Trang

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM - Minh Đức Triều Tâm Ảnh



Tứ vô lượng tâm là bốn tâm vô biên, vô lượng, không có ngần mé, bao trùm tất cả chúng sanh. Tứ vô lượng tâm còn được gọi là bốn phạm trú (1) vì khi tu tập thành tựu bốn tâm này rồi, sẽ cùng ở chung (cộng trú) với Phạm thiên, sẽ có đời sống phẩm hạnh cao cả, thanh tịnh (2).
Tứ vô lượng tâm đó là: Tâm từ (mettā), tâm bi (karuṇā), tâm hỷ (muditā) và tâm xả (upekkhā). Chúng chính là bốn đề mục (đối tượng, công án) để tu tập thiền định Sắc giới, tức là thành tựu các trạng thái tâm thanh cao, lìa bỏ đời sống dục vật chất. Nói cách khác, bốn tâm vô lượng này sẽ không được an trú nếu như các trạng thái tâm tham, sân, các tâm sở bất thiện cũng như các triền cái chưa được yên lặng.
Tứ vô lượng tâm chỉ thật sự có mặt trong nội tâm của người khéo tu tập, tinh cần và miên mật công phu thiền định vậy.

 A. TÂM TỪ (METTĀ)

Tâm từlòng từ ái, thiện ý, thiện ái, hảo tâm, bác ái, nhiều tình thương... Dù với nghĩa nào đi nữa thì dường như vẫn không mô tả được cái cốt lõi, tinh tủy, chân nghĩa của tâm từ. Người ta cũng thường nói rằng, tâm từtình thương quảng đại, rộng lớn, bao trùm thiên nhiên, người vật, cây cỏ. Định nghĩa ấy tương đối chính xác nhất. Tuy nhiên, mong rằng, tình thương ấy không phải là lòng trìu mến, không phải là ái trước, không phải bắt ta suốt ngày thương tưởng, không phải để ta "thể nhập", "đồng hóa", "chan hòa" với chúng sanh, hoặc thấy ta với chúng sanh là "một" (3).
Tâm từtình thương quảng đại, rộng lớn nhưng là cái gì làm cho ta và chúng sanh cùng êm dịu, mát mẻ; là năng lượng từ hòa thấm nhuần cả không gian, người, vật và cây cỏ. Nó bao trùm đồng đẳng chứ không riêng biệt cho một ai. Nó bao la, mênh mông... với chân thành ước mong cho tất cả chúng sanh đều được yên vui, sức khỏe, trường thọhạnh phúc.
Người tu tập tâm từ phải lưu ý rằng: Tâm từ chỉ có thể nẩy nở, phát triển trong môi trường mát mẻ, trong lành và hòa bình. Nó không dung chứa các trạng thái tâm như sân hận, ác ý, hung dữ... Cũng có một số kẻ thù rất nguy hiểm của tâm từ; chúng thường trá hình, hóa trang hoặc đeo mặt nạ... tới lui lân la cận kề với tâm từ, rất khó nhìn ra chân tướng. Đó là tình thương liên quan đến sắc tướng, hình thể, thân xác. Đó là luyến ái dung thường. Đó là sự yêu thương chúng sanh chan chứa. Đó là những tình cảm tràn trề với tha nhân...
Tâm từtình thương rộng lớn, cao cả trong sáng; không có bóng dáng của ái, của luyến, của chấp trước.
I. Phương pháp tu tập tâm từ
Thông thường người tu tập tâm từ và ban rải từ tâm hay niệm tưởng như sau: "Cầu cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc, an vui". Dĩ nhiên với niệm tưởng như vậy cũng có một vài lợi ích nhất định; như lòng mình sẽ mát mẻ, tâm mình được lớn rộng, xa lìa một phần nào đó cái tư kỷ của bản ngã. Nhưng có điều ta phải biết, là tu tập tâm từ thuộc đề mục thiền định nên ta phải biết cách, phải có phương pháp, phải biết tuần tự thứ lớp để thực hành. Nó đòi hỏi công phu, thời gian, tinh tấn hành trì một cách nghiêm túc và đúng đắn. Nói rõ hơn, ta phải biết đi qua các giai đoạn như sau:
- Loại các chướng ngại ra khỏi tâm.
- Những đối tượng chưa nên rải tâm từ.
- Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm từ.
- Phương pháp tu tập để có tâm từtrưởng dưỡng tâm từ.

 1. Loại các chướng ngại ra khỏi tâm

Những chướng ngại của tâm từ là các trạng thái tâm lý: sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ... Nơi nào có mặt chúng là tâm từ không thể hiện hữu. Ta chẳng thể nào gieo hạt mầm xanh giữa sa mạc lửa. Vậy, trước khi muốn tu tập tâm từ, ta phải thu dọn tất cả chúng ra khỏi tâm. Muốn thế, hành giả phải niệm tưởng như sau: "Sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ... là mụn nhọt, là mũi tên tẩm độc, là cục bướu mưng mủ, là lửa nóng địa ngục. Chính chúng thiêu đốt mọi thiện pháp, cản trở sự tiến bộ tinh thần; tàn hại, hủy diệt mình và tất cả chúng sanh. Nói tóm lại là chúng sẽ giết chết tâm từ từ trong trứng nước. Vậy ta phải làm cho chúng yên lặng, chúng vắng mặt, loại chúng ra khỏi tâm vì hạnh phúc và an vui cho mình và người."
Hành giả có thể đọc thành lời, có tiếng vang để trấn áp mình; sau đó, niệm tưởng thầm ở trong tâm như vậy nhiều lần, hàng chục lần, hàng trăm lần... Tùy theo công phu, nhiệt tâm, tinh cần... của từng người mà sự hiệu quả trải qua thời gian khác nhau. Có người năm bảy ngày. Có người một, hai tháng... cho đến lúc nào, khi tọa thiền, ta thấy tâm an ổn, vắng lặng, trong sáng, mát mẻ, nghĩa là không còn bóng dáng của sân, ghét, ác ý, nóng nảy, hung dữ... nữa, là ta có thể khởi sự tu tập tâm từ được rồi, tuy nhiên, còn có những đối tượng chưa thể rải tâm từ được.

2. Những đối tượng chưa nên rải tâm từ

Sẽ không hiệu quả, sẽ phản tác dụng, sẽ làm cho tâm từ thui chột, không tiên bộ... khi ta rải tâm từ đến những đối tượng sau đây:
- Người mà ta ghét: Đây là hạng người mà ta vốn có thành kiến, ác cảm; người làm cho ta dễ phát sanh bực bội, cáu gắt, bẳn gắt, khó chịu. Với đối tượng như thế, tức khắc sẽ là chướng ngại trực tiếp cho tâm từ. Vả chăng, thật không dễ dàng gì, khi đặt một đối tượng đáng ghét như thế lên ưu tiên một để biểu tỏ tình thương bao la, quảng đại của mình! Hãy lắng nghe phản ứng nghịch của nó ra sao!
- Người mà ta rất yêu thương, trìu mến.
Với đối tượng này thì dễ chịu quá, phải không? Nếu ta đặt đối tượng dễ chịu này vào tầm ngắm thì tâm từ sẽ thương ngay lập tức, sẽ dính đề mục trong một sát-na! Và sự yêu thương, trìu mến kia sẽ tăng cường độ, áp sát, dính mắc làm cho tâm từ không nỡ rời bỏ rồi phát sanh ái luyến nặng nề, rất nguy hiểm vậy.
- Người mà ta không thương, không ghét - tức là người ta thường dửng dưng: Với đối tượng này mà bắt ta khởi tâm từ thì rất khó, rất mệt lòng. Nếu có nỗ lực, cố gắng "thương" thì cũng phải trải qua thời gian rất lâu dài, người thiếu trì chí sẽ rất dễ nản lòng.
- Người mà ta thù hận: Với đối tượng này dĩ nhiên lại càng khó khăn, vì hành giả sẽ nổi tâm sân ngay lập tức.
- Người khác giới tính: Đây là đối tượng nguy hiểm đệ nhất. Người nữ là nguồn cảm hứng ái dục vô biên cho người nam, và trái lại. Khi ấy ái dục, ái luyến sẽ khoác áo và đeo mặt nạ từ tâm để lang thang yêu thương người này người kia vô tôi vạ.
- Người đã chết: Với đối tượng này mà tu tập tâm từ sẽ không có hiệu quả; sẽ không tiến triển được chút gì, sẽ hoài công vô ích.

3. Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm từ

Trước tiên, tâm từ phải được rải đến chính mình. Phải có từ tâm với chính mình trước khi rải từ tâm đến kẻ khác. Tuy nhiên, ta và người khác phải bình đẳng nhất như trong làn khí của tâm từ, sự tu tập mới có hiệu quả. Nếu ta không hiểu điều ấy, mà cứ niệm: "Mong rằng tôi được an lạc, hạnh phúc; mong rằng tôi thoát khỏi hận thù, oan trái và sống trong hạnh phúc, an vui", thì dù niệm 100 năm, 1000 năm cũng không đắc định (4). Ngược lại, ta niệm: "Mong rằng người ấy được an lạc, hạnh phúc", thì tâm từ cũng không thành tựu.
Hành giả phải biết rằng, dù lấy bản thân làm đối tượng cho tâm từ, thì đồng thời, tâm từ phải được bao trùm đến đối tượng khác. Phải niệm như sau: "Cầu mong cho tôi được an lạc, hạnh phúc, và bạn tôi, cũng được an lạc, hạnh phúc như thế."
Những đối tượng khác, chúng sanh khác có thể dễ dàng cho tâm từ hướng đến, đầu tiên là những người khả ái, khả kính. Ví dụ: Thầy Hòa Thượng Thế Độ, Thầy Tiếp Dẫn cho mình, thầy mình nương tựa hoặc các vị Giáo thọ sư đã không quản ngại công lao dạy dỗ cho mình nên người.
Ta có thể niệm tưởng: "Cầu mong cho tôi được an lạc, hạnh phúc; và ước vọng rằng, con người hiền thiện, đáng kính ấy cũng được an lạc, hạnh phúc như thế." Với đối tượng như thế, niệm tưởng như thế mới chính xáctu tập tâm từ.
Sau đó, muốn tiến xa hơn, hành giả phải biết phá vỡ những hàng rào ngăn, rồi tuần tự thứ lớp rải tâm từ đến những đối tượng khác, như sau:
- Đến người bạn mà ta rất yêu mến.
- Đến người mà ta dửng dưng.
- Đến người mà ta ghét.
- Đến người mà ta thù...

4. Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm từ

Thế nào là phá vỡ hàng rào ngăn?
Khi ta rải tâm từ bao trùm ta và đối tượng, tâm từ thuần thục, thì giữa ta và đối tượng đã xóa mờ khoảng cách, không còn một chướng ngại nào. Nghĩa là, giữa ta và đối tượng đã thành tựu tính bình đẳng nhất như. Sau đó mới hướng tâm từ đến ta và đối tượng khác, và cũng phải thành tựu tính bình đẳng nhất như như thế.
Vượt qua các giai đoạn này là khi ta thấy giữa mình, người mình yêu mến, người mình dửng dưng, người mình ghét, người mình thù..., chẳng ai quan trọng hơn ai, chẳng ai không bình đẳng trong làn khí mát mẻ của tâm từ. Khi ấy gọi là tâm từ đã được tu tập, đã được an trú.
Có một ví dụ về tính bình đẳng nhất như, như sau: "Ta cùng với 4 người khác đang ngồi trong một khu rừng: một người ta yêu mến, một người ta dửng dưng, một người ta ghét, một người ta thù! Có một tên cướp đến bên ta, bảo: ông hãy chỉ một người để ta cắt cổ tế thần, ta sẽ tha cho những người còn lại!" Trong trường hợp ấy thì ta sẽ xử sự ra sao? Nếu ta chỉ một người nào đó, ngoại trừ ta, là tâm từ của ta chưa bình đẳng với họ! Nếu ta lựa chọn mình để cứu bốn người kia, là tâm từ của ta chưa bình đẳng với chính ta!
Xét rằng:
- Trường hợp thứ nhất là rơi vào ý niệm hại người.
- Trường hợp thứ hai là rơi vào ý niệm tự hại mình.
Tự hại mình hoặc hại người đều là chưa phá vỡ được rào ngăn, tâm từ sẽ chưa được tiến triển. Phải nuôi lớn tâm từ, trưởng dưỡng tâm từ, cho đến lúc nào đó ta cảm nhận rằng: giữa ta và bốn người kia không nên để ai bị cắt cổ cả. Tính bình đẳng nhất như lúc ấy mới tựu thành, mới viên mãn.
Đến giai đoạn này, tính bình đẳng nhất như này, do tưởng tạo thành, sẽ hiện ra một tướng, hành giả cứ nhất tâm an trú vào tướng ấy. Trải qua sự tu tậpan trú này, năm triền cái lần hồi sẽ được lắng dịu và năm thiền chi sẽ tuần tự xuất hiện. Nếu nhiệt tâm và tinh cần thêm nữa, hành giả sẽ đi vào cận hành định, rồi đạt an chỉ định, tức là định sơ thiền (có tầm, có tứ).
Từ sơ thiền, vị ấy an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ. Cũng vậy, phương thứ 2, phương thứ 3... vô lượng, vô biên, cao cả, không hận, không sân, không não... rồi cùng khắp cả mười phương thế giới.
Tâm từ nếu cứ tuần tự tu tập như vậy, lớn rộng thêm, quảng đại thêm, biến mãn hơn, hành giả lần lượt đắc đệ nhị thiền, đệ tam thiền (5) (trong hệ thống tứ thiền. Hoặc đắc đến đệ tứ thiền (trong hệ thống ngũ thiền). Và đắc các tầng thiền ấy được gọi là Phạm trú (cộng trú với Phạm thiên).
II. Phước báu cùng sự lợi ích của người tu tập tâm từ
Đức Phật dạy rằng: "Này các thầy Tỳ-kheo! Khi từ tâm giải thoát đã được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm thành bánh xe, được có nền tảng vững chắc, được an trú khéo léo, được củng cố bền bỉ, được huấn luyện thích đáng... thì sẽ có được 11 lợi ích to lớn vậy."
Mười một lợi ích ấy là như sau:
1. Giấc ngủ được an lành, an lạc: Ngủ không trằn trọc, không quay qua quay lại, không ngáy, không rên, đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng, mát mẻ như đi vào cõi thiền.
2. Thức trong an lạc: Sớm mai thức dậy rất thoải mái, không có bực dọc, cau có, không ngáp ngắn, ngáp dài. Thức dậy với sắc mặt như đóa hoa tươi thắm trong nắng ấm ngày xuân.
3. Không chiêm bao ác mộng: Nếu có nằm mộng thì thường thấy mộng lành như thấy bảo tháp lộng lẫy, huy hoàng; thấy chùa chiền trang nghiêm, thanh tịnh; thấy điện Phật ngạt ngào trầm hương; thấy hoan hỷ lễ bái cúng dường; thấy nghe Pháp, tụng kinh; thấy rừng hoa thơm lừng nở rộ; thấy những cung điện nguy nga, sang trọng ở các cảnh trời... Không có những ác mộng như bị giặc vây, lửa đốt, té xuống vực sâu, thú dữ ăn thịt, hoặc thấy dao đâm, tên bắn, cưa xẻ người, hầm phân dơ uế...
4. Được mọi người yêu mến: Ở đâu ai cũng thương, cũng mến; đến đâu cũng được người giúp đỡ, bảo bọc; không có người ghét, kẻ thù.
5. Được phi nhân ưa thích: Phi nhân là không phải người, có thể là các loại địa tiên, thọ thần, a-tu-la, dạ xoa... Người có tâm từ ở đâu là xung quanh đó đều được mát mẻ, an lành; các loài phi nhânxung quanh được hưởng không khí hòa bình, an lạc, nên thường được chúng quý trọng, mến yêu.
6. Được chư thiên hộ trì: Đối với người có tâm từ, chư thiên rất mến yêu nên họ sẵn lòng hộ trì, che chở... như cha mẹ bảo hộ cho đứa con một.
7. Lửa, độc chất, khí giới không làm hại được: Khi hành giả an trú tâm từ thì thân tâm vị ấy được bao trùm bởi một thứ điện năng đặc biệt, chẳng gì có thể xâm hại, xâm phá được (Khi đang an trú tâm từ thì có năng lực như vậy, nhưng khi xả thiền, không còn an trú từ tâm thì vẫn bị hại, bị xâm phạm).
8. Tâm không tán loạn: Tâm vị ấy luôn được tập trung, luôn luôn được dễ dàng an trú, luôn định tỉnh, ổn định, trầm tĩnh. Vị ấy muốn đi vào định không thời gian nào cũng được.
9. Sắc mặt luôn mát mẻ, khinh an, thư thái: Nghĩa là nhờ năng lực tâm từ tỏa ra, vị ấy luôn tươi vui, hoan hỷ, không nói nặng lời ai, không nóng nảy; thường trực khoan hòa, từ ái, dịu hiền, mềm mỏng... Khí sắc vị ấy luôn tươi nhuần phỉ lạc.
10. Lúc lâm chung không mê loạn: Do nhờ chánh niệm với từ tâm, vị ấy làm chủ được tử niệm cuối cùng nên dễ dàng ra đi như đi vào một giấc ngủ ngon.
11. Sanh vào Phạm thiên giới: Nếu vị ấy không chứng quả cao hơn thì khi hết đời này, sẽ hóa sanh vào Phạm thiên giới như thức dậy từ một bình minh đẹp trời.
Nhờ những khả tính vi diệu của tâm từ như vậy, nên ta có thể cô đọng bằng mấy câu lục bát tứ tuyệt:
"- Từ tâm suối ngọt trong lành
Từ tâm gió mát, trăng thanh đầy lòng
Từ tâm rưới khắp cõi hồng
Trời, người an lạc - mênh mông thái hòa".

 B. TÂM BI (KARUṆĀ)

Tâm bilòng bi mẫn, biết thương xót, biết rung động trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; là muốn xoa dịu, chia xẻ, ủi an người khác trước hoạn nạn, trước nghịch cảnh, thống khổ, neo đơn, cô quả, tai ương, tật nguyền, đói rách...
Tâm bi còn được định nghĩa là lòng trắc ẩn cao thượng, nó bao trùm đồng đẳng tất cả những chúng sanh đau khổ, bất hạnh trên thế gian. Và, cao cả hơn thế nữa, lòng trắc ẩn ấy còn bao trùm cả những người có địa vị cao sang, quyền quý, cả những người đang sùng bái chủ nghĩa hư vô, hiện sinh, tà kiến, tà giáo... Tâm bi ấy thương xót những kẻ đang đắm say bả vinh hoa, quyền thế, quyền lực, danh vọng, địa vị... sớm còn tối mất trên trần thế... rồi một mai kia khi phủi tay hết cuộc sẽ gánh chịu những hậu quả đắng cay. Tâm bi ấy thương xót những kẻ lắm bạc nhiều tiền... vẫn còn mải mê, trăm phương nghìn cách thâu góp của cải, tài sản...; mà đâu biết rằng, tội báo, ác nghiệptử thần với lưỡi hái lạnh lùng sẽ không tha thứ cho một ai? Tâm bi ấy rung động, xót thương cả những người không biết gì về thiện ác, nhân quả nghiệp báo; mãi sống trong bóng tối của hư vôtà kiến; biết bao giờ ánh sáng sự thật mới soi chiếu đến họ?
Quả thật, nếu từ tâmnăng lượng mát mẻ, từ hòa, là dòng suối ngọt cho nhân sinh, thì tâm bi chính là trái tim dễ cảm ứng, không những sự đau khổ của người khác trong hiện tại, mà cả hậu quả họ sẽ gánh chịu trong tương lai (Hiện tại chúng nghĩ là chúng đang sung sướng, hạnh phúc).
Cũng vì bi tâm rộng lớn này mà Bồ-tát của chúng ta trong rất nhiều kiếp tiền thân đã ra biển tìm ngọc trai để giúp đỡ áo cơm đến người đói khổ. Nhiều kiếp đã bố thí của cải, tài sản, áo cơm đến muôn người bất hạnh. Nhiều kiếp đã hy sinh một phần của thân thể hay cả tính mạng vì sự sống hoặc vì an toàn cho chúng sanh khác.
Cũng vì bi tâm này mà Bồ-tát tu tập công hạnh ba-la-mật, tìm phương thuốc diệt khổ cho chúng sanh. Cũng vì tâm bi này mà đức Phật cứu độ kẻ sát nhân, cô gái giang hồ cùng những kẻ tội lỗi hay người nô lệ, cùng đinh...
Tâm từ với năng lực quảng đại bao trùm đồng đẳng thì tâm bi cũng vậy; nó không phân biệt giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ, trẻ già, huyết thống, tên quần rách áo ôm hay bậc vương giả vinh hoa xa xỉ... Hễ đâu có đau khổtâm bi có mặt và sẵn sàng cứu giúp, chia xẻ, hỗ trợ... với tâm rộng lượng.
Nói tóm lại, trái tim và đôi mắt xanh của tâm bi thường rung động và nhìn thấu suốt miền khổ đế của trần gian.
Ngày nay, trước các thế lực hiểm ác, bạo tàn do chủ nghĩa dân tộc cực đoan, do chiến tranh kinh tế, chiến tranh tôn giáo, nạn khủng bố... đã làm đổ máu, điêu tàn và tang tóc khắp mọi nơi. Các hiểm họa xì-ke, ma túy, mãi dâm, buôn bán trẻ con, HIV, các bệnh dịch siêu vi, hạn hán, bão lụt, cháy rừng, động đất, ô nhiễm môi trường... đang hăm dọa sự sống của cả hành tinh xanh, làm cho các bậc thức giả, kẻ có lương tri, đã lên tiếng báo động S.O.S. Tâm bi cần có mặt trong lúc này hơn lúc nào hết để hành động, để san sẻ, cảm thông, cứu giúp.
Điều đáng mừng là ngày nay với nền văn minh tin học hiện đại, kinh tế toàn cầu, đã làm cho các quốc gia xích lại gần nhau chỉ trong mấy nút bấm. Các lục địa giàu đã biết đưa mắt nhìn qua các lục địa đói khổ, và tìm cách giúp cho những nơi này phát triển cơm áo (6). Các tổ chức hội đoàn từ thiện đã đi khắp năm châu bốn biển, và họ đã xem nhân loại, trái đất là ngôi nhà chung để cứu ứng và tương trợ lẫn nhau.
Tất cả đấy chỉ là hiện tướng một phần nào ở bên ngoài của tâm bi chứ chưa phải trọn vẹn, thực chất của tâm bi (7). Tuy nhiên, chừng ấy cũng đã quý lắm rồi!
Cuối cùng, điều ta cần biết rõ: Kẻ thù trực tiếp của tâm biác độc, tàn bạo. Nơi nào có ác độc, bạo tàn thì nơi ấy tâm bi bị đốt cháy, thiêu rụi. Kẻ thù gián tiếp của tâm bi là những giọt nước mắt bi lụy, sướt mướt, âu sầu, buồn bã. Tướng trạng của nó rất gần với tâm bi, hóa trang khoác áo tâm bi nên chúng ta rất dễ ngộ nhân.
Ôi! Đóa hoa tâm bi dịu dàng, mềm mại, thơm hương, tinh khiết dường bao giữa thế giới thiếu vắng trái tim, ác độc và bạo tàn này.
I. Phương pháp tu tập tâm bi.
Cũng tương tự như tu tập tâm từ, không phải cứ có lòng trắc ẩn, bi mẫn với chúng sanh, thương cảm trước nỗi khổ của chúng sanh là có được bi vô lượng. Nó là đề mục thiền định nên phải có phương pháp tu tập, tuần tự thứ lớp thực hành, nhiệt tâm và tinh cần mới khả dĩ an trú bi tâm được. Nói rõ hơn, ta phải kinh qua các giai đoạn sau:
- Loại các chướng ngại ra khỏi tâm.
- Những đối tượng chưa nên rải tâm bi.
- Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm bi.
- Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm bi.

1. Loại các chướng ngại ra khỏi tâm

Nếu nóng nảy, ganh ghét, hung dữ, trái ý, nghịch lòng, bất mãn... (sân ít, vừa phải) là chướng ngại của tâm từ, thì bạo tàn, độc ác, thù hận (sân nhiều, bộc phát mạnh) là chướng ngại của tâm bi. Vậy muốn tu tập tâm bi, việc đầu tiên là phải thu dọn, loại trừ các trạng thái tâm lý chướng ngại ấy ra khỏi tâm.
Phải niệm tưởng rằng: "Độc ác, bạo tàn, thù hận là mũi tên tẩm độc, là ung nhọt mưng mủ, là cục bướu gớm ghiếc, là lửa nóng địa ngục. Chính chúng làm dơ bẩn tâm ta, làm uế trược tâm ta. Chính chúng là thủ phạm thiêu đốt mọi thiện pháp, cản trở sự tiến bộ tinh thần, tàn hại, hủy diệt mình và nhiều sinh chúng khác. Nơi nào có ác độc, bạo tàn là nơi ấy giết chết bi tâm. Vậy ta phải làm cho chúng lắng dịu, vắng mặthạnh phúc an vui cho mình và người".
Chính nhờ sự niệm tưởng, nghĩ tưởng hoài như vậy, ác độc, bạo tàn, thù hận (nếu có) mỗi ngày mỗi giảm nhẹ, lắng dịu; và đến lúc nào đó, chúng sẽ biến mất. Chính ở đây, từ trạng thái tâm hòa bình, an ổn, trong sáng, vắng lặng này; ta bắt đầu "hạ thủ công phu" để tu tập tâm bi vô lượng.

2. Những đối tượng chưa nên rải tâm bi

Là những đối tượng sẽ không thích hợp với trạng thái tâm tu tập sơ khởi của bi. Những đối tượng này sẽ làm cho tâm bi không thể hiện khởi, phát triển, trái lại có thê tạo phản ứng nghịch làm cản trở sự tu tập. Cũng có thể, nếu kiên trì sẽ thành công nhưng phải trải qua thời gian dài lâu, và nếu vậy sẽ không có lợi cho sự an trú tâm vào buổi đầu.
Sau đây là những đối tượng chưa nên rải tâm bi.
- Những người thân như cha mẹ, vợ chồng, anh em, quyến thuộc...
Tại sao, đầu tiên, những đối tượng này không phù hợp cho tâm bi? Ta phải biết rằng, đây là những người ta hằng yêu mến, nếu lấy họ làm đối tượng để khởi phát tâm bi thì ta dễ sai phạm biến từ thương xót ra thương yêu. Từ thương yêu sẽ biến thành luyến ái buộc ràng, vô tình ta tạo thêm chướng ngại đồng dạng khác rất nguy hiểm vậy. Là những người thân, ta hãy giữ nguyên địa vị họ là những người thân. Cứ để y như vậy đã.
- Những người bạn rất thân.
Tuy không trở ngại nguy hiểm như đối tượng trên, nhưng nó cũng dễ sinh ra sự thương luyến, là bà con với ái luyến, nhưng cường độ nhẹ hơn một chút mà thôi. Và khi từ thương xótbiến thành thương luyến là ta đã đi sái ngoài phạm trù của tâm bi rồi. Đấy là một chướng ngại. Đối với những người bạn rất thân, ta hãy giữ nguyên họ là những người bạn rất thân. Cứ để y như vậy đã.
- Những người dửng dưng.
Vì là người dưng, nước lã hoặc những đối tượng ta dửng dưng thì quả là rất khó cảm qua cái nhìn ban đầu. Đã là khó cảm thì rất khó khởi tâm thương xót. Nếu lấy những đối tượng này mà tu tập, lâu ngày không thấy tiến bộ dễ sinh nản chí. Khi mà nản chí thì lòng tin (8) dễ lung lay, nhiệt tình sẽ nguội lạnh, khá nguy hiểm vậy. Đối với những người dửng dưng ta hãy giữ nguyên vị trí họ là những người dửng dưng. Cứ để y như vậy đã.
- Những người dễ ghét, khó ưa.
Với loại đối tượng này mà khởi tâm bi, xem chừng sẽ bị phản ứng nghịch. Vừa để tâm vào đề mục, thương xót không khởi lên, mà âm ỉ trong lòng những bực bội, khó chịu, bất bình, tức giận... cứ muốn bùng lên. Những trạng thái tâm lý ấy là thuộc tính của tâm sân. Và khi mà sân có mặt thì đấy là môi trường chẳng thuận lợi chút nào cho tâm bi nảy mầm, xanh lá. Vậy hãy để nguyên vị trí người dễ ghét, khó ưa ở đấy, khoan hướng tâm đến vội.
- Người mà ta thù oán.
Nếu lấy đối tượng người dễ ghét, khó ưa... thì sân chỉ âm ỉ trong lòng; nhưng đối tượng là người ta thù oán thì sân sẽ bộc phát dữ dội; và nó sẽ giết chết tâm bi ngay tức khắc. Đấy chẳng khác gì ta muốn gieo hạt hoa ở trong đống lửa. Hoặc như ta đốt một đống than hồng để mong hứng được mấy giọt sương trời! Việc làm ấy vô ích như thế nào thì tu tập tâm bi với đối tượng ta thù oán cũng tương tự thế. Hãy để nguyên vị trí đối tượng này như vậy đã.
- Là người khác giới tính.
Cũng như từ tâm, bi tâm mà hướng đến đối tượng này thì những trạng thái tâm lý như thương yêu, trìu mến, luyến ái sẽ giả dạng thương xót để có mặt trong tâm hành giả. Rất nguy hiểm.
- Với người đã chết.
Tương tự như từ tâm, sẽ không có hiệu quả.

3. Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm bi

Trước tiên, tâm bi dễ dàng khởi lên đối với những người kém may mắn, khốn khổ, bất hạnh; những người đói cơm, rách áo; những người tật nguyền cụt hết tay chân, bị phong cùi khoét sâu mặt mũi, những người mụn ghẻ, ung bướu lở loét hôi hám, ruồi nhặng bu đầy, những người lê lết tấm thân tàn nơi quán chợ, sân đình... Với những đối tượng ấy, tâm bi sẽ khởi lên: "Khốn khổ, bất hạnh thay là người này, cầu mong cho y sớm thoát khỏi sự thống khổ, đau đớn".
Sau những đối tượng khốn khổ, bất hạnh nêu trên, bi tâm có thể hướng đến những người do tham ác mà phải gánh chịu hậu quả tra tấn, tù đày, ngục hình, xử trảm... Bi tâm sẽ niệm tưởng: "Thương xót thay là những người này, do ngu si, tham ác, thiểu trí... đã tạo tác những hành động bất thiện, bây giờ phải bị trả quả báo ác nghiệp. Cầu mong cho chúng sớm thoát khỏi tội hình".
Thứ đến, lòng trắc ẩn cũng dễ dàng khởi sanh với những người do cờ bạc rượu chè mà thân tàn ma dại; do xì ke, nghiện hút mà sống vật vờ như hình ma, xác quỷ. Rồi đến những đối tượng bị nhiễm HIV, những người mắc bệnh tứ chứng nan y, những người sống trác táng, sa đọa, những tên trộm cắp, giết người...
Khi bi tâm đã bao trùm khá rộng rãi như thế, và hành giả cảm nhận rằng, chẳng có một vướng mắc nào, chẳng có một chướng ngại gì ngăn trở, tâm bi có thể khởi đến một số đối tượng khác:
- Những người do tà mạng, ác hạnh mà có được của cải, tài sản...
- Những người do mưu mô thâm độc, xảo trá mà có được danh vọng, địa vị...
- Những người do mưu mô xảo quyệt, gian trá, lừa gạt, thủ đoạn mà được nhiều lợi lộc, gia sản, tiên nghi vật chất...
- Những người do tham nhũng, hối lộ, làm ăn phi pháp, bất chánh... mà có được đời sống "vinh thân phì gia"...
- Những người có lòng dạ tiểu nhân, do nịnh nọt, cúi luồn, bợ đỡ... mà có được sự nghiệp, quyền lực...
Sau những đối tượng ấy, tâm bi còn bao trùm cả:
- Những thiện nhân, những người lành tốt nhưng bắt đầu bị phá sản (9) về sức khỏe, phá sản về quyến thuộc, tài sản, phá sản về danh vọng, địa vị...
- Những người đang say đắm vật chất, vinh hoa...
- Những người mải mê săn đuổi tham vọng, quyền lực...
- Những người ngu si, cuồng tín...
- Những người hiếu sát, bạo tàn...
- Những người vô luân, phi đạo đức, bất tín, bất nghĩa...
- Những người theo tà kiến, hiện sinh, tà giáo, hư vô chủ nghĩa...
Đến đây, tâm bi đã lớn rộng, quảng đại lắm rồi, nên dễ dàng bao trùm luôn các đối tượng sau - mà trước đây ta rất khó vượt qua:
- Bản thân mình.
- Cha mẹ, vợ con, anh em cùng thân bằng quyến thuộc.
- Bạn rất thân.
- Người dửng dưng.
- Người dễ ghét, khó ưa.
- Người mình căm thù.
- Người khác giới tính.
Điều cần lưu ý là từ đối tượng này sang đối tượng khác, luôn phải phá vỡ hàng rào ngăn để không còn khoảng cách nào, rồi tu tập tướng tâm bi ấy cho đến lúc hoàn hảo, sung mãn.

4. Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm bi

Tâm bi cũng là đề mục tu tập thiền định như tâm từ, nhưng có điều khác với tâm từ.
tâm từ, "cầu mong hạnh phúc, an lành cho mình và cho người khác". Vậy, mình và người khác nằm chung một lời cầu mong, một niệm tưởng. Tâm bi không như thế. Tâm bi khởi tâm thương xót đến người khác, nhưng trong đó không có khởi tâm đến bản thân mình. Bản thân mình cũng là một đối tượng cho tâm bi, nhưng là đối tượng riêng lẻ, riêng biệt, độc lập, theo tuần tự thứ lớp như đã trình bày ở trên.
tâm từ, ban đầu dường như rải đến cho hai đối tượng, nhưng khi ta và người đã xóa mờ khoảng cách, sự phân biệt, rào ngăn không còn nữa, chỉ còn hiện hữu một tướng của tâm từ trong không gian nhất như (10). Từ nhất tướng tâm từ ấy hành giả đi vào nhất tướng tâm định.
Tâm bi chỉ có một tướng nên dễ chuyên nhất, dễ an trú hơn, nhưng muốn tu tậphiệu quả để được sung mãn tướng tâm định, ta phải biết tuần tự thứ lớp đi theo các loại đối tượng và tuần tự thứ lớp các giai đoạn.
4.1. Giai đoạn 1
Ví dụ, tâm bi lựa chọn một đối tượng khốn khổ, bất hạnh: là người cụt cả 2 chân, 2 tay.
Đầu tiên, ta nghĩ đến người ấy, tức khắc người ấy hiện ra (11). Ta quan sát (dĩ nhiên là do tưởng tạo thành) 2 chân, 2 tay của người ấy rồi niệm tưởng rằng: "Ôi! Khốn khổ thay! Bất hạnh thay! Vậy thì bạn sẽ ăn uống, đi đứng, đại tiểu tiện ra làm sao? Chẳng rõ bạn bị nghiệp gì mà chịu quả kinh khiếp như thế. Cầu mong sao cho bạn sớm thoát khỏi ác báo thống khổ này".
Với sự nghĩ tưởng chân tình như thế, trái tim hành giả sẽ bắt đầu xao xuyến, rung động, rồi môt niềm thương xót vô bờ tràn ngập tâm tư hành giả. Và lúc ấy chỉ hiện hữu duy nhất cảm xúc ấy thôi. Ở đây nhất tướng tâm bi đã hình thành. Từ nhất tướng tâm bi ấy, hành giả nhiệt tâm tinh cần an trú mãi, 5 triền cái sẽ lần lần lắng dịu và 5 thiền chi sẽ lần lượt xuất hiện. Nói theo Thanh Tịnh Đạo, hành giảthể đạt cận hành định hoặc an chỉ định ở giai đoạn này.
4.2. Giai đoạn 2
Đến đây, tâm bi bắt đầu từ bỏ phạm vi nhỏ hẹp, giới hạn để mở rộng, hướng tâm đến những đối tượng đáng xót thương khác (như mục 3).
Khi một đối tượng được tâm bi bao trùm, được an trú nhất tâm, đến chỗ cận hành hoặc an chỉ, hành giả mới có thể dời sang đối tượng khác. Cứ tuần tự tu tập viên mãn từng đối tượng như vậy cho đến lúc tâm bi với không gian xung quanh đã được nới rộng, mỗi lúc mỗi được củng cố, tăng trưởng.
4.3. Giai đoạn 3
- Vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi, mở rộng bao giờ đến những đối tượng người dễ ghét, khó ưa, người mình căm thù, người khác giới tính... mà tâm bi vẫn không bị chướng ngăn, trở ngại hoặc phản ứng nghịch thì tướng tâm bi vô lượng đã bắt đầu hình thành.
Từ tướng tâm bi vô lượng sơ khởi này, hành giả hướng tâm đến phương đông, bao trùm tất thảy những chúng sanh đáng thương xót ở phương đông. Đến lúc tất thảy chúng sanh ấy đều được bao trùm bởi nhất tướng tâm bi, hành giả an trú trên nhất tướng tâm bi ấy để đi vào cận hành hoặc an chỉ định. Rồi cứ thế... phương nam, phương tây, phương bắc... cho đủ 10 phương. Chính ở đây, hành giả đã làm cho sung mãn bi vô lượng, không hận, không sân, cao cả, vô giới hạn vậy. Hành giả càng lúc càng thuần thục với bi vô lượng, đạt sơ thiền có tầm có tứ, bỏ tầm sang nhị thiền, bỏ tứ sang tam thiền, bỏ hỷ sang tứ thiền (hệ thống ngũ thiền). Và tứ thiền là mốc cuối cùng của bi vô lượng, không thể sang ngũ thiền được (12).

II. Phước báu cùng sự lợi ích của người tu tập tâm bi

- Nếu từ là cho vui, thì bi là cứu khổ. Có người do duyên, nghiệp, tâm cảm, sở thích, cá tính... cho vui là dễ nhưng cứu khổ lại khó. Hoặc ngược lại. Tuy nhiên, tu tập từ hay bi tương tợ nhau, cả hai đều có cùng một đối trị là tâm sân, chỉ khác là cường độ mạnh, yếu khác nhau mà thôi. Khi thành tựu từ hay bi vô lượng, hành giả dường như đều cảm nhận chung một làn khí mát mẻ chan hòa cả không gian, người, vật và cây cỏ. Đấy là năng lượng bình đẳng, nhất như của từ bi vô lượng.
Do vậy, phước báu và lợi ích của bi vô lượng tương tự từ vô lượng, có đầy đủ 11 phước báu tương tự nhau.
Bèn có thơ rằng:
"- Bi hoa thơm ngát, dịu hiền
Thường hay rung động giữa miền biển dâu
Xót thương sớt khổ, chia sầu
Bi vô lượng, kinh cầu trong tâm".

 C. TÂM HỶ (MUDITĀ)

Trạng thái tâm tốt đẹp, thanh lương, cao cả, cao thượng thứ ba của vô lượng tâmtâm hỷ.
Hỷ, đơn giản là mừng vui, ai cũng hiểu rồi, nhưng chắc hẳn không phải là những mừng vui quá thô lậu và quá trần tục. Nó là mừng vui thanh cao, thiện hiền, trong sáng. Nó dịu dàngtinh khiết như nụ hoa hàm tiếu vui với giọt sương xanh trên đầu núi. Nó trong lành và thanh thoát như những hạt nắng reo vui trên ngàn lá. Nó đôn hậu, thuần hậu, chân tình, thủy chung như ánh trăng bên mái cỏ của bậc ẩn sĩ Muni.
Như vậy, hỷ là mừng vui nhưng là mừng vui nhẹ nhàng, vô nhiễm, thanh khiết, vắng mặt bóng tối của tư kỷ, vị kỷ, tham sân; vắng mặt các yếu tố, điều kiện của thế giới vật dục lắm bụi bặm và nhiều phiền não ở bên ngoài.
Thế gian mừng vui là vì có vợ hiền, con thảo, đoàn tụ gia đình, trúng độc đắc, xây nhà cao cửa rộng, sắm xe cộ, ti vi, tủ lạnh, đỗ đạt, thành tựu danh vọng, địa vị, sự nghiệp... Tất cả sự vui mừng ấy là cái có thật trên thế gian, cần thiết cho thế gian, hạnh phúc cho thế gian. Nhưng Bậc giác ngộ thì thấy rõ tính chất giả tạm, phù du của chúng. Tất cả sự mừng vui ấy thường phụ thuộc vào các yếu tố, điều kiện ngoại lai... nên chúng bấp bênh, dễ tan, dễ vỡ... Nói cách khác, chúng là mừng vui được nương tựa bởi người khác hoặc bởi vật chất, tiền tài ở bên ngoài. Do vậy, chúng thô trược, thô tháo và ẩn chứa nhiều bụi bặm, gian truânphiền não.
Còn mừng vui trong Tứ vô lượng tâm, là hỷ, thì nhẹ nhàng và thanh cao hơn nhiều. Hỷ vô lượngnăng lực tự có, từ bên trong, không nương nhờ các điều kiện phụ tùy từ thế giới vật chất ở bên ngoài. Nó là một năng lượng mát mẻ tuôn tràn từ một nội tâmtu tập; một nội tâm đã làm cho lắng dịu mọi tham dục, sân hận, bất bình, oán ghét, ganh tỵ (13), xan lẫn... Nó là kết quả của tinh thần do trải qua công phu thiền định lâu dài, do sự kiên trì không mệt mỏi, do sự bền gan không nản chí. Tuy nhiên, nếu đã thành tựu từ và bi vô lượng thì hỷ vô lượng cũng dễ dàng an trú.
Mừng vui của hỷ vô lượng thường thâm sâu, dịu nhẹ. Nó từ chối sự vui suông, vui nhộn, vui vồ vập, vui ồn ã, vui hò hét, vui ha hả, vui đánh trống thổi kèn, vui lễ hội, vui tưng bừng, vui tiệc tùng chén chú chén anh, vui say sưa ngả nghiêng, vui nói cười rổn rảng...
Khác chút ít với từ và bi. Từ nhìn cuộc đời ở khía cạnh đáng yêu, và cầu mong cho hết thảy chúng sanh đều được an vui, tốt đẹp. Bi nhìn cuộc đời ở khía cạnh đáng thương, và cầu mong được chia sẻ, ủi an... tất cả nỗi khổ của chúng sanh. Hỷ nhìn cuộc đời ở khía cạnh đáng mừng trước sự thành công, thành đạt hoặc an vui, sức khỏe, may mắn, hạnh phúc của người khác.
Như vậy, kẻ thù xa của hỷ vô lượng là vui ồn ào, vui nhộn; kẻ thù gần của hỷ vô lượng chính là ghen tỵ, đố kỵ, ganh ghét, ganh tỵ...
Kẻ thù xa của hỷ ít nguy hiểm nhưng kẻ thù gần của hỷ thì nguy hiểm vô cùng. Chính ganh tỵ, ganh ghétkẻ thù trực diện luôn tìm cách giết chết hỷ vô lượng này. Chúng có sức phá hoại, tiêu diệt sự bình an, yên lành trên cuộc đời! Chúng là ngọn lửa âm i đốt cháy sự tương giao, hòa khí giữa nhân sinh. Cuối cùng, ganh ghét, đố kỵ làm cản trở bước tiến bộ quang minh của tinh thần. Người tu Phật, kẻ với ước mong chân chính và tha thiết thành tựu những phẩm tính cao đẹp của con người thì phải nhận diện cho rõ bóng dáng kẻ thù của hỷ vô lượng thường tiềm ẩn ở trong tâm. Muốn vậy, ta phải thật sự tự hỏi lòng rằng:
- Ta có cảm thấy khó chịu, bực tức khi người khác tài giỏi hơn mình?
- Ta có cảm thấy mừng vui khi bạn mình thành công tốt đẹp trong thi cử hoặc trên đường đời ?
- Thấy những người được thế gian tôn trọng, nể vì, ta có mừng vui cho họ hay không? Hay ta sẽ tìm cách nói xuyên tạc, bóp méo sự thật để hạ uy tín cho bỏ tức, cho hả tâm ganh tỵ thua người?
- Khi có người nhiều tiền, lắm của đang làm một phước sự to lớn, ta có thực sự vui chung niềm vui với họ chăng? Hay tự thâm tâm ta vẫn bực bội, khó chịu, ganh ghét?
- Thấy người khác có được tiền tài, nhà cửa, ruộng đất, vợ con hạnh phúc, danh vọng, địa vị, sự nghiệp vững chắc và thịnh mãn, ta thật sự vui mừng cho họ đã cảm thấy khó khăn. Nhưng nếu kẻ thù của ta mà được như vậy thì tâm lý ta sẽ diễn biến như thế nào? Đối với kẻ thù ta thường phỉ báng, nguyền rủa, căm hận, muốn cho y tán gia bại sản, thân tàn ma dại, muốn cho y bị tai nạn, rủi ro, tật nguyền, hình ngục... Đấy là tâm lý thường tình. Tha thứ, bao dung cho kẻ thù đã là tâm cao thượng. Nhưng vượt qua ganh tỵ, ghen ghét, vượt qua bao dung tha thứ để mừng vui hạnh phúc cho kẻ thù nữa là đạt được tâm hỷ vô lượng. Ấy mới là tâm tối thượng của định bậc cao này.
Quả thật, ganh ghét, ganh tỵ là tâm bệnh của nhân loại xưa nay. Gia đình này ganh tỵ với gia đình kia. Xã, thôn này ganh tỵ với xã, thôn khác. Dòng họ này ganh tỵ với dòng họ bên cạnh... Rộng hơn chút nữa là tôn giáo với tôn giáo, dân tộc với dân tộc... rồi cả châu lục này với châu lục kia, cả đông phươngtây phương... Và, cũng chính vì lòng ganh tỵ này mà chúng ngoại đạo tìm cách vu oan, giá họa đức Phật...
Là người Phật tử, phải thấy rõ sự nguy hiểm của lòng ganh ghét, ganh tỵ ấy. Trong phút chốc, chúng có thể hạ thấp phẩm giá con người, biến con người thành ti tiểu, hèn mọn. Chúng hủy diệt những đức tính thiện lương, có thể dẫn đến những hành động tội lỗi, độc ác, tàn bạo. Chúng tung rãi lầm than, bóng tối và khổ đau cho cuộc đời vốn đã ngập tràn thê lươngthống khổ này. Khi biết rõ ganh ghét, ganh tỵ nguy hiểm như thế, chúng ta phải tự thức, tự tri, tự chiếu soi để phát hiện. Khi nhìn thấy chúng đang xuất hiện, ta phải bình tĩnh để đừng hành động theo sự xúi giục của chúng. Chỉ có làm thế thôi là ta đã bắt đầu tu tập rồi vậy.
Rồi trong đời sống thường nhật, ta tập vui mừng với những người thành công, thành đạt, an lạc, hạnh phúc xung quanh ta. Ta tập sống với nét mặt hân hoan, thư thái, chung mừng, chung vui với bạn bè, hàng xóm, thôn ấp, láng giềng trong những lúc khánh hỷ, khánh thọ, tân gia, lạc thành... Tuy những hỷ này đang còn thô tháo, nhưng ít ra, chúng cũng loại trừ ra khỏi tâm những bực bội, khó chịu, ganh ghét... trước sự thành công, vui vẻ của mọi người xung quanh ta. Và đây là điều kiện thuận lợi cho ta tu tập hỷ vô lượng sau này.
Trái tim của tâm hỷ luôn đập một nhịp với tất thảy chúng sanh hữu phước. Đôi mắt xanh của tâm hỷ luôn nhìn thấy khía cạnh vui tươi, xinh đẹp của cuộc đời. Tuy nhiên, muốn đạt hỷ vô lượng phải trải qua công phu tu tập dài lâu tương tự từ và bi vậy. Mà đúng thế, những cái cao cả không bao giờ là quà tặng cho những kẻ tầm thường, tiểu nhân. Những phẩm chất ưu việt không dễ dàng có được cho kẻ ngu si, dốt nát, biếng lười. Những trạng thái tâm cao thượng luôn dành sẵn cho người thiện lương và bậc hiền trí.

I. Phương pháp tu tập tâm hỷ

Cũng tương tự như từ và bi vô lượng, hỷ vô lượngđề mục thiền định, phải trải qua giai đoạn tu tậpphương pháp:
- Loại các chướng ngại ra khỏi tâm.
- Những đối tượng chưa nên rải tâm hỷ.
- Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm hỷ.
- Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm hỷ.

1. Loại các chướng ngại ra khỏi tâm

Các chướng ngại chính của từ, bi và hỷ vô lượng đều là do tâm sân. Chướng ngại trực tiếp của từ là sân, ác ý, hung dữ, nóng nảy (gốc sân). Chướng ngại của bi là ác độc, bạo tàn (gốc sân). Chướng ngại của hỷ là ganh ghét, ganh tỵ (gốc sân). Do vậy, bước sơ khởi để tu tập hỷ vô lượng, hành giả phải niệm tưởng tương tợ từ và bi:
"- Ganh ghét, ganh tỵ... là mụn nhọt, là mũi tên tẩm độc, là cục bướu mưng mủ, là lửa nóng địa ngục... Chúng thiêu đốt mọi thiện pháp, giết chết hỷ tâm, cản trở sự tiến bộ tinh thần, tàn hại và hủy diệt ta và mọi người xung quanh. Vậy ta phải làm cho chúng yên lặng, vắng mặt; loại chúng ra khỏi tâm vì hạnh phúc, an vui cho mình và người".
Chính nhờ sự niệm tưởng, nghĩ tưởng như vậy mãi; thời gian sau, ganh ghét, ganh tỵ (nếu có) lần hồi sẽ được lắng dịu. Từ đây ta bắt đầu dụng công tu tập hỷ vô lượng.

2. Những đối tượng chưa nên rải tâm hỷ

Theo cách hiểu, tương tự như từ và bi, đây là những đối tượng sẽ gây cản trở ban đầu cho hỷ tâm.
Tuy nhiên, riêng hỷ tâm thì chỉ cần nên tránh các đối tượng đầu tiên là: những người mà mình thương mến như cha mẹ, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc.
Vì những đối tượng này dễ phát sanh ái luyến, trở ngại cho tâm hỷ. Riêng những người bạn rất thân thì đặt sang đối tượng đầu tiên nên rải tâm hỷ. Các đối tượng còn lại sẽ tuần tự, thứ lớp như tâm bi (chưa nên rải).
- Những người dửng dưng, thờ ơ, không thương không ghét.
- Người mà ta thù oán.
- Người khác giới tính.
- Người đã chết.

3. Tuần tự thứ lớp những đối tượng nên rải tâm hỷ

- Người bạn tốt, người bạn ta hằng thương mến, quý trọng.
- Những người ta yêu mến như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, thân bằng quyến thuộc.
- Những người dửng dưng, thờ ơ...
- Những người dễ ghét, khó ưa.
- Người mà ta thù oán.
- Người khác giới tính.
Từ đối tượng này sang đối tượng khác cũng phải phá vỡ hàng rào ngăn tương tợ từ và bi.

4. Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm hỷ

Đối với từ, ta và người nằm trong một lời cầu mong, lời tưởng niệm. Đối với bi, ta là đối tượng sau cùng và các đối tượng đều độc lập. Đối với hỷ, bản thân ta không phải là đối tượng, và các đối tượng khác đều độc lập như bi.
Lời cầu mong, ước nguyện để phát sanh tâm hỷ, như sau: "Ôi! Thật vui, thật tốt, thật tuyệt vời sao là sự hạnh phúc, an lạc của bạn ta, một con người tốt bụng. Cầu mong sao cho bạn ta mãi được hạnh phúcan lạc như thế."
Giả dụ người bạn tốt ấy trong quá khứ được hạnh phúc, an lạc, nhưng bây giờ thì bị phá sản về mọi mặt, cũng có thể khởi tâm hỷ: "Ôi! Trong quá khứ, anh ta hằng vui vẻ, đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, xênh xang xe ngựa. Cầu mong trong tương lai, anh ta lại được hưởng an lạc, hạnh phúc như cũ."
Niệm tưởng nhiều lần, rất nhiều lần như thế, hỷ tâm sẽ khởi sanh; hành giả an trú vào nhất tướng tâm hỷ để đi vào cận hành và an chỉ định. Sau đó, tiếp tục sang đến đối tượng khác. Khi tất cả đối tượng đã được bao trùm rồi, ta làm sao cảm nhận được, giữa ta với một người ta thân, một người ta dửng dưng, một người ta ghét, một người ta thù, đều bình đẳng giống nhau, không phân biệt, đều nằm trong nhất tướng hỷ tâm vô lượng.
Cuối cùng, hỷ tâm cũng phải được rải đều khắp đông, tây, nam, bắc... rồi đến mười phương. Các tầng thiền cũng tương tự từ và bi, nghĩa là chỉ đạt đến đệ nhị thiền (trong hệ thống tứ thiền) và tam thiền (trong hệ thống ngũ thiền). (14)

II. Phước báu cùng sự lợi ích

Từ, bi và hỷ cùng một kẻ thù gần là gốc sân, cùng một kẻ thù xa là gốc tham. Và lúc tu tập làm yên lặng tham và sân rồi, hành giả sẽ cảm nhận được một làn khí mát mẻ, trong lành, yên tịnh tương tợ nhau. Do đó, phước báu cũng tương tợ nhau. Tu tập hỷ vô lượng khó hơn từ, bi vô lượng nên phước báu cũng cao hơn, thù thắng hơn.
Bèn có thơ rằng:
"- Hỷ hoan khóm trúc reo ngàn gió
Hoan hỷ hoa cười, nụ tiếu tâm
Vô lượng hỷ tâm, tâm đại lượng
Tình này cao cả nhất thiên, nhân".

 D. TÂM XẢ (UPEKKHĀ)

Trạng thái tâm cao cả, cao thượng, cao sáng, thanh lương, nhẹ nhàng nhất trong Tứ vô lượng tâm chính là tâm xả (upekkhā).
Upekkhā có hai ngữ căn upa và ikkha; upa nghĩa là đúng đắn, vô tư, quân bình, và ikkha là lập tâm, nhận định, trông thấy. Vậy, upekkhā là để tâm quân bình, vô tư, không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng như không bất mãn trước tất cả những tình huống của cuộc đời. Tâm xả ví như lá sen, nó không hề giữ lại mà làm trượt đi tất cả những giọt nước dù dơ dù sạch ở bất kỳ đâu rơi đến.
Upekkhā chính là tâm tự tại, an nhiên trước nghịch cảnh, trước những lời phỉ báng, nguyền rủa, khinh rẻ, chỉ trích của người khác. Và, nó cũng bình thản, điềm nhiên trước hạnh phúc, may mắn; lời tán dương, khen ngợi... của mọi người đối với chính mình. Nói tóm, là trước những những thành bại, được mất, hơn thua, khen chê, vui khổ... tâm upekkhā vẫn điềm nhiên và bình lặng như mặt đất. Nó vững chắcan định như tảng đá to sừng sững trước bão to gió lớn. Như một đoạn kinh văn sau đây:
"- Trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm; ta phải giữ tâm bình lặng như đất. Trên đất ta có thể quăng bất luận vật gì dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu dơ... đất vẫn trơ trơ, không giận, không thương, không buồn, không bực..."
Hoặc, câu Kinh Lời Vàng:
"- Ví như tảng đá kiên trì,
Gió cuồng tám hướng dễ gì chuyển lay
Tiếng đời chê dở khen hay
Không làm chao động đôi mày trí nhân".
Trí nhân ở đây là bậc có tâm xả vô lượng vậy.
Ngoài ra, đời sống đức Phật là một tấm gương mẫu mực, rạng ngời về tâm xả. Ngài là vị giáo chủ được người đời tán dương, tôn kính, sùng mộ đệ nhất. Nhưng Ngài cũng là người bị ngoại đạo chỉ trích, đả kích, sỉ nhục, lăng mạ, vu oan giá họa hơn bất cứ ai trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, trước cảnh thuận hay nghịch, tâm Ngài luôn an bình, trầm ổn, định tĩnh, giải thoát, ấy là nhờ xả vô lượng của Ngài đã thuần thục, viên mãn, toàn bích vậy.
Tuy nhiên, upekkhā là bình thản, tự tại, vô tư, cân bằng, trung chính, quân bình tuyệt vời... nhưng nó cũng dễ lầm lẫn, đồng tướng với thờ ơ, lạnh lùng, dửng dưng, nguội lạnh, vô tình, vô cảm, lãnh đạm... Xả vô lượng xem những trạng thái tâm vô cảm ấy là kẻ thù gián tiếp của mình. Còn có kẻ thù trực tiếp, trực diện của upekkhā chính là luyến ái. Vì do luyến ái mới phát sanh yêu ghét, phá vỡ sự bình ổn của tâm. Nơi nào có luyến ái nơi ấy không có upekkhā, nơi nào có lạnh lùng, vô cảm nơi ấy không có upekkhā. Người có upekkhā không bao giờ thiên chấp, nghiêng lệch, thiên vị hoặc để tâm phân biệt sai khác giữa các đối tượng giữa cuộc đời. Upekkhā là bậc hiền triết tịch mặc, đưa đôi mắt xanh trạm nhiên nhìn ngắm kẻ ác, người hiền, tên tội đồ và bậc thánh nhân, người giàu, kẻ nghèo, cùng đinh hay quý tộc... đều vô tư, bình thản như nhau. Giáo hội của đức Tôn Sư có mặt cả 4 giai cấp thời bấy giờ ở Ấn Độ, mà không có sự kỳ thị, phân biệt nào; như nước của trăm con sông đều hòa đồng giữa biển lớn, thì ở đấy, không hàm tàng khả tính của xả vô lượng hay sao?
Cuối cùng, chính văn và rốt ráo nhất, upekkhā là trạng thái tâm chỉ tu tập được ở trong một tầng định rất cao, rất sáng, rất nhẹ, rất thanh thoát. Nói cách khác, hành giả phải đạt đệ tam thiền với từ, bi, hỷ vô lượng một cách trọn vẹn thuần thục. Khi an trú với những định thiền từ, bi và hỷ vô lượng, vị ấy nghĩ:
- Tâm mình còn mong cầu sự an vui, hạnh phúc cho chúng sanh, thì tâm ấy còn rung động, dao động, còn lăng xăng và chưa thật sự an tịnh. Mặc dầu từ vô lượng đã làm cho lắng dịu nóng nảy, hung dữ, sân, ác ý... nhưng nó vẫn là một cảm thọ còn nặng nề, thô tháo...
- Tâm mình còn khởi tâm thương xót đến tất cả nỗi khổ đau, bất hạnh của chúng sanh thì tâm ấy còn rung động, dao động, còn lăng xăng và chưa thật sự an tịnh. Mặc dù bi vô lượng đã làm cho lắng dịu tất cả sự độc ác, thù hận, bạo tàn... nhưng nó vẫn là một cảm thọ còn thô tháo, nặng nề...
- Tâm mình còn mừng vui trước sự thành đạt, an vui và hạnh phúc của chúng sanh, thì tâm ấy còn rung động, dao động, còn lăng xăng và chưa thật sự an tịnh. Mặc dầu hỷ vô lượng đã loại bỏ các trạng thái tâm ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm... nhưng nó vẫn là một cảm thọ còn thô tháo và nặng nề...
Như vậy, từ, bi và hỷ vô lượng còn có bóng dáng của tham áingã chấp vi tế, còn những rung độngxao xuyến vi tế (15). Nhờ thấy rõ, biết rõ và kinh qua kinh nghiệm tu chứng bản thân, hành giả từ bỏ từ, bi, hỷ đệ tam thiền để tu tập xả vô lượngđệ tứ thiền (16).
I. Phương pháp tu tập tâm xả
Nhờ đã đi qua, thuần thục từ, bi, hỷ đệ tam thiền nên hành giả thường dễ dàng tu tậpan trú đệ tứ thiền. Phải đi qua các giai đoạn tương tự:
- Loại các chướng ngại ra khỏi tâm.
- Tuần tự, thứ lớp những đối tượng nên rải tâm xả.
- Những đối tượng chưa nên rải tâm xả.
- Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm xả.
1. Loại các chướng ngại ra khỏi tâm
Chướng ngại trực tiếp của xả vô lượngluyến ái, chướng ngại gián tiếp của xả vô lượng là vô cảm, lạnh lùng. Vậy trước khi tu tập xả vô lượng ta phải loại chúng ra khỏi tâm, bằng cách niệm tưởng như sau:
"- Luyến ái, thiên chấp là mũi tên tẩm độc, là ung nhọt mưng mủ, là cục bướu gớm ghiếc, là bụi bặm dơ uế... Chính chúng làm nặng nề, uế trược tâm ta. Chính chúng làm hoen ố các thiện pháp, cản trở sự tiến bộ và thăng hoa tinh thần. Nơi nào có luyến ái, thiên chấp, nơi ấy không có xả vô lượng..."
Cứ niệm tưởng, nghĩ tưởng như vậy nhiều lần, và nhờ đệ tam thiền từ, bi, hỷ vô lượng đã thuần thục, hành giả dễ dàng rời xa, lắng dứt luyến áithiên chấp.
2. Những đối tượng chưa nên rải tâm xả
Đầu tiên, nên tránh những đối tượng dễ phát sanh luyến ái, đó là:
- Những người mình hằng thương mến như cha mẹ, vợ chồng, anh em, bà con quyến thuộc.
- Những người bạn tốt, rất thân thương.
- Người khác giới tính.
3. Tuần tự, thứ lớp những đối tượng nên rải tâm xả
- Sau khi lắng dứt luyến ái, tâm dễ dàng bước qua cực đoan khác là vô cảm. Vì xả vô lượng đồng dạng với lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm ; nên đối tượng dễ dàng an trú tâm xả đầu tiên là những người không thân, không thù, không thương, không ghét; tức là những người ta hằng dửng dưng, vô tình.
Tiếp đến, những đối tượng ta nên rải tâm xả là như sau:
- Bạn tốt, người lành.
- Những người ta hằng kính mến, tôn trọng.
- Những người may mắn, hạnh phúc.
- Những người ruột thịt, vợ chồng, cha mẹ...
- Những người dễ ghét, khó ưa.
- Những người ta thù.
- Người khác giới tính.
- Bản thân ta.
4. Phương pháp tu tậptrưởng dưỡng tâm xả
Cũng tu tập, an trú xả vô lượng với từng đối tượng, từ đối tượng mình dửng dưng, lạnh lùng đến đối tượng cuối cùngbản thân ta. Khi xả vô lượng đã bình đẳng, nhất như đối với tất cả đối tượng, ta hướng đến đông, tây, nam, bắc... khắp 10 phương thế giới để mở rộng đến vô lượng, vô biên, không hận, không sân, trạm nhiên, thanh tịnh.
Xả vô lượng thuộc tứ thiền (hay ngũ thiền) nên phước báu của nó quảng đại và cao cả hơn từ, bi và hỷ vô lượng. Là một vị Phạm thiên tối thắngcõi trời Sắc giới tứ thiền vậy.
Bèn có thơ rằng:
"- Lá sen chẳng giữ giọt mưa
Đất kia dơ sạch, ghét ưa thản ngoài
Xả tâm, tịnh định tuyệt vời
Trạm nhiên, thanh thoát, nụ cười nhẹ không".
Kết luận,
Tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả là những trạng thái tâm an bình, cao cả, cần thời gian công phu hành trì nghiêm túc và miên mật. Để dễ ghi nhớ trạng tháitính chất của mỗi phạm trú, ta cần ghi nhớ câu chuyện sau đây:
"- Như người mẹ có bốn người con: một đứa bé dại, một đứa bị tật nguyền, một đứa thanh xuân khỏe mạnh, một đứa đã yên bề gia thất, sống an vui, ổn định.
Đối với đứa bé dại: Người mẹ mong con chóng ăn, chóng lớn, săn sóc nó từng li, từng tí với sự yêu thương, trìu mến. Đấy là biểu hiện của tâm từ.
Đối với đứa bị tật nguyền: Người mẹ hằng xót thương, để tâm đặc biệt hơn để lo lắng cho nó, mong nó giảm bớt đau khổbất hạnh. Đấy là biểu hiện của tâm bi.
Đối với đứa thanh xuân khỏe mạnh: Người mẹ thường mừng vui trước tương lai tươi đẹp của nó. Đấy là biểu hiện của tâm hỷ.
Đối với đứa đã yên bề gia thất, đời sống ổn định: Người mẹ thường không bận tâm đến đứa con nầy nữa, luôn giữ được sự thản nhiênan bình. Đấy là biểu hiện của tâm xả.
Trong dòng tâmdiễn tiến phức tạp của con người, nó tiềm tàng hai năng lực xung nghịch nhau: tham và sân. Con người bị hai năng lực này chi phối nên tạo tác nhiều hành động xấu ác.
Người tu tập từ vô lượng thì ngăn chặn, làm lắng dịu được sân, nóng nảy, hung dữ, ác ý...
Người tu tập bi vô lượng thì ngăn chặn, làm lắng dịu được hận thù, độc ác, bạo tàn...
Người tu tập được hỷ vô lượng thì ngăn chặn, làm lắng dịu được ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm...
Người tu tập xả vô lượng thì diệt trừ được ái luyếnthiên chấp, giữ được sự an bình, trạm nhiên trước nổi thăng trầm, được mất của cuộc đời.
Dung dưỡng cho tham sân lộng hành ta sẽ tích chứa cả một hầm thói hư tật xấu. Tu tập theo Tứ vô lượng tâm ta sẽ tích lũy cả một kho tàng đức hạnh. Muốn làm tên tội đồ hạ liệt hoặc bậc thánh nhơn cao cả với những phẩm tính tốt đẹptùy thuộc ở chính ta vậy.
Dầu ở quốc độ nào, tôn giáo nào, hấp thụ nền văn minh, văn hóa nào... ai cũng cần thiết bốn đức tính cao cả, mát mẻ và dịu hiền ấy. Vả chăng, nó vốn là tặng phẩm ngọt ngào, vô giá của đức Đại Từ, Đại Bi, Đại Hỷ, Đại Xả cho xã hội con người đã bị quá nhiều bóng tối, tang thương và khổ nạn nầy.


MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH

Chú thích:

(1) Brāhmavihāra: Phạm trú. Brahma là phạm, vị trí cao thượng. Vihāra: trú, phương pháp, lối sống, trạng thái phẩm hạnh.
(2) Brāhmacariya: Phẩm hạnh cao cả, thanh tịnh - hay dịch là Phạm hạnh.
(3) Tất cả cái gọi là "thể nhập", "đồng hóa", "chan hòa", "là một" ấy... dễ biến thành ngã hoặc đại ngã, là quan niệm của bà-la-môn giáo.
(4) Theo Thanh Tịnh Đạo.
(5) Theo "Thanh Tịnh Đạo" là như vậy, nhưng tam thiền trong hệ thống tứ thiền có thọ "lạc" vi tế hơn "từ", ngại rằng không tương ưng (Soạn giả).
(6) Dĩ nhiên, ngoại trừ những thế lực mưu đồ chính trị và kinh tế.
(7) Các bậc khoa học thức giả nói rằng: "Chẳng phải họ bi mẫn với người khác đâu, họ đang tự cứu mình." Các dịch nạn toàn cầu đều là hậu quả của nền văn minh công nghiệp cực thịnh. Họ cứu trái đất và con người chỉ là biện pháp tình thế để tự cứu mình và giải quyết hậu quả.
(8) Tin vào đề mục. Nếu tín này lung lay thì nghi khởi sanh, có nghi thì tứ (vitakka) không an trú.
(9) Phá sản: theo nghĩa rộng là tàn lụi, tiêu vong, mất mát, kiệt quệ, giảm sút, thua lỗ, đổ nát, họa hại, ly tán...
(10) Đây là khởi nguyên quan niệm: "Ta và chúng sanh là một", nhưng lưu ý đây chỉ là nắm vào nhất tướng tâm từ để đi vào nhất tướng tâm định. Tất cả đều do "tưởng" tạo thành. Nó là định, không phải tuệ.
(11) Tứ vô lượng tâm thuộc thiền Sắc giới - nên đề mục phải là cái có thật tương tự như đất, nước khi tu Kasina. Ở đây, người khốn khổ là sơ tướng, hiện ra trong tâm là thô tướng, chú tâm để thấy rõ ràngquang tướng.
(12) "Bi" thô tháo hơn "lạc", ngại không tương ưng với tam thiền.
(13) Có một số từ đồng nghĩa sau đây: Ghen tỵ: ghen vì thua người; đố kỵ: ghen ghét; ganh ghét: ganh và ghét; ganh tỵ : ganh ghét, tỵ hiềm.
(14) Vì "tứ thiền" đã bỏ hỷ (soạn giả)
(15) Lưu ý: Đây là "định" nên chỉ làm cho chúng lắng dịu, "tuệ" mới bứng nhổ tân gốc được.
(16) Lưu ý: Những hành giả với đề mục Kasina đất, nước... dẫu đạt đệ tam thiền, nhưng không thể từ đệ tam thiền ấy, tu tập Xả vô lượngđệ tứ thiền được. Xả vô lượng đệ tứ thiền chỉ để dành cho Từ, Bi, Hỷ đệ tam thiền (cùng đối tượng).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét