Trang

TÁM BƯỚC GIẢI THOÁT (Hạnh Cơ)


Giải thoát là cởi bỏ được mọi sự trói buộc. Khi hành giả diệt trừ được mọi phiền não, không còn bị ràng buộc bởi những kiến chấp, chướng ngại, mê muội, thì được giải thoát. Thành quả giải thoát này gồm có tám bước, do công phu tu tập tám phép thiền định mà đạt được. Khi đã đạt được cả tám bước giải thoát ấy rồi thì hành giả liền vượt thoát ra ngoài ba cõi, chấm dứt sinh tử luân hồi.

1. Bước giải thoát đầu tiên:

Trong tự thân đã sẵn có tâm tham ái về chính sắc thân của mình, vì muốn diệt trừ tâm tham ái ấy, hành giả quán chiếu để thấy rõ tính chất bất tịnh, vô thường của thân thể mọi người. Do sự quán chiếu này mà tâm tham ái tự thân không còn nữa. Đó là bước giải thoát đầu tiên của hành giả. (Nội hữu sắc tưởng, quán ngoại sắc giải thoát.)

2. Bước giải thoát thứ hai:

Tuy tâm tham ái tự thân đã dứt, nhưng tâm tham ái đối với cõi Dục vẫn còn nhiều, cho nên hành giả cần tiếp tục quán chiếu để thấy rõ hơn nữa tính chất vô thường, bất tịnh của vật chất (sắc thân mọi người) ở cõi Dục; từ đó diệt trừ được tâm tham ái đối với cõi Dục. Đó là bước giải thoát thứ hai của hành giả. (Nội vô sắc tưởng, quán ngoại sắc giải thoát.)

3. Bước giải thoát thứ ba:

Khi tâm tham ái đối với tự thân và vật chất cõi Dục đã không còn khởi động nữa thì cái đẹp hiển hiện. Tâm ý của hành giả bấy giờ trở nên trong sạch, sáng suốt, và tiếp tục quán chiếu để thấy rõ sự nhiệm mầu của thực tại vạn hữu; từ đó niềm an lạc phát sinh và tăng trưởng trong khắp tự thân. Hành giả hoàn toàn an trú trong cảnh giới an lạc ấy, và đạt được bước giải thoát thứ ba. (Tịnh giải thoát, thân tác chứng, cụ túc trú.)

4. Bước giải thoát thứ tư:

Với tâm ý trong sáng, không tham đắm, không vướng mắc, hành giả vượt ra khỏi phạm vi hạn hẹp của tự thân để quán chiếu tính chất vô biên của không gian và đồng nhất mình với không gian vô biên đó; đồng thời hành giả cũng thấy rõ tính cách đồng nhất giữa không gian vô biên và các vật thể. (Không vô biên xứ giải thoát.)

5. Bước giải thoát thứ năm:

Tiến thêm một bước, hành giả quán chiếu để thấy rõ rằng, cả không gian và thời gian đều dung nhiếp lẫn nhau, nương vào nhau mà tồn tại; cả hai đều không đứng độc lập với nhận thức, mà chính là những biểu tượng của nhận thức. Hành giả an trú trong chánh niệm “tâm thức bao hàm cả không thời gian”, tức là an trú trong bước giải thoát thứ năm. (Thức vô biên xứ giải thoát.)

6. Bước giải thoát thứ sáu:

Hằng ngày chúng ta nhìn thực tại bằng các khuôn khổ của tư tưởng – tức là những ý niệm đối đãi về trong - ngoài, có - không, sinh - diệt, cao - thấp, trên - dưới, lớn - nhỏ, v.v... Nhưng tự thân thực tại thì không bao giờ mang lấy những khuôn khổ như vậy. Cho nên, khi tu tập phép thiền định thứ sáu này, hành giả phải quán chiếu để thấy rõ tính chất vô tướng của thực tại vạn hữu. Với phép thiền quán này, hành giả vượt thoát được thế giới khái niệm, vất bỏ được các khuôn khổ của tư tưởng, và thực tại hiển lộ trong thật tướng như như bình đẳng của nó. Đó là bước giải thoát thứ sáu mà hành giả đạt được. (Vô sở hữu xứ giải thoát.)

7. Bước giải thoát thứ bảy:

Khi hành giả bước sang giai đoạn vất bỏ được sự phân biệt về chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức – tức là không còn thấy có một bên là chủ thể quán chiếu và một bên là đối tượng quán chiếu, thì đó là lúc hành giả đang ở trong trạng thái thiền định gọi là “không phải tư tưởng cũng không phải là không phải tư tưởng”; tức là bước giải thoát thứ bảy. (Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.)

8. Bước giải thoát thứ tám:

Đây là bước giải thoát sau cùng, là đỉnh cao nhất của tuệ giác mà hành giả đạt được. Lúc này hành giả thật sự thấu suốt chân tướng của thực tại, giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khái niệm (cảm thọ và tư tưởng), phá tan được lưới sinh tử, không rơi lọt lại vào vòng luân hồi. (Diệt tận giải thoát, hay Diệt thọ tưởng giải thoát.)



Do dùng trí tuệ quán chiếu mà thấy rõ được thật tướng của vạn hữu thì gọi là giác ngộ. Chữ “đại nhân” ở đây được dùng để chỉ cho các bậc đã giác ngộ. Các bậc đại nhân sở dĩ đã giác ngộ là vì quí ngài đã dùng trí tuệ quán chiếu và đã thấy rõ chân tướng của thực tại vạn hữu qua tám đề tài thiền quán sau đây:
1. Cuộc đời, nói chung là những yếu tố cấu tạo nên con người và vạn vật như bốn đạinăm uẩn đều là trống rỗng (không); là sinh diệt và thay đổi không ngừng (vô thường); là đầy dẫy khổ đau (khổ); là hư ngụy và không có thực thể (vô ngã); còn nói riêng về “ta” thì tâm ta là nguồn cội phát sinh bao điều xấu, và thân ta thì chỉ là nơi tích tụ của vô vàn tội lỗi.
2. Càng lắm tham muốn (đa dục) thì càng nhiều khổ đau (đa khổ). Càng ít tham muốn (thiểu dục) thì thân tâm càng được thư thái (tự tại).
3. Càng chạy theo danh lợi thì càng gây nhiều phiền não tội lỗi. Nếu biết sống vừa ý với điều kiện
vật chất khiêm nhượng (tri túc) thì tâm ý lúc nào cũng được an vui, để chỉ đeo đuổi một sự nghiệp duy nhất của mình là thành tựu trí tuệ giác ngộ.
4. Tính lười biếng luôn luôn đưa ta đến con đường đọa lạc. Vì vậy, ta phải luôn luôn siêng năng tu tập để diệt trừ phiền não và vượt khỏi vòng trói buộc của sinh tử luân hồi.
5. Chính vì vô minh mà ta cũng như mọi người cứ bị giam hãm trong ngục tù sinh tử. Vì vậy, ta luôn luôn phải cố gắng học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ, đạt được biện tài để giáo hóa cho mọi người, tất cả đều được niềm vui lớn.
6. Sự nghèo khổ dễ khiến cho người ta gây nên nhiều tội lỗi xấu xa; cho nên người tu hạnh Bồ-tát phải thường xuyên thực hành hạnh bố thí, không phân biệt kẻ ghét người thương, bỏ qua những điều ác người ta đã làm đối với mình, và biết xót thương những người đã làm ác.
7. Năm thứ dục vọng (ngũ dục) đầy sức quyến rũ, làm cho con người gây nên tội lỗi và chịu nhiều hoạn nạn; cho nên người tu học sống trong thế tục mà không nhiễm những thói hư tật xấu của thế tục, lúc nào cũng sống đời đạm bạc, giữ phạm hạnh thanh cao, đem lòng từ bi để đối xử với tất cả mọi người.
8. Mọi loài chúng sinh đang chịu bao thống khổ trong biển lửa sinh tử, cho nên hạnh nguyện của người tu học là phát tâm đại thừa, nguyện cứu tế cho mọi người, mọi loài, khiến cho tất cả đều đạt được niềm vui giải thoát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét