Trang

CƠ BẢN PHẬT PHÁP TRONG VIỆC HÀNH THIỀN - Sayagyi U Ba Khin


NHỮNG ÐIỂM CƠ BẢN PHẬT PHÁP TRONG VIỆC HÀNH THIỀN

Sayagyi U Ba Khin

U Ba Khin đã soạn bài giảng sau đây bằng tiếng Anh dành cho các sinh viên người phương Tây của ông. Ông đã đọc bài giảng này cho họ vào nhiều dịp khác nhau. Sau khi ông mất, người ta đã chuyển ngữ bài giảng này từ một băng thu âm và xuất bản với tựa đề như trên.
Vô thường, khổ não và vô ngã -- là ba đặc tính cơ bản của vạn vật trong lời giảng dạy của Phật. Nếu quí vị hiểu đúng vô thường, quí vị sẽ hiểu được đau khổ như là hệ quả của nó, và vô ngã như chân lí cơ bản nhất. Cần có thời gian mới hiểu được chung cả ba đặc tính này.
Hiển nhiên vô thường (anicca) là sự kiện cơ bản cần phải được kinh nghiệm trước tiên và thông hiểu nhờ thực hành.
Chỉ dựa vào những kiến thức sách vở về Phật Pháp sẽ không đủ để hiểu đúng về vô thường vì sẽ thiếu mất khía cạnh kinh nghiệm. Chỉ khi quí vị có sự hiểu biết bằng kinh nghiệm về bản chất của vô thường như là một tiến trình không ngừng biến dịch trong con người quí vị, thì quí vị mới có thể hiểu được vô thường theo như Ðức Phật muốn quí vị hiểu. Như vào thời Ðức Phật thế nào, thì ngày nay cũng thế, sự hiểu biết về vô thường có thể được khai triển bởi những người không hề có chút hiểu biết gì về Phật giáo theo sách vở.
Ðể hiểu vô thường, người ta phải nghiêm túc và chuyên cần đi theo Bát Chánh Ðạo, được chia thành ba nhóm là Giới-sìla, Ðịnh samàdhi và Huệ paññā . Giới luật là nền tảng để có Ðịnh, sự tập trung và làm chủ cái tâm. Chỉ khi có Ðịnh hoàn hảo thì mới có thể phát triển tuệ giác. Vì vậy, Giới và Ðịnh là những điều kiện tiên quyết để có Huệ. Huệ có nghĩa là sự thông hiểu vô thường, khổ não và vô ngã nhờ thực hành Thiền quán.
Dù một vị Phật có xuất hiện hay không, việc thực hành giới và định vẫn có thể tồn tại trong thế giới loài người. Thực vậy, chúng là những mẫu số chung cho mọi niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, chúng không phải những phương tiện đủ để đạt mục đích của Phật giáo -- sự diệt khổ hoàn toàn. Trên con đường tìm kiếm cách tận diệt đau khổ, thái tử Sĩ Ðạt Ta -Siddhattha, Ðức Phật tương lai, đã khám phá ra điều này và ra sức cố gắng làm việc để tìm ra con đường dẫn tới diệt khổ. Sau khi miệt mài khổ hạnh suốt sáu năm trời, ngài đã tìm ra con đường, ngài hoàn toàn giác ngộ, sau đó ngài đã bắt đầu dạy cho loài người và chư thiên con đường dẫn tới diệt khổ.
Về điểm này, chúng ta nên hiểu rằng mỗi hành vi -- dù là việc làm, lời nói hay tư tưởng -- đều để lại đàng sau một lực năng động gọi là sankhàra- hành, cũng gọi là kamma- nghiệp, theo lối nói bình dân, tạo nên quả phúc hay tội cho cá nhân tùy theo hành vi ấy tốt hay xấu. Vì vậy, nơi mỗi cá nhân có sự tích lũy hành (hay nghiệp), có tác dụng làm nguồn năng lượng để duy trì sự sống, và tất yếu kéo theo đau khổ và sự chết. Nhờ phát triển năng lực nội tại trong việc hiểu biết vô thường, đau khổ vô ngã, người ta có thể giải thoát mình khỏi những hành đã tích lũy nơi bản thân mình.
Tiến trình này bắt đầu bằng việc hiểu đúng về vô thường, trong khi việc tích lũy thêm những hành động mới và giảm trừ việc cung cấp năng lượng để duy trì sự sống cũng đang diễn ra đồng thời, từng giây từng phút và ngày này qua ngày khác. Vì vậy, đây là công việc của cả đời người hoặc lâu dài hơn nữa, là làm sao diệt trừ hết mọi hành động của mình. Ai đã dứt bỏ hết các hành động của mình thì tận diệt được đau khổ, vì lúc đó không còn hành động nào để cung cấp đủ năng lượng nhằm duy trì nơi người ấy bất cứ hình thức sự sống nào. Khi kết thúc cuộc đời mình, các bậc thánh nhân hoàn hảo - tức là các vị Phật và các bậc A-La-Hán - bước vào parinibbàna - Vô dư Niết bàn, và đạt tình trạng không còn đau khổ. Với chúng ta ngày nay, khi hành thiền Vipassāna, chúng ta chỉ cần làm sao để hiểu khá rõ về vô thường là đủ để đạt tới giai đoạn thứ nhất của bậc thánh-ariyà nghĩa là trở thành một bậc thánh Tu Ðà Huờn -sotapannā, các ngài chỉ còn phải trải qua không hơn bảy kiếp sống để đạt tới tình trạng giải thoát khỏi đau khổ.
Chân lí về vô thường mở cửa cho chúng ta hiểu biết về đau khổ và vô ngã và cuối cùng dẫn tới chỗ tận diệt đau khổ, chân lí này chúng ta chỉ có thể đạt đến một cách trọn vẹn nhờ lời giảng dạy của một vị Phật về Bát Chánh Ðạo và ba mươi bảy yếu tố giác ngộ (bodhipakkhiya dhamma).
Ðể tiến bộ trong việc hành thiền Vipassāna, thiền sinh phải ý thức về vô thường liên tục bao lâu mà mình có thể. Ðức Phật khuyên các tì kheo phải chăm chú ý thức về vô thường, khổ não và vô ngã trong mọi tư thế, dù là ngồi, đứng, đi, hay nằm. Ý thức liên tục về vô thường cũng như về khổ não và vô ngã chính là bí quyết để thành công. Những lời cuối cùng của Ðức Phật trước khi tắt hơi thở cuối cùng và bước vào Đại vô dư Níp-bàn là: "các pháp đều vô thường. Các thầy hãy chuyên chăm lo sự giải thoát của bản thân mình." Ðây chính là điểm nòng cốt của mọi lời giảng dạy trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp của ngài. Nếu quí vị luôn ý thức về sự vô thường nội tại trong vạn vật, với thời gian, quí vị sẽ chắc chắn đạt được mục tiêu.
Ðang khi quí vị phát triển sự hiểu biết về vô thường, sự thấu hiểu của quí vị về "thực chất của sự vật" sẽ ngày càng lớn dần lên, để rồi cuối cùng quí vị sẽ không còn một chút nghi ngờ nào về ba đặc tính vô thường, khổ não và vô ngã nữa. Chỉ khi ấy quí vị mới thực sự ở trong vị thế để tiến tới mục tiêu của quí vị. Giờ đây quí vị đã biết vô thường là yếu tố cơ bản đầu tiên, quí vị phải cố gắng để hiểu vô thường là gì một cách thật sáng sủa, thật sâu rộng, để không còn bị lẫn lộn trong khi quí vị hành thiền hay thảo luận.
Hiểu Biết Các Phân Tử - Kalàpa
Ý nghĩa thực sự của vô thường - anicca là: sự vô thường hay hủy hoại là bản chất nội tại trong mọi sự vật hiện hữu trong vũ trụ - dù là vật chất hay sinh vật. Ðức Phật dạy các môn đệ rằng mọi vật tồn tại ở dạng vật chất đều bao gồm những phân tử (kalàpa). Phân tử là những đơn vị vật chất nhỏ hơn nguyên tử rất nhiều, chúng bị hủy diệt hầu như ngay sau khi chúng vừa sinh ra. Mỗi phân tử là một khối vật chất được tạo thành bởi tám yếu tố vật chất cơ bản: chất đặc, lỏng, nóng, và rung, cùng với màu sắc, mùi, vị, và dinh dưỡng. Bốn yếu tố đầu là những đặc tính cơ bản, và trổi vượt trong một phân tử. Bốn yếu tố sau là những yếu tố phụ thuộc và phát sinh từ bốn yếu tố trước.
Một kalàpa là phân tử nhỏ nhất của vật chất - vẫn còn ở ngoài phạm vi của khoa học (*). Phân tử chỉ được thành lập khi tám yếu tố cơ bản nói trên cùng hợp lại với nhau. Nói cách khác, sự qui tụ tạm thời của tám yếu tố cơ bản này để tạo thành một khối vật chất trong một khoảnh khắc được gọi là một phân tử trong Phật giáo. Tuổi thọ của một phân tử được gọi là một "khoảnh khắc," và trong một nháy mắt có một ngàn tỉ khoảnh khắc như thế trôi qua. Tất cả những phân tử này luôn luôn ở trong tình trạng biến dịch hay lưu chuyển không ngừng. Ðối với một thiền sinh đã đạt mức độ khá cao, họ có thể cảm nghiệm các phân tử này như một dòng thác năng lượng.

(*) Vào thời U Ba Khin soạn bài giảng này, người ta vẫn còn biết rất ít về khoa vật lí nguyên tử và phân tử. Ngày nay chúng ta biết rằng kalapas là những phân tử dưới nguyên tử, luôn luôn ở trong tình trạng dao động giữa vật chất và năng lượng.
Không như chúng ta thấy bề ngoài, thân thể con người không phải là một thực thể rắn chắc và ổn định, mà là một dòng vật chất (rùpa) liên tục, hiện hữu đồng thời với tâm (nama). Nếu chúng ta biết rằng thân thể của chúng ta là tất cả những phân tử cực nhỏ luôn luôn thay đổi thì chúng ta biết được bản chất thực sự của sự biến dịch và hủy hoại. Sự biến dịch hay thay đổi này (vô thường) xảy ra do việc các phân tử liên tục bị hủy diệt và thay thế vì tất cả chúng đều ở trạng thái đốt cháy, và sự sinh-diệt này phải được nhìn nhận như là khổ não, chân lí về đau khổ. Chỉ khi quí vị cảm nghiệm được vô thường, đau khổ, quí vị mới nhận thức rõ được chân lí về đau khổ, là chân lí đầu tiên của Tứ Diệu Ðế, nền tảng giáo lí của Ðức Phật.
Tại sao? Bởi vì khi quí vị nhận ra bản chất tinh tế của khổ não mà quí vị không thể thoát được trong chốc lát, quí vị trở nên thực sự sợ nó, ghét nó, và chán ngán chính sự sống của quí vị như một thực thể danh sắc, và tìm cách trốn thoát khỏi tình trạng đau khổ, để đi tới Niết bàn, chỗ kết thúc của đau khổ. Chỗ kết thúc đau khổ đó thế nào, quí vị sẽ có thể cảm nghiệm nó ngay cả ở đời sống này, khi quí vị thành đạt bậc thánh Tu Ðà Huờn,và thực hành khá tốt để đạt đến tình trạng vô điều kiện của Niết bàn, là sự bình an trong tâm hồn. Nhưng ngay cả trong đời sống thường ngày, ngay khi quí vị duy trì được sự ý thức về vô thường trong khi hành thiền, quí vị sẽ cảm nghiệm được sự biến đổi đang diễn ra nơi con người quí vị để làm cho quí vị trở nên tốt hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trước khi bước vào việc hành thiền Vipassāna (nghĩa là sau khi đã đạt tới một mức độ định tâm, tập trung, cần thiết), thiền sinh phải có sự hiểu biết lí thuyết về các đặc tính của danh sắc. Vì trong khi hành thiền Vipassāna, thiền giả không chỉ niệm về sự thay đổi bản tính của sắc pháp, mà cả sự thay đổi bản tính của tinh thần, những yếu tố tư tưởng của sự chú ý vào tiến trình thay đổi đang diễn ra trong sắc pháp. Có lúc sự chú ý được tập trung vào tính vô thường của khía cạnh sắc pháp của hiện hữu (nghĩa là tập trung vào vô thường đối với sắc pháp); lúc khác lại tập trung vào sự vô thường của các yếu tố tư tưởng hay khía cạnh tinh thần (nghĩa là tập trung vào vô thường đối với danh pháp). Khi người hành thiền niệm về sự vô thường của sắc pháp, họ cũng nhận ra rằng những yếu tố tư tưởng xảy ra đồng thời với sự ý thức đó cũng đang ở trong tình trạng chuyển biến hoặc thay đổi. Trong trường hợp này, người ta sẽ hiểu biết vô thường về sắc pháp và danh pháp cùng một lúc.
Những gì tôi đã nói cho tới giờ đều liên quan tới việc hiểu biết vô thường thông qua những cảm giác thể lí về tiến trình thay đổi của sắc pháp cũng như của những yếu tố tư tưởng tùy thuộc những tiến trình thay đổi ấy. Quí vị nên biết rằng quí vị cũng có thể hiểu vô thường thông qua các loại cảm giác khác. Có thể niệm vô thường qua các cảm giác khác nhau:

- nhờ tiếp xúc hình ảnh bằng thị giác;
- nhờ tiếp xúc âm thanh bằng thính giác;
- nhờ tiếp xúc mùi bằng khứu giác;
- nhờ tiếp xúc vị bằng vị giác;
- nhờ tiếp xúc với da bằng xúc giác; và
- nhờ tiếp xúc các đối tượng tâm bằng nhận thức của tâm.

Như vậy, người ta có thể phát triển hiểu biết về vô thường qua sáu giác quan trên đây. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta trong số sáu giác quan này thì xúc giác bao trùm lãnh vực rộng rãi nhất của việc suy niệm nội quan. Không những thế, cảm giác chúng ta có nhờ sự tiếp xúc bằng xúc giác (bằng sự ma sát, phát xạ và dao động của các khoảnh khắc phân tử bên trong) với các bộ phận khác của thân thể thì dễ nhận thấy hơn bất kì loại cảm giác nào khác. Vì vậy, một thiền sinh mới bắt đầu hành thiền Vipassāna có thể hiểu được vô thường một cách dễ dàng hơn nhờ những cảm giác thể lí về sự thay đổi của sắc pháp. Ðây là lí do chính khiến chúng ta chọn cảm giác của thân làm phương tiện để mau chóng thấu hiểu vô thường. Người ta vẫn có thể sử dụng các phương tiện khác, nhưng theo thiển ý của tôi, thiền sinh nên nắm thật vững sự hiểu biết về vô thường thông qua cảm giác của thân trước khi thử các loại cảm giác khác.
Các Mức Ðộ Nhận Thức
Có bảy mức độ nhận thức trong thiền Vipassāna, đó là:

1) sammàsana: hiểu biết lí thuyết về vô thường, đau khổ vô ngã nhờ quan sát và phân tích;
2) udayabbaya: nhận thức về sự sinh-diệt của danh và sắc nhờ việc quan sát trực tiếp; bhanga: nhận thức về bản chất thay đổi nhanh của danh và sắc như một dòng thác năng lượng chảy mạnh; cách riêng, ý thức rõ ràng về giai đoạn hủy diệt;
3) bhaya: nhận thức rằng chính đời sống này là đáng sợ;
àdinava: nhận thức rằng chính đời sống này đầy sự xấu;
nibbida: nhận thức rằng chính đời sống này đáng ghê tởm;

4) muncitakamyatà: nhận thức nhu cầu và ước muốn khẩn trương phải thoát khỏi đời sống này;
5) patisankhà: nhận thức rằng đã đến lúc hoạt động để thể hiện hoàn toàn sự giải thoát bằng cách lấy vô thường làm nền tảng;
6) sankharupekkhà: nhận thức rằng đã đến giai đoạn cắt đứt với mọi hiện tượng có hành động và đoạn tuyệt với thái độ vị ngã;
7) anuloma: nhận thức giúp thúc đẩy nhanh chóng việc đạt mục tiêu.
Ðây là những mức độ nhận thức người ta đạt được qua việc suy niệm thiền quán. Trong trường hợp những người đạt tới mục tiêu trong một thời gian ngắn, những mức độ này chỉ có thể nhận biết được khi người ta nhìn lại chúng. Cùng với sự tiến bộ trong việc hiểu biết vô thường, người ta có thể đạt tới những mức độ nhận thức này - tuy nhiên, ở một số mức độ, cần phải có sự điều chỉnh hay giúp đỡ của một thiền sư có khả năng. Người hành thiền không nên nóng vội để đạt những mức độ này, vì làm như thế sẽ khiến họ bị phân tâm và làm mất tính liên tục trong nhận thức về vô thường, là điều duy nhất có thể làm người ta thỏa mãn.
Cảm Nghiệm Về Vô Thường Trong Ðời Sống Hằng Ngày
Bây giờ tôi xin phép trình bày phương pháp suy niệm thiền quán trên quan điểm của một người sống tại gia trong đời sống hằng ngày và giải thích những ích lợi có thể đạt được từ đó - một cách cụ thể - ngay ở đời này.
Ðối tượng khởi đầu của suy niệm thiền Vipassāna là kích hoạt kinh nghiệm về vô thường nơi bản thân mình và cuối cùng đạt tới tình trạng thanh thản và quân bình bên trong và bên ngoài. Người ta sẽ đạt được tình trạng này khi người ta chứa đầy cảm giác về vô thường bên trong mình. Thế giới ngày nay đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng đe dọa toàn thể nhân loại. Ðây chính là lúc thích hợp để mọi người chuyên chăm thực hành thiền quán và học cách để tìm ra một trạng thái yên tĩnh sâu xa ngay giữa tất cả những gì đang xảy ra hôm nay. Vô thường ở trong lòng mọi người. Nó ở trong tầm tay của mọi người. Chỉ cần nhìn vào chính mình - quí vị sẽ cảm nghiệm ngay được vô thường. Khi quí vị cảm nghiệm được vô thường, khi quí vị thông hiểu với vô thường, quí vị có thể cách li khỏi thế giới hình tượng bên ngoài. Ðối với người sống tại gia, vô thường là viên ngọc đời sống mà người ấy chăm lo giữ gìn để tạo ra một nguồn mạch năng lượng của sự thanh thản và quân bình vì hạnh phúc của bản thân mình và của toàn thể xã hội.
Khi được phát triển đúng mức, kinh nghiệm vô thường sẽ đánh vào tận gốc rễ những căn bệnh thể chất và tinh thần của một người và dần dần gỡ bỏ mọi điều xấu nơi người ấy, là những nguyên nhân của những căn bệnh thể chất và tinh thần. Kinh nghiệm này không chỉ dành riêng cho những người đã chọn đời sống xuất gia. Cả những người sống tại gia cũng có thể kinh nghiệm nó. Cho dù những khó khăn của cuộc sống hôm nay đang làm cho người sống tại gia luôn luôn bất ổn và xáo trộn, nhưng một thiền sư có khả năng hay một người hướng dẫn giàu kinh nghiệm có thể giúp một thiền sinh thấu hiểu được vô thường trong một thời gian tương đối ngắn. Một khi đã thấu hiểu được nó, thiền sinh chỉ cần cố gắng duy trì nó; nhưng họ phải quyết tâm rằng, ngay khi có cơ hội tiến tới, họ phải sẵn sàng thực hành để đạt tới giai đoạn Tuệ diệt - bhanganana, nhận thức về bản chất thay đổi mau lẹ của danh sắc như một dòng thác năng lượng chảy mạnh.
Tuy nhiên, thường những người không đạt được giai đoạn diệt -bhaíga cũng gặp một số khó khăn. Tình trạng này rất giống một cuộc giằng co giữavô thường bên trong với những hoạt động thể chất và tinh thần bên ngoài. Vì vậy, người này nên thực hành phương châm "Làm cho ra làm, chơi cho ra chơi." Không cần phải kích hoạt cảm nghiệm vô thường trong mọi lúc. Chỉ cần thực hành vào những thời gian nhất định, đều đặn, được dành riêng ban ngày hay ban đêm cho việc này. Nhưng ít là trong thời gian dành riêng này, phải cố gắng tập trung chú ý vào bên trong thân thể, và chỉ ý thức duy nhất về một điều là vô thường mà thôi. Nghĩa là, ý thức về vô thường phải liên tục từ lúc này sang lúc khác để không còn chỗ cho bất kì lí luận hay tư tưởng ngoại lai nào, vì những điều này chỉ có hại cho sự tiến bộ. Trường hợp sự liên tục này không thể thực hiện được, thiền sinh phải quay trở về với việc niệm hơi thở, vì định, tập trung là chìa khóa để đạt sự niệm vô thường. Ðể có sự tập trung tốt, cần phải có giới hoàn hảo,vì Ðịnh được xây dựng dựa trên giới. Ðể có cảm nghiệmvô thường tốt, phải có định tốt. Nếu có định tuyệt hảo, cảm nghiệm về vô thường cũng sẽ tuyệt hảo.
Không có kĩ thuật đặc biệt nào để kích hoạt cảm nghiệm về vô thường ngoại trừ việc điều chỉnh cho tâm đạt tới tình trạng quân bình và tập trung hoàn hảo vào đối tượng suy niệm. Trong thiền Vipassāna, đối tượng của suy niệm là vô thường, vì vậy những ai quen tập trung chú ý vào những cảm giác của cơ thể, họ có thể cảm nhận vô thường một cách trực tiếp. Khi cảm nghiệm vô thường bằng những cảm giác của cơ thể, trước tiên phải nhắm vào những phần nơi cơ thể mà người ta dễ tập trung nhất, rồi chuyển chú ý từ chỗ này sang chỗ khác, từ đầu xuống chân và từ chân lên đầu, thỉnh thoảng đi trở vào bên trong nội tâm. Ở giai đoạn này, phải hiểu rõ rằng không được chú ý vào sự phân tích giải phẫu học về cơ thể, mà phải chú ý vào sự hình thành vật chất - các khoảnh khắc phân tử - và bản chất sự thay đổi liên tục của chúng.
Nếu tuân theo những hướng dẫn này, chắc chắn sẽ có tiến bộ, nhưng sự tiến bộ cũng còn tùy thuộc vào pàramì (Ba La Mật, nghĩa là các phẩm chất tinh thần của một người) và sự chuyên chăm chú của người ấy vào việc hành thiền. Nếu họ đạt những mức độ nhận thức cao, họ sẽ gia tăng khả năng hiểu biết ba đặc tính cơ bản là vô thường, khổ não và vô ngã, và họ sẽ tới gần hơn mục tiêu của mình là trở thành bậc thánh - là mục tiêu mà mọi người tại gia phải nhắm tới.
Chúng ta đang sống trong thời đại khoa học. Con người thời nay không có đầu óc không tưởng. Họ sẽ không chấp nhận điều gì nếu nó không có kết quả tốt, cụ thể, sống động, cá nhân, và ngay lập tức.
Thời Ðức Phật còn sinh tiền, ngài đã nói với dân chúng ở Kàlàma:
Này những người Kàlàma, các người hãy ý tứ. Ðừng để mình bị đánh lừa bởi những báo cáo hay truyền thống hay những điều nghe nói. Ðừng để bị đánh lừa bởi sự thông thạo sách vở, bởi suy luận hay lôgích, bởi tư duy và sự tán thành một lí thuyết nào, hay vì một quan điểm nào phù hợp với sở thích của mình, hay vì sự kiêng nể đối với uy tín của một bậc thầy nào đó. Nhưng khi các người tự mình biết rằng: những điều này không đầy đủ, những điều này đáng chê trách, những điều này bị các người trí tuệ loại bỏ; nếu thực hành chúng, chúng sẽ mang lại sự mất mát và phiền não - thì các người hãy dẹp bỏ chúng. Nhưng nếu khi nào các người tự mình biết rằng: những điều này là hoàn hảo, những điều này không có gì đáng chê trách, những điều này được các bậc thông thái ca ngợi; nếu thực hành, chúng sẽ đem lại sự sung túc và hạnh phúc - thì các người hãy thực hành, và trung thành gìn giữ chúng.
Thời của thiền Vipassāna đã đến - nghĩa là đã đến thời phục hưng việc thực hành Thiền quán. Chúng ta hoàn toàn chắc chắn rằng những ai có đầu óc cởi mở mà theo học một khóa thiền với một thiền sư có khả năng, thì sẽ đạt được những kết quả nhất định - tôi muốn nói là những kết quả được coi là tốt, cụ thể, sống động, cá nhân, lập tức - để giúp họ sống một cuộc sống thỏa mãn và hạnh phúc.
Cầu chúc mọi chúng sanh được hạnh phúc và toàn thế giới được hòa bình.
-ooOoo-
HIỂU BIẾT VỀ VÔ THƯỜNG LÀ ÐIỀU QUAN TRỌNG
-- Viện Nghiên Cứu Vipassāna (VRI)

Bài viết sau đây của Viện Nghiên Cứu Thiền Quán Vipassāna (VRI, Vipassanā Research Institute) giải thích chi tiết hơn tầm quan trọng của khái niệm vô thường. VRI được sáng lập năm 1985 với mục đích tổ chức công việc nghiên cứu các nguồn của phương pháp thiền Vipassāna bằng việc sử dụng các lời nói của Ðức Phật. Những lời của Ðức Phật được giữ lại trong Tipitaka(Tam Tạng), là sưu tập các sách ghi lại lời giảng dạy của Ðức Phật như đã được truyền lại một cách trung thực, trước tiên qua truyền thống bằng khẩu truyền, rồi sau được ghi lại bằng chữ viết trong ba bộ sưu tập. VRI toạ lạc bên cạnh Học viện Vipassāna International Academy ở Igatpuri, Ấn Ðộ. Ðây là một trong những trung tâm thiền Vipassāna lớn nhất thế giới hiện nay.

"Vô thường là bản chất của mọi sự vật ."
Khi người ta quan sát điều này bằng tuệ giác,
Người ta sẽ được giải thoát khỏi đau khổ;
Ðây là đạo thanh tịnh.
-- (Pháp cú kinh, số 277)

Vô Thường
Biến đổi là bản chất nội tại của mọi sự vật tồn tại trong hiện tượng. Không có vật gì sống động hay bất động, hữu cơ hay vô cơ, mà chúng ta có thể gọi là thường hằng, bởi vì khi chúng ta gọi nó là thường hằng, nó vẫn luôn luôn chịu đựng sự biến đổi. Khám phá được sự kiện trọng yếu này của đời sống, Ðức Phật đã tuyên bố: "Cho dù một bậc Toàn Giác có xuất hiện trên đời này hay không, điều chắc chắn, không thay đổi và là một định luật cố định, đó là mọi sự vật đều là vô thường, đau khổ, và vô ngã." Ba yếu tố này là ba đặc tính chung của mọi chúng sinh.
Trong ba đặc tính này, quan trọng nhất trong việc thực hành thiền Vipassāna là vô thường. Những người hành thiền chúng ta đối diện với tính vô thường của chính bản thân mình. Ðiều này giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta không có khả năng làm chủ hiện tượng này, và biết rằng mọi cố gắng để điều khiển nó đều gây ra đau khổ. Vì vậy, chúng ta học cách siêu thoát, chấp nhận vô thường, cởi mở đón nhận sự thay đổi. Ðiều này giúp chúng ta sống hạnh phúc giữa mọi thăng trầm của đời sống. Vì vậy, Ðức Phật đã nói:
"Ai cảm nhận được vô thường ... thì cũng có cảm nhận về sự vô ngã. Và nơi nào, ai cảm nhận được sự vô ngã, thì tính vị kỉ bị hủy diệt; (và hậu quả là) người ấy đạt được giải thoát ngay ở đời này". -- Tiểu Bộ Kinh, Udàna 4.1, Kinh Meghiya.
Cảm nhận trực tiếp được sự vô thường tự nhiên dẫn đến tri giác về vô ngã và cũng dẫn đến tri giác về đau khổ, và bất cứ ai nhận ra được những sự kiện này đều tự nhiên quay sang con đường dẫn tới diệt khổ.
Vô thường có tầm quan trọng quyết định như thế, cho nên không lạ gì Ðức Phật không ngừng nhấn mạnh ý nghĩa của nó cho những người đi tìm giải thoát. Trong Maha-satipattana Sutta (bản kinh chính trong đó ngài cắt nghĩa phương pháp Vipassāna), ngài mô tả những bước thực hành, mà trong mọi trường hợp đều phải dẫn tới kinh nghiệm sau đây:

"Thiền giả quan sát hiện tượng sinh khởi ... quan sát hiện tượng đoạn diệt ... quan sát hiện tượng sinh và diệt." -- Trường Bộ Kinh, 2.9, Kinh Mahasatipatthàna.
Chúng ta phải nhận ra sự kiện vô thường không chỉ trong khía cạnh nó sẵn sàng thấy được chung quanh và trong chúng ta. Chúng ta phải vượt qua điều này để thấy được thực tại vi tế là chúng ta đang thay đổi từng giây từng phút, rằng cái "tôi" mà chúng ta say đắm là một hiện tượng không ngừng lưu chuyển. Qua kinh nghiệm này chúng ta có thể dễ dàng thoát ra khỏi tính ích kỉ và khỏi đau khổ.
Nơi khác Ðức Phật nói:
"Này các thiền giả, mắt là vô thường. Ðiều gì vô thường thì khổ đau. Ðiều gì khổ đau thì vô ngã. Ðiều gì vô ngã thì không là của ta, không là ta, không là bản ngã ta. Ðây là cách nhìn mắt bằng tuệ giác theo đúng thực chất của nó.
Cùng lối nói này áp dụng cho tai, mũi, lưỡi, thân và tâm - cho mọi cơ sở của kinh nghiệm cảm giác, mọi khía cạnh của một con người. Rồi Ðức Phật nói tiếp:
Này các thiền giả, khi nhìn thấy điều này, chư vị có sự hiểu biết cao thượng đầy đủ với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tâm (nghĩa là với toàn thể sự sống cảm giác). Vì hiểu biết cao thượng, người ấy không còn đam mê đối với chúng. Vì không còn đam mê, chư vị được giải thoát. Từ sự giải thoát này họ nhận ra mình được tự do. " -- Tương Ưng Bộ Kinh, 2.1, Kinh Ajjhattanicca
Trong đoạn này Ðức Phật vạch ra một sự phân biệt rạch ròi giữa sự hiểu biết bằng nghe nói và sự hiểu biết bằng trực giác của kinh nghiệm bản thân. Người ta có thể là một sutava, nghĩa là một người đã được nghe về Phật pháp và chấp nhận nó bằng đức tin hoặc cũng bằng trí óc. Tuy nhiên, sự chấp nhận này không đủ để giải thoát bất cứ ai khỏi chu kì đau khổ. Ðể đạt sự giải thoát, người ta phải tự mình nhìn thấy chân lí, phải trực tiếp kinh nghiệm chân lí trong chính mình. Ðây là điều mà thiền Vipassāna giúp chúng ta thực hiện.
Nếu chúng ta muốn hiểu sự đóng góp độc đáo của Ðức Phật, chúng ta phải luôn luôn nắm vững sự phân biệt này trong tâm trí. Chân lí ngài nói đến không phải là điều chưa từng được biết đến trước thời của ngài; nó là chân lí đã phổ biến ở Ấn Ðộ vào thời ngài rồi. Ngài không phát minh ra khái niệm vô thường, đau khổ, và vô ngã. Ðiều độc đáo của ngài là đã tìm ra cách đi từ chỗ chỉ nghe nói về chân lý tới chỗ kinh nghiệm chân lí.
Có một bản văn cho thấy rõ sự nhấn mạnh đặc biệt này của lời Ðức Phật giảng, đó là kinh Bahiya trong Tương Ưng Bộ Kinh. Trong bản văn này có ghi lại câu truyện về cuộc gặp gỡ giữa Ðức Phật và Bahiya, một người lãng du trên đường tìm đạo thiêng liêng. Không phải môn đệ của Ðức Phật, nhưng Bahiya xin Ðức Phật hướng dẫn trong cuộc tìm đạo của mình. Ðức Phật đã đáp lại bằng một câu hỏi:
- Bahiya, theo ý ngươi: mắt là thường hay vô thường?
- Vô thường, thưa ngài.
- Ðiều gì là vô thường thì là nguyên nhân gây đau khổ hay hạnh phúc?
- Ðau khổ, thưa ngài.
- Vậy, vì điều vô thường là nguyên nhân đau khổ và tự bản chất luôn thay đổi, có nên coi nó là "của ta," là "ta," là "bản ngã" của ta không?
- Hoàn toàn không, thưa ngài. (Tương Ưng Bộ Kinh 2.69, Kinh Bahiya).
Ðức Phật còn hỏi thêm Bahiya về những đồ vật thấy được, về sự nhận thức của mắt và tiếp xúc của mắt. Trong mọi trường hợp, người này đều nhìn nhận rằng chúng là vô thường, khổ não, vô ngã. Anh ta không tuyên bố là môn sinh của Ðức Phật, nhưng anh chấp nhận các sự kiện vô thường, khổ não và vô ngã. Như thế bản kinh này ghi lại cho chúng ta sự kiện rằng, ít trong số những người đương thời với Ðức Phật, người ta đã từng chấp nhận những ý tưởng mà ngày nay chúng ta tưởng là chỉ có trong các giáo huấn của Ðức Phật mà thôi.
Dĩ nhiên, người ta cắt nghĩa rằng đối với Bahiya cũng như những người khác, khái niệm vô thường, đau khổ và vô ngã chỉ là những ý kiến lí thuyết mà họ chủ trương - tiếng Pàli gọi là manna. Với những người này, Ðức Phật đã chỉ cho họ con đường vượt lên trên những niềm tin hay triết lí, để kinh nghiệm trực tiếp bản tính con người của họ như là vô thường, đau khổ, và vô ngã.
Vậy ngài đã chỉ con đường nào? Trong kinh Brahmajala, Ðức Phật đã cho câu trả lời. Ở đây ngài liệt kê tất cả các niềm tin, ý kiến và quan điểm của thời ngài, sau đó ngài khẳng định, ngài biết một điều vượt xa mọi quan điểm đó:

"Vì khi đã kinh nghiệm được các cảm giác phát sinh và tận diệt đúng theo thực chất của chúng, sự hấp dẫn của chúng, mối nguy hiểm nơi chúng và sự giải thoát khỏi chúng, này các thiền giả, bậc Toàn Giác trở nên tự do, vì được giải thoát khỏi mọi sự trói buộc". -- Trường Bộ Kinh, 1.1, kinh Bhahmajala
Ở đây Ðức Phật khẳng định một cách khá đơn giản rằng ngài được giác ngộ là nhờ quan sát những cảm giác như là những biểu hiện của sự vô thường. Bất kì ai muốn theo giáo huấn của Ðức Phật đều phải làm giống như ngài.
Vô thường là sự kiện trọng tâm mà chúng ta phải nhận biết để thoát ra khỏi đau khổ, và con đường trực tiếp nhất để kinh nghiệm vô thường là quan sát các cảm giác của mình. Ðức Phật lại nói:
"Này các thiền giả, có ba loại cảm giác, [tất cả đều] vô thường, hỗn tạp, phát sinh từ một nguyên nhân, có thể hư hoại, tự bản chất qua đi, lu mờ và chấm dứt." -- Tương Ưng Bộ Kinh , 2.211, kinh Anicca.
Các cảm giác trong chúng ta là những biểu lộ dễ nhận thấy nhất về tính vô thường. Bằng cách quan sát các cảm giác, chúng ta trở nên có khả năng chấp nhận thực tại, không chỉ bằng đức tin hay sự xác tín của trí óc, mà do kinh nghiệm trực tiếp của chính chúng ta. Bằng cách này chúng ta có sự tiến bộ từ tình trạng chỉ nghe nói về chân lí tới tình trạng cảm nghiệm chân lí trong chính chúng ta.
Như thế khi chúng ta gặp được chân lí hiện diện, chân lí ấy chắc chắn biến đổi chúng ta một cách triệt để. Như Ðức Phật đã nói:
Khi một thiền giả tập trung một cách đầy hiểu biết, chuyên chú, nồng nhiệt và tự chủ, thì nếu những cảm giác dễ chịu khởi sinh nơi thân thể mình, người ấy sẽ hiểu rằng, "Cảm giác dễ chịu này đã khởi sinh trong tôi, nhưng nó lệ thuộc, không độc lập. Lệ thuộc gì? Thân thể này. Nhưng thân thể này là vô thường, biến hóa, phát sinh từ các điều kiện. Vậy làm sao những cảm giác dễ chịu của thân thể có thể là thường hằng nếu nó phát sinh lệ thuộc vào một thân thể vô thường, biến hóa, tự nó phát sinh do những điều kiện?" -- Tương Ưng Bộ Kinh, 2.209, kinh Pathamagelanna.
Thiền giả duy trì cảm nghiệm về sự vô thường của các cảm giác nơi thân thể, sự khởi sinh, mờ nhạt và biến mất của chúng, và cảm nghiệm sự từ bỏ chúng. Khi làm thế, họ không còn bị chi phối bởi lòng thèm muốn của họ. Cũng thế, khi họ cảm nghiệm những cảm giác khó chịu nơi thân thể mình, họ không còn bị chi phối bởi sự chán ghét; và khi họ cảm nghiệm những cảm giác trung lập nơi thân thể mình, họ không còn bị chi phối bởi sự mê muội của họ.
Như thế, bằng cách quan sát tính vô thường của những cảm giác nơi thân thể, thiền giả ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu là tính chân như (niết bàn).
Tôn giả Kondanna, người đầu tiên được giải thoát nhờ nghe lời giảng của Ðức Phật, đã tuyên bố khi ông đạt tới mục tiêu này: Yam kinci samudayadhammam sabbam te nirodha-dhammam - Mọi vật hễ có bản chất phát sinh thì cũng có bản chất tận diệt." Chính nhờ kinh nghiệm đầy đủ thực tại của vô thường mà cuối cùng ông đã kinh nghiệm được một thực tại vô sinh và vô diệt. Lời tuyên bố của ông là một biển chỉ đường cho những người lữ hành sau này trên con đường tìm đạo, chỉ cho họ đường lối phải theo để tự mình đạt được mục tiêu.
Vào giờ cuối đời, Ðức Phật đã tuyên bố: Vaya-dhamma sankhàra - "Mọi sự vật đều là vô thường". Khi trút hơi thở cuối cùng, ngài đã lặp lại chủ đề lớn mà ngài từng giảng dạy thường xuyên trong cả đời ngài. Ngài nói thêm: Appamadena sampadetha - "Hãy chăm chỉ cố gắng." Chúng ta phải hỏi, chúng ta phải cố gắng để đạt mục đích gì? Chắc chắn những lời cuối cùng này của Ðức Phật chỉ có thể ám chỉ đến câu nói trước đó. Di sản vô giá của ngài cho thế giới là sự hiểu biết vô thường như một phương tiện để được giải thoát. Chúng ta phải cố gắng thể hiện sự vô thường bên trong chúng ta, và nhờ đó chúng ta thực hiện lời khuyên dạy cuối cùng của ngài cho chúng ta, chúng ta trở thành những người thừa tự đích thực của Ðức Phật.
-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét