Pháp mà Đức Phật nói ra mục đích là để THỰC HÀNH; BÁT CHÁNH ĐẠO phải được thực hành cùng một lúc và tròn đầy thì ĐẠO và QUẢ sẽ trỗi lên khi đủ CHẤT và LƯỢNG.
Giải hạn có xóa được sao xấu?
Các nhà sư khẳng định rằng dâng sao giải hạn chỉ là trò mê tín dị đoan, không có trong giáo lý nhà Phật.
Những ngày đầu năm, PV GĐ&XH lần lượt đến các chùa từ lâu vốn đã nổi tiếng có nhiều người lui đến dâng sao giải hạn ở Hà Nội như chùa Phúc Khánh, chùa Hà, chùa Linh Ứng… để mong cho một năm Tân Mão an lành, phát tài, phát lộc.
Mọi người khấn vái với hy vọng sao xấu sẽ được hóa giải. Trong khi các nhà sư đắc đạo lại khẳng định rằng dâng sao giải hạn chỉ là trò mê tín dị đoan, không có trong giáo lý nhà Phật. Mua sự an tâm
Ngày chúng tôi tận mục sở thị các chùa không phải ngày rằm hay mùng 1 Âm lịch nhưng số người đến dâng hương đăng ký giải hạn vẫn tràn các sân chùa. Qua các cuộc trò chuyện với những người đến đăng ký giải hạn điều mà chúng tôi nhận ra rằng chính họ cũng không thể khẳng định được dâng sao giải hạn thì sao xấu có thể tốt lên hay không. Chùa Phúc Khánh từ lâu đã trở thành điểm đến giải hạn quen thuộc của các bà, các mẹ trong dịp đầu năm. Những ngày này, chùa luôn trong cảnh tấp nập, bàn đăng ký giải hạn, cầu an lúc nào cũng được các phật tử vây kín. Chị Thái Thị Minh (phố Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đến đăng ký giải hạn tại chùa Phúc Khánh thổ lộ: "Năm nay vợ chồng tôi đều có sao chiếu mạng xấu. Tôi thì sao Thái Bạch, mà theo nhà thầy thì "Thái Bạch mất sạch cửa nhà", thuộc hàng sao rất xấu, hao tài tốn của. Còn chồng thì sao Kế Đô, nên không chỉ phải "cắt sao giải hạn" ở chùa mà ở nhà cũng phải cúng lễ, làm "hình nhân thế mạng". Giá cắt mỗi sao ở chùa là 100.000 đồng, lễ cầu an 100.000 đồng. Để yên tâm tôi còn đóng thêm tiền lễ cả năm, tiền làm sớ, tiền "giọt dầu", tiền thụ lộc cỗ chay để sư thầy kêu giúp. Chưa kể ở nhà tôi còn phải mời thầy về cúng lễ sắm ngựa, hình nhân thế mạng, đồ lễ, hai bộ lễ một cho chồng và một cho vợ như thầy mách tất cả cũng ngót 5 triệu đồng". Tuy nhiên, chị Minh cũng không biết những nỗ lực giải hạn của mình có khiến sao xấu được hóa giải hay không. Chị thẳng thắn: "Có làm chắc có hơn. Quan trọng nhất là tôi thấy tâm mình thanh thản, nhẹ nhõm hơn là nghe thầy phán có sao xấu mà không làm để cả năm nơm nớp lo không yên tâm làm ăn được". Theo bảng giá niêm yết tại chùa Phúc Khánh, lễ cầu an 100.000 đồng/ hộ gia đình, lễ dâng sao giải hạn 100.000 đồng/người không phân biệt sao xấu hay tốt. Vào ngày 15 và mồng 1 âm lịch hàng tháng những gia đình đăng kí cầu an và dâng sao giải hạn sẽ được nhà chùa đọc tên. Chùa Hà (phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội) có mức giá cúng giải hạn và cầu an cao hơn, 300.000 đồng cho mỗi lần cúng sao (không kể sao xấu, sao tốt) và 300.000 đồng/lễ cầu an. Người đến chùa Hà chủ yếu là các cậu ấm, cô chiêu, sinh viên của các trường quanh khu vực quận Cầu Giấy... Tuy nhiên, họ cũng tỏ ra am tường không kém các mẹ, các chị trong việc lễ lạt của nhà chùa.
Em Nguyễn Thị Lý đang đăng ký dâng sao giải hạn tại chùa Hà cho biết: "Đầu năm em đi xem bói, nghe thầy phán năm nay em và người yêu đều vướng sao xấu. Em thì sao Kế Đô, người yêu thì sao La Hầu nên em lên chùa đăng ký làm lễ giải hạn cho mát mẻ, học hành tiến bộ, thi cử hanh thông. Mà em nghe bảo làm lễ giải hạn vẫn chưa đủ, còn phải cắt sao nữa, không biết thủ tục sẽ như thế nào? Thôi thì em cứ lên chùa trăm sự nhờ các sư thầy vậy". Chị Nguyễn Thị Lan (Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang xì xụp khấn vái tại chùa Hà thổ lộ: "Năm nay nhà tôi có tới 3 người sao xấu: Mẹ chồng tôi, tôi và con trai nên ngay từ đầu năm tôi đã nhờ thầy cao tay đến tận nhà làm lễ giải hoành tráng. Bây giờ tôi đến cả chùa nữa để yên tâm hơn thôi. So với việc nhờ thầy về nhà giải hạn thì lên chùa đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Với 3 bộ lễ cho 3 người có sao xấu và 1 lễ cầu an cho cả gia đình tôi đã phải chi tới cả chục triệu đồng. Không biết sao xấu có hóa giải được nhiều không nhưng cũng thấy mình nhẹ nhàng đỡ lo hơn".
Bàn đăng ký giải hạn, cầu an ở Chùa Hà lúc nào cũng đông người.
Quan trọng nhất là cái Tâm Từ mùng 8 tới hết rằm tháng Giêng, khá nhiều chùa cúng sao giải hạn, tuy nhiên trong giáo lý nhà Phật và các sư thầy đắc đạo lại không công nhận việc làm này. Theo Hòa thượng Thích Thanh Tứ (chùa Quán Sứ): "Trong sách của đạo Phật không nói về việc cúng sao giải hạn. Tập quán này vốn xuất phát từ Trung Quốc, còn cha ông ta từ xa xưa chỉ làm lễ cầu an, cầu phúc đầu năm cho tất cả thành viên trong gia đình. Tục lệ này thành mốt là do hiện nay thầy cúng nhiều hơn thầy tu, thầy chùa nhiều hơn chân tu đó thôi". Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa và cũng không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho Phật tử cả. Bởi vì tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy làm nên. 7, 9 hay 10 ngôi sao là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Phật dạy chúng ta về nhân quả, không có quả nào từ trên trời rơi xuống hay dưới đất hiện lên, mà đều do các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. Mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Nhà Phật có câu "muốn biết thời quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả mà chúng ta đang lãnh. Muốn biết tương lai chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trồng trong hiện tại". Cũng theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, đối với việc cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật mang lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý nhân quả. Nếu vị thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân... tha tội, giải hạn xấu được thì người ta cứ tạo ác rồi sau đó xin thầy cúng sao giải hạn cho tai qua nạn khỏi, tạo nhân ác mà hưởng được quả thiện thì toàn bộ nền đạo lý xây dựng trên quan điểm về lý nhân quả mà nhà Phật rao giảng bị sụp đổ hay sao? Theo kinh của Phật thì ngày rằm tháng Giêng chính là cái ngày mà chư Phật ở trên cõi Cực Lạc xuống dưới trần gian này xem xét mọi việc để cân phúc cân tội cho con người. Thế cho nên người xưa bảo rằng "Lễ Phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng" là như vậy. Điều này cũng không có nghĩa là làm việc tội lỗi cứ ngày này đến cầu xin tha tội là mọi tội ác được xóa bỏ mà chuyện xấu tốt của con người đều theo luật nhân quả. Cúng sao giải hạn chỉ là phương tiện trong các chùa Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: "Theo quan niệm dân gian thì 9 ngôi sao chiếu mệnh chỉ xuất hiện vào những ngày nhất định trong tháng như sao La Hầu ngày 18, sao Thái Bạch ngày 15… Tuy nhiên, hiện nay ở các chùa thực hiện cúng sao ở tất cả các ngày hoặc chỉ cúng vào ngày 1 và ngày 15, điều này cũng cho thấy không có tính thuyết phục. Trước đây, việc cúng sao giải hạn diễn ra trong các đạo quán của Lão giáo và trong dân gian. Về sau tục này được "phương tiện" đưa vào một số chùa, thường diễn ra từ mùng 8 đến rằm tháng Giêng. Rõ ràng, tục cúng sao giải hạn ở một số chùa chỉ là phương tiện. Phương tiện nào cũng có hai mặt. Nếu khéo vận dụng, thì nhờ đi cúng sao mà những người ít đi chùa có cơ hội lễ Phật, nghe pháp, cúng đường. Ngược lại, nếu chỉ dừng ở cúng sao giải hạn, cầu cúng các tinh quân mong ban phúc thì rơi vào tà kiến, tà mạng và không phù hợp với tinh thần phương tiện của Chánh pháp".
Mai Hạnh - Thu Thảo (GĐ&XH)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét