Trang

Chánh niệm - Chương 6: Làm gì đây với thân của bạn? -(Thiền sư: Henepola Gunaratana)


Chương 6: Làm gì đây với thân của bạn?
Phương pháp tu tập thiền đã tồn tại qua hàng ngàn năm rồi. Đó là một khoảng thời gian dài cho sự thử nghiệm và phương pháp này đã được cải thiện, gọt dũa một cách sâu sắc và hoàn mỹ. Giáo lý truyền thống Phật giáo luôn luôn nhìn nhận có sự liên hệ hỗ tương một cách chặt chẽ giữa thân và tâm. Cho nên sự khuyến khích tu tập ở lãnh vực sinh lý có thể hỗ trợ lớn lao cho bạn trong tiến trình tu Tuệ.
Và phần sau đây nên được thực hành đúng đắn và nên nhớ rằng những tư thế ngồi này chỉ là pháp rèn luyện phụ trợ chớ không phải là chính yếu. Tu thiền không phải là cách ngồi trong tư thế kiết già, mà là khả năng luyện tâm. Nó có thể tu tập bất kỳ nơi đâu. Nhưng những tư thế này sẽ giúp bạn học được kỷ năng, để giúp bạn tăng tiến và phát triển nhanh hơn trong quá trình tu thiền. Vì vậy hãy áp dụng chúng đúng mức.
Những qui luật chung
Mục đích của những tư thế thì gồm có ba phần. Trước nhất, chúng giúp cho thiền giả một tư thế vững vàng cho thân. Có được vậy, thiền giả không còn lo nghĩ gì về thăng bằng, mệt mõi để có thể tập trung tâm trí vào đề mục thiền. Thứ hai là khi thân tịnh sẽ có phần nào giúp cho tâm tịnh, từ đó mới có thể đi xa hơn vào Định. Thứ ba là tư thế vững vàng giúp cho thiền giả có thể ngồi bất động trong một thời gian rất dài mà không sinh ra trở ngại lớn — đau, cơ bắp căng, và ngủ gục.
Điều quan trọng nhất là phải ngồi với lưng thật thẳng đứng. Cột sống nên thẳng lên giống như là một chồng tiền cắc được xếp lên nhau. Đầu nên được giữ thẳng theo cột sống. Tất cả mọi thứ này nên được làm một cách thoải mái chớ không phải cứng đơ. Bạn không phải là người gỗ và đây không phải là lối huấn luyện sĩ quan. Thật ra vốn không cần phải có một sự gồng cứng nào cả để giữ cho lưng ngay thẳng; ngồi nhẹ nhàng và thả lỏng. Cột sống nên giống như là một thân cây cứng nhỏ đang lớn lên nơi đất còn mềm. Tất cả phần còn lại trong thân thể chỉ dính theo trong phong thái thư thả và nới lỏng. Những vấn đề này đòi hỏi bạn phải thử qua nhiều lần để có thể rút tỉa kinh nghiệm riêng thích hợp cho thân mình. Thông thường khi chúng ta ngồi, thì tư thế hay bị ngượng ngạo, thiếu tự nhiên hơn so với lúc đi, hay nói chuyện, hay duỗi thẳng ra. Nhưng tất cả những thứ này đã bị hoàn cảnh hóa trở thành thói quen trong thời gian dài và có thể sửa lại được. Mục đích của bạn là có được một tư thế ngồi mà không cần phải nhúc nhích trong suốt buổi tọa thiền. Vào lúc ban đầu, bạn có lẽ cảm thấy ngượng ngịu khi thẳng lưng, nhưng dần dà thì cũng sẽ quen, chỉ cần thực tập thì được, vì lối ngồi này rất ư là quan trọng. Theo sinh lý học thì đây là lối ngồi tỉnh thức, nó cùng đi song song với tâm cảnh giác. Nếu bạn bị uể oải, nghĩa là bạn đang mời mọc cơn mê ngủ. Vật mà bạn ngồi lên cũng quan trọng không kém. Một chiếc ghế hay gối độn thì cần thiết, tùy thuộc vào thế ngồi, và độ cứng của chỗ ngồi cũng phải được chọn lựa. Nếu quá êm có thể làm bạn buồn ngủ, còn cứng quá thì có thể tạo ra cơn đau.
Trang phục
Y phục đang mặc trong khi tọa thiền thì nên mềm mại và rộng rãi. Nếu quần áo cấn cản các mạch máu hay đè chặt cơ phận thần kinh sẽ tạo ra cơn đau hay sự tê cứng mà mọi người thường hay gọi “phần thân bị ngủ”. Nếu bạn đang mang dây thắt lưng thì nên nới lỏng nó ra. Đừng nên mặc quần áo chật chội và may bằng những chất liệu dày. Váy dài là một lựa chọn tốt cho phái nữ. Quần rộng làm bằng vật liệu mềm và có tính đàn hồi thì thích hợp cho mọi người. Những chiếc áo choàng mềm mại và rộng rãi là trang phục truyền thống ở Á châu là những y phục điển hình chẳng hạn như là sa-rong, ki-mo-no. Hãy cởi giày ra và nếu bạn đang mang loại vớ dày thì nên cởi nó ra nốt.
Tư thế truyền thống
Khi ngồi trên sàn nhà theo truyền thống Á châu, bạn cần phải có một tọa cụ để nâng đỡ cột sống. Hãy chọn loại tọa cụ tương đối chặt một chút và dày khoảng ba phân Anh sau khi bị ép. Ngồi gần ở góc ngoài của tọa cụ và để cho chân tréo nhau nằm nghĩ ngơi trên sàn nhà. Nếu sàn nhà có trải thảm thì rất tốt cho sự bảo vệ ống quyển và mắt cá bớt đi sức ép. Nếu không có thảm, thì bạn nên cần có miếng đệm (hay cái mền nhỏ) cho đôi chân. Đừng bao giờ ngồi trọn vẹn trên tọa cụ. Lối ngồi này sẽ tạo sức ép vào đôi đùi và quan ngại các thần kinh hệ, sẽ dẫn đến chân bị đau.
Có nhiều cách để xếp hai chân. Đây là bốn cách được ưa chuộng nhất.
Lối người da đỏ: Chân phải đặt phía dưới gối trái và chân trái nhét luồn dưới gối phải.
Lối người Miến điện: Hai chân từ phần gối cho tới bàn chân được đặt song song phía trước.
Bán già: Hai gối chạm đất. Chân này nằm dọc theo chân kia ở phần ống quyển.
Kiết già: Hai gối chạm đất, chân tréo nhau ở bắp chân. Bàn chân trái nằm trên đùi phải và bàn chân phải nằm trên đùi trái. Hai lòng bàn chân mở lên.
Trong những tư thế này, hai bàn tay với những ngón khít hờ lại với nhau, bàn tay này đặt lên trên bàn tay kia và để nhẹ trước bụng với lòng bàn tay hướng lên trên. Hai tay để ngang tầm ở thấp hơn rốn một chút và hai cờm tay chạm nhẹ vào hai đùi trong. Vị trí của hai tay sẽ giữ cho phần thân được thẳng và lâu bền. Đừng gồng gân ở cổ và ở hai tay. Cả toàn bộ thân thể được thả lỏng và thư giãn hoàn toàn. Đừng để cho sức ép ứ đọng nơi vùng bụng. Nâng cao cằm lên một chút. Mắt thì có thể mở hoặc nhắm lại. Nếu bạn muốn để mắt mở thì luôn nhìn vào chóp mũi hay ngay điểm giữa của khoảng cách từ mắt tới một vật thể gần nhất trước mắt, giống như là không nhìn gì cả mà chỉ nhìn tùy tiện vào khoảng không để có thể quên đi sự thấy. Đừng quá căng thẳng, gồng cứng hay là gắng gượng. Thư thả, để cho toàn thân mềm dẽo một cách tự nhiên giống như là toàn bộ phận thân thể đang được gá máng vào một giá móc y phục mà cái giá áo kia là cột xương sống đang thẳng.
Tư thế bán già và kiết già là hai thế ngồi phổ thông của dòng thiền nguyên thuỷ ở Á châu, ngồi kiết già thì được cho là tư thế tốt nhất từ trước đến nay. Một khi đã ngồi vào rồi, bạn có thể hoàn toàn bất động trong một khoảng thời gian dài. Bởi vì nó đòi hỏi một đôi chân uyển chuyển cho nên không phải ai cũng có thể ngồi theo lối này được. Hơn nữa, tư thế ngồi không nói lên một điều gì về thiền giả, mà chỉ đơn thuần là nó thích hợp cho từng cá nhân; chọn một thế ngồi miễn sao cho bạn ngồi được lâu nhất với khả năng của mình mà không bị đau và nhúc nhích. Hãy thử nghiệm nhiều thế ngồi khác nhau để chọn cho mình một thế thích hợp. Các gân sẽ dần dần thả lỏng theo sự tu tập, bạn luyện tập dần tới thế kiết già.
Chiếc ghế
Ngồi trên sàn nhà có thể là rất khó khăn vì đau đớn hay lý do nào khác. Cho nên bạn có thể ngồi trên ghế. Hãy chọn một chiếc ghế phẵng có tựa lưng thẳng đứng và không có nơi để tay. Khi ngồi thì đừng tựa lưng vào thành ghế. Phần ghế trước không tới sâu vào đùi. Để hai chân song song với bàn chân phẵng trên sàn. Giống như tư thế truyền thống, đặt hai tay trên vế, bàn tay này trên bàn tay kia với lòng bàn tay mở lên. Đừng gồng cứng gân cổ và vai, thả lỏng hai cánh tay. Mắt của bạn có thể mở hoặc đóng. 
Dù dùng theo tư thế nào hãy luôn luông nhớ đến mục tiêu của bạn. Bạn muốn đạt đến trạng thái toàn thân tĩnh lặng mà không bị rơi vào cơn ngủ gục. Tương tự như là đang lắng đọng ly nước nhiều cặn. Bạn muốn thực tập phương pháp “thân tịnh sẽ đưa đến tâm tịnh”. Khi trạng thái thân yên tĩnh và có sự chú tâm thì sẽ dẫn đến trạng thái tâm trong sáng mà bạn cần. Cho nên hãy thử nghiệm. Phần thân chỉ là phương tiện để đạt đến trạng thái tâm mà chúng ta muốn có, hãy dùng nó một cách sáng suốt. 

-o000o-

Chánh niệm - tu thiền minh sát căn bản - Thiền sư Henepola Gunaratana

Chánh niệm - Chương 1, 2, 3: Hiểu rõ tu thiền là gì (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 4 và 5: Thái độ - Quan điểm và Sự tu tập (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 6: Làm gì đây với thân của bạn? -(Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 7 – Làm gì đây với Tâm của bạn? - (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 8 : Cấu trúc của sự tu tập - (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 9: Tổ chức sự Tu tập - (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 10: Đối diện với khó khăn - (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 11 và 12: Đối diện với Vọng tâm (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 13: Chánh Niệm (Sati) (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 14: Chánh niệm so với sự tập trung (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 15: Tu thiền trong đời sống hàng ngày (Thiền sư: Henepola Gunaratana)

Chánh niệm - Chương 16: Những gì cho bạn (Thiền sư: Henepola Gunaratana)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét