Trang

Tu tập sự không dính mắc --- Leonard A. Bullen



imageKhi nhìn vào tổng thể cuộc sống, bạn sẽ đồng ý nó là sự pha trộn của đau khổ và vui sướng, nỗ lực và nghỉ ngơi, bất toại nguyện và thoả mãn. Tất nhiên, bạn muốn sự pha trộn này theo tỉ lệ khác, bạn muốn bớt nỗi đau và tăng niềm vui; bạn muốn bớt đi một chút nỗ lực và được tăng một chút nghỉ ngơi, và bạn muốn ít bất toại nguyện hơn và được thoả mãn nhiều hơn.

Nhưng bạn hẳn nhận ra là nếu không có nỗi đau và nỗi buồn nào đó trong cuộc sống, sẽ không có động cơ nào cho sự nỗ lực; và nếu không có nỗ lực, bạn không thể tiến bộ. Nếu không có sự không thoả mãn, cuộc sống của bạn sẽ trở nên quá tĩnh tại để có thể có giá trị cơ bản nào đó. Người ta đã nói rằng:

Bánh mì cay đắng là thức ăn nhờ đó con người lớn lên hết tầm vóc của mình.


Theo quan điểm Phật giáo, giải thoát khỏi khổ đau chỉ có thể đạt được nhờ vượt hơn sự tồn tại cá thể và nhờ đạt đến trạng thái vượt ra ngoài ngôn từ và suy nghĩ, trạng thái mà đôi khi được gọi là Vô duyên sinh hay Sự giải thoát. "Vô sinh" này là một trạng thái mà tất cả dấu vết của tham, sân, si đã bị diệt trừ, và trong trạng thái này không có khổ đau nào. Đạt được “Vô sinh” này là mục tiêu tối thượng của đạo Phật.


Tuy nhiên, trong khi cái tôi riêng rẽ vẫn tồn tại – trong khi ý thức cá nhân với sự tách biệt của nó với cuộc sống chung vẫn tồn tại – khổ đau ở một mức độ nào đó là không thể tránh được. Dầu vậy, có thể làm giảm tác động của nó nhờ tu tập sự không dính mắc, hay nói cách khác nhờ ngày càng giảm dần sự dính mắc vào những khoái lạc của cuộc sống.


Có một phương pháp thực hành Phật giáo bao gồm việc trở nên tỉnh giác, càng trọn vẹn càng tốt, về những cảm giác vui thú và khó chịu như và khi chúng nảy sinh và cùng lúc đó quan sát chúng một cách càng bình thản càng tốt. Tất nhiên mục đích của sự chú ý được tăng lên này là để đánh giá rõ ràng hơn những niềm vui thú và sự khó chịu của cuộc sống và nhờ đó tránh bị chúng áp đảo.


Nếu không có thái độ tinh thần bình thản không dính mắc này, đôi khi bạn hay bị ngập chìm quá sâu trong những niềm vui thú, và lúc khác lại dao động sang thái cực đối lập và ngập chìm trong nỗi buồn và nỗi đau. Có lẽ có những lúc bạn đắm mình trong những cảm xúc và để chúng hoàn toàn chi phối bạn.


Do đó, mục tiêu là học đứng xa bên ngoài những trải nghiệm của mình cả về hạnh phúc lẫn buồn đau và học quan sát chúng một cách bình thản, không bị chúng nhấn chìm. Bạn cần học làm điều này khi hồi tưởng về những kinh nghiệm của quá khứ và, cố gắng làm như vậy cả với những trải nghiệm hiện tại ngay khi nó đến với bạn; cũng bằng một cách như vậy, bạn phải học dự đoán những kinh nghiệm tương lai mà không có cảm xúc thái quá. Khi bạn biết được sự vô ích của việc tham lam những thứ trong hiện tại và khao khát những thứ trong quá khứ và tương lai, thì tâm trí bạn phát triển được tính linh hoạt cao hơn nhiều.


Bất kỳ cái gì mà bạn lệ thuộc để mưu cầu hạnh phúc đều là đối tượng của sự dính mắc, là cột trụ để tựa vào; và bất cứ khi nào bạn tựa vào bất kỳ cái cột trụ nào, bạn đang tự mở cơ hội cho sự đau buồn. Bất kỳ lúc nào cũng có khả năng một vài cột dựa của bạn bị đánh bật, vì cuộc sống có một khuynh hướng khó chịu là rút đi những chỗ dựa ra khỏi bạn.


Tuổi trẻ của bạn biến mất theo thời gian; có thể bạn mất một người thân yêu, và những hoàn cảnh cũ bên ngoài quen thuộc trong thế giới cá nhân riêng của bạn nhường chỗ cho những hoàn cảnh bên ngoài mới và lạ. Nếu tâm trí bạn không đủ linh hoạt để theo kịp những mất mát và thay đổi khi những cột tựa của bạn bị đánh bật, thì hậu quả là bạn chịu đựng khổ đau càng nhiều hơn.


Tuy nhiên, tựu chung khi nhìn lại, bạn có thể nhận thấy bạn xoay sở để theo kịp những thay đổi và sự vô thường của cuộc sống bằng cách đổi chỗ dựa này lấy chỗ dựa khác, do đó xét về lâu dài bạn không khá hơn mấy; bạn vẫn phụ thuộc vào những chỗ dựa nào đó.


Và điều này không chỉ đúng với thế giới bên ngoài của các đối tượng giác quan mà còn đúng với thế giới bên trong của các đối tượng tâm trí vì sự dính mắc vào ký ức quá khứ và dự tính tương lai cũng là một sự bó buộc mạnh mẽ như sự dính mắc vào những thứ bên ngoài trong hiện tại.


Có một câu nói trong đạo Phật đại khái thế này:


Đau buồn đến từ sự dính mắc, sợ hãi đến từ sự dính mắc. Người không bị dính mắc không biết đến đau buồn và sợ hãi.


Bạn dính mắc vào thứ mà bạn yêu quý càng mạnh bao nhiêu thì bạn càng hạnh phúc nhiều bấy nhiêu khi hoàn cảnh cho phép bạn hưởng nó; nhưng khi nó bị giật khỏi tay bạn thì khổ đau của bạn cũng to lớn như hạnh phúc của bạn lúc trước.


Nếu bạn khao khát mạnh mẽ một thứ gì đó, nó sẽ trở thành đối tượng của sự dính mắc. Đương nhiên bạn dính chặt vào đối tượng của sự dính mắc, bạn ôm chặt chúng và bám chặt chúng. Khi chúng rời xa bạn, bạn mong mỏi chúng trở về. Nhưng xét về lâu dài, tất cả những gì mà sự níu chắc, ôm chặt, bám chặt, hoặc mong mỏi đó mang đến cho bạn là khiến cho nỗi đau buồn mất mát càng lớn hơn nhiều.


Theo tâm lý học Phật giáo hiển nhiên là một lúc nào đó bạn sẽ phải xa lìa mọi thứ gần gũi nhất và thân yêu nhất với bạn, và bạn dính mắc vào những thứ yêu quý gần gũi này càng mãnh liệt bao nhiêu, thì nỗi đau chia lìa khi nó đến càng khó chịu bấy nhiêu.


Một khi sự ôm chấp dính mắc phi đạo đức đã được thiết lập thì không thể nào phá bỏ nó bằng triết lý, và sức mạnh của sự dính mắc phụ thuộc vào sức mạnh của lòng ham muốn đối với thứ đã bị mất. Một khi lòng khát khao về thứ đã bị mất đó đã giành được một nền tảng vững chắc, nó không thể bị trục ra bằng lý luận, và lòng khát khao ham muốn này chỉ có thể nảy sinh khi bạn tự cho phép mình bị thống trị bởi những cảm giác vui thích và khó chịu.


Đây là quan điểm của Phật giáo về sự dính mắc và những yếu tố liên quan đến nó, quan điểm có thể được diễn đạt dưới một hình thức đơn giản hoá như thế này:


Sự dính mắc phụ thuộc vào lòng ham muốn; lòng ham muốn phụ thuộc vào cảm giác vui thích và khó chịu; và cảm giác vui thích và khó chịu phụ thuộc vào sự tiếp xúc của các giác quan với thế giới bên ngoài.


Trong đời sống bình thường không thể giải quyết vấn đề dính mắc bằng cách cắt đứt sự tiếp xúc của các giác quan với thế giới các đối tượng cảm giác bên ngoài, và cũng tương tự không thể ngăn chặn sự vui sướng và khó chịu phát sinh một khi có sự tiếp xúc này. Điều đó có nghĩa là nếu chuỗi "nảy sinh phụ thuộc" này (hay ít chính xác hơn là chuỗi nhân và quả này) bị đứt đoạn một chút, nó phải bị đứt đoạn tại mắt xích vui thích hoặc khó chịu. Chuỗi đau buồn phải bị tấn công ở giai đoạn thích và không thích, ưa muốn và ghét bỏ, hấp dẫn và ghê tởm.


Vậy thì toàn bộ điều này thoạt nhìn có vẻ là bạn phải từ bỏ mọi thứ mang lại hạnh phúc hoặc vui sướng; nhưng hoàn toàn không phải ý như vậy. Nó thực sự có nghĩa là bạn phải học để độc lập với những cảm giác vui sướng và khó chịu càng nhiều càng tốt, và không bị chúng điều khiển. Nó có nghĩa là trí tuệ chứ không phải là những phức cảm cảm xúc, hay những điều thích và không thích vô lý của bạn phải kiểm soát cuộc sống của bạn; và do đó điều cơ bản (ít nhất trong kỹ thuật Phật giáo) là trở nên tỉnh giác biết rõ càng trọn vẹn càng tốt về tất cả những thứ đang diễn ra trong tâm trí bạn.


Trong kỹ thuật này, chánh niệm liên tục tăng lên đối với tất cả các cảm giác vui thích và khó chịu khi chúng xuất hiện là cực kỳ quan trọng. Do đó, trước hết, điều cốt yếu là biết rõ hoàn toàn về giá trị và ý nghĩa thực sự của những cảm giác vui sướng để ngăn chặn chúng tạo ra những thiên kiến và định kiến cảm xúc.


Tất nhiên, điều nói trên cũng được áp dụng với các cảm giác khó chịu vì nếu không được kiểm soát tốt chúng cũng có khuynh hướng làm nảy sinh những thiên kiến và định kiến cảm xúc. Ác cảm, cũng y như lòng mong ước, làm nảy sinh sự thèm muốn và dính mắc, và bạn bị trói buộc vào những thứ bạn ghét cũng nhiều như vào những thứ bạn khát khao.


Nếu bạn có thể đạt được dù chỉ một phần sự không dính mắc, nếu bạn có thể làm giảm dù chỉ phần nào sự bám dính vào những thứ đang bó buộc bạn, thì bạn tự do hơn để thưởng thức chúng mà không dính mắc, và cũng vì lý do đó cảm giác mất mát của bạn sẽ ít hơn khi những thứ đó ra đi.


Một tâm trí hoàn toàn lanh lợi có thể đánh giá một cách khách quan mỗi kinh nghiệm như và khi nó xảy ra; nhưng đối với đa số chúng ta sự quan sát bản thân bình thản này không thể được thực hiện tại thời điểm đó mà chỉ có thể được thực hiện khi hồi tưởng. Nhưng bất kể là bạn thực hiện điều đó vào đúng lúc trải nghiệm hay sau đó, điều chính yếu là ngăn những niềm vui thích và sự khó chịu đó kiểm soát bạn.


Một khi một khối cảm xúc mạnh mẽ mang bản chất vui sướng hoặc khó chịu trở nên dính mắc vào một tư tưởng, khối cảm xúc ấy có thể dễ dàng tuột khỏi tay và gây ra mọi loại xáo trộn bên trong và xung đột bên ngoài. Chỉ bằng cách gia tăng chánh niệm bạn mới có thể giải phóng tâm trí khỏi những ràng buộc cảm xúc sai lầm và khỏi những hậu quả của nó là sự xáo trộn và xung đột.


Do đó, tu tập sự không dính mắc nhằm mục đích thoát khỏi sự ngự trị của cảm xúc, khỏi sự thống trị của niềm vui thích và sự khó chịu; nó nhằm thoát khỏi sự dính mắc vào những thứ bên ngoài, khỏi ký ức và tiên đoán, khỏi những nỗi khát khao và sự căm ghét, và thoát khỏi ngay cả bản thân lòng mong ước không dính mắc.


Bài tập thực hành
Luyện tập sự không dính mắc cảm xúc


Trong tâm trí con người có nhiều điểm mù – những điểm mù mà đôi khi là nguyên nhân và đôi khi là kết quả của những định kiến và thiên kiến cảm xúc – và vì những điểm đó, tâm trí không có khả năng nhìn thấy chính nó như nó thực sự là. Những điềm mù như vậy ngăn cản chúng ta nhận thấy quy mô và các nhánh của sự dính mắc sai lầm của mình, và bất kỳ phương tiện nào mà chúng ta có thể sử dụng để giảm bớt chúng đều là một biện pháp hỗ trợ cho hoạt động của chánh niệm hướng vào nội tâm.


Bản câu hỏi dưới đây được dự định làm một công cụ như vậy và trợ giúp bạn trong quá trình khám phá và đánh giá sự dính mắc của chính bản thân.


Khi trả lời những câu hỏi này, bạn có thể nhận thấy câu trả lời thứ nhất xuất hiện trong đầu có thể chính xác hoặc không chính xác. Do vậy, bạn nên đọc toàn bộ bản câu hỏi khoảng 6 lần trong tháng, cho phép nó bắt đầu một chuỗi suy nghĩ hơn là cố gắng lập tức đưa ra những câu trả lời dứt khoát.


Theo quy luật, câu hỏi khó trả lời sẽ có giá trị với bạn nhiều hơn câu hỏi dễ trả lời. Giá trị thực sự của câu trả lời không nằm ở chính nó, mà nằm ở chỗ tự quán sát hay chánh niệm đã được áp dụng để đưa ra nó.


Không cần phải cố gắng làm cho các câu trả lời của bạn nhất quán ở bất kỳ khía cạnh nào. Bạn cần nhận thấy là thông thường bạn có những thái độ lẫn lộn đối với nhiều thứ quan trọng trong cuộc sống, ví dụ, bạn có thể vừa yêu vừa ghét cùng một người ở những thời điểm khác nhau, hoặc bạn có thể cảm thấy bị hấp dẫn bởi một khía cạnh của cái gì đó và khó chịu bởi khía cạnh khác của nó.


Với những thái độ lẫn lộn kiểu như vậy, có thể một trong hai cảm xúc trái ngược đã bị đè nén, nhưng từ một vùng nào đó trong tâm trí bạn mà ý thức không đến được, nó tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của bạn.


Không thể nào tách rời đối tượng dính mắc ra khỏi cảm giác của bạn về sự sở hữu, về những sự đánh giá, về sự tự khẳng định bản thân, hay nhiều khía cạnh đa dạng khác của đời sống tinh thần của bạn. Vì vậy, những câu hỏi dưới đây không nhằm mục đích xác định các đối tượng cụ thể của sự dính mắc, mà nhằm giúp bạn phát triển sự tỉnh giác lớn hơn nữa về nội dung tâm bạn; và trong quá trình đó, các đối tượng dính mắc cụ thể – có lẽ những dính mắc đặt sai chỗ – có thể nổi lên.


Dưới đây là các câu hỏi:


1. Tôi có đồng ý với tuyên bố này không? "Đau buồn đến từ sự dính mắc, sợ hãi đến từ sự dính mắc. Ai thoát khỏi sự dính mắc không biết đến đau buồn hay sợ hãi."


2. Tôi có dính mắc quá mức vào sở hữu vật chất nói chung không, hay nói cách khác tôi có thái độ chiếm hữu với chúng không?


3. Tôi có ý muốn sở hữu người khác, ví dụ gia đình, con cái, bạn bè tôi không?


4. Tôi có khát khao một loại quyền lực nào đó không phải để có thể đạt được điều gì nhờ quyền lực đó, mà thuần tuý để có quyền lực hay không?


5. Tôi có bất kỳ một sự dính mắc nào can thiệp vào sự bình an tinh thần và cảm xúc của mình không?


6. Tôi có ích kỷ hay tự cho mình là trung tâm trong bất kỳ phạm vi nào của cuộc sống không?


7. Tôi có bị chi phối bởi những thiên kiến và định kiến cảm xúc nhiều hơn một người bình thường bị không?


8. Tôi có thích chi phối bạn bè, con cái và những người khác không?


9. Tôi có bực bội khi bị những người khác chi phối không?


10. Tôi có quá dính mắc – một cách cứng nhắc hoặc quá không linh hoạt – vào những niềm tin và ý kiến của mình trong bất cứ phạm vi tư duy nào không?


11. Tôi có bị ngăn giữ lại theo bất kỳ cách nào bởi sự dính mắc quá mức hoặc sai chỗ với thứ nào đó hay ai đó không?


12. Tôi có thích người khác ngưỡng mộ một vài trong những thứ tôi sở hữu mà tôi dính mắc vào không?


*


Bất cứ hình thức quán sát bình thản nào – dù là hướng vào nội tâm hay hướng ra thế giới sự kiện bên ngoài – đều là công cụ hỗ trợ cho sự tu tập không dính mắc. Bạn có thể cố gắng áp dụng nguyên tắc quán sát thản nhiên vào các mối quan hệ của bạn với những người khác, như là một bài tập cụ thể trong chánh niệm.


Đôi khi bạn hiểu nhầm điều người khác nói hay làm, có lẽ vì bạn tình cờ đang tuyệt vọng hoặc bực mình vì một điều gì hoàn toàn khác. Trong trường hợp đó, bạn đã tô màu hoàn toàn sai chủ ý của người khác. Hoặc có thể bạn hiểu sai một câu hỏi, và đưa ra một câu trả lời mà đúng hơn cho một câu hỏi hoàn toàn khác.


Do vậy, trong bài tập thực hành này và trong sự giao tiếp hàng ngày với người khác, bạn hãy bắt đầu quán sát một cách bình thản, không thành kiến những chủ ý của người khác, không bị tô vẽ bởi những cảm xúc hoặc thành kiến của bản thân mình. Bạn sẽ thường nhận ra rằng chủ ý thật sự hoàn toàn khác với sự diễn dịch ban đầu của bạn về nó.


Bạn có thể thấy cần luyện tập bản thân để không ngắt lời người khác mà không có lý do xác đáng. Ít người là người biết lắng nghe, và bạn có thể là một trong số ít đó; nếu bạn không phải người như vậy – nếu bạn chỉ nghe một nửa điều người khác đang nói, và bạn hay ngắt lời bằng những vấn đề thứ yếu không liên quan – thì bạn cần tự học nghe càng nhiều càng tốt, không cho phép các liên tưởng cảm xúc của mình can thiệp.


Để biết lắng nghe cần nỗ lực, vì biết lắng nghe có nghĩa là nghe tất cả những điều được nói ra và hiểu chúng càng đúng càng tốt. Trong quá trình lắng nghe bạn sẽ học xác định chính xác những từ và ý tưởng mang nặng cảm xúc nảy sinh, những từ và tư tưởng phát huy những thiên kiến và định kiến của chính bạn. Nhờ xác định chính xác những từ và tư tưởng như vậy, những thiên kiến và định kiến của bạn sẽ không thể hoạt động từ cấp độ tiềm thức trong tâm bạn được nữa, và tới chừng đó bạn sẽ thu được nhiều kiến thức hơn và sẽ kiểm soát được các tiến trình tâm của chính bạn.


Như thế, việc thực hành lắng nghe một cách bình thản, ở mức độ lớn, bao gồm sự nghe thận trọng và chăm chú, đi đôi với nỗ lực giữ cho bản thân thoát khỏi những phản ứng mang cảm xúc.


*


Giả thiết là bạn đang áp dụng phương pháp tự thoả thuận kỷ luật tự giác, hãy nhìn lại vài ngày qua xem bạn có sử dụng bản câu hỏi một cách nhất quán và đủ sâu sắc hay chưa, và xem bạn đã thực hành lắng nghe bình thản đủ mức hay chưa. Nếu bạn cảm thấy chưa làm được như vậy, hãy tự tước bỏ một vài vui thích nho nhỏ nào đó.


Minh Nguyệt (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét