Trang

Đạo Phật và Đạo Phật Nguyên Thủy - Trưởng Lão U Thittila

Ðạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa trong đó từ ngữ "tôn giáo" này thường được mọi người hiểu, vì đạo Phật không phải là một hệ thống của đức tin và thờ phượng, đạo Phật không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng nơi các tín đồ; ở đây, đức tin thuần tuý bị xóa bỏ và  niềm tin được thay thế bằng tín (Saddhà), tức là niềm tin dựa trên trí hiểu biết về sự thật. Ðạo Phật bao gồm ba phương diện: lý thuyết, thực hành và chứng đắc. Lý Thuyết là Tạng Kinh, Tạng Luật, Tạng Luận. Thực hành là Bát Chánh Đạo, chứng đắc là quả 4 Thánh  theo thứ tự Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A la hán (cao nhất).
 
ÐẠO PHẬT LÀ GÌ?
Ðạo Phật là gì? Có phải đó là một triết lý, một tôn giáo hay một hệ thống luân lý không? Một cách nghiêm túc mà nói thì đạo Phật không phải là một triết lý, vì nó không bao gồm một hệ thống chi ly các lý thuyết và các sự kiện dành riêng để suy gẫm, mặc dù phải nhìn nhận rằng Ðức Phật đã dự kiến trước rất nhiều những suy đoán hiện nay. Cái được mọi người biết đến như là đạo Phật gồm có ba phương diện, giáo lý hay pháp học (Pariyatti), pháp hành (Patipatti) và chứng đắc hay pháp thành (Pariyatti) cả ba tuỳ thuộc và tương quan lẫn nhau. Phần lý thuyết được lưu giữ trong Tam Tạng kinh điển (Tipitaka), Tam Tạng này chứa đựng những lời dạy của Ðức Phật, được đánh giá là lớn gấp mười một lần cỡ thánh kinh Thiên Chúa. Như từ ngữ tự nó đã hàm chứa; Tam Tạng bao gồm ba Tạng đó là: Tạng Kinh (Sutta pitaka), Tạng Luật (Vinaya pitaka) và Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma pitaka).
Tạng Luật (Vinaya pitaka) được chia ra năm quyển, bàn đến những giới luật và phép tắc điều hành giáo đoàn tăng và ni, đồng thời nó cũng đưa ra lời giải thích chi tiết về cuộc đời và sứ mạng của Ðức Phật. Tạng Kinh bao gồm những bài pháp do Ðức Phật thuyết và trong một vài trường hợp do các vị đệ tử xuất sắc của Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, Moggalàna (Mục Kiền Liên) và Ànanda (A-nan) v.v... thuyết. Tạng Kinh được chia ra làm 26 quyển và nó khá giống như bộ sưu tập các toa thuốc, vì các bài pháp được đề xuất hay trình bày hợp theo thời điểm và căn cơ của từng cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, Tạng Diệu Pháp được xem là quan trọng nhất và lý thú nhất, bởi vì tạng này trình bày cặn kẽ bốn pháp cùng tột, đó là: Tâm (Citta), Tâm Sở (Cetasika), Sắc Pháp (Rùpa) và Niết Bàn (Nibbàna). Như vậy, chúng ta thấy rằng đạo Phật liên hệ đến sự thực và các sự kiện, đạo Phật không liên quan gì đến những triết lý mơ hồ, nghĩa là những điều có thể được chấp nhận như chân lý ngày hôm nay nhưng cũng có thể bị người ta ném vào sọt rác ngày hôm sau. Thực ra, Ðức Phật không đưa ra giới thiệu với chúng ta những triết thuyết mới mẽ và đáng kinh ngạc gì, Ngài cũng chẳng mạo hiểm sáng tạo ra bất kỳ một loại khoa học vật chất mới nào cả, nói khác hơn Ngài chỉ giải thích cho chúng ta thấy những gì ở bên trong và không xa rời những quan tâm của chúng ta về vấn đề giải thoát, và tối thượng hơn cả, Ngài đã đưa ra một lộ trình giải thoát được xem là độc đáo nhất.
Ðiều cũng cần phải hiểu là Ðức Phật không bao giờ thuyết giảng hết những gì Ngài biết. Một dịp nọ khi đang băng qua một khu rừng, Ðức Phật bốc một nắm lá trong tay và nói với các vị Tỳ Khưu: "Nầy các Tỳ Khưu, những gì Như Lai nói có thể được so sánh với lá trong tay Như Lai, và điều Như Lai không nói tựa như khối lá ở trong rừng vậy". Vì Ngài chỉ dạy cho chúng ta những điều cần thiết liên quan đến sự giải thoát. Tuy nhiên, vô hình trung, Ngài đã đưa ra những lời tuyên bố mà ngày nay được mọi người đều phải chấp nhận như những sự thật mang tính khoa học.
Phật giáo không phải chỉ đơn thuần lưu giữ trong kinh sách, cũng không phải là một đề tài để mọi người nghiên cứu trên quan điểm văn chương và lịch sử. Ngược lại, Phật giáo cần phải được học hỏi và đem áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vì nếu không thực sự hành Phật giáo chắc chắn người ta không thể thưởng thức được hương vị của giáo pháp. Trước tiên cần phải nghiên cứu và thực hành, nhưng trên hết vẫn là sự chứng đắc, sự tự chứng, đây mới chính là mục tiêu cùng tột của đạo Phật. Như vậy, đạo Phật có thể được so sánh với chiếc bè, là phương tiện cho mục đích duy nhất thoát khỏi đại dương sanh tử luân hồi; vì thế, một cách nghiêm túc không thể gọi đạo Phật là một triết lý.
Vậy thì đạo Phật có phải là tôn giáo không? Ðạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa trong đó từ này thường được mọi người hiểu, vì đạo Phật không phải là một hệ thống của đức tin và thờ phượng, đạo Phật không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng nơi các tín đồ; ở đây, đức tin thuần tuý bị hạ bệ và được thay thế bằng tín (Saddhà), niềm tin dựa trên trí hiểu biết về sự thực. Tín (Saddhà) được người Phật tử đặt nơi Ðức Phật như niềm tin của người bệnh đối với thầy thuốc vậy, hay cũng có thể nói là niềm tin của người học trò đối với thầy của mình. Người Phật tử quy y nơi Ðức Phật bởi vì Ngài là người đã khám phá ra con đường giải thoát. Người bệnh tin dùng phương thuốc mà thầy thuốc đã chẩn đoán và kê toa để được lành bệnh, người học trò học hỏi nghiên cứu những gì thầy của họ giảng dạy để trở thành người hiểu biết thông thái. Cũng tựa như vậy, một người Phật tử có tín tâm sẽ theo những chỉ dẫn của Ðức Phật để đạt đến mục đích giải thoát.
Khởi điểm của đạo Phật là trí hay sự hiểu biết, nói một cách khác, đạo Phật khởi đi từ chánh kiến (Sammàditthi). Ðối với những người đi tìm sự thực (chân lý) Ðức Phật dạy: "Không nên tin điều gì chỉ do đồn đại; không nên tin bất cứ điều gì vì điều đó thuộc về truyền thống hay chỉ vì đó là tập tục lâu đời được truyền xuống qua bao thế hệ; không nên tin vào bất cứ điều gì do người khác nói; không nên tin chỉ vì đó là xác chứng văn bản của một hiền giả xa xưa nào đó trình bày đến ta; không nên tin điều gì bởi vì phong tục nhiều năm khiến ta phải xem nó như sự thực, không nên tin điều gì chỉ vì thẩm quyền của bậc thầy hay giáo sĩ của mình. Theo kinh nghiệm riêng của ta, và sau khi đã thẩm xét đầy đủ, bất luận điều gì hợp với chân lý và đem lại lợi ích cho bản thân cũng như mọi người, các ông hãy chấp nhận đó là sự thực và sống hợp theo điều ấy".
Như vậy đạo Phật có phải là một hệ thống luân thường đạo lý không? Ðiều hiển nhiên là đạo Phật có bao gồm một hệ thống luân lý tuyệt hảo, được xem là thích ứng cho mọi xứ sở và thời đại, thế nhưng nó vượt hơn hẳn cái luân lý bình thường này. Trong các bản kinh như Singàla sutta (Kinh Thiện Sanh), Mangala sutta (Hạnh Phúc Kinh), Mettà sutta (Từ Bi Kinh) hay Dhammika sutta v.v... nếu đọc một cách cẩn trọng chúng ta sẽ hiểu những chuẩn mực đạo đức cao vời của nó. Tuy nhiên, đạo đức, hay giới (sìla) chỉ là bước khởi đầu của đạo Phật.
Vì vậy, có thể nói đạo Phật không phải là một triết lý, một tôn giáo hay một hệ thống luân lý bình thường, mà đạo Phật chính là giáo lý thực tiễn, một phương tiện giải thoát, hay như trong Pàli thường gọi, đạo Phật là Dhamma (Pháp).

-ooOoo-
ÐẠO PHẬT
Nếu chúng ta muốn xây dựng một cuộc sống an lành hạnh phúc và thành công, một cuộc sống có đủ khả năng để chống chọi với những trận cuồng phong của bất hạnh hoặc tai hoạ trong đời, cuộc sống đó cần phải dựa trên những nguyên tắc đạo đức hợp lý như là ngũ giới mà Ðức Phật đã đề ra.
Cuộc sống của chúng ta ở đây là những gì chúng ta đã tạo ra bằng chính ý nghĩ và hành động của mình. Như vậy, có thể nói là xuyên qua những tư duy của mình mà một người đi lên hoặc tụt xuống. Nếp suy nghĩ đã trở thành thói quen về một đức hạnh nào đó sẽ khiến cho ta trở thành đức hạnh đó, và nếu cứ để cho tâm trú vào những ý tưởng xấu xa trong một thời gian tương đối cũng sẽ làm cho ta bị ô nhiễm với thói xấu đó.
Có một quan điểm rất si mê cho là những thất bại và những sai lầm của con người trong cách cư xử là do người chung quanh chứ không phải do chính bản thân họ tạo ra, quan niệm sai lầm này xuất phát từ niềm tin không đúng cho là người khác có thể chịu trách nhiệm thay cho những hành động sai lầm của họ. Tất cả những sự nhu nhược và tội lỗi của một người đều nảy sinh trong tâm ý của họ, như vậy chỉ có họ phải chịu trách nhiệm đối với sai lầm ấy, và những ai đầu hàng trước những cám dỗ hoặc bị những dục vọng kích thích, sai xử đều trở thành kẻ đồng loã trong xấu xa và tội lỗi đó. Những cám dỗ này hoàn toàn bất lực trước những ai từ chối đáp ứng theo nó. Nhu nhược nào cũng nằm trong tâm con người, và nếu người ấy đầu hàng trước những cám dỗ của kẻ khác, thì cội nguồn thực sự của những phiền muộn, những thất bại và đau khổ của người ấy chính là sự nhu nhược của họ; họ phải chịu trách nhiệm cho mọi hành vi của mình.
Một lời biện hộ chung chung cho việc làm sai lầm là hành động chân chánh sẽ dẫn đến thất bại, thua thiệt và mất mát hạnh phúc; con người tâm trí non nớt như vậy, tự thân họ ít quan tâm đến hành vi tạo tác hơn là đến hậu quả do hành vi đó gây ra. Khát vọng muốn đạt được những kết quả vừa lòng thích ý là nguyên nhân sanh ra những hỗn loạn tinh thần, khiến cho con người không còn có thể phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, đâu là giá trị và vô giá trị, đâu là phải, đâu là trái. Hành động chân chính là điều rất đơn giản, trong khi đó, hành động sai lầm lại là điều hỗn tạp không thể giải quyết được, một điều sai trái thường đòi hỏi phải bịa đặt thêm vài cái sai khác để hòng che đậy nó. Chỉ một hành động bất thiện, đồi bại hoặc dối trá cần đến hàng chục điều sai trái khác để củng cố nó, điều này có nghĩa là họ đã tự tạo ra những nhiêu khê phức tạp, gây phiền muộn và khổ đau cho chính bản thân mình và cho người khác.
Người tâm ý chân chánh, bản thân họ quan tâm đến hành động chứ không quan tâm đến kết quả; họ không màng đến việc thích ý hay không thích ý, mà chỉ quan tâm đến đâu là thiện là chân chánh đúng theo tinh thần giới luật. Khi người ấy làm một điều phải lẽ, không phải để tầm cầu điều gì, mà chỉ để trút bỏ những gánh nặng của hoài nghi, sợ hãi và rắc rối, họ không bao giờ vướng vào những chuyện nhiêu khê hoặc khó khăn không thể giải quyết được. Tâm của họ lúc nào cũng an lạc, thanh thản; đây là những điều cần yếu cho một cuộc sống an lành, hạnh phúc và trường thọ.
VẤN ÐỀ ƯA VÀ GHÉT
Ta thường nghe những lời bọc bạch như: "Tôi cảm thấy không thích làm điều này, điều nọ". Một người như vậy chứng tỏ đang bị cái ta hay bản ngã trói buộc, khi họ chịu dưới sự thống trị của những cảm xúc, thói quen và xu hướng như vậy, tất nhiên không sao tránh khỏi tình trạng nô lệ cho những cảm xúc của mình. Những ai mong muốn thoát khỏi vấn đề này cần phải có lý trí và ý lực hướng dẫn, phải bình tĩnh và phán xét cẩn trọng liên quan đến mọi việc, lúc nào cũng phải tâm niệm rằng: "Ðây là vấn đề đúng - sai, phải - trái, tốt - xấu, vấn đề cần thiết hay không cần thiết, những cảm xúc của ta không liên quan gì đến nó cả. Vấn đề không phải ở chỗ ta cảm thấy thế nào, mà ở chỗ đâu là điều hợp lẽ phải làm". Nếu cuộc sống và cách cư xử của chúng ta bị những cảm xúc ưa - ghét này sai xử thì chúng ta chỉ là những kẻ nhu nhược, bù nhìn và nô lệ, dễ bị các khuynh hướng lười biếng, thiếu nghị lực, chán chường và bệnh hoạn lấn lướt.
Có hai loại cảm xúc, một là loại cảm xúc có tính tiêu cực hoặc huỷ diệt, hai là loại cảm xúc tích cực hoặc có tính xây dựng.
Loại cảm xúc tiêu cực như sân hận, ganh tỵ, gay gắt, thâm hiểm, nóng nảy, thù hằn tuyệt vọng, sợ hãi, lo lắng, buồn phiền, thiếu kiên nhẫn cần phải được ngăn ngừa, vì chúng đầu độc hay làm hại đến nhiệt huyết của đời sống và thường gây ra những rối loạn ở tim, não và huyết quản. Dĩ nhiên những điều này sẽ khiến người ta ươn yếu nhu nhược, thất bại, điên rồ, sầu muộn hoặc chết bất đắc kỳ tử.
Loại cảm xúc tích cực hoặc có tính xây dựng như lòng trắc ẩn, cảm thông với tha nhân, biết chuộng điều tốt, nhân từ, thiện chí và những động lực mang tính vị tha cần phải được khích lệ và trau dồi. Những cảm xúc này sẽ tác động qua tâm trên những hạch tuyến chủ yếu của thân để tạo ra sức khoẻ tráng kiện, hạnh phúc, thịnh vượng và sống lâu.
Chánh niệm, sự chú tâm chân chánh, là bước thứ bảy trong Bát Chánh Ðạo sẽ dẫn đến việc vượt qua sự buồn rầu và để đạt đến giới thanh tịnh, chánh niệm bao gồm:
1) Chánh niệm trên thân (niệm thân).
2) Chánh niệm trên các cảm thọ (niệm thọ).
3) Chánh niệm trên tâm (niệm tâm).
4) Chánh niệm trên các đối tượng của tâm hay các pháp (niệm pháp)
.

Trong Trung Bộ Kinh (Majjhimà Nikàya) chúng ta thấy có đề cập đến 10 công đức lớn nhằm bảo đảm cho người thực hành bốn niệm xứ này. Không một ai mong muốn có được sức khoẻ tốt, an vui trong hạnh phúc, và trí tuệ có thể bỏ qua pháp thiền tứ niệm xứ của đạo Phật này; tu tập giới xuyên qua việc hành thiền là một bước rất cơ bản trong sự giải thoát khỏi mọi khổ đau và bất hạnh. Nhờ thiền pháp người ta học được cách suy xét đúng đắn qua mọi tình huống, thay vì phản ứng theo cảm xúc theo sự ưa ghét, theo thiên kiến, phong tục hoặc truyền thống; ta biết cách hợp lý hoá kinh nghiệm sống của mình. Khi đã học được bài học quý giá này, con người trở nên cao thượng hơn khi xử sự các trường hợp, biến cố hoặc tình huống.
Hãy lấy trường hợp của hai người cùng gặp phải biến cố liên quan đến tài chánh này làm minh hoạ. Một người phản ứng có tính cách xúc cảm và rơi vào cơn khủng hoảng cay đắng, mất hết hy vọng và suy sụp sức khoẻ, sinh lực, vô phương giải quyết, hoặc cuối cùng người đó phải tự tử để giải quyết vấn đề. Trong khi người kia, đã học được bài học tư duy về mọi vấn đề của cuộc sống, có hành thiền, biết hợp lý hoá và áp dụng mọi phương pháp có thể được để vượt qua vấn đề, đồng thời tìm ra giải pháp thoả đáng, vì anh ta đã luyện tập tâm mình như các nhà lực sĩ luyện tập các cơ bắp của họ vậy. Anh ta là người chủ, trong khi người kia là nô lệ. Nếu người ta biết cách sống theo pháp (Dhamma) chắc chắn những thất vọng và đổ vỡ sẽ không tồn tại.
Như vậy chúng ta thấy, đạo Phật là một triết lý sống đầy hy vọng, và là một triết lý sống chắc chắn sẽ đưa đến thành công, đạo Phật là chân lý của sự giải thoát khỏi bất hạnh và khổ đau. Ðức Phật giải thích cho chúng ta thấy rằng, trong mọi sanh linh, dù khiêm tốn thấp hèn đến đâu chăng nữa đều có một chút giá trị, một tia trí tuệ, từ đó họ có thể nhen nhúm thành ngọn lửa, họ có thể phát triển với chính nỗ lực thuộc ý thức nhân bản của họ. Ðức Phật luôn luôn khích lệ mọi người hãy cố gắng phát triển tinh thần bằng lời tuyên bố rằng, mọi nỗ lực chân chánh chắc chắn sẽ nhận lãnh một phần thưởng xứng đáng ở đây và bây giờ trong kiếp sống này hoặc kiếp sau.
Ðức Phật cũng tuyên bố rằng mọi tham muốn thấp hèn, mọi khát vọng đối với những điều đê tiện, và mọi cảm xúc không xứng đáng mà chúng ta chiến thắng hay đè nén được, cũng như mọi khó khăn mà chúng ta can đảm đương đầu và chiến thắng được nó với sự chân chánh hợp theo những nguyên tắc đạo đức, những điều này sẽ trở thành từng bậc thang nhờ đó chúng ta có thể trèo lên các kiếp sống cao quý hơn. Ðây là quy luật của sự phát triên tấn hoá, là giáo lý của đạo Phật về sự chuyển hoá, chứng đạt và thành tựu (Niết Bàn).
Ðức Phật đã vẽ cho chúng ta bức tranh của một cuộc sống thăng hoa, một sự tăng trưởng từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ vô minh đến trí tuệ, của sự phát triển tuỳ thuộc vào nội lực bên trong, sự chuyên cần và nỗ lực nảy mầm từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Ðây chính là giáo lý về sự hoàn thiện con người đạt được qua lòng vị tha, gìn giữ giới luật và trí tuệ.

-ooOoo-
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY (THERAVÀDA)
Tên người sáng lập ra cái mà ở phương Tây người ta biết đến như là Buddhism (Phật giáo), là Gotama (Cồ Ðàm), Gotama là tên tộc hay dòng họ của Ngài. Chữ "Buddha" (Phật) nghĩa là "Bậc Tỉnh Thức" hay "Bậc Giác Ngộ", đây không phải là tên mà chỉ là một hồng danh được ban tặng cho hiền giả cồ đàm, sau khi Ngài đã chứng đạt giác ngộ dưới gốc cây Bồ Ðề tại Buddhagayà (Bồ Ðề đạo tràng) ở Ấn Ðộ.
Ðức Bồ Tát sanh làm con của một vị vua Ấn Ðộ, xứ sở này nằm trên biên giới Nepal ngày nay, sáu trăm hăm ba (623) năm trước công nguyên, để đánh dấu địa điểm này như là nơi khai sanh ra bậc đại đạo sư của nhân loại, và cũng để tỏ lòng tôn kính của mình đối với Ngài, hoàng đế A Dục (Akosa) năm 239 B.C. đã cho dựng một trụ đá mang dòng chữ "Nơi đây Bậc Giác Ngộ đã đản sanh". Khi Ngài vừa sanh ra, các vị minh triết trong nước đã tiên đoán rằng với những tướng hảo ấy chứng tỏ là Ngài sau này sẽ trở thành một bậc chuyển luân vương hoặc một bậc đạo sư vĩ đại nhất. Vua cha muốn con mình sẽ trở thành bậc chuyển luân vương cai trị khắp năm châu nên đã cố tình hướng tâm thái tử vào những điều trần tục thay vì đời sống tôn giáo, vua đã cố gắng sắp xếp sao cho thái tử không bao giờ nhìn thấy những điều bất xứng ý khiến Ngài phải trầm tư về thế thái nhân tình. Tuy nhiên, năm 29 tuổi, lần đầu tiên, khi đi dạo trong vườn Thượng Uyển, thái tử đã gặp một người già, một người bệnh và một người chết, từ đó Ngài nhận thức ra rằng tất cả mọi người, không ngoại lệ ai đều phải chịu sanh - lão - bệnh - tử, và rằng mọi lạc thú thế gian chỉ là khởi đầu của khổ đau. Chính khi gặp vị tu sĩ Ngài đã hiểu ra là muốn tìm phương pháp vượt qua nỗi khổ của thế nhân Ngài phải từ bỏ những lạc thú trần gian. Thế là từ đó, Ngài giã từ vương vị và trở thành một du sĩ khổ hạnh.
Ðức Bồ Tát đã lang thang khắp các vùng thôn dã như là kẻ đi tìm chân lý và an lạc cho đời, đã đến học đạo với những vị đạo sư lừng danh thời đó, nhưng không ai có thể đáp ứng được những điều Ngài đang nhiệt tâm tìm kiếm. Ngài đã thực hành mọi hình thức khổ hạnh nghiêm khắc nhất và thực hiện một nỗ lực siêu nhiên trong suốt 6 năm trường, cho đến cuối cùng khi tấm thân thanh nhã của Ngài teo rút lại chẳng khác một bộ xương, nhưng càng hành xác bao nhiêu, Ngài càng xa vời mục tiêu giải thoát bấy nhiêu. Nhận ra sự vô dụng hoàn toàn của pháp khổ hạnh, cuối cùng Ngài quyết định theo một cách khác, tránh xa hai cực đoan của khổ hạnh và lợi dưỡng. Con đường mới mà Ngài khám phá là trung đạo hay Bát Chánh Ðạo, con đường mà sau này trở thành nét đặc thù của giáo pháp. Nhờ hành theo trung đạo này trí tuệ của Ngài phát triển đến mức toàn hảo nhất, và Ngài khám phá ra bốn sự thật cao quý (Tứ Diệu Ðế) hiểu rõ thực chất của các pháp và cuối cùng đạt đến toàn giác. Như một con người, đức Bồ Tát nhờ vào chính nỗ lực, ý chí, trí tuệ và từ bi của mình để đạt đến Phật quả, trạng thái hoàn thiện được xem là cao tột nhất, và Ngài đã vén lên cho nhân loại thấy con đường thẳng duy nhất dẫn đến trạng thái đó. Tính chất đặc biệt nhất của đạo Phật là bất cứ ai cũng có thể vươn đến ngay cả trạng thái giác ngộ tối thượng như chính Ngài, nếu như người ấy thực hiện những nỗ lực cần thiết. Có thể nói đây là một tiến trình tấn hoá được thành tựu bằng chính nỗ lực cá nhân của con người.
Ðức Phật nhấn mạnh đến nhân phẩm và thường đề cao giá trị được làm người. Một vị Phật đang trong giai đoạn tu tập là Bồ Tát, và khi còn là Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp sanh tử Ngài đã chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả để hoàn thiện các pháp Ba La Mật, để rồi đến một ngày xa xôi nào đó có thể thành tựu mục tiêu cao cả này, mục tiêu chiến thắng - không phải cho bản thân Ngài, mà cho cả chúng sanh - giải thoát khỏi những gánh nặng của sanh - lão - bệnh - tử. Chính Ðức Phật đã kể cho chúng ta nghe về nguồn gốc của Ngài, và Ngài đã khởi sự thực hiện nguyện lực toàn giác với một quyết tâm không thể lay chuyển nổi như thế nào; đồng thời Ngài cũng nói cho chúng ta biết sự hoàn thiện dần dần của cái động lực đã thúc đẩy niềm khao khát giác ngộ đó, cũng như cuối cùng Ngài đã đạt đến Phật quả như thế nào. Về phương diện này, thay vì làm nản lòng những người theo mình và giữ độc quyền trạng thái tối tôn ấy cho riêng mình, Ðức Phật đã khuyến khích và thúc giục mọi người nên theo tấm gương cao quý của Ngài.
Lời dạy của Ðức Phật được gọi là Dhamma (pháp) hình thức Sanskrit là Dharma, Pháp nghĩa là sự thực hay chân lý, tức là cái thực sự là; Dhamma còn có nghĩa là quy luật, quy luật hiện hữu trong tâm và trí của con người, đó là nguyên tắc công bằng, vì vậy Ðức Phật kêu gọi mọi người hãy sống cao thượng, trong sạch và khoan dung độ lượng, không phải để làm hài lòng một vị Thượng Ðế nào, mà chỉ để sống thành thực đến cực độ đối với chính mình. Dhamma (pháp), quy luật công bằng này, hiện hữu không phải chỉ trong tâm trí con người, mà nó còn hiện hữu trong vũ trụ nữa; tất cả vũ trụ này là sự thể hiện hay hiển lộ của pháp. Những quy luật tự nhiên mà khoa học hiện đại khám phá ra chỉ là sự hiển lộ của pháp (Dhamma); nếu mặt trăng mọc để rồi lặn, chính là vì pháp; vì Dhamma là quy luật nằm trong vũ trụ khiến cho vật chất vận hành theo các cách đã được nghiên cứu trong khoa học vật lý, hoá học, động vật học, thực vật học và thiên văn học; pháp hiện hữu trong vũ trụ cũng như pháp hiện hữu trong tâm và trí con người. Nếu một người sống tuỳ thuận pháp, người ấy sẽ thoát khỏi khổ đau và đạt đến Niết Bàn, sự giải thoát cuối cùng khỏi khổ đau.
Như vậy, đạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa mà từ này thường được hiểu, vì đạo Phật không phải là một hệ thống chỉ có đức tin và thờ phượng, đạo Phật khởi đi như một sự tầm cầu sự thực (chân lý). Ðạo Phật không bắt đầu với những sự giả định vô căn cứ liên hệ đến bất kỳ vị Thượng Ðế hay nguyên nhân đầu tiên nào, và đạo Phật cũng không tuyên bố sẽ giới thiệu toàn bộ sự thực về khởi thủy, và kết thúc tuyệt đối của cuộc hành trình tâm linh của nhân loại trong hình thức của một sự mặc khải có tính thần thánh thiêng liêng. Tự thân Ðức Phật đã đi tìm và khám phá, với trí tuệ nội quán, ra bản chất của vũ trụ, nguyên nhân khởi sinh ra nó và sự hoại diệt của nó, Ngài cũng khám phá ra nguyên nhân thực sự của khổ cùng với con đường trong đó khổ có thể được đưa đến đoạn trừ, vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Sau khi đã tìm ra như vậy, Ngài tuyên bố những nguyên tắc trong đó Ngài đã tiến hành sự tìm kiếm của mình, để cho những ai muốn được như vậy có thể theo phương thức của Ngài và tự mình hiểu rõ chân lý.
Ðức Phật dạy mọi người hãy nương tựa nơi chính mình để thành tựu sự giải thoát cá nhân của họ, không nên trông chờ vào một đấng cứu độ bên ngoài nào cả. Ðức Phật cũng không đưa mình ra như một đấng trung gian giữa chúng ta và sự giải thoát cuối cùng của chúng ta, nhưng Ngài có thể nói cho chúng ta biết cần phải làm những gì bởi vì điều đó tự thân Ngài đã làm và vì vậy Ngài biết rất rõ phương pháp; tuy nhiên, nếu chúng ta không tự mình làm, Ðức Phật không thể đưa chúng ta đến đích giải thoát được. Ngài có thể chỉ đường cho chúng ta, nói rõ những khó khăn và tốt đẹp của nó, những điều mà chúng ta sẽ gặp khi chúng ta bước lên con đường đó, nhưng Ngài không thể bước thế cho chúng ta, mà chúng ta phải tự mình bước lấy.
Tiến trình sinh diệt của vũ trụ được điều khiển bởi quy luật tự nhiên của nhân và quả. Nhân luôn luôn trở thành quả, và quả lại trở thành nhân, và như vậy sanh được theo sau bởi chết, chết ngược lại, được theo sau bởi sanh; sanh và tử là hai phương diện của cùng tiến trình sống. Trong vòng nhân - quả hay sinh - tử này, nói theo đạo Phật là luân hồi (Samsàra), không thể tìm ra điểm khởi đầu của nó; Tương Ưng Kinh có nói: "Nguồn gốc của mọi hiện tượng là điều không thể khám phá được, cũng như không thể khám phá ra sự khởi đầu của chúng sanh, do vì bị vô minh ngăn trở và bị dính mắc trong ái dục".
Theo đạo Phật thì vũ trụ có tiến hoá, nhưng không phải tiến hoá từ chỗ không không mà nó tiến hoá từ phần vật thể bị phân tán của vũ trụ trước đó; và khi vũ trụ này tiêu hoại, vật thể phân tán của nó hay năng lực dư sót của nó - tất cả những điều này luôn luôn tự đổi mới, sẽ đúng thời làm khởi sanh một vũ trụ khác theo cùng cách thức như trước. Vì vậy, tiến trình sinh diệt này có tính tuần hoàn theo chu kỳ và liên tục, và vũ trụ tự nó lại bao gồm hàng triệu hệ thống thế gian như là thế gian chúng ta biết nằm trong thái dương hệ này, và mỗi thế gian có những cảnh giới sinh tồn khác nhau của nó.
Còn linh hồn là gì? Cái mà chúng ta gọi là "con người" gồm có tâm và thân. Theo đạo Phật thì ngoài tâm và thân hay danh (Nàma) và sắc (Rùpa) tạo thành cái gọi là "con người" này ra, hoàn toàn không có thứ gì xem như là linh hồn hay cái ngã bất tử nằm đằng sau nó cả. Sắc (thân) là hình thể có thể thấy được của những tính chất hay lực vô hình, có tất cả 28 loại sắc cấu tạo nên thân vật lý của một hữu tình chúng sanh. Tâm (danh) là phần quan trọng nhất của một con người, nó bao gồm tứ danh uẩn là:

1) Thọ (Vedanà)
2) Tưởng (Sanna)
3) Hành (Sankhàra)
4) Thức (Vinnàna)

Như vậy, sự kết hợp của năm uẩn, hay của các tâm lực và vật lực (sắc), được gọi là một chúng sanh, và có thể khoác cho nhiều tên gọi tuỳ theo chủng loại, hình dáng, thể trạng của nó, cũng như có thể thay đổi tuỳ theo cách thức chuyển biến của thân và tâm. Vì thế cho nên con người là một hữu tình chúng sanh có những khuynh hướng thiện và ác, có những phẩm chất và năng lực, con người còn có những khả năng vô hạn về phương diện vật lý (thân), tâm lý và luân lý, trong tâm mỗi người đều có một tia trí tuệ, nhưng đối với người bình thường, tia trí tuệ này còn đang ngủ ngầm hay tê liệt do sự giao lưu không sáng suốt của nó với tham, sân, si. Là người Phật tử, mục đích của cuộc sống chúng ta là phải làm sao để phát triển từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều, từ vô minh đến giác ngộ và từ chỗ chưa hoàn thiện đến chỗ toàn hảo. Mỗi người chúng ta là nhà kiến trúc cho chính số phận của mình, và chúng ta sẽ gặt hái những gì mình đã và đang gieo trồng.
Như vậy, chỉ có các tâm lực và vật lực (sắc) kết hợp và lại tái kết hợp, hoàn toàn không có một thực thể hay linh hồn nằm bên trong nào tạo cho nó thường hằng, và tiến trình luôn luôn trở thành hay vòng luân hồi sanh tử này cứ tiếp diễn một cách vô định cho đến khi cái nhân chính của nó, tức là tham ái hay ước muốn vị kỷ đối với sự hiện hữu, hoàn toàn bị huỷ diệt. Chính ước muốn hay tham ái này đã làm cho bánh xe sanh tử chuyển động, và nó được biểu thị bằng hành động thực sự có chủ ý hay sức mạnh ý chí. Trong Pàli hành động có chủ ý gọi là "nghiệp" (Kamma) và chính Kamma (nghiệp) hay hành động có chủ ý này là cái phải chịu trách nhiệm cho sự tạo ra chúng sanh.
Kamma là tất cả những hành động có chủ ý, hoặc bằng tâm, bằng khẩu hay bằng thân, nghĩa là những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Mọi hành động đều tạo ra kết quả, đó là nhân đi trước và quả theo sau. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng Kamma (nghiệp) "quy luật nhân quả" và con người là chủ nhân ông của chính số phận mình, là con đẻ của quá khứ và cha đẻ của tương lai mình. Tuy nhiên, nghiệp ở đây không phải là thuyết định mệnh, cũng không phải là lời biện bạch cho số phận; quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại thật, nhưng nó không hoàn toàn chi phối hiện tại, quá khứ chỉ là bối cảnh hay nền tảng dựa vào đó cuộc sống diễn tiến từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, và quá khứ cộng với hiện tại sẽ ảnh hưởng đến tương lai, nhưng chúng ta cần ghi nhớ rằng chỉ có khoảnh khắc hiện tại hiện hữu, như vậy trách nhiệm cho việc sử dụng khoảnh khắc hiện tại này vào mục đích thiện hay ác nằm trong mỗi cá nhân chúng ta. Con người có một số tự do ý chí và vì thế họ có thể phẩm định cho những hành động của mình đồng thời tạo ảnh hưởng cho tương lai. Do đó, nếu một người làm những việc làm thiện, nói những lời nói thiện hoặc nghĩ những ý nghĩ thiện, hiệu quả tác động trên người ấy sẽ làm gia tăng những khuynh hướng hướng đến điều thiện trong họ. Việc thực hành thiện nghiệp khi phát triển đầy đủ có thể sẽ làm cho người ta vượt qua cái ác, từ đó đưa họ đến đích giải thoát - Niết Bàn.
Căn để mọi phiền muộn của con người là tình trạng vô minh ban sơ của họ, và từ vô minh dẫn đến tham ái khiến cho nghiệp lực vận hành. Người Phật tử thăng tiến Niết Bàn qua việc thực hành trung đạo, đạo lộ của trí tuệ, giới hạnh và chế ngự tâm hoặc thiền (Giới - Ðịnh - Tuệ), người Phật tử vượt qua vòng sanh tử luân hồi và tự hoàn thiện mình bằng cách thắng phục mọi tham ái với trí tuệ và từ bi. Việc đạt đến cấp độ toàn hảo này đòi hỏi phải có sự phát triển cùng tột của tất cả mọi năng lực của con người nhờ nỗ lực kiên trì trau dồi lý trí, sự hiểu biết và lối sống chân chánh.
Ðạo Phật dạy rằng với việc hành thiền và tu tập tâm người ta có thể thâu nhập được năm năng lực siêu nhiên, đó là: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông và những năng lực tâm khác. Không những chỉ có thế, mà đạo Phật còn dạy rằng với việc đạt đến Niết Bàn ngay trong kiếp sống này, qua sự giác ngộ và trí tuệ, người ta có thể đi đến chỗ chấm dứt chuỗi sanh tử luân hồi này.
Niết Bàn không phải là sự huỷ diệt, và cũng không phải là một loại rỗng không mà Niết Bàn là một trạng thái thoát ly mọi khả năng tái tục của hiện hữu duyên sanh, là sự an lạc và hạnh phúc tối thượng. Trong các kinh điển Phật giáo Niết Bàn thường được mô tả bằng những từ ngữ mang tính tích cực như là nơi nương tựa cao nhất, nơi an toàn nhất, sự giải thoát, an lạc v.v.. .
Ðạo Phật bao gồm ba phương diện: lý thuyết, thực hành và chứng đắc. Phương diện lý thuyết hay giáo lý được lưu giữ trong kinh điển gọi là Tam tạng hay Ba Giỏ, tạng kinh chứa đựng những lời dạy của Ðức Phật, được đánh giá bởi các nhà dịch thuật Anh ngữ là gấp mười một lần thánh kinh Thiên Chúa.
Tất cả những lời dạy của Ðức Phật có thể cô đọng lại trong một bài kệ, đó là:

"Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo".
Bài kệ này biểu hiện ba giai đoạn tu tập trên đạo lộ dẫn đến giác ngộ giải thoát, ba giai đoạn đó là: Giới, Ðịnh và Tuệ. Giới điều hoà lời nói và hành động, định kiểm soát tâm, và chính trí tuệ, giai đoạn cuối cùng sẽ giúp hành giả trừ diệt hoàn toàn mọi tham dục đã từng gây ra những hỗn loạn trong tâm.
Ngay sau khi chứng ngộ giải thoát, Ðức Phật đã thành lập giáo đoàn Tỳ Khưu (Tăng già) gồm cả hai cộng đồng các bậc Thánh đệ tử đã đạt các tầng thánh cũng như cộng đồng các vị Tỳ Khưu đang nỗ lực thành đạt thánh quả. Giáo đoàn các vị Tỳ Khưu gia tăng nhanh chóng, trong suốt 45 năm hoằng hoá của Ðức Phật, giáo đoàn này đã lan truyền khắp cõi Ấn Ðộ và những vùng phụ cận, chân lý giải thoát đã được "những người có ít bụi trong mắt" biết đến và tu tập. Ngoài ra, một giáo đoàn tương tự dành cho chư ni cũng đã được Ðức Phật thành lập, với cùng những giới luật như bên tăng cộng thêm một số giới được đòi hỏi cho người nữ. Giáo hội Tăng Già Phật giáo, mà lịch sử đã chứng minh là tổ chức tăng sĩ có mặt sớm nhất được điều hành bởi những nguyên tắc hoàn toàn dân chủ, vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Sau khi Ðức Phật nhập diệt được 7 ngày, trưởng lão Ca Diếp, chủ quản Tăng Ðoàn lúc đó, đã quyết định tổ chức một cuộc hội nghị nhằm xác chứng những lời dạy có căn cứ của Ðức Phật (đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất). Chư vị lúc đó tổ chức đại hội kết tập tại Ràjagaha (vương xá thành) dưới sự bảo trợ của vua A-xà-thế (Ajàtasatu), kinh điển Phật giáo đã được sưu tập và đọc lại bằng hình thức tụng đọc.
Trong suốt thế kỷ đầu sau khi Phật nhập diệt, chỉ có một truyền thống tu tập duy nhất giữa các Phật tử. Thế nhưng đến cuối thế kỷ đầu này, trong thời kỳ vua Kàlàsoka cai trị, một nhóm Tỳ Khưu đã cố gắng đưa ra 10 điều canh tân có tính lợi dưỡng vào giới luật của Tăng Già (Sangha), họ tuyên bố những điều này có thể chấp nhận được đối với tăng già. Ðể ngăn cản những điều phi pháp này, cũng như vì mục đích bảo đảm sự trường tồn của Phật pháp, bảy trăm vị Thánh Tăng Arahán do Ngài Revata (Ly Bà Ða) làm thượng thủ và đức vua Kalàsoka bảo trợ, đã tổ chức đại hội kết tạp lần thứ nhì tại Vesàli (Tỳ Xá Ly) theo thể thức tụng đọc chính xác như lần trước.
Cuộc kết tập lần thứ 3 được tổ chức vào thế kỷ thứ ba, tức gần 300 năm sau khi Phật nhập diệt, dưới sự bảo trợ của hoàng đế A Dục (Asoka). Theo lời khuyên của tôn giả Moggaliputta tissa (Mục Kiền Liên Tử Ðế Tu), người chủ trì cuộc kết tập lần thứ 3, hoàng đế A Dục đã phái các đoàn truyền giáo đến các nước lân bang nổi tiếng vào thời đó.
Cuộc kết tập lần thứ 4 tổ chức tại Tích Lan (Ceylon) đầu thế kỷ thứ 6 sau khi Phật nhập diệt, do Ngài Mahà Agga chủ trì và được sự bảo trợ của vua Vattagàminì. Tại đại hội này Tam Tạng (Tipitaka), tức những lời dạy của Ðức Phật được truyền tụng bằng ngôn ngữ Pàli theo ký ức từ thời Ðức Phật, lần đầu tiên đã được viết thành văn tự.
Cuộc kết tập lần thứ 5 tổ chức tại Mandalay thủ phủ của Miến Ðiện, khoảng đầu thế kỷ 25 sau khi Phật diệt độ, do tôn giả Jàgara chủ toạ với sự bảo trợ của vua Minh Ðông (Mindon). Lúc đó toàn bộ Tam Tạng đã được khắc trên 729 phiến đã cẩm thạch và đặt tại chân đồi Mandalay.
Cuộc kết tập lần thứ 6 tổ chức tại Rangoon Miến Ðiện, khởi sự từ ngày trăng tròn tháng 5 (tức rằm tháng tư âm lịch), 2498 năm sau ngày Ðức Phật nhập diệt và chấm dứt vào ngày rằm tháng tư năm 2500 - PL (tức tháng 5 năm 1956). Tại cuộc kết tập này Tam Tạng Pàli (Tipitaka) được tụng đọc lại bằng tiếng Pàli và từng bước chuyển dịch sang một vài ngôn ngữ thời nay.
Hiện nay, có hai trường phái Phật giáo chính là Thượng Toạ Bộ (Theravàda), bộ phái này được phần lớn các nước như Ceylon (Tích lan), Miến Ðiện, Thái Lan... tu tập; trong khi các nước Trung Hoa, Tây Tạng và Nhật Bổn thực hành theo truyền thống Mahàyàna (Ðại Thừa).
Thượng Toạ Bộ (Theravàda), hay đường lối tu tập của các bậc Trưởng Lão, là truyền thống Nguyên Thủy và duy nhất từ thời Ðức Phật cho đến lần kết tập thứ hai, khi mà trường phái Ðại Chúng Bộ (Mahàsangika), một tiền duyên của Ðại Thừa sau này (Mahàyàna) được thành lập. Phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvàstivàda) lúc đó nảy sinh như trường phái chính thứ 2 khác với Thượng Toạ Bộ, mặc dầu lúc đầu chỉ ở những chi tiết nhỏ nhặt. Sau đó, phái này đã chia thành nhiều chi phái, một số trong đó cuối cùng đã phát triển thành Ðại Thừa (Mahàyàna).
Những khác biệt chính giữa Thượng Toạ Bộ và Ðại Chúng Bộ là những ý niệm liên quan đến tự thân Ðức Phật cũng như liên quan đến lý tưởng Bồ Tát, việc công nhận một số kinh điển, việc phát triển giáo lý, một số quan điểm về đời sống độc thân của chư tăng, và các hình thức nghi lễ.
(*)  Những điểm tương đồng giữa hai trường phái Phật giáo này là: cả hai đều công nhận giáo lý Tứ Diệu Ðế, giáo lý liên hệ đến cái khổ của con người là do sự chấp thủ đối với những gì chỉ có tính chất tạm bợ và vô thường; giáo lý Vô Ngã (Anatta) và giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên, dù rằng giải thích có hơi khác; công nhận Bát Chánh Ðạo là pháp hành dẫn đến giải thoát, đòi hỏi phải có giới luật cũng như thực hành thiền quán; đức hạnh từ bi được xem là nền tảng căn bản; sự chấp nhận lời dạy của Ðức Phật như là đặc điểm chung hướng đạo trong việc ứng dụng tu tập; và lối sống Trung Ðạo là lối sống dẫn đến mục tiêu Niết Bàn, đỉnh cao của mọi hạnh phúc.

-ooOoo-
(Trích từ: Phật Pháp Giảng Giải - Đại Trưởng Lão U Thittila - Tỳ kheo Pháp Thông dịch)  

Nhận xét của PPCT. 
(*) Ghi chú Phật Pháp Chân Thật: Đại Chúng Bộ là tiền thân của Phật Giáo Đại Thừa mà về sau những tăng sĩ Đại Thừa nhiều thế hệ sáng chế ra Kinh Đại Thừa chê bai Tứ Diệu Đế (có Đạo Đế là Bát Chánh Đạo), khinh thường bậc A la hán (bậc không còn gì để học - bậc vô học, bậc đã chiến thắng mọi ràng buộc hữu vi, bậc ứng cúng là phước điền cho chư Thiên và Nhân Loại). Tuy Đại Thừa tự nhận là Đạo Phật nhưng họ lại thực hành những pháp "không phải do Phật thuyết". Cụ thể: họ không thực hành vào trọng tâm Bát Chánh Đạo (với Chánh Niệm là Tứ Niệm Xứ, Chánh Định là Tứ Thiền v.v...). Phần lớn tăng sĩ Đại thừa xem thường Kinh Nguyên Thủy là "hạ liệt", "căn cơ thấp kém". Cho nên hiếm ai tự xưng là Phật tử Đại Thừa mà hiểu rành về Pháp Nguyên Thủy thì nói chi đến thực hành Pháp Nguyên Thủy, nói chi đến chứng đạo quả. Minh chứng:
   “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đấy không có đệ nhất Sa Môn, ở đấy không có đệ nhị Sa Môn, cũng không có đệ tam Sa Môn, cũng không có đệ tứ Sa Môn. Này subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh Đạo thời ở đấy có đệ nhất Sa Môn, đệ nhị Sa Môn, cũng có đệ tam Sa Môn, cũng có đệ tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không Sa Môn. Này suhadda, nếu những vị Tỳ kheo này sống chân chánh, thời đại này không vắng những vị A La Hán”.
(Kinh Trường Bộ tập I trang 659,
kinh Đại Bát Niết Bàn)

"Này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn nào không hiểu biết như thật “Ðây là khổ”, không hiểu biết như thật “Ðây là khổ nhân”, không hiểu biết như thật “Ðây là khổ diệt”, không hiểu biết như thật “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” thời này các Tỳ kheo, những Sa môn và Bà la môn ấy không được ta thừa nhận là Sa môn trong hàng Sa môn hay Bà la môn trong hàng Bà la môn, và các tôn giả ấy, ngay trong đời này, cũng không tự mình chứng đạt thắng trí và an trú trong sự thành tựu mục đích của Sa môn và Bà la môn." (Tiểu Bộ Kinh – Samanabramana Sutta – Sa môn chân chánh – Phật Thuyết Như Vậy, Thích Minh Châu dịch Việt)”
Tất cả những ai tự xưng là Phật tử mà không thực hành Bát Chánh Đạo để thấy rõ Khổ, Nguyên Nhân Khổ, Và Sự Diệt Khổ thì không phải là Đệ tử của Phật. 

Kinh Đại Thừa phỉ báng, bôi nhọ, xuyên tạc Kinh Nguyên Thủy rất nhiều (Kinh nào cũng xuyên tạc). Thử lấy 1 ví dụ nhỏ, trong Kinh Niệm Phật Ba la mật (do các sư Đại Thừa chế ra) viết như sau:
"Nếu ai phát khởi tâm chí tu hành, cũng không thể tu tập các  môn Giới Luật, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát vô lậu. Không thể tu tập Tứ niệm xứ,  Bát chánh đạo, Tứ chánh cần. Không thể tu tập Tứ vô lượng tâm, không thể tu tập Sáu Ba la mật, hoặc là Bố thí Ba la mật, nhẫn đến Trí tuệ Ba la mật, không thể tu
tập bằng các phương tiện của Quán Trí để ngộ nhập Phật Tri Kiến. Không thể  chứng đắc Tu Ðà Hoàn, Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Không thể chứng nhập Sơ Thiền nhẫn đến Tứ Thiền. Không thể chứng nhập Niết Bàn Diệu Tâm. Không thể vào sâu vô lượng Tam muội, Thần thông du hý của chư Bồ tát, nhẫn đến không thể thâm nhập cảnh giới thù thắng trang nghiêm của chư Phật, hoặc rải cỏ nơi Ðạo tràng, đánh rền trống pháp hàng phục ma quân."
Đoạn kinh "Đại Thừa" trên muốn xuyên tạc toàn bộ giáo pháp quan trọng bậc nhất có trong Kinh Điển Nguyên Thủy. Nó bảo rằng thực hành pháp nguyên thủy sẽ không có kết quả dù cố gắng cỡ nào.Kinh Niệm Phật Ba la mật đó cho rằng chỉ cần niệm Phật A di đà (không có thật) là đạt mọi thứ "Niệm Phật thành Phật", không cần phải tu Kinh Nguyên Thủy. Hãy trả lời: "Trên đời này có ai thành Phật nhờ niệm Phật A di đà chưa?", "Có ai vãng sanh rồi trở về đây giúp chúng sanh chưa? Bằng chứng?". Nó dụ dỗ, đánh động vào lòng tham của người tu Phật "nhẹ dạ cả tin" rằng "tu ít được vô lượng công đức; tu ít, biết ít, cố gắng ít mà thành Phật". 
Đây là sự phá hoại Gốc rcủa Đạo Phật chứ không phải "Đại Thừa" cái gì c. Nói một cách sự thật là như vậy.  Ai góp phần vào phá hoại đạo Phật thì Nghiệp phải gánh là luân hồi đau khổ không biết đường ra
Hãy đọc lại lời này: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh Đạo, thời ở đấy không có đệ nhất Sa Môn, ở đấy không có đệ nhị Sa Môn, cũng không có đệ tam Sa Môn, cũng không có đệ tứ Sa Môn. Này subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh Đạo thời ở đấy có đệ nhất Sa Môn, đệ nhị Sa Môn, cũng có đệ tam Sa Môn, cũng có đệ tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không Sa Môn. Này suhadda, nếu những vị Tỳ kheo này sống chân chánh, thời đại này không vắng những vị A La Hán”.

Rõ ràng Đức Phật đã khẳng định rằng chân lý (Bát Chánh Đạo) phù hợp cho bất cứ ai và mọi thời. Nếu thực hành cố gắng, sống chân chánh theo Chánh Pháp thì "thời đại này không vắng những vị A La Hán". Thế mà Kinh đại thừa cứ xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống Kinh Nguyên Thủy là sao? Phật còn dám khẳng định rằng tu Tứ Niệm Xứ (Tức là Chánh Niệm thuộc Bát Chánh Đạo) liên tục thì ít nhất t7 ngày đến 7 sđạt được Thánh quTu Đà Hoàn. Minh chứng:
" Này các Tỷ kheo, vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong bảy năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ kheo, không cần gì đến bảy năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm... trong năm năm... trong bốn năm... trong ba năm... trong hai năm... trong một năm, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hai là nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hay nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì bảy tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong sáu tháng... trong năm tháng... trong bốn tháng... trong ba tháng... trong hai tháng... trong một tháng... trong nửa tháng... vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn. Này các Tỷ-kheo, không cần gì nửa tháng, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy ngày, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại, hai là nếu còn hữu dư y, thì chứng quả Bất hoàn." 
 Phật tử theo phái "Tịnh Độ Tông" cần phải cảnh giác và bỏ thời gian tìm hiểu cho kỹ vấn đề này để khỏi phí một kiếp tu hành vô ích. Đừng bao giờ tôn thờ sự giả dối (A di đà) nếu có đầy đủ bằng chứng cho thấy đó là giả dối. 
PPCT góp ý như vậy. PPCT không có lợi gì cho việc ai theo A di đà hay không theo A di đà. Cho nên đừng nói PPCT chia rẽ "Phật giáo" như một số người thiếu óc suy luận. Vì sao? Vì người Phật tử phải sống theo sự thật và  nên giúp người khác sống theo sự thật (dẹp bỏ sự giả dối tai hại). Nếu ai không đồng ý, hãy chứng minh: "A di đà đang ở Phương Tây?" và "đã từng gặp A di đà". Nếu Phật tử Tịnh Độ Tông tinh ý hãy so sánh đạo Thượng Đế và Đạo A di đà thử xem: rất giống nhau. Niệm A di đà về Cực Lạc chính là Cầu Thường Đế về Thiên Đàng. Tuy nhiên Thượng Đế và A di đà là không có thật thì làm gì mà vê Cực Lạc hay Thiên Đàng. Pháp Niệm Phật của Nguyên Thủy chỉ đạt tối đa là Cận Định của Sơ Thiền (dù cho có niệm suốt đời) và mục đích của Niệm Phật trong pháp Nguyên Thủy là để giúp cho tâm thức bớt nhiễu loạn (có chút định lực) để tiến đến thực hành Thiền quán Tứ Niệm Xứ (Tuệ) để chứng nghiệm Tứ Diệu Đế. Pháp Niệm Phật là Định. Tu học cần phải đầy đủ  thực hành Giới Định Tuệ (Bát Chánh Đạo) thì mới thăng tiến trí tuệ được. 
Thêm 1 ý nữa để giúp các bạn Tịnh Độ: hãy thử xem lúc mình "đau ỉa" (không phải nói bậy) hoặc "bệnh nặng" thì mình có nhớ đến niệm A di đà hoặc là niệm A di đà nổi không? Nếu không, hãy xét đến khi mình sắp chết, trong cơn hấp hối thì sự đau đớn cùng cực thì làm sao sức đâu, tâm trí đâu mà niệm A di đà được. 
Cái câu lừa gạt "Niệm 10 niệm A di đà sẽ cứu giúp là ba xạo". Vì sao? Một người sắp chết nếu nhập được vào Cận Định của Sơ Thiền (pháp Niệm Phật Nguyên Thủy) thì phải là người có khả năng nhập vào Cận Định tích tc trong vòng ít nhất 10 giây.  Nếu Phật tử Tịnh Độ nào có khả năng trong vòng 10 giây nhập vào được trạng thái Cận Định của Sơ Thiền thì sđược có cái tái sanh tốt đẹp nhưng tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện đến cõi A di đà. Vì A di đà đã không có thật thì làm gì mà đến được.  
Hãy nghe chính miệng của một thầy Đại Thừa rất nổi tiếng nói.

  

Rõ ràng A di đà chỉ là một cái "mánh mung" của các sư Đại Thừa (xưa ở Ấn Độ, các sư đại thừa là sư Bà La Môn thờ thượng đế - Phạm Thiên), cõi Cực Lạc A di đà không có. Thêm nữa, trong Video, thầy Đại Thừa nói rằng "Bản tính mọi người là A di đà" thì đó là quen thói đại thừa mà ngụy biện (60 năm tu Đại Thừa mới phát hiện ra). Nếu chấp nhận A di đà là có thật thì A di đà là Như Lai thì chẳng lẽ một phàm nhân có đầy đủ Tham sân si cũng là Phật hay sao? Nếu vậy, Hãy trả lời: "Vì sao có bản tính A di đà rồi mà còn Tham Sân Si, còn vô minh ngu ngốc, còn bị đau khổ"?  Chẳng lẽ trước kia thành Phật rồi lại trở thành vô minh? Đạo Phật là Khoa học có nói có, không nói không, không được lập lờ đánh tráo khái niệm. Bản chất  của Sự Thật là Rõ Ràng, còn đối với Giả Dối thì có tính lươn lẹo, mập mờ, xảo trá.
Xem thêm:
http://phatphapchanthat.blogspot.com/2012/10/kinh-kalama-tieng-chuong-canh-tinh.html 
http://phatphapchanthat.blogspot.com/2013/03/chi-co-1-phap-mon-giai-thoat-chu-khong.html
http://phatphapchanthat.blogspot.com/2012/11/nguon-goc-kinh-ai-thua-la-do-cac-su.html

Thân ái.
PPCT
 
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét