Trang

BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA - Thích Quang Thạnh

Để mọi người thấu triệt quan điểm xuất gia theo đúng tinh thần của Phật giáo, đề tài “Bổn Phận của người Xuất Gia” sẽ mở ra một đạo lộ mới giúp chúng ta cùng nhau suy nghĩ và bàn bạc chi tiết nhằm thấu triệt về ý nghĩa, giá trị và bổn phận của người xuất gia qua lời dạy của đức Phật.

A. DẪN NHẬP
Hiện nay, một số người ở đời vẫn còn quan niệm rằng “xuất gia” là một hành động không phù hợp với tinh thần hiếu nghĩa của con người, luôn tránh xa cuộc sống thế tục, từ bỏ cha mẹ thân thương và mái ấm gia đình vào chùa tu học, không làm tròn chữ hiếu của người con đối với cha mẹ trong việc phụng dưỡng và báo hiếu. Vì vậy, nhân gian có câu truyền miệng:
“Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ Cha kính mẹ mới là chơn tu”
Ngược lại, một số người tin hiểu và tu học Phật pháp đều cho rằng “xuất gia” là một hành động đáng trân quý, là việc làm đại hiếu và cao thượng; vì rằng ít có người nào dám từ bỏ những thú vui thế tục, xa rời người thân, sống đời thanh tịnh trong vai trò “tác Như lai xứ, hành Như Lai sự” trên tinh thần tự lợi và lợi tha của bậc xuất trần thượng sĩ. Để mọi người thấu triệt quan điểm xuất gia theo đúng tinh thần của Phật giáo, đề tài “Bổn Phận của người Xuất Gia” sẽ mở ra một đạo lộ mới giúp chúng ta cùng nhau suy nghĩ và bàn bạc chi tiết nhằm thấu triệt về ý nghĩa, giá trị và bổn phận của người xuất gia qua lời dạy của đức Phật.   

B. BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA


1. GIẢI THÍCH ĐỀ TÀI

“Bổn phận” hay còn gọi là nhiệm vụ, trách nhiệm như trong tiếng Anh gọi là “moral or legal duty” (1) hoặc từ“task” (2) có nghĩa là phận sự; hay “obligation(3) có nghĩa là nghĩa vụ.
“Xuất gia” có nghĩa là xuất ly ra khỏi đời sống gia đình, rời bỏ cảnh giới thế tục để tu tịnh hạnh.(4)  Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, đức Phật giải thích ý nghĩa “xuất gia” chính là cạo bỏ râu tóc, làm bậc Sa môn, tiếp nhận lấy đạo, rời bỏ tài sản thế gian, khất thực vừa đủ. Mỗi ngày đứng bóng ăn một bữa, mỗi đêm dưới cây ngủ một lần, thận trọng đừng thêm.(5)   
 Qua sự giải thích về ý nghĩa đề tài ở trên, chúng ta có thể hiểu rằng: bổn phận của người xuất gia cũng chính là nhiệm vụ/trách nhiệm của người xuất gia được trình bày theo thứ lớp như sau:

2. Ý NGHĨA XUẤT GIA

Theo Bộ Sa Di Luật Giải trong phần Qui Sơn Cảnh Sách (quyển hạ), xuất gia có hai nghĩa: (1) ra khỏi nhà thế tục, bước chân ra khỏi cảnh trần, xa tìm ông Trí Thức; (2) ra khỏi nhà phiền não, dứt vọng chứng chơn, vượt khỏi ba cõi.(6) Nói rộng hơn, xuất gia có ba nghĩa: (1) xuất thế tục gia (ra khỏi nhà thế tục); (2) xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não tham-sân-si); và (3) xuất gia tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới).(7) Mặc khác, xuất gia có 4 loại: (1) thân xuất gia, tâm không xuất gia: đó là hạng người thân tướng đầu tròn áo vuông nhưng tâm vẫn còn lưu luyến thế tục; (2) thân tại gia, tâm xuất gia: là hạng người tuy có gia đình nhưng tâm luôn tinh tấn tu học, không bị đam mê nhiễm trước; (3) thân tâm đều xuất gia: hạng người thân đầu tròn áo vuông, tâm không lưu luyến các dục, kính mộ Tam bảo, giữ giới thanh tịnh, tinh tấn tu học, quyết tâm dứt trừ phiền não, đắc qủa Bồ đề; (4) thân tâm đều không xuất gia: hạng người bận rộn vợ con, say đắm dục lạc, nhiễm các phiền não.(8) Trong bốn loại này, hạng người thứ ba thân tâm đều xuất gia chính là hạng người cao quý nhất đúng với ý nghĩa xuất gia mà người viết muốn trình bày trong đề tài này.  

3. BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Người xuất gia là người luôn lập hạnh sống đời thanh tịnh, diệt trừ phiền não, nhiếp phục ma quân, trên đền đáp bốn ân(9) và dưới cứu khổ ba đường(10) như Tổ Qui Sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục; thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu.” Nghĩa là: luận người xuất gia, phải đi đến bực Đại thừa, tâm hình khác tục, nối thạnh dòng Phật, đánh dẹp ma quân, đền trả bốn ân, cứu giúp ba cỏi(11) Trong phạm vi đề tài, người viết muốn nhấn mạnh về bổn phận của người xuất gia theo hai phương diện chính, đó là: phương diện tự lợi và phương diện lợi tha được biểu hiện rõ nét qua ba vai trò chính mà người xuất gia cần phải duy trì
a.  Vai trò một Tỳ kheo ‘Bhikkhu
Khi đề cập đến thuật ngữ ‘Bhikkhu’, nó được dịch từ chữ Pāli với ý nghĩa người được cứu tế, người hành khất, người tu sĩ Phật giáo, hoặc vị linh mục;(12) và chữ Sanskṛit là ‘Bhikṣu’ với nghĩa là vị ăn xin, người hành khất Phật giáo, hay là vị tu sĩ.(13) Theo nguyên từ, nó được bắt nguồn từ gốc Sanskrit là ‘bhikṣ’ có nghĩa là yêu cầu, mong muốn, cầu xin điều gì, … Vì vậy, nó có nghĩa là người xin những nhu cầu cần thiết. Hay nói rõ hơn, nó có nghĩa là người hành khất tôn giáo.(14)  
Theo quan điểm Phật giáo, đức Phật giải thích rất ngắn gọn rằng một Tỳ kheo được gọi chính thức với sự đầy đủ giới hạnh (Pāli: Sīla; Skt: Śīla’)(15) và trí tuệ (P: Paññā; S: Prajñā).(16) Nói cách khác, một tu sĩ chân chính không những xa rời sự tham dục và những trạng thái xấu ác; mà còn thể nhập vào 4 trạng thái của thiền định (S: Dhyānas; P: Jhānas). Người tu sĩ như thế đáng được kính trọng và được gọi là vị tu sĩ chân chính.(17) Hơn nữa, vị Tỳ kheo nên làm những công việc đáng làm như: tu tập về đức tính tàm quý, thân-khẩu-ý thanh tịnh, mạng sống thanh tịnh, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, chánh niệm và tỉnh giác;(18) và phải sống như hòn đảo của chính mình, hãy nương tựa chính mình, không nương tựa ai khác, … để giải thoát mọi tham dục và phiền não thông thường ở đời.(19) cuối cùng, đức Phật kết luận rằng một tu sĩ Phật giáo hoàn hảo được đề cập với 8 đặc tính:
Khi nào, này các Tỳ kheo, vị ấy có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt mõi, chứng được không phí sức, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy được đầy đủ chi phần ấy. Thành tựu 8 pháp này, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo được tịnh tín hoàn toàn và được viên mãn về mọi phương diện.(20)
Thêm vào đó, Ananda Guruge khẳng định bổn phận của người xuất gia là nghiên cứu giáo pháp, chú tâm vào các công việc hàng ngày liên quan đến sự tôn thờ đức Phật, phát triển lãnh vực tâm linh, vâng giữ các điều luật về phẩm hạnh và cuộc sống hoàn hảo, …Đó là những nền tảng về đời sống hoàn hảo của người xuất gia.(21)  
b. Vai trò một hành giả (practioner)
      Với vai trò như một hành giả Phật giáo trong thời đại mới, vị ấy cần phải ứng dụng và thực hành nguyên tắc tu tập cơ bản một cách tích cực linh động, đó là sự tu tập Tam Vô Lậu Học (the Threefold Higher Training)
  • Sự tu tập về Giới (P: Sīla; S: Śīla- Morality or Moral Conduct)
      Trên phương diện tu tập, ‘Giới’ được dịch từ chữ Pāli là Sīla mang ý nghĩa là sự thực hành đạo đức, là đặc tính tốt, là đạo đức Phật giáo, và là mực thước về đạo đức.(22) Theo từ Sanskrit, Śīla được đề cập về tư cách đạo đức, là một trong 6 hay 10 Ba-la-mật (Skt: Pāramitās); hoặc những quy tắc về đạo đức (đối với Phật giáo, có 5 quy tắc nền tảng hoặc những điều luật về hạnh kiểm đạo đức).(23) Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể kết luận rằng từ ‘Sīla, or Śīla’ được dùng để nhấn mạnh về ý nghĩa tư cách và những quy tắc đạo đức. Trong học thuyết Phật giáo, các điều luật về đạo đức đã đến với chúng ta từ hình thức ban đầu với cái tên Pāṭimokkha or Prātimokṣa (Giới bổn),(24) nó được tập hợp lại từ những điều luật khác nhau trong Tạng luật, bao gồm 227 giới(25) đối với Tỳ kheo Tăng và 250 giới thuộc Tỳ kheo ni,… (26)  
      Khi đề cập về Giới trong Phật giáo, con người trước hết cần phải thấu triệt đúng đắn về khái niệm của giới, sự tuân thủ giới chính là nhằm vào ý thức đạo đức cá nhân để giải thoát con người khỏi sự thống khổ của tham sân si; vì vậy, đức Phật đã dùng phương tiện thiện xảo để thiết lập các điều luật. Do vậy, sự thực hành giới chỉ là những phương tiện tạm thời nhằm hướng con người đến sự giải thoát mọi phiền não khổ đau ở đời; là chiếc bè từ bi đưa người vượt biển sanh tử; và là chiếc cầu đa năng dẫn dắt con người qua sông ái dục. Thế cho nên, trong kinh Trung Bộ I, đức Phật đã dạy:“Cũng vậy, này chư Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt đưa qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ chiếc bè. Chánh pháp còn phải bỏ huống nữa là phi pháp.”(27) Từ đây, chúng ta có thể mạnh mẽ nói rằng sự thực hành giới sẽ không còn hữu dụng nếu con người đã nhổ bật toàn bộ cội rễ phiền não và khổ đau từ nội tâm của chính mình.
      Trong thời hậu hiện đại, sự tu tập giới luôn được các hành giả Phật giáo tuân thủ với thái độ tích cực và sáng tạo tùy theo những tình huống và thời đại khác nhau; đặc biệt trong thiên niên kỷ thư ba này. Đối với giới điều của người xuất gia, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một vài ví dụ điển hình trong 10 giới Sa di mà người đệ tử Phật cần phải tu tập với thái độ uyển chuyển và tích cực như: không sát sanh; không ca múa hát xướng; không dùng giường cao tốt đẹp và rộng lớn; không cất giữ vàng bạc châu báu, không ăn phi thời; ….(28) Có nghĩa là làm thế nào người đệ tử Phật xử sự và duy trì những giới điều này khi một vài sinh vật độc hại (như: muỗi độc, ruồi, bò cạp, rắn độc…) gây ra những bệnh truyền nhiễm, thương tích hoặc đi đến cái chết đối với con người (như dịch cúm gia cầm hiện nay); hoặc khi vị ấy không có tiền để chi phí cho việc học hành, xe cộ, các cuộc họp ngoại giao quốc tế, hay xây dựng chùa chiền, tự viện, trường Phật học…; hoặc khi vị ấy được mời tham gia trong các buổi hội thảo quốc tế ở nước ngoài và được bố trí ở tại khách sạn sang trọng; hay khi các vị Tăng Ni sinh trẻ ăn uống phi thời vì thời khóa biểu học tập ở các trường Đại học, học viện; … Đó là một vài ví dụ tiêu biểu đủ để cho chúng ta hiểu rằng sự tu tập giới điều đối với Tăng lữ ngày nay không nên giữ một thái độ cố chấp, bảo thủ; mà ngược lại họ cần phải ứng dụng và thực hành sự tu tập đó với một tinh thần uyển chuyển, đúng đắn, sáng tạo và tích cực để thể nhập vào những tình huống và hoàn cảnh mới trong cuộc sống hiện đại. Đây chính là ý nghĩa tích cực về sự thực hành giới luật của Phật giáo ngày nay. 
  • Sự tu tập Định (Samàdhi)
      Theo thuật ngữ Sanskrit and Pāli, ‘Samādhi’ được bắt nguồn gốc từ ‘dhā’ nghĩa là ‘đặt, để’ cùng với tiếp đầu ngữ ‘sam’ và tiểu từ nhấn mạnh ‘ā’. Nó có nghĩa là ‘đặt lại với nhau’. Nghĩa bóng của từ ‘Samādhi’ được dùng trong Thánh điển Pàli Phật giáo với ý nghĩa là Định hay Thiền định(29). Một sự giải thích rõ ràng hơn về từ Samādhi được bắt nguồn gốc từ dhā và cùng tiếp đầu ngữ với samā (sam + ā + dhā) do đó mang nghĩa ‘Định’. Nó là một trạng thái chăm chú, bình tĩnh và tập trung của tâm và định mà nó đi kèm với lối sống thiện là điều kiện cần thiết để đạt được trí tuệ và giải thoát.(30) Thêm vào đó, nhiều học giả khác đã đưa ra lời giải thích về Samādhi rằng nó là sự nhất tâm, là sự tập trung của tâm về một đối tượng để loại trừ toàn bộ tất cả những cái khác.(31)
      Theo truyền thống, người ta có thể hiểu lời dạy của đức Phật về Định mà người tu sĩ Phật giáo cần tu tập là loại trừ năm triền cái (32) trong bản thân bằng thiền định, xa rời tham dục và từ bỏ tính khí bất thiện; vị ấy tuần tự chứng và trú vào Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, và Tứ thiền;(33) tâm vị ấy trở nên tịch tĩnh, nhất tâm. Sự chuyên chú như thế gọi là ‘Định hoàn hảo’(34)
      Trên thực tế, xuyên qua những khái niệm về Định, người đệ tử Phật cần thấu triệt rằng sự tu tập thiền định không có nghĩa là ngồi im bất động trong khi thiền, mà phải được biểu lộ qua những công việc và lối sống hàng ngày để thích nghi với những tình huống xã hội hiện nay. Có nghĩa là vị ấy tu tập thiền định bằng cách luôn duy trì trạng thái chánh niệm và tỉnh giác trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói, ăn uống, ngủ nghĩ, lái xe, học tập, tắm rữa, đọc sách, … Nói chung, tất cả những công việc và sự tu tập hàng ngày được dẫn dắt bởi sự chánh niệm và tỉnh giác. Từ quan điểm trên, chúng ta có thể suy luận rằng khi một hành giả đang lái xe hoặc bất kỳ loại xe tải nào, vị ấy luôn giữ chánh niệm, tỉnh giác và luôn ý thức nghiêm chỉnh khi đang lái xe, không có sự sao lãng và thờ ơ, không đưa đến kết quả bất lợi, và luôn an toàn, … việc lái xe như thế được gọi là thiền trong khi lái xe. Cũng vậy, những công việc và sự tu tập hàng ngày khác cũng đều tương tự. Đây chính là ý nghĩa tu tập Định của Phật giáo mộït cách tích cực và năng động trong thời hậu hiện đại. 
  • Sự tu tập Tuệ (Pañña or Prajña)
      Thuật ngữ Prajña (Skt.) or Pañña (Pāli) được bắt nguồn gốc từ ‘jña’ (sự hiểu biết) khi tiếp đầu ngữ ‘pra’ được thêm vào để mang ý nghĩa là ‘trí tuệ, sự hiểu biết, sự nhận thức đúng đắn, sự nhận ra, cách phán xét, sự thấu triệt, sự hiểu biết về trực giác, …’ (35)
      Trong các bộ kinh Nikāya, chúng ta có thể nhận thấy lời dạy của đức Phật về Tuệ (Prajña, Pañña) rằng vị nào nhận biết như thật về sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ngoài những điều trên.(36) Mặt khác, đức Phật nhấn mạnh rằng người đệ tử Phật không chỉ thấu triệt hoàn toàn về nguồn gốc duyên khởi bắt nguồn từ vô minh và tham ái; mà còn thấu hiểu đúng đắn về tám con đường chơn chánh đưa đến sự tận diệt hoàn toàn các khổ uẩn bằng cách làm mất dần hoàn toàn tham ái và đoạn diệt vô minh.(37)
      Ngày nay, bước vào thiên niên kỷ thứ ba, người đệ tử Phật tu tập trí tuệ bằng cách thực hành chánh kiến và chánh tư duy. Có nghĩa rằng vị ấy cần thấu triệt hoàn toàn lời dạy của đức Phật qua Kinh, Luật và Luận nhằm ứng dụng đúng đắn vào sự tu tập tâm; truyền bá giáo pháp tùy theo căn cơ trình độ của con người; thấu triệt về lý hơn quả đưa đến kết quả thiện ác từ hành động, nhận thức lý duyên khởi bắt nguồn từ vô minh và tham dục của toàn bộ khổ uẩn, và đối với tứ đế cũng như bát chánh đạo đưa đến sự đoạn diệt hoàn toàn các khổ uẩn, đạt đến Niết bàn, giải thoát và giác ngộ tối thượng. Ý nghĩa về tuệ như thế được gọi là sự tu tập tuệ với nghĩa đúng đắn và thích hợp.(38) 
      Qua mối liên hệ mật thiết về Tam Vô Lậu Học, chúng ta có thể nhận thấy rằng Giới-Định-Tuệ được phối hợp chặt chẽ và tác động hỗ tương với nhau trên tiến trình tu tập giải thoát giác ngộ. Chính vì vậy, đức Phật đã khẳng định rõ ràng:
Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ. Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. (39)
      Từ ý nghĩa trên, chúng ta có thể khẳng định mạnh mẽ rằng Giới-Định-Tuệ được xem như kiềng ba chân, vì nếu thiếu một trong ba thì nó không thể đứng vững vàng trên mặt đất được. Sự tu tập Tam Vô lậu cũng vậy. Nếu sự tuân thủ Giới mà không có sự hiện hữu của Định và Tuệ, nó trở thành sự tuân thủ giới một cách cố chấp. Và sự tuân thủ Định và Tuệ cũng như vậy. Quan điểm này đã được đức Phật chỉ dạy:
“Giới, định và trí tuệ – Với ai khéo tu tập, Vị ấy vượt qua khỏi – Thế lực của Ác ma, Và chói sáng rực sáng – Như mặt trời chói sáng.” (40)
      Ngoài việc tu tập Tam Vô Lậu Học, một hành giả Phật giáo trong thiên niên kỷ thứ ba cần nên trao dồi tích cực và ứng dụng khéo léo thêm về pháp môn Tứ Nhiếp Pháp (bao gồm bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự)(41); Ngũ Minh (gồm y phương minh, công xảo minh, nhân minh, thanh minh nội minh)(42); các bộ môn khoa học hiện đại liên hệ đến Phật giáo (như là: các tôn giáo thế giới, khoa học xã hội, thông tin và những phương tiện liên lạc và mạng lưới internet hiện đại…)  để phục vụ cho công việc hoằng pháp vì lợi ích và an lạc hạnh phúc cho tất cả chúng sanh và cho xã hội ngày nay.
            c. Vai trò một nhà truyền giáo (Preacher)
     Đới với một nhà truyền bá Phật giáo, đức Phật xác định rõ ràng rằng nếu Tỳ kheo thuyết pháp và thực hành pháp yếm ly, ly tham, đoạn diệt già và chết, như vậy đủ để được gọi là Tỳ kheo thuyết pháp.(43) Lại nữa, trong khi thuyết pháp, người truyền giáo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật.(44) Hơn nữa, người truyền giáo khuyến khích những người khác không chỉ tu tập và nói phù hợp với lễ giáo, mà còn đưa ra những quan điểm hợp theo chánh pháp. Quan điểm này, đức Phật đã răn dạy một một vị Tỳ truyền giáo nên thành tựu ba pháp (1) khuyến khích các thân nghiệp tùy thuận, (2) khuyến khích các ngữ nghiệp tùy thuận, và (3) khuyến khích các ý nghiệp tùy thuận. Thành tựu với ba pháp này, một vị Tỳ kheo truyền giáo có danh tiếng, sống đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, lợi ích cho đa số, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.(45) Đặc biệt, đức Phật nhấn mạnh về phẩm chất của vị truyền giáo cần phải liễu giải nghĩa và liễu giải pháp, và người nghe pháp cũng vậy. Cả người dạy và người nghe đều phải liễu giải nghĩa và pháp. Đó là ba phẩm chất làm nền tảng đối với người giảng dạy giáo pháp cho người khác.(46)
      Bước vào ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, để đối diện với những vấn đề khủng hoảng xã hội hiện nay như: môi trường sinh thái, bệnh dịch HIV/AIDS, chiến tranh, bạo động và khủng bố, .v..v.; một nhà truyền bá Phật giáo không những nắm bắt thấu đáo về các tình huống xã hội và tính khí con người hiện nay, mà còn thực hiện khéo léo làm thế nào để giãm bớt nỗi khổ đau và khủng hoảng xã hội.
      Với môi trường sinh thái, đặc biệt về những thảm họa về ô nhiễm không khí, một nhà truyền bá Phật giáo một mặt giải thích súc tích và hợp lý cho con người về giá trị và tầm quan trọng thực tế môi trường sinh thái; khuyến khích họ biết tôn trọng, bảo vệ và duy trì mạng sống của nhân loại, các loài thực vật, động vật và thiên nhiên; và mặt khác kết hợp với họ trồng cây gây rừng, tôn trọng, bảo vệ tất cả các loài thực vật và động vật, giữ gìn không khí và nguồn nước trong sạch và không ô nhiễm, … Một hành động khéo léo như thế sẽ làm giãm bớt sự đau khổ tinh thần cho con người và sự khủng hoảng môi trường sinh thái.
      Với bệnh dịch HIV/AIDS,(47) người truyền bá lý tưởng trước hết cần thấu hiểu rõ ràng về ý nghĩa và nguyên nhân bệnh dịch HIV/AIDS. Đó là bệnh nhiễm vi rút thiếu hụt hệ thống miễn dịch con người (HIV: Human Immunodeficiency Virus) gây ra hội chứng liệt kháng thể (AIDS: Acquired Immune Deficiency Syndrome) qua ba đường truyền chính: quan hệ sinh lý với người bị nhiễm; truyền máu của người bị nhiễm; và người mẹ bị nhiễm đang mang thai.(48) Kế đến, vị ấy kết hợp với những đoàn thể xã hội thành lập và tham gia vào việc tuyên truyền cho mọi người về cách ngăn ngừa bệnh dịch HIV/AIDS; theo dõi chăm sóc thuốc men kỹ lưỡng, chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS ở giai đoạn cuối; ủng hộ những bệnh nhân mới bị nhiễm HIV/AIDS bằng cách đào tạo hướng nghiệp, khuyên nhũ họ theo tâm lý, hướng dẫn phương pháp thiền định của Phật giáo một cách có hiệu quả và có lợi, tạo ra những thú tiêu khiển lành mạnh và các môn thể thao ưa thích (như: bóng đá, bơi lội, cầu lông, võ thuật, …) hầu làm cho họ tăng thêm sức đề kháng mạnh mẽ.(49) Việc làm như thế không chỉ làm giãm đi bệnh dịch HIV/AIDS mà còn giãm đi những tai họa cho xã hội.
      Về vấn đề chiến tranh, bạo động và khủng bố, người truyền bá Phật giáo đầu tiên trao đổi với họ bằng những lời giải thích đầy thuyết phục và những bằng chứng thực tế về những thiệt hại trầm trọng cho con người và xã hội từ những hành vi chiến tranh, bạo động và khủng bố; sau đó khuyến khích và hướng dẫn họ một cách khéo léo thực hành tinh thần bất bạo động của Phật giáo bằng cách tu tập lòng từ và sự đồng cảm vì hòa bình, hạnh phúc và an lạc thật sự cho mình và cho tất cả chúng sanh. Thật sự, chính việc thực hành bất bạo động này không những hàn gắn lại vết thương chiến tranh, xung dột và bạo động cũng như làm giãm đi tất cả những tai họa cho con người và xã hội; mà còn xây dựng một xã hội hòa bình và lành mạnh, cũng như thắt chặt nguyên tắc quý trọng về sự bình đẳng, hữu nghị và tự do.   
      Mặt khác, một nhà truyền bá Phật giáo ngày nay một mặt nên giảm bớt việc tùy thuộc vào sự khất thực từ các tín đồ Phật tử và mặt khác nên tự làm kinh tế để duy trì đời sống tôn giáo của mình với nhiều phương thức khác nhau: trồng trọt rau quả; cày ruộng trồng lúa; làm đậu hũ, sữa đậu nành và bột mì;…làm nhang; ấn hành kinh sách Phật giáo; làm các vật phẩm cho việc thờ phượng; … Vai trò kinh tế khéo léo như thế không chỉ cung cấp và ủng hộ điều kiện vật chất cho nhà truyền bá Phật giáo thực hiện thành công nhiệm vụ tham gia xã hội cả hai phương diện xã hội và giáo dục, mà còn tạo ra cho vị ấy có đủ tài sản để duy trì cuộc sống tôn giáo lâu dài và vững chắc.
C.     KẾT LUẬN
      Nhìn chung, qua những quan điểm tích cực và mới mẽ được đề cập ở phần trên, chúng ta nhận thấy giá trị bổn phận của người xuất gia ở thiên niên kỷ thứ ba được biểu hiện qua hai phương diện đạo đức và xã hội. Phương diện đạo đức thuộc về ý nghĩa ‘tự lợi’, đề cập về những yêu cầu tu tập và phát triển đạo đức cá nhân của người xuất gia với vai trò như là một Bhikkhu, một hành giả. Phương diện xã hội chính là tinh thần ‘lợi tha’, liên quan đến vai trò tham gia xã hội của người xuất gia với những phương tiện thiện xảo với vai trò như là một nhà truyền bá. Dựa trên hai phương diện này, vị ấy có khả năng thực hiện khéo léo bổn phận tôn giáo của mình về sự tu tập và truyền bá Phật pháp cho số đông, có khả năng ứng dụng giáo pháp một cách linh hoạt và sáng tạo vào việc tham gia xã hội vì an lạc và hạnh phúc cho con người. Hình ảnh một vị xuất gia như thế không chỉ mở ra một đạo lộ mới cho thế hệ trẻ tu sĩ Phật giáo ở tương lai trong vai trò và nhiệm vụ tôn giáo thích hợp với quan điểm Phật giáo ngày nay, mà còn đóng góp cho sự nghiệp phát triển đạo đức và giáo dục con người trong bất kỳ tình huống xã hội nào trong thiên niên kỷ thứ ba.     

CHÚ THÍCH
(1)       Nguyễn Sanh Phúc (Chủ biên), Từ điển Anh-Anh-Việt, 1999: 639; Paul Procter (Chủ biên), Cambridge International Dictonary of English, 1995: 433; Jonathan Crowther (Biên tập), Oxford Advanced Learner’s Encyclopedic Dictionary, 1992: 278.
(2)       Nguyễn Sanh Phúc (Chủ biên), Sđd., trang 2103; Paul Procter (Chủ biên), Sđd., trang 1492; J. Crowther (Biên tập), Sđd., trang 933.
(3)       Nguyễn Sanh Phúc (Chủ biên), Sđd., trang 1370; Paul Procter (Chủ biên), Sđd., trang 971; Jonathan Crowther (Biên tập), Sđd., trang 619
(4)       Kim Cương Tử, Từ Điển Phật học Hán Việt, quyển II, 1994: 1903. Xem thêm ‘xuất gia’ trong Đoàn Trung Còn, Phật Điển Phật Học, quyển III, 1997: 685.
(5)       Thích Trí Quang (dịch), Kinh Tứ Thập Nhị Chương, 1994: 29.
(6)       Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, quyển Hạ, 1992: 523. 
(7)       Thích Hành Trụ, Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư, 1997: 42.
(8)       Kim Cương Tử, Sđd., trang 1903; Đoàn Trung Còn, Sđd., trang 685.
(9)       Tứ ân: (1) ân Tam bảo/đất nước; (2) ân Sư trưởng; (3) ân cha mẹ; và (4) ân thí chủ/chúng sanh
(10)     Tam hữu hay còn gọi là tam giới: (1) Dục giới; (2) Sắc giới; và (3) Vô Sắc giới.
(11)     Thích Hành Trụ (dịch), Sa Di Luật Giải, quyển Hạ, Sđd., trang 523; Thích Nhựt Chiếu (dịch), Văn Cảnh Sách của Tổ Qui Sơn, 2003: 18.
(12)     T. W. Rhys Davids & William Stede (Biên tập), Pali-English Dictionary, 1997: 504
(13)     M. Monier-Williams (Biên tập), Sanskrit-Enghlish Dictionary, 1999: 756.
(14)     A. G. S. Kariyawasam, ‘Bhikkhu’ (Tỳ Kheo), trong G. P. Malalasekera (Biên tập), The Encyclopaedia of Buddhism (Bách Khoa Phật Giáo), quyển III, 1999:36; John C. Holt, ‘Buddhist Priesthood’ (Tăng Lữ Phật Giáo) trong Mircea Eliade (Biên tập), The Encyclopaedia of Religion (Bách Khoa Tôn Giáo), quyển 11, 1987: 542- 542ff.
(15)     Kinh Trường Bộ I.222f. Xem thêm ‘Sīla’(giới) trang 15ff-122ff; A. K. Warder, Indian Buddhism (Phật giáo Ấn Độ), 2000: 173.
(16)     Kinh Trường Bộ I.222f. Xem thêm ‘Trí tuệtrang 154f; M. Anesaki, ‘Ethics and Morality’ trong Subodh Kapoor (Biên tập), The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, quyển II, 2001: 525ff.
(17)     Kinh Tăng Chi Bộ I.292ff.
(18)     Kinh Trung Bộ I.593ff.
(19)     Kinh Trường Bộ II.353f-382f. Xem thêm Kinh Tương Ưng Bộ III.83 & V.240f.
(20)     Kinh Tăng Chi Bộ IV.10f.
(21)     Ananda Guruge (Biên tập), Return to Righteousness, 1991: 223.
(22)     T. W. Rhys Davids & William Stede (Biên tập), Pali-English Dictionary, Sđd., trang 712.
(23)     M. Monier-Williams (Biên tập), Sanskrit-Enghlish Dictionary, Sđd., trang 1079.
(24)     Xem thêm ý nghĩa về ‘Pratimokṣa’ trong W. Pachow,  A Comparative Study of the Pratimokṣa, 2000: 4ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, 1990: 224f.
(25)     Xem thêm  trong T. W. Rhys Davids & H. Oldenberg (dịch); F. Max Muller (ed.), The Sacred of Books of the East, Vol. 13, 1996: 3ff; E. Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, 1988: 54f; S. Tachibana, The Ethics of Buddhism, 1986: 80ff; Nalinaksha Dutt, Early Monastic Buddhism, 1981: 152; Ñāṇamoli Thera (dịch), The Pāṭimokkha: The Rule for Buddhist Monks, 1992: 66ff; Lynn de Silva, Buddhism: Beliefs and Practices in Sri Lanka, 1980: 148. Xem thêm các điều luật của Tỳ kheo ở A. G. S. Kariyawasam, ‘Bhikkhu’ (Tỳ kheo), trong G. P. Malalasekera (biên tập), The Encyclopaedia of Buddhism, Vol. III, 1999: 36; Gerald Roscoe, The Triple Gem: An Introduction to Buddhism, 1994: 123ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 225ff; Robert C. Lester, Theravada Buddhism in Southeast Asia, 1973: 50ff; R. Gethin, The Foundation of Buddhism, 1998: 89ff.
(26)     Xem thêm con số về các điều luật Pratimokṣa (Giới bổn) của Tỳ kheo ni với nhiều quan điểm khác nhau, W. Pachow,   A Comparative Study of the Pratimokṣa, Sđd., trang 4ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 225; R. Gethin, The Foundation of Buddhism, Sđd., trang 89ff.
(27)     Kinh Tiểu Bộ I.214f; Walpola Rahula, What the Buddha Taught, 1996: 45ff.
(28)     Georg Feuerstein, ‘Samādhi’ trong Mircea Eliade (ed.), The Encyclopaedia of Religion, Vol. 13, 1987: 32
(29)     M. Monier-Williams (Biên tập), Sanskrit-Enghlish Dictionary, 1999: 1159.
(30)     Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang 305.
(31)     Năm Triền Cái (Nīvaraṇas) là: (1) tham dục (sensual desires- kāmacchanda); (2) sân hận (ill will- vyāpāda); (3) hôn trầm và thụy miên (sloth and torpor - thīna-middha); (4) trạo hối (restlssness and worry - uddhacca-kukkucca); and (5) hoài nghi (doubts, vicikicchā). Xem chi tiết trong Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang 317ff; Sayadaw U Pandita (tác giả); U Aggacitta (dịch); Kate Wheeler (ed.), In This Life: The Liberation Teachings of the Buddha, 1993: 187ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 249f; M. Piyadassi, The Spectrum of Buddhism: Writings of Piyadassi, 1991:214ff-250ff (Addendum IV); Joseph Goldstein, Insight Meditation: The Practice of Freedom, 1994: 57f; T. Kyabgon, The Essence of Buddhism: An Introduction to Its Philosophy and Practice, 2001:25f.
(32)     Kinh Trường Bộ I, Vol. I: 139ff-301ff-318f-358f-369f-379f; Kinh Trung Bộ, Vol. I: 609ff-403f-589f - Vol. II: 25-223-464; Vol. III: 32-112f-272ff-304f-350f; Kinh T ương Ưng Bộ, Vol.V: 21f-310-459f; Kinh Tăng Chi Bộ, Vol. I: 292f - Vol. II: 224-339ff-502 - Vol. III: 524 - Vol. IV: 184f. Xem thêm ‘Tứ Thiền’ trong Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, Sđd., trang 43; B. Buddhaghosa (tác giả); Ñānamoli (dịch), The Path of Purification, 1991: 136ff; Kenneth W. Morgan (biên tập), The Path of the Buddha: Buddhism Interpreted by Buddhists,1997:148f; U. Aung Thein, ‘Buddhist Meditation and Bioscience’ trong Buddhadasa P. Kirthisinghe (ed.), Buddhism and Science, 1999: 58f; J. Barthélemy Saint-Hilaire, The Buddha and His Religion, 1997: 142f; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 250ff; Edward Conze (dịch & biên tập), The Large Sutra on Perfect Wisdom, 1990: 157f; A. K. Warder, Indian Buddhism, 2000: 90f; Nalinaksha Dutt, ‘The Buddhist Meditation’ trong Mahendra P. Mittal (compiled), Buddha and Early Buddhism, Vol. 1, 2002: 194ff; L.M. Joshi, ‘Buddhist Meditation and Mysticism’ trong L. M. Joshi & et.al., Buddhism, 1999: 62f; Robert C. Lester, Theravada Buddhism in Southeast Asia, Sđd., trang 36f; P. Williams, Buddhist Thought: A Complete Introduction to the Indian Tradition, 2000: 55; R. Gethin, The Foundation of Buddhism, Sđd., trang 184f.
(33)     Xem thêm về ‘Định’ (Samādhi -Meditation or Concentration) trong The Vajra Regent Wu-Tsen, ‘Meditation’ trong S. Kapoor (biên tập), The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, Vol. II, 2001: 926ff; Jotiya Dhirasekera, ‘Meditation’, trong W.G. Weeraratne & Jotiya Dhirasekera (biên tập), The Encyclopaedia of Buddhism, Vol. IV, 1989: 206; Georg Feuerstein, ‘Samādhi’ trong Mircea Eliade (biên tập), The Encyclopaedia of Religion, Vol. 13, 1987: 32f; Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, Sđd., trang 42ff; B. Buddhaghosa (tác giả) & Ñānamoli (dịch), The Path of Purification, Sđd., trang 85ff; Kenneth W. Morgan (biên tập), The Path of the Buddha: Buddhism Interpreted by Buddhists, Sđd., trang 144ff; Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang 305ff; Nalinaksha Dutt, Early Monastic Buddhism, Sđd., trang 159ff; U. S. Pandita, U. S. (tác giả), U. Aggacitta (dịch) & K. Wheeler (biên tập), In This Life: The Liberation Teachings of the Buddha, Sđd., trang 13ff-150ff; Moti Lal Pandit, Buddhism in Perspective, 2001: 82ff; Thich Nhat Hanh, The Heart of the Buddha’s Teaching, 1998: 209f; His Holiness The Dalai Lama, The Way to Freedom, 2000: 173ff; Phra Sunthorn Plamintr, Basic Buddhism Course, 1999: 129ff-133ff; Ajahn Chah, Food for the Heart, 1999: 47ff; Geoffrey DeGraff (Thanissaro Bhikkhu), The Wings to Awakening, 1999: 223ff; P. L. Narasu, The Essence of Buddhism, 1999:  138ff; Peter Della Santina, The Tree of Enlightenment, 1999: 56ff; Sidney Piburn (comp. & ed.), The Dalai Lama—A Policy of Kindness, 2002: 69ff; L.M. Joshi, ‘Buddhist Meditation and Mysticism’ trong L. M. Joshi & et.al., Buddhism, Sđd., trang 56ff; Lynn de Silva, Buddhism: Beliefs and Practices, Sđd., trang 70ff; M. Piyadassi, The Spectrum of Buddhism: Writings of Piyadassi, Sđd., trang 189ff; W. Rahula, What the Buddha Taught, 1996: 67ff; John Snelling, Buddhism: An Introductory Guide to the Buddhist Tradition, 2000: 62ff; R. Gethin, The Foundation of Buddhism, Sđd., trang 174ff; Dipak Kumar Barua, An Analytical Study of Four Nikāyas, 2003: 142ff; Traleg Kyabgon, The Essence of Buddhism: An Introduction to Its Philosophy and Practice, 2001: 23ff-58ff; Geshe Sonam Rinchen (author); Ruth Sonam (trans. & ed.), The Six Perfections, 1998: 81ff.
(34)     T. W. Rhys Davids & S. William (biên tập), Pali-English Dictionary, Sđd., trang 390; M. Monier Williams, (ed.), Sanskrit-Enghlish Dictionary, Sđd., trang 659.   
(35)     Kinh Trưng Bộ I.88.
(36)     Kinh Tương Ưng Bộ II.11ff-14f-29-33ff-43-48-51ff-56-78ff-82ff-83f-84f-104ff-142ff. Xem thêm ‘Lý Duyên Khởi’ trong Kinh Tiểu Bộ I.115f-116f; Kenneth K. Inada, ‘Buddhist Observance’, S. Kapoor (biên tập), The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, Vol. I, Sđd., trang 239f; Bhikkhu Khantipalo, ‘Wheel of Life’, S. Kapoor (biên tập), The Buddhists Encyclopaedia of Buddhism, Vol. V, Sđd., trang 1479ff; Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, Sđd., trang 36ff; B. Buddhaghosa (tác giả) & Ñānamoli (dịch), The Path of Purification, Sđd., trang 539ff; Kenneth W. Morgan (biên tập), The Path of the Buddha: Buddhism Interpreted by Buddhists, Sđd., trang 154; J. Barthélemy Saint-Hilaire, The Buddha and His Religion, Sđd., trang 134ff; Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang 240ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 54ff; Edward Conze, Buddhist Thought in India, 2002: 144ff; Thích Nhất Hạnh, The Heart of the Buddha’s Teaching, Sđd., trang 221ff; Peter Della Santina, The Tree of Enlightenment, Sđd., trang 96ff; H. Saddhatissa, Buddhist Ethics, 1997:16ff; Robert C. Lester, Theravada Buddhism in Southeast Asia, Sđd., trang 29ff; M. Piyadassi, The Spectrum of Buddhism: Writings of Piyadassi, Sđd., trang 137ff; Lella Karunyakara, Modernisation of Buddhism: Contribution of Ambedkar and Dalai Lama XIV, 2002: 74ff; P. Williams, Buddhist Thought: A Complete Introduction to the Indian Tradition, Sđd., trang 62ff; R. Gethin, The Foundation of BuddhismSđd., trang 141f;  Ananda Guruge (ed.), Return to Righteousness, 1991: 299ff; Traleg Kyabgon, The Essence of Buddhism: An Introduction to Its Philosophy and Practice, Sđd., trang 73ff; K. Rama, Buddhism: A World Religion, 1999: 16f.
(37)     Xem thêm ‘Tuệ’ (Paññā -Wisdom) trong P. D. Premasiri, ‘Ethics’ trong W.G. Weeraratne (Editor-in-Chief), The Encyclopaedia of Buddhism, Vol. V, 2000:152; Tadeusz Skorupski, ‘Prajñā’, Mircea Eliade (ed.), The Encyclopaedia of Religion, Vol. 11, Sđd., trang  477ff; Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, Sđd., trang 44ff; B. Buddhaghosa (tác giả) & Ñānamoli (dịch), The Path of Purification, Sđd., trang  435ff; Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang  320ff-353f; Thích Nhất Hạnh, The Heart of the Buddha’s Teaching, Sđd., trang  210ff; H.H. Dalai Lama, The Way to Freedom, 2000:179ff; Peter Della Santina, The Tree of Enlightenment, Sđd., trang  65ff; Dipak Kumar Barua, An Analytical Study of Four Nikāyas, 2003: 159ff; Traleg Kyabgon, The Essence of Buddhism: An Introduction to Its Philosophy and Practice, Sđd., trang  69ff; Geshe Sonam Rinchen (author); Ruth Sonam (trans. & ed.), The Six Perfections, Sđd., trang  95ff.
(38)     Kinh Trường Bộ I. 559-617-621f.
(39)     Kinh Tiểu Bộ I.364. Xem thêm ‘Tam Vô Lậu Học’ trong Kinh Tăng Chi Bộ.I.415ff-435ff; P. D. Premasiri, ‘Ethics’ trong W.G. Weeraratne (Editor-in-Chief), The Encyclopaedia of Buddhism, Vol. V, Sđd., trang  150ff; Lamotte (tác giả) & Sara Webb-Boin (dịch), History of Indian Buddhism, Sđd., trang  42ff; Gerald Roscoe, The Triple Gem: An Introduction to Buddhism, Sđd., trang  8ff-12ff-21ff; B. Saṃgharakshita, ‘Buddhism in the Modern World: Cultural and Political Implications’ trong P.V. Bapat (ed.), 2500 Years of Buddhism, 1997: 389f; H.H. Dalai Lama (au.); Ramanan, R. (compiler), The Heart of Compassion, 2001: 110ff; W. Rahula, What the Buddha TaughtSđd., trang 46ff; H. Saddhatissa, Buddhist Ethics, Sđd., trang  40ff; M. Piyadassi, The Spectrum of Buddhism: Writings of Piyadassi, Sđd., trang 204ff; Merv Fowler, Buddhism: Beliefs and Practices, 1999: 58ff; Dipak Kumar Barua, An Analytical Study of Four Nikāyas, Sđd., trang  121ff; Inder L. Malik, Dalai Lamas of Tibet, 1984: 154ff.
(40)     Xem thêm trong Kinh Trường Bộ  II .546f; Alan Senauke, ‘The Bodhisattva’s Four Methods for Steering Any Vehicle’ trong Sulak Sivaraksa (Hon.ed.), Socially Engaged Buddhism for the New Millennium, Bangkok: Sathirakoses–Nagapradipa Foundation & Foundation For Children, 1999: 114ff.
(41)     Xem thêm trong Kim Cương Tử (chủ biên), Từ Điển Phật Học Hán-Việt, quyển I, Sđd., trang 915f; Đoàn Trung Còn, Phật Học Từ Điển, quyển II, Sđd., trang 401f.
(42)     Kinh Tương Ưng Bộ II.38f. Xem thêm trong Kinh Tương Ưng Bộ IV.234f.
(43)     Kinh Tiểu Bộ I.605f; Kinh Tương Ưng Bộ I.415
(44)     Kinh Tăng Chi Bộ I.188f.
(45)     Kinh Tăng Chi Bộ I.269.
(46)     Kinh Trường Bộ II.541ff; Mahāthera Nārada, The Buddha and His Teachings, Sđd., trang 348ff; Gerald Roscoe, The Triple Gem: An Introduction to Buddhism, Sđd., trang 159ff; Peter Harvey, An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices, Sđd., trang 213f; A. K. Warder, Indian Buddhism, 2000:178f; Hema Goonatilake, ‘Women and Family in Buddhism’, trong Sulak Sivaraksa & et.al (ed.), Buddhist Perception for Desirable Societies in the Future, 1993: 227f; H. Saddhatissa, Buddhist Ethics, Sđd., trang 97ff; Lynn de Silva, Buddhism: Beliefs and Practices in Sri Lanka, Sđd., trang 132f; W. Rahula, What the Buddha Taught, Sđd., trang 78ff-119ff.
(47)     Xem thêm ‘HIV Infection and AID’ trong Bruce M. King, Human Sexuality Today, 2002: 114ff.
(48)     Sđd., trang 116ff.
(49)     Sđd., trang 120ff-123ff.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét