Trang

Những con số bảy trong kinh tạng Pāli



Về Đức Phật: Trong thời kỳ đầu tạo 30 pháp hạnh Ba La Mật, Đức Bồ Tát phát nguyện trong tâm muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác đã trải qua suốt 7 a-tăng-kỳ. Tổng cộng trong 7 a-tăng-kỳ có 125.000 Đức Phật Chánh Đẳng Giác tuần tự xuất hiện trên thế gian.
- Theo Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn, khi ra khỏi thai bào, Đức Bồ Tát đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước.

- Hoàng hậu Maya chỉ làm mẹ được bảy ngày rồi qua đời. 

- Khi hoàng tử Siddhattha được năm ngày, có tám vị đạo sĩ Bà La Môn lỗi lạc đến dự lễ Quán Đỉnh, bảy vị đưa hai ngón tay lên nói rằng hoàng tử hoặc sẽ thành vị hoàng đế lỗi lạc nhất thế gian hoặc sẽ thành Phật, chỉ có một vị nói hoàng tử sẽ thành Phật.

- Khi hoàng tử Siddhattha theo dự lể Hạ điền với vua cha, ngài ngồi tham thiền dưới gốc cây trâm và đắc được sơ thiền lúc mới vừa bảy tuổi.

- Sau khi thọ dụng bát cháo do bà Sujata dâng cúng, đức Bồ Tát đã nhịn đói suốt bảy tuần để trải qua bốn mươi chín ngày yên lặng suy niệm dưới cội Bồ Đề.

- Vào tuần lễ thứ sáu sau ngày thành đạo, Đức Phật di chuyển từ cây Ajapala qua cây Mucalinda để chứng nghiệm Hạnh Phúc Giải Thoát thì bổng nhiên có một trận mưa giông kéo tới. Mãng xà vương Mucalinda từ ổ chui ra quấn bảy vòng quanh mình đức Phật để che mưa gió cho ngài.

- Một trong ba mươi hai tướng tốt của đức Phật là bảy chỗ tay, chân, vai, và mình được đầy đặn.

- Trong một tiền kiếp bị thất niệm với một hoàng hậu, đức BồTát đã nằm suốt bảy ngày liền chịu đói khát, toàn thân bị siết chặt trong vòng vây của nữ sắc.

- Trong kiếp làm con Công chúa, Bồ Tát không bị sa bẩy trong suốt bảy ngàn năm.
Tiền thân của Đức Phật là  thầy tu khổ hạnh Sumedha.  Biết Đức Phật Dipankara sẽ đến thành phố Rammavati, Sumedha tham gia làm đường để cho Đức Phật đi với lời nguyện rằng với sự cúng dường này ông xin được trở thành một vị Phật trong tương lai. Ông đang làm đường thì Đức Phật đi đến, và ông quyết định phải hoàn thành cho con đường dở dang vì vậy ông nằm sấp xuống, úp mình trên một chỗ trũng đầy bùn, để hoàn thành lời nguyện của mình.Quỳ gần bên Sumedha là một thiếu nữ tên có tên Sumitta. Cô đang cầm tám nhánh hoa sen trong tay. Cô trao cho nhà tu khổ hạnh năm nhánh hoa và giữ ba nhánh dành cho nguyện ước riêng của mình. Đức Phật Dipankara thấy vậy và thọ ký cho nhà tu khổ hạnh Sumedha trở thành một vị Phật trong tương lai đồng thời tuyên bố rằng nàng Sumitta sẽ là người bạn đồng hành và đồng thời là người vợ của ông trong muôn kiếp sống.

- Đức Phật đặt cho năm trăm thanh niên Bà la Môn kiêu mạn câu hỏi "Thời gian ăn hữu tình. Ăn tất cả, ăn mình. Ai là hữu tình ấy. Ăn cả đến thời gian. Ai là người nấu chín. Thời gian, nấu hữu tình?" và cho họ thời gian bảy ngày để trả lời. Sau bảy ngày họ vẫn không tìm được câu trả lời nên Bồ Tát đã giải thích cho họ và đã nhiếp phục được sự kiêu mạn của họ.

- Những ai được Đức Thế Tôn hỏi ba lần mà không trả lời đầu sẽ bể ra bảy mảnh.
- Bảy vị Phật quá khứ là Đức Phật Vipashyin, Shakyamuni, Shikhin, Vishvabhu, Krakucchanda, Kanakamuni, and Kashyapa.

- Bồ tát Maha Janaka bơi trên biển bảy ngày nhưng khi nhìn thấy trăng tròn, biết là ngày uposatha nên dùng nước biển xúc miệng và nguyện thọ trì bát quan trai giới.

- Khi Bồ tát Dhammapala được bảy tháng, vì ganh tỵ với tình thương của hoàng hậu Canda dành cho ngài, đức vua Mahapatapa đã ra lệnh chặt tay, chặt chân con mình nhưng Bồ tát vẫn không hề than khóc.

- Trong các chuyện tiền thân, Đức Bồ Tát làm đại thần bảy lần.

Về Kinh A tỳ đàm và các Pháp Phật : 


- Kinh Abhidhamma có bảy bộ (Dhammasangani, Vibhanga, Dhatukatha, Puggalapannatti, Kathavatthu, Yamaka, và Patthana)

- Đức Phật thuyết giảng bộ Kathavatthu trong mười ba ngày, có bảy mươi triệu chư thiên đắc đạo.

- Đức Phật thuyết giảng bộ Yamaka trong mười tám ngày, có bảy mươi triệu chư thiên đắc quả.

- Nghĩa của chế định có bảy cách là: hình thức, hiệp thành, chúng sanh, Phương hướng, hư không, thời tiết, và tiêu biểu.

- Tâm lộ nào có bảy loại tâm khách được gọi là tâm lộ ngũ môn cảnh rất lớn.

- Lộ nhãn môn cảnh rất lớn có bảy chặng là: khai môn, nhãn thức, tiếp thâu, quan sát, đoán định, đổng lực, và na cảnh.

- Tâm quả bất thiện có bảy: Tâm nhãn thức thọ xã quả bất thiện, tâm nhĩ thức thọ xã quả bất thiện, tâm tỷ thức thọ xã quả bất thiện, tâm thiệt thức thọ xã quả bất thiện, tâm thân thức thọ xã quả bất thiện, và tâm thiếp thâu và tâm quan sát quả bất thiện.

- Sở hữu biến hành có bảy thứ: sở hữu xúc, sỡ hữu thọ, sở hữu tưởng, sở hữu tư, sở hữu định (nhất hành), sở hữu mạng quyền và sở hữu tác ý.

- Danh pháp chỉ tồn tại một sát na, sắc pháp có tuổi thọ gấp 17 lần danh pháp.

- Bảy cõi vui dục giới là cõi người và 6 cõi trời dục giới.

- Có bảy loại khổ đau là: sanh, già, đau, chết, thương phải xa, ghét phải gần, và mong cầu không được.

- Tâm tham có thể tạo ra bảy ác pháp là: trộm cắp, tà hạnh trong dục lạc, nói dối, nói lưỡng thiệt, nói nhảm nhí, tham ác và kiến ác.

- Tâm sân có thể tạo ra bảy điều ác là: sát sanh, trộm cắp thuộc thân ác hạnh, bốn ngữ ác hạnh (nói dối, nói lời hung dữ, nói lưỡng thiệt, nói nhảm nhí) và ý sân ác.

- Bảy pháp thanh tịnh là: giới tịnh, tâm tịnh, kiến tịnh, đoạn nghi kiến tịnh, đạo phi đạo tri kiến tịnh, tiến hành tịnh, tri kiến tịnh.

- Bảy thất giác chi là phân tích giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, và xả giác chi.

- Nhân sanh-khởi của Trạch-pháp giác-chi có bảy điều là: học hỏi pháp thâm sâu, sạch sẽ trong vật-dụng, quân-bình năm quyền, không thân-cận người vô trí, thân-cận bậc trí, quán-xét đúng đắn pháp thâm sâu, chú tâm suy-nghiệp về trạch-pháp ấy.

- Có bảy điều làm sanh-khởi và tăng-trưởng tịnh giác-chi: thọ-dụng vật-thực tốt., thời-tiết thích-hợp, điều hòa bốn oai-nghi, giữ tâm quân-bình, thân-cận với những người có tâm dung hòa, không thân-cận với người kiêu-mạn, có khuynh-hướng về sự tĩnh-lặng.

- Giác phần có bảy: tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ quyền, ngũ lực, thất giác chi, và bát chánh đạo.

- Năng lực thần thông có bảy loại đối tượng là: đối tượng hữu hạn, đối tượng đại hành, đối tượng quá khứ, đối tượng hiện tại, đối tượng vị lai, đối tượng bên trong, và đối tượng bên ngoài.

- Có bảy thân không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, và đứng thẳng như trụ đá. Bảy thân đó là: địa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc, và mạng.

- Bảy pháp ngủ ngầm là: ái dục tùy miên, ái hữu tùy miên, phẫn uất tùy miên, ngã mạn tùy miên, tà kiến tùy miên, hoài nghi tùy miên, và vô minh tùy miên.

- Bảy kiết sử là: tùy tham kiết sử, sân kiết sử, kiến kiết sử, nghi kiết sử, mạn kiết sử, hữu tham kiết sử, vô minh kiết sử.

- Bảy cõi tứ thiền là: cõi quảng quả, cõi vô tưởng, và năm cõi tịnh cư (vô phiền thiên, vô nhiệt thiên, thiện hiện thiên, thiện kiến thiên, và cõi sắc cứu cánh)

- Bảy pháp kỳ diệu là Papapatikutha citta: có tâm xa lánh điều ác xấu; Pasarana citta: có tâm rộng mở; Adhimutta kalakiriya: tâm nguyện đúng thời; Visesajanattam: đặc biệt khác phần đông; Tikalannu: biết rõ thời kỳ; Pajutikala: thời kỳ sanh ra; Manussa jatiyo: tái sanh trong cõi người.

- Bảy lợi ích của thiền Tứ Niệm Xứ là: tâm được thanh lọc, chấm dứt lo âu, phiền muộn, uất ức than khóc, diệt khổ thân và khổ tâm, đạt Thánh đạo, và chứng ngộ Niết Bàn.

- Cuộc kết tập Tam tạng lần thứ nhất trong suốt thời gian bảy tháng mới hoàn thành đầy đủ Tam tạng và bộ chú giải.

Về các đệ tử, đại thí chủ và cư sĩ vào thời Đức Phật:

- Rahula xuất gia sa di lúc lên bảy tuổi.

- Ngài Ratthapala đã tuyệt thực bảy ngày để xin cha mẹ cho xuất gia.

- Ngài Sivali nằm trong bụng mẹ đến bảy năm, bảy ngày mới chào đời. Mẹ của ngài thỉnh chư Tăng làm phước suốt bảy ngày. Đến ngày thứ bảy ngài hầu chuyện với đại đức Sariputta và xin xuất gia.

- Ngài Tissa do ác nghiệp đã tạo trong kiếp làm trụ trì một ngôi chùa đã bị tái sanh vào một làng chài và làng chài này đã vị hỏa hoạn bảy lần, bị vua phạt vạ bảy lần. Khi lên bảy tuổi ngài xuất gia sa di với ngài Sariputta.

- Tôn giả Mahakassapa bị bệnh tu định luôn 7 ngày để trị bệnh.

- Sa di Sopaka là vị sa di mới lên bảy tuổi đã được Đức Phật cho phép trở thành Tỳ khưu.

- Đại Đức Sa di Nirodha mới lên bảy tuổi đã tạo được đức tin đặc biệt nơi đức vua Asoka. Do đức tin này hàng ngày đức vua dâng cúng vật thực đến 600.000 tỳ khưu Tăng.

- Lạm dụng lòng tịnh tín của đức vua Asoka, nhiều tỳ khưu giả đã chung sống lẫn lộn với tỳ khưu thật trong chùa Asokarama đến bảy năm mới bị đức vua thanh lọc.

- Vua Asoka bị sanh làm ác thú trong bảy ngày. - Đại thí chủ Visakha đắc quả dự lưu lúc vừa bảy tuổi.

- Trước khi vấn đạo ngài Na Tiên, vua Milanda đã giữ gìn cẩn trọng tám giới trong bảy ngày và giới đầu tiên là không hành vương sự trong bảy ngày. - Vua Ðại Thiện Kiến, có đủ bảy món báu : xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu, tướng quân báu.

- Đức Phật thấy vua Suppabuddha sẽ bị đất rút trong bảy ngày.

- Bậc Thánh Nhập Lưu chỉ tái sanh cõi người hoặc cõi trời dục giới nhiều nhất là bảy kiếp.

- Một triệu phú gia ở Sàvatthi trong tiền kiếp có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Ðộc Giác Phật tên là Tagarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy được sanh bảy lần lên thiện thú, Thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở Sàvatthi

- Người cư sĩ chứng quả A La Hán nếu không xuất gia phải nhập niết bàn trong vòng bảy ngày.

- Bảy pháp làm cho chúng Tỷ-kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm là: thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết; không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành; tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỷ-kheo Thượng tọa và nghe theo lời dạy của những vị này; không bắt cóc, cưỡng ép các phụ nữ phải sống với mình; không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác; và tự thân an trú trong chánh niệm.

- Bảy pháp không đưa Tỷ-kheo đến đọa lạc là Tôn kính bậc Ðạo Sư, tôn kính Pháp, tôn kính Tăng, tôn kính học pháp, tôn kính định, tôn kính thiện ngôn, và tôn kính thiện bằng hữu.

- Khi vị Thánh xả thiền Diệt thọ tưởng định, năng lực của thiền này sẽ cho quả trong vòng bảy ngày.

- Vị Thánh bất lai sẽ không nhập thiền Diệt nếu thấy mình không thể sống tối thiểu được bảy ngày.

- Khi dứt sát na thứ hai thiền Phi phi tưởng phi phi tưởng xứ, danh uẩn của vị Thánh nhập thiền Diệt diệt mất trong vòng bảy ngày.

Những con số bảy khác: 

- Bảy hạng người đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời là người có câu phần giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín giải thoát, tùy pháp hành, tùy tín hành.

- Có bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt hiện hữu ở đời đó là: hạng người lặn một lần rồi chìm luôn, hạng người sau khi nổi lên, lại chìm xuống, hạng người sau khi nổi lên, được đứng lại, hạng người sau khi nổi lên, lại nhìn và thấy, hạng người sau khi nổi lên lại bơi tới, hạng người sau khi nổi lên, đạt được chỗ có chân đứng, hạng người sau khi nổi lên, sau khi bơi qua đến được bờ bên kia, lên đứng trên đất liền.

- Có bảy hạng vợ là: vợ như người sát nhân, vợ như người ăn trộm, vợ như người chủ nhân, vợ như người mẹ, vợ như người chị, vợ như người bạn, vợ như người nữ tỳ.

- Người có đức tin có bảy đặc tính là: có tâm xả ly bố thí tài vật, mong mỏi được gặp thánh nhân, mong mỏi được nghe Phật pháp, thường có tâm hoan hỷ với việc thiện, ít khoe khoang về mình, có sự chân thật không giả dối, và tịnh tín nơi đáng tịnh tín.

- Bảy chi pháp của bạn hữu: cho những gì khó cho, làm những gì khó làm, nhẫn những gì khó nhẫn, nói lên những gì bí mật của mình, che giấu bí mật của người khác, không từ bỏ khi gặp bất hạnh, không có khinh rẻ khi tài sản khánh tận.

-Có bảy sự thù diệu vị Tỷ-kheo tha thiết hành trì học pháp và trong tương lai khát vọng hành trì học pháp; tha thiết quán Pháp và trong tương lai khát vọng quán Pháp; tha thiết nhiếp phục lòng dục, và trong tương lai khát vọng nhiếp phục lòng dục; tha thiết Thiền tịnh, và trong tương lai khát vọng Thiền tịnh; tha thiết tinh cần tinh tấn và trong tương lai khát vọng tinh cần tinh tấn; tha thiết niệm tuệ và trong tương lai khát vọng niệm tuệ; tha thiết thể nhập tri kiến và trong tương lai khát vọng thể nhập tri kiến.

- Bảy pháp thành tựu là Tỷ-kheo có lòng tin, có giữ giới, có nghe nhiều, sống Thiền tịnh, tinh cần tinh tấn, có chánh niệm, và có trí tuệ.

- Bảy pháp đưa một nam cư sĩ đến thối đọa là quên, không đến thăm Tỷ-kheo; phóng túng nghe diệu pháp; không tu tập tăng trưởng giới; ít tin tưởng các Tỷ-kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập; nghe pháp với tâm cật nạn, tìm tòi các khuyết điểm; tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng; tại đấy phục vụ trước.

- Chúng sanh sinh ra từ bụng mẹ, giai đoạn đầu tiên là kalala, được mô tả là chất nhờn giống như giọt dầu mè dính trên lông con thú, rảy đi bảy lần chỉ còn một chút dính lại ở đầu lông.

- Bảy ngày kế tiếp, chất kalala phát triển thành abbuda, giống như nước máu dợt dợt. - Bảy ngày kế tiếp, chất abudda phát triển thành pesi, giống như thịt rất mềm mại.

- Bảy sức mạnh là: Tín lực, tấn lực, tàm lực, quý lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. - Bảy thánh sản là: Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài.

- Bảy tư lương của định là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm.

- Bảy thứ lửa là: Lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa những vị đáng cung kính, lửa gia chủ, lửa các vị đáng cúng dường, lửa củi.

- Bảy thứ tưởng là: Tưởng bất tịnh, tưởng chết, tưởng nhàm chán đối với các món ăn, tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường, tưởng khổ trong vô thường, tưởng vô ngã trong khổ.

- Gia đình nào thành tựu bảy chi phần: Không vui vẻ đứng dậy, không vui vẻ chào đón, không vui vẻ mời ngồi; có chỗ ngồi đem giấu đi; từ nhiều họ cho ít, từ đồ thù thắng, họ cho đồ thô xấu; họ cho không có kính trọng, không có kính lễ, nếu vị Tỳ kheo chưa đến, thời không xứng đáng để đến; nếu đã đến, thời không xứng đáng để ngồi xuống.

- Có 7 loại cúng dường cho Tăng chúng: 1. Bố thí cho cả hai Tăng chúng (Tỳ khưu và Tỳ khưu ni) với Đức Phật là vị lãnh đạo. 2. Bố thí cho cả hai Tăng chúng, sau khi Đức Phật viên tịch (parinibbāna). 3. Bố thí cho chúng Tỳ khưu Tăng. 4. Bố thí cho chúng Tỳ khưu Ni. 5. Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu và Tỳ Khưu Ni như vầy". 6. Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu như vầy. 7. Bố thí và nói rằng: "Mong Tăng chúng chỉ định cho tôi một số Tỳ khưu Ni như vầy.

- Những con số bảy sau cùng là lời Phật dạy về quả dị thục của những công đức: Trong bảy năm Ta tu tập từ tâm, sau khi tu tập từ tâm bảy năm, trong bảy thành kiếp hoại kiếp, Ta không trở lui lại thế giới này. Khi thế giới ở trong thành kiếp, này các Tỷ-kheo, Ta đi đến thế giới Quang âm thiên. Khi thế giới ở trong kiếp đấy, này các Tỷ-kheo, Ta là Phạm thiên, là Ðại phạm thiên, vị Chiến thắng, vị Vô năng thắng, vị Biến tri, vị Tự tại. Ba mươi sáu lần, này các Tỷ-kheo, Ta là Thiên chủ Sakka. Nhiều lần bảy lần, Ta là vị Chuyển luân vương theo Chánh pháp, là vị Pháp vương, bậc Chiến thắng bốn phương, đạt được sự thanh bình cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu. Này các Tỷ-kheo, Ta có bảy loại châu báu này, như là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và cư sĩ báu là thứ bảy. Ta có hơn một ngàn người con trai, này các Tỷ-kheo, là những bậc anh hùng, dõng mãnh, đánh tan địch quân. Và khi Ta chiến thắng quả đất này, xa cho đến bờ biển, Ta trị vì quả đất này không dùng trượng, không dùng đao, đúng với Chánh pháp. Đây chỉ là một phần rất nhỏ về những con số bảy rải rác trong kinh Phật mà người viết ghi nhận được. Kính xin quý đọc giả bổ túc thêm.

Nguồn: buddhanet.net Như Quang 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét