Trang

Chân Đế và Tục Đế (bài giảng 2) - Hòa thượng Thondara, Khánh Hỷ dịch

5. Chân Đế và Tục Đế
6. Phương pháp đặt câu hỏi về ba mươi hai thể trược
7. Ba loại Trí tuệ
8. Ví dụ điển hình về Ngón tay
9. Thân và Tâm, hay Danh và Sắc
10. Giải về mười tám yếu tố căn, trần, thức
11. Sự thấy
12. Sự nghe
13. Sự ngửi
 
ooOoo
        
5. Chân Đế và Tục Đế

Có hai loại sự thật: sự thật chế định, hay tục đế, và sự thật tuyệt đối, hay chân đế.
Tất cả sự vật, dầu là sinh vật hay những vật vô tri, đều có thể được chấp nhận là những sự thật trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta: đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, cha, mẹ, ghế, bàn, sông, núi, v.v... đều là sự thật chế định hay tục đế. Tất mọi sự vật, dầu là sinh vật hay vật vô tri, mà chúng ta chấp nhận là sự thật, thực ra là những vật không hiện hữu, không có thật. Chẳng có đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, cha, mẹ, ghế, bàn, sông, núi, v.v... Tất cả chỉ là vật chất và tâm hay danh và sắc mà thôi. Đó là sự thật tuyệt đối hay chân đế.
Khi sống chung đụng với mọi người trong đời sống hằng ngày thì tục đế là sự thật. Khi sống chung đụng với mọi người thì rõ ràng là có đàn ông, đàn bà, ghế, bàn, v.v... Bởi vậy, phải dùng tục đế trong khi sống trong xã hội.
Khi nói chuyện với một người khác, thì tục đế là sự thật. Khi nói chuyện với một người khác, ta không thể nói rằng: "vật chất và tâm" này đang nói với "vật chất và tâm" kia. Nói như thế thì sẽ vô nghĩa và dễ lầm lộn. Thế nên, khi giao tiếp với nhau trong cuộc sống hằng ngày, tục đế là sự thật và phải dùng tục đế.
Khi làm việc phước thiện, tục đế là sự thật và đúng. Khi làm việc phước thiện, ta không thể nói: "vật chất và tâm" này đang dâng cúng cho "vật chất và tâm" kia. Ta phải nói: một người đàn ông hay một người đàn bà đang dâng cúng cho một nhà sư. Như vậy, tục đế phải được sử dụng trong khi làm việc phước thiện.
Cũng thế, khi giữ giới thì tục đế là sự thật, chúng ta không thể bỏ tục đế. Khi một người giữ giới, chúng ta không thể nói: "vật chất và tâm" kia đang giữ giới. Ta phải nói: một thiện nam hay một tín nữ đang giữ giới. Như vậy, trong việc giữ giới, tục đế là sự thật.
Trong khi hành thiền chỉ hay thiền vắng lặng, đặc biệt là niệm tâm từ, chúng ta cần tục đế. Tục đế là sự thật khi chúng ta thiền chỉ. Trong thiền chỉ, chúng ta phải chú tâm vào tục đế như: đất, nước, xanh, vàng, đỏ, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, v.v... Vậy phải dùng tục đế khi hành thiền chỉ. Ví dụ như khi niệm tâm từ, chúng ta niệm: "Cầu mong cho tôi có đầy đủ sức khỏe, an vui hạnh phúc, cầu mong cho cha mẹ tôi có đầy đủ sức khỏe, an vui hạnh phúc...". Như vậy, chúng ta đã dùng tôi, dùng cha, dùng mẹ để làm đối tượng hành thiền. Đó là dùng tục đế để hành thiền.
Tóm lại, tục đế là sự thật khi chúng ta giao tiếp với người khác, khi làm việc phước thiện, khi giữ giới, khi hành thiền chỉ. Tục đế là sự thật rất thích hợp trong cuộc sống thế tục.
Dĩ nhiên, nếu chỉ biết đến thế tục, chỉ biết đến tục đế, thì không thể nào đạt được giải thoát, đạt được thánh quả. Chúng ta phải biết chân đế, hay sự thật tuyệt đối. Chúng ta cần chân đế khi chúng ta hành thiền minh sát. Phải thấy rõ sự thật để đạt chân lý. Chúng ta không cần chân đế trong đời sống thế tục này.
Theo chân đế thì chỉ có "vật chất và tâm".
Theo Vi Diệu Pháp, có 89 loại tâm (tâm vương) và 52 tâm sở. Nhập chung lại, ta có tâm. Nhưng trong việc hành thiền minh sát thì con số không quan trọng. Bạn chỉ cần biết một điều sau đây là đủ. Đó là: Tâm là tiến trình của nhận biết. Nếu bạn biết tâm là tiến trình của nhận biết thì bạn được xem như có đủ điều kiện để hành thiền minh sát rồi.
Có 28 loại vật chất hay sắc, nhưng trong việc hành thiền minh sát thì con số không quan trọng. Nếu bạn hiểu: Vật chất là một tiến trình không có sự nhận biết, vậy là đã đủ cho bạn hành thiền minh sát. Thế nên, theo chân đế, chỉ có Vật chất và Tâm, hay Danh và Sắc. Tâm là tiến trình của nhận biết và vật chất là tiến trình không nhận biết.
*** (Mục đích của hành thiền minh sát là thấy bản chất vô thường, khổ và vô ngã hay tam tướng của vật chất và tâm. Biểu hiện của vô thường là sự biến đổi. Biểu hiện của khổ là sự sinh diệt. Biểu hiện của vô ngã là không điều khiển hay kiểm soát, không nắm bắt kịp và không có bản chất, vừa khởi sinh là đã rơi vào không).
Chúng ta không thể thấy được sự biến đổi hay thấy tam tướng của vật chất bên ngoài như ghế, bàn, nhà cửa, sông núi... vì chúng là tục đế. Chúng ta không thể thấy được sự biến đổi hay tam tướng của vật chất trong thân của chúng ta như mặt, mũi, tay chân... vì chúng là tục đế. Chúng ta chỉ có thể nhận biết sự biến đổi hay tam tướng của vật chất bên ngoài và bên trong thân chúng ta qua các đặc tánh cứng mềm, dính hút, chuyển động và nhiệt độ... vì chúng là chân đế.
Vật chất bao gồm sự vật bên ngoài và thân chúng ta. Nhưng khó thấy được các đặc tánh cứng mềm, dính hút, chuyển động và nhiệt độ... của sự vật bên ngoài. Nếu không thấy được các đặc tánh cứng mềm, dính hút, chuyển động và nhiệt độ... của vật chất bên ngoài thì làm sao thấy được sự biến đổi hay tam tướng của vật chất.
Chúng ta chỉ có thể thấy đặc tánh cứng mềm, dính hút, chuyển động và nhiệt độ... chính trong thân của chúng ta, và qua sự quán sát các yếu tố này ta mới thấy được sự biến đổi hay tam tướng.
Khi hành thiền ta chỉ chú ý đến yếu tố vật chất trong thân chúng ta mà không cần quan tâm đến vật chất bên ngoài. Khi hành thiền, thiền sư thường dạy chúng ta chú tâm quán sát thân tâm mà ít khi nói quán sát vật chất và tâm. Vậy khi nói quán sát thân và tâm cũng có nghĩa là quán sát vật chất và tâm).
Vật chất và tâm có bản chất vừa sanh ra là diệt ngay tức khắc. Vật chất và tâm hay thân và tâm là vô thường, biến hoại, và không thể điều khiển, kiểm soát được. Chỉ có "vật chất và tâm" mà chẳng có đàn ông đàn bà, con gái, con trai, nhà cửa, ghế, bàn, v.v... chi cả.
Để bạn có thể tự kiểm chứng rằng chẳng có đàn ông, đàn bà, v.v... tôi sẽ kể cho bạn biết ba mươi hai thứ đã hợp thành thân thể này. Để có thể tự kiểm chứng là không có đàn ông, đàn bà, không có con trai, con gái, v.v... chúng ta hãy dùng phương pháp phân tích ba mươi hai bộ phận của cơ thể:

*
5. Phương pháp đặt câu hỏi về ba mươi hai thể trược
Các bạn hãy tự kiểm nghiệm lấy rằng: chỉ có thân và tâm, hay danh và sắc.
Nếu chia cơ thể này ra làm ba mươi hai phần và đặt ba mươi hai câu hỏi, bạn sẽ hiểu rõ: chẳng có anh, tôi, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái chi cả.
Đặt câu hỏi về ba mươi hai thể trược không phải là thiền minh sát. Đây chỉ là sự hiểu biết căn bản dựa trên suy nghĩ, nhưng là phương pháp hổ trợ đắc lực thiền minh sát. Đây chỉ là một loại "thoại đầu" làm phương tiện cho thiền minh sát mà thôi.
Xin luôn luôn lưu ý là: tục đế là sự thật trong đời sống thế tục, chân đế là sự thật khi bạn hành thiền minh sát. Chúng ta phải luôn luôn tách rời tục đế ra khỏi chân đế. Đừng lẫn lộn tục đế với chân đế. Trước khi đạt quả tu-đà-huờn, chúng ta phải tự thúc ép mình tin vào chân đế: không có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, ghế, bàn, sông, núi, v.v...
Để thúc ép niềm tin vào chân đế, chúng ta phải nhập tâm phương pháp hỏi ba mươi hai thể trược. Mỗi tối, trước khi đi ngủ ta phải tự hỏi ba mươi hai câu thoại đầu:

- Tóc, lông, móng, răng, da,
- Thịt, gân, xương, tủy, thận,
- Tim, gan, màng nhầy, lá lách, phổi,
- Ruột già, ruột non, dạ dày, phẩn, não.

(Đó là hai mươi thứ có đặc tánh cứng mềm nổi bậc còn gọi là những thứ thuộc về đất.)
- Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ.
- Nước mắt, nước nhớt, nước mũi, nước miếng, nước khớp xương, nước tiểu.

(Đó là mười hai thứ có tính chất dính hút nổi bậc hay còn gõi là những thứ thuộc về nước.)
Khi ba mươi hai thể trược này hợp lại thì hình thái phát sinh. Rồi ta gọi hình thái này là đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, v.v... Bạn hãy phân tích cơ thể này ra làm ba mươi hai thể trược, đặt mỗi thứ một nơi, rồi tự hỏi ba mươi hai câu hỏi:
- Tóc có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Tóc không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

Tiếp tục như thế, hỏi:
- Lông có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Lông không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

- Răng có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Răng không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

Lại hỏi tiếp:
- Móng có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Móng không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

- Răng có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Răng không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

- Da có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Da không thể là tôi, anh, đàn ông, đàn bà.

Tiếp tục như thế, hỏi:
- Thịt có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không?
- Gân có phải là tôi, anh, đàn ông, đàn bà không? v.v...

Tiếp tục hỏi về xương, tủy, thận, .... mồ hôi, nước mắt, ... nước tiểu v.v...
Bằng cách này nếu bạn hỏi ba mươi hai câu hỏi, và khi tự trả lời xong, bạn sẽ hiểu: chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà gì cả.
Nhưng khi tự hỏi và biết như thế này không phải là đã thực hành thiền minh sát. Đó chẳng qua chỉ là sự hiểu biết do suy nghĩ và lý luận mà thôi. Tuy thế, những câu hỏi này cũng rất hữu ích giúp cho việc thực hành thiền minh sát.
Dù cho bạn có tự hiểu rằng chẳng có đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, v.v... chi cả, thì sự hiểu biết này cũng không tồn tại lâu dài đâu. Chỉ trừ khi chúng ta đạt quả tu-đà-huờn, sự hiểu biết "không phải tôi, anh, đàn ông, đàn bà" mới tồn tại mãi mãi. Bao lâu chưa đạt được quả tu-đà-huờn chúng ta còn phải tự thúc đẩy để tin tưởng vào chân đế. Khi đạt quả tu-đà-huờn thì chân đế này sẽ đến với ta một cách tự động. Bởi thế, để có thể chấp nhận chân đế, chúng ta phải tự thúc đẩy mình tin vào chân đế. Một khi đạt quả tu-đà-huờn thì không cần phải thúc đẩy nữa.
Tự hỏi về ba mươi hai thể trược là phương pháp hữu hiệu để thúc đẩy chúng ta tin vào chân đế.
Ba mươi hai thể trược có thể thấy được, nhưng còn những sắc khác trong cơ thể rất khó thấy. Những sắc khó thấy này gồm có bốn loại lửa và sáu loại gió.
Bốn loại lửa gồm:

- Nóng ở nhiệt độ cao,
- Kế tục hay thay phiên nhau nóng và lạnh,
- Sức nóng tiêu hóa đồ ăn,
- Sức nóng giúp chúng ta tăng trưởng.

Nếu tóm tắt ta có thể nói: chỉ có nhiệt độ nóng lạnh.
Sáu loại gió gồm:

- Gió hướng lên hay thổi lên,
- Gió hướng xuống hay thổi xuống,
- Hơi thở ra vào,
- Gió trong tứ chi,
- Gió trong bao tử, (chuyển động trong bao tử),
- Gió trong ruột (chuyển động trong ruột)

Nếu tóm tắt, ta có thể nói: chỉ có gió chuyển động và gió nâng đỡ.
Nếu cọng chung bốn loại lửa hay nhiệt độ; sáu loại gió hay sự chuyển động, nâng đỡ; hai mươi loại đất hay sự cứng mềm; mười hai loại nước hay là sự dính hút và lỏng, ta có tất cả bốn mươi hai loại vật chất hay sắc.
Bốn mươi hai loại sắc hay vật chất này chẳng qua chỉ là: cứng, mềm, dính hút, chuyển động, nhiệt độ.
Dùng ba mươi hai thể trược hay bốn mươi hai sắc để tự kiểm nghiệm, bạn sẽ thấy: chẳng có gì gọi là đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, v.v... Tất cả chỉ là: đất, nước, gió, lửa mà thôi.
Vậy trước khi đi ngủ, bạn hãy tự hỏi ba mươi hai câu hỏi trên. Đó là một loại thoại đầu để biết tôi là ai. Loại thọai đầu này nhằm mục đích giúp ta có tư huệ. Tư huệ chỉ là trí huệ tạm thời. Nhưng Tư huệ mở đường cho tu huệ, trực nhận cứu cánh giải thoát.
Nên hỏi ba mươi hai câu hỏi thay vì chỉ hỏi: "Thân thể này có phải là tôi không?" hay: "Tôi là ai?" Đặt câu hỏi riêng về mỗi thể trược giúp ta thấy rõ cơ thể này chẳng là gì cả mà chỉ là sự tổng hợp của các thể trược. Sau khi đã hỏi ba mươi hai câu, ta hãy hỏi hai câu tổng quát, đó là: "Cơ thể này có phải là tôi không?" hay: "Tôi là ai?" Nếu chỉ hỏi câu thoại đầu sau "Tôi là ai", bạn sẽ rơi vào tình trạng suy nghĩ hay tưởng tượng.
Hỏi xong ba mươi hai câu hỏi, bạn sẽ hiểu rõ chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả. Đây là cách tự kiểm nghiệm: chẳng có anh, có tôi, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, v.v...

*
7. Ba loại Trí tuệ
Có ba loại trí huệ: văn huệ, tư huệ và tu huệ.
Văn huệ (Sutamaya ñāna) là trí tuệ phát sinh do nghe hay học. Tư huệ (Cintamaya ñāna) là trí tuệ phát sinh do suy nghĩ và lý luận. Tu huệ (Bhavanama ñāna) là trí tuệ phát sinh do sự tu trì để phát triển tinh thần, khai mở trí huệ: đó là hành thiền. Tôi có thể giúp bạn có văn huệ và tư huệ, nhưng không thể giúp bạn có tu huệ. Muốn có trí huệ này bạn phải tự mình gặt hái lấy. Bạn phải hành thiền minh sát để có tu huệ.
*** (Hành thiền minh sát là quán sát các hiện tượng vật chất và tâm để thấy chúng vô thường, bất toại nguyện và vô ngã (Vô ngã có nghĩa là không điều khiển được, không kiểm soát được, không có bản chất, không có cốt lõi, vừa mới sinh ra lại diệt mất và rơi vào không). Vô thường, khổ và vô ngã còn được gọi là tam tướng. Người thấy được tam tướng: vô thường, khổ, vô ngã của sự vật thì sẽ không còn tham ái dính mắc vào chúng nên sẽ thoát khổ.
Người thấy được tam tướng hay thấy được đặc tánh "không" của sự vật sẽ thoát khổ. [Sự vật ở đây còn gọi là vật chất và tâm, thân và tâm, danh và sắc, pháp hữu vi, ngũ uẩn, mười hai xứ (lục căn lục trần), mười tám giới (lục căn lục trần, lục thức)
Nếu hỏi các bạn đã thấy vô thường chưa thì hầu như mọi người đều trả lời là đã thấy. Hỏi thấy như thế nào họ sẽ trả lời đại khái như sau: Chẳng hạn như lúc mới sinh ra ta còn nhỏ, nay đã lớn, tuổi đã già. Trước kia ít bệnh, nay bị đau yếu hoài. Trước đây thấy có đầy đủ sức khỏe, nay đã yếu. Lại thấy người già, người chết, hoặc thấy nhà, cửa, ghế bàn trước đây còn mới mẻ nay đã cũ mòn v.v... Thấy tất cả sự vật vừa mới có đó lại mất đó, rốt cuộc tất cả đều đi vào không.
Nhưng khi hỏi thấy vô thường như vậy họ đã hết khổ chưa thì họ trả lời là chưa hết khổ. Chẳng hạn như: một phật tử đến chùa nghe nhà sư giảng về vô thường. Người Phật tử ấy vừa mới nghe giảng về vô thường xong, đứng dậy ra về, bước tới cửa, chiếc kính mắt rơi xuống bể, tâm đã thấy buồn khổ ngay. Tại sao thấy, biết vô thường rồi mà bây giờ kính rớt bể lại cảm thấy buồn khổ. Bởi vì sự thấy vô thường ở đây, sự biết vô thường ở đây chỉ là thất biết qua sách vở, thấy biết do nghe người ta nói hay thấy biết do quán sát một cách hời hợt, bề mặt. Tuy nhiên thấy biết qua sách vở, qua việc nghe người khác nói hay qua sự quán sát hời hợt cũng gọi là trí tuệ. Được như vậy cũng còn hơn là chẳng thấy biết gì về vô thường. Đây là trí tuệ đến do nghe, do học hỏi. Đây là trí tuệ khởi đầu.
Khi chiếc kính rơi xuống bể, ta thấy buồn khổ, nhưng nhờ đã đọc sách, đã nghe về sự vô thường trước đây nên ta lại tự nhủ: mọi sự vật trên thế gian này, vật chất và tâm đều vô thường, chiếc kính là vật chất nên cũng bị luật vô thường chi phối thôi. Nghĩ như vậy, nên sự buồn mất đi hay giảm thiểu phần nào. Sự tiếc nuối, tự trách sẽ giảm đi hay không kéo dài nữa. Đây là trí tuệ đến do suy tư.
Sau khi mua chiếc kính khác, nếu rớt bể lần nữa thì cũng lại buồn và lại suy tư rồi cũng lại hết buồn. Mỗi lần có điều gì không xứng ý xảy ra ta lại buồn rồi lại suy tư, lại tự an ủi, rồi lại hết buồn khổ. Nhưng cái khổ không dứt hẳn.
Hai loại trí tuệ trên: trí tuệ đến từ sự nghe, trí tuệ đến từ suy tư chỉ là trí tuệ vay mượn, chưa đủ khả năng để diệt trừ đau khổ.
Nỗ lực cố gắng hành thiền, dần dần thiền sinh có được trí tuệ thấy rõ trên thế gian này chẳng có gì ngoài các tiến trình vật chất và tâm. Chẳng hạn khi thiền sinh quán sát sự chuyển động của bụng sẽ thấy rằng: Chỉ có sự chuyển động của bụng là tiến trình vật chất và sự ghi nhân chuyển động này là tiến trình của tâm, ngoài ra chẳng có gì cả.
Sau đó, tiếp tục hành thiền, thiền sinh lại thấy rõ mọi sự vật chẳng có gì tự sinh ra mà không có nguyên nhân và điều kiện. Có sự chuyển động là nhân mới có được sự ghi nhận là quả. Phải có ý muốn đưa tay là nhân mới có tác động đưa tay là quả, ngoài ra chẳng có gì cả. Muốn có được một sự thấy phải có ít nhất ba điều kiện: mắt, vật thấy và tâm. Không có đủ các điều kiện này không thể nào có một sự thấy xảy ra. Thiền sinh thấy rõ các hiện tượng vật chất và tâm đều có nhân quả và điều kiện.
Tiếp đó, nhờ tiếp tục hành thiền, thiền sinh lại thấy mọi sự vật, vật chất và tâm, biến chuyển không ngừng, vừa mới sinh ra đã diệt ngay tức khắc. Tuệ thấy rõ vô thường khổ vô ngã dần dần chín muồi, nhìn đến đâu thiền sinh cũng chỉ thấy vô thường khổ vô ngã. Tuệ thấy sinh diệt luôn luôn thường trực. Lúc bấy giờ, nếu chiếc kiếng rơi xuống và bị bể, thiền sinh sẽ thấy rõ vô thường ngay mà không còn buồn khổ nữa. Đó là trí tuệ đến do thực hành.
Trong sách vở người ta gọi trí tuệ đến do đọc kinh sách, do nghe hoặc do quán sát hời hợt gọi là "Văn Huệ". Trí tuệ đến do suy tư gọi là "Tư Huệ" và trí tuệ do thực hành gọi là "Tu Huệ".

*
8. Ví dụ điển hình về Ngón tay
Theo chân đế, không có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, thế thì không có hình thể hay sao?
Để có thể hiểu rõ điều này, chúng ta phải lấy một phần của cơ thể vật chất làm điển hình. Như lấy ngón tay chẳng hạn.
Theo tục đế, đây là ngón tay. Điều này đúng. Nhưng theo chân đế, đây không phải là ngón tay. Tại sao?
Ngón tay này hợp thành bởi móng tay, da, thịt, mỡ, gân, xương v.v... Nếu cắt thì sẽ có máu. Khi các thành phần đó kết hợp lại với nhau, chúng ta gọi: Đây là ngón tay.
Bạn có thể gọi móng tay là ngón tay không? Móng tay không phải là ngón tay. Tiếng Việt gọi là "ngón tay", tiếng Anh gọi là "finger", tiếng Pāli gọi là "anguli", tiếng Miến Điện gọi là "nhi-ô".
Nếu ta chấp nhận đó là ngón tay thì cũng đúng thôi. Nhưng đúng theo tục đế. Theo chân đế thì không có ngón tay. Bởi vì bạn không thể gọi móng tay là ngón tay. Bạn có thể gọi móng tay là ngón tay không? Móng tay không phải là ngón tay. Thịt không phải là ngón tay. Da không phải là ngón tay. Xương không phải là ngón tay. Gân không phải là ngón tay. Máu không phải là ngón tay. Mỡ không phải là ngón tay.
Nhưng khi chúng kết hợp lại thì hình thể phát sinh. Thế rồi, ta gọi: đây là ngón tay. Vậy, ngón tay là tục đế. Theo chân đế thì không có ngón tay.
Trong khi đối đãi với mọi người thì ngón tay là có thật, nhưng trong thiền minh sát thì ngón tay không thật.
Nếu không có ngón tay vậy thì có cái gì?
Như ta đã nói trên, ngón tay chỉ do móng, da, thịt, gân, xương, v.v... kết hợp lại mà thôi. Có một sự dính kết chúng lại với nhau, đó là sự dính hút.
Khi ta cảm thấy ngón tay có chỗ mềm chỗ cứng, sự mềm hay cứng này gọi là chất đất.
Khả năng làm cho móng, da, thịt, gân, xương, v.v... dính lại với nhau để chúng khỏi tách rời ra chính là chất nước
Đôi khi ta cảm thấy ngón tay lạnh hoặc nóng. Lạnh hay nóng này chính là chất lửa.
Đôi khi ta cảm thấy ngón tay nhúc nhích hay rần rần bên trong. Sự nhúc nhích hay rần rần này chính là chất gió.
Như vậy, chỉ có: cứng mềm, dính hút, nóng lạnh, và chuyển động hay chỉ có đất, nước, lửa, gió, chứ không có ngón tay.
Bây giờ, tôi nhúc nhích ngón tay. Khi tôi nhúc nhích, tôi nói: ngón tay nhúc nhích. Điều này đúng. Ngón tay là có thật theo tục đế. Nhưng theo chân đế, ngón tay không thật. Nói rằng: ngón tay nhúc nhích, là không đúng. Nhúc nhích chỉ là sự chuyển động hay gió. Gió không phải là ngón tay.
Mỗi khi ngón tay nhúc nhích thì: ngón tay là tục đế, sự nhúc nhích là chân đế. Sự nhúc nhích là chuyển động. Chuyển động là một hiện tượng vô tri, là vật chất hay sắc.
Gió bên ngoài là vật chất, là vô tri, gió bên trong cũng là vật chất, là vô tri, và sự chuyển động là đặc tính của gió, là vật chất, là hiện tượng vô tri.
Trong khi thực hành thiền minh sát, chúng ta phải quán sát chân đế chứ không quán sát tục đế. Chúng ta không quán sát ngón tay mà chỉ quán sát những gì diễn biến bên trong ngón tay chúng ta. Chúng ta chỉ quán sát sự chuyển động hay chất gió, chứ không quán sát ngón tay chuyển động.
Mỗi khi ngón tay chuyển động có hai sự thực: một là tục đế, một là chân đế. Ngón tay là tục đế, sự chuyển động là chân đế. Nếu chúng ta lầm lẫn, cho sự chuyển động là ngón tay, thế là chúng ta đã có quan kiến sai lầm hay tà kiến. Tà kiến là nhận định sai lầm, trái với chánh kiến. Nếu ta biết rằng: ngón tay là một chuyện, sự chuyển động là một chuyện khác, thì ta có chánh kiến.

*
9. Thân và Tâm, hay Danh và Sắc
1) Đây là khúc gỗ và đây là một cục bông gòn.
Nếu sờ vào khúc gỗ, ta cảm thấy cứng. Sự cứng của gỗ là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy cứng. Sự cứng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất đất (pathavi dhatu).
Nếu sờ vào bông gòn, ta cảm thấy mềm. Sự mềm của bông gòn là vô tri, là vật chất, là chất đất. Đôi khi sờ vào cơ thể, ta thấy mềm. Sự mềm của cơ thể là vô tri, là vật chất, là đất (pathavi dhatu).
Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận cứng là đất, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận mềm cũng là đất. Mềm thật sự cũng là đất. Nếu so sánh một vật mềm với một vật khác mềm hơn thì vật mềm trước trở thành vật cứng. Nếu so sánh vật mềm sau với một vật mềm hơn nữa thì vật mềm sau này lại trở thàng cứng. Vậy sự mềm cũng vô tri, là vật chất, là chất đất.
Bất kỳ lúc nào chúng ta sờ vào cơ thể mình nếu thấy cứng hay mềm đó là vật chất, là vô tri. Sự nhận biết cứng mềm là tri giác hay tâm. Cứng, mềm là vật chất, là sắc, thì không nhận biết, chỉ có tâm mới có khả năng nhận biết. Vào lúc biết được sự cứng mềm của cơ thể, chỉ có vật chất và tâm hiện diện. Cứng mềm là sắc, biết được cứng mềm là tâm, chẳng có tôi anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.
Danh từ Pathavi thường được dịch là "đất", nhưng chúng ta nên hiểu đó là "sự cứng mềm", đừng hiểu là đất theo nghĩa thông thường.
2) Giả sử, chúng ta có lửa và một cục nước đá, nếu đưa tay gần lửa ta cảm thấy nóng. Sự nóng của lửa là hiện tượng vô tri. Sự nóng của lửa không biết gì cả, đó là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.
Đôi khi ta cảm thấy cơ thể mình nóng. Sự nóng của cơ thể là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.
Khi sờ vào nước đá, chúng ta cảm thấy lạnh. Sự lạnh của nước đá là vô tri, là vật chất, là chất lửa (Tejo). Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.
Tương tự như thế, đôi khi rờ vào cơ thể, cơ thể lạnh. Sự lạnh của cơ thể cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất lửa. Sự nhận biết được nóng lạnh là tâm, là sự nhận biết.
Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự nóng lạnh trên cơ thể, chỉ có vật chất và tâm mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả.
Chúng ta có thể dễ dàng chấp nhận nóng là lửa, nhưng chúng ta phân vân khi chấp nhận lạnh cũng là lửa. Lạnh thật sự cũng là lửa. Nếu so sánh một vật lạnh với một vật khác lạnh hơn thì vật lạnh trước trở thành vật nóng. Nếu so sánh vật lạnh sau với một vật lạnh hơn nữa thì vật lạnh trước trở thành nóng. Vậy sự lạnh cũng là lửa.
Danh từ Tejo thường được dịch là "lửa", nên hiểu là nhiệt độ đừng hiểu là lửa theo nghĩa thông thường. Tejo bao gồm cả nóng và lạnh nên chữ nhiệt độ rất thích nghi để dịch danh từ này.
3) Gió thổi bên ngoài khó nhận biết được. Chúng ta chỉ nhận biết được gió khi thấy lá cây rung động. Khi thấy sự lay động ta biết có gió. Gió bên ngoài là vô tri, là vật chất, là chất gió. Gió bên trong cũng vô tri, là vật chất, là chất gió (Vāyo). Tương tự như vậy, khi ta máy động tay chân, dù ta dùng danh từ co, duỗi, v.v... thì đó cũng là sự chuyển động, là gió (Vāyo).
Chúng ta dễ dàng chấp nhận gió bên ngoài là một hiện tượng vô tri. Nhưng chúng ta ngần ngại khi chấp nhận sự chuyển động trong cơ thể cũng vô tri. Chúng ta nghĩ rằng: đây là cái tay di chuyển, đây là cái chân nhúc nhích. Nhưng nói như vậy không đúng sự thật. Gió bên ngoài là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió; cũng vậy, gió bên trong cũng là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió.
Chuyển động bên ngoài hay bên trong cơ thể đều là hiện tượng vô tri, là vật chất. Nhận biết được sự chuyển động là tâm. Bởi thế, vào lúc chúng ta biết được sự chuyển động, chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc mà thôi; chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.
Giả sử chúng ta thổi hơi vào bong bóng. Bong bóng có thể giữ được hình dáng của nó nhờ có sự nâng đỡ của gió. Cũng vậy, chúng ta có thể ngồi theo ý ta nhờ có gió nâng đỡ. Nếu không có sự nâng đỡ của gió chúng ta sẽ ngã.
Ngồi là chức năng nâng đỡ của gió. Đó là hiện tượng vô tri, là vật chất, là chất gió. Nhận biết sự chuyển động, nhận biết sự nâng đỡ là tâm. Như vậy, khi chúng ta nhận biết có chuyển động, có nâng đỡ trong cơ thể thì chỉ có vật chất và tâm hiện diện mà thôi. Chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả.
Danh từ Vāyo thường được dịch là "gió", nên hiểu là sự chuyển động, sự nâng đỡ, đừng hiễu theo nghĩa gió thông thường.
Khả năng kết dính ba mươi hai thể trược lại với nhau, hay khả năng làm cho các yếu tố vật chất dính kết vào nhau gọi là sự dính hút hay chất nước. Chất nước rất tế nhị. Chúng ta không thể nhận biết hay sờ chất nước. Chúng ta chỉ có thể nhận biết chất nước bằng tâm, hay nhận được đặc tính của nước qua ba chất kia.
4) Danh từ Apo thường được dịch là "nước", nên hiểu là sự dính hút. Đừng hiểu là nước thông thường.
Theo chân đế, chỉ có "cứng mềm, dính hút, nóng lạnh, và chuyển động" thực sự hiện diện trong cơ thể chúng ta, được gọi là tứ đại. Đó là những yếu tố hay chất chính tạo thành vật chất hay sắc. Ngoài ra còn có những chất sắc nhỏ khác như: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn, màu sắc, mùi, vị, v.v... Nếu tổng hợp các vật chất lại chúng trở thành một. Đó là những hiện tượng vô tri. Nếu tổng hợp hết các tâm và các đặc tính của tâm, chúng cũng trở thành một. Đó là sự nhận biết. Chỉ có hiện tượng nhận biết và hiện tượng vô tri, nghĩa là chỉ có thân và tâm, hay vật chất và tâm, danh và sắc, mà chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai chi cả. Nhận biết được như vậy là biết được vật chất và tâm hay danh và sắc, biết được chân đế và tục đế.

*
10. Giải về mười tám yếu tố căn, trần, thức
Nếu chỉ có vật chất và tâm hay danh và sắc, tại sao Đức Phật dạy chúng ta Ngũ uẩn, Mười hai xứ và Mười tám yếu tố căn, trần, thức?
Có ba loại người đến gặp Đức Phật.
- Loại thứ nhất có trí tuệ cao siêu, họ muốn nghe các bài pháp ngắn và hiểu nhiều về sắc, nhưng không hiểu danh hay tâm. Đối với hạng người này Đức Phật dạy cho họ danh và sắc, nhưng lại chia ra làm năm nhóm là Ngũ uẩn. Ngũ uẩn có bốn yếu tố thuộc về tâm là: thọ, tưởng, hành, thức; và một yếu tố thuộc về vật chất hay sắc đó là sắc.
- Loại thứ hai có trí tuệ trung bình, họ muốn nghe những bài pháp không dài hay ngắn quá, họ hiểu tâm nhưng chẳng hiểu sắc, đối với hạng người này Đức Phật dạy danh sắc nhưng chia ra làm Mười hai xứ. Có mười rưỡi yếu tố sắc mà chỉ có một rưỡi yếu tố tâm.
- Loại thứ ba có trí tuệ kém, họ muốn nghe những bài pháp dài, họ không biết đến sắc và danh gì cả. Đối với hạng người này Đức Phật dạy họ danh sắc bằng cách chia ra làm Mười tám yếu tố là căn, trần và thức.
Như chúng ta biết, khi học hỏi Mười tám yếu tố căn, trần, thức thì Năm uẩn và Mười hai xứ cũng bao gồm trong đó. Trước tiên, chúng ta chia Mười tám yếu tố căn, trần, thức ra làm ba nhóm.
Căn là cửa của giác quan, trần là đối tượng của giác quan, thức là sự nhận biết. Căn hay cửa của giác quan gồm có sáu: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Có thể gọi sáu căn này là cơ quan thâu nhận.
Trần hay đối tượng của giác quan, gồm có sáu: màu sắc, âm thanh, mùi, vị, vật hữu hình và đối tượng của tâm. Có thể gọi sáu trần là cơ quan kích động.
Thức là sự nhận biết, có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức hay: sự biết của mắt, sự biết của tai, sự biết của mũi, sự biết của lưỡi, sự biết của thân, sự biết của tâm. Có thể gọi sáu thức là cơ quan biểu hiện.
Một cách tổng quát chỉ có yếu tố kích động, yếu tố thâu nhận và yếu tố biểu hiện.
Chúng ta hãy lấy ví dụ về một hộp diêm quẹt để dễ hiểu căn, trần, thức.
Đây là que diêm và đây là hộp diêm. Khi quẹt diêm vào hộp quẹt thì lửa sinh ra. Không thể nói lửa sinh ra từ đâu, không thể nói lửa đi đâu. Chúng ta có thể nghĩ rằng lửa ở sẵn trong que diêm. Nếu vậy thì que diêm có thể bùng cháy bất kỳ lúc nào mà không cần có sự cọ xát. Nếu chúng ta nghĩ rằng lửa nằm trong hộp diêm, thì khi làm rơi hộp diêm xuống đất có thể phát lửa. Lửa không nằm trước trong que diêm, cũng không nằm trong hộp diêm. Khi que diêm quẹt vào hộp diêm thì lửa phát sinh. Cũng vậy, khi trần tiếp xúc với căn tương hợp thì thức phát sinh. Sáu trần chẳng khác nào que diêm, sáu căn chẳng khác nào hộp diêm và sáu thức chẳng khác nào lửa phát sinh ra vậy.

*
11. Sự thấy
Trong phần này chúng ta nói đến mắt, vật thấy và sự biết của mắt (nhẫn căn, nhãn trần, nhãn thức).
Khi vật thấy đập vào mắt, sự nhận biết của mắt phát sinh, ngay lúc đó sự thấy xảy ra. Khi một sự thấy xảy ra có ba yếu tố hiện diện: mắt, vật thấy và sự nhận biết.
Vật thấy hay hình sắc thì vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc, là đối tượng được nhìn thấy.
Mắt cũng vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc. Mắt chỉ là một điều kiện để thấy.
Sự nhận biết của mắt hay nhãn thức là tâm. Tâm có thể nhận biết hình dáng, màu sắc.
Như vậy, vào lúc có một sự thấy xảy ra chỉ có vật chất và tâm mà thôi. Vật thấy và mắt là vật chất hay sắc, sự nhận biết của mắt là tâm. Nếu không hình sắc hay vật thấy, ta không thể thấy được. Vậy hình sắc hay vật thấy là nhân. Dù có hình sắc, nhưng nếu không có mắt thì cũng không thể thấy được. Vậy mắt cũng là nhân. Sự nhận biết của mắt là quả. Vào lúc có một sự thấy xảy ra chỉ có nhân và quả mà thôi.
Những điều trình bày trên liên quan đến chân đế. Nếu ta không biết đến chân đế thì rất nhiều phiền não sẽ đến khi có một sự nhìn xảy ra. Mỗi khi hình sắc đập vào mắt ta nhãn thức phát sinh, rồi ta nói: tôi đang thấy. Vì thiếu chánh niệm nên ta có ý tưởng là "tôi đang thấy" và từ đó phiền não phát sinh.
Xin hãy nhìn cây viết. Bạn có thấy cây viết này không? Thấy. Bây giờ, bạn hãy nhắm mắt lại. Bạn có thấy cây viết không? Không.
Vì mắt không tiếp thu hình sắc cây viết. Đây là trường hợp có cơ quan kích động mà không có cơ quan tiếp thụ. Bây giờ, tôi lấy cuốn sách che cây viết lại. Bạn có thấy cây viết không? Không. Vì mắt không có đối tượng. Đây là trường hợp có cơ quan tiếp thụ mà không có cơ quan kích động.
Khi ngủ mà bạn mở mắt. Tôi để cây viết trước mắt bạn, bạn có thấy không? Không.
Khi chúng ta đang ngủ thì không có nhãn thức, nghĩa là khi ngủ mắt không nhận biết được. Vậy nhãn thức hay tâm là cơ quan hiện khởi. Vậy thấy là chức năng của nhãn thức, không phải là chức năng của ta. Thấy cũng không phải là chức năng của mắt nữa. Vậy thì, chỉ có nhãn căn tiếp xúc với nhãn trần sinh ra nhãn thức hay chỉ có mắt tiếp nhận vật thấy phát sinh ra sự thấy, mà chẳng có tôi, anh, đàn ông, đàn bà chi cả.
Nhưng chúng ta gặp phải khuyết điểm khi cho rằng: sự nhận biết của mắt hay nhãn thức là tôi, anh, chị, v.v... Mỗi khi có một sự thấy xảy ra chúng ta nói: tôi thấy. Nếu chúng ta lầm lẫn nhãn thức là tôi; đó là nhận thức sai lầm, là tà kiến. Nếu chúng ta lầm lẫn nhãn căn là kẻ nhận thấy hình sắc; đó cũng là tà kiến, vì lầm lẫn nhãn căn là một cá thể. Tà kiến là nhận thức sai lầm hay quan kiến sai lầm, đừng hiểu tà kiến chỉ là mê tín dị đoan.
Hiện tượng thật sự tiếp xúc với mắt chúng ta chỉ là hình sắc, không phải đàn ông, đàn bà, v.v.. nhưng ta tin rằng ta thấy đàn ông, đàn bà, v.v... Đó là tà kiến vì ta đã lầm lẫn cho hình sắc là một con người.
Theo tục đế, ta có thể nói: tôi thấy, anh thấy hay chị thấy v.v... Nhưng theo chân đế, không phải là tôi anh hay chị thấy gì cả. Đó chỉ là nhãn thức nhận biết hay thấy hình sắc
Vào lúc có một sự thấy xảy ra. Nếu muốn tham thiền, chúng ta chỉ quán sát chân đế. Bất kỳ lúc nào thấy, chúng ta nói: tôi đang thấy. Chúng ta phải chia câu "Tôi đang thấy" thành hai phần: "Tôi", một phần, và "đang thấy", một phần khác. "Tôi" là tục đế và "đang thấy" là chân đế.
Giữa "tôi" và "đang thấy" thì chúng ta chỉ quán sát "đang thấy" khi chúng ta hành thiền. Nếu chúng ta quán sát: "tôi là kẻ hành thiền" là hành thiền sai. Nếu chúng ta chỉ quán sát "đang thấy" trong lúc hành thiền là hành thiền đúng. Vậy bạn phải cố gắng quán sát chân đế thuần túy trong khi hành thiền.
Nếu bạn không tham thiền trên chân đế, nhiều phiền não sẽ xảy đến với bạn. Nếu bạn lầm lẫn cho rằng nhãn thức là tôi vậy là tà kiến. Nếu bạn thích đối tượng nhìn thấy thế là tham ái phát sinh. Nếu bạn không thích thì sân hận phát sinh. Nếu không hiểu vật chất và tâm là vật chất và tâm hay danh sắc là danh sắc mà tưởng lầm vật chất và tâm hay danh sắc là tôi, là anh thế là si mê phát sinh.
Vào lúc một sự thấy xảy ra, nếu bạn không muốn phiền não nào đến với bạn thì hãy ghi nhận hay niệm thấy, thấy, thấy. Khi niệm thấy, thấy, thấy thì nhãn thức trở thành đối tượng của sự ghi nhận. Khi bạn thấy rõ sự thấy là một hiện tượng và sự ghi nhận là một hiện tượng khác thì sự ghi nhận sẽ trở thành trí tuệ. Chỉ có hai hiện tượng thấy và ghi nhận sự thấy mà không có tôi, anh hay chị, đàn ông đàn bà vào lúc có sự thấy xảy ra.
Thế nên, mỗi khi chúng ta niệm thấy, thấy, thấy chúng ta có thể loại bỏ tham sân và si.
Đức Phật dạy: "Cakkhu Māpi Yathā Ando", có nghĩa là: thiền sinh có mắt cũng làm như mù.
Lời dạy này khuyên ta đừng nhìn bất cứ thứ gì mà ta muốn. Nhưng không có nghĩa là ta phải luôn luôn nhắm mắt lại. Câu này có ý khuyên ta chánh niệm mỗi khi ta nhìn.
Giả sử bạn đang đi về hướng Bắc lại muốn nhìn một vật gì đó ở hướng Tây, bạn phải xoay đầu lại để nhìn. Bạn đừng xoay vội.
Khi có ý muốn phát sinh, đầu tiên bạn phải niệm muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn. Nếu không ghi nhận ý muốn nhìn, bạn sẽ lầm lẫn ý muốn này là tôi, nghĩa là tôi muốn nhìn. Đó là quan kiến sai lầm hay tà kiến.
Không phải là "tôi" muốn nhìn. Muốn nhìn chỉ là hiện tượng tâm ước muốn.
Nếu bạn niệm muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn vào lúc có ý muốn thì ý muốn trở thành đề mục để niệm và tâm ghi nhận sẽ trở thành tuệ minh sát.
Nếu ghi nhận thật chú tâm chánh niệm thì tâm ghi nhận trở thành trí tuệ. Vậy vào lúc ghi nhận muốn nhìn, muốn nhìn, muốn nhìn, những phiền não như tham lam, sân hận, si mê, tà kiến, v.v... không thể nào xâm nhập vào tâm bạn được.
Vậy khi chúng ta quay đầu nhìn vật gì đừng quên chánh niệm. Phải ghi nhận hay niệm quay, quay, quay rồi từ từ quán sát toàn thể tiến trình chuyển động.
Nếu chúng ta không ghi nhận chuyển động quay, chúng ta sẽ lầm lẫn cho rằng cái đầu đang quay: Đầu tôi đang quay. Không phải đầu quay. Quay chỉ là chuyển động của yếu tố gió. Không có đầu, không có đàn ông, không có đàn bà. Khi một sự quay diễn ra, chỉ chuyển động quay là hiện tượng vô tri là vật chất hay sắc và chỉ có tâm ghi nhận là tâm đang hiện diện mà thôi.
Khi quay hãy ghi nhận quay, quay, quay và quán sát toàn thể tiến trình chuyển động của sự quay. Khi ghi nhận quay, quay, quay thì chuyển động quay trở thành đề mục để ghi nhận và tâm ghi nhận trở thành tuệ minh sát. Vậy, do ở sự quay đầu chúng ta có thể đạt được tuệ minh sát.
Khi nhìn vật gì, hãy ghi nhận nhìn, nhìn, nhìn. Khi ghi nhận nhìn, nhìn, nhìn thì "tâm nhìn" sẽ trở thành đối tượng hay đề mục để ghi nhận; sự chánh niệm ghi nhận "tâm nhìn" trở thành tuệ minh sát. Thế nên, bất kỳ muốn nhìn vật gì đều phải chánh niệm.

*
12. Sự nghe
Chúng ta hãy tìm hiểu tai, âm thanh và sự nhận biết của tai, nghĩa là tìm hiểu nhĩ căn, nhĩ trần và nhĩ thức.
Khi âm thanh đập vào tai, sự nhận biết của tai hay nhĩ thức phát sinh, ngay lúc đó sự nghe xảy ra. Khi một sự nghe xảy ra có ba yếu tố hiện diện: tai, âm thanh và sự nhận biết.
Âm thanh thì vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc, là đối tượng được nghe.
Tai cũng vô tri, không nhận biết gì cả, là vật chất, là sắc. Tai chỉ là một điều kiện để nghe.
Sự nhận biết của tai hay nhĩ thức là tâm. Tâm có thể nhận biết âm thanh.
Như vậy, vào lúc có một sự nghe xảy ra chỉ có vật chất và tâm mà thôi. Âm thanh và tai là vật chất, sự nhận biết âm thanh là tâm. Khi một âm thanh nào đó đập vào tai, chúng ta sẽ có sự nhận biết. Đó là lúc một sự nghe xảy ra.
Khi thức nghe phát sinh, chúng ta nói: Tôi nghe. Theo sự thật thế tình, có thể nói: Tôi nghe. Điều này đúng. Nhưng theo sự thật tuyệt đối, nói rằng: Tôi nghe, đó là nói sai.
Khi ta bịt tai lại thì dù có âm thanh và có tai ta cũng không nghe được vì tai không tiếp xúc với âm thanh. Đây là trường hợp có cơ quan kích động mà không có cơ quan tiếp thụ.
Dầu ta có tai, có sự lắng nghe nhưng nếu âm thanh ở xa quá hay nhỏ quá ta cũng không nghe được. Đây là trường hợp có cơ quan tiếp thụ mà không có cơ quan kích động.
Khi ta ngủ, dầu có âm thanh ta vẫn không nghe được. Vì khi ngủ thì không có nhĩ thức, nghĩa là khi ngủ tai không nhận biết được. Vậy nhĩ thức hay tâm là cơ quan hiện khởi.
Nghe là chức năng của nhĩ thức. Nghe không phải là chức năng của chúng ta. Nghe cũng không phải là chức năng của lỗ tai hay nhĩ căn. Âm thanh không biết gì cả. Âm thanh chỉ là hiện tượng vô tri, là vật chất, là đối tượng của sự nghe. Nhĩ căn cũng là vô tri, cũng không biết gì cả. Nhĩ căn không nghe được âm thanh. Nghe chỉ là chức năng của nhĩ thức. Vào lúc nghe thì âm thanh và tai là vậy chất hay sắc, thức nghe là tâm. Vậy chỉ có tâm và và vật chất hay sắc vào lúc nghe.
Nếu chúng ta không hiểu vật chất và tâm chỉ là vật chất và tâm; đó là si mê. Nếu chúng ta lầm lẫn tâm và vật chất là tôi, anh, đàn ông, đàn bà v.v... đó là tà kiến.
Nếu âm thanh dịu dàng êm tai khiến ta thích thú thì tâm tham khởi lên. Nếu âm thanh chát chúa khó nghe khiến ta chán ghét thì tâm sân nổi dậy.
Nếu chúng ta không hành thiền vào lúc có một sự nghe xảy ra thì phiền não sẽ kéo đến.
Nếu không có âm thanh thì sẽ không có sự nghe. Vậy âm thanh là nhân. Dầu có âm thanh nhưng nếu bịt tai lại chúng ta cũng không nghe được gì cả. Vậy nhĩ căn cũng là nguyên nhân. Thức nghe là quả. Do đó, vào lúc nghe, chỉ có nhân và quả mà thôi.
Khi ta quẹt que diêm vào hộp diêm thì lửa sinh ra. Tương tự như vậy, khi một âm thanh nào đó tiếp xúc với tai hay nhĩ căn thì thức nghe phát sinh. Như chúng ta đã nói trước đây, thức nghe tựa như lửa, âm thanh như que diêm và tai như hộp diêm.
1) Chúng ta không thể nói lửa đã nằm sẵn trong que diêm. Cũng vậy, không thể nói thức nghe có sẵn trong âm thanh từ trước.
2) Không thể nói lửa nằm sẵn trên hộp diêm. Cũng vậy, không thể nói thức nghe có sẵn trong tai từ trước.
3) Không thể nói lửa này từ đâu đến và cũng không thể nói lửa đi về đâu. Khi lửa tắt, không thể nói lửa đi về đâu. Tương tự như thế, không thể nói thức nghe đi về đâu khi thức nghe chấm dứt.
4) ở đây, âm thanh và tai là nhân, thức nghe là quả. Vậy chỉ có nhân và quả hay thân và tâm vào lúc nghe mà thôi.
5) Vào thời điểm nghe, nếu chúng ta ghi nhận nghe, nghe, nghe thì thức nghe trở thành đối tượng để ghi nhận, sự ghi nhận đối tượng trở thành tuệ giác. Vậy, nhờ ghi nhận nghe, nghe, nghe chúng ta đạt được tuệ giác.
Mỗi tâm, một lần chỉ có thể ghi nhận được một đối tượng. Bởi vậy, khi tâm chỉ ghi nhận sự nghe thì phiền não không thể đến.
Chúng ta đã biết: nếu âm thanh dễ chịu chúng ta thích, nếu âm thanh khó nghe chúng ta không thích. Nhưng thật ra điều này không hoàn toàn đúng mà còn tùy thuộc vào sự chú ý của chúng ta.
Nếu xem âm thanh chỉ là âm thanh, là sự vô thường biến đổi, là vô ngã thì đó là sự chú tâm hợp lý.
Nếu có sự chú tâm hợp lý thì dầu nghe âm thanh dễ chịu, ta cũng không mê thích; dù âm thanh chói tai, khó chịu ta cũng hông chán ghét. Bởi vậy, có sự chú tâm hợp lý là điều rất quan trọng.
Đức Phật dạy "Sota Badhivo Yatha", có nghĩa là thiền sinh có tai phải làm như điếc
Lời dạy này khuyên chúng ta đừng nghe những gì mà ta muốn, nhưng không có nghĩa là phải luôn luôn bịt tai lại. Lời dạy này khuyên chúng ta phải chánh niệm nếu không tránh được sự nghe.
Nếu muốn nghe chuyện gì trước hết hãy ghi nhận muốn nghe, muốn nghe, muốn nghe. Khi nghe hãy ghi nhận nghe, nghe, nghe. Thì bạn sẽ có được tuệ giác
Nếu không ghi nhận mỗi khi có sự nghe xảy ra, bạn sẽ lầm ý muốn này là "tôi": "Tôi muốn nghe". Đó là tà kiến. Từ sự sai lầm này, những phiền não khác sẽ len vào.
Nhưng nếu bạn hành thiền nghĩa là chánh niệm ghi nhận vào lúc nghe thì phiền não không thể xen vào được. Bởi vậy hãy thận trọng ghi nhận bất kỳ những gì bạn nghe hay bạn muốn nghe.

*
13. Sự ngửi
Trong phần này ta sẽ nói đến mũi, mùi và sự biết của mũi (tỉ căn, tỉ trần và tỉ thức)
Khi một hương thơm hay hôi tiếp xúc với mũi thì sự nhận biết được hương hay mùi phát sinh.
Mùi hay hương vô tri, vô giác. Mùi không hay biết gì cả. Mùi là yếu tố vật chất, là sắc. Mùi chỉ là đối tượng của sự ngửi.
Mũi tiếp nhận mùi thơm hôi, nhưng chính nó không nhận biết gì cả. Mũi là yếu tố vật chất, là sắc. Mũi chỉ là điều kiện của sự ngửi.
Tỷ thức, hay sự nhận biết của mũi, mới nhận biết được mùi. Sự nhận biết này là tâm.
Như vậy, vào lúc ta ngửi một mùi thơm, hôi thì chỉ có vật chất và tâm hay thân và tâm mà thôi: mùi và mũi là vật chất, sự nhận biết mùi là tâm.
Nếu không có mùi thì sẽ không có sự nhận biết mùi. Do đó, mùi là nhân. Dầu có mùi nhưng không có mũi thì cũng không thể ngửi. Vậy mũi cũng là nhân. Sự nhận biết mùi là quả. Như thế, vào lúc ngửi thấy mùi chỉ có nhân và quả, chỉ có hai hiện tượng vật chất và tâm; chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, tôi, anh gì cả.
Mỗi khi có sự ngửi xảy ra, nếu chúng ta không biết rõ sự thật chúng ta sẽ lầm tưởng rằng tôi đang ngửi. Nếu bạn tin chắc rằng chính tôi đang ngửi thì đó là tà kiến. Ngửi là công việc của tỷ thức, không phải công việc của chúng ta, nhưng nếu chúng ta hiểu lầm chính tôi đã ngửi mùi, hiểu lầm sự nhận biết mùi là tôi thì đó là tà kiến.
Hiện tượng thực sự tiếp xúc với mũi chúng ta chỉ là mùi; chẳng có đàn ông, đàn bà, con trai, con gái hay một cá nhân nào, nhưng ta tin rằng: đây là một đóa hoa, đây là mùi của đàn ông, đây là mùi của đàn bà v.v... như vậy là ta đã vượt qua giới hạn của mùi để tạo nên một khái niệm giả tạo khác. Vậy nếu ta hiểu lầm mùi là một người, một cá nhân nào đó, đó là tà kiến hay là kiến thức sai lầm.
Đôi lúc chúng ta nói chúng ta ngửi bằng chính mũi của mình: Chính mũi tôi nhận biết mùi. Đó cũng là một điều tin tưởng sai lầm, bởi vì cái mũi cũng chỉ là một điều kiện của sự ngửi. Chính mũi chẳng biết gì cả, thế mà chúng ta tưởng lầm mũi là cái nhận biết mùi, đó là sự tin tưởng sai lầm.
Vào lúc có một sự ngửi. Nếu đó là mùi ta ưa thì ta sẽ thích nó, thế là tham lam khởi sinh. Nếu đó là mùi ta không ưa, ta sẽ không thích nó thế là sân hận khởi sinh. Nếu ta không hiểu rõ mùi chỉ là vật chất và sự nhận biết mùi là tâm, đó là si mê. Nếu chúng ta hiểu lầm vật chất và tâm là tôi, anh, chị v.v... đó là tà kiến.
Nếu chúng ta yêu thích mùi thơm tho vừa ý, đó là tham lam. Nếu chúng ta không thích mùi hôi thối khó ngửi, đó là sân hận. Bởi thế, nếu không hành thiền minh sát thì vào lúc một sự ngửi xảy ra nhiều phiền não sẽ khởi lên. Để loại bỏ hay chận đứng phiền não thì vào lúc có một sự ngửi xảy ra ta phải niệm: ngửi, ngửi, ngửi.
Khi chúng ta niệm ngửi, ngửi, ngửi, thì tỷ thức hay sự nhận biết mùi sẽ trở thành đề mục ghi nhận và sự ghi nhận chánh niệm sẽ trở thành trí tuệ. Thế nên, vào lúc niệm ngửi, ngửi, ngửi, chỉ có đề mục và tâm ghi nhận đề mục mà không có gì nữa cả. Chỉ có hai hiện tượng đó thôi, không có người, không có đàn ông, không có đàn bà, không có con trai, con gái gì cả.
Đôi khi, dầu ghi nhận được ngửi, ngửi, ngửi, nhưng chúng ta lại rơi vào sự ưa thích mùi, lúc ấy phải ghi nhận thích, thích, ...
Khi niệm "thích, thích, thích", thì sự ưa thích này trở thành đề mục ghi nhận và sự chánh niệm ghi nhận này trở thành tuệ giác. Như vậy, dựa vào tham lam chúng ta đạt được trí tuệ.
Đừng buồn nãn hay khó chịu khi phiền não đến. Hãy thản nhiên ghi nhận.
Nếu đề mục xuất hiện và ta không ưa thích nó hãy niệm: không thích, không thích, không thích hay ghét, ghét, ghét hoặc sân, sân, sân.
Nếu không niệm: không thích, không thích, không thích hay ghét, ghét, ghét hoặc sân, sân, sân mỗi khi có sự không ưa thích xảy ra thì sân hận sẽ tích tụ và lớn mạnh thêm.
Khi ghi nhận ghét, ghét, ghét thì sự ghét này trở thành đề mục ghi nhận và sự ghi nhận sẽ trở thành trí tuệ. Như vậy, dựa vào sự ghét hay sân hận ta đã đạt được tuệ giác.
Khi phiền não đến hãy thản nhiên ghi nhận. Đừng buồn nãn hay khó chịu khi phiền não đến.
Bố thí là một việc thiện, một việc làm tốt đẹp, nhưng khi bố thí ta phải bỏ ra một số tiền. Mặc dầu vậy phước báu bố thí vẫn không bằng phước báu của hành thiền. Khi ghi nhận các hiện tượng diễn ra trong thân tâm chúng ta, chúng ta sẽ nhận được phước báu lớn lao. Đó là phước báu của trí tuệ. Phước báu của trí tuệ là phước báu lớn nhất.
Giữ giới là một phước báu. Khi chúng ta hành thiền chỉ hay thiền vắng lặng, chúng ta được cả hai loại phước: phước giới và phước định. Khi hành thiền minh sát hay quán sát mỗi một hiện tượng xảy ra trong thân tâm ta, ta có được ba loại phước: phước giới, phước định và phước huệ. Khi hành thiền minh sát ghi nhận mọi hiện tuợng đang xảy trong ta, ta chẳng phải chi ra đồng nào nhưng đạt được phước báu cao thượng nhất.
Vậy, hãy tinh tấn hành thiền minh sát bằng cách ghi nhận tất cả mọi hiện tượng bên trong chúng ta. Ghi nhận mọi diễn biến đang xảy ra bên trong chúng ta là điều tối quan trọng. Đặc biệt, khi ngửi thấy gì ta phải ghi nhận ngửi, ngửi, ngửi. Ghi nhận chánh niệm những gì đang xảy ra chúng ta sẽ có được trí tuệ.
Trên đây chúng tôi có nói: nếu mùi dễ chịu tham ái sẽ phát sinh, nếu mùi khó ngửi sân hận sẽ phát sinh. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Điều này tùy thuộc vào ta. Bởi vì khi mùi dễ chịu đến với ta, nếu ta ghi nhận kịp thời thì tham ái sẽ không có cơ hội phát sinh. Khi mùi khó chịu đến với ta, nếu ta ghi nhận kịp thời thì sân hận sẽ không có cơ hội phát sinh.
Mùi thơm, mùi hôi đều là vô thường, đến rồi đi, phát sinh rồi biến mất, thay đổi liên hồi. Khi mùi phát sinh thì nó là mùi; nhưng sau đó nó loãng dần rồi tan biến trở thành không. Xem hương là hương hay mùi là mùi, vô thường là vô thường, sự thay đổi là thay đổi và không có cốt lõi là không có cốt lõi; đó là sự chú tâm bằng trí tuệ. Nếu có sự chú tâm sáng suốt đẹp như vầy thì tham lam và sân hận sẽ không đến được.
Vậy mùi dễ chịu đến với ta có thể sinh ra tham lam hay không tùy thuộc nơi ta; mùi khó chịu đến với ta có thể sinh ra sân hận hay không tùy thuộc nơi ta. Điều quan trọng là ta có chánh niệm trước mọi diễn biến xảy ra hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét