Trang

Đại Thừa của Đạo Phật Nguyên Thủy (Phần 1) - Tác giả: Pa Auk Sayadaw


Cổ Xe Đại Giác ( Phần I)
Tác giả: Pa Auk Sayadaw
Việt dịch: Tỳ khưu PHÁP THÔNG
VIÊN KHÔNG, TL. 2002 – PL. 2546

Mục lục 
 
1. Thế nào là Ba-la-mật (Pāramīs)

2. Các pháp này được gọi là Ba-la-mật theo
nghĩa gì 


3. Có bao nhiêu pháp Ba-la-mật

4. Gì là trình tự của các pháp Ba-la-mật 
5. Thế nào là những đặc tính, nhiệm vụ,
sự thể hiện và nhân gần của các Ba-la-mật
6. Thế nào là những điều kiện căn bản cho Ba-la-mật
       
Đại nguyện
       . Đại bi và phương tiện thiện xảo trí
       . Phật Địa hay bốn nền tảng để Đắt thành Phật
       . Mười sáu khuynh hướng tâm
 
7. Hỏi và Đáp
*Chương sách liên quan:



  1. 1.   Thế nào là ba-la-mật (pāramīs)? 
Ba-la-mật là những phẩm chất cao quý như bố thí, trì giới, v.v…đi kèm với lòng bi mẫn và trí hiểu biết về những phương tiện thiện xảo, và nhất là không bị ô nhiễm bởi tham ái, kiêu mạn và tà kiến. 
  1. 2.   Các pháp này được gọi là ba-la-mật theo nghĩa gì?
Các vị bồ-tát (bodhisattas) hay các bậc đại nhân, là tối cao, vì những phẩm hạnh xuất chúng như bố thí, trì giới, thiền định, trí tuệ v.v…của các ngài và vì các ngài có giới thanh tịnh vô song nên các ngài được xem là cao nhất trong các chúng sinh. Định của các ngài rất mạnh mẽ và đầy năng lực. Trí tuệ của các ngài rất uyên áo và thâm sâu. Do nhờ dựa trên định mà trí tuệ của các ngài có thể chọc thủng (thể nhập) vào các pháp để hiểu chúng đúng như chúng thực sự là. Các vị có thể thấy quá khứ và vị lai nhờ ánh sáng của trí tuệ. Các vị có thể thấy thế giới này cũng như các thế giới khác. Nói chung, nhờ các ba-la-mật (pāramīs) này mà các vị có thể chứng ngộ Niết-bàn (Nibbana) và thoát khỏi tử sanh luân hồi. Và rồi các vị thuyết giảng Bát Thánh Đạo dẫn đến Niết-bàn. Như vậy các ba-la-mật được xem là nhân cách hay nết cư xử của các vị. Các vị bồ tát là những người hoàn thành và hộ trì các ba-la-mật (pāramīs), vốn được xem là những phẩm chất cao quý chỉ thuộc về những con người cao thượng. Vì thế nếu quý vị ở đây là những bậc bồ-tát quý vị phải hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) hay những phẩm chất cao quý thuộc về các bậc thượng nhân - bodhisattas, này.
  1. 3.   Có bao nhiêu pháp ba-la-mật (pāramīs)?
Có lần Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) hỏi Đức Phật: ‘Bạch Đức Thế Tôn có bao nhiêu pháp đưa đến Phật-quả?’
Đức Phật trả lời: ‘Này Xá-lợi-phất, có mười pháp đưa đến Phật-quả. Thế nào là mười? Bố thí(dāna), này Xá-lợi-phất (Sāriputta), là một pháp đưa đến Phật-quả. Trì giới (sīla), xuất gia(nekkhamma), trí tuệ (paññā), tinh tấn (vīriya), kham nhẫn (khanti), chân thật (sacca), quyết định(adhiṭṭhāna), tâm từ (mettā), và xả (upekkhā) là các pháp đưa đến Phật-quả.’
  1. 4.   Gì là trình tự của các Pháp ba-la-mật (pāramīs)?
Ở đây ‘trình tự’ có nghĩa là trình tự của lời dạy. Trình tự này bắt nguồn từ thứ tự các ba-la-mật mới đầu được đảm nhận, tiếp nữa trình tự còn bắt nguồn từ thứ tự các ba-la-mật khi được thẩm xét. Ba-la-mật nào được thẩm xét và đảm nhận ngay lúc đầu sẽ được dạy trước. Thường thường bất kỳ ba-la-mật nào cũng có thể cho quả lớn hơn và nhiều lợi ích hơn nếu nó được dựa trên ba-la-mật đi trước. Như vậy bố thí dựa trên giới sẽ có quả lớn và lợi ích dồi dào hơn và v.v…
Dưới đây là bảng mô tả tóm tắt các cách giải thích trình tự khác:
  1. Bố thí được tuyên bố đầu tiên:
    1. a.   bởi vì nó là chung cho tất cả mọi người, vì ngay cả người bình thường cũng hành pháp bố thí được;
    2. b.   bởi vì nó có quả nhỏ; và
    3. c.    bởi vì nó là pháp dễ thực hành nhất.
    4. 2.        Giới được tuyên bố liền sau bố thí:
      1. a.   bởi vì giới làm cho cả người bố thí lẫn người thọ nhận được trong sạch;
      2. b.   để cho thấy rằng trong khi bố thí đem lại lợi ích cho người khác, thì giữ giới tránh gây đau khổ cho mọi người; và
      3. c.    để cho thấy nhân thành tựu trạng thái thuận lợi trong kiếp sống tương lai (nhờ giữ giới) ngay sau nhân thành tựu tài sản (nhờ bố thí).
Theo vận hành của luật nhân quả (kamma), thực hành bố thí đem lại sự hoạch đắc tài sản kể như quả báo của nó, giữ giới có được sự tái sanh an vui, hoặc trong các cõi trời hoặc trong cõi nhân loại. Ngoài ra bố thí của những người có giới trong sạch còn có thể hoàn thành ước nguyện của họ.
  1. Xuất gia được đề cập liền sau giữ giới:
    1. a.   bởi vì xuất gia làm hoàn hảo cho sự thành tựu giới;
    2. b.   để dạy tâm thiện hạnh liền ngay sau thân và khẩu thiện hạnh.
    3. c.    bởi vì thiền (jhāna) dễ đắc đối với một người đã trong sạch giới hạnh của mình;
    4. d.   để tuyên bố việc từ bỏ những ám ảnh tâm lý liền sau sự từ bỏ những vi phạm của thân và khẩu.
Thực ra, ‘xuất gia’ không chỉ có nghĩa là sự khước từ những vật chất bên ngoài (ngũ trần), mà còn là sự từ bỏ những tâm phiền não nữa. Giáo lý đạo Phật nhìn nhận ba giai đoạn vận hành của phiền não:
  1.                                       i.     Giai đoạn ngủ ngầm ở đây phiền não lưu lại như một khuynh hướng âm ỉ (anusaya - phiền não tuỳ miên) ở dưới đáy dòng tâm tương tục;
  2.                                     ii.     Giai đoạn ám ảnh (pariyuṭṭhāna - phiền não tại triền) khi phiền não trồi lên bề mặt như một yếu tố tâm năng động; và
  3.                                  iii.     giai đoạn vi phạm (vītikkama) khi phiền não thúc đẩy một hành động bất thiện của thân hay lời nói nào đó.
Giữ giới ngăn được sự bộc lộ tích cực của phiền não qua hành động của thân và lời nói. Thiền định, đặc biệt ở mức bậc thiền (jhāna) hay an chỉ định, ngăn sự khởi sanh của những ám ảnh tâm lý. Và trí tuệ hay tuệ giác tạo ra sự đoạn trừ phiền não tận dưới mức căn bản nhất của (phiền não) ngủ ngầm.
  1. Trí tuệ được đề cập liền sau xuất gia:
    1. a.   bởi vì xuất gia được hoàn hảo và trong sạch nhờ trí tuệ;
    2. b.   để cho thấy rằng không thiền thì không có trí tuệ, bởi lẽ xuất gia (hiểu theo nghĩa xả ly) là nhân gần cuả trí tuệ và trí tuệ là sự thể hiện của định;
    3. c.    để cho thấy trí (hiểu biết) về phương tiện thiện xảo đang làm việc vì hạnh phúc của tha nhân xuất phát từ tâm thiền hướng thẳng đến hạnh phúc của họ.
  1. Tinh tấn được đề cập liền sau trí tuệ:
    1. a.   bởi vì nhiệm vụ của tuệ được hoàn hảo là nhờ đề khởi tinh tấn;
    2. b.   để cho thấy công việc phi thường mà vị bồ tát đảm nhận vì hạnh phúc của các chúng sinh sau khi ngài đã đạt đến sự chấp nhận tính rỗng không của chúng nhờ quán chiếu.
    3. c.    để tuyên bố sự đề khởi tinh tấn (cần thực hiện) ngay sau hành vi suy xét thận trọng, hợp theo lời dạy: ‘Hành vi của người có suy xét thận trọng đem lại những kết quả thù thắng.’
  1. 6.   Kham nhẫn được đề cập ngay sau tinh tấn:
    1. a.   bởi vì kham nhẫn được hoàn hảo nhờ tinh tấn, như đã được nói: ‘Người có nghị lực, nhờ khơi dậy tinh tấn, vượt qua cái khổ do các chúng sinh khác và các hành (saṇkhāras) giáng xuống.’;
    2. b.   để cho thấy sự kiên trì của một người có nghị lực, vì lẽ một người biết kham nhẫn và không bị dao động sẽ kiên trì trong công việc của mình.
    3. c.    để cho thấy nơi một vị bồ tát siêng năng hoạt động vì hạnh phúc của tha nhân sẽ không có lòng khao khát đối với những phần thưởng, vì tham không thể  khởi khi ngài suy xét Pháp (Dhamma) hợp theo thực tại; và
    4. d.   để cho thấy rằng vị bồ-tát phải kham nhẫn chịu đựng cái khổ do những người khác tạo ra ngay cả khi ngài đang hết lòng làm việc vì hạnh phúc của họ.
  1. 7.   Chân thật được đề cập liền sau kham nhẫn:
    1. a.   bởi vì sự quyết định thực hành pháp kham nhẫn được tiếp tục lâu dài là nhờ chân thật;
    2. b.   sau khi đã đề cập sự kham nhẫn chịu đựng những bất công mà người khác giáng xuống trước, kế tiếp đề cập đến tính trung thực của lời nói để thể hiện lòng chân thành muốn giúp đỡ họ; và
    3. c.    để cho thấy rằng một vị bồ-tát nhờ kham nhẫn mà không chao đảo khi đương đầu với nghịch cảnh, nhờ lời nói chân thật mà không từ bỏ kẻ đối nghịch với mình.
  1. 8.   Quyết định được đề cập liền sau chân thật:
    1. a.   bởi chân thật được hoàn hảo nhờ quyết định, vì rằng việc tránh nói dối sẽ trở nên hoàn hảo nơi một người mà sự quyết định của họ không bị lay động; và
    2. b.   sau khi đã cho thấy sự không lừa đảo trong lời nói trước,  tiếp theo đó cho thấy một lời đã hứa thì không gì có thể làm cho lay chuyển, vì một vị bồ-tát hết lòng giữ pháp chân thật rồi mới tiến hành hoàn tất những lời nguyện bố thí, giữ giới v.v… của ngài một cách chắc chắn không do dự.
  1. 9.   Tâm từ được tuyên bố liền sau quyết định:
    1. a.   bởi vì tâm từ làm cho quyết định đảm nhận công việc vì hạnh phúc của tha nhân được hoàn hảo;
    2. b.   để liệt công việc đem lại hạnh phúc thực sự cho tha nhân ngay sau khi nói rõ quyết định sẽ làm như vậy vì ‘người đã nhất quyết (thực hiện) những điều kiện cần thiết cho sự giác ngộ (luôn) an trú trong tâm từ’; và
    3. c.    bởi vì sự đảm nhận công việc vì hạnh phúc của tha nhân chỉ được tiến hành một cách không nao núng khi có quyết định vững chắc.
  1. 10.                       Xả được tuyên bố ngay sau tâm từ:
    1. a.   bởi vì xả làm cho tâm từ trong sạch;
    2. b.   để cho thấy vị bồ-tát phải giữ thái độ thản nhiên không quan tâm đến những bất công do người khác giáng xuống khi ngài đang làm việc để đem lại hạnh phúc cho họ; và
    3. c.    để cho thấy đức hạnh phi thường của một vị bồ-tát trong việc giữ thái độ vô tư ngay cả đối với những người mong muốn cho ngài được an vui, khoẻ mạnh.
  1. 5.   Thế nào là những đặc tính, nhiệm vụ, sự thể hiện và nhân gần của các ba-la-mật?
Nói chung, tất cả ba-la-mật, không ngoại trừ pháp nào, đều có: Đặc tính: làm lợi ích cho tha nhân; nhiệm vụ, sẵn lòng giúp đỡ, hay không do dự trong việc giúp đỡ người khác; mong ước an vui hạnh phúc cho tha nhân hay Phật quả kể như sự thể hiện của chúng; và tâm đại bi cũng như trí hiểu biết các phương tiện thiện xảo là nhân gần của các ba-la-mật (pāramīs).
6.        Thế nào là những điều kiện căn bản cho ba-la-mật (pāramīs)?
Tóm tắt, những điều kiện căn bản của ba-la-mật là:
1.   đại nguyện (abhinīhāra);
2.   đại bi (mahākārunā); và phương tiện thiện xảo trí (upāyakosallañāṇa);
3.   Phật địa (Buddhabhūmi) hay bốn nền tảng để đắc thành Phật.
4.   mười sáu khuynh hướng tâm (ajjhāsaya);
5.   trí suy xét về những lợi ích của bố thí v.v… và sự nguy hiểm của không bố thí v.v… ;
6.   mười lăm pháp (dhammas) bao gồm chánh hạnh (carana), năm loại thắng trí (abhiññā-thần thông), cùng với các nhân phụ thêm của chúng.
Về các điều kiện căn bản của  ba-la-mật (pāramīs), trước hết phải kể đến đại nguyện. Đây là lời phát nguyện được hỗ trợ bởi tám tiêu chuẩn, sẽ được bàn đến một cách tóm tắt sau, nguyện ấy nảy sanh trong tâm như vầy:
‘Cần vượt qua Ta sẽ vượt qua, cần giải thoát Ta sẽ giải thoát, cần điều phục Ta sẽ điều phục, cần an tịnh Ta sẽ an tịnh, cần an ủi Ta sẽ an ủi, cần đắc Niết-bàn (Nibbana) Ta sẽ đắc Niết-bàn (Nibbana), cần tịnh hoá ta sẽ tịnh hoá, và cần giác ngộ Ta sẽ giác ngộ!’[1]
Đây là điều kiện cho tất cả các ba-la-mật (pāramīs) không ngoại trừ.
Tám tiêu chuẩn giúp cho sự phát nguyện được thành công là:
1.   Sanh làm người;
2.   Là người nam;
3.   Nhân
4.   Gặp Đức Phật;
5.   Xuất gia;
6.   Thành tựu những đức cao quý;
7.   Hiến dâng thân mạng; và
8.   Có hoài bảo mãnh liệt.
Đại Nguyện
(1)         Sanh làm người (manussatta): Phát nguyện thành Phật chỉ thành công khi được thực hiện bởi một chúng sinh đã đạt đến trạng thái hiện hữu của con người, chứ không thực hiện bởi chúng sinh sanh làm loài rồng (Nāga), loài kim xí điểu (supaṇṇa) v. v…Vì sao? Bởi vì những trạng thái khác này không tương xứng với trạng thái của một vị Phật vốn luôn luôn sanh trong trạng thái con người.
Quý vị nên biết, nếu quý vị có ước nguyện hay có hoài bảo muốn thành Phật đủ mạnh, một ngày nào đó quý vị có thể thành tựu ước nguyện của mình. Nhưng ngạn ngữ có câu: ‘Nếu những điều ước là ngựa, thời những kẻ ăn xin cũng có thể (có ngựa) cưỡi.’ Điều này có nghĩa rằng nếu mọi thứ chỉ cần ước là  được, thì người nghèo chẳng mấy chốc sẽ giàu. Như vậy chỉ phát nguyện thành Phật thôi thì không đủ để đắc thành Phật quả. Quý vị phải hoàn thành mười pháp Ba-la-mật bằng cách từ bỏ những sở hữu bên ngoài, từ bỏ vợ, con, tứ chi và thậm chí cả sinh mạng nữa. Nếu quý vị thực hành được như vậy một ngày nào đó quý vị có thể đắc thành Phật quả.
(2)    Sanh làm người nam (liṅgasampatti): Đối với một người đã đạt đến trạng thái làm người, thì phát nguyện cũng chỉ thành công khi nó được thực hiện bởi một người nam, chứ không phải bởi một nữ nhân, người bị hoạn (thiến), người bán nam bán nữ, người lưỡng tính. Vì sao? Bởi vì Đức Phật luôn luôn thuộc về phái nam, và bởi vì không có sự hoàn thành những đặc tính được đòi hỏi nơi những phái khác. Như Kinh nói: ‘Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ-kheo, một nữ nhân có thể thành một vị Phật Chánh Đẳng Giác, đây là điều bất khả.’[2]
(3)    Nhân (hetu): Nhân ở đây là sự thành tựu của những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Ngay cả đối với một người nam, nguyện cũng chỉ thành công với một người có đầy đủ những điều kiện hỗ trợ cần thiết, tức là chỉ dành cho người đã có được nền tảng nhân duyên thiết yếu, chứ không phải cho một ai khác.
Người nam này phải có khả năng đắc A-la-hán thánh quả trong lúc nghe một bài kệ ngắn do Đức Phật thuyết liên quan đến Tứ Thánh Đế, hoặc (đắc) vào cuối bài kệ. Người này cũng phải có đủ các ba-la-mật (pāramīs) để đắc A-la-hán  thánh quả theo cách như vậy.
Trước khi người này được một Đức Phật xác nhận sẽ là một vị bồ tát, họ phải làm thế nào để có được những ba-la-mật (pāramīs) ấy? Chú giải Kinh Trung Bộ (Majjhimā Nikāya) nói rằng:
a)  Người  ấy phải xuất gia dưới một vị Phật;
b)  Thanh tịnh giới hạnh của mình;
c)   Học giáo lý của Đức Phật;
d)  Sống một đời sống thiền định, và có được tám thiền chứng;
e)   Phát triển Minh-sát (Vipassana) lên đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa)
Trên đây là những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Tất nhiên trước khi người ấy hoàn thành mười pháp ba-la-mật (pāramīs), người ấy sẽ không cố gắng để đạt đến các thánh đạo và thánh quả mà vốn sẽ chấm dứt sự nghiệp bồ-tát của mình.
(4)    Tương kiến bậc Đạo-sư hay được gặp Đức Phật (sattāradassana): Đây muốn nói tới sự có mặt của bậc Đạo-sư (Đức Phật). Phát nguyện chỉ thành công khi người ấy nguyện trước sự hiện diện của một vị Phật đang tại thế. Nếu nguyện được thực hiện sau khi Đức Thế Tôn đã nhập Niết-bàn (Nibbana) - tức trước một điện thờ, dưới cội cây Bồ-Đề, trước một ảnh tượng Phật, trước mặt các vị Độc-giác Phật (Paccekabuddha), hay các vị đệ tử của Đức Phật - lời phát nguyện đó không thành tựu. Vì sao? Bởi vì người tiếp nhận thiếu năng lực  cần thiết để xác nhận lời phát nguyện này. Như vậy lời phát nguyện chỉ thành công khi phát nguyện trước mặt các vị Phật, vì chỉ các vị mới có đủ năng lực tinh thần để xác nhận lời nguyện cao quý đó.
(5)    Xuất Gia (pabbajjā): Phát nguyện chỉ thành công khi thực hiện trước mặt Đức Phật bởi một người đã lìa xa gia đình sống đời không gia đình của một người tu sĩ, hoặc như một vị Tỳ-kheo hoặc như một đạo sĩ tin nơi giáo lý Nghiệp (Kamma) và quả của nghiệp (kammavādi, kiriyavādi, v.v… ). Lời phát nguyện sẽ không thành công đối với một người đang sống trong đời sống gia chủ. Vì sao? Bởi vì trạng thái gia chủ không tương xứng với trạng thái của một vị Phật người mà bản thân đã xuất gia vậy. Chư đại bồ-tát trong kiếp chót của mình chỉ đạt đến sự giác ngộ tối thượng sau khi đã lìa xa gia đình sống đời không gia đình, chứ không phải trong lúc các vị vẫn còn là người gia chủ. Do đó, vào lúc phát nguyện, chỉ người đã xuất gia và có đầy đủ những phẩm chất thích hợp mới có thể thành công, và những phẩm chất đặc biệt để đắc thành Phật quả ấy chỉ hiện hữu nơi một người đã xuất gia mà thôi.
(6)    Thành tựu những công đức cao quý (guṇasampatti): Đây muốn nói tới sự thành tựu của những công đức cao quý như năm thần thông, v.v… Vì sự phát nguyện chỉ thành công khi được thực hiện bởi một người đã xuất gia và có được tám thiền chứng cũng như năm thần thông hiệp thế. Tám thiền chứng là đắc bốn bậc thiền sắc giới (rūpāvacara jhānas) và bốn bậc thiền vô sắc giới (arūpavacana jhānas).
          Năm thần thông là:
a)  Biến hoá thông (iddhi-vidha);
b)  Thiên nhĩ thông (dibba-sota);
c)   Tha tâm thông (cetopariyañāṇa);
d)  Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu);
e)   Túc mệnh thông (pubbenivāsānussati).
Như vậy nguyện không thành công đối với một người không có những công đức này. Vì sao? Bởi vì người không có những công đức ấy sẽ không có khả năng thẩm xét các ba-la-mật (pāramīs). Chính nhờ có những điều kiện hỗ trợ cần thiết và các năng lực thần thông này mà bậc Đại Nhân, sau khi đã phát nguyện, có thể tự mình thẩm xét các ba-la-mật.
(7)    Hiến dâng sinh mạng (adhikāra): Đây là sự hiến dâng tột bực. Nguyện chỉ thành công đối với một người không những có đầy đủ những phẩm chất đã nói ở trước mà vào lúc đó vị ấy còn phải có sự hiến dâng tột bực cho Đức Phật, nghĩa là vị ấy sẵn sàng từ bỏ ngay cả mạng sống này vì sự nghiệp bồ tát.
(8)    Hoài bảo mãnh liệt (chandatā): Đây là một hoài bảo thiện, một ước muốn cho sự hoàn thành tốt đẹp hạnh nguyện bồ-tát của mình. Một người đã có những phẩm chất kể trên còn phải có hoài bảo mãnh liệt, nghĩa là phải có lòng mong mỏi, khao khát thực hành những pháp (dhammas) đưa đến Phật quả. Chỉ khi đó nguyện của người ấy mới thành công, nếu không thì không được.
Những ví dụ sau đây sẽ minh hoạ tầm quan trọng của hoài bảo được đòi hỏi phải có nơi một người nguyện thành Phật. Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể vượt qua toàn thế gian ngập nước này sang đến bờ bên kia bằng chính sức mạnh đôi tay của mình, người ấy có thể thành Phật.’ - vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều ấy là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.
Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể đi qua toàn thế gian đầy than đỏ đang cháy hừng, cháy không có lửa ngọn và cháy không có khói, vượt qua đến phía bên kia bằng chính sức mạnh đôi chân của mình, người ấy có thể thành Phật.’- vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.
Nếu vị ấy được nghe: ‘Ai có thể băng qua toàn thế gian đã trở thành một khu rừng đầy dây gai và bao phủ bởi đám tre gai dày đặc, vượt qua đến phía bên kia bằng chính sức mạnh đôi tay của mình, người ấy có thể thành Phật.’ - vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước.
Nếu vị ấy được nghe: ‘Chỉ có thể đắc thành Phật quả sau khi đã bị hành hạ trong địa ngục suốt bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp.’- vị ấy sẽ không nghĩ rằng điều đó là khó làm, mà sẽ làm công việc đó với lòng tràn đầy ước muốn, không chùn bước. Mức độ của hoài bảo được đòi hỏi phải như vậy.
Nếu quý vị nghĩ mình có hoài bảo hay ước nguyện thành Phật đủ mạnh, liệu  mức độ hoài bảo của quý vị có lớn như vậy hay không? Và quý vị có dám làm như vậy hay không?
Nguyện, được thực hiện bởi một người có đầy đủ tám yếu tố kể trên, là sự biểu hiện hoạt động của tâm thức khởi lên cùng với tám yếu tố này. Đặc tính của nó là quyết định đạt đến sự giác ngộ tối thượng một cách chân chánh. Nhiệm vụ của nó là hoài bảo, ‘Mong cho ta chứng được chánh đẳng giác (thành Phật), và đem lại an vui, hạnh phúc cho tất cả chúng sinh!’Nguyện được thể hiện như nhân căn để cho những điều kiện cần thiết của giác ngộ. Nhân gần của nó là lòng đại bi, hay sự thành tựu của những điều kiện hỗ trợ cần thiết. Vì đối tượng của nguyện là bình diện bất khả tư nghì của chư Phật và sự an lạc của vô lượng chúng sinh, nên nó được xem như cao tột nhất, tối thượng nhất và thù thắng nhất trong các công đức, có đầy đủ khả năng, và là nhân căn để của tất cả pháp đưa đến Phật quả. Cùng với sự khởi sanh của nó, bậc Đại Nhân bước vào thực hành cỗ xe đại giác (mahābodhiyāna-paṭipatti - cỗ xe lớn đưa đến giác ngộ). Có thể nói vận mệnh của ngài đã trở thành cố định, không thể nào thay đổi, và do đó đạt được danh hiệu ‘bồ-tát’ một cách chân chính. Tâm ngài từ đây dành trọn cho sự giác ngộ tối thượng, và khả năng để hoàn thành việc tu tập các điều kiện cần thiết cho sự giác ngộ của ngài được thiết lập vững chắc. Vì khi nguyện thành công, các bậc Đại Nhân sẽ thẩm xét tất cả pháp ba-la-mật (pāramīs) với trí tự phát của mình một cách đúng đắn, đây là trí báo trước sự chứng đắc toàn giác trí trong tương lai của các ngài. Lúc đó các ngài bắt đầu đảm nhận công việc thực hành các ba-la-mật (pāramīs) của mình và hoàn thành chúng theo đúng trình tự, như đức bồ-tát Sumedho[3] đã làm sau khi ngài phát đại nguyện vậy.
Ở đây, Tôi sẽ nói cho quý vị biết đức bồ-tát của chúng ta đã có được tám yếu tố ấy như thể nào để phát đại nguyện và nhận được lời thọ ký xác định.
Trước khi đức bồ tát của chúng ta (lúc đó là đạo sĩ Sumedho) nhận được lời thọ ký xác định từ Đức Phật Nhiên Đăng (Dipaṇkara), ngài đã phát nguyện thành Phật trước cả hai tỷ Đức Phật quá khứ. Theo Yasodhrā Theri Apādāna, công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) tương lai cũng đã phát nguyện giúp ngài thực hành bồ-tát đạo trước số lượng chư Phật y như vậy. Và ngay cả trước khi đức bồ-tát của chúng ta nhận được lời thọ ký xác định, ngài cũng đã hoàn thành mười pháp ba-la-mật (pāramīs) bằng cách bố thí hết những vật sở hữu của ngài, kể cả vợ, con, vương vị, tứ chi và mạng sống. Con mắt mà ngài đem bố thí còn nhiều hơn cả số sao trên trời. Nếu số thân mà ngài đem bố thí đem chất đống lại có thể còn lớn hơn cả Núi Meru (núi chua Tu-di). Ngài đã xuất gia dưới nhiều vị Phật, đã thanh tịnh giới, học Phật pháp, sống đời sống thiền định và đắc được bát thiền, ngũ thông, và tu tập minh sát (vipassana) lên đến hành xả trí (saṅkhāruppekhāñāṇa). Đó là cách ngài đã thực hành mười ba-la-mật (pāramīs) để có được lời thọ ký xác định.
Khi ngài gặp Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkara) trong kiếp làm đạo sĩ Sumedho, ngài đã có đủ tám yếu tố để thực hiện lời nguyện lớn, đó là, có được trạng thái làm người; là người nam; có nhân (hetu); gặp Đức Phật; xuất gia đạo sĩ tin nghiệp và quả của nghiệp; sự thành tựu của những phẩm chất cao quý — như tám thiền chứng và năm thần thông hiệp thế; hiến dâng thân mạng cho Đức Phật; và hoài bảo mãnh liệt đối với phật quả. Nếu ngài muốn giác ngộ ngay kiếp đó ngài có thể đạt đến A-la-hán thánh quả cùng với lục thông và tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāñāṇa) do nghe một bài kệ Đức Phật thuyết liên quan tới Tứ Thánh Đế. Để đắc tứ tuệ phân tích (paṭisambhidāñāṇa) một người cần phải có năm yếu tố sau:
1.        Thành tựu (adhigama): đây là sự thành tựu A-la-hán Thánh Đạo và A-la-hán Thánh Quả hay thành tựu bất kỳ Đạo Quả nào.
2.        Tinh thông kinh điển (pariyatti)
3.        Nghe (savana): nghe những giải thích về Pháp một cách chăm chú và kính trọng.
4.        Hỏi (paripucchā): ở đây là thảo luận những đoạn kinh văn và những lời giải thích khó hiểu trong kinh và chú giải.
5.        Tiền nỗ lực (pubbayoga): thực hành thiền chỉ và minh sát (vipassana) tới mức hành xả trí (saṅkhāruppekhāñāṇa) trong giáo pháp của các vị Phật trước.
Yếu tố đầu tiên phải được thành tựu trong kiếp hiện tại, còn bốn yếu tố kia được hoàn thành trong các kiếp quá khứ. Như vậy, trước khi một người trở thành một vị bồ-tát họ đã thành tựu bốn yếu tố sau rồi.
Sau khi đã nhận được lời thọ ký xác định một vị bồ-tát phải thẩm xét các pháp ba-la-mật (pāramīs) sẽ phải được hoàn thành không có sự hướng dẫn của một vị thầy, cũng giống như những gì đạo sĩ Sumedho đã làm. Tại sao một vị bồ-tát có thể tự mình thẩm xét các pháp ba-la-mật (pāramīs) mà không cần một vị thầy? Bởi vì ngài đã học hỏi giáo lý của Phật trong rất nhiều kiếp quá khứ, và bởi vì ngài đã đắc được túc mệnh thông (khả năng nhớ được các kiếp quá khứ). Và khi điều kiện chín mùi, đó là khi ngài gặp một vị Phật đang tại thế và phát đại nguyện trước mặt vị Phật ấy, thì Trí Thẩm Xét các Ba-la-mật sẽ khởi lên trong tâm ngài. Sau khi đã thẩm xét đủ mười ba-la-mật (pāramīs), ngài phải hoàn thành mười balamật ấy trong ít nhât bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Chỉ lúc đó ngài mới có thể thành Phật.
Từ đây chúng ta có thể thấy rằng không chỉ khó thành Phật, mà muốn thành một vị bồ-tát cũng rất khó. Vì sao? Vì không dễ có được đầy đủ tám yếu tố, đó là, sanh làm người; là người nam; gặp Phật ra đời; v.v… để phát đại nguyện vững vàng và nhận được lời thọ ký xác định từ nơi Đức Phật.
Để giúp cho quý vị hiểu biết sâu xa hơn về đại nguyện, ở đây tôi sẽ giải thích bốn duyên (paccaya), bốn nhân (hetu) và bốn lực (bala) của đại nguyện.
                                      i.     Bốn duyên hay những yếu tố xa là:
a)  Khi một bậc Đại Nhân nguyện thành Phật thấy một đức Như Lai (Tathāgata) thi triển thần thông, vị ấy nghĩ: ‘Toàn Giác Trí thật là có sức mạnh vô cùng; nhờ có nó, Đức Phật đã trở thành người có bản chất kỳ diệu và tuyệt vời, và nhờ có nó mà ngài mới có năng lực không thể nghĩ bàn như vậy.’ Sau khi chứng kiến những năng lực vô song của Đức Phật bồ-tát có khuyng hướng về Toàn Giác Trí (Nhất Thiết Trí).
b)  Mặc dù không tự mình nhìn thấy những năng lực vĩ đại của đức Như Lai (Tathāgata), nhưng khi được nghe từ những người khác: ‘Đức Thế Tôn có đầy đủ năng lực như vậy, như vậy.’ ngài cũng có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.
c)  Mặc dù không chứng kiến cũng không nghe nói đến những năng lực của đức Như Lai (Tathāgata), nhưng khi nghiên cứu kinh điển  nói về những năng lực của một vị Phật, ngài cũng có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.
d)  Mặc dù không thấy những năng lực của đức Như Lai (Tathāgata), không nghe người khác nói, và cũng không nghiên cứu một bản kinh nào liên quan đến việc đó, song vì lẽ ngài có một tâm tính rất cao quý, nên ngài nghĩ như vầy: ‘Ta sẽ bảo vệ di sản (giáo Pháp), bảo vệ dòng dõi, truyền thống và giới luật của chư Phật.’ Do lòng kính trọng rất mực đối với Pháp này ngài có khuynh hướng về Toàn Giác Trí.
                                         ii.     Bốn nhân hay bốn yếu tố gần là:
a.   Bậc Đại Nhân phải có đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết, như đã làm các việc công đức đặc biệt (adhikāra) trong thời kỳ các Đức Phật trước.
b.   Bậc Đại Nhân bẩm sinh phải có đầy đủ lòng bi mẫn và ước muốn làm vơi nhẹ nỗi khổ của các chúng sinh ngay cả phải hy sinh thân mạng.
c.   Bậc Đại Nhân phải có đầy đủ nghị lực và sức mạnh để phấn đấu lâu dài cho tới khi thành tựu cứu cánh Phật quả của mình, không vì cái khổ trong vòng luân hồi mà cảm thấy thối chí và cũng không vì sự gian nan trong công việc đem lại an vui hạnh phúc của các chúng sinh mà nản lòng.
d.   Bậc Đại Nhân vui thích được làm bạn với người tốt, những người  biết ngăn vị ấy làm điều ác và khuyến khích vị ấy làm điều thiện.
Trong bốn nhân này, đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết (upanissaya sampada) có nghĩa là, bởi vì Bậc Đại Nhân đã quyết định thành Phật trong tâm hay nói ra bằng lời trước sự có mặt của chư Phật quá khứ nên vị ấy luôn luôn khuynh hướng về Toàn Giác Trí; vị ấy luôn luôn khuynh hướng về công việc đem lại an vui cho các chúng sinh.
Bởi vì vị ấy có được đầy đủ sự hỗ trợ cần thiết như vậy nên vị ấy phân biệt rất rõ những ai sẽ trở thành chư Độc-giác Phật (Paccekabuddha) hoặc những ai sẽ trở thành Thinh Văn đệ tử Phật theo khả năng của họ, vị ấy phân biệt rất rõ những pháp hành nào đem lại an vui hạnh phúc cho tha nhân và sự thiện xảo trong việc phục vụ lợi ích của người khác cũng như trong việc biết rõ đúng với sai, chánh với tà.
Còn về thân cận bạn tốt, chữ ‘bạn tốt’ hay ‘bạn lành’ ở đây có nghĩa là những người có tám thuộc tính, đó là, tín, giới, đa văn, bố thí, tinh tấn, chánh niệm, thiền định và trí tuệ.
                                      iii.     Bốn đại lực là:
a.   Nội lực: khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí hay Chánh Đẳng Giác (Sammāsambodhi) nhờ tin cậy vào khả năng của mình với lòng kính trọng Pháp (Dhamma). Đây là duyên cuối cùng trong bốn duyên đã đề cập ở trước. Vận dụng lực hay sức mạnh này, sau khi đã có sự tự tin và ý thức hổ thẹn khi làm điều ác, các vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.
b.   Ngoại lực: khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí nhờ tin cậy vào ngoại lực, ba duyên đầu trong bốn duyên đã đề cập ở trên. Vận dụng lực này, dựa vào thế gian bên ngoài, được hỗ trợ bởi lòng tự trọng và tự tin, ‘Ta là người đã được trang bị đầy đủ với những sức mạnh để đạt đến Phật quả,’ vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.
c.   Trợ duyên lực (upanissaya-bala-thân duyên lực, sức mạnh của những điều kiện hỗ trợ) khuynh hướng triệt để về Toàn Giác Trí nhờ tin cậy vào nhân đầu tiên trong bốn nhân. Vận dụng lực hay sức mạnh này, có đầy đủ các căn bén nhạy, sự thanh tịnh tự nhiên và được hỗ trợ bởi chánh niệm, vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.
d.   Tinh tấn lực (payoga-bala, tiền phương tiện): trang bị đầy đủ với sức tinh tấn thích hợp và đủ để chứng đắc Toàn Giác Trí, đủ để kiên trì theo đuổi những điều kiện hỗ trợ và những hoạt động công đức. Vận dụng tinh tấn lực này, cộng với sự thanh tịnh của lời nói và việc làm, và không ngừng tham gia trong những hoạt động công đức, vị bồ-tát nguyện thành Phật, hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) và đạt đến sự giác ngộ tối thượng.
Đại Bi và Phương Tiện Thiện Xảo Trí
Giống như đại nguyện, lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo cũng là những điều kiện cho các pháp ba-la-mật (pāramīs). Ở đây, ‘phương tiện thiện xảo trí’ là trí tuệ chuyển hoá bố thí và chín đức (ba-la-mật) khác thành những điều kiện thiết yếu cho sự giác ngộ. Nhờ lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo này mà các Bậc Đại Nhân hiến mình để làm việc không ngừng nghỉ vì sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh không quan tâm đến hạnh phúc riêng của mình và cũng không có bất kỳ sự sợ hãi nào đối với lộ trình thực hành cực kỳ khó khăn gian khổ mà các bậc đại bồ-tát phải theo.  Bản chất từ bi và trí tuệ của các ngài là bản chất có thể thúc đẩy sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh ngay cả vào những lúc chỉ thấy, nghe hay hồi nhớ lại, vì chỉ cần một cảnh tượng hay lời đồn hay nghĩ về chúng thôi cũng đủ khơi dậy niềm tin nơi ngài. Nhờ trí tuệ ngài thông hiểu nỗi khổ của người khác, nhờ lòng bi mẫn ngài cố gắng để làm vơi nhẹ khổ đau của họ. Nhờ trí tuệ ngài giác ngộ khổ, nhờ từ bi ngài chấp nhận khổ. Nhờ trí tuệ ngài nguyện đắc Niết-bàn, nhờ lòng bi mẫn ngài lưu lại trong vòng tử sanh luân hồi (saṃsāra). Nhờ lòng bi mẫn ngài đi vào vòng sanh tử, nhờ trí tuệ ngài không thích thú trong đó. Nhờ trí tuệ ngài diệt hết mọi tham ái, tuy nhiên vì trí của ngài có bi đi kèm, ngài không bao giờ ngưng hoạt động vì lợi ích của tha nhân. Nhờ lòng bi mẫn ngài đồng cảm với mọi chúng sinh, nhưng do bi của ngài có trí đi kèm nên tâm ngài không dính mắc. Nhờ trí tuệ ngài thoát khỏi ý nghĩ ‘Ta-đang làm’ và ‘việc làm ấy là của Ta’, nhờ bi ngài thoát khỏi tình trạng thờ ơ (với khổ đau của tha nhân) và chán nản.
Cũng vậy, lần lượt do trí và bi, ngài trở thành người tự bảo vệ mình và người bảo vệ tha nhân, trở thành bậc thánh nhân và quân tử, bậc không tự làm khổ mình và làm khổ người, bậc thúc đẩy an vui hạnh phúc cho mình và an vui hạnh phúc cho mọi người, bậc vô uý (không sợ hãi) và bậc thí vô uý (đem sự không sợ hãi đến cho người),  bậc biết quan tâm đến Pháp và biết quan tâm đến thế gian, bậc tri ân và trả ân, bậc không còn si mê và tham ái, bậc minh và hạnh đầy đủ, bậc có đủ năng lực và căn cứ cho sự tự tin. Như vậy trí và bi, như những phương tiện để đạt đến từng quả lớn của các pháp ba-la-mật, là điều kiện hay trợ duyên cho sự hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs). Và cặp bi - trí này cũng còn được xem như một duyên cho sự quyết định nữa.
Nếu quý vị muốn trở thành một vị bồ-tát quý vị phải suy xét cẩn thận đoạn trên. Quân bình bi và trí được xem là rất quan trọng, bởi vì nếu quý vị có lòng bi mẫn thái quá mà thiếu trí tuệ, bi của quý vị sẽ chỉ là lòng bi mẫn của một người mù. Nếu một người mù đã không thấy đường mà còn cố gắng để dẫn dắt người khác thì họ sẽ chỉ dẫn người ta đi vào con đường lầm lạc đầy những nguy hiểm mà thôi. Ngược lại, nếu quý vị có nhiều trí tuệ mà thiếu lòng bi mẫn, nhưng vẫn cố gắng để tế độ người khác, quý vị sẽ chẳng bao giờ thành một vị bồ-tát và cũng chẳng thể nào cứu giúp được ai cả. Hơn nữa, không có trí tuệ làm căn bản, bi không thể nào mãnh liệt được. Chỉ khi quý vị có trí tuệ thâm sâu, như hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa) chẳng hạn, và vẫn giữ quyết tâm vững vàng hoàn thành các pháp ba-la-mật (pāramīs), lúc ấy lòng bi mẫn của quý vị mới có một nền tảng thích hợp. Vì sao? Bởi vì với hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa) sự dính mắc của quý vị đối với năm uẩn bên trong, bên ngoài, quá khứ, hiện tại, và vị lai đã giảm đi rất nhiều. Tâm của quý vị không còn dính mắc và thích thú trong vòng luân hồi nhiều nữa, nhưng vì sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh khác quý vị vẫn phải tái sanh. Như vậy, đối với một người muốn trở thành một vị bồ-tát việc tu tập trí tuệ thâm sâu là điều bắt buộc.
Ngược lại, nếu quý vị có tuệ mạnh mà bi yếu, thay vì chọn thành Phật quý vị nên chọn trở thành một vị A-la-hán là điều thích hợp tự nhiên. Vì thế nếu quý vị nguyện thành một vị bồ-tát việc quân bình bi và trí sẽ rất quan trọng.
Phật Địa (Buddhabhūmi) hay Bốn Nền Tảng Để Đắc Thành Phật
Giống như đại nguyện, đại bi và phương tiện thiện xảo trí, bốn yếu tố sau cũng tạo thành những điều kiện căn bản cho các ba-la-mật (pāramīs):
1.      Dõng mãnh (ussāha): đó là sự cố gắng hết sức để hoàn thành các pháp ba-la-mật (pāramīs), xả ly (cāga), và sở hành (cariyā);
2.      Thượng trí (ummaṇga): đó là trí biết sử dụng phương tiện thiện xảo đã đề cập ở trước;
3.      Vững chắc (avatthāna): đó là sự quyết tâm không nao núng trong việc thực hành các pháp ba-la-mật (pāramīs) dẫn đến Phật quả.
4.      Lợi hành (hitacariya) đó là sự tu tập tâm từ và tâm bi.
Sở dĩ bốn yếu tố này được gọi là Phật Địa (Buddhabhūmi) là vì chúng dẫn đến sự khởi sanh của Toàn Giác Trí.
Mười Sáu Khuynh Hướng Tâm (ajjhāsaya)
Khuynh hướng tâm ở đây có nghĩa là tính khí hay tính tình ảnh hưởng đến sự hình thành cá tính của một người. Về căn bản, khuyng hướng có hai loại: tốt và xấu. Có mười sáu khuynh hướng thuộc loại tốt, đó là, khuynh hướng về sự xuất gia, khuynh hướng về  sự độc cư, khuynh hướng về vô tham, khuynh hướng về vô sân, khuynh hướng về vô si, khuynh hướng về giải thoát, và khuynh hướng về mười pháp ba-la-mật (pāramīs).
Do khuynh hướng về sự xuất gia mãnh liệt, các vị bồ-tát thấy sự nguy hiểm trong các dục lạc và đời sống gia đình; do khuynh hướng về độc cư mạnh mẽ, các vị thấy sự nguy hiểm trong sự giao du và đời sống quần tụ; do khuynh hướng về vô tham mạnh mẽ, các vị thấy sự nguy hiểm trong tham đắm; do khuynh hướng về vô sân mạnh mẽ, các vị thấy sự nguy hiểm trong sân hận; do khuynh hướng về vô si mạnh mẽ, các vị thấy sự nguy hiểm trong si mê; do khuynh hướng về giải thoát mạnh mẽ, các vị thấy sự nguy hiểm trong mọi hình thức hiện hữu. Các ba-la-mật (pāramīs) không phát sanh nơi người không thấy sự nguy hiểm trong tham đắm, v.v… Do đó khuynh hướng về vô tham, v.v… cũng được xem là những điều kiện cho ba-la-mật (pāramīs).
Cũng vậy, mười khuynh hướng thiên về bố thí, giữ giới, v.v… tạo thành những điều kiện cho các ba-la-mật (pāramīs). Khuynh hướng thiên về bố thí có nghĩa là luôn luôn hướng về việc bố thí qua cường độ của vô tham nhờ thấy sự nguy hiểm trong những đối nghịch của nó.
Do khuynh hướng về vô tham mạnh, các vị bồ-tát thấy sự nguy hiểm trong những đối nghịch của nó, đó là, ích kỷ, và vì vậy hoàn thành bố thí ba-la-mật; do khuynh hướng mạnh mẽ về giới, các vị thấy sự nguy hiểm trong sự suy đồi đạo đức và vì vậy hoàn thành giới ba-la-mật. Đối với các ba-la-mật còn lại cũng áp dụng sự suy xét như vậy.
Đặc biệt cũng nên lưu ý ở đây là những đối nghịch của khuynh hướng thiên về xuất gia là các dục lạc và đời sống gia chủ; đối với trí tuệ là si mê và hoài nghi; đối với tinh tấn là sự lười nhác; đối với kham nhẫn là sự phẫn nộ; đối với chân thật là nói dối; đối với quyết định là sự không dứt khoát; đối với tâm từ là sân hận; đối với xả là sự phục tùng những thăng trầm của thế gian.
Do khuynh hướng về xả mạnh mẽ, các vị bồ-tát thấy sự nguy hiểm trong những đối nghịch của xả, đó là, sự phục tùng những thăng trầm của thế gian và nhờ thế hoàn thành xả ba-la-mật (pāramīs). Theo cách này, mười khuynh hướng thiên về bố thí, trì giới, xuất gia, v.v… cũng tạo thành những điều kiện căn bản của các ba-la-mật (pāramīs).
Liên quan đến những điều kiện căn bản của ba-la-mật (pāramīs) đề cập ở trên, tôi muốn bàn thêm với quý vị một số những phẩm chất căn bản cần phải được tu tập liên tục trong đời sống hàng ngày của chúng ta, nhằm tích luỹ đủ các ba-la-mật (pāramīs) để trở thành một vị xác định bồ-tát. Những phẩm chất đó là:
1.      Hoài bảo mãnh liệt;
2.      Sống theo Pháp (Dhamma);
3.      Như lý tác ý;
4.      Từ bỏ tham, sân và si;
5.      Khuynh hướng về chứng đắc Niết-bàn (Nibbāna).
Trước tiên quý vị phải có một hoài bảo mãnh liệt muốn trở thành một vị Phật. Lúc đầu quý vị nên giữ hoài bảo này trong tâm, không tiết lộ nó cho người khác biết. Quý vị chỉ tiết lộ hoài bảo của mình khi đã hoàn thành tám điều kiện, đó là sanh làm người, là người nam, gặp một vị Phật đang còn tại thế v.v… để làm cho đại nguyện được thành công. Và nhất là hoài bảo lúc đó phải đủ mạnh như tôi đã nói ở trước. Quý vị phải sẵn lòng băng qua toàn cõi thế gian đầy than hồng v.v… không chút do dự, nếu thấy việc băng qua đó là cần thiết.
Thứ hai, quý vị phải luôn luôn sống theo Pháp. Điều này có nghĩa là quý vị phải hoàn thành mười pháp ba-la-mật (pāramīs) trong từng giây phút của cuộc đời, trong nhiều năm, nhiều kiếp, nhiều đại kiếp (kappa)... Quý vị cứ hành theo cách này cho tới nào khi quý vị trở thành sự thể hiện của các ba-la-mật mới thôi. Để làm được như vậy quý vị phải áp dụng như lý tác ý trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, vì như lý tác ý là nhân gần của thiện Pháp, và phi lý tác ý là nhân gần của bất thiện Pháp vậy.
Sau khi nhìn thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, quý vị lúc nào cũng phải chuyên cần trong việc từ bỏ tham, sân và si. Đừng bao giờ nghĩ rằng lỗi nhỏ không đáng kể, vì một hành vi bất thiện nhỏ cũng có thể đủ làm cho quý vị đi trệch ra ngoài con đường bồ-tát (bồ-tát đạo). Chẳng hạn, trong một tiền kiếp, Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) tương lai là bạn của đức bồ-tát của chúng ta. Cả hai người cùng phát nguyện thành Phật. Nhưng sau đó, trong một tiền kiếp khác, Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) vì một cái chén vàng đã ôm mối hiềm thù với đức bồ tát của chúng ta. Sự hiềm thù ấy đã làm cho ông đi trệch ra khỏi con đường thực hành bồ tát đạo, và ông đã được Đức Phật xác nhận là cuối cùng sẽ chỉ trở thành một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) mà thôi.
Cuối cùng, quý vị phải luôn luôn khuynh hướng tâm về sự giải thoát, để đạt đến Niết-bàn là mục tiêu tối hậu của quý vị. Chỉ khi tâm được hướng về Phật quả một cách chân chánh, những thiện nghiệp quý vị làm mới được xem là các ba-la-mật (pāramīs), và tất cả năng lực quý vị đầu tư trong sự phấn đấu của mình mới có thể dẫn quý vị đến Phật quả.
Tôi sẽ chấm dứt bài nói chuyện tối hôm nay ở đây. Trong bài kế tôi sẽ giải thích tiếp cách làm thế nào để thực hành cỗ xe đại giác này.
Hỏi&Đáp
- Câu Hỏi 1Một vị Tỳ-kheo theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thuỷ (Theravada) có được đảnh lễ một vị Bồ Tát, chẳng hạn như, nếu vị ấy đảnh lễ đức bồ tát Di lạc (Arimetteyya bodhisatta) việc đó có được không?
Trả lời Câu Hỏi 1: Theo Giới Luật Thượng Toạ Bộ (Theravāda Vinaya), một vị Tỳ-kheo không nên đảnh lễ hoặc cúi đầu lạy trước một người nam hay người nữ, trước một vị chư thiên (deva) hay phạm thiên (brahma). Vì thế nếu bây giờ đức bồ tát Di-lạc có trở thành một vị Tỳ-kheo và ngài là một vị Tỳ-kheo cao hạ, thì chúng tôi phải đảnh lễ ngài. Nhưng nếu ngài là một vị Tỳ-kheo nhỏ hạ, chúng tôi sẽ không đảnh lễ. Nếu ngài là một người tại gia, hay một vị chư thiên, hay một vị phạm thiên, thì chúng tôi cũng không được đảnh lễ ngài. Vì nếu một vị Tỳ-kheo đảnh lễ như vậy, họ sẽ phạm tội tác ác (dukkata).
- Câu Hỏi 2Có phải một vị Tỳ-kheo chỉ trở thành Tỳ-kheo thực sau khi người ấy đắc nhập lưu thánh đạo (sotāpannamagga), và nhập lưu thánh quả (sotāpannaphala) không?
Trả lời Câu Hỏi 2: Có hai loại Tỳ-kheo (bhikkhus), đó là định danh Tỳ-kheo (sammuti bhikkhu) và thực thụ Tỳ-kheo. Nói chung các vị Tỳ-kheo còn là phàm phu (puthujjana) đều là định danh Tỳ-kheo. Định danh Tỳ-kheo có nghĩa là họ trở thành Tỳ-kheo theo sự cho phép của Đức Phật. Các vị xuất gia trong vòng Sīma (ranh giới ấn định để chư Tỳ-kheo tăng thực hiện các tăng sự như xuất gia, tụng giới bổn v.v…) bằng cách tụng kammavācā (thành sự ngôn) gọi là định danh Tỳ-kheo. Bao lâu họ chưa đạt đến thánh quả, họ vẫn là hàng phàm nhân. Nếu còn là phàm nhân (puthujjana), họ được gọi là sammuti bhikkhus, tức các vị Tỳ-kheo chỉ theo tên gọi (định danh Tỳ-kheo).
 Nhưng các vị định danh Tỳ-kheo này cũng phải giữ bốn loại giới - giới phòng hộ theo giới bổn ba-la-đề-mộc-xoa (pātimokkhasamvara sīla), giới phòng hộ các căn (indriyasamvara sīla), giới nuôi mạng thanh tịnh (ājivapārisuddhi sīla), và giới quán tưởng tứ vật dụng (paccayasannissita sīla). Bốn loại giới này được gọi là tăng thượng giới (adhisīla). Tăng thượng giới rất quan trọng đối với một vị Tỳ-kheo. Vì sao? Vì có thể có một vị phàm phu Tỳ-kheo và một vị A-la-hán Tỳ-kheo. Nếu một vị phàm phu Tỳ-kheo cao hạ hơn vị A-la-hán  Tỳ-kheo, vị A-la-hán  Tỳ-kheo phải đảnh lễ vị phàm phu Tỳ-kheo. Đây là giới luật của Đức Phật. Vì thế tăng thượng giới là hết sức quan trọng.
- Câu Hỏi 3Theo truyền thống Đại-thừa (Mahāyāna), có năm mươi hai giai đoạn cho các vị bồ tát tu tập. Còn trong truyền thống Thượng-toạ-bộ (Theravada) thì sao? Có những giai đoạn khác nhau nào cho các vị bồ-tát không?
Trả Lời Câu Hỏi 3: Bồ tát chỉ là bồ tát. Không có những giai đoạn khác nhau nào cho các vị bồ-tát. Thực sự thì họ là những người có trí, nhưng giữa họ không có những giai đoạn nào hết.
- Câu Hỏi 4Trong “Biết và Thấy” có đề cập rằng đức bồ tát của chúng ta trong kiếp chót trước khi giác ngộ vẫn là một phàm nhân. Điều đó có nghĩa rằng ngài vẫn có vô minh (avijja). Sao điều đó lại có thể như vậy được? Bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp trước đức bồ tát của chúng ta đã có đủ tám yếu tố. Một trong tám yếu tố đó cho thấy rằng nếu  muốn ngài có thể trở thành một vị A-la-hán ngay cả trước khi Đức Phật chấm dứt một bài kệ. Và sau khi được thọ ký, ngài luôn luôn duy trì như lý tác ý và tâm đại bi. Ngài đã thực hành như vậy trong rất nhiều đại kiếp. Vậy thì làm thế nào trong kiếp chót của ngài trước khi giác ngộ lại có thể vẫn còn vô minh (avijja) khởi lên trong tâm ngài và ngài còn thọ hưởng dục lạc được?
Trả Lời Câu Hỏi 4: Quý vị phải hiểu rằng pháp duyên khởi (tuyên bố) rằng không có vô minh (avijja) tham ái không thể nào khởi lên. Trong kiếp chót của đức bồ tát chúng ta, ngài vẫn còn tham ái đối với vợ ngài, công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) và con ngài, La-hầu-la (Rāhula). Tại sao tham ái đối với Da-du-đà-la (Yasodharā) và La-hầu-la (Rāhula) lại vậy quanh bởi vô minh? Theo minh sát trí, cả thân bên trong lẫn thân bên ngoài đều bao gồm những phân tử nhỏ. Nếu chúng ta phân tích những phân tử nhỏ này, chúng ta sẽ hiểu là chỉ có các sắc. Các sắc này luôn luôn thay đổi. Ngay khi chúng sanh lên chúng liền diệt, nên chúng là vô thường. Các sắc luôn luôn bị bức bách bởi sự sanh và diệt, vì thế chúng là khổ. Không có cái ngã nào trong các sắc ấy, nên chúng là vô ngã. Thực sự là vào thời Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkara), đức bồ tát của chúng ta đã có loại minh sát trí này. Nhưng minh sát trí của ngài chỉ có thể loại trừ tạm thời si mê hay vô minh. Chúng ta phải nhớ rằng chỉ có thánh đạo (ariya magga) mới có thể đoạn trừ vô minh một cách hoàn toàn. Vì thế ngài vẫn còn vô minh. Do vô minh này, ngài biết rằng đây là Da-du-đà-la (Yasodharā) hay đây là La-hầu-la (Rāhula). Sự tác ý cho rằng đây là Da-du-đà-la (Yasodharā) hay La-hầu-la (Rāhula) là phi lý tác ý hay tác ý không đúng (ayoniso manasikāra). Tác ý như vậy là vô minh. Do vô minh này, ngài đã có tâm tham đắm đối với Da-du-đà-la (Yasodharā) và La-hầu-la (Rāhula).
Nếu minh sát trí có mặt và khởi lên liên tục, vô minh sẽ không khởi. Nhưng khi minh sát trí không có mặt, thời do phi lý tác ý, si mê hay vô minh sẽ khởi. Vì lí do này, khi đức bồ tát của chúng ta đi xuống cõi người ngài vẫn có sự tham đắm đối với kiếp người, dù trong kiếp đó ngài sẽ đạt đến giác ngộ. Như vậy, nếu ngài biết rằng đây là kiếp sống con người, cái biết ấy là si mê. Tham đắm đối với kiếp người gọi là taṇhā (tham ái). Do vô minh (avijja) và tham ái (taṇhā), thủ (upādāna) sẽ khởi lên nơi ngài. Do vô minh (avijja), tham ái (taṇhā) và thủ (upādāna), ngài thực hiện thiện nghiệp (kusala kamma). Và do nghiệp lực (của thiện nghiệp) ngài đi xuống cõi người. Vào lúc đó ngài vẫn có vô minh và tham ái, nên khi trưởng thành ngài đã lấy công chúa Da-du-đà-la (Yasodharā) và có một người con trai. Đây là việc thường tình của hàng phàm nhân, như ngài đã công bố trong bài pháp đầu tiên của ngài, Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka-pavattana Sutta).
Chỉ khi ngài đạt đến sự giác ngộ tối thượng vô minh và tham ái mới đoạn diệt hoàn toàn trong ngài. Tại sao? Bởi vì A-la-hán thánh đạo (arahattamagga) đoạn trừ sạch mọi vô minh và tham ái vậy.
- Câu Hỏi 5Để phát đại nguyện (abhinihāra - dẫn xuất), một người cần phải có tám yếu tố. Yếu tố thứ hai trong đó quy định người ấy phải là nam nhân. Và Đức Phật nói rằng một người nữ không thể thành Phật được. Thế nhưng Da-du-đà-la (Yasodharā) đã phát nguyện giúp đỡ cho đức bồ-tát trước hai tỷ vị Phật. Sao bà lại làm điều đó?
Trả lời Câu Hỏi 5: Bà không muốn trở thành một vị bồ-tát. Bà chỉ muốn giúp đỡ đức bồ tát của chúng ta hoàn thành các Ba-la-mật (parāramis), cũng giống như những người trợ giúp trong khoá thiền này thôi.
Một người nữ không thể thành Phật có nghĩa là bao lâu cô ta còn là người nữ cô ta không thể trở thành một vị Phật. Tuy nhiên nếu muốn thành Phật trước hết cô ta phải cố gắng để thành một người nam đã. Sau khi đã thành người nam, nếu người nam ấy có đủ tám yếu tố (ở trên) lúc đó cô ta có thể được một vị Phật thọ ký xác định. Sau khi đã nhận được lời thọ ký xác định, người nam đó phải hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs) trong ít nhất bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Khi các ba-la-mật của người ấy chín mùi rồi người ấy mới có thể trở thành một vị Phật. Từ kiếp người ấy nhận được lời thọ ký xác định đến kiếp người ấy chứng đắc giác ngộ, người ấy không trở thành người nữ nữa. Nhưng trước khi nhận được lời thọ ký xác định, đôi khi người ấy vẫn có thể làm một người nữ như thường.
- Câu Hỏi 6Làm thế nào một vị bồ-tát lại có thể còn là phàm phu được? Vì lẽ ngài đã hành thiền trong quá nghiều đại kiếp (100 ngàn đại kiếp) và minh sát trí của ngài mạnh hơn một vị A-la-hán nên ngài phải là một bậc thánh, không thể là phàm phu được.
Trả Lời Câu Hỏi 6: Chúng ta nên nhớ rằng thánh đạo (ariyamagga) của một vị Phật phải khởi lên cùng với nhất thiết trí hay toàn giác trí (sabbaññutañāṇa). Trước khi đạt đến toàn giác trí (sabbaññutañāṇa), thánh đạo và thánh quả của ngài vẫn chưa thành thục. Vì thế trước giai đoạn thánh đạo (ariyamagga) mọi người đều còn là phàm phu, dù cho họ đã hành Minh-sát (Vipassana) đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa).
- Câu Hỏi 7Liệu một vị thánh nhập lưu (sotāpanna) vẫn có vợ và có con được chứ?
Trả Lời Câu Hỏi 7: Được, giống như ông Visākhā, ông Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) v.v…vậy. Thời Đức Phật, ở Kosala có bảy mươi triệu người. Trong đó, năm mươi triệu người là các bậc thánh. Và hầu hết trong họ đều là những gia chủ.
- Câu Hỏi 8: Có mười một lợi ích của thiền tâm từ (mettā bhāvanā). Nếu một người hành thiền tâm từ nhưng không thể đắc thiền, liệu họ có thể vẫn có được một số lợi ích này không?
Trả Lời Câu Hỏi 8: Được, người ấy vẫn có thể. Trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) có đề cập một câu chuyện: Khi một con bò cái đang cho con nó bú, một người thợ săn đã phóng vào nó một ngọn lao. Nhưng ngọn lao không thể đâm vào được con bò. Đây chỉ là tâm từ bình thường (tình thương của người mẹ đối với con). Do đó nếu quý vị cố gắng hành thiền tâm từ, dù không đắc được bậc thiền nào, thiện pháp của thiền tâm từ (mettā bhāvanā kusala dhamma) vẫn có thể cho những quả lành trong kiếp sống làm người này và trong các kiếp sống tương lai ở cõi chư thiên hoặc phạm thiên.
- Câu Hỏi 9Trong Vi-diệu-pháp Yếu Nghĩa (Abhidhammattha Saṇghaha) có đề cập rằng nếu một người chỉ hành bốn phạm trú (brahmavihāra) họ không thể đạt đến bất cứ đạo quả nào. Sayadaw có thể giải thích thêm về điều này được không?
Trả Lời Câu Hỏi 9:  Bởi vì bốn phạm trú (từ, bi, hỷ và xả) chỉ có thể đưa đến các bậc thiền (jhānas).  Từ phạm trú (Mettā brahmavihāra) có thể đưa tới tam thiền. Bi phạm trú (karuṇā brahmavihāra) và hỷ phạm trú (muditā brahmavihāra) cũng vậy, chỉ có thể đưa tới tam thiền sắc giới. Xả (upekkhā) phạm trú có thể đưa tới tứ thiền. Nếu họ chỉ hành để đắc các bậc thiền này và không hành Minh-sát (Vipassana) họ không thể nào đạt đến Niết-bàn (Nibbana) được. Sau khi chết họ có thể tái sanh nơi một trong những phạm thiên giới tuỳ theo mức thiền họ đắc. Chỉ có thiền Minh-sát (Vipassana) mới có thể tạo ra Niết-bàn (Nibbana) và thấy được Niết-bàn.
Tuy nhiên dựa trên các bậc thiền phạm trú này, nếu họ có thể quán danh-sắc và các nhân của chúng như vô thường, khổ và vô ngã, họ có thể đắc Niết-bàn, thấy Niết-bàn và chứng ngộ Niết-bàn.
- Câu Hỏi 10: Tại sao Đức Phật không dạy các đệ tử của ngài chỉ hành đến hành xả trí (saṅkhāruppekhāñāṇa) thôi rồi phát đại nguyện (abhinīhāra) và thực hành bồ-tát đạo để đạt đến Phật quả?
Trả lời Câu Hỏi 10: Tôi nghĩ, quý vị nên hỏi Đức Phật câu hỏi ấy. Trong nhiều bài Kinh điều này đã được đề cập: Đức Phật xuất hiện trên đời là để giúp chúng sinh thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra), để giúp chúng sinh thoát khỏi sanh (Jāti), già (jarā), chết (maraṇa) v.v… Như vậy ý định của Đức Phật đã quá rõ ràng. Vì ngài tuệ tri Tứ Thánh Đế các vị thinh văn đệ tử (sāvakas) cũng phải tuệ tri Tứ Thánh Đế, vì ngài đã vượt qua vòng luân hồi (saṃsāra) nên các vị thinh văn đệ tử cũng phải vượt qua luân hồi, v.v… Đây là ý định của Đức Phật.
- Câu Hỏi 11: Đức Phật nói rằng tất cả các chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Vậy thì tại sao ngay từ lúc đầu Đức Phật không dạy tất cả các vị đệ tử của ngài thực hành để thành Phật hết, như vậy mọi người sẽ được ngang nhau, không tồn tại những khác biệt của chư Phật, Độc Giác Phật (Paccekabuddha), và A-la-hán như vầy nữa?
Trả lời Câu Hỏi 11: Theo Tam Tạng Kinh Điển của Thượng Toạ Bộ (Therāvāda), có tướng chung (sabhāva lakkhaṇa) và tướng riêng (samaññā lakkhaṇa). Tướng chung có nghĩa là vô thường, khổ và vô ngã. Ba đặc tính này được gọi là tướng chung. Nếu một hành giả có thể phân biệt được danh và sắc bên trong và bên ngoài, thời họ có thể biết được rằng danh và sắc cả bên trong lẫn bên ngoài đều vô thường, khổ và vô ngã. Vào lúc đó, tất cả đều như nhau.
Mặc dù chúng là các pháp vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta dhammas), song một số pháp vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta dhammas) đi kèm với minh sát trí tuệ tri Tứ Thánh Đế, còn một số pháp vô thường, khổ và vô ngã (anicca, dukkha, anatta dhammas) lại không. Một số pháp vô thường, khổ và vô ngã đi kèm với Nhất Thiết Trí hay Toàn Giác Trí (sabbaññutañāṇa). Một số pháp vô thường, khổ và vô ngã đi kèm với Thượng Thinh Văn trí (aggasāvakañāṇa), một số pháp vô thường, khổ và vô ngã đi kèm với Đại Thinh Văn trí (mahāsāvakañāṇa), một số pháp vô thường, khổ và vô ngã đi kèm với Thường Thinh Văn trí (pakatisāvakañāṇa). Theo cách này, chúng sinh khác biệt lẫn nhau.
- Câu Hỏi 12: Tại sao không nói chuyện lại được xem là một việc rất quan trọng trong khoá thiền?
Trả Lời Câu Hỏi 12: Nói chuyện thường sinh ra nhiều suy nghĩ. Trong lúc quý vị đang hành thiền những suy nghĩ này sẽ làm phiền việc hành thiền của quý vị, đặc biệt là sự tập trung của quý vị.
- Câu Hỏi 13: Theo truyền thống Phật-giáo Đại-thừa (Mahāyāna), mặc dù Đức Phật đã nhập Niết-bàn (Nibbāna), ngài vẫn có thể dùng năng lực thần thông của ngài để hoá ra nhiều vị Phật nhằm cứu độ các chúng sinh đến chỗ giải thoát. Sayadaw nghĩ sao về điều này?
Trả Lời Câu Hỏi 13: Trong Kinh Khandhaka-Moggallāna có đề cập một chuyện như sau:
Một hôm, có một vị bà-la-môn nọ là thầy toán số, đã hỏi Đức Phật rất nhiều câu hỏi. Sau khi nghe Đức Phật trả lời vị bà-la-môn này lấy làm thoả mãn lắm. Cuối cùng, ông hỏi Đức Phật câu hỏi này: ‘Thưa Sa-môn Gotama, có phải tất cả những vị đệ tử của ngài đều thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi không?’ Đức Phật trả lời: ‘Một số thoát khỏi vòng luân hồi, nhưng một số thì không.’ Nghe vậy ông bà-la-môn hỏi lại ‘Niết-bàn (Nibbāna) luôn luôn có đó. Đức Phật người chỉ đường dẫn đến Niết-bàn cũng luôn luôn có đó. Thế thì tại sao một số thì đạt đến Niết-bàn, còn một số lại không? Khi ấy Đức Phật đã hỏi ông ‘Ông có biết đường đi đến Vương-xá (Rājagaha) không?’ ‘Có, tôi có biết.’ ‘Nếu có hai người hỏi ông đường đi đến Vương-xá (Rājagaha), rồi một người theo sự chỉ dẫn của ông trong khi người kia không theo sự chỉ dẫn của ông mà chọn đi theo con đường lầm lạc khác. Kết quả là một người đi đến được Vương-xá (Rājagaha) còn người kia thì không. Vì sao sự việc này xảy ra? Ông bà-la-môn trả lời ‘Ô, thưa Sa-môn Gotama, tôi có thể làm gì được? Tôi chỉ là người chỉ đường đi đến Vương-xá (Rājagaha) thôi mà.’ ‘Cũng vậy, Chư Phật chỉ là người chỉ đường đi đến Niết-bàn. Còn lại họ phải thực hành theo lời chỉ dẫn với sự nỗ lực cá nhân của họ. Một số có thể đạt đến Niết-bàn, một số có thể không, Như Lai biết làm thế nào được.’ Như vậy, chúng ta biết chư Phật chỉ là những người  chỉ đường đi đến Niết-bàn (Nibbana) mà thôi. Các ngài không cứu ai được cả. Trong Abhidhamma (Vi-diệu-Pháp) của Đức Phật, Đức Phật có nói rằng Ngài chỉ trình bày con đường đi đến Niết-bàn (Nibbana) chứ ngài không bao giờ cứu độ một ai đến Niết-bàn (Nibbana) được cả.
Theo Abhidhamma (Vi-diệu-Pháp), năng lực thần thông của Đức Phật gọi là rūpāvacara kiriya abhiññā citta (sắc giới sở ứng tác (duy tác) thần thông tâm). Do đó năng lực thần thông này chỉ là danh - nāma. Khi Đức Phật nhập Vô-dư Niết-bàn (Parinibbāna), tất cả danh và sắc đều diệt. Trong số các danh (nāma) này, thần thông cũng bao gồm trong đó. Vì thế, sau khi Đức Phật đã Niết-bàn thần thông của ngài không còn nữa.
- Câu Hỏi 14: Có một cái tâm bất diệt trong Niết-bàn (Nibbāna) để thọ hưởng trạng thái thường, lạc và thanh tịnh của Niết-bàn không? Nếu trong Niết-bàn không có gì cả, thực tình chúng con không thể tưởng tượng nổi Niết-bàn giống như thế nào.
Trả Lời Câu Hỏi 14: Niết-bàn (Nibbāna) vượt ra ngoài sự tưởng tượng. Nếu như còn có một cái tâm bất diệt, bởi vì tâm là danh (nāma), thời Niết-bàn sẽ là vô nghĩa. Niết-bàn là giai đoạn diệt của tất cả khổ đế (dukkhasacca) và tập đế (samudaya sacca). Khổ đế là năm uẩn. Trong số năm uẩn này, có bốn uẩn là danh (nāma –­ thọ, tưởng, hành và thức). Tất cả danh và sắc đều diệt trong Niết-bàn (Nibbāna). Vì thế nếu còn có một cái tâm vĩnh hằng trong Niết-bàn, thời Niết-bàn sẽ là vô nghĩa.
- Câu Hỏi 15: Trong Kinh Điển của Đại-thừa (Mahāyāna), có năm điều bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn). Trong năm điều đó, thần thông của Đức Phật là một. Như vậy, bởi lẽ thần thông của Đức Phật là bất khả tư nghì, chúng ta không thể giải thích nó theo Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) được. Cũng thế, chúng ta không thể giải thích sự hoá hiện ra nhiều Đức Phật bằng năng lực thần thông được (vì nó là bất khả tư nghì). Điều đó có đúng không?
Trả Lời Câu Hỏi 15: Thần thông là bất khả tư nghì chỉ khi Đức Phật còn sống, chứ không phải sau khi ngài nhập Vô-dư Niết-bàn (Parinibbāna). Không chỉ thần thông của Đức Phật là bất khả tư nghì mà thần thông của những người khác cũng bất khả tư nghì nữa.
- Câu Hỏi 16:  Sau khi Đức Phật nhập Vô-dư Niết-bàn (Parinibbāna), ngài sẽ không còn xuất hiện lại trong luân hồi để giúp các chúng sinh. Tuy nhiên, trong giai đoạn ngài đang hành các ba-la-mật, ngài có nhiều mối liên kết với các chúng sinh. Khi những điều kiện của các chúng sinh ấy chín mùi cho sự giải thoát, Đức Phật không thể xuất ra khỏi Niết-bàn để giúp họ sao, ngài có thể làm được điều này không?
Trả Lời Câu Hỏi 16: Thường thường, những bạn bè của Đức Phật hay nói nôm na những người có duyên với ngài đều đi theo ngài. Các ba-la-mật (pāramīs) của họ thường chín mùi vào thời Đức Phật. Chúng ta biết trong thời Đức Phật, có vố số chúng sinh thấu triệt Tứ Thánh Đế và trở thành các bậc Thánh (ariya). Chúng ta không thể tính được con số các chúng sinh này là bao nhiêu. Khi đức bồ-tát của chúng ta đang hoàn thành các ba-la-mật (pāramīs), những chúng sinh này từng là bạn bè hoặc người thân của ngài.
- Câu Hỏi 17: Nhất thiết trí hay toàn giác trí (sabbaññutāñāṇa) của Đức Phật sanh kèm với đạo (magga) và quả (phala) nào?
Trả Lời Câu Hỏi 17: Nhất thiết trí hay toàn giác trí (sabbaññutāñāṇa) của Đức Phật đi kèm với A-la-hán thánh đạo và A-la-hán thánh quả.
- Câu Hỏi 18:  Nếu một vị Tỳ-kheo xuất gia Tỳ-kheo khi chưa đủ hai mươi tuổi. Không biết rằng việc đó là không đúng luật, vị ấy giữ giới của Tỳ-kheo một cách nghiêm túc. Như vậy chúng ta có thể xem vị ấy như một vị Tỳ-kheo thực không?
Trả Lời Câu Hỏi 18: Tuy, theo đúng luật, vị ấy không phải là một Tỳ-kheo thực, nhưng việc giữ giới của vị ấy như vậy là tốt. Đó là một thiện nghiệp (kusala-kamma). Nếu vị ấy chân thật, thì không có vấn đề gì chướng ngại cho vị ấy đạt đến thiền (jhāna) hay đạo (magga) và quả (phala). Tuy nhiên nếu vị ấy biêt rằng mình không phải là một vị Tỳ-kheo thực, vị ấy nên thọ giới lại.
- Câu Hỏi 19:  Khi tính tuổi của một giới tử thọ giới Tỳ-kheo, chúng ta có tính cả thời gian trong bào thai không?
Trả Lời Câu Hỏi 19: Có, chúng ta phải tính. Thường thì giai đoạn ấy là chín hay mười tháng gì đó.
- Câu Hỏi 20: Nếu một người thọ giới dưới một vị Tỳ-kheo giả không biết rằng thầy tế độ của mình không phải là một vị Tỳ-kheo thực, như vậy chúng ta có thể xem vị ấy như một vị Tỳ-kheo hay sa-di thực hay không? Nếu không, chúng ta có thể xem người ấy như một người phạm bất cộng trụ (pārājika)?
Trả Lời Câu Hỏi 20: Theo Tam Tạng Thượng Toạ Bộ (Theravada Tipiṭaka), người không phải là Tỳ-kheo thực hay Sa-di thực, nhưng nếu người ấy chân thật và tâm người ấy trong sạch, thì việc người ấy thọ giới Tỳ-kheo lại trong kiếp này không có vấn đề gì cả.
Theo Phật Giáo Thượng Toạ Bộ (Theravada), nơi những khu vực ngoài Ấn Độ, phải có ít nhất năm vị Tỳ-kheo tạo thành Tăng (sangha) cho việc xuất gia Tỳ-kheo. Nếu, trong năm vị Tỳ-kheo ấy, một vị phạm bất cộng trụ (pārājika), thời người giới tử không thể thành một vị Tỳ-kheo. Nếu có hơn mười vị Tỳ-kheo tham dự, một người trong họ đã phạm bất cộng trụ (pārājika) nhưng những vị khác không phạm, và nếu các vị tụng kammavācā (thành sự ngôn) đầy đủ, thời giới tử có thể trở thành một vị Tỳ-kheo thực.
- Câu Hỏi 21: Bao lâu sau khi sự thụ thai xảy ra thì việc phá thai mới được xem là sát sanh?
Trả Lời Câu Hỏi 21: Ngay khi tâm tục sanh hay kiết sanh thức (paṭisandhi-citta) xuất hiện việc phá thai khiến cho sự sống của đứa bé chấm dứt là sát sanh.
- Câu Hỏi 22: Ngay khi tâm tục sanh hay kiết sanh thức (paṭisandhi-citta) xuất hiện chúng ta gọi nó là sự sống. Lúc đó các danh-sắc (nāma-rūpa) của nó là gì? Có phải đó là bhāva-dasaka-kalāpa (nhóm mười sắc thuộc tính - nam hay nữ), kāya-dasaka-kalāpa (nhóm mười sắc thuộc thân), và hadaya-dasaka-kalāpa  (nhóm mười sắc thuộc ý vật)[4], giống như những gì chúng ta hiện đang có không?
Trả Lời Câu Hỏi 22: Quý vị có muốn biết không? Nếu thực sự quý vị muốn biết, hãy nghiên cứu trong thực hành. Nếu quý vị hành pháp duyên khởi quý vị sẽ thấy được có bao nhiêu danh và sắc ở đó.
Theo Abhidhamma (Vi-diệu-Pháp), vào thời tục sinh (paṭisandhi) có ba mươi loại sắc (rūpas), và đối với người có trí tuệ và tâm đồng sanh với hỷ, có ba mươi bốn tâm hành. Ba mươi sắc có mặt trong bhāva-dasaka-kalāpa (nhóm mười sắc thuộc tính - nam hay nữ), kāya-dasaka-kalāpa (nhóm mười sắc thuộc thân), và hadaya-dasaka-kalāpa  (nhóm mười sắc thuộc ý vật). Mỗi kalāpas trong ba loại kalāpas này đều có sắc mạng quyền (mạng căn - jīvita rūpa). Mạng căn này cũng có mặt trong ba mươi bốn tâm hành nữa. Như vậy, vì cả sắc mạng căn (jīvita rūpa) lẫn danh mạng căn (jīvita nāma) đều có mặt nên chúng ta gọi nó là sự sống.
- Câu Hỏi 23: Việc thực hành vipassanā thuộc về hạt giống minh (vijjā). Như vậy chúng ta có thể nói rằng một người khi đang hành Minh-sát (Vipassana) thì họ không đang gieo trồng hạt giống hạnh (caraṇa) phải không?
Trả Lời Câu Hỏi 23: Phải. Nhưng trong một số bài kinh lại có những trường hợp hơi khác.
Có hai loại thiền, thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassana). Thiền chỉ được kể trong phần hạt giống hạnh, và Minh-sát (Vipassana) được kể trong hạt giống minh. Nhưng đôi khi thực hành Minh-sát cũng được xem như hạt giống hạnh. Chẳng hạn, nếu Minh-sát là nghiệp mạnh nhất chín mùi vào thời cận tử, thì nó sẽ tạo ra kiết sanh thức hay tâm tục sinh (paṭisandhi) mới. Trong trường hợp này, vipassanā được xem như hạt giống hạnh (caraṇa)

*Chương sách liên quan:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét