào thành bê tông, bị vỡ sọ chết ngay tức khắc. Anh đã chết ở nơi an toàn nhất, làm sao hiểu được?
Vì vậy mà ở miền Bắc, trong thời kỳ máy bay Mỹ ném bom dữ dội đã lưu hành câu nói ở cửa miệng nhiều người: "Nhanh cũng chết, chậm cũng chết, chỉ có may thì sống".
Cái may đó phải chăng là số mệnh hay số phận? Các triết gia, các tôn giáo cổ kim nhận thức vấn đề số mệnh và số phận như thế nào?
Nói chung, tất cả mọi thuyết dẫn tới thái độ yên phận và tiêu cực của con người đều thiếu giá trị nhân bản, dù chúng mang bất cứ nhãn hiệu nào.
Túc mệnh luận là thuyết cho rằng số phận con người là do quá khứ trước đây an bài, sắp đặt cả, mọi cố gắng hay nỗ lực đều vô ích.
Con vua rồi lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Những người ở Trung Quốc xưa hay nói câu: "Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định", nghĩa là ăn một miếng, uống một chén, không gì là không do quá khứ quyết định trước. Có thể nói đó là những người theo túc mệnh luận cực đoan.
Định mệnh luận cũng là túc mạng luận, nhưng cường điệu tính chất bất khả kháng của số mệnh. Ý nói, số mệnh là quyết đinh, mọi cố gắng con người đều vô ích.
Thiên mệnh luận có nhiều nghĩa, không phải nghĩa nào cũng sai. Nếu hiểu thiên mệnh là thiên đạo, tức là đạo trời, là luật tắc tự nhiên, áp dụng vào thế giới của nhân sinh thì không có gì sai. Phải chăng, đó là ý tứ của Khổng Tử trong Luận Ngữ: "Ngô… ngũ thập nhi tri thiên mệnh"- (Ta…năm mươi tuổi thì biết mệnh Trời). Nếu hiểu mệnh Trời là số mệnh mà ông Trời quy định cho mình thì đó là số mệnh luận, hay đúng hơn là thiên mệnh luận, và tất nhiên Phật giáo sẽ bác bỏ thuyết đó. Nhưng Tống Nho Chu Hy lại giải thiên mệnh như là "nguyên lý vận hành và biến hoá của tự nhiên" thì đây không phải là số mệnh luận. Nhưng vấn đề còn tuỳ thuộc ở phái Tống Nho hiểu luật tắc tự nhiên như thế nào.
Ở chương 16 cuốn "Đạo Đức Kinh", Lão Tử cũng nói "Phục Mệnh", nhưng trong văn cảnh của chương này, thì mệnh ở đây rõ ràng chỉ có nghĩa là đạo, chứ không phải là số mệnh.
"Phù vật vân vân, các phục kỳ căn, quy căn viết tĩnh, thị vi phục mệnh"- (muôn vật phồn thịnh, mỗi vật đều trở về cội gốc của mình, trở về cội gốc thì gọi là tĩnh, tức là trở về với mệnh).
Rõ ràng, Lão Tử dùng từ mệnh ở đây không phải với nghĩa số mệnh, mà với nghĩa đạo, tức là cội nguồn của trời đất muôn vật.
Trong Thần hệ Hy Lạp cổ đại có Thần số mệnh gọi là Fate, mà cả đến Zeus, vị Thần tối cao đứng đầu các vị Thần, cũng phải e dè, nể sợ. Như vậy, người Hy Lạp cổ đại tin rằng, tất cả các vị Thần, kể cả Zeus cũng phải phục tùng số mệnh.
Niềm tin ở số mệnh phổ biến như vậy, lan tràn như vậy, từ xưa tới nay, từ Tây sang Đông, thì phải chăng niềm tin đó có đạo lý của nó, cơ sở khoa học khách quan của nó?
Người Pháp có câu: "I’homme propose, Dieu dispose"(người kiến nghị nhưng Thượng Đế bác đi).
Đây cũng là một biểu hiệ⮠rõ nét của thuyết mà Phật giáo gọi là Thần ý luận, khẳng định mọi sự việc trong thế gian này đều do ý muốn của Thượng Đế và ý muốn đó là siêu việt, vượt trên tầm hiểu biết của con người, cho nên con người chỉ nên phục tùng, không những không được chống đối mà còn phải cảm tạ và tri ân Thượng Đế.
Thiên mệnh luận cũng là số mệnh, nhưng số mệnh được nhân cách hoá thành Thượng Đế, hay là số mệnh do một nhân cách siêu nhiên an bài, xếp đặt. Cái nguy của thuyết này là một mặt khiến cho con người ta an phận thủ thường, mất hết ý chí phấn đấu, mặt khác lại khiến cho con ngưòi trốn tránh trách nhiệm của mình, thậm chí mình giết người, đoạt của, nhưng lại tự an ủi: đó là do Thượng Đế muốn như vậy, đó là ý chí huyền nhiệm của Thượng Đế.
Phật giáo tôn trọng tất cả tôn giáo bạn, kể cả những tôn giáo công nhận có Thượng Đế tạo thế. Đó là đường lối thuỷ chung như nhất của Phật giáo từ xưa đến nay, ở nước ta cũng như ở các nước Phật giáo khác. Tính bao dung về mặt tư tưởng vốn là một đặc tính của Phật giáo mà các nhà tôn giáo học trên thế giới đều công nhận, nhưng điều này không có nghĩa là Phật giáo chấp nhận, không phản đối một số quan điểm của những tôn giáo đó về vũ trụ và nhân sinh.
II. MỘT SỐ TÔN GIÁO VỀ VẤN ĐỀ SỐ PHẬN HAY SỐ MỆNH [ trở về ]
A. TÔN GIÁO HY LẠP CỔ ĐẠI
Trong tư tưởng của Hy Lạp cổ đại, vấn đe༯ số phận (Fate) chiếm vị trí quan trọng, và được biểu trưng bằng ba nữ Thần ngồi dưới một gốc cây ở trung tâm trái đất và quyết định số phận của mỗi người. Vị nữ thần thứ nhất có tên là Clotho, làm nhiệm vụ kéo sợi đan thành số phận cho mỗi ngưòi. Vị nữ Thần thứ hai có tên là Lachesie làm nhiệm vụ phân phối số phận cho mỗi người. Vị nữ Thần thứ ba có tên là Atropos, làm nhiệm vụ cắt đứt số phận của mỗi người, tức là quyết định người nào phải chết và chết lúc nào.
Tư tưởng số phận đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật kịch Hy Lạp cổ đại. Trong các bi kịch của Sophocle, thầy bói (Oracle) làm chức năng thông tin cho con người biết số phận của mình, như là một cái gì đã được quyết định trước rồi. Đặc biệt là hoàn cảnh chết của mỗi người là do số phận đã được quyết định như nội dung vở kịch Oedipe cho thấy.
Trên đây ta đã nói về tư tưởng số phận hay số mệnh trong tư tưởng Hy Lạp cổ đại, như trong các tác phẩm của Homer cho thấy, ngang qua ba nữ Thần số mệnh nói trên đây, tuy Homer thường dùng từ số phận hay số mệnh theo số ít, nhằm biểu trưng cho một sức mạnh siêu nhiên, siêu việt lên trên ý chí con người.
B.ẤN ĐỘ GIÁO VÀ VẤN ĐỀ SỐ MỆNH
Ấn Độ giáo, như là tôn giáo thường nói tới một số thần linh như Vishnu, Siva, Kali có khả năng quyết định số phận của mỗi cá nhân tín đồ, thậm chí đôi khi ngược lại với hướng của nghiệp do cá nhân đó tạo ra.
Nhưng Ấn Độ giáo còn nói tới hai yếu tố khác, cũng quyết định đời sống của con người là nghiệp (karma) và thời. Yếu tố nghiệp cũng tương tự như khái niệm nghiệp của đạo Phật, nhưng không triệt để và nhất qúan bằng đạo Phật. Vấn đề này sẽ được bàn kỹ trong phần "Đạo Phật thay thuyết số mệnh bằng thuyết nghiệp".
Còn yếu tố ‘thời’ của Ấn Độ giáo cũng tương đương như yếu tố thời trong Dịch hoc của Trung Quốc vậy.
Nói chung, trong văn chương của Ấn Độ giáo, cả ba yếu tố Thần linh, nghiệp (karma) và thời đều được nhắc tới. Thí dụ, trong cuốn Thánh ca nổi tiếng "Bhagavad Gita" khi hoàng tử Arjuna do dự không muốn xung trận vì kẻ thù không ai khác mà chính đều là bà con, họ hàng thân thuộc cả, thì Thần Krishna đóng vai trò người lái binh xa cho Arjuna, đã hiện nguyên hình và đã diễn giải cho Arjuna là phải xung trận, vì số phận của kẻ thù là bị tiêu diệt. Nội dung của tập Thánh ca "Bhagavad Gita" cho thấy, chi phối sự diễn biến của tình hình là ý chí của thần Vishnu cộng với sức mạnh của karma.
Nói chung, phần lớn những người theo Ấn Độ giáo đều tin những sự kiện chủ yếu trong cuộc đời, như thân phận tái sanh, sức khoẻ nói chung, người vợ tương lai hay người chồng tương lai, số con và giới tính của con, thời điểm chết đều được xác định trước bởi nghiệp (karma), hình thành từ trong đời sống quá khứ.
Một số tín đồ Ấn Độ giáo tin rằng sự cố hay là tác động của một thần linh có thể đem lại cái chết đột tử cho một người nhất định, và trái lai, việc xuất gia, sống lánh ở một Thánh địa rất có thể thay đổi số phận của một con người.
Ở Nam Ấn, trong vùng cư trú của người Tamils, người ta tin rằng, số phận một con người đã được an bài sẵn, khi mới sanh và được ghi trên trán bằng những dấu hiệu đặc biệt mà chỉ có những thầy tướng giỏi mới giải mã và cho biết được.
C. DO THÁI GIÁO VÀ VẤN ĐỀ SỐ MỆNH
Người Do Thái cổ đại tin là những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc Do Thái đều do Thượng Đế an bài sẵn, mà dân tộc Do Thái phải phục tùng. Quân đội ngoại quốc xâm lăng Isarel chiếm cứ Isarel, đày biệt xứ dân Do Thái đi nơi khác, như là đế頱uốc Assiri và Babylon, và sau này đế quốc La Mã từng làm, tất cả những tai hoạ đó giáng xuống đầu dân Do Thái đều không phải ngẫu nhiên mà là do dân Do Thái đã không trung thành với liên minh mà tổ tiên họ là tiên tri Moise, đã thay mặt họ ký kết với Yahve trên núi Sinai…. Như vậy là số phận của một dân tộc Do Thái do hai yếu tố quyết định: Một là những việc làm của bản thân dân tộc đó phản bội lại liên minh với Thượng Đế. Yếu tố thứ hai là sự trừng phạt của Thượng Đế đối với dân tộc Do Thái. Đó là sự can thiệp của một lực lượng siêu nhiên, siêu việt lên ý chí của con người. Có thể nói, đây là số phận hay số mệnh của dân tộc Do Thái, đã được Thượng Đế Yahve lựa chọn để truyền bá chân lý của đạo Do Thái cho loài người.
D. ĐẠO HỒI VÀ VẤN ĐỀ SỐ PHẬN
Từ Ả Rập ‘maniyab’ là số phận hay số mệnh xuất hiện trong thơ ca Ả Rập ngay trước thời Mahomet. Con người có thể chết vì sự cố, trong chiến tranh hay vì bệnh tật, nguyên nhân sâu xa của cái chết đó là do tiền định. Nhưng sức mạnh gì quyết định sự kiện cái chết của một con người? Là Thượng Đế Allah chăng? Hay là số phận như là một sức mạnh không bị nhân cách hoá. Điều này không rõ, qua văn chương thơ ca Ả Rập, bởi lẽ không phải thi sĩ Ả Rập nào cũng tin đạo Hồi, vì đạo Hồi mãi tới thế kỷ VII sau công nguyên mới xuất hiện.
Thế nhưng trong phạm vi đạo Hồi, nhất là trong Kinh Koran, thì mọi sự kiện, thậm chí mọi hoạt động trong đời sống của một tín đồ đạo Hồi đều do Thượng Đế Allah an bài, quyết định, chứ không phải do số phận hay số mệnh. Ngày tận thế của thế giới cũng do Thượng Đế Allah quyết định, ý chí loài người không dự phần trong việc này. Tuy nhiên các nhà thần học Hồi giáo về sau co xu hướng giảm bớt tính tuyệt đối của sự can thiệp của Thượng Đế vào đời sống con người, và dành một phạm vi nhất định cho hoạt động của ý chí tự do.
Hình như các tôn giáo thần quyền, ngày càng thiên về thuyết không phải Thượng Đế an bài tất cả, quyết định tất cả, và con người dù là sản phẩm do Thượng Đế tạo ra, nhưng vẫn có một phạm vi ý chí tự do nào đó, khiến nó có thể phạm sai lầm và chịu sự trừng phạt của Thượng Đế, điển hinh là nhân vật Adam của đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa, tuy do Thượng Đế tạo ra nhưng vẫn ăn trái cấm, ngược với lời dạy của Thượng Đế … do đó mà phạm tội gốc, tức là nguyên tội.
Có thể nói, trong các thuyết của các tôn giáo lớn, chỉ có thuyết Karma (nghiệp) của Ấn Độ giáo là tương đối (chứ không phải đồng nhất) với thuyết nghiệp của Phật giáo. Tuy nhiên, cần nhớ rằng: Phật giáo nói nghiệp nhưng cũng nhấn mạnh đến tính bất định của nghiệp, nghiệp có thể chuyển được. "Người là chủ nhân đồng thời cũng là thừa tự của nghiệp (Trung Bộ III, Kinh ‘Tiểu Nghiệp Phân Biệt’).
E. DỊCH HỌC VÀ SỐ MỆNH
Hỏi: Phật giáo có phản đối các chuyện như là xem tướng số, bói toán hay không?
Xin trả lời: Chuyên môn của Phật giáo là giác ngộ và giải thoát, không phải là tướng số. Vì vậy mà trong Kinh Di Giáo ngay trước khi Phật niết-bàn, Phật từng khuyên học trò mình là tăng sĩ không nên bói toán và xem tướng số. Trong năm môn học được giảng dạy ở các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ không có môn tướng số và bói toán, tuy có dạy các môn thế học như là Thanh minh (ngôn ngữ), Công xảo minh (tiểu thủ công nghệ), Y phương minh (chữa bịnh), Nhân minh (logic học)…
Lại hỏi: Dịch học cũng là môn học bói toán, Phật giáo có phản đối dịch học hay không?
Trả lời: Không! Phật giáo không phản đối Dịch học. Vì dịch học dược xem như là bộ môn triết học của Trung Hoa, do các bậc Thánh Trung Hoa thời xưa là Phục Hy, Văn Vương, Chu Công và Khổng Tử sáng lập và hoàn chỉnh.
Nhưng dịch học, theo bản ý của các bậc Thánh đó, không phải là môn học mới có, mà là một môn triết học bàn về đạo lý thịnh suy, lành dữ, hạnh và bất hạnh của cá nhân và xã hội, đất nước và tinh thần của dịch học là "đức năng thắng số" chứ không phải là con người phục tùng số mệnh. Tôi tuy không phải là người nghiên cứu chuyên môn về dịch học nhưng cũng có nghiên cứu qua sách dịch, không phải là để xem chơi như vua Trần Nhân Tôn nói trong chương I, bài phú "Cư Trần Lạc Đạo" [1], mà vì có giảng về triết Phương Đông ở một số trường đại học và ở Học viện Phật giáo. Giảng triết Phương Đông, nhất là triết Trung Hoa mà không nói gì về dịch học thì e thiếu sót. Tuy chỉ có biết đôi chút về dịch học, nhưng với cái sơ học của mình, cũng thấy được bản ý của các bậc Thánh lập ra môn dịch học không phải là bói toán, trái lại bói toán chỉ làm dung tục hoá môn dịch học mà thôi. Học giả Trung Hoa Phó Lệ Phát trong cuốn "Quốc Học Khái Luận" (Đài Bắc xb, trg.40) viết rất đúng:
"Bản ý của Văn Vương làm Chu Dịch là để dạy người cái đạo lý trị loạn, thịnh suy, được mất. Người đời sau dùng để bói toán, thực không phải là bản ý của Văn Vương"[2]
Hơn nữa, nếu chúng ta xem kỹ một số lời giải của Văn Vương hay các lời giải các hào của Chu Công thì chúng ta se thấy các bậc Thánh này nhấn mạnh vai trò của đức, của nỗ lực đạo đức của cá nhân hơn là số. Nghĩa là dù gặp phải cảnh ngộ khó khăn, gian khổ, nhưng nếu biết giữ đức hạnh, sống chính đáng thì dữ biến thành lành, hung biến thành cát. Rõ ràng, đó là quan điểm "đức năng thắng số" tuy các bậc thánh không nói rõ như vậy.
Để minh hoạ, có thể dẫn chứng câu sau đây trong Văn Ngôn Truyện là một cuốn sách chủ yếu giải thích hai quẻ Càn và Khôn:
"Tích thiện chi gia tất hữu dư khương, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương…". Nghĩa là: nhà tích chứa nhiều điều thiện thì sẽ có thừa điều lành, nhà tích chứa nhiều điều ác thì sẽ gặp nhiều chuyện dữ…
Gia đình như vậy, cá nhân cho tới đất nước, xã hội cũng đều như vậy. Trị nước mà tàn bạo, hà hiếp, bóc lột dân quá đáng thì dân sẽ làm loạn. Cá nhân sống ác, thì gặp nhiều bất hạnh, nếu làm thiện thì sẽ gặp may mắn, đó là đạo Trời, là luật tắc tự nhiên. Dịch học tuy bàn chuyện hưng vong, thịnh suy và đắc thất nhưng cuối cùng vẫn khẳng định con người sống phải có đức, trị nước cũng phải có đức thì mọi việc mới thông suốt, hài hoà (sách Dịch dùng các từ hanh thông) chính đáng, bền vững (sách Dịch dùng các từ lợi, trinh).
III. PHẬT GIÁO DÙNG THUYẾT NGHIỆP THAY CHO THUYẾT SỐ MỆNH
A. ĐỊNH NGHĨA NGHIỆP LÀ GÌ?
[ trở về ]
Nghiệp là hành động có dụng tâm, hành động mà không có dụng tâm thì không phải là nghiệp theo đúng nghĩa của từ này. Một người lái xe không cẩn thận, cán chết người, người đó có thể mang tội ngộ sát, phải trả tiền bồi thường và ngồi tù. Nhưng thật ra, anh ta không có tạo nghiệp sát sinh, anh ta chỉ là một cái duyên, hay là một điều kiện để người bị cán chết trả một món nợ cũ, một cái nghiệp cũ, khiến anh ta bị cán chết. Lạnh lùng mà nói, tình hình đích thực là như vậy, nếu chúng ta có một nhận thức sâu sắc về thuyết nghiệp. Trong đời này, không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên hết, mọi sự việc, quá trình xảy ra đều có nhân duyên của nó. Có đủ nhân, đủ duyên và đúng thời, từ sự việc xảy ra tốt hay xấu, lành hay dữ, may mắn hay bất hạnh. Mọi sự việc xảy ra đều tương ứng với nhân duyên. Nhưng đây là nghiệp chứ không phải là số mệnh.
B. DẪN NGHIỆP VÀ MÃN NGHIỆP- HAI LOẠI NGHIỆP QUAN TRỌNG
Nghiệp có nhiều loại, nhưng Phật giáo thường chú ý hai loại chính la dẫn nghiệp và mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là nghiệp dắt dẫn chúng sanh đi vào một trong sáu cõi, trong số này có ba cõi thiện là cõi loài trời, cõi loài A-tu-la và cõi loài người. Và ba cõi ác là cõi loài người rất nhiều, mắt ta không thấy họ, nhưng không phải là không tồn tại. Dân gian không biết, gọi họ bằng đủ các thứ tên như thần, tiên, quỷ….Trong các loại chúng sanh sống ở cõi ác, co hai loại mắt người không thấy được là chúng sanh loài quỷ đói và chúng sanh loài địa ngục. Loài quỷ đói là loài chúng sanh do cấu tạo sinh lý (bụng rất to, nhưng cổ họng rất bé) cho nên luôn luôn bị đói. Chúng sanh ở địa ngục thì bị khổ triền miên, khổ ở mức loài người không tưởng tượng nổi. Còn súc sanh thì rất nhiều loại, không thể biết xuể được, nhưng chúng có đặc tính chung là hay cấu xé lẫn nhau, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Loại súc sanh quen thuộc nhất là gia súc như chó, mèo, gà, lợn, ngựa, trâu. Chúng nó sống khổ thế nào, chúng ta đều biết. Nhưng có điều nhiều người không biết là nếu không sống thiện, không tu tập và sống lối sống ngu si như súc vật thì sau khi chết, chúng ta có thể tái sanh, và làm súc vật. Rất có khả năng đó, chúng ta không thể xem thường.
Cho nên, ít nhất chúng ta phải biết cơ chế vận hành của nghiệp, đặc biệt là loại nghiệp gọi là dẫn nghiệp. Mục đích là dùng cơ chế vận hành của nghiệp để cuộc sống chúng ta có ý nghĩa, để cho chúng ta chủ động tạo ra những nghiệp có cường độ mạnh để cho đời này cũng như ở các đời sống sau, chúng ta không bị đoạ vào các cõi ác, khổ và luôn tái sanh vào các cõi lành, cõi thiện, dẫn chúng ta đến mục đích cao nhất là giác ngộ và giải thoát.
Vì dẫn nghiệp quyết định hướng tái sanh, cho nên cũng có tên gọi là tái sanh nghiệp, với tiếng Anh tương đương là reproductive kamma. Kamma là tiếng P li nghĩa là nghiệp, còn tiếng Sanskrit tương đương là karma, một từ mà sách Tây Phương rất hay dùng để chỉ nghiệp.
Tái sanh nghiệp hay dẫn nghiệp là những hành động tạo nghiệp có cường độ mạnh hoặc thiện hay bất thiện, quyết định hướng tái sanh của một chúng sanh cũng như những sự kiện chủ yếu ở đời sau của chúng sanh đó. Sau đây, tôi xin đưa vài ví dụ minh hoạ, trước hết những hành động tạo nghiệp cực ác, quyết định không tránh khỏi hướng tái sanh của một chúng sanh vào một trong ba cõi ác là địa ngục, quỷ đói, súc sanh. Đó là các hành động cố ý giết cha mẹ, bậc Thánh A-la-hán, làm chảy máu Phật và phá sự hoà hợp của Tăng chúng. Nếu phạm vào một trong năm nghiệp ác nói trên, thì nhất định phải tái sanh vào cõi sống ác, khổ. Năm trường hợp nói trên là những trường hợp cực đoan, còn nói chung sống buông thả, không giữ năm giới, không làm điều thiện thành thói quen, với tâm ác không biết sửa chữa đều có nguy cơ sanh vào một trong ba cõi ác là địa ngục, quỷ đói và súc sanh, và dù có may mắn được tái sanh làm người thì sẽ là người sống bất hạnh như chết yểu, tật nguyền, hay ốm đau bị người đời khinh rẻ….
C. CƯỜNG ĐỘ CỦA NGHIỆP QUYẾT ĐỊNH Ở CHỖ DỤNG TÂM
Yếu tố gì tạo ra cường độ mạnh của nghiệp, khiến cho nghiệp đó quyết định hướng tái sanh của chúng sanh đó. Chủ yếu là dụng tâm khi tạo nghiệp. Thí dụ tạo nghiệp sát với tâm tham, tâm sân. Gần đây trên báo đăng vụ giết người ở cửa hàng vàng Kim Sinh (Hà Nội). Kẻ cướp đã giết bốn mạng người một lúc để cướp vàng, đó là thí dụ sát sanh vì lòng tham. Trên báo hằng ngày cũng từng đăng tin một cô gái chỉ vì ghen tức đối với người con riêng (một con bé năm tuổi) của chồng mình đã nhẫn tâm quẳng con bé đó xuống sông Hồng. Sát sanh với tâm sân giận và ghen tức là loại nghiệp rất mạnh, có thể khiến kẻ phạm tội đoạ vào cõi ác không tránh khỏi.
Đối với nghiệp thiện cũng vậy, cường độ của nghiệp thiện chủ yếu do ở chỗ dụng tâm, chứ không phải do ở quy mô và hình thức của sự việc. Trong đạo Phật có câu: làm việc đạo với cái tâm đời, tức là tâm danh lợi, thì việc đạo biến thành việc đời, còn làm việc đời với tâm đạo, tức là cái tâm vì lợi ích của đạo và của chúng sanh, thì việc đời cũng biến thành việc đạo.
Quan điểm trên về nghiệp giải phóng những người nghèo hèn khỏi nỗi bức xúc của mình quá nghèo hèn, quá túng thiếu, muốn làm việc thiện, muốn giúp người nhưng không biét xoay sở thế nào.
Trong Kinh 42 Chương, có nói tới hạnh tuỳ hỷ bố thí. Đó là hạnh chia sẻ niềm vui với người khác. Nếu sự chia sẻ niềm vui đó là thật lòng, không chút gì ghanh ghét thì công đức của hạnh bố thí tuỳ hỷ đó cũng là vô lượng, cũng như một ngọn đuốc có thể giúp cho bao nhiêu nhà được thắp sáng, nấu chín cơm, sưởi ấm v.v… Mà để bố thí tuỳ hỷ có cần phải có gì đâu, mà chỉ cần có tấm lòng biết chia sẻ niềm vui của người khác mà thôi.
Đại Sư Trung Hoa Trí Khải trong bài tựa cuốn "Đồng Mông Chỉ Quán", kể trường hợp một Sa-di trẻ ở cùng chùa một vị trụ trì đã chứng quả A-la-hán. Vị trụ trì chùa xem tướng học trò biết trong vòng một tuần nữa học trò mình sẽ chết bệnh, không thể tránh khỏi, bèn lẳng lặng cho học trò mình về thăm nhà. Anh học trò lên đường về nhà thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy hất vào bờ đê, đe doạ cuốn trôi đi. Thầy Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, bèn cởi quần áo nhảy xuống sông, ra sức hàn lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, thầy Sa-di về nhà và sau một tuần trở lại chùa. Vị A-la-hán thấy học trò mình trở lại chùa an toàn, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến. Vị trụ trì kết luận là do thầy Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vong một tuàn lại vẫn sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.
Câu chuyện trên cũng tương tự chuyện một bà già ăn mày sống trong thời Phật muốn cúng dường Phật một ngọn đèn mà không đủ tiền để mua dầu. Đi ăn xin ky cóp mãi được một đồng,nhưng khi di dến cửa tiệm thì chủ tiệm lại nói một đồng không đủ để mua dầu thắp đèn. Nhưng vì chủ tiệm cảm lòng thành của bà già cho nên vẫn bán. Cuối cùng bà già cũng có được một ngọn đèn cúng dường phật, không phải đặt trong tịnh xá nơi Phật thuyết pháp mà chỉ được đặt ở ngoài vườn. Ấy thế mà sau buổi thuyết pháp của Phật, người ta đi dập tắt tất cả ngọn đèn trong nhà tịnh xá cũng như ở ngoài vườn, mọi ngọn đèn đều dập tắt dễ dàng, chỉ riêng ngọn đèn của bà ăn mày cúng Phật thì người ta thổi mãi, dập mãi mà không làm sao dập tắt được, kể cả ngài Mục-kiền-liên là học trò thần thông đệ nhất của Phật cũng bất lực. Được hỏi về sự kiện lạ lùng này, Phật nói đó là sức mạnh lớn lao của lòng chí thành cúng dường Phật cua r bà già. Với tâm thành lớn như vậy, thì dù cúng dường một ngọn đèn nhỏ cũng đem lại cho bà ấy công đức vô lượng, khiến cho chư thiên cũng cảm ứng, che cho ngọn đèn không bị dập tắt.
Trong lịch sử truyền đạo của đức Phật, cũng không hiếm chuyện minh chứng cho khả năng chuyển nghiệp của những người tuy từng phạm nhiều tội ác trong quá khứ nhưng sau khi được gặp Phật, được nghe pháp và thật thà ăn năn hối lỗi, cải tà qui chánh một lòng tin đạo và hành đạo, thì rồi ngay trong đời này cũng chứng được quả Thánh. Đó là trường hợp nổi tiếng của Angulimala, vốn là một tên tướng cướp tàn bạo của vương quốc Kosala, trường hợp của dâm nữ Ambapali ở Vaisali, cả hai đều xuất gia theo Phật, tu hành không bao lâu đều chứng quả Thánh A-la-hán.
Nói tóm một câu, dụng tâm là yếu tố quyết định tính chất và cường độ của nghiệp. Dụng tâm trong kinh tạng Pa li còn gọi là tác ý, cho nên Phật định nghĩa nghiệp là tác ý. Khi đã tác ý, theo hướng nghiệp thiện hay ác, thì tức là ta đã tạo nghiệp thiện hay ác rồi. Người bình thường không hiểu cơ chế vận hành của nghiệp cho nên rất hay xem thường, thậm chí ngay đối với lời nói, họ cũng nói một cách vô tâm: lời nói bay đi, lời nói vô bằng. Không biết rằng, ngay những ý nghĩ thoáng qua đầu chúng ta còn là nghiệp, huống hồ là lời nói. Có lẽ, vì để răn dạy người ta, đừng nên coi thường sự bất thiện nơi lời nói,蠦#273;ạo Phật phân tích có tới bốn điều bất thiện nơi lời nói: nói dối, nói ác, nói chia rẽ và nói vô nghĩa, còn sự bất thiện nơi thân thì chỉ có ba là sát sanh, lấy của không cho và tà dâm, còn sự bất thiện nơi tâm cũng chỉ có ba là tham, sân và si hay tà kiến.
D.KHÔNG ĐƯỢC COI THƯỜNG VIỆC NHỎ
Mà cũng vì vậy, Phật luôn răng dạy chúng ta không nên coi thường những nghiệp thiện hay ác dù là nhỏ, cũng như một đốm lửa nhỏ có thể đốt cháy đống rơm cao như núi, cũng như giọt nước nhỏ mãi rồi cũng làm bình lớn đầy tràn.
Kinh Pháp Cú có các bài kệ:

"Chớ chê khinh điều thiện,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt, 
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần".
(Bài kệ 122, bản dịch từ Pa li: HT.Thích Minh Châu, tr.74)
Lại viết:

"Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác,
Do chất chứa dần dần."
(Bài kệ 121, bản dịch từ Pa li: Thích Minh Châu, tr. 73)
Đ. LỢI ÍCH CỦA VIỆC TU TẬP TÂM
Tuy nhiên, cần chú ý là theo đạo Phật, dù là nghiệp nơi ý, nơi lời nói hay nơi thân, căn bản vẫn là ở chỗ dụng tâm, ở chỗ chúng ta tu tập tâm hằng ngày, khiến cho tâm ta trở thành thuần thiện, không bao giờ nghĩ ác, chỉ nghĩ toàn điều lành. Một người biết tu tập tâm như vậy, tuy rằng chưa đạt tới đích giác ngộ và giải thoát như các bậc Thánh, Phật, hay A-la-hán, nhưng có thể nói là đã trên con đường thẳng, dẫn tới đích giác ngộ và giải thoát tối hậu rồi. Hơn nữa, trên bước đường dài dẫn tới mục đích tối hậu đó, con người thiện nhất định sẽ không bị đoạ vào cõi ác.
Kinh Pháp Cú ví người như thế như bàn tay không thương tích mà cầm thuốc độc vậy, không can gì hết.
Kinh Pháp Cú cũng nói người ác làm hại người hiền cũng như kẻ ngu ngược gió mà tung bụi, bụi chỉ rơi vào mình mà không dính người:

"Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc…."
(Kệ 124, Kinh đã dẫn, tr.75)

"Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi…."
(Kệ 125, Kinh đã dẫn, tr.75)
Nói tóm một câu, quyết định tính chất và cường độ của nghiệp là cái tâm của mình, là ở trong lòng mình.

"Thiện căn ở tại lòng ta"
Tu Phật, trước hết và chủ yếu là tu tâm.
Vì không phải chỉ vì "chữ tâm kia bằng ba chữ tài", như thi sĩ Nguyễn Du nhắn nhủ chúng ta, mà vì đức Phật cũng đã từng khuyến cáo chúng ta:

"Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân."
(Kệ 42, Kinh Pháp Cú)
"Điều mẹ cha, bà con,
Không thể nào làm được,
Tâm hướng chánh làm được,
Làm được tốt đẹp hơn."
(Kệ 43, Kinh Pháp Cú)
E. VẤN ĐỀ CÔώG NGHIỆP
Nghiệp là sức mạnh lớn, khi nó là cộng nghiệp của một số đông người vì không phải một mà là một số đông người tạo ra nó, và số đông ấy có thể là cả loài người, cả một quốc gia, dân tộc hay một vùng, một địa phương.
Cộng nghiệp của cả một dân tộc đan xen với biệt nghiệp của từng cá nhân khiến cho cơ chế vận hành của nghiệp khá phức tạp, mà chỉ có bậc Thánh như Phật mới hiểu được tất cả ngọn nghành chi tiết.
Trong kinh chép lời Phật: "Với thiên nhãn thuần tịnh, vượt xa tầm nhìn loài người, Ta thấy chúng sanh chết và tái sanh như thế nào, Ta thấy những người cao quý và kẻ nghèo hèn, kẻ xuất sắc và kẻ bần tiện, mỗi người dều theo nghiệp của mình tạo ra mà có được thân phận hạnh phúc hay bất hạnh".
(Chuyển dịch từ bản tiếng Anh: "The Tibetan Book of Living and Dying", Sogyal Rinpoche, tr.92)
Chúng ta không có được thiên nhãn thanh tịnh để có thể được như Phật nắm bắt được tất cả cơ chế vận hành phức tạp của nghiệp, nhưng tối thiểu, chúng ta cũng biết được đại khái, nhưng rất là đúng đắn: "Ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão".
Đó là sự minh triết của nhân dân Việt Nam, mà tổ tiên, cha ông đã tin theo đạo Phật gần hai mươi thế kỷ nay rồi, khiến cho một thuyết quan trọng và phức tạp như thuyết nghiệp ảnh hưởng đến tâm lý của dân ta đến nỗi, mỗi lần có sự cố bất hạnh xảy ra cho một người, một gia đình hay thậm chí cả một vùng, chúng ta buột mồm nói: "Tội nghiệp". Đó là tội của nghiệp, nghiệp báo của từng người và là nghiệp báo chung, gọi là cộng nghiệp của số đông.
Nghiệp chính là quy luật nhân quả tác động trong phạm vi của nhân sinh. Đạo Phật nói quả nào nhân ấy. Một khi quả chín mùi và xảy ra, thì chúng ta biết đó không phải là ngẫu nhiên mà là kết quả hợp thành của những nhân duyên đã từng được tạo ra và nay chín mùi.
Nhưng đạo Phật không nói một cách máy móc: nhân nào quả ấy.
Vì sao? Vì hằng ngày chúng ta không ngừng tạo nghiệp bằng ý nghĩ, lời và thân hành động. Nghiệp này tiếp nối nghiệp kia, nghiệp sau tác động trở lại nghiệp trước v.v…
Chính vì vậy mà đạo Phật không nói số mệnh hay số phận, mà nói bất định nghiệp và chuyển nghiệp. Đó là ranh giới phân biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, kể cả với Ấn Độ giáo khá gần gũi với Phật giáo, vì Ấn Độ giáo cũng nói nghiệp (Karma).
Dẫn nghiệp hay còn gọi là năng sanh nghiệp chỉ là những loại nghiệp có cường độ mạnh, quyết định hướng tái sanh của một chúng sanh. Thí dụ tất cả chúng ta ở đây đều là người, chúng ta biết chắc là trong đời trước chúng ta đã tạo ra dẫn nghiệp (hay tái sanh nghiệp) khiến chúng ta có được thân phận người, nhưng giữa chúng ta ở đây thôi, trong phạm vi cái phòng này đã có bao nhiêu sai biệt như già và trẻ, khoẻ và yếu, nam và nữ, đẹp và xấu, và mỗi người chúng ta đều là thành viên của mỗi gia đình khác nhau, với những cảnh ngộ khác nhau. Do vậy, ngoài dẫn nghiệp quyết định thân phận là người của chúng ta, chúng ta còn tạo ra một loại nghiệp nữa, có cường độ yếu hơn dẫn nghiệp mà sách Phật gọi là mãn nghiệp (sách tiếng Anh dịch là supportive karma), cũng có sách khác dịch là năng trì nghiệp.
F. KHÁI NIỆM MÃN NGHIỆP
Mãn nghiệp hay năng trì nghiệp giải thích vì sao cũng là một thân phận người mà có người hạnh phúc, người bất hạnh, người sang kẻ nghèo hèn, người thì có uy tín nói ai cũng theo, trái lại có người nói rất giỏi nhưng không ai tin, người đẹp, kẻ xấu xí, có cô gái đẹp lại lấy phải ông chồng xấu xí, lại có anh chồng xấu xí lại được người vợ đẹp sánh Hằng Nga tái thế .v.v…Sao lại có những chuyện như vậy? Tất cả những chuyện sai biệt như vậy đều là quả báo của mãn nghiệp hay là năng trì nghiệp.
Một câu hỏi: Loại mãn nghiệp này là bất khả kháng hay là có thể chuyển được? Xin trả lời: Thuyết nghiệp của Phật giáo là bất định nghiệp, là nghiệp có thể chuyển. Đã có bao nhiêu người sinh ra với sức khoẻ rất yếu nhưng nhờ dày công luyện tập mà trở thành lực sĩ. Bác sĩ Nguyễn Khắc Việt chỉ có 1/3 lá phổi mà sống đến tuổi hơn 80. Triết ra Đức rất nổi tiếng là Kant, vốn lúc bé rất ốm yếu nhưng nhờ sinh hoạt, làm việc rất đều đặn và có giờ giấc mà sống rất thọ…
Có thể giới phụ nữ thấy rõ khả năng chuyển nghiệp hơn nam giới chúng ta nữa. Vì nhờ ăn uống có chế độ và luyện tập siêng năng, người phụ nữ béo phì có thể trở thành mảnh mai, người phụ nữ gầy có thể trở thành có da có thịt, rồi lại thêm phấn son vào nữa.v.v…thì xấu cũng thành đẹp, hấp dẫn.
G. KHÁI NIỆM NĂNG TIÊU NGHIỆP.
Vì vậy mà Phật giáo đưa ra khái niệm gọi là năng tiêu nghiệp mà sách Anh ngữ có khi dịch là counteractive karma hay là impeding karma. Loại nghiệp này tuỳ thuộc vào tình hình mà có thể là tốt hay xấu.
Có thể đưa ra những ví dụ sau đây để minh hoạ: Một người sinh ra có tư chất thông minh, nói theo danh từ khoa học hiện nay là có gen thông minh, nhưng người đó lai sinh ra trong một gia đình giàu có, được cha mẹ nuông chiù, cho nên không chịu học hành, chỉ suốt ngày chơi bời khiến cho tính chất thông minh bẩm sinh của mình bị thui chột đi và cuối cùng anh ta trở thành một gã bất tài, vô dụng ở đời. Những loại nghiệp anh ta đã tạo ra đều thuộc loại năng tiêu nghiệp xấu và tiêu cực, huỷ hoại bẩm tính thông minh của anh. Bẩm tính thông minh đó cũng không phải ngẫu nhiên mà chính do anh ta nuôi dưỡng, huân đúc trong một đời trước.
Còn những ví dụ minh chứng các loại năng tiêu nghiệp tích cực thì rất nhiều. Chỉ cần dẫn chứng trường hợp của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hay bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng là đủ, vì ai cũng biết đều là chuyện việc thật, người thật.
H. DẪN NGHIỆP CÓ THỂ CHUYỂN ĐƯỢC KHÔNG?
- NĂNG HUỶ NGHIỆP.
Nhưng có người lại hỏi: Ừ, mãn nghiệp có cường độ yếu nên có thể chuyển được, chúng tôi đồng ý, nhưng dẫn nghiệp có thể chuyển được không?
Trả lời: Dẫn nghiệp cũng có thể chuyển trong những trường hợp sau: Đúng là sau khi đã sanh ra làm người, có thân phận người, thì không thể chuyển được thân phận người thành một thân phận không phải người. Thí dụ như các đạo gia mơ tưởng uống thuốc trường sanh bất lão và bất tử, trở thành thần, thành tiên ngay trong cõi thế này.
Tôi nghĩ rằng bàn những chuyện như thế này là vô ích, vì nếu có một người như Từ Thức chăng thì chỉ cũng là một người nên miễn bàn là hơn.
Nhưng đạo Phật có khái niệm "năng huỷ nghiệp" để giải thích những trường hợp tuy có người thọ mạng vẫn còn nghiệp lực của tái sanh vẫn còn, nhưng vì những người này trong một đời sống trước hay thậm chí trong đời sống này có tạo ra những nghiệp cực mạnh, có khả năng tiêu huỷ thân phận người của họ, thì họ vẫn có thể mất thân phận người như thường. Đó là những trường hợp chết đột tử hay bất đắc kỳ tử, như là trong các trường hợp chết vì thiên tai, chết vì tai nạn máy bay hay xe cộ. Người bình thường gọi đó là những trường hợp ngẫu nhiên bất hạnh, hay là số mệnh. Nhưng theo đạo Phật, đó là nghiệp, là tác động của một loại nghiệp gọi là năng huỷ nghiệp, nó tiêu huỷ thân phận người ngay khi người đó đang sống bình thường. Người đó trong một đời sống quá khứ hay thậm chí ngay cả trong đời này, đã tạo ra một loại nghiệp có cường độ mạnh đủ sức tiêu huỷ một dẫn nghiệp được tạo ra trước đó, quyết định thân phận người. Sách phật thường ví dụ tác động của loại nghiệp này như một cơn gió thổi tắt một ngọn đèn, tuy rằng ngọn đèn đó có thừa dầu và bấc.
IV. KẾT LUẬN: NGƯỜI LÀ CHỦ NHÂN CỦA NGHIỆP
[ trở về ]
Nói tóm lại một câu, có thể dẫn chứng lời Phật trong Kinh "Tiểu Nghiệp Phân Biệt" (Trung Bộ III): "Người là chủ nhân của nghiệp, cũng là thừa tự của nghiệp…" Nghiệp do chính mình tạo ra và nghiệp trở lại chi phối mình. Cũng như Nguyễn Du nói rất đúng trong Kiều

"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".
Chính chúng ta không phải một thần linh nào hết quyết định đời sống chúng ta, và chúng ta quyết định nó bằng hoạt động hàng ngày, hàng giờ, phút trong cuộc sống. Nếu tâm chúng ta hướng thiện thì chúng ta tạo nghiệp thiện, hưởng quả báo thiện trong đời này và đời sau. Quy luật nghiệp báo là quy luật nhân quả, giản dị, không có gì khó hiểu, không cần phải mượn tới sức mạnh của thần linh hay sức mạnh mù quáng của số phận để giải thích. Thuyết nghiệp của đạo Phật không những là khoa học và công bằng, nó còn tôn vinh trách nhiệm và giá trị con ngươ詮 Nó thúc đẩy con người luôn hoàn thiện mình, sống đạo đức, có lý trí và theo lẽ phải. Nó nâng cao giá trị con người chứ không hạ thấp giá trị con người. Nó khích lệ con người hành động và tiến bộ. Nó không dạy con người sống tiêu cực và yếm thế. Thuyết nghiệp của đạo Phật, nếu được lý giải đúng đắn và mọi người hiểu thấu và thực hành sẽ đem lại bao nhiêu điều tốt đẹp cho xã hội và đất nước chúng ta trong thiên niên kỷ mới sắp đến này. Quá khứ đã qua rồi, tương lai lại chưa đến, mọi người chúng ta hãy tỉnh giác và có ý thức sống trong hiện tại từng giờ, từng phút nghĩ lành, nói lành, làm lành. Đó chính là nghiệp, là thuyết nghiệp không phải trên bình diện lý thuyết mà là trong cuộc sống, trong thực hành.
Triết gia Mỹ William James, chắc là có chịu ảnh hưởng của thuyết nghiệp của đạo Phật đã nói câu:
"Chúng ta đang dệt đời bằng một sợi chỉ không tháo gỡ ra được" (Nous tissions notre vie d’un qui ne se défera pas).
Câu nói của Nguyễn Du và của William James sẽ hoàn toàn đúng với tinh thần thuyết nghiệp của đạo Phật, nếu thêm vào cái đuôi như sau:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"
Thêm cái đuôi: Tuy nghiệp đã mang vào thân rồi, nhưng vẫn gỡ ra được, nếu chúng ta biết ăn năn sửa chữa lỗi lầm, từ nay tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, giữ tâm ý luôn trong sạch, hướng thiện. Với câu của William James, chúng ta cũng thêm, chúng ta dệt đời chúng ta với sợi chỉ không phải không tháo gỡ được mà vẫn có thể tháo gỡ và dệt lại được, nếu…(như đoạn trên thêm vào câu của Nguyễn Du).
Và theo lời khuyên của hai vị, chúng ta hãy mang trên thân mình toàn là nghiệp lành, hãy dệt đời chúng ta toàn bằng nghiệp lành, nghiệp thiện trong mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm hằng ngày. Và nhất định, hạnh phúc sẽ đến với chúng tả trong cả đời này và đời sau.
Giáo sư Minh Chi
Học viện Phật giáo Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh

CHÚ THÍCH
Trần Nhân Tông viết "Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng, yêu hơn châu báu kinh Nhàn đọc dấu, trọng lòng rỗi, trọng nhữ hoàng kim". Trần Nhân Tông nói là xem chơi, nghĩa là Ngài không lấy sách Dịch làm chuẩn.
Văn Vương tác Chu Dịch đích bản chỉ nãi giáo nhân dĩ trị loạn, thịnh suy, đắc thất chi lý; hậu thế dụng dĩ chiêm phệ, thực phi Văn Vương bản ý.

(Bài nói chuyện tại Câu lạc bộ Lao động, sáng ngày 5 tháng12 năm 1999)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét