Trang

Không ai gọi việc đi tu là một nghề (Xuân Hoa)



Ở góc độ quản lý nhà nước về Phật giáo, Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) ông Bùi Hữu Dược trao đổi xung quanh vấn đề hình ảnh Phật giáo bị ảnh hưởng bởi những kẻ vô tri - giả sư hay tu hành nhưng coi thường giáo lý.
-Thưa, ông có ý kiến gì về những việc người tu đạo mà lại có những hành động phản cảm làm xấu hình ảnh, đạo đức Phật giáo xuất hiện thời gian gần đây?
- Tu đạo là hoạt động vừa mang tính tâm linh, huyền bí vừa mang tính cụ thể để hoàn thiện con người hoặc hướng tới một mục tiêu nhất định theo triết lý của từng tôn giáo. Tu đạo theo Phật giáo có cả người xuất gia (là nhà sư) và người tại gia ( là tín đồ).
Thực tiễn đã cho thấy con người sinh ra chưa phải đã hoàn chỉnh, mỗi cơ thể sống (con người) gồm hai phần, thể xác và tâm hồn (thân và tâm), thân thể phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn, nước uống, phải được vệ sinh chăm sóc hàng ngày, tâm hồn cũng vậy, phải được nuôi dưỡng uốn nắn hàng ngày bằng tri thức, đạo đức, văn hóa…
Ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ)
Tôn giáo đã đóng một phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng, chuyển hóa tâm hồn nhiều người để góp phần cho con người hướng thiện, làm lành, lánh ác, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau... Với những người tu đạo, mục tiêu cho hoạt động quan trọng nhất là tu tâm. Vậy mà có những người tu đạo, gần đây có hành động phản cảm làm xấu hình ảnh đạo đức Phật giáo, việc này cũng cần khách quan xem xét rõ ở từng trường hợp nếu không “vơ đũa cả nắm” sẽ không đúng cho cả Đạo lẫn Đời.
Thứ nhất, những người tu đạo đang trên con đường tu để chỉnh và sửa mình, họ chưa phải là con người hoàn chỉnh, chưa “đắc đạo”. Trong hành vi và thái độ của họ trước xã hội có những người do trình độ tu học, hành đạo chưa đạt tới độ trang nghiêm cần thiết theo quy định giới luật của tôn giáo, đó cũng là việc bình thường, họ cần có thời gian và quá trình tu tập, rèn luyện mới có thể chuyển hóa để đạt chuẩn mực của người tu đạo.
Thứ hai, gần đây có một số người không tu đạo, lợi dụng tôn giáo như việc giả sư đi khất thực, đi bán hương, đi quyên tiền..., những người này không những làm ảnh hưởng xấu tới Phật giáo mà còn vi phạm pháp luật bởi hành vi  giả danh, trục lợi.
Và cuối cùng, có số rất ít tu đạo nhưng sống cuộc sống thiếu phạm hạnh, làm ảnh hửơng xấu xấu tới hình ảnh tôn giáo “con sâu làm rầu nồi canh”, số này thời nào cũng có, nay cũng khó tránh khỏi. Với những người tu đạo dạng này, đối với tổ chức tôn giáo phải có hình thức điều chỉnh nghiêm khắc, đối với xã hội có thái độ và xử lý nghiêm minh.
-Theo ông, phải chăng những hành động đó xuất phát từ suy nghĩ lệch lạc của một số tăng ni hiện nay khi coi đi tu cũng là một nghề, thay vì lĩnh hội tinh hoa Phật pháp để tốt Đời đẹp Đạo?
- Đặt vấn đề như vậy không đúng bởi vì “coi đi tu là một nghề” là quan niệm tỏ thái độ thiếu thiện chí, điều đó có thể có ở một số rất ít người lợi dụng tôn giáo. Còn hành động chưa chuẩn, phản cảm có thể có ở người tu hành, nhưng với tôn giáo họ không xem đó là một nghề như đã nêu ở trên. Người tu đạo chân chính không ai gọi việc đi tu là một nghề, vì tu luyện thân tâm rất nghiêm khắc, không  đơn thuần dễ dãi, mới đạt được kết quả chân, thiện, mỹ và giải thoát giác ngộ.
- Theo ông, đối với những trường hợp nhà tư hành mà có những hành động lệch lạc phạm giới luật thì nên có hướng xử lý như thế nào?
- Tôn giáo vốn chuẩn mực và nghiêm khắc song tôn giáo cũng rất bao dung. Đối với những hành  động chưa chuẩn như đã nêu, trong Phật giáo có tổ chức Giáo hội, có sơn môn, có đồng đạo, Phật chế giáo luật để xử lý những người theo đạo phật vi phạm giới luật, tùy theo mức độ vi phạm nặng hay nhẹ mà có hình thức xử lý khác nhau: nhẹ nhất là sám hối, nặng nhất là đuổi ra khỏi Đạo.
Tổ chức Giáo hội Phật giáo, sơn môn, các chùa, các vị sư cũng cần phải giáo dục và giám sát chặt chẽ hoạt động đạo trên địa bàn sinh hoạt, phát hiện đấu tranh loại bỏ việc lợi dụng Phật giáo để làm việc sai trái, làm xấu hình ảnh Phật giáo. Phát hiện, nghiêm khắc giáo dục, điều chỉnh những người trong đạo chưa nghiêm, chưa thực hiện đúng theo quy định của giới luật nhà Phật.
Còn về mặt xã hội có cơ quan nhà nước, có nhân dân, có pháp luật, người vi phạm pháp luật chiếu theo luật pháp về hành vi phạm pháp nặng hay nhẹ mà xử lý. Riêng đối với những trường hợp tu đạo nhưng có hành vi làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức, hình ảnh Phật giáo, chính quyền phát hiện được phải thông báo cho tổ chức Giáo hội  biết để tùy mức độ có hình thức xử lý cả Đạo và Đời cho phù hợp. Xây dựng trong nhân dân nếp sống văn hóa, nếp sống tôn giáo lành mạnh, đấu tranh, tẩy chay, loại trừ cái xấu ra khỏi đời sống xã hội và đời sống tôn giáo.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Pháp luật Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét