Trang

Tu Tập Minh Sát (Vipassanã –bhãvanã) - Thiền sư GOENKA

Vipassanã –bhãvanã thường được mô tả như một ánh chớp của tuệ giác, một trực quan bất ngờ về chân lý. Sự mô tả như vậy là chính xác, nhưng thực sự vẫn có một phương pháp tuần tự từng bước một mà những người hành thiền có thể dùng để tiến đến điểm ở đây họ có được khả năng trực giác như vậy. Phương pháp này là tu tập Minh sát (Vipassanã –bhãvanã –bhãvanã) hay thường gọi là thiền Minh sát.
Chữ passanã có nghĩa là “thấy” loại thị lực thông thường mà chúng ta có với mắt mở. Vipassanã là một loại thị lực đặc biệt: sự quan sát thực tại trong tự thân chúng ta. Điều này được thành tựu bằng cách lấy những cảm thọ vật lý của mính mình làm đối tượng của sự chú tâm. Kỹ thuật ở đây là sự quan sát các cảm thọ trong tự thân một cách hệ thống và vô tư. Sự quan sát này mở ra cho ta thấy toàn bộ thực tại của tâm và thân.
Tại sao lại cảm thọ? Trước tiên là vì chính qua các cảm thọ mà chúng ta kinh nghiệm được thực tại một cách trực tiếp. Nếu không có một điều gì tiếp xúc với nămgiác quan vật lý (ngũ căn) hay tiếp xúc với tâm, cảm thọ sẽ không hiện hữu cho chúng ta. Đây là những cánh cửa qua đó chúng ta gặp gỡ thế gian, hay những căn cứ (xứ) cho mọi kinh nghiệm. Và bất cứ khi nào một điều gì tiếp xúc với sáu căn xứ, thì một cảm thọ phát sinh. Đức Phật đã diễn tả tiến trình ấy như sau: “Nếu một người lấy hai thanh gỗ chà sát vào nhau, thì từ sự cọ xát ấy sức nóng  được sanh ra, một tia lửa phát ra. Cũng như thế ấy, do một xúc được kinh nghiệm (cảm giác) là lạc, một thọ lạc phát sinh. Do một xúc được cảm giác là khổ, một thọ khổ phát sinh. Do một xúc được cảm giác là không khổ không lạc, một thọ không khổ không lạc khổ phát sinh”[7].
Sự xúc chạm của một đối tượng với tâm hay thân tạo ra một tia cảm thọ. Như vậy thọ là một mắc xích qua đó chúng ta kinh nghiệm thế gian với tất cả hiện tượng tâm, vật lý của nó. Để phát triển trí tuệ dựa trên kinh nghiệm (tu tuệ) này chúng ta phải biết rõ những gì mình đang thực sự kinh nghiệm, đó là, chúng ta phải tu tập niệm thọ.
Thêm nữa, các cảm thọ vật lý liên quan mật thiết với bạn, và cũng giống như hơi thở, chúng còn phản ánh trạng thái tâm hiện tại. Khi các đối tượng tâm ý (pháp trần): tư duy, ý niệm, tưởng tượng, cảm xúc, ký ức, hy vọng, sợ hãi… tiếp xúc với tâm, các cảm thọ liền phát sinh. Mỗi tư duy, mỗi cảm xúc, mỗi tâm hành đều kèm theo bởi một cảm thọ tương ứng trong thân. Do đó, nhờ quan sát các cảm thọ vật lý, chúng ta cũng quan sát luôn cả tâm.
Để khảo sát sự thực tận chiều sâu, cảm thọ hết sức thiết yếu. Bất luận điều gì chúng ta gặp trong thế gian đều gợi lên một cảm thọ trong thân. Có thể nói cảm thọ là giao lộ (ngã tư) nơi tâm và thân gặp gỡ. Mặc dù về bản chất thuộc vật lý, cảm thọ cũng là một trong bốn tiến trình tâm (xem bài “Điểm Khởi Đầu”). Nó khởi lên trong thân và được cảm bằng tâm. Nơi một tử thi hay vật vô tình không thể nào có cảm thọ, vì tâm không có mặt ở đó. Nếu như chúng ta không biết về kinh nghiệm này, sự thẩm sát của chúng ta về thực tại vẫn chưa đầy đủ và chỉ ở bề mặt. Cũng như để trừ cỏ trong vườn bạn phải biết gốc rễ ẩn tang và chức năng sinh tồn của chúng; ở đây cũng vậy, chúng ta phải biết các cảm thọ, mà hầu hết các cảm thọ ấy vẫn không lộ rõ đối với chúng ta, nếu chúng ta muốn hiểu bản chất của chúng ta và đối phó với nó một cách thích đáng.
Các cảm thọ lúc nào cũng khởi lên ở khắp toàn thân. Mỗi một tâm xúc hay thân xúc đều tạo ra cảm thọ. Mỗi một phản ứng sinh hóa đều sanh ra cảm thọ. Trong đời sống bình thường, tâm ý thức thiếu sự tập trung cần thiết để biết tất cả (những cảm thọ) ngoại trừ cảm thọ mãnh liệt trong số ấy, song một khi chúng ta đã làm cho tâm bén nhạy bằng việc thực hành niệm hơi thở, và như vậy đã phát triển được niệm căn (khả năng chánh niệm), chúng ta có thể kinh nghiệm thực tại của từng cảm thọ bên trong một cách ý thức.
Mọi nỗ lực trong việc thực hành niệm hơi thở là để quan sát hơi thở tự nhiên, không kiểm soát hay điều khiển nó. Tương tự, trong việc thực hành Minh sát (Vipassanã –bhãvanã), chúng ta chỉ đơn giản quan sát các cảm thọ của thân. Chúng ta di chuyển sự chú tâm một cách hệ thống khắp toàn thân (cấu trúc vật lý), từ đầu đến chân và từ chân lên đầu, từ chi(chân tay) này sang chi khác. Tuy nhiên trong lúc làm như vậy, chúng ta không cố gắng tránh những cảm thọ loại khác. Nỗ lực chỉ để quan sát một cách khách quan, nhận biết bất cứ cảm thọ nào xuất hiện khắp toàn thân, có thể là: nóng, lạnh, nặng, nhẹ, ngứa, đập, co, rút, mở rộng, sức ép, đau, nhoi nhói, nhịp tim, sự rung động hay bất kỳ loại nào khác.
Người hành thiền không đi tìm bất cứ một thọ kỳ đặc nào mà chỉ cố gắng quan sát các cảm thọ vật lý bình thường đúng như chúng khởi lên một cách tự nhiên vậy thôi.
Nỗ lực cũng không được dùng để khám phá nhân sanh thọ. Nó có thể phát sinh từ những điều kiện khí hậu, do tư thế bạn ngồi, do ảnh hưởng của bệnh cũ, hay do cơ thể suy yếu, hoặc thậm chí cũng có thể do thức ăn bạn đã ăn. Lý do không quan trọng và nằm ngoài sự quan tâm của bạn. Điều quan trọng là bạn phải biết được cảm thọ nào đang khởi ngay sát na này trong một phần nào đó của thân, nơi đây sự chú tâm của bạn đã tập trung vào.
Khi mới bắt đầu công việc thực hành này, có thể chúng ta chỉ nhận thức được các cảm thọ ở một số phần nào đó của thân thôi, còn những chỗ khác thì không. Niệm căn (khả năng ghi nhận) vẫn chưa phát triển đầy đủ, vì vậy chúng ta chỉ kinh nghiệm được những cảm thọ mãnh liệt chứ không biết đến những cảm thọ tinh vi, tế nhị. Tuy nhiên, chúng ta cứ tiếp tục chú tâm lần lượt đến từng phần của cơ thể, di chuyển trung tâm điểm của niệm theo thứ tự một cách hệ thống, không để sự chú tâm bị các cảm thọ nổi bật hơn kéo đi quá mức. Sau khi thực hành định học, chúng ta đã phát triển được khả năng gắn chặt sự chú tâm trên một đối tượng đã chọn. Giờ đây chúng ta dùng khả năng này để di chuyển niệm đến  từng phần của cơ thể trong một trình tự nhất định, không nhảy qua phần cảm thọ không rõ để đến phần khác có thọ rõ hơn, không nấn ná ở một vài cảm thọ (dễ chịu), cũng không cố gắng tránh những cảm thọ khác. Theo cách này, dần dần chúng ta có thể kinh nghiệm được cảm thọ nơi mọi phần của cơ thể.
Khi mới bắt đầu hành niệm thở, hơi thở thường sẽ khá nặng và không đều. Rồi dần dần nó lắng dịu và trở nên càng lúc càng nhẹ nhàng, tinh khiết và vi tế hơn. Tương tự, lúc mới hành thiền Minh sát, bạn thường gặp những cảm thọ thô, gắt, khó chịu và dường như kéo dài khá lâu. Đồng thời, những cảm xúc mạnh hay những ý nghĩ và ký ức đã quên lâu đời có thể xuất hiện, đem theo với chúng những bực bội về tâm lý hoặc vật lý, thậm chí đau đớn nữa. Những triền cái hay chướng ngại của tham và sân, của hôn trầm, trạo cử (dao động) và hoài nghi vốn cản trở tiến bộ của bạn trong lúc hành niệm hơi thở, giờ đây có thể tái xuất hiện và lấy lại sức mạnh của nó đến độ bạn hoàn toàn không thể duy trì được việc niệm cảm thọ nữa. Đối diện với tình huống này bạn không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc quay trở lại với niệm hơi thở để phục hồi sự an tịnh và làm nhạy bén lại tâm.
Là người hành thiền, chúng ta phải thực hành một cách nhẫn nại, không có bất kỳ một cảm giác thất bại nào để thiết lập lại sự tập trung, hiểu rằng tất cả những khó khăn này thực ra chỉ là kết quả của thành công ban đầu của chúng ta. Một vài điều kiện (duyên) đã chon vùi thật sâu nay bị khuấy động dậy và bắt đầu xuất hiện ở mức ý thức. Dần dần, với nỗ lực kiên trì nhưng không chút căng thẳng, tâm lấy lại trạng thái yên tịnh và nhất tâm. Những ý nghĩ hoặc cảm xúc mạnh liệt biến mất, và bạn có thể trở lại với việc niệm các cảm thọ. Và với việc thực hành liên tục, những cảm thọ căng thẳng sẽ có khuynh hướng tan ra thành những cảm thọ đồng nhất và vi tế hơn, cuối cùng trở thành chỉ là những rung đọng, sanh và diệt cực kỳ nhanh chóng.
Song cho dù những cảm thọ có là lạc hay khổ, mãnh liệt hay vi tế, đồng nhất hay sai biệt thì cũng không quan trọng trong lúc hành thiền. Nhiệm vụ chính của hành giả là chỉ quan sát một cách khách quan (những cảm thọ ấy). Bất chấp những khó chịu của các thọ khổ, bất chấp những hấp dẫn của các thọ lạc, chúng ta không ngừng công việc (thực hành) của mình, chúng ta không để cho bản thân trở nên rối loạn hay bị mê say trong bất kỳ cảm thọ nào; công việc của chúng ta chỉ đơn thuần là quan sát tự thân với sự vô tư như một nhà khoa học đang quan sát trong phòng thí nghiệm vậy.
Vô Thường, Vô Ngã, và Khổ
Khi chúng ta kiên trì trong việc hành thiền, chẳng bao lâu chúng ta sẽ hiểu ra một sự thực cơ bản: các cảm thọ của chúng ta luôn luôn thay đổi. Mỗi sát na, trong mỗi phần của cơ thể, một cảm thọ sanh; và mỗi cảm thọ là một dấu hiệu của sự thay đổi. Những thay đổi trong từng sát na này xảy ra trên mọi phần của thân thể, trên những phản ứng sinh hóa và điện từ. Mỗi sát na, thậm chí còn nhanh hơn nữa, những tiến trình tâm lý thay đổi và được thể hiện qua những thay đổi về vật lý.
Đây là thực tại của tâm và vật chất (danh và sắc): nó đang thay đổi và vô thường – anicca. Mỗi sát na những hạt hạ nguyên tử hay các tổng hợp sắc cấu thành thân sanh lên và diệt. Mỗi sát na những chức năng tâm lý cũng tuần tự xuất hiện và biến mất. Mọi hiện tượng vật lý và tâm lý bên trong chúng ta cũng như bên ngoài thế gian đang thay đổi trong từng sát na.Trước đây, chúng ta có thể đã biết điều này là thực, chúng ta có thể đã hiểu vấn đề trên phương diện tri thức. Tuy nhiên, giờ đây nhờ thực hành Vipassanã-bhãvanã (thiền Minh sát) chúng ta kinh nghiệm vô thường tính một cách trực tiếp trong cơ cấu của thân chúng ta. Sự kinh nghiệm trực tiếp các cảm thọ nhất thời này sẽ chứng minh cho chúng ta thấy bản chất phù du của chúng ta.
Mỗi phân tử của thân, mỗi tiến trình của tâm đều nằm trong trạng thái trôi chảy không ngừng. Không có gì tồn tại quá một sát na, không có phần cốt lõi nào để bạn có thể bám víu vào, không có gì để bạn có thể gọi là “tôi” và “của tôi”. Cái “tôi” ấy thực sự chỉ là một sự kết hợp của những tiến trình tâm và vật lý, được xem là luôn luôn thay đổi.
Như vậy người hành thiền hiểu được một thực tại cơ bản khác: vô ngã – anattã, không có cái “tôi” thực thụ, không có cái ngã hay bản thể thường hằng.  Cái bản ngã mà bạn dành hết lòng cho nó chỉ là một ảo tưởng tạo ra bởi sự kết hợp của những tiến trình tâm-vật lý trôi chảy không ngừng. Sauk hi đã khảo sát thân và tâm tới mức độ sâu nhất, bạn thấy rằng không hề có một cốt lõi bất di bất dịch, không hề có một thực chất tồn tại độc lập với những tiến trình (tâm-vật lý) không có gì được miễn trừ khỏi qui luật vô thường. Chỉ có một hiện tượng vô ngã, luôn biến đổi và nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
Như vậy một thực tại khác trở nên rõ ràng. Bất cứ nỗ lực nào nhằm nắm giữ một cái gì, cho rằng “Đây là tôi, đây là của tôi” chắc chắn phải làm cho bạn đau khổ, vì không sớm thì muộn cái mà bạn chấp giữ này sẽ mất đi, hoặc giả cái “tôi” này sẽ mất đi. Như vậy chấp trước vào cái gì vô thường, nhất thời, ảo tưởng, và nằm ngoài kiểm soát của bạn là khổ, dukkha. Chúng ta hiểu tất cả điều này không phải do có ái nói cho chúng ta biết sự thể là vậy, mà vì chúng ta kinh nghiệm nó ở bên trong, do quan sát các cảm thọ trong thân của chúng ta vậy.
Xả
Làm thế nào để không tự làm cho mình đau khổ? Làm thế nào để sống không khổ đau? Chỉ cần giản dị quan sát mà không phản ứng: thay vì cố gắng nắm giữ một kinh nghiệm và tránh né kinh nghiệm khác, cố gắng kéo cái này vào, và đẩy cái kia ra xa, bạn chỉ đơn giản xem xét từng hiện tượng một cách khách quan, với thái độ buông xả, và với một cái tâm quân bình.
Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng ta sẽ làm gì khi ngồi thiền trong một giờ, và sau mười phút đã cảm thấy đau đầu gối đây? Ngay lập tức chúng ta ghét cái đau, muốn cái đau mất đi. Nhưng nó không chịu mất đi; thay vào đó, ta càng ghét, nó lại càng đau hơn. Cái đau thể xác trở thành cái đau tinh thần, khiến cho ta khốn khổ cực độ.
Nếu chúng ta có thể học quan sát cái đau thể xác trong một thoáng thôi; thậm chí nếu chúng ta có thể tạm thời thoát ra khỏi ảo tưởng rằng đó là cái đau của ta, rằng chúng ta đang cảm giác đau, nếu chúng ta có thể xem xét cảm thọ một cách khách quan giống như một vị bác sĩ đang xem xét cái đau của người khác, thời chúng ta sẽ thấy rằng cái đau tự nó thay đổi. Nó không tồn tại mãi, mỗi sát na nó đều thay đổi, nó sẽ diệt mất, rồi đau trở lại, và rồi thay đổi nữa.
Khi chúng ta hiểu được điều này bằng kinh nghiệm tự thân, chúng ta thấy rằng cái đau không còn áp đảo và điều khiển chúng ta được nữa. Có lẽ nó sẽ nhanh chóng mất đi, hoặc có thể không. Song điều đó không thành vấn đề. Chúng ta không khổ vì cái đau nữa vì chúng ta có thể quan sát nó với sự thản nhiên.
Con Đường Giải Thoát
Nhờ phát triển chánh niệm và xả, bạn có thể tự giải thoát mình khỏi khổ đau. Khổ đau có mặt do không biết (vô minh) về thực tại của chính mình. Trong bóng tối của vô minh này, tâm phản ứng lại mọi cảm thọ với thích và không thích, với tham và sân. Mỗi phản ứng như vậy tạo ra khổ đao trong hiện tại và làm cho một chuỗi những sự kiện chuyển động mà điều này sẽ chỉ đem lại khổ đau trong tương lai mà thôi.
Làm thế nào để có thể bẻ gãy chuỗi nhân quả này? Do các hành nghiệp quá khứ bén rễ trong vô minh, bằng cách này hay cách khác, cuộc sống đã bắt đầu, dòng danh sắc (tâm-vật chất) đã khởi động. Vậy ta có nên tự sát không? Không nên, vì làm như thế sẽ không giải quyết được vấn đề. Vào lúc bạn tự sát, tâm ngập tràn thống khổ, ngập tràn sân hận. Vì thế những gì nối tiếp cũng sẽ ngập tràn khổ đao. Một hành động như vậy không thể nào dẫn đến an vui được.
Cuộc sống đã bắt đầu và ta không thể tránh khỏi nó. Vậy ta có nên hủy hoại sáu căn không? Bạn có thể móc mắt, cắt lưỡi, hủy hoại mũi và tai. Song làm thế nào bạn có thể hủy hoại được thân xác? Làm thế nào bạn có thể hủy hoại được tâm? Đây cũng lại là một cách tự sát được xem là vô ích mà thôi.
Ta sẽ hủy diệt các đối tượng của sáu căn, như mọi cảnh sắc, mọi âm thanh vv… chăng? Điều này lại càng không thể được. Vũ trụ có vô  số các đối tượng ta chẳng thể nào hủy diệt được tất cả. Một khi sáu giác quan (căn) có mặt, không thể nào ngăn được sự tiếp xúc của chúng với các đối tượng tương ứng. Và ngay khi xúc sanh khởi, thì chắc chắn phải có một cảm thọ.
Song, đây chính là điểm mà chuỗi (duyên sinh) có thể bị bẻ gãy. Mắc xích quyết định xảy ra ở điểm “thọ”. Mỗi cảm thọ làm phát sinh tâm lý  ưa hoặc ghét (thích hay không thích). Những phản ứng vô thức nhất thời của ưa và ghét này lập tức sinh sôi nảy nở và tăng cường thành tham ái, sân hận, chấp thủ, tạo ra khổ đau trong hiện tại và trong tương lai. Điều này trở thành một thói quen mù quáng khiến ta cứ lập đi lập lại một cách máy móc.
Tuy nhiên, nhờ thực hành thiền Minh sát (Vipassanã bhãvanã), chúng ta phát triển chánh niệm về các cảm thọ (nhận biết mỗi cảm thọ khi chúng khởi lên) và chúng ta cũn phát triển thái độ xả, tức không phản ứng. Chúng ta xem xét cảm thọ một cách khách quan, vô tư, không ưa cũng không ghét nó, không tham, sân hay chấp thủ. Thay vì làm phát sinh những phản ứng mới, mỗi cảm thọ giờ đây chỉ làm sinh khởi trí tuệ hay tuệ giác (pãnnã) hiểu rõ: “Thọ” này là vô thường, chắc chắn phải thay đổi, chắc chắn phải sanh diệt. Chuỗi nhân quả đã bị bẻ gãy, khổ đau đã dừng lại. Không có phản ứng mới của tham hoặc sân, và vì thế, nhân từ đó khổ đau sanh ra cũng không có. Nhân của khổ là nghiệp (kamma), ý hành hay sự phản ứng mù quáng của tham ái và sân hận mà ngôn ngữ Pãli gọi là sankhãra (hành). Khi tâm nhận biết (niệm) cảm thọ và duy trì thái đọ xả, sẽ không có sự phản ứng như vậy, sẽ không có nhân tạo ra khổ. Chúng ta đã dừng lại việc  tạo ra khổ đau cho bản thân chúng ta.
Đức Phật dạy:
Với tuệ giác quán chiếu,
Thấy các hành vô thường,
Khổ đau được xa lìa.
Đây là thanh tịnh đạo. (Pháp cú 277)
Ở đây chữ sankhãra (hành) có một nghĩa rất rộng. Mỗi phản ứng mù quáng của tâm được gọi là hành (sankhãra) nhưng kết quả của hành động ấy, tức quả của nó, cũng gọi là hành (sankhãra), hạt giống thế nào, quả sẽ như vậy. Mọi thứ mà chúng ta gặp trong cuộc đời, trên cơ bản, là kết quả của những ý hành (hành động của ý) của chính chúng ta. Vì thế theo nghĩa rộng nhất, sankhãra (hành) là bất cứ thứ gì có mặt trong thế giới duyên sinh này, bất cứ những gì  đã được tạo ra, đã được hình thành, đã được cấu hợp. Vì vậy, “Phàm những gì được tạo tác đều vô thường”. Bất luận điều gì trong vũ trụ này, dù tâm lý hay vật lý, đều vô thường cả. Khi ta quan sát thực hành thiền Minh sát, thì khổ dau không còn nữa, vì ta đã ngăn lại các nhân của khổ, đó là, ta từ bỏ thói quen tham ái và sân hận. Đây chính là đạo lộ giải thoát.
Toàn bộ nỗ lực là để học cách làm thế nào không phản ứng, làm thế nào để không tạo ra một hành mới. Một cảm thọ xuất hiện, và ưa hoặc ghét bắt đầu. Khoảnh khắc thoáng qua này, nếu chúng ta không kịp chánh niệm (không biết về nó), sẽ lặp đi lặp lại và tăng cường lên thành tham ái và sân hận, trở thành một cảm xúc mãnh liệt đến đọ cuối cùng tràn ngập cả tâm ý thức. Chúng ta bị cuốn hút trong cảm xúc ấy, và mọi sự phán đoán hợp lý của chúng ta bị gạt sang một bên. Kết  quả là chúng ta thấy mình bị mắc vào những lời nói và hành động bất thiện, tự hại mình và hại người khác. Chúng ta tạo ra khổ đau cho chính mình, ngay trong hiện tại và cả trong tương lai, chỉ vì một thoáng phản ứng mù quáng.
Nhưng nếu chúng ta chánh niệm ngay tại điểm ở đây tiến trình của sự phản ứng bắt đầu – nghĩa là, nếu chúng ta chánh niệm ngay chỗ cảm thọ - chúng ta có thể chọn không để cho bất kỳ sự phản ứng nào nảy sanh hay tăng thêm cường độ. Chúng ta quan sát cảm thọ mà không phản ứng, không ưa cũng không ghét nó. Nó sẽ  không có cơ hội để phát triển thành tham hoặc sân, thành cảm xúc mãnh liệt áp đảo chúng ta; nó chỉ đơn giản sinh và diệt. Tâm giữ quân bình, an lạc. Chúng ta an vui ngay hiện tại, và chúng ta có thể nhìn thấy trước sự an vui trong tương lai, vì chúng ta đã không phản ứng.
Khả năng không phản ứng này rất có giá trị. Khi chúng ta chánh niệm về các cảm thọ trong thân, và đồng thời giữ thái độ xả. Trong những khoảnh khắc ấy tâm được giải thoát. Mới đầu tâm giải thoát này có thể chỉ một vài sát na trong lúc hành thiền, thời gian còn lại tâm vẫn bị nhận  chìm trong thói quen cũ của sự phản ứng lại các cảm thọ, chìm trong cái vòng lẩn quẩn cũ của tham, sân và khổ đau. Song với việc thực hành thường xuyên, một vài khoản khắc ngắn ngủi ấy sẽ trở thành nhiều giây, sẽ trở thành nhiều phút, cho tới khi cuối cùng thói quen cũ của phản ứng bị bẻ gãy, và tâm an trú liên tục trong bình yên. Đây là cách làm thế nào để chúng ta có thể chấm dứt việc tạo tác tình trạng bất hạnh cho bản thân chúng ta.
(Theo http://www.quangduc.com/tinhdo/139niemtho4.html)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét