Trang

Trạng thái tâm (Sở hữu tâm) - Vi diệu pháp - TK Giác Chánh

Về môn học Vi Diệu Pháp thì quan trọng nhất là phần Sở hữu tâm (trạng thái của tâm), các kiến thức khác liên quan đến Vi Diệu Pháp có thể không cần biết (như Lộ trình tâm, Duyên hệ....) nhưng kiến  thức về Sở hữu tâm thì nên biết vì khi hành thiền Tứ Niệm Xứ, hoặc khi sống trong đời thì chúng ta luôn đối diện với các trạng thái tâm của chính chúng ta và người khác. Đây là bài đọc thêm, các bạn nên tìm hiểu để bổ sung kiến thức về hành thiền quán Tứ Niệm Xứ (thiền minh sát). Chúng ta nên chú ý là chúng ta đọc Vi Diệu Pháp để hiểu Kinh Nikaya chứ chúng ta không nên thực hành thiền theo Vi Diệu Pháp, mà chúng ta thực hành thiền theo Kinh (Kinh Đại Niệm Xứ...). Có một số trường phái thiền minh sát dạy thực hành thiền theo kiểu Vi Diệu Pháp, phân tích, phân biệt danh sắc chân đế lung tung....và kết quả là dẫn đến mơ hồ, trừu tượng, rắc rối, không thực hiện được và đi ngược lại với tính chất cụ thể, thiết thực hiện tại của pháp Giác Ngộ mà Đức Phật truyền dạy.  Tuyệt  đối không nên như vậy vì Vi Diệu Pháp không phải là Kinh, Đức Phật chỉ dạy Kinh chứ không dạy Vi Diệu Pháp. Phải hết sức cẩn thận như vậy. 


SỞ HỮU TÂM
Cetasika
Tâm thức không phải là một cá thể giản dị. Tâm thức là một sự tổng hợp của nhiều sở hữu tâm.
Thí dụ: trong 121 tâm được nói ở phần trước, những tâm giản dị nhất là Ngũ song thức (Nhãn thức, Nhĩ thức, tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức), những tâm nầy là những cảm giác thuần túy, không bị tiêm nhiễm ảnh hưởng bởi sự suy nghĩ trên đối tượng. Nhưng nếu chúng ta tìm xét kỷ sẽ thấy những tâm ấy gồm có 7 sở hữu biến hành (Xúc, thọ tưởng, tư, định, mạng quyền và tác ý). Bảy sở hữu nầy cùng khởi lên một lượt, không trước, không sau, chúng đồng biết một cảnh với tâm, đồng nương một căn với tâm, đồng sanh và đồng diệt với tâm. Ðó là định luật chung cho tất cả các sở hữu tâm. Sở hữu tâm gồm có 52 sở hữu và được phân loại như sau:

 

SỞ HỮU TỢ THA
Aññasamāna
Sở hữu tợ tha là những sở hữu không có đặc tính riêng biệt, chúng mang đặc tính của tâm mà chúng phối hợp; nếu hợp với tâm Thiện, thì đặc tính của chúng là Thiện; nếu hợp với tâm Bất Thiện, thì đặc tính của chúng là Bất thiện; nếu hợp với tâm Vô Ký, thì đặc tính của chúng là Vô Ký. Sở hữu tợ tha được chia ra làm hai loại:
I. Sở Hữu Biến Hành (Sabbacittasādhāranā)
Sở hữu biến hành là những sở hữu có mặt trong 121 tâm, không một tâm nào có thể thiếu các Sở Hữu này; gồm có 7 Sở Hữu:
1. Xúc (Phassa):
Chữ Phassa xuất phát từ ngữ căn Phas = xúc chạm. Sở hữu xúc là sự xúc chạm của chủ thể với đối tượng (về mặt vật chất hay tinh thần); sự xúc chạm của tâm với cảnh gọi là xúc (Ārambhaṃ Busatiti = Phasso). Căn, Trần (Cảnh) và Thức gặp nhau gọi là Xúc (Vatthu ca Viññāṇaṃ ca Ārambhaṃ phusa tīti = Phasso). Thí dụ: hai bàn tay chạm nhau phát ra tiếng kêu. Hai bàn tay như căn và cảnh, chỗ chạm nhau là xúc, tiếng kêu ví như tâm thức. Sở Hữu Xúc được phân làm sáu loại:
Nhãn Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Nhãn Thức do Mắt (Nhãn Căn) và Cảnh Sắc đối chiếu nhau).
Nhĩ Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Nhĩ Thức do Tai (Nhĩ Căn) và Cảnh Thinh đối chiếu nhau).
Tỷ Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Tỷ Thức do Mũi (Tỷ Căn) và Cảnh Khí đối chiếu nhau).
Thiệt Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Thiệt Thức do Lưỡi (Thiệt Căn) và Cảnh Vị đối chiếu nhau).
Thân Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Thân Thức do Thân (Thân Căn) và Cảnh Xúc (Ðất, Lửa, Gió) đối chiếu nhau).
Ý Xúc (là Sở Hữu Xúc hợp với Ý Thức khi Ý Quyền (Ý Căn) và Cảnh Pháp đối chiếu nhau).
Cho nên Pālī chú giải như sau:
- Chơn tướng của sở hữu xúc là sự chạm nhau.
- Phận sự của sở hữu xúc là tâm tiếp xúc với cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu xúc là tâm, căn và trần hợp lại.
- Nhân cần thiết của sở hữu xúc là có cảnh hiện ra.
2. Thọ (Vedanā):
Chữ Vedanā dịch là Thọ, xuất phát từ ngữ căn Vid = thọ lảnh. Thọ là trạng thái tiếp thu, cảm nhận đối tượng qua lục căn. Chính thọ đóng vai trò cảm nhận một kết quả Thiện hay Bất Thiện chớ không phải có một linh hồn cảm thọ. Nên có chú giải "hưởng cảnh gọi là thọ" (Vedayatiti = Vedanā). Thí dụ: như một người ra sức làm việc tạo nên tiền của, tài sản, sự nghiệp. Về sau, khi lớn tuổi, người đó sống thỏa thích với tài sản mà mình đã tạo. Thỏa thích với tài sản đã tạo ví như sở hữu thọ vậy. Thọ được chia làm năm thứ:
Thọ Khổ: là những cảm giác khó chịu vì không thích hợp với thân .
- Chơn tướng của thọ khổ là thân xúc chạm cảnh xấu (cảnh không hợp với thân như nóng quá, lạnh quá, chật chội, ..).
- Phận sự của thọ khổ là làm cho các pháp đồng sanh với nó khó chịu.
- Sự thành tựu của thọ khổ là thân đau đớn.
- Nhân cần thiết của thọ khổ là có thần kinh thân (da).
Thọ Lạc: là những cảm giác khoan khoái do sự thích hợp với thân.
- Chơn tướng của thọ lạc là thân xúc chạm cảnh tốt (cảnh vừa ý, hạp với thân).
- Phận sự của thọ lạc là làm cho các pháp đồng sanh với nó thích hợp.
- Sự thành tựu của thọ lạc là thân cảm thấy sung sướng, dể chịu.
- Nhân cần thiết của thọ lạc là có thần kinh thân.
Thọ Ưu: Là cảm giác buồn bực của tâm vì gặp cảnh bất như ý.
- Chơn tướng của thọ ưu là cách tiếp nhận nghịch cảnh.
- Phận sự của thọ ưu là chuyên bắt cảnh trái ý.
- Sự thành tựu của thọ ưu là tâm thổn thức.
- Nhân cần thiết của thọ ưu là có sắc ý vật (Hadayavatthu).
Thọ Hỷ: là trạng thái dễ chịu, an vui; tâm hân hoan, thích thú vì tiếp xúc cảnh ưa thích, hạp ý.
- Chơn tướng của thọ hỷ là cách tiếp nhận cảnh ưa thích.
- Phận sự của thọ hỷ là chuyên bắt cảnh vừa ý.
- Sự thành tựu của thọ hỷ là tâm hớn hở, vui mừng.
- Nhân cần thiết của thọ hỷ là thân tâm yên tịnh.
Thọ Xã: là cảm giác trung bình, không vui, không buồn, không ưu, không hỷ. Thọ phi Khổ phi Lạc.
- Chơn tướng của thọ xã là tiếp nhận cảnh một cách bình thản.
- Phận sự của thọ xã là tiếp nhận cảnh với tư cách vô tư.
- Sự thành tựu của thọ xã là tâm thản nhiên.
- Nhân cần thiết của thọ xã là không vui không buồn.
Sở Hữu Thọ được phân làm sáu loại:
a) Nhãn Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Nhãn Thức để tiếp nhận Sắc Trần qua Nhãn Căn).
b) Nhĩ Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Nhĩ Thức để tiếp nhận Thinh Trần qua Nhĩ Căn).
c) Tỷ Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Tỷ Thức để tiếp nhận Khí Trần qua Tỷ Căn).
d) Thiệt Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Thiệt Thức để tiếp nhận Vị Trần qua Thiệt Căn).
e) Thân Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Thân Thức để tiếp nhận Xúc Trần qua Thân Căn).
f) Ý Thọ (là Sở Hữu Thọ hợp với Ý Thức để tiếp nhận Pháp Trần qua Ý Căn).
3. Tưởng (Saññā):
Tưởng là sự chép nhớ các Pháp. Nhớ lại các Pháp đã qua hay nhận biết đối tượng hiện tại qua các kinh nghiệm của ký ức. Chữ Saññā xuất phát từ ngữ căn Sam + ñā nghĩa là biết. Biết đây là nhận biết đối tượng có trạng thái riêng biệt như màu xanh, trắng, đen, vàng, tím, ... Sự nhận biết ấy là biết cái đã biết. Chính sở hữu Tưởng giúp cho ta nhận biết một đối tượng mà lần trước ta đã nhận thức được xuyên qua các môn. Thí dụ: người thợ mộc nhận ra phiến gổ thuộc loại nào, mấy phân, mấy tất, ... nhờ vào dấu hiệu đã ghi trước trên phiến gổ đó. Ngoài ra, những điềm chiêm bao trong giấc ngủ hay những suy tính, dự định, mơ mộng đến các việc trong tương lai cũng là việc làm của Sở Hữu Tưởng.
Sở Hữu Tưởng được phân làm sáu loại:
a) Sắc Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng đến Cảnh Sắc (màu sắc, đồ vật, v.v...) mà trước kia Nhãn Thức đã thấy, đã biết.
b) Thinh Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng đến các âm thanh (Cảnh Thinh) mà trước kia Nhĩ Thức đã nghe, đã biết.
c) Khí Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng đến các mùi thơm hoặc thúi (Cảnh Khí) mà trước kia Tỷ Thức đã ngữi, đã biết.
d) Vị Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng đến Cảnh Vị (mặn, ngọt, chua, cay, đắng, v.v...) mà trước kia Thiệt Thức đã nếm, đã biết.
e) Xúc Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng đến Cảnh Xúc (cứng, mềm, nóng, lạnh) mà trước kia Thân Thức đã xúc chạm, đã cảm xúc.
f) Pháp Tưởng; tức là hồi tưởng, mơ mộng, suy nghĩ đến Cảnh Pháp (đối tượng của Ý Thức) mà trước kia Ý Thức đã ghi nhận, đã biết.
- Chơn tướng của sở hữu Tưởng là sự ghi chép, nhớ lại.
- Phận sự của sở hữu Tưởng là nhận biết đối tượng nhờ hồi tưởng lại sự vật đã được ghi nhận trong tiềm thức.
- Sự thành tựu của sở hữu Tưởng là nhớ được sự vật đã biết.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tưởng là có cảnh hiển bày.
4. Tư (Cetanā): Chữ Cetanā từ ngữ căn Cit = Suy tính. Sở hữu Tư phối hợp và đốc thúc các pháp đồng sanh tạo tác. Trong Thập Nhị Duyên Khởi (Paticcasammuppāda), sở hữu Tư gồm cả Hành (Sañkhāra) và Hữu (Bhava); trong Ngũ Uẩn, Hành Uẩn có đến 50 sở hữu (trừ sở hữu Thọ và sở hữu Tưởng), nhưng sở hữu Tư là quan trọng hơn hết; vì nó là trạng thái tính làm, quyết làm, cố tâm nên nó quyết định những hành động Thiện và Bất Thiện. Phật ngôn: " Cetanānaṃ Bhikkhavekammaṃ vadāmi = Nầy các Tỳ Khưu, Nghiệp là Sở hữu Tư ". Ðối với Dục giới tâm thì sở hữu Tư đóng vai trò chủ động đưa đến sự chất chứa các nghiệp. Ðối với Siêu Thế tâm, vì hướng đến sự diệt trừ các nghiệp nên sở hữu Tư ở đây không tạo thành nghiệp và được sở hữu Trí Huệ (Paññā) thay thế đóng vai trò chủ động. Trong các tâm Quả (Vipāka) dù sở hữu Tư có xuất hiện, nhưng không có ảnh hưởng vì các tâm Quả là những tâm thụ động nên không thể tạo nghiệp.
Sở Hữu Tư được phân làm sáu loại:
a) Sắc Tư: Sở Hữu Tư hợp với Nhãn Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Sắc.
b) Thinh Tư: Sở Hữu Tư hợp với Nhĩ Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Thinh.
c) Khí Tư: Sở Hữu Tư hợp với Tỷ Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Khí.
d) Vị Tư: Sở Hữu Tư hợp với Thiệt Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Vị.
e) Xúc Tư: Sở Hữu Tư hợp với Thân Thức để cố ý ghi nhận Cảnh Xúc (Ðất, Lửa, Gió).
f) Pháp Tư: Sở Hữu Tư hợp với Ý Thức để cố ý suy nghĩ, hồi tưởng, ghi nhận Cảnh Pháp.
- Chơn tướng của sở hữu Tư là điều hành, đôn đốc các pháp đồng sanh.
- Phận sự của sở hữu Tư là làm cho các pháp đồng sanh bắt cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Tư là điều khiển được các pháp đồng sanh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tư là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.
5. Nhất hành (Ekaggatā):
Còn được gọi là Ðịnh. Là sự gom tâm vào đề mục, an trụ tâm trên đối tượng. Sở hữu Nhất Hành nếu được trao đồi và phát triển sẽ tiến đến Ðịnh (Samādhi) và phát triển các loại Diệu Trí (Abhiññā). Ví như sức nóng mặt trời, nếu được một thấu kính gom lại sẽ phát ra lửa thiêu đốt các vật khác.
- Chơn tướng của sở hữu Nhất Hành là không loạn động trước đối tượng.
- Phận sự của sở hữu Nhất Hành là gom các pháp đồng sanh thành một.
- Sự thành tựu của sở hữu Nhất Hành là sự yên tỉnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Nhất Hành là thọ lạc.
6. Mạng quyền (Jīvitindriya):
Xuất phát từ ngữ căn Jìvita: Mạng; Indariyā: Quyền. Sở dĩ gọi là Mạng vì nuôi dưởng các sở hữu đồng sanh tồn tại đủ ba sát na tiểu (sanh, trụ, diệt); gọi là Quyền vì điều hành, cai quản các sở hữu đồng sanh. Nếu sở hữu Tư định đoạt các nghiệp, thì sở hữu Mạng quyền nuôi dưởng sở hữu Tư và các sở hữu tâm khác. Có hai loại sở hữu Mạng Quyền:
Danh mạng quyền (Nāma-Jīvitindariya): nuôi dưởng các tâm và tâm sở.
Sắc mạng quyền (Rūpa-Jīvitindariya): gìn giử sự sống cho các sắc pháp.
Như các loài thảo mộc được sống và tăng trưởng là nhờ nước nuôi dưởng; Nước ở đây là sở hữu Mạng quyền; còn các loài thảo mộc ví như các pháp đồng sanh (tâm, sở hữu tâm và các sắc pháp).
- Chơn tướng của sở hữu Mạng quyền là bảo tồn các pháp đồng sanh.
- Phận sự của sở hữu Mạng quyền là làm cho các pháp đồng sanh được tồn tại trong ba sát na tiểu.
- Sự thành tựu của sở hữu Mạng quyền là giữ các pháp đồng sanh tồn tại đến sát na diệt.
- Nhân cần thiết của sở hữu Mạng quyền là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.
7. Tác ý (Manasikāra):

Là gom thâu đối tượng làm thành cảnh cho tâm (Ārammanaṃ manasipatipādāyatīti: Manasikāra), là đưa tâm đến đối tượng. Chú ý: sở hữu Tác Ý khác với sở hữu Tầm (Vitakka). Trong khi sở hữu Tác ý là hướng tâm và các tâm sở đến đối tượng, thì sở hữu Tầm quăng tâm và các sở hữu tâm lên đối tượng. Như một ống viển kính gom thâu cảnh cho vừa tầm mắt để quan sát, thì sở hữu Tác ý cũng hạn chế đối tượng trên một khuôn khổ nào đó để tâm nhận thức.

- Chơn tướng của sở hữu Tác ý là hướng dẩn các pháp tương ưng (các Sở Hữu đồng sanh) bắt cảnh trọn vẹn.
- Phận sự của sở hữu Tác ý làm cho tâm phối hợp với cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Tác ý là là hướng tâm đến cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tác ý là phải có cảnh hiển bày.
II. Sở Hữu Biệt Cảnh (Pakinnakacetasika)
Sở hữu biệt cảnh là những sở hữu tâm chỉ có thể hợp với một số tâm nào đó mà thôi (không xuất hiện ở những tâm quả Dục giới vô nhân nhất là ở Ngũ song thức). Sở hữu biệt cảnh gồm có 6 sở hữu sau:
1. Tầm (Vitakka):
Từ ngữ căn Vi + takk nghĩa là suy nghĩ. Chữ này có sự sai biệt về ý nghĩa giữa Kinh tạng và Abhidhamma. Trong Kinh tạng, Vitakka có nghĩa là quan điểm tư tưởng. Trong Abhidhamma, Vitakka có nghĩa là dán áp tâm và các tâm sở lên đối tượng, nghĩa là tìm kiếm cảnh, đem tâm đến cảnh. Tuy Tầm chỉ là một tâm sở thông thường như các tâm sở khác nhưng trong thiền định thì Vitakka trở thành một tâm sở quan trọng (đệ nhứt chi thiền). Trong sơ thiền, Tầm được gọi là Appanāvitakka (appanā = an chỉ, an trụ). Trong Siêu thế Ðạo tâm (Lokuttara maggacitta), Vitakka được coi là Chánh tư duy (Sammā Sankappa), vì nó diệt trừ tà tư duy và dán áp tâm hành giả lên đối tượng Niết-Bàn.
Sở Hữu Tầm được chia làm sáu loại:
a) Sắc Tầm là trạng thái Nhãn Thức tìm đến Cảnh Sắc; hướng đến Cảnh Sắc.
b) Thinh Tầm là trạng thái Nhĩ Thức tìm đến Cảnh Thinh; hướng đến Cảnh Thinh.
c) Khí Tầm là trạng thái Tỷ Thức tìm đến Cảnh Khí; hướng đến Cảnh Khí.
d) Vị Tầm là trạng thái Thiệt Thức tìm đến Cảnh Vị; hướng đến Cảnh Vị.
e) Xúc Tầm là trạng thái Thân Thức va chạm Cảnh Xúc (Ðất, Lửa, Gió); tìm đến Cảnh Xúc.
f) Pháp Tầm là trạng thái Ý Thức hồi tưởng, suy tư đến Cảnh Pháp; hướng đến Cảnh Pháp. Như nghĩ đến người đã gặp, hoặc hoạch định chương trình sẽ làm, v.v..
- Chơn tướng của sở hữu Tầm là cách đem tâm đến cảnh.
- Phận sự của sở hữu Tầm là làm cho tâm hướng đến cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Tầm là tâm gặp được cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tầm là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.
2. Tứ (Vicāra):
Là sự tiếp tục dán áp tâm lên đối tượng, chăm chú quan sát đối tượng. Từ ngữ căn Vicar: gìn giữ cảnh, kềm tâm liền với cảnh (Vicaranaṃ: Vicāro), tức là tiếp tục dán áp tâm lên đối tượng mà Tầm đã dán áp. Thí dụ: Tầm như con ong bay đến cái bông; Tứ như con ong bay lượn quanh cái bông mà nó đã gặp. Tứ cũng là một chi thiền, nó diệt trừ được sở hữu Hoài Nghi (Vicikacchā).
Sở Hữu Tứ được chia làm sáu loại:

a) Sắc Tứ là trạng thái Nhãn Thức chăm chú quan sát Cảnh Sắc.
b) Thinh Tứ là trạng thái Nhĩ Thức lắng nghe Cảnh Thinh.
c) Khí Tứ là trạng thái Tỷ Thức ghi nhận Cảnh Khí; thưởng thức Cảnh Khí.
d) Vị Tứ là trạng thái Thiệt Thức ghi nhận Cảnh Vị; thưởng thức Cảnh Vị.
e) Xúc Tứ là trạng thái Thân Thức va chạm Cảnh Xúc; ghi nhận Cảnh Xúc.
f) Pháp Tứ là trạng thái Ý Thức quan sát, theo dõi Cảnh Pháp đang diễn ra trong Ý Căn.
- Chơn tướng của sở hữu Tứ là cách quan sát, chăm nom cảnh.
- Phận sự của sở hữu Tứ là làm cho tâm khắn khít với cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Tứ là tâm ràng buột với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tứ là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.
3. Thắng giải (Adhimokkha):
Xuất phát từ ngữ căn Adhi + muc nghĩa là quyết định "đúng hẳn cái này", lựa chọn, quyết đoán một cách khẳng định cũng như một vị quan tòa tuyên án môït vụ kiện.
- Chơn tướng của sở hữu Thắng giải là cách quyết đoán.
- Phận sự của sở hữu Thắng giải là làm cho tâm không lưởng lự.
- Sự thành tựu của sở hữu Thắng giải là cảnh được phân đoán.
- Nhân cần thiết của sở hữu Thắng giải là có cảnh cần phân đoán.
4. Cần (Viriyaṃ):
Là siêng năng, tinh tấn, cố gắng trước sự khó khăn. Như viên dũng tướng hằng lướt tới tiêu diệt đối phương để bảo vệ đoàn quân của mình, Cần bài trừ các ác pháp và nâng đở các thiện pháp. Cần là một trong năm pháp ngũ căn (Indriya) vì diệt trừ sự biếng nhát, cũng là một trong ngũ lực (Bala) vì không thể bị biếâng nhát lay động. Cần biến thành Tứ Chánh Cần (Sammappadhāna), là một trong 7 Giác chi (Sattabojjahanga), là Chánh Tinh Tấn (Sammāvāyāmo) trong Bát chánh đạo (Atthangi kamagga). Trong 37 pháp Bồ Ðề (Bodhipakkhiya), Cần chiếm hết 9 chi.
- Chơn tướng của sở hữu Cần là cách siêng năng, chịu đựng.
- Phận sự của sở hữu Cần là trợ sức cho các pháp đồng sanh.
- Sự thành tựu của sở hữu Cần là không lui sụt.
- Nhân cần thiết của sở hữu Cần là quán tưởng cảnh (khổ, sanh, già, bệnh, chết, bốn đường ác đạo, ...).
5. Hỷ (Pīti):
Chữ Pīti: Hỷ, Phỉ lạc. Từ ngữ căn Pī nghĩa là hoan hỷ, thích thú. Ðặc tánh của Hỷ là khiến cho tâm thích thú đối tượng. Sở hữu Hỷ còn được gọi là pháp Hỷ. Có 5 loại Hỷ là:
a) Tiểu Ðản Hỷ (Khuddaka pīti): sự hoan hỷ làm nổi da gà.
b) Sát na Hỷ (Khanika pīti): Sự hoan hỷ khởi lên nhanh như chớp.
c) Hải triều Hỷ (Okkantika pīti): Sự hoan hỷ dâng lên như sóng tạc vào bờ.
d) Khinh thăng Hỷ (Ubbega pīti): Sự hoan hỷ một cách nhẹ nhàng, khiến thân có thể bay bổng lên được.
e) Sung mãn Hỷ (Pharana pīti): Sự hoan hỷ thấm nhuần cả toàn thân như nước lụt tràn bờ.
Hỷ khác với Lạc và thường đến trước Lạc. Ðối với cảnh, Hỷ chỉ vui thích; còn Lạc thì thụ hưởng. Như một người khát nước, trông thấy bát nước thì vui mừng (Hỷ), khi uống vào thì cảm thấy thoải mái, dể chịu (Lạc). Hỷ được tìm thấy trong các tâm Thiện và Bất thiện.
- Chơn tướng của sở hữu Hỷ là sự mừng rở, sự phấn khởi.
- Phận sự của sở hữu Hỷ là làm cho thân tâm no vui.
- Sự thành tựu của sở hữu Hỷ là cách no lòng.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hỷ là phải có Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn và Thức Uẩn.
6. Dục (Chanda):
Chanda: Dục, từ ngữ căn chad: ao ước, muốn. Ðặc tánh của Dục là lòng ham muốn. Dục có ba loại:
a) Tham Dục (Kāmacchanda): Sự ham muốn ngũ trần (hoàn toàn bất thiện)
b) Tác Dục (Kattukamyatā chanda): chỉ là sự muốn làm, ý muốn làm (không phải là Pháp Thiện hay Pháp Bất Thiện).
c) Pháp Dục (Dhammachanda): Sự ham muốn chơn chánh; sự mong muốn tạo các Thiện Pháp. Chính tâm này đã khiến Thái tử Tất Ðạt Ða xuất gia.
- Chơn tướng của sở hữu Dục là hy vọng đạt được cảnh.
- Phận sự của sở hữu Dục là làm cho tâm mong mỏi.
- Sự thành tựu của sở hữu Dục là được cảnh do tâm muốn biết.
- Nhân cần thiết của sở hữu Dục là phải có cảnh đáng muốn (biết) được.
-ooOoo-
SỞ HỮU BẤT THIỆN
Akusalacetasika
Sở hữu bất thiện là những sở hữu chỉ hợp với các tâm bất thiện, gồm có 14 sở hữu tâm, được chia làm năm nhóm:
I. SỞ HỮU SI PHẦN:
Là những sở hữu làm cho Tâm mê mờ, thiếu sáng suốt (vô minh). Những sở hữu này được tìm thấy trong tất cả tâm bất thiện nên chúng còn được gọi là Sở Hữu Bất Thiện Biến Hành và bao gồm bốn sở hữu sau:
1) Si (Moha):
Moha xuất phát từ ngữ căn Muh: bị sửng sốt, si mê, mê mờ, vô minh. Pāøli có chú giải: Mê mờ trong cảnh gọi là Si (Ārammane muyhathi: Moho). Si là một trong ba pháp căn bản phiền não và hiện hành trong tất cả các bất thiện tâm. Si trái với trí tuệ, nên không hiểu được lý nhân quả và Tứ Diệu Ðế.
Si là sự đam mê trong cảnh tượng, như người ngủ mê tưởng giấc chiêm bao là sự thật; như sương mù che áng tầm mắt, không cho ta nhìn rỏ được các cảnh vật ở xa.

- Chơn tướng của sở hữu Si là mờ ám, không có trí tuệ.
- Phận sự của sở hữu Si là ngăn che sự sáng suốt. Không hiểu được thấu đáo.
- Sự thành tựu của sở hữu Si là tạo sự mờ ám, nhận thức sai đối với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Si là không khéo dùng tâm (tác ý sai lầm).
2) Vô Tàm (Ahirika):
Là không biết hổ thẹn khi làm điều ác (Na hiriyatina lajjiyati: Ahiriko), với sở hữu Vô Tàm, người ta có thể làm tất cả các điều tội lỗi (các ác pháp) mà không hề do dự. Không biết hổ thẹn với lương tâm.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Tàm là không ái ngại khi thực hiện các ác pháp.
- Phận sự của sở hữu Vô Tàm là làm tất cả các ác pháp.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô Tàm là tâm không lui sụt với cảnh tạo ác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Tàm là không biết tự trọng.
3) Vô Úy (Anottappa):
Không ghê sợ trước những hành động tội lỗi (Na ottappatīti: Anottappaṃ). Không biết hổ thẹn khi bị người khác chê cười. Như con thiêu thân bay vào lửa đỏ mà không sợ hải như thế nào, thì người Vô Úy cũng không hề sợ hải khi làm các pháp bất thiện như thế đó.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Úy là cách không ghê sợ khi thực hiện các ác pháp.
- Phận sự của sở hữu Vô Úy là làm tất cả các ác pháp.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô Úy là tâm không lui sụt với cảnh tạo ác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Úy là không tôn trọng kẻ khác.
4) Phóng Dật (Uddhacca):
Từ ngữ căn U (trên) + Dhu: giao động nổi lên. Phóng dật là trạng thái loạn động của tâm thức dễ bị cảnh trần chi phối. Như một đống tro, khi ném một hòn đá vào, bụi sẽ tung bay lên như thế nào; thì khi tâm bị cảnh kích thích, phóng dật sẽ khởi lên như thế ấy. Hoặc như mặt nước bị gió làm nổi sóng như thế nào, thì tâm phóng dật (ví như gió) sẽ làm tâm bất thiện bị giao động như thế ấy. Pāøli có chú giải: Sự loạn động gọi là Phóng Dật (Uddha tassabhāvo: Uddhaccaṃ). Phóng dật là một trong ngũ triền cái (Nivarana) và được Lạc (Sukha) thay thế trong Sơ thiền. Trong vài trường hợp đặc biệt, phóng dật đồng nghĩa với kiêu mạn.
- Chơn tướng của sở hữu Phóng dật là cách không an tịnh.
- Phận sự của sở hữu Phóng dật là làm tâm không thể an trụ lâu trên một cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Phóng dật là tâm hằng giao động.
- Nhân cần thiết của sở hữu Phóng dật là không khéo tác ý.
II. SỞ HỮU THAM PHẦN:
Là những Pháp làm cho Tâm bị đối tượng thu hút, dính mắc theo trần cảnh, muốm gom mọi vật làm sở hữu cho chính mình; những sở hữu này chỉ hợp với tâm tham. Gồm ba sở hữu sau:
1) Tham (Lobha):
Là sự ôm ấp, bám víu những cảnh xuất hiện hợp với lòng ái dục, hợp với sở kiến. Từ ngữ căn Lubh: ôm ấp, níu lấy; nên Pāøli có chú giải: Ham muốn gọi là tham (Ubbhatīti: Lobho). Khi gặp cảnh tốt đẹp thì tâm tham khởi lên, chấp trớc trần cảnh, luyến ái đối tượng, say đắm theo ngủ dục. Sở hữu tham có thể ví như một cục nam châm hút sắt.
- Chơn tướng của sở hữu Tham là cách bị cảnh thu hút.
- Phận sự của sở hữu Tham là làm tâm bị vướng mắc vào cảnh.
- Sự thành tựu của sở hữu Tham là không dứt bỏ cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tham là ưa gặp các pháp ràng buộc, hợp sở kiến.
2) Tà Kiến (Diṭṭhā):
Là hiểu sai sự thật. Từ ngữ căn Dit: thấy, nhận thức. Nhưng sự nhận thức ở đây là sai lầm, không đúng với sự thật. Thấy biết trái với sự thật, gọi là Tà Kiến (Micchā Passatīti: Diṭṭhi). Như một trái ớt cay mà lại cho là ngọt; coi thế gian là thường (thay vì vô thường), cho khổ não là an vui, cho vô ngã là hữu ngã (chơn tâm), coi bất tịnh là tịnh, ... những nhận thức kể trên được gọi là Tà Kiến vì không đúng với chơn đế.
Tà kiến khác với Si; vì trong khi Si che phủ đối tượng, thì Tà kiến là những nhận thức sai lầm trên đối tượng.
- Chơn tướng của sở hữu Tà Kiến là cách cố chấp vào những nhận thức (sở kiến) không đúng với chơn lý.
- Phận sự của sở hữu Tà Kiến là suy xét sai lầm.
- Sự thành tựu của sở hữu Tà Kiến là chấp cứng lấy sự sai lầm.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tà Kiến là không được gặp các bậc thiện tri thức.
3) Ngã Mạn (Māna):
Là kiêu ngạo, tự đắc, tự phụ; lúc nào cũng cho mình hơn người. Từ ngữ căn Man: kiêu ngạo, tự đắc, hay so sánh mình với kẻ khác. So sánh mình với người gọi là Ngã Mạn (Seyyomasmīti ādinā maññatīti: Mano).
- Chơn tướng của sở hữu Ngã Mạng là cách kiêu căn, tự phụ.
- Phận sự của sở hữu Ngã Mạng là làm cho được lừng lẩy.
- Sự thành tựu của sở hữu Ngã Mạng là cống cao, tự kiêu.
- Nhân cần thiết của sở hữu Ngã Mạng là phải có đối tượng để so sánh.
III. SỞ HỮU SÂN PHẦN:
Là những Pháp làm cho tâm nóng nảy, bực bội, khó chịu. Những sở hữu này chỉ thích hợp với tâm Sân. Gồm có bốn sở hữu như sau:
1) Sân (Dosa):
Từ ngữ căn Dus: phật ý, không bằng lòng. Khi có cảnh trái ý, nghịch lòng thì tâm Sân hay khởi lên. Nếu tâm Tham là sự gom vào, sự ôm ấp, gìn giữ đối tượng thì trái lại tâm Sân là sự đẩy ra, sự phá hoại, hủy diệt đối tượng. Sự hung ác, độc hại ... gọi là Sân (Saya meva dussatīti: doso). Sân là một trong ba căn bản phiền não.
- Chơn tướng của sở hữu Sân là cách nóng nảy, thô tháo.
- Phận sự của sở hữu Sân là làm cho tâm ta và tâm người nóng phừng lên.
- Sự thành tựu của sở hữu Sân là phá hoại.
- Nhân cần thiết của sở hữu Sân là cảnh bất như ý (do tác ý sai lầm).
2) Tật (Issa):
Là sự đố kỵ. Từ ngữ căn i + su: ganh ghét, tật đố. Như khi thấy có người giàu sang, thành công hơn mình thì sanh lòng ganh ghét, đố kỵ, ganh tỵ, vì không muốn người khác hơn mình; không muốn có người hơn mình gọi là Tật (Issayanā: Issā). Tật trái với Tùy Hỷ (Muditā).
- Chơn tướng của sở hữu Tật là sự đố kỵ với kẻ khác.
- Phận sự của sở hữu Tật là sự không bằng lòng vì thấy người khác hơn mình.
- Sự thành tựu của sở hữu Tật là tránh né để khỏi thấy kẻ khác hơn mình.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tật là những ưu điểm của kẻ khác (so với mình).
3) Lận (Macchariyaṃ):
Lận là sự keo kiệt, bỏn xẻn, không chịu chia sớt cho ai (Macchera bhavo: Macchariyaṃ).
- Chơn tướng của sở hữu Lận là cách gìn giữ tài sản của mình.
- Phận sự của sở hữu Lận là không chịu chia sớt cho ai.
- Sự thành tựu của sở hữu Lận là bón rít, không cho ra.
- Nhân cần thiết của sở hữu Lận là phải có tài sản.
4) Hối (Kukkuccaṃ):
Là hối tiếc, hối hận, ân hận việc đã qua (dù tốt hay xấu). Kukalassa bhàvo: trạng thái của một người có hành động sai lầm. Trạng thái của một người hối tiếc một hành động bất thiện đã làm, hoặc một hành động thiện đáng làm lại bỏ qua, hoặc một hành động thiện đã làm nhưng sau lại hối tiếc. Như một người hành động bố thí, giúp đở cho một người khác, sau được nghe kể về hành động xấu sa của người nhận bố thí thì sanh lòng ân hận vì cho rằng mình giúp lầm người. Hoặc một người lúc sân hận , mắng nhiếc kẻ khác, sau ân hận việc đã làm của mình. Hoặc một người không giúp đở người tàn tật, sau ân hận sự vô tâm của mình, ... Pàli có chú giải: "Kataṃ me pāpamakataṃ me puññaṃ kukkaccaṃ = ân hận tội đã làm, phước lại bỏ qua, nên gọi là hối".
- Chơn tướng của sở hữu Hối là hối tiếc, ân hận việc đã qua.
- Phận sự của sở hữu Hối là làm cho tâm bực bội với việc đã qua.
- Sự thành tựu của sở hữu Hối là sự ân hận trong tâm.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hối là tội đã làm hay phước không làm.
IV. SỞ HỮU HÔN PHẦN:
Là những sở hữu tâm yếu đuối, muôïi lược, chỉ thích hợp với những tâm Bất Thiện Hữu Trợ. Gồm có hai sở hữu, chúng luôn luôn xuất hiện cùng lúc, là một trong ngũ cái, và chỉ có tâm sở Tầm mới trừ diệt được chúng.
1) Hôn Trầm (Thīna):
Từ ngữ căn The là co rút lại như lông gà gặp phải lửa. Thīna là trạng thái co rút của tâm.
- Chơn tướng của sở hữu Hôn trầm là sự lười biếng.
- Phận sự của sở hữu Hôn trầm là làm cho không còn tinh tấn.
- Sự thành tựu của sở hữu Hôn trầm là cách lui sụt.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hôn trầm là không khéo dùng tâm.
2) Thụy Miên (Middha):
Là trạng thái hèn yếu, muội lược của các tâm sở. Tâm bắt cảnh không tươi tỉnh. Từ ngữ căn Middh: thiếu khả năng, lười biếng, không thích hoạt động, buồn ngủ.
- Chơn tướng của sở hữu Thụy Miên là sự dã dượi.
- Phận sự của sở hữu Thụy Miên là hạn chế lộ trình tâm, làm chúng giảm từ từ cho đến khi chỉ còn lại Hộ Kiếp.
- Sự thành tựu của sở hữu Thụy Miên là tâm lui sụt (buồn ngũ).
- Nhân cần thiết của sở hữu Thụy Miên là không khéo dùng tâm.
Hôn trầm được xem là sự đau yếu của các sở hữu tâm (Vedanā, Saññā và Sađkhāra: Thọ, Tưởng và Hành); Thụy miên được xem là sự đau yếu của tâm (Citta).
V. SỞ HỮU NGHI PHẦN:
Sở Hữu Hoài Nghi (Vicikichā) là sự nghi hoặc, không tin sự thật. Từ ngữ căn Vici là tìm hiểu, Kicchati là chán nản, mệt mỏi; vậy Hoài Nghi là chán nản trong việc tìm hiểu (vì không có kết quả). Hay Vi: không; Cikicchā: thuốc đối trị. Vậy Vicikichā có nghĩa là hết thuốc chữa. Thuốc chữa ở đây là Tri Kiến chơn chánh. Pāli có chú giải "Vicikicchātīti = do dự là hoài nghi".
- Chơn tướng của sở hữu Hoài Nghi là cách nghi hoặc.
- Phận sự của sở hữu Hoài Nghi là làm cho lưởng lự, phân vân.
- Sự thành tựu của sở hữu Hoài Nghi là không thể quyết đoán.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hoài Nghi là không khéo dùng tâm.

-ooOoo-
SỞ HỮU TỊNH HẢO
Sobhanacetasika
Sở hữu tịnh hảo là những sở hữu trong sạch, tốt đẹp, tinh khiết; những sở hữu này chỉ hợp với tâm tịnh hảo. Gồm 25 sở hữu, chia làm 4 loại.
I. Sở Hữu Tịnh Hảo Biến Hành (Sobhanasadhāranā)
Là những sở hữu xuất hiện với tất cả các tâm tịnh hảo. Gồm có 19 sở hữu:
1) Tín (Saddha):
Từ ngữ căn Sam: tốt, khéo + Dah: đặt xuống, để xuống, nghĩa là đặt lòng tin tưởng hoàn toàn vào tam bảo; đức tin trong sạch, đứng đắn. Ðặc tánh của Tín là khiến các sở hữu tâm đồng sinh trở nên trong sạch và hướng dẩn, kích thích chúng hướng đến một địa vị cao hơn. Khi có lòng tin thì các phiền não, nghi ngờ tiêu sạch. Khi có lòng tin thì có sự kích thích muốn tiến tới quả đích cao hơn. Như một người lội qua một khúc sông khó lội để những người khác tin tưởng và lội theo.
Saddha hay Tín thuộc thành phần tịnh hảo, tốt đẹp (Sobhana) nên phải có Chánh Tín: Tin Nghiệp (Kamassaddha), Tin Quả (Vipakassaddha), Tin Tư Nghiệp (Nghiệp riêng của mỗi cá nhân – Kammassakatā) và tin vào sự giác ngộ của Ðức Thế Tôn. Chú ý: Tín ở đây không phải là cuồng tín.
Vì vậy, đối tượng duy nhất của Tín phải là Tam Bảo. Nếu tin vào Tam Bảo mà tin một cách sai lầm (mê tín, cuồng tín) thì cũng không được coi là Chánh Tín, đừng nói tới tin vào những điều trái với Tam Bảo.
Vậy nếu một người không phải là Phật tử, nhưng họ tin tưởng tuyệt đối vào lời dạy của các bậc đạo sư thì đó không phải là chánh tín hay sao ? cụ thể hơn nếu những người theo Thiên Chúa giáo, họ tin tưởng vào lời dạy của Chúa trọn đời làm việc thiện để sau khi mản phần họ được Chúa rước về Thiên Ðàng, ngự bên cạnh chúa thì niềm tin đó có khác gì với sở hữu Tín trong tâm thiện tịnh hảo đâu ?.
Câu trả lời chắc chắn là không giống, bộ Māhāpatthāna có giải thích: bố thí, trì giới với lòng tham ái, mong tạo các việc thiện để được hưởng phước nhơn thiên thì gọi là "Pháp thiện trợ pháp bất thiện bằng cảnh duyên = Kusalo dhammo akusalassa dhammassa arammanapaccayena paccayo", và ở đây sẽ có câu hỏi nếu vậy người Phật tử thuần thành, khi làm việc thiện để mong cầu đạo quả Niết-Bàn thì có phải cũng là một tâm tham bất thiện hay chăng ? – không, bởi sự mong đắc chứng Niết-Bàn là mong thoát ly thú vui dục lạc của nhơn thiên chứ không phải là mong thụ hưởng nên không phải là tâm tham bất thiện.

- Chơn tướng của sở hữu Tín là cách tin Tam Bảo và luật nghiệp báo.
- Phận sự của sở hữu Tín là làm cho tâm tín ngưỡng.
- Sự thành tựu của sở hữu Tín là làm tâm không bị nhơ bẩn vì mê tín.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tín là Tam Bảo.
2) Niệm (Sati):
Từ ngữ căn Sar: nhớ đến. Nhớ đến ở đây không phải là sự hồi tưởng lại hay trí nhớ mà là sự tỉnh thức, nhận thức rõ ràng những hành vi, động niệm của mình trong thời điểm hiện tại, đối tượng của Sở Hữu Niệm là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Sati nếu khéo luyện tập sẽ đưa đến Túc Mạng Minh. Ðặc tánh của Niệm là gìn giữ không cho các ác pháp sinh khởi, gìn giữ không cho các thiện pháp bị bỏ quên và để các thiện pháp luôn luôn có mặt. Niệm như người lính gát cửa, chỉ cho những người tốt đi vào còn những người xấu thì chặn lại.
- Chơn tướng của sở hữu Niệm là cách tỉnh thức, không sơ ý.
- Phận sự của sở hữu Niệm là ghi nhớ, làm cho không quên.
- Sự thành tựu của sở hữu Niệm là trau dồi tâm khắn khít với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Niệm là biết vững chắc.
3) Tàm (Hiri):
Là hổ thẹn, không thể làm chuyện tội lỗi. Tàm là sự hổ thẹn đối với lương tâm của chính mình. Một người có lòng Tàm sẽ thối lui trước các pháp bất thiện như không dám rờ tay vào những vật dơ bẩn.
- Chơn tướng của sở hữu Tàm là cách hổ thẹn tội lỗi.
- Phận sự của sở hữu Tàm là không làm chuyện tội lỗi.
- Sự thành tựu của sở hữu Tàm là cách lui sụt trước ác pháp.
- Nhân cần thiết của sở hữu Tàm là biết tự trọng.
4) Úy (Ottappa):
Là ghê sợ tội lỗi xấu xa. Từ ngữ căn Na + ava + tapp: bị đau khổ, bứt rứt. Otappa là sự sợ hải khi làm điều ác, sợ kết quả của các điều ác. Người có tâm Úy sẽ thấy sợ hải trước ác pháp như không dám đặt tay vào lửa, biết tự hối khi có sự chỉ trích của người khác.
- Chơn tướng của sở hữu Úy là cách ghê sợ tội lỗi (hổ thẹn).
- Phận sự của sở hữu Úy là không làm chuyện tội lỗi.
- Sự thành tựu của sở hữu Úy là cách lui sụt trước ác pháp.
- Nhân cần thiết của sở hữu Úy là sợ người cười chê và sợ hậu quả của ác pháp.
Tàm và Úy thường đi đôi với nhau, Tàm dựa trên lòng hổ thẹn, Úy dựa trên lòng sợ hải, đó là hai yếu tố cần thiết trong các thiện tâm
5) Vô Tham (Alobha):
Là không ham muốn ngủ dục, không luyến ái ngủ trần, không dính mắc đối tượng như lá sen không lưu nước sau một đám mưa. Vô Tham còn hàm nghĩa bố thí (Dāna), một thái độ vị tha tích cực.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Tham là không đắm nhiểm trong ngũ dục.
- Phận sự của sở hữu Vô Tham là không chấp trước.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô Tham là không nhiểm đắm trước cảnh ưa thích.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Tham là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
6) Vô Sân (Adosa):
Vô Sân đồng nghĩa với tâm Từ (Mettā). Ðặc tánh của Vô Sân là sự vắng mặt của hờn giận, bất bình, thù oán; làm cho các Danh Pháp đồng sanh được êm dịu, mát mẽ.
- Chơn tướng của sở hữu Vô Sân là không độc ác.
- Phận sự của sở hữu Vô Sân là tránh xa sự sát hại.
- Sự thành tựu của sở hữu Vô Sân là sự mát mẽ.
- Nhân cần thiết của sở hữu Vô Sân là khéo dụng tâm, khéo tác ý.
7) Hành Xã (Tatra Majjhattatā):
Là trung tánh, vô tư đối với các pháp tương ưng. Ðặc tánh của sở hữu Hành Xã là vô tư, không thiên lệch như người đánh xe điều khiển cặp song mả một cách đồng đẳng. Ðôi khi Hành Xã còn đồng nghĩa với Xã (Uppekkhā) trong Tứ Vô Lượng tâm. Hành Xã cũng có thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā) trong các tâm thiện nhưng không thể đồng khởi với Xã (Uppekkhā) trong các tâm bất thiện và tâm vô nhân.
- Chơn tướng của sở hữu Hành Xã là dung hòa các pháp đồng sanh cho bằng nhau.
- Phận sự của sở hữu Hành Xã là làm cho các pháp đồng khởi không thái quá cũng không bất cập.
- Sự thành tựu của sở hữu Hành Xã là tâm vô tư đối với cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hành Xã là phải có các pháp tương ưng.
8) Tịnh Thân và Tịnh Tâm (Kāyapassaddhi – Cittapassaddhi):
Từ ngữ căn Pa + sambh: an tịnh. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ hay làm dịu xuống sự nóng bỏng của vật dục phiền não (Kilesadaratha – vūpasaṃ), cũng như bóng mát của cây đối với người đang bị mặt trời thiêu đốt. Tịnh (Passaddhi) phản nghĩa với Phóng Dật (Uddhacca). Kāya: Thân, ở đây không phải nói về cơ thể mà ám chỉ một tổng hợp các sở hữu tâm. Citta chỉ cho tâm.
- Chơn tướng của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là sự an tịnh, lìa xa sự sôi nổi (phiền não) của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là làm êm dịu sự sôi nổi.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm êm dịu, mát mẻ đối với cảnh.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Tịnh Thân và Tịnh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
9) Khinh Thân và Khinh Tâm (Kāyalahutā – Cittalahutā):
Từ ngữ căn Laghu: nhẹ, mau. Ðặc tánh của hai tâm sở này là diệt trừ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm giống như một người đặt một gánh nặng xuống. Khinh (Lahutā) đối trị với Hôn Trầm (Thīna) và Thụy Miên (Middha).
- Chơn tướng của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là cách lìa bỏ sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là phá sự nặng nề của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm được nhẹ nhàng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Khinh Thân và Khinh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
10) Nhu Thân và Nhu Tâm (Kāyamuditā – Cittamuditā):
Là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự thô cứng và chống đối. Như một miếng da thô cứng sau khi được thoa dầu hay ngâm nước sẽ trở nên nhu nhuyến (mềm dịu). Nhu (Muditā) đối trị với Tà Kiến (Diṭṭhā) và Ngã Mạn (Māna).
- Chơn tướng của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là sự dịu mềm của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là hạn chế sự thô cứng của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là làm tâm và các sở hữu tâm bắt cảnh dể dàng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Nhu Thân và Nhu Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
11) Thích Thân và Thích Tâm (Kāyakammaññatā – Cittakammaññatā):
Từ ngữ căn Kamma + Tā: thích ứng. Thích hợp với mọi hoàn cảnh. Như một cục sắt bị nung đỏ có thể làm thành bất cứ vật gì.
- Chơn tướng của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là cách lìa sự không thích hợp với công việc.
- Phận sự của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là diệt sự cứng ngắt của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và sở hữu tâm khi tiếp thâu đối tượng.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Thích Thân và Thích Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
12) Thuần Thân và Thuần Tâm (Kāyapaguññatā – Cittapaguññatā):
Là sự tinh luyện thông thạo hay thuần thục của tâm và sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu tâm này là diệt trừ sự đình trệ (bệnh hoạn) của tâm và sở hữu tâm. Như một người thợ rành nghề có thể làm được tất cả các công việc trong lảnh vực nghề nghiệp của mình.
- Chơn tướng của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là sự không đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.
- Phận sự của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là diệt trừ sự đình trệ của tâm và các sở hữu tâm.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là cách xa lìa lỗi lầm.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Thuần Thân và Thuần Tâm là cách thích hợp với công việc của tâm và các sở hữu tâm.
13) Chánh Thân và Chánh Tâm (Kāyujjukatā – Cittujjukatā):
Là sự chánh trực của tâm và sở hữu tâm. Ðặc tánh của hai sở hữu này là đối trị với sự quanh co tà vạy của tâm và các sở hữu đồng sanh để chúng trở thành chơn chánh. Như kim chỉ nam giúp người khách lữ hành khỏi lạc hướng.
- Chơn tướng của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là cách chơn chánh, ngay thẳng.
- Phận sự của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là đối trị sự tà vạy.
- Sự thành tựu của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là được chơn chánh không tà vạy.
- Nhân cần thiết của hai sở hữu Chánh Thân và Chánh Tâm là tâm và các sở hữu tâm.
II. Sở Hữu Giới Phần (Viratiyo)
Là những sở hữu tâm ngăn ngừa và sát trừ các ác nghiệp do thân và khẩu gây ra. Các sở hữu nầy khi hợp với các tâm Ðại Thiện thì ngăn các ác nghiệp đang sanh (vừa sanh) và ngừa các ác nghiệp sẽ sanh. Khi hợp với tâm Siêu Thế thì sát tuyệt các ác nghiệp. Gồm có ba sở hữu tâm:
1) Chánh Ngữ: (Sammā Vācā):
Là lời nói chơn chánh, không vọng ngữ, không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói hai lưỡi, không nói lời ác độc, không nói ỹ ngữ.
2) Chánh Nghiệp: (Sammā Kammantā):
Là hành nghề chơn chánh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm.
3) Chánh Mạng: (Sammā Ājiva):
Là nuôi mạng sống một cách chơn chánh, không bán thuốc độc, rượu, võ khí, nô lệ và các loài vật để sát sanh. Tức là không nuôi mạng do thân và khẩu ác.
- Chơn tướng của ba sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là không tạo thân và khẩu ác.
- Phận sự của ba sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là ngăn ngừa hoặc đối trị thân và khẩu ác.
- Sự thành tựu ba sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là thân và khẩu không tạo ác.
- Nhân cần thiết của ba sở hữu Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng là công đức của Tín, Niệm, Tàm, Úy và thiểu dục.
III. Sở Hữu Vô Lượng Phần (Appamaññā)
Là những sở hữu xem chúng sanh đồng đẳng (do đó, còn gọi là Sở Hữu Ðẳng Phần), không phân biệt kẻ thân, người thù; cũng gọi là Vô lượng tâm vì các sở hữu này lấy vô lượng chúng sanh làm đối tượng. Ðúng ra có tất cả là bốn sở hữu: Từ (Mettā), Bi (Karunā), Hỷ (Muditā) và Xã (Upekkhā); nhưng phần trước đã bàn đến Vô Sân tương đương với Từ và Hành Xã tương đương với Xã nên ở đây chỉ nói đến Bi và Hỷ mà thôi. 2 Sở Hữu Tâm này không bao giờ xuất hiện cùng lúc.
1) Bi (Karunā):
Từ ngữ căn Kar + unā nghĩa là làm cho tâm của người thiện rung động trước sự đau khổ của chúng sanh. Ðặc tánh của Bi là sự cầu mong diệt trừ sự đau khổ của mọi người (Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ).
- Chơn tướng của sở hữu Bi là cách muốn bài trừ sự đau khổ của chúng sanh.
- Phận sự của sở hữu Bi là không thể làm ngơ trước sự đau khổ của người khác.
- Sự thành tựu của sở hữu Bi là không ép uổng chúng sanh khác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Bi là nhận thấy chúng sanh bị khổ.
2) Hỷ (Tùy Hỷ: Muditā):
Từ ngữ căn Mud là sự hoan hỷ, vui theo nhân thiện và quả phúc lợi lộc của chúng sanh khác.
- Chơn tướng của sở hữu Hỷ là vui theo quả phúc của chúng sanh.
- Phận sự của sở hữu Hỷ là không ganh tỵ với người khác.
- Sự thành tựu của sở hữu Hỷ là vừa lòng với sự tiến hóa của chúng sanh khác.
- Nhân cần thiết của sở hữu Hỷ là nhận thấy chúng sanh tạo và hưởng hạnh phúc.
IV. Sở Hữu Trí Tuệ (Tuệ Quyền) (Paññindriya)
Là sự sáng suốt, hiểu biết sự vật đúng với lẽ thật (chơn lý). Từ ngữ căn Pa: đứng đắn + ñà: biết. Tức là biết một cách đứng đắn. Ðặc tánh của Tuệ quyền là hiểu biết đúng như thật. Vì trí tuệ chế ngự vô minh và chiếm địa vị ưu thắng trong sự hiểu biết nên gọi là Tuệ Quyền. Theo Thắng pháp (Abhidhamma) thì Trí (Ñāna), Huệ (Paññā) và Vô Si (Amoha) đồng nghĩa với nhau.
Tuệ quyền có mặt trong các tâm hợp Trí và là một trong bốn phương tiện để chứng Thần Túc Thông (Iddhipāda), Trí Tuệ được gọi là Suy tìm (Vīmamsā). Khi được Ðịnh (Samādhi) làm cho trong sạch, Trí Tuệ được gọi là Diệu Trí (Abhiññā). Trí Tuệ cũng là một trong Thất Giác Chi (Sattabojjhanga) với danh hiệu là Trạch Pháp (Dhammavicaya) và là Chánh Kiến (Sammādiṭṭhi) trong Ðạo Ðế (Magganga). Sự tột cùng của Trí Tuệ là sự giác ngộ của Ðức Phật. Trí tuệ theo nghĩa tuyệt đối là hiểu biết sự vật như thật theo đúng lý Vô Thường (Anicca), Khổ Não (Dukkha) và Vô Ngã (Anatta).
- Chơn tướng của sở hữu Trí Tuệ là hiểu biết thấu tột chơn tướng của các pháp.
- Phận sự của sở hữu Trí Tuệ là bài trừ sự tối tăm, biết rõ ràng, rành mạch.
- Sự thành tựu của sở hữu Trí Tuệ là không mê mờ, không nhiễm đắm cảnh.
- Nhân cần thiết của sở hữu Trí Tuệ là Tịnh (Passadhi), khéo Tác ý và tục sanh bằng tâm tam nhân.
-ooOoo-

TỔNG KẾT CÁC SỞ HỮU TÂM
Như vậy sở hữu tâm gồm có 52 được chia ra làm 3 nhóm:
- 13 Sở Hữu Tợ Tha (Aññasamāra Cetasika).
- 14 Sở Hữu Bất Thiện (Akusala Cetasika).
- 25 Sở Hữu Tịnh Hảo (Sobhana Cetasika).

-ooOoo-

 (Trích Vi Diệu Pháp Giảng Giải - tác giả Giác Chánh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét