Trang

Sự khác biệt giữa Đức Phật lịch sử và Đức Phật tôn giáo (Thích Bửu Chánh)



Hòa thượng Thích Minh Châu, trong lời nói đầu tác phẩm “ Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, do nhờ công phu tu tập bản thân đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian”.

I- Đức Phật lịch sử
1. Sơ lược lịch sử Đức Phật
Hòa thượng Thích Minh Châu, trong lời nói đầu tác phẩm “ Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, do nhờ công phu tu tập bản thân đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc thánh giữa thế gian”.
Đức Phật lịch sử là một con người như bao nhiêu con người, cũng sinh ra, lớn lên, lập gia đình nhưng nhờ ý thức được sanh, lão, bệnh, tử là khổ đau nên nhàm chán cuộc đời, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình và do nỗ lực cá nhân mà thành đạt quả vị giải thoát.
Ngài sinh ra vào ngày 15 tháng Tư âm lịch, năm 623 trước Công Nguyên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) gần thành phố Kapilavatthu, nơi ranh giới Ấn Độ thuộc xứ Nepal ngày nay. Ngài là con vua Suddhoddana va hoàng hậu Maha Māyā, tên Ngài là Siddhattha họ Ngài là Gotama (Cồ Đàm). Ngài thuộc bộ lạc Sakya (Thích Ca) nên sau này có danh hiệu Sakya Muni, Muni là bậc thánh. Sakya Muni là bậc thánh thuộc bộ lạc Thích Ca.
Bảy ngày sau khi sinh thái tử Siddhattha, hoàng hậu Maha Māyā qua đời và sinh về cõi trời Đâu Suất, thái tử được bà dì mẫu Mahapajapati Gotami trực tiếp nuôi dưỡng, dạy dỗ.
Ngay sau ngày đản sanh vua Tịnh Phạn cho mời các Bà-la-môn đến để xem tướng Thái tử. Thái tử có 32 tướng tốt. Kinh Sutta Nipāta (Kinh tập) có viết đạo sĩ Asita xem tướng Thái tử:
“Thấy Thái tử chói sáng
Rực rỡ như vàng chói
Trong lò đúc nấu vàng
Được thợ khéo luyện thành
Bừng sáng và rực rỡ
Với dung sắc tuyệt mỹ
Sau khi thấy Thái tử
Chói sáng như lửa ngọn
Thanh tịnh như sao
Ngưu Vận hành giữa hư không
Chói sáng như mặt trời
Giữa trời thu mây tạnh
Ẩn sĩ tâm hân hoan
Được hỷ lạc rộng lớn”
Và đạo sĩ Asita nói là Thái tử trong tương lai sẽ tu chứng Phật quả và truyền bá Giáo pháp:
“Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả bồ đề
Sẽ chuyển bánh xe Pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Với lòng từ thương xót
Vì hạnh phúc nhiều người
Và đời sống phạm hạnh
Được truyền bá rộng rãi”.
Thái tủ được nuôi dưỡng, giáo dục một cách chu đáo cả hai phương diện văn chương và võ nghệ.
Trong Tăng Bộ Chi Kinh I, trang 161-162, Đức Phật đã thuật lại cho các Tỷ kheo về quãng đời của Ngài như sau:
“ Này các Tỷ kheo, ta được nuôi dưỡng tế nhị. Trong cung của Phụ vương ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa Sen xanh, trong một hồ có hoa Sen đỏ, trong một hồ có hoa Sen trắng, tất cả đều phục vụ cho ta. Không một hương Chiên Đàn nào ta dùng, này các Tỷ kheo, là không từ Kāsi đến. Y phục ta dùng, không y phục nào là không từ Kāsi đến, bằng vải Kāsi là khăn của ta, này các Tỷ kheo, bằng vải Kāsi là áo cánh, bằng vải Kāsi là áo lót, bằng vải Kāsi là áo khoác ngoài. Đêm và ngày một chiếc lọng trắng che trên đầu ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ hay sương. Này các Tỷ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho ta, một cái mùa Đông, một cái mùa Hạ, một cái mùa mưa. Và này các Tỷ kheo, tại lâu đài mùa mưa, ta được các vũ công đờn múa hát xung quanh ta.”
Thế nhưng Thái tử càng trưởng thành Ngài càng biết thế gian là đau khổ triền miên, dầu sống trong nhung lụa nhưng Ngài lại ý thức được rằng mỗi thời lặn mọc của mặt trời, mỗi thời vận hành của vũ trụ, tất cả đều vô thường biến đổi, thời gian vô thường, không gian vô thường, vũ trụ vạn hữu vô thường, tâm ý vô thường. Sự biến dịch và vận hành của thời gian và không gian đều liên quan đến sự vận hành và tiêu tán của kiếp người mà sự sống chỉ là bóng sương mờ giữa bình minh rực rỡ.
Có ai kéo được mùa xuân khi thu về lá rụng, mỗi tích tắc, mỗi nhịp tim đều báo hiệu một biến dịch của thời gian. Nó không phải trôi qua vô tình như dòng nước bạc mà nó mang theo cả cuộc đời hoa mộng, những nét kiều diễm, những ân tình chưa thỏa, những mộng đời chưa tan. Trong cái xoay vần của nhân duyên sanh diệt, cái hạnh phúc của trần gian này không vĩnh viễn rồi một ngày kia chúng sẽ già yếu rồi xấu đi, thời gian sẽ phủ lên đầu lớp tro bạc. Ôi! Mắt rồi sẽ mờ đục, môi đỏ sẽ úa màu và hai bàn tay đẹp đẽ sẽ co quắp lại như những que củi khô mà thôi.
Ngài đã nghe hơi thở của trần gian đang hấp hối, nhận rõ bóng huyễn hoặc của lạc thú, sự mãi mai của hạnh phúc, cái ảo não của những lao khổ nhọc nhằn. Thú vui mở đường cho đau khổ, trong hội ngộ đã nẩy mầm chia ly, trẻ trung đưa đến già yếu, sống đưa đến chết và chế đưa đến những cuộc sống vô định khác.
Ngài đã hiểu rằng đời không phải là một dòng nước trong xanh chảy mãi giữa hai hàng hoa thắm, nước chỉ trong xanh trong chốc lát , bòe hoa hiện nhanh như làn chớp và đây dòng sông đang uốn mình quanh những đoạn bùn lấy để lăn nhào vào trong biển nhớp, một kiếp người qua như một hơi gió thoảng.
Trong Kinh Thánh Cầu (Atiyapariyesanasuttaṃ) trang 161-163 Trung Bộ Kinh – HT Thích Minh Châu dịch, Đức Phật đã nói như sau: “ Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi Giác Ngộ, khi chưa chứng Chánh Ðẳng Giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già, lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu"... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm. Này các Tỷ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Tại sao Ta, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già... (như trên)... tự mình bi ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm? Vậy Ta, tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già... cái không già... tự mình bị bệnh... cái không bệnh... tự mình bị chết... cái bất tử... tự mình bị sầu... cái không sầu... tự mình bi ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị nhiễm, hãy tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. “
Đức Phật lịch sử là một con người có thật trong lịch sử, sanh ra năm nào? Ở đâu? Con của ai? Lịch sử đã ghi lại rõ ràng cụ thể. Ngài đã trải qua quảng đời trong lầu son gác tía như thế nào, trong kinh tạng Pāli cũng đã ghi lại đầy đủ. Đức Phật lịch sử là con người tự mình thấy khổ đau của sanh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm và Ngài lại suy niệm tại sao lại vẫn mãi mê chạy theo những điều mà bản chất cứ như vậy mãi. Đức Phật lịch sử là con người tự thấy rằng vì sanh, lão, bệnh, tử, phiền não và ô nhiễm, và Ngài đã nhận thức sự bất lợi của những điều ấy và cũng chính Ngài đã tự mình nghĩ ra việc tự đi tìm cái chưa thành đạt, cái tối thượng và tuyệt đối chu toành là Niết –bàn.

Và cũng chính con người lịch sử ấy thấy rằng đời sống tại gia rất tù túng, chật hẹp là chỗ ẩn náu của bụi trần ô trược. Và cũng chính con người lịch sử ấy tự thấy rằng đời sống xuất gia quả thật là cảnh trời mênh mông, bát ngát.
Trong Kinh Saccaka , Đại Trung Bộ I trang 240, ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1973, bản dịch HT Thích Minh Châu có viết: “Ở đây, này Aggivesana, trước khi ta giác ngộ chưa chứng Chánh Đẳng Chánh Giác, khi còn là một Bồ tát, ta suy nghĩ như sau: “ Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không, thật rất khó sống tại gia đình có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Thái tử ra đi giữa đêm khuya cùng với Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc, ngài để ý lại đền đài cung điện, vợ đẹp con thơ và cả một tương lại rực rỡ huy hoàng. Lâu đài, cung điện giờ đây không còn ý nghĩa với ngài. Sự từ bỏ này được xem là sự từ bỏ vĩ đại vì trong lịch sử có một không hai “ Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, đau ốm, ngán ngẩm cuộc đời mà là sự hy sinh từ bỏ của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả đó là một sự từ bỏ hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người.” (Trích Lịch sử Đức Phật, HT Thích Minh Châu, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam II ấn hành 1988)
Trong hơn sáu năm tầm đạo, hành đạo, chứng đạo, Đức Phật đã tự mình do nỗ lực cá nhân, đã tự lực tầm đạo, vấn đạo với hai đạo sư nổi tiếng Alarakalama va Uddaka Rāmaputta. Ngài đã tự mình hành trì khổ hạnh, tự mình thực hành thiền định, tự mình tự lực vun bồi trí tuệ và cuối cùng thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài không cần tới thần lực nào, Ngài cũng không phải là hiện thân của một đấng thiêng liêng tạo hóa nào, không phải là hóa thân của một đấng tối cao siêu phàm nào. Ngài chỉ là một con người bằng xương thịt như bao nhiêu con người khác nhưng Ngài đã phấn đấu dùng thế lực, ý lực và trí lực của mình, Ngài đã tự mình tìm đạo thành công rực rỡ huy hoàng, Ngài đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, Ngài đã tự mình chứng đạo và chứng đạo viên mãn.
Đọc lịch sử của đời Ngài, ta thấy rõ điều này nếu như ta gạt bỏ những gì do người đời thêm vào để thần thánh hóa đời sống của Ngài. Trong Trung Bộ Kinh I, Kinh Thánh Cầu trang 164, tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1973, HT Thích Minh Châu dịch, Đức Phật đã tự diễn tả cuộc đời tìm đạo của Ngài như sau: “Không chỉ là Ālārā Kālāmā có lòng tin, Ta cũng có lòng tin. Không chỉ Ālārā Kālāmā có tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không chỉ Ālārā Kālāmā có niệm, Ta cũng có niệm ; không chỉ Ālārā Kālāmā có định, Ta cũng có định; không chỉ Ālārā Kālāmā có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Ālārā Kālāmā sau khi tự tu tự chứng, tự đạt đã tuyên bố. Rồi này các Tỷ kheo, không bao lâu Ta tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú .”
Ngài không thỏa mãn với một kỷ luật và một giáo lý chỉ đưa đến tầng khá cao của tâm định, chớ không đưa đến sự nhàm chán, sự dứt bỏ luyến ái, sự chấm dứt mọi khổ đau, sự vắng lặng, trực giác sư Giác ngộ Níp-bàn. Ngài đến thọ giáo với một đạo sĩ danh tiếng khác đó là Uddaka Rāmaputta và tự tu chứng đến phi tưởng phi tưởng nhưng Ngài thấy đó cũng chưa phải là mục tiêu cứu cánh vì tất cả đều chưa vượt ra khỏi vòng vô minh. Từ đó, Ngài không tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài nữa vì chân lý và sự vắng lặng chỉ tìm được từ bên trong.
Sau đó Ngài ra đi rày đây mai đó, một ngày kia Ngài đến Uruvelā, nơi đây Ngài tìm được một địa điểm thích nghi cho việc tham thiền nhập định. Ngài cùng với nhóm an hem Kiều Trần Như (Koñdaññā) thực hành pháp môn khổ hạnh trong sáu năm. Ngài đã tự mình hành trì khổ hạnh như Ngài đã tự diễn tả trong Kinh Trung Bộ Đại Kinh Sư Tử Hống (Mahāsīhanādasuttaṃ) trang 80 – bản dịch HT Thích Minh Châu, tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1973, "Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn chân của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện, thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.”
Ngài thực hành khổ hạnh dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng không có kết quả gì mà chỉ còn lại một người da bọc xương. Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm Đạo sĩ Cồ Đàm đã nhận thức rằng lối tu khổ hạnh, ép xác là vô bổ. Ngài đi đến một quyết định quan trọng là từ bỏ lối sống khổ hạnh và Ngài tự nhớ lại lúc còn niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài tham thiền và đắc sơ thiền. Ngài tự mình nghĩ rằng đó mới là con đường dẫn đến giác ngộ. Ngài bắt đầu tự mình hành thiền và chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền phát triển trí tuệ chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh, biết như thật khổ, biết như thật các lậu hoặc thoát khỏi dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên tâm trí sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa. Kinh Saccaka Đại Kinh Trung Bộ I, trang 246 -248, tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản năm 1973, bản dịch HT Thích Minh Châu đã viết như sau: “Và này Aggivessana sau khi ta thọ thực và có được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ. Này Aggivessana, như vậy là thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta. Xả niệm xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng đến túc mạng minh, ta nhớ đến các đời quá khứ, một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng “ Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Như vậy ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và chi tiết.”

Đức Phật lịch sử dạy rằng các hàng đệ tử đi vào con đường Trung đạo sẽ chấm dứt đau khổ và Ngài dạy tự mỗi người phải cố gắng, Đức Phật cho rằng mình chỉ là vị Thầy:
“Nếu người theo đường này
Đau khổ được đoạn tận
Ta dạy ngươi con đường
Với trí giai chướng diệt
Người hãy nhiệt tình làm
Như  Lai chỉ thuyết lại
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc ác ma (1)”

Đức Phật lịch sử thường xuyên nhắc nhở tứ chúng là tự mình làm cho mình trong sạch, tự mình làm cho mình ô nhiễm, không ai có thể làm cho mình trong sạch hay ô nhiễm.

Đức Phật tôn giáo là Đức Phật hiện tượng không phải là Đức Phật bản chất.  Đức Phật tôn giáo phản ánh xuyên tạc bản chất của Đức Phật lịch sử.

Đức Phật lịch sử là Đức Phật có thật và có những lời dạy có thậtcòn Đức Phật tôn giáo là Đức Phật không có thật, do con người dựng tưởng tượng ra, và Đức Phật tôn giáo không có những lời dạy nào. Nếu có, thì đó là do con người bịa đặt sau này mà thành.

Đạo Phật là vô thần, Đức Phật không phải là thần linh.  Thậm chí, có người cho rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, bởi vì đã là một tôn giáo thì phải công nhận thế giới doo Thượng Đế sáng tạo và con người phải có linh hồn.

Tuy nhiên, đạo Phật vẫn là một tôn giáo vì có giáo chủ là Đức Phật Thích Ca và hiện nay có hàng tỷ tín đồ trên thế giới quy ngưỡng tôn sung đồng thời có giáo lý kinh điển, cũng như có giáo hội Tăng già hành trì theo những lời dạy của Ngài.

Đức Phật lịch sử luôn luôn khuyên dạy các đệ tử rằng phải tin tưởng ở chính mình, ở khả năng thành tựu đạo quả giải thoát ở chính mình.  Đức Phật tôn giáo trái lại dạy tin vào sức mạnh thần linh từ bên ngoài.

Đức Phật lịch sử không áp đặt bất kỳ một quyền lực nào lên trên con người.  Người tin Đức Phật tôn giáo thì cho rằng Đức Phật tôn giáo có quyền quyết định đối với con người.

Đức Phật lịch sử không đồng ý chế độ đẳng cấp xã hội.  Trong giáo hội Tăng già đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội lúc bấy giờ, Ngài nói rằng các con sông chảy ra biển thì mất tên, cũng vậy, bốn đẳng cấp xã hội khi đến với Tăng già thì cũng mất giai cấp trước đây.

Đức Phật tôn giáo không có điểm này.  Đức Phật lịch sử thường xuyên nhấn mạnh
Tính bình đẳng trong mối quan hệ giữa người và người.

Đức Phật lịch sử không phân biệt nam nữ, không có quan hệ trọng nam khinh nữ.  Bà Khema và Gotami được tôn lên là thượng thủ bên Ni chúng và cả đều chứng quả A-la-hán.

Đức Phật lịch sử là một vị giáo chủ đầy long vị tha, bác ái, rộng lượng và khiêm tốn.  Ngài dung hình tượng ngón tay chỉ mặt trăng để ám chỉ giáo pháp là con đường ẩn dụ

Hình ảnh Đức Phật lịch sử  là hình ảnh vị khất sĩ đi chân không trong suốt 45 năm hoằng pháp: giản dị và bình dân.  Có lần Ngài đi hoằng pháp và trú mưa tại chòi của một ngôi đền của người làm đồ gốm.  Tại nơi này, Ngài đã nói chuyện thân mật với du sĩ Pakkusati.

Một lần Ngài cũng lâm trọng bệnh và Ngài bảo tôn giả Cunda nói pháp Thất giác chi cho Ngài nghe.  Có lúc đi một mình, Ngài tự tìm cỏ khô để làm tọa cụ.

Ngài không chỉ giảng dạy Pháp Giải thoát mà còn quan tâm đến đời sống gia đình xã hội.  Ngài dạy cho Sigala về sáu mối quan hệ xã hội (xem Kinh Thi Ca La Việt – Trường bộ IV)

Ngài cũng dạy vua chúa, cấp lãnh đạo về biện pháp cải thiện kinh tế xã hội đó là bảy điều kiện làm cho cường thịnh đất nước và mười pháp để trở thành một nhà lãnh đạo nhân dân tốt đẹp (xem Tăng Chi IV chương 7 pháp và 10 pháp)

Ngài đã giáo dục đem  lại lợi ích vì lợi ích của chư Thiên và loài người, Ngài sử dụng tâm giáo và khẩu giáo để giáo hóa chúng sanh, Ngài tránh vận dụng thần thông mặc dù cái này Ngài có thừa (2).

Đức Phật lịch sử là Đức Phật phi thần thông.  Một lần, một du sĩ ngoại đạo biểu diễn thần thông đi nổi trên mặt nước và thách thức Đức Thế Tôn, Ngài ôn tồn hỏi: “Ông tu luyện bao lâu mới có thể vượt qua sông với thần thông ấy?” “Mất 30 năm”, tu sĩ kia  trả lời.  Ngài đáp: “ Ta chỉ mất 3 xu đi đò là qua được bên kia sông”.

Đức Phật tôn giáo là hình ảnh Đức Phật được thần thánh hóa, siêu nhân hóa, từ khi nhập thai tới khi tịch.  Hình  ảnh  Đức Phật tôn giáo thường thấy trong kinh điển Đại chúng bộ, Ngài đã là Phật ở cung trời Đâu Suất, còn những gì xảy ra ở trần thế chỉ là “thị hiện”.  Vì vậy, mọi chuyện ở Ngài đều mang ý nghĩa tuyệt đối. (3)

Trong Kinh điển Đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Đức Phật xuất hiện giữa vùng hào quang kỳ diệu, sử dụng thần thông biến hóa vô cùng.

Như vậy Đức Phật lịch sử và Đức Phật tôn giáo là hai hình ảnh Đức Phật hoàn toàn khác nhau, một bên mang tính lịch sử có thật, một bên mang tính huyền thoại không có thật.

Chú thích:

1.    HT Thích Minh Châu – Kinh Pháp Cú câu 275-276, trường Cao cấp Phật học Việt Nam 2 ấn hành 1990 trang 153
2.    TT Chơn Thiện – Phật học khái luận bản roneo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ấn hành 2532
3.    HT Thích Minh Châu – Trung Bộ Kinh I, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn 1973, trang 249
Nguồn: Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 15




2 nhận xét:

  1. Thay cụm từ "Đức Phật Tôn Giáo" bằng "Đức Phật Trong TQ Đại Thừa Giáo", thì bạn sẽ đọc được bài trên một cách chân thật mà tác giả tế nhị đã né tránh...!
    Thật đáng buồn thay cho Phật Thích Ca!
    Giới tăng sĩ được được ăn ké tiếng thơm, được miếng ăn tấm áo, nơi ở, thuốc men cả 2600 năm nay, cũng chỉ vì đàn na thí chủ tán thán đạo hạnh , giáo lý cao siêu nhưng thiết thực cho người của Ngài. Một thành tựu và di sản không tiền khoáng hậu!
    Nhưng...có những kẻ ăn cháo đái bát, không tuân thủ giới luật, bỏ giới, đặt giới theo ý mình cho dễ sống, bụng no ngày vài bữa, tụng a la xí ngầu những Đại Đại Liễu Nghĩa Siêu Kinh không nguồn gốc, vay mượn thần chú, mật ngôn không rõ nguồn gốc, niệm tưới hột sen. Ngay cả huyền diệu của thần chú, mật ngôn là do rung động chính xác, vi diệu của âm ba, âm tiết, mà họ cũng chẳng cần biết, niệm ngọng nghịu không ngượng mồm theo thỗ ngữ thì thật là ...chửi cha thần thánh! Đã ăn cắp, chấp vá, vay mượn mà cũng xào nấu cho nó thành vô giá trị.Thật hết biết.
    Đàn đan thí chủ nào thấy có ai đắc quả gì gì đâu? Thôi thì tuyên truyền đánh phủ đầu: Đời này là mạt pháp, chúng sinh toàn là dân ngu cu đen, hạ căn hạ trí, khó ai tu đắc quả, Hãy tin vào hằng hà sa số chư Phật đang thường hằng khắp mọi nơi, khi "thị hiện" thì xịt hào quang đằng trước, còi hụ đằng sau, hoa mạn đà la rớt bên trên, hoa sen nở phía dưới, thiệt hoành tráng! Nơi cá chư Phật "lên võ đài" thì toàn là lưu ly, ngọc ngà, mã não, vàng ròng hàng đống đống, dòm tét con mắt! Thật là một cảnh tượng rất là xôi thịt, trần tục, khả ố từ văn hóa thần quyền mê tín TQ mà bọn sư ăn cháo đái bát TQ và đệ tử đại thừa VN vẫn cắm đầu tuyên truyền là..Phật Pháp/

    Trả lờiXóa
  2. Đức phật đã đạt niết bàn thì ngài ko bị cảm xúc buồn làm ảnh hưởng mà m nghĩ b nên buồn thay cho kiến thức nông cạn, kém hiểu biết về giáo pháp phật Thích Ca dạy và điều b nói hoàn toàn ko liên quan

    Trả lờiXóa