Trang

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị

Sự xâm hại đó báo động tình trạng thấp kém về văn hóa ứng xử của con người thời nay. Tức là, qua những vết nứt, những chỗ sạt lở, những chỗ bị gây ô uế… trên con đường gốm sứ, vẻ đẹp của công trình văn hóa này bị biến dạng, làm lộ ra sự thiếu văn hóa của chính con người chúng ta, đặc biệt là những cư dân của Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Dư luận gần đây rất bất bình về tình trạng "đe dọa" xuống cấp của Con đường gốm sứ Hà Nội và những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một bộ phận người dân Thủ đô đối với công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã ghi danh vào sách kỷ lục Guiness (10.2010). VTC News đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn Phòng Bộ Văn Hóa-Thông Tin, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam xoay quanh vấn đề trên.

- Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa, xin tiến sĩ chia sẻ thêm về sự kiện Con đường gốm sứ Hà Nội được ghi danh kỷ kục Guiness?

-  Trước khi Con đường gốm sứ được ghi danh kỉ lục Guiness, công trình này đã ghi sâu vào tâm khảm tôi và nhiều người yêu văn hóa trong nước cũng như trên thế giới. Khi Con đường gốm sứ được kỉ lục Guiness công nhận, tôi thấy đó là một tất yếu. Có thể, cuốn sách nổi tiếng này sẽ nổi tiếng hơn nhờ đã biết đến và công nhận một công trình văn hóa độc đáo của Việt Nam.

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
TS. Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn Phòng Bộ Văn Hóa-Thông Tin, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam
- Gần đây dư luận nói nhiều về hiện trạng xuống cấp của Con đường gốm sứ Hà Nội và thái độ cư xử thiếu văn hóa của người dân thủ đô… Sự “xuống cấp” ở cả hai nghĩa vật chất và tinh thần này có ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào tới hình ảnh của một công trình văn hóa mang tầm cỡ quốc tế?

- Bản thân Con đường gốm sứ không bao giờ xuống cấp cả, bởi đó là một công trình văn hóa vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính đại chúng cao, nó sẽ tồn tại lâu dài trong lòng người với nguyên vẹn giá trị của nó. Nói cho chính xác, công trình văn hóa này đang bị thiếu tôn trọng, thậm chí bị xâm hại, cần phải báo động. Sự xâm hại đó làm cho công trình bị tổn hại về mặt vật chất và thẩm mỹ. Sự xâm hại đó báo động tình trạng thấp kém về văn hóa ứng xử của con người thời nay. Tức là, qua những vết nứt, những chỗ sạt lở, những chỗ bị gây ô uế… trên con đường gốm sứ, vẻ đẹp của công trình văn hóa này bị biến dạng, làm lộ ra sự thiếu văn hóa của chính con người chúng ta, đặc biệt là những cư dân của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
Con đường gốm sứ Hà Nội - Niềm tự hào văn hóa của Việt Nam 
- Là người hoạt động rộng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nhiều năm nay ở các cương vị nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, nhạc sĩ... vốn rất yêu chuộng cái đẹp, trước thực trạng trên hẳn tiến sĩ rất đau lòng?
- Tôi rất đau lòng về thực trạng này – thương cho một công trình văn hóa bị đối xử thiếu văn hóa, và thương cả cho người dân ta không biết trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

- Và liệu có thể nói đến từ “trách nhiệm” ở đây khi trong thời gian qua những người thuộc ban quản lý dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng đều đã cố gắng khắc phục nhưng hiện trạng nứt vỡ của bức tranh gốm vẫn ngày một lan rộng bởi tác động của ngoại cảnh?


- Có thể nói đến trách nhiệm lắm chứ! Trước hết, đó là trách nhiệm của những người đã trực tiếp có hành động xâm hại Con đường gốm sứ. Tiếp đến là trách nhiệm của những người được giao quản lý hành chính khu vực có Con đường gốm sứ chạy qua. Rồi trách nhiệm của ngành Văn hóa, Công an… Tuy vậy, có thể do có nhiều cơ quan có trách nhiệm quá nên cuối cùng là “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, “Cha chung không ai khóc”.
TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
Những vết nứt vỡ này là do ngoại cảnh hay "nội tình"? 
- Còn “vấn nạn” ứng xử thiếu văn minh của người dân Thủ đô đối với công trình nhiều giá trị này thì sao ạ?  

- Hiện nay, nước ta có nhiều vấn nạn lắm (vấn nạn giao thông, vấn nạn dạy thêm, học thêm, vấn nạn bạo lực trong nhà trường…), thậm chí là quốc nạn, như tham nhũng chẳng hạn, cho nên việc ứng xử thiếu văn minh của người dân Thủ đô đối với công trình nhiều giá trị này chỉ là một biểu hiện cụ thể của vấn nạn về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử mà thôi.

Nhân đây, tôi nói thêm là văn hóa ứng xử của dân ta đang có nhiều biểu hiện xấu đáng báo động. Đó là tình trạng lạm dụng bạo lực trong khi thực thi nhiệm vụ (như những vụ cảnh sát đánh người, giáo viên đánh học sinh, bảo mẫu hành hạ trẻ thơ, nhân viên Hàng không Việt Nam xử sự thô bạo với hành khách…), là những hành xử vô trách nhiệm gây nên hàng loạt vụ tai nạn giao thông, là sự xâm phạm hàng loạt di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh… Trên góc độ thẩm mỹ, cái xấu đang lấn lướt, nhơn nhơn trong cuộc sống mà chưa bị ngăn chặn một cách nghiêm khắc với những biện pháp mạnh mẽ mang tính đồng bộ, cái đẹp có lúc có nơi bị coi thường, hạ thấp, làm cho hình ảnh đất nước bị xấu đi.

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
Một sự xâm lấn văn hóa cần được "báo động đỏ"  
- Ở nước ngoài, người dân rất có ý thức bảo vệ văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của nước họ nhưng ở Việt Nam hiện nay vẫn “tồn đọng” nhiều cách hành xử kém với các công trình văn hóa, lịch sử của quốc gia. Phải chăng đó là hệ lụy của tư duy thiển cận, trình độ dân trí thấp?

- Đúng, đó là hệ lụy của tư duy thiển cận, trình độ dân trí thấp. Bên cạnh đó còn do lối sống thực dụng, ham vật chất mà coi nhẹ những giá trị tinh thần.

- Theo tiến sĩ thì sự can thiệp hành chính đối với các hành vi ứng xử kém văn hóa với con đường gốm sứ sẽ chỉ đem lại hiệu quả tức thời?

- Vâng, sự can thiệp hành chính đối với các hành vi ứng xử kém văn hóa với Con đường gốm sứ chỉ đem lại hiệu quả tức thời, tuy vậy cũng rất cần thiết. Một khi chưa làm được những việc mang tính cơ bản, lâu dài thì phải thực hiện một số biện pháp cấp bách, nhất thời. Mặt khác, các biện pháp hành chính cũng thuộc phạm trù văn hóa pháp luật, sẽ có tác dụng góp phần xây dựng thói quen thực thi pháp luật trong dân chúng, từ đó tạo ra hiệu quả cơ bản, lâu dài.

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
Sự can thiệp hành chính của cơ quan chức năng với những hành vi phá hoại như thế này không thể là kế sách lâu dài 
- Có vẻ như ở nước mình công tác giám sát, bảo tồn chưa “gọn” lắm nên nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử vẫn bị xuống cấp sau một thời gian tu sửa, các lễ hội vẫn biến tướng ngày một nhiều. Vì các cơ quan chức năng đã “thả lỏng” hay các dự án khắc phục còn ở “một phía” người chịu trách nhiệm chính chứ chưa có sự tham gia của người “đồng trách nhiệm” là người dân?

- Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước của ta trên nhiều phương diện, trong đó có quản lý văn hóa, còn thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả cho nên không phải chỉ có nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử vẫn bị xuống cấp sau một thời gian tu sửa, các lễ hội vẫn biến tướng ngày một nhiều, mà trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội cũng có tình trạng tương tự, thậm chí còn vi phạm và xuống cấp trầm trọng hơn. Mặt khác, người dân cũng còn thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ di tích, tổ chức và tham gia lễ hội.

- Vậy điều gì khó khăn nhất cho công tác bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa?

- Khó nhất là xây dựng được ý thức đúng đắn, ý chí thống nhất, hành động thống nhất của chính quyền các cấp, các ngành và người dân đối với việc bảo tồn và phát huy một giá trị văn hóa.

TS Phạm Việt Long: Cái xấu đang hủy hoại nhiều giá trị
Thiếu ý thức đồng bộ, liệu những giá trị văn hóa tuyệt đẹp như thế này có được bền lâu? 
- Là một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm, tiến sĩ có ý kiến đóng góp gì nhằm khắc phục thực trạng trên, tiêu biểu là trường hợp Con đường gốm sứ Hà Nội?

- Như chúng ta biết, con người là một loài động vật cao cấp, có ý thức, có tổ chức xã hội. Con người hành động với tư cách là một thành viên của xã hội không phải theo bản năng, mà theo ý thức. Một khi ý thức được định hướng rõ, đúng, thì con người có khả năng làm được nhiều điều tốt đẹp. Cho nên, để khắc phục được thực trạng nói trên, trước hết phải xây dựng được ý thức văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức trách nhiệm cho toàn thể xã hội. Nói rộng hơn là phải nâng cao dân trí về mọi mặt. Bên cạnh đó, cũng phải có các biện pháp hành chính để ngăn chặn, răn đe các hành vi vi phạm.

Đối với Con đường gốm sứ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần nâng cao trách nhiệm hơn, từ đó đề ra các biện pháp phù hợp để bảo vệ, phát huy những giá trị vật chất, tinh thần của công trình văn hóa đầy ý nghĩa này.

- Vâng, xin chân thành cảm ơn tiến sĩ!



Theo Hoàng Nghĩa (thực hiện)/vtc.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét