Trang

ĐẠO PHẬT: ĐẠO TẬN DIỆT KHỔ ĐAU BẰNG GIÁC NGỘ CÁC SỰ THẬT VÀ SỐNG VỚI SỰ THẬT - GS001

ĐẠO PHẬT: ĐẠO TẬN DIỆT KHỔ ĐAU
BẰNG GIÁC NGỘ CÁC SỰ THẬT VÀ SỐNG VỚI SỰ THẬT

Có 3 sức mạnh để giải quyết đau khổ: Sức mạnh của THAM ÁI, sức mạnh của ĐỨC TIN, và sức mạnh của TRÍ TUỆ. Sức mạnh TRÍ TUỆ tức khả năng thấy được và sống được với các SỰ THẬT. Đa số với những khổ đau trong cuộc đời, con người dùng sức mạnh Tham Ái, tức tìm cách thỏa mãn những đòi hỏi của cuộc sống. Chúng ta sống và làm việc là cốt để thỏa mãn những đòi hỏi đó.Tuy nhiên vẫn có nhiều trường hợp khổ đau mà khả năng con người không thể hoặc khó giải quyết được, ví dụ những chứng bệnh nan y, những tai họa bất ngờ, những chết chóc, v.v. Trong những trường hợp như thế con người thường nương tựa vào sức mạnh của Đức Tin để cảm thấy bình an. Đó là lý do có sự hiện hữu của các tôn giáo, có sự cầu nguyện các đấng Thần Linh.

Ngoài 2 sức mạnh kể trên, Đạo Phật còn đưa vào một sức mạnh thứ ba, có thể giải quyết tận gốc rễ mọi khổ đau. Đó là sức mạnh của Trí Tuệ, khả năng Giác Ngộ các Sự Thật, để không còn mê vọng viễn vông, không còn bao giờ bị thất vọng nữa, NIẾT BÀN của đạo Phật là một loại hạnh phúc bền vững như những sự thật muôn năm của cuộc đời. 2 câu chuyện sau đây là một ví dụ điển hình để ta thấy sự khác biệt trong cách giải quyết khổ đau bằng Đức Tin và bằng sức mạnh của sự Giác Ngộ.
Thời Chúa Jesus, một hôm có một thầy đội đến cầu xin quyền năng của Chúa, để chửa bệnh cho một gia nhân của mình. Chúa bảo: hãy đem người bệnh nhân đến đây! Ông thầy đội với đức tin mãnh liệt đã bảo rằng, Dạ khỏi cần! với quyền năng của Chúa, chỉ xin Chúa phán cho một lời thì gia nhân của con cũng sẽ hết bệnh. Chúa liền phán một lời và quả nhiên khi về đến nhà, người tín đồ thấy thân nhân mình đã hết bệnh. (Matthew 8:5-13)
Thời Đức Phật (trích từ Trưởng Lão Ni Kệ), một hôm bà Kisagotami có đứa con thân yêu đầu đời bỗng bị bạo bệnh rồi chết đột ngột. Vì quá thương con bà không thể chấp nhận nó chết. Bà thiết tha mong nó sống lại, nên không ai có thể thuyết phục được bà rằng đứa con đã chết hẳn rồi (sức mạnh của tham ái thường chống đối sự thật, cũng như một người bị đòi nợ, thường hay cự nự chủ nợ vậy). Bồng con trên tay, bà chạy khắp nơi cầu người cứu mạng cho con của bà.
Khi đến cầu Phật, Phật bảo bà ta: được! Con hãy đến nhà người nào chưa có ai chết, xin cho ta một nhúm hạt cải, đem về đây ta sẽ cứu cho. Thế là bà chạy từ sáng cho đến chiều, vào từng nhà để hỏi “ở đây có ai chết chưa?” Nhưng tất cả mọi nhà đều cho bà biết rằng nhà họ cũng đã có người chết, không cách này thì cách khác.
Chạy suốt cả ngày, bở cả hơi tai, thì bà tĩnh ngộ: Chết là một sự thật không ai tránh khỏi trên cuộc đời này. Do sự giác ngộ đó bà đã hết khổ, và từ nay sẽ hết khổ mãi mãi trong mọi cái chết, dầu có Phật hay không có Phật, dầu có Chúa hay không có Chúa. Đó là sức mạnh của sự Giác Ngộ sự Thật VÔ THƯỜNG: “có sinh thì phải có diệt”.
Với Trí tuệ toàn hảo của một đấng Toàn Giác, dĩ nhiên Đức Phật có đủ thần thông vượt không gian, vượt thời gian, để giúp chúng sanh đạt ham muốn. Nhưng đó không phải là những năng lực để chấm dứt hoàn toàn được sự khổ cho chúng sanh vĩnh viễn. Chỉ có cách dạy cho chúng sanh đạt được Trí Giác Ngộ những Sự thật, mới có thể giúp chúng sanh hoàn toàn chấm dứt được những mê lầm của tham ái, ham muốn những điều sai sự thật, đưa đến khổ đau.
Giáo lý của đạo Phật không gì hơn là trình bày lại những Sự Thật mà Đức Phật đã Giác Ngộ và những kinh nghiệm tu học của ngài để giác ngộ được những sự thật đó. Từ những Sự Thật rất bình thường của thế gian, như VÔ THƯỜNG, KHỔ, mà Tham Ái con người không bao giờ muốn chấp nhận, cho đến những Sự Thật thâm sâu như LÝ NHÂN DUYÊN và VÔ NGÃ thì phải cần có phương pháp phát triển Trí Tuệ không để cho tham ái của Ngã chấp xen vào, mới có thể khám phá (giác ngộ) được.
Sự thật đầu tiên và căn bản nhất mà người học Phật cần Giác Ngộ là LUẬT NHÂN QUẢ. quyết định rằng mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó, không có điều gì xảy ra “vô lý” cả, nó phải “hợp lý nhất” mới xảy ra được. Chỉ vì ta tham ái trái sự thật nên mới bất bình đó thôi.
Thấm nhuần điều này ta sẽ luôn luôn được bình tĩnh để đối phó với mọi khổ đau trong đời. Ví dụ khi bị bệnh nặng hay xe bị hư, bạn buồn rầu hay bực bội chỉ là vô ích, bạn cũng không thể ngồi cầu nguyện sức mạnh “vạn năng” của Thượng Đế (nếu có) để hết bệnh hoặc để xe chạy trở lại. Bạn phải tức tốc đến Bác Sĩ hoặc kiếm thợ sửa xe để tìm ra nguyên nhân của vấn đề mới có thể chửa trị được.
Đó là LUẬT NHÂN QUẢ, đó là sức mạnh vạn năng mà không một đấng thần linh nào có thể vượt qua được: Đó là Sức mạnh của Sự Thật. Sống với sức mạnh này bạn sẽ bình tĩnh sáng suốt giải quyết những khó khăn một cách nhanh chóng. Đồng ý có trường hợp bệnh được lành do hiệu năng của sự cầu nguyện. Nhưng phương pháp chửa trị này không một ngành Y khoa nào có thể chấp nhận, vì kết quả của nó chưa chắc được 1%.
Luật Nhân Quả cũng là nền tảng cho mọi khoa học, mọi hệ thống Công Lý, trong những xã hội văn minh. Làm đúng thì được thưởng, làm sai thì bị phạt. Đức tin Tôn Giáo không thể xen vào sự công bằng này. Khi có trí tuệ Nhân Quả, con người khó tạo ra những hành động lầm lẫn, gây khổ đau cho người, gây khổ đau cho mình.
Đạo Đức, Luân Lý, Tình Thương, là những kết quả tự nhiên của Trí Tuệ Nhân Quả. Tạo hạnh phúc cho người tức sửa soạn hạnh phúc cho mình. Muốn thương yêu mình thì phải thương yêu người. Trí Tuệ Nhân Quả xác định chính xác rằng: Mình là nguyên nhân tạo khổ đau hay hạnh phúc cho chính mình, chứ không phải do một vị thần linh nào khác ban phúc giáng họa.
Tuy nhiên Luật Nhân Quả của Đạo Phật không phải chỉ hạn hẹp trong lãnh vực Đạo Đức Luân Lý. Khi được mở rộng toàn vẹn, thì gọi là LÝ NHÂN DUYÊN hoặc LÝ DUYÊN KHỞI, được tóm tắt trong hai câu kệ:
Các Pháp do duyên sinh
Duyên diệt các pháp diệt

Đây mới là Sự Thật Tuyệt Đối, giải thích mọi hiện tượng trong Vũ Trụ và đưa đến Trí Tuệ Giải Thoát Rốt Ráo, một sự Giải Thoát Siêu Thế Gian mà Đạo Đức Luân Lý, với bản chất còn ràng buộc của nó, không thể đạt đến. Khi Trí Tuệ chứng thực được Lý Nhân Duyên, sẽ thấy các “pháp” (vật chất cũng như tinh thần) hòa quyện tương sinh lẫn nhau trong một không gian kín (theo định nghĩa của Thermodynamics vũ trụ là một không gian kín, vì bên ngoài không còn gì nữa).Những mâu thuẫn như bùn hôi/sen thơm, tốt/xấu, đúng/sai, hạnh phúc/đau khổ, SINH/DIỆT, SẮC/KHÔNG, HỮU VI/VÔ VI đều phải cùng nhau hiện diện để bảo tồn cho nhau. Thấy đươc sự thật này rồi ta sẽ hết đau khổ của sự dính mắc (attachment) tạo ra tham ái. Vì mọi Pháp vừa có SẮC vừa có KHÔNG cho nên không có gì phải đau khổ, ngạc nhiên, khi thấy một người ngày hôm trước CÓ ngày hôm nay KHÔNG. Thấy được các pháp vừa “CÓ” vừa “KHÔNG” như thế gọi là có trí tuệ BÁT NHÃ.
Trong tâm phân biệt của thế gian, cho mỗi sự vật, con người chỉ chấp nhận một sự thật, hoặc nó CÓ hoặc nó KHÔNG, hoặc nó tốt hoặc nó xấu, hoặc đúng hoặc sai. Từ đó có sự chọn lựa, có tham ái, có bất bình, có thương yêu có thù hận, và có đau khổ. Trái lại, Trí Tuệ Bát Nhã có khả năng thấy hai sự thật đối nghịch hiện diện cùng một lúc. Ví dụ: vừa thấy nước biển có màu (xanh), vừa không có màu (trong). Và thấy tất cả mọi pháp đều như vậy cả. Tùy duyên mà hiện tướng, tự nó không nhất thiết có giá trị gì, ngay cả sự hiện diện (SẮC) hoặc không hiện diện (KHÔNG).
Cho nên khi nói “Các Pháp Không có Tự Tánh”, hoặc là “KHÔNG TÁNH” tức có nghĩa không dính vào một tánh nào cả. Chính vì KHÔNG tánh nên mới có thể có nhiều tánh. Cũng như, vì nước biển trong, nên nó mới có thể thành xanh, thành hồng, thành đen, v.v., tùy duyên với mây trời và ánh sáng. Tuy nhiên KHÔNG TÁNH phải được thực nghiệm như một SỰ THẬT. chứ không phải chỉ hiểu qua lý luận của tư tưởng như nhiều học giả, nhiều thiền luận gia thường dông dài. Cái gì còn nằm trong lãnh vực của tư tưởng thì vẫn còn có thể đổi thay, chưa thể là một SỰ THẬT để có đủ sức mạnh chấm dứt khổ đau.
Muốn chứng nghiệm KHÔNG tánh của vạn pháp, ta phải khám phá cái KHÔNG trên chính TA trước. Muốn được như vậy ta phải thực hành THIỀN MINH SÁT, cũng gọi là thiền TỨ NIỆM XỨ, tức khảo sát tìm hiểu chính mình để thấy THỰC TƯỚNG của nó như thế nào? có thiệt là KHÔNG hay không? Sự khảo sát này thường được chi tiết hóa qua 4 đề mục theo thứ tự: THÂN (biến đổi chậm), THỌ, TÂM (biến đổi nhanh), và PHÁP. Ở trình độ niệm Pháp, hành giả có thể khảo sát 5 phần kết hợp thành cái gọi là TA: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Khảo sát như thế gọi là “CHIẾU KIẾN NGỦ UẨN”.
Cũng như, nhờ sự nhìn thẳng vào nước biển (xanh) mới khám phá ra được nước biển không màu, sự khảo sát chính ta như vậy sẽ khám phá ra một sự thật mà ta không ngờ tới. Đó là sự thật VÔ NGÃ = TA KHÔNG CÓ. Đó là sự giải thoát ra khỏi tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Đó là thoát ra khỏi bánh xe luân hồi (12 nhân duyên) vì không còn “HỮU”. Đó là chứng quả VÔ SANH (lúc đó vẫn thấy có TA nhưng một cái TA “không hiện hữu”, và chưa bao giờ sinh ra). Và vì VÔ SANH nên cũng BẤT DIỆT. Vì không còn có gì để chết. Nhờ sự khám phá VÔ NGÃ này mọi khổ đau được chấm dứt, Sinh Tử Luân Hồi được chấm dứt:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.
(kinh Pháp Cú)

Khám phá VÔ NGÃ thật trái ngược với những gì ta thấy hằng ngày. Vì hằng ngày ai ai cũng thấy luôn luôn có một cái TA đi, đứng, nằm, ngồi, hết làm chuyện này đến chuyện khác, hết muốn thứ này đến muốn thứ khác. Khám phá VÔ NGÃ còn “động trời” hơn cả khám phá của ông Galileo ngày nào, đã làm rung chuyển và lung lay đức tin của Vatican: “Quả Đất đi quanh Mặt Trời” chứ không phải Mặt Trời đi quanh Quả Đất như thiên hạ vẫn thấy. Khám phá của ông Galileo đã làm cho lý thuyết tạo dựng vũ trụ (creationism) của ông CHÚA TRỜI, sinh ra ngày đêm trước, mặt trời sau, trở thành vô giá trị (xem Genesis 1:5-19).
Chính vì sự khám phá VÔ NGÃ quá trái ngược, hoàn toàn trái ngược, với hiện tượng NGÃ mà mọi chúng sanh vẫn thấy hằng ngày, cho nên Đức Phật đã ngần ngại và do dự thuyết pháp sau khi thành đạo. Vì nếu nói ra mà chưa hợp với căn cơ chúng sanh thì ÁC PHÁP của họ có thể phát sinh, và như vậy là tạo thêm tội cho họ. Chúng sanh khi làm bất cứ gì, kể cả sự tu hành, cũng đều do tham ái thúc đẩy, cốt để cho cái Ta của mình được hay hơn, tốt đẹp hơn; Thế mà bây giờ Phật lại tuyên bố VÔ NGÃ thì ai mà chịu nổi? Sự ngần ngại của Đức Phật lúc đó chẳng phải chân lý không thể nói được, hoặc mở miệng ra là bị kẹt hai bên, như Thiền tông Trung hoa xưa nay thường tuyên bố, mà chỉ vì sự thật VÔ NGÃ thật quá “động trời” đó thôi.
Tuy nhiên, cũng như một người sau khi đã nhìn thẳng vào trong nước biển đã thấy nước TRONG (không màu), vẫn thấy biến rất xanh không khác chi lúc trước. Một bậc đã chứng ngộ VÔ NGÃ cũng vậy, ngài vẫn thấy có một cái NGÃ đi đứng làm việc như bình thường. Tuy nhiên cái NGÃ đó không còn mê hoặc được ngài nữa, cũng như màu XANH kia của nước biển cũng không còn mê hoặc được người đã biết nước biển trong. Hoặc cũng như sau khi đã biết quả đất đi quanh quanh mặt trời, ta vẫn thấy mặt trời đi quanh quẩ đất (sáng mọc phương đông, chiều lặn phương tây). Nhưng tất cả chỉ là thế giới của hiện tượng, chúng không còn khả năng mê hoặc được Trí tuệ đã Giác Ngộ.
NHỮNG SỰ THẬT CHƯ PHẬT ĐÃ GIÁC NGỘ LUÔN LUÔN ĐÚNG, CHO NÊN HIỆU NĂNG CHẤM DỨT KHỔ BẰNG CÁC SỰ THẬT LUÔN LUÔN BỀN VỮNG, BỀN VỮNG HƠN SỨC MẠNH CỦA CÁC THẦN THÔNG, BỀN VỮNG HƠN HẠNH PHÚC Ở CÁC CỎI TRỜI. ĐÓ LÀ HẠNH PHÚC THƯỜNG HẰNG CỦA CẢNH GIỚI NIẾT BÀN KHI MỌI KHỔ ĐAU DO VÔ MINH (CHƯA THẤY ĐƯỢC SỰ THẬT) ĐÃ ĐƯỢC DIỆT TẬN.
Con đường của Chư Phật thật rõ ràng như thế. Thương thay con người vì đắm mê trong Tham Ái và những ly kỳ của tôn giáo nên có lẻ sống hết đời vẫn không tin Đạo Giải Thoát chỉ giản dị có thế.
Ôi! Thân Người khó được, Chánh Pháp khó gặp! Ngày mai chết đi, tâm thức hòa quyện lại với vô lượng sinh linh trùng điệp trong vũ trụ, biết đến bao giờ mới được làm người trở lại. Trong đọa xứ, sóng Phiền Não sẽ xóa nhòa tất cả, rồi trở về lại “Vô Minh từ Vô Thủy” (không phải là bản lai diện mục). Biết đến bao giờ mới gặp lại được Chánh Pháp?! Phước cho ai kiếp này thông suốt được con đường của Phật, để từ nay trở đi sẽ ở mãi trong Chánh Đạo, để sẽ không còn trở về đọa xứ.
Theo GS001

1 nhận xét:

  1. Bài này rất hay! Lâu rồi mới đọc được bài hay như vậy

    Trả lờiXóa