Trang

Sống trong thế gian với Phật Pháp - Ajahn Chah


Sống trong thế gian với Phật Pháp


Hầu hết mọi người vẫn không biết bản chất của thiền tập. Họ nghĩ rằng chỉ có thiền đi, thiền ngồi và nghe pháp là sự thực hành. Điều này đúng, nhưng đây chỉ là hình thức thực tập bên ngoài.Việc thực hành thực sự diễn ra khi tâm tiếp xúc với một đối tượng tri giác. Đó là nơi để tu tập, là khi sự tiếp xúc với tri giác xảy ra.
Lúc mọi người nói những điều mà chúng ta không thích bèn có sự giận dữ, nếu họ nói những điều mà chúng ta thích thú thì chúng ta phát khởi niềm vui.
Ngay đây là nơi để tu tập. Chúng ta sẽ tu tập như thế nào với những điều này? Đây là điểm rất quan trọng. Nếu cả đời chúng ta chỉ chạy lòng vòng để đuổi theo hạnh phúc và tránh xa đau khổ thì dù chúng ta có thể thực hành cho đến ngày chúng ta nhắm mắt xuôi tay cũng không bao giờ thấy được Phât Pháp. Điều này chỉ vô ích. Khi niềm vui và nỗi khổ phát sinh chúng ta sử dụng Giáo Pháp như thế nào để thoát khỏi chúng? Đây là điểm tu tập.

Thông thường khi người ta đụng phải một điều gì đó khó chịu cho họ, họ không tháo mở với nó. Chẳng hạn như khi người ta bị chỉ trích bèn cho rằng: "Đừng làm phiền tôi, tại sao đổ lỗi cho tôi?" Đây là người ta đã tự đóng chặt chính mình. Ngay đây là nơi để chúng ta tu tập. Khi mọi người chỉ trích chúng ta, chúng ta nên lắng nghe. Họ nói đúng không? Chúng ta cần phải cởi mở và xem xét những gì họ nói. Có thể là có một điểm nào đó với những gì họ nói, có lẽ có một điều gì đó mà chúng ta thực sự mắc phải bên trong chúng ta. Họ có thể đúng và ngay đây chúng ta lập tức nhận lỗi. Nếu mọi người chỉ ra sai lầm của chúng ta, chúng ta nên cố gắng loại bỏ sự sai lầm đó và cải thiện chính mình. Đây là cách mà những người thông minh sẽ thực hành.

Ở đâu có sự sai lầm thì ở đó hòa bình có thể phát sinh. Khi sự sai lầm bị xuyên thủng với sự hiểu biết thì những gì còn lại là hòa bình. Một số người không thể chấp nhận những lời chỉ trích, họ đang kiêu ngạo. Thay vào đó, họ quay lại và tranh luận. Vì thế, điều này cũng đặc biệt khi người lớn đối phó với trẻ em. Thực tế trẻ em thỉnh thoảng có thể nói một vài điều thông minh nhưng nếu bạn là mẹ của chúng, bạn không thể nhượng bộ chúng. Nếu bạn là một thầy giáo và học sinh của bạn đôi khi có thể nói cho bạn biết một điều gì đó mà bạn không biết, nhưng bởi vì bạn là thầy giáo nên bạn không thể nghe. Tư tưởng này không đúng.

Vào thời Đức Phật, có một vị đệ tử của ngài rất thông minh. Một hôm khi Đức Phật đang thuyết pháp, ngài quay sang nhà sư này và hỏi: "Xá Lợi Phất, ông có tin rằng điều này không?" Ngài Xá Lợi Phất trả lời: "Không, con chưa tin điều đó." Đức Phật ca ngợi câu trả lời này. "Hay thay, Xá Lợi Phất, ông là người mà ta trao truyền trí tuệ. Người có trí tuệ thì không dễ dàng tin. Ông biết lắng nghe với một tâm trí cởi mở và rồi quán sát sự thật của vấn đề đó trước khi tin tưởng hoặc hoài nghi."

Ở đây Đức Phật đã thiết lập một ví dụ tốt cho một vị thầy. Điều mà ngài Xá Lợi Phất nói là sự thật, Tôn giả chỉ nói đơn giản những cảm xúc chân thật của mình. Một số người nghĩ rằng để nói bạn đã không tin tưởng việc giảng dạy, sẽ giống như đặt câu hỏi về thẩm quyền của người dạy, họ sẽ sợ hãi để nói một điều như vậy. Họ chỉ muốn tiếp tục và đồng ý. Đây là cách thế gian hành xử. Nhưng Đức Phật đã không mắc phải sai lầm này. Ngài dạy rằng bạn không nên xấu hổ về những điều sai hoặc dở đó. Khi cho rằng bạn không tin hoặc nếu bạn không tin thì không phải là sai lầm. Đó là lý do tại sao ngài Xá Lợi Phất nói, "Con không tin điều đó." Đức Phật đã tán thán câu này. "Tôn giả này có nhiều trí tuệ, ông ta cẩn thận xem xét trước khi tin tưởng bất cứ điều gì." Hành động của Đức Phật ở đây là một ví dụ tốt đối với những người làm thầy của người khác. Đôi khi bạn có thể tìm hiểu những sự kiện ngay cả những đứa trẻ, đừng bám víu một cách mù quáng vào các vị trí có uy quyền.

Dù bạn đang đứng, ngồi, hoặc đi bộ xung quanh ở những nơi khác nhau, bạn có thể thường xuyên quán sát những điều xung quanh bạn. Chúng ta học hỏi theo cách tự nhiên, tiếp thu tất cả mọi thứ, có thể là khung cảnh, âm thanh, mùi, vị, cảm xúc hay suy nghĩ. Người khôn ngoan thì quán sát tất cả. Với sự tu tập thực sự, chúng ta đạt đến điểm mà nơi đó không còn bất kỳ sự lo âu nào đè nặng lên tâm trí chúng ta.

Nếu chúng ta vẫn không hiểu thế nào là thích và không thích khi chúng phát khởi, tâm chúng ta vẫn còn lo lắng, nếu chúng ta hiểu biết sự thật của những điều này, chúng ta sẽ hồi tỉnh: "Ồ, cảm giác này chẳng có gì liên quan ở đây. Nó chỉ là một cảm giác sinh và diệt. ‘Không thích’ thì không có gì thêm, chỉ là cảm giác sinh khởi rồi hoại diệt. Tại sao tạo ra bất cứ điều gì với chúng?" Nếu chúng ta nghĩ rằng niềm vui và nỗi đau là sở hữu cá nhân, sau đó chúng ta tiếp tục trong sự lẩn quẩn, chúng ta sẽ không bao giờ vượt khỏi sự âu lo hoặc các phiền não khác trong một chuỗi khổ đau vô tận. Đây là những gì mà hầu hết con người mắc phải.

Nhưng lúc này người ta không đề cập đến bản tâm khi giảng dạy Giáo Pháp, họ không nói về sự thật. Nếu bạn nói sự thât, mọi người có thể phản đối. Họ nói những điều như, "Anh ấy không biết nơi biết lúc, không biết nói một cách thú vị." Tuy nhiên mọi người cần nên lắng nghe sự thật. Một giáo viên thực sự không chỉ nói chuyện từ bộ nhớ, ông ta còn nói sự thật. Những người trong xã hội thường nói từ trí nhớ, y cũng cần nói sự thật. Những người trong xã hội thường nói từ bộ nhớ, và những gì họ thường nói theo cách như vậy là để tôn vinh bản thân. Nhà sư chân chính thì không nói như thế, ông ta nói về chân lý sự thật, với những gì đang xảy ra.

Làm thế nào để giải thích chân lý vốn chẳng dễ dàng cho mọi người hiểu không phải là vấn đề. Thật khó để hiểu được Giáo pháp. Nếu bạn hiểu giáo pháp, bạn nên thực hành cho phù hợp. Có thể không cần thiết để trở thành một nhà sư, mặc dù cuộc sống của tu sĩ là hình thức lý tưởng cho sự tu tập. Để thực sự thực hành (như nhà tu), bạn phải từ bỏ sự nhầm lẫn của thế gian, từ bỏ gia đình và tài sản, và chọn những nơi yên tĩnh. Đây là những nơi lý tưởng để thực hành.

Nhưng nếu chúng ta vẫn còn có gia đình và trách nhiệm thì chúng ta phải tu tập như thế nào? Một số người nói rằng như thế không thích hợp với sự thực hành Giáo Pháp với một cư sĩ. Thử coi nhóm nào lớn hơn, tu sĩ hay cư sĩ? Có nhiều cư sĩ hơn. Bây giờ nếu chỉ có tu sĩ tu tập và cư sĩ thì không, thế thì điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều nhầm lẫn. Đây là sự hiểu biết sai. "Tôi không thể trở thành một nhà sư ..." Trở thành một nhà sư không phải là vấn đề! Là một tu sĩ không có ý nghĩa gì nếu bạn không tu tập. Nếu bạn thực sự hiểu việc thực hành Phật pháp thì vị trí và nghề nghiệp mà bạn có trong cuộc sống như thế nào không thành vấn đề, là một giáo viên, bác sĩ, công chức hoặc bất cứ điều gì, bạn có thể thực hành Giáo pháp hằng ngày trong từng giờ phút.

Cho rằng mình không thể tu tập khi là một Phật tử là đánh mất mục tiêu của con đường hoàn thiện. Tại sao mọi người có thể tìm thấy sự khích lệ để thực hiện những việc khác? Nếu họ cảm thấy họ đang thiếu một cái gì đó thì họ tạo nên một nỗ lực để có được nó. Nếu thỏa được mong ước người ta có thể làm bất cứ điều gì. Một số người nói rằng, "Tôi không có thời gian để thực hành Giáo pháp." Tôi nói, "Thế thì, làm thế nào mà bạn có được thời gian để thở?" Hơi thở là quan trọng đối với cuộc sống của con người. Nếu họ thấy rằng sự thực hành Phật pháp quan trọng như cuộc sống của họ, họ sẽ thấy nó quan trọng như hơi thở của chính mình.

Việc thực hành giáo pháp không phải là một cái gì đó bạn phải chạy lòng vòng cho kiệt sức của mình thêm. Chỉ cần nhìn vào những cảm xúc phát sinh trong tâm của bạn, khi mắt nhìn thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, và v.v…, chúng đều bắt nguồn từ tâm của “một người tỉnh thức." Điều gì xảy ra bây giờ khi tâm cảm nhận những điều này? Nếu chúng ta thích đối tượng đó thì chúng ta có kinh nghiệm hân hoan, nếu chúng ta không thích nó, chúng ta kinh có nghiệm bất như ý. Đó là tất cả những gì chúng ta có với nó.

Vì vậy, bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc nơi đâu trong thế gian này? Bạn có mong đợi tất cả mọi người chỉ nói những điều dễ chịu với bạn suốt đời không? Có thể như thế không? Không, không thể như thế. Nếu không thể như thế thì bạn sẽ đi đâu? Thế gian này chỉ đơn giản là như vậy, chúng ta phải biết thế gian – Lokavidu (thế gian giải) - biết sự thật của thế gian này. Thế gian là điều gì đó mà chúng ta nên hiểu rõ. Đức Phật đã sống trong thế gian này, ngài không sống ở bất cứ nơi nào khác. Ngài đã trải qua cuộc sống gia đình, nhưng ngài thấy sự giới hạn của nó và tách mình ra khỏi họ. Bây giờ làm thế nào bạn có thể tu tập khi bạn còn là cư sĩ? Nếu bạn muốn thực hành Phật Pháp, bạn phải thể hiện một sự tinh tấn để đi theo con đường này. Nếu bạn kiên trì với sự thực tập, bạn cũng sẽ thấy những sự giới hạn của thế giới này và có thể bước qua nó.

Những người nghiện rượu đôi khi nói rằng, "Tôi không thể từ bỏ nó ngay." Tại sao họ không thể từ bỏ nó? Bởi vì họ chưa thấy được tác hại trong nó. Nếu họ thấy rõ tác hại của nó họ không phải chờ đợi người khác khuyên để từ bỏ nó. Nếu bạn không thấy tai hại của điều gì đó có nghĩa rằng bạn cũng không thấy sự lợi ích của việc từ bỏ nó. Sự thực hành của bạn trở nên có hiệu quả ngay khi bạn đóng vai trò tu tập. Nếu bạn thấy rõ tác hại hay lợi ích của một điều gì đó, bạn sẽ không phải đợi nguời khác khuyên nhắc về điều đó. Hãy suy nghĩ về câu chuyện của một ngư dân tìm một cái gì đó trong cái sọt bắt cá. Y có thể nghe tiếng nó đập ở bên trong cái sọt. Suy nghĩ nó là một con cá, y thò bàn tay của mình vào cái bẫy, rồi chỉ nhận ra một loài vật khác. Y có thể chưa nhìn thấy nó, do đó y có hai tâm lý về nó. Một mặt, nó có thể là một con lươn, nhưng sau đó một lần nữa nó có thể là một con rắn. Nếu y ném nó đi, y có thể hối tiếc nó…nó có thể là một con lươn. Mặt khác, nếu y tiếp tục giữ nó và hóa ra nó là một con rắn và có thể cắn y. Y rơi vào một trạng thái nghi ngờ. Sự ham muốn của y rất mạnh mẽ nên y lưỡng lự, chỉ trong trường hợp nó là một con lươn, nhưng phút giây y đem nó ra và thấy da sọc, y ném nó xuống lập tức. Y không phải chờ đợi người khác hô lên, "Nó là con rắn, nó là con rắn, vứt đi!" Hình ảnh của con rắn bảo với y những gì để làm nhiều hơn nói. Tại sao? Bởi vì y thấy sự nguy hiểm - loài rắn có thể cắn y! Ai phải nói với y về điều đó? Trong cùng một cách, nếu chúng ta tu tập cho đến khi chúng ta thấy sự vật như chúng là, chúng ta sẽ không rơi vào những gì tai hại.

Thông thường người ta không thực hành theo cách này, họ thường thực tập vì những điều khác. Họ không suy ngẫm điều gì đó, họ không nghĩ đến tuổi già, bệnh và chết. Họ chỉ bàn đến sự bất lão bất tử, vì vậy họ không bao giờ phát triển cảm giác phù hợp với sự tu tập Giáo pháp. Họ đến và lắng nghe các buổi giảng pháp nhưng họ không thực sự lắng nghe. Đôi khi tôi được mời thuyết giảng ở những buổi lễ quan trọng, nhưng đó là một phiền toái vì tôi phải đi. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi tôi nhìn vào những người tụ tập ở đó tôi có thể nhận ra rằng họ không phải đến để lắng nghe Giáo pháp. Vài hơi rượu, mùi hút thuốc lá, một vài người đang trò chuyện ... họ không nghe nhìn chăm chú, giống như những người không có đức tin trong Giáo pháp. Thuyết pháp ở những nơi như thế thì hiệu quả rất ít. Những người bị chìm đắm trong sự tán loạn có xu hướng nghĩ như vầy, "Khi nào ông ta mới xong buổi nói chuyện này? ... Không thể làm điều này, không thể làm điều đó ..." và tâm trí của họ chỉ đi lang thang khắp nơi.

Đôi khi họ thậm chí còn mời tôi cho một thời pháp chỉ vì lợi ích của hình thức: " Bạch Hòa thượng, xin hoan hỷ cho chúng con chỉ thời Pháp ngắn.” Họ không muốn tôi thuyết pháp quá dài, điều này có thể làm phiền họ! Ngay khi tôi nghe người ta nói như thế, tôi biết những gì họ đang là. Những người này không thích lắng nghe Phật Pháp, nó có thể làm phiền họ. Nếu tôi chỉ cho một thời pháp ngắn họ sẽ không hiểu. Nếu bạn ăn ít thì có no không? Tất nhiên là không.

Đôi khi tôi đang thuyết pháp, vừa bắt đầu chủ đề, có vài người say sưa gọi to tiếng, "Được rồi, hãy nhường chỗ, nhường chỗ cho Hòa thượng nhé, ngài sắp xong rồi!" – tôi cố gắng để không nghe nó! Nếu tôi gặp những kiểu người này tôi có thêm nhiều pháp thực để quán chiếu, tôi nhận ra một cái nhìn sâu sắc vào bản chất con người. Nó giống như một người đang có một chai nước đầy và sau đó yêu cầu đổ thêm. Không có chỗ để chứa nó. Nó không có giá trị thời gian và năng lượng để dạy cho họ, bởi vì tâm trí của họ đã đầy ắp. Đổ thêm nữa thì chỉ tràn lan vô ích. Nếu cái chai của họ là trống rỗng thì mới có thể rót nước vào bất cứ nơi nào, và cả người cho và người nhận sẽ được lợi ích.

Bằng cách này, khi mọi người đang thực sự quan tâm trong Giáo Pháp và ngồi yên lặng, lắng nghe cẩn thận, tôi cảm thấy nhiều cảm hứng hơn để giảng dạy. Nếu mọi người không chú ý nó chỉ giống như người đàn ông với chai đầy nước ... không có không gian để chứa thêm nữa. Nó khó có giá trị trong khi tôi nói chuyện với họ. Trong tình huống như thế này, tôi chỉ không phát sinh được bất kỳ năng lượng nào để giảng dạy. Bạn không thể rót ra nhiều năng lượng để cho, khi không ai có năng lượng để nhận.

Những lúc ấy tôi thuyết pháp mà có tình trạng như thế đó, và nó trở nên tệ hơn tất cả mọi lúc. Mọi người không mong cầu chân lý, họ nghiên cứu chỉ đơn giản là để tìm thấy những kiến thức cần thiết để kiếm sống, nuôi gia đình và chăm sóc bản thân. Họ nghiên cứu vì sinh kế. Có thể có một số người nghiên cứu về Giáo pháp, nhưng không nhiều. Học trò ngày nay có nhiều kiến thức hơn học trò ngày xưa. Họ có tất cả các vật dụng cần thiết cho việc sử dụng của mình, mọi thứ đều thuận tiện hơn. Nhưng họ cũng có rất nhiều sai lầm và đau khổ hơn trước. Tại sao như vậy? Bởi vì họ chỉ tìm kiếm các loại kiến thức được được ứng dụng để tạo nên cuộc sống.

Ngay cả các nhà sư cũng như thế. Đôi khi tôi nghe họ nói, "Tôi đã không trở thành một nhà sư tu tập trong Giáo pháp, tôi chỉ xuất gia để học tập." Đây là những lời của một người nào đó đã hoàn toàn cắt đứt con đường thực hành. Không có cách để bước tới, nó là một sự kết thúc tê liệt. Khi các nhà sư này dạy Phật pháp chỉ là từ bộ nhớ. Họ có thể dạy một điều, nhưng tâm họ họ hoàn toàn ở nơi khác. Dạy Giáo lý như vậy là không đúng sự thật.

Đây là những gì mà thế gian là. Nếu bạn cố gắng sống đơn giản, thực hành Giáo pháp và sống một cách hòa bình, họ nói rằng bạn là lập dị và chống đối xã hội. Họ nói rằng bạn đang cản trở sự tiến bộ trong xã hội. Thậm chí họ còn đe dọa bạn. Cuối cùng ngay cả chính bạn có thể bắt đầu tin vào họ và quay trở lại với những cách thức thế gian, chìm sâu hơn và sâu hơn vào thế gian cho đến khi không còn khả năng để thoát khỏi. Một số người nói, "Bây giờ tôi không thể thoát khỏi, tôi đã lún sâu rồi." Khuynh hướng xã hội là như thế. Nó không cảm nhận được giá trị của Phật Pháp.

Giá trị của Giáo pháp không phải được tìm thấy trong sách vở. Chúng nó chỉ là những biểu hiện bên ngoài của Phật Pháp, chúng không phải là sự thể hiện của Pháp như là một kinh nghiệm cá nhân. Nếu bạn nhận ra rằng Giáo pháp mà bạn nhận hiểu từ trong tâm của chính bạn, bạn sẽ thấy sự thật ở đây. Khi sự thật trở nên rõ ràng nó sẽ cắt đứt dòng ảo tưởng.

Lời dạy của Đức Phật là chân lý bất biến cho dù trong hiện tại hoặc trong bất kỳ thời điểm nào khác. Đức Phật đã khám phá sự thật này hơn 2.500 năm trước đây và nó đã là chân lý mãi mãi. Giáo huấn này không được thêm thắt hoặc cắt xén. Đức Phật bảo, "những gì mà Như Lai đã đưa ra không nên loại bỏ, những gì đã không được đặt ra bởi Đức Như Lai thì không được thêm vào trong giáo lý." Ngài đã "niêm phong" giáo lý. Tại sao Đức Phật niêm phong chúng? Bởi vì các giáo lý này là những lời của một người không có nhiễm ô phiền não. Dù thế giới có thể thay đổi như thế nào nhưng giáo lý này vẫn không bị tác động, không thay đổi. Nếu một điều gì đó là sai, ngay cả khi người ta nói nó là đúng cũng không làm cho nó hết sai. Nếu điều gì đó là đúng, nó không thay đổi chút nào chỉ bởi vì mọi người nói rằng nó không đúng. Thế hệ này đến thế hệ khác có thể đến và đi, nhưng những điều này không thay đổi, bởi vì những lời dạy này là sự thật.

Bây giờ ai đã tạo nên được sự thật này? Chân lý tự nó tạo ra chân lý? Đức Phật đã tạo ra nó phải không? Không, ngài đã không. Đức Phật chỉ phát hiện ra sự thật, sự vật, và rồi ngài thiết lập để tuyên bố nó. Sự thật thì luôn luôn đúng dù Đức Phật hiện hữu trên thế giới hay không. Đức Phật chỉ là "chủ nhân" Giáo pháp trong ý nghĩa này, ngài đã không thực sự tạo ra nó. Nó đã ở đây xuyên suốt thời gian. Tuy nhiên, trước Đức Phật không có ai đã tìm kiếm và phát hiện được sự thật bất tử này, sau đó dạy nó như là Giáo Pháp. Ngài đã phát minh ra Giáo pháp, và nó mới có.

Ở một vài điểm nhận thức về thời gian, chân lý được chiếu sáng và sự thực hành của Giáo Pháp hưng thịnh (thời kỳ chánh Pháp). Khi thời gian tiếp tục và nhiều thế hệ mất đi, sự thực hành thoái hóa cho đến khi hoàn toàn mất dần Giáo pháp (mạt pháp). Sau một thời gian Pháp Phật được tái lập và hưng thịnh một lần nữa. Khi thời gian này tiếp tục, những người hộ trì Phât Pháp tăng lên, sự hưng thịnh bắt đầu (chánh pháp), và một lần nữa (sau khi hưng thịnh) Giáo pháp bắt đầu theo bóng tối của thế giới. Và như thế cũng một lần nữa nó thoái hóa cho đến một lúc không còn trên mặt đất này (mạt pháp). Bóng tối lại cai trị một lần nữa, tiếp theo, nó là thời gian để thiết lập lại chân lý. Thực tế, sự thật không đi nơi đâu cả. Khi Chư Phật nhập diệt, Giáo pháp không biến mất với các ngài.

Thế giới xoay vần như thế. Đó là một cái gì đó giống như một cây xoài. Cây trưởng thành, đơm hoa, kết quả và dần dần chín. Chúng nó trở thành mục nát và hạt giống đi về mặt đất để trở thành một cây xoài mới. Chu kỳ bắt đầu một lần nữa. Cuối cùng, có nhiều trái cây chín muồi tiến hành rơi, mục nát, chìm vào lòng đất với những hạt giống và phát triển một lần nữa thành cây. Thế giới cũng như thế đó. Nó không đi xa lắm, nó chỉ xoay quanh những điều cũ như thế.

Cuộc sống của chúng ta trong đời này cũng tương tợ. Hôm nay chúng ta chỉ đơn giản là làm những điều cũ mà chúng ta đã làm. Mọi người suy nghĩ quá nhiều. Có rất nhiều điều để họ theo đuổi, nhưng những điều ấy chẳng đưa đế sự hoàn thành. Có các ngành khoa học như toán học, vật lý, và tâm lý học v.v… Bạn có thể đào sâu nghiên cứu vào bất kỳ ngành nào, nhưng bạn chỉ có thể kết thúc những gì với sự thật của chính mình.

Giả sử có một chiếc xe được kéo bởi một con bò. Các bánh xe không dài, nhưng đường đi thì dài. Khi con bò kéo chiếc xe, những dấu vết con đường sẽ theo sau. Bánh xe thì tròn nhưng đoạn đường thì dài; con đường thì dài nhưng các bánh xe chỉ là những vòng tròn. Chỉ cần nhìn vào một chiếc xe bò đứng một chỗ, bạn có thể không nhìn thấy bất cứ cái gì dài đối với nó, nhưng một khi con bò bắt đầu di chuyển bạn sẽ thấy những vết đường cứ kéo dài ra phía sau bạn. Khi con bò kéo, bánh xe tiếp tục quay ... nhưng đến một ngày khi bánh xe bị ném ra khỏi yên cương của nó. Con bò bước đi và để lại chiếc xe ngồi ở đó. Các bánh xe không còn quay nữa. Trong khi chiếc xe rơi ra từng phần, các thành phần của nó trở về trong bốn yếu tố đất, nước, gió, và lửa.

Tìm kiếm hòa bình trong thế gian khi bạn kéo chiếc xe bò và những dấu vết bánh xe vô tận ở đằng sau bạn, giống như bạn lao theo thế gian không ngừng, không nghỉ. Nếu bạn chỉ đơn giản dừng lại sau đó, chiếc xe mới ngừng nghỉ, các bánh xe không còn quay vòng. Chạy theo vòng quay bánh xe thế gian không ngừng; tạo nghiệp bất thiện là như thế đó, nếu mà bạn làm theo cách cũ không có dừng lại. Nếu bạn ngừng lại thì nghiệp sẽ dừng. Đây là cách mà chúng ta tu tập Giáo pháp.

Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Thích nữ Tịnh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét