Trang

Ý Nghĩa Hạnh Trì-Bình Khất-Thực của Nhà Phật

Ý Nghĩa Hạnh Trì-Bình Khất-Thực của Nhà Phật


Thưở Ðức Phật trở về cố quốc, xứ Ca-bi-la-vệ, một buổi sáng nọ, Ðức Thế Tôn cùng 1.250 vị Tỳ-Khưu vào thành, tuần-tự đi trì-bình khất thực.
Ðức Tịnh-Phạn-Vương còn đương trong phòng rửa mặt, chải tóc, bà Da-Du-Ðà-La vào tâu rằng: "Muôn tâu Phụ-Vương, Thái Tử Sĩ-Ðạt-Ða đã trở về, nhưng còn mang bát đi xin ăn dài theo đường". Ðức vua nghe qua rất bất bình, vội vàng quấn tóc, xốc áo xuống lầu đến đón ngay trước mặt Ðức Thế Tôn. Ðang đi, Ðức Phật dừng lại, với tướng hào quang minh, oai nghiêm, từ mẫn khác thường. Vua Tịnh-Phạn trong lòng bối rối, nửa mừng nửa ngại. Nhưng vì lòng tự tôn của hoàng tộc, Ðức Vua cung kính bạch rằng: "Bạch hóa Ðức Thế Tôn, người trong hoàng gia luôn luôn sống trên trăm họ, ngọc ngà, châu báu, vàng bạc thiếu chi, Trẫm lấy làm xấu hổ mà thấy Ðức Thế Tôn đi hành khất mong nhận vật thí của dân gian để sống như vầy. Bạch hóa Ðức Thế Tôn từ nay Trẫm xin Ðức Thế Tôn cùng Chư Tăng ngự an một chỗ trong hoàng cung, cho Trẫm lo việc ăn uống hằng ngày, để Trẫm khỏi đau buồn tủi hổ".
Ðức Phật ôn tồn trả lời: "Kính thưa Phụ Vương, quả thật từ xưa, hàng vương tước vẫn sống trong cung vàng điện ngọc, khô lân chả phụng thiếu chi. Nhưng đây là đời sống của Phật, Như Lai hôm nay vẫn giữ hạnh tri-bình khất-thực theo Chư Phật trong quá khứ. Phụ vương chớ nên e ngại, hạnh trì-bình khất-thực này có nhiều phúc báu lớn lao cho tất cả bá tánh".
Sự tích tóm tắt hạnh trì-bình khất-thực của Ðức Phật mà Chư Tăng Phật-Giáo Nam-Tông trên thế giới phải noi theo là thi hành đúng theo Pháp giáo của Ðức Phật Tổ Thích-Ca.
Hơn nữa, hạnh trì-bình khất-thực còn có nhiều ý nghĩa, lợi ích lẫn kẻ thí và người thọ, nên Chư Tăng trong Phật-Giáo không được phép bỏ qua. Hạnh Trì-bình khất thực có những ý nghĩa như dưới đây:
1. Diệt tánh tự cao ngã mạn
Khi đã thế phát, ly gia cắt ái, nguyện xuất gia làm Tăng-đồ, tức là được sanh vào dòng Phật, dù trước kia là vua, quan nhà tướng, phù hộ, giàu sang quyền quí đến đâu, nay đã xuất gia rồi, có Tam-y, quả bát là món cần thiết cho sự sống hằng ngày, để khỏi bận tâm lo sắm vật thực. Hằng ngày mang bát xin ăn, đi từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo chủng-tộc. Ðã là kẻ ăn xin, tự nhận mình gởi sự sống nơi kẻ khác, tùy lòng bố thí, dở, ngon, nhiều, ít, mặn, lạt cũng vui lòng nhận. Tánh tự cao, ngã mạn của mình đương nhiên bị mài dũa dưới cấp hạ-đẳng bần dân là một kẻ ăn xin. Nếu gặp phải kẻ chê bai, chỉ trích, nhà sư cũng cam chịu với lòng nhẫn nại và thứ tha cho người kém sự hiểu biết. Nhờ đó mà lòng sân nộ, tự ái, không có cơ phát-khởi.
Bình thản chịu đựng mọi lời dèm pha nhẫn nại với nắng chan, đá cứng, nhà sư đem cái thân Như-Lai tướng ra gợi ý cho những người có lòng bác-ái và nhân từ, họ suy nghĩ đến nền đạo-đức của nhà Phật mà phát tâm thương xót, thể hiện bằng cách bố thí, rồi tìm hiểu giáo-lý Ðạo Phật thêm.
2. Giản-dị trong sự sống hàng ngày
Nhà sư đi trì-bình khất-thực, không còn phải chịu theo vị giác của miệng lưỡi nữa, không bị sự thèm ăn làm chủ. Thế thường, vì sự thèm ăn mà người đời phải nhọc nhằn, cực khổ và gây nên tội. Nhà sư chỉ cần ăn lấy no để cho cơ thể khỏi bịnh đói hoành hành, hầu rảnh tâm tu hành học tập. như thế, món ăn chỉ là thuốc trừ bệnh đói thôi. Những khi đau ốm khó chịu, vì muốn lành mạnh mà ta phải uống thuốc. Dù chua, hôi, cay, đắng đến đâu ta cũng phải uống, vì cần yếu là được mạnh lành. Sự ăn uống của nhà sư cũng như thế ấy, dù mặn, lạt, dở, ngon cũng phải ăn, phải nuốt cho xong.
Nhà sư nghĩ rằng: vật thực này chỉ là nguyên chất của đất, nước, gió, lửa, ta phải đem nhập vào thân thể để nuôi dưỡng xác thân, đất, nước, gió, lửa này cho nó đầy đủ, để khỏi phải yếu kém mà sanh bịnh hoạn, khó chịu, đặng ta nhờ nó mà tu hành theo Phạm Hạnh. Vì thế nên ai có món ăn chi, thì nhà sư ăn nấy, không thể đòi hỏi theo ý mình hay cố chấp, món chay, món mặn. Hơn nữa, nếu nhà sư không giản-dị trong thức ăn, không làm chủ vị giác được thì còn bao nhiêu việc thèm thuồng ham muốn khác, nó sẽ sai đòi hỏi, rồi phải chịu theo tức là làm nô-lệ nó, thì nó sẽ dẫn dắt ta đi dần vào tội lỗi. Vì thế nên nhà sư phải làm chủ vị giác là trận tuyến đầu tiên mà nhà sư phải quyết thắng, mới mong tiến bước trên đường đạo pháp.
3. Trực tiếp thọ ân xã-hội
Chúng ta sống trong trần thế không thể cô-độc được. Ta phải chung sống với xã-hội loài người, quần tụ nương tựa cùng nhau. Thử nghĩ, một người bị đắm thuyền trôi giạt vào một hoang đảo, hay một người đi lạc vào rừng sâu, sự sống cô độc sẽ gặp bao nhiêu điều khó khăn bất tiện. Từ việc ăn, ở, đến việc bảo toàn sinh mạng, sức khoẻ, làm sao châu đáo được. Vì thế nên loài người phải sống tập thể để có giúp đỡ, đổi chát lẫn nhau. Chúng ta thấy đồng bào miền sơn-cước người Thượng, ít hiểu biết về văn hóa, trí khôn còn thấp kém, mà còn biết sống chung với nhau từng xóm, từng sóc. Khi có điều chi không vừa ý, thì dời đi nơi khác và cũng cùng đi hết cả xóm, cả sóc. Ðến loài chim, loài ong, loài kiến v.v... cũng sống hợp bầy cùng nhau. Thế thì sự liên-quan mật thiết giữa ta và xã hội loài người thật rất quan trọng cho đời sống. Từ bộ-lạc tiến lên thôn ấp, quốc-gia, cũng không ngoài điều quan yếu ấy. Có nhiều người vì không để ý đến điều đó, nên dù sống giữa đô-thị mà cũng không cảm-thông sự quan-hệ ấy, ỷ mình có tiền của, có quyền hành là có tất cả, muốn chi được nấy không cần nghĩ đến ai khác.
Là Phật-Tử, trong bốn trọng-ân, có ân xã-hội là một mà chúng ta phải ghi nhớ.
Hạnh đi trì-bình khất-thực hằng ngày nhà Sư thọ vật thí của bá tánh, nhờ đó mà nuôi sống một cách chơn chánh, giản-dị, nhà Sư được sự nhắc nhở rõ rệt hằng ngày ý nghĩa ơn xã-hội. Rồi tự xét mình mà siêng năng, tu học, giữ gìn tịnh hạnh, để duy-trì đạo-đức hầu góp phần xây dựng hạnh-phúc cho xã-hội, phải làm những gì để khỏi phải phạm là kẻ vong ân xã-hội.
4. Khước bịnh nhờ vận-động cơ-thể
Loài người là một trong các loài động vật. Nhờ có sự thay đổi điều hòa bốn oai nghi mà thân thể được khoẻ mạnh. Hàng xuất gia rất cần vận-động cơ-thể, vì không còn làm việc như ngưòi thường thế trong việc sinh sống hằng ngày nữa. Nếu không có hạnh trì-bình khất-thực thì hàng xuất-gia ít có việc chi vận-động toàn cơ-thể. Nhờ đi bộ, đi trì bình, mà thân thể được khoan-khoái, kiện khang. Nhứt là ban mai, không khí trong lành, nắng sáng không gay gắt, đi trì-bình khất-thực 1, 2 giờ đồng hồ cảm thấy khoẻ-khoắn, vui tươi. Nhờ đó mà tinh-thần sản khoái và ít đau ốm.
5. Tạo cơ-hội cho bá-tánh làm phước
Phần đông ai ai cũng bận việc công, tư. Người giàu cũng như người nghèo, quan cũng như dân. Vì thế cho nên không rảnh rang đi chùa, làm phước, nhứt là ngưòi nghèo, hay tự ti mặc-cảm, nghĩ tủi phận bần hành, tiền của chẳng dư, y-phục không tốt đẹp, không có thì giờ rảnh rỗi và không có lễ vật xứng đáng như mọi người lại càng không nghĩ đến việc đi chùa; ít nghĩ đến việc làm phước. Lại cũng có đông người chưa hiểu rõ lợi ích của sự bố thí, làm phưóc nữa. Nhà Sư có thì giờ, có bổn-phận đi trì bình khất-thục để cho bá tánh có cơ-hội làm phước dễ dàng và khỏi mất thì giờ. Nếu nhà sư không đi trì-bình, cứ ở mãi tại chùa thì chỉ có những người giàu có, dư dả đến chùa dâng cúng, còn những người nghèo khó không có cơ duyên làm phước.
Vật để bát cho nhà sư không cần nhiều, ít mà cần nhứt là thí chủ hoan-hỷ với vật thực mà tự tay mình để bát cho nhà sư. Một trái chuối, một cái bánh, một chút muối, đường thí chủ vui thích với sự làm phước của mình, tức là người ấy đã gieo duyên lành vào phước điền của Phật-Giáo. Thí chủ được dịp bố thí, dù là ít oi, nhưng việc làm đơn giản này nó có phước báu vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này.
Vì thế, nhà sư còn sức khoẻ, có thì giờ, phải đi tri-bình khất-thực để tạo cơ hội cho bá tánh dễ dàng gieo trồng thiện duyên trong Phật-giáo.
6. Giữ gìn tịnh hạnh để trở nên phước điền.
Bố thí cho kẻ bần nhơn, ăn xin thường thế còn có phước thay, huống là bố thí cho nhà sư, nhứt là nhà sư có giới đức. Về phần nhà sư luôn luôn tự xét mình trong việc giữ gìn giới luật trong sự tinh tấn tu hành, thân tâm không biếng nhác, phải làm như thế nào cho đúng với bổn phận của bậc xuất gia, trở nên phước điền của chư Thiên và nhơn loại. Nếu đi trì binh thọ vật thí của bá tánh mà giới hạnh không tinh nghiêm, tu hành không chín chắn, thì không xứng đáng là phước điền, không sánh được với kẻ ăn xin thường thế, mà Ðức Phật gọi là kẻ cướp đội lốt nhà sư, sẽ mang lấy bao nhiêu khổ báo sau này. Nhờ hằng suy xét như thế, nhà sư càng thêm cố gắng giữ gìn tịnh hạnh và siêng năng tu học.
7. Rải tâm từ cho tất cả mọi người, tất cả chúng sanh
Trước khi ra đi khỏi tịnh thất, nhà sư khởi niệm Tâm Từ, tức rải tư tưởng lành, rải khắp chúng sanh, nhứt là trên bước đường sẽ trải qua. Khi ra đường, nhà sư phải thu thúc lục căn, hướng tâm cầu nguyện cho bá tánh được hạnh phúc an vui, khỏi khổ, khỏi bịnh tật ốm đau và không điều oan trái lẫn nhau.
Không phân biệt tôn giáo, giai cấp, nam nữ, lão ấu, nhà sư mở rộng lòng Từ với tất cả, giữ tâm mềm mại, chan chứa tình thương, nhu hòa trong ngôn ngữ, cử chỉ. Khi đứng trước nhà nào, nhà sư lại phải thu tâm quán tưởng thân, thọ, tâm pháp. Khi trở về chỗ ngụ, nhà sư đi khoan thai, trang nghiêm bằng cách buộc tâm trong pháp-niệm từng bước đi một nhà sư không để tâm phóng túng, gìn giữ oai nghi, tế-hạnh, biểu lộ Tăng đồ nhà Phật khác hơn kẻ thế.
8. Truyền bá Phật giáo
Ở Việt Nam có nhiều nơi đồng bào ta chưa hiểu rõ phước báu của sự để bát, chưa biết hạnh trì bình của nhà sư, chưa hiểu giáo-lý Nguyên Thủy của Ðạo Phật. Nhà sư đi trì bình khất thực có dịp tiếp xúc với đồng bào để giải giáo-lý đạo Phật, dù là vắn tắt, đơn sơ, những rất hữu ích trong việc góp phần hoằng dương Phật Pháp.
Trước khi đi sâu vào sự học hỏi giáo lý Ðạo Phật, việc mở đường cho bá tánh bằng nhiều phương tiện, mà hạnh trì bình khất thực là một. Vừa giúp ích cho người vừa lợi cho mình, nhứt là sự thực hành giới luật trong Giáo-Pháp Phật-Giáo Nguyên-Thủy Nam-Tông. Hàng xuất gia trong Phật Giáo Nguyên-Thủy Nam-Tông không vì lý do gì mà lẫn tránh việc đi trì bình khất thực trừ khi đau ốm và bận việc Phật sự.
Tóm lại đã là nhà sư xuất gia theo Chánh pháp của Ðức Phật Tổ Thích Ca, có tam y, quả bát thì phải xử dụng cho đúng bổn phận mình, nhứt là noi theo gương Ðức Phật đã xử dụng thời giờ trong buổi sáng. Một việc làm tuy đơn giản, nhưng bao hàm ý nghĩa sâu xa là lợi mình, lợi người, hàng xuất gia không thể bỏ qua vậy.
Còn phần thí chủ sau khi tự tay mình để vật thực vào bát của nhà sư, làm mình có phước rồi. Thí chủ phải chú nguyện hiến dâng phước báu này đến các bậc ân nhân đã quá vãng, nhứt là ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị em và nguyện các điều lành khác tùy lòng mong muốn.
Bố thí vật thực có 5 quả báo:
1. Ayu: sống lâu
2. Vanna: sắc đẹp.
3. Sukha: an vui.
4. Bala: sức mạnh
5. Panna: trí tuệ (thấy đời là khổ, thấy đạo là vui).
1.- Sống lâu: Con người khi sự nuôi mạng được đầy đủ thưòng thường thì sức khoẻ được phát triển đồng đều, sinh mạng được sống đúng với tuổi thọ.
Nếu ăn uống không đầy đủ, thiếu thốn thì sức lực suy kém sinh ra bịnh tật. Vì thế bố thí vật thực cho nhà sư, thí chủ được quả báo sống lâu.
2.- Sắc đẹp: Khi con người đói khát thì thân hình mỏi mệt tiều tụy, tinh thần bạc nhược, nếu thiếu ăn lâu ngày càng gầy ốm héo hon. Trái lại nếu có vật thực ăn uống no đủ thì con người trở nên tươi sáng, mạnh khoẻ, do đó tăng thêm vẻ đẹp, cái quả của sự bố thí vật thực sẽ đem lại cho thí chủ là sẽ được sắc đẹp.
3.- An vui: có no đủ mới có an vui, vì nếu thiếu thốn đói khát thì cơ thể suy yếu, do đó tinh thần hao kém, như cây đèn thiếu dầu, tất nhiên ngọn đèn sẽ lu, yếu lần lần, rồi tắt hẳn. con người cũng thế, thiếu ăn sẽ khô héo như cây khô nước thiếu phân, nhờ có ăn uống đầy đủ thì tức nhiên sẽ phấn chấn an vui. Cái quả báo an vui sau này sẽ đến cho thí chủ do sự bố thí vật thực hôm nay.
4.- Sức mạnh: vật thực hàng ngày ăn vào bồi đắp cho cơ thể được đầy đủ bù vào những sự tiêu hao. Nếu thiếu ăn hay ăn đi một ngày thì cơ thể thiếu sức bồi bổ, cho nên nhờ được ăn no đủ mà có chất bổ tăng thêm sức mạnh. Thí chủ bố thí vật thực cho nhà sư đầy đủ là giúp thêm sức mạnh, thì tinh thần tráng kiện vững mạnh nhờ đó mà giúp thêm nhà sư đủ năng lực để tu hành. Thí chủ sẽ được phước báu sau này là có đầy đủ sức mạnh.
5.- Trí tuệ: Nhà sư dù thông minh siêng năng tu học đến đâu mà thiếu sức khoẻ, gầy ốm, đau yếu thì không thể nào tươi tỉnh, sáng suốt được. Có được ăn uống no đủ thân thể kiện khang, tinh thần phấn chấn nhờ đó mà hành đạo được, mới phát sanh trí tuệ, nhận chân đời là khổ, đạo là vui, mới tinh tấn tu hành thêm nữa để chuyển thành giác, thoát khỏi luân hồi sanh tử. Bố thí vật thực sẽ được quả báo trí tuệ, sau này sáng suốt dễ dàng phân biệt nẻo chánh đường tà, tu hành tấn phát, tức là có trí tuệ vậy.
Mọi việc bố thí tùy của ít nhiều nhưng với tấm lòng hoan hỷ, vui thích, thí chủ có được 5 quả báo kể trên để làm vốn cho bản thân mình trong các kiếp về sau. Dành dụm tiền của, mua sắm ruộng vườn chỉ hưởng trong đời này, nếu khéo gìn giữ; còn trong các kiếp về sau không đem theo được. Phước báu thí chủ đã bố thí vật thực hôm nay là của dính theo mình trong ngày vị lai không sợ hư mất việc.
Trong vài mươi năm gần đây, trong đất nước Việt Nam xuất hiện nhiều vị tu-sĩ người Việt đi trì bình khất thực, tự xưng là tu Phậ, nhưng không thi hành đúng theo tinh thần giới luật của Ðức Phật giáo truyền. Ở Việt Nam, Phật giáo có 2 Tông: Bắc Tông và Nam Tông.
Bắc Tông thì dùng Tam-tạng chữ Tàu, chư Tăng mặc áo tràng màu dá, màu lam, không có đi trì bình khất thực.
Nam Tông thì có Tam tạng Pali, chư Tăng mặc Y ca-sa vàng và có bình bát là món tùy thân độ nhựt. Y ca-sa và bình bát đều y theo giới luật Phật, nghĩa là thể thức may Y ca-sa có kiểu mẫu đúng với ý nghĩa Punna Khetam, phước điền cho nhân loại. Bình bát cũng có thể lệ tạo thành, chớ không phải tự ý riêng muốn dùng bình bát lớn, nhỏ hoặc bằng chất gì cũng được.
Trong khi đi trì bình khất thực, từ cách mặc Y ca-sa, mang bình bát, đến cách đi đứng và thọ vật thực cũng phải làm đúng theo qui tắc của Phật luật đã ấn định.
Một điều đáng để ý là nhà sư trong Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam khi đi trì bình thì không đi vào chỗ đông người, tránh chen lấn như trong chợ chẳng hạn, và không nhận tiền bạc, gạo thóc. Vật thí, nếu bố thí ít thì vui thích thọ lãnh ít, nếu cho nhiều thì chỉ thọ lãnh vừa đủ để sống qua ngày mạnh khoẻ tu hành lập công bồi đức. Nhà sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam cũng không đi cổ động tiền bạc trong bá tánh để về cất chùa hay làm việc nào khác. Nhà sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam cũng không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món chi tùy ý, tùy món ăn mình có. Như thế cái chánh nghĩa của hạnh trì bình khất thực mới được biểu dương đúng với tinh thần giới luật của Ðức Phật và đem lại phước báu cho kẻ bố thí.
Mùa Kiết-hạ An cư 2515-1971
Nhóm Thiện Tín Thị-Nghè, Sài-Gòn, ấn tống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét