Trang

Tái Sanh - Ledi Sayadaw - Dịch giả Pháp Thông

Tính chất của tái sinh, kiết sinh (Patisandhi) Bốn loại kiết sinh
Ba điều kiện cần thiết cho kiết sinh
Một vài trường hợp kỳ lạ
Kalala - chất lỏng trong suốt
Sự hỗ trợ của tinh dịch và noãn châu
Bốn loại người
Tám loại thánh nhân
Nghiệp là cha mẹ đích thực của chúng ta
Kết luận
Tính chất của tái sinh, kiết sinh - Paṭisandhi
Sau khi cái chết xảy ra theo trình tự đã đề cập ở chương trước, tâm (citta), tâm sở (cetasikas) và sắc pháp (rūpa) sinh khởi lần đầu tiên trong một kiếp sống phù hợp với nghiệp. Các tâm, tâm sở và sắc pháp sinh lần đầu tiên này được gọi là kiết sinh (paṭisandhi) hay tục sinh, theo nghĩa sự kiện nối liền vào lúc chấm dứt kiếp sống cũ.
Bốn loại kiết sinh (Paṭisandhi)

Vì lẽ các tâm, tâm sở, và sắc pháp sinh vào sát na kiết sinh này là kết quả của nghiệp (kamma), cho nên tương ứng với các loại nghiệp khác nhau, có bốn loại kiết sinh khác nhau là: Opapātika paṭisandhi - hoá sinh kiết sinh; saṃsedaja-paṭisandhi - thấp sinh kiết sinh; Aṇḍaja-paṭisandhi - noãn sinh kiết sinh; jalabūja-paṭisandhi - thai sinh kiết sinh.
1
. Opapātika-paṭisandhi (Hoá sinh kiết sinh - sự tái sinh như một chúng sinh đã hoàn chỉnh):
Các vị Chư Thiên (devas), Phạm Thiên (brahmas), các tội nhân ở địa ngục, ngạ quỷ (petas) và atula (asurakāyas) sẽ tái sinh như những chúng sinh đã trưởng thành chứ không phải trải qua các giai đoạn thai nhi và trẻ thơ (như con người). Nói chung họ không phải từ thai bào của người mẹ sinh ra. Ngay khi kiết sinh (paṭisandhi) - tâm, tâm sở, và sắc pháp khởi lên, họ liền xuất hiện ngay tại chỗ ở của họ, đó có thể là các thiên cung, rừng núi, sông suối hay bờ biển, với sự phát triển đầy đủ theo kích cỡ bình thường của họ. Những con người đầu tiên cũng sinh theo cách này khi kiếp của quả đất được tạo lập. Họ bất ngờ mang hình tướng con người mà không cần phải có sự thụ thai trong lòng mẹ. Đây gọi là hoá sinh kiết sinh (opapātika-paṭisandhi).
2
. Saṃesedaja-paṭisandhi (thấp sinh kiết sinh)
Một số hữu tình tái sinh trong những nơi ở đây bào thai có thể dính vào được. Những chúng sinh sinh theo loại kiết sinh này phải phát triển dần từ cỡ rất nhỏ. Ấu trùng nở và trưởng thành trong những vật chất hữu cơ hư mục. Hoàng hậu Padumavati được thụ thai trong bông hoa sen, hoàng hậu Veluvati thì trong hốc của một cây tre. Nàng Ciñcamāṇvikā, người đã vu khống đức Phật, sinh trong một cây me. Hầu hết các loài sâu bọ, côn trùng thuộc về loại kiết sinh này, song những ngoại lệ về con người cũng không phải là ít.
3
. Aṇḍaja-paṭisandhi (noãn sinh hay sinh bằng trứng)
Những chúng sinh như chim muông, gà vịt, v.v… thụ thai trong trứng là những chúng sinh có loại kiết sinh này. Trong Jātaka (chuyện tiền thân) và trong biên niên sử chúng ta đọc thấy có một số người nam lấy các loài rồng (nāga) cái sinh ra các con cháu là người bằng phương tiện Aṇdaja-paṭisandhi hay noãn sinh này.
4.
Jalabūja-paṭisandhi (thai sinh)
Loại paṭisandhi này bao gồm con người và các động vật có vú khác. Những chúng sinh này được sinh ra từ thai bào của người mẹ. Cũng có một số chư thiên (devas) trong số những chư thiên hạng thấp như bhumma-devas (chư thiên ở trên địa cầu hay địa tiên) và rukkha-devas (chư thiên ở trên cội cây) mang hình thức thai sinh này. [cả hai loại kiết sanh: Aṇḍaja (noãn) và jalabūja (thai) được gọi chung là Gabbhaseyyaka - thai sanh [gabbha: trong bào thai người mẹ + seyyaka: người nằm (trong đó)].
Ba điều kiện cần thiết cho kiết sinh (paṭisandhi)

Những chúng sinh thuộc saṇsedaja - thấp sinh và opapātika - hoá sinh hoàn toàn không có cha mẹ. Họ chỉ do năng lực của nghiệp riêng của họ sinh ra. Đối với các chúng sinh thuộc loại gabbhaseyyaka hay thai sinh, chỉ sinh ra sau khi đã thụ thai trong thai bào người mẹ. Ở đây, vấn đề có thể phát sinh, “sự thụ thai xảy ra như thế nào?”
Ba điều kiện cần thiết cho sự thụ thai là: (1) người mẹ tương lai phải vừa mới có kinh nguyệt, (2) phải có sự giao hợp, và (3) đứa trẻ tương lai phải đã chết trong kiếp trước của nó. Sự mang thai thường thường xảy ra trong vòng bảy hay mười lăm ngày sau khi giao hợp giữa cha mẹ.
Một vài trường hợp kỳ lạ

Mặc dù không có sự giao hợp giữa cha mẹ, song trong một vài trường hợp kỳ lạ vẫn có thể có sự mang thai. Đức Bồ tát Suvaṇṇasāṃa mang kiết sinh (paṭisandhi) trong bào thai người mẹ khi cha ngài dùng tay vuốt vào rốn bà ngay sau thời kỳ kinh nguyệt. Mẹ của Đức Vua Caṇdapajjota cảm thấy vui thích (nhục dục)và mang thai khi một con rết bò ngang bụng bà ngay sau thời kỳ kinh nguyệt. Loài cò hay vạc cảm thấy vui thú khi những ngọn gió nồm thổi về vào đầu mùa mưa, và mang thai từ đó. Vào thời Đức Phật, một vị Tỳ Khưu ni mang thai khi nuốt tinh dịch vấy trên lá y của vị sư là chồng cũ của bà. Sau khi uống nước tiểu có chứa tinh dịch của một đạo sĩ, một con nai cái đã mang thai và sinh ra một đứa con trai tên Isisinga. Đấy là những trường hợp mang thai kỳ lạ khác thường.
Kalala - chất lỏng trong suốt

Cùng với tâm và tâm sở kiết sinh, những sắc chất nhỏ li ti cũng phát sinh. Những sắc chất này gọi là “Kalala” hay chất lỏng trong suốt - (theo từ điển Pāḷi - Hán thì đó là noãn hoàng). Chất lỏng trong suốt này mang hình thức của một giọt nhỏ cỡ giọt dầu ăn tí xíu dính trên đầu sợi tóc của cô gái xứ Bắc Culôchâu (có lẽ muốn nói là rất nhỏ). Giọt Kalala (ngay ở giai đoạn đầu của sự hình thành thai bào) này do nghiệp lực quá khứ tạo. Nó không phải là tinh dịch mà cũng chẳng phải là noãn châu của cha mẹ, những yếu tố đó vốn chỉ là tác nhân hỗ trợ cho Kalala hay chất lỏng trong suốt do nghiệp sinh này mà thôi.
Sự hỗ trợ của tinh dịch và noãn châu

Một giọt Kalala do nghiệp quá khứ của đứa bé tạo, nhưng tự nó không thể làm cho sự thụ thai xảy ra mà phải có sự hỗ trợ chính yếu của tinh dịch và noãn châu của cha mẹ. Giọt kalala cũng như hạt giống: tinh dịch và noãn châu tựa như đất ẩm; nghiệp quá khứ là người nông dân. Bởi thế một buồng trứng (noãn châu) và tinh dịch khoẻ mạnh rất là cần yếu. Nếu không thì bào thai chẳng thể phát triển thành một thai nhi lành mạnh được.
Các loài bò sát, đặc biệt là kỳ đà, sống trong các hang bằng đất đỏ sẽ có màu đỏ và những con sống trong hang bằng đất đen sẽ có màu đen. Cũng theo cách ấy, thai nhi thừa hưởng những đặc tính di truyền của cha mẹ truyền qua tinh dịch và noãn châu để được phát triển đầy đủ; vì vậy mới có sự giống nhau giữa con cái và cha mẹ. Ngay cả những trạng thái tâm lý, nhân cách, kể cả trí thông minh cũng có thể được cha mẹ chuyển sang đứa bé.
Sự tương tự hay giống nhau này là do tính di truyền (truyền di những sắc chất do thời tiết (utu) sanh và do tâm tạo điều kiện) trong suốt giai đoạn mang thai. Một lý do khác nữa là đứa trẻ, được nuôi nấng trong môi trường gia đình, cố gắng bắt chước cách cư xử, thái độ tâm lý và phong cách của cha mẹ. Vì thế những đứa trẻ tốt, có lễ phép thường do những gia đình có đạo đức sinh ra, trong khi những đứa trẻ hư đốn xuất thân từ những gia đình truỵ lạc và đồi bại. Do đó, cả cha lẫn mẹ cần phải thuộc về dòng giõi đạo đức để cho đứa trẻ trở thành một con người xứng đáng. Giọt kalala (chất lỏng trong suốt) vốn được cấy trong tinh dịch và noãn châu hoàn toàn lành mạnh sẽ cho ra đứa con tốt nhất.
Bốn Loại Người

1. Người khổ vô nhân (Duggati Ahetuka Puggala)

Có số người mang kiết sinh (paṭisandhi) trong những cõi bất hạnh, buồn khổ gọi là apāya (ác thú). Những người như vậy gọi là Duggati Ahetuka Puggala - người khổ vô nhân (tức người ở trong những cõi khổ không có các nhân vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) kèm theo tâm tái sinh của họ). Người vô nhân này cũng có thể thấy trong cõi nhân loại và những cõi Chư Thiên thấp kém nữa, họ được gọi là người lạc vô nhân (sugati ahetuka puggala: người sống trong các cõi lành nhưng không có các nhân vô tham, vô sân và vô si đi kèm theo tâm tái sinh của họ).
2.a) Người lạc vô nhân (suggati Ahetuka)

Trong đời này có số người sinh ra với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka - paṭisandhi-citta: tâm tục sinh của những người trong cõi vui không kèm theo các nhân vô tham, vô sân, và vô si). Những người này có thiện nghiệp rất yếu, do đó phải bị đui mù, câm điếc hoặc khờ khạo bẩm sinh. Có số không có giới tính bẩm sinh; và có số là người bán nam bán nữ.
2.b) Chư Thiên lạc vô nhân

Do thiện nghiệp yếu, có số dù tái sinh là Chư Thiên nhưng với tâm tục sinh lạc vô nhân (sugati ahetuka - paṭisandhi citta) nên không có quyền lực và cũng không có chỗ ở xứng đáng. Họ phải tìm đến nương náu gần thiên cung của những vị Chư Thiên cao hơn như bhumma-devas (Chư Thiên ở trên địa cầu) hoặc rukkha-deva (Chư Thiên ở trên cây), họ không bao giờ được ăn uống tử tế và hầu như phải sống nhờ vào những đồ ăn thừa mà người ta đem quăng bỏ. Đôi khi họ hù doạ phụ nữ và trẻ con để “moi” thực phẩm từ họ và sống nhờ vào vật thực do những người này cúng để làm cho họ nguôi giận (một kiểu hối lộ). Những chư thiên bất hạnh này sống rất khốn khổ dù họ thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương (catumahārajaka). Cũng như có những người thông minh trong số những người nghèo khổ, ở đây cũng thế, trong số những vị Chư Thiên bất hạnh có thể có những vị không phải vô nhân (ahetuka) mà là người nhị nhân (dvihetuka) hoặc tam nhân (tihetuka) như sẽ được giải thích dưới đây. Một số vị Chư Thiên bất hạnh được biết đã thành tựu Đạo (Magga) và Quả (Phala) trong thời kỳ Đức Phật của chúng ta.
3. Người nhị nhân (Dvihetuka)

Trong phần nói về bố thí (dāna) chúng tôi đã giải thích chi tiết về thiện nhị nhân cao thượng hay thù thắng (dvihetuka-ukkattha-kusala) và thiện tam nhân hạ liệt (tihetuka-omaka-kusala) rồi. Có số người được tái sinh làm người hoặc Chư Thiên nhờ thiện nghiệp của họ. Song vì họ đã làm những việc thiện này không có vô si (amoha) đi kèm, hoặc cho dù có vô si (amoha) thì việc thiện ấy cũng được làm với cetanā hay thiện ý yếu ớt, hoặc thậm chí cetanā có sắc bén chăng nữa, vẫn có chút hối tiếc đối với thiện sự đó, nên họ chỉ có hai nhân vô tham và vô sân trong tâm tục sinh (paṭisandhi citta) của họ. Chính vì thế họ trở thành người nhị nhân.
Hai loại người vô nhân (ahetuka puggalas) đã nói ở trên và người nhị nhân (dvihetuka puggala) này có paṭisandhi (kiết sinh) rất yếu ớt vì thế họ không có cơ hội để đắc thiền (jhāna), hay Đạo Quả (magga - phala) trong kiếp hiện tại. Song nếu họ hành thiền, việc thực hành đó sẽ là một nhân tốt giúp họ trở thành người tam nhân (tihetuka) trong tương lai; và họ sẽ đạt đến thiền hoặc Đạo Quả dễ dàng vì đã có kinh nghiệm về thiền trong quá khứ. Bởi thế, cho dù không thể đắc thiền hay Đạo Quả trong kiếp hiện tại, những người này cũng nên lo cố gắng hành thiền trong đời này đi.
4. Người tam nhân (Tihetuka)

Do tâm thiện tam nhân cao thượng (tihetuka-ukakattha kusala citta), người ta có thể tái sinh vào cõi nhân loại hoặc vào cõi Chư thiên, như một người tam nhân - tức người thông minh và có trí tuệ có thể thành tựu thiền nếu cố gắng thực hành. Họ cũng có thể đắc các Đạo và Quả nếu họ đã hoàn tất các pháp balamật (pārami). Ngày nay chúng ta có thể thấy đa số là người tam nhân. Chỉ có lười biếng và thiếu giới luật mới ngăn không cho họ trở thành các bậc thánh mà thôi. Như vậy, do khác nhau về tâm tục sinh (paṭisandhi citta), nên mới có bốn loại người: khổ vô nhân, lạc vô nhân, nhị nhân, và tam nhân như vừa kể.
Tám loại Thánh nhân

Hạng người tam nhân, do hành thiền và nếu như đắc Tuđà hoàn-đạo (sotāpatthi-magga) sẽ trở thành người sơ đạo hay người Tuđàhoàn-đạo. Cũng vậy, nếu như đắc Tuđà hoàn-quả (sotāpatthi-phala) họ trở thành người sơ quả hay người Tuđàhoàn-quả. Khi họ thành tựu cao hơn, họ lần lượt trở thành:
- Người nhị đạo hay người Tuđàhàm-đạo (sakadāgāmī-magga)
- Người nhị quả hay người Tuđàhàm-quả (sakadāgāmī-phala)
- Người tam đạo hay người Anahàm-đạo (Anāgāmī-magga)
- Người tam quả hay người Anahàm-quả (Anāgāmī-phala)
- Người tứ đạo hay người Alahán-đạo (Arahatta-magga)
- Người tứ quả hay người Alahán-quả (Arahatta-phala)
Loại người thứ tám được gọi là bậc Alahán. Các vị Độc giác Phật (Paccekabuddhas) và Toàn giác Phật (Buddhas) cũng là các bậc Alahán song với trí tuệ thù thắng hơn.
Nghiệp là cha mẹ đích thực của chúng ta

Nghiệp riêng của mỗi người sẽ quyết định tâm tục sinh (paṭisandhi-citta) của họ và như vậy cũng quyết định luôn số phận của họ. Nghiệp quyết định kiếp kế tiếp của chúng ta không chỉ khác nhau ở kiết sinh ban đầu, mà còn cả ở ngoại hình, thân phận của cha mẹ, tình trạng giàu sang, v.v… Chúng ta hãy so sánh hai người, một đã hết sức cố gắng làm điều thiện với trí thông minh của mình trong khi ngưòi kia thì không, hoặc nếu có làm thì cũng làm rất miễn cưỡng. Khi cả hai chết và được tái sinh trong cõi nhân loại này, người trước sẽ thụ thai trong bào thai của người mẹ giàu có, biết chăm sóc thai nhi đúng cách. Người sau sẽ thụ thai trong thai bào của người mẹ nghèo hèn, không biết cách làm thế nào để chăm sóc thai nhi. Vì thế ngay cả vào lúc người mẹ mang thai, đã có sự khác biệt rất lớn giữa hai đứa trẻ. Vào lúc sinh ra cũng vậy, đứa trẻ đầu sẽ được sinh ra một cách thoải mái, trong khi đứa kia với nhiều đau đớn và gian nan. Sau khi sinh, sự khác biệt càng ngày càng rõ rệt hơn và theo thời gian, sự chênh lệch còn lớn hơn nữa. Đứa trẻ nhà giàu được nuôi dưỡng kỹ lưỡng và được ăn học đến nơi đến chốn. Trong khi đứa trẻ nhà nghèo sẽ phải chịu cảnh ngược lại. Nói chung, đứa trẻ đầu sẽ sống một cuộc sống phong lưu, được cha mẹ, ông bà, và họ hàng thân tộc chăm sóc và yêu mến, trong khi đứa kia sẽ phải nhọc nhằn phấn đấu để sống còn.
Kết luận

Như vừa đề cập ở trên, nghiệp (kamma) mà ta đã làm trong quá khứ có ảnh hưởng rất lớn đối với số phận của chúng ta ngay từ giai đoạn đầu của sự thụ thai. Biết được những quả khác nhau của nghiệp là như vậy, chúng ta không nên trách cứ người khác sao chỉ thiên vị người giàu sang và có thế lực. Thực ra, chính vận may thiên vị người giàu đấy thôi. Vì thế, bạn chỉ nên tự trách sự vô minh và những ác nghiệp của bạn, đồng thời hãy cố gắng hết sức mình để trở thành người thành đạt và giới đức qua việc thực hiện các thiện sự.
Chỉ biết ganh tỵ hay đố kỵ người giàu mà không tự mình nỗ lực thì thực là ngớ ngẩn vô ích. Ganh tỵ và đố kỵ sẽ chỉ kéo bạn vào vực sâu của khổ đau để gặp bất hạnh nhiều hơn nữa trong các kiếp sống tương lai mà thôi.
HỎI VÀ ĐÁP VỀ NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA NGHIỆP - Nina Van Gorrkom
Phần I
A.
(Hỏi) Khi gặp một chuyện buồn lòng khó chịu người ta thường hay hỏi: “Sao việc này phải xảy đến với tôi?” Một người có thể sống rất tốt và tử tế với mọi người, tuy thế vẫn phải chịu những lời ác độc đáp lại. Bà có thể cho chúng tôi biết có đúng là những việc làm tốt sẽ đem lại kết quả tốt không? Đôi khi tôi cảm thấy hoài nghi về điều này.
B
. (Đáp) Người ta hỏi câu này vì không phải lúc nào họ cũng hiểu tại sao họ lại phải đau khổ trong cuộc sống. Thật khó mà biết được nguyên nhân nào trong quá khứ đã dẫn đến tình trạng buồn lòng khó chịu thế này hay thế khác ở khoảnh khắc hiện tại này. Đức Phật nói rằng mọi việc xảy ra phải có nguyên nhân của nó. Khi chúng ta đau khổ ắt phải có nguyên nhân, hoặc trong quá khứ xa xăm hoặc trong quá khứ gần nhất đó thôi. Nếu chúng ta biết nhân và quả tương quan lẫn nhau như thế nào trong cuộc sống của chúng ta, sự hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta có thái độ đúng đắn hơn đối với những chuyện khó chịu và đau khổ ở đời này.
A.
Phải chăng những nghiệp xấu người ta đã làm trong quá khứ là nhân của những cảm thọ khó chịu ở khoảnh khắc hiện tại này? Nghiệp đã làm thuộc về quá khứ. Làm thế nào những nghiệp ấy lại có thể cho quả sau đó được?
B.
Để có sự hiểu biết sâu xa hơn về cách nhân và quả tương quan lẫn nhau, việc đầu tiên nhất thiết chúng ta phải biết cái gì hay động lực nào thúc đẩy những việc làm tốt hoặc xấu; hơn nữa chúng ta cũng cần phải biết chúng ta tích luỹ những khuynh hướng thiện khi làm điều thiện như thế nào và chúng ta tích luỹ những khuynh hướng bất thiện trong việc làm điều ác ra sao.
A.
Tại sao bà lại dùng những từ “thiện” và “bất thiện” mà không dùng “tốt” và “xấu?”
B.
Những chữ “tốt” và “xấu” thường hàm ý một sự phán xét về đạo đức. Đức Phật không phán xét con người theo tiêu chuẩn “tốt” hoặc “xấu”. Ngài chỉ giải thích về những điều kiện quy định cách cư xử của họ và về những quả báo của thiện và bất thiện. Một hành động bất thiện là hành động đem lại sự tổn hại cho bản thân mình hoặc cho người khác, có thể ở ngay khoảnh khắc người ta làm điều bất thiện ấy hoặc sau đó, trong khi một hành động thiện là hành động sẽ đưa đến an vui, hạnh phúc. Trong ngôn ngữ Pāḷi, bất thiện là akusala, và thiện là kusala. Với những tâm bất thiện (akusala citta) người ta có thể thực hiện những nghiệp bất thiện (akusala kamma) và với tâm thiện (kusala citta) người ta có thể làm những nghiệp thiện (kusala kamma).
A.
Tâm (citta) là gì? Đó có phải là một linh hồn hay “cái tôi” điều khiển mọi hoạt động không? Nó có nằm dưới quyền kiểm soát của chúng ta không, tức là khi chúng ta muốn có một tâm thiện để thực hiện một thiện nghiệp có được hay không, hay nó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta?
B.
Tâm (citta) không phải là “linh hồn” hoặc “cái tôi” hay “cái ngã”. Có nhiều tâm khác nhau tiếp nối theo nhau liên tục không ngừng, và không có tâm nào kéo dài lâu cả. Mỗi tâm sanh lên liền diệt. Ở sát na này chúng ta có thể kinh nghiệm một tâm bất thiện. Tuy nhiên, tâm ấy không kéo dài, nó diệt mất liền. Vào sát na khác chúng ta có thể có một tâm thiện; tâm này cũng không kéo dài, nó lại diệt mất. Mỗi sát na chỉ có một tâm; chúng ta không thể có một tâm bất thiện cùng lúc với tâm thiện được. Các tâm cứ thay thế nhau, hết tâm này đến tâm khác một cách liên tục. Chúng ta xem tâm nào là cái ngã nếu nó không kéo dài lâu thậm chí trong một giây như vậy?
Tâm không nằm trong quyền hạn của chúng ta để lúc nào muốn có tâm thiện thì liền có. Chúng ta muốn được tốt cả ngày nhưng chúng ta không thể nào có những tâm thiện liên tục; nó không nằm trong quyền kiểm soát của chúng ta.
Tất cả tâm đều như vậy. Chúng ta không thể tránh được điều chúng ta thích một số người và một số vật, và không thích một số người khác, vật khác. Chúng ta không thể kiểm soát hết mọi tư duy của mình, có khi chúng ta lơ đãng mặc dù không muốn thế. Hai người không thể có cùng một suy tư, dù cho họ nghĩ đến cùng một đối tượng, chẳng hạn về một vùng quê nơi cả hai sinh ra. Những suy tư của một người lệ thuộc vào nhiều điều kiện, chẳng hạn vào kinh nghiệm và những khuynh hướng đã tích luỹ trong quá khứ, vào đối tượng tự hiện khởi ngay lúc đó, vào bạn bè tốt - xấu, hoặc vào thức ăn mà họ dùng.
Vì vấn đề không nằm trong quyền lực của chúng ta để muốn có một tâm nào (theo ý mình) vào một thời khắc nào đó, nên không thể nói rằng có một “cái ngã” điều khiển mọi hành động của chúng ta. Nói tóm lại, hành động của chúng ta tuỳ thuộc vào những khuynh hướng đã được tích luỹ trong quá khứ và nhiều điều kiện khác nữa.
A.
Tôi để ý thấy rằng có những người dường như luôn luôn làm điều không chính đáng trong cuộc đời này, trong khi đối với những người khác thì việc bố thí hay sống lương thiện là chuyện không khó. Vì lý do gì con người ta lại khác nhau đến như vậy?
B.
Người ta sở dĩ khác nhau như vậy là vì mỗi người có những khuynh hướng và sở thích khác nhau đã từng được họ tích lũy trong quá khứ. Người thường nóng giận sẽ tích lũy sự nóng giận. Khi sự nóng giận hay tâm sân đã tích lũy này đủ mạnh, chúng sẽ thực hiện những nghiệp bất thiện qua lời nói và hành động. Mỗi người ai cũng đã tích lũy những khuynh hướng cả thiện lẫn bất thiện, chỉ nhiều hơn hay ít hơn mà thôi.
A.
Có đúng là những hành động tốt và xấu mà người ta đã thực hiện trong quá khứ không bao giờ mất, và rằng chúng tiếp tục có một ảnh hưởng ở khoảnh khắc hiện tại không?
B.
Điều đó là sự thực. Những kinh nghiệm người ta có trong quá khứ và những hành động tốt và xấu họ từng làm trong quá khứ, đã được tích luỹ lại và chúng sẽ tạo điều kiện cho các tâm đang khởi lên trong thời điểm hiện tại. Nếu như tâm trong thời điểm hiện tại là tâm thiện (kusala citta), sẽ có một tích luỹ mới của khuynh hướng thiện, ngược lại nếu tâm lúc này là tâm bất thiện (akusala citta), cũng sẽ có một sự tích lũy mới của khuynh hướng bất thiện.
Bởi thế các tâm sanh chẳng những do đối tượng tự hiện khởi qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, hoặc tâm làm duyên, mà chúng còn do những khuynh hướng và sở thích đã tích lũy trong quá khứ và do nhiều yếu tố khác nữa tạo điều kiện.
Các tâm (cittas) nằm ngoài sự kiểm soát, và như Đức Phật đã nói; chúng là “vô ngã” (anattā). Khi Đức Phật nói các pháp là vô ngã, ngài muốn nói rằng chúng ta hoàn toàn không có thẩm quyền nào đối với bất kỳ thứ gì. Mọi việc trong cuộc đời chúng ta xảy ra do có những điều kiện, và rồi mọi thứ cũng đều diệt.
Những hành động hay nghiệp tốt và xấu của chúng ta đã làm sẽ đem lại kết quả tương ứng của chúng. Khi đúng thời, kết quả sẽ xảy ra, tức là khi có những điều kiện thích hợp cho quả xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Vấn đề không nằm trong thẩm quyền của bất kỳ ai để muốn có quả sanh vào lúc này hay lúc khác được. Nhân và quả vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, chúng là "vô ngã".
A.
Đến đây tôi hiểu rằng các tâm bất thiện tạo các nghiệp bất thiện là nhân và nhân ấy không thể nào đem lại một kết quả dễ chịu được; chúng sẽ đem lại một kết quả khó chịu, trong khi những tâm thiện tạo các nghiệp thiện sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Mỗi nhân sẽ đem lại kết quả tương ứng của nó. Nhưng bà có thể giải thích làm cách nào quả lại xảy ra được không? Phải chăng đó là một sự trừng phạt hay một sự ban thưởng cho hành động của một người.
B.
Không có vấn đề trừng phạt hay ban thưởng ở đây, bởi vì không có người (nắm quyền) trừng phạt hay ban thưởng. Ai gieo gì sẽ gặt nấy là một tiến trình tự nhiên. Nghiệp bất thiện đã tích luỹ đúng thời sẽ tạo ra một tâm (citta) cảm nghiệm một đối tượng khó chịu; tâm này là kết quả của một việc bất thiện mà người ta đã làm trong quá khứ. Nghiệp thiện đã tích luỹ cũng vậy, đúng thời sẽ tạo ra một tâm cảm nghiệm một đối tượng dễ chịu; tâm này là kết quả của thiện nghiệp mà người ta đã làm trong quá khứ. Tâm khi là kết quả như vậy, Pāḷi gọi là “vipākacitta” (tâm quả). Sẽ có những tâm quả khác nhau vào những sát na hay khoảnh khắc khác nhau. Đối với hầu hết mọi người, việc phát hiện ra nghiệp nào ở quá khứ đã tạo ra kết quả mà họ đang thọ nhận trong khoảnh khắc hiện tại, là điều không thể. Tuy nhiên, có biết rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ cũng chẳng lợi ích gì; chúng ta chỉ nên quan tâm đến sát na hiện tại. Chỉ cần biết rằng nghiệp bất thiện sẽ cho ra một kết quả khó chịu hay quả khổ, và nghiệp thiện sẽ cho ra một kết quả dễ chịu hay quả lạc là đủ rồi. Kết quả xảy ra có khi chỉ một thời gian ngắn sau đó, hoặc có khi lâu hơn. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người khác về những quả khổ mà chúng ta thọ nhận. Phải biết rằng một kết quả khó chịu là hệ quả tất yếu của nghiệp bất thiện chúng ta đã làm mà thôi.
A.
Tâm quả thường xảy ra suốt cả ngày như thế nào? Ngay lúc này đây có quả (vipāka) không?
B.
C ó chứ, lúc này có quả chứ, vì bạn đang thấy và đang nghe mà. Mỗi lần bạn đang thấy, nghe, ngửi, nếm, và kinh nghiệm một xúc qua thân căn thì đều có quả (vipāka). Mọi ấn tượng mà chúng ta cảm nghiệm qua năm căn đều là quả (vipāka).
A.
Làm thế nào tôi có thể biết được là có quả lạc (dễ chịu) hay quả khổ (khó chịu)? Ngay lúc này tôi đang thấy nhưng tôi không có cảm giác dễ chịu hay khó chịu gì về điều đó.
B.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể phát hiện ra được đối tượng ấy là lạc hay khổ. Khi thấy hay nghe bình thường, chúng ta không thể biết được là mình có quả thiện (kusala vipāka) hay quả bất thiện (akusala vipāka). Chỉ khi cảm thấy đau đớn hay khi bịnh hoạn, chúng ta mới có thể chắc chắn rằng mình có quả bất thiện. Sát na tâm quả rất ngắn ngủi, vừa sanh lên nó diệt liền.
Khi thấy, chúng ta biết được màu sắc qua con mắt. Lúc đó chúng ta sẽ thích hay không thích màu sắc ấy, chúng ta nhận ra mằu sắc ấy, chúng ta nghĩ về màu sắc ấy. Thấy màu sắc là quả (vipāka). Thích hay không thích và suy nghĩ về đối tượng không còn là quả nữa. Những nhiệm vụ ấy được thực hiện bởi các tâm khác, gọi là tâm thiện (kusala citta) và tâm bất thiện (akusala citta). Như vậy, các tâm thích hoặc không thích, và các tâm tư duy về đối tượng là nhân, chứ không phải là quả; chúng có thể thúc đẩy những hành động, và những hành động này sẽ đem lại những kết quả mới.
Các tâm nối tiếp theo nhau nhanh đến nỗi ta cảm giác dường như chỉ có một tâm duy nhất. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng thích hay không thích và tư duy vẫn là tâm quả song điều đó là một ảo tưởng.
A.
Có phải mọi người đều phải thọ nhận cả quả thiện lẫn quả bất thiện không?
B.
Mọi người ai cũng đã tích luỹ cả những nghiệp thiện lẫn nghiệp bất thiện, do đó mọi người đều phải thọ nhận cả quả thiện lẫn quả bất thiện. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết về nhân và quả, và sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta biết sống nhẫn nại, ngay cả dưới những điều kiện khó chịu nhất. Chẳng hạn, khi hiểu được gì là quả (vipāka) rồi, chúng ta sẽ ít có khuynh hướng buồn cho thân phận hoặc trách cứ người khác khi gặp phải quả bất thiện - akusala-vipāka.
A.
Nhưng tôi không thể không ghét quả (vipāka) khổ hay khó chịu. Tôi có thể thay đổi thái độ này như thế nào?
B.
Bạn có thể thay đổi thái độ của bạn bằng cách hiểu biết rõ cái gì là quả và cái gì không còn là quả nữa. Điều quan trọng là phải biết rằng sát na hay khoảnh khắc chúng ta cảm thấy không thích hay hối tiếc không cùng một thứ như sát na quả. Người ta thường nghĩ rằng sự không thích phát sinh sau quả (vipāka) vẫn còn là (tâm) quả. Khi họ nói “Đây chỉ là quả mà thôi”, là họ đã không phân biệt được cảm giác khó chịu với những sát na quả. Nếu họ không thực sự hiểu cái gì là quả và cái gì không phải là quả mà chỉ là tâm bất thiện (akusala citta) hay tâm thiện (kusala citta), họ sẽ tích luỹ các nghiệp bất thiện trong suốt cuộc đời họ. Do vô minh, do không hiểu biết khi nào tâm là bất thiện (akusala), người ta tích luỹ thêm bất thiện.
A.
Tôi có khuynh hướng trách người đã nói lời thô lỗ với tôi, ngay cả khi tôi rất tử tế đối với họ. Những người đó không phải là nhân (nguyên nhân) khiến cho tôi phải lãnh quả khó chịu hay sao?
B.
Chúng ta thường nghĩ theo cách này nếu vẫn chưa hiểu cái gì là quả.
Hãy thử phân tích những gì thực sự xảy ra khi chúng ta nghe ai đó nói lời thô lỗ xem. Khi lời đó do tâm bất thiện tạo ra, nó là một đối tượng khó chịu mà chúng ta thọ lãnh qua tai. Thực ra cũng không phải chúng ta thọ lãnh đối tượng khó chịu, mà tâm quả (vipāka citta) thọ lãnh đối tượng ấy qua tai. Tâm quả là kết quả của nghiệp bất thiện chúng ta đã làm trong quá khứ. Đây là khoảnh khắc thích hợp để nghiệp bất thiện đã làm trong quá khứ khiến cho các tâm bất thiện khởi lên ở sát na hiện tại. Người nói lời thô lỗ với chúng ta không phải là nhân của quả bất thiện, nhân nằm trong chính chúng ta. Người nói lời thô lỗ với chúng ta chỉ là một trong nhiều điều kiện cho cái tâm quả sinh lên mà thôi. Nghiệp bất thiện đã tích luỹ của chúng ta mới là nhân đích thực của quả bất thiện.
A.
Đối với tôi hình như nghiệp (kamma) là số phận hay định mệnh chi phối cuộc đời của chúng ta.
B.
Nghiệp không phải là một số phận bất khả thay đổi bên ngoài chúng ta, mà là những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp đã tích luỹ của mỗi người, và vào một khoảnh khắc thích hợp nào đó nó sẽ tạo ra quả dưới hình thức tâm quả (vipākacitta).
A.
Nếu một người thứ ba đi ngang qua và tình cờ nghe phải những lời thô lỗ mà người ta nói với tôi, họ cũng phải có quả bất thiện chứ, mặc dù những lời đó không hướng thẳng đến họ. Điều đó đúng không?
B.
Nếu lúc đó là lúc đúng cho họ phải có quả bất thiện, họ cũng sẽ thọ lãnh đối tượng khó chịu như vậy; họ có thể có quả bất thiện qua tai (nhĩ thức quả bất thiện). Dù những lời thô lỗ đó được nói với họ hay với người khác cũng không làm khác được.
A.
Có phải quả, đối với người tình cờ nghe, có thể không đến nỗi khó chịu như đối với người mà lời thô lỗ ấy trực tiếp được nói đến không?
B.
Mỗi lần chúng ta nghe một âm thanh khó chịu có nhất thiết phải có ác cảm không?
A.
Không, không nhất thiết.
B.
Ác cảm hay sân không liên quan gì đến quả (vipāka). Xét xem những lời ấy được nói đến bản thân mình hay đến người khác và những cảm giác khó chịu về lời nói ấy không còn là quả nữa. Nếu chúng ta cảm thấy ghét là chúng ta đã có tâm bất thiện do những tích luỹ của sân hận trong quá khứ làm duyên. Lúc chúng ta thọ lãnh một âm thanh, chỉ có vài sát na quả ngắn ngủi trước khi cảm giác khó chịu phát sinh. Nghiệp tạo điều kiện cho các tâm quả ngay vào lúc đó. Nghiệp là nhân đích thực của quả, không phải người này hay người nọ. Nếu muốn có sự hiểu biết đúng về quả, chúng ta không nên tư duy dưới hình thức “tôi”, “người đó”, và “lời nói thô lỗ”. Nếu chúng ta nghĩ đến người nói và suy xét xem những lời thô lỗ ấy được nói tới chính chúng ta hay tới người khác, chúng ta sẽ không thấy ra sự thực. Nếu chúng ta nghĩ dưới dạng các tâm (cittas) và hiểu các điều kiện cho tâm (khởi lên), chúng ta sẽ hiểu được thực tại. Khi một người nào đó nói lời thô lỗ thì chính tâm sân đã tích luỹ của họ làm duyên hay tạo điều kiện cho lời nói ấy. Dù họ nói những lời này tới chúng ta hay tới một người nào khác, điều đó cũng không quan trọng.
Nếu hiểu được “quả” chúng ta sẽ xem những kinh nghiệm khó chịu của cuộc đời ít nghiêm trọng hơn. Và ắt hẳn sẽ có ích cho chúng ta và cho người khác nhiều hơn nếu chúng ta cố gắng hiểu chính bản thân mình, và biết được những tâm khác nhau khởi lên ở những khoảnh khắc khác nhau. Sau khi chúng ta đã thọ lãnh quả bất thiện (akusala vipāka) chúng ta phải cố gắng đừng nghĩ nhiều về nó. Khi chúng ta nghĩ về quả, nó đã thuộc về quá khứ rồi. Bởi thế, tốt hơn nên quên ngay nó đi.
A.
T ôi vẫn chưa hiểu được vì sao tôi lại phải thọ lãnh những lời thô lỗ đáp trả cho lòng tử tế của tôi. Có thể nào quả của nghiệp thiện lại là quả bất thiện được không?
B.
Điều này không bao giờ xảy ra được. Nghiệp thiện có quả thiện như kết quả của nó; tuy nhiên, kết quả thiện ấy có thể sau đó mới phát sinh. Không thể nói được vào lúc nào thì nghiệp bất thiện và nghiệp thiện sẽ trổ quả. Nhưng phải nhớ rằng, quả bất thiện không phải là kết quả của lòng nhân từ, nó là kết quả của nghiệp bất thiện đã tích luỹ của bạn. Lòng nhân từ hay tử tế của bạn chắc chắn sẽ đem lại một kết quả tốt, nhưng điều đó có thể phải xảy ra vào một thời điểm sau.
A.
Khi bị những quả bất thiện như vậy, tôi không thể không cảm thấy buồn cho mình. Liệu tôi có thể làm được gì để ngăn không tích luỹ thêm nghiệp bất thiện nữa?
B.
Khi có những điều kiện thuận lợi cho các tâm bất thiện sanh chúng ta không thể ngăn được sự khởi sanh của chúng. Các tâm bất thiện ấy sanh ngay tức thì sau quả, trước khi chúng ta biết được nó. Thực ra, chúng là “vô ngã”, chúng không thuộc về “cái ngã” nào cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát triển sự hiểu biết thêm nữa về các hiện tượng khác khởi lên. Các tâm bất thiện sanh sau tâm quả không phải là một với các tâm quả (vipākacittas) và chúng có những điều kiện khác với những điều kiện dành cho tâm quả.
Nếu chúng ta hiểu rằng việc cảm thấy buồn cho bản thân và trách cứ người khác được làm bằng tâm bất thiện, và rằng theo cách này chúng ta sẽ tích luỹ nhiều bất thiện thêm nữa, chúng ta sẽ bớt làm chuyện đó. Nếu hiểu rằng ngay khoảnh khắc này chúng ta không thể làm được điều gì để thay đổi quả, vì nhân của nó là ở quá khứ, chúng ta có thể sẽ quên nó dễ dàng hơn. Vào lúc chúng ta biết được mình thọ lãnh quả thiện, nó đã diệt mất và thuộc về quá khứ rồi.
Cuộc đời thực quá ngắn để hoang phí năng lực vào việc lo cho những chuyện của quá khứ. Tốt hơn hãy lo tích luỹ thiện nghiệp bằng cách làm những điều thiện.
Trong Tương Ưng K inh chúng ta đọc thấy có câu chuyện rằng Vua Pasenadi đi đến gặp Đức Phật ở kinh thành Xá vệ (Sāvatthi). Như các vị Vua Chúa khác, nhà Vua rất bận rộn với nhiều vấn đề. Đức Phật hỏi vua là ông sẽ làm gì khi nghe những người thân tín, từ bốn hướng đến, nói về một quả núi lớn, cao ngất tận trời, đang lăn tới và đè bẹp hết mọi sinh vật. Đức Phật hỏi, “Tâu Đại Vương, Đại Vương đã bị tóm với nỗi kinh khoàng lớn, sự tận diệt của nhân loại thật là khủng khiếp, khó được sinh lại làm người, đại vương có thể làm được gì?”
“Bạch Thế Tôn, trong một hiểm hoạ lớn như vậy, sự tận diệt của nhân loại thật là khủng khiếp, khó được sinh lại làm người, con có thể làm được điều gì khác ngoại trừ sống đúng pháp, sống chân chánh và làm các hạnh lành, làm các công đức!”
“Tâu Đại Vương, ta nói cho đại vương biết, ta tin cho Đại Vương hay: già và chết đang lăn đến bên đại vương, tâu Đại Vương! Vì lẽ già và chết đang lăn đến bên đại vương, đại vương có thể làm được điều gì?”
“Bạch Thế Tôn, già và chết đang lăn đến bên con, con có thể làm được điều gì khác để cứu lấy mình ngoại trừ sống đúng pháp, sống một cách chơn chánh, và làm các hạnh lành, làm các công đức?”
Phần II

A.
Tôi hiểu rằng mặt năng động của cuộc đời chúng ta gồm các trạng thái tâm bất thiện (akusalacittas) và các trạng thái tâm thiện (kusalacittas). Các tâm bất thiện tạo những nghiệp bất thiện và các tâm thiện thực hiện những hành nghiệp thiện. Suốt cuộc đời mình chúng ta tích luỹ cả thiện nghiệp lẫn bất thiện nghiệp.
Có những loại tâm khác là kết quả của hành động chúng ta làm: những tâm ấy gọi là "tâm quả" (vipākacitta). Kết quả của bất thiện nghiệp (akusala kamma) là “quả bất thiện” (akusala vipāka), kết quả của nghiệp thiện là “quả thiện” (kusala vipāka). Như vậy vipāka hay quả là mặt thụ động của cuộc đời; nghĩa là chúng ta phải chịu quả (chứ không tạo quả). Thấy, nghe, ngửi, nếm, và cảm thọ qua thân xúc là quả (vipāka).

Tôi có thể hiểu điều này bởi vì những ấn tượng giác quan là những ấn tượng con người phải trải qua. Các tâm (cittas) nghĩ về những đối tượng ấy, và các tâm thích hay không thích chúng không còn là quả hay vipāka nữa, mà là nhân. Các tâm ấy là các tâm thiện hoặc bất thiện. Nhưng tôi vẫn hoài nghi mỗi khi tôi gặp quả của bất thiện nghiệp hay quả của thiện nghiệp tôi đã làm trong quá khứ. Bà có thể chứng
minh điều này cho tôi rõ được không?
B.
Điều này không thể chứng minh được bằng lý thuyết. Người ta chỉ có thể hiểu được sự thực qua kinh nghiệm trực tiếp. Có ba loại trí tuệ. Loại thứ nhất xuất phát từ việc tư duy về những hiện thực của cuộc đời như vô thường, già, đau, bệnh, chết. Loại thứ hai là sự hiểu biết được phát triển qua việc nghiên cứu, học hỏi những lời đức Phật dạy. Loại thứ ba là việc kinh nghiệm trực tiếp về sự thực.
Loại tuệ thứ nhất và thứ nhì là cần thiết, nhưng vẫn còn là sự hiểu biết có tính lý thuyết, chứ chưa phải là sự thực chứng chân lý. Nếu người ta chấp nhận lời dạy của Đức Phật vì những lời dạy ấy dường như hợp lý, hoặc nếu họ chấp nhận chẳng qua vì thẩm quyền của Đức Phật, họ sẽ không có được sự hiểu biết rõ ràng xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp sự thực. Chỉ có loại tuệ thứ ba này mới có thể loại trừ hoài nghi.
Trong Tăng Chi Kinh (AṅgutaraNikāya, quyển III, ch.VII, § 65, nói về các vị Kesaputta), chúng ta đọc thấy rằng khi Đức Phật đang ở tại Kesaputta thì các người Kālāma đi đến gặp ngài. Họ có những quan điểm trái ngược nhau do những người thuộc các đạo giáo khác diễn giải, và họ cảm thấy hoài nghi không biết ai là người nói sự thực và ai là người lừa dối. Nhân đó Đức Phật nói:
“Này các Kālāma, các người hãy cẩn thận. Chớ để bị đánh lừa bởi truyền thuyết; chớ để bị đánh lừa bởi truyền thống; chớ để bị đánh lừa bởi những lời đồn đãi; chớ để bị đánh lừa bởi thẩm quyền của kinh điển, bởi tính hợp lý hay sự suy luận đơn thuần, bởi sau khi cân nhắc những lý lẽ, hay sau khi nhận xét và tán thành một lý thuyết nào đó. Chớ để bị đánh lừa bởi vì điều đó đáp ứng sự thích hợp, hay do lòng tôn kính đối với vị sa môn (chủ trương điều đó). Nhưng, này các Kālāma, khi các ông tự mình biết rõ như sau: Những pháp này là không có lợi, những pháp này đáng khiển trách, những pháp này bị những người có trí chỉ trích; những pháp này, nếu thực hiện và chấp nhận sẽ đưa đến sự tổn thất và khổ đau - thời lúc ấy các ông hãy từ bỏ chúng.”
Sau đó Đức Phật hỏi họ xem tham, sân, si và các hành ác do tham, sân, si xúi giục, đem lại lợi ích hay đem lại sự tổn hại cho con người. Các Kālāma trả lời rằng chúng sẽ dẫn đến sự tổn hại. Rồi Đức Phật lập lại lời trên: khi nào họ biết rõ những pháp này là không lợi ích và đem lại khổ đau, họ nên từ bỏ chúng. Trên cơ sở đó, Đức Phật nói về vô tham, vô sân, vô si, và sự tiết chế các hành ác do những pháp này khích lệ. Đức Phật dạy rằng khi nào các ngươi Kālāma tự mình biết rõ những pháp ấy là lợi ích và dẫn đến hạnh phúc, thời họ nên chấp nhận các pháp đó.
Chúng ta phải tự mình khám phá sự thực, bằng cách kinh nghiệm nó trong cuộc sống hàng ngày. Nhờ biết rõ mọi thực tại của cuộc sống hàng ngày chúng ta phát triển được loại tuệ thứ ba này.
Trong việc thực hành vipassanā (minh sát), chúng ta học cách để hiểu mọi thực tại của cuộc sống hàng ngày, nhờ biết rõ chúng ở ngay sát na chúng nảy sinh. Chúng ta học cách để biết rõ những gì xảy ra ở sát na hiện tại. Chúng ta sẽ biết cái đang thấy, nghe, tư duy, v.v… thực sự là gì nếu chúng ta biết rõ những thực tại ấy ngay sát na chúng khởi lên. Chỉ có sát na hiện tại mới có thể cho chúng ta sự thực, không phải sát na quá khứ (đã qua) hoặc sát na tương lai (chưa đến). Chúng ta không thể kinh nghiệm lúc này những tâm mà ta đã có trong quá khứ; nghĩa là những tâm đã thực hiện thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp trong quá khứ không thể xuất hiện lại để chúng ta kinh nghiệm sự thực (sanh diệt) của chúng. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm những tâm thuộc sát na hiện tại, để qua đó thấy rằng một số tâm là bất thiện, một số tâm là thiện, và số khác không bất thiện cũng không thiện (vô ký tâm), và chúng có những nhiệm vụ khác nhau. Nếu học cách kinh nghiệm các tâm thuộc sát na hiện tại như vậy, dần dần chúng ta sẽ thấy được thực tại một cách rõ rệt hơn. Nếu chúng ta thực chứng sự giác ngộ, hay kinh nghiệm Niết-bàn, mọi hoài nghi về thực tại sẽ tự động diệt. Lúc đó chúng ta sẽ thấy sự thực (chân lý).
A
. Tôi rất muốn được giác ngộ để biết rõ sự thực.
B.
Nếu bạn chỉ mơ tưởng về Niết-bàn, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được nó. Con đường dẫn đến Niết-bàn là biết rõ sát-na hiện tại. Chỉ khi nào biết rõ sát-na hiện tại chúng ta mới có thể diệt được vô minh (không hiểu biết về thực tại) và trừ diệt ý niệm về “tự ngã” mà hồi nào tới giờ chúng ta vẫn chấp chặt vào. Chúng ta không nên chấp vào quả, vốn chỉ có thể xảy ra trong tương lai. Thay vào đó chúng ta nên cố gắng biết rõ sát-na hiện tại.
A.
Phải chăng tôi không thể biết được cái nghe và thấy ở sát-na này là quả thiện hay quả bất thiện?
B.
Đôi khi bạn có thể khám phá ra. Chẳng hạn, cái nghe là quả thiện khi âm thanh được tạo ra bởi những tâm thiện. Một ai đó nói với bạn bằng lòng bi mẫn, tiếng nói đó được tạo ra bởi tâm thiện. Khi nghe âm thanh đó là bạn có quả thiện. Thường thì chúng ta không thể biết được mình có quả bất thiện hay quả thiện. Hơn nữa, biết được cũng không ích gì, vì chúng ta không làm được bất cứ điều gì đối với quả của mình. Chỉ cần biết rằng nghiệp bất thiện sẽ tạo ra quả bất thiện, và nghiệp thiện sẽ cho quả thiện là đủ rồi. Điều quan trọng phải nhớ là quả do nghiệp của chính chúng ta gây ra, rằng nhân của quả nằm trong bản thân chúng ta chứ không phải ở ngoài chúng ta.
Tăng Chi Kinh (Aṅguttara Nikāya, quyển III, ch.IV, § 35, Diêm Vương) nói về một người do dễ duôi không làm những thiện nghiệp, và bị đem đến trước mặt Diêm Vương Yama. Diêm Vương nói với người ấy:
“Này người kia, chính do dễ duôi, cẩu thả mà ngươi đã không làm các hành động thiện về thân, lời nói, và ý nghĩ. Thật vậy, chúng sẽ làm cho ngươi đúng theo sự dễ duôi của ngươi. Ác nghiệp của ngươi, không phải do mẹ, cha, anh, chị, bạn bè hay thân hữu làm; không phải do bà con huyết thống làm, không phải do chư thiên làm, không phải do các vị sa môn và bàlamôn làm. Ác nghiệp ấy, chính do tự ngươi làm, chính ngươi sẽ thọ lãnh quả dị thục của nó.”
Như vậy, biết đích xác vào lúc nào chúng ta có quả bất thiện hay quả thiện không phải là điều quan trọng. Quan trọng nhất là làm sao biết rõ được lúc nào chúng ta thọ quả và lúc nào chúng ta tạo tác nghiệp bất thiện hay nghiệp thiện. Vì những sát-na chúng ta tạo tác nghiệp bất thiện và nghiệp thiện sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho tương lai của chúng ta vậy.
A
. Để biết được khi nào và làm thế nào chúng ta lại tích lũy bất thiện nghiệp và thiện nghiệp, chúng ta cần phải biết rõ thêm về các tâm (cittas) vốn tạo tác nghiệp. Tôi thấy rằng Đức Phật luôn luôn nói về tâm để giúp cho người ta hiểu rõ hơn về cuộc sống của họ và để khuyến khích họ tạo tác nghiệp thiện. Do đó tôi nghĩ rằng suốt cuộc đời, chúng ta nên phát triển sự hiểu biết rõ hơn về “tâm”. Bà có thể cho tôi một định nghĩa chính xác về tâm được không?
B.
Thực sự không thể đưa ra một định nghĩa khả dĩ có thể giải thích cho bạn rõ tâm là gì được. Bạn phải tự kinh nghiệm lấy các tâm để biết rõ chúng. Có rất nhiều loại tâm ở những sát na khác nhau đến nỗi không thể đưa ra một định nghĩa nào cho tất cả các tâm ấy. Tất nhiên, định nghĩa chung nhất vẫn là: “biết cảnh là tâm” (tức là, tâm là cái biết một vật gì đó). Tâm không giống như vật chất (sắc), là cái không biết được gì cả. Ở đây, tâm thấy biết màu sắc, tâm nghe biết âm thanh, tâm nghĩ biết nhiều đối tượng khác.
A.
Tại sao lại là tâm thấy và tâm nghe? Ở phần trước bà đã giải thích rằng thấy không phải là suy nghĩ mà chỉ là sự kinh nghiệm về màu sắc qua nhãn căn, và nghe chỉ là sự kinh nghiệm về âm thanh qua nhĩ căn. Những sự kiện ấy không phải là những tiến trình vật lý đơn thuần thay vì các tâm biết một cái gì sao?
B.
Nhãn căn và nhĩ căn tự bản thân chúng không phải là tâm (cittas) mà là các cơ quan vật lý. Nhãn căn và nhĩ căn là duyên hay điều kiện cho sự khởi lên của các tâm. Bất cứ khi nào có một đối tượng thì liền có tâm, chẳng hạn như màu sắc và âm thanh được (tâm) kinh nghiệm. Chúng ta phải cố gắng biết rõ về tâm trong sát na hiện tại nếu muốn biết tâm là gì. Chúng ta cũng nên biết rõ cái đang thấy hay cái đang nghe phát sinh ngay lúc này.
Nhiều người sinh ra ở phương Tây không hiểu vì sao người ta lại không thể đưa ra một định nghĩa rõ rệt về tâm và về những điều Đức Phật dạy. Họ muốn chứng minh mọi thứ bằng lý thuyết. Chắc chắn đây không phải là cách để khám phá sự thực. Bạn phải kinh nghiệm sự thực thì mới biết được nó.
A
. Tôi vẫn nghĩ tâm là cái điều khiển việc thấy, nghe, suy nghĩ,…Làm sao tôi có thể khám phá ra được rằng không có một “cái ngã” điều khiển mọi việc?
B
. Chúng ta chỉ có thể khám phá ra điều này bằng cách biết rõ các tâm khác nhau. Như vậy chúng ta sẽ thấy ra rằng chúng ta không thể điều khiển những ý nghĩ của mình được. Chúng ta lơ đãng hay quên khi ta không muốn thế, nhiều ý nghĩ linh tinh khởi lên không kể gì đến (sự có mặt) của chúng ta. “Cái ngã” ở đâu, sao không điều khiển những ý nghĩ của chúng ta?
Mỗi lần chỉ một tâm; nó sanh lên và diệt mất hoàn toàn, để cho tâm kế tiếp nối theo, cũng ngắn ngủi như vậy. Không có một tâm đơn độc nào lưu lại. Chẳng hạn, tâm thấy là một tâm, nhưng nghe lại là một tâm khác.
A
. Tôi không hiểu nổi tại sao những chức năng ấy lại được thực hiện bởi các tâm khác nhau. Sao không thể có một tâm lưu lại để thực hiện những chức năng khác, và vì sao những chức năng khác ấy lại không được thực hiện cùng một lúc? Tôi có thể vừa nghe, vừa thấy, và vừa nghĩ cùng một lúc được .
B.
Cái thấy nảy sinh khi màu sắc tiếp xúc với nhãn căn (con mắt). Nhận ra nó hay nghĩ về nó xảy ra sau đó. Cái thấy không được thực hiện bởi cùng những tâm như tâm suy nghĩ về cái ta thấy; thấy có những điều kiện khác. Nghe cũng có những điều kiện khác với những điều kiện cần thiết cho tâm nghe.
Bạn chắc chắn không thể nào nhận ra tâm thấy và tâm nghe là khác nếu như những chức năng ấy được thực hiện bởi một tâm duy nhất trong cùng một lúc. Trong trường hợp đó bạn sẽ chỉ nhận được một ấn tượng thay vì vài ấn tượng như vậy. Chúng ta biết được thấy và nghe là những ấn tượng khác nhau, ngay cả khi chúng dường như xảy ra đồng thời. Thấy và nghe có những nơi phát sinh khác nhau và những đối tượng khác nhau, và chúng phát sanh ở những sát na khác nhau, mặc dù những sát na đó suýt soát nhau đến độ chúng dường như chỉ là một. Nghĩ về những gì ta vừa thấy xảy ra sau tâm thấy (nhãn thức tâm), nghĩ về những gì ta vừa nghe xảy ra sau tâm nghe (nhĩ thức tâm). Tâm thấy xảy ra ở một sát na khác với sát na tâm nghe. Bởi thế, nghĩ về những gì ta thấy không thể phát sinh vào cùng một sát na với nghĩ về những gì ta nghe được. Suy nghĩ hay tư duy được thực hiện bằng nhiều tâm khác nhau và chúng nối tiếp nhau liên tục.
Khi đã học được cách để nhận biết nhạy bén hơn về “tâm” đang sanh khởi ở sát na hiện tại, chúng ta sẽ thấy rằng thấy và nghe sanh khởi xen kẽ nhau, ở những sát na khác nhau. Chúng ta cũng thấy rằng không có một sát na suy nghĩ lâu dài, mà chỉ có những sát na suy nghĩ khác nhau.
Chúng ta nhận thấy rằng suy nghĩ luôn luôn bị gián đoạn bởi những sát na thấy và nghe, và những sát na thấy và nghe ấy lại là điều kiện cho những suy nghĩ mới. Chúng ta sẽ khám phá ra là tư duy của chúng ta lệ thuộc rất nhiều vào những kinh nghiệm quá khứ, vào những khuynh hướng thiện và bất thiện chúng ta đã tích luỹ, vào những đối tượng chúng ta thấy và nghe, và vào nhiều điều kiện khác nữa như thế nào.
A
. Bà nói rằng tất cả tâm nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta, rằng chúng là “vô ngã” (anattā). Các tâm bất thiện và các tâm thiện là do những tích luỹ của chúng ta trong quá khứ tạo điều kiện. Chúng sanh khởi ngoài quyền lực của bất kỳ ai. Bà cũng nói rằng các “tâm quả” (vipāka cittas) là “vô ngã” nữa.
Đôi khi tôi thấy dường như mình có thể có một quyền hạn nào đó đối với quả (vipāka), chẳng hạn việc có quả thiện qua tai nằm trong quyền hạn của tôi được. Bất cứ khi nào muốn nghe một âm thanh thích thú dễ chịu, tôi chỉ cần bỏ một đĩa nhạc vào máy hát đĩa của tôi là đủ.

B
. B ạn mở máy hát đĩa vì bạn biết những điều kiện để có âm thanh dễ chịu. Mọi việc xảy ra khi có những điều kiện thích hợp cho nó xảy ra. Bạn không thể làm cho bất kỳ điều gì xảy ra nếu không có đủ những điều kiện. Khi lửa cháy chúng ta dùng nước để dập tắt nó. Chúng ta không thể ra lệnh cho lửa phải tắt đi được. Chúng ta cũng không phải bảo nước hãy dập tắt lửa, nước có đặc tính là có thể dập tắt lửa. Không có những điều kiện thích hợp chúng ta không thể nào làm được bất cứ điều gì.
Đối với nhạc hay mà bạn có thể mở máy ra nghe đó cũng phải có rất nhiều điều kiện khác nhau để được âm thanh dễ chịu này. Và ngay cả khi có âm thanh dễ chịu này, bạn cũng không có quyền hạn gì đối với các tâm quả thiện được. Nếu bạn thực sự có thể điều khiển được các tâm quả thiện ấy, bạn phải làm cho nó phát sinh bất cứ lúc nào, ngay cả khi không có máy hát đĩa. Chúng ta nên nhớ rằng tiếng nhạc không phải là quả, chỉ có những tâm cảm nghiệm đối tượng dễ chịu qua tai mới là quả. Liệu chúng ta thực sự có quyền gì đối với các tâm ấy không?
Cần phải có nhiều điều kiện hợp tác với nhau để cho quả khởi lên. Trong số những điều kiện ấy là phải có nhĩ căn. Bạn có tạo ra nhĩ căn của mình được không? Bạn nhận lãnh nhĩ căn này trước khi bạn chào đời; đây cũng là kết quả mà bạn không thể yêu cầu ai cho bạn được. Hơn nữa, bạn có nghĩ rằng bạn sẽ có quả thiện (kusala vipāka) bao lâu bạn muốn và bất cứ khi nào bạn muốn không? Khi bạn phát triển được một sự chánh niệm nhạy bén hơn bạn sẽ nhận ra rằng quả thiện và các loại tâm khác phát sanh xen kẽ nhau.
Các tâm quả được theo sau bởi những tâm khác không còn là quả (vipāka) nữa, chẳng hạn các tâm phát sinh khi bạn thích bài nhạc đang nghe và khi bạn suy nghĩ về bài nhạc đó (là tâm tạo nghiệp). Hoặc giả, có những tâm suy nghĩ về nhiều điều khác, có thể đi kèm với sân hận hoặc với lo lắng. Hay có thể có những tâm từ ái đối với người khác v.v…
Quả thiện chẳng những sẽ bị các tâm bất thiện và các tâm thiện làm cho gián đoạn, mà cũng còn bị gián đoạn bởi quả bất thiện nữa. Chẳng hạn bạn đang nghe nhạc du dương với tâm quả thiện, thì quả bất thiện có thể sẽ xen vào nếu có những tiếng ồn lớn bên ngoài, nếu chuông điện thoại reo, hoặc nếu bạn bị muỗi chích v.v… Vì lẽ không thể có quả thiện vào sát na có một tâm bất thiện, một tâm thiện hoặc một tâm quả bất thiện được.
Nếu bạn có thể làm cho quả thiện khởi lên theo ý muốn, bạn phải có nó bất cứ khi nào bạn muốn và không bị gián đoạn (bởi các tâm khác xen vào). Điều này là không thể. Hơn nữa, nếu lúc đó không phải lúc để bạn có quả thiện (tức không đủ điều kiện cho quả thiện phát sinh), bạn cũng không thể nhận được đối tượng dễ chịu: máy hát đĩa có thể hư, hoặc một chuyện gì khác xảy ra khiến bạn không thể có quả thiện.
A
. Phải chăng do tình cờ mà máy đĩa bị hư?
B
. Đức Phật dạy rằng mọi việc xảy ra đều có nhân duyên chứ không có chuyện tình cờ. Bạn sẽ hiểu được thực tại sâu hơn nếu bạn nghĩ về các tâm (cittas), và nếu bạn không nghĩ về những từ chế định như máy hát đĩa, người này, người kia, v.v… quả (vipāka) là các tâm, chứ không phải là máy hát đĩa hay bản thân âm thanh. Máy hát đĩa chỉ là một trong nhiều điều kiện (duyên) cho quả xảy ra. Nhân thực thụ của quả không phải là một sự tình cờ, hoặc một tác động ở bên ngoài chúng ta; mà (nhân thực sự) ở trong chính chúng ta.
Liệu bạn có thể tìm thấy một nhân nào khác cho quả bất thiện ngoài nghiệp bất thiện của bạn, cũng như cho quả thiện ngoài thiện nghiệp của bạn không?
A
. Điều đó đúng, tôi không thể tìm ra nhân nào khác thực. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hiểu được các tâm bất thiện thực hiện các nghiệp bất thiện trong quá khứ và các tâm thiện thực hiện các nghiệp thiện trong quá khứ có thể cho quả sau đó như thế nào.
B
. Thực sự khó có thể hiểu được các sự kiện của cuộc đời chúng ta quan hệ nhân quả với nhau như thế nào nếu không nghiên cứu đầy đủ chi tiết các tâm, và không biết cũng như không kinh nghiệm được các tâm khởi lên ở sát na hiện tại. Khi bạn kinh nghiệm được các tâm của sát na hiện tại này thực sự là gì rồi, bạn mới có thể hiểu rõ hơn về quá khứ.
Khi đức Phật đạt đến giác ngộ, ngài thấy sao mà mọi việc xảy ra trong cuộc đời này có nhiều điều kiện (hay duyên) đến thế, và ngài cũng thấy các pháp phát sinh tùy thuộc lẫn nhau như thế nào.
Thực sự giáo lý về “sự khởi sanh do duyên của các hiện tượng”, hay còn gọi là “pháp duyên khởi” (paṭica samuppāda) rất khó nắm bắt. Trong Tăng Chi kinh (Saṁyutta Nikāya I, Sagāthā Vagga, ch.VI, Brahmā Sutta, ch.I, § 1 Phạm Thiên thỉnh cầu) chúng ta đọc thấy rằng Đức Phật, lúc còn đang trú tại Uruvelā, bên bờ sông Neranjarā (Ni-Liên-thiền), sau khi vừa chứng đắc giác ngộ, đã nghĩ rằng Pháp (Dhamma) ngài thể nhập thật thâm sâu, khó hiểu:
“Còn quần chúng này ưa thích ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy được định lý này, tức là y duyên tánh duyên khởi pháp (các pháp do duyên mà có mặt)”
Thoạt tiên Đức Phật không có ý định giảng dạy pháp, vì ngài biết rằng một giáo pháp được xem là “ngược dòng tư duy thông thường” như thế này ắt hẳn sẽ không được quần chúng ưa thích ái dục chấp nhận. Bài kinh tiếp tục:
Pháp ta chứng khó khăn

Sao nay ta nói lên? (Sao lại phải giảng dạy nó)

Tham, sân chi phối ai,

Khó chứng ngộ pháp này,

Pháp này đi ngược dòng (tư duy thông thường)

Vi diệu và thâm sâu,

Khó thấy, rất vi tế.

Những ai ưa ái dục,

Bị vô minh bao phủ,

Khó thấy được pháp này.

Tuy nhiên, do lòng từ bi Đức Phật đã quyết định lên đường đi giảng giáo pháp (dhamma), vì lợi ích của những người có thể hiểu được pháp ấy. Bạn có còn hoài nghi về sự tích luỹ của nghiệp nữa không?
A
. Bà thấy nghiệp là một hiện tượng tâm lý (danh pháp) hay một hiện tượng vật lý?
B
. Bạn chỉ có thể thấy sự tạo tác của thân, nhưng sự tạo tác ấy thực ra lại được thực hiện bằng các tâm. Có thể chúng ta chẳng bao giờ thấy tâm, song chúng ta có thể khám phá ra tâm là như thế nào khi thân chuyển động trong việc tạo tác các hành động (nghiệp). Liên quan đến câu hỏi của bạn rằng nghiệp được làm trong quá khứ có thể cho quả sau đó như thế nào, câu trả lời là các nghiệp được thực hiện bằng tâm. Chúng thuộc về phần tinh thần nên chúng có thể được tích lũy. Mọi kinh nghiệm và nghiệp ở quá khứ đã được tích lũy lại trong mỗi tâm, và tâm này diệt đi để tạo điều kiện cho tâm kế. Bất cứ khi nào có những điều kiện thích đáng, nghiệp vốn đã được tích lũy và mang theo từ một sát na tâm này đến sát na tâm kế, có thể tạo ra quả.
Phần III

A
. Tôi muốn biết là chúng ta chỉ thọ lãnh quả trong kiếp này, hay cũng còn có quả trong đời tương lai nữa?
B
. Theo những lời Đức Phật dạy thì chúng ta thọ lãnh quả của nghiệp cả trong các đời tương lai nữa. Trong Tương Ưng Kinh chúng ta đọc thấy rằng lúc Đức Phật đang trú ngụ tại Sāvatthi (Xá vệ), Vua Pāsenadi đã đi đến gặp ngài. Một người đàn ông giàu có nhưng sống chẳng khác gì một người hà tiện vừa mới qua đời. Ông nhà giàu này đã làm được cả nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu và do đó ông thọ lãnh cả quả thiện lẫn quả bất thiện trong những kiếp sống khác nhau. Trong một tiền kiếp ông đã đặt bát cúng dường cho một vị Phật Độc Giác, nhưng sau đó ông lại sanh tâm hối tiếc việc đã làm. Do kết quả của thiện nghiệp đặt bát cúng dường Đức Phật Độc Giác ông được tái sinh bảy lần trên thiên giới, nơi đây ông thọ hưởng quả lạc. Sau những kiếp sống trên thiên giới đó ông tái sinh làm người, đây cũng là quả thiện (kusala vipāka). Ông sinh trong gia đình giàu có, nhưng tích luỹ nghiệp bủn xỉn của ông đã ngăn không cho ông thọ hưởng những điều khả lạc của cuộc đời. Bởi vì ông đã hối tiếc việc cúng dường đến Đức Phật Độc Giác, kết quả là ông không tận dụng được sự giàu sang của mình cho bản thân cũng như cho người khác.
Sau kiếp sống làm người ông chắc chắn lại phải tái sinh nữa. Ông đã phạm một nghiệp bất thiện thuộc loại nghiêm trọng và bất thiện nghiệp này sẽ đem lại quả bất thiện thuộc loại nghiêm trọng y như vậy. Ông đã giết đứa con trai độc nhất của anh mình vì muốn chiếm gia tài của họ. Nghiệp rất nặng này khiến ông phải tái sinh vào địa ngục, ở đây ông sẽ ở lại trong nhiều trăm ngàn năm (để thọ quả bất thiện). Bài kinh nêu ra cho chúng ta thấy một người có thể thọ lãnh những quả khác nhau trong những kiếp sống khác nhau như thế nào vậy.
A
. Sự hiện hữu của các cõi trời và địa ngục không chỉ là chuyện thần thoại chứ?
B
. Con người ta có những khuynh hướng đã tích luỹ khác nhau khiến cho họ tạo nghiệp khác nhau. Không người nào làm đúng y như cách của người khác làm cả. Mỗi hành động sẽ làm đem lại kết quả của nó, hoặc trong đời này hoặc trong những kiếp sống sau đó. Được tái sinh vào một cõi trời nào đó hoặc vào cõi người là kết quả của nghiệp thiện, trong khi tái sinh vào cõi khổ là kết quả của nghiệp bất thiện. Cõi trời và cõi địa ngục là những từ qui ước được dùng để giải thích những thực tại. Ở đây chúng giải thích tính chất của quả (vipāka) vốn do nghiệp tạo ra. Vì lẽ cả nghiệp bất thiện lẫn nghiệp thiện đều có những cấp độ (nặng, nhẹ) khác nhau, nên quả bất thiện và quả thiện cũng có những mức độ khác nhau vậy.
Những danh từ được gán cho những cõi trời khác nhau và những cõi khổ khác nhau chẳng qua là để chỉ ra mức độ khác nhau của quả bất thiện và quả thiện mà thôi. Chư thiên (Devas) có nghĩa là những “chúng sinh có ánh sáng”, là một tên đặt cho những người tái sinh nơi những cõi trời. Trong Kinh Anuruddha (Anậulâuđà), Trung Bộ III, Tôn giả Anuruddha có nói về những mức độ thiện xảo khác nhau trong thiền đem lại những kết quả tương ứng của chúng. Một vị Tỳ Khưu không đắc thiền sẽ sinh làm một vị Chư Thiên “với ánh sáng mờ nhạt”. Những vị đắc thiền, tuỳ theo mức độ thiền chứng mà sinh làm Phạm Thiên có ánh sáng lớn hơn. Có những vị Chư Thiên và Phạm Thiên khác nhau do ở mức độ ánh sáng khác nhau.
A
. Tôi thấy thật khó tin là có những vị Chư Thiên và những cảnh giới khác nhau như vậy.
B
. Lúc này bạn chưa thấy được các vị chư thiên và các cảnh giới khác nhau. Song bác bỏ những gì bạn chưa thể thấy như vậy có hợp lý không? Nếu một người có sự hiểu biết đúng về các tâm của sát na hiện tại, họ sẽ hiểu rõ hơn về quá khứ và về tương lai.
Tâm tái sinh có thể phát sinh nơi bất kỳ cảnh giới nào. Khi những điều kiện thích đáng có mặt, một nghiệp tốt hay một nghiệp xấu đã tích luỹ có thể cho ra một quả, quả ấy sẽ tạo ra tâm tái sinh trong cảnh giới tương ứng.
A
. Quả đầu tiên trong đời này là gì?
B
. Ngay sát na đầu tiên của kiếp này buộc phải có một tâm (citta), không có một tâm ấy chúng ta không thể có cuộc sống. Một thây chết không có tâm, nó không còn sống. Vậy thì loại tâm nào sẽ là tâm đầu tiên? Liệu đó là một tâm bất thiện hay một tâm thiện, tức một loại tâm có thể cho ra một quả? Hay đó sẽ là một loại tâm khác, chẳng hạn một tâm không phải nhân mà là quả, một vipāka citta?
A
. Tôi nghĩ đó phải là một tâm quả (vipāka citta). Sinh ra đời là một kết quả; chẳng ai yêu cầu chúng ta sinh ra cả. Tại sao người ta sinh ra với những nhân cách khác nhau và với những hoàn cảnh khác nhau như vậy? Có phải cha mẹ là nhân duy nhất của tái sinh và là nhân duy nhất của nhân cách đứa bé không?
B
. Cha mẹ chỉ là một trong những điều kiện cho hình hài của đứa bé, chứ họ không phải là điều kiện duy nhất.
A
. Còn về nhân cách của đứa bé? Phải chăng có một vài khuynh hướng trong nhân cách của đứa trẻ được thừa hưởng từ cha mẹ nó? Phải chăng điều này khoa học không chứng minh được?
B
. Nhân cách của đứa bé không thể nào giải thích bằng nhân cách của cha mẹ. Anh chị em và ngay cả những cặp song sinh cũng có thể rất khác nhau về nhân cách. Một đứa bé thích học hỏi, trong khi đứa khác lười biếng; một đứa bản tính vui vẻ, đứa khác lại trầm lặng. Cha mẹ có thể có một ảnh hưởng nào đó trên nhân cách của đứa bé sau khi nó ra đời, như trong lãnh vực giáo dục, văn hoá, hay truyền thống gia đình trong đó một đứa bé được nuôi dưỡng sẽ là những điều kiện cho tâm phát sinh. Song đứa bé không thừa hưởng nhân cách của nó nơi cha mẹ. Những khác biệt về nhân cách cũng còn do sự tích luỹ các kinh nghiệm từ những kiếp sống quá khứ tạo ra.
A
. Vậy cha mẹ không phải là nhân đích thực của việc sinh sao?
B
. Cha mẹ chỉ một trong những điều kiện cho sự sinh; nghiệp (kamma) mới là nhân đích thực của sinh. Một nghiệp đã làm trong quá khứ sẽ đem lại quả của nó khi đúng thời: nó có thể tạo ra tâm quả vốn là tâm tục sinh. Trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (Cula kamma vibhaṅgasuttaṃ) chúng ta đọc thấy rằng, lúc Đức Phật đang ngụ tại một nơi gần Sāvatthi trong khu rừng Jeta, thì Subha, một thanh niên Bàlamôn đi đến gặp ngài và hỏi.
“Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa con người với nhau, trong khi cũng là hình tướng con người, lại có người thấp kém và người ưu việt? Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; có người xấu xí, có người xinh đẹp; người có ảnh hưởng nhỏ, người có ảnh hưởng lớn; người nghèo khổ, người giàu sang; người thuộc gia đình thấp hèn, người thuộc gia đình cao quý; người trí tuệ yếu kém, người trí tuệ đầy đủ. Thưa Tôn giả Gotama, gì là nhân, gì là duyên, giữa con người với nhau, trong khi họ cùng là hình tướng con người lại có người thấp hèn và người ưu việt?”
“Này thanh niên Bàlamôn, các chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nơi nương tựa. Chính nghiệp phân chia các chúng sinh, đó là người thấp hèn và người ưu việt.”
A
. Sự tái sinh trong cõi người có phải là đầu thai không?
B
. Nếu như có đầu thai, thì một linh hồn hay “bản ngã” sẽ tiếp tục hiện hữu và nó chỉ mang một thân khác trong kiếp kế mà thôi. Tuy nhiên, hoàn toàn không có linh hồn hay “cái ngã” nào cả. Chỉ có những tâm nối tiếp nhau từ sinh đến tử; từ đời này đến đời sau. Tâm trước hoàn toàn diệt khi tâm sau sinh. Mỗi sát na chỉ có một tâm, không có tâm nào kéo dài hơn thế cả.
Các tâm sinh lên và diệt hoàn toàn, và liên tục nối tiếp nhau như thế. Chết là một từ có tính cách quy ước để chỉ sự chấm dứt thọ mạng của một người trong một cảnh giới sinh tồn nào đó, chứ thực ra ở mỗi sát na trong đời đều có sinh và tử, khi một tâm sinh lên rồi diệt. Không có tâm nào ta có thể nhận là linh hồn hay “tự ngã” được. Do vì không có linh hồn hay “tự ngã” trong đời này, thời làm thế nào có thể có linh hồn hay “tự ngã” tái sinh đời sau! Tâm cuối cùng của đời này là tâm tử. Tâm tử sinh lên rồi diệt, và nó được kế tục liền bởi tâm tái sinh (kiết sinh thức) của đời sau. Tâm tái sinh do tâm trước, tử tâm, làm duyên, nhưng không đồng một tâm.
A
. Tôi có thể nhận ra những khuynh hướng trong nhân cách của con người dường như y vậy suốt cả cuộc đời họ. Hơn nữa, có sự tái sinh trong đời sau. Do đó chắc chắn phải có tính tương tục trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi vẫn không hiểu tính tương tục ấy là như thế nào nếu mỗi tâm hoàn toàn diệt trước khi tâm kế tiếp sinh.
B
. C ó tính tương tục bởi vì mỗi tâm làm duyên cho tâm kế và như vậy những khuynh hướng đã tích luỹ có thể được mang theo từ sát na này đến sát na kế. Tất cả những tích luỹ của các kiếp quá khứ và của kiếp hiện tại sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho những kiếp tương lai.
Khi có người hỏi Đức Phật liệu có phải cùng con người ấy đi tái sinh hay người khác, Đức Phật trả lời rằng không phải cùng một người, cũng không phải người khác. Không có người nào cứ tiếp tục như vậy, ngay cả trong đời này, vì không có “cái ngã”. Ngược lại, cũng không phải người nào khác tái sinh, vì có sự tương tục. Những kiếp sống trước làm duyên cho kiếp này, và kiếp này cũng làm duyên cho những kiếp sau.
A
Quả (vipāka) cuối cùng của kiếp này là gì?
B
. Tâm tử (cuti-citta) là quả cuối cùng của kiếp hiện tại này.
Bởi lẽ có nhiều nghiệp vẫn chưa cho quả nên một trong những nghiệp ấy sẽ tạo ra tâm tái sinh sau khi chết. Bao lâu còn có nghiệp thời sẽ còn có quả, cứ tiếp diễn mãi mãi không ngừng. Có những kiếp sống tương lai, để cho những quả của nghiệp được thọ lãnh.
Khi tâm tử diệt, một nghiệp quá khứ hay nghiệp hiện tại liền tạo ra một tâm quả: tâm tái sinh của kiếp kế. Khi tâm tử đã diệt hoàn toàn, tâm tái sinh tiếp nối theo nó liền, và như vậy những gì đã được tích luỹ từ kiếp quá khứ sẽ được mang theo vào kiếp kế.
A
. Cái gì tạo ra tâm tái sinh của kiếp kế?
B
. Mọi người ai cũng đã từng tạo nghiệp bất thiện và nghiệp thiện. Mỗi nghiệp sẽ đem lại kết quả của nó. Do đó, tâm quả vipākacitta cũng là tâm tái sinh chỉ có thể là kết quả của một nghiệp, hoặc thiện hoặc bất thiện mà thôi.
A
. Sinh vào cõi người có phải là kết quả của thiện nghiệp không?
B
. Sinh vào cõi người luôn luôn là kết quả của thiện nghiệp. Quả bất thiện xuất hiện sau đó trong cuộc sống là kết quả của nghiệp khác với nghiệp thiện đã tạo ra tâm tái sinh. Sau khi sinh vào cõi người, có thể có nhiều sát na quả bất thiện mỗi lần người ta kinh nghiệm một đối tượng khó chịu qua một trong năm căn. Những sát na ấy là kết quả của những nghiệp bất thiện khác họ đã làm trong quá khứ.
Nếu tâm tái sinh là quả bất thiện, người ta không thể tái sinh như một con người được. Sự tái sinh phải xảy ra ở một trong những cảnh giới khác, chẳng hạn “súc sinh giới” hoặc một trong những khổ cảnh như địa ngục hay ngạ quỷ.
A
. Một người có thể tái sinh làm thú không?
B
. Có những người cư xử giống như loài súc sinh, làm thế nào họ có thể tái sinh như con người được? Mọi người sẽ thọ nhận quả của nghiệp mình làm một cách tương xứng.
A
. Phải chăng do nghiệp của một người mà họ được tái sinh trong hoàn cảnh thuận lợi, chẳng hạn trong hoàng tộc hay trong gia đình hào phú?
B
. Đúng vậy, đây là do một nghiệp thiện đã làm trong quá khứ.
A
. Tôi thấy rằng ngay cả những người được sinh trong cùng hoàn cảnh, chẳng hạn trong những gia đình giàu có, cũng rất khác nhau. Có số người giàu thì quảng đại, số khác lại bủn xỉn. Làm thế nào để giải thích điều này?
B
. Sở dĩ người ta khác nhau vì mỗi người có những sở thích và khuynh hướng đã tích lũykhác nhau khiến cho họ cư xử theo những cách khác nhau. Chúng ta đọc trong bài kinh đã trích dẫn ở trên về người đàn ông sinh trong gia đình giàu có, nhưng không thể hưởng được những điều khả lạc của cuộc đời vì tính bủn xỉn đã tích luỹ của ông ta. Mặc dù ông có cơ hội để chia sẻ với người khác số tài sản lớn của mình song ông lại không muốn làm điều này. Trong khi có những người khi được may mắn, họ biết nắm bắt cơ hội để chia sẻ những gì mình có với người khác. Chính những khuynh hướng mà người ta đã tích luỹ khác nhau này tạo điều kiện cho họ làm những nghiệp bất thiện để sẽ đem lại những quả bất thiện, hoặc tạo điều kiện cho họ làm điều thiện để sẽ mang lại những kết quả khả lạc. Con người có những thái độ khác nhau đối với quả (vipāka). Thái độ mà họ cư xử đối với quả (vipāka) quan trọng hơn tự thân quả, vì chính thái độ này sẽ làm duyên hay tạo điều kiện cho cuộc đời họ trong tương lai.
A
. Liệu quả thiện (kusala vipāka) có thể là một trợ duyên cho hạnh phúc không?
B
. Những điều được xem là khả lạc đối với năm căn hay năm giác quan không thể bảo đảm hạnh phúc đích thực và trường cửu. Người giàu có được mọi điều vừa lòng đối với năm căn có thể vẫn sống không hạnh phúc. Chẳng hạn, khi người ta ngồi trong một khu vườn xinh đẹp, đầy kỳ hoa dị thảo và chim muông ca hót, họ có thể vẫn cảm thấy chán chường. Vào sát na người ta buồn chán ấy các tâm của họ là tâm bất thiện, thực ra người ta không phải lúc nào cũng vui vẻ với những điều khả ái chung quanh. Không hạnh phúc và hạnh phúc tuỳ thuộc vào những tích luỹ của họ về bất thiện nghiệp và thiện nghiệp.
Nếu bạn cảm thấy không hạnh phúc thì đó là do những phiền não của bạn. Cảm giác khó chịu ấy được tạo điều kiện bởi sự dính mắc, chấp thủ. Nếu không được những gì mình muốn, bạn cảm thấy khổ. Nếu hoàn toàn không dính mắc vào gì cả, ắt hẳn bạn sẽ không đau khổ. Bạn có thể sống hoàn toàn hạnh phúc nếu bạn tịnh hoá được mọi phiền não.
Trong Tăng Chi Kinh (Aṅguttara Nikāya) chúng ta đọc thấy rằng khi Đức Phật trú ngụ tại Alavi, thì Hatthaka đang đi bộ hành đến đó, thấy đức Phật ngồi trên đất có trải lá, ông hỏi Đức Phật:
“Bạch Thế Tôn, Thế Tôn sống có an lạc không?”
“Có, này chàng trai, ta sống được An lạc. Ta là một trong những người sống An lạc nhất ở đời.”
“Nhưng, bạch Đức Thế Tôn, những đêm mùa đông rất lạnh, kỳ trăng non của tháng là thời kỳ tuyết rơi. Cứng thay là đất bị trâu bò dẫm đạp, mỏng manh là nệm làm bằng lá, lưa thưa là những tàn lá cây, lạnh là tấm y casa và lạnh là những làn gió thổi.”
Thế Tôn nói như sau: “Dẫu vậy, này chàng trai, ta sống được an lạc. Trong số những người sống an lạc ở đời, ta là một.”
Sau đó Đức Phật lưu ý rằng một người đàn ông dù có nhà cao, cửa rộng, trải thảm len với lông dài, có giường nằm tốt, với bốn người vợ đẹp, vẫn còn có tham, sân, và si. Những phiền não sẽ khiến cho “thân và tâm nhiệt não”, những phiền não sẽ khiến cho khổ đau. Còn Đức Phật đã hoàn toàn đoạn tận mọi phiền não, và như vậy dù có quả bất thiện hay quả thiện cũng không quan trọng đối với ngài. Ngài có thể sống hoàn toàn an lạc bất kể hoàn cảnh có là như thế nào.
A
. Chúng ta có thể tịnh hoá bản thân như thế nào để có được thái độ đúng đắn đối với quả?
B
. Chúng ta chỉ có thể tịnh hoá bản thân khi chúng ta biết được nhân sanh của phiền não. Nhân sanh của phiền não là vô minh. Do vô minh chúng ta tin mình có một “cái ngã”, chúng ta chấp vào “cái ngã” này. Vô minh làm duyên cho tham ái và sân hận, nó gây ra mọi bất hạnh trong đời. Chỉ có trí tuệ mới diệt được vô minh. Trong thiền minh sát (vipassanā) trí tuệ được phát triển để loại trừ dần ngã kiến. Chỉ khi tà kiến (tin có một cái ngã thường hằng) này bị trừ diệt hoàn toàn, mọi phiền não mới dứt trừ dần theo từng giai đoạn.
Bậc Alahán, bậc đã đạt đến giai đoạn cuối cùng của sự giác ngộ, đã đoạn tận mọi phiền não. Ngài không còn tham, sân, si nữa. Vì không còn phiền não nên ngài hoàn toàn an lạc. Sau khi ngài nhập diệt sẽ không còn quả nào cho ngài trong tương lai, và như vậy đối với ngài sẽ không còn phải tái sinh lại nữa.
Trong Trung Bộ Kinh III, kinh nói về: “Phân tích các Giới” hay “Giới phân biệt”, chúng ta đọc thấy chuyện Đức Phật dạy Pháp (dhamma) cho Pukkusāti khi hai người đang trú qua đêm trong nhà người thợ gốm. Đức Phật dạy cho ông về các hiện tượng vật lý (sắc pháp), các hiện tượng tâm lý (danh pháp) và cách tu tập tâm dẫn đến quả vị Alahán. Bậc Alahán không chấp thủ cuộc sống. Để mô tả trạng thái của bậc Alahán, Đức Phật đã dùng ví dụ cây đèn dầu cháy nhờ vào tim và dầu nhưng nó sẽ tắt nếu dầu cạn, tim lụn. Điều này cũng giống như những điều kiện cho sự tái sinh. Bao lâu còn có những phiền não thời còn có nhiên liệu cho sự tái sinh. Khi phiền não đã được đoạn tận thời nhiên liệu cho sự tái sinh cũng không còn nữa. Bài kinh tiếp tục mô tả trí tuệ cao tột của những bậc đã đạt đến sự giác ngộ là “trí đoạn tận khổ”.
Trí hay trí tuệ được phát triển trong thiền minh sát (vipassanā) dẫn đến Niết-bàn và chấm dứt mọi khổ ưu.
Thiền Viện Viên Không
Đầu mùa An cư 2550 (2006 DL )
Tỳ Khưu Pháp Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét