Trang

Câu chuyện Sa di Pandita (Thiền sư U Tejinda)

cua-goNgười tưới cây dẫn nước.

Kẻ vót tên duỗi tên.
Thợ mộc đẽo gọt  gỗ.
Bậc trí biết sửa mình.
Vào những mùa hè khô hạn, nếu quý vị muốn tưới nước cho vườn tược, quý vị cần phải đào đường dẫn nước từ những sông suối gần đó.
Cũng vậy, nếu bạn muốn đạt đến Niết Bàn thì bạn cần phải khơi và giữ tâm của mình bằng Giới (Sila), Định (Samadi) và Tuệ (Panna), giống như việc khơi đường dẫn nước để tưới cho cây được tươi tốt.
Khi giương cung để bắn mũi tên trúng mục tiêu, thì mũi tên cần phải thật thẳng chuẩn xác. Nếu mũi tên bị cong, thì nó sẽ đi chệch mục tiêu.
Để có được mũi tên, người làm cung tên phải đi vào rừng đốn tre, sau đó chẻ mảnh tre ra, rồi vót cho những mảnh tre thật nhẵn, tiếp đến đem phơi dưới nắng. Rồi sau đó đem hơ lửa và dùng hai tay tì mảnh tre vào đầu gối và ra sức uốn nắn những đoạn cong và cứ lặp đi lặp lại cho đến khi đoạn tre thật thẳng.
Cũng vậy, quý vị có thể uốn nắn cho thẳng lại bản Tâm đã bị cong vẹo của mình do ô nhiễm Tham (Loba), Sân (Dosa), Si (Moha) bằng “lửa” của Giới (Sila), Định (Samadi) và Tuệ (Panna). Với “Tâm đã uốn thẳng”, quý vị có thể nhìn thấu suốt được 5 uẩn.
Thêm một ví dụ khác. Khi vào rừng, người thợ xẻ gỗ đốn hạ đủ loại cây gỗ: cao có, thấp có, cong có, thẳng có. Đối với những cây gỗ cong, sau khi hạ cho nằm trên mặt đất, sẽ có hai người thợ cầm 2 đầu sợi dây căng mực đen và họ sẽ nảy mực tạo thành đường kẻ màu đen thẳng thớm trên thân cây. Với đường kẻ này, họ xẻ cây thành những những phiến gỗ ngay thẳng để rồi làm nên những bàn ghế, nội thất bằng gỗ thật đẹp.
Tất cả những thứ đó đều được làm bởi bàn tay của người thợ xẻ gỗ và người thợ mộc. Cũng vậy, Tâm của quý vị giống như một “cây gỗ cong”, người thợ xẻ gỗ và người thợ mộc là Giới, Định, Tuệ sẽ làm cho quý vị trở thành những người nam và người nữ thật cao quý và đáng giá.
Khi ngự tại Kỳ Viên, Đức Phật đã đọc bài kệ trên liên quan đến một Sa di tên là Pandita.
Pandita là một chú bé con của một phú ông ở Savatth. Cậu thọ giới Sa di năm lên bảy. Cuộc sống quá khứ của cậu ta như sau:
Vào thời Phật Ca Diếp, khi Đức Phật Ca Diếp và Tăng đoàn của Ngài đến xứ Baranasi, tất cả dân chúng đều dâng thực phẩm cúng dường. Sau khi thọ thực xong, Đức Phật đã thuyết thời Pháp này.
Có bốn hạng người:
1. Người này thực hiện việc bố thí cúng dường riêng mình nhưng không thuyết phục người khác bố thí cúng dường.
Bởi việc người này chỉ bố thí cúng dường cho riêng mình, cho tương lai của mình, người này sẽ trở nên giàu có và thịnh vượng.
Nhưng do không thuyết phục người khác bố thí cúng dường, cho nên người này sẽ không có được một gia đình hạnh phúc, họ hàng hạnh phúc và những điều hạnh phúc khác.
2. Người này không tự mình bố thí cúng dường và chỉ đi thuyết phục người khác bố thí cúng dường.
Bởi do không bố thí cúng dường, trong tương lai của mình, người nay sẽ kém phần giàu có, nhưng có được một gia đình và họ hàng tốt lành và những điều tốt lành khác.
3. Người này không tự mình bố thí cúng dường và cũng không thuyết phục người khác bố thí cúng dường. Người này sẽ trở nên rất nghèo và sau đó sẽ trở thành kẻ ăn xin.
4. Hạng người cuối cùng, người này chẳng những tự mình bố thí cúng dường mà còn thuyết phục người khác bố thí cúng dường. Người ấy sẽ trở nên giàu có, thịnh vượng và có một gia đình rất hạnh phúc, họ hàng hạnh phúc cùng những điều hạnh phúc khác.
Có một lần dân chúng ở Baranasi thỉnh Đức Phật và các Tỳ Khưu. Họ đi vận động mọi người để hùn góp nhau trong việc trai tăng này. Có hai vợ chồng rất nghèo ở Baranasi, người chồng tên là Mahàduggata được giao trông lo một Tỳ Khưu, mặc dù hoàn cảnh họ cực kỳ khốn khó. Họ gắng sức làm việc để kiếm đủ số tiền cần thiết và chuẩn bị một bữa ăn đơn giản. Trời Đế Thích biết được sự việc xảy ra và đóng vai một người làm công để giúp họ.
Khi thời điểm ngày trai tăng đã cận kề, các vị Tỳ Khưu được chia ra để đến thọ dụng trai tăng ở một số nhà, riêng nhà của Mahàduggata bị bỏ qua. Mahàduggata vò đầu bứt tay và bật khóc. Nhưng có một số người mách ông rằng chưa ai thỉnh Đức Phật thọ thực cả.Thế là ông ta liền đi đến tịnh xá thỉnh Đức Phật và Ngài đã chấp nhận lời mời. Trong khi đó có rất nhiều hoàng tử và trưởng giả khác đang đứng đợi để thỉnh cầu Đức Phật đến dinh thự của mình.
Trong ngày hôm đó, bởi thần lực của Trời Đế Thích, mưa bảy thứ châu báu từ trên trời rơi xuống đầy nhà của Mahàduggata. Chuyện được tâu lên đức vua rằng Mahàduggata là người giàu nhất trong thành. Vua phong cho ông ta làm người coi kho báu cho vua.
Mahàduggata cho xây ngôi nhà mới và phát hiện ra thêm nhiều châu báu khác khi đang lúc đào móng nhà. Với số tiền này ông đã làm trai tăng cúng dường Phật và Tỳ Khưu trong bảy ngày. Sau này, khi chết ông đã được tái sanh lên cõi trời…
…Về sau, cho đến khi ông ta đi đến đạo quả A La Hán, thì ông ta đã phải thực hành thiền định…
Nhân đây tôi xin chuyển sang phần nói pháp thiền định trong buổi thuyết giảng tối chủ nhật này.
Tướng Nimitta xuất hiện trong khi thực hành chánh niệm hơi thở không phải ai cũng giống ai, mà nó tùy thuộc vào mỗi cá nhân.
1. Sợi vải len (uggaha-nimitta),
2. Dải lụa dài (uggaha-nimitta),
3. Luồng khí (uggaha-nimitta),
4. Ánh sáng như sao kim (uggaha nimitta and pañibhàga-nimitta),
5. Viên ngọc thạch hoặc ruby sáng (pañibhàga-nimitta),
6. Hạt ngọc trai sáng (pañibhàga-nimitta).
Lại có người nimitta có tướng thô như:
1. Thân cây bông vải (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
2. Một mảnh gỗ sắc cạnh (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
Ở một số người, nimitta có dạng như sau:
1. Một sợi dây dài (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
2. Một vòng hoa (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
3. Một làn khói (uggaha-nimitta and patibhàga-nimitta),
4. Một mạng nhện căng ra (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
5. Một màn sương mù (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
6. Một hoa sen (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
7. Một bánh xe pháp (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimiñta),
8. Một mặt trăng (uggaha-nimitta and pañibhàga-nimitta),
9. Một mặt trời (uggaha-nimiñta and pañibhàga-nimitta).
Đa số trường hợp một nimitta trắng tinh khiết như sợi vải len là uggaha-nimitta (học tướng), bởi vì uggaha-nimitta thông thường không sáng rõ. Khi nimitta trở nên sáng như ngôi sao mai, rực rỡ và rõ ràng, đó là pañibhàga-ni-mitta (tợ tướng). Khi nimitta giống như viên ngọc bích hay ruby nhưng không sáng thì đó là học tướng nimitta, còn khi nó trở nên sáng chói và lấp lánh, đó là tợ tướng nimitta. Các hình dạng khác của nimitta cũng được hiểu tương tự như vậy.
Nimitta xuất hiện ở những người khác nhau theo những dạng khác nhau. Bởi vì nói được sinh ra bởi tưởng tri. Tưởng khác nhau của mỗi thiền giả trước khi hình thành nimitta sẽ sinh ra những dạng nimitta khác nhau. Mặc dù chánh niệm hơi thở là một đề mục duy nhất, nhưng nó làm phát sinh nhiều loại nimitta khác nhau tùy thuộc vào mỗi cá nhân.
Khi quý vị đạt được trạng thái này, nó có ý nghĩa rất quan trọng. Quý vị đừng đùa với nimitta của mình. Đừng để cho nó biến mất, và đừng cố ý làm thay đổi hình dáng hoặc màu sắc của nó. Nếu làm như vậy, định tập trung của quý vị sẽ không phát triển tiếp, và tiến trình thiền của quý vị sẽ bị dừng lại. Nimitta khi đó có thể sẽ không còn nữa. Do đó, khi nimitta của quý vị xuất hiện lần đầu, đừng di chuyển sự tập trung trên hơi thở sang tập trung trên nimitta. Nếu quý vị làm như vậy thì nó sẽ biến mất.
Nếu quý vị nhận thấy nimitta trở nên ổn định và tâm của quý vị trở nên hợp nhất với nimitta, khi đó hãy định tâm quý vị vào đấy. Nếu quý vị buộc tâm của mình rời khỏi nimitta, quý vị có thể sẽ bị mất tập trung.
Nếu nimitta xuất hiện ở khoảng cách xa quý vị, thì đừng để ý đến nó, điều đó có thể làm biến mất nimitta. Nếu quý vị không để ý đến nó và chỉ tập trung trên hơi thở tại điểm xúc chạm, thì nimitta tiến đến và định vị tại điểm xúc chạm này.
Bây giờ chúng ta sẽ dừng nói về Pháp hành thiền và tiếp tục câu chuyện của ông Mahàduggata.
Vào thời Đức Phật Thích Ca, Mahàduggata, trong kiếp cuối cùng của mình, mẹ ông ta là con của một thương gia giàu có ở Savatthi. Thời gian bà ta đang mang thai, bà khao khát được cúng dường 500 vị Tỳ Khưu dẫn đầu bởi Ngài Xá Lợi Phất, với những khẩu phần được tuyển chọn từ cá hồng, dâng đắp những bộ y vàng, ngồi vòng ngoài các vị Tỳ Khưu, và nhận ăn những phần thức ăn còn thừa của những vị Tỳ Khưu. Ước mơ này của bà cuối cùng được thành tựu. Và sau đó bà làm thêm bảy lần thỉnh đãi như vậy nữa.
Khi đứa trẻ chào đời, bà đặt tên là Pandita (người sáng suốt, trí tuệ). Bởi ngày thọ thai chú bé, những người làm trong nhà hễ ai bị đần, điếc hay câm đều trở nên bình thường. Khi lên bảy, chú bé khao khát được trở thành một vị Tỳ Khưu, và đã được ngài Xá Lợi Phất, vị Tỳ Khưu thường hay thọ thực tại đây, thu nhận. Thế là cha mẹ chú bé Pandita tổ chức lễ cúng dường bảy ngày để ăn mừng sự kiện này.
Cậu bé trở thành Sa di ở độ tuổi lên bảy. Ngày thứ tám sau khi trở thành một Sa di, khi chú bé đi theo Trưởng lão Xá Lợi Phất dự trai tăng, chú thấy những người nông dân đang khơi con kênh dẫn nước vào những cánh đồng và hỏi trưởng lão: “Như con nước kia không có tri giác, có thể được dẫn đến bất cứ nơi nào mà người ta mong muốn không?” Trưởng lão trả lời: “Được, nó có thể được dẫn đến bất cứ nơi nào mà người ta mong muốn.”
Khi họ tiếp tục đi, Sa di trông thấy một người vót tên đang hơ nóng những mũi tên lên ngọn lửa và duỗi chúng lại cho thẳng. Đi xa hơn nữa, chú thấy những người thợ mộc đang xẻ, cưa và bào những thanh gỗ để làm thành những bánh xe.
Thế rồi chú suy tư: “Nếu nước là một vật vô tri có thể dẫn đi bất cứ nơi nào người ta muốn. Nếu cây tre cong là vật vô tri, có thể uốn cho thẳng lại. Nếu thanh gỗ là vật vô tri, có thể làm ra những đồ dùng hữu ích. Tại sao, như ta đây, có đầy đủ tri giác, lại không thể thuần hóa tâm của mình bằng việc thực hành thiền chỉ và tuệ quán?”
Sau đó, được sự cho phép của ngài Xá Lợi Phất chú trở về tịnh xá trước và dặn Trưởng lão khi nào dự lễ thọ thực xong nhớ mang về cho chú thức ăn là những con cá hồng. Chú còn thỉnh cầu Trưởng lão cho phép chú về phòng riêng của mình trong tịnh xá. Khi vào đấy, chú bắt đầu hăng hái, nhiệt thành thực hành thiền định, chánh niệm thân. Đế Thích và các Chư Thiên khác cũng giúp chú hành thiền bằng cách giữ tịnh xá và khu vực lân cận thật tĩnh lặng. Đế Thích còn giữ mặt trời và mặt trăng vì e rằng ngày đêm sẽ quấy rầy Pandita.
Khi Trưởng lão Xá Lợi Phất mang thức ăn về cho Sa di. Đức Phật, bằng thần thông của mình, thấy Sa di Pandita đã chứng đạo quả A Na Hàm và nếu chú tiếp tục thiền định thì sẽ chứng đắc A La Hán. Do đó Đức Phật quyết định sẽ không cho Xá Lợi Phất vào phòng của Sa di. Đức Phật đi về phía cửa và ngăn Xá Lợi Phất lại bằng cách hỏi ông một số câu hỏi. Trong khi hỏi đáp thì Sa di đã chứng được đạo quả A La Hán. Như vậy, Sa di đã chứng đắc A La Hán vào ngày thứ tám sau khi thọ giới.
Nhân câu chuyện này, Đức Phật bảo các Tỳ Khưu trong tịnh xá: “Khi người ấy nhiệt thành thực hành Pháp, ngay cả Đế Thích và các hàng Chư Thiên sẽ canh phòng và bảo vệ; Ngay chính ta đây cũng giữ Trưởng lão Xá Lợi Phất ở cửa để Sa di Pandita không bị quấy nhiễu. Sa di đã trông thấy những người nông dân dẫn nước vào ruộng, thấy những người vót tên làm thẳng các mũi tên, thấy những người thợ mộc làm những bánh xe và những thứ khác, thuần hóa tâm của mình và thực hành Pháp. Giờ đây chú đã trở thành một A La Hán.”
Đức Phật đã đọc bài kệ như sau:
Udakañhi nayanti nettika, usukara namayanti tejanan.
Darun namayanti tacchaka, attanan damayanti pandita.”
Người tưới cây dẫn nước đến bất cứ nơi nào họ muốn, người vót tên duỗi thẳng tên; Người thợ mộc đẽo gọt gỗ, bậc trí biết tự thuần hóa tâm mình.
Việt dịch: Tống Phước Khải
Bài thuyết Pháp của Thiền sư U Tejinda tối Chủ Nhật 12/4/2009, tại Thiền Viện Nguyên Thủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét