TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (Hòa thượng Narada)

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Hòa thượng Narada
Phạm Kim Khánh dịch


"Ðược sanh trong cảnh người thật là hy hữu.
Ðời sống của chúng sanh quả là khốn khổ.
Chớ để lỡ mất cơ hội nầy." -- Kinh Pháp Cú
Con người là một chúng sanh huyền bí có nhiều tiềm năng phi thường. Có hai năng lực trái ngược luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm trong mỗi người. Một, hướng về trạng thái cao thượng trong sạch, đặc tánh của bậc Thánh Nhân và một, hướng về những điều tội lỗi nhơ bẩn của kẻ sát nhân tàn bạo. Cả hai tiềm lực nầy đều có thể phát sanh bất ngờ với một sức mạnh vô cùng hùng hậu. Xuất phát từ đâu? Nào ai biết. Chỉ biết rằng nó luôn luôn nằm bên trong ta, nhiều hay ít, mạnh hay yếu, tùy trường hợp.
Trong guồng máy phức tạp của con người, có cái tâm vô cùng dũng mãnh. Tâm chứa đựng một kho tàng đức hạnh và một hầm tật xấu. Người biết vun bồi đức hạnh là một phước lành cho nhân loại. Kẻ bị tật xấu chi phối là một đại họa.
Những ai có chí hướng trở thành bậc vĩ nhân cao thượng và hữu ích, những ai muốn vượt lên trên đám đông quần chúng để phục vụ nhân loại bằng cách nêu gương lành trong sáng và ban bố những lời dạy hữu ích, những ai muốn tận dụng cơ hội quý báu được sanh làm người, đều cố sức gia công gội rửa các tật xấu còn lại và phát triển những đức hạnh đang ngủ ngầm trong tâm.
Khai thác hầm mỏ là một điều khó. Ðể tìm mỏ kim cương, mỏ dầu, hay một nhiên liệu quý báu khác, con người phải tốn hao biết bao tiền của và công lao, phải trải qua biết bao hiểm nguy gian khổ, đôi khi phải hy sinh cả mạng sống, để đào sâu trong lòng đất. Nhưng, để khai thác kho tàng vô giá đang ngủ ngầm bên trong mình, chỉ cần kiên trì cố gắng và nhẫn nại gia công. Mọi người, dầu trai dầu gái, sang hay hèn, đều có thể chuyên cần nỗ lực và kiên tâm trì chí để thâu thập sự nghiệp quý báu kia, vì đó không phải là một di sản do ông cha truyền lại.
Thế thường, ta coi tật xấu của con người là thiên tánh ngẫu nhiên bộc phát. Âu cũng là một điều lạ! Cũng lạ thay, tuy rằng đối chiếu với mỗi tật xấu có một phẩm hạnh xác thực mà mọi người đều có thể thọ hưởng, ta lại không coi phẩm hạnh ấy là thông thường, phải có.
Sân hận (Dosa) là một tật xấu có sức tàn phá vô cùng khốc liệt. Ðối diện với lòng sân, tâm Từ (Mettà) là một đức độ nhẹ nhàng êm dịu làm cho con người trở nên cao thượng, tuyệt luân.
Hung bạo (Himsà) là một tật xấu khác đã gây nên biết bao tội ác và biết bao hành động bạo tàn trên thế gian. Tâm Bi (Karunà) là vị thuốc công hiệu để tiêu trừ bệnh hung bạo.
Ganh tỵ (Issà) là chất độc cho cơ thể, vừa là động lực thúc đẩy con người vào những cuộc ganh đua nhơ bẩn và những hoàn cảnh tranh chấp hiểm nguy. Phương thuốc trị liệu nhiệm mầu và công hiệu nhất để trị bệnh ganh tỵ là tâm Hỷ (Mudità).
Bám níu vào những gì ưa thích, và bất toại nguyện với những điều không vừa lòng làm cho tâm mất bình thản. Do sự phát triển tâm Xả (Upekkhà) hai tệ đoan đối nghịch trên có thể sẽ bị tiêu diệt dần dần.
Bốn phẩm hạnh vô giá kia được gọi chung trong tiếng Phạn là "Brahma Vihàra" có nghĩa là lối sống cao thượng, trạng thái cao siêu, hoặc chỗ nương tựa của bậc Thánh Nhân. Ta gọi là Tứ Vô Lượng Tâm.
Tứ Vô Lượng Tâm giúp con người trở nên toàn thiện và có lối sống của bậc thánh, trong kiếp hiện tại. Tứ Vô Lượng Tâm có khả năng biến đổi người thường ra bậc siêu nhân, phàm ra thánh. Nếu mỗi người đều gắng công trau giồi Tứ Vô Lượng Tâm, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da, hay nam nữ v.v... quả địa cầu nầy sẽ trở thành một thiên đàng trong đó tất cả chúng sanh chung sống điều hòa, an vui trong tình huynh đệ, và mỗi người sẽ là một công dân lý tưởng trong một thế giới thanh bình an lạc.
Bốn đức độ cao thượng ấy cũng được gọi là Appamannà (vô lượng). Gọi như vậy bởi vì Từ, Bi, Hỷ, Xả rộng lớn bao la, không bờ bến, không biên cương, không bị hạn định. Tứ Vô Lượng Tâm bao trùm tất cả chúng sanh, người hay thú, không trừ bỏ sanh linh nhỏ bé nào.
Dầu theo tôn giáo nào hay hấp thụ văn hóa nào, mỗi người đều có thể trau giồi bốn đức độ nhẹ nhàng êm dịu ấy để trở nên một phước lành, cho mình và cho kẻ khác.

1. Tâm Từ (Mettà)
Trạng thái cao thượng đầu tiên là tâm "Từ", tiếng Pàli là Mettà, Sanskrit là Maitri.
Nghĩa trắng của Mettà là cái gì làm cho lòng ta êm dịu hay tâm trạng của người bạn tốt. Mettà (tâm Từ) được định nghĩa là lòng thành thật ước mong tất cả chúng sanh đều sống thật sự an lành hạnh phúc. Mettà có khi cũng được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thật muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.
Ðức Phật khuyên dạy:
"Tâm Từ phải được rải khắp đồng đều cho mọi chúng sanh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của bà từ mẫu đối với người con duy nhất, chăm nom bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tánh mạng cũng vui lòng." -- Mettà Sutta

So sánh tâm Từ với tình mẫu tử trong đoạn kinh Mettà Sutta (Từ Bi), Ðức Phật không nhấn mạnh đến lòng trìu mến ít nhiều vị kỷ của người mẹ. Ngài chỉ nhắm vào sự mong mỏi thành thật của bà mẹ hiền, muốn cho người con duy nhất của mình được sống an lành. Tâm Từ (Mettà) không phải sự yêu thương thiên về nhục dục, cũng không phải lòng trìu mến, luyến ái một người nào bởi vì cả hai, tình dục và luyến ái đều là nguyên nhân chắc chắn sẽ phát sanh phiền muộn.
Tâm Từ (Mettà) không phải chỉ là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, bởi vì người có tâm Từ không phân biệt người thân kẻ sơ.
Tâm Từ (Mettà) không phải chỉ là tình huynh đệ rộng rãi giữa người và người, mà phải bao trùm tất cả chúng sanh, không trừ bỏ sanh linh nhỏ bé nào, bởi vì loài cầm thú, các người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và tình thương của ta.
Tâm Từ (Mettà) không phải là tình đồng chí, không phải tình đồng chủng, không phải tình đồng hương, cũng không phải là tình đồng đạo.
Tình đồng chí chỉ biết những người cùng một chí hướng chánh trị, một chủ nghĩa, hay một đảng phái, như Dân Chủ, Cộng Hòa, Xã Hội v.v...
Tình đồng chủng chỉ giới hạn giữa những người cùng một chủng tộc, một màu da. Tình đồng hương chỉ có giữa những người cùng một quốc gia. Ðôi khi vì tình đồng chủng con người nhẫn tâm tàn sát đến đàn bà và trẻ con, chỉ vì những người vô tội nầy không được diễm phúc có đôi mắt xanh và mớ tóc vàng như họ. Người da trắng có cảm tình riêng với người da trắng. Người da đen có cảm tình riêng với người da đen, người da vàng với người da vàng, người da đỏ với người da đỏ v.v... Cũng có khi vì một mặc cảm nào, một dân tộc đem lòng nghi kỵ và lo sợ một giống dân khác. Lắm lúc, để chứng minh rằng dân tộc mình cao trổi hơn dân tộc khác, con người không ngần ngại dùng những phương tiện tàn ác như gây chiến tranh, dội bom nhả đạn, tiêu hủy cả triệu sanh linh. Nhân loại ngày nay vẫn không bao giờ có thể quên những thảm trạng đã xảy diễn trong thời Thế Chiến Thứ Nhì vừa qua.
Cùng trong một quốc gia, cũng có những tâm trạng hẹp hòi, hợp lại thành từng nhóm để gây nên cái mà chúng gọi là tình huynh đệ giữa những người cùng một giai cấp xã hội, một thứ tình thương chỉ nằm vỏn vẹn trong phạm vi nhỏ hẹp của một số người có quyền thế, để đàn áp một hạng người khác đến độ không cho phép họ hưởng những nhân quyền sơ đẳng, chỉ vì những người nầy rủi ro phải sanh trưởng trong một giai cấp hạ lưu. Chính hạng người thượng lưu kia mới thật đáng thương hại, vì họ là những người chỉ biết sống hẹp hòi bưng bít.
Tâm Từ (Mettà) cũng không phải là tình huynh đệ giữa những người cùng một tôn giáo. Bởi sự hiểu biết hẹp hòi, gọi là "tình đồng đạo", bao nhiêu đầu người đã rơi, bao nhiêu vĩ nhân đã bị tù đày và đối xử khắc nghiệt. Bởi tình đồng đạo hẹp hòi, bao nhiêu người phải bị thiêu sống một cách tàn nhẫn chỉ vì tội thành thật nói lên ý tưởng của mình. Bao nhiêu hành động hung bạo, bao nhiêu chiến tranh tàn khốc, đã làm hoen ố lịch sử nhân loại cũng vì tình đồng đạo hẹp hòi. Cho đến thế kỷ thứ hai mươi nầy mà người ta cho là sáng suốt, nhân loại vẫn còn chứng kiến những vụ tranh chấp võ trang mà nguyên nhân chỉ vì những người theo tôn giáo nầy không ép buộc được những người khác tư tưởng như mình. Con người ghen ghét nhau, thù hận nhau, chém giết lẫn nhau, chỉ vì không cùng chung sống được với nhau dưới một nhãn hiệu.
Nếu vạn nhất, vì không đồng tín ngưỡng mà những người khác tôn giáo với nhau không thể nhìn nhau như anh chị em trong một đại gia đình, thì sứ mạng của tất cả các vị giáo chủ trên thế gian nầy hẳn thật đã thảm bại chua cay.
Tâm Từ êm dịu vượt hẳn lên trên các tình huynh đệ hẹp hòi ấy. Phạm vi của tâm Từ không bờ bến, không biên cương, không hạn định. Tâm Từ không có bất luận một loại kỳ thị nào. Nhờ tâm Từ mà ta có thể xem tất cả chúng sanh là bạn hữu, và khắp nơi trên thế gian như chỗ chôn nhau cắt rún.
Tựa hồ như ánh sáng mặt trời, bao trùm vạn vật, tâm Từ cao thượng rải khắp đồng đều phước lành thâm diệu cho mọi người, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú.
Người có tâm Từ vô lượng vô biên như thế ấy là Ðức Phật, Ngài đã tận tâm tạo an lành hạnh phúc cho tất cả những người thân yêu kỉnh mộ Ngài cũng như những người ganh tỵ, oán ghét, và những người âm mưu ám hại Ngài.
Tâm Từ của Ðức Phật đối với Ràhula (La Hầu La), con Ngài, không có chút gì khác hơn là đối với Devadatta (Ðề Bà Ðạt Ða), người đã coi Ngài là thù nghịch và với Ðại Ðức nnanda (A Nan), vị thị giả thân tín rất kính mến Ngài.
Tâm Từ bao la rộng rãi, đồng đều, đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác ý với mình. Như chàng kia đi trong rừng với một người bạn, một người không quen biết, và một người thù, gặp một tướng cướp dữ tợn. Tên cướp quyết định phải giết một người. Nếu anh chàng chịu hy sinh mạng sống để cứu các bạn đồng hành thì ra anh thiếu tâm Từ đối với chính mình. Nếu anh tính rằng một trong ba người kia đáng chịu hy sinh thì anh lại không có tâm Từ đối với người ấy.
Ðặc điểm của tâm Từ thật sự là như vậy. Có lòng từ ái vô biên đối với người khác không có nghĩa là phải quên mình. Hy sinh mạng sống mình vì một lợi ích nào là một đức độ cao thượng khác, và không chấp ngã lại là một loại tâm cao thượng khác nữa. Ðó là quan điểm tế nhị mà ta không nên lẫn lộn. Người thực hiện tâm Từ đến mức cùng tột sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là 'Ta' lần lần mở rộng, lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẽ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.
Thật ra không có danh từ Anh ngữ nào tương đương để diễn tả đúng nghĩa chữ "Mettà" nhẹ nhàng êm dịu trong tiếng Pàli. Thiện ý, từ ái, hảo tâm, bác ái, là những danh từ được xem là gần đồng nghĩa nhất với Mettà.
Nghịch nghĩa với Mettà là sân hận, ác ý, thù oán, ghen ghét. Tâm Từ và sân hận không thể phát sanh cùng một lúc. Thù oán cũng không thể chứa đựng Metttà.
Ðức Phật dạy:
"Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ mới dập tắt lòng sân."
Không những dập tắt được lòng sân, tâm Từ, Mettà còn diệt trừ các mầm tư tưởng bất thiện đối với người khác. Người có tâm Từ (Mettà) không bao giờ nghĩ đến làm hại, làm giảm giá trị, hoặc bài xích ai, không bao giờ sợ ai, cũng không bao giờ làm ai sợ.
Kẻ thù gián tiếp thường mang lốt bạn của tâm Từ một cách sâu ẩn bất ngờ là lòng trìu mến vị kỷ. Nếu quan niệm không đúng, tâm Từ có thể dễ dàng trở thành luyến ái. Kẻ thù gián tiếp nầy thật là tế nhị mà cũng thật hiểm độc. Nó hành động như người ẩn núp trong rừng sâu hay ở sau một sườn núi để chờ cơ hội ám hại một người khác. Trìu mến đem lại đau khổ. Tâm Từ chỉ tạo an lành hạnh phúc.
Ðây là điểm tế nhị mà ta không nên hiểu lầm. Cha mẹ thương yêu trìu mến con, con trìu mến thương yêu cha mẹ; vợ mến chồng, chồng mến vợ.
Tình thương và tâm luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự kiện tự nhiên. Thế gian không thể tồn tại nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luyến ái luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, không sánh được với tâm Từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la. Do đó tâm Từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ.
Cố ý mong muốn làm cho kẻ khác được yên vui là đặc điểm quan trọng của tâm Từ. Người có tâm Từ luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sanh, chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không bao giờ nhìn phần xấu xa hư hỏng của một ai.

Tâm Từ đem lại nhiều quả phúc:
1) Người có tâm Từ luôn luôn ngủ được an vui. Ngủ với tâm trạng thơ thới, không giận hờn, không lo âu sợ sệt, tự nhiên giấc ngủ sẽ đến dễ dàng. Mỗi người đều có thể kinh nghiệm. Người có tâm Từ nhắm mắt là ngủ, và ngủ ngon lành.
2) Khi đi ngủ với tâm từ ái an lành, tự nhiên lúc tỉnh giấc, thức dậy cũng với tâm an lành. Người từ ái bi mẫn thường ngủ dậy với gương mặt vui vẻ.
3) Người có tâm Từ không bị những điềm chiêm bao mộng mị khuấy rầy tâm trí, không thấy những điều xấu xa, ghê tợn. Trong khi thức, lòng đầy tâm Từ thì trong lúc ngủ cũng thanh bình an lạc. Dầu có nằm mộng cũng thấy điều vui vẻ an lành.
4) Người có tâm Từ đối với kẻ khác, tất nhiên sẽ gặt hái những cảm tình ưu ái của mọi người.
Khi nhìn vào gương, nếu mặt ta vui vẻ hiền lành, phản ảnh của nó sẽ hiền lành vui vẻ. Trái lại nếu mặt ta cau có quạu quọ, phản ảnh của nó ắt cũng cau có quạu quọ. Cùng một thế ấy, thế gian bên ngoài là phản ảnh của những hành vi, tư tưởng, thiện hay ác của con người. Người hèn hạ xấu xa chỉ biết nhìn vào tội lỗi của kẻ khác, những gì tốt đẹp thì không màng biết đến.
Một thi hào người Anh đã viết ra những dòng thơ rất đẹp đẽ và thâm thúy, có nhiều ý nghĩa:
"Tôi nhìn anh tôi qua Kính Hiển Vi của sự Chỉ Trích
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật thô lỗ!"
Nhìn anh tôi qua Kính Viễn Vọng của sự Khinh Bỉ
Và tôi nói, "Anh tôi quả thật bé nhỏ thấp hèn!"
Rồi tôi nhìn vào 'Tấm Gương Chân Lý'
Và tôi nói, "Anh tôi thật giống hệt như tôi!"
Trong con người tốt nhất cũng có những điểm khiếm khuyết, mà trong con người xấu nhất cũng có những điểm tốt. Tại sao ta chỉ tìm phần xấu xa tội lỗi mà không để ý đến phần tốt của người? Nếu mỗi người đều nhìn vào phần tốt đẹp của nhau, nhân loại đã tìm được nguồn hạnh phúc dồi dào vậy.
5) Người có tâm Từ chắc chắn là bạn thân của nhân loại mà cũng là bạn thân của tất cả chúng sanh. Loài cầm thú cũng lấy làm vui thích được sống gần những bậc hiền nhân đạo đức. Các vị tu sĩ sống đơn độc một mình ở chốn rừng sâu, giữa đám sài lang hổ báo, chỉ nhờ có tâm Từ để tự bảo vệ.
6) Do năng lực của tâm Từ (mettà) thuốc độc không hại được hành giả, ngoại trừ trường hợp người ấy phải trả một nghiệp xấu đã tạo trong quá khứ.
Vì tâm Từ (mettà) là một năng lực dũng mãnh, khi được thực hành đúng mức có khả năng đổi dữ ra lành. Cũng như tư tưởng oán ghét thù hận có thể tạo nên những chất độc ảnh hưởng đến cơ thể con người, cùng thế ấy tâm Từ có thể tạo ảnh hưởng an lành giúp hành giả thêm sức khoẻ. Tư tưởng độc ác đầu độc con người. Tư tưởng trong sạch giúp cơ thể con người trở nên lành mạnh.
Kinh sách có chép lại chuyện bà Suppiyà, một tín nữ giàu lòng bi mẫn và có tâm đạo nhiệt thành. Bà Suppiyà mang một vết thương nặng trên vế. Hôm nọ, Ðức Phật đi bát đến trước nhà, được chồng bà cho biết rằng bà đang lâm bệnh không thể ra đảnh lễ Ngài. Ðức Phật bảo cứ đưa bà ra. Bà cố gắng đi lần ra cửa. Vừa thấy mặt Ðức Phật, vết thương của bà bỗng dưng lành lại, bà trở nên mạnh khỏe như thường.
Chính lòng thành kính trong sạch của bà khi được diện kiến Ðức Phật, hợp với năng lực của tâm Từ mà Ðức Phật rải đến, đã cứu bà khỏi bệnh.
Một đoạn kinh khác thuật rằng khi Ðức Phật trở về quê nhà lần đầu tiên, con Ngài là Ràhula (La Hầu La), lúc ấy vừa lên bảy, đến gần Ngài và bạch:
"Bạch Ðức Sa Môn, chỉ cái bóng của Ngài cũng đủ làm cho lòng con mát mẻ lạ thường."
Tâm Từ của Ðức Phật bao trùm lấy cậu bé Ràhula và có một năng lực hấp dẫn mạnh mẽ làm cho cậu vô cùng cảm kích.
7) Người có tâm Từ luôn luôn được chư Thiên hộ trì.
8) Tâm Từ được an trụ dễ dàng vì không bị những tư tưởng trái ngược khuấy động.
Với tâm thanh bình an lạc, người có tâm Từ sẽ sống ở cõi trời, và cõi trời ấy chính ta tạo ra. Chí đến những ai lân cận tiếp xúc với người có tâm Từ cũng chứng nghiệm được phước lành ấy.
9) Người có tâm Từ gương mặt tươi sáng vì gương mặt là phản ảnh của nội tâm. Lúc giận, máu trong cơ thể chạy mau gấp đôi ba lần lúc bình thường, trở nên nóng, dồn lên làm đỏ mặt tía tai. Tâm Từ trái lại làm cho tinh thần vui vẻ, thân có cảm giác thoải mái an lành, máu được thanh lọc trong sạch và gương mặt hiền từ dễ mến.
Kinh sách chép rằng sau khi Ðức Phật thành tựu Ðạo Quả Phật, trong lúc ngồi tham thiền, suy niệm về pháp Nhân Quả Tương Quan (Patthanà), tâm hoàn toàn an trụ và máu trong cơ thể tuyệt đối thanh tịnh, lúc ấy từ bên trong pháp thân Ngài phát tủa ra những ánh hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, và màu cam, bao phủ châu thân Ngài.
10) Người thấm nhuần tâm Từ đến lúc lìa đời cũng được an vui, vì trong lòng không chứa chấp tư tưởng sân hận. Sau khi tắt thở, gương mặt tươi tỉnh ấy là phản ảnh của sự ra đi thanh bình an lạc.
11) Chết an vui, người có tâm Từ sẽ tái sanh vào cảnh giới nhàn lạc.
Nếu đã đắc Thiền (Jhàna), người ấy sẽ tái sanh vào cảnh giới của chư Phạm Thiên.

Năng Lực Của Tâm Từ (Mettà)
Ngoài những lợi ích có tánh cách vật chất, tâm Từ còn có năng lực hấp dẫn mạnh mẽ phi thường. Tâm Từ có thể gieo những ảnh hưởng tốt đẹp từ xa đến một người khác. Mọi người đều cảm thấy yên vui khi ở gần người lành.
Một hôm, Ðức Phật đến chỗ nọ. Trong hàng các thân hào đến đảnh lễ Ngài, có một trưởng giả tên Roja, trước kia là bạn thân của Ðức nnanda. Thấy Roja, Ðại Ðức nnanda nói: "Sư lấy làm vui mà thấy Roja hôm nay đến đây đảnh lễ ra mắt chào mừng Ðức Phật." Roja liền trả lời: "Thật ra không phải tôi đến đây để tỏ lòng thành kính Ðức Phật. Sở dĩ tôi đến đây hôm nay là vì chúng tôi đánh cuộc với nhau rằng người nào không đến đảnh lễ Ðức Phật sẽ bị phạt năm trăm đồng vàng. Chính vì sợ mất tiền mà tôi đến."
Ðức nnanda lấy làm thất vọng, đến bạch tự sự cho Ðức Phật rõ và xin Ngài tế độ người bạn thân của mình. Ðức Phật liền rải tâm Từ đến Roja, rồi trở về tịnh thất.
Lúc ấy Roja thấy khắp châu thân mình đượm nhuần một luồng cảm xúc mát mẻ lạ thường dường như từ Ðức Phật đưa đến. Bị cảm kích quá mạnh, chàng không thể cưỡng kháng lại ý muốn gặp ngay Ðức Phật. Không khác nào bò con chạy theo mẹ, Roja chạy vào chùa, từ tịnh thất nầy đến tịnh thất kia, để tìm Ðức Phật. Ðược chỉ dẫn đến nơi, Roja gỏ cửa. Cửa vừa mở, ông lật đật đảnh lễ Ðức Phật, rồi nghe Ðức Phật giảng Pháp và xin quy y.
Ðó là một trường hợp cho thấy rằng tâm Từ có sức hấp dẫn thật mạnh mà mỗi người đều có thể tu tập, tùy theo khả năng của mình, vì cũng như các đức tánh khác trong Tứ Vô Lượng Tâm, tâm Từ luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong mọi người.
Trong một tích chuyện khác, có người muốn hại Ðức Phật, cho voi uống rượu đến say rồi lùa chạy ngay lại phía Ngài. Con voi hung tợn cắm đầu chạy đến Ðức Phật, định làm dữ. Thản nhiên, Ðức Phật rải tâm Từ đến voi và chế ngự trong khoảnh khắc.
Mẫu chuyện hứng thú sau đây có thể được tường thuật nhằm cho thấy đến mức độ nào một vị Bồ Tát có thể rải tâm Từ vô lượng đến người cha đã hạ lệnh giết Ngài. Mặc dầu trẻ tuổi Bồ Tát nghĩ như thế nầy:
"Ðây là cơ hội quý báu để ta thực hành tâm Từ. Ðứng trước đây là cha ta. Mẹ ta đang khóc than thê thảm. Kìa là đao phủ sẵn sàng hành quyết ta, và ta đây là nạn nhân đang đứng ở giữa. Ta phải rải tình thương đồng đều đến tất cả bốn người. Ngưỡng nguyện cha ta khỏi phải chịu quả xấu do hành động hung ác nầy gây ra. Mong cầu cha ta, mẹ ta, tên đao phủ, và ta, được hạnh phúc an vui, không đau khổ, không tật bệnh, không gây oan trái. Nhờ năng lực tâm Từ nầy, ngưỡng nguyện rằng ngày kia ta sẽ thành Phật."
Trong vô lượng tiền kiếp, một ngày kia, khi Ðức Phật còn là Bồ Tát, đang hành Nhẫn Nhục Ba La Mật trong ngự uyển. Hôm ấy nhà vua say rượu. Muốn thử xem hạnh nhẫn nhục của Ngài đến đâu, vua truyền lệnh cắt tay và chân Ngài. Ngài vẫn điềm nhiên, lặng lẽ hành pháp nhẫn. Vua lấy làm tức giận, dùng gót chân đá vào ngực Ngài. Ngài ngã gục trên vũng máu, hoi hóp thở những hơi thở cuối cùng, nhưng lòng vẫn bảo lòng:
"Người như ta không bao giờ sân hận, oán thù."
Một vị tỳ khưu xứng đáng phải có tâm Từ rộng rãi bao la. Không đào đất, cũng không bảo người đào, vì sợ rủi ro làm chết côn trùng. Vị tỳ khưu chân chánh cũng không uống nước chưa lọc. Lời dạy sau đây của Ðức Phật cho ta một ý niệm thế nào là tâm Từ mà một vị tỳ khưu nên có:
"Nếu có bọn cướp hung tợn dùng cưa cưa con ra từng mảnh và nếu con sanh tâm tức giận hoặc căm thù kẻ cướp, chính lúc ấy con đã không thực hành lời dạy của Như Lai."
Quả thật rất khó mà chịu đựng và nhẫn nại đến mức ấy. Nhưng đó là mức sống lý tưởng mà Ðức Phật trông đợi hàng đệ tử Ngài cố gắng thành đạt. Chính Ðức Phật đã nêu gương lành cao thượng. Ngài dạy :
"Như đàn voi lâm trận không kể lằn tên mũi đạn, ta phải can đảm chịu đựng những điều bất hạnh của đời. Phần lớn nhân loại sống ngoài khuôn khổ giới luật. Ta phải có thái độ của đàn voi lâm trận: mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác, bình tĩnh hứng lấy những nỗi chua cay của đời, và thản nhiên vững bước trên đường phạm hạnh."
Chúng ta đang sống trong một thế gian hỗn loạn, giữa những tình thế căng thẳng và luôn luôn lo sợ hiểm họa chiến tranh. Các quốc gia ngày nay ráo riết võ trang chống đối lẫn nhau và nhân loại không ngớt phập phồng chờ đợi một loại võ khí nguyên tử thình lình từ không trung rơi xuống.
Trong giờ phút nầy, thế gian ắt đang trông đợi một tâm đại từ đại bi cứu khổ để mỗi người được sống an lành trong cảnh thái bình, thuận hòa trong tình huynh đệ.
Ta lại tự hỏi : "Trước sự hăm dọa của bom đạn, trên thực tế có thế nào ta bình thản thực hành tâm Từ được không?" Một người thường có thể làm gì để chống lại đám mưa bom? Trong tay không có một món vũ khí, người dân thường có thể làm gì để chặn đứng lằn tên mũi đạn?
Trước cái chết sắp đến, tâm Từ của Phật Giáo là một khí giới ôn hòa và hữu hiệu để ngăn ngừa bom đạn.
Nếu các quốc gia hiếu chiến khứng chịu đem tâm Từ thay thế vũ khí để cai trị thế gian bằng công lý và tình thương, thay vì bạo lực cường quyền, thì nhân loại ắt được an cư lạc nghiệp và hạnh phúc lâu dài.
Gác qua một bên những vấn đề quan trọng mà chính ta không thể giải quyết, ta nên quan tâm đến riêng phần ta và phần còn lại của nhân loại bằng cách tận lực chuyên cần trau giồi và phát triển phẩm hạnh từ ái (mettà) dịu hiền.

Thực Hành Tâm Từ (Mettà) Như Thế Nào?
Sau đây là một vài chỉ dẫn thực tế để thực hành tâm Từ.
Trước tiên hành giả phải gieo trồng tâm Từ cho chính mình. Muốn vậy, phải rải khắp châu thân và tâm những tư tưởng an vui hạnh phúc.
Hành giả tưởng niệm:
"Tâm tôi rất yên tĩnh, thân tôi rất an vui. Tôi không bệnh hoạn, không phiền não, không lo âu, không sân hận. Tôi thể hiện tâm Từ. Hào quang từ ái bao phủ chung quanh tôi dập tắt mọi tư tưởng ích kỷ, mọi xúc động thù nghịch. Tôi không còn cảm xúc trước cơn xung nộ xấu xa của kẻ khác. Tôi lấy tốt đáp xấu, lấy tâm Từ trả lại lòng sân hận."
Hằng ngày rèn luyện tinh thần như thế, dần dần hành giả trở nên vô cùng quảng đại, quên tất cả những điều xấu xa của kẻ khác và giữ tâm hoàn toàn trong sạch, không còn bợn nhơ sân hận, oán thù.
ánh sáng hạnh phúc tủa ra khắp châu thân, hành giả ban rải hạnh phúc ấy đến người khác bằng những tư tưởng an lành và bằng những hành động vị tha, thể hiện tâm Từ trong cuộc sống hằng ngày.
Khi tâm được an vui và không bị những tư tưởng sân hận làm chao động, hành giả sẽ dễ dàng rải tâm Từ đến cho kẻ khác. Ta không thể cho ai một vật mà chính ta không có. Trước khi muốn làm cho người khác được an vui, chính hành giả phải được an vui, phải biết làm thế nào cho mình được an vui.Hành giả rải tâm Từ đến thân bằng quyến thuộc, riêng từng người, rồi đến toàn thể, và ước mong mọi người đều lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, sân hận.
Hành giả cũng rải tâm Từ đến bạn bè và những người không quen biết và thành thật ước mong cho những người nầy, như trước kia đã ước mong cho mình và thân bằng quyến thuộc mình được an vui, hạnh phúc và lánh xa phiền não, bệnh tật, lo âu, và sân hận.
Sau cùng, mặc dầu là khó, hành giả rải tâm Từ đến cho những người có ác ý với mình, nếu có. Rải tâm Từ đến những người coi mình là thù nghịch, lấy thái độ ôn hòa đối lại những cử chỉ bất hòa là hành động của bậc anh hùng quân tử, đáng được làm gương cho đời. Ðức Phật dạy: "Hãy giữ tâm luôn luôn trong sạch giữa đám người đầy thù hận."
Hành giả rải tâm Từ đến tất cả chúng sanh, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, màu da, hay nam nữ, không trừ bỏ một loài cầm thú nhỏ nhen câm điếc nào. Hành giả tự đồng hóa với tất cả, tự mình chan hòa trong toàn thể, thấy vạn vật và mình là một. Tâm không còn một điểm vị kỷ, hành giả đã vượt lên khỏi mọi hình thức chia rẽ riêng tư. Không bị giam hảm trong những tư tưởng hẹp hòi, không chịu ảnh hưởng của tinh thần đấu tranh giai cấp, quốc gia, chủng tộc, tôn giáo, hành giả có thể nhìn toàn thể thế gian là nơi chôn nhau cắt rún và tất cả mọi người là bạn đồng hành trong đại trùng dương mà ta gọi là đời sống của muôn loài vạn vật.

2. Tâm Bi (Karunà)
Ðức tánh thứ nhì giúp con người trở nên cao thượng là tâm Bi (karunà). Bi được định nghĩa là động lực làm cho tâm người tốt rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, hay cái gì thoa dịu niềm khổ đau sầu não của người. Ðặc tánh của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ.
Lòng người có tâm Bi thật là mềm dịu, hơn cả những tai hoa. Ngày nào chưa cứu giúp được kẻ khác, tâm Bi không hề thỏa mãn. Lắm khi, để làm êm dịu nỗi khổ đau của kẻ khác, người có tâm Bi không ngần ngại hy sinh đến cả mạng sống mình. Sự tích Túc Sanh Truyện VyàghrÊ Jàtaka đã nói lên gương lành của một vị Bồ Tát tự hiến thân để cứu một con cọp mẹ và bầy con khỏi chết đói.
Chính do nhờ tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ. Người có tâm Bi không sống riêng cho mình, mà cũng sống cho kẻ khác và luôn luôn tìm cơ hội để giúp đời, nhưng không bao giờ cầu mong được đền ơn đáp nghĩa.

Ai Cần Ðến Tâm Bi?
Nhiều người trong chúng ta đáng thọ nhận lòng bi mẫn của ta. Những kẻ nghèo nàn đói rách, những người túng thiếu cơ hàn, đau ốm, cô đơn, dốt nát, hư hèn, người có đời sống bẫn thỉu buông lung, là hạng người cần đến tâm Bi của những tấm lòng trắc ẩn cao thượng, không luận nam nữ, không phân chủng tộc, giai cấp hoặc tôn giáo.
Có nhiều quốc gia giàu về vật chất mà nghèo về tinh thần. Cũng có những dân tộc khác, giàu về tinh thần mà nghèo về vật chất. Chẳng luận tinh thần hay vật chất, bổn phận cao cả của người giàu là giúp đỡ kẻ nghèo. Biết bao nhiêu đàn ông, đàn bà, trẻ em, đang sống trong cảnh cơ hàn, thiếu thốn đến cả những vật dụng cần thiết. Nếu các đại phú gia đem tiền của dư dả ra giúp đỡ cho hạng người nầy, công tác từ thiện ấy chắc không đến nổi làm tổn hại tài sản của họ.
Một lần nọ, có chàng sinh viên trẻ tuổi về nhà xin phép mẹ gỡ bức màn treo trên cửa để cho một người nghèo khó, đói rách. Chàng nói rằng không có bức màn nầy, cái cửa không đến nỗi phải chịu lạnh, nhưng nếu thiếu quần áo che thân, chắc chắn người nghèo kia phải khổ sở vì lạnh. Thái độ hảo tâm thương người của chàng sinh viên và của bà mẹ đáng là một gương lành cao quý.
Nhân loại lấy làm vinh hạnh ghi nhận rằng một vài quốc gia giàu có đã tổ hợp lại thành những cơ quan từ thiện nhằm giúp đỡ những dân tộc kém mở mang bằng mọi cách, đặc biệt là ở á Châu. Trong hầu hết các quốc gia, nhiều tổ chức từ thiện gồm đủ hạng -- nam, nữ và sinh viên -- đã hoạt động mạnh mẽ để mang lại cho hạng người nghèo đói và túng thiếu những sự giúp đỡ cần thiết. Các đoàn thể tôn giáo, trong phạm vi khiêm tốn của mình, cũng tận dụng khả năng để làm tròn phận sự. Các quốc gia kém mở mang đang cần trại dưỡng lão, cô nhi viện và những tổ chức từ thiện tương tợ.
Trong vài quốc gia, nạn ăn xin vẫn cần phải được giải quyết. ở những nơi nầy, ăn xin đã trở thành nghề sinh sống. Vì lòng bi mẫn đối với hạng người bất hạnh nầy vấn đề phải được Chánh Quyền giải quyết thỏa đáng vì đó là một sĩ nhục cho quốc thể.
Người giàu tiền của có bổn phận giúp đỡ kẻ nghèo về vật chất. Cùng thế ấy, người giàu tinh thần đạo đức cũng có bổn phận giúp đỡ kẻ thiếu kém về tinh thần, mặc dầu người ấy có thể là một đại phú gia. Tiền rừng bạc bể riêng rẽ một mình, không đem lại chân hạnh phúc. Kho tàng của báu không tạo an vui tinh thần. Tâm trạng an lạc thanh bình chỉ do kho tàng đạo đức tạo nên. Nhiều người trong thế gian rất cần thức ăn tinh thần, nhưng không dễ gì thành đạt chất dinh dưỡng tâm linh nầy, vì kể về lượng, số người nghèo về tinh thần trội hơn nhiều, so với kẻ nghèo về vật chất. Lý do là vì trong cả hai hạng người -- giàu và nghèo về vật chất -- đều có những người nghèo về tinh thần.
Trong thế gian rộng lớn nầy số người đau ốm bệnh hoạn đông hơn số người nghèo túng rất nhiều. Nhiều người bệnh về vật chất, vài người bệnh về tinh thần. Khoa học cung cấp thuốc men công hiệu cho hạng người trước nhưng không có cho hạng sau. Họ là những người đang mòn mỏi héo tàn trong các bệnh viện tâm thần.
Có những nguyên nhân cho cả hai loại bệnh. Người có tâm bi mẫn, dầu nam hay nữ, phải cố gắng tiêu trừ những nguyên nhân ấy. Trong nhiều quốc gia khác nhau đã có những phương pháp để ngăn ngừa và chữa trị chẳng những cho người mà còn cho thú.
Ðức Phật đã nêu gương lành cao quý bằng cách tự tay chăm sóc người bệnh và khuyên dạy hàng đệ tử với những lời lẽ đáng ghi nhớ như sau:
"Người nào chăm sóc người bệnh là chăm sóc Như Lai."
Vài vị lương y vị tha hết lòng giúp đỡ miễn phí cho những bệnh nhân nghèo để thoa dịu nỗi khổ đau của họ. Vài vị tận dụng thời giờ và công phu để chăm sóc người bệnh, lắm khi nguy hại đến mạng sống của chính mình.
Bệnh viện và những phòng thuốc miễn phí là một phước lành cho nhân loại, nhưng đến nay vẫn còn chưa đủ cho số người nghèo. Trong những quốc gia kém mở mang người nghèo còn phải chịu nhiều đau khổ vì chưa có đủ phương tiện y khoa. Người bệnh còn phải được chở đi nhiều dặm đường khó khăn để đến một bệnh viện hay phòng thuốc gần nhất. Nhiều khi bệnh nhân chịu không nổi phải chết dọc đường. Riêng các bà mẹ thai nghén rất cần được giúp đỡ. Bệnh viện, phòng thuốc, nhà bảo sanh v.v... là những nhu cầu vô cùng thiết yếu trong các làng mạc xa xôi.
Hạng người thấp kém bần cùng đáng được các bậc giàu có bi mẫn xót thương. Lắm khi người ăn kẻ ở trong nhà không được thù lao đúng mức, không ăn đủ no, không mặc đủ ấm, và thường bị đối xử tồi tệ. Tình trạng công bình không lan đến họ. Họ bị ruồng bỏ, họ sống không được che chở vì không ai biện hộ cho. Trong vài trường hợp đặc biệt những hành động rõ ràng hung ác vô nhân đạo như vậy được xem là tự nhiên. Phần lớn các trường hợp tương tợ bị lờ đi, không được biết đến. Những kẻ bất hạnh ấy không còn cách nào khác hơn là âm thầm chịu đựng những nỗi khổ đau, giống như Ðất Mẹ thầm lặng nhận lấy tất cả những gì người ta vứt. Ðến khi không còn chịu nổi sầu muộn họ chỉ còn quyên sinh cuộc sống trong cơn tuyệt vọng.
Hạng người phóng đảng tội lỗi và dốt nát lại càng đáng được các bậc đạo đức cao thượng xót thương hơn, vì họ là những người bệnh hoạn về tinh thần và đạo đức. Không nên kết tội và khinh rẻ hạng người yếu đuối ấy vì họ đã bị lầm đường lạc nẻo, trái lại nên thương xót và dìu dắt họ trở lại đường phải.
Dầu cha mẹ thương đồng đều các con nhưng vẫn có thể đặc biệt tội nghiệp và chăm nom săn sóc những đứa ốm yếu bệnh hoạn. Cũng dường thế ấy, tâm Bi của ta phải bao trùm tất cả chúng sanh đau khổ, nhưng riêng đối với hạng người bệnh hoạn tinh thần, suy kém đạo đức, ta nên đặc biệt thương xót và hết lòng dẫn dắt họ trở lại đường lành.
Như Ðức Phật xưa kia, hết lòng thương hại và cứu độ Ambapàli, người phụ nữ lạc bước giang hồ và tận tâm tế độ Angulimàla, tên sát nhân tàn ác, toan ám hại Ngài. Về sau cả hai đều theo Ngài và hoàn toàn đổi tánh.
Ta phải hiểu biết rằng bên trong mỗi người, dầu là người xấu xa thế nào, đều có tiềm ẩn ngủ ngầm những đức tánh tốt đẹp. Ðôi khi chỉ một lời nói phải, đúng lúc, cũng có thể đổi hẳn con người từ dữ ra lành.
Như vua Asoka trước kia, tàn bạo đến đổi người đời bấy giờ gọi là "nsoka con người tội lỗi," thế mà khi nghe được những lời nói phải của một thầy sa di trẻ tuổi -- "Ðức hạnh tận tụy chuyên cần là con đường đưa đến trạng thái Vô Sanh" -- Ngài đổi hẳn tánh tình, mạnh tiến trên đường tự giác, và trở nên "Asoka con người hiền đức," một đấng minh quân (Dharmàsoka).
Ðức Phật khuyên nên xa lánh hạng người cuồng si. Như vậy không có nghĩa là ta không thể đến gần để cảm hóa cùng khuyến thiện họ. Có những bệnh nhân mắc phải chứng bệnh truyền nhiễm ngặt nghèo. Mọi người đều sợ và lánh xa. Nhưng cũng có những vị lương y hết lòng thương hại, đến gần săn sóc và chữa trị cho họ khỏi bệnh. Nếu không có các vị lương y giàu tâm Bi kia, bệnh nhân ắt phải bỏ mạng. Cùng một thế ấy, hạng người xấu xa bệnh hoạn về tinh thần ắt phải bị chìm đắm mãi mãi trong đêm tối của tội lỗi nếu không ai có lòng quảng đại thương xót và ra tay tế độ.
Thế thường, Ðức Phật tìm đến những hạng xấu xa hư hèn để cảm hóa, nhưng chính bậc đạo đức trong sạch thì lại tìm đến Ngài. Cũng như tâm Từ (mettà). tâm Bi (karunà) vô lượng, vô biên, vô hạn định, phải được rải đến cho tất cả những chúng sanh đau khổ, bơ vơ, chí đến những loài cầm thú câm điếc, và những chúng sanh còn trong trứng.
Phủ nhận quyền sống và những đặc quyền làm người chỉ vì những người nầy sanh trưởng trong một giai cấp, một chủng tộc, hay có màu da như thế nào, là vô nhân đạo và độc ác. Giết, hoặc sai bảo người khác giết những con thú vô tội để bày tiệc linh đình, ăn uống hả hê, cũng là hành động trái ngược với tâm Bi. Dùng bom đạn để tiêu diệt hằng triệu sanh linh là hình thức xấu xa nhất của sự tàn bạo mà người si mê có thể làm.
Ngày nay thế gian sống trong tình trạng căm thù, sân hận, đã hy sinh vật sở hữu quý báu nhất là mạng sống, đặt trước bàn thờ để tế thần bạo lực. Tâm Bi đã chạy trốn nơi nào?Thế gian ngày nay cần những hạng người giàu lòng bi mẫn, nam và nữ, để tiêu trừ những hành động độc ác và bạo tàn.
Cũng nên ghi nhận rằng tâm Bi của Phật Giáo không phải là những giọt nước mắt nhỏ suông gọi là thương xót, bởi vì kẻ thù gián tiếp của tâm Bi là âu sầu, phiền muộn (domanassa).
Tâm Bi bao trùm những chúng sanh đau khổ trong khi tâm Từ bao gồm tất cả chúng sanh -- đau khổ và an vui.

3. Tâm Hỷ (Mudità)
Ðức tánh cao thượng thứ ba trong Tứ Vô Lượng Tâm là Hỷ, vui, (Mudità). Mudita, Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào mà là tâm hoan hỷ, vui thích với hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sanh. Tâm Hỷ có chiều hướng loại trừ lòng ganh tỵ, vốn là kẻ thù trực tiếp của nó.
Một năng lực hùng mạnh có sức phá hoại vô cùng nguy hiểm là lòng ganh tỵ. Rất thường có người lấy làm khó chịu khi thấy hoặc nghe nói người khác thành tựu mỹ mãn một công trình.
Thấy người thất bại thì vui, mà không thể chịu đựng sự thành công của kẻ khác. Thay vì vui mừng tán dương thắng lợi của người, họ cố gắng phá hoại hoặc bóp méo sự thật để gièm pha hoặc chê bai. Ðứng về một phương diện, chính người có tâm Hỷ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại, hơn là người khác, vì tâm Hỷ không chấp chứa lòng ganh tỵ. Về một phương diện khác, người thực hành tâm Hỷ luôn luôn giúp đỡ người khác vì không bao giờ muốn làm trở ngại tiến bộ và phá rối tình trạng an lạc của ai.
Cũng như tâm Từ, tâm Hỷ đối với thân bằng quyến thuộc phát hiện rất dễ dàng nhưng khó bộc lộ trước sự thành công của người thù nghịch. Thật vậy, con người bình thường chẳng những cảm thấy khó mà còn không thể biểu lộ lòng hoan hỷ vui mừng trước cái vui của người thù. Họ tìm thỏa thích trong sự cản ngăn, gây chướng ngại cho người thù thất bại.
Lòng ganh tỵ còn thúc đẩy đến mức giết người bằng cách đầu độc, treo lên thánh giá, ám sát các bậc hiền lương đạo đức. Socrates, nhà hiền triết Hy Lạp, bị bắt buộc phải quyên sinh bằng thuốc độc. Chúa Christ (Ki Tô) bị đóng đinh trên thánh giá. Thánh Gandhi (Cam Ðịa) bị ám sát.
Ðó là bẩm tánh tội lỗi của người thế gian, đang miệt mài say đắm trong ảo mộng. Nếu so sánh với tâm Từ và tâm Bi, tâm Hỷ lại càng khó thực hiện. Muốn phát triển tâm Hỷ phải có ý chí mạnh mẽ và phải tận lực cố gắng.
Người phương Ðông có thành thật thỏa thích với sự thịnh vượng của người phương Tây không? Người phương Tây có thành thật thỏa thích với sự thịnh vượng của người phương Ðông không? Quốc gia nầy có vui mừng thấy một quốc gia khác sung túc an lạc không? Chủng tộc nầy có hoan hỷ ghi nhận rằng một chủng tộc khác đang vươn mình trưởng thành trong cảnh an cư lạc nghiệp không? Mặc dầu mục đích của các tôn giáo là trau giồi tinh thần đạo đức, giáo phái nầy có vui mà thấy ảnh hưởng tinh thần của một giáo phái khác bành trướng mạnh mẽ không?
Tôn giáo nầy ganh tỵ với tôn giáo khác. Phần bên nầy quả địa cầu ganh tỵ với phần bên kia. Tổ chức nầy ganh tỵ với tổ chức kia. Hảng buôn nầy ganh tỵ với hảng buôn khác. Gia đình nầy ganh tỵ với gia đình khác. Học trò ganh tỵ với học trò, chí đến anh chị em trong một nhà có khi cũng ganh tỵ lẫn nhau.
Ðó là lý do tại sao mỗi cá nhân và mỗi nhóm người, trong đời sống cá nhân cũng như trong cuộc sống tập thể, nên thực hành tâm Hỷ để vươn mình tiến lên trong nếp sống thanh cao trong sạch và tạo hoàn cảnh an lành hạnh phúc cho chính mình.
Ðặc tánh của tâm Hỷ là hoan hỷ với người thành công, người lộc cao phúc hậu (anumodanà). Vui cười không phải là đặc tánh của tâm Hỷ và ra vẻ hân hoan, giả làm ra tuồng thỏa thích, được coi là kẻ thù gián tiếp của tâm Hỷ.
Tâm Hỷ (Mudità) bao trùm tất cả chúng sanh thịnh vượng và hữu phúc, là phẩm hạnh thành thật chia vui, chung cùng hoan hỷ với lòng ngợi khen. Tâm Hỷ có chiều hướng loại trừ mọi hình thức bất mãn (arati), trước sự thành công của người khác.

4. Tâm Xả (Upekkhà)
Upekkhà (Xả) là đức tánh thứ tư trong Tứ Vô Lượng Tâm, khó thực hành nhất, mà cũng cần thiết nhất trong bốn phẩm hạnh cao thượng nầy. Phạn ngữ Upekkhà do hai căn "upa" và "ikkha" hợp thành. Upa là đúng đắn, chân chánh, vô tư. Ikkha là trông thấy, nhận định, suy luận. Vậy Upekkhà là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chánh, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Không tham cũng không sân.
Tâm Xả đặc biệt cần thiết cho người tại gia cư sĩ, còn phải sống trong một thế gian kém quân bình giữa những hoàn cảnh vô thường biến đổi.
Khinh rẻ, phỉ báng, nguyền rủa là thường tình. Thế gian nầy là vậy, hạng người trong sạch đạo đức thường bị chỉ trích bất công và bị khiển trách. Giữa cơn giông tố của trường đời, người trau giồi tâm Xả cao thượng luôn luôn giữ tâm bình thản.
Ðược và thua, danh thơm và tiếng xấu, tán dương và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ là tám pháp thế gian (atthalokadhamma, bát phong: được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ) ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Phần lớn con người bị chao động vì những trạng thái thuận lợi và bất thuận lợi ấy. Ðược tán dương ca tụng thì vui thích, bị chê bai khiển trách thì buồn rầu.
Người trí tuệ minh mẫn, Ðức Phật dạy, luôn luôn thản nhiên hành tâm Xả, vững chắc như tảng đá to sừng sựng giữa những thăng trầm của thế sự.
Cuộc sống thăng bằng và luôn luôn bình thản của Ðức Phật là gương lành cao quý về tâm Xả mà Ngài ban tặng cho thế gian.
Chưa từng có vị giáo chủ hoặc một nhân vật nào bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đả kích, sỉ nhục, hoặc bị lăng mạ nhiều như Ðức Phật, nhưng cũng không có ai được tán dương, tôn kính và sùng bái như Ðức Phật.
Ngày kia, trong khi Ðức Phật đi trì bình khất thực, có một đạo sĩ Bà La Môn ngạo mạn kêu Ngài là cùng đinh và đối xử hết sức vô lễ. Ðức Phật thản nhiên chịu đựng và ôn hòa giải thích cho đạo sĩ thế nào là cùng đinh và vì sao chẳng nên khinh rẻ hạng người nầy. (Vasala Sutta, Kinh Cùng Ðinh) Vị đạo sĩ lấy làm khâm phục và xin quy y với Ngài.
Một lần khác có người thỉnh Ðức Phật đến nhà trai tăng. Khi Ðức Phật đến, chủ nhà lại dùng lời vô lễ, đối xử với Ngài một cách thậm tệ gọi Ngài là "heo," là "loài cầm thú, là "bò" v.v..." Nhưng Ðức Phật không tức giận. Ngài không trả thù, ôn tồn hỏi chủ nhà: Nếu biết có khách đến nhà thì Ông làm sao?
-- Tôi sẽ chuẩn bị, dọn một bữa cơm để khoản đãi khách.
-- Tốt lắm, Ðức Phật nói, nhưng rồi nếu khách không đến thì sao?
-- Thì tôi sẽ cùng với vợ và con chia nhau bữa cơm.
-- Tốt lắm, nầy Ông, hôm nay Ông mời Như Lai đến nhà để trai tăng. Ông đã dọn lên cho Như Lai những lời thô lỗ cộc cằn.
Như Lai không nhận. Vậy xin Ông hãy giữ lấy.
Những lời nói nầy đã làm đổi hẳn thái độ của chủ nhà.
"Không nên trả thù. Khi bị nguyền rủa, mắng chửi, phải biết làm câm như cái mõ bể. Ðược như vậy tức đã đứng trước ngưỡng cửa Niết Bàn, mặc dầu trong thực tế chưa đắc Quả Niết Bàn."
Ðó là những lời vàng ngọc mà Ðức Phật khuyên nên ghi nhớ hằng ngày trong kiếp sống vô thường biến đổi nầy.
Có lần nọ, một mệnh phụ phu nhân xúi giục một người say rượu đến nhục mạ Ðức Phật thậm tệ đến đổi Ðại Ðức nnanda, người thị giả thân tín, không thể chịu được, kính bạch Ðức Phật nên sang xứ khác. Nhưng Ngài không xúc động.
Một người phụ nữ khác giả có mang để vu oan Ðức Phật giữa công chúng. Một thiếu phụ khác nữa bị giết để vu cáo Ðức Phật phạm tội sát nhân. Một người bà con vừa là đệ tử của Ðức Phật cũng manh tâm lăn đá từ trên đồi cao, quyết sát hại Ngài. Trong hàng đệ tử của Ngài cũng có người chỉ trích Ngài là ganh tỵ, thiên vị, bất công, v.v...
Ðàng khác, bao nhiêu người đã tán dương công đức và ca tụng Ðức Phật. Bao nhiêu vua chúa đã kính cẩn khấu đầu lễ bái dưới chân Ngài.
Như Ðất Mẹ, Ðức Phật nhận lãnh tất cả với tâm Xả hoàn toàn.
"Vững như voi không run sợ trước tiếng động, ta không nên để tâm rối loạn trước những lằn tên có tẩm thuốc độc của miệng lằn lưỡi mối. Như gió thổi ngang màn lưới mà không vướng mắc trong lưới, tuy sống giữa chợ người ta không nên say mê luyến ái những lạc thú huyền ảo của thế gian vô thường biến đổi nầy. Như hoa sen không bị bùn dơ nước đục làm nhơ bẩn, vượt lên khỏi bao nhiêu quyến rũ của thế gian, ta phải sống trong sạch, luôn luôn tinh khiết, an lạc và thanh bình, không bị nhiễm ô."
Như trong trường hợp của ba phẩm hạnh kia, người thù trực tiếp của tâm Xả là luyến ái (ràga) và kẻ thù gián tiếp là trạng thái lãnh đạm, thái độ lạnh lùng, xây lưng với thế sự.

Upekkhà (tâm Xả) lánh xa tham ái và bất mãn. Thái độ vô tư, thản nhiên, an tĩnh, là đặc tánh chánh yếu của tâm Xả.
Người có tâm Xả không bị lạc thú trần gian quyến rũ, không thích thú say mê trong hạnh phúc, cũng không bị những gì nghịch ý làm bực tức buồn phiền hay bất mãn trong khổ đau.
Người có tâm Xả không thấy sự khác biệt giữa người tội lỗi và bậc Thánh Nhân và đối xử đồng đều với tất cả.
* * *
Tâm Từ bao trùm tất cả mọi chúng sanh; tâm Bi, những chúng sanh đau khổ; tâm Hỷ, những chúng sanh hạnh phúc; tâm Xả phủ khắp những gì tốt đẹp và những gì xấu xa, những điều khả ái và những điều khả ố, những thích thú và những nghịch lòng.
Những ai có nguyện vọng trở thành bậc Thánh Nhân trong chính kiếp sống nầy, có thể hằng ngày phát triển và trau giồi bốn đức hạnh cao thượng trên, vốn luôn luôn tiềm tàng ngủ ngầm bên trong mọi người.
Những ai có nguyện vọng trở nên toàn thiện và bi mẫn gia công tạo an lành cho tất cả, trong khoảng thời gian còn triền miên sanh tử theo vòng luân hồi, có thể kiên trì cố gắng, phát triển mười pháp Ba La Mật (Pàramì), và cuối cùng, thành tựu Ðạo và Quả Chánh Ðẳng Chánh Giác (Sammà Sambuddha), Chánh Biến Tri.
Những ai có nguyện vọng tận diệt mọi khát vọng của mình và chấm dứt đau khổ bằng cách chứng ngộ Niết Bàn nhân cơ hội sớm nhất, có thể chuyên cần noi theo Con Ðường Duy Nhất -- Bát Chánh Ðạo -- mà đến nay vẫn còn được giữ nguyên vẹn tánh cách tinh túy nguyên thủy.
Ðức Phật kêu gọi :
"Nầy chư Tỳ Khưu, thí dụ như toàn thể vùng đất mênh mông nầy trở thành nước, và người kia bỏ xuống nước một cái ách xe bò, trên ách có một lỗ. Rồi có một cơn gió thổi, đẩy trôi cái ách từ Ðông sang Tây, một cơn gió khác đẩy trôi cái ách từ Tây sang Ðông, rồi một cơn gió nữa đẩy cái ách từ Bắc xuống Nam, và một cơn khác từ Nam lên Bắc. Và cứ như thế, cái ách triền miên trôi giạt trên mặt nước. Trong khi ấy có một con rùa mù, mỗi trăm năm nổi lên mặt nước một lần. Như vậy, có thế nào con rùa mù, sau một trăm năm, trồi lên mặt nước và thọc đầu ngay vào cái lỗ duy nhất của cái ách được không?
-- Bạch Hóa Ðức Thế Tôn, quả thật con rùa mù khó làm như vậy.
-- Nầy chư Tỳ Khưu, cùng thế ấy, được sanh vào cảnh người cũng khó như vậy. Cùng thế ấy, khó có một đấng Như Lai thị hiện trên thế gian. Cùng thế ấy, Giáo Pháp (Dhamma) và Giới Luật (Vinaya) mà một đấng Như Lai tuyên bố, được truyền bá trong thế gian quả thật vô cùng hy hữu.
Nhưng nay, nầy chư Tỳ Khưu, quả thật vậy, trạng thái làm người đã được thành đạt, một đấng Như Lai đã thị hiện trên thế gian. Giáo Pháp và Giới Luật mà Ðức Như Lai tuyên bố đã được truyền bá trong thế gian.
Vậy, nầy chư Tỳ Khưu, các con phải kiên trì tinh tấn để chứng ngộ: Ðây là đau khổ, đây là nguyên nhân sanh đau khổ, đây là sự chấm dứt đau khổ, đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ." (Kindred Sayings, Tương Ưng, phần v, trang 334).
-ooOoo-
BRAHMAVIHÀRA
THE SUBLIME STATES
Venerable Narada Mahathera


"Rare is birth as a human being.
Hard is the life of mortals."
"Do not let slip this opportunity." (Dhammapada)
Man is a mysterious being with inconceivable potentialities. Latent in him are both saintly characteristics and criminal tendencies. They may rise to the surface at unexpected moments in disconcerting strength. How they originated we know not. We only know that they are dormant in man in varying degree.
Within the powerful mind in this complex machinery of man are also found a storehouse of virtue and a rubbish heap of evil. With the development of the respective characteristics man may become either a blessing or a curse to humanity.
Those who wish to be great, noble and serviceable, who wish to sublimate themselves and, serve humanity both by example and by precept, and who wish to avail themselves of this golden opportunity as human beings, endeavour their best to remove the latent vices and to cultivate the dormant virtues.
To dig up precious gems embedded in the earth men spend enormous sums of money and make laborious efforts, and sometimes even sacrifice their lives. But to dig up the valuable treasures latent in man, only persistent effort and enduring patience are necessary. Even the poorest man or woman can accomplish this task, for wealth is not an essential prerequisite to the accumulation of transcendental treasures.
It is strange that the vices latent in man seem to be almost natural and spontaneous. It is equally strange that every vice possesses its opposite sterling virtue, which does not however appear to be so normal and automatic, though still within the range of all.
One powerful destructive vice in man is anger (dosa). The sweet virtue that subdues this evil force and sublimes man is loving-kindness (mettà).

Cruelty (himsà) is another vice that is responsible for many horrors and atrocities prevalent in the world. Compassion (karunà) is its antidote.
Jealousy (issà) is another vice that poisons one's system and leads to unhealthy rivalries and dangerous competitions. The most effective remedy for this poisonous drug is appreciative joy (mudità).

There are two other universal characteristics that upset the mental equipoise of man. They are attachment to the pleasurable and aversion to the non-pleasurable. These two opposite forces can be eliminated by developing equanimity (upekkhà).

These four sterling virtues are collectively termed in Pàli "Brahmavihàra" which may be rendered by Modes of Sublime Conduct, Sublime States, or Divine Abodes.
These virtues tend to elevate man. They make one divine in this life itself. They can transform man into a superman. If all try to cultivate them, irrespective of creed, colour, race, or sex, the earth can be transformed into a paradise where all can live in perfect peace and harmony as ideal citizens of one world.
The four sublime virtues are also termed illimitables (appamannà). They are so called because they find no barrier or limit and should be extended towards all beings without exception. They embrace all living beings including animals.
Irrespective of religious beliefs, one can cultivate these sweet virtues and be a blessing to oneself and all others.


1. METTÀ
The first Sublime State is Mettà (Samskrit: Maitri). It means that which softens one's heart, or the state of a true friend. It is defined as the sincere wish for the welfare and genuine happiness of all living beings without exception. It is also explained as the friendly disposition, for a genuine friend sincerely wishes for the welfare of his friend.
"Just as a mother protects her only child even at the risk of her life, even so one should cultivate boundless loving-kindness towards all living beings" is the advice of the Buddha.
It is not the passionate love of the mother towards her child that is stressed here but her sincere wish for the genuine welfare of her child.
Mettà is neither carnal love nor personal affection, for grief inevitably arises from both.
Mettà is not mere neighbourliness, for it makes no distinction between neighbours and others.
Mettà is not mere universal brotherhood, for it embraces all living beings including animals, our lesser brethren and sisters that need greater compassion as they are helpless.
Mettà is not political brotherhood or racial brotherhood, or national brotherhood, or even religious brotherhood.
Political brotherhood is confined only to those who share similar political views, such as the partial brotherhood of Democrats, Socialists, Communists, and so forth.
Racial brotherhood and national brotherhood are restricted only to those of the same race and nation. Some nationalists love their race so much that sometimes they ruthlessly kill innocent men, women and children because they unfortunately are not blessed with blond hair and blue eyes. The white races have particular love for the white skin, the black for the black, the yellow for the yellow, the brown for the brown, the pale for the pale, the red for the red. Others of a different complexion are at times viewed with suspicion and fear. Very often to assert their racial superiority they resort to brutal warfare, killing millions by mercilessly raining bombs from the sky above. The pathetic incidents of the Second World War are striking examples which can never be forgotten by mankind.
Amongst some narrow-minded peoples, within the wider circle of their ancient nations, there exist minor circles of caste and class where the so-called brotherhood of the powerful oppressors is so limited that the oppressed are not even permitted to enjoy bare human rights merely because of the accidents of birth or class. These oppressors are to be pitied because they are confined to their water-tight compartments.
Mettà is not religious brotherhood either. Owing to the sad limitations of so-called religious brotherhood human heads have been severed without the least compunction, sincere outspoken men and women have been roasted and burnt alive; many atrocities have been perpetrated which baffle description; cruel wars have been waged which mar the pages of world history. Even in this supposedly enlightened twentieth century the followers of one religion hate or ruthlessly persecute and even kill those of other faiths merely because they cannot force them to think as they do or because they have a different label.
If, on account of religious views, people of different faiths cannot meet on a common platform like brothers and sisters, then surely the missions of compassionate world teachers have pitifully failed.
Sweet mettà transcends all these kinds of narrow brotherhood. It is limitless in scope and range. Barriers it has none. Discrimination it makes not. Mettà enables one to regard the whole world as one's motherland and all as fellow beings.
Just as the sun sheds its rays on all without any distinction, even so sublime mettà bestows its sweet blessings equally on the pleasant and the unpleasant, on the rich and the poor, on the high and the low, on the vicious and the virtuous, on man and woman, and on human and animal.
Such was the boundless Mettà of the Buddha who worked for the welfare and happiness of those who loved Him as well as of those who hated Him and even attempted to harm and kill Him.
The Buddha exercised mettà equally towards His own son Ràhula, His adversary Devadatta, His attendant Ànanda, His admirers and His opponents.
This loving-kindness should be extended in equal measure towards oneself as towards friend, foe and neutral alike. Suppose a bandit were to approach a person travelling through a forest with an intimate friend, a neutral person and an enemy, and suppose he were to demand that one of them be offered as a victim. If the traveller were to say that he himself should be taken, then he would have no mettà towards himself. If he were to say that anyone of the other three persons should be taken, then he would have no mettà towards them.
Such is the characteristic of real mettà. In exercising this boundless loving-kindness oneself should not be ignored. This subtle point should not be misunderstood, for self-sacrifice is another sweet virtue and egolessness is yet another higher virtue. The culmination of this mettà is the identification of oneself with all beings (sabbattatà), making no difference between oneself and others. The so-called "I" is lost in the whole. Separatism evaporates. Oneness is realized.
There is no proper English equivalent for this graceful Pàli term Mettà. Goodwill, loving-kindness, benevolence and universal love are suggested as the best renderings.
The antithesis of mettà is anger, ill-will, hatred, or aversion. Mettà cannot co-exist with anger or vengeful conduct. The Buddha states:


"Hatreds do not cease through hatreds:
through love alone they cease." (Dhammapada, v. 5)
Mettà not only tends to conquer anger but also does not tolerate hateful thoughts towards others. He who has mettà never thinks of harming others, nor does he disparage or condemn others. Such a person is neither afraid of others nor does he instil fear into any.
A subtle indirect enemy assails mettà in the guise of a friend. It is selfish affection (pema), for unguarded mettà may sometimes be assailed by lust. This indirect enemy resembles a person who lurks afar in the jungles or hills to cause harm to another. Grief springs from affection but not from mettà.

This delicate point should not be misunderstood. Parents surely cannot avoid having affection towards their children and children towards their parents; husbands towards their wives and wives towards their husbands. Such affection is quite natural. The world cannot exist without mutual affection. The point to be clarified here is that unselfish mettà is not synonymous with ordinary affection.
A benevolent attitude is the chief characteristic of inettà. He who practises mettà is constantly interested in promoting the welfare of others. He seeks the good and beautiful in all but not the ugliness in others.
Attendant blessings of Mettà
1) He who practises mettà sleeps happily. As he goes to sleep with a light heart free from hatred he naturally falls asleep at once. This fact is clearly demonstrated by those who are full of loving-kindness. They are fast asleep immediately on closing their eyes.
2) As he goes to sleep with a loving heart he awakes with an equally loving heart. Benevolent and compas-sionate persons often rise from bed with smiling faces.
3) Even in sleep loving persons are not perturbed by bad dreams. As they are full of love during their waking hours, they are peaceful in their sleeping hours too. Either they fall into deep sleep or have pleasant dreams.
4) He becomes dear to human beings. As he loves others, so do others love him.
When a persons looks at a mirror with a smiling face, a similar face will greet him. If, on the contrary, he looks with a wry face, he will see a similar reflection. The outside world reacts on one in the same way that one acts towards the world. One full of faults himself is apt to see the evil in others. The good he ignores. An English poet -- Bolton Hall -- has put it beautifully: --

"I looked at my brother with the Microscope of Criticism.
And I said ‘How coarse my brother is!’
I looked at him through the Telescope of Scorn
And I said, ‘How small my brother is!’
Then I looked in the Mirror of Truth
And I said, ‘How like me my brother is!’ "

Why should we see the ugliness in others when there is evil in the best of us and good in the worst of us? It would be a source of pleasure to all if we could see the good and beautiful in all.
5) He who practises mettà is dear to non-humans as well. Animals are also attracted to him. Radiating their loving-kindness, ascetics live in wild forests amidst ferocious beasts without being harmed by them.
6) Owing to his power of mettà he becomes immune from poison and so forth unless he is subject to some inexorable Kamma.
As mettà is a constructive healthy force it has the power to counteract hostile influence. Just as hateful thoughts can produce toxic effects in the system, even so loving thoughts can produce healthy physical effects. It is stated that a very generous and devout woman named Suppiyà, who had a wound in her thigh, was healed on seeing the Buddha. The peaceful thought vibrations of the Buddha and the woman combined to produce this salutary effect.
When the Buddha visited His birthplace for the first time, His son Ràhula, who was only seven years of age, approached Him and spontaneously remarked: "O ascetic, even your shadow is pleasing to me." The child was so much dominated by the Buddha's mettà that he deeply felt its magnetic power.
7) Invisible deities protect him because of the power of his mettà.

8) Mettà leads to quick mental concentration. As the mind is not perturbed by hostile vibrations one-pointedness can be gained with ease. With mind at peace he will live in a heaven of his own creation. Even those who come in contact with him will also experience that bliss.

9) Mettà tends to beautify one's facial expression. The face as a rule reflects the state of the mind. When one gets angry, the heart pumps blood twice or three times faster than the normal rate. Heated blood rushes up to the face, which then turns red or black. At times the face becomes repulsive to sight. Loving thoughts on the contrary, gladden the heart and clarify the blood. The face then presents a lovable appearance.
It is stated that when the Buddha, after Enlightenment, reflected on the Causal Relations (Patthàna), His heart was so pacified and His blood so clarified that rays of different hue such as blue, yellow, red, white, orange, and a mixture of these emanated from His body.
10) A person imbued with mettà dies peacefully as he harbours no thoughts of hatred towards any. Even after death his serene face reflects his peaceful death.
11) Since a person with mettà dies happily, he will subsequently be born in a blissful state. If he has gained the Jhànas (ecstasies), he will be born in a Brahma realm.

Power of Mettà
Besides these inevitable worldly blessings mettà possesses a magnetic power. It can produce a good influence on others even at a distance and can attract others to oneself.
Once when the Buddha visited a certain city, many distinguished nobles came to welcome Him, amongst whom was a nobleman named Roja, who was a friend of Venerable Ànanda. Seeing him, Venerable Ànanda said: "It is very kind of you, Roja, to have come to welcome the Buddha."
"No, Venerable Sir, it is not out of any reverence towards the Buddha that I have come to greet Him. We agreed amongst ourselves that whoever would not go to greet the Buddha would be fined 500 gold coins. It is through fear of the fine that I have come here to welcome the Buddha", replied Roja.
Venerable Ànanda was slightly displeased. He approached the Buddha and implored Him to preach the Dhamma to Roja.
The Buddha instantly radiated mettà towards Roja and retired to His chamber.
Roja's body was saturated with the mettà of the Buddha. He was electrified, so to say, with the magnetic power of Buddha's irresistible love. Just as a calf would run after its mother he ran from cell to cell in the monastery inquiring where the Buddha was. The monks directed him to the Buddha's chamber. He knocked at the door. The Buddha opened it. In he went, saluted the Buddha, heard the doctrine, and became a convert.
Such is the magnetic power of mettà which everyone can exercise according to his ability.
On another occasion an intoxicated elephant was driven towards the Buddha in an effort to kill Him. The Buddha calmly radiated His love towards the elephant and subdued it.
A beautiful story may be cited to show how the Bodhisatta as a boy extended his boundless mettà when his own father ordered him to be killed. Young though he was, the Bodhisatta thought to himself:--
"Here is a golden opportunity for me to practise my mettà. My father stands before me, my good mother is weeping, the executioner is ready to chop off my hands and feet. I, the victim, am in the centre. Love I must all the four in equal measure without any distinction. May my good father not incur any suffering because of this ruthless act! May I become a Buddha in the future!"
In one of his previous births the Bodhisatta was once practising the virtue of patience in a royal park. The king, a drunkard, meaning to test his patience, ordered the executioner to beat him and cut off his hands and feet. Still he practised patience. The impatient king kicked him in the chest. Lying in a pool of blood, almost on the verge of death, the Bodhisatta blessed the king and wished him long life saying that men like himself never get angry.
A Bhikkhu is expected to practise mettà to such an extent that he is forbidden to dig or cause to dig the ground lest insects and other minute creatures die.
The high standard of mettà expected from a Bhikkhu can be understood by the following admonition of the Buddha:-- "If bandits sever your limbs with a two-handled saw, and if you entertain hate in your heart, you will not be a follower of my teaching."
Such enduring patience is extremely difficult. But, that is the lofty ethical standard the Buddha expects from His followers.
The Buddha Himself has set the noble example:
"As an elephant in the battlefield withstands arrows shot from a bow," says the Buddha, "even so will I endure abuse; verily most people are undisciplined." (Dhammapada v. 320)
This chaotic, war-weary, restless world of today, where the nations are arming themselves to their teeth, frightened of one another, where human life is endangered by nuclear weapons which may be released at any moment, is sorely in need of this universal loving-kindness so that all may live in one world in perfect peace and harmony like brothers and sisters.
Is it practically possible to exercise mettà when one is threatened with devastating bombs and other destructive weapons?
Well, what can powerless people do when bombs rain from above? Can they avert such a catastrophe?
Buddhist mettà is the only answer to such deadly bombs when one is faced with inexorable death.
If all warlike nations could be prevailed upon to substitute this spiritual mettà for the destructive weapons of materialism and rule the world not with might and force but with right and love, then only would there be genuine peace and happiness in this world.
Leaving the almost unpractical major issues aside, it is advisable to be concerned with oneself and the rest of mankind in cultivating this sweet virtue of mettà to the best of one's ability.

How to Practise Mettà
A few practical hints are given below to practise this meditation on loving-kindness.

Mettà should be practised first towards oneself. In doing so a person should charge his mind and body with positive thoughts of peace and happiness. He should think how he could be peaceful, happy, free from suffering, worry and anger. He then becomes the embodiment of loving-kindness.
Shielded by loving-kindness, he cuts off all hostile vibrations and negative thoughts. He returns good for evil, love for anger. He becomes ever tolerant and tries his best not to give occasion for anger to any. Himself beaming with happiness, he injects happiness into others not only inwardly but also outwardly by putting his mettà into practice in the course of his daily life.
When he is full of peace and is free from thoughts of hatred, it is easy for him to radiate loving-kindness towards others. What he does not possess he cannot give to others. Before he tries to make others happy he should first be happy himself. He should know the ways and means to make himself happy.
He now radiates his loving-kindness towards all his near and dear ones individually and collectively, wishing them peace and happiness and freedom from suffering, disease, worry and anger.
Diffusing his thoughts of loving-kindness towards his relatives and friends, he radiates them also towards neutrals. Just as he wishes for the peace and happiness of himself and of his near and dear ones, even so he sincerely wishes for the peace and happiness of those who are neutral to him, wishing them freedom from suffering, disease, worry and anger. Finally, though this is somewhat difficult, he should radiate his mettà in the same way towards those (if any) who are inimical to him. If, by practising mettà, he could adopt a friendly attitude towards those thought to be inimical towards him, his achievement would be more heroic and commendable. As the Buddha advises --"Amidst those who hate let him live free from hatred."
Starting from himself he should gradually extend his mettà towards all beings, irrespective of creed, race, colour, or sex, including dumb animals, until he has identified himself with all, making no distinction whatever. He merges himself in the whole universe and is one with all. He is no more dominated by egoistic feelings. He transcends all forms of separatism. No longer confining himself to water-tight compartments, no longer influenced by caste, class, national, racial, or religious prejudices, he can regard the whole world as his motherland and all as fellow beings in the ocean of life.


2. KARUNÀ
The second virtue that sublimes man is compassion (karunà). It is defined as that which makes the hearts of the good quiver when others are subject to suffering, or that which dissipates the sufferings of others. Its chief characteristic is the wish to remove the woes of others.
The hearts of compassionate persons are even softer than flowers. They do not and cannot rest satisfied until they relieve the sufferings of others. At times they even go to the extent of sacrificing their lives so as to alleviate the sufferings of others. The story of the Vyàghri Jàtaka where the Bodhisatta sacrificed his life to save a starving tigress and her cubs may be cited as an example.
It is compassion that compels one to serve others with altruistic motives. A truly compassionate person lives not for himself but for others. He seeks opportunities to serve others expecting nothing in return, not even gratitude.

Who needs compassion?
Many amidst us deserve our compassion. The poor and the needy, the sick and the helpless, the lonely and the destitute, the ignorant and the vicious, the impure and the undisciplined are some that demand the compassion of kind-hearted, noble-minded men and women, to whatever religion or to whatever race they belong.
Some countries are materially rich but spiritually poor, while some others are spiritually rich but materially poor. Both these pathetic conditions have to be taken into consideration by the materially rich and the spiritually rich.
It is the paramount duty of the wealthy to come to the succour of the poor, who unfortunately lack most of the necessaries of life. Surely those who have in abundance can give to the poor and the needy their surplus without inconveniencing themselves.
Once a young student removed the door curtain in his house and gave it to a poor person telling his good mother that the door does not feel the cold but the poor certainly do. Such a kindhearted attitude in young men and women is highly commendable.
It is gratifying to note that some wealthy countries have formed themselves into various philanthropic bodies to help under-developed countries, especially in Asia, in every possible way. Charitable organizations have also been established in all countries by men, women and students to give every possible assistance to the poor and the needy. Religious bodies also perform their respective duties in this connection in their own humble way. Homes for the Aged, Orphanages and other similar charitable institutions are needed in under-developed countries.
The beggar problem has still to be solved in some countries where begging has become a profession. Out of compassion for the unfortunate beggars this problem has to be solved satisfactorily by the respective Governments as the existence of beggars is an insult to any self-respecting nation.
As the materially rich should have compassion on the materially poor and try to elevate them, it is the duty of the spiritually rich, too, to have compassion on the spiritually poor and sublime them though they may be materially rich. Wealth alone cannot give genuine happiness. Peace of mind can be gained not by material treasures but by spiritual treasures. Many in this world are badly in need of substantial spiritual food, which is not easily obtained, as the spiritually poor far exceed the materially poor numerically, as they are found both amongst the rich and the poor.
Even more than poverty sickness prevails throughout the world. Many are physically sick, some are mentally sick. Science provides effective medicine for the former but not for the latter, who very often languish in mental hospitals.
There are causes for these two kinds of diseases. Compassionate men and women must try to remove the causes if they wish to produce an effective cure.
Effective measures have been employed by various nations to prevent and cure diseases not only of mankind but also of animals. The Buddha set a noble example by attending on the sick Himself and exhorting His disciples with the memorable words:

"He who ministers unto the sick ministers unto me."

Some selfless doctors render free services towards the alleviation of suffering. Some expend their whole time and energy in ministering to the poor patients even at the risk of their lives.
Hospitals and free dispensaries have become a blessing to humanity but more are needed so that the poor may benefit by them. In underdeveloped countries the poor suffer through lack of medical facilities. The sick have to be carried for miles with great inconvenience to the nearest hospital or dispensary for medical treatment. Sometimes they die on the way. Pregnant mothers suffer most. Hospitals, dispensaries, maternity homes, etc. are essential needs in backward village areas.
The lowly and the destitute deserve the compassion of wealthy men and women. Sometimes servants and workers are not well paid, well fed, well clothed and more often than not they are ill treated. Justice is not meted out to them. They are neglected and are powerless as there is nobody to plead for them. Glaring cases of inhuman cruelty receive publicity in some exceptional cases. Many such cases are not known. These unfortunate ones have no other alternative but to suffer meekly even as Mother Earth suffers everything in silence. When the grief is unbearable, they commit suicide in utter desperation.
The vicious, the wicked, and the ignorant deserve compassion even, more than those who suffer physically as they are mentally and spiritually sick. They should not be condemned and despised but sympathised with for their failings and defects. Though a mother has equal compassion towards all her children still she may have more compassion towards a sick child. Even so, greater compassion should be exercised towards the spiritually sick as their sickness ruins their character.
The Buddha, for instance, had great compassion towards the courtesan Ambapàli, and towards Angulimàla the murderer. Both of them later became His converts and underwent a complete reformation in character.
We must understand that greatness is latent in all however wicked they may be. Perhaps one appropriate word at the right moment may change the whole outlook of a person.
The Emperor Asoka perpetrated many crimes, so much so that he was stigmatized Asoka the Wicked. Later the words from a young novice -- "Diligence is the path to the deathless" -- produced such a great change in him that he became Asoka the Righteous (Dharmàsoka).

The Buddha's advice is to shun the company of the foolish. That does not mean that the good should not associate with them so as to reform them. People avoid those who suffer from contagious diseases. But compass-sionate physicians, attend on them so as to heal them. Otherwise they might die. In the same way the wicked may die spiritually if the good are not tolerant and compassionate towards them.
As a rule the Buddha went in search of the poor, the ignorant and the vicious, but the good and the virtuous came in search of the Buddha.
Like mettà (loving-kindness), karunà (compassion) should also be extended without limit towards all suffering and helpless beings, including dumb animals and fertile eggs.
To deny the rights and privileges of mankind on account of caste, colour, or race is inhuman and cruel. To feast on the flesh of animals by killing or causing them to be killed is not human compassion. To rain bombs from above and ruthlessly destroy millions of men, women and children is the worst form of cruelty that deluded man has ever perpetrated.
Today this pitiless, vengeful world has sacrificed the most precious thing on earth -- life -- at the altar of brute force. Whither has compassion fled?
The world needs today compassionate men and women to banish violence and cruelty from the face of the earth.
Buddhist compassion, it should be noted, does not consist in mere shedding of tears and the like, for the indirect enemy of compassion is passionate grief (domanassa).

Compassion embraces all sorrow-stricken beings, while loving-kindness embraces all living beings, happy or sorrowful.


3. MUDITÀ
The third sublime virtue is mudità. It is not mere sympathy but sympathetic or appreciative joy which tends to destroy jealousy, its direct enemy.
One devastating force that endangers our whole constitution is jealousy. Very often some cannot bear to see or hear the successful achievements of others. They rejoice over their failures but cannot tolerate their successes. Instead of praising and congratulating the successful, they try to ruin, condemn and vilify them. In one way mudità is concerned more with oneself than with others as it tends to eradicate jealousy which ruins oneself. On the other hand it aids others as well since one who practises mudità will not try to hinder the progress and welfare of others.
It is quite easy to rejoice over the success of one's near and dear ones, but rather difficult to do so over the success of one's adversaries. Yes, the majority not only find it difficult but also do not and cannot rejoice. They seek delight in creating every possible obstacle so as to ruin their adversaries. They even go to the extent of poisoning, crucifying, and assassinating the good and the virtuous.
Socrates was poisoned, Christ was crucified, Gandhi was shot. Such is the nature of the wicked and deluded world.
The practice of mettà and karunà is easier than the practice of mudità which demands great personal effort and strong will-power.
Do the Western nations rejoice over the prosperity of the Eastern and the Eastern over the prosperity of the Weostern? Does one nation rejoice over the welfare of another nation? Is one race happy over the growing prosperity of another race? Does even one religious sect, which stands for the cultivation of morals, rejoice over the spiritual influence of another sect?
One religion is jealous of another religion, one part of the globe is jealous of another part of the globe, one institution is jealous of another institution, one business firm is jealous of another business firm, one family is jealous of another family, unsuccessful pupils are jealous of successful pupils, sometimes even one brother or sister is jealous of another brother or sister.
This is the very reason why individuals and groups should practise appreciative joy if they wish to sublime themselves and be internally happy.
The chief characteristic of mudità is happy acquiescence in others’ prosperity and success (anumodanà). Laughter and the like are not the characteristics of mudità as exhilaration (pahasa) is regarded as its indirect enemy.

Mudità embraces all prosperous beings and is the congratulatory attitude of a person. It tends to eliminate any dislike (arati) towards a successful person.


4. UPEKKHÀ

The fourth sublime state is the most difficult and the most essential. It is upekkhà or equanimity. The etymo-logical meaning of the term upekkhà is "discerning rightly," "viewing justly" or "looking impartially," that is, without attachment or aversion, without favour or disfavour. (See pp. 523-524 and 596-597).
Equanimity is necessary especially for laymen who have to live in an ill-balanced world amidst fluctuating circumstances.
Slights and insults are the common lot of mankind. The world is so constituted that the good and the virtuous are often subject to unjust criticism and attack. It is heroic to maintain a balanced mind in such circumstances.
Loss and gain, fame and infamy, praise and blame, pain and happiness are eight worldly conditions (atthalokadhamma: gain and loss, fame and defame, praise and blame, happiness and pain) that affect all humanity. Most people are perturbed when affected by such favourable or unfavourable states. One is elated when one is praised, and depressed when blamed and reviled. He is wise, says the Buddha, who, amidst such vicissitudes of life, stands unmoved like unto a firm rock, exercising perfect equanimity.
The Buddha's exemplary life offers us worldlings an excellent example of equanimity.
There was no religious teacher in the world who was so severely criticised, attacked, insulted and reviled as the Buddha, and yet none so highly praised, honoured and revered as the Buddha.
Once when He went in quest of alms, He was called an outcast by an impertinent brahmin. He calmly endured the insult and explained to him that it is not birth that makes one an outcast but an ignoble character. The brahmin was converted.
Inviting him to a house for alms, a certain man entertained the Buddha with the filthiest language, current in His time. He was called 'swine', 'brute', ‘ox', etc. But He was not offended. He did not retaliate. Calmly He questioned His host what he would do when guests visited his house. He replied that he would prepare a feast to entertain them.
"Well, what would you do if they did not partake of it?" questioned the Buddha.
"In that case we ourselves would partake of the feast."
"Well, good brother, you have invited me to your house for alms. You have entertained me with a torrent of abuse. I do not accept it. Please take it back," calmly replied the Buddha.
The offender's character was completely transformed.

"Retaliate not. Be silent as a cracked gong when you are abused by others. If you do so, I deem that you have already attained Nibbàna although you have not realized Nibbàna." (Dhammapada v. 124)
Such is the advice of the Buddha.
These are golden words that should be given heed to in this ill-disciplined world of today.
Once a lady of the court induced some drunkards to revile the Buddha so much that Venerable Ànanda, His attendant disciple, implored the Buddha to leave the city and go elsewhere. But the Buddha was unperturbed.
Another woman feigned pregnancy and publicly accused the Buddha of having placed her in that condition. A woman was killed by His rivals and the Buddha was accused of murder. His own cousin and disciple Devadatta made an unsuccessful attempt to crush Him to death by hurling a rock from a cliff. Some of His own disciples accused Him of jealousy, partiality, favouritism, etc.
On the other hand many sang the praises of the Buddha. Kings prostrated themselves before His feet and paid the highest reverence.
Like the Mother Earth the Buddha suffered everything in silence with perfect equanimity.
Like a lion that does not tremble at every sound, one should not be perturbed by the poisoned darts of uncurbed tongues. Like the wind that does not cling to the meshes of a net, one should not be attached to the illusory pleasures of this changing world. Like the lotus that is unsoiled by the mud from which it springs, one should live unaffected by worldly temptations, ever calm, serene and peaceful.
As with the first three virtues so also upekkhà has for its direct enemy attachment (ràga) and for its indirect enemy callousness or unintelligent indifference.

Upekkhà discards clinging and aversion. An impartial attitude is its chief characteristic. He who practises equanimity is neither attracted by desirable objects nor is averse to undesirable objects.
His attitude towards the sinner and saint will be the same, for he makes no distinction.
* * *

Mettà embraces all beings, karunà embraces sufferers, mudità embraces the prosperous, and upekkhà embraces the good and the bad, the loved and the unloved, the pleasant and the unpleasant.
He who wishes to be divine in this life itself may daily cultivate these four sublime virtues which are dormant in all.
He who wishes to perfect himself and compassionately work for the welfare of all beings in the course of his countless births in Samsàra may strenuously develop the ten Perfections (Pàramì) and ultimately become a Sammà Sambuddha, a Supremely Enlightened One.
He who wishes to eradicate his passions and put an end to suffering by realizing Nibbàna at the earliest possible opportunity may diligently follow the unique Noble Eightfold Path which still exists in its pristine purity.
The Buddha exhorts:
"Suppose, O monks, this mighty earth were one mass of water and a man were to throw down thereon a yoke with one hole. Then comes a wind from the east and wafts it west, and a wind from the west wafts it east; a north wind wafts it south, and a south wind wafts it north. Then once at the end of a hundred years a blind turtle push his neck through that yoke with one hole whenever he popped up to the surface at the end of a hundred years?
"It is unlikely, lord, that the blind turtle would do that.
"It is just as unlikely, O monks, that one will get birth in human form; just as unlikely that a Tathàgata should arise in the world, an Arahant, a Fully Enlightened One; just as unlikely that the Norm (Dhamma) and Discipline (Vinaya) proclaimed by a Tathàgata should be shown in the world.
"But now indeed, O monks, this state of human birth is won, and a Tathàgata has arisen in the world, and the Norm and Discipline proclaimed by the Tathàgata is shown in the world.
"Wherefore, O monks, ye must make an effort to realize: This is ill, this is the cause of ill, this is the cessation of ill, this is the way leading to the cessation of ill." (Kindred Sayings, v. p. 334)
-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét