Trang

Định học

 Con đường xưa

Hòa thượng Piyadassi
Minh Châu và Ðặng Tấn Hậu trích dịch

  • Chánh Tinh Tấn (Samma-vayama)
    Chánh Niệm (Samma-sati)
    Chánh Ðịnh (Samma-samadhi) 


Chánh Tinh Tấn (Samma Vayama)

Chánh tinh tấn là cố gắng chân chánh, nổ lực kiểm soát, thanh lọc tâm. Ðây là pháp tu thứ sáu trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh. Con người quá bận rộn luôn sống trong lo âu và tâm thần căng thẳng, không được bình an. Thông thường, họ lại tìm bình an từ bên ngoài thay vì từ nội tâm. Khoa học càng ngày càng phát triển mang nhiều hứa hẹn tạo cõi nầy thành thiên đàng nhưng người không kềm chế được tâm vẫn không tìm thấy an lạc hạnh phúc.
Con người chịu ảnh hưởng tham-sân-si ghi đậm trong ký ức từ nhiều kiếp nên làm ác dể, làm thiện thật khó. Phật dạy: "Tất cả đang bị lửa thiêu đốt. Tất cả là gì? Mắt đang bị thiêu đốt. Vật thấy đang bị thiêu đốt. Nhãn thức đang bị thiêu đốt. Thọ cảm khoái lạc hay đau khổ cũng đang bị thiêu đốt. Cái gì thiêu đốt nó? lửa tham, lửa sân, lửa si đang thiêu đốt không ngừng".
Tham ái (tanha) là ngọn lửa khốc liệt đốt cháy chúng sanh. Chính tham ái làm con người mù tối vô minh, phát sanh sân hận vào tạo khổ não. Không phải bom nguyên tử tàn phá con người, chính tham-sân-si tàn phá con người. Vì tham, con người chế bom nguyên tử để chiến thắng. Vì sân, con người tiêu diệt kẻ khác. Vì vô minh, con người chinh phục và tiêu diệt. Nếu không cố gắng tiêu diệt tham-sân-si, con người sẽ trở thành nô lệ của nó.
Khi nào còn dầu chế vào, lửa sẽ còn cháy. Sự ham muốn lục dục là nhiêu liệu nuôi dưỡng ngọn lửa tham-sân-si. Các căn luôn cần đến các thức ăn như mắt cần cảnh đẹp, tai thích lời đường mật, miệng thích ăn ngon. Nếu ta dùng thức ăn tam độc; tất nhiên tâm không an lạc; ngược lại, thức ăn không độc hại sẽ làm tâm ta thanh tịnh. Người dể nuôi sẽ bị lôi cuốn theo lục dục ngũ trần và sẽ luôn luôn vướng mắc trong phiền não, bất toại nguyện. Vì vậy, muốn tiến hóa trên đường tu tập, tìm an vui, ta cần tinh tấn kiểm soát tâm. Kinh Pháp Cú dạy:
Ai sống theo ái dục
Không nhiếp hộ các căn
Ăn uống thiểu tiết độ
Biếng nhác, chẳng tinh cần
Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu.
Con người và súc sanh cùng có các bản năng ăn, ngủ, thỏa mản nhục dục. Con người khác với súc sanh ở khả năng vượt lên trên bản năng đó để phát triển tâm linh. Do đó, Ðức Phật luôn nhắc nhở đốc thúc đệ tử tinh tấn kiểm soát thân tâm để trở nên nguồn hạnh phúc cho mình và tất cả chúng sinh.
Tinh tấn chỉ về sự dũng mãnh tinh thần, không phải sức mạnh thể xác. Người con Phật luôn trì chí nổ lực tinh tấn, không từ bỏ hy vọng. Bồ Tát là bậc tinh tấn không ngừng nghỉ trong vô số kiếp để đạt đến đạo quả vô thượng. Ðức Phật nhấn mạnh đến chánh tinh tấn trong Bát Chánh Ðạo vì ngài nhận biết chỉ có con đường nầy giúp chúng sanh giải thoát. Ngài là đạo sư chỉ con đường giác ngộ. Chỉ có con người tự tu tập, tự giải thoát. Tinh tấn là đặc tính không yếm thế bi quan, là đặc tính của người chiến sĩ dũng mãnh.
Ví như nhà nông, phải dọn dẹp cỏ hoang, trồng hột giống và bỏ phân bón, người tu Phật phải kiểm soát tâm, diệt trừ tư tưởng bất thiện và nuôi dưởng tư tưởng thiện. Chánh tinh tấn gồm bốn nổ lực chân chánh (Tứ Chánh Cần): ngăn ngừa, diệt trừ, phát sanh, tiếp tục.
Ðiều ác chưa phát sanh, cố gắng không cho phát sanh;
Ðiều ác đã phát sanh, cố gắng diệt trừ;
Ðiều thiện chưa phát sanh, cố gắng phát sanh;
Ðiều thiện đã phát sanh, cố gắng phát triển.
Tất cả điều ác phát sanh từ tâm tham, tâm sân và tâm si. Nghịch lại, điều thiện phát sanh từ tâm không tham, không sân và không si. Mục đích thực hành Tứ Chánh Cần là giúp thiền định dể dàng, là tạo điều kiện đạt đến tâm định.
Chánh tinh tấn thuộc nhóm Ðịnh vì chánh tinh tấn, chánh định và chánh niệm liên hệ chặc chẻ với nhau. Nếu không có chánh tinh tấn, hành giả sẽ gặp nhiều chướng ngại tu tập. Chánh tinh tấn diệt trừ tư tưởng thấp hèn là chướng ngại của tâm an trụ, đồng thời giúp ta phát triển tâm thiện đưa đén trạng thái nhập định.
Lúc thiền định gặp nhiều chướng ngại như lười biếng, hôn trầm, dả dượi, là lúc ta áp dụng chánh tinh tấn:
Khi cần không nổ lực
Tuy trẻ mạnh nhưng lười
Chí tiêu trầm nhu nhược
Sao có trí ngộ đạo.
Thanh lọc chuyển hóa tâm không phải việc dể thành công trong một ngày một đêm. Muốn có cơ thể cường tráng, phải bỏ nhiều thời giờ luyện tập theo chương trình nhất định. Cùng thế đó, công cuộc tu tâm đòi hỏi cố gắng liên tục đều đặn lâu dài.
Chánh tinh tấn là nổ lực kiểm soát sáu căn không để tham-sân-si lôi cuốn.
Ðức Phật hỏi vị bà la môn:
- "Thầy của ông dạy kiểm soát các căn như thế nào?
- Thầy tôi dạy đừng nhìn, đừng nghe âm thanh, mầu sắc bên ngoài.
- Như vậy, người mù, người điếc đều không nghe, không thấy, đã kiểm soát các căn chưa? Pháp của ta là thấy và nghe, nhưng thấy và nghe với tâm xả, không có ý niệm thích hay không thích".
Khi thực hành kiểm soát tâm, ta không nên cố ép, phủ nhận tâm ác mỗi khi nó xuất hiện. Hãy để mọi việc tự nhiên. Hãy ghi nhận tư tưởng mỗi khi nó phát sanh, nhận xét tư tưởng thiện hoặc ác rồi để nó trôi qua. Càng cố ép, muốn gạt bỏ tư tưởng ác, ta sẽ càng vướng mắc vào đó hơn. Hãy bắc chước người tập bơi lội, người nầy hoạt động chân tay nhịp nhàng đều đặn, cơ thể sẽ nổi trên mặt nước. Nếu người nầy vùng vẫy tay chân mạnh quá hay không hoạt động tay chân, cơ thể sẽ chìm. Một thí dụ khác là trường hợp mất ngủ, ta càng cố gắng ép giấc ngủ, càng khó chịu hơn.
Trong việc kiểm soát tư tưởng ác, ta không nên quá căng thẳng, tâm sẽ trở nên khó chịu. Phật dạy ta nên theo con đường trung đạo, không buông trôi, không căng thẳng. Ngài lấy thí dụ người kỵ mã điều khiển cương ngựa. Khi ngựa chạy mau, ông ta kềm lại. Khi ngựa chạy chậm, ông ta thúc ngựa chạy cho mau. Do đó, ngựa giử được nhịp độ đều đặn. Trong một dịp khác. Ðức Phật dùng thí dụ dây đàn. Dây đàn căng quá sẽ đứt, dây đàn lỏng quá sẽ không phát ra âm thanh.
Bài pháp thứ 20 trong Trung Bộ Kinh dạy năm cách kiểm soát tâm trong khi thiền định như sau:
- Khi tư tưởng ác phát sanh từ tham-sân-si, hành giả hãy dùng tư tưởng thiện thay thế tư tưởng đó, như người thợ mộc dùng chân ghế tốt thay thế chân ghế đã gãy.
- Nếu tư tưởng ác còn phát sanh, hành giả nên nghĩ đến những hậu quả tai hại do tư tưởng ác gây ra, mà trở về với tư tưởng thiện.
- Nếu tư tưởng ác còn phát sanh, hành giả nên nghĩ đến điều nguy hại của nó, hành giả hảy bỏ qua đừng chú ý đến nó nữa.
- Nếu tư tưởng ác vẫn phát sanh dù hành giả không chú ý đến nó, hành giả nên nghĩ cách đốn bỏ gốc rể nó.
- Nếu tư tưởng ác vẫn phát sanh, hành giả nên cắn răng, đẩy lưỡi lên nấp vọng, chú tâm vào tư tưởng thiện, đẩy tư tưởng ác đi.
Áp dụng chánh tinh tấn không phải một ngày một giờ mà thành công. Cũng không phải chỉ áp dụng tinh tấn kiểm soát tâm trong lúc ngồi thiền. Trong sinh hoạt hằng ngày, ta nên cố gắng để ý, kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động mình tránh xa tam độc tham-sân-si. Ðó là cố gắng chân chánh. Một điểm thực tế là nên tránh xa những kẻ ác sống triền miên trong tham-sân-si, như tránh xa bệnh hủi đừng để truyền nhiễm đến tâm mình.
Gần đây y học đã chứng minh tâm có thể ảnh hưởng, tạo ra bệnh thể xác, ngược lại cũng có thể làm cho thân khỏe mạnh. Người lạc quan ít bệnh và mau bình phục hơn người bi quan.
Nói về ảnh hưởng của tâm đối với bệnh hoạn và chữa bệnh, ta cần hiểu rỏ công năng của lời kinh cầu an. Có người nghĩ nông cạn cho là Phật đã dạy có nghiệp tất có quả, phải tự lực giải thoát, nên họ cho việc đọc kinh cầu an là dị đoan vô ích. Hiểu như thế là một sai lầm lớn. Các xứ Phật giáo đều có phong tục độc kinh cầu an, cầu giải trừ các chướng ngại, mang lại sự bình an. Paritta tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn là Paritrana, nghĩa đen là "bảo vệ". Ðây là những bài kinh tụng đọc lời Ðức Phật dạy có công năng bảo vệ và ngăn ngừa ác nghiệp trổ sanh. Tụng, đọc, nghe kinh Paritta với tâm hiểu biết về chân lý và lòng tin tưởng nơi giáo pháp và Ðức Phật, sẽ giúp cho hành giả mau bình phục, được hạnh phúc và vượt qua các trở ngại. Khi kinh Paritta được người giới đức tụng đọc, người nghe thuộc kinh và hiểu được lời kinh càng được nhiều phước báu an lành. Làm sao kinh Paritta có thể diệt trừ các điều tai ương? Kinh Phật có câu:
Dhamma have rakkhati dhammacarim
Nhờ oai lực chân lý bảo vệ hành giả tu Phật.
Ðọc kinh và nghe kinh với sự hiểu biết chân lý cũng là chánh tinh tấn, hoàn toàn không phải mê tín dị đoan. Thông thường bệnh phát sinh từ tam độc tham-sân-si nên lời kinh dạy diệt trừ tham-sân-si sẽ giúp hành giả tín tâm diệt trừ các bệnh hoạn tai ương. Không có linh dược nào quý cho bằng chánh pháp, vì chân lý có thể trị được bá bệnh thể xác và tinh thần giúp hành giả tránh đau khổ và đạt tới hạnh phúc.
-oOo-

Chánh Niệm (Samma Sati)

Chánh niệm là để ý, cẩn thận, cảnh tỉnh chân chánh để bảo vệ tâm. Ðây là pháp tu thứ bảy trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh.
Thông thường ta xem trên đời không có gì quan trọng hơn ta. Trong ta, tâm là phần quan trọng nhất vì tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Ðã quý giá như vậy, ta phải biết bảo vệ tâm. Chánh niệm là phương pháp bảo vệ tâm hữu hiệu nhất:
Nếu yêu quý tự ngã
Phải khéo bảo vệ mình
Người trí trong ba canh
Phải luôn luôn tỉnh thức.
Chuyện kể một ngày nọ, hai thầy trò chuẩn bị hát xiệc. Ông thầy dùng miệng ngậm cây tre đưa lên trời để người học trò leo lên cây hát xiệc. Ông thầy dặn học trò: "con nhớ coi chừng, bảo vệ cho ta, ta sẽ coi chừng bảo vệ cho con; như vậy, tai nạn sẽ không xảy ra". Người học trò trả lời: "Thưa thầy, không phải vậy! Thầy tự bảo vệ cho thầy đừng để cây ngã. Con tự bảo vệ cho con bằng cách giử thăng bằng. Tai nạn sẽ không xảy ra".
Ðức Phật dạy: "Các con tự bảo vệ chính mình là các con đang bảo vệ cho người khác".
Nơi đây Ðức Phật nhấn mạnh đến chánh niệm. Nhẫn nhục, không hãm hại người khác, từ bi là các đức tánh vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ người khác. Tất cả các đức tánh nầy chỉ có thể thực hành qua chánh niệm. Chánh niệm giúp hành giả đi đúng chánh pháp.
Một số người thiếu hiểu biết cho rằng người tu tiểu thừa thực hành chánh niệm là người ích kỷ vì chỉ nghĩ đến tự bảo vệ và tự giải thoát. Ðây là điểm vô cùng tế nhị trong đạo Phật. Tự bảo vệ mình có nghĩa nghiêm trì giới luật, tu tập để trau dồi thân-tâm. Người có chánh niệm là người có tâm vị tha, luôn kiểm soát thân-khẩu-ý của mình để không tổn hại đến chúng sanh. Một người thực hành chánh niệm tự bảo vệ thân-tâm không phải người ích kỷ. Ngược lại, khi tự bảo vệ thân-tâm, người ấy đang bảo vệ những người xung quanh, không để ai lo lắng vì mình, không để ai khổ não vì tham-sân-si của mình.
Ngoài ra kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy cũng vạch rỏ đường tu Bồ Tát là thực hành mười pháp ba-la-mật phục vụ chúng sanh trên đường tu tập giác ngộ trở thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. Mười pháp ba-la-mật gồm có: bố thí (dana), trì giới (sila), xuất gia (nekkhamma), trí tuệ (panna), tinh tấn (viriya), nhẫn nại (khanti), chân thật (sacca), quyết định (adhitthana), tâm từ (metta), tâm xã (upekkha). Ðặc biệt hai đức tính từ bi và trí tuệ là kim chỉ nam cho bồ tát phục vụ chúng sanh, vừa cứu người vừa tự cứu mình.
Phật giáo có danh từ "chú ý" dịch từ chử appamada, đồng nghĩ với sati (niệm). Appamada là quan sát, chú ý liên tục để tránh làm điều ác và ghi nhớ điều lành. Người có chánh niệm là người tỉnh thức trong tất cả trường hợp, sẳn sàng đương đầu trước thần chết. Phật dạy: "Chú ý là con đường bất tử. Không chú ý là con đường chết. Hiểu như thế, bậc thánh nhân hoan hỷ trên con đường chánh niệm".
Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quân mê
Kẻ trí như tuấn mã
Bỏ sau con ngựa hèn.
Quả thật, kẻ trí là người tỉnh thức. Luôn giử chánh niệm và tinh tấn là điều kiện cần thiết để tránh làm ác và thực hành điều lành. Hãy kiểm soát liên tục tư tưởng và tình cảm của ta từng giờ từng phút trên con đường thanh tịnh hóa thân và tâm.
Pháp định gồm có ba chi: tinh tấn, niệm và định. Cả ba liên hệ chặc chẻ với nhau. Trong ba chi nầy, chánh niệm quan trọng nhất để giử tâm an định quân bình. Hành giả tu Phật cần luôn giử chánh niệm khi đi-đứng-nằm-ngồi.
Niệm còn có nghĩa thứ hai là hiểu thấu đáo (Sampajanna).
Vô minh là không hiểu biết điều ác, không hiểu biết ngũ uẩn, không hiểu biết sự kiện liên hệ giữa trần và thức, không hiểu biết tánh không và lý nhân duyên, không biết sự nô lệ tham ái và bốn chân lý vi diệu.
Vô minh được thân, khẩu và ý nuôi dưỡng, ngăn cản tâm tỉnh thức và hiểu biết thấu đáo. Thiếu hiểu biết thấu đáo là thiếu chánh kiến nên người vô minh nhìn vô thường cho là thường còn, nhìn khổ não cho là hạnh phúc, nhìn vô ngã cho là tự ngã, nhìn xấu cho là tốt, Khi vô minh tăng trưởng, tham ái và khát vọng tái sinh được nuôi dưỡng, khiến con người trầm luân trong biển luân hồi.
Niệm cũng có nghĩa thứ ba là sự nhớ, chú ý, tỉnh thức. Một người đi từ chổ tối ra chổ sáng sẽ nhận biết rỏ ràng mọi vật chung quanh. Cùng thế đó, người tỉnh thức với chánh niệm sẽ hiểu biết thấu đáo về mọi việc và đưa thực tướng mọi việc từ bóng tối vô minh đến ánh sáng trí tuệ. Chánh niệm trong Bát Chánh Ðạo được giảng rỏ trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipathana = là nơi để ghi nhớ). Kinh Tứ Niệm Xứ là bài kinh về thiền định rất quan trọng, Ðức Phật đã giảng kinh nầy lần đầu trong bài pháp số 10 Trung Bộ Kinh (kinh Majhima Nikaya) và lần thứ hai trong bài pháp số 22 Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) nhấn mạnh đến Tứ Ðế.
Kinh Tứ Niệm Xứ rất quan trọng trong Phật Giáp Nguyên Thủy. Chư tăng thường tụng kinh nầy cho người bệnh hay người sắp chết.
Khi đã hiểu kinh Tứ Niệm Xứ, ta có thể áp dụng vào đời sống thế gian bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào để luôn luôn thanh lọc thân tâm.
Người thực hành Tứ Niệm Xứ là người luôn luôn giử chánh niệm về thân-thọ-tâm-pháp, ý thức vô thường, khổ não và vô ngã. Hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ chắc chắn sẽ đắc đạo quả cao thượng Niết Bàn, hoặc ít ra cũng chứng được quả thánh Bất Lai.

Tóm tắt Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)
Tôi được nghe như vầy: Một hôm, Ðức Thế Tôn đang ngự tại Kammassadhamma, một khu phố của giống dân Kuru. Ngài dạy: "Nầy tỳ khưu! Như Lai dạy cho quý vị con đường duy nhất để thanh lọc thân-tâm, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ đau, đạt tới Chánh Ðạo và chứng nhập Niết Bàn. Ðó là con đường Tứ Niệm Xứ.
Quán niệm thân (Kayanupassana) không tham ái về thân;
Quán niệm thọ (vedananupassana) không tham ái về thọ;
Quán niệm tâm (cittanupassana) không tham ái về tâm;
Quán niệm pháp (dhammanupassana) không tham ái về pháp.
1. Quán Niệm Thân

Niệm hơi thở

Hành giả tìm đến một khu rừng, hoặc một gốc cây, hoặc một góc nhà vắng, ngồi trong tư thế kiết già, giữ thân hình ngay thẳng và đặt mình trong sự quán niệm. Người ấy thở vào với ý thức minh mẫn là mình đang thở vào. Người ấy thở ra với ý thức mình đang thở ra. Hơi thở dài, hành giả ý thức dài. Hơi thở cạn, hành giả ý thức cạn. Hành giả ý thức theo dỏi hơi thở đi từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Hành giả chú tâm niệm hơi thở không để ý bám víu vào vật gì bên ngoài. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thân
Khi bước chân, hành giả ý thức chân bước. Khi ngừng, hành giả ý thức chân ngừng. Khi ngồi, hành giả ý thức ngồi. Cứ như thế, khi đi-đứng-nằm-ngồi, hành giả nhận thức mình đang đi-đứng-nằm-ngồi. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thân bất tịnh
Hành giả quán niệm thân thể bao bọc bởi lớp da chứa đầy các chất bất tịnh, da bọc mở, thịt xương. Lông tóc, máu mủ, đàm nhớt, không có gì đẹp đẻ đáng luyến ái ... Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm tứ đại
Hành giả quán chiếu những yếu tố tạo nên thân thể là địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại ... Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thây ma
Nhìn xác chết trong bãi tha ma qua một ngày, hai ngày, bị thiêu đốt, hảnh giả quán niệm thân ta một ngày nào đó cũng sẽ tiêu hoại như vậy. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
2. Quán Niệm Thọ
Mỗi khi thọ khoái lạc phát sanh, hành giả ý thức đang có thọ khoái lạc. Khi thọ khổ, hành giả ý thức đang thọ khổ. Khi thọ đau, hành giả ý thức thọ đau. Khi có thọ vô ký, hành giả ý thức thọ vô ký.... Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm cảm thọ.
3. Quán Niệm Tâm
Khi tâm tham dục phát sanh, hành giả ý thức tâm tham dục. Khi tâm không tham phát sanh, hành giả ý thức tâm không tham. Khi tâm sân phát sanh, hành giả ý thức tâm sân. Khi tâm không sân phát sanh, hành giả ý thức tâm không sân. Khi tâm si mê phát sanh, hành giả ý thức tâm si mê. Khi tâm động phát sanh, hành giả ý thức tâm động. Khi tâm ở trạng thái định trong sắc giới, hành giả ý thức tâm định ... Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm tâm.
4. Quán Niệm Pháp
Các pháp là đối tượng của tâm gồm có:
- năm chướng ngại
- năm uẩn
- sáu căn, sáu trần
- Thất Giác Chi
- Tứ Diệu Ðế
Năm chướng ngại
- Khi tâm tham dục phát sanh, hành giả ý thức có tham dục;
- Khi sân hận phát sanh, hành giả ý thức có sân hận;
- Khi si mê phát sanh, hành giả ý thức có si mê;
- Khi phóng tâm phát sanh, hành giả ý thức có phóng tâm;
- Khi hoài nghi phát sanh, hành giả ý thức có hoài nghi.
Cứ như vậy, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm năm chướng ngại.
Năm uẩn
Hành giả quán niệm đây là sắc uẩn, đây là sự thành-trụ-hoại-diệt của sắc uẩn. Thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn cũng vậy. Hành giả tỉnh thức quán niệm ngũ uẩn. Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm về năm uẩn.
Sáu căn và sáu trần
Hành giả quán niệm về sáu giác quan và sáu đối tượng. Hành giả ý thức mắt và đối tượng của mắt là hình sắc, ý thức những ràng buộc tạo nên do mắt và hình sắc... Cứ như thế hành giả sống trong quán niệm về sáu căn và sáu trần.
Thất giác chi
Thất giác chi là bảy pháp liên quan đến sự chứng ngộ gồm có:
Niệm (sati) là sự ghi nhớ về thân-thọ-tâm-pháp;
Trạch pháp (dhammavicaya) là nhiệt thành khảo sát Giáo Pháp;
Tinh tấn (viriya) là một loại tâm sở cũng là chánh tinh tấn trong Bát Chánh Ðạo;
Phỉ (piti) là loại tâm có cảm giác hạnh phúc;
An (passadhi) là tâm an tỉnh;
Ðịnh (samadhi) là trạng thái tâm ổn định vững chắc;
Xả (upekkha) là tâm quân bình, trung lập không thiên vị, không xao động.
Khi có chánh niệm, hành giả ý thức là mình có chánh niệm. Khi có trạch pháp, hành giả ý thức mình có trạch pháp. Khi có tinh tấn, hành giả ý thức mình có tinh tấn. Khi có phỉ, hành giả ý thức mình có phỉ. Khi có tâm an, hành giả ý thức mình có tâm an. Khi có tâm định, hành giả ý thức mình có định. Khi có tâm xả, hành giả ý thức mình có tâm xả. Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm các pháp thất giác chi.
Tứ Diệu Ðế
Hành giả quán niệm đây là khổ nảo, đây là nguồn gốc khổ, đây là chấm dứt khổ, đây là con đường chấm dứt khổ. Khi sự kiện là khổ đau, hành giả ý thức khổ đau. Khi sự kiện là nguyên nhân khổ đau, hành giả ý thức nguyên nhân. Khi sự kiện chấm dứt khổ đau, hành giả ý thức sự chấm dứt. Khi sự kiện là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, hành giả ý thức con đường ... Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm về Tứ Diệu Ðế.
Nầy chư vị! người nào thực hành Tứ Niệm Xứ trong vòng bảy năm, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay ở đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh.
Nầy chư vị! đừng nói tới bảy năm. Kẻ nào thức hành Tứ Niệm Xứ như vậy trong vòng 6 năm, hoặc 5 năm... hoặc 1 năm..., người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay tại đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh.
Nầy chư vị! đừng nói tới 1 năm, kẻ nào thực hành Tứ Niệm Xứ trong vòng 7 tháng hay 6 tháng ... hay một tháng, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay tại đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh".
-oOo-

Chánh Ðịnh (Samma Samadhi)

Chánh định là thiền định chân chánh, là pháp tu thứ tám trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh. Theo đạo Phật, tâm trong trạng thái thiền định khác với trạng thái hôn mê bất tỉnh. Ðó là trạng thái tâm an tịnh, tỉnh thức và ghi nhớ. Người hành thiền có thể đạt vào các tầng thiền và có thần thông như nghe xa, đọc tư tưởng, thấy chuyện quá khứ, vị lai v.v... Nên nhớ đây chỉ là những khả năng tự nhiên của tâm định, không phải cứu cánh giải thoát. Nhiều người quen sống theo vật chất, thiếu hiểu biết về đời sống tâm linh, khi thấy một vài người thi triển thần thông vội mê tín tin theo nên gặp phải tà đạo. Chánh định khác với tà định ở chổ cứu cánh của chánh định là giải thoát, cứu cánh của tà định là thần thông.
Ðức Phật dạy kiểm soát tâm và thanh lọc tâm là việc quan trọng nhất phải làm vì hạnh phúc giải thoát đến từ tâm an định, trí tuệ, đau khổ đến từ tâm ô nhiễm, vô minh.
Ðừng nên hiểu lầm kiểm soát tâm là ràng buộc cản trở sự phát triển khả năng của cá nhân. Muốn các khả năng cao thượng của tâm bộc phát, tâm tự do phóng túng chạy theo dục vọng cần được trau dồi, kiểm soát không để tam độc tham-sân-si chi phối.
Người kiểm soát tâm trở nên hữu ích cho chính mình và xã hội. Người có tâm phóng túng làm hại cho họ và người khác.
Giai cấp, chủng tộc, mầu da, tài sản, không nhất thiết làm con người trở nên thánh thiện. Chỉ có đời sống chân chánh làm con người thánh thiện vì đời sống đó dẫn đến trí tuệ.
Phương pháp phát triển tâm linh do Ðức Phật chỉ dạy là thiền định. Con người trở nên sáng suốt, phát sanh những tư tưởng siêu việt, những khám phá đặc biệt, khi tâm người đó an tịnh và chú ý suy niệm lâu dài về một vấn đề. Năng lực tạo tác hữu hiệu nhất thường yên lặng. Vậy mà con người lúc nào cũng thích động hơn tịnh.
Phần đông chúng ta bận rộn chạy theo đời sống, mãi lo giải quyết chuyện thế gian nên bỏ quên sự cần thiết yên lặng thiền định. Khi chạy đua với cuộc sống bên ngoài, ta giống như con sóc chạy theo bánh xe trong lồng vàng, tưởng rất bận rộn, thực ra không đi đến đâu. Khi ngồi yên lặng thiền định, ta giống như con gà ấp trứng có vẽ ngồi không, nhưng thật sự đang thực hành việc làm vô cùng quan trọng để trứng nở ra con. Hằng ngày, ta nên để ít nhất nửa tiếng làm con gà ấp trứng. Khi yên lặng nhìn vào nội tâm, một mình đối diện với tâm thức, ta sẽ nhận thức được sự thật về những khuyết điểm và giới hạn của đời sống.
Lý do thường nêu ra để không thiền định là bận rộn việc nhà, thiếu hiểu biết, sức khỏe yếu kém, tuổi già v.v... Không lý do nào chính đáng cả. Thiền định không phải cắt đứt mọi liên hệ với đời sống. Ðừng nên chần chờ, hãy bắt đầu ngay. Mỗi ngày chỉ cần thiền định năm hay mười phút, dần dần hành giả sẽ thấy sự chú ý tăng trưởng dể dàng. Hành giả sẽ hưởng lợi ích của thiền định ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Tâm hành giả sẽ dể chịu và những căng thẳng của đời sống sẽ giảm bớt. Hãy dùng tâm tinh tấn để cố gắng tiếp tục rồi gia tăng thời giờ thiền định.
Khi sư Nakulapita tuổi già bệnh nặng đến đãnh lể Phật, Ðức Phật dạy: "Thân con nay đã già yếu, nếu cố gắng tìm lại sức tráng kiện xưa kia thật là điên rồ. Con hãy nghĩ như vầy: Thân ta tuy bệnh yếu nhưng ta quyết không để tâm suy yếu. Con hãy tinh tấn suy niệm như thế!".
Kiểm soát tâm là chìa khóa hạnh phúc, là vua của giới đức, là động lực dẫn đến giác ngộ. Sự an tỉnh không phải yếu hèn. Người an tỉnh là người rèn luyện cao thượng.
Có hai loại thiền: Thiền Chỉ hay Thiền Tam-ma-đề (samadhi) và Thiền Quán hay Thiền Minh-Sát (vipassana). Thiền Chỉ là an tâm dẫn đến tâm định. Thiền Quán hay Thiền Minh Sát làm cho tâm thấy sự vật rỏ ràng, đúng thực tướng của nó, vượt ra ngoài sự thấy thông thường. Ðó là sự thấy ba thực tướng vô thường, khổ não và vô ngã. Chính nhờ tâm định chú tâm vào đối tượng, hành giả có thể diệt trừ các ô nhiễm vô minh và thấy được chân lý. Ðó là pháp thiền do Ðức Phật tự khám phá. Thiền Chỉ và Thiền Quán (samatha-vipassana) đi đôi và hổ trợ cho nhau. Một bên làm tâm định, một bên quán sát sự vật để soi thấu thực tướng. Phật dạy: "Tâm an tịnh nhìn thấy sự vật rỏ ràng".
Thiền Chỉ rất cần thiết và quan trọng trong đạo Phật, tuy nhiên tâm định không phải cứu cánh của tu tập. Thấy thực tướng sự vật qua thiền quán chính là cứu cánh. Phật dạy: "Có hai điều cần thiết để diệt trừ tam độc. Cái gì là hai? Ðó là Chỉ và Quán". Tâm có định thì không còn ái dục. Tâm có quán thì chánh kiến phát sanh. Khi có chánh kiến, vô minh không còn.
Do đó, chánh định và chánh kiến không thể tách rời nhau, phải hổ trợ cho nhau. Nếu tâm không định, ta không thể thấy rỏ sự vật. Nếu không thấy rỏ sự vật, ta không thể có cái nhìn đúng.
Thiếu trí không thiền định
Thiếu định không trí tuệ
Người có định, có trí tuệ
Nhất định gần Niết Bàn.
Hành giả đi tìm con đường thanh tịnh, giữ đời sống chân chính, diệt trừ ái dục, sống trong thiền định và diệt trừ các chướng ngại trong khi thiền định. Năm chướng ngại cản trở tu tập (panca nivaranami) gồm có:
- tham dục (kamachanda) là tâm quyến luyến vật dục
- sân hận (vyapada) là tâm mong làm cho hư hoại hạnh phúc người khác
- hôn trầm (thina-middha) là tâm lười biếng, dã dượi
- phóng tâm (uddhacca-kukkacca) là tâm xao lãng lo ra
- hoài nghi (vicikiccha) là tâm không tin chắc chân lý
Người thiền định có năm năng lực thiện diệt trừ chướng ngại là:
- tầm (vitakka) là tâm suy nghĩ đối tượng
- sát (vicara) là tâm quan sát đối tượng
- phỉ (piti) là tâm hạnh phúc an lành
- lạc (sukkha) là tâm an lạc
- trụ (ekaggata) là tâm định hoàn toàn (nhất điểm).
Khi thiền định, đối nghịch giữa hai cập như sau:
- Trụ hóa giải tham dục;
- Phỉ dùng hóa giải oán hận;
- Tầm dùng hóa giải hôn trầm;
- Lạc dùng hóa giải phóng tâm;
- Sát dùng hóa giải hoài nghi.
Hành giả muốn thiền định chân chánh chọn nơi vắng lặng và chú tâm vào đề mục thiền. Lúc đầu, đây là việc làm rất khó khăn, hành giả sẽ thấy tâm sanh, diệt, tư tưởng hiện ra, phóng đi. Hành giả sẽ kinh nghiệm những chướng ngại thiền định. Ðừng nản lòng, với tinh tấn và chánh niệm dần dần hành giả diệt trừ chướng ngại, chú tâm vào đề mục thiền. Khi tất cả chướng ngại đã diệt và những ô nhiễm trong tâm đã thanh lọc, hành giả nhập đại định (appana samadhi). Ở điểm nầy, tâm hành giả trụ vào nhất điểm ví như đèn cầy vững vàng đứng ngọn, không chao động, không lay chuyển, ở một nơi không có gió. Hành giả nhập định, tâm an trụ tỉnh lặng không xao động với thế giới bên ngoài.
Ở giai đoạn nầy, tâm hành giả đã an định, nhưng giác ngộ giải thoát chưa đạt. Những ô nhiễm vô minh vi tế vẫn còn ẩn nấp sâu trong tiềm thức, khi có dịp chúng sẽ xuất hiện qua ba cửa ngõ thân-khẩu-ý. Hành giả tinh tấn nên tiếp tục giử giới để kiểm soát thân-khẩu và thiền định để kiểm soát tâm.
Thiền Minh Sát, quán niệm (Vipassana Bhavana) là phương pháp duy nhất diệt trừ tận gốc vô minh. Với tâm định, hành giả thực hành thiền minh sát quán chiếu đến khi phát sanh trí tuệ bát nhã thấy rỏ thực tướng vạn vật.
Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường
Tất cả các pháp hữu vi đều khổ não
Tất cả các pháp đều vô ngã.
Khi hành giả phát sanh trí tuệ, trực nhận chân tướng vô thường, khổ não và vô ngã của chính mình, nhìn rỏ ngũ uẩn, hành giả chứng đắc đạo quả giải thoát.
Các Ðạo Quả
Có mười phiền não cần diệt trừ để đắc đạo quả cao thượng:
- thân kiến
- hoài nghi chân lý
- cúng kiến sai lầm
- dục ái
- sân hận
- sắc ái
- vô sắc ái
- ngã mạn
- phóng dật
- vô minh
Người diệt trừ ba phiền não đầu tiên là thân kiến, hoài nghi, cúng kiến sai lầm, đắc quả Dự Lưu hay Tu đà hoàn (Sotapanna). Vị nầy chỉ còn tái sanh trở lại 7 lần trước khi đắc đạo quả A-la-hán.
Người diệt trừ được ba phiền não đầu tiên và bắt đầu chế ngự phiền não dục ái và sân hận, đắc quả Nhứt Lai hay Tư đà hàm (Sakadagami). Vị nầy chỉ tái sanh trở lại thêm một lần trước khi giải thoát sanh tử.
Người diệt trừ hoàn toàn năm phiền não đầu tiên đắc quả Bất Lai hay A na hàm (Anagami). Vị nầy sẽ giác ngộ trong đời nầy hay tái sanh vào cõi vô sắc giới từ nơi đó, đắc đạo quả Niết Bàn.
Người diệt trừ tất cả mười phiền não chứng được quả A-la-hán hay Ứng Cúng Cao Thượng (Arahan) giải thoát sanh tử luân hồi.
Bậc A-la-hán vượt lên trên đời sống thế tục nhị nguyên. Vị nầy không còn tạo nghiệp hay chịu ảnh hưởng của nghiệp và định luật nhân quả.
Người sống ở đời nầy
Vượt cả ngoài thiện ác
Vô cấu, tịnh, vô ưu
Ta gọi là bà la môn.
Bỏ trói buộc nhân gian
Khỏi trói buộc thiên giới
Giải thoát mọi buộc ràng
Ta gọi Bà la môn
(Nơi đây, danh từ bà-la-môn đồng nghĩa với A-la-hán)
Các Ðề Mục Thiền Ðịnh
Tùy theo căn tánh chúng sanh, Ðức Phật chỉ dạy 40 đề mục thiền định:
- 10 đề mục dùng vật để niệm tâm (kasina)
- 10 đề mục về tử thi (asubha)
- 10 đề mục về suy niệm (anussati)
- 4 đề mục về phẩm hạnh (Brahmavihara)
- 4 đề mục về thiền vô sắc (aruppa)
- 1 đề mục về tri giác (Eka sanna)
- 1 đề mục phân biệt (vavathana)
Ðức Phật dạy đại đức Rahula như sau:
- Hãy thiền định về tâm từ để đối trị tâm sân;
- Hãy thiền định về tâm bi để đối trị tâm ác độc;
- Hãy thiền định về tâm hỷ để đối trị tâm ganh tỵ;
- Hãy thiền định về tâm xả để đối trị tâm ganh ghét;
- Hãy thiền định về thây ma để đối trị tâm luyến ái;
- Hãy thiền định về vô thường để đối trị với cái ta;
- Hãy thiền định về hơi thở, con sẽ thấy nhiều lợi ích.
Không cần thiền định tất cả 40 đề mục trên, ta chỉ cần chọn đề mục nào thích hợp với căn tánh mình nhất để thiền định là đủ. Ðiều quan trọng là thực tập hằng ngày, kết quả sẽ đến. Chỉ cần thực hành thiền định về hơi thở (anapanasati) thật đúng cách, thật rốt ráo. Cũng đủ đạt đến đạo quả giác ngộ như ngày xưa Bồ Tát Cồ Ðàm đã chứng ngộ.
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) tóm tắt bài pháp Ðức Phật giảng về Thiền Niệm Hơi Thở (Sổ Tức Quán - Anapanasati) cho ngài Rahula như sau:
"Hãy tìm nơi thanh tịnh, ngồi xếp bằng, lưng thẳng, chú tâm vào hơi thở. Với chánh niệm, hít vào, thở ra. Khi hít vào sâu, ý thức hơi sâu. Khi hít vào cạn, ý thức hơi cạn. Khi hơi thở ra dài, ý thức hơi dài. Khi thở ra ngắn, ý thức hơi ngắn. Ý thức trọn vẹn hơi thở ra vô, hãy chú niệm theo dỏi hơi thở. Ý thức tỉnh lặng, chú niệm hít vào, thở ra. Hãy thực hành như thế, ý thức theo dỏi hơi thở ra vào cho đến hơi thở cuối cùng".
Thở là việc làm máy móc ta thường không để ý. Khi thiền định về hơi thở, quan trọng là ý thức tâm chú tâm vào hơi thở vào ra. Chỉ cần theo dỏi hơi thở tự nhiên, không phải cố gắng tập thở dài ngắn, hay đưa hơi thở theo chiều hướng nào, cũng không làm tâm trống không.
Giữ được tâm niệm chú ý về hơi thở đến độ không nghĩ tưởng đến việc gì khác, không thấy cảm việc gì bên ngoài, gọi là trụ tâm vào hơi thở. Với tâm định trong hơi thở, dần dà hành giả sẽ nhận thức hơi thở vào ra là một tiến trình liên tục, luôn thay đổi dài ngắn, vào ra. Ðó là giác ngộ vô thường. Rồi hành giả sẽ nhận thức sự sống của năm uẩn tùy thuộc vào hơi thở vào ra, ngoài hơi thở không có gì gọi là cái ta hay tự ngã, không có gì để luyến ái. Ðó là giác ngộ vô ngã.
Thiền định là việc khó làm, lúc đầu ta không nên chờ đợi kết quả tức khắc. Kiểm soát tâm là việc làm lâu dài. Không nên hấp tấp. Chỉ cần đều đặn mỗi ngày cố gắng dần dà sẽ thành công. Người thường thiền định về hơi thở kinh nghiệm tâm an tỉnh phỉ lạc trong sáng, đồng thời thân thể cũng nhẹ nhàng khỏe mạnh.
Nên ghi nhớ những lời vàng Ðức Phật để lại khuyến khích ta thiền định trau dồi tâm:
Người dẫn thủy dẫn nước
Kẻ bắn cung nắn tên
Người thợ mộc uốn ván
Kẻ trí thức nhiếp thân
Tỳ kheo sống nhàn tịnh
Tâm tư lặng thường hằng
Tịnh quán theo chánh pháp
Thọ hưởng vui siêu nhân.
-oOo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét