Trang

Của để dành --- TS. Thích Phước Đạt

imageKhát vọng lớn nhất của con người là được sống hạnh phúc và bình an. Cho nên, trong đời sống bình nhật, ai cũng muốn tạo dựng cho mình một sự nghiệp hay ít ra một công ăn việc làm ổn định hữu ích cho chính mình, cho mọi người. Từ đó, tự thân mong sao có một chút của cải để dành, để thiết lập một trật tự đời sống an bình nội tại.

Phật giáo không phủ nhận niềm khát vọng đời thường đó trong cuộc sống hằng biến đổi. Tuy nhiên, của để dành ấy, Phật giáo quan niệm rằng tài sản ấy chỉ là phương tiện dự phần vào đời sống an lạc chứ không phải là mục đích tối hậu, là chân giá trị hạnh phúc ở đời. Chính Đức Phật từng khuyến cáo pháp hữu vi vốn bị chi phối bởi luật vô thường, sự thật chúng vốn vô ngã: "Cái này không phải là của ta, là ta, là tự ngã của ta". Xem ra, tất cả tài sản mà tự thân tích lũy được dù giàu có đến mức độ nào cũng không đưa đến một đời sống hạnh phúc chân thật được. Vậy tài sản nào mà chuỏng ta cần tích lũy cần giữ gìn như là "của để dành" để sống, để hát ca với đời?
Câu chuyện về Ugga, vị đại thần của Passenadi, nước Kosala (*) là một câu trả lời. Chính vị đại thần này đã tán thán về sự giàu có vô tận của đại phú gia Migàra Rohaneyyo với niềm phúc lạc vô biên trước mặt Thế Tôn, vị thầy cao quý của mình: "Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn, giàu có đến như vậy, đại phúc đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo".
Thế Tôn ôn tồn hỏi:
- Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức độ nào, đại phú đến mức độ nào, tài sản nhiều đến mức độ nào?
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm ngàn, còn nói chi về bạc!
- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải ta nói rằng đây là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối (sàdharanam) bởi nước, lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch. Bảy tài sản này, Ugga không bị bởi nước, lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này các Tỷ kheo, không bị lửa, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự thù địch chi phối.
Rồi Thế Tôn tán thán công hạnh thành tựu bảy tài sản cao quý mệnh danh "Thất Thánh tài":

"Tín tài và giới tài
Tàm tài và quý tài
Văn tài và thí tài
Tuệ tài là thứ bảy
Ai có tài sản này
Nữ nhân hay nam nhân
Người ấy là đại phú
Thiên nhân giới khó thắng
Do vậy tín và giới
Tịnh tín và thấy pháp
Bậc trí chuyên chú tâm
Ức niệm lời Phật dạy".



Rõ ràng, Đức Phật đã xác lập để trở thành người đại phú, thiên nhân giới khó thắng, là người biết thực thi và thạnh tựu Thất Thánh tài, người đó cũng khéo biết nắm giữ bảy pháp tài sản quý giá do thực hành pháp đem lại. Đó chính là "của để dành", là chân giá trị không có bất cứ công ước gì chi phối cả. Nó quyết định cho đời sống hạnh phúc thật sự. Hay nói khác đi, đó là con đường tự thân tu tập, tự thân hành trì, tự thân chứng ngộ khởi đầu bằng sự thành tựu về lòng tịnh tín đối với Như Lai và kết thúc cuộc hành trình là thể nhập các pháp, đoạn tận khổ đau. Cụ thể hóa về Thất Thánh tài ấy như sau:

1. Tín tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng bậc giác ngộ của Như Lai: "Đây là Thế Tôn, bậc A la hán... Phật Thế Tôn. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tín tài".

Tài sản đầu tiên mà người thực tập đời sống hạnh phúc an lạc cần phải đạt được, đó là lòng tịnh tín đối với Như Lai, Như Lai là bậc Chánh đẳng giác, giác ngộ hoàn toàn. Ngài là người hiện thân ở giữa cõi đời này nhờ công phu tu tập tự thân sau 6 năm khổ hạnh và tư duy thiền định với nỗ lực phi thường trong rừng già. Ngài đã trở thành vị chứng ngộ với tuệ giác vô thượng. Cũng vậy, bất cứ chúng sinh nào tự mình suy tư với pháp, thực hành theo pháp Như Lai từng chứng ngộ thì nhất định giải thoát khổ đau, chứng đạt Niết bàn. Đây là niềm tin tối thượng làm tiền đề để thể nhập thành tựu Giới tài.

2. Giới tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh... từ bỏ đắm say men rượu nấu. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Giới tài".

Đây chính là tài sản cao quý thứ hai mà người đệ tử Phật đạt được để an trú trong giới. Mỗi bước đi của giới lạ mỗi bước đi ra khỏi vùng tâm lý tham sân si thường xuyên vây bủa tâm thức con người. Giới có công năng thiêu hủy tác nhân phiền não để thắp sáng tuệ giác vô thượng. Hay nói khác, đời sống đạo đức của tự thân sẽ được biểu lộ ra bằng các hành vi đạo đức của thân, lời nói ái ngữ dịu dàng bằng thái độ tôn trọng sự thật phát xuất từ mong ước của miệng, cuối cùng là luôn có ý nghĩ tốt đẹp hướng thiện được xuất phát từ một tâm thức gạn lọc. Nói chung, giới đi vào nếp sống an bình nội tại, thể hiện trên cuộc sống bình nhật với kết quả hữu hiệu lợi mình lợi người lợi cả hai.

3. Tàm tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tàm tài".

Sự thành tựu về giới là sự thành tựu về công đức về thân tâm. Tại đây, tâm được tẩy rửa các uế trược, ý thức, tự điều chỉnh thân tâm thường xuyên có mặt sẽ dự phần làm nên sự thanh tịnh hoàn toàn. Biết xấu hổ, hổ thẹn những kết quả thành tựu về pháp bất thiện đã đi qua là điều tất yếu. Đây là một thái độ sống tự đánh giá lại chính mình, biết nhìn lại chính mình để đoạn tận và viễn ly hẳn các tác nhân gây rối loạn tâm thức có chiều hướng xảy ra. Tài sản quý giá này thành tựu sẽ là cơ sở thực thi gia tài tiếp theo là Quý tài.

4. Quý tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sợ hãi vì thành tựu các pháp ác bất thiện. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Quý tài".

Hổ thẹn để đi đến sợ hãi về các pháp bất thiện do thân khẩu ý gây ra là quy luật tất nhiên trong cuộc hành trình thực thi thành tựu giới uẩn. Tại đây, sự thăng tiến thành tựu các pháp thiện chưa sanh làm cho sanh, các pháp thiện đã sanh làm cho thăng hoa hơn nữa. Nhờ đó, người thực tập đời sống an lạc có một tâm lý nhàm chán, yểm ly, sợ hãi các pháp bất thiện được điều động từ thân khẩu ý. Kết quả là hạt giống an lành được đâm chồi nẩy lộc ngay trong đời sống hiện tại.

5. Văn tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy Sơ thiện, Trung thiện, Hậu thiện nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Văn tài".


Nghe pháp, suy tư về pháp để rồi hành pháp, an trú trong pháp là tài sản cao quý do sự tích lũy từ Văn tài. Tại đây, tuệ giác được khai mở nhờ chánh kiến thành tựu luôn luôn soi rọi tâm thức. Từ đó, giai trình Văn - Tư - Tu thường xuyên vận hành để lạm hóa hiện tất cả những công đức có được trong đời sống. Dĩ nhiên, một tâm thức thanh tịnh sâu lắng, một tuệ giác hằng chiếu tạo nên một đời sống ẩn chứa đầy chất liệu an bình nội tại.

6. Thí tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả (muttacàgo), với bàn tay rộng mở (payatapãnị) ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Thí tài".
Thành tựu pháp này là thành tựu công đức vô giá mà người đệ tử cần thực thi. Thông thường, con người thường ưa nắm giữ tất cả những gì mình có hoặc chưa có. Đây là tâm lý thường tình do hạt giống xan tham thường hay nẩy mầm sản sinh trong tâm thức mình. Ngược lại, người bước vào đời sống an trú trong chánh pháp, tâm lý thường ưa xả ly, mở rộng vòng tay nối kết để sẻ chia sự ngọt ngào êm dịu cho mọi người mà chính mình đạt được.

7. Tuệ tài: "Ở đây, này các Tỷ kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh đạo, thể nhập đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ kheo, đây gọi là Tuệ tài".


Tuệ giác hiện khởi sẽ thấy rõ sự thật các pháp từ trong thực tánh Duyên khởi, thể nhập Niết bàn từ trong cõi mộng của đời. Đó là mục đích tối hậu của người hành trì chánh pháp. Khổ đau sẽ vắng mặt, thay vào đó hạnh phúc an lạc hoàn toàn. Đây chính là tài sản mà Đức Như Lai đã đạt được cũng như cho những ai biết thiết lập một đời sống hạnh phúc an lạc ngay giữa cõi đời này.
* * *
Trên đây là bảy món tài sản cao quý mà Đức Phật đã dạy, đã trao cho đại thần Ugga nước Kosala. Thực chất là Ngài muốn trao tặng cho những ai biết hướng đến đời sống hướng thượng. Đây chính là "của để dành" thiết thực nhất, nó có giá trị miên viễn không bị chi phối bất cứ định luật gì cả giữa cuộc đời này. Vấn đề còn lại của chúng ta trong thời đại này là con người hiện nay đang bị bao vây bởi mọi sự cám dỗ vật chất bắt nguồn từ sự thành tựu khoa học kỹ thuật và một tâm lý thường xuyên ưa nắm giữ của cải. Người ta cứ ngỡ càng tích lũy tài sản vật chất bao nhiêu là càng có của để dạnh bấy nhiêu, ngõ hầu chúng có thể góp phần kiến tạo đời sống hạnh phúc cho chính mình. Thật ra "của để dành" cần phải tích lũy, cần thiết lập là bảy món tài sản cao quý mà Đức Phật đã tận tay, tận lòng trao cho chúng ta cách đây 2500 năm về trước để giải thoát khổ đau. Trân trọng và thừa kế bảy tài sản cao quý mệnh danh là Thất Thánh tài này chính là người thừa tự Pháp, thừa tự công hạnh của Như Lai xưa cũng như nay, thế thôi.
(*) Tham khảo Kinh Tăng Chi tập II - phẩm Tài sản, trang 440. Trường Cao cấp Phật học Việt Nam ấn hành 1988. Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu.
Theo: Thư viện Hoa sen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét