Trang

Quán sát nội tâm - Upasika Kee Nanayon

Tóm tắt Pháp hành

Phương pháp thực hành này rất dễ học, có ngay kết quả, và thích hợp ở mọi lúc, mọi nơi, và cho mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Đó là sự thực hành ngay nơi thân này –cái thân cao dài hơn một sải– do tâm làm chủ.
Thân này sở hữu rất nhiều thứ, từ thô đến tế, rất đáng cho chúng ta tìm hiểu.
Những ai muốn thực hành Pháp này cần tự tu tập để biết các tiến trình sau đây:
Thứ nhất, phải biết rằng thân được cấu tạo bởi nhiều thành phần, các phần chính là đất, nước, gió, và lửa; các phần phụ là các dáng vẻ bên ngoài dính chặt vào các phần chính như: màu sắc, hình dáng, mùi vị.

Tất cả các thành phần này không bền vững, ô uế và gây phiền não. Nếu quán sát chúng một cách sâu xa hơn, ta sẽ thấy rằng thực chất của chúng không hiện hữu. Chúng chỉ là những duyên hợp, và không có gì đáng để được xem là “tôi” hay “của tôi”. Khi ta nhận thức rõ ràng thân này chẳng có “cái tôi” hay “của tôi”, thì khi ấy ta mới có thể buông bỏ những sự bám víu hoặc tham đắm vào thân như một thực thể, như cái ngã của ta, của người, hay cái này, cái kia.

Thứ hai, xem xét các danh pháp (thọ, tưởng, hành và thức). Chú tâm theo dõi một sự thật là các pháp này đều có đặc tính sinh, trụ, diệt. Nói cách khác, bản chất của chúng là sinh, diệt, sinh diệt không dừng. Khi đã nhận thức được sự thật này, ta có thể buông bỏ sự bám víu vào các danh pháp như những thực thể –như là cái ngã của ta, của người, hay thứ này,thứ kia.

Thứ ba, sự tu tập ở mức độ thực hành không chỉ là học, nghe hay đọc. Chúng ta còn phải thực hành để nhận thấy rõ ràng với chính tâm thức của mình trong các bước sau đây:

Bắt đầu bằng cách bỏ qua một bên tất cả những mối quan tâm ở bên ngoài, và quay vào quán sát nội tâm cho đến khi ta biết tâm trong sáng hay ô nhiễm, yên tĩnh hay tán loạn như thế nào. Muốn được như thế, hãy để chánh niệm, tỉnh giác làm chủ trong khi chúng ta quán niệm về thân và tâm cho đến khi tâm trụ vững chắc trong trạng thái an tịnh hoặc trung tính.

Một khi tâm có thể trụ trong trạng thái bình lặng, ta sẽ thấy các hoạt động của tâm trong trạng thái tự nhiên của chúng là sinh và diệt. Tâm sẽ trở nên trống rỗng, xả và tĩnh lặng –không ưa không ghét– và tâm sẽ nhận biết các hiện tượng tâm sinh lý khi chúng sinh diệt một cách tự nhiên, theo nhịp độ riêng của chúng.

Khi sự hiểu biết rằng, tất cả mọi thứ đều không có bản ngã riêng biệt trở nên thật rõ ràng, ta sẽ nắm bắt được một điều sâu xa hơn, vượt lên trên tất cả khổ đau, phiền não, thoát khỏi các vòng luân hồi –bất tử- thoát khỏi sinh tử, bởi vì tất cả những gì được sinh ra thì tự nhiên phải già, bịnh và chết.

Khi nhận thấy rõ sự thật này, tâm ta sẽ trở nên rỗng không, không còn bám víu vào bất cứ gì. Nó cũng không cho rằng bản thân nó là tâm thức hoặc thứ gì khác. Nói cách khác, tâm sẽ không bám víu vào việc tự cho mình là cái gì cả. Còn lại tất cả chỉ là trạng thái thuần khiết của Pháp.

Những ai nhận thấy rõ ràng trạng thái thuần khiết của Pháp chắc chắn sẽ trở nên nhàm chán đối với những khổ đau không dừng dứt trong cuộc đời. Khi họ biết một cách thấu đáo về chân lý cuộc đời và Pháp, họ sẽ thấy rõ ràng, ngay trong hiện tại, rằng có một cái gì đó vượt trội lên tất cả mọi khổ đau. Họ sẽ biết điều này mà không cần hỏi hay tin theo ai, vì Pháp là paccattam –điều mà bản thân mỗi người tự biết. Những người đã tự mình chứng nghiệm được chân lý này đều luôn chứng nhận điều đó.

Một giờ hành thiền


Đối với những ai chưa từng ngồi thiền, thì đây là phương cách: Xếp bằng hai chân, chân này đặt lên chân kia, nhưng đừng chặn các dây thần kinh hay mạch máu, nếu không năng lượng chuyển động trong đôi chân sẽ bị ứ đọng, khiến ta đau. Ngồi thẳng và hai tay xếp chồng lên nhau, để trên đùi. Giữ đầu cao và lưng phải thật thẳng –như là có một cây thước dựng đứng ngay sau sống lưng. Chúng ta phải cố giữ thân thật thẳng. Đừng phí thì giờ để lưng khòm xuống rồi sửa thẳng trở lại, vì làm như thế tâm sẽ không thể nào lắng đọng và trở nên yên tịnh được.

Giữ thân thật thẳng và chánh niệm vững chắc –vững chắc với từng hơi thở. Dầu hơi thở chúng ta có thô hay tế, cứ thở tự nhiên. Không cần phải cố gắng hít thở hoặc làm cho thân thể bị căng thẳng. Chỉ cần hít vào và thở ra một cách thoải mái. Chỉ có như vậy, tâm mới bắt đầu lắng đọng. Khi hơi thở trở nên vi tế một cách tự nhiên, tâm bắt đầu lắng đọng, thì hãy trụ nơi tâm. Nếu nó đi lang thang, hoặc vọng tưởng phát khởi, thì hãy giữ chánh niệm nơi tâm. Niệm tâm trên tâm trong từng hơi thở vào-ra trong suốt giờ hành thiền.

Khi sử dụng hơi thở như sợi dây cột tâm vào một chỗ, để nó không đi lang thang nữa, thì chúng ta cần nhiều nhẫn nại. Nghĩa là, chúng ta phải chịu đựng đau đớn. Thí dụ, khi ngồi lâu tất nhiên ta sẽ thấy đau, vì trước đây ta chưa từng ngồi lâu như vậy. Vì thế trước tiên phải giữ tâm bình lặng, an nhiên. Khi cái đau phát khởi, đừng quan tâm tới nó. Hãy cố gắng buông bỏ nó càng nhiều càng tốt. Buông bỏ cái đau và trụ vào tâm. Đối với những ai chưa từng hành thiền, muốn làm được điều này cần nhiều thời gian. Bất cứ khi nào cái đau hay điều gì đó phát khởi, nếu tâm bị tham ái hay uế nhiễm chế ngự, thì nó sẽ phản kháng vì nó không thích bị đau. Nó chỉ muốn hưởng dục lạc mà thôi.

Đó là lúc chúng ta phải thật kiên nhẫn, chịu đựng sự đau đớn vì đau là điều bắt buộc phải xảy ra. Nếu cảm giác dễ chịu, xin đừng mê đắm nó. Nếu cảm giác đau đớn, xin đừng xua đuổi nó. Hãy bắt đầu bằng cách giữ cho tâm được an nhiên. Đó là điều cơ bản. Rồi thì bất cứ khi nào cảm giác lạc hay khổ phát sinh, xin đừng thích thú hay bực dọc. Hãy giữ cho tâm luôn an nhiên và tìm cách buông xả. Nếu cảm thấy rất đau, trước tiên bạn phải cố gắng chịu đựng, rồi buông bỏ tâm chấp thủ. Đừng nghĩ cái đau đó là của bạn. Hãy xem đó là cái đau của thân, cái đau tự nhiên.

Nếu tâm bám chặt vào bất cứ điều gì, chắn chắn nó sẽ khổ. Nó sẽ phản kháng. Vì thế ở đây, chúng ta cần chịu đựng một cách kiên nhẫn và rồi buông xả. Chúng ta cần phải thực tập để có thể thực sự đối phó với cái đau. Nếu ta có thể buông bỏ cái đau của thân, thì ta cũng sẽ có thể buông bỏ được các loại khổ đau khác. Hãy quan sát cái đau, nhận biết nó, rồi buông bỏ nó. Một khi ta đã có thể buông bỏ nó, ta không cần phải chịu đựng nhiều. Dĩ nhiên, lúc đầu chúng ta cần nhiều chịu đựng. Khi cái đau xuất hiện, hãy tách tâm khỏi cái đau. Hãy xem đó là cái đau của thân. Đừng để tâm cũng bị đau đớn theo.

Đây là lúc mà ta cần đến tâm xả. Nếu chúng ta có thể giữ được sự bình thản khi vui cũng như lúc khổ, thì nó sẽ giúp cho tâm bình lặng –dầu cái đau vẫn còn đó. Tâm luôn nhận biết, chịu đựng cơn đau để rồi buông bỏ nó.

Sau khi tu tập như vậy một thời gian, ta sẽ nhận thức được rằng các trạng thái của tâm quan trọng đến dường nào. Việc luyện tâm có thể rất khó, nhưng hãy cố gắng. Nếu có thời gian, chúng ta có thể hành thiền ở nhà, vào buổi tối hay sáng sớm. Hãy luôn quán sát tâm, ta sẽ đạt được tri kiến từ chánh niệm tỉnh giác. Những ai không tu tập như thế sẽ trải qua –sinh, lão, bệnh, tử- mà không hiểu biết chút gì về tâm.
Nếu ta biết rõ tâm mình, thì khi có bất cứ căn bệnh ngặt nghèo nào xảy đến, tâm chánh niệm sẽ giúp làm giảm sự đau đớn. Nhưng đó là điều ta phải thực hành. Không dễ, nhưng một khi tâm đã được rèn luyện tốt, thì không có gì thắng nổi nó. Tâm sẽ giúp ta thoát khỏi những đau đớn, khổ sở, và nó không còn lăng xăng, bứt rứt. Nó sẽ yên tịnh và mát mẻ -tươi mát và rạng rỡ ngay bên trong nó. Vì thế, hãy cố gắng trải nghiệm tâm yên tịnh, lắng đọng này.
Đây là một khả năng quan trọng cần được phát triển, vì nó sẽ làm yếu đi các ham muốn, ô nhiễm và mê đắm. Tất cả chúng ta đều bị nhiễm ô. Tham ái, sân hận và si mê luôn che mờ tâm trí ta. Nếu không hành thiền tâm ta sẽ luôn bị nung đốt bởi khổ đau, phiền não. Các dục lạc từ vật chất bên ngoài cũng chỉ là niềm vui nửa vời, vì vẫn có khổ đau, phiền não trong sự si mê khi cho rằng các thứ này có thể mang đến niềm vui. Còn niềm vui trong thiền định, là niềm vui nhẹ nhàng, buông thư mọi thứ, thật sự thoát khỏi bất cứ khái niệm gì về tôi hoặc của tôi. Mong rằng chúng ta đạt được Pháp, đó mới là điều cốt lõi của tâm tỉnh thức không bị uế nhiễm, khổ đau hay bất cứ thứ gì quấy nhiễu.
Dầu thân có đau, chúng ta cũng phải tìm cách buông bỏ. Thân chỉ là tập hợp của bốn yếu tố -đất, nước, gió và lửa. Nó luôn biểu hiện sự vô thường và khổ, vì thế hãy giữ tâm chánh niệm an nhiên, buông xả. Hãy để tâm vượt lên trên mọi cảm thọ –vượt trên lạc, trên khổ, trên tất cả mọi thứ.

Tất cả chỉ cần sự nhẫn nại –chịu đựng và buông xả mọi thứ, biết rằng chúng không phải là ta, không phải của ta. Đây là điều mà chúng ta cần phải thực tập bền bỉ. Khi nói rằng chúng ta phải chịu đựng, có nghĩa là chúng ta phải thật sự chịu đựng. Đừng tự ý bỏ cuộc. Tâm tham ái sẽ luôn có mặt để thì thầm – bảo ta phải thay đổi mọi thứ, phải chạy theo thú vui này, thú vui kia- nhưng đừng nghe theo nó. Mà hãy lắng nghe lời Đức Phật khuyên ta phải buông bỏ tâm tham ái. Nếu không, tham ái sẽ tự trau chuốt, tô vẽ mọi thứ; khiến tâm phản ứng, và không thể nào lắng đọng. Vì thế, chúng ta phải cố hết sức mình. Hãy xem một giờ hành thiền này là một tiếng đồng hồ đặc biệt – đặc biệt vì ta phải sử dụng sự chịu đựng đặc biệt để quan sát tâm trí mình.

Nếp sống cơ bản


Điều quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày của người thực hành Pháp (Dhamma) là gìn giữ giới luật và quan tâm đến chúng còn hơn cả mạng sống của mình –gìn giữ chúng để các vị Thánh Thiện ngợi khen. Nếu ta không có sự kính trọng như vậy đối với giới luật, thì các thói hư tật xấu đối nghịch với các giới luật, sẽ trở thành những thói quen hằng ngày của ta.

Những thiền sinh nào coi sự phạm giới là việc nhỏ, không đáng kể, sẽ hoàn toàn làm hỏng sự tu tập của mình. Nếu ta không thể thực hành những điều căn bản này trong bước đầu thực hành Pháp, thì nó sẽ làm hư hoại tất cả những phẩm chất mà ta đang cố gắng phát triển trong các bước kế tiếp. Đó là lý do tại sao ta phải gìn giữ giới luật như một nền tảng căn bản và luôn tự kiểm soát bản thân xem có hành động nào phạm giới. Chỉ có như vậy, thì ta mới được lợi ích từ việc tu tập, nhắm loại trừ khổ đau ngày càng chính xác hơn.

Nếu ta chỉ hành động theo sự ham muốn và tham đắm của bản ngã mà không sợ lửa uế nhiễm, thì chúng ta sẽ phải chịu đau khổ không chỉ ở kiếp sống này mà cả ở những kiếp sống tương lai. Nếu chúng ta không có lương tâm – cảm giác xấu hổ khi nghĩ tới việc thực hiện các hành động xấu và sợ hãi các hậu quả- thì sự tu tập của ta sẽ ngày càng thối lui.

Khi người ta sống không lề lối -không có cả những đạo đức cơ bản do giới luật đề ra- thì không có cách gì họ có thể đạt được thanh tịnh. Chúng ta cần phải quán sát bản thân: Hiện tại chúng ta đang phạm giới trong tư tưởng, lời nói và hành động bằng cách nào? Nếu ta chỉ để mọi thứ trôi qua, mà không hề có ý định quán sát bản thân để xem xét các tai hại đến từ việc vi phạm giới, chạy theo uế nhiễm, thì công phu tu tập của ta ngày càng thoái hóa. Thay vì hủy diệt nhiễm ô, đau khổ, nó lại cúi đầu trước uy lực của chúng. Nếu đó là sự thật, thì tai hại sẽ như thế nào? Tâm đã bị lệ thuộc đến mức độ nào? Đây là những điều mà chúng ta phải tự khám phá. Làm được như thế, thì công phu tu hành tự quán chiếu đối với những vấn đề phức tạp hơn sẽ có kết quả mỹ mãn, và chúng ta sẽ không bị lạc đường, sai lối. Vì lý do này, bất cứ khi nào tham ái hay nhiễm ô xuất hiện trong hành động của mình, chúng ta phải chận bắt được nó và quán sát xem điều gì đang diễn ra trong tâm.

Khi chúng ta có thể nhận thức với tâm thực sự chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ thấy được nọc độc và sức mạnh của uế nhiễm. Ta sẽ cảm thấy chán ngán chúng, muốn hủy diệt chúng càng nhiều càng tốt. Nhưng nếu ta dùng tâm uế nhiễm để quán sát sự vật, thì chúng cho là mọi việc đều tốt đẹp. Cũng như khi chúng ta có định kiến ưa thích một ai đó. Dầu người đó làm điều sai quấy, ta vẫn cho là họ đúng. Đó là tính cách của các uế nhiễm. Chúng cho rằng mọi việc ta làm đều đúng và đổ tất cả lỗi lầm lên người khác hoặc vật khác. Vì vậy chúng ta không thể tin tưởng nó – cảm giác của một cái “ngã” đầy ham muốn và uế nhiễm đang làm chủ trái tim. Chúng ta hoàn toàn không thể tin cậy nó.

Tính hung hãn của nhiễm ô, hay cái “ngã” này, giống như ngọn lửa bạo cuồng đang đốt cháy một khu rừng hay một căn nhà. Nó sẽ chẳng nghe ai hết, mà chỉ tiếp tục cháy, tiếp tục thiêu hủy nội tâm ta. Và không chỉ có thế. Nó còn luôn tìm cách thiêu đốt người khác nữa.

Lửa của khổ đau, của uế nhiễm, thiêu hủy tất cả những ai không biết quán chiếu bản thân hoặc không biết cách dập tắt lửa. Những người như thế sẽ không chống đỡ nổi uy lực của uế nhiễm, không thể làm gì khác ngoại trừ việc đi theo sự dẫn dắt của tâm tham ái. Ngay khi bị kích hoạt, họ liền đi theo sự sai khiến của ham muốn. Vì thế, những cảm xúc nơi tâm do các uế nhiễm kích hoạt được xem là rất quan trọng, vì chúng có thể dẫn dắt ta làm những điều xằng bậy mà không biết xấu hổ, không biết sợ hậu quả –nghĩa là chắc chắn ta sẽ phạm giới luật.

Một khi chúng ta chạy theo uế nhiễm, chúng sẽ rất hài lòng – giống như những kẻ phóng hỏa cảm thấy vui sướng khi nhà cửa người khác bị đốt sạch. Ngay khi ta thóa mạ người khác, hoặc rỉ tai những chuyện tầm phào với ác tâm, thì các uế nhiễm rất thích thú việc đó. Cái “ngã” của ta rất thích điều đó, vì khi ta làm theo sự sai khiến của nhiễm ô như thế, nó rất hài lòng. Kết quả là nó sẽ tiếp tục vun bồi các thói hư tật xấu đối nghịch lại với các giới luật, nó đang sa vào địa ngục ngay trong cuộc sống này mà không ý thức được điều đó. Vì vậy, hãy nhìn cho tường tận những tai hại mà uế nhiễm có thể mang đến cho ta, để xem ta có nên tiếp cận với chúng, nên xem chúng là bạn hay thù.
Ngay khi một quan điểm hay ý nghĩ sai lầm nào phát khởi trong tâm, chúng ta cần phân tích chúng và quay vào bên trong để nhận biết các yếu tố ấy nơi nội tâm ta.
Dầu các uế nhiễm liên quan đến vấn đề gì, chúng luôn chú tâm tìm lỗi của người, vì thế ta phải quay lại, quán sát nội tâm của mình. Khi chúng ta nhận ra lỗi của mình, và tỉnh thức –đó chính là nơi mà việc học Pháp (Dhamma), việc hành Pháp của chúng ta đã hiển lộ những phần thưởng thực sự của nó.

Theo: Đơn giản và thuần khiết

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Diệu Liên Lý Thu Linh,  Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam, Diệu Ngộ Mỹ Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét