Trang

Phật ngôn Pali


- Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi.
Nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi công phẫn và phiền muộn, thời các ngươi có thể biết được lời nói của những kẻ ấy là đúng hay sai lạc chăng? - Bạch Thế Tôn, không thể được! - Này các Tỷ-kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - "Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi".
- Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp, hay tán thán Tăng, thời các ngươi không nên hoan hỷ, vui mừng, tâm không nên thích thú. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, mà nếu các người hoan hỷ, vui mừng và thích thú thời sẽ có hại cho các ngươi. Này các Tỷ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: "Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi".
Này các Tỷ-kheo, thật chỉ thuộc các vấn đề không quan trọng, nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật mà kẻ phàm phu tán thán Như Lai. (Tụng phẩm I, Kinh Phạm võng- Brahmajàla sutta/ Trường Bộ Kinh)
*
Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật". Đó là lời cuối cùng của Như Lai. (Trường Bộ Kinh I. trang 665).
Thế Tôn nói với tôn giả Ananda đang ngồi một bên: - Thôi vừa rồi, Ananda, chớ có buồn rầu, chớ có khóc than. Này Ananda, Ta đã tuyên bố trước với ngươi rằng mọi vật ái luyến, tốt đẹp đều phải sanh biệt, tử biệt và ly biệt. Này Ananda làm sao có được sự kiện này: "Các pháp sanh, trú, hữu vi, biến hoại đừng có bị tiêu diệt?" Không thể có sự kiện như vậy được. (Trường Bộ Kinh I. trang 649)
Này Ananda, những ai, sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tọa vào một pháp gì khác. Những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy thiết tha học hỏi. (Trường Bộ Kinh I. trang 585)
Đây là pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có kết quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu. (Tương Ưng Bộ Kinh IV, trang 477)
Này các Tỷ-kheo, khi các người hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: luận bàn đạo pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh. (Trung Bộ Kinh I. trang 364)
Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các người cần phải học tập như sau: "Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận, Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân". Chư Tỷ-kheo, như vậy các người cần phải học tập. (Trung Bộ Kinh I. trang 287)
Các ngưòi Kalama ở Kesaputta bạch Thế Tôn:
- Có một số Sa-môn, Bà-lamôn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm của người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế tôn, chúng con có những nghi ngờ, phân vân: "Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo?"
- Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những nghi ngờ! Đương nhiên, này các Kalama, các ông có những phân vân! Trong những trường hợp đáng nghi ngờ, các ông đương nhiên khởi lên phân vân. Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh điển truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình.
Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là bất thiện – các pháp này là có tội; các pháp này bị các người có trí chỉ trích; các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau", thời này Kalama, hãy từ bỏ chúng!
Này các Kalama, khi nào tự mình biết như sau; "Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này không bị người có trí chỉ trích; các pháp hày nếu thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc", thời này các Kalama, hãy đạt đến và an trú! (Tăng Chi Bộ Kinh I. trang 337-8)
Vị ấy rõ biết như sau: "Trước ta có tham, tham ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa, Như vậy là thiện, Trước ta có sân, sân ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa. Như vậy là thiện, Trước ta có si, si ấy là bất thiện. Nay ta không có nữa. Như vậy là thiện." Như vậy, ngay trong đời sống hiện tại, vị ấy được giải thoát khỏi hy cầu, được tịch tịnh, được thanh lương, cảm thấy an lạc, tự mình an trú trong Phạm tánh. (Tăng Chi Bộ Kinh I. 354-5)
Như rùa dấu thân phần,
Trong mai rùa của nó.
Cũng vậy, vị Tỷ-kheo,
Thâu nhóm mọi tâm tư,
Không nương tựa một ai,
Không hại một người nào,
Không nói xấu một ai,
Hoàn toàn đạt tịch tịnh.
(Tương Ưng Bộ Kinh IV, trang 293)
Nầy Cunda, sự tình này không thể xảy ra: một người bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người khác bị rơi vào bùn lầy. Này Cunda, chỉ khi nào một người không rơi vào bùn lầy mới có thể kéo lên một người rơi vào bùn lầy.
Tương tự, Này Cunda, sự tình này không thể xảy ra: một người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát cho người khác. Chỉ khi nào, một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, mới có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác (Trung Bộ Kinh I. 106f).
đây, Tỷ-kheo hết sức hiền lành, hết sức nhu thuận, hết sức ôn hòa trong khi chưa bị những lời nói bất khả ý xúc phạm. Và chư Tỷ-kheo, chỉ khi nào Tỷ-kheo bị những lời nói bất khả ý xúc phạm, khi ấy vị ấy mới được xem là hiền lành, mới được xem là nhu thuận, mới được xem là ôn hòa (Trung Bộ Kinh I. 286).
Phải cộng trú mới biết được giới đức của một người, phải cùng chung một nghề mới biết được sự thanh tịnh của một người, chính trong thời gian bất hạnh mới biết được sự trung kiên của một người, phải đàm đạo mới biết được trí tuệ của một người, và phải trong một thời gian dài không thể khác được, phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. (Tương Ưng Bộ I. 181)
Các tài sản của người ấy nếu không thọ dụng chơn chánh, thời vua chúa sẽ cướp đoạt, hay trộm cắp cướp đoạt, hay bị lửa đốt, hay bị nước cuốn trôi, hay bị con cháu thừa tự thù nghịch cướp đoạt. Sự việc là như vậy, các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng. (Tương Ưng Bộ I. 202)
Ví như tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. (Tương Ưng Bộ I. 217)
Ngắn ngủi thay là tuổi thọ loài người ở đời này, rồi phải đi trong tương lai! Hãy làm điều lành. Hãy sống Phạm hạnh. Không có gì sanh ra lại không bị tử vong... (Tương Ưng Bộ I. 240)
Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác là điều không nên làm. Nếu làm những điều không nên làm ấy, thời có những nguy hại như sau được chờ đợi: tự mình chê trách mình; sau khi được biết, kẻ trí chê trách, tiếng ác đồn xa; bị mê ám khi mạng chung; sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. (Tăng Chi Bộ I. 110)
Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời. (Trường Bộ Kinh I. 222)
Khi Thánh Giới được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Định được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Tuệ được giác ngộ, được chứng đạt; khi Thánh Giải Thoát được giác ngộ, được chứng đạt, thời tham ái một đời sống tương lai được trừ diệt, những gì đưa đến một đời sống mới được dứt sach, nay không còn một đời sống nào nữa. (Trường Bộ Kinh I. 616).
Nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. (Trường Bộ Kinh I. 640).
Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia.
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này.
(Pháp Cú, kệ số 85)
Có hai duyên này, này các tỷ-kheo, khiến chánh kiến sanh khởi. Thế nào là hai? Tiếng nói (lời dạy) của người (trí) khác và như lý tác ý. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai duyên khiến chánh kiến sanh khởi. (Tăng Chi Bộ Kinh I, 161f)
Có ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu gia chủ cần phải làm trước. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu gia chủ, trước hết khéo cày và khéo bừa. Khéo cày và khéo bừa xong, người ấy cho gieo hạt giống đúng thời. Cho gieo hạt giống đúng thời xong, người ấy cho nước chảy vô chảy ra đúng thời. Ba việc này, này các Tỷ-kheo, một nông phu gia chủ cần phải làm trước.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có ba công việc này, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. Thế nào là ba? Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng tâm học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ba công việc này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm trước. (Tăng Chi Bộ Kinh I. trang 416-7)
Thế Tôn dã nói như sau: "Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi." (Trung Bộ Kinh I. trang 420)
Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: "Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi." (Tương Ưng Bộ Kinh III, p. 47)
Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được? (Tương Ưng Bộ Kinh III, trang 49)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là đặt gánh nặng xuống? Đây là sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn, sự từ bỏ, sự xả ly, sự giải thoát, sự không chấp thủ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đặt gánh nặng xuống. (Tương Ưng Bộ Kinh III, trang 54)
Đức Thế Tôn nói với tôn giả Anuradha: "Trước kia và nay, này Anuradha, Ta chỉ tuyên bố khổ và đoạn diệt khổ." (Tương Ưng Bộ Kinh III, trang 216)
Do duyên với mắt, khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của mắt. Mắt vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, đấy là nguy hiểm của mắt. Nhiếp phục dục tham, đoạn tận dục tham đối với mắt, đấy là xuất ly của mắt. (Tương Ưng Bộ Kinh IV, trang 21)
Đối với vị đã chứng bất động tâm giải thoát, Ta không nói rằng, các lợi đắc cung kính, danh vọng trở thành một chướng ngại pháp cho vị ấy. Và này Ananda, đối với những ai sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần; những người chứng được hiện tại lạc trú; đối với những người ấy, Ta nói rằng, lợi đắc, cung kính, danh vọng là chướng ngại pháp.
Thế Tôn nói với các vị Tỳ-kheo: "Bốn Niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn thần túc, Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh đạo phần. Này các Tỷ-kheo, chính những pháp này do Ta chứng ngộ và giảng dạy, mà các ngươi phải khéo học hỏi, thực chứng, tu tập và truyền rộng để phạm hạnh được trường tồn, vĩnh cửu, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài người. (Trường Bộ Kinh I. trang 614)
Này Vaccha, trong khi một loài hữu tình quăng bỏ thân này và sanh vào một thân khác, này Vaccha, Ta tuyên bố rằng trong khi ấy chính ái (tanhà) là nhiên liệu (upàdànam). (Tương Ưng Bộ Kinh IV, trang 619)
Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt. (Tương Ưng Bộ Kinh IV, trang 185)
đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không mau phẫn nộ và phẫn nộ không tồn tại lâu dài. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người không có nọc độc, và không có ác độc. Ví như, này các Tỷ-kheo, loại rắn không có nọc độc, không có ác độc ấy, Ta nói rằng, hạng người này giống như ví dụ ấy. (Tăng Chi Bộ Kinh II. 25)
đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết kham nhẫn lạnh, kham nhẫn nóng, kham nhẫn đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói chửi mắng, phỉ báng, chịu đựng các cảm thọ về thân, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo kham nhẫn. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 39)
Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, ánh sáng trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại này là ánh sáng trí tuệ. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 79-80)
Rất khó tìm được ở đời là những chúng sanh tự nhận mình là không tâm bệnh dầu chỉ trong một khoảnh khắc, trừ những vị đã đoạn trừ các lậu hoặc. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 86-87)
Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục!
(Pháp Cú, kệ số 159)

Có hạng người không nhiếc mắng lại kẻ đã nhiếc mắng, không sân hận lai kẻ đã sân hận, không gây lộn lại kẻ đã gây lộn. Đây gọi là đạo hành kham nhẫn. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 105)
đây, này Tỷ-kheo, bậc Hiền trí, Đại tuệ, không có nghĩ tự làm hại mình, không có nghĩ tự làm hại người, không có nghĩ tự mình làm hại cả hai, có suy nghĩ điều gì thời suy nghĩ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, lợi toàn thể thế giới. Như vậy, này Tỷ-kheo, là bậc Hiền trí, Đại tuệ. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 159)
Khi Tỷ-kheo không mắng chưởi lại những ai mắng chưởi, không nổi sân lại những ai nổi sân, không gây hấn lại những ai gây hấn, đó là vị Tỷ-kheo không phản ứng. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 233)
Có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Người này được gọi là bậc Chân nhân. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 238)
Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã từ bỏ thân làm ác đã tu tập thân làm lành; khi nào, Tỷ-kheo đã từ bỏ lời nói ác đã tu tập lời nói lành; khi nào, Tỷ-kheo đã từ bỏ ý nghĩ ác đã tu tập ý nghĩ lành; khi nào, Tỷ-kheo đã từ bỏ tà kiến đã tu tập chánh kiến, vị ấy không có sợ hãi về đời sau, về chết. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 43)
đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người sống tại các núi non, khóm rừng các trú xứ xa vắng; vị ấy tại đấy nghĩ đến tầm xuất ly, nghĩ đến tầm không sân, nghĩ đến tầm không hại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là thân viễn ly và tâm viễn ly. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 76)
Nói thật, không nói hai lưỡi, nói lời nhu hòa, và nói lời thông minh là bốn hạnh thiện về lời nói. (Tăng Chi Bộ Kinh II, trang 82)
Những Sa-môn, Bà-la-môn nào thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Bồ-đề. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 207)
Người có bố thí, khi được làm vị Thiên, vượt qua vị Thiên không bố thí trên năm phương diện: về thiên thọ mạng, về thiên sắc, về thiên lạc, về thiên danh xưng, về thiên tăng thượng. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 353)
Phải bị già, muốn khỏi già, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. Phải bị bệnh muốn không bệnh… Phải bị chết, muốn không chết… Phải hoại diệt, muốn không hoại diệt… Phải bị tiêu diệt, muốn không tiêu diệt, là một sự kiện không thể có được bởi một Sa-môn hay Bà-la-môn, bởi Ma hay Phạm thiên, hay bởi một ai ở đời. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 392)
Người biết ơn, và nhớ ơn khó tìm được ở đời. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 585)
Có người tự mình từ bỏ sát sanh và khích lệ người khác từ vỏ sát sanh; tự mình từ bỏ lấy của không cho và khích lệ người khác từ bỏ lấy của không cho; tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục và khích lệ người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục; tự mình từ bỏ nói láo và khích lệ người khác từ bỏ nói láo; tự mình từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu và khích lệ người khác từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Người này, được gọi là bậc Chân nhân trên Chân nhân. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 238-239)
Này các Tỷ-kheo, có năm lợi ích này của bố thí. Thế nào là năm? Được nhiều người ái mộ, ưa thích; được bậc Thiện nhân, Chân nhân thân cận; tiếng đồn tốt đẹp được truyền đi; không có sai lệch pháp của người gia chủ; khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, Thiên giới. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 366)
Này các tỷ-kheo, có năm loại bố thí này xứng bậc Chân nhân. Thế nào là năm? Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 591)
Đoạt mạng mẹ, đoạt mạng cha, đoạt mạng vị A-la-hán, với ác tâm làm Như Lai chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, năm pháp ngũ nghịch đại tội này, đưa đến đọa xứ, đưa đến địa ngục, không thể chữa trị. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 543)
Tham khởi lên, thật khó trừ khử; sân khởi lên, thật khó trừ khử; si khởi lên, thật khó trừ khử; ham nói khởi lên, thật khó trừ khử; tâm lang thang khởi lên, thật khó trừ khử. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 612)
Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. Năm nghề buôn bán này không nên làm bởi người cư sĩ. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 646)
Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm. Thành tựu năm chi phần này, này các tỷ-kheo, các lời nói là thiện thuyết, không phải là ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 701)
Tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ, tưởng đoạn tận, tưởng ly tham, tưởng đoạn diệt. Sáu pháp này là thuộc về minh phần. (Tăng Chi Bộ Kinh III, 88)
Người có bố thí, khi được làm người, vượt qua vị làm người không bố thí trên năm phương diện: về nhân thọ mạng, về nhân sắc, về nhân lạc, về nhân danh xưng, về nhân tăng thượng. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 352)
Tỷ-kheo chánh niệm đi ra, chánh niệm đi vào, chánh niệm ngồi, chánh niệm nằm, chánh niệm trong khi làm việc. Đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, được đưa đến chánh niệm tỉnh giác. (Tăng Chi Bộ Kinh III, 74)
Nếu một Tỳ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, vô minh được giải thoát, không có chấp thủ, thời đủ để được gọi vị Tỷ-kheo đã đạt được hiện tại Niết-bàn. (Tương Ưng Bộ Kinh II, trang 204)
Phật dạy: Làm sao lời ước nguyền này có thể thành tựu được: "Mong sao cái gì được sanh, được thành, là pháp hữu vi, là pháp bị diệt hoại, lại có thể không bị diệt hoại!"? Sự kiện như vậy không thể xảy ra. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác. (Tương Ưng Bộ Kinh V, 258)
Ở thế gian này, chẳng phải hận thù trừ được hận thù, chỉ có từ bi mới trừ được hận thù. Đó là định luật ngàn thu. (Pháp Cú, kệ số 5)
Để đoạn tận tham, bất tịnh cần phải tu tập. Để đoạn tận sân, từ tâm cần phải tu tập. Để đoạn tận si, trí tuệ cần phải tu tập. (Tăng Chi Bộ Kinh III, trang 264)
Để đoạn tận thân ác hành, thân thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận khẩu ác hành, khẩu thiện hành cần phải tu tập. Để đoạn tận ý ác hành, ý thiện hành cần phải tu tập. (Tăng Chi Bộ Kinh II, 265)
Người kia vì không hiểu rằng: "Chúng ta sắp bị hủy diệt" (nên mới phí sức tranh luận hơn thua). Nếu nó hiểu rõ điều đó, thì chẳng còn tranh luận nữa. (Kinh Pháp Cú, kệ số 6)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 17)
Đồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 18f)
Có ba kiêu mạn, đó là, kiêu mạn "Tôi hơn"; kiêu mạn "Tôi bằng"; kiêu mạn "Tôi thua". Chính vì mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận ba kiêu mạn này mà Thánh đạo Tám ngành được tu tập. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 88)
Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xã giác chi, là con đường đưa đến chinh phục ma quân. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 159)
Đêm rất dài đối với kẻ mất ngủ, đường rất xa đối với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, vòng luân hồi sẽ tiếp nối vô tận đối với kẻ ngu si không biết chánh pháp. (Kinh Pháp Cú, kệ số 60)
Này các Tỷ-kheo, "Tôi sẽ hộ trì cho mình", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, "Chúng ta sẽ hộ trì cho người khác", tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 265)
Này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng bi mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 265)
Đây là con đường độc nhất khiến chúng sanh được thanh tịnh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là bốn niệm xứ. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 289)
Phạm hạnh được sống để thể nhập Niết-bàn, Phạm hạnh lấy Niết-bàn làm mục đích, lấy Niết-bàn làm cứu cánh (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 289)
Trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng, tức là về giác ngộ... (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 354)
Do trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng đến tâm. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 454)
Do tu tập, làm cho sung mãn bốn niệm xứ này, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí, vị ấy chứng ngộ, chứng đạt và an trú tâm giải thoát, tuệ giải thoát. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 458)
Khi vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, nên thân không rung động, không dao động, hoặc tâm không rung động hay dao động. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 458)
Ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 488)
Vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Ta muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ. Nếu có ai đến đoạt mạng sống của ta, một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta đoạt mạng sống một người muốn sống, không muốn chết, muốn lạc, ghét khổ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ sát sanh, khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh, nói lời tán thán từ bỏ sát sanh. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 520)
Vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu có ai lấy của không cho của ta, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý đối với ta. Nhưng nếu ta lấy của không cho của người khác, gọi là ăn trộm, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời pháp ấy cũng không khả ái, không khả ý cho người khác. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ lấy của không cho, khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho, nói lời tán thán từ bỏ lấy của không cho. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 520-521)
Vị thánh đệ tử suy nghĩ như sau: "Nếu có ai đối xử với ta bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta đối xử với người khác bằng thô ác ngữ, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. Và một pháp này không khả ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?" Do suy tư như vậy, vị ấy từ bỏ thô ác ngữ, khuyến khích người khác từ bỏ thô ác ngữ, nói lời tán thán từ bỏ thô ác ngữ. Như vậy, về khẩu hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 522-523)
Đối với vị Thánh đệ tử, lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, và các giới được các bậc Thánh ái kính; những pháp này trôi chảy đến bờ bên kia, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 576-577)
Thân cận với bậc Chân nhân, nghe diệu pháp, như lý tác ý, thực hiện pháp và tùy pháp. Bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến chứng ngộ quả Dự lưu. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 598)
Một là đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 611)
Thế nào là Thánh đế về Khổ? Cần phải được nói là năm thủ uẩn. Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 618)
Thế nào là Thánh đế về Khổ tập? Chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này, chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 618)
Thế nào là Thánh đế về Khổ diệt? Chính là sự đoạn diệt, ly tham không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 618)
Thế nào là Thánh đế về Con Đường đưa đến Khổ diệt? Đây là Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 618)
Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri. Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận. Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ. Thánh đế về Con Đường dưa đến Khổ diệt cần phải tu tập. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 634)
Ai thấy Khổ, người ấy cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ tập, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ diệt, cũng thấy Con Đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Con Đường đưa đến Khổ diệt. Ai thấy Con Đường đưa đến Khổ diệt, người ấy cũng thấy Khổ, cũng thấy Khổ tập, cũng thấy Khổ diệt. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 635)
Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây gậy được quăng lên hư không, khi thì rơi xuống đầu gốc, khi thì rơi xuống chặng giữa, khi thì rơi xuống đầu ngọn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh bị vô minh che lấp, bị khát ái trói buộc, dong ruỗi, luân chuyển, khi thì đi từ thế giới này đến thế giới kia, khi thì đi từ thế giới kia đến thế giới này. Vì sao? Vì rằng không thấy bốn Thánh đế. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 638-639)
Vô thỉ, này các tỷ-kheo, là sự luân chuyển, khởi điểm không thể nêu rõ, đối với (những đau khổ) do bị thương đâm, do bị kiếm chém, do bị búa chặt. Dầu vậy đi chăng nữa, này các Tỷ-kheo, Ta cũng không tuyên bố rằng nhờ khổ và ưu mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. Nhưng này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng nhờ lạc và hỷ mà bốn Thánh đế được chứng ngộ. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 641)
Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỷ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy; còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ để được làm người trở lại. Vì sao? Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỷ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có người yếu bị ăn thịt. Vì sao? Vì không thấy được bốn Thánh đế. (Tương Ưng Bộ Kinh V, trang 660)
Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: "Tất cả các hành là vô thường". Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: "Tất cả các hành là vô thường". (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 523)
Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp guyết định tánh, tức là: "Tất cả các hành là khổ". Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: "Tất cả các hành là khổ". (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 523)
Này các Tỷ-kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay các Như Lai không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp guyết định tánh, tức là: "Tất cả các hành là vô ngã". Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: "Tất cả các hành là vô ngã". (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 523)
Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp: ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi. (Trung Bộ Kinh I, 422)
Ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. (Tương Ưng Bộ Kinh III, 219)
Thân thể này không phải của các ông, không phải của người khác. Thân này, này các Tỷ-kheo, phải được xem là do hành động, do sắp đặt, do sự cố ý, do sự cảm thọ trong quá khứ. (Tương Ưng Bộ Kinh II, trang 118-119)
Những ai thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, những người ấy bảo vệ tự ngã. Dầu cho họ không được tượng binh bảo vệ, hay không được mã binh bảo vệ, hay không được xa binh bảo vệ, hay không được bộ binh bảo vệ; đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ. Vì cớ sao? Vì sự bảo vệ như vậy là sự bảo vệ bên trong, không phải sự bảo vệ ở ngoài. Cho nên đối với những người ấy, tự ngã được bảo vệ. (Tương Ưng Bộ Kinh II, trang 170)
1. Ít có giá trị, này các Tỳ-kheo, là những mất mát này, như mất mát bà con. Cái này khốn cùng giữa các mất mát, này các Tỳ-kheo, tức là mất mát trí tuệ. (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 32)
2. Ít có giá trị, này các Tỳ-kheo, là những tăng trưởng này, như tăng trưởng bà con. Cái này là tối thượng giữa các tăng trưởng này, này các Tỳ-kheo, tức là tăng trưởng trí tuệ. (Tăng Bộ Kinh I, trang 32)
Một Người, này các Tỳ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Chánh Giác. (Tăng Bộ Kinh I, trang 46)
"Có những pháp này, này các Tỳ-kheo, là đặc tính của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu. Thế nào là ba pháp? Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác. Nếu người ngu này, này các Tỳ-kheo, không suy nghĩ ác, không nói ác, và không làm ác, thời lấy gì người hiền trí biết được: "Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân"?
Vì rằng, này các Tỳ-kheo, người ngu suy nghĩ ác, nói ác và làm ác, nên các người hiền trí biết được: "Người này là kẻ ngu, không phải là bậc chân nhân". Có những pháp này, này các Tỳ-kheo, là đặc tánh của người ngu, là tướng trạng của người ngu, là ấn tích của người ngu." (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 183)
"Có những pháp này, này các Tỳ-kheo, là đặc tính của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí. Thế nào là ba pháp? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện, và làm thiện. Nếu người hiền trí này, này các Tỳ-kheo, không suy nghĩ thiện, không nói thiện, và không làm thiện, thời lấy gì người hiền trí biết được: "Người này là người hiền trí, bậc chân nhân"?
Vì rằng, này các Tỳ-kheo, người hiền trí suy nghĩ thiện, nói thiện, và làm thiện, nên các người hiền trí biết được: "Người này là người hiền trí, là bậc chân nhân". Có những pháp này, này các Tỳ-kheo, là đặc tánh của người hiền trí, là tướng trạng của người hiền trí, là ấn tích của người hiền trí." (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 183-184) 
 "Thành tựu với ba pháp, này các Tỳ-kheo, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, không thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, không như pháp sám hối; được thấy người khác phát lồ có tội, không như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỳ-kheo, người ngu được biết đến.” (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 184)
"Thành tựu ba pháp này, này các Tỳ-kheo, người hiền trí được biết đến. Thế nào là ba? Phạm tội, thấy là có phạm tội; phạm tội sau khi thấy là có phạm tội, như pháp sám hối; được người khác phát lồ có tội, như pháp chấp nhận. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỳ-kheo, người hiền trí được biết đến.” (Tăng Chi Bộ Kinh I, trang 184) 
"Khổ luỵ, này các Tỳ-kheo, là các lợi đắc, cung kính, danh vọng, thật là đắng cay, ác độc, là chướng ngại pháp để chứng đạt vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách. Do vậy, này các Tỳ-kheo, cần phải học tập như sau: "Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng đã đến, chúng ta sẽ từ bỏ chúng. Đối với lợi đắc, cung kính, danh vọng chưa đến, chúng ta không để chúng xâm chiếm và an trú".
"Và này các Hiền giả, đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống đau khổ, bị chướng ngại, bị ưu não, bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ phải sanh ác thú. Đây không phải là sự thành tựu các thiện pháp được Thế Tôn tán thán". (Kinh Tương Ưng Bộ III, trang 22)
"Nhưng này các Hiền giả, vì rằng đạt được và an trú trong các thiện pháp, và ngay trong đời sống hiện tại, sống được an lạc, không bị chướng ngại, không bị ưu não, không bị nhiệt não, và sau khi thân hoại mạng chung, sẽ không sanh thiện thú. Do vậy, đây là sự thành tựu các thiện pháp, được Thế Tôn tán thán”. (Kinh Tương Ưng Bộ III, trang 22)
"Và này các Tỳ-kheo, như thế nào là người bất chánh đầy đủ pháp bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-kheo, người bất chánh bất tín, vô tàm, vô quý, nghe ít, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là ngườI bất chánh đầy đủ pháp bất chánh.” (Kinh Trung Bộ III, trang 146)
"Và này các Tỳ-kheo, như thế nào là người bất chánh giao du với người bất chánh? Ở đây, này các Tỳ-kheo, những vị Bà-la-môn nào bất tín, vô tàm, vô quý, ít nghe, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ, những vị ấy là bạn, là thân hữu với người bất chánh ấy. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là người bất chánh giao du với người bất chánh". (Kinh Trung Bộ III, trang 146-7)
"Này các Tỳ-kheo, có người phi Chân nhân là người nghe nhiều. Người ấy suy nghĩ như sau: "Ta là người nghe nhiều, còn các Tỳ-kheo này không nghe nhiều." Người ấy do được nghe nhiều nên khen mình chê người. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là phi Chân nhân pháp." (Kinh Trung Bộ III, trang 179)
"Và này các Tỳ-kheo, người Chân nhân suy nghĩ như sau: "Không phảI vì nghe nhiều mà các tham pháp đi đến đoạn trừ, hay các sân pháp đi đến đoạn trừ, hay các si pháp đi đến đoạn trừ. Nếu có người không nghe nhiều và người ấy hành trì đúng pháp và thuận pháp, hành trì chơn chánh, hành trì thuận pháp, thời ở đây, người ấy được kính trọng, ở đây, người ấy được tán thán.” Người ấy sau khi lấy đạo lộ làm chánh yếu, không khen mình chê người, vì tự mình được nghe nhiều. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là Chân nhân pháp." (Kinh Trung Bộ III, trang 179)
"Này thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. NGHIỆP là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu". (Kinh Trung Bộ III, trang 474)
"Ai có chấp trước là có dao động. Ai không chấp trước, không có dao đông. Không có dao động, thời có khinh an; có khinh an thời không có hỷ cầu; không có hỷ cầu thời không có khứ lai; không có tử sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có giữa hai đời. Như vậy là sự đoạn tận đau khổ." (Kinh Trung Bộ III, trang 598)
"Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người? - đây, các Tỳ-kheo, có người giết trâu bò, người giết heo, là người giết vịt, săn thú, là thợ săn, thợ đánh cá, ăn trộm, người xử tử các người ăn trộm, cai ngục và những người làm các nghề độc ác khác. Như vậy, này các Tỳ-kheo, được gọi là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người." (Kinh Trung Bộ II, trang 18)
Tỳ khưu Chánh Kiến biên soạn
-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét