Trang

Quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh (Thích Phước Đạt)

wwwMT.jpg
Vấn đề đặt ra, là con người phải có thái độ sống hài hòa với thiên nhiên để bảo vệ môi sinh. Theo quan điểm Phật giáo sự hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường là hậu quả đỉnh cao của tư duy hữu ngã, con đường tư duy và hưởng thụ lạc thú của con người. Thế nên nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lớn về môi sinh đang được báo động là do vô minh và tham ái.
Ngày nay nhân loại đang đứng trước vấn đề khủng hoảng môi sinh. Khủng hoảng môi sinh là sự ô nhiễm môi sinh do các phóng xạ, sự phân bạch, bụi bạch của thiên nhiên, nạn khai thác rừng, cháy rừng, giao thông vận tải quá tải, sự thiêu đốt, sự khai thác các nguồn năng lượng vô tội vạ, phục vụ cho nhu cầu phát triển công nghiệp nhẹ và nặng trong một nền kinh tế thị trường đầy lợi nhuận luôn biến động.

Nó gây ra những hậu quả và di chứng không chỉ đời này mà còn đời sau. Cũng là hệ quả của sự thiếu trách nhiệm đối với môi sinh của con người, có khi dẫn đến sự hủy diệt  sự sống cuả loài người trong một tương lai gần.


Trong mấy năm gần đây, nỗ lực của cộng đồng nhân loại là cùng nhau chung sống hòa bình, không bao giờ để cho một cuộc chiến tranh nguyên tử xảy ra lần thứ ba, tiêu diệt nhân loại. Tuy nhiên, con người lại đối diện một sự khủng hoảng môi sinh mới, tai họa này có thể đưa nhân loại vào cảnh diệt vong còn mau hơn tai họa chiến tranh. Mới nhất là Nhật Bản phải đối diện với vấn đề động đất và sóng thần. Trận động đất lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản (mạnh 8,9 độ Richter) ngày 11-3 đã gây ra sóng thần cao 10m, cuốn trôi nhiều nhà cửa, làm hư hại nghiêm trọng hạ tầng miền Đông bắc Nhật Bản và khiến hàng nghìn người chết. Sự kiện này kéo theo hậu quả là sự cố Nhà máy điện Fukushima I xảy ra.

Chính phủ Nhật Bản tuyên bố một "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân" do mất chất làm nguội và di tản hàng ngàn người dân sinh sống gần Nhà máy Fukushima I. Cho đến ngày 11 tháng 4, Cơ quan Năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức khủng hoảng sự cố Nhà máy điện Fukushima I lên mức 7, mức cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế. Như một nhà bảo vệ môi sinh học đã nói, nếu trong 50 năm nữa, thế giới không đồng loạt đứng lên bảo vệ môi sinh trên quả đất này, thời ngôi nhà chung của nhân loại có thể bị tiêu diệt, môi trường sống của chúng ta sẽ bị hủy hoại, không gì có thể cứu vãn được. Qua các tài liệu mới nhất của tổ chức Liên Hiệp Quốc bảo vệ môi sinh và của một số tổ chức quốc tế khác có liên quan, chúng ta có thể biết những hậu quả nặng nề do khủng hoảng môi sinh gây ra tạo nên sự bất an cho cộng đồng nhân loại.

Vấn đề đặt ra, là con người phải có thái độ sống hài hòa với thiên nhiên để bảo vệ môi sinh. Theo quan điểm Phật giáo sự hủy hoại môi sinh, ô nhiễm môi trường là hậu quả đỉnh cao của tư duy hữu ngã, con đường tư duy và hưởng thụ lạc thú của con người. Thế nên nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng lớn về môi sinh đang được báo động là do vô minh và tham ái. Học thuyết Duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp 5 uẩn  (sắc thọ tưởng hành thức).

Trong đó, sắc uẩn của một con người là bao gồm thân vật lý của người ấy và toàn thể thế giới vật lý. Điều đó có nghĩa thiên nhiên hay môi sinh thực sự là cơ thể của con người, hay một phần rất lớn của cơ thể con người. Con người không thể tồn tại được nếu không có môi sinh. Nếu môi sinh hay thiên nhiên bị ô nhiễm trầm trọng thì cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người thời bị hủy diệt. Vậy là khi con người hiểu rõ sự thật Duyên khởi thì con người sẽ tự nguyện bảo vệ môi sinh khỏi ô nhiễm. Đó cũng là ý nghĩa bảo vệ nguồn sống, nguồn hạnh phúc của nhân loại.

Và như thế, do sự ô nhiễm môi sinh và sự thành tựu của khoa học môi sinh đã chứng minh con người không thể sống tách biệt với thiên nhiên, con người phải có thái độ sống hài hòa với thiên. Cơ thể vật lý của con người không có sự giới hạn cái thân vật lý riêng biệt của mình ở bất cứ một trú xứ hay một đại lục. Rõ ràng đây là cái thân sắc vô ngã tính của con người. Tương tự đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Sự thật này sẽ giúp con người có thái độ sống đúng đắn khi giải quyết vấn đề môi trường trên nền tảng học thuyết Duyên khởi về con người và thế giới.

Thực tế, khi Đức Phật còn tại thế, bảo vệ môi sinh chưa đặt thành vấn đề, thế nhưng Đức Phật với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi cứu khổ của Ngài, Ngài đã là bậc vĩ nhân hướng dẫn con người thực thi nếp sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi sinh là bảo vệ sự sống con người. Cụ thể, với trách nhiệm của bậc Đạo sư, Ngài đã chủ động tạo ra một môi trường tu học thích hợp cho những đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài, Đức Phật đã chủ động tìm cách xây dựng cho mình và cho hội chúng Tăng già một nếp sống hòa hài với thiên nhiên, một đạo tràng tu tập thích hợp hướng tới giác ngộ và Niết bàn.

Nhìn lại cuộc đời đức Đức Phật, chúng ta sẽ nhận ra Ngài là một bậc Giáo chủ độc nhất sinh ra dưới cây vô ưu taị vườn Lâm Tỳ Ni, hành trì thiền định cho đến giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thuyết pháp lần đầu tiên tại  vườn Nai ở Ba La Nại, và cuối cùng nhập Niết bàn dưới hai cây sala tại Kusinara. Đời sống của Ngài là gần gũi thiên nhiên, thân cận núi rừng, xa chốn phồn vinh. Trong 45 thuyết độ sanh, Ngài để lại cho chúng ta hình ảnh một bậc đạo sư đi bộ từ làng này qua làng khác, từ đô thị này qua đô thị khác, sau khi khất thực trở về, thường ngồi trong một khu rừng gần đấy để an nghỉ hoặc thuyết pháp, hoặc ngồi thiền cho đến chiều. Nếp sống này được kinh điển ghi lại, như là vấn đề cảnh thức gìn giữ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm: “Nhất bát thiên gia phạn, Cô thân vạn lý du, Kỳ vi sanh tử sự, Giáo hóa độ xuân thu” (Một bát ăn ngàn nhà, Một thân đi vạn dặm. Vì vấn đề sanh tử, Giáo hóa độ ngày qua).

Chính Đức Phật rất hoan hỷ khi thấy chúng Tỷ kheo sống ở trong rừng dầu vị đó ngủ gục hay không ngồi thiền định. Trái lại, Phật không an tâm khi vị ấy ngồi thiền, hay ngủ gục ở một nơi khác, xa tinh xá (chùa) gần làng, vì sẽ bị các cư sĩ khác gây phiền hà…Bởi vì khi ở trong rừng khi không thiền định, hoặc ngủ gật; khi thức tỉnh tiếp tục ngồi thiền mà không bị ai quấy phá. Kinh Tăng Chi II, tr. 335 - 336 nói rằng: “Ở đây, này Nagita, Ta thấy một Tỳ kheo ngồi thiền định tại trú xứ ở trong khu rừng. Này Nagita, Ta suy nghĩ như sau “Nay vị Tôn giả này, sau khi đoạn trừ ngủ nghỉ và mệt nhọc, sẽ tác ý tưởng hoặc đạt được sự nhất tâm”. Do vậy Ta hoan hỷ với trú xứ tại rừng của vị Tỳ kheo ấy”. Đức Phật luôn luôn tán than núi rừng, và xem núi rừng là nơi trú ẩn lý tưởng cho những vị xuất gia hành đạo: “Làng mạc hay rừng núi, Thung lũng hay đồi cao, La hán trú chỗ nào. Đất ấy thật khả ái” và Phật khẳng định: “Khả ái hay núi rừng, Chỗ người phàm không ưa. Vị ly tham ưa thích, Vì không tìm dục lạc” (Pháp Cú 98 - 99).

wwwMT1.jpg
Trong những bài thuyết pháp, Ngài thường dùng các ẩn dụ tìm thấy trong thiên nhiên, trong môi trường sống để minh họa cho giáo lý sống động thiết thực hiện tại. Nói đến sự cách biệt giữa pháp thiện và pháp ác, Ngài dạy: “Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa mặt đất và vòm trời. Rằng xa thật là xa khoảng cách giữa bờ bên này đến bờ bên kia. Rằng xa thật là xa, khoảng cách giữa mặt trời mọc với chỗ mặt trời lặn, nhưng còn cách xa, cách xa hơn nữa là khoảng cách giữa pháp bất thiện và pháp kẻ ác” (Tăng Chi, tr. 410). Nói đến hương người đức hạnh là ví với hương của hoa thơm, nhưng giữa hai loài hương có sự sai khác: “Không một hương hoa nào, Bay ngược chiều gió thổi. Chỉ hương người đức hạnh, Ngược gió khắp tung bay” (Pháp Cú 52).

Chính đời sống trong lành, thanh tịnh của rừng núi là những trú xứ, là những môi trường thích hợp nhất để thành tựu chánh trí. Đó là lý do tại sao Ngài Kassapa sống trọn đời ở rừng núi nói lên vì sao ngài ưa thích núi rừng: “Khu đất thật khả ái, Với những vòng tràng hoa. Hoa tên Ka ra ri. Trải rộng ra cùng khắp, Với voi rừng khả ý. Đồi núi ấy ta thích. Những hồ nước trong mát, Tuyệt đẹp màu mây xanh. Che tán bởi loại bọ, Tên kẻ Chan In Da. Những ngọn núi đá ấy, Làm tâm ta thích thú. Giống đồi mấy xanh biếc, Ví tháp đẹp lâu đài, Với vượn hú khả ý. Đồi núi được ẩn sĩ, Làm thành nơi trụ xứ, Vẳng lên tiếng chim công, Đồi núi ấy ta thích….”(Trưởng lão Tăng kệ, 252 - 253).

Thế nên, thái độ sống của người con Phật là người Phật tử xem thiên nhiên là nguồn sống bất tận trong tiến trình nuôi dưỡng thân tâm và cái đích cuối cùng là hướng tâm giải thoát. Các Thiền sư ngộ đạo đời Lý, đời Trần đã thiết lập những môi trường tu tập trong thiên nhiên để cho mọi người hướng tâm tu tập giải thoát. Các chùa Việt Nam như quần thể chùa Yên Tử, chùa Hương là nơi ẩn sâu trong rừng là nơi được ví như cõi Phật mà ai đọc bài “Vịnh Vân Yên tự phú” của Thiền sư Huyền Quang đều có thể tự hào. Hay như Trần Nhân Tôn là ông vua kiêm Thiền sư đời Trần chủ trương sống và tu trong tinh thần yêu thiên nhiên chính là yêu đạo như bài Thiên Trường vãn vọng sau đây mô tả: “Thôn tiền thôn hậu đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý ngưu quy tận, Bạch lộ song song phi hạ điền”. (Trước xóm sau thôn tựa khói lồng, Bóng chiều dường có lại dường không, Mục đồng sáo vẳng trâu về hết, Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).

Rõ ràng, thái độ sống mà Đức Phật giảng dạy cho mọi người là luôn ý thức sống hài hòa với thiên nhiên. Muốn hài hòa với thiên nhiên, thì con người phải tôn trọng sự sống ngay cả loài vật và cỏ cây, một thái độ trên tinh thần duyên khởi. Trong Kinh Thừa Tự, Trung Bộ I, số 3, Đức Phật dạy không nên đổ đồ ăn dư thừa trên cỏ xanh và trong nước có côn trùng, sợ làm hại cỏ và côn trùng. Ngài dạy các đệ tử xuất gia phải dùng vải lọc nước để ngăn chặn giết hại các sinh vật. Trong thời kỳ mùa mưa an cư kiết hạ, Đức Phật khuyên các Tỷ kheo không nên đi ra ngoài vì sợ dẫm đạp trên cỏ cây hoặc các loài côn trùng nẩy nở rất nhiều trên đất và trong không khí ẩm ướt.

Ngài xác nhận không sát sanh là bố thí không sợ hãi, bố thí không hận thù, bố thí không làm hại: “ Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh”. (Tăng Chi III, 229) Ngài tuyên bố rất rõ, Ngài không chấp nhận vì Ngài hay vì đệ tử can Ngài mà giết hại các chúng sanh để cúng dường đồ ăn. Ngài khuyên các đệ tử tại gia không nên làm nghề buôn bán hay buôn bán thịt. Tinh thần tôn trọng sự sống đối với mọi loài trở thành nếp sống mà người Phật tử Việt Nam có truyền thống thả chim, thả cá, phóng đăng, ăn chay, thọ Bát quan trai là những hình ảnh tuyệt đẹp của lòng từ bi ấy, Đức Phật dạy các đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài phải hành trì bốn vô lượng tâm: Tu tập lòng từ để đối trị lòng sân, tu tập lòng từ bi để không hại người hại vật, tu tập lòng hỷ để trừ diệt lòng ganh ghét và tu tập hạnh xả để đoạn diệt hận thù.

Chính từ, bi, hỷ xả là bốn sức mạnh kết nối sự yêu  thương, sự thông cảm giữa người với thiên nhiên, hướng đến xây dựng một môi trường tốt đẹp cho hành tinh của chúng ta. Lý thuyết Duyên khởi, cho rằng sự sống là sự hỗ tương giữa các loài. Đức Phật dạy lòng từ có được những lợi ích như sau: “ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không có ác mộng, được người khác ái mộ. được loài phi nhân yêu kính, được loài trời gia hộ” (Tăng Chi III,tr 11).

Sự thật cho thấy, khi một cá nhân khởi lòng từ với môi sinh thì tâm từ đó sẽ có thiện tâm với đồng loại để cầu giải thoát và giác ngộ, Hơn ai hết, Phật cho rằng nguồn gốc dẫn đến hủy diệt môi sinh là do tham lam, muốn hưởng lợi từ nguồn khai thác thiên nhiên. Cho nên, thái độ sống của đức Phật là: “Này các Tỳ kheo, Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời” (Tương Ưng III, tr.165).

Rõ ràng, thế giới môi trường sẽ giảm thiểu sự nguy hại, khi mọi người có ý thức sống không khai thác các nguồn tự nhiên vốn có. Thay vì tận hưởng dục lạc thì Đức Phật khuyến khích cho các đệ tử của Ngài sống đời sống ít dục, biết đủ. Ngài dạy các Tỷ kheo, như lý quán sát thọ dụng y phục, “chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của muỗi, gió, sức nóng mặt trời và các loại bò sát…thọ dụng các món ăn khất thực, chỉ để thân này được sống lâu, và để bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ cho phạm hạnh… thọ dụng sàng tọa chỉ để ngăn ngừa lạnh, ngăn ngừa nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió, sức nóng mặt trời… chỉ với mục đích sống độc cư an tịnh… thọ dụng các dược phẩm trị bịnh, chỉ để ngăn chận các cảm giác thống khổ đã sanh, để được ly khổ hoàn toàn…”(Trung Bộ I, tr.98). Với nếp sống ly dục tri túc như vậy con người mới bảo vệ thiên nhiên được và sống một đời sống bình yên.

Như vậy, đạo Phật tán dương một nếp sống hài hòa với thiên nhiên hài hòa với loài người, tán thán lòng từ bi, khích lệ thương người thương vật, đề cao hạnh thiểu dục tri túc, sống đời sống lành mạnh và giản dị, với mục đích xây dựng một môi trường sống xanh và sạch. Đây là cơ sở để thiết lập nền hòa bình cho nhân loại.

Từ quan điểm sống hài hòa với thiên nhiên mà Đức Phật đã thực thi, chúng ta cần rút ra những bài học, biện pháp xây dựng một môi trường sống hạnh phúc thật sự. Như đã nói, sự bảo vệ môi sinh, suy cho cùng là sự thiết lập của một tâm thức thanh tịnh. Một tâm không tham, không sân, không si sẽ giúp con người tự chủ, thóat ly mọi sự chi phối của các dục. Do đó, quan điểm của Phật giáo về thái độ sống bảo vệ môi sinh trong điều kiện hiện nay là:

1. Giáo dục con người nhận thức rõ con người có mối liên hệ mật thiết với thiên nhiên và môi trường sống. Học thuyết Duyên khởi Phật giáo chỉ ra rằng không ai có thể sống một mình mà không có sự liên hệ với một cá nhân, cộng đồng, xã hội, với môi trường sống. Con người là tập hợp 5 uẩn và có một mối liên chặt chẽ với thiên nhiên, vì thế hãy tự nguyện sống hòa mình vào thiên nhiên, trên hết là tự nguyện bảo vệ môi sinh là bảo vệ nền hòa bình cho nhân loại.

2. Dựa vào sự thành tựu khoa học để giải thích sự ô nhiễm môi sinh là do thiếu ý thức bảo vệ môi sinh, khai thác tài nguyên thiên nhiên để chạy theo lợi nhuận kinh tế thị trường.

3. Giáo dục mọi người thực hành nếp sống trên nền tảng đạo đức Phật giáo là hướng thiện, tôn trọng sự sống, thực thi hạnh từ bi hỷ xả. Vì thế, mọi người hãy sống gần thiên nhiên, yêu thiên nhiên là yêu sự sống của chính mình và của cộng đồng.

4. Nhận thức mọi ham muốn của bất cứ ai về sự mong cầu hưởng lợi lộc từ việc khai thác các nguồn năng lượng dự trữ của thiên nhiên vố ý thức để trục lợi làm giàu thì sẽ bị thiên nhiên trừng phạt vì đã phá vỡ sự mất cân bài về sinh thái, gây ra khổ đau cho con người.

5. Có biện pháp cụ thể, thiết thực không chỉ dựa trên văn bản của luật bảo vệ môi sinh, hay trông chờ vào thành tựu của ngành khoa học của môi sinh mà trên hết vẫn là thực hành nếp sống yêu thiên nhiên, hài hòa với thiên nhiên , tôn kính thiên nhiên để tự nguyện bảo vệ hành tinh quý giá này.


TS.Thích Phước Đạt (Phó Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu PHVN)
Link: http://www.giaodiemonline.com/noidung_detail.php?newsid=6079

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét