Trang

Cốt Tủy Ðạo Phật - Tứ Diệu Ðế

Con đường xưa
Hòa thượng Piyadassi
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch

 Khổ đế (Dukkha)
Tập Ðế (Samudaya)
Diệt Ðế (Nirodha)
Ðạo Ðế (Magga)

Cốt Tủy Ðạo Phật - Tứ Diệu Ðế

-oOo-

Ðức Phật chuyển pháp luân lần đầu tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều Trần Như với bài pháp Tứ Diệu Ðế gồm có:

Khổ đế (Dukkha)
Tập Ðế (Samudaya)
Diệt Ðế (Nirodha)
Ðạo Ðế (Magga)
Bốn chân lý nầy gọi là "Tứ Diệu Ðế" hay "Bốn Chân Lý Cao Thượng" vì ba nguyên nhân:
- vì được khám phá bới bậc thánh cao quí là Phật;
- vì chỉ con đường giác ngộ trọn vẹn đầy đủ;
- vì là phương pháp tu tập hướng thượng dính liền với thực tế, không phải lời hứa hão huyền.
Người giác ngộ là người hiểu trọn vẹn giáo lý Tứ Diệu Ðế. Tứ Diệu Ðế chính là dấu ấn của chánh pháp.
Tạng kinh Nam Phạm (Pali) ghi rõ: "Tất cả giáo lý nhà Phật có thể tóm tắt trong pháp Tứ Diệu Ðế, không ngoài sự khổ và con đường thoát khổ. Nếu không hiểu trọn vẹn giáo lý nầy, ta không nắm được những gì Ðức Phật giảng trong 45 năm hoằng pháp độ sanh".
Giáo pháp Tứ Diệu Ðế là gốc rể. Các pháp môn Ðại Thừa và Kim Cang Thừa là thân cây, hoa lá nhằm khai triển thêm giáo lý Tứ Diệu Ðế. Có gốc rể mới có thân cây. Gốc rể mạnh, cành lá mới xum xê.
Tại Kosambi, Ðức Phật đã nắm một nắm lá trên tay và hỏi chư tỳ khưu:
"Nầy chư vị, lá trong tay Như Lai nhiều hay lá trong rừng nhiều ?
- Bạch Ðức Thế Tôn, lá trong rừng nhiều.
- Quả thật vậy, sự biết của Như Lai nhiều như lá trong rừng. Những gì Như lai chỉ dạy ví như nắm lá trong tay. Vì sao? vì sự hiểu biết kia không dẫn đến đời sống đạo hạnh, khước từ, chấm dứt đau khổ, thanh tịnh, giác ngộ hay dẫn đến Niết Bàn.
Ðây là khổ đế, Như Lai chỉ dạy
Ðây là tập đế, Như Lai chỉ dạy
Ðây là diệt đế, Như Lai chỉ dạy
Ðây là đạo đế, Như Lai chỉ dạy.
Tại sao Như Lai chỉ dạy các chân lý nầy? vì điều nầy dẫn đến đời sống đạo hạnh, khước từ, chấm dứt đau khổ, thanh tịnh, giác ngộ hay Niết Bàn".
Ðức Phật đã dùng phương pháp y học để giảng dạy Tứ Diệu Ðế. Trước hết ngài định bệnh, kế đó, ngài vạch rỏ nguyên nhân căn bệnh, rồi ngài diển tả tình trạng hết bệnh và sau cùng là ngài chỉ dẫn phương pháp trị bệnh.
Người có bệnh khổ cần nhận thức, suy niệm về cơn bệnh hiểm nghèo của mình, mong muốn hết bệnh và cầu cứu đến thầy thuốc. Ðức Phật là bậc Tối Thượng Y Vương đã chẩn mạch và định bệnh khổ của thế gian. Tham ái là nguyên nhân gây ra khổ nên cần được diệt trừ. Diệt trừ tham ái là hết bệnh. Bát Chánh Ðạo là phương thuốc trị liệu cần phải được thực hành. Khi hiểu biết về bệnh khổ và quyết tâm diệt trừ nguyên nhân khổ bằng cách thực hành Bát Chánh Ðạo, chắc chắn sẽ thành đạt tới cứu cánh hạnh phúc tối thượng, là sự giải thoát, diệt trừ tham ái hoàn toàn, là cảnh giới an vui Niết Bàn.
Khổ não là quả sanh từ nhân tham ái
Niết Bàn là quả sanh từ nhân Bát Chánh Ðạo.
Ðức Phật nhấn mạnh: "Những bậc chứng ngộ Tứ Diệu Ðế là bậc giác ngộ hoàn toàn. Như Lai có danh hiệu A-la-hán (Ứng Cúng) vì ta đã chứng nghiệm thực tướng Tứ Diệu Ðế".
-oOo-



Khổ Ðế (Dukkha)

Danh từ Dukkha có nhiều nghĩa gồm sự khổ về mặt tâm lý, triết lý và vật chất. Chúng ta không có danh từ đồng nghĩa với phạn ngữ Dukkha. Ðau khổ, bệnh hoạn, phiền não, bất toại nguyện chỉ diển tả một phần nào ý nghĩa Dukkha. Vì thế, nhiều người thích dùng nguyên ngử Dukkha để diển tả khổ đế.

"Người thấy khổ đế sẽ thấy nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường diệt khổ". Ðối với người tìm chân lý, khổ đế là điểm bắt đầu trong đạo Phật. Không nhận thức được khổ đế, ta sẽ không bao giờ hiểu tập đế, diệt đế và đạo đế. Không hiểu Tứ Ðế là không hiểu Phật Pháp.
Ðức Phật dạy: "Thế gian nầy thành hình từ sự khổ đau". Những người có cái nhìn chân chánh sẽ thấy thế gian chỉ có một bệnh, chỉ có một vấn đề là khổ đau, bất toại nguyện, hay sự xung đột giữa tham ái và đời sống. Tất cả những khó khăn trong đời sống đều nằm trong khổ đế.
Nếu đã thỏa mản với cuộc sống thì ta đâu có chuyện gì cần giải quyết. Thực tế, đời sống là một chuổi dài đương đầu hết vấn đề nầy đến khó khăn khác. Các vấn đề ta cần giải quyết trong đời sống có nhiều khía cạnh như vật chất, tinh thần, kinh tế, xã hội, tâm lý hay tôn giáo. Tất cả cùng chung đặc điểm là khiến ta phiền não, bất toại nguyện. Khi ta giải quyết được một vấn đề; phiền não lại sanh ra dưới dạng khác. Chúng ta lại phải giải quyết, cứ thế không ngừng. Ðó là bản chất của đau khổ, là đặc tính chung của đời sống thế gian. Giữa những chập hạnh phúc ngắn ngủi, đau khổ đến, đi, và hiện ra dưới dạng khác, liên tiếp không ngừng.
Ðạo Phật không phủ nhận hạnh phúc thế gian. Chính Ðức Phật ngày xưa trong kinh Anguttara Nikaya đã liệt kê tất cả khoái lạc hạnh phúc trong đời sống thế gian. Tuy nhiên, ngài dạy rỏ:
"Vì sắc, thinh, hương, vị, xúc mang lại khoái cảm nên con người bám víu vào và trở thành nô lệ nó. Người nào nhận thấy sắc, thinh, hương, vị, xúc không mang lại hạnh phúc dài lâu, không bám vào, người nầy đã giải thoát".
Năm giác quan - mắt, tai, mủi, lưởi, thân đụng với năm đối tượng bên ngoài tạo nên sự khoái cảm hạnh phúc. Ðó là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Nhưng sự khoái cảm nầy không bền lâu. Nó rất phù du, tạm bợ, luôn thay đổi sanh diệt. Con người vì không nắm giử được hạnh phúc, sanh ra cầu não và đau khổ. Tất cả thú vui thế gian ví như đường bộc bên ngoài viên thuốc độc, gây hại cho ta.
Thói thường, con người sống trên đời luôn chạy theo những khoái cảm hạnh phúc, không thích để ý nhận thức những khổ đau phiền não. Dù ta thích hay không thích. đau khổ luôn luôn nối gót theo sau hạnh phúc. Thí dụ, một người sống trong nhung lụa giàu sang, đến khi làm ăn thua lổ mất hết tài sản sẽ gặp đau khổ. Hoặc một người có phước báu đầy đủ, gia đình hạnh phúc yên vui, đến khi cái chết cướp đi một người thân yêu, người đó như rớt vào hố sâu khổ não không kể xiết. Ðối đầu với thực tế khổ đau., người ấy sẽ có một trong hai thái độ: Hoặc là người đó đau khổ điên khùng mất trí, ôm ấp sầu não cho đến chết, rồi lại tái diễn giòng sanh tử luân hồi. Hoặc là người đó bừng tỉnh như ra khỏi cơn mê, nhận thức chân lý vô thường, khổ não trong đời sống. Người thức tỉnh sẽ giử được tâm quân bình trước sự mất mát, đau khổ, người nầy sẽ an nhiên không còn lo lắng và giải thoát khổ đau.
Khổ có ba loại:
- khổ-khổ (dukkha-dukkha)
- hành khổ (samkhara-dukkhata)
- hoại khổ (viparinama dukkhata)
Khổ-khổ là cái khổ thông thường như khổ vì sanh, lão, bệnh, tử; khổ khi gần người ghét, khổ khi xa người thương, khổ khi muốn mà không được, khổ vì có thân ngũ uẩn. Cái khổ nầy bàng bạc trong thế gian. Ta chỉ cần mở mắt nhìn sẽ thấy nó.
Hành khổ là cái khổ bám víu vào năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Năm uẩn nầy họp lại thành thân-tâm một chúng sanh. Vì bám víu vào năm uẩn, chúng sanh tạo nhiệp và chịu nhiều đau khổ vì định luật nhân quả.
Hoại khổ là sự khổ về vô thường. Chúng sanh và thế gian thay đổi không ngừng, xoay chuyển như cơn gió lốc, không một ai thoát khỏi sự thay đổi sanh diệt. Ðôi khi ta hưởng được một ít hạnh phúc do năm uẩn mang lại nhưng hạnh phúc nầy ngắn ngủi, mỏng manh như làn sương. Khi năm uẩn bị diệt, hạnh phúc tan biến, thay vào đó là sự đau khổ.
Tóm lại, cõi sa bà là khổ não, bất toại nguyện, không có hạnh phúc thật sự. Hãy suy niệm quan sát sáu cảnh giới trong cõi sa-bà. Kẻ sống trong địa ngục vô cùng khổ sở. Ngạ quỷ thiếu thốn mọi điều. Ðời sống cầm thú đần độn không được an toàn. Các vị trời rất đau khổ trước khi chết. Cảnh giới thần đau khổ vì ganh tỵ và chiến tranh. Ðời sống con người có vui, có buồn nhưng vui buồn vô thường. Vui khi gặp người thân. Buồn khi xa người thương. Có đó rồi mất đó. Ði lâu, ta thấy mỏi chân, ngồi lâu sinh ra khó chịu. Cái khổ của con người ví như ngồi trên bàn chông. Xây qua bên nầy thấy đau, xây qua bên kia cũng thấy đau. Con người luôn luôn bất toại nguyện.
Phật dạy "sự khổ, nguyên nhân khổ, sự thoát khổ và phương pháp thoát khổ" đều không nằm ngoài năm uẩn, không tách rời khỏi năm uẩn. Do đó, muốn thấu hiểu Tứ Ðế cũng như giáo lý đại thừa và kim cang thừa, ta cần hiểu biết về năm uẩn.
Ngũ Uẩn
Giáo lý nhà Phật luôn trình bày hai chân lý: chân lý thế gian hay tục đế (sammuti sacca) và chân lý xuất thế gian hay chân đế (paramattha sacca). Theo tục đế, chúng ta nói về một chúng sanh. Theo chân đế, không có một "chúng sanh" mà chỉ có sự hiện hửu và sự thay đổi không ngừng của hai năng lực, thân và tâm, còn được biết dưới danh từ chuyên môn là sắc (thân - rupa) và danh (tâm - nama). Thân và tâm là sự tổng hợp của năm uẩn thay đổi không ngừng: Sắc uẩn thuộc về thân, Thọ-Tưởng-Hành-Thức uẩn thuộc về tâm.
* Sắc Uẩn (rupakkhandha) gồm có bốn chất (tứ đại) thường gọi là đất, nước, lửa, gió. Tứ đại diển tả bốn tính chất tạo ra hình tướng sự vật là chất cứng, chất lỏng, chất nóng và chất di động.
- Chất cứng (pathavi) có đặc tính chiếm một khoảng không gian. Vì có chất cứng nên ta nhìn thấy đất, cây cỏ hay biển hồ, vì có chất cứng nên ta thấy sự vật lớn nhỏ, nặng nhẹ, cứng mền v.v. Trong thân ta, chất cứng biểu hiện qua da, thịt, xương, các bộ phận và các cơ quan.
- Chất lỏng (apo) là chất kết hợp có đặc tính làm cho các chất khác dính lại. Chính nhờ đặc tính nầy sự vật có hình dáng. Trong thân ta, chất lỏng biểu hiện qua máu, nước mắt, nước tiểu, đàm, giải v.v.
- Chất nóng (tejo) là nhiệt độ nóng lạnh của vật chất. Sự sống của vạn vật tùy thuộc chất nầy. Chúng ta cảm thấy hơi nóng mỗi khi thấy có sự co dản các chất. Trong thân ta, chất nóng mang lại nhiệt độ trong cơ thể để giử sự sống.
- Chất gió (vayo) di chuyển có tính cách tương đối vì di chuyển đối với vật đứng yên. Thật ra, không có vật nào đứng yên hoàn toàn vì các nguyên tử trong vật chất di chuyển mau chậm không ngừng. Trong thân ta, chất gió thô là hơi thở. Chất gió vi tế là luồng sinh lực luôn di chuyển trong cơ thể.
Bốn chất tứ đại hợp lại tạo thành sắc uẩn là hình tướng vạn vật. Khi nhìn vào một vật, ta chấp vào hình tướng, rồi bám víu vào đó, tin tưởng vật ấy hay người ấy hiện hữu độc lập. Ðó là ảo tưởng thế gian. Khi nhìn một vật, người có trí tuệ phân tích đây là biểu tượng của sắc uẩn, thấy rỏ sự kết hợp tương đối của bốn chất đất-nước-gió-lửa di động không ngừng trong vật ấy. Khi sắc uẩn còn duyên hợp gọi là sự sống. Khi sắc uẩn hết duyên hợp, các chất tứ đại tan rã gọi là chết. Người đó thấy có sự kết hợp của sắc uẩn nhưng không có một chất gì riêng biệt độc lập để bám víu vào. Ðó là thấy thực tướng tánh không của sắc uẩn.
* Thọ Uẩn (vedanakkhandha) là cảm xúc trước sự vật bên ngoài. Có ba loại thọ: khoái lạc, đau khổ và vô ký (không khoái lạc, không đau khổ). Thọ phát sinh khi hội đủ ba điều kiện:
- có giác quan (căn) để cảm nhận;
- có sự vật bên ngoài (trần);
- có ý thức (thức) để ghi nhận.
Mỗi người có thể kinh nghiệm thọ khác nhau về một đối tượng. Một vật tạo khoái cảm cho người nầy có thể phiền toái cho người kia vì không có thọ cảm tuyệt đối cho mọi người. Ðôi khi thọ vui cho căn nầy lại là thọ đau khổ cho căn khác. Thí dụ mùi phó-mát khó ngửi nhưng ăn ngon. Khi áp đặt thọ cảm của mình đối với sự vật lên người khác, ta đang tạo đau khổ cho người khác.
* Tưởng Uẩn (sannakkhandha) là sự nhận biết (samjanana) về các trần. Có sáu loại tưởng liên hệ đến căn (mắt, tai, mũi, lưới, thân, ý) và trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Khi thức thấy sự vật, cùng lúc đó, tưởng nhận biết sự vật qua sự so sánh. Tưởng tạo ra hình ảnh để ta ghi nhớ sự vật, tạo ra kỷ niệm, mộng tưởng. Tưởng thường làm chúng ta hiểu sai lầm về hình ảnh ghi nhận bên ngoài. Thí dụ, nhà nông để người bù nhìn trong cánh đồng, chim chóc tưởng người thật nên không đến ăn thóc. Ðó là ảo tưởng do tưởng uẩn mang lại. Ðức Phật đã so sánh tưởng với ảo giác.
Sống với cái tưởng sai lạc lâu ngày, ta chấp vào hình tướng dựa trên cái tưởng đó, lấy giả làm thật và khó nhận ra thực tướng của sự vật. Kinh Suttanipata dạy:
Người không bị tưởng trói buộc,
Người nầy được tự do.
Người phát sinh thiền quán,
Ảo tưởng sẽ chấm dứt.
Người chấp vào ảo tưởng,
Có cái nhìn sai lầm,
Vô minh sống phóng túng.
* Hành Uẩn (samkharakkhandha) là tổng hợp của các tâm sở có tác ý, thúc đẩy ta hành động tạo nghiệp. Có sáu loại hành liên quan đến sáu căn.
* Thức Uẩn (vinnanakkhandha) là khả năng nhận biết là nơi các tâm sở phát sanh. Thức uẩn là nguồn gốc của ý và làm chủ điều khiển các uẩn trên. Thức uẩn thường gọi tắt là Tâm.
Thức không phải linh hồn độc lập có tự tánh riêng, đối nghịch với vật chất. Thức cũng không thường còn, bất biến, không phải là "tự ngã hay cái ta".
Nhiều người nghĩ có một tự ngã độc lập thường còn nằm trong cơ thể, chuyển từ xác thân nầy qua xác thân khác. Quan niệm nầy không đúng chân lý. Trong Kinh Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh). Ðức Phật giảng cho tỳ khưu Sati như sau: "Nầy Sati! Như Lai giảng nhiều lần ngoài các điều kiện không có thức". Thức phát sanh khi có căn và trần. Ngoài ra thức không có tự tánh độc lập bất biến. Ðây là tánh không của thức.
Tất cả thế giới là một khối cảm thọ. Khi năm căn đụng với năm trần, thức phát sanh. Sự phát sanh nầy rất vi tế. Vì thọ, tưởng, hành và thức uẩn luôn luôn xoay vần, tô mầu sự vật bên ngoài nên tâm thấy sự vật không đúng ý như sự vật đang xảy ra. Ðây là nguồn gốc vô minh.
Tóm lại, chúng ta có năm uẩn, không có uẩn nào thường còn. Tất cả luôn biến chuyển. Sự thay đổi nầy dựa trên nguyên tắc khoa học là tất cả sự vật phát sanh từ điều kiện duyên hợp, sẽ thay đổi băng hoại, không thường còn. Cái gì vô thường là khổ não.
Có người chỉ trích quan niệm vô thường khổ não của Ðức Phật bi quan yếm thế. Sự thật khác hẳn. Ðức Phật không những chỉ ta bệnh khổ, ngài còn dạy ta con đường chấm dứt khổ. Lời dạy của Ðức Phật là ánh sáng của an vui và hy vọng.
Ðức Phật thấy đau khổ là đau khổ, hạnh phúc là hạnh phúc. Ngài khuyên nhủ con người phải biết từ bỏ ái dục vì thế gian chỉ là màn kịch, sớm hay muộn gì chúng ta cũng bất toại nguyện. Ngài rất thực tế, không bi quan hay lạc quan. Ngài khuyên chúng ta phải biết khước từ lối nhìn thông thường trong đời sống, không bám víu vào sự vật và để cho sự việc tự nhiên trôi chảy. Ðiều nầy không phải dể, tuy nhiên nếu cố gắng, có thể thực hiện được. Ðức Phật khuyên dạy đệ tử không nên sầu não mà phải phát tâm phỉ, là một động lực của giác ngộ.
Gánh nặng là năm uẩn
Hạnh phúc thay khi bỏ gánh nặng của năm uẩn!
Vui thay không sầu não!
Hạnh phúc thay hào quang của chư thiên!
Người nào thấy rỏ bản chất của sự vật, người ấy vô cùng hạnh phúc. Hành giả tu Phật là người nhận đúng thực tướng của sự vật. Khi đương đầu với cảnh sanh-lão-bệnh-tử, người không tu sẽ đau khổ trước các điều kiện thăng trầm vì thấy sự vật sai lạc, khác với những gì họ chờ mong. Người hiểu Pháp có thể giử tâm bình thản.
Một người mẹ được hỏi sao không khóc than trước cái chết của đứa con yêu dấu. Bà trả lời: "Không mời đến, nó đến. Không mời đi, nó lại đi. Khóc than có ích lợi gì?
Tâm xả là pháp hay nhất trị bệnh bi quan hay lạc quan. Tâm xả là tâm quân bình, không phải tâm xả bỏ, lãnh đạm. Tâm quân bình là tâm không xao động trước được-mất, khen-chê, v.v. Ðó là tâm an nhiên tự tại, không bị lay động trước những điều kiện thế gian. Tâm nầy sẽ dẫn đến giác ngộ và giải thoát luân hồi.
Hạnh phúc tối thượng không thể có trong các uẩn có điều kiện. Chúng ta vui vẻ sung sướng hôm nay nhưng sẽ đau khổ ngày mai. Khoái lạc không tồn tại mãi mãi. Trong hạnh phúc thế gian đã có mầm đau khổ, bất toại nguyện. Người không thấy điểm tế nhị nầy bị ảo tưởng đánh lừa nên bám chặc vào thế gian. Tất cả thế giới hửu vi đều thay đổi và dẫn đến đau khổ. Khổ-Khổ, Hoại Khổ, Hành Khổ không bao giờ tự nó chấm dứt. Hãy dùng nội tâm suy xét kỷ mọi việc thế gian, chúng ta sẽ thấy rõ chân lý khổ não nầy.
-oOo-


Tập Ðế (Samudaya)

Chân lý thứ hai là Tập Ðế, nguồn gốc khổ đau.

Theo đạo Phật, không có một vị thượng đế nào quyết định về đời sống của con người. Sự đau khổ và nguồn gốc đau khổ không đến từ bên ngoài, mà từ bên trong chúng ta.
Ngài Ca Diếp hỏi Ðức Phật đau khổ tự nó có hay do động lực từ bên ngoài tạo ra. Ngài trả lời "Ðau khổ không phải tự có cũng không do bên ngoài". Nếu nói đau khổ tự nó có, không bị ảnh hưởng của cảnh vật bên ngoài là sai. Nếu nói đau khổ do cảnh vật bên ngoài tạo ra tức là con người không phải chịu trách nhiệm về đau khổ, cũng sai. Ðức Phật giảng Thập Nhị Nhân Duyên để chỉ nguồn gốc đau khổ là sự tùy thuộc liên hệ chặc chẻ giữa điều kiện bên ngoài và lòng tham ái bên trong con người.
Thập Nhị Nhân Duyên
Ðức Phật giảng về nguồn gốc đau khổ như sau:
1. Vì vô minh, hành phát sanh
2. Vì hành, thức (thức-tái-sanh) phát sanh
3. Vì thức, danh-sắc phát sanh
4. Vì danh-sắc, lục căn phát sanh
5. Vì lục căn, xúc phát sanh
6. Vì xúc, thọ phát sanh
7. Vì thọ, tham ái phát sanh
8. Vì tham ái, thủ phát sanh
9. Vì thủ, hữu phát sanh
10. Vì hữu, sanh phát sanh
11. Vì sanh nên bệnh-lão-tử phát sanh
12. Vì bệnh-lão-tử nên đau khổ, luân hồi phát sanh.
Nếu chấm dứt vô minh thì chấm dứt hành, chấm dứt hành thì chấm dứt thức v.v., chấm dứt sanh thì chấm dứt đau khổ luân hồi.
Ðó là giáo pháp Phát Sanh Tùy Thuộc hay Thuyết Thập Nhị Nhân Duyên (Paticca Samuppada) của sự phát sanh và chấm dứt đau khổ.
Ðây là giáo lý do chính Ðức Phật chỉ dạy không phải do người đời sau khai triển như một số người đã lầm tưởng.
Thuyết Nhân Duyên có tính cách thực tiển dựa trên kiến thức (nana) và trí huệ (panna) về giáo pháp. Khi Phật giảng "Ye dhamma hetuppabhava (Tất cả sự vật đều có nguyên nhân) là nói đến giáo pháp trên.
Nếu hiểu sai lạc về pháp Nhân Duyên, ta sẽ hiểu sai về định luật nhân quả hay nguồn gốc đau khổ. Ðức Phật dạy: "Không có điểm khởi đầu của đời sống. Sự hiểu biết sai lầm nầy (loka cinta) sẽ dẫn đến tinh thần băng hoại. Nầy chư vị tỳ khưu! Cõi sa bà không có điểm khởi đầu, cõi nầy bị trói buộc bởi vô minh (avijja) và tham ái (tanha). Thật vô ích nếu đi tìm điểm khởi đầu. Ðời sống là một chuổi đang-trở-thành, là tiến trình của tâm lý và vật lý".
Tham Ái
Theo pháp Nhân Duyên, tham ái là nguồn gốc đưa đến khổ não "sanh-tử-luân-hồi". Chính tham ái đi đôi với ái dục - tìm kiếm khoái lạc; là nguyên nhân của cái-đang-trở-thành, là nguyên nhân đưa đến sự tái sanh.
Tham ái dịch từ Phạn ngử Tanha nghĩa đen là đói khát, thèm muốn. Các danh từ ái dục, tham lam, khao khát, ước muốn, ước ao, dục vọng, đam mê, ham muốn, mong mỏi, trìu mến, tình yêu, chỉ diển tả một vài phương diện của tham ái. Chính tham ái tạo dựng vũ trụ và tạo thành đời sống. Ðó là động lực tạo thành hiện tại, quá khứ và vị lai. Hiện tại là quả của quá khứ và tương lai là quả của hiện tại. Ðộng lực tham ái ví như dòng sông làm ngập lục thôn xóm và thành thị, chảy liên tục qua sự hiện hữu và cái-đang-trở-thành. Dầu tham ái làm cho lửa hiện hửu tồn tại ví như dầu làm lửa cháy không ngừng.
Ðức Phật dạy: "Nầy tỳ khưu! ta không thấy có cái gì trói buộc con người cho bằng tham ái trói buộc con người từ kiếp nầy qua kiếp khác. Quả thật vậy! sự trói buộc của tham ái làm chúng sanh đi lang thang vô tận".
Kẻ thù của nhân loại là tham ái, khát vọng, dục vọng. Ái dục dẫn đến cái đang-trở-thành (bhava-netti), trở thành sẽ đưa đến đau khổ khó chịu, bất toại nguyện. Tham ái không những gồm khát vọng về vật chất, mà còn ước muốn chinh phục người khác hay quốc gia khác, chấp vào tư tưởng, quan điểm và tín ngưỡng, đưa đến sự tàn phá thế giới.
Còn người thường bám chắc vào khoái lạc, ái dục và tìm kiếm nó, do đó, con người trở thành nô lệ của các giác quan. Con người ít nhận thức không có gì có thể làm thỏa mản hoàn toàn các giác quan và ý muốn. Vì nô lệ vào vật chất và sự thỏa mản của dục vọng, con người bị trói buộc vào bánh xe luân hồi và không thể giải thoát. Ðức Phật nhận thức điểm nầy và khuyến cáo chúng ta:
Thú vui là sợi dây trói buộc
Hạnh phúc dẫn đến đau khổ
Kẻ trí nhận thức thú vui
Chỉ là móc câu cá.
Khi ái dục phát sanh liên quan đến giác quan, đó là tham ái nhục dục (kama tanha). Khi ái dục phát sanh liên quan đến bản ngã, đó là tham ái sự hiện hửu, chấp ngã (bhava tanha). Ðây là quan điểm của phái thường còn. Khi ái dục phát sanh liên quan đến hư vô (chết là hết), đó là tham ái hư vô (vibhava tanha). Ðây là quan điểm của phái hư vô.
Tham ái không những liên quan đến khoái lạc, cảm thọ sung sướng, mà còn liên quan đến đau khổ. Khi một người đau khổ cùng cực, chính tham ái làm người đó tiếp tục ôm ấp sự đau khổ, không nhớ tưởng giáo pháp, không thực hành quán chiếu về lý vô thường sanh diệt.
Tham ái vô cùng tận, không bao giờ biết đủ. Người không có thì muốn có. Người đã có thì muốn nhiều hơn. Không bao giờ ta vừa lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình. Càng tham ái, ta càng đau khổ, càng bất toại nguyện.
Tham ái sinh ưu tư
Tham ái sinh sợ hãi
Ai giải thoát tham ái
Không ưu, không sợ hãi
Vậy, chính tham ái dẫn dắc ta tái sanh luân hồi. Ðào tận gốc rể ái dục, ta sẽ giải thoát.
Ví như cây cổ thụ,
Ðốn gốc đi, nó mọc trở lại.
Nếu ái dục không bị diệt tận gốc rể,
Ðau khổ sẽ tăng trưởng trở lại
Nghiệp Báo
Ai cũng có thể nhìn thấy sự hiện hửu của đau khổ nhưng ít người nhận thức tham ái phát sanh thế nào. Muốn hiểu điều nầy, chúng ta cần biết đến hai pháp chánh yếu trong phật giáo: Nghiệp Báo và Tái Sanh.
Ta cảm thấy bất toại nguyện vì đời sống đầy dẫy bất công như người giàu sang hạnh phúc, kẻ bệnh tật đau yếu, cha mẹ hiền sanh con dử, người lành gặp nạn v.v.. Do đó, chúng ta cần tìm kiếm nguyên nhân sự bất công ấy. Nguyên nhân ấy là nghiệp. Danh từ Phạn ngử Kamma là nghiệp, hành động.
"Nầy tỳ khưu! tác ý là nghiệp (cetanaham bhikkave kammam vadami)". Tác ý là hành uẩn, là một yếu tố của tâm. Nghiệp là hành động, là nhân; kết quả của hành động được gọi là karma-vipaka tức là quả. Tùy theo tác ý có tham-sân-si hay không, hành động sẽ đưa ra quả thiện hay ác. Chính tiến trình hành động, phản ứng, nhân-quả liên tục là tiến trình của hiện tượng tâm-vật lý, là cõi sa bà (samsara).
Tác ý được phân chia thành ba loại tham ái: ái dục theo căn, theo sự hiện hửu, theo hư vô. Tham ái đưa ra hành động, hành động tạo ra quả, quả sẽ sinh ra tham ái mới. Tiến trình nhân quả là định luật tự nhiên. Ðây là định luật tự nó có, không do ai làm chủ. Không có một vị thượng đế ban thưởng hay xử phạt cho người hiền, kẻ dử. Tác ý là động lực khiến hành động trở thành cao thượng hay thấp hèn, thiện hay ác. Chúng sanh là người thừa hưởng kết quả hành động của mình. Nghiệp không phải là định mệnh cố định hay định mệnh vô định. Chúng sanh lãnh trách nhiệm về hành động của mình (quả) nhưng chúng sanh hoàn toàn làm chủ điều khiển mọi hành động của mình (nghiệp). Cho nên đời sống xấu hay tốt hoàn toàn nằm trong lòng tay ta. Nên nhớ, không phải bất cứ sự việc nào xảy ra trong đời sống đều do nghiệp quá khứ tạo. Các hành động hiện tại đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến đời sống chúng ta. Nếu sợ đau khổ do nghiệp ác mang đến, hãy chú ý đến đời sống hiện tại để tạo nghiệp lành và chuyển hóa đời sống.
Tái Sanh
Tái sanh là sự tiếp diễn đời sống (sanh vào kiếp sau) khi kiếp sống hiện tại chấm dứt. Theo đạo Phật, không có đời sống vĩnh viễn trên thiên đàng hay địa ngục. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, tái sanh tùy thuộc nơi nghiệp báu, hai cập nầy đi đôi với nhau.
Ðời sống không phải chấm dứt lúc chết mà tiếp diễn tái sanh vào kiếp kế. Luồng nghiệp và lòng tham ái khát khao là động lực làm cho đời sống trôi chảy.
Sự sanh hiện tại do nghiệp tham ái quá khứ (tanha upadana) đưa đến. Sự bám víu vào đời sống hiện tại sẽ trổ quả là sự tái sanh vị lai.
Trong tiến trình sanh tử không có linh hồn thường còn, bất biến chuyển sinh từ kiếp nầy đến kiếp khác. Con người là tổng hợp của danh-sắc, không phải là bản ngã thường còn. Tâm là nguồn lực linh động trôi chảy liên tục, chứa đựng tất cả kinh nghiệm ghi nhận trong hiện tại và vô lượng kiếp quá khứ.
Theo các nhà khoa học, vật chất là năng lực thay đổi không ngừng. Theo tâm lý học, tâm cũng không phải là một thực thể cố định. Khi Ðức Phật đề cập đến chúng sanh hay một cá nhân, là tổng hợp danh-sắc, là sự thay đổi liên tục của các động năng, điều nầy rất phù hợp với khoa học ở thế kỷ 20.
Có thể nói chúng ta sống và chết từng khoảnh khắc. Sự sanh và diệt trong đời sống luôn tiếp nối nhau như các ngọn sóng tiếp nối nhau trên đại dương. Tâm lý và vật lý thay đổi không ngừng tạo ra tiến trình liên tục, không có một khoảng cách nào ở giữa.
Nếu không có bản ngã hay linh hồn thì cái gì đi tái sanh ?
Cái mà ta gọi đời sống là sinh hoạt tham ái của năm uẩn. Trong tiến trình luân chuyển, năm uẩn thay đổi từng khoảnh khắc, không có gì thường còn nhưng cũng không có gì hoàn toàn khác biệt. Trong tiến trình thay đổi liên tục, người già hôm nay không phải là trẻ thơ năm xưa, nhưng cũng không phải là một người khác. Ðó gọi là sự tái-sanh, tái-hiện-hửu, hay cái-đang-trở-thành (puna-bhava).
Tiến trình nghiệp là động lực của đời sống hiện tại ảnh hưởng đến đời sống vị lai không chấm dứt. Ðây là một tiến trình liên tục, không đứt đoạn. Vì năm uẩn tạo thân-tâm chỉ là một tiến trình duyên hợp, không có bản ngã tự tánh thường còn, nên không có cái gì chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. "Người vừa mới chết và người vừa mới tái sanh không phải cùng một người và cũng không phải hai người khác nhau (na ca so na ca anno). Có sự tái sanh nhưng không có "người" tái sanh. Ðây là tánh không trong tái sanh.
Trong tiến trình sanh tử, chập tư tưởng cuối cùng (vinnana) lúc lâm chung rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến đời sống kế. Chập tư tưởng đó gọi là thức-nối-liền (patisandhi): chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước là chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau.
Thông thường, vì tham ái, chúng sanh bám víu vào bản ngã nên chập tư tưởng cuối cùng là khát vọng muốn tiếp tục sống trong cảnh giới đã quen thuộc. Tư tưởng nầy nằm sâu trong tiềm thức rất vi tế nên rất khó kiểm soát. Chính vì thức-nối-liền nầy, ta tái sanh trong sáu cảnh giới trời, người, thần, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục.
Ta dùng danh từ "sanh và chết" để diễn tả hai giai đoạn đặc biệt trong tiến trình dòng thức. Vì vô minh không nhìn rỏ tiến trình sanh diệt tự nhiên, ta chấp vào sự hiện hửu riêng biệt của đời sống. Vì thế, khi cái chết xảy đến, ta phải đối diện với một sự thật phủ phàng khắc nghiệt, đau khổ vô cùng. Thật ra, câu hỏi "cái gì đi tái sanh" cũng bắt nguồn từ lòng tham ái bản ngã của ta, cố tìm cho được một thực thể nào đó để ôm giử sau khi chết.
Ðối với một người thường quán niệm về ngũ uẩn, nhìn thấy bản chất vô ngã, tánh không của hiện tượng và sự vật, câu hỏi nầy không cần đặt ra nữa. Vô minh là không hiểu biét về vô ngã và tánh không, là động lực sinh ái dục. Ðức Phật dạy: "Làm cách nào không tái sanh? Khi vô minh chấm dứt, tham ái chấm dứt tất nhiên tái sanh chấm dứt".
Khi giác ngộ, Ðức Phật đã thốt lên kệ chiến thắng:
Ta đã tái sanh luân hồi
Tìm mãi không thấy người thợ làm nhà
Nầy hởi người thợ làm nhà
Ngươi không cần xây nhà cho ta nữa!
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Ðòn cột không còn,
Tâm ta đã chiến thắng
Diệt trừ ái dục hoàn toàn.
-oOo-



Diệt Ðế (Nirodha)

Chân lý thứ ba trong Tứ Diệu Ðế là Diệt Ðế, Diệt Ðế là chân lý cao thượng về sự chấm dứt khổ đau (dukkha-nirodha), là Niết Bàn (Nam Phạn = Nibbana, Bắc Phạn = Nirvana). Niết Bàn do hai chử ni+vanna ghép lại, có nghĩa tự do khỏi tham ái, hay nir+va có nghĩa chấm dứt tham ái.

Danh từ không giải thích được trạng thái cực lạc của Niết Bàn. Niết Bàn là sự chứng nghiệm không thể diển tả qua lời nói. Ðó là pháp siêu thế (lokuttara), tuyệt đối, không điều kiện (asamkhata). Chỉ bậc thiện trí giác ngộ hiểu và chứng nghiệm được Niết Bàn.
Một người ăn đường không thể nào diển tả chất ngọt của đường cho người khác chưa từng nếm qua. Trong khi đó, ta chỉ cần đặt một chút đường trên lưỡi, sẽ biết ngay tức khắc vị ngọt của đường như thế nào, không cần phải lý luận giải thích dài dòng.
Ðức Phật dạy: "Nầy tỳ khưu! giáo pháp Niết Bàn mà ta lãnh hội vô cùng thâm sâu, khó hiểu, an lành, tối thượng, vượt ra ngoài lý luận thông thường. Thế gian chìm đắm trong ái dục rất khó hiểu được hạnh phúc Niết Bàn.
Thật khó giảng dạy cho một người đang tham ái bằng từ bỏ tham ái sẽ có hạnh phúc tối thượng. Ðức Phật giảng về Chân Lý Thứ Ba như sau: "Nầy chư vị! Sự chấm dứt khổ là Diệt Ðế, là đoạn tuyệt (nirodho), khước từ (cago), giải thoát (mutti) và không ôm giử tham ái (analayo)".
Như vậy, Niết Bàn có nghĩa là sự chấm dứt tham ái. Nơi khác, Ðức Phật giải thích rõ: "Nầy Radha! sự chấm dứt tham ái (tanhakkhayo) là Niết Bàn. Khi trả lời cho một vị trời, ngài dạy: "Từ bỏ tham ái là Niết Bàn". Ngài Xá Lợi Phất cũng dạy: "chế ngự và từ bỏ ái dục năm uẩn là chấm dứt đau khổ". Một vị A-la-hán giác ngộ Niết Bàn là người hoàn toàn tự do không còn tham ái.
Niết Bàn không có nghĩa là hư vô, là cõi trống không, không có gì hết.
Có nhiều danh từ thường dùng để diễn tả Niết Bàn như đời sống không điều kiện, an toàn (khemam), trong sạch (suddhi), tối thượng (panitam), hòa bình (santi), giải thoát (vimutti). Tất cả các danh từ nầy đều là danh từ thế gian, do đó, không diễn tả trọn vẹn đặc tánh Niết Bàn. Các danh từ đều tương đối nhưng Niết Bàn là tuyệt đối, nằm ngoài có không, vượt ra ngoài các điều kiện.
Phật dạy:
"Có hai hạng Niết Bàn là Hửu Dư Niết Bàn và Vô Dư Niết Bàn.
Khi một vị A-la-hán là bậc Ứng Cúng đã diệt trừ ô nhiễm, đã giác ngộ chân lý, đã hoàn toàn đầy đủ trí tuệ, diệt trừ tham ái để giải thoát, mà bậc A-la-hán đó còn mang thân ngũ uẩn, người còn cảm thọ hạnh phúc và đau khổ trên thể xác, đó gọi là Hửu Dư Niết Bàn.
Khi một vị A-la-hán là bậc Ứng Cúng đã diệt trừ ô nhiễm đã giác ngộ chân lý, đã hoàn toàn đầy đủ trí tuệ, diệt trừ tham ái để giải thoát, mà bậc A-la-hán đó đã xả bỏ thân ngũ uẩn, không còn cảm thọ, tái sanh, đó gọi là Vô Dư Niết Bàn".
Như vậy, bậc A-la-hán là người đã diệt trừ tam độc tham-sân-si, hoàn toàn giải thoát luân hồi. Ngài không còn tái sanh theo dòng nghiệp vì đã giác ngộ, chấm dứt tiến trình sanh tử. Dù vẫn sống trong thế gian, ngài vượt lên trên đời sống thế tục. Hành động của ngài không còn tạo nghiệp vì không do ảnh hưởng của tam độc. Ngài vượt lên trên sự đối đải tốt-xấu, hiền dử v.v., ngài không bận tâm đến quá khứ, hiện tại hay vị lai. Ngài không chịu ảnh hưởng những thăng trầm trong cuộc sống. Tâm ngài an nhiên, không sầu não và an lạc.
Niết Bàn là trạng thái của sự chứng ngộ, là trạng thái giải thoát có thể chứng nghiệm được ngay trong đời nầy. Người suy niệm quán chiếu đầy đủ trí tuệ bát nhã sẽ cảm nhận được chân lý nầy qua kinh nghiệm bản thân.
Kinh nghiệm hạnh phúc Niết Bàn tùy thuộc vào sự chứng ngộ cá nhân. Nếu hiểu không ai có thể ăn uống, ngủ nghỉ hay chịu đau khổ thế cho ta được, tất nhiên ta cũng hiểu không ai giải thoát cho ta được. Một mình ta phải tinh tấn, cố gắng thực hành các pháp diệt trừ ô nhiễm tham-sân-si, ta mới chứng nghiệm được hạnh phúc Niết Bàn.
Nói về Vô Dư Niết Bàn. Kinh Udana dạy:
"Nầy tỳ khưu! có cái không sanh, không tạo tác. Không điều kiện, đó là nơi giải thoát khỏi nơi sanh và điều kiện.
Ðó là nơi không có đất, nước, gió, lửa, không gian, thần thức, cảm thọ, mặt trăng, mặt trời, không có đến, không có đi, không có già chết. Ðó là sự chấm dứt đau khổ".
Kinh nầy dạy Ðại Niết Bàn là trạng thái không còn ngũ uẩn. Trạng thái nầy vượt ra ngoài lý tương đối thế gian, ngay cả nhân quả cũng không còn. Ðó là chân lý tuyệt đối, không còn điều kiện.
Ðau khổ và tham ái là nhân đau khổ thuộc về thế gian pháp. Niết Bàn vượt ra ngoài điều kiện tương đối nên gọi là chân lý siêu thế, xuất thế gian.
"Niết Bàn là chân thật
Bậc giác ngộ nhận biết
Khi giác ngộ chân lý
Tham ái không còn"
Ðức Phật dạy: "Nầy tỳ khưu! Chân lý là Niết Bàn. Người giác ngộ chân lý là người đã diệt trừ cái-đang-trở-thành (tái sanh)".
Kinh Dhatuvibhanga Sutta dạy bậc A-la-hán là người an lạc đã tận diệt gốc rể tham-sân-si. Khi cảm thọ khoái lạc hay đau khổ, ngài nhận thức vô thường và không bám víu vào ý niệm Ta hay Của Ta.
"Ngài hoàn toàn không bị ràng buộc bởi cảm thọ khoái lạc hay đau khổ. Ngài nhận thức khi thể xác tan rả, tất cả cảm thọ sẽ dập tắc như ngọn đèn lụn tắt khi dầu đã cạn và tiêm đã cháy hết. Khi thân tứ đại tan rã, ngài nhận thức: "Ðây là kinh nghiệm xác thân tan rã. Khi đời sống chấm dứt, tất cả những cảm thọ cũng sẽ dứt vì tham ái không còn. Bậc giác ngộ nầy đắc trí tuệ tối thượng chứng nghiệm Diệu Ðế diệt trừ khổ não".
Ðó là trạng thái của bậc A-la-hán đắc quả Vô Dư Niết Bàn. Ðường đi của ngài như chim bay trên trời không để lại vết tích. Vì thế, thật sai lầm khi nói Ðức Phật hay chư vị A-la-hán sanh vào Niết Bàn không có địa điểm. Ðại Niết Bàn được hiểu là sự chấm dứt hoàn toàn, không-còn-trở-thành. Chân lý tuyệt đối không thể đo lường, không thể luận bàn.
"Chúng ta không thể biết về người giác ngộ.
Khi tam độc không còn,
Ta chỉ biết không còn tam độc".
Nếu đã nói không có Ta, không có Ngã, cái gì vào Niết Bàn?
Câu hỏi nầy sai ở hai điểm: Trước hết như đã nói ở trên, Niết Bàn không phải nơi chốn, địa điểm nên không có vấn đề "vào hay ra". Thứ hai cố tìm kiếm "cái gì" vào Niết Bàn là ta còn lý luận dựa trên lòng tham ái bản ngã, không muốn buông bỏ ý niệm Ta. Thật tế, không có người hành động, chỉ có hành động. Không có người suy nghĩ, chỉ có sự suy nghĩ. Theo quy ước, chúng ta nói về một người nhưng theo chân đế không có một người hiện hửu, chỉ có một tiến trình sanh diệt.
Ngũ uẩn hợp lại tạo thành một chúng sanh. Tham ái là nhân phát sanh ra năm uẩn. Do đó, sự chấm dứt tham ái là sự chấm dứt năm uẩn.
Người chứng ngộ Niết Bàn là người nhận thức vô ngã. Chúng sanh do danh-sắc hội tụ, là tiến trình thay đổi từng khoảnh khắc, không thường còn. Sự chấm dứt tiến trình nầy gọi là Ðại Niết Bàn. Không có cái ngã, cái tâm hay linh hồn nào vào Niết Bàn, hay tồn tại, hay trở thành hư vô trong Niết Bàn.
Phật giáo gọi Niết Bàn là hạnh phúc tối thượng, hạnh phúc nầy phát sanh khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng, chấm dứt cảm thọ.
Ðức Phật đã vạch rỏ từng bước đi trên con đường diệt khổ. Sự rèn luyện tâm linh sẽ đưa đến quả tối thượng là Niết Bàn cực lạc, diệt trừ tham ái.
Ðường đi quả thật cam go. Nhưng nếu ta hết sức cẩn thận, luôn giác tỉnh đề phòng, mỗi bước tiến tới cũng như mỗi giai đoạn tu tập sẽ từ từ đưa ta đến gần mục tiêu giải thoát.
-oOo-



Ðạo Ðế (Magga)

Trước khi nhập diệt, Ðức Phật ban lời di huấn cuối cùng: "Các con hãy lấy giáo pháp và giới luật làm thầy". Chính giáo pháp và giới luật là Ðạo Phật. Giới luật (Sila) nhà Phật là phương pháp kiểm soát thân và khẩu, tạo đời sống phẩm hạnh cao thượng. Giáo pháp chỉ dạy phương pháp kiểm soát gồm có thiền định (samadhi) và trí tuệ bát nhã (panna). Giới-Ðịnh-Tuệ là ba pháp chánh đưa hành giả đi từ chổ tối tăm đến nơi trong sáng, từ tham ái đến chấm dứt tham ái, từ động đến tịnh.

Ba pháp Giới-Ðịnh-Tuệ liên hệ chặc chẻ với nhau. Ðó là con đường trong sạch giải thoát. Con đường nầy được gọi là Bát Chánh Ðạo hay Ðạo Ðế.
Bát Chánh Ðạo là điểm đặc thù của đạo Phật, không có ở bất cứ tôn giáo nào khác. Con đường giải thoát gồm có tám pháp tu chia thành ba nhóm: giới, định, tuệ.
Tuệ
1. Chánh kiến
2. Chánh tư duy
Giới
3. Chánh ngữ
4. Chánh nghiệp
5. Chánh mạng
Ðịnh
6. Chánh tinh tấn
7. Chánh niệm
8. Chánh định
Bát Chánh Ðạo là con đường Trung Ðạo tránh xa hai cực đoan: đời sống lợi dưỡng và đời sống khổ hạnh.
Ðã từng sống trong cung vàng điện ngọc. Ðức Phật nhận biết đời sống lợi dưỡng không dẫn đến hạnh phúc chân thật giải thoát. Sau sáu năm tu khổ hạnh, ngài chứng nghiệm đời sống nầy cũng không mang lại kết quả. Tránh xa hai cực đoan trên, ngài theo con đường trung đạo trau dồi tâm và giới đức.
Khi nói về Ðạo Ðế, Bát Chánh Ðạo, hay con đường giải thoát, ta cần nhớ danh từ "Con Ðường" được dùng theo nghĩa bóng để chỉ phương pháp tu tập. Bát Chánh Ðạo gồm tám phương pháp tu chia làm ba nhóm giới-định-tuệ, liên hệ chặc chẻ với nhau, không có pháp nào thấp, pháp nào cao:
Muốn đạt đến định, ta cần giới.
Muốn đạt đến giới trong sạch, ta cần trí tuệ diệt trừ tà khiến, ngã ái.
Muốn đạt đến trí tuệ diệt trừ tham ái, ảo tưởng và vô minh, ta cần định.
Như vậy, cả tám chi trong Bát Chánh Ðạo phải được thực hành cùng một lúc, không có pháp nào trước pháp nào sau, giống như tám sợi dây nhỏ bện lại với nhau thành một sợi dây thừng lớn.
Ðức Phật khẳng định kinh nghiệm cá nhân đã đưa ngài đến giải thoát bằng con đường Giới-Ðịnh-Tuệ. Trạng thái giải thoát nầy hoàn toàn nằm trong bàn tay của mỗi chúng ta, miễn là ta tiến bước trên con đường giải thoát.
Sống theo Bát Chánh Ðạo là sự tranh đấu không ngừng để sửa đổi lời nói, hành động và ý tưởng của ta, rửa sạch ô nhiễm của tham ái, sân hận và si mê.
Từ xưa đến nay, con người làm việc không ngừng để tạo dựng đời sống an toàn và dể chịu. Tuy nhiên có những việc nằm ngoài sự kiểm soát và ý muốn của ta khiến đời sống luôn bất ổn. Sự già, bệnh chết, sự thay đổi ngày càng nhanh ở chung quanh, làm con người khổ não, nhưng ta vẫn lao đầu theo cơn gió lốc sanh tử luân hồi.
Muốn dừng lại, ta cần phải ngưng chạy theo thế giới bên ngoài để quay trở về nội tâm. Khi chân thật đối diện với nội tâm, con người sẽ nhận ra bản chất vô thường, khổ não, vô ngã của vạn pháp. Người ấy sẽ không còn vô minh, ảo tưởng. Người ấy sẽ nhìn ra chân tướng của mọi sự việc qua trí tuệ trong sáng.
Phương pháp nầy Ðức Phật đã chứng ngộ và để lại lời dạy như sau:
"Con người chìm đắm trong bể khổ sẽ được giải thoát khi thực hành ba pháp: Tinh tấn giử giới trong sạch, phát triển thiền định và trí tuệ bát nhã".
* Giới (Sila) là bước đầu trên đường tu dựa trên nền tảng từ bi, gồm có chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
Căn bản giới đức không làm ác, làm điều lành vì lòng từ bi không muốn tổn hại đến chúng sanh và đến bản thân. Giới đức gồm chung tất cả đặc tánh mát mẻ của con tim như tình thương, khiêm tốn, nhẫn nại, hoan hỉ, giúp đở v.v. Ðời sống giới hạnh do Ðức Phật chỉ dạy mang đến hạnh phúc an lành cho cá nhân và xả hội vì giới đức là nền tảng của sự hòa bình, thống nhất và an lạc. Giới là bước đầu trên đường tu vì giới là thức ăn bồi bổ tâm trí, giúp ta an định và tỉnh thức.
* Ðịnh (Samadhi) gồm có chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định, là nền tảng phát triển tâm. Bậc hành giả đã kiểm soát được thân và khẩu bằng giới luật trong sạch, sẽ dùng định để kiểm soát và rèn luyện tâm. Người áp dụng tinh tấn để xem xét từng chập tư tưởng, cảm thọ, ghi nhận sự phát sanh và hoại diệt của tư tưởng thiện hoặc ác. Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) là bản kinh gốc và đầy đủ để thực hành thiền định. Khi tâm đã an định không lay động với các trần, hành giả hướng tâm định ấy quán chiếu về thực tướng của đời sống để phát triển trí tuệ bát nhã.
* Tuệ (Panna) gồm có chánh kiến và chánh tư duy. là sự hiểu biết thực tướng của vạn pháp, hiểu biết bản chất vô thường, khổ não, vô ngã của năm uẩn và tất cả các pháp thế gian. Từ sự hiểu biết nầy, tư tưởng chân chánh phát sanh gồm có tâm khước từ, tâm từ và tâm bi mẫn đối với tất cả chúng sanh.
Lòng từ bi và trí tuệ của Ðức Phật sáng ngời thể hiện qua thông điệp Bát Chánh Ðạo cứu độ chúng sanh.
Bát chánh, đường thù thắng
Bốn đế, lý thù thắng
Ly dục, pháp thù thắng
Giác nhẫn, người thù thắng
Chỉ đường nầy độc nhất
Khiến tri kiến thanh tịnh
Nếu ngươi theo đường nầy
Ma quân sẽ mê loạn
Nếu ngươi theo đường nầy
Ðau khổ được diệt trừ
Hiểu được, diệt gai chướng
Ta dạy ngươi con đường
Ngươi hãy tự nỗ lực
Như Lai chỉ thuyết dạy
Người thiền định, tu đạo
Thoát khỏi lưới ma quân


-oOo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét