Trang

Steve Jobs & Thiền

Tư tưởng của Thiền đã ảnh hưởng đến triết lý sống và tư duy trong công việc của Steve Jobs.
teve Jobs, Chủ tịch của Apple, là một doanh nhân thành công và được ngưỡng mộ bậc nhất thế giới. Thế nên, người ta thường chỉ biết về khía cạnh công việc của ông, tức quá trình ông đưa Apple thành một trong những công ty có giá trị thị trường cao nhất thế giới.


image 
  Một khoảnh khắc Thiền của Steve Jobs - Ảnh chụp tại nhà, năm 1982.
Về cuộc đời Jobs, có một điểm đặc biệt người ta ít để ý, đó là Thiền. Jobs bắt đầu tìm hiểu Thiền từ rất sớm. Tư tưởng của Thiền đã ảnh hưởng đến triết lý sống và tư duy trong công việc của ông.
Đi tìm minh triết
Năm 17 tuổi, Jobs bước vào đại học với một nỗi băn khoăn. “Tôi hoàn toàn không biết tôi muốn gì ở cuộc sống này, cũng như không biết làm thế nào để việc học đại học có thể giúp tôi tìm ra câu trả lời”. Điều Jobs thấy rõ nhất là ông đang tiêu tốn khoản tiền tiết kiệm cả đời của cha mẹ, những người thuộc giai cấp lao động, cho những gì ông “không hề thấy có giá trị.” Jobs bỏ học và sống một cách cơ cực sau đó.
Jobs phải ngủ nhờ dưới sàn phòng của bạn. Để có tiền mua thức ăn, ông phải thu từng chai nước ngọt trả lại cho đại lý để nhận khoản đặt cọc 5 xu/chai. Mỗi tối Chủ nhật, Jobs phải lội bộ hơn 11 km xuyên thành phố để có được một bữa ăn ngon miễn phí tại đền Hare Krishna (Ấn Độ Giáo). Nói về những ngày tháng cơ cực đó, Jobs chia sẻ: “Tôi yêu khoảng thời gian này. Phần lớn những gì tôi tiếp xúc từ sự tò mò và trực giác của mình về sau đều trở nên vô giá đối với tôi”. Thường xuyên đến đền Hare Krishna vào mỗi tối Chủ nhật là cơ duyên cho hành trình tìm minh triết tại Ấn Độ của Jobs sau đó.
Năm 1973, Jobs cùng một người bạn là Daniel Kottke, lang thang khắp Ấn Độ để “tìm kiếm sự giác ngộ tâm linh”. Không may cho Jobs, vị minh sư bí ẩn mà ông muốn diện kiến vừa qua đời. Không tìm được sự giác ngộ tâm linh như mong muốn, ông trở về California trong trang phục của một nhà sư.
Trở về Mỹ, Jobs dành nhiều thời gian tìm hiểu về Thiền tại Trung tâm Thiền Los Altos ở California trước khi nghiên cứu sâu hơn về Thiền dưới sự hướng dẫn của Thiền sư Kobun Chino Otogawa, người về sau được Jobs mời làm “cố vấn tâm linh” cho công ty phần mềm NeXT.
Năm 1976, sau 3 năm tầm sư học đạo, Jobs cùng người bạn cũng bỏ học đại học như mình là Steve Wozniak thành lập Apple. Nhìn lại chặng đường Jobs đã đi qua, có thể thấy những tư tưởng Thiền mà ông tiếp xúc khi còn trai trẻ đã để lại nhiều dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Tư tưởng “Ma”, “Sơ tâm” và chìa khóa đến sự vĩ đại
Ma là một tư tưởng cốt lõi của Thiền, lý giải mối quan hệ giữa tánh không (emptiness) và hình tướng (form), hay làm thế nào mà sự trống rỗng hình thành nên vật thể. Hãy lấy chiếc nhẫn làm ví dụ, điều gì khiến cho vật này có ý nghĩa? Câu trả lời là chính khoảng không gian trống rỗng mà vòng kim loại chứa đựng chứ không phải bản thân vòng kim loại đó. Đây cũng là bí mật trong triết lý thiết kế sản phẩm của Jobs. Nhờ đó, sản phẩm của Apple đã đạt đến sự tiện giản đến mức gần như trống rỗng. Apple sẵn sàng loại bỏ tất cả chi tiết, nút bấm không cần thiết để sản phẩm của mình sở hữu “những khoảng trống đầy ý nghĩa”, tạo nên sức hút khó cưỡng lại đối với người sử dụng.
Sơ tâm tức cái tâm của người mới bắt đầu. Khái niệm này xuất phát từ Thiền Phật giáo được Thiền sư người Nhật Shunryu Suzuki phổ biến rộng rãi ở Mỹ trong thập niên 1960. Khái niệm nói đến sự cởi mở và mức độ sẵn sàng học hỏi của một người. “Với tâm trí của người mới bắt đầu, bao giờ cũng xuất hiện nhiều cơ hội, nhưng với tâm trí của một chuyên gia, thì hầu như không có cơ hội nào”, Thiền sư Suzuki từng giảng như thế về Sơ tâm.
Jobs là “người mới bắt đầu” đích thực. Thành lập Apple ở tuổi 20 cùng người bạn là bước đi đầu tiên của ông. Sau 10 năm, từ công ty có trụ sở tại phòng ngủ và ga-ra, Apple đã vươn mình trở thành công ty trị giá 2 tỉ USD với hơn 4.000 nhân viên. Ở tuổi 30, Jobs bị chính công ty mình sáng lập nên sa thải.
“Tôi không biết phải làm gì trong nhiều tháng sau đó. Tôi gần như muốn trốn chạy khỏi mọi thứ. Nhưng tôi dần nhận ra rằng tôi vẫn say mê những gì mình làm. Nên tôi quyết định khởi đầu lại. Khi đó tôi chưa nhận ra việc bị sa thải chính là điều tốt đẹp nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng thành công được thay thế bằng sự thoải mái khi được trở lại thành một người mới bắt đầu, không chấp vào bất cứ thứ gì. Điều đó đã giải phóng tôi, cho tôi bước vào những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời”, Jobs cho biết.
Và như thế, NeXT và Pixar lần lượt ra đời. Cả 2 công ty đều mang đậm dấu ấn đột phá của Steve Jobs. NeXT tiên phong trong lĩnh vực thiết kế phần mềm máy tính và nổi tiếng nhờ một tập thể thiên tài do Jobs tập họp được. Còn Pixar dưới sự dẫn dắt của Jobs chính là công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất bộ phim hoạt hình từ đồ họa máy tính, Toy Story. Hiện nay, Pixar vẫn là hãng phim đồ họa thành công nhất thế giới. Trở lại “mái nhà xưa” Apple năm 1997 để tiếp quản chiếc ghế Tổng Giám đốc, Jobs tiếp tục vận dụng lối tư duy của “người mới bắt đầu” để từng bước khai sinh ra các sản phẩm Apple “trước nay chưa hề có” nhưng mang lại thành công bền vững cho Apple từ đó về sau. Đó là iMac, Max OS X, iPod, iTunes, iPhone và gần đây nhất là iPad.
Quan niệm về cái chết và quá trình ra quyết định
Jobs từng chia sẻ quan điểm của ông về cái chết cũng như tầm quan trọng của việc nhận biết đúng đắn về cái chết:
“Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người thích lên thiên đàng cũng không muốn chết. Tuy nhiên, cái chết là đích đến chung của mỗi chúng ta và không ai có thể tránh khỏi. Nhưng Cái Chết thật ra lại là một trong những tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, dẹp bỏ cái cũ, dọn đường cho cái mới.
“Luôn ghi nhớ rằng mình sẽ chết chính là công cụ quan trọng nhất giúp tôi ra những quyết định lớn trong cuộc sống. Vì hầu như mọi thứ như sự kỳ vọng, niềm tự hào của người khác, hay sự sợ hãi thất bại đều tan biến khi đối diện với cái chết”, Jobs cho biết và nói tiếp: “Luôn ghi nhớ rằng mình sẽ chết chính là cách tốt nhất giúp tôi tránh được cái bẫy tư duy khiến tôi tin rằng mình có một điều gì đó để mất. Bản thân tôi vốn đã không có gì nên không có lý do gì để không nghe theo con tim mình cả”.
Ông cũng cho rằng thời gian của bất cứ ai cũng có giới hạn nên đừng lãng phí nó mà sống cuộc đời của người khác. Đừng mắc kẹt vào những giáo điều, sống với quan điểm của người khác. Đừng để những huyên náo từ quan điểm của người khác dìm chết tiếng nói nội tâm của mình. Và quan trọng nhất là dũng cảm làm theo con tim và trực giác. Theo một cách nào đó, chúng đã biết những gì một người thật sự muốn trở thành. Những thứ khác đều không quan trọng.
Jobs còn đề cập đến một vấn đề quan trọng: hãy dám là chính mình, dám sống cuộc đời của mình, sống với tiếng nói của con tim và trực giác, để trở thành những gì mình thật sự muốn trở thành. Ông khuyên mọi người: “Hãy luôn khát khao và hãy dám dại khờ”, để có thể làm nên những điều vĩ đại. 
Nguồn: Nhịp Cầu Đầu Tư

 =========================================
Tin mới cập nhật ngày 5/10/2011:

Đồng sáng lập Apple Steve Jobs qua đời

 

Đồng sáng lập kiêm cựu giám đốc điều hành hãng Apple, người đã mang đến cho thế giới Iphone và Ipad, đã qua đời ở tuổi 56 sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư.
Hãng công nghệ máy tính khổng lồ Apple của Hoa Kỳ đã chính thức thông báo tin buồn này vào thứ Tư 5/10.
"Sự xuất chúng, đam mê và năng lượng tràn đầy của Steve là khởi nguồn cho vô số những sáng tạo đã không ngừng làm giàu có và nâng cao cuộc sống của tất cả chúng ta. Thế giới trở nên tốt đẹp rất nhiều vì có Steve”, Apple chia sẻ.
Năm 2004, Jobs tuyên bố với công chúng ông bị ung thư tuyến tụy, một căn bệnh hiếm gặp.
Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates nói "ảnh hưởng sâu rộng" của Jobs sẽ còn tiếp tục “lan toả đến nhiều thế hệ tương lai”.
Gates nói thêm: "Trong số những người chúng ta có may mắn được làm việc chung với ông ấy, đó là niềm vinh hạnh hết sức lớn lao. Tôi sẽ nhớ Steve vô cùng.”
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự kính trọng: “Michelle và tôi rất đau buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời. Steve là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng khí để suy nghĩ một cách khác biệt, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để thực hiện điều đó".
Thị trưởng New York Michael Bloomberg cho biết: “Nước Mỹ đã mất đi một thiên tài người sẽ được nhớ đến cùng với Einstein và Edison, người mà nhũng ý tưởng của ông sẽ định hình thế giới trong nhiều thế hệ tiếp theo.”
Một thông cáo phát đi từ gia đình Steve Jobs cho biết vợ và con ông đã ở bên cạnh ông khi ông thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng hôm thứ Tư ngày 5/10.
“Đối với công chúng, Steve được biết đến như một con người có tầm nhìn. Nhưng trong cuộc sống riêng, ông là người rất quý trọng gia đình,” bản thông cáo viết và cảm ơn những ai đã cùng cầu nguyện cho ông trong suốt năm cuối đời của ông.

Treo cờ rủ

Cờ treo rủ bên ngoài trụ sở Apple ở Cupertino, bang California, trong khi những người hâm mộ ông đã thức trắng đêm và để lại những lời chia buồn bên ngoài các cửa hàng của Apple trên khắp thế giới.
Người sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg cảm ơn Jobs đã chứng tỏ rằng ‘những gì ông tạo ra có thể thay đổi thế giới’, còn Chủ tịch và Giám đốc điều hành tập đoàn Sony Howard Stringer nói ‘kỷ nguyên số đã mất đi ngọn đèn dẫn đường.”
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, vốn đang vướng vào một cuộc tranh chấp pháp lý với Apple về bằng sáng chế, ca ngợi Jobs vì những ‘thay đổi mang tính cách mạng trong ngành công nghệ thông tin’.
“Tinh thần sáng tạo và những thành tựu phi thường của ông sẽ được mọi người ở khắp nơi trên thế giới mãi ghi nhớ,” Giám đốc điều hành Choi Gee-Sung của Samsung nói.
Steve Jobs nổi tiếng là một lãnh đạo mạnh mẽ, khắt khe và khai phá những lĩnh vực công nghệ còn bỏ ngỏ, chẳng hạn như chuột máy tính và giao diện sử dụng các biểu tượng thay vì chữ, và làm cho chúng trở nên phổ biến với công chúng.
Ông là người đã đưa các sản phẩm máy tính iMac, máy nghe nhạc số iPod, điện thoại thông minh iPhone và máy tính bảng iPad. Ông qua đời chỉ một ngày sau khi Apple cho ra mắt mẫu iPhone 4S mới nhất.
Với giá trị thị trường ước tính vào khoảng 351 tỉ đô la, Apple hiện là công ty có giá trị nhất trong thế giới công nghệ.
Hơn bất cứ lãnh đạo doanh nghiệp nào khác, Steve Jobs là gương mặt không thể tách rời với Apple mà ông đồng sáng lập vào những năm 1970.
Là gương mặt đại diện của Apple, Jobs đại diện cho tâm huyết của công ty trong lĩnh vực công nghệ cao và những thiết kế mang tính thời trang.
Cho dù có tài sản khổng lồ và thành công vượt bậc trong lãnh đạo doanh nghiệp, Steve Jobs vẫn luôn giữ dáng vẻ của một võ lâm ở Thung lũng Silicon.
Phong cách thô ráp của Steve Jobs khiến ông bị tiếng là người khó cộng tác, song cặp mắt tinh tường của ông đã đưa Apple trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất hành tinh.
Steven Paul Jobs sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955, là con trai của một cặp sinh viên đại học chưa kết hôn: Joanne Schiebe và Abdulfattah Jandali, người gốc Syria.
Ông bị cha mẹ ruột từ bỏ và được một đôi vợ chồng người California là Paul và Clara Jobs nhận nuôi.
Nhiều tháng sau đó, cha mẹ ruột của ông thành hôn và sinh một người con gái, Mona, cô không hề biết đến sự tồn tại của anh trai mình cho mãi đến khi trưởng thành.
Ông lớn lên tại gia đình cha mẹ nuôi ở Thung lũng Silicon, trung tâm của nền công nghệ điện tử Mỹ.
Đạo Phật
Khi đang học cấp ba, Jobs được mời làm việc thêm trong mùa hè tại nhà máy của Hewlett Packard ở Palo Alto. Tại đây ông làm cùng với một sinh viên tên là Steve Wozniak.
Ông bỏ học cao đẳng ngay sau học kỳ đầu tiên và đi làm cho công ty sản xuất trò chơi điện tử Atari để kiếm tiền đi du lịch Ấn Độ.
Jobs trở về từ nơi đây với chiếc đầu cạo trọc, mặc áo quần của Ấn Độ và mang theo những trải nghiệm LSD (một loại ma túy tổng hợp); từ đó ông theo đạo Phật và ăn chay suốt đời.
Ông quay lại làm việc với Atari và tham gia câu lạc bộ máy tính tại địa phương với Steve Wozniak, lúc đó đang tự thiết kế và chế tạo máy tính riêng của mình.
Năm 1976 Jobs đã có được hợp đồng bán 50 chiếc máy tính còn chưa sản xuất của Wozniak cho một cửa hàng máy tính, và nhờ có đơn đặt hàng này, ông đã thành công khi thuyết phục một nhà phân phối điện tử cho ông mua nợ các bộ phận để lắp máy.
Ông khai trương chiếc máy tính đầu tiên, Apple I, mà không phải mượn tiền hay phải chia cổ phần với bất kỳ ai khác.
Bị đẩy ra khỏi Apple
Ông đặt tên công ty dựa theo loại trái cây yêu thích nhất của mình, mà có thể do tình cờ hay cố ý, tên Apple luôn xuất hiện trước Atari trong danh bạ điện thoại.
Tất cả lợi nhuận từ dòng Apple đầu tiên đều được dồn vào đầu tư cho bản cải tiến Apple II, được xuất hiện tại hội chợ máy tính California năm 1977.
Để phát triển dòng máy mới này cần đến rất nhiều tiền, và Jobs đã thuyết phục Mike Markkula, một nhà đầu tư địa phương, cho vay 250 ngàn đô la, và cùng với Wozniak, nhóm ba người thành lập công ty máy tính Apple.
Apple II, không giống như các dòng máy tính khác thời đó, được tung ra thị trường là một khối hoàn chỉnh, người mua không phải tự mua và lắp đặt các thành phần khác nhau.
Steve Jobs và Steve Wozniak
Cặp đôi Steve Jobs và Steve Wozniak đã dẫn tới sự ra đời của máy tính cá nhân
Mẫu mới này thành công ngay lập tức, khởi động sự bùng nổ của hệ thống máy tính cá nhân, đạt số lượng bán hơn sáu triệu trước khi ngừng sản xuất vào năm 1993.
Tuy nhiên, có người cho rằng Jobs còn thiếu kinh nghiệm quản lý và thiếu những nhà điều hành chuyên nghiệp để lãnh đạo công ty.
Một trong những thành viên của hội đồng quản trị Apple cho rằng Jobs là người ‘thiếu kiểm soát’. “Ông ta nảy ra một ý tưởng nào đó và do là người sáng lập công ty, ông cứ thế tự đi thực hiện ý tưởng đó mặc cho nó có tốt cho công ty hay không.”
Jobs giới thiệu Macintosh năm 1984 và được hưởng ứng nhiệt liệt, nhưng đằng sau đó là những vấn đề về tài chính ở Apple.
Số lượng bán giảm xuống, bực bội tăng lên. Rất nhiều nhân viên trong công ty cho rằng Jobs là kẻ chuyên quyền, và do đó dẫn đến những bất đồng quyền lực nội bộ. Ông bị đẩy đi khỏi công ty.
Câu chuyện Đồ chơi
Vào thời điểm này ông cũng đã thành lập hãng máy tính NeXT vào năm 1985 và một năm sau đó mua lại Graphics Group từ đạo diễn phim Chiến tranh các vì sao, George Lucas.
Công ty này sau đó được Jobs đổi tên thành Pixar, chuyên sản xuất linh kiện phần cứng của các máy tính cao cấp dành cho thiết kế hoạt hình, được sử dụng bởi rất nhiều các nhà làm phim, trong đó có cả Disney.
Jobs chuyển sang tập trung sản xuất máy tính thiết kế phim truyện hoạt họa.
Bước đột phá là năm 1995 khi Toy Story, với doanh thu đạt tới 350 triệu đô la Mỹ trên toàn thế giới, và một loạt những thành công như A Bug’s Life, Finding Nemo, và Monsters Inc.
Một năm sau, Apple trả hơn 400 triệu đô la Mỹ cho máy tính NeXT. Jobs trở về với công ty do chính mình sáng lập, ngay lập tức thay thế Giám đốc điều hành Apple lúc đó.
Jobs giải quyết tình trạng doanh thu thấp của Apple bằng cách hủy bỏ những dự án nhỏ và chuyển hướng sang tập trung vào thị trường tiêu dùng mới của công nghiệp điện tử.
iPod được khai trương năm 2001 làm thỏa mãn nhu cầu âm nhạc mọi nơi mọi lúc của khách hàng, và ngay lập tức trở thành biểu tượng phong cách bởi thiết kết bóng bẩy và tai nghe màu trắng khác biệt.
Để duy trì dòng máy mới của mình, Jobs cũng cho ra đời iTunes, cho phép khách hàng tải nhạc từ internet và tạo ra playlist của riêng mình.
iPhone
Máy tính bảng với hình Steve Jobs
Máy tính bảng Ipad là trong số những sản phẩm rất ăn khách của hãng Apple dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs
Năm 2003, Jobs được chẩn đoán bị ung thư tụy, ông từ chối phẫu thuật và tìm đến những cách chữa bệnh khác, trong đó có ăn kiêng đặc biệt.
Cuối cùng ông cũng đồng ý phẫu thuật vào năm 2004, luôn giữ kín tình trạng bệnh tật của mình mà chỉ một nhóm người rất nhỏ trong Apple được biết.
Năm 2005 Disney trả bảy triệu đô la cổ phiếu để mua lại Pixar, khiến Jobs trở thành cổ đông lớn nhất của hãng Walt Disney.
Hai năm sau, một cuộc khai trương đình đám khác, Jobs giới thiệu iPhone, đám đông lớn xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ ở các cửa hàng Apple địa phương.
Năm 2008, máy tính cá nhân siêu mỏng Macbook Air ra đời. Như thường lệ, Jobs mặc áo len đen cao cổ và quần Jeans bạc màu đứng giới thiệu trên sân khấu.
Ông gầy và xanh làm dư luận xôn xao rằng bệnh tình của ông có lẽ đã quay trở lại. Đến đầu năm 2009 ông phải nghỉ sáu tháng để chữa ‘mất cân bằng hoocmôn’.
Tháng tư năm đó ông trải qua phẫu thuật thay gan, và bác sĩ của ông tuyên bố rằng bệnh tình của ông có những tiến triển ‘tuyệt vời’.
Tuy nhiên, đến tháng một năm 2011, Apple thông báo Jobs vắng mặt vì lý do sức khỏe.
Không giống với người cùng thời, Bill Gates của Microsoft, Steve Jobs không cho thấy có xu hướng dùng sự giàu có của mình cho các mục đích từ thiện.
Và một điều lạ đối với một người theo đạo Phật, ông cũng chẳng hưởng ứng những lo ngại về môi trường, với Apple bị tổ chức Greenpeace chỉ trích do hãng này miễn cưỡng không muốn sản xuất những sản phẩm có thể dễ dàng tái chế.
Steve Jobs là một người có một không hai; một người hoàn toàn tự tin vào khả năng của chính mình và một người thiếu kiên nhẫn với những ai không đồng ý với ông.
Cái tài lớn của ông là khả năng tiên đoán thị trường và con mắt biết nhận ra những thiết kế đẹp và các sản phẩm đầy sáng tạo khiến ai cũng muốn mua.
“Ta không thể hỏi khách hàng xem họ muốn gì và rồi đưa cho họ cái đó,” ông từng nói. “Trong lúc ta sản xuất ra sản phẩm đó thì họ đã muốn cái mới rồi”.
(Theo http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/10/111006_steve_jobs_dies.shtml)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét