Trang

HẠNH PHÚC LÀ GÌ và Con đường để đạt Hạnh Phúc? - Trưởng Lão U Thittila


Hạnh phúc là gì? Con đường nào đđạt hạnh phúc? Đó là vấn đít ai nghĩ đến nhưng hầu hết ai cũng phải cn ttrả lời cho đời mình. Đạo Phật dùng con đường "Trung Đạo của Bát Chánh Đạo" đđạt hạnh phúc vô thượng. Đó là Niết Bàn.

HẠNH PHÚC LÀ GÌ?

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà người ta có thể đạt tới xuyên qua việc tu tập tâm, và như vậy, về nguồn gốc nó khác với những nguồn thuộc vật chất như giàu sang, danh vọng, địa vị xã hội và tiếng tăm v.v... những thứ này chỉ là những nguồn hạnh phúc nhất thời tạm bợ, Bất cứ điều gì chúng ta làm chủ yếu cũng là vì mưu cầu hạnh phúc, mặc dầu chúng ta có thể nói tôi làm điều này vì tiền, điều kia vì quyền, nhưng thực sự ra bất cứ chúng ta làm điều gì chăng nữa thì cũng vì hạnh phúc. Thậm chí trong lãnh vực tôn giáo cũng thế, điều chúng ta làm là làm vì hạnh phúc cả. Vậy thì bất luận chúng ta làm điều gì thì chủ yếu chúng ta cũng vì mưu cầu hạnh phúc mà thôi. Nhưng liệu chúng ta có đạt được cái hạnh phúc đó không? Không. Tại sao? Bởi vì chúng ta đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ.
Người ta nghĩ họ có thể tìm được hạnh phúc trong tiền bạc, vì vậy mà họ cố gắng hết sức để được giàu sang, nhưng khi giàu sang rồi liệu họ có hạnh phúc hay không? Nếu giàu sang là một nguồn hạnh phúc, như vậy người giàu có lẽ hạnh phúc hơn người nghèo. Nhưng trong rất nhiều trường hợp chúng ta thấy rằng, những người bình thường không giàu có mấy lại hạnh phúc hơn kẻ giàu. Thậm chí chúng ta còn nghe rằng một vài nhà tỷ phú đã phải tự tử. Nếu giàu sang là cội nguồn chính của hạnh phúc, có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc tự tử làm gì, do vậy rõ ràng là giàu sang không hẳn là một nguồn hạnh phúc như người ta tưởng.
Vậy thì quyền lực, tên tuổi hay tiếng tăm có lẽ là cội nguồn của hạnh phúc chăng? Khi người ta mất danh vọng, quyền lực hay địa vị họ liền rơi vào trạng thái lo lắng phiền muộn. Ðiều dó chứng tỏ rằng chức quyền, danh vọng cũng không phải là cội nguồn của hạnh phúc, bởi vì nó cũng còn là cội nguồn của lo lắng phiền muộn và phải chịu biến đổi vô thường. Một số khác nghĩ rằng có được một người chồng (hay vợ) tâm đầu ý hợp có thể là cội nguồn của hạnh phúc, điều này có nhưng chỉ ở mức độ nào thôi. Một số cho là con cái là hạnh phúc, nhưng khi vì một lý do nào đó chúng phải chia lìa, không sớm thì muộn điều này cũng xảy ra, họ sẽ cảm thấy đau khổ. Một số khác cho là đua ngựa, đua chó là hạnh phúc, chẳng thế mà họ đánh cuộc với nhau, tuy nhiên ngay cả khi họ là những người thắng cuộc họ cũng chỉ vui trong chốc lát. Rồi lại có những người mong tìm hạnh phúc trong men rượu, họ được vui hay hạnh phúc một khoảnh khắc nào đó. Sau cơn say họ lại buồn hơn bao giờ hết. Những nguồn hạnh phúc bên ngoài không phải là những nguồn hạnh phúc thực sự, cái chính là tâm, nhưng chỉ có tâm nào đã được kiểm soát và tu tập mới thực là nguồn hạnh phúc.
Vậy thì làm thế nào để có được hạnh phúc? Chúng ta định nghĩa hạnh phúc là thế nào? Hạnh phúc là một trạng thái, ở đây, là trạng thái tinh thần, trạng thái này hợp với bản chất của con người, hoặc lôi cuốn được bản chất của con người, làm thoả mãn bản chất con người, và nó có thể được áp dụng cho những mức độ như: vật chất hay thiên về vật chất, xúc cảm, tri thức, tinh thần (tâm linh).
Ðể sáng tỏ hơn, hãy lấy một bữa ăn ngon làm ví dụ. Bạn có dịp nào đó được thưởng thức một bữa ăn trưa hay chiều thật là khoái khẩu, nếu bạn là một người tự hào về những kiến thức thuộc lãnh vực vật lý của mình, chắc chắn bạn sẽ có loại hạnh phúc thuộc bản chất vật lý hay vật chất; bạn thưởng thức món ăn vì mục đích trau dồi thân thể, vì sức khoẻ bản thân và thấy được niềm vui thuộc bản chất thiên về vật chất từ nơi bữa ăn đó. Còn nếu như bạn tình cờ được ăn một món gì đó mà bấy lâu nay mình ao ước, chắc chắn bạn sẽ có hạnh phúc của một bản chất đa cảm và bạn sẽ nói là: "Tôi vô cùng thích thú, bởi vì đó là bữa ăn thật tuyệt, thật ngon"; bạn thưởng thức bữa ăn vì tính chất tuyệt vời của nó, bạn sẽ đạt được niềm vui từ bữa ăn đó, qua bữa ăn đó, và vì vậy hạnh phúc của bạn sẽ là loại hạnh phúc thuộc bản chất đa cảm, bạn chẳng màng quan tâm đến bữa ăn đó có lợi cho sức khoẻ hay không, mà chỉ cần quan tâm đến hương vị của bữa ăn. Nếu như bạn thuộc giới trí thức, quan tâm đến sự hợp lý, và tình cờ là bạn đang phải ăn kiêng, bạn có thể có loại hạnh phúc thuộc bản chất tri thức và nói "Món ăn này thật tốt bởi vì nó thích hợp với sức khoẻ của tôi", bạn phán xét món ăn trên phương diện tri thức. Nếu như bạn là một người bản chất thiên về tâm linh hay tinh thần, bạn cũng vẫn tìm được hạnh phúc qua bữa ăn, tuy nhiên bạn sẽ nói: "Món ăn này rất tốt bởi vì nó trong sạch, tinh khiết, có lợi cho việc giữ giới; tốt vì hiệu quả của nó giúp ích cho tôi trong việc hành thiền".
Vì vậy niềm vui của bạn trong trường hợp này sẽ khác hẳn, cũng như sự phán xét của bạn cũng khác với mọi người. Cũng một bữa ăn hay món ăn được mọi người thưởng thức, và hạnh phúc đạt được lại tuỳ thuộc vào bản chất của từng người. Hạnh phúc cao nhất mà con người có thể đạt đến là một trạng thái - trạng thái tâm, trạng thái này phù hợp và thoả mãn cho mọi mức độ. Thế nhưng, một trạng thái như vậy không phải luôn luôn dễ dàng cho chúng ta thành tựu. Nếu như chúng ta không thể có được cái hạnh phúc cao tột thoả mãn cho mọi mức độ này, lúc đó loại hạnh phúc kế tiếp hài hoà được những cấp độ tương đối hơn, nghĩa là nó sẽ cho chúng ta hạnh phúc lớn lao hơn những hạnh phúc chỉ hợp với những cấp độ thấp thỏi ở phía dưới.
Chúng ta phán xét, phản ứng và tiếp nhận mọi việc theo bản chất của mình, vì thế thật là cần thiết cho mọi người chúng ta để biết mình thuộc vào loại người nào. Chúng ta hành động và phản ứng đối với tác nhân kích thích bên ngoài theo bản chất của mình, nghĩa là chúng ta thấy mọi thứ qua cặp kính màu của cá nhân mình. Vì vậy nếu một người được xem là có lòng độ lượng và không có thành kiến, anh ta chỉ có thể là thế trong một chừng mực nào đó theo bản chất đặc biệt của anh ta thôi. Trừ phi chúng ta có những tiến bộ về tinh thần (tâm linh), bằng không thì chẳng ai trong chúng ta có thể có được một tấm lòng độ lượng và không thành kiến ở một mức độ lớn lao hơn, bởi vì chúng ta thấy và phán xét mọi vật theo cặp kính màu mà tự chúng ta đã làm cho mình, không phải ai khác mà cho chính chúng ta.
Vậy thì làm thế nào có thể biết mình thuộc loại người nào? muốn biết điều này chúng ta phải tự nghiên cứu những phản ứng của chính mình đối với tác nhân kích thích bên ngoài, những đối tượng bên ngoài, nhờ xem xét và ghi nhận các phản ứng của chúng ta như vậy mà ta có thể biết hoặc tự sắp mình vào trong những phân loại dưới đây.
Trước tiên là cấp độ hay loại thiên về vật chất. Một người thuộc loại này có khuynh hướng thiên về vật chất, họ chỉ quan tâm đến việc kiếm lợi, những tính toán và tập trung chính yếu của anh ta là những gì liên quan đến thu thập vật chất, và tiện nghi vật chất, cũng như thể chất là điều rất hệ trọng đối với anh ta. Những người thuộc loại này rất là thực dụng và họ thích mọi thứ, kể cả tôn giáo hay triết học cũng phải "thực dụng" theo khuynh hướng thiên về vật chất chứ đừng là gì cả. Bất cứ điều gì đòi hỏi phải tư duy và tập trung tinh thần sẽ không hấp dẫn đối với họ, họ sẽ không bị tôn giáo hay triết học nào lôi cuốn, chỉ có những tiện nghi vật chất hay những ý tưởng nào đem lại lợi ích vật chất mới hấp dẫn được họ.
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi thấy tại sao rất nhiều người không hề quan tâm đến tôn giáo, bởi vì tôn giáo như chúng ta đã biết, không trực tiếp cho ai giàu sang và khoẻ mạnh cả. Quý vị nghĩ coi có bao nhiêu người trong thế gian này đã mất cơ hội quan tâm đến tôn giáo? Ðiều quan trọng đối với hầu hết mọi người là lợi lạc vật chất. Khi chúng ta nói tôi mắc bận, nghĩa là chúng ta đang bận về việc kiếm tiền, kiếm lợi. Ðể làm gì? Nào là vì thú vui thể xác, vì hạnh phúc, vì ăn, vì mặc, vì nhà cửa, vì các loại tiện nghi vật chất v.v...; vì vậy, chúng ta hiểu được là phần lớn mọi người chúng ta đều có khuynh hướng thiên về vật chất này.
Kế tiếp, là loại có khuynh hướng đa cảm. Người nằm trong cấp độ này rất là nhạy cảm và chủ yếu quan tâm đến vấn đề thích và không thích, những cảm giác hay ấn tượng dễ chịu và khó chịu. Họ phán xét mọi việc theo tình cảm của họ, bất kể sự phán xét đó sai hay đúng cũng mặc. Những người thiên về tình cảm này thường quan tâm đến loại tôn giáo có tính cầu nguyện, nghĩa là tôn giáo hợp với tình cảm của họ, họ thấy rằng tôn giáo mà không có lễ nghi cúng kiến thì thật là buồn tẻ.
Cấp độ thứ ba là thiên về tri thức. Những ai ở vào cấp độ này phần lớn quan tâm đến sự hợp lý, họ thích nghiên cứu mọi vật theo tri thức. Họ tìm được niềm vui hay hạnh phúc trong văn chương và khoa học v.v... đạt đến hạnh phúc qua những theo đuổi có tính tri thức, tuy nhiên họ chỉ tích cực về mặt tinh thần mà không năng động về phần thể xác, họ biết rất nhiều qua việc đọc và học của họ, nhưng trong thực tế họ không mấy tích cực.
Thứ tư là cấp độ thiên về tinh thần hay đạo đức. Những ai nằm trong cấp độ này rất quan tâm đến việc phục vụ và sự hiểu biết có tính cảm thông trắc ẩn; họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công lý hoặc xử sự phải lẽ; họ là loại người thực tế. Như chúng ta thấy, mỗi người hành động và phản ứng trước sự việc, chỉ trích, cảm xúc, và phán đoán theo bẩm chất đặc biệt riêng của họ, theo cấp độ đặc biệt của cá nhân họ. Nhờ biết rõ tại sao và thế nào chúng ta lại khác biệt trong cách tư duy, trong cảm xúc, trong phán đoán và trong cách nhìn cuộc sống (nhân sinh quan), chúng ta mới có thể rộng lượng đối với những loại người khác để họ hành xử theo bản chất của họ, nhờ vậy, chúng ta mới có thể tu dưỡng khuynh hướng khoan dung, nhẫn nại đối với mọi người.
Khi chúng ta kém tiến bộ về tâm linh thì đó là lúc mà vật chất, thú vui và hạnh phúc có tính nhục dục lôi cuốn chúng ta nhất. Không may thay, một số người chúng ta chẳng hề cố gắng để ra khỏi vết lầy này; thậm chí, trong cái mức thấp hèn như vậy họ còn cảm thấy hãnh diện với nó, họ không muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, khi họ cảm nhận được chút lạc thú thế gian nào đó họ nghĩ mình đã đạt đến hạnh phúc. Họ không thích Niết Bàn, một loại hạnh phúc nghe có vẻ tẻ nhạt đối với họ. Tại sao vậy? Bởi vì về mặt tâm linh họ tiến bộ rất chậm, một khi phương diện tâm linh của chúng ta tiến triển, những nghiên cứu về văn chương, khoa học và triết lý mới có thể lôi cuốn được chúng ta. Một số người thậm chí không thể thưởng thức nổi những giá trị của việc đọc sách báo và học hỏi; họ cho đó là việc làm phí thời gian và không đem lại lợi ích nào cả. Phần lớn người Tây phương rất thực dụng, họ rất bận bịu và năng động về mặt thể xác.
Có một lần, một vị Mục Sư Tin Lành Anh Giáo hỏi bần tăng đôi điều về Niết Bàn, bần tăng trả lời: "Rất tiếc tôi không thể giải thích cho Ngài hiểu về Niết Bàn chỉ trong vài lời nói và trong một thời gian ngắn ngủi như vầy". Vị Mục Sư nói rằng lúc nào ông ta cũng bận rộn, do vậy bần tăng hỏi lại ông: "Nếu Ngài bận rộn thì hãy cho tôi biết ngài có thể dành bao nhiêu thời gian để nghe tôi giải thích Niết Bàn?", ông nói: "Rất tiếc là tôi không có nhiều thì giờ, mong ngài hãy vắn tắt cho tôi vài lời cũng được". bần tăng nói: "Niết Bàn là một trạng thái ở đó, không còn khổ, không còn già, đau, bệnh và chết, và đó cũng là trạng thái cao tột nhất thoát khỏi mọi phiền não, lo âu và thống khổ". Vị Mục Sư hỏi: "Có phải ý ngài muốn nói rằng nếu chúng ta đạt đến Niết Bàn, chúng ta sẽ chẳng còn gì để làm nữa đúng không?". bần tăng nói: "Vâng, đúng thế". "Thế thì tôi không thích Niết Bàn đâu, bởi vì tôi lúc nào cũng muốn mình phải làm một cái gì đó", vị Mục Sư trả lời.
Một người đàn ông khác nói rằng anh ta không thể thưởng thức nổi thơ văn và khoa học, cả hai thứ đó dường như tạo cho con người những lạc thú kỳ lạ nào đó thì phải. Ông nói rằng mình đã đến thăm Phòng Tranh Quốc Gia (National Gallery), nơi đây phần lớn những bức tranh đẹp nhất được trưng bày, tuy nhiên ông ta nghĩ rằng những người đi xem tranh thật là ngốc nghếch, vì nếu họ muốn thưởng thức cái đẹp thực sự tại sao lại phí thời giờ để xem những thứ mô phỏng như thế này. Ông nghĩ, thơ văn đã làm hỏng cả ngôn ngữ, vì chẳng có một thứ tự từ ngữ gì ráo trọi. Văn chương đối với ông ta chẳng có ý nghĩa gì cả.
Vậy đó, chúng ta thấy có rất nhiều giai đoạn phát triển. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, chúng ta sẽ hiểu được cái hạnh phúc đạo đức hay tâm linh, đó là loại hạnh phúc thực sự cao quý nhất, bởi vì nó là một loại hạnh phúc trường cửu và chân thực. Tuỳ theo bản chất thực tiễn của mình mà mỗi người hành xử và phản ứng trước sự việc, và bằng cách ấy họ tự tạo cho mình hoặc là hạnh phúc hay khổ đau. Sự phát triển hay tấn hoá từ mức thấp lên mức cao này có thể đạt đến được, thực sự thì nó không đến nỗi quá khó như người ta tưởng. Ngay như hạnh phúc Niết Bàn cũng còn có thể đạt đến trong chính kiếp hiện tại này, vì nếu nó quá khó như phần lớn chúng ta tưởng thì tại sao chúng ta lại có 6 đặc tính của Pháp? chính Ðức Phật đã nhiều lần lặp lại 6 đặc tính pháp (Dhamma) này, một trong 6 đặc tính đó là Sanditthika, nghĩa là hiệu quả tức thời hay thiết thực hiện tại. Nếu đó là sự thực, sao ta lại không đạt đến bản chất thực của hạnh phúc (Niết Bàn) được chứ? Niết Bàn có thể được đạt đến bất cứ lúc nào, Akàlika (phi thời gian), nghĩa là không cần ngày mai hay tháng tới, mà bạn có thể đạt đến nó tuỳ theo nỗ lực và sự hiểu biết của chính mình.
Một số người đã hỏi bần tăng là có một mục đích gì trong cuộc đời hay không? Ðối với vấn đề này bần tăng khẳng định là "Có, cuộc sống này có mục đích của nó". Mục đích của cuộc sống là để phát triển, tấn hoá từ vô minh (si mê) đến giác ngộ và từ khổ đau đến hạnh phúc. Chính Ðức Phật đã nhiều lần xác nhận rằng mục đích của cuộc sống là để đạt đến sự giác ngộ. Một trong số những triết gia Hy Lạp nói rằng ông đến cuộc đời này chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là tự hoàn thiện chính mình. Như vậy, sự tấn hoá hay phát triển này có thể thực hiện ngay tại đây và ngay bây giờ. Cũng như nhờ thường xuyên luyện tập mà chúng ta có thể phát triển được các cơ bắp của thân hình, tâm chúng ta cũng vậy, có thể được phát triển và chúng ta chắc chắn có thể đạt đến sự hoàn thiện này, người thiên về tâm linh thì qua việc đạt đến hạnh phúc và chứng ngộ Niết Bàn, người thiên về tri thức thì thiên về việc thành tựu tri kiến, thiên về đa cảm thì qua việc chế ngự và vận dụng tốt những tình cảm của mình, và thiên về vật chất hay thể xác thì qua việc luyện tập, cũng như qua việc kiểm soát thân mà nhờ đó đạt được sức khoẻ kiện toàn.
Mỗi cấp độ như vậy đều phát xuất từ những hành động (nghiệp) quá khứ, cũng như, do những hành động này mà tương lai sẽ diễn tiến. Hành động là sự biểu thị của tâm và một khát khao đối với điều gì đó kích thích tâm. Mỗi cấp độ đều có hành động và phản ứng, đó là nhân và quả. Do vậy, chính hành động của ta đối với tác nhân kích thích bên ngoài là điều chúng mà chúng ta cần chế ngự. Hành động và phản ứng này vận hành ở mọi cấp độ, như cấp độ thiên về vật chất hay thể xác tác động qua sự hoạt động, cấp độ đa cảm qua cảm xúc, cấp độ tri thức qua tư duy và cấp độ tinh thần (hay tâm linh) thì qua sự chứng ngộ. Mỗi loại đều có mặt tốt và xấu, cũng như phương diện thiện và ác của nó. Chẳng hạn, một người bẩm tánh thiên về vật chất có thể tác hại đến thể chất, nghĩa là nếu anh ta sử dụng sức mạnh vật chất hay khí cụ vật chất của mình sai lầm sẽ tạo ra khổ đau, điều này đã thể hiện mặt xấu của anh ta. Ngược lại, mặt tốt của cấp độ thiên về vật chất là anh ta có thể làm được những hành động thiện bằng thân của mình. Vì vậy, mọi người cần thể hiện thân hành để phục vụ, vì nhờ đó chúng ta có thể phát triển từ cấp độ này lên cấp độ cao hơn.
Bất luận làm điều gì dù bằng tâm hay bằng tình cảm, nếu không thể hiện ra bằng thân đều không hoàn hảo. Có một câu chuyện thế này:
Xưa trong ngôi làng nọ có một tảng đá giặt (Washing stone), có lẽ nói tảng đá giặt thì người phương Tây thường không hiểu, bần tăng nghĩ như vậy vì có một lần, một phụ nữ Anh trong số thính giả đã hỏi bần tăng là: "Tảng đá giặt là thứ gì?", cô ta chưa hề nghe đến một vật gì như thế, bần tăng giải thích rằng: "Tảng đá giặt là một tảng đá có một mặt bằng phẳng, dùng trong các xứ phương Ðông để giặt các quần áo dơ trên đó, quần áo sau khi đã xát xà bông được đem đập trên đá đó cho ra hết chất dơ". Vâng, có một tảng đá giặt như vậy, ở bên ngoài một ngôi làng được dân địa phương dùng để giặt quần áo, thế rồi một ngày kia có một nhà địa chất đi đến và thấy tảng đá chứa nhiều mảnh đá rất quý. Ông ta nghĩ rằng những người dân địa phương ở đây thật là khờ khạo, dùng một tảng đá giá trị như vầy chỉ để giặt quần áo, thật phí phạm! Thế là, ông ta ra sức thuyết phục dân làng, kể cả người chủ làng để đổi lấy tảng đá lớn hơn và đẹp hơn. Mọi người đều đồng ý, ông ta đem đến cho họ một tảng đá rộng hơn và rất đẹp, đồng thời lấy tảng đá cũ đi. Tất cả mọi người đều vui mừng và biết ơn ông ta, trong khi ông ta lại tỏ ra biết ơn họ rất nhiều, vì từ tảng đá đó ông ta có thể lấy ra những viên ngọc quý giá.
Ðức Phật khuyên chúng ta sống có hiểu biết như nhà địa chất kia và không nên như những dân làng quá dốt nát nọ. Chúng ta sử dụng thân mình không chỉ vì tầm cầu lạc thú mà để phục vụ, được vậy dù chúng ta có muốn hay không muốn, chúng ta cũng sẽ có một ngoại hình đẹp đẽ và sức khoẻ dồi dào. Ðức Bồ Tát xưa kia đã dùng cả thân và tâm mình để phục vụ ở bất cứ nơi nào ngài đi qua, thậm chí trong kiếp chót khi ngài đã thành Phật. Quý vị còn nhớ câu chuyện một vị Tỳ Khưu bị bệnh nằm trên đống đồ dơ uế của mình không? Không một ai còn kiên nhẫn để giúp đỡ cho vị Tỳ Khưu này nữa. Ðức Phật đã không ngại ngùng tắm rửa và thay y áo cho vị này, thật không có gì trên thế gian này xứng đáng với phẩm cách cao quý của ngài.
Vì mọi vật trên thế gian này đều phải chịu vô thường biến hoại, nên không thể có một hạnh phúc chân thực và trường cửu trong những thứ thuộc vật chất ở thế gian. Ðây ắt hẳn sẽ là một quan niệm sống đầy bi quan nếu không có sự kiện là con có một lối thoát, một hạnh phúc thực sự vượt ngoài vật chất, chính điều này đã làm thay đổi quan niệm bi quan đó thành một nhân sinh quan thực tiễn và đầy lạc quan cho người Phật tử chúng ta. Sự tu tập chính là lời giải thích cho vấn đề, tu tập ở đây không nhất thiết ở thân thôi mà còn ở tâm nữa, xa hơn; chúng ta sẽ tu tập bản chất đạo đức cao thượng để thành tựu hạnh phúc Niết Bàn.

-ooOoo-
NỀN TẢNG CĂN BẢN CỦA ÐẠO PHẬT

Nền tảng căn bản của đạo Phật chính là Bốn Sự Thật Vĩ Ðại, đó là Chân Ðế về Khổ, Chân Ðế và Nguyên Nhân của Khổ, Chân Ðế về sự Diệt Tận Khổ và Chân Ðế về Con Ðường dẫn đến sự diệt khổ.
Chân đế về khổ là gì? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà gặp là khổ, ưa mà phải xa lìa là khổ, không được điều mình mong muốn cũng khổ.
Chân Ðế về nhân sanh khổ là gì? Ðó chính là tham ái, tham ái tầm cầu lạc thú lúc chỗ này, lúc chỗ kia, khao khát những thú vui nhục dục (Kàmatanha: Dục ái) và khao khát hiện hữu (Bhavatanhà: Hữu ái).
Chân đế về khổ diệt là gì? Ðó là sự diệt tận tham ái, sự thủ tiêu hoàn toàn chính cái tham ái này, hay sự giải thoát khỏi tham ái.
Chân đế về con đường dẫn đến sự diệt khổ là gì? Ðó là Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh.
Cho dù Ðức Phật có xuất hiện trong thế gian này hay không thì Bốn Sự Thật này vẫn hiện hữu, chư Phật chỉ làm hiển lộ những Sự Thật này mà từ lâu nó đã bị chôn vùi trong vực thẳm tăm tối của thời gian. Nếu giải thích một cách khoa học thì Pháp (Dhamma) có thể đơn giản gọi là quy luật nhân quả, và quy luật này bao trùm toàn bộ những lời dạy của chư Phật. Tham ái là nhân của khổ, khổ là quả của tham ái; tôn trọng nguyên lý trung đạo là nhân của sự chứng ngộ Niết Bàn, và sự chứng ngộ Niết Bàn là quả của sự tôn trọng nguyên lý trung đạo ấy.
Không ai có thể phủ nhận sự kiện khổ đau hiện hữu trong cuộc đời này. Ðiều mà chúng ta gọi là hạnh phúc hay lạc thú trong thế gian, chẳng qua chỉ là sự ban thưởng hay món thù lao của một khát vọng nào đó, nhưng ngay khi điều mơ ước vừa đạt được thì nó liền bị khinh miệt ngay. Hạnh phúc thế gian chỉ là sự khơi mào cho đau khổ. Vì thế cho nên sầu khổ không thể tách rời khỏi hiện hữu và không cách nào tránh né được, và bao lâu còn tham ái thì chừng ấy khổ đau sẽ vẫn tồn tại. Khổ chỉ có thể được huỷ diệt bằng cách bước lên con đường Bát Chánh (Bát Chánh Ðạo) và đạt đến hạnh phúc tối thượng của Niết Bàn.
Bốn Sự Thật cao quý này có thể được xác chứng bằng kinh nghiệm, vì lý do đó Phật pháp (Buddha - Dhamma) được thiết lập trên nền tảng của sự thực và những sự thực này có thể được trắc nghiệm và xác chứng. Do vậy, đạo Phật rất là hợp lý và nó đối kháng lại với những hệ thống suy đoán lý luận; nó hấp dẫn đối với bậc trí hơn là với người thuần tình cảm và nó liên hệ đến chất lượng tu tập hơn là số lượng.
Một dịp nọ Upàli (Ưu Ba Ly), một tục gia đệ tử của phái Nigantha (Loã Thể Ni Kiền Tử), đi đến chỗ Ðức Phật và lấy làm thoả mãn với giáo pháp của Ngài đến mức ông bày tỏ ước muốn trở thành đệ tử của Ðức Phật, nhưng Ðức Phật đã cảnh báo ông ta, Ngài nói: "Này gia chủ, trước tiên hãy thẩm tra kỹ lưỡng đã, thật là thích hợp đối với một người có tiếng tăm như ông, phải thẩm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định một điều gì". Ưu Ba Ly vô cùng hoan hỷ trước những nhận xét bất ngờ của Ðức Phật như vậy, ông nói: "Bạch Ðức Thế Tôn, nếu con xin làm đệ tử của một tôn giáo khác, chắc chắn họ sẽ công kênh con đi diễu hành hết đường phố này đến đường phố khác và tuyên bố rằng nhà triệu phú như vầy, như vầy... đã từ bỏ tôn giáo cũ của mình và xin theo giáo phái của họ. Thế nhưng, bạch Ðức Thế Tôn, Ngài đã khuyên con nên thẩm tra thêm nữa, vì thế con rất lấy làm hoan hỷ với lời nhận xét của ngài". Lần thứ nhì ông ta lặp lại lời cầu xin "Con xin quy y nơi Ðức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng".
Ðạo Phật được thấm nhuần với tinh thần tự do tìm hiểu và hoàn toàn dung thứ. Ðức Phật đã mở lượng khoan dung này đến mọi người nam cũng như nữ, cùng tất cả các chúng sanh khác. Chính Ðức Phật là người đầu tiên đã huỷ bỏ chế độ nô lệ, mạnh mẽ phản đối hệ thống đẳng cấp đã ăn rễ vững chắc trong xã hội Ấn Ðộ lúc đó.
Theo lời của Ðức Phật thì con ngươi trở nên cao quý hay hạ tiện không phải đơn thuần do sinh trưởng, mà chính do những hành động của họ. Không vì đẳng cấp xã hội, không vì màu da của họ ngăn cản không cho họ trở thành một Phật tử, hay gia nhập Giáo Ðoàn (Tăng Ni); ngư dân, phu quét rác, nông dân, cùng với giai cấp chiến sĩ và Bà la môn đều được chấp nhận một cách tự do vào Giáo Ðoàn và hưởng mọi quyền bình đẳng như nhau. Chẳng hạn, như Upàli (Ưu Ba Li), một người thợ hớt tóc, đã được Ðức Phật chỉ định là đại đệ tử tinh thông Giới Luật; Sunìta, người hốt phân đã được chính Ðức Phật tiếp nhận vào Giáo Ðoàn, nhờ vậy đã có thể đạt đến thánh quả.
Angulimàlà (Ăng Gu Li Ma La), tướng cướp sát nhân đã được Ðức Phật cảm hoá để trở thành một bậc Thánh đầy lòng bi mẫn. Dạ xoa Àlavaka (A La Goá Ká) quy y nơi Ðức Phật và trở thành một vị Tu Ðà Hoàn; dâm nữ Ambapàli, gia nhập giáo đoàn Tỳ Khưu ni và đắc A La Hán quả. Những trường hợp tương tự như vậy rất dễ thấy trong Tam Tạng đã chứng tỏ rằng đạo Phật mở rộng vòng tay đón nhận mọi người không phân biệt giai cấp màu da hay phái tính.
Cũng chính Ðức Phật là người đã cấm chỉ việc hiến tế bằng cách giết những con vật vô tội và khuyên hoá hàng đệ tử mở lòng từ đến tất cả chúng sinh, dù nhỏ nhoi nhất cũng vậy. Một người Phật tử chân chánh sẽ thực hành tâm từ này đối với mọi loài chúng sanh và đồng cảm với muôn loài không phân biệt họ là ai, thuộc giai cấp hay màu da gì.

-ooOoo-
CON ÐƯỜNG TRUNG ÐẠO
(THE MIDDLE PATH)
Thánh Ðạo Tám Ngành hay Bát Chánh Ðạo mà Ðức Phật đã thuyết trong bài pháp đầu tiên của Ngài là Trung Ðạo, vì nó không lạc quan cũng chẳng bi quan. Lạc quan có khuynh hướng đánh giá quá cao cuộc sống, trong khi đó bi quan lại có khuynh hướng đánh giá quá thấp; một đằng thì lao vào những thái quá của nhục dục và lạc thú đời thường thấp hèn, thô bỉ và vô bổ. Ngược lại, phía bên kia chủ trương khổ hạnh thái quá cũng không tốt và vô ích, đắm mê trong dục lạc làm cho người ta không phát triển được tinh thần, còn tự hành khổ mình lại làm suy yếu đi phần tri thức. Ðạo lộ chân chánh là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này, và giáo lý trung đạo chỉ có thể nắm bắt được bởi một người đã hiểu rõ mối tương quan tương duyên giữa hai cực đoan nêu trên. Tiến bộ chính là biết thay đổi qua lại trọng lực và sự nổi bật giữa hai khuynh hướng. Tuy nhiên, cũng như trọng lực của một kiếm thuật gia dường như luôn được giữ thăng bằng giữa đôi chân của ông ta, ông chỉ tựa trên một chân nào đó trong khoảng thời gian cần thiết đủ để thay đổi trọng tâm, trên lộ trình giải thoát cũng vậy, người hành đạo không nên trú ở một cực đoan nào cả mà phải cố gắng giữ quân bình ở mức trung tâm của nó, từ đó hai đối cực này đựơc quan sát một cách trung thực. Tất cả các cực đoan đều sanh ra những đối cực của nó, và cả hai đều bất lợi như nhau.
Ðối với tất cả mọi người, Trung Ðạo về một cuộc sống hiền thiện trong thế gian này là cách sống tốt đẹp nhất và an toàn nhất. Ðức Phật dạy: "Có hai cực đoan mà người sống đời cao thượng của một Tỳ Khưu không nên hành theo, hai cực đoan đó là gì? Ðó là sống kết hợp với dục vọng thấp hèn, đê tiện, tầm thường, không xứng đáng với bậc Thánh và sống kết hợp với tự hành hạ mình, tự làm khổ mình, không xứng đáng với bậc Thánh và vô ích". (Samyutta Nikàya V. phẩm Chuyển Pháp Luân). Tránh xa hai cực đoan này Ðức Phật đã đạt đến trí tuệ thấy rõ Trung Ðạo, mà điều này đã làm phát sinh huệ nhãn và huệ trí cũng như hướng đến an tịnh, thắng trí và giác ngộ.
Vậy thì Trung đạo là gì lại khiến phát sinh huệ nhãn? Ðó chính là Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Hai chi đầu: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tạo thành khởi điểm cho cuộc hành trình của đời sống chân chánh thuộc về nhóm Tuệ. Ba chi kế: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng liên quan đến những điều kiện tu tập bên ngoài thuộc nhóm Giới, và ba chi cuối Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh liên hệ đến các điều kiện tu tập bên trong.
Mục tiêu trước mắt là phải đạt được sự kiểm soát hay chế ngự tâm; với sự chế ngự này mọi tham muốn vị kỷ có thể được và chắc chắn sẽ được nhổ sạch tận gốc và chấm dứt hoàn toàn, cứu cánh tối hậu là đoạn tận mọi hình thức bất toại nguyện và khổ đau qua sự chứng ngộ trí tuệ giải thoát viên mãn.
Bước thứ nhất trên đạo lộ hướng đến cứu cánh giải thoát là Chánh Kiến. Chánh Kiến ở đây liên hệ đến sự hiểu biết rõ ràng về Tứ Ðế, đó là: Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế và Ðạo Ðế. Vậy gì là khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu não là khổ; phải xa lìa những gì mình yêu mến là khổ và không đạt được điều mình mong ước cũng khổ.
Cuộc sống sẽ tràn đầy khổ đau nếu như người ta không biết làm thế nào để sống cho phù hợp với nó. Về phương diện thể chất, sanh, già, chết là điều không thể tránh được, song có một phương diện khác ở đó đời sống luôn luôn sầu muộn. Tuy nhiên đó là một loại sầu muộn hoàn toàn có thể tránh được, người sống cuộc đời bình thường trong thế gian này lúc nào cũng cảm thấy mình bị vướng mắc vào đủ mọi loại phiền não. Nói rằng họ luôn luôn đau khổ thì có vẻ không thực lắm, nhưng phải nói là họ lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng, bất cứ lúc nào họ cũng có thể rơi vào những tình trạng đau khổ hay lo âu thái quá. Lý do của điều này là vì trong lòng họ chất chứa đầy những tham vọng trần tục, dĩ nhiên những điều đó không nhất thiết là xấu, mà chỉ là những tham muốn đối với các pháp thế gian, bởi vì những tham muốn này mà họ bị trói buộc và giam hãm trong ngục tù thế gian, họ luôn luôn gắng sức để đạt cho kỳ được cái mà họ chưa có, nhưng khi đã đạt được rồi họ lại lo sợ rằng sẽ mất nó, điều này là sự thực không phải chỉ đối với vấn đề tiền bạc mà còn cả vơi những vấn đề khác như địa vị, quyền lực và mọi thăng tiến trong xã hội nữa.
Còn có những đối tượng khác của lòng tham muốn, chẳng hạn như một người nam hay một người nữ khao khát được sự trìu mến yêu thương nơi một người nào đó nhưng không được họ đáp lại. Phát xuất từ những tham muốn bất toại nguyện như vậy thường đưa đến vô số những buồn tủi, ghét ghen, thù hận, quý vị có thể cho những tham muốn đó là điều hoàn toàn tự nhiên; hiển nhiên đó là điều hết sức tự nhiên, và nếu sự trìu mến thương yêu đó được đáp trả lại thì thật là vô cùng hạnh phúc nữa là khác. Tuy nhiên, nếu nó không được đáp trả lại thì sao? Người nam hay người nữ ấy phải có một sức chịu đựng mới có thể chấp nhận được tình trạng bẽ bàng này, và không để cho lòng tham muốn bất toại nguyện đó gây nên đau khổ. Khi chúng ta nói một vấn đề nào đó là tự nhiên, nghĩa là chúng ta muốn nói rằng đó là một việc mà chúng ta có thể trông đợi (sẽ xảy ra) đối với một người trung bình. Nhưng là một Phật tử, chúng ta phải cố gắng vươn lên trên cái mức trung bình ấy, nếu không làm sao chúng ta có thể giúp cho mọi người được? Chúng ta phải ở trên mức ấy thì khả dĩ chúng ta mới có thể mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người.
Chân đế thứ hai là nguyên nhân của khổ. Chúng ta đã thấy ra rằng nguyên nhân gây ra đau khổ luôn luôn là vì muốn được sở hữu và khát khao muốn giữ mãi những gì mình đã có. Ðức Phật dạy rằng cái khuynh hướng muốn sở hữu của con người là kẻ thù tệ hại nhất của họ, vì lòng tham muốn tích luỹ này đã tước đi của họ lý trí và khả năng hiểu biết, dính mắc vào một vật là phải buồn khi mất nó, ghét hay thù hận một cái gì là sẽ mất vui khi phải gần nó. Tham đắm vị kỷ đối với các đối tượng vật chất thế gian đưa đến hậu quả là phải hy sinh kho báu tinh thần để giành được cái mình mong muốn, mà vật ấy có thể lại ít giá trị hơn là khác. Vì thế tham muốn ích kỷ đã huỷ diệt khả năng phán đoán về giá trị, vì lòng tham này đặt sở hữu thế gian lên trên trí tuệ, và lợi ích cá nhân trên đạo lý.
Khi tuổi già ập đến, một số người tỏ vẻ buồn bực vì họ thấy là mình không còn khoẻ mạnh như trước kia nữa. Cần phải hiểu được tấm thân này đã hoàn tất tốt phận sự của nó mới thực sự là thái độ của người có trí, và nếu nó không còn làm được nhiều việc như trước đây, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được một cách nhẹ nhàng và an lạc, nhưng đừng tự làm khổ mình về những đổi thay vô thường đó, không bao lâu chúng ta sẽ có những cái thân mới, và cách để bảo đảm sẽ được một tấm thân tốt đẹp như ý là chúng ta phải tận dụng hết khả năng của mình để làm mọi điều thiện với tấm thân cũ này. Tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải bình thản, an tịnh và không bối rối, muốn làm được điều này nhất thiết chúng ta phải dừng lại mọi tham muốn, vị kỷ, đồng thời hướng tâm vị tha đến mọi người, giúp cho tha nhân với hết khả năng của mình.
Chân đế thứ ba là sự diệt khổ. Chúng ta đã biết làm thế nào để khổ đau dừng lại và làm thế nào để đạt đến an lạc; bằng cách luôn luôn hướng tâm đến những điều cao thượng. Chúng ta có thể sống trong thế gian này hoàn toàn hạnh phúc, nếu như chúng ta không để cho cái tham muốn điên rồ của mình dính mắc vào nó; chúng ta sống trong cuộc đời nhưng không bị cuộc đời trói buộc, ít ra cũng không đến mức bị cuộc đời gây cho ta lo lắng, phiền muộn và khổ đau. Hiển nhiên phận sự của chúng ta là để giúp đỡ mọi người trong những lúc họ khổ đau, phiền muộn, thế nhưng, để làm được điều này một cách hiểu quả, bản thân chúng ta phải đoạn tuyệt những tham muốn ích kỷ của mình. Nếu ta sống trong cuộc đời với triết lý như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng mọi sầu khổ trong ta hầu như đã hoàn toàn dừng lại. Hẳn sẽ có một số người cho rằng thái độ sống như vậy là một điều không thể đạt đến nổi. Không hẳn như vậy, chúng ta có thể vươn đến đến nó và chắc chắn sẽ làm được điều này, bởi vì chỉ khi chúng ta có được thái độ sống như vậy chúng ta mới thực sự có thể giúp cho tha nhân một cách hiệu quả.
NIẾT BÀN
Sự diệt tận tham ái hay tham muốn ích kỷ có nghĩa là sự thủ tiêu năm triền cái, vì tất cả mọi bất thiện pháp khác tự thân chúng cũng nằm trong một yếu tố căn để này; kết quả của sự diệt tận tham ái này được gọi là Niết Bàn. Từ Pàli "Nibbàna" được lập thành bởi "Ni" "Vàna". "Ni" là một phân từ phủ định và "Vàna" có nghĩa là tham ái hay tham muốn ích kỷ. Vì vậy, Nibbàna nghĩa đen của nó là sự vắng mặt tham ái. Từ này còn được định nghĩa như là sự diệt tận dục tham, sân hận và si mê.
Phần lớn sự giải thích mang tính tiêu cực về cứu cánh tối hậu của đạo Phật, Niết Bàn, là do hậu quả của quan niệm sai lầm cho đó là "rỗng không" hay "sự huỷ diệt". Tuy nhiên, chúng ta còn tìm thấy trong kinh điển những định nghĩa rất tích cực về Niết Bàn như "nơi nương tựa tối thượng" (Paràyama), nơi "an toàn" (Tana), "nơi độc nhất" (Kevala), "thanh tịnh tuyệt đối" (Visuddhi), "siêu thế" (Lokuttara), "giải thoát" (Mutti), "an lạc" (Santi) v.v... Trong hệ Sanskrit ngữ căn "và" nghĩa là "thổi" và tiếp đầu ngữ "nir" được dùng để biểu thọ cho "tắt", nó có thể được so sánh với tiếp đầu ngữ "ex" của La Tinh. Vì vậy, Nivàna trong hình thức Sanskrit của nó có nghĩa là "thổi tắt". Cái được thổi tắt ở đây cần phải hiểu là ngọn lửa tham dục của con người.
Vì vậy, Niết Bàn không phải là tiêu cực vì chính nó đang thổi tắt cái khuynh hướng tiêu cực của con người. Niết Bàn là sự giải thoát, nhưng không phải là giải thoát khỏi cuộc đời mà thoát khỏi những trói buộc do chính chúng ta tự buộc mình vào những hoàn cảnh của cuộc đời đó. Ai là người có đủ sức mạnh để tuyên bố "bất cứ điều gì xảy đến, tôi sẽ chấp nhận với hết khả năng của mình" người ấy thực sự được tự tại, bởi vì hiện tại anh ta đang sống trong tiến trình tiến hoá tinh thần của chính mình, không phải trong những lạc thú cá nhân, và anh ta có thể tận dụng mọi thứ cho mục đích tấn hoá đó.
Tự tại giải thoát không có nghĩa là người ta có thể làm mọi thứ mà họ nghĩ, hay người ta có thể hạ gục một con sư tử với một cái bớp tai. Nếu hiểu một cách đúng đắn thì tự do giải thoát không dung chứa những ý niệm hung hăng như vậy. Một số người có thể cho rằng tự do ý chí phải có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, thế nhưng, họ đã quên một điều là ngay chính những ước muốn đó đã hạn chế tự do của họ. Tự do nghĩa là người ta không còn bị người nào hay điều gì bắt buộc họ phải làm nô lệ. Một con người tự tại là người có thể sử dụng bất kỳ người nào hay vật gì như là một điều hữu ích. Tuy nhiên, chẳng ai có thể dùng người này như nô lệ của họ, bởi vì con người ấy đã thoát khỏi mọi tham muốn giận hờn, thù hận, ngã mạn, sợ hãi và bồn chồn dao động, những thứ phát sinh từ lòng tham vị kỷ. Những cảm xúc mù quáng như thế đã bị thổi tắt giống như người ta thổi tắt tất cả mọi ngọn nến vậy. Con người ấy thực sự tự tại trong thế gian này, đã đạt đến Niết Bàn trong cuộc đời này.
Chân đế thứ tư là con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau, đó chính là Trung Ðạo, là Bát Chánh Ðạo. Như vậy con đường tốt nhất dẫn đến đoạn tận khổ là Trung Ðạo. Giờ đây, chúng ta tiếp tục bàn đến những bước khác của đạo lộ.
Bước thứ hai là Chánh Tư Duy. Chúng ta phải tư duy đến các thiện pháp và không nên suy nghĩ đến các điều tà vạy. Chúng ta phải luôn luôn hướng tâm đến những ý tưởng cao thượng và tốt đẹp. Chánh tư duy phải bảo đảm không để dính mắc một ý niệm bất thiện nào trong đó; có một số người không hề cố ý tư duy đến những điều bất thiện hay xấu xa, tuy thế họ vẫn còn ôm ấp những tư tưởng gần kề như vậy - không xác định là bất thiện nhưng chắc chắn cũng hơi khả nghi. Ở đâu có điều gì dường như hơi khả nghi hay bất chánh khởi lên, ở đó cần phải dập tắt liền.
Chúng ta phải hoàn toàn chắc chắn là những tư duy của mình chỉ là những tư duy chân chánh và hiền thiện mà thôi. Chánh Tư Duy còn có một ý nghĩa khác nữa, đó là tư duy đúng đắn. Chúng ta thường suy nghĩ một cách sai lầm hay không trung thực về mọi người chỉ vì thành kiến hay si mê của mình với họ. Chúng ta thường có quan niệm cho rằng một người nào đó là người xấu, và vì thế mọi điều y làm chắc chắn phải là điều ác. Chúng ta gán cho họ những động cơ mà thường thì những động lực này hoàn toàn không có căn cứ nào cả, khi làm như vậy vô tình chúng ta đã suy nghĩ không trung thực về họ, do vậy tư duy của chúng ta không phải là tư duy chân chánh. Chúng ta chỉ nhìn vào một khía cạnh của người đó mà không để ý đến phương diện khác của họ.
Do có định kiến xấu về một người thay vì nghĩ tốt về họ, chúng ta đã vô tình làm gia tăng thêm cường độ và khuyến khích điều xấu đó. Ngược lại, nhờ tư duy chân chánh chúng ta cũng có thể tạo được sự khích lệ như thế cho khía cạnh tốt của họ phát triển.
Bước thứ ba là Chánh Ngữ, ở đây một lần nữa chúng ta phải luôn luôn nói về những điều thiện, hợp với chân lý. Công việc của chúng ta không phải để nói về những hành vi xấu của người khác, trong phần lớn các trường hợp thì những chuyện về người khác mà chúng ta nghe được là hoàn toàn không trung thực, cho dù chuyện đó có thực chăng nữa thì vẫn là điều sai lầm nếu chúng ta lặp lại nó. Trong một gia đình, nếu người chồng hay vợ, con cái hoặc anh em trong nhà có làm điều gì không đúng, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy rằng thật là sai lầm nếu đem phô trương điều không hay của những người mà mình thương mến đó cho thiên hạ biết, và chưa hẳn họ đã muốn nghe nữa là khác, chúng ta phải nói với lòng kính trọng đối với mọi người như điều mà ta mong rằng họ sẽ nói về ta như vậy. Một số người tự để cho mình rơi vào sự cường điệu và không trung thực quá mức, trong khi những chuyện quan trọng họ lại xem nhẹ; chắc chắn đó cũng không phải là Chánh Ngữ, người ta cũng có quan niệm cho rằng khi gặp bạn bè thì lúc nào cũng phải nói, nếu không họ sẽ cảm thấy bị tổn thương, với cái quan niệm ra vẻ khôn ngoan đó, họ liến thoắng kéo dài câu chuyện nửa đùa nửa châm chọc và hẳn là họ luôn luôn phô trương mọi thứ trong cái thái độ khôi hài lố lịch của mình, tất nhiên tất cả những lời nói như vậy đều được xếp vào lời nói hý luận hay lời nói vô ích. Nếu phải nói ít ra chúng ta cũng nên nói một điều gì hữu ích và hữu dụng. Ngôn từ cần phải nhã nhặn, trực tiếp, mang tính thuyết phục chứ đừng vớ vẩn lung tung.
Bước thứ tư là Chánh Nghiệp, ngay lập tức chúng ta nhận ra tại sao ba bước này nhất thiết phải tiếp nối theo nhau. Nếu chúng ta luôn nghĩ đến những điều thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ không nói những điều ác; nếu tư duy và lời nói của chúng ta đã thiện thì hành động tiếp theo cũng sẽ phải là hành động thiện; hành động cần phải kịp thời. Tuy nhiên, có cân nhắc kỹ lưỡng và nhất là không hẹp hòi, ích kỷ, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được để giúp đỡ mọi người, chúng ta không chỉ sống một mình mà sống giữa mọi người. Do đó, bất cứ điều gì chúng ta nghĩ hoặc nói hay làm nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nguời, chúng ta phải nhớ rằng tư duy, lời nói và việc làm của chúng ta không phải chỉ là những phẩm hạnh thôi, mà nó còn là những sức mạnh, tất cả đều là phương tiện được dùng để phục vụ, và nếu dùng nó khác đi là chúng ta đã làm hỏng phận sự của mình.
Bước thứ năm là Chánh Mạng (nghề nghiệp chân chánh) đây là một vấn đề có thể đụng chạm đến phần lớn mọi người trong chúng ta, cách sinh nhai chân chánh là cách sinh nhai không gây tổn hại đến chúng sanh khác, điều này ảnh hưởng đến những việc buôn bán của những người hàng thịt hoặc hàng cá; tuy nhiên nó còn đi xa hơn thế nữa. Chúng ta không nên nuôi sống bản thân mình bằêng cách làm hại chúng sanh khác; vì vậy chúng ta có thể thấy rằng việc bán rượu cũng không phải là phương tiện sinh nhai chân chánh, bởi vì người bán rượu sống nhờ vào sự tai hại mà họ gây ra cho người khác. Quan niệm về chánh mạng này vẫn còn đi xa hơn nữa, lấy trường hợp của một thương gia, trong quá trình mua bán của ông ta dĩ nhiên là không chân chánh, đó cũng không phải là phương tiện sống chân chánh, vì việc buôn bán của họ không công bằng và có tính cách lừa dối mọi người. Khi chúng ta tín nhiệm một vị bác sĩ hay luật sư nghĩa là chúng ta hy vọng họ sẽ đối xử với ta một cách công bằng. Cũng như vậy, người mua hàng đi đến người bán cũng mong sao họ đối xử ân cần và sòng phẳng với mình, chính vì vậy mà người thương nhân cần phải lương thiện với khách hàng như ông bác sĩ với bệnh nhân và luật sư với thân chủ của mình vậy. Chúng ta có quyền kiếm lời một cách hợp lý trong quá trình mặc cả, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến phận sự của mình.
Bước thứ sáu là Chánh Tinh Tấn, đây là một bước vô cùng quan trọng. Chúng ta không nên thoả mãn với cái thiện có tính tiêu cực. Vấn đề được mong đợi ở chúng ta không phải chỉ đơn thuần tiết chế hay tránh làm điều ác, mà phải là hành động thiện mang tính tích cực. Khi Ðức Phật đưa ra lời giáo huấn ngắn gọn trong bài kệ, Ngài mở đầu bằng câu "không làm các việc ác" thế nhưng câu kế tiếp Ngài nói: "Hãy làm các điều thiện". Mỗi người chúng ta có một sức mạnh, không phải chỉ ở thể xác, mà còn ở tinh thần, sức mạnh này có thể thực hiện một số công việc nào đó. Mỗi chúng ta cũng có một số ảnh hưởng nào đó giữa những bạn bè và quyến thuộc của mình. Ảnh hưởng đó có nghĩa là sức mạnh và chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn sức mạnh này sao cho thật xứng đáng. Chung quanh chúng ta là con cái, thân quyến, kẻ ăn, người làm, và tác động trên những người này chúng ta có một số ảnh hưởng nhất định, ít nhất cũng bằng sự gương mẫu của mình. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng đối với những gì chúng ta nói hoặc làm, vì mọi người sẽ bắt chước theo chúng ta.
Bước thứ bảy là Chánh Niệm, sự chú tâm cẩn mật này dẫn chúng ta đến cái thấy đúng đắn và đạt đến chánh tri kiến. Từ đó, chúng ta thấy vượt qua những cặp đối đãi (tốt - xấu, thiện - ác..v.v...). Người không thực hành chánh niệm chẳng khác nào món đồ chơi của những ảnh hưởng phức tạp mà họ va chạm trong cuộc sống; họ như cái nút bấc nổi trôi mặc cho sóng nước dập vùi. Họ phục tùng một cách vô ý thức cho những đòi hỏi của thế xác và môi trường tâm linh của họ.
Chúng ta cần phải ý thức (chú niệm) đối với những hoạt động của mình, cả ở thân lẫn tâm, không để cho những gì diễn ra bên trong chúng ta thoát khỏi mà không kịp ghi nhận. Chúng ta cũng phải ý thức được các cảm thọ khi nó sanh khởi và hiểu rõ nó. Một khi khả năng ghi nhận này tăng cao và khi người ta đã tiến đến mức, ở đây không một hiện tượng nào sanh khởi bị bỏ sót. Lúc đó, chúng ta tiếp tục quan sát để tìm ra nguyên nhân sanh khởi của các hiện tượng. Khi sân hận phát sinh, chúng ta biết rõ mình đang sân và thấy ra nguyên nhân của nó, đồng thời dự đoán trước hậu quả của nó. Bằng cách này chúng ta sẽ kiểm soát được mọi cảm thọ, đố kỵ, dục vọng và âu lo..v.v.. . của mình. Nếu có làm một hành động thiện, chúng ta cũng sẽ tự hỏi mình xem vì động cơ gì mà làm. Kết quả của việc tự vấn này thường có một ảnh hưởng mạnh mẽ để giảm thiểu hoá bản chất ích kỷ của chúng ta.
Việc thực hành chú niệm hoàn hảo là một phương tiện để tự tri và để hiểu rõ cái thế giới chúng ta đang sống, kết quả sẽ đưa đến chánh tư duy.
Pháp hành khác trong lãnh vực chánh niệm này là luyện tập ký ức, chẳêng hạn cuối mỗi ngày chúng ta hồi tưởng lại những việc mình đã thực hiện, những cảm thọ mình đã trải qua, những tư tưởng mình đã ấp ủ. Việc làm này được tiến hành ngược lại, có nghĩa là chúng ta bắt đầu hồi tưởng đến ý nghĩ cuối cùng mà mình đã ấp ủ trong ngày hôm đó, cứ như thế chúng ta trở lui lại cho đến khoảnh khắc đầu tiên sau khi thức dậy. Mục đích của việc luyện tập này đơn giản dạy cho chúng ta không cho phép những gì mà ngũ quan của mình đã tiếp nhận, hoặc những ý niệm thoáng qua tâm chúng ta bị mờ nhạt đi; pháp hành này khi đã phát triển đúng mức sẽ đem lại kết quả giúp ta đạt đến Túc Mệnh Minh (trí nhớ được các kiếp sống đã qua).
Bước thứ tám là Chánh Ðịnh, đây chính là sự tập trung chân chánh trên một đối tượng. Thiền chỉ được thực hành sau khi có sự tập trung này. Trong thiền định chúng ta khởi sự với những đề mục đơn giản, và trong thiền quán chúng ta đưa cái ý niệm rõ ràng về đề mục đơn giản đó lên cấp độ tâm và trí cao hơn. Ðể rõ ràng hơn về điều này, chúng ta hãy tưởng tượng một người nào đó đang đổ nước từ trên vào một cái thùng, nếu cái thùng đó bị lủng lỗ hai bên hông và dưới đáy nước sẽ tuôn ra ngoài; nhưng nếu những lỗ thủng này được bịt lại, nước sẽ dâng lên. Ða số chúng ta đều giống như cái thùng đầy lổ thủng và sẵn sàng rò chảy này, vì thế chúng ta không thể tập trung tư tưởng của mình lại được. Thiền cũng như đổ nước, tập trung (Ðịnh) cũng như bịt lại các lỗ thủng. Sự tập trung hay định này giúp cho tâm chúng ta kiên cố, không bị rò chảy và thiền đổ vào đó với tri kiến rõ ràng và trí tuệ. Nhờ thiền trên một đối tượng chọn sẵn, chúng ta sẽ quan sát đối tượng đó một cách rõ ràng và hiểu được chức năng của nó trong sự liên hệ với các điều khác, vì thế cho nên nhờ hành thiền mà chúng ta mở rộng được tri kiến và trí tuệ.
Khi việc hành thiền của chúng ta đã phát triển đầy đủ nó sẽ mở lối cho trí tuệ trực giác và những năng lực siêu phàm khác, những năng lực này có thể được chứng nghiệm ngay trước khi chúng ta đạt đến trạng thái Niết Bàn. Về một phương diện nào đó thì thực sự đây là những năng lực huyền bí, vì chúng rất khó hiểu đối với những người chưa phát triển tâm họ theo cách này. Mặt khác, những năng lực này hoàn toàn không có gì huyền bí, vì nó rất dễ hiểu đối với những người đã thực hành chánh định một cách tích cực và chân thành. Thực ra, chúng chỉ là hình thức mở rộng của những năng lực người ta sử dụng trong đời thường. Vào lúc những năng lực này phát triển chúng ta có thể thấy những điều mà trước đây chúng ta không thể thấy, và vì tâm của chúng ta rất thanh tịnh, giống như một gương mặt bóng láng có thể phản chiếu mọi vật xuất hiện trước nó. Nếu mặt gương không sạch, chúng ta chẳng thấy được gì trong đó,cũng vậy, không có thiền tâm chúng ta và những tư duy của chúng ta có thể bị pha lẫn với tham, sân, si. Tuy nhiên khi chúng ta đã được tịnh hoá và pháp triển bằng thiền pháp, chúng ta sẽ thấy được thực tướng của các pháp và trí tuệ của chúng ta sẽ chói sáng từ đó.

-ooOoo-

 (Trích Phật Pháp Giảng Giải - Đại Trưởng Lão U Thittila - Tỳ kheo Pháp Thông dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét