NGÔN NGỮ PÀLI - ÐẠO PHẬT & NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA VĂN HOÁ CHÂU Á (Đại Trưởng Lão U Thittila)

NGÔN NGỮ PÀLI VÀ ÐẠO PHẬT

Pàli là ngôn ngữ gốc, trong đó Ðức Phật dùng để thuyết giảng và sau này được sử dụng để ghi chép các kinh do Ðức Phật thuyết. Người học Phật nghiêm túc hiển nhiên tìm được nhiều thuận lợi từ một kiến thức về Pàli hơn từ kiến thức về các ngôn ngữ khác. Thứ nhất, nhờ kiến thức Pàli này mà họ có thể tìm được lối vào kho tàng rộng lớn của một nền văn hoá cao quý. Mặt thuận lợi thứ hai là họ có thể đọc được những kinh Phật nguyên gốc gọi là Tipitakas (Tam Tạng - Kinh Ðiển), cũng như các bản chú giải về Tam tạng này.
Thực sự mà nói thì hầu hết kinh Phật và một số các bản chú giải đã được chuyển dịch ra nhiều ngôn ngữ Châu Á, cũng như một vài ngôn ngữ Châu Âu khác, và có thể xem đây là những cố gắng trung thực để tiếp cận với sự thật. Tuy nhiên, không may thay một số bản dịch trong số đó lại hoàn toàn sai lạc và nhầm lẫn, hoặc ít nhất cũng tối nghĩa khó hiểu. Chẳng hạn, việc chuyển sang tiếng Anh các từ Pàli như Sati (niệm) thì lại dịch là tuệ giác (Insight), sự hiểu biết (Understanding), hoặc lý trí (reason); từ Nàma-rùpa (danh - sắc) lại dịch là hình ảnh (Image) và ý niệm (Ideal); từ Sankhàra (hành - nghiệp, 50 tâm sở hoặc các pháp hữu vi) thì dịch là các khuynh hướng (Tendencies) hoặc khái niệm (Conceptions) và từ Nibbàna (Niết Bàn: diệt tham) lại dịch là sự huỷ diệt (Annihilation) hay rỗng không (Nothingness), là những từ được xem là sự chuyển dịch tồi tệ nhất mà các học giả Tây phương đã làm. Ngạn ngữ Ý nói rằng các nhà dịch thuật là những kẻ phản bội (Translators are traitors), có lẽ cũng đáng ghi nhớ trong phương diện dịch thuật.

Những độc giả dựa vào các thuật ngữ nhầm lẫn như vậy thường hiểu lầm thực nghĩa và thực chất của những nguyên tắc cơ bản của đạo Phật như là Bát Chánh Ðạo, Tứ Diệu Ðế, Thập Nhị Nhân Duyên, Ngũ Uẩn Hữu và Giáo Lý Vô Ngã (Anatta), là cốt lõi của toàn bộ Phật pháp. Vì vậy, Pháp (Dhamma) chỉ có thể được diễn tả bởi những người không những phải có tín tâm nơi Pháp mà cũng cần phải có một kiến thức thoả đáng về Pàli nữa; nếu không, người viết rất có thể nhầm lẫn bản chất thực sự của Pháp, mà chỉ nội điều này thôi đã khiến Giáo Pháp, một điều sống thực lại có thể làm cho điên đảo cuộc sống của con người. Không quan tâm đến điểm trọng yếu này, mọi nỗ lực của họ không những trở thành vô ích mà còn tác hại đến Giáo Pháp nữa.

Về phương diện này, có lẽ không có tôn giáo nào phải chịu thiệt thòi nhiều như Phật giáo. Trước hết, đạo Phật là một tôn giáo truyền thống của phương Ðông, được coi là hoàn toàn xa lạ đối với Âu Châu một trăm năm trước, thứ nữa việc khám phá ra Phật giáo đối với họ có tính cách dần dà, đến nỗi toàn bộ hệ thống kinh điển của đạo Phật vẫn chưa được chuyển dịch một cách thoả đáng; còn đối với các bộ chú giải của các bộ Kinh này thì hoạ hoằn lắm mới có được một hai bộ Pháp Cú (Dhammapàda) và Pháp Tụ (Dhammasangani) chuyển dịch sang các ngôn ngữ Châu Âu. Do ảnh hưởng của những trường hợp như vậy, việc các nhà viết sách Tây phương đã xuyên tạc đạo Phật trong một thái độ lố bịch nhất, là điều không có gì đáng ngạc nhiên cả.
Trong số các nhà viết sách Tây phương về đề tài Phật giáo, có một số người không có ý định viết một cách công tâm về đạo Phật, mà họ chỉ mưu toan trình bày cho mọi người thấy rằng đây là một tôn giáo ngoại lai và kém xa các tôn giáo hiện có của phương Tây. Cũng có số khác không những có thái độ thân thiện hơn mà còn có hảo ý nữa. Thế nhưng, họ lại mắc vào những lỗi lầm khác là nhìn đạo Phật một cách phiến diện và méo mó, vì lý do rất đơn giản là kiến thức Pàli của họ không đầy đủ lắm. Ðiều này dẫn đến hậu quả là có rất nhiều những sự pha trộn kỳ lạ của những ý niệm sai lầm và những tư tưởng kỳ quặc; hay trong một vài trường hợp, những giáo thuyết thần bí (Theosophy) và Hồi Giáo (Hinduism) đã được gán cho đạo Phật ở phương Tây.

Anh ngữ, trong thế giới của ý niệm lại bị thâm nhiễm với nhân sinh quan Thiên Chúa, đến nỗi trong rất nhiều trường hợp không có những ý niệm tương đương đối với ý niệm của đạo Phật. Chính vì vậy, thật khó nếu không muốn nói là không thể truyền đạt những ý niệm của đạo Phật qua phương tiện Anh ngữ, vì nó không có những tương đương hoàn chỉnh cho những từ đòi hỏi phải có. Chẳng hạn, như từ "Bhikkhu", mặc dầu nghĩa Pàli của nó là một người rất giản dị, hoàn toàn không có tương đương trong tiếng Anh để truyền đạt một cách chính xác ý nghĩa của nó. Do vậy từ này được dịch nhầm là một kẻ ăn mày (beggar), một giáo sĩ (priest) hay là một tu sĩ. Bởi vì họ không ăn mày theo thực nghĩa của từ này nên họ (Tỳ Khưu: Bhikkhu) không phải là kẻ ăn mày. Họ cũng không phải là một giáo sĩ, bởi vì họ không hành xử như một người trung gian giữa chúa và con người. Một cách nghiêm chỉnh thì họ cũng không phải là một tu sĩ, vì họ không bị buộc phải thực hiện bất cứ lời thề nào cả. Ðiều này dẫn đến hậu quả là trong những cuốn sách viết về đạo Phật bằng tiếng Anh, độc giả phương Tây sẽ gặp rất nhiều từ Pàli phải giữ nguyên gốc vì lý do đó.

Qua bài học này chúng ta thấy rằng người nghiên cứu Phật học nghiêm túc, nghĩa là người thực sự có ước muốn thâu thập tri kiến hiểu biết đúng đắn về Giáo Pháp thâm sâu của đạo Phật, nên chuẩn bị cho mình làm quen với những từ gốc cần yếu của Giáo Pháp, hoặc đòi hỏi phải có một số kiến thức khả dĩ về Pàlì. Như vậy, mới làm cho chúng ta hiểu được pháp thâm diệu của đạo Phật trong ánh sáng chân thực của nó.

-ooOoo-

NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA VĂN HOÁ CHÂU Á
Trong khi các nền văn hoá phương Tây xuất phát từ hàng chục nguồn khác nhau; từ những chuyện hoang đường của buổi hồng hoang xa xưa, dai dẳng lâu hơn nữa trong những vùng giá lạnh ở phía Tây; từ truyền thống của dân tộc Hy Lạp; từ truyền thống của Na Uy; từ sự pha trộn và lợi dụng len lỏi vào của những truyền thống Do Thái, Hung và Ả rập, cộng với truyền thống Cơ Ðốc Giáo như một lực uốn nắn, thì văn hoá Châu Á lại ăn rễ vững chắc trong những tôn giáo của Á Châu.

Văn hoá thực sự của Châu Á hoàn toàn dựa trên những nguyên tắc tinh thần của những tôn giáo thuộc Châu Á. Nếp sống văn hoá của những xứ sở Châu Á chắc chắn sẽ không tồn tại nếu không có những căn bản tinh thần này.
Có rất nhiều sự khác biệt trong nền văn hoá của chúng ta nếu đem so sánh với văn hoá Tây phương, và chính những nét nổi bật này đã làm phát sinh ra huyền thoại về một "Phương Ðông bất biến" Á Châu thay đổi và đang dần dần thay đổi, sự phát triển chậm và chắc nhắm đến những hình thức ngày càng hoa mỹ hơn, giống như sự hé mở của đoá sen ngàn cánh rất thường xuất hiện trong hình tượng văn hoá của chúng ta.

Bỏ tôn giáo qua một bên, thử hỏi văn hoá sẽ còn lại gì? Cũng như cái gì sẽ còn lại nếu bạn rút hết nước nuôi sống đoá sen kia... chẳng còn gì ngoại trừ một mùi thối rữa. Ðiều này không chỉ áp dụng đối với Phật giáo mà đối với cả hai tín ngưỡng lớn khác là Ấn giáo và Hồi giáo cũng thế.

Ðạo Phật là gì?
Câu trả lời nằm trong bài kệ trong kinh Pháp Cú:
"Sabbapàpassa akaranam
Kusalassa upasampadà
Sacita - pariyodapanam
Etamï buddhàna sàsanam".
"Không làm các điều ác
Luôn làm mọi điều thiện
Giữ cho tâm trong sạch
Là lời chư Phật dạy".
Vì Ấn giáo và Hồi giáo cũng dạy những điều này như những sự thực và chân lý bất diệt, chúng ta tôn trọng hai tín ngưỡng lớn này cũng do vậy. Nơi mà Phật tử dựa căn bản cho mọi hành động của mình, cũng như văn hoá và toàn bộ cuộc sống của mình là trên quy luật nhân quả vận hành qua nghiệp báo (Kamma). Tín đồ Ấn giáo mặc nhận đấng Thượng Ðế tối cao như người tạo ra nghiệp, còn Hồi giáo xem "những quy luật lạ lùng của ngày và đêm, sanh và tử, của phát triển và hoại diệt" như "sự biểu thị quyền năng của thánh Allah và xác nhận quyền tối cao của ngài". Mặc dầu có những khác biệt, thế nhưng ở đây không có nhiều dị biệt như thoạt tiên chúng ta tưởng, vì những quy luật vĩ đại của hoại diệt, của tử sanh và quy luật vĩ đại hơn nữa của lòng thương yêu, đều được các tôn giáo này nhìn nhận.
Ðây chính là sợi chỉ nối liền và hoà hợp mọi nền văn hoá Châu Á. Ðây cũng chính là sợi chỉ mà những người thiên về vật chất muốn tìm cách bứt đứt, nhưng vô vọng. Ðó là sự thật, tuy nhiên mối hiểm nguy vẫn chưa qua, và quả thực nó đang gia tăng cường độ thêm nữa. Tại sao lại có vấn đề này? Tại sao những giá trị tinh thần lại bị suy thoái nhan nhãn ở khắp nơi như vậy? Ðơn giản là vì từ hồi nào đến giờ người ta đã xao lãng những giá trị tinh thần và thay vào đó là những giá trị hoàn toàn vật chất. Những ý niệm về tinh thần và đạo đức của một số người Châu Á cũng như một số người Tây phương đã và đang thoái hoá một cách trầm trọng, vì họ quá chú trọng đến cái giá trị hoàn toàn vật chất này.
Không ai phủ nhận rằng vật chất cũng có những giá trị của vật chất. Một dịp nọ Ðức Phật biết rằng người đàn ông kia căn cơ đã chín muồi để có thể liễu ngộ Giáo Pháp. Nhưng vì ông ta đang đói nên Ngài yêu cầu tăng chúng cho ông ta ăn trước. Chỉ khi đó ông ta mới có thể có sự chú tâm cần thiết để lãnh hội Giáo Pháp.
Thuyết giảng những giá trị tinh thần cho một người đang đói là một điều vô ích. Ngược lại, cũng vô ích không kém khi đem những giá trị vật chất nói với một người đang khao khát tâm linh. Vì cái khuynh hướng vật chất này, nếu thiếu vắng sức mạnh tinh thần, sẽ quay lại và tự xâu xé nó, hoặc sẽ thúc giục các vị lãnh đạo của một xứ sở hay phong trào giở trò quyền lực, qua lòng tham, nó sẽ huỷ diệt con người và huỷ diệt luôn cả những tài sản vật chất mà họ tìm kiếm. Chúng ta đã chứng kiến những trường hợp như vầy xảy ra trong lịch sử và cho đến ngày nay cũng vậy. Chỉ bằng cách duy trì những giá trị tinh thần, với đầy đủ sức mạnh của nó, chúng ta mới rút ra được những tốt đẹp của tiến bộ vật chất mà khoa học hiện đại ở khắp nơi đang tạo ra.

Thế giới hiện nay nói chung đã có đủ vật chất và cũng không thiếu về mặt tri thức. Vậy thì nó đang thiếu thứ gì? Cái mà thế giới đang thiếu là nền tảng tinh thần của văn hoá. Vì điều này mà thế gian đầy biến động và hoà bình cũng tránh né chúng ta. Con người không còn tin tưởng lẫn nhau. Những cuộc xung đột, những xung đột phát xuất từ lòng tham như xung đột về chủng tộc, chính trị, tôn giáo, kinh tế đã đem đến chiến tranh do thiếu căn bản tinh thần của văn hoá này.
Từ "văn hoá" ở đây được dùng trong ý nghĩa là tinh hoa của tư tưởng và hoạt động trong đời sống nhân loại. Văn hoá mang một ý nghĩa rất rộng, nó bao gồm mọi hoạt động của con người từ tôn giáo, chính trị, luân lý, triết học, kinh tế.... Những nguyên tắc truyền dẫn căn bản trong đời sống con người, hay những nguyên tắc truyền cảm của một chủng tộc, một quốc gia, cộng với lối sống đã được chấp nhận tạo thành căn bản văn hoá của họ. Chính vì vậy mà không thể trông đợi một sự đồng nhất hay đồng bộ, hoặc nhất quán của văn hoá được. Trong một sự hài hoà sâu sắc, chính tính chất đa dạng này đã tạo ra chiều sâu và cảm tính văn hoá.

Tuy nhiên, nếu văn hoá muốn đạt được địa vị xứng đáng và đúng với tên gọi của nó, nó cần phải được dựa trên căn bản tinh thần. Các quốc gia Châu Á đã và vẫn dựa căn bản cho nền văn hoá của họ trên tinh thần, và đó cũng là một phần tử không thể tách rời khỏi các tôn giáo của họ. Cái gọi là văn hoá vật chất sẽ dẫn đến, như chúng ta đã thấy: xung đột, chiến tranh, tham lam và phá huỷ.
Gom các quốc gia lại như một khối, trên thế gian hiện nay đã có đủ của cải và khả năng để loại trừ nạn thất nghiệp, đói nghèo, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn và bệnh hoạn, cũng như chắc chắn sẽ loại trừ được các loại tội phạm và áp bức. Thế giới đã có tất cả cái mà nó cần, và việc khám phá ra những nguồn năng lực mới có thể, nếu các nhà khoa học đồng tâm nhất trí trong khối thịnh vượng chung của nhân loại, tạo cho mọi người được thư thả để thực hiện điều thiện và hạnh phúc, thay vì chỉ đơn thuần tồn tại trong thế gian này. Ðây là căn bệnh và thuốc chữa. Thế nhưng, làm thế nào để chúng ta có thể thuyết phục bệnh nhân của căn bệnh thế gian này uống thuốc?
Chúng ta phải chỉ cho họ thấy rằng thói quen của người theo chủ nghĩa vật chất là lúc nào cũng muốn biến đất thành vàng, ngoảnh mặt lại với những hành tinh xa xôi sẽ chỉ dẫn họ vào sa lầy, và họ cũng sẽ rơi vào sa lầy nếu như họ cứ mãi mãi nhìn lên trời mà không xem lại quanh mình.
Chúng ta phải đưa thuốc cho họ, thuyết phục họ uống nó, và rồi thuyết phục họ bước lên đường đi đến chân lý và Giác Ngộ, đến một cuộc đời tốt đẹp hơn và lợi ích hơn; nơi đây, cuộc sống đó sẽ cho họ được thong dong để đi trên con đường giải thoát. Ðây chính là con đường an toàn và phương thuốc an toàn nhất.
Cách duy nhất để chia sẻ phương thuốc này là phải biến nó thành hiện thực, bằng giáo dục, một nền giáo dục thực sự, và bằng cách chia sẻ nó với lòng nhiệt thành. Nếu chúng ta có thể truyền bá chân lý, chỉ cần với phân nửa lòng nhiệt thành mà những người chủ trương vật chất truyền bá những điều phi thực, chúng ta sẽ cứu vãn được thế gian này.
Ðể thiết lập được một nền hoà bình và hạnh phúc truờng cửu, thì một tôn giáo chân thực, một sự thức tỉnh tâm linh là tuyệt đối cần thiết. Sự tỉnh thức đó nằm ngay ở đây, nhưng nó đòi hỏi phải có năng lực để duy trì sự tỉnh thức đó. Ðiều quan trọng không phải chỉ đơn thuần là đức tin, tín điều và những lễ nghi trong tôn giáo, mà là sống với lòng bi mẫn, yêu thương, sống với lý trí và công bằng dựa trên những nguyên tắc đạo đức và tinh thần của tôn giáo. Tôn giáo thực sự là một nền giáo dục của tâm hồn nhằm luyện tập tâm và trí của chúng ta. Giáo dục đúng đắn là sự phát triển phong phú của nhân cách, nết hạnh và thái độ cư xử trong khuôn khổ của đạo đức, của lòng từ ái đối với mọi người. Giáo dục không chỉ đơn thuần là sự thâu thập các thông tin, nhưng kiến thức hiểu biết về một nhân cách như vậy là điều mà giáo dục thúc đẩy và thể hiện trong tự thân nó cái khả năng sử dụng giáo dục để diễn đạt nhân cách. Không có giáo thuyết nào chỉ lưu giữ trong tâm lại có bất kỳ lực truyền dẫn, cũng như không có giáo thuyết nào thực sự giá trị trừ khi nó được đem ra áp dụng, chúng ta phải nghiên cứu và áp dụng Giáo Pháp; trước tiên là đối với bản thân mình, chỉ khi đó trí tuệ mới phát sanh. Ðức Phật dạy: "Một tư tưởng hoặc một lời nói hoa mỹ, nếu không có hành động tương xứng kèm theo, chẳng khác nào một bông hoa sắc màu tươi thắm nhưng không có hương - thật là vô ích".
Người, đã được mô tả như "một con vật có tư tưởng", và giữa con người và con vật không có một hố sâu ngăn cách lớn lao nào cả. Tuy nhiên, con người, cùng với những bản năng của thú vật và bản năng nhục dục, còn có trí nhớ và lý trí để canh phòng và hướng dẫn họ. Là một chúng sanh có căn bản đạo đức, được hướng dẫn bởi lương tâm đạo đức, con người thay vì sống thấp thỏi hơn loài vật bằng cách xao lãng vứt bỏ lý trí và lòng tự trọng của con người, họ có thể dùng khả năng của mình để vươn lên những đỉnh cao tối thượng, nếu như họ quyết tâm chịu đựng cuộc leo gian khổ này.
Có một cái gì đó trong con người chúng ta sẵn sàng đón nhận cuộc thử thách, đặc biệt nếu sự thử thách đó chứng tỏ là một thách thức đối với bản thân chúng ta, nghĩa là sự thách thức...... kêu gọi chúng ta vươn lên để hành động và hành động để vươn lên, thực sự, chúng ta phải vươn lên khỏi cái thế gian tầm thường này.
Thực vậy, đây chính là cốt lõi của tôn giáo, của tôn giáo thực sự; và nó cũng chính là cốt lõi của tinh thần, không phải chỉ thuyết giảng suông "Hãy sống thiện và con sẽ được an vui". Giáo pháp không chỉ là tín điều hay lễ nghi, mà phải là hành động tích cực, là nỗ lực, là sự hoàn thiện, là tình thân hữu giữa con người.
Ðây là điều cần phải truyền bá để duy tri sự tỉnh thức hiện nay về những giá trị tinh thần, một sự thức tỉnh thực sự, để đối kháng lại những khuynh hướng thiên về vật chất mang tính tiêu cực, khuynh hướng đã phủ nhận mọi giá trị tinh thần và đưa ra những lời hứa hẹn hão huyền về một thiên đàng hạ giới với hết tiến hoá này đến tiến hoá khác. Về phần các tôn giáo thì đã có quá nhiều sự thủ bại, chúng ta phải có một đội quân với những khẩu hiệu, như Ðức Phật đã đưa ra là: "Vì đức hạnh cao thượng, vì nỗ lực cao cả và vì trí tuệ siêu phàm - vì những điều này mà chúng ta tuyên chiến; vì thế chúng ta được gọi là những chiến sĩ". Mặt trời chân lý của tinh thần đang lên cao và những đám mây đen của vật chất không thể đứng vững trước nó. Chúng ta sẽ vươn lên nếu mọi người cùng bước tới.
-ooOoo-
Phật Pháp Giảng Giải
Đại Trưởng Lão U Thittila
Tỳ kheo Pháp Thông dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét