Trang

Sự tái sinh - Thích Phước Sơn

imageChính nghiệp, bắt nguồn từ vô minh và khát vọng tạo điều kiện cho tái sinh. Nghiệp quá khứ, tạo điều kiện cho kiếp sống hiện tại và nghiệp hiện tại kết hợp với nghiệp quá khứ làm duyên cho đời sống tương lai. Hiện tại chỉ là con đẻ của quá khứ, và đến lượt nó - lại là cha mẹ của vị lai.
Bao lâu nghiệp lực còn thì còn tái sinh, vì chúng sinh chỉ là những biểu hiện hữu hình của nghiệp lực vô hình này. Chết chỉ là chấm dứt tạm thời hiện tượng vô thường này. Đó không phải tiêu diệt hoàn toàn cái được gọi là sinh linh này. Đời sống hữu cơ đã kết thúc, nhưng nghiệp lực đã thúc đẩy đời sống từ trước đến giờ vẫn chưa bị hủy diệt. Vì nghiệp lực hoàn toàn không bị chi phối bởi sự tan rã nhục thân tạm bợ này, nên sự ra đi của kiết sinh thức trong hiện tại chỉ tạo điều kiện cho một thần thức mới tái sinh một đời sống khác.
Chính nghiệp, bắt nguồn từ vô minh và khát vọng tạo điều kiện cho tái sinh. Nghiệp quá khứ, tạo điều kiện cho kiếp sống hiện tại và nghiệp hiện tại kết hợp với nghiệp quá khứ làm duyên cho đời sống tương lai. Hiện tại chỉ là con đẻ của quá khứ, và đến lượt nó - lại là cha mẹ của vị lai.
Nếu chúng ta giả định có một đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai, thì bấy giờ chúng ta phải đứng trước một vấn đề huyền bí: Cái gì là nguyên ủy cùng tột của đời sống?
Hoặc là phải có khởi thủy hoặc là không thể có khởi thủy đời sống.
Để giải quyết vấn đề này, có trường phái đã giả định một nguyên nhân đầu tiên – Thượng đế – được xem như một quyền lực hay là một đấng toàn năng.
Nhưng một trường phái khác lại phủ nhận nguyên nhân đầu tiên, vì theo kinh nghiệm thông thường, nguyên nhân luôn luôn trở thành kết quả và kết quả lại trở thành nguyên nhân. Nếu nói đến vòng nhân quả thì không thể quan niệm được là có một nguyên nhân đầu tiên. Theo trường phái trước thì đời sống có điểm khởi thủy, nhưng theo trường phái sau thì đời sống không có điểm khởi thủy.
Theo quan điểm khoa học thì chúng ta là sản phẩm trực tiếp của các tế bào tinh trùng và noãn châu do cha mẹ chúng ta tạo ra. Như vậy là đời sống dựa vào đời sống. Đối với nguồn gốc của chất nguyên sinh đầu tiên của sự sống hay chính chất keo, các nhà khoa học viện cớ không biết gì cả.
Theo Phật giáo chúng ta sinh ra từ thai tạng của nghiệp. Cha mẹ chỉ cung cấp một tế bào cực nhỏ. Vào lúc thụ thai, chính nghiệp quá khứ tạo điều kiện để cái thức tiên khởi đem lại sự sống cho bào thai. Chính nghiệp lực vô hình này, phát xuất từ kiếp trước, giờ đây tạo nên cái hiện tượng tâm lý và hiện tượng đời sống trong một hiện tượng sinh lý đã sẵn có để làm trọn vẹn ba thành phần cấu tạo con người.
Để có một sinh linh ra đời nơi đây, thì phải có một sinh linh khác lìa đời đâu đó. Sự ra đời của một sinh linh, nói đúng nghĩa, là sự xuất hiện 5 uẩn hay 5 hiện tượng tâm sinh lý trong đời hiện tại này, tương ứng với cái chết của một sinh linh mới qua đời; cũng như theo cách nói thông thường, mặt trời mọc nơi này có nghĩa là lặn ở nơi khác. Câu nói đầy bí ẩn này có thể dễ hiểu hơn bằng cách tưởng tượng đời sống ta như một đợt sóng chứ không phải một đường thẳng. Sinh và tử chỉ là hai giai đoạn của một quá trình giống nhau, sinh đi trước tử, và tử về phương diện khác lại đi trước sinh. Cái chuỗi tương tục sinh tử này ở trong dòng sinh mệnh của mọi người tạo nên cái được gọi là vòng luân hồi (Sàmsara) bất tận.
Nguồn gốc tận cùng của đời sống là gì?
Đức Phật tuyên bố: “Không thể nhận ra được khởi thủy của vòng luân hồi này. Khởi điểm của chúng sinh vì bị vô minh che lấp và vì khát ái ràng buộc, cứ mãi lang thang vô định, nên không thể nhận biết được.”
Cái dòng đời này trôi chảy vô tận, bao lâu nó còn bị những lớp bùn vô minh và khát ái nuôi dưỡng; bao lâu hai yếu tố này được cắt đứt hẳn, chỉ đến khi ấy nếu người ta muốn thế thì cái dòng nước này mới ngừng chảy, sự tái sinh sẽ chấm dứt, như trường hợp đức Phật và các vị A La Hán. Khởi điểm của dòng đời này không thể xác định được, cũng như không thể nhận thấy một giai đoạn khi dòng sinh mệnh này còn bị vô minh và khát ái phủ đầy.
Ở đây, đức Phật chỉ đề cập khởi thủy đời sống của chúng sinh, còn bàn cãi về sự khởi nguyên và tiến hóa của vũ trụ hãy để cho các nhà khoa học. Đức Phật không cố gắng giải quyết tất cả mọi vấn đề đạo đức và triết học từng làm rối trí nhân loại. Nghiệp cũng không đề cập đến những lý thuyết và những suy luận không nhằm mục đích giáo dục và giác ngộ. Ngài cũng không đòi hỏi tín đồ phải tin mù quáng về một nguyên nhân đầu tiên (chỉ đấng Tạo hóa). Ngài chỉ chú trọng đến vấn đề khổ và diệt khổ. Vì chỉ nhằm đến mục đích duy nhất đầy thực tiễn và đặc biệt này, nên tất cả vấn đề nào không phù hợp đều không được quan tâm đến.
Nhưng do đâu chúng ta phải tin có một đời sống quá khứ?
Bằng chứng có giá trị nhất mà các Phật tử nêu ra để bênh vực cho thuyết tái sinh là đức Phật, vì Ngài đã phát triển thành một thắng trí khiến Ngài có thể biết rõ những đời sống quá khứ và vị lai.
Tuân theo lời dạy của Ngài, các đệ tử của Ngài cũng đã phát triển thứ minh trí này và họ cũng có thể biết rõ những đời sống quá khứ của họ đến một mức độ khá cao.
Cả đến một số nhà tiên tri Ấn Độ trước thời đức Phật, cũng đã lừng danh về những thần thông đặc biệt như Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông v.v...
Cũng có một số người có lẽ tuân theo định luật liên tưởng tự nhiên phát triển trí nhớ về đời sống quá khứ của mình và nhớ lại những quãng đời quá khứ ấy. Những trường hợp như vậy rất hiếm, nhưng những trường hợp ấy đã được kiểm chứng kỹ lưỡng đáng tin cậy, có thể rọi vài tia sáng vào ý niệm về một đời sống quá khứ. Những kinh nghiệm của một số nhà tâm thần học đáng tin hiện đại và vài trường hợp đặc thù của một số nhân vật biết thay hình đổi dạng cũng chứng minh cho cái quan niệm về kiếp trước.
Trong những trạng thái thôi miên, một số người kể lại những kinh nghiệm về những đời sống quá khứ của họ; trong khi một ít người khác còn biết được cả những tiền kiếp của kẻ khác, thậm chí còn chữa được vài chứng bệnh.
Đôi khi chúng ta có những kinh nghiệm lạ lùng không thể nào giải thích được, ngoại trừ thuyết tái sinh.
Vì sao chúng ta thường gặp những người mà chúng ta chưa từng gặp bao giờ, vậy mà bỗng nhiên cảm thấy như rất quen thân đối với chúng ta? Vì sao nhiều khi chúng ta viếng những nơi mà chúng ta có cảm tưởng hầu như chúng ta hoàn toàn quen thuộc với những quang cảnh ấy?
Đức Phật dạy rằng:
“Thông qua những mối quan hệ thuở trước hay những thuận duyên hiện tại, tình yêu xa xưa kia tái hiện như hoa sen trong nước.”
Những kinh nghiệm của một số nhà tâm lý học hiện đại đáng tin cậy, những hiện tượng ma quỷ, thần giao cách cảm, những nhân vật biến hóa kỳ lạ và đa dạng v.v… đã rọi một vài tia sáng vào vấn đề tái sinh này.
Trên thế giới này vẫn thường xuất hiện những đấng toàn thiện như chư Phật và nhiều nhân vật siêu đẳng khác. Phải chăng các vị ấy đột nhiên phát triển như vậy? Có thể nào các vị ấy là kết quả của một kiếp sống duy nhất mà thôi.
Làm thế nào chúng ta hiểu được những vĩ nhân như Phật âm (Buddhagosa)[1] Panini,[2] Homer[3] và Plato,[4] những thiên tài như Shakespeare,[5] các thần đồng như Pascal,[6] Mozart,[7] Beethoven,[8] Raphael,[9] Ramanujan, v.v...?
Chỉ một mình thuyết di truyền thôi không thể giải thích được nguồn gốc chư vị ấy. Nếu không thì tổ tiên chư vị ấy đã biểu lộ điều đó, và hậu duệ chư vị còn vĩ đại hơn chư vị nữa, sẽ chứng minh điều ấy.
Làm sao họ có thể vươn tới mức cao cả đến thế được nếu họ đã không từng sống những cuộc đời cao thượng và gặt hái những kinh nghiệm tương tự trong kiếp trước? Phải chăng chỉ vì tình cờ họ được những bậc cha mẹ đặc biệt như thế sinh ra và được sống trong những hoàn cảnh ưu đãi như thế?
Một số ít năm tháng mà chúng ta được đặc quyền sống ở đời này, hoặc khoảng 100 năm là nhiều, chắc chắn không phải là một sự chuẩn bị thích hợp cho muôn đời.
Nếu chúng ta tin có hiện tại và tương lai thì cũng rất hợp lý để tin có quá khứ.
Hiện tại là con đẻ của quá khứ, và đến lượt nó, lại là cha mẹ của tương lai.
Nếu có nhiều lý do để tin rằng ta đã hiện hữu trong quá khứ, thì hiển nhiên không có lý do gì lại không tin rằng ta sẽ tiếp tục sống còn trong tương lai sau khi đời sống hiện nay của ta đã hoàn toàn chấm dứt.
Ở đời này có nhiều người đức hạnh gặp số phận không may và lắm kẻ xấu xa tội lỗi lại vinh hiển giàu sang, đó là một chứng cứ hùng hồn để biện minh chủ thuyết có đời sống quá khứ và tương lai.
Một văn sĩ Tây phương nói: “Dù ta có tin vào một đời sống quá khứ hay không, thì nó vẫn là giả thuyết duy nhất có lý để lấp đầy khoảng trống trong tri thức nhân loại về những sự kiện của đời sống hằng ngày. Lý trí của ta cho ta biết rằng chỉ có quan điểm về đời sống quá khứ và nghiệp báo mới giải thích được tình trạng khác nhau giữa hai đứa trẻ sinh đôi. Làm sao những người như Shakespeare với một số kinh nghiệm rất giới hạn lại có thể mô tả chính xác tài tình những mẫu người vô cùng khác nhau, những cảnh tượng v.v…, và thực tế họ không thể biết được? Tại sao những tác phẩm của thiên tài luôn luôn vượt quá kinh nghiệm của mình? Tại sao có những đứa trẻ thần đồng, những sự khác nhau quá lớn về tâm trí, đạo đức, bộ óc, vóc dáng trong những điều kiện, hoàn cảnh và môi trường có thể quan sát được trong thế giới này?”
Cần phải nói rằng thuyết tái sinh này không thể kiểm chứng, cũng không thể bị bác bỏ bằng các thí nghiệm khoa học, nhưng nó vẫn được chấp nhận như một sự thực có thể minh xác một cách hiển nhiên.
Đức Phật dạy tiếp, nguyên nhân của nghiệp lực này chính là vô minh, hay là không hiểu biết bốn chân lý cao cả. Do đó, vô minh là nguồn gốc của sinh tử, và cũng vì vậy sự chuyển hóa vô minh thành minh trí tức là chấm dứt tử sinh.

Kết quả của phương pháp phân tích này được tóm tắt trong thuyết Duyên khởi (Paticca Samuppàda).
***
[1]. Buddhaghosa (Phật âm): Ngài sinh gần Bồ đề đạo tràng, nước Ma Kiệt Đà, trung tâm Ấn Độ. Ngài sang Tích Lan năm 430 và ở tại tu viện Mahàvihàra, dịch kinh Phật từ tiếng Singhalise sang tiếng Pàli, rồi viết sớ giải các kinh ấy. Về sau, Ngài trở lại quê hương và qua đời tại đó.       
[2]. Panini: Nhà ngữ học Sanskrit, từng soạn một bộ tự điển Sanskrit rất có giá trị.          
[3]. Homàra: Thi sĩ cổ Hy Lạp rất danh tiếng, chuyên viết thể loại anh hùng ca.
[4]. Plato: (427-347 BC): Triết gia rất nổi tiếng cổ Hy Lạp, được xem như triết gia vĩ đại nhất từ xưa đến thời ông.       
[5]. Shakespeare (1564-1617): Bi kịch gia nổi tiếng nhất của nước Anh vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ XVII.           
[6]. Pascal (1623-1662): Nhà toán học, vật lý học, triết học và nhà văn của Pháp. Ông là một trong những người sáng lập lý thuyết toán xác xuất.       
[7]. Mozart (1756-1791): Nhà soạn nhạc rất danh tiếng của nước Áo, vào hậu bán thế kỷ XVIII.   
[8]. Beethoven (1770-1827): Nhạc sĩ, đồng thời là nhà soạn nhạc danh tiếng nhất nước Đức.         
[9]. Raphael (1483-1520): Nhà hội họa và kiến trúc sư của nước Ý trong thời kỳ văn nghệ phục hưng, được xem như một trong những thiên tài của nhân loại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét