Trang

TÔN GIÁO TRONG THỜI ÐẠI KHOA HỌC Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda


Ngày nay chúng ta sống trong thời đại khoa học, hầu hết mọi khía cạnh của cuộc đời đều bị ảnh hưởng bởi khoa học. Từ cuộc cách mạng khoa học vào thế kỷ thứ Mười Bảy, khoa học tiếp tục ảnh hưởng lớn lao đến những gì chúng ta nghĩ và làm.

Sự va chạm của khoa học đặc biệt mạnh mẽ với niềm tin truyền thống tôn giáo. Nhiều quan tôn giáo niệm căn bản đang bị vỡ tan dưới áp lực của khoa học hiện đại và không còn được chấp nhận đối với người trí thức và người am hiểu. Không còn có thể khẳng định chân lý chỉ bắt nguồn do ức đoán thần học hay căn cứ vaò uy thế của kinh thánh biệt lập với nghiên cứu khoa học.
Thí dụ, những khám phá của những nhà tâm lý hiện đại cho thấy tâm con người, giống như thân vật chất, hành động theo luật nhân quả tự nhiên không cần phải có sự hiện diện của một linh hồn bất biến như dạy bởi một số tôn giáo.

Một số nhà tôn giáo thích không đếm xỉa đến những khám phá khoa học vì những khám phà này mâu thuẫn với giáo điều của họ. Tập quán tinh thần ngoan cố này đương nhiên là một trở ngại cho sự tiến bộ của loài người. Vì người hiện đại từ khước tin tưởng bất cứ điều gì một cách mù quáng và cả đến điều được truyền thống chấp nhận, những nhà tôn giáo như thế chỉ làm tăng hàng ngũ những người không tin tưởng tôn giáo bởi lý thuyết sai lầm của họ.
Mặt khác, một số các nhà tôn giáo lại thấy cần thiết đem thích nghi những lý thuyết khoa học được chấp thuận bằng cách đưa ra những lời giải thích mới với niềm tin tôn giáo của họ. Một trường hợp đáng kể là Thuyết Tiến Hóa của Darwin. Một số các nhà tôn giáo xác nhận con người trực tiếp được tạo ra bởi Thượng Ðế. Darwin, mặt khác, cho là con người tiến hóa từ vượn người, một lý thuyết đảo lộn học thuyết sáng tạo thiêng liêng và sự xuống thế của con người. Vì tất cả những nhà tư duy sáng suốt đã chấp nhận thuyết của Darwin, các nhà thần học không còn gì hơn để chọn lựa ngoại trừ đưa ra một sự giải thích mới về học thuyết của họ hầu phù hợp với lý thuyết này mà từ lâu họ chống đối.
Dưới ánh sáng của những khám phá khoa học hiện đại, không khó khăn gì hiểu rằng quan điểm của nhiều tôn giáo về vũ trụ và đời sống chỉ thuần là những tư tưởng qui ước và đã được thay thế từ lâu. Thật ra mà nói là tôn giáo đã đóng góp vĩ đại cho sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Tôn giáo đã đặt ra những giá trị và tiêu chuẩn và hình thành những nguyên tắc để hướng dẫn đời sống con người. Nhưng dù cho tất cả những điều thiện đã làm, tôn giáo không thể tồn tại trong thời đại khoa học hiện đại nếu những tín đồ cứ bị bưng bít sự thật trong những khuôn mẫu và giáo điều, khuyến khích nghi thức và một số lối tu tập đã gần như mất hết ý nghĩa nguyên thủy.

Phật Giáo và Khoa Học

Cho tới đầu thế kỷ vừa qua, Phật Giáo vẫn còn hạn chế tại những nước không dính líu gì đến khoa học hiện đại. Tuy nhiên, ngay từ lúc khởi đầu, giáo lý của Ðức Phật luôn luôn rộng mở cho sự suy nghĩ của khoa học.
Một lý do tại sao giáo lý này lại được dễ dàng chấp nhận bởi tinh thần khoa học là do Ðức Phật không bao giờ khuyến khích niềm tin giáo điều cứng nhắc. Ngài không cho rằng căn bản giáo lý của Ngài là do tín ngưỡng, niềm tin, hay khải huyền nhưng cho phép được uyển chuyển rộng rãi và tự do tư tưởng.
Lý do thứ hai là vì tinh thần khoa học có thể tìm thấy trong cách giải quyết của Ðức Phật về Chân Lý vũ trụ. Phương pháp khám phá và thử nghiệm Chân Lý rất tương tự với phương pháp của khoa học. Khoa học gia quan sát một cách khách quan thế giới bên ngoài, và chỉ thiết lập lý thuyết khoa học sau nhiều lần thực nghiệm có kết quả.
Sử dụng cách giải quyết tương tự từ 25 thế trước đây, Ðức Phật quan sát thế giới bên trong với tâm không luyến chấp, và khuyến khích đệ tử không chấp nhận bất cứ giáo lý nào cho đến khi giáo lý ấy được điều tra kỹ lưỡng và được tự mình kiểm chứng sự thật. Giống như nhà khoa học hiện đại không cho rằng sự thử nghiệm của mình không thể sao chép lại bởi người khác, Ðức Phật không cho rằng kinh nghiệm giác ngộ là độc quyền của Ngài. Vậy nên trong vấn đề tìm cầu Chân Lý, Ðức Phật làm việc phân tích như khoa học gia ngày nay làm. Ngài thiết lập một phương pháp thực tiễn, khoa học tiến tới Chân Lý tối thượng và kinh nghiệm của Giác Ngộ.
Trong khi Phật Giáo đi cùng đường hướng với tinh thần khoa học và không làm sứt mẻ gì bề mặt của thế giới bên trong con người, khoa học thì vẫn không đúng khi đem đặt Phật Giáo ngang hàng với khoa học. Quả đúng là những áp dụng thực tiễn của khoa học giúp cho nhân loại sống cuộc đời tiện nghi hơn và đạt được những điều kỳ lạ mà trước đây chỉ là điều mơ ước. Khoa học đã làm cho con người bơi nhanh hơn cá, bay cao hơn chim, và đi trên cung trăng. Tuy nhiên phạm vi kiến thức chấp nhận được đối với trí tuệ khoa học qui ước bị giới hạn vào bằng chứng theo lối kinh nghiệm. Và chân lý khoa học lcũng bị thay đổi không ngừng. Khoa hoc không thể giúp con người kiểm soát tâm mình được và cũng không thể cho kiểm soát đạo đức và mục đích cuộc đời. Mặc dù có tạo những sự kỳ diệu, đương nhiên khoa học có nhiều giới hạn nhưng Phật Giáo vượt qua những giới hạn đó.

Giới Hạn Của Khoa Học

Ta thường nghe thấy rất nhiều về khoa học và điều khoa học có thể làm được, và rất ít về điều mà khoa học không làm được. Kiến thức khoa học bị giới hạn vào dữ kiện nhận được do giác quan. Khoa học không công nhận sự thực vượt qua dữ kiện giác quan. Chân lý khoa học được xây dựng trên sự quan sát hợp lý của giác quan - sự kiện luôn luôn thay đổi. Chân lý khoa học, cho nên, chỉ tương đối đúng không đứng vững với thời gian. Và khoa học gia nhận thức được sự kiện này, lúc nào cũng muốn loại bỏ một lý thuyết và thay thế vào một lý thuyết tốt hơn.
Khoa học cố gắng tìm hiểu thế giới bên ngoài và hầu như không chạm đến thế giới bên trong con người. Ngay cả đến khoa học tâm lý cũng không thực sự thăm dò nguyên nhân nằm sau tinh thần lo âu của con người. Khi một người bị dao động và chán ghét cuộc sống, và thế giới bên trong của người ấy tràn ngâp những xáo trôn và bất an, khoa học ngày này không trang bị gì để giúp người ấy. Khoa học xã hội phục vụ cho môi sinh con người có thể mang lại một mức độ hạnh phúc nào đó. Nhưng không giống như con vật, con ngư?i cần nhiều hơn không chỉ là tiện nghi vật chất mà cần sự giúp đỡ để đương đầu được với dao động, đau khổ phát sinh từ kinh nghiệm hàng ngày.
Ngày nay nhiều người bị hành hạ bởi sợ hãi, bồn chồn và bất an. Nhưng khoa học thất bại không cứu giúp được họ. Khoa học không thể dạy một người bình thường kiểm soát tâm, khi bị lôi cuốn bởi bản chất thú tính thiêu đốt trong lòng họ.
Có thể nào khoa học làm con người tốt hơn không? Nếu có thể được, tại sao những hành vi bạo động và vô luân đầy dẫy tại các nước rất tiến bộ về khoa học? Phải công bằng mà nói mặc dầu tiến bộ khoa học đạt được, và những lợi nhuận ban cho con người, khoa học vẫn không thay đổi nội tâm con người một cách căn bản; nó chỉ làm tăng cường cảm nghĩ ỷ lại và thiếu thốn? Thêm vào thất bại trong việc đem an ninh đến cho loài người, khoa học làm mỗi người cảm thấy bất an bởi sự đe dọa thế giới có thể toàn bộ bị tiêu diệt. Khoa học không thể cung cấp mục đích cuộc đời có ý nghĩa. Nó cũng không thể cho con người những lý do rõ ràng về cuộc sống. Thực ra, khoa học rất thế tục do bản chất và không quan tâm gì đến mục tiêu tinh thần của con người. Duy vật chủ nghĩa vốn gắn liền với tư tưởng khoa học bác bỏ mục tiêu tâm linh cao hơn sự thỏa mãn vật chất. Bởi lý thuyết chọn lựa và chân lý tương đối, khoa học không để ý đến những vấn đề thiết yếu nhất và để lại nhiều câu hỏi không được trả lời. Chẳng hạn, khi hỏi tại sao có sự bất bình đẳng vật chất và tinh thần hiện hữu giữa những con người, không có câu giải nghĩa khoa học nào có thể trả lời câu hỏi đó, câu hỏi này vượt qua giới hạn chật hẹp của nó.

Ngu Có Học

Tâm siêu việt mở mang bởi Ðức Phật không bị giới hạn vào giác quan - dữ kiện và vượt qua cái hợp lý vương mắc trong phạm vi giới hạn của sự nhận thức tương đối. Trí thông minh của con người, trái lại, hoạt động trên cơ sở thông tin, nó thâu thập và tàng trữ ở bất cứ lãnh vực tôn giáo, triết lý, khoa học hay nghệ thuật. Thông tin cho tâm được thu thập qua giác quan, giác quan này thấp kém trong nhiều đường lối. Thông tin giới hạn nhận được làm sự hiểu biết của chúng ta về thế giới bị bóp méo. Trong cuốn sách, Ngu Có Học, một học giả người Pháp tên Nicholas tại Cusa nhận định:
"Tất cả kiến thức khoác lác của chúng ta căn cứ trên giác quan quả thật là ngu dốt, và kiến thức thực sự chỉ có thể đạt được bằng cách lột bỏ tất cả hết điều này cho đến khi chúng ta suy nghĩ mà không sử dụng ý kiến giác quan."
"Chân lý không lệ thuộc vào những vấn đề bên ngoài mà chính trong phạm vi chúng ta. Chúng ta không thể hy vọng tìm chân lý bằng thử nghiệm và nhận thức giác quan và cả đến lý luận và lý lẽ. Có những dụng cụ đạt kiến thức nhưng không phải là sự thật - Chân lý. Chân lý phải đến từ sự nhận thức bên trong. Sách vở chỉ có thể kích thích tư tưởng và cho bạn kiến thức. Còn để tìm kiếm Chân lý bạn phải quay vào bên trong, trong phạm vi của bạn. Cho nên, sự tìm kiếm kiến thức là một việc, và sự tìm kiếm Chân lý lại là một việc khác."
Lời nói là sản phẩm của trí óc có giới hạn và tất cả kiến thức của tâm chúng ta tùy thuộc vào kinh nghiệm của giác quan. Những giác quan này đôi khi không tin tưởng được; một việc xẩy ra chứng kiến bởi nhiều người có thể giải thích nhiều cách khác nhau".
Một số người hãnh diện về việc họ biết rất nhiều. Thực ra, chúng ta càng biết ít bao nhiêu, chúng ta càng chắc chắn ở sự giải thích của chúng ta bấy nhiêu; chúng ta càng biết bao nhiêu chúng ta càng nhận thức thấy giới hạn của chúng ta bấy nhiêu.
Một học giả xuất sắc viết một tác phẩm mà ông coi là một công trình tuyệt tác. Ông cảm thấy cuốn sách của ông chứa tất cả những hạt ngọc văn chưong và triết lý. Rất hãnh diễn về thành quả của mình, ông đưa tác phẩm cho người bạn đồng nghiệp của ông, vị này cũng là môt học giả lẫy lừng như ông, và yêu cầu người đồng nghiệp hiệu đính lại cho ông. Thay vì kiểm lại, ngươi đồng nghiệp yêu cầu tác giả viết xuống giấy tất cả những gì ông biết và tất cả những gì ông không biết. Tác giả ngồi xuống và bắt đầu suy nghĩ, nhưng sau một hồi lâu ông không thể viết được gì về những điều ông biết. Ông bèn quay về với câu hỏi thứ hai, và cũng vậy, ông cũng khổng thể viết gì về những điều ông không biết. Cuối cùng, khi cái tôi của ông đã hạ xuống, ông đầu hàng, và biết rằng tất cả những gì ông biết thực ra chỉ là ngu xuẩn.
Về phương diện này, Socrates, nhà hiền triết Athenian nổi tiếng về thời cổ, đã nói như sau khi được hỏi về điều ông biết: "Tôi chỉ biết một điều - đó là điều tôi không biết".

Vượt Qua Khoa Học

Phật Giáo vượt qua khoa học hiện đại trong việc chấp nhận lãnh vực kiến thức rộng lớn hơn kiến thức được chấp nhận phép bởi trí tuệ khoa học. Phật Giáo chấp nhận kiến thức phát xuất từ giác quan cũng như từ kinh nghiệm bản thân đạt được do sự rèn luyện tinh thần. Bằng cách tập luyện và phát triển tâm trí tập trung cao độ, kinh nghiệm tôn giáo có thể được hiểu biết và kiểm chứng. Kinh nghiệm tôn giáo không phải là điều có thể hiểu được bằng cách thử nghiệm trong một ống nghiệm hay quan sát dưới kính hiển vi.
Chân lý khám phá ra bởi khoa học chỉ tương đối và lệ thuộc vaò sư thay đổi, nhưng Chân lý khám phá ra bởi Ðức Phật là không thể thay đổi được nữa và tuyệt đối. Chân lý của Pháp không thay đổi theo thời gian và không gian. Hơn nữa trái với lý thuyết chọn lựa của khoa học, Ðức Phật khuyên người trí không nên bám víu vào lý thuyết, khoa học hay lãnh vực nào khác. Thay vì lý thuyết, Ðức Phật khuyên nhân loại làm sao sống một cuộc đời chính đáng bằng cách làm lắng dịu giác quan, quẳng đi những ham muốn, Ðức Phật nhấn mạnh vào phương cách mà ta có thể tự khám phá ra bản chất của đời sống. Và mục đích thực sự của đời sống có thể tìm ra được.
Tu tập rất quan trọng trong Phật Giáo. Một người học nhiều nhưng không thực hành thì chẳng khác gì đọc được công thức từ một cuốn gia chánh to lớn mà không cố gắng nấu một món nào. Cái đói của người ấy không hết được chỉ bằng kiến thức trên sách vở. Thực hành là sự tiên quyết quan trọng cho giác ngộ trong một số trường phái Phật Giáo, như Thiền (Zen), tu tập phải đặt trước kiến thức.
Phương pháp khoa học chỉ hướng về bên ngoài, và những khoa học gia hiện đại khai thác thiên nhiên và những yếu tố tự nhiên để phục vụ tiện nghi của họ, đôi khi không để ý gì đến nhu cầu hòa hợp với môi trường, và do đó làm ô nhiễm thế giới Trái lại, Phật Giáo hướng vào bên trong, quan tâm đến sự phát triển nội tâm. Ở mức độ thấp hơn, Phật giáo dạy một cá nhân làm sao điều chỉnh và đương đầu với những biến cố và hoàn cảnh trong đời sống hàng ngày. Ở mức độ cao hơn, Phật Giáo tượng trưng sự nỗ lực phát triển vượt qua bản thân nhờ sự tu tập trau dồi tinh thần hay phát triển tâm trí.
Phật Giáo có hệ thống huấn luyện tinh thần đầy đủ liên quan với việc đạt tuệ giác đối vào bản chất của sự vật dẫn đến sự chứng đắc hoàn toàn Chân Lý Tối Thượng: Niết Bàn. Hệ thống này vừa thực tiễn vừa khoa học, nó đòi hỏi sự quan sát vô tư trạng thái xúc cảm và tinh thần. Giống như một khoa học gia hơn là một quan tòa, người tu thiền quan sát thế giới bên trong với sự chú tâm.

Khoa Học Không Tôn Giáo

Không có lý tưởng đạo đức, khoa học là mối nguy cho nhân loại. Khoa học làm ra máy móc, máy móc trở thành chúa tể. Ðạn và bom là tặng phẩm của khoa học. Có một số có quyền uy mà số phận của thế giới tùy thuộc vào. Trong khi phần nhân loại còn lại chờ đợi trong thống khổ và sợ hãi, không biết khi nào những vũ khí nguyên tử, hơi độc, những vũ khí giết người - tất cả những thành quả nghiên cứu khoa học được thiết kế để giết chóc cho hữu hiệu - sẽ được sử dụng với họ. Khoa học không thể hướng dẫn tinh thần cho nhân loại, khoa học còn đổ dầu vào ngọn lửa tham dục của con người.
Khoa học không đạo đức chỉ có nghĩa phá hoại: nó trở thành quái-vật tàn bạo do con người khám phá ra. Và bất hạnh thay, con quái vật này càng ngày càng mạnh hơn chính con người. Trừ phi con người học hỏi cách kiềm chế và ngự trị con quái vật ấy qua thực hành luân lý tôn giáo, nếu không con quái vật ấy sẽ áp đảo con người. Không có hướng dẫn đạo giáo, khoa học đe dọa tiêu diệt thế giới. Trái lại, khoa học đi đôi với một tôn giáo như Phật Giáo có thể thay đổi thế giới này thành thiên đường hòa bình, an ổn và hạnh phúc.
Không lúc nào bằng lúc này, sự hợp tác giữa khoa học và tôn giáo lại cần thiết đến thế cho lợi ích và phục vụ tốt nhất cho nhân loại. Tôn giáo không khoa học thì mù quáng, trong khi khoa học không tôn giáo thì khập khiễng.

Tán Thán Phật Giáo

Trí tuệ Phật Giáo xây dụng trên từ bi có một vai trò sống còn trong việc sửa lại mục tiêu nguy hiểm khoa học hiện đại đang hướng về. Phật Giáo có thể cung cấp sự lãnh đạo tinh thần để hướng dẫn nghiên cứu khoa học và phát minh hứa hẹn một tương lai rực rỡ. Phật Giáo có thể cung cấp mục tiêu có giá trị cho khoa học tiến bộ hiện đang phải đối đầu với một ngõ cụt vô vọng của sự bị bị nô dịch hóa bởi những phát minh.
Albert Einstein tán thán Phật Giáo khi ông nói: "Nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng với nhu cầu khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó phải là Phật Giáo" Phật Giáo không cần phải xét lại để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học.
Phật Giáo không cần phải đầu hàng quan điểm cho khoa học vì Phật Giáo bao gồm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học. Phật Giáo là cây cầu nối tư tưởng đạo lý và tư tưởng khoa học bằng cách khuyến khích con người khám phá ra tiềm năng tiềm ẩn trong tâm và môi trường chung quanh. Phật Giáo lúc nào cũng hợp thời!
(Thích Tâm Quang dịch)

---o0o---

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét