Đại Thừa của Đạo Phật Nguyên Thủy (Phần 3) - Pa Auk Sayadaw

Cổ Xe Đại Giác ( Phần 3)

Việt dịch: Tỳ khưu PHÁP THÔNG
VIÊN KHÔNG, TL. 2002 – PL. 2546


Mục lục

1. Những yếu tố nào làm ô nhiễm các Ba-la-mật
2. Những yếu tố nào làm trong sạch các Ba-la-mật
3. Những yếu tố nào đối nghịch với các Ba-la-mật
4.Thế nào là phương pháp thực hành chi tiết các Ba-la-mật
5. Ngoại tài thí được làm như thế nào ?
6. Nội tài thí được làm như thế nào ?
7. Hai  mục đích của bố thí
8. Thí vô uý
9. Thí Pháp
10. Giới Ba-la-mật được hoàn thành như thế nào?
11. Vị bồ tát giử giới kiêng tránh như thế nào ?
12. Vị Bồ Tát giử giới thực hành( các trì giới) như thế nào ?
13. Xuất gia Ba-la-mật được hoàn thành như thế nào ?
14. Trí tuệ Ba-la-mật được hoàn thành như thế nào?
15. Văn tuệ ( trí tuệ phát sanh do nghe)
16. Tư tuệ (trí tuệ phát sanh do suy luận)
17. Tu tuệ ( trí tuệ phát sanh do tu tập)
18. Tinh tấn và các Ba-la-mật khác được hoàn thành như thế nào ?
19. Các Ba-la-mật được phân tích như thế nào ?
20. Những yếu tố để hoàn tất các Ba-la-mật  là gì?
21. Thời gian đòi hỏi để hoàn thành các Ba-la-mật là bao lâu ?
22. Ba loại Bồ Tát
23. Không thể chứng Phật quả sớm hơn
24. Những lợi ích có được từ các Ba-la-mật này là gì ?
25. Gì là quả của Ba-la-mật ?
26. Hỏi và đáp

1. Những Yếu Tố Nào Làm Ô Nhiễm Các Ba-La-Mật?
Đối với câu hỏi, ‘Những yếu tố nào làm ô nhiễm các ba-la-mật?’, câu trả lời chung là: khi xem các ba-la-mật như là ‘tôi’, ‘của tôi’, và ‘tự ngã của tôi’ thông qua ái, mạn và tà kiến thì đó là nhân làm ô nhiễm các ba-la-mật.
Tuy nhiên, câu trả lời chính xác trong mỗi trường hợp đặc biệt sẽ là như sau:
(1)         Có ý nghĩ phân biệt giữa những vật bố thí và giữa những người thọ nhận làm ô nhiễm bố thí ba-la-mật. Vị bồ-tát muốn hoàn thành bố thí ba-la-mật phải gạt bỏ sự phân biệt đối với bất cứ vật thí nào mình có trong tay và ai là người đến xin. Vị ấy không nên nghĩ đến phẩm chất của vật thí như ‘Vật này đem tặng thì quá tệ; vật này đem biếu thì quá tốt’; Vị ấy cũng không nên nghĩ về những người thọ nhận như: ‘Người này là người không giới đức; ta không thể bố thí cho người này.’ Những ý nghĩ phân biệt như vậy sẽ làm cho bố thí ba-la-mật không trong sạch.
(2)         Có ý nghĩ phân biệt giữa các chúng sinh và những cơ hội hay dịp (giữ giới) khiến cho giới ba-la-mật bị ô nhiễm. Giới ba-la-mật phải được hoàn thành bất kể đến các chúng sinh và cơ hội, không nên có những ý niệm sau: ‘Ta sẽ chỉ tránh sát sanh đối với những sinh vật như vậy, như vậy. Ta sẽ không tránh sát sanh đối với các chúng sinh khác. Ta sẽ chỉ giữ giới vào những dịp hay cơ hội như vậy, như vậy, còn vào những dịp khác ta sẽ không giữ giới.’ Tư duy có tính phân biệt như vậy sẽ làm cho giới ba-la-mật không trong sạch.
(3)         Nghĩ rằng hai loại dục lạc và ba cõi hữu (tam giới) là an vui, và nghĩ rằng sự diệt dục và diệt hữu là khổ là những nguyên nhân làm ô nhiễm xuất gia ba-la-mật.
(4)         Ý nghĩ sai lầm (tà tư duy) về ‘Tôi’ hay ‘của tôi’ là nguyên nhân của sự ô nhiễm trí tuệ ba-la-mật.
(5)         Những ý nghĩ uể oải, lờ đờ kích thích hôn trầm - thuỵ miên và trạo cử là nguyên nhân của sự ô nhiễm tinh tấn ba-la-mật.
(6)         Những ý nghĩ phân biệt giữa mình và người, như người của tôi và người của họ, là nguyên nhân của sự ô nhiễm nhẫn nại ba-la-mật.
(7)         Những gì không thấy, không nghe, không xúc chạm, không biết tuyên bố là có thấy, có nghe, có xúc chạm và có biết; và những gì có thấy, có nghe, có xúc chạm và có biết tuyên bố là không thấy, không nghe, không xúc chạm, không biết là nguyên nhân của sự ô nhiễm chân thật ba-la-mật.
(8)         Nghĩ rằng những điều kiện cần thiết của sự giác ngộ, đó là, ba-la-mật, xả ly (cāga) và sở hành (cariyā) là những điều bất lợi và nghĩ rằng những đối nghịch của chúng là có lợi tạo thành nguyên nhân của sự ô nhiễm quyết định ba-la-mật.
(9)         Nghĩ người này là ân nhân của ta và người kia không phải là ân nhân của ta là nguyên nhân của sự ô nhiễm tâm từ ba-la-mật.
(10)     Phân biệt giữa những nhân vật đáng ưa với những nhân vật không đáng ưa mà ta gặp là nguyên nhân của sự ô nhiễm tâm xả ba-la-mật.
2. Những Yếu Tố Nào Làm Trong Sạch Các Ba-La-Mật?
Đối với câu hỏi ‘Những yếu tố nào làm trong sạch các ba-la-mật?’, câu trả lời là: không bị phá hỏng bởi ái, mạn và tà kiến, và không có những ý nghĩ phân biệt giữa những vật thí và giữa những người thọ nhận tạo thành nguyên nhân của sự thanh tịnh các ba-la-mật.
Thực sự mà nói, các ba-la-mật chỉ thanh tịnh hay trong sạch khi chúng không bị ô nhiễm bởi những phiền não như tham ái, ngã mạn và tà kiến, v.v… và không có những ý nghĩ phân biệt về phẩm chất của những vật thí và người thọ nhận.
Đối với chín ba-la-mật khác cũng cần được hiểu theo cách tương tự.
3. Những Yếu Tố Nào Đối Nghịch Với Các Ba-La-Mật?
Đối với câu hỏi, ‘Những yếu tố nào đối nghịch với các ba-la-mật?’, câu trả lời là: Khi xét chung thì tất cả những yếu tố làm ô nhiễm và tất cả những yếu tố đáng chê trách đều là đối nghịch của các ba-la-mật.
Khi xem xét chi tiết thì tham luyến đối với vật đem cho, và keo kiết là những đối nghịch của bố thí ba-la-mật. Những thân hành, khẩu hành và ý hành ác là đối nghịch của giới ba-la-mật. Thích thú trong các dục trần, dục lạc và hiện hữu là đối nghịch của xuất gia ba-la-mật. Si mê cực độ là đối nghịch của trí tuệ ba-la-mật. Tám cơ hội lười nhác[14] là những đối nghịch của tinh tấn ba-la-mật. Không khoan dung, do tham và ghét, đối với những đối tượng khả ý và bất khả ý là đối nghịch của nhẫn nại ba-la-mật. Không phát lộ thực chất đúng như nó hiện hữu là đối nghịch của chân thật ba-la-mật. Thiếu khả năng giải quyết các pháp (dhammas) đối nghịch với các ba-la-mật là đối nghịch của quyết định ba-la-mật. Chín nguyên nhân[15] phát sinh sân hận là đối nghịch của tâm từ ba-la-mật. Khi gặp những đối tượng khả ý và bất khả ý không nhìn với thái độ vô tư là đối nghịch của xả ba-la-mật.
4. Thế Nào Là Phương Pháp Thực Hành Chi Tiết Các Ba-la-Mật?
Đối với câu hỏi, ‘Các ba-la-mật được hoàn thành như thế nào? Vị Bồ-tát  thực hành các ba-la-mật ấy ra sao?, câu trả lời là:
Đối với bố thí ba-la-mật: Một vị bồ-tát hoàn thành bố thí ba-la-mật bằng cách phục vụ lợi ích của các chúng sinh theo nhiều cách khác nhau - chăm lo cho hạnh phúc của họ, từ bỏ mạng sống và tứ chi của mình, ngăn ngừa sự nguy hiểm sẽ xảy đến với họ, chỉ dẫn Pháp (Dhamma) cho họ v.v…
Câu trả lời chi tiết: bố thí có ba loại: (a) tài thí (āmisa-dāna), (b) vô uý thí (abhaya-dāna) và (c) Pháp thí (Dhamma-dāna).
Trong ba loại này, tài thí mà vị bồ-tát đem bố thí có hai loại: (i) nội tài thí và (ii) ngoại tài thí.
Theo cách liệt kê của Kinh (Suttanta), ngoại tài hay những vật bên ngoài để bố thí gồm mười loại: thức ăn, thức uống, áo quần, xe cộ, bông hoa, thuốc xức, ghế ngồi, giường nằm, chỗ trú ngụ (nhà cửa, cốc, liêu), và đèn thắp. Những vật thí này trở thành nhiều loại khi mỗi món được chia làm nhiều thứ khác nhau, như thức ăn loại cứng, thức ăn loại mềm v.v… trong trường hợp thức ăn.
Cũng vậy, theo cách liệt kê của Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma) vật thí có sáu loại khi phân tích theo sáu đối tượng giác quan (trần cảnh), đó là sắc thí (thí sắc), thinh thí (thí âm thinh), hương thí (thí mùi)…Những đối tượng giác quan này cũng đa dạng, chẳng hạn, chỉ một mình thí sắc cũng đã có sắc vàng, sắc xanh, sắc đỏ v.v…
Lại nữa, có những vật vô tri như hồng ngọc, vàng, bạc, ngọc trai, san hô, hổ phách, v.v…; hay  những cánh đồng trồng lúa, những thửa đất canh tác, những hoa viên, những vườn cây, v.v… và cũng có những vật hữu tình như nô tỳ nữ, nô tỳ nam, trâu bò, v.v… Như vậy những vật để bố thí có rất nhiều loại.
5. Ngoại Tài Thí Được Làm Như Thế Nào?
Khi một vị bồ-tát bố thí ngoại tài (những vật bên ngoài thân thể), vị ấy bố thí bất cứ những gì cần thiết cho người túng thiếu. Nếu vị ấy tự mình biết được người nào đó đang cần vật gì vị ấy bố thí vật ấy liền không đợi hỏi, huống nữa là khi được hỏi xin. Khi bố thí tài vật, vị bồ-tát bố thí một cách hào phóng, không đặt ra bất cứ một điều kiện nào cho người thọ nhận.
Khi có đủ tài vật để bố thí, vị bồ-tát bố thí những vật ấy cho mỗi người thọ nhận một cách đầy đủ. Còn khi không có đủ để bố thí, vị ấy chia những gì có thể chia được thành những phần bằng nhau rồi bố thí.
Có một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là: Trong việc thí tài vật, vị bồ-tát không thí những vật sẽ gây tai hại cho người khác như vũ khí, thuốc độc và các chất gây say; vị ấy cũng không thí những đồ chơi được xem là không đem lại lợi ích mà còn gây ra sự chễnh mãng và không nghiêm túc.
Đối với người thọ nhận đang bị bệnh, vị bồ-tát không bố thí những thức ăn, thức uống không thích hợp; vị ấy chỉ bố thí cho họ những món ăn thích hợp và trong một mức độ thích hợp (với tình trạng bệnh hoạn của họ).
Khi được hỏi xin cũng vậy, vị bồ-tát bố thí cho người gia chủ những gì có ích cho người gia chủ và các vị sa-môn những gì thích hợp đối với một vị sa-môn. Vị ấy không bố thí cho người gia chủ những thứ chỉ có thể chấp nhận được đối với các vị sa-môn hoặc ngược lại. Và vị ấy bố thí những tài vật của mình không gây phiền hà đến những người thân như cha, mẹ, bà con, thân quyến, bè bạn, đồng nghiệp, vợ con, nô tỳ và kẻ ăn người làm của mình.
Sau khi đã hứa (cho ai) một món đồ thực tốt, vị ấy không đem cho một vật kém giá trị hơn. Vị bồ-tát không bố thí vì lợi đắc, danh vọng, cung kính hay phần thưởng; vị ấy cũng không bố thí vì dự đoán trước sẽ được những lợi ích như tái sanh an vui, giàu sang hay tài sản, ngoại trừ việc thành tựu Nhất Thiết Trí (hay đắc thành Phật quả).
Vị bồ-tát không vì ghét những người thọ nhận hay không vì ghét những vật thí mà đem bố thí. Ngay cả đối với những người thọ nhận không giới đức lăng mạ và mắng nhiếc ngài, ngài cũng không bố thí với thái độ bất kính như thể đang vứt bỏ rác rưởi với sự bực mình khó chịu; ngài luôn luôn bố thí với  một cái tâm tôn kính, thanh thản và đầy bi mẫn. Lòng quảng đại của ngài hoàn toàn thoát khỏi niềm tin cho rằng sự hoan hô ầm ĩ mới đem lại điều may mắn, mà nó được kết hợp với niềm tin kiên định nơi quy luật của nghiệp và quả của nghiệp.
Khi bố thí, vị bồ-tát không làm phiền người thọ nhận phải tỏ lòng cung kính hay khúm núm đối với mình; không có bất kỳ ý muốn đánh lừa hay gây chia rẽ một ai, ngài bố thí với một nội tâm hoàn toàn trong sạch. Vị bồ tát không dùng những lời nói có tính cách thô lỗ, lăng mạ, ngài cũng không bố thí với sự dè bỉu, mặt sưng mày sỉa, ngài chỉ bố thí với những lời nói êm ái dịu dàng, một nụ cười trên khuôn mặt và một phong cách thư thái, an tịnh mà thôi.
Khi sự dính mắc hay tham đắm đối với một vật nào đó khởi lên thái quá trong tâm do chất lượng hảo hạng của nó, hay do là vật dụng cá nhân đã được sử dụng lâu ngày, hay do đó chỉ là bản chất của tâm tham luôn thèm khát, mong muốn những vật có giá trị và tuyệt hảo, vị bồ-tát nhận biết tâm tham này, nhanh chóng xua tan nó, và tìm cho tới khi gặp được một người thọ nhận và bố thí vật đó cho người ấy.
Giả sử ngài sắp sửa dự một bữa ăn chỉ đủ cho một người ăn và lúc đó có người đến hỏi xin, trong trường hợp như vậy, vị bồ-tát không phải suy nghĩ đến hai lần mới từ bỏ bữa ăn sắp ăn mà liền dâng nó đến người thọ nhận một cách kính trọng giống như bồ-tát Akitti, bậc Hiền Trí đã làm. Một trong những tiền kiếp trước, đức bồ-tát của chúng ta sanh làm một người bà-la-môn giàu có của kinh thành Baranasi với tên Akitti, sau khi đã bố thí hết cả tài sản của mình và rút vào ẩn cư trong rừng; ở đó ngài tiếp tục phân phát những của cải mới phát sinh của mình cho mọi người ngay cả khi ngài không có gì để ăn ngoại trừ lá cây kura.
Khi được hỏi xin vợ, con, nô tỳ v.v…, trước tiên ngài  giải thích cho họ biết hành động bố thí đã dự định của mình; chỉ khi họ cảm thấy thoả mãn và vui vẻ chấp nhận ngài mới đem bố thí họ, họ ở đây là những người hoan hỷ trợ giúp cho ngài trong việc thành tựu các pháp ba-la-mật (pāramīs). Nhưng ngài sẽ không thực hiện việc bố thí như vậy nếu ngài biết rằng những người hỏi xin họ là hàng phi-nhân  như dạ-xoa (yakkhas) và quỷ thần.
Cũng vậy, ngài sẽ không từ bỏ quốc độ của mình để bố thí cho những người mà ngài biết sẽ đem lại sự tai hại hay khổ đau cho dân chúng và những người đi ngược lại quyền lợi của họ, mà chỉ bố thí đến những người biết bảo vệ họ đúng theo vương pháp.
Đây là cách thực hành bố thí những ngoại vật (ngoại tài thí) mà vị bồ-tát theo đuổi.
6. Nội Tài Thí Được Làm Như Thế Nào?
Một vị bồ-tát bố thí những vật bên trong của mình hay nội tài thí theo hai cách:
(1)    Thí toàn thân: Cũng như một người, vì miếng cơm manh áo, tự hiến mình làm tôi tớ cho người  khác để phục vụ như một kẻ nô lệ như thế nào, đức bồ-tát cũng thí bỏ toàn thân ngài như vậy, nghĩa là ngài tự đặt mình vào sự phục vụ những người khác, hoàn toàn không mong muốn các dục lạc thế gian hay môt sanh hữu tốt đẹp sau khi chết, mà chỉ ước nguyện cho sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh và đạt đến giai đoạn cao nhất của sự thành tựu bố thí ba-la-mật mà thôi.
(2)    Thí chân tay và các cơ quan khác: ngài thí bỏ tứ chi và các cơ quan khác của ngài như chân, tay, mắt v.v… một cách không do dự hay lưỡng lự đến bất cứ người nào cần chúng. Và như trong trường hợp thí ngoại vật, ở đây ngài không có sự dính mắc hay tham đắm đối với chân tay và các cơ quan khác của mình; ngài cũng không chút lưỡng lự khi bố thí như vậy.
7. Hai Mục Đích của Bố Thí
Trong sự hy sinh tứ chi và các cơ quan khác hay hy sinh cả toàn thân của ngài, đức bồ-tát có hai mục đích: (1) hoàn thành ước nguyện của người thọ nhận, giúp họ hưởng được những gì họ cần, và (2) để có được sự thuần thục đối với việc thực hiện các nghiệp công đức thuộc ba-la-mật nhờ bố thí một cách hào phóng không mảy may dính mắc vào những vật đem bố thí. Vị bồ-tát thí bỏ những vật bên trong thân mình hay bất cứ thân phần lớn nhỏ nào của nó giống như khi ngài phân phát những sở hữu bên ngoài trong việc bố thí (ngoại tài) vậy, tin rằng ‘Nhờ lòng quảng đại này, chắc chắn ta sẽ đạt đến Toàn Giác Trí hay Chánh Đẳng Giác.’
Trong những hành động bố thí này, vị bồ-tát chỉ thí những gì thực sự lợi ích cho người thọ nhận. Đặc biệt ngài không bố thí thân mình hay những bộ phận của thân mình cho Ma-Vương (Mara) hay cho quyến thuộc của ma vương, những người mong muốn gây tổn thương cho ngài, vì nghĩ, ‘E rằng điều này sẽ tỏ ra vô ích đối với họ.’ Cũng vậy, ngài không bố thí thân mình hay các bộ phận của thân mình cho những người bị Ma (Mara) ám hay quyến thuộc của những người bị ma ám hoặc những người điên. Nhưng đối với mọi người khác hỏi xin chúng, ngài lập tức bố thí liền vì hiếm mà có được một sự yêu cầu như vậy hay hiếm mà có được cơ hội thực hiện việc bố thí như vậy.
8. Thí Vô Uý
Vị bồ-tát thực hành thí vô uý bằng cách đem sự bảo vệ đến cho các chúng sinh và cứu nguy các chúng sinh cho dù phải hy sinh thân mạng của mình khi thấy họ phải chịu sự tổn hại và hiểm nguy do Vua chúa, trộm đạo, lửa cháy, nước cuốn trôi, kẻ thù, thú dữ như cọp, beo, sư tử, rồng, rắn và các hàng phi nhân như dạ xoa, v.v…
9. Thí Pháp
Bố thí Pháp có nghĩa là giảng dạy chân lý một cách rõ ràng không lập lờ với một nội tâm thanh tịnh và hoàn toàn thoát khỏi các phiền não tham, sân, và si v.v…
Đối với các vị đệ tử tương lai của một vị Phật có thiện nguyện mạnh mẽ muốn chứng đắc Thinh Văn Giác (sāvakabodhi), bồ-tát thuyết pháp cho họ về quy y Tam Bảo, về giới, về phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, thực hành tỉnh giác, bảy thiện pháp, thực hành thiền định và thiền Minh-sát (Vipassanā), bảy loại thanh tịnh, bốn đạo trí, tam minh, lục thông, tứ tuệ phân tích và về sự giác ngộ của một vị đệ tử Phật.
Vị bồ-tát bố thí Pháp bằng cách giải thích tỉ mỉ những thuộc tính của các đề tài vừa nói ở trên, an trú trong Tam Quy, ngũ giới, v.v… những người chưa an trú, và giúp những người đã an trú thanh tịnh pháp hành của mình.
 Cũng vậy, đối với những người có nguyện vọng muốn trở thành Độc-giác Phật (Paccekabuddha) và Toàn Giác Phật (Sammāsambuddhas), bồ-tát thí Pháp bằng cách giải thích rõ cho họ hiểu những đặc tính, nhiệm vụ, sự thể hiện, nhân gần v.v… của mười ba-la-mật; bằng cách giải thích tỷ mỉ sự vinh quang của chư vị bồ-tát trong suốt ba giai đoạn hiện hữu của họ - giai đoạn hoàn thành các ba-la-mật, giai đoạn thành Phật và giai đoạn hoàn thành các bổn phận của một vị Phật; bằng cách an lập họ vào việc thực hành để đạt đến Độc-giác Phật (Paccekabuddha) hay Toàn Giác Phật (Sammāsambuddhas); và bằng cách thanh tịnh pháp hành của những người đã được an lập trong pháp hành.
Trong việc hoàn thành bố thí ba-la-mật vị bồ-tát phát triển tưởng vô thường đối với cuộc sống cũng như đối với các vật sở hữu của mình. Ngài coi những vật sở hữu của mình cũng là của những người khác. Ngài phát triển lòng đại bi đối với các chúng sinh một cách liên tục và không ngừng. Khi phát triển lòng đại bi như vậy, ngài đang gom góp tinh tuý của phước báu đáng được rút ra từ tài sản thế gian của mình. Giống như một người ở trong một căn nhà đang cháy cố gắng để thoát lấy thân và đưa những vật có giá trị nhất của mình đến một nơi an toàn như thế nào, vị bồ-tát cũng vậy, tự cứu mình và những vật quý giá nhất của mình ra khỏi căn nhà lớn của tam giới, đó là, nhân giới, thiên giới, và phạm thiên giới, đang bị hoành hành với mười một ngọn lửa của tham, sân, si, sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não, bằng cách thí xả chúng một cách hào phóng không để lại chút gì đằng sau. Như vậy ngài bố thí không có sự quan tâm, không có sự phân biệt đối với việc đâu là những vật để đem cho và đâu là những vật cần giữ lại để dùng riêng.
(Đây là phương pháp hoàn thành bố thí ba-la-mật của một vị bồ-tát.)
10. Giới Ba-La-Mật Được Hoàn Thành Như Thế Nào?
Muốn giúp đỡ về vật chất cho người khác trước tiên ta phải cố gắng để có được của cải và tài sản. Tương tự như thế, muốn trang hoàng cho các chúng sinh với những món trang sức của giới vị bồ tát cũng phải bắt đầu bằng việc thanh tịnh giới đức của mình trước.
Ở đây, giới được thanh tịnh theo bốn cách:
1.        Bằng cách làm trong sạch các khuynh hướng (xấu) của mình;
2.        Bằng cách tự mình thọ trì giới từ nơi người khác;
3.        Bằng cách không-vi phạm;
4.        Bằng cách sửa lỗi mỗi khi vi phạm.
Giới, được làm cho trong sạch bằng bốn cách đã nói ở trên, có hai loại, đó là giới kiêng tránh (varitta sīla: chỉ trì giới) và giới thực hành (cāritta sīla: tác trì giới).
Không làm những gì đã được Đức Phật và các bậc thánh khác cấm bằng cách nói, ‘Điều này sai; điều này không nên làm; điều này cần phải tránh.’ Như vậy tránh mười ác hạnh như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, v.v… được gọi là giới kiêng tránh hay chỉ trì giới.
Biểu lộ sự cung kính đối với những bậc đáng tôn kính như thầy tổ, cha mẹ hay những bậc thiện tri thức và thực hiện những công việc phục vụ vô lỗi, hữu ích đối với các bậc ấy được gọi là giới thực hành hay tác hành giới.
11. Vị Bồ Tát Giữ Giới Kiêng Tránh Như Thế Nào?
Vị bồ-tát có lòng đại bi đối với tất cả chúng sinh đến mức ngay cả trong giấc mơ cũng không ôm ấp sự oán giận đối với một ai; Như vậy, vị ấy tránh xa sự sát sanh.
Vì ngài luôn luôn cống hiến đời mình để giúp đỡ tha nhân, nên ngài xem việc xúc chạm của cải của người khác không hơn gì chạm phải một con rắn độc.
Trong kiếp sống làm Tỳ-kheo hay sa-môn của mình, ngài tránh xa việc hành dâm. Không những ngài tránh những quan hệ giao cấu với người nữ, mà ngài còn tránh cả bảy ràng buộc nhỏ của sự dâm dục (methuma samyoga), đó là:
1.        Thích thú trong việc để cho người nữ mơn trớn, xoa bóp và chà xát;
2.        Thích thú trong việc đùa giỡn và cười cợt với phụ nữ;
3.        Thích thú trong việc nhìn ngắm người nữ hay nhìn chằm chằm, mắt đối mắt, với người nữ;
4.        Thích thú trong việc nghe người nữ ở cách vách cười cợt, ca hát, khóc lóc;
5.        Thích thú trong việc hồi tưởng những dục lạc đã thọ hưởng với người nữ trong quá khứ;
6.        Thích thú trong việc nhìn người khác thọ hưởng các dục lạc và khao khát được thọ hưởng các dục lạc như vậy;
7.        Sống đời phạm hạnh với mong ước được tái sanh thiên giới.
Vì ngài tránh ngay cả những ràng buộc nhỏ của sự dâm dục như vậy, nên việc phạm giới thông dâm đối với ngài là hoàn toàn không thể có; ngài đã tránh tà hạnh này từ lúc mới bắt đầu phát nguyện bồ-tát.
Trong những kiếp sống làm gia chủ của ngài cũng vậy, ngay cả một ý nghĩ xấu về dâm dục với vợ người vị bồ-tát cũng không hề ấp ủ.
Khi nói năng, ngài tránh bốn loại tà ngữ và chỉ nói những lời chân thật, đó là nói những gì dẫn đến sự hoà hợp giữa bạn bè, những lời đáng yêu mến, và khi nói về Pháp (Dhamma) ngài chỉ nói đúng thời và đúng mức.
Tâm ngài thường không có những ý nghĩ tham lam và sân hận, luôn luôn nuôi dưỡng chánh kiến (những quan kiến không bị bóp méo, xuyên tạc), ngài có đầy đủ trí tuệ để hiểu rằng ngài là chủ nhân của nghiệp. Ngài có niềm tin và thiện ý đối với các bậc sa-môn, những người đang thực hành một cách chân chính.
12. Vị Bồ Tát Giữ Giới Thực Hành (Tác Trì Giới) Như Thế Nào?
Vị bồ-tát luôn luôn tiếp rước các bậc thiện tri thức, chào đón họ với cử chỉ cung kính, nhã nhặn, và ân cần hầu hạ họ; ngài tự thân chăm sóc khi họ ốm đau và sẵn sàng những sự phục vụ cần thiết cho họ. Khi nghe xong một bài Pháp ngài luôn luôn bầy tỏ sự cảm kích và am hiểu của mình; nói lời tán dương giới đức của các bậc giới đức; biết kham nhẫn với những sai lầm của người khác và chỉ luôn luôn nhớ đến những điều tốt của họ để đáp trả lại họ; ngài thực sự hoan hỷ với những việc làm công đức của người khác và cống hiến những thiện nghiệp của mình cho sự Giác Ngộ Tối Thượng; ngài luôn luôn an trú không xao lãng việc thực hành các Thiện Pháp; nếu vô tình phạm một điều ác, ngài nhìn nhận nó đúng như thực, chứ không cố gắng che dấu nó, và thú tội ấy với các Pháp hữu (bạn cùng hành Pháp) của mình. Ngài tu tập các Pháp theo tuần tự và thăng tiến mỗi lúc một cao hơn trong những giai đoạn chứng ngộ.
Cũng vậy, ngài thiện xảo và cần mẫn phục vụ các chúng sinh trong những vấn đề phù hợp với họ và đem lại lợi ích cho họ; khi họ bị ốm đau, v.v… ngài cố gắng làm cho họ giảm nhẹ đến mức có thể. Khi những bất hạnh xảy ra đối với họ liên quan đến thân quyến, tài sản, sức khoẻ, giới hạnh và đức tin, ngài đem lại cho họ sự an ủi cần thiết bằng cách xua tan sầu khổ của họ; ngài khiển trách chính đáng những người cần phải được khiển trách, chỉ với mục đích duy nhất là đưa họ ra khỏi điều ác và an lập họ trong điều thiện; những người đáng được hỗ trợ, ngài đem sự hỗ trợ đến cho họ một cách chính đáng.
Khi nghe được những việc làm cao thượng của các vị bồ-tát trong quá khứ, những việc làm mà nhờ đó các vị đạt được sự hoàn thiện về các pháp Ba-la-mật, xả ly (cāga), sở hành (cariya), và được xem là khó thực hiện nhất, nhưng đóng góp cho sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh một cách rõ rệt nhất và tích cực nhất, bồ-tát liền hành theo không chút sợ hãi hay thối chí.
Ngài suy xét, ‘Giống như ta, tất cả chư đại bồ-tát trong quá khứ chỉ là những con người, nhưng nhờ thường xuyên tu tập trong giới, định và tuệ mà các ngài đạt đến sự Giác Ngộ Tối Thượng. Theo gương các vị đại bồ-tát thuở xưa ấy, ta cũng sẽ tu tập viên mãn giới, định và tuệ. Bằng cách này, sau khi hoàn tất tam học, cuối cùng ta sẽ đạt đến cùng một mục đích Chánh Đẳng Giác như các ngài.’
Như vậy, với sự chuyên cần liên tục có đức tin dẫn đầu, bồ-tát cam kết hoàn tất việc tu tập tam học - giới, định và tuệ.
Tương tự, bồ-tát không phô trương những việc làm công đức của mình, thay vào đó ngài luôn thú nhận những lầm lỗi mình đã phạm không che đậy hay giấu giếm; ngài có ít sự mong cầu, dễ dàng tri túc, thích đời độc cư, không chú ý đến những hỗn tạp xã hội; ngài chịu đựng gian khổ, không mong muốn vật này vật nọ cũng không để bị quan tâm đến một vật gì; ngài không kiêu căng tự phụ, không lăng mạ, không nói chuyện phóng túng, buông lung; ngài sống thầm lặng, an tịnh và thoát khỏi những phương tiện làm ăn bất chính như lừa đảo.
Vị bồ-tát được phú cho thân hành và khẩu hành đáng kính, và một nơi thích hợp để đi khất thực; ngài thấy sự nguy hiểm ngay cả trong những lỗi nhỏ nhặt và thọ trì giới luật thật nghiêm mật; ngài không có sự luyến ái dù chỉ chút ít đối với thân thể và mạng sống, ngoài việc vất bỏ nó ngài còn loại bỏ luôn cả những yếu tố làm ô nhiễm như tham, sân, ác ý, v.v… vốn sẽ làm cho giới hư hỏng; tâm ngài chỉ hướng đến sự chứng đắc Toàn Giác Trí và Niết-bàn (Nibbāna). Ngài cống hiến đời mình cho việc hành thiện không ngừng nghỉ.
Ngài không lấy làm tự mãn đối với những thành tựu nhỏ mà liên tục nỗ lực để đạt đến những chứng đắc cao hơn. Nhờ cố gắng như vậy, những chứng đắc của ngài trong thiền, v.v… hoàn toàn không bị thối giảm hay dừng lại mà càng lúc càng tăng trưởng và phát triển đến những giai đoạn cao hơn.
Vị bồ-tát giúp người mù đi đến nơi họ muốn đến hay hướng dẫn họ đi đúng đường. Ngài dùng tay ra dấu để thông tri với người câm và điếc để hiểu họ. Ngài đem ghế hay xe đến cho người tàn tật, hoặc cõng họ trên lưng đi bất cứ nơi đâu họ muốn đi.
Ngài cố gắng làm việc để giúp những người yếu đức tin tăng thêm đức tin, người lười nhác tăng thêm nghị lực, người dễ duôi, không chánh niệm phát triển chánh niệm, người dao động, bất an phát triển định tâm và người si mê có thể phát triển trí tuệ; ngài cố gắng để giúp những người gặp khó khăn với những triền cái có thể xua tan những triền cái và người bị bức bách với những dục tầm, sân tầm và hại tầm có thể loại trừ những pháp bức bách ấy.
Đối với những người trước đây đã từng giúp ngài, ngài bầy tỏ lòng tri ân, chào hỏi họ bằng những lời thân ái, thù đáp lại họ những lợi ích tương tự hoặc thậm chí lớn hơn những gì họ đã ban tặng cho ngài, lúc họ gặp bất hạnh ngài phục vụ họ như một người bạn tốt.
Hiểu được tính khí tự nhiên của mỗi người, ngài giúp họ thoát khỏi những điều bất thiện và an lập họ trong những điều thiện; ngài làm việc cùng với họ (đồng sự) để đáp ứng những nhu cầu và ước muốn của họ. Những gì muốn nói ở đây là ngài tìm cách cùng làm việc và làm bạn với họ để giúp họ thoát khỏi điều ác và an lập họ trong nếp sống giới hạnh bằng cách tặng quà (bố thí) những người thích được tặng quà, nói lời thân ái (ái ngữ) đối với người thích lời thân ái, biểu lộ một cuộc sống hữu ích với những người tán thành một cuộc sống hữu ích, và bằng cách đối xử công bằng với những người muốn được đối xử công bằng.
Lại nữa, ngay cả với ước muốn phục vụ sở thích của họ, bồ-tát cũng không làm tổn thương đến những người khác hay gây bất hoà với họ, và cũng không xỉ nhục hay làm cho họ phải ray rức, ăn năn. Ngài không khinh khi người khác hay bới lông tìm vết họ; ngài không tự đặt mình vào địa vị cao hơn trong quan hệ với những người đối xử với ngài không có tâm kiêu ngạo mà hoàn toàn khiêm tốn.
Ngài không tự tách rời hoàn toàn khỏi mọi người, nhưng cũng tránh không thân mật hay giao du thái quá với họ không đúng lúc. Ngài chỉ giao du với những người đáng giao du và giao du đúng nơi đúng lúc. Ngài không nói xấu người khác trước mặt bè bạn của họ hoặc tán dương những người mà ngài không hiểu rõ về họ. Ngài không kết bạn thân thiết với những người không phù hợp để hoà nhập.
Ngài không từ chối những lời mời thích hợp, nhưng cũng không cho phép để bị đòi hỏi thái quá, và cũng không nhận nhiều hơn những gì ngài cần thiết. Ngài đem lại niềm hân hoan và khích lệ cho những người có đức tin bằng cách thuyết pháp nói về phước báu của đức tin. Cũng vậy, ngài đem lại niềm hân hoan và khích lệ cho những người có đầy đủ giới đức, những người đa văn, những người có lòng quảng đại và những người có trí tuệ bằng cách thuyết pháp nói về phước báu của những phẩm chất ấy.
Nếu trong một kiếp nào đó vị bồ-tát thành tựu được những thiền chứng và năng lực thần thông, ngài có thể vận dụng năng lực này để khơi dậy nỗi kinh cảm nơi những người đang dễ duôi trong việc làm điều thiện. Bằng cách cho họ thấy những điều khủng khiếp ở một mức độ nào đó trong các cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ), ngài giúp những người không có đức tin và các giới đức khác an lập trong đức tin v.v…và cho họ tiếp cận Phật Pháp. Đối với những người đã có đầy đủ đức tin, v.v… ngài giúp họ đạt được sự thành thục trong những đức ấy.
Theo cách này, giới thực hành (tác trì giới) của vị bồ-tát như một ‘trận lụt’ của vô lượng công đức ngày càng trở nên lớn hơn theo mỗi kiếp sống.
13. Xuất Gia Ba-La-Mật Được Hoàn Thành Như Thế Nào?
Xuất gia ba-la-mật là nhóm tâm và các tâm sở mong muốn giải thoát khỏi các dục lạc và các sanh hữu được thiết lập trên lòng đại bi và trí hiểu biết về phương tiện thiện xảo và được đi trước bởi Trí Thấy Sự Nguy Hiểm của chúng. Bởi thế, trước tiên vị bồ-tát phải phân biệt để hiểu được những lỗi lầm trong các dục lạc và trong các sanh hữu đúng như chúng thực sự là bằng Trí Thấy Sự Nguy Hiểm (ādīnava-ñāṇa - Quá Hoạn Trí, tuệ thứ bảy trong 16 tuệ minh sát).
Đây là cách bồ-tát phân biệt những lỗi lầm này: ‘Bởi vì đời sống gia chủ là nơi trú ngụ của đủ mọi loại phiền não, bởi vì có những sự cản trở như vợ và con, v.v… hạn chế việc thực hiện những việc công đức của ta, và bởi vì ta bị lôi cuốn và vướng mắc vào rất nhiều hoạt động như buôn bán và cầy cấy, nên đó không phải là một nơi thích hợp để có thể hoàn thành hạnh phúc của sự xuất gia (lạc xuất gia).’
Các dục lạc của con người, khác nào giọt mật trên lưỡi gươm bén, chứng tỏ nhiều nguy hiểm hơn những gì người ta có thể hưởng; vị ngọt của chúng chỉ ngắn ngủi như một màn kịch chỉ thấy được nhờ vào những tia chớp ngắt quãng, chúng được thọ hưởng nhờ vào tưởng điên đảo giống như những vật trang sức của một người điên; chúng lừa đảo không khác gì vật nguỵ trang che đậy một đống phân hôi thối; không thoả mãn như liếm bọt nước trên đầu ngón tay; chúng làm cho người ta khổ sở và tác hại giống như một người chết đói ngấu nghiến thức ăn không biết điều đó sẽ gây ra bao nhiêu là bất hạnh; như miếng mồi trên lưỡi câu chúng làm cho người ta bị dính chặt như chất nhựa cây; chúng tạo thành một phương tiện để che giấu những thứ huỷ diệt giống như tấm áo choàng của kẻ sát nhân. Trước tiên vị bồ-tát phân biệt để hiểu rõ những bất lợi của các dục lạc và các sanh hữu như vậy, sau đó ngài phân biệt để thấy những lợi ích của sự giải thoát khỏi chúng, đó là sự xuất gia, và hoàn thành xuất gia ba-la-mật.
Bởi lẽ xuất ra khỏi đời sống gia đình là nền tảng của xuất gia ba-la-mật, nên vào thời không có giáo pháp của Đức Phật, để hoàn thành xuất gia ba-la-mật, vị bồ-tát tiếp tục đời sống khổ hạnh dưới hình thức các vị sa-môn hay du-sĩ giữ vững niềm tin vào giáo lý nghiệp và quả báo của nghiệp. Tuy nhiên, khi một bậc Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, vị bồ-tát luôn gia nhập Giáo Đoàn Tỳ-kheo  trong Giáo Pháp của Đức Phật. Sau khi đã xuất gia như vậy, vị bồ-tát tự an lập mình trong giới kiêng tránh (chỉ trì giới) và giới thực hành (tác trì giới) như đã được mô tả ở trên và để làm cho trong sạch những giới này, ngài thọ trì pháp hành khổ hạnh (dhutaṅga).
Như vậy, vị bồ-tát sau khi đã gột rửa tâm phiền não với nước trong lành của giới và củng cố thêm bằng pháp hành khổ hạnh trở nên đầy đủ với thân hành và khẩu hành trong sạch, vô lỗi; vị ấy biểu lộ sự hài lòng với bất cứ tấm y nào có được, tri túc với bất cứ món ăn khất thực và chỗ trú ngụ nào có được; và sau khi đã theo đuổi được ba trong bốn truyền thống đầu của các Bậc Thánh, ngài cố gắng để hoàn thành truyền thống thứ tư, đó là vui thú trong thiền định, bằng cách thực hành một đề mục thích hợp trong bốn mươi đề mục thiền đã mô tả cho đến khi đắc cận định và an chỉ định (các bậc thiền). Và việc chứng thiền (jhāna) được xem là sự hoàn thành của xuất gia ba-la-mật của vị bồ-tát .
Trên đây là phương pháp hoàn thành xuất gia ba-la-mật.
14. Trí Tuệ Ba-La-Mật Được Hoàn Thành Như Thế Nào?
Vì ánh sáng của trí tuệ không thể cùng hiện hữu với bóng tối của vô minh, nên vị bồ-tát muốn hoàn thành trí tuệ ba-la-mật phải tránh các nhân của vô minh như ác cảm với điều thiện, lười biếng, ưa thích ngủ nghỉ, v.v… và chuyên cần thu thập tri kiến rộng lớn, thực hành các loại thiền, v.v…
Trí tuệ có ba loại: trí tuệ phát sanh do nghe (văn tuệ), trí tuệ phát sanh do suy luận (tư tuệ), và trí tuệ phát sanh do tu tập (tu tuệ)
15. Văn Tuệ (Trí Tuệ Phát Sanh Do Nghe)
Để cho văn tuệ được thành thục, vị bồ-tát phát triển nó qua việc nghiên cứu, lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ cẩn thận và thẩm sát với chánh niệm. Ở đây tinh tấn và trí tuệ được đi trước bởi phương tiện thiện xảo trí. Toàn bộ lĩnh vực của văn tuệ được gói gém trong (1) năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, Tứ Thánh Đế, hai mươi hai quyền, pháp duyên khởi, những phương pháp duy trì chánh niệm, v.v… vốn tạo thành các yếu tố của sự giác ngộ (37 pháp trợ đạo) cũng như các phạm trù khác của Pháp như thiện pháp, bất thiện pháp, v.v…; và (2) các loại kiến thức thế gian, vô lỗi thúc đẩy sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh. Theo cách này vị bồ-tát phát triển văn tuệ và trở thành một người có trí tuệ nhờ tự mình đào sâu vào toàn bộ lĩnh vực của nó (văn tuệ) và cũng giúp người khác an lập trong tuệ ấy nữa.
Cũng vậy, để phục vụ lợi ích của các chúng sinh vị bồ-tát phát triển trí tuệ nhạy bén (trí khởi lên tức thời) để tìm ra những phương tiện thích hợp ngay tại chỗ (thānuppattika-paṭibhānañāṇa — ứng xử trí), trí này cũng còn được gọi là phương tiện thiện xảo trí (upāyakosallāñāṇa). Nhờ trí tuệ này, vị bồ-tát có thể phân biệt được những yếu tố nào là những yếu tố sẽ thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng và những yếu tố nào sẽ góp phần vào sự lụn bại và huỷ diệt để giúp các chúng sinh.
16. Tư Tuệ (Trí Tuệ Phát Sanh Do Suy Luận)
Tương tự, bồ-tát phát triển tư tuệ bằng cách suy xét thấu đáo các hiện tượng tự nhiên, và các thực tại tối hậu, như năm uẩn v.v…
17. Tu Tuệ (Trí Tuệ Phát Sanh Do Tu Tập)
Sau khi đã phát triển các loại tuệ thế gian, hiểu biết thấu đáo các hiện tượng tự nhiên như năm uẩn…bằng cách phân biệt các đặc tính chung cũng như riêng của chúng, bồ tát tiến hành để hoàn thiện và hoàn thành phần mở đầu của trí tuệ có được do tu tập, đó là chín tuệ minh-sát như Tuệ Thẩm Sát Tam Tướng (sammasana-ñāṇa), v. v…
Nhờ hoàn thiện và hoàn thành tuệ minh sát (vipassana), bồ-tát tuệ tri các đối tượng bên ngoài cũng như bên trong chỉ là danh và sắc: ‘Nhóm hiện tượng tự nhiên, vốn chỉ là danh và sắc này, sanh và diệt theo các duyên; trong thực tế không có người sáng tạo hay không có ai khiến cho người khác được tạo ra; danh và sắc như một thực tại sanh lên chỉ để diệt và do đó là vô thường; nó là khổ bởi vì sự sanh diệt không ngừng của nó; nó không thể kiểm soát, không thể kiềm chế nên là vô ngã.’ Hiểu thấu đáo bản chất thực của các đối tượng bên ngoài cũng như bên trong không có sự phân biệt như vậy, ngài buông bỏ được sự dính mắc vào chúng và cũng giúp những người khác làm được như ngài.
Trong suốt giai đoạn trước khi chứng đắc Phật quả này, vị bồ-tát, vì lòng đại bi, giúp các chúng sinh bước vào thực hành ba cỗ xe (Phật, Độc Giác, và Thinh Văn), hoặc nếu những ai đã bước vào rồi thì giúp họ đạt đến sự thành thục trong pháp hành của họ.
Riêng phần ngài, bồ-tát cố gắng để thành tựu năm pháp thuần thục đối với các thiền hiệp thế cũng như các năng lực thần thông khác; và với sự trợ giúp của định kết hợp với các bậc thiền và năng lực thần thông này, ngài đạt đến đỉnh cao của trí tuệ. 
Đây là phương pháp hoàn thành trí tuệ ba-la-mật (pāramīs).
18. Tinh Tấn Và Các Ba-La-Mật Khác Được Hoàn Thành Như Thế Nào?
Ví như một vị tướng, kiên quyết chiến thắng kẻ thù của mình, ra sức cố gắng không ngừng như thế nào, thì cũng vậy, vị bồ-tát, người đang tìm cách chiến thắng những kẻ thù phiền não và mong muốn những người khác cũng thực hiện được những chiến thắng tương tự như mình, làm việc một cách gian khổ trong mọi thời mọi lúc để hoàn thành các pháp ba-la-mật (pāramīs).
Do đó vị bồ-tát luôn luôn suy xét với chánh niệm: ‘Ta có tích tạo được gì giúp cho những điều kiện thiết yếu của phước đức và trí tuệ ngày hôm nay không? Ta có làm được gì cho sự an vui và hạnh phúc của người khác ngày hôm nay không?’ suy xét như vậy mỗi ngày, bồ-tát làm việc với hết nghị lực để phục vụ chúng sinh.
Để giúp các chúng sinh ngài bố thí một cách hào phóng những tài sản của ngài kể cả mạng sống và tứ chi. Bất cứ làm điều gì bằng thân hay bằng lời nói, ngài làm nó với tâm khuynh hướng về Nhất Thiết Trí; bất cứ công đức nào tích luỹ được từ những hành động ấy ngài hiến dâng cho sự chứng đắc Toàn Giác hay Phật Quả.
Ngài quay lưng lại với một cái tâm muốn thoát khỏi các dục lạc thế gian cho dù chúng (những tài sản đem bố thí) thuộc vào loại cao cấp  hay với số lượng nhỏ, nói gì đến những dục lạc tầm thường hay với số lượng dư thừa.
Trong mọi trường hợp, ngài đều phát triển và áp dụng phương tiện thiện xảo trí. Ngài luôn luôn làm việc một cách siêng năng vì sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh. Ngài nhẫn nại chịu đựng mọi trần cảnh dù khả ý hay không khả ý. Ngài giữ vững chân lý, không đi trệch khỏi nó cho dù vì sinh mạng.
Ngài toả tâm từ bi cùng khắp các chúng sinh, không có bất kỳ sự phân biệt nào. Giống như một người cha mong muốn gánh hết mọi khổ đau của con cái mình như thế nào, bồ tát cũng ước nguyện  gánh hết mọi nỗi khổ sẽ xảy ra với các chúng sinh như thế ấy.
Ngài hoan hỷ với mọi việc làm công đức của các chúng sinh. Ngài luôn luôn suy xét đến sự vĩ đại của chư Phật và những năng lực lớn lao của chư Phật. Bất cứ hành động nào ngài làm, dù bằng thân hay lời nói, ngài làm nó với tâm hướng về sự Giác Ngộ Viên Mãn.
Theo cách này, vị bồ-tát, do không ngừng hiến mình cho các việc công đức như bố thí…, dần dà tạo được một sự tích luỹ về các điều kiện thiết yếu của phước đức và trí tuệ không gì có thể sánh được.
Thêm nữa, sau khi đã thí xả mạng sống và tứ chi của mình cho các chúng sinh sử dụng hoặc để bảo vệ các chúng sinh, ngài luôn tìm kiếm những phương cách, những phương tiện và áp dụng chúng để làm vơi nhẹ những khổ đau nhiều loại mà các chúng sinh phải chịu đựng như đói khát, nóng, lạnh, gió, sức nóng mặt trời, v.v…
Bất cứ hạnh phúc nào ngài đạt được từ việc loại trừ những khổ đau đã nói ở trên, bất cứ những thoải mái nào của thân và tâm do được an trú trong những khu vườn, những hoa viên, lâu đài, hồ nước và rừng núi khả ái, hay sự an lạc của các thiền chứng mà chư Phật, chư Độc Giác Phật, các vị Thánh đệ tử, và chư vị bồ-tát thọ hưởng sau khi xuất gia như ngài đã được nghe, ngài nguyện sẽ làm cho những hạnh phúc này trở thành khả dĩ cho tất cả chúng sinh không phân biệt.
Khi ngài đã hoàn tất việc tu tập thiền định (đắc các bậc thiền), ngài cố gắng ban bố những thành quả của thiền mà bản thân ngài đã được thọ hưởng - sự an tịnh, hỷ, lạc, định, tri kiến như thực về các pháp - cho các chúng sinh để họ cũng có thể thưởng thức được chúng như ngài đã thọ hưởng.
Lại nữa, ngài thấy các chúng sinh bị nhấn chìm và tuyệt vọng trong nỗi thống khổ của vòng tử sinh luân hồi, trong cái khổ do phiền não gây ra, và trong cái khổ do các hành nghiệp vốn giam giữ các chúng sinh trong luân hồi tạo ra.
Đây là cách ngài thấy các chúng sinh đau khổ:
—      Ngài thấy rõ các chúng sinh là những tội nhân trong địa ngục phải chịu đựng sự đau đớn cùng cực, như bị chặt, cắt, cưa, nghiến thân mình và phải bị thiêu đốt dữ dội không lúc nào ngưng trong một thời gian dài.
—      Ngài thấy rõ các chúng sinh là những loài vật phải chịu đựng nỗi khổ lớn do lòng hận thù lẫn nhau, bị áp bức, đả thương và giết hại lẫn nhau, hay phải làm việc vất vả để phục vụ cho những người khác.
—      Ngài thấy rõ các chúng sinh là những ngạ quỷ bị phủ vây trong lửa nóng, bị khô héo, tàn tạ vì đói, khát, nắng, gió, v.v… nuôi ăn bằng đờm nhớt và những gì mà người khác ói mửa ra, v.v…và đang dơ tay lên trời than khóc.
—      Ngài thấy rõ một số chúng sinh là con người, bị huỷ diệt trong khi tìm kiếm kế sinh nhai của họ; phải chịu đựng sự trừng phạt như bị chặt chân, chặt tay, v.v… vì phạm phải những tội ác; nhìn thật là khủng khiếp, xấu xí, biến dạng; lún sâu trong vũng bùn khổ đau, không thể phân biệt được với cái khổ của những tội nhân trong địa ngục. Một số người, do thiếu thốn lương thực bị đói khát hành hạ khổ đau không khác gì quỷ đói. Một số người yếu đuối bị kẻ mạnh hơn đánh bại, bị bắt ép phải phục vụ cho họ, phải dựa vào họ để sinh sống. Ngài thấy cái khổ của họ cũng không khác cái khổ của loài súc sinh.
—      Ngài thấy rõ các vị chư thiên của sáu cõi trời dục giới phải chịu sự bất an vì đã nuốt phải ‘chất độc’ của các dục lạc và bị thiêu đốt với lửa tham, sân, si, giống như một đống củi khô đang cháy bừng lại có thêm luồng gió thổi vào nữa, họ không có lúc nào được bình yên, luôn luôn phải phấn đấu một cách tuyệt vọng để dựa vào người khác cho sự tồn tại của mình.
—      Ngài thấy rõ chư phạm thiên (brahmās) của các cõi sắc giới và vô sắc giới, sau khi sống ở đó với thọ mạng lâu nhất là tám mươi bốn ngàn đại kiếp, cũng không thoát khỏi quy luật tự nhiên của vô thường và cuối cùng phải rơi trở lại vòng khổ đau không vượt qua nổi của sanh, lão, tử như những con chim bay tít tận trời xa với năng lực khủng khiếp của mình hay một mũi tên được bắn vút lên trời bởi một người lực sĩ, cuối cùng cũng rơi xuống đất.
Thấy được sự khổ đau của các chúng sinh một cách sinh động theo cách này, bồ-tát cảm thấy kinh sợ (một cảm giác khẩn cấp về tâm linh), và biến mãn các chúng sinh trong ba mươi mốt cõi với tâm từ bi không phân biệt.
Bồ tát, người không ngừng tích luỹ các pháp thiết yếu cho sự giác ngộ bằng những hành động thiện của thân, khẩu và ý như vậy, dốc hết nỗ lực và với sự kiên trì liên tục để làm cho các pháp ba-la-mật được đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện.
Lại nữa, tinh tấn vốn trách nhiệm chuyên chở ngài đến Phật Quả -  nơi chứa đựng những thuộc tính trong sạch, không uế nhiễm, vô song và không thể quan niệm được - có sức mạnh bất khả tư nghì. Người bình thường ngay cả không dám nghe về sức tinh tấn này của đức bồ-tát, huống nữa là thực tập nó.
Khi tinh tấn ba-la-mật hướng về phía trước này đã được hoàn thành, thì nhẫn nại ba-la-mật, chân thật ba-la-mật, v.v… hay nói cách khác những ba-la-mật theo sau nó và đi trước nó cũng trở nên hoàn mãn bởi vì tất cả các ba-la-mật này đều dựa vào tinh tấn để hoàn thiện. Vì thế, việc hoàn thành nhẫn nại ba-la-mật và các ba-la-mật còn lại khác cần được hiểu theo cách này.
Như vậy, làm lợi ích cho tha nhân bằng những cách khác nhau, như từ bỏ tài sản để góp phần vào sự an vui và hạnh phúc của chúng sinh được hoàn thành nhờ bố thí.
Không-huỷ hoại (bất sát), bảo vệ sự sống, bảo vệ tài sản và gia đình của các chúng sinh, không gây sự bất hoà, nói những lời thân ái, lợi ích, v.v…  được hoàn thành nhờ giới.
Cũng vậy, thực hiện những hành động lợi ích khác như thọ nhận tứ vật dụng do các chúng sinh dâng tặng và bố thí Pháp (Dhamma) cho họ, được hoàn thành nhờ xuất gia. Có được sự thiện xảo trong những cách thức và phương tiện thúc đẩy sự an vui, hạnh phúc của các chúng sinh được hoàn thành nhờ trí tuệ. Phấn đấu với lòng nhiệt thành, chịu đựng những khó khăn gian khổ không lơi lỏng trong việc dùng phương tiện thiện xảo ấy được hoàn thành nhờ tinh tấn. Nhẫn nại chịu đựng những sai trái của các chúng sinh được hoàn thành nhờ nhẫn nại. Không lừa đảo, không thất hứa trong việc giúp các chúng sinh được hoàn thành nhờ chân thật. Giữ tâm bất động ngay cả khi những quyền lợi của mình bị sút giảm do phục vụ các chúng sinh được hoàn thành nhờ sự quyết định. Không ngừng suy nghĩ đến sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh được hoàn thành nhờ tâm từ. Thản nhiên khi người khác giúp đỡ hay gây phiền nhiễu được hoàn thành nhờ tâm xả.
Như vậy, bồ-tát cố gắng để có được một sự tích luỹ về phước đức và trí tuệ vô song, người bình thường không chia xẻ được, vì lợi ích của vô lượng chúng sinh và vì sự hoàn thành toàn diện các điều kiện căn bản của các pháp ba-la-mật của ngài như đã đề cập ở trên - tất cả những sự đảm đương này có thể tóm gọn lại là thực hành sự hoàn thiện các pháp ba-la-mật.
19. Các Ba-La-Mật Được Phân Tích Như Thế Nào?
Đối với câu hỏi, ‘Có bao nhiêu pháp ba-la-mật?’, câu trả lời ngắn gọn là: Có ba mươi pháp ba-la-mật, đó là, mười pháp ba-la-mật bậc thường, mười pháp ba-la-mật bậc cao và mười pháp ba-la-mật bậc cao tột.
Liên quan đến bố thí, có bố thí ba-la-mật bậc thường, bố thí ba-la-mật bậc cao, và bố thí ba-la-mật bậc cao tột. Cũng thế, đối với chín ba-la-mật còn lại như giới ba-la-mật, xuất gia ba-la-mật, v.v…   mỗi ba-la-mật đều có ba loại khác nhau và do đó mười ba-la-mật ban đầu trở thành ba mươi ba-la-mật cả thảy.
Xả bỏ những vật bên ngoài như vợ, con, của cải và tài sản là bố thí ba-la-mật bậc thường; xả bỏ tứ chi như chân tay… của mình, là bố thí ba-la-mật bậc cao; xả bỏ mạng sống của mình là bố thí ba-la-mật bậc cao tột.
Tương tự, Giữ giới không vi phạm dù có ảnh hưởng đến những vật bên ngoài như vợ, con, của cải và tài sản là giới ba-la-mật bậc thường. Giữ giới không vi phạm dù có ảnh hưởng đến tứ chi, như chân, tay… của mình là giới ba-la-mật bậc cao. Giữ giới và không vi phạm dù có ảnh hưởng đến mạng sống của mình là giới ba-la-mật bậc cao tột.
Cắt đứt sự luyến ái đối với những vật bên ngoài và xuất gia từ bỏ đời sống người gia chủ là xuất gia ba-la-mật bậc thường. Cắt đứt sự luyến ái đối với tứ chi như chân tay… của mình và xuất gia từ bỏ đời sống người gia chủ là xuất gia ba-la-mật bậc cao. Cắt đứt sự luyến ái đối với mạng sống của mình và xuất gia từ bỏ đời sống người gia chủ là xuất gia ba-la-mật bậc cao tột.
Bứng gốc sự luyến ái đối với những vật bên ngoài như vợ con,… và tài sản của mình và xác quyết một cách thận trọng những gì đem lại lợi ích và những gì không đem lại lợi ích cho các chúng sinh là trí tuệ ba-la-mật (pāramīs) bậc thường. Bứng gốc sự luyến ái đối với tứ chi như chân, tay…của mình và xác quyết một cách thận trọng những gì đem lại lợi ích và những gì không đem lại lợi ích cho các chúng sinh là trí tuệ ba-la-mật (pāramīs) bậc cao. Bứng gốc sự luyến ái đối với mạng sống của mình và xác quyết một cách thận trọng những gì đem lại lợi ích và những gì không đem lại lợi ích cho các chúng sinh là trí tuệ ba-la-mật (pāramīs) bậc cao tột.
Nỗ lực để hoàn thành và hoàn thành được các ba-la-mật bậc thường đã nói ở trước và các ba-la-mật bậc thường sẽ đề cập ở sau là tinh tấn ba-la-mật bậc thường. Nỗ lực để hoàn thành và hoàn thành được các ba-la-mật bậc cao đã nói ở trước và các ba-la-mật bậc cao sẽ đề cập ở sau là tinh tấn ba-la-mật bậc cao. Nỗ lực để hoàn thành và hoàn thành được các ba-la-mật bậc cao thượng đã nói ở trước và các ba-la-mật bậc cao thượng sẽ đề cập ở sau là tinh tấn ba-la-mật bậc cao tột.
Nhẫn nại chịu đựng những thăng trầm có nguy cơ thiệt hại đến những vật bên ngoài của mình như vợ con, tài sản là nhẫn nại ba-la-mật bậc thường. Nhẫn nại chịu đựng những thăng trầm có nguy cơ thiệt hại đến tứ chi như chân tay… của mình là nhẫn nại ba-la-mật bậc cao. Nhẫn nại chịu đựng những thăng trầm có nguy cơ thiệt hại đến sinh mạng của mình là nhẫn nại ba-la-mật bậc cao tột.
Không bỏ rơi sự thực dù có ảnh hưởng đến những vật bên ngoài của mình là chân thật ba-la-mật bậc thường. Không bỏ rơi sự thực dù có ảnh hưởng đến tứ chi như chân tay, …của mình là chân thật ba-la-mật bậc cao. Không bỏ rơi sự thực dù có ảnh hưởng đến mạng sống của mình là chân thật ba-la-mật bậc cao tột.
Kiên quyết không lay chuyển dù có tiêu hoại những vật bên ngoài của mình như vợ con, tài sản…vẫn giữ vững niềm tin rằng ‘các ba-la-mật như bố thí, trì giới,…chỉ có thể được hoàn thành với sự quyết định vững chắc’ là quyết định ba-la-mật bậc thường. Kiên quyết không lay chuyển dù có tiêu hoại tứ chi như chân tay…của mình là quyết định ba-la-mật bậc cao. Kiên quyết không lay chuyển dù có tiêu hoại mạng sống của mình là quyết định ba-la-mật bậc cao tột. 
Không từ bỏ lòng từ ái đối với các chúng sinh cho dù họ đã gây thiệt hại đến những vật bên ngoài của mình là tâm từ ba-la-mật bậc thường. Không từ bỏ lòng từ ái đối với các chúng sinh dù cho họ đã gây thiệt hại đến tứ chi như tay chân… của mình là tâm từ ba-la-mật bậc cao. Không từ bỏ lòng từ ái đối với các chúng sinh dù họ đã gây thiệt hại đến mạng sống của mình là tâm từ ba-la-mật bậc cao tột.
Giữ thái độ bình thản đối với các chúng sinh và các hành nghiệp của họ bất kể là họ đã giúp đỡ hay làm hại đến những vật bên ngoài của mình là tâm xả ba-la-mật bậc thường. Giữ thái độ bình thản đối với các chúng sinh và các hành nghiệp của họ bất kể là họ đã giúp đỡ hay làm hại đến tứ chi của mình là tâm xả ba-la-mật bậc cao. Giữ thái độ bình thản đối với các chúng sinh và các hành nghiệp của họ bất kể là họ đã giúp đỡ hay làm hại đến mạng sống của mình là tâm xả ba-la-mật bậc cao tột.
Sự phân tích các ba-la-mật cần được hiểu theo cách như thế.
 20. Những Yếu Tố Để Hoàn Tất Các Ba-La-Mật Là Gì?
Đối với câu hỏi, ‘Những yếu tố để hoàn tất các ba-la-mật là gì?’, câu trả lời là: Các yếu tố đó là:
1.   Tu tập bốn loại bhāvanā,
2.   Suy xét xem những gì đối nghịch với ba-la-mật để loại trừ chúng, và
3.   Hiến dâng thân mạng cho Đức Phật.
(1)         Bốn phương tiện thiện xảo để hoàn tất các ba-la-mật là:  sabbasambhara-bhāvanā: tu tập và tích luỹ tất cả những điều kiện cần thiết như sự hoàn thiện, xả ly (cāga), sở hành (cariya), không bỏ sót bất kỳ pháp nào trong số đó với mục đích duy nhất: thành tựu Nhất Thiết Trí; sakkacca-bhāvanā: tu tập các pháp cung kính; nirantara-bhāvanā: tu tập sự không gián đoạn suốt các kiếp sống; cirakala-bhāvanā: tinh tấn tu tập trong một thời gian dài không chểnh mảng trước khi trở thành một vị Phật.
(2)         Vị bồ tát phải sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sở hữu cá nhân, ngay cả trước khi có người hỏi xin xuất hiện tại cửa nhà mình, với quyết định: ‘Ta sẽ bố thí mạng sống cũng như của cải và tài sản ta có không do dự nếu có người đến hỏi xin chúng; Ta sẽ chỉ sử dụng những gì còn lại sau khi đã bố thí.’
Theo cách này thì ngài đã quyết định trong tâm trước việc từ bỏ những tài sản nào ngài có. Nhưng có bốn yếu tố gây trở ngại cho việc bố thí của ngài:
(a)    không quen với việc bố thí trong quá khứ,
(b)    không đủ số lượng vật thí trong tài sản của mình.
(c)    những vật thí quá tốt để đem cho,
(d)    lo tài sản của mình bị cạn kiệt.
Trong bốn chướng ngại này:
(a)              Khi vị bồ-tát có những vật để bố thí và người xin đã đến nhưng tâm bồ-tát lại không muốn bố thí, ngài nhận ra: ‘Chắc chắn là trong quá khứ ta đã không quen với việc bố thí, vì thế cho nên ước muốn bố thí giờ đây không khởi lên trong ta dù hoàn cảnh thuận lợi như thế này.’
      Rồi ngài suy xét: ‘Mặc dù ước muốn bố thí không khởi lên trong ta, song ta sẽ tặng món quà này để làm quen với việc bố thí và tìm được niềm vui trong việc bố thí. Từ giờ trở đi, ta sẽ bố thí một cách hào phóng. Há chẳng phải ta đã quyết định bố thí tất cả những tài sản của ta cho những người đến xin đó sao?’
Sau khi đã suy xét như thế, ngài bố thí chúng một cách rộng rãi, hoan hỷ. Trong lúc bố thí như vậy bồ tát loại bỏ được chướng ngại thứ nhất ‘không quen với việc bố thí trong quá khứ’.
(b)              Khi không có đủ số lượng vật thí trong tài sản của mình bồ-tát suy xét: ‘Bởi vì ta đã không thực hành hạnh bố thí trong quá khứ, ta phải chịu thiếu hụt vật thí. Do đó ta nên bố thí những gì ta có, dù những vật ấy chỉ ít ỏi hay hạ liệt, dù cho việc bố thí này có thể làm cho cuộc sống của ta khó khăn hơn. Với sự bố thí này trong tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao của bố thí ba-la-mật.’
Sau khi đã suy xét như vậy, ngài bố thí bất cứ thứ gì ngài có được một cách rộng rãi, hoan hỷ. Trong lúc bố thí như vậy bồ tát loại bỏ được chướng ngại thứ hai ‘không đủ số lượng vật thí trong tài sản của mình’.
(c)              Khi không có khuynh hướng bố thí do (tiếc) chất lượng quá tốt của vật thí, bồ-tát suy xét: ‘Này con người hiền thiện kia, há chẳng phải ngươi đã phát nguyện đạt đến sự Giác Ngộ Tối Thượng, cao quý nhất, đáng thán phục nhất đó sao? Để thành tựu sự Giác Ngộ Tối Thượng, cao quý nhất, đáng thán phục nhất ấy, điều thích hợp duy nhất là ngươi phải thực hiện việc bố thí cao quý nhất, đáng thán phục nhất vậy.’
Sau khi đã suy xét như vậy, ngài bố thí vật tốt nhất, vừa lòng nhất, một cách rộng rãi và hoan hỷ. Trong lúc bố thí như thế bồ-tát loại trừ được chướng ngại thứ ba ‘những vật thí quá tốt để đem cho’.
(d)              Khi bồ-tát thấy do bố thí mà bị cạn kiệt những vật thí, ngài suy xét: ‘Bản chất của tài sản và của cải thế gian là phải chịu sự hoại diệt và mất mát. Chính bởi vì trong quá khứ ta đã không thực hiện những thiện nghiệp bố thí không bao giờ cạn kiệt mà giờ đây ta phải bị thiếu hụt những vật thí. Vì thế ta sẽ bố thí bất cứ vật gì ta có được dù ít hay nhiều. Với sự bố thí này trong tương lai ta sẽ đạt đến đỉnh cao của bố thí ba-la-mật.’
Sau khi đã suy xét như vậy, bồ tát bố thí bất cứ món gì ngài có một cách rộng rãi và hoan hỷ. Trong lúc bố thí như thế bồ-tát loại trừ được chướng ngại thứ tư ‘lo tài sản của mình bị cạn kiệt’.
Loại trừ những chướng ngại đối với việc bố thí bằng cách suy xét chúng theo bất cứ cách nào thích hợp nhất tạo thành một phương tiện thiện xảo để hoàn thành bố thí ba-la-mật. Đối với các ba-la-mật khác như trì giới, xuất gia v.v… cũng áp dụng phương pháp tương tự như vậy.
(3)                             Ngoài ra, bồ-tát còn hiến dâng thân mạng của mình cho Đức Phật ngay từ lúc đầu (phát nguyện bồ-tát), bằng cách nói, ‘Con xin hiến dâng thân mạng này của con cho Đức Phật.’ Sự hiến dâng thân mạng trước Đức Phật này là một phương tiện thiện xảo để hoàn thành tất cả các ba-la-mật.
Thực vậy, vị bồ-tát, người đã hiến dâng thân mạng của mình cho Đức Phật, suy xét, ‘Dù có xảy ra điều gì chăng nữa, Ta đã hiến dâng thân mạng này cho Đức Phật,’ vì trong lúc đang nỗ lực để hoàn thành các ba-la-mật qua những kiếp sống khác nhau có thể ngài sẽ gặp những rắc rối, nguy hiểm đến thân thể và mạng sống của ngài, hoặc có khi ngài phải gặp những tổn thương đau đớn, khó chịu đựng do các chúng sinh gây tạo, có thể tước đi mạng sống của ngài, sự hiến dâng này làm cho ngài vững niềm tin. Sau khi đã suy xét như vậy, bồ-tát giữ tâm hoàn toàn không lay động khi đương đầu với những rắc rối có thể làm tổn hại đến mạng sống của ngài và quyết định tích luỹ những thiện nghiệp công đức tạo thành các ba-la-mật.
Theo cách này, hiến dâng thân mạng trước Đức Phật là một phương tiện thiện xảo để hoàn thành các ba-la-mật.
21. Thời Gian Đòi Hỏi Để Hoàn Thành Các Ba-La-Mật Là Bao Lâu?
Đối với câu hỏi, ‘Thời gian đòi hỏi để hoàn tất các ba-la-mật là bao lâu?’ câu trả lời là:
Thời gian tối thiểu để hoàn tất các ba-la-mật là bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; thời gian trung bình, tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; và thời gian tối đa, mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, sau khi nhận được lời thọ ký xác định sẽ thành Phật. Chỉ sau khi hoàn thành các ba-la-mật trong khoảng thời gian như vậy một vị bồ-tát mới có thể thành Phật.
Sở dĩ có ba giai đoạn thời gian khác nhau là vì có ba loại bồ-tát, đó là, bồ-tát hạnh trí tuệ (paññādhika bodhisatta), bồ-tát hạnh đức tin (saddhādhika bodhisatta); và bồ-tát hạnh tinh tấn (vīriyādhika bodhisatta). Một vị bồ-tát hạnh trí tuệ (paññādhika bodhisatta) phải mất bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; một vị bồ-tát hạnh đức tin (saddhādhika bodhisatta) phải mất tám a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp; và một vị bồ-tát hạnh tinh tấn (vīriyādhika bodhisatta) phải mất mười sáu a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp để hoàn thành viên mãn các ba-la-mật.
Đối với câu hỏi, ‘Tất cả các vị đều là bồ-tát, tại sao lại có ba giai đoạn thời gian khác nhau để hoàn thành các pháp ba-la-mật như vậy? câu trả lời là: một vị bồ-tát hạnh trí tuệ yếu về đức tin nhưng mạnh về trí tuệ; một vị bồ-tát hạnh đức tin mạnh về đức tin nhưng trí tuệ lại trung bình; một vị bồ-tát hạnh tinh tấn trí tuệ yếu. Chính nhờ sức mạnh của trí tuệ mà một người đắc Toàn Giác. Khi trí tuệ mạnh, việc chứng đắc sẽ nhanh hơn; khi trí tuệ yếu, việc chứng đắc đương nhiên phải chậm hơn. Chính sự khác biệt về mức độ sức mạnh của trí tuệ này đã giải thích sự khác nhau về thời gian đòi hỏi để hoàn thành các ba-la-mật vậy.
22. Ba Loại Bồ Tát
Ngay cả vào lúc nhận được lời thọ ký xác định, như trong trường hợp của Đạo-sĩ Sumedha, chư vị bồ-tát cũng có ba loại: ugghaṭitaññu bodhisatta (lược khai trí giả bồ-tát), vipañcitaññū bodhisatta (quảng khai trí giả bồ-tát), và neyya bodhisatta (ứng dẫn bồ-tát).
Trong ba loại này, các vị bồ-tát lược khai trí giả là những vị mà, nếu họ ước nguyện thành tựu Thinh Văn Giác (sự giác ngộ của một vị đệ tử) ngay trong kiếp họ nhận được lời thọ ký xác định ấy, họ có phước hỗ trợ đặc biệt để đắc A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và lục thông ngay cả trước khi Đức Phật chấm dứt dòng kệ thứ ba của một bài kệ tứ cú. Loại bồ tát lược khai trí giả (ugghaṭitaññu bodhisatta) này cũng được gọi là bồ tát hạnh trí tuệ (paññādhika bodhisatta); trong ba loại bồ-tát, trí tuệ của bồ-tát loại này là mạnh nhất.
Các vị bồ-tát quảng khai trí giả là những vị mà, nếu họ ước nguyện thành tựu Thinh Văn Giác  ngay trong kiếp họ nhận được lời thọ ký xác định ấy, họ có phước hỗ trợ đặc biệt để đắc A-la-hán  Thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và lục thông ngay cả trước khi Đức Phật chấm dứt dòng kệ thứ tư của một bài kệ tứ cú. Loại bồ-tát quảng khai trí giả này cũng còn được gọi là bồ-tát hạnh đức tin (saddhādhika bodhisatta); trong ba loại bồ-tát, trí tuệ của loại bồ-tát này ở mức trung bình.
Các vị bồ-tát ứng dẫn là những vị mà, nếu họ ước nguyện thành tựu Thinh Văn Giác ngay trong kiếp họ nhận được lời thọ ký xác định ấy, họ có phước hỗ trợ đặc biệt để đắc A-la-hán  Thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và lục thông vào cuối bài kệ bốn câu do Đức Phật thuyết. Loại ứng dẫn bồ-tát này cũng còn được gọi là bồ-tát hạnh tinh tấn (vīriyādhika bodhisatta); trong ba loại bồ-tát, trí tuệ của loại bồ-tát này là yếu nhất.
Mặc dù cả ba loại bồ-tát trên đều đã quyết định trong tâm để đạt đến Phật quả trong vô lượng kiếp trước khi nhận được lời thọ ký xác định. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời thọ ký xác định, các vị phải hoàn thành các ba-la-mật như đã đề cập ở trên và đạt đến giác ngộ theo thời hạn đòi hỏi đã nói.
23. Không Thể Chứng Phật Quả Sớm Hơn
Đối với các giống lúa gạo việc đơm bông, ra hạt và chín chỉ sau một khoảng thời gian nào đó, ngay cả nếu được chăm sóc tốt nhất, như tưới tiêu, bón phân v.v… cũng sẽ không mang lại một vụ mùa sớm hơn thời hạn đơm bông, ra hạt và chín tự nhiên được. Tương tự như thế, tất cả chư bồ-tát, dù thuộc loại nào, cũng không thể đạt đến Phật quả trước thời gian ấn định cho việc hoàn thành các ba-la-mật cho dù hàng ngày họ có phấn đấu với sức tinh tấn nhiều hơn để hoàn thành các pháp như ba-la-mật, sự hy sinh hay xả ly (cāga) và thiện hạnh (cariya), bởi vì trí tuệ  của họ vẫn chưa đạt đến sự chín mùi, và sự tích luỹ các yếu tố để đắc thành một vị Phật vẫn chưa hoàn tất vậy.
Do đó cần phải hiểu rõ rằng các ba-la-mật chỉ được hoàn thành hợp theo những giai đoạn thời gian đã đề cập ở trên mà thôi.
24. Những Lợi Ích Có  Được Từ Các Ba-La-Mật Này Là Gì?
Đối với câu hỏi, ‘Những lợi ích có được từ các ba-la-mật là gì?’ câu trả lời ở đây là:
Những lợi ích có được từ các ba-la-mật là không bao giờ tái sanh trong mười tám loại kiếp sống sau:
1.      Kiếp sống của người mù bẩm sinh,
2.      Kiếp sống của người điếc bẩm sinh,
3.      Kiếp sống của người điên,
4.      Kiếp sống của người câm,
5.      Kiếp sống của người què, 
6.      Kiếp sống của người man rợ,
7.      Sanh trong bào thai của một người nữ nô lệ,
8.      Kiếp sống của người có tà kiến cố định (chấp đoạn, không tin nghiệp và quả của nghiệp),
9.      Kiếp sống của người thay đổi giới tính (nam biến thành nữ hoặc ngược lại),
10. Kiếp sống của người phạm ngũ nghịch đại tội,
11. Kiếp sống của người cùi,
12. Kiếp sống của một con vật nhỏ hơn con chim cút,
13. Kiếp sống của ngạ quỷ khuppipāsikā, ngạ quỷ nijjhāmatanhika và atula kālakañcika;
14. Sanh trong địa ngục A-tỳ và địa ngục Lokantarika,
15. Kiếp sống của Mara trong cõi trời dục giới,
16. Sanh trong cõi Phạm thiên Vô-tưởng và các cõiTịnh-cư thiên,
17. Sanh trong cõi Phạm thiên vô sắc,
18. Sanh trong một hệ thống thế gian khác.
Lại nữa, những điều sau đây cũng là những lợi ích xuất phát từ các ba-la-mật:
Từ lúc phát nguyện thành Phật, vị bồ-tát, ước mong cho sự an vui và hạnh phúc của các chúng sinh, và do đó trở thành người cha của họ; ngài có những đức đặc biệt; ngài xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được tôn kính. Ngài giống như thửa ruộng phì nhiêu cho chúng sinh gieo trồng những hạt giống phước; ngài được chư thiên và loài người yêu mến. Lòng ngài tràn đầy từ ái và bi mẫn, ngài không bị hại bởi các loài thú dữ như cọp, beo, sư tử, v.v… Chỗ nào ngài sanh ra, ngài là người có phước báu phi thường, vượt qua những người khác về dung sắc, danh tiếng, hạnh phúc, sức mạnh và quyền uy. Ngài không bệnh hoạn. Ngài có tín, tấn, niệm, định và tuệ trong sạch. Ngài có ít phiền não,  dễ giáo hoá. Ngài có đức nhẫn nại, vui thích trong các việc thiện, không bao giờ tỏ ra tức giận, ác ý hay chê bai. Ngài cũng không có tâm ganh đua, ganh ghét, ganh tỵ, xảo quyệt và đạo đức giả. Ngài không kiêu căng, ngạo mạn. Ngài an tịnh và chú tâm vào các điều thiện. Kham nhẫn chịu đựng những sự hành hạ của người khác, không gây khổ đau cho họ. Ngài sống ở đâu, dù đó là đô thị, làng mạc hay thôn xóm, nơi ấy thoát khỏi những hiểm nguy và tai hoạ. Khi, do những hoàn cảnh không may, ngài sanh trong những cõi khổ như đột khởi địa ngục (ussadaniraya), khác với những tội nhân ở đó, ngài không bị đau khổ bởi sự hành hạ ở đó mà thậm chí còn phát triển ý thức kinh cảm hơn nữa.
Thêm nữa, sự viên mãn về thọ mạng (āyu-sampadā), sự viên mãn về dung sắc (rūpa-sampadā), sự viên mãn về gia tộc (kula-sampadā), sự viên mãn về uy quyền (issariya-sampadā), sự có thể chấp nhận được về lời nói, sự vĩ đại của sức mạnh cũng là những lợi ích của các ba-la-mật.
Viên mãn về thọ mạng là kiếp nào ngài sinh ra ngài cũng được trường thọ; với sự viên mãn về thọ mạng này bất kỳ việc thiện nào bồ-tát đã khởi sự làm ngài đều làm hoàn tất và tích tạo được phước lớn hơn.
Viên mãn về dung sắc là sự đẹp đẽ của sắc thân. Với sự viên mãn này bồ-tát truyền cảm hứng cho những người biết ngưỡng mộ và coi trọng vẻ đẹp của sắc thân để họ có niềm tin và sự quý trọng nơi ngài.
Viên mãn về gia tộc là thọ sinh trong một gia đình thuộc tầng lớp thượng lưu. Với sự viên mãn về gia tộc này, ngay cả những người say sưa với sự phù phiếm về sanh trưởng của họ cũng phải đi đến ngài nhờ vậy ngài có thể giáo hoá để họ xoá tan lòng tự hào ấy đi.
Viên mãn về uy quyền là sự to lớn về của cải, quyền lực và về tuỳ tùng. Nhờ sự viên mãn này, bồ-tát có thể ban tặng những lợi ích đến những người đáng được ban tặng và ngăn chặn một cách chính đáng những người cần phải được ngăn chặn.
Sự có thể chấp nhận được về lời nói ở đây có nghĩa rằng ngài là người mà lời nói ra rất có uy tín và đáng tin cậy. Với sự viên mãn này, bồ-tát được mọi người nương tựa giống như một cán cân công lý, một mẫu mực của sự vô tư mà thẩm quyền của ngài không thể bị xem thường.
Sự to lớn về quyền lực là tầm cỡ quan trọng của quyền lực. Với sự viên mãn này, không ai có thể đánh bại ngài, trong khi ngài thắng phục được họ một cách dễ dàng và chính đáng.
Như vậy, tất cả những sự viên mãn về thọ mạng, dung sắc v.v…này là những lợi ích xuất phát từ các ba-la-mật. Những viên mãn này tự thân chúng còn được xem là các nhân tố giúp cho sự tăng trưởng về những điều kiện cần thiết của phước báu và là những phương tiện nhờ đó các chúng sinh chưa bước sẽ bước vào ba cỗ xe giác ngộ và  những người đã bước vào đạt đến sự thành mãn.
Đây là những lợi ích có được từ các ba-la-mật.
25. Gì Là Quả Của Ba-La-Mật?
Đối với câu hỏi, ‘Gì là quả của ba-la-mật?’ câu trả lời vắn tắt là:
Quả của ba-la-mật là những thuộc tính của Phật nhiều không thể kể hết dẫn đầu bằng A-la-hán Thánh Đạo và Toàn Giác Trí vốn là sự Giác Ngộ Tối Thượng; hay nói cách khác, sự chứng đắc viên mãn Phật Quả  là quả của các ba-la-mật.
Tỷ mỷ hơn, quả của ba-la-mật là sự có được sắc thân trang hoàng với nhiều thuộc tính như ba mươi hai Đại Nhân tướng, tám mươi vẻ đẹp phụ, hào quang phát ra từ thân xa đến mười tám cubits (1 cubit = 0, 46 m) ngay cả trong bốn điều kiện hoàn toàn tối tăm, đó là, lúc nửa đêm, lúc trăng non,  giữa rừng già và dưới bầu trời đầy mây không có ánh sáng. Những hoạch đắc của Pháp thân được tìm thấy trên thân vật lý và được tô điểm với những thuộc tính như mười lực, bốn vô sở uý trí (catuvesārajjañāṇa), sáu bất cộng trí (cha-asādhāranañāṇa), và mười tám đức đặc thù của một vị Phật (āvenika-dhamma-đặc thù pháp).
Hơn nữa, theo bài kệ được các nhà chú giải trích dẫn sau đây:
Nếu một vị Phật nói lời tán dương một vị Phật
Không nói gì khác suốt thời gian một kiếp,
Thì một kiếp chẳng mấy chốc sẽ trôi qua,
Nhưng lời tán dương Như Lai vẫn chưa hết.
Như vậy tất cả những thuộc tính của một vị Phật là quả của các ba-la-mật mà ngài đã tạo.
Đến đây, để khơi dậy lòng tín thành của quý vị và để tỏ lòng cảm kích muôn vàn những ân đức vô giá của Phật, tôi sẽ kết thúc bài giảng của tôi bằng cách phỏng lại ba bài kệ vô cùng ý nghĩa do đạo sĩ Suruci, người sau này trở thành Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta), ngâm để bầy tỏ lòng tôn kính của mình đối với Đức Phật Anomadassi.
‘Sakkā samudde udakaṁ
 pametum āḷhakena vā
 na tveva tava sabbaññu
 ñāṇaṃ sakka pametave.’
Nước trong đại dương,
Còn có thể đo,
Phật trí thâm sâu
Không ai lường được.
‘Nước trong đại dương mênh mông kia người ta còn có thể dùng một hình thức đo lường chất lỏng nào đó để đo được, nhưng, bạch Đấng Chánh Biến Tri, không ai có thể dò được trí tuệ thâm sâu của Đức Thế Tôn, dù đó là chư thiên hay con người.’
‘Dhāretuṁ paṭhaviṁ
 sakkā ṭhapetva tulamaṇḍale
 na tveva sabbaññu
 ñāṇaṁ sakkā dharetave.’
Đất lớn địa cầu
Còn có thể đo,
Phật trí thâm sâu
Không ai lường được.
‘Tổng khối đất của địa cầu này, bằng máy cân, người ta có thể đo lường được, nhưng, bạch Đấng Chánh Biến Tri, không ai có thể dò được trí tuệ thâm sâu của Đức Thế Tôn, dù đó là chư thiên hay con người.’
‘Ākāso minitum sakkā
rajjuyā angulena vā
na tveva tava sabbaññu
ñāṇaṁ sakkā pametave.’
Hư không rộng lớn
Còn có thể đo,
Phật trí thâm sâu
Không ai lường được.
‘Hư không rộng lớn này, bằng thước dây, người ta có thể đo được, nhưng, bạch Đấng Chánh Biến Tri, không ai có thể dò được trí tuệ thâm sâu của Đức Thế Tôn, dù đó là chư thiên hay con người.’
Tôi sẽ chấm dứt bài giảng của tôi ở đây. Cầu mong ước nguyện của những người nguyện thành Phật sẽ được thành tựu. Cầu mong ước nguyện của những người nguyện giải thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi sớm được thành tựu. Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui và hạnh phúc.
26. Hỏi và Đáp
- Câu Hỏi 52: Có sự khác biệt nào giữa vô-ngã và tánh không không?
Trả Lời Câu Hỏi 52: Trong Pháp Cú (Dhammapada) Đức Phật dạy: ‘Tất cả pháp (dhammas) đều vô ngã (sabbe dhamma anatta). Ở đây, các pháp (dhammas) nói đến cả pháp hữu vi lẫn pháp vô vi. Pháp hữu vi bao gồm hết thảy danh và sắc còn pháp vô vi là Niết-bàn. Một người hành thiền sẽ bắt đầu hiểu được vô ngã là thế nào khi người ấy chuyển sang thực hành Minh-sát (Vipassana) trong đó họ tuệ tri danh & sắc hay năm uẩn như vô thường, khổ và vô ngã. Khi người ấy đạt đến đạo và quả trí người ấy sẽ hiểu thêm rằng Niết-bàn cũng là vô ngã.
Về tánh không, nó có một ý nghĩa rộng hơn. Chẳng hạn, Trong Kinh Tiểu Không (Cūḷasuññatā Sutta) của Trung Bộ Kinh (Majjhimā Nikāya), Đức Phật nói rằng khi một vị Tỳ-kheo sống trong rừng, tưởng của vị ấy về khu rừng là không có voi, không có trâu bò, lừa, ngựa, vàng, bạc, không có hội chúng đàn ông và đàn bà. Cũng vậy, khi vị Tỳ-kheo hành kasiṇa đất thì tưởng về đất của vị ấy không có rừng. Khi vị Tỳ-kheo hành hư không vô biên xứ thì tưởng về hư không vô biên của vị ấy không có đất. Đối với các thiền chứng vô sắc cao hơn khác cũng hiểu theo cách tương tự. Khi vị Tỳ-kheo hành Minh-sát (Vipassanā) tưởng của vị ấy là không có thường, lạc, và tự ngã. Khi vị ấy đắc Niết-bàn (Nibbāna) vị ấy sẽ thấy tánh không thực thụ (chứ không có tưởng nữa), bởi vì Niết-bàn là không có danh-sắc, không có thường hằng và tự ngã, không có tham, sân và si vậy.
- Câu Hỏi 53: A-la-hán Thánh Đạo của Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) và Tôn-giả Mục-kiền-liên (Moggallana) kết hợp với thượng thinh văn giác trí (aggasāvaka-bodhiñāṇa), còn A-la-hán  Thánh Đạo của Tôn-giả Bāhiya Dārucīriya thì kết hợp với đại thinh văn giác trí (mahāsāvaka-bodhiñāṇa). Có phải thượng thinh văn giác trí cao hơn đại thinh văn giác trí không? Ngoài giai đoạn thời gian cần thiết để hoàn thành các ba-la-mật cho hai loại trí thinh văn giác (sāvaka-bodhiñāṇa) này ra, còn có lý do nào khác nữa làm nên sự khác nhau của họ không?
Trả Lời Câu Hỏi 53: Trên phương diện chứng đắc quả vị A-la-hán họ hoàn toàn như nhau. Tuy nhiên, như những gì Đức Phật đã nói trong Kinh Bất Đoạn (Anupada Sutta) của Trung Bộ Kinh, Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) là bậcÐại tuệ; này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Quảng tuệ; này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Hỷ tuệ (Hasupanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Tiệp tuệ (javanapanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Lợi tuệ (tikkhapanna); này các Tỷ-kheo, Sariputta là bậc Quyết trạch tuệ (nibbedhikapanna). Ngài có thể hiểu và giải thích một bài kệ ngắn do Đức Phật thuyết bằng nhiều ngàn cách. Ngài có thể tuệ tri từng tâm hành và từng loại sắc theo chi tiết. Thậm chí ngài có thể đếm được những giọt mưa rơi cùng một lúc trên toàn cõi Ấn Độ. Và có thể nói, về trí tuệ không ai đồng đẳng với ngài trong số những vị đệ tử Phật.
Còn về Tôn-giả Mục-kiền-liên (Mogallāna), ngài được xem là thần thông đệ nhất trong số những đệ tử Phật. Tôn-giả Bāhiya Dārucīriya là đệ nhất trong số những vị tốc chứng A-la-hán thánh quả. Đức Phật cũng là một bậc A-la-hán, nhưng ngài có thể biết hết thảy mọi điều ngài muốn biết nhờ Nhất Thiết Trí (sabbaññutañāṇa), loại trí chỉ Đức Phật mới có.
- Câu Hỏi 54: Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng sau khi chết người ta có một linh hồn thường hằng còn lại. Đây là thường kiến. Đức Phật dạy chúng ta bỏ hết cả thường kiến lẫn đoạn kiến, và thực hành theo trung đạo. Vậy trung đạo là gì? Nếu chúng ta chấp nhận rằng một người chưa được giải thoát vẫn phải tái sanh trong vòng luân hồi, liệu điều đó có hàm ý rằng chúng ta có một linh hồn hay cái ngã thường hằng không? Chẳng phải đây là một loại thường kiến sao?
Một bản dịch tiếng Hoa về kinh A-hàm (Agama) nói rằng Bát Thánh Đạo có thể được chia thành hai, đó là Bát Thánh Đạo hiệp thế và Bát Thánh Đạo siêu thế. Xin Sayadaw hoan hỷ giải thích điều đó? Và lợi ích của mỗi loại Bát Thánh Đạo ấy là gì?
Trả Lời Câu Hỏi 54: Trung đạo chính là Bát Thánh Đạo. Bát Thánh Đạo hiệp thế bao gồm tam học - giới, định,tuệ -  tiến trình tu tập xảy ra trước sự chứng đạo. Bát Thánh Đạo siêu thế là bốn thánh đạo (ariya-magga).
Trong số các chi đạo hiệp thế, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng được gồm trong sự tu tập về giới (giới học). Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định được gồm trong sự tu tập về định (định học). Khi quý vị đang thực hành thiền chỉ (samatha) là quý vị đang trau dồi ba chi đạo này. Chánh kiến và chánh tư duy được gồm trong sự tu tập về tuệ (tuệ học).
Chi đạo thứ nhất của Bát Thánh Đạo là chánh kiến. Chánh kiến là gì? Đó là sự hiểu biết đúng về Khổ Thánh Đế (sự thực của khổ), Tập Thánh Đế (sự thực về nhân sanh của khổ), và về Đạo Thánh Đế (sự thực về con đường dẫn đến sự diệt khổ).
Khổ Thánh Đế là gì? Năm thủ uẩn là khổ. Khi quý vị thực hành sự phân biệt sắc và sự phân biệt danh, quý vị sẽ thấy với tuệ giác rằng quý vị và tất cả những chúng sinh khác chỉ gồm có danh và sắc, hay chỉ gồm có năm uẩn mà thôi. Hoàn toàn không có một tự ngã. Ở giai đoạn này quý vị sẽ hiểu được cái gì là Khổ Thánh Đế, và với loại chánh kiến này quý vị loại trừ tạm thời tà kiến về cá nhân hay thân kiến (sakkāyadiṭṭhi).
Sau khi đã phân biệt được danh và sắc, quý vị có thể tiến hành để quán sự khởi sanh do duyên hay tập khởi của danh và sắc, đây là Thánh Đế về Nhân Sanh Của Khổ. Quý vị có thể thấy một nhóm các nhân quá khứ làm phát sanh một nhóm các quả hiện tại. Các nhân quá khứ chỉ là danh và sắc; các quả hiện tại cũng chỉ là danh và sắc. Chỉ có danh và sắc sanh ra danh và sắc. Khi các nhân quá khứ sanh lên và diệt, chúng không nghĩ, ‘Do sự sanh của chúng ta, hãy cho những quả như vầy như vầy sanh lên.’ Các quả hiện tại cũng không nghĩ, ‘Nếu các nhân như vầy như vầy sanh, chúng ta sẽ sanh.’ Các nhân và các quả sanh và diệt theo một quy luật cố định tự nhiên. Các nhân không cần phải bỏ chút cố gắng nào để làm cho các quả sanh lên, và các quả cũng không cần phải nỗ lực chút nào để sanh lên một khi các nhân đã sanh. Có thể nói, với sự khởi sanh của các nhân thời các quả sanh khi điều kiện thích hợp. Các nhân thì vô thường, khổ và vô ngã, các quả cũng vô thường, khổ và vô ngã. Không có cái ngã nào trong quá khứ và sẽ không có cái ngã nào trong hiện tại. Như vậy, nguyên lý vô ngã và vòng luân hồi không mâu thuẫn nhau.
Khi quý vị thực hành pháp quán duyên khởi, quý vị phải thực hành sao để thấy được rằng có một sự tương tục của danh và sắc từ quá khứ đến vị lai. Nếu quý vị có thể hành đúng theo cách này, kể như quý vị đã loại trừ tạm thời được đoạn kiến (uccheda-diṭṭhi). Quý vị phải thực hành để thấy được rằng tất cả danh và sắc diệt liền sau khi đã sanh lên. Nếu quý vị có thể hành đúng theo cách này, kể như quý vị đã loại trừ tạm thời được thường kiến (sassata-diṭṭhi). Quý vị phải thực hành để thấy được rằng  tất cả danh và sắc đều có các nhân riêng của chúng để làm cho chúng sanh lên. Nếu quý vị có thể hành đúng theo cách này, kể như quý vị đã loại trừ tạm thời được vô nhân tà kiến (ahetuka-diṭṭhi). Quý vị phải thực hành để thấy rằng mỗi nhân đều tạo ra quả tương ứng của nó. Nếu quý vị có thể thấy đúng theo cách này, kể như quý vị đã loại trừ được vô quả tà kiến (akiriya-diṭṭhi - vô hành tà kiến). Như vậy, loại chánh kiến này không những loại trừ được sự hoài nghi của chúng ta về các kiếp sống quá khứ, hiện tại, và vị lai, mà nó còn có thể loại trừ các loại tà kiến khác nữa.
Tiếp đến, quý vị có thể tiến hành để hành Minh-sát (Vipassana) thực thụ, đó là phân biệt danh, sắc và các nhân của chúng kể như vô thường, khổ và vô ngã. Khi quý vị hành như vậy, các phiền não của quý vị được đoạn trừ tạm thời; đây là Thánh Đế Về Sự Diệt Khổ ở mức hiệp thế. Và trong số những tâm hành đồng sanh với tâm minh sát, trí tuệ là chánh kiến, tầm là chánh tư duy, tinh tấn là chánh tinh tấn, niệm là chánh niệm, và nhất tâm là chánh định. Thêm nữa, khi quý vị hành thiền quý vị phải giữ giới trong sạch. Vì thế quý vị cũng đã thành tựu chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Đây là Thánh Đế về Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ (Đạo Đế).
Khi quý vị hành đến Sanh Diệt Trí hay Trí (quán) sự Sanh và Diệt, quý vị sẽ thấy sự chứng đắc A-la-hán thánh quả và sự kiện Bát Niết-bàn trong tương lai của quý vị. Chẳng hạn, quý vị có thể thấy mình sẽ đắc A-la-hán thánh quả lúc hai mươi tuổi trong kiếp kế, và Bát Niết Bàn (Parinibbāna - nhập vô dư Niết-bàn) vào lúc sáu mươi tuổi trong kiếp đó. Trong trường hợp này quý vị sẽ thấy rằng tất cả những phiền não của quý vị sẽ diệt hoàn toàn khi quý vị đắc A-la-hán thánh quả năm hai mươi tuổi, và tất cả danh và sắc của quý vị sẽ diệt hoàn toàn khi quý vị nhập vô dư Niết-bàn lúc tuổi sáu mươi. Loại diệt này cũng gọi là Thánh Đế về sự Diệt Khổ ở mức hiệp thế.
Khi quý vị đắc Đạo Trí, trí lấy Niết-bàn làm đối tượng, tất cả tám chi đạo đều có mặt trong tâm đạo của quý vị. Ở đây sự chứng ngộ Niết-bàn là chánh kiến, sự dán áp tâm vào Niết-bàn là chánh tư duy, sự ghi nhớ Niết-bàn là chánh niệm, tinh tấn để chứng đắc Niết-bàn là chánh tinh tấn, và nhất tâm trên Niết-bàn là chánh định. Ba chi đạo chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng thực hiện nhiệm vụ hoàn thành giới, và từ đó về sau bậc thánh sẽ không bao giờ phạm vào bất kỳ giới nào trong ngũ giới, dù là trong giấc mơ. Tám chi đạo này là Bát Thánh Đạo siêu thế. Sau khi đã đắc nhập lưu đạo, quý vị sẽ sống tối đa bảy kiếp nữa trước khi đạt đến sự giải thoát cuối cùng được xem là lợi ích của Bát Thánh Đạo siêu thế. Như vậy, lợi ích của Bát Thánh Đạo hiệp thế là ở chỗ nó có thể dẫn đến sự chứng đắc Bát Thánh Đạo siêu thế vậy.
- Câu Hỏi 55: Đốt giấy tiền vàng bạc cho những người đã chết có phải là mê tín không?
Trả Lời Câu Hỏi 55: Trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ (Theravāda) không có phong tục đốt giấy tiền vàng bạc này. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm những thiện sự như bố thí (dāna), trai tăng nhân danh những người đã chết và hồi hướng phước đến cho họ. Nếu những người đã quá vãng ấy sanh làm một loại ngạ quỷ (peta) có thể nhận được phước của người khác, và nếu họ biết phước ấy hồi hướng hay chuyển sang cho họ và họ hoan hỷ với phước thiện đó, họ có thể nhận được phước và tái sanh trong một cảnh giới an vui nào đó. Tuy nhiên, nếu họ tái sanh làm những loại ngạ quỷ khác, hay tái sanh vào địa ngục, vào cõi bàng sanh, hay cõi a-tu-la v.v…, họ không thể nhận phần phước đã hồi hướng hay chuyển sang cho họ được.
- Câu Hỏi 56: Một người vui thú trong đời sống ẩn dật có thể bị người khác xem như là người khó thân cận hay bất hợp tác. Vì thế câu hỏi đặt ra là ‘Làm thế nào để một người thích sống ẩn dật nhưng vẫn chan hoà được với mọi người?’
Trả Lời Câu Hỏi 56: Đời sống quần tụ khó có thể thực hiện việc hành thiền. Thực vậy đó là một chướng ngại lớn đối với việc phát triển định và tuệ. Trước khi quý vị đắc một đạo quả nào đó quý vị phải sống ẩn cư, chăm chú vào việc hành thiền, và đừng để bị vướng mắc vào đời sống xã hội. Một số người có thể nhận ra mặt tốt của quý vị và nghĩ rằng quý vị là vị sư hay tu nữ thực thụ sống đúng theo những hướng dẫn của Đức Phật, nhiệt tâm hành Pháp (Dhamma). Một số người khác có thể nghĩ lầm rằng quý vị là người ‘xấu’. Tuy nhiên việc người khác nhìn quý vị như thế nào, quý vị cũng không thể làm khác hơn được, bởi vì quý vị không thể buộc tất cả mọi người phải nhìn quý vị như một người tốt. Hơn nữa cách nhìn của họ như thế nào cũng hoàn toàn không quan trọng.  Quý vị chắc chắn không trở thành một người giác ngộ hay phải xuống địa ngục vì cách nhìn của họ được. Nếu quý vị muốn hoà nhập với mọi người, tốt hơn hết quý vị hãy làm điều đó sau khi quý vị đã đắc A-la-hán thánh quả, hoặc nếu không, ít nhất sau khi quý vị đã đắc đạo quả nhập lưu. Còn nếu quý vị không biết cách làm thế nào để hành cho đến khi chứng đắc đạo quả, quý vị nên sống với một vị thầy thiện xảo và thực hành dưới sự hướng dẫn của vị ấy cho đến khi đắc mới thôi.
- Câu Hỏi 57: Theo Kinh Đại Không (Mahāsuññata Sutta), nếu một người sống viễn ly (ẩn dật) ở một nơi thanh vắng họ sẽ dễ thành công trong thiền hơn. Liệu điều đó có nghĩa rằng thiền tập thể là không lợi ích? Và đối với một vị Tỳ-kheo ni việc hành thiền một mình ở nơi hẻo lánh có phù hợp  không?
Trả lời Câu Hỏi 57: Có ba loại ẩn cư hay viễn ly: thân viễn ly (kāya-viveka), tâm viễn ly (citta-viveka), và viễn ly sanh y (upadhi-viveka).
Nếu quý vị từ bỏ thế gian và sống trong một nơi hẻo lánh là quý vị đã có thân viễn ly. Tuy nhiên, nếu tâm quý vị vẫn còn lưu luyến đời sống trần tục và các dục lạc, quý vị sẽ không có sự viễn ly đích thực. Bởi vì tâm quý vị chưa viễn ly nên thân viễn ly của quý vị kể như vô ích. Ngược lại, nếu quý vị sống trong xã hội mà không có sự dính mắc đối với bạn bè hay các dục lạc, quý vị đang sống viễn ly, giống như những gì Đức Phật nói về bản thân ngài vậy. Tuy nhiên, nếu tâm quý vị chưa đủ vững vàng để không bị tác động bởi những người khác và các dục lạc, tốt hơn quý vị nên có cả hai - thân viễn ly và tâm viễn ly.
Ở đây tôi sẽ đưa ra cho quý vị một ví dụ để quý vị có thể hiểu rõ hơn những gì tôi muốn nói. Trong Hạnh Phúc Kinh (Maṅgala Sutta), Đức Phật khuyên chúng ta nên thân cận bậc trí và tránh xa những người ngu. Tuy nhiên, cách nói ‘thân cận bậc trí’ không có nghĩa là chỉ đi đến chỗ bậc trí và ở lại cả ngày lẫn đêm với họ. Mà nó hàm ý quý vị nên học hỏi và thâu thập kiến thức từ nơi người có trí tuệ. Lời khuyên ‘không gần gũi người ngu’ cũng vậy, không nhất thiết hàm nghĩa quý vị không nên sống chung với người ngu. Thậm chí quý vị có thể sống chung với họ vì mục đích thuyết phục và hướng dẫn họ đi vào chánh đạo. Tất nhiên làm như vậy quý vị không đi ngược lại lời khuyên của Đức Phật trong Hạnh Phúc Kinh. Một ví dụ là Đức Phật đã có lần lưu lại Khu Rừng Uruvela trong hội chúng các đạo sĩ thờ lửa để giúp họ từ bỏ tà đạo của họ đi. Tương tự, quý vị cũng có thế sống chung với những người khác nhưng vẫn giữ một cuộc sống viễn ly. Như vậy thiền tập thể không đi ngược lại nguyên tắc viễn ly. Nó chỉ trở thành vấn đề khi quý vị thích ‘thiền nói’ (chứ không hành thiền) mà thôi.
Điểm khác cần suy xét là không biết quý vị có am hiểu đạo lộ dẫn đến A-la-hán thánh quả hay không. Nếu quý vị hiểu biết tận tường quý vị có thể tự hành một mình được; không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu quý vị không biết quý vị phải nương tựa vào một bậc thầy có đủ phẩm chất có thể hướng dẫn quý vị đi tới nơi tới chốn. Đây là lợi ích của việc thân cận với những người khác mà Đức Phật đã đề cập trong Kinh Đại Không (Mahāsuññata Sutta).
Có lần, Tôn-giả Ānanda đã nói với Đức Phật rằng phân nửa đời phạm hạnh của vị Tỳ-kheo tuỳ thuộc vào bạn tốt (thiện trí thức). Song Đức Phật nói với Tôn-giả rằng thực sự toàn bộ đời phạm hạnh của một vị Tỳ-kheo tuỳ thuộc vào người bạn tốt. Và người bạn tốt ở đây có nghĩa là người có thể hướng dẫn quý vị đi đến sự chứng đắc A-la-hán thánh quả. Vì thế nếu quý vị mong mỏi cho sự giải thoát của bản thân mình và sự giải thoát của những người khác, điều hết sức quan trọng cho quý vị là phải biết thân cận và học hỏi từ một người có trí như vậy.
            - Câu Hỏi 58: Truyền thống Thiền Đại Thừa (Mahāyāna Zen) dạy ‘pháp đốn ngộ’ (the practice of sudden enlightenment) dẫn đến ‘sự liễu ngộ bản tâm’[16] được xem là sự triệt ngộ. Nhưng có số lại nói rằng một người không thể ‘thức đắc bổn tâm’ nếu không hành thiền. Sayadaw có thể giải thích cho chúng con hiểu ‘đốn ngộ bổn tâm’ là thế nào được không?
Trả Lời Câu Hỏi 58: Tôi không hiểu gì về Phật Giáo Đại Thừa. Vì thế khi nói ‘đốn ngộ’ tôi không biết quý vị muốn nói tới điều gì.
Ở đây tôi sẽ chỉ giải thích cho quý vị biết những gì đã được Đức Phật dạy trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ mà thôi. Theo Đạo Phật Nguyên Thuỷ có bốn loại người:
1.      Lược Khai Trí Giả (uggaṭitaññū) là người có thể đạt đến sự giác ngộ khi đang nghe một bài Pháp ngắn.
2.      Quảng Khai Trí Giả (vipañcitaññū) là người có thể đạt đến sự giác ngộ khi nghe một bài Pháp được giảng giải chi tiết.
3.      Ứng Dẫn (neyya) là người không thể đạt đến sự giác ngộ chỉ bằng cách nghe một bài Pháp, nhưng có thể đạt đến sự giác ngộ sau khi đã chuyên cần thực hành Pháp.
4.      Văn Cú Tối Vi giả (padaparama) là người không thể đạt đến sự giác ngộ cho dù họ có hành chuyên cần như thế nào chăng nữa trong kiếp hiện tại này.
Hiện nay hai loại người đầu - lược khai trí giả và quảng khai trí giả - không còn hiện hữu trên cõi đời mà chỉ có hai loại người cuối mà thôi. Để đạt đến giác ngộ, người ứng dẫn (neyya) phải hành thiền chỉ (samatha) và thiền Minh-sát (Vipassana) một cách hệ thống. Sau khi đã tu tập định mạnh mẽ và đầy năng lực, vị ấy phải phân biệt tất cả các loại sắc, và rồi phân biệt danh. Đây là giai đoạn đầu của việc hiểu rõ bổn tâm (Sabhāva of citta). Khi vị ấy tiến hành hành pháp duyên khởi, vị ấy có một sự hiểu biết sâu hơn về bổn tâm. Khi vị ấy hành Vipassana sự hiểu biết của vị ấy về bổn tâm thậm chí còn sâu hơn nữa. Và khi vị ấy đạt đến A-la-hán thánh quả sự hiểu biết của vị ấy về bổn tâm sẽ lên đến tột đỉnh.
- Câu Hỏi 59: Xin Sayadaw vui lòng cho chúng con thêm những chỉ dẫn về cách làm thế nào để  thiền hành (kinh hành)? Chẳng hạn, đi với tốc độ chậm, trung bình, hay nhanh là tốt nhất? và chúng con phải ‘tư duy’ như thế nào khi đang đi? Sayadaw có thể cho con, người mới bắt đầu hành thiền, một số gợi ý về việc làm thế nào để phát triển định sâu hơn được không?
Trả Lời Câu Hỏi 59: Có bốn loại sampajana (tỉnh giác):
1.      Lợi Ích Tỉnh Giác (sātthaka sampajana): hiểu rõ những gì là lợi ích và những gì không lợi ích.
2.      Thích Hợp Tỉnh Giác (sappaya sampajana): hiểu rõ những gì thích hợp và những gì không thích hợp.
3.      Hành Xứ Tỉnh Giác (gocara sampajanaa): hiểu rõ đề mục thiền liên quan đến tất cả oai nghi.
4.      Bất Si Tỉnh Giác (asammoha sampajana): hiểu rõ với trí tuệ danh và sắc tối hậu hay danh & sắc chơn đế. Đây là Minh-sát (Vipassana).
Hai loại tỉnh giác đầu không phải là thiền. Loại tỉnh giác sau - bất si tỉnh giác, là Minh-sát. Như vậy, nếu quý vị đang hành thiền chỉ là quý vị đang hành loại tỉnh giác thứ ba. Và vì thế quý vị phải tập trung vào đề mục thiền của mình trong cả bốn oai nghi, đó là, đi, đứng, nằm và ngồi. Nếu quý vị có thể tập trung trên đề mục thiền của mình trong cả bốn oai nghi cho đến mức có thể, định của quý vị sẽ được cải thiện.
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đưa ra mười một pháp dẫn đến sự sanh khởi của định giác chi:
1.      Làm sạch nội, ngoại xứ. Điều này có nghĩa rằng quý vị phải giữ cho thân thể, móng tay, móng chân, áo quần v.v… sạch sẽ.
2.      Thiện xảo trong tướng. Điều này có nghĩa rằng quý vị phải có sự thiện xảo trong việc biết chuẩn bị tướng (parikamma nimitta), học tướng (uggaha nimitta), và tợ tướng (paṭibhāga nimitta) thuộc đề mục thiền của mình, như tướng hơi thở (ānāpāna nimitta), tướng kasina đất.
3.      Quân bình ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, tuệ).
4.      Chế ngự tâm khi cần chế ngự. Điều này có nghĩa rằng khi trạch pháp giác chi, hỷ giác chi và tinh tấn giác chi của quý vị thái quá, quý vị nên chế ngự tâm của mình lại và phát triển các chi phần giác ngộ tịnh, định và xả.
5.      Nỗ lực tâm khi cần nỗ lực. Điều này có nghĩa rằng khi các chi phần giác ngộ tịnh, định, và xả của quý vị thái quá, quý vị nên nỗ lực tâm và phát triển các chi phần giác ngộ ngược lại, đó là trạch pháp giác chi, hỷ giác chi và tinh tấn giác chi.
6.      Khích lệ tâm bạc nhược bằng đức tin và ý thức về sự khẩn cấp (saṁvega).
7.      Nhìn với thái độ xả những gì đang xảy ra đúng theo nghiệp quá khứ của nó.
8.      Tránh những người tâm không định.
9.      Gần gũi những người tâm có định.
10. Ôn lại những lợi ích của thiền và sự giải thoát.
11. Khuynh hướng tâm về sự tu tập định.
Như vậy, quý vị có thể tu tập các yếu tố trên để cải thiện định của quý vị.
- Câu Hỏi 60: Đức Phật Gotama đã thọ ký cho nhiều vị A-la-hán  rằng họ sẽ thành Phật sau một số kiếp nào đó, nhưng các vị A-la-hán ấy đã đoạn diệt mọi phiền não, không còn tái sanh, và nhập vô dư Niết-bàn (Parinibbāna) khi các vị chết trong kiếp đó rồi. Liệu họ có tái sanh lại trong cõi người không? Có thực rằng họ có thể bố thí thân thể và tất cả những sở hữu của mình vì tâm họ không còn tham ái, chấp thủ, phiền não, và họ sẽ thành Phật khi các ba-la-mật của họ chín mùi không? Nếu điều đó không thực, tại sao lại không thực?
Trả Lời Câu Hỏi 60: Trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ không có vị A-la-hán nào được Đức Phật thọ ký sẽ thành Phật trong tương lai cả.
Có một câu nói thường được rất nhiều vị A-la-hán nói lên trước mặt Đức Phật sau khi họ đã đắc A-la-hán thánh quả:
‘Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì cần làm đã làm xong, không còn việc gì khác phải làm (để đạt đến A-la-hán thánh quả) nữa.’
Từ câu nói ấy chúng ta thấy rõ rằng một vị A-la-hán sẽ không còn tái sanh sau khi chết. Đức Phật cũng vậy, sau khi nhập diệt rồi ngài không tái sanh ở đâu cả. Nếu không thì những gì các vị nói là sai, và các vị phạm tội nói dối. Tuy nhiên không thể có việc Đức Phật và các vị A-la-hán nói dối. Sở dĩ các ngài nói như trên là vì các ngài đã đoạn diệt hoàn toàn mọi phiền não kể cả sự chấp thủ vào bất kỳ kiếp sống nào, và đã huỷ diệt mọi nghiệp lực sẽ tạo ra tái sanh trong tương lai.
Không chấp thủ vào bất kỳ kiếp sống nào và không còn nghiệp lực để tạo ra đời sống trong tương lai, thì sẽ không thể có sự tái sanh trong tương lai được. Đây là quy luật vĩnh hằng. Như vậy theo Đạo Phật Nguyên Thuỷ không có vị A-la-hán nào kể cả Đức Phật có thể còn sanh lại trong tương lai.
- Câu Hỏi 61: Sayadaw có dạy kết hợp ‘nhịn ăn’ với thiền không? ‘Nhịn ăn’ có hiệu quả tốt hay xấu gì đến thiền không? Trong Kinh Điển Theravāda có ghi lại trường hợp một vị đệ tử nào của Đức Phật đắc A-la-hán thánh quả nhờ ‘nhịn ăn’ không? Hiện nay trong khoá thiền này có một hành giả đang hành pháp nhịn ăn. Con nghe nói rằng anh ta sẽ tiếp tục ‘pháp nhịn ăn’ này cho đến cuối khoá thiền. Liệu nhịn ăn trong một thời gian dài như thế có tác động gì đến thân và tâm của một người không?
Trả Lời Câu Hỏi 61: Ngay trong bài pháp đầu tiên của Đức Phật, ngài nói rằng có hai cực đoan, đó là đắm chìm trong các dục lạc và tự hành hạ mình hay khổ hạnh. Hai cực đoan này là tà đạo. Sống hưởng thụ các dục lạc không phải là con đường để chứng ngộ Niết-bàn. Nó chỉ là một pháp hành đê tiện gọi là kāmasukhallikanuyoga, pháp hành đắm chìm trong dục lạc. Đây là loại pháp hành hạ liệt, pháp hành của những kẻ dân dã, pháp hành của kẻ phàm phu tục tử, pháp hành của những kẻ không phải thánh nhân, và không đem lại lợi ích. Lại nữa, những nỗ lực để tự hành khổ mình bằng cách phơi mình trên lửa, phơi mình dưới sức nóng mặt trời, hay bằng cách lúc nào cũng đưa tay lên trời, v.v… với quan niệm (nhờ vậy) sẽ ngăn được những phiền não không cho khởi lên cũng không phải là con đường dẫn đến Niết-bàn. Đó là một pháp hành đê tiện khác gọi là attakilamathanuyoga, pháp tự hành khổ mình hay khổ hạnh. Loại pháp hành này cũng không lợi ích. Và pháp nhịn ăn nằm trong nhóm này. Đây không phải là pháp hành được Đức Phật khen ngợi.
Đức Phật luôn luôn khuyên chúng ta nên thực hành theo trung đạo, không thiên về một cực đoan nào trong hai cực đoan đã đề cập ở trên. Trong Luật Tạng (Vinaya) có một điều luật do Đức Phật ban hành là các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni phải chân chánh quán tưởng khi thọ dụng vật thực như sau: ‘Ta thọ dụng vật thực này không phải để vui đùa như trẻ con thường làm; ta thọ dụng vật thực này không phải để say mê sức mạnh; ta thọ dụng vật thực này không phải để làm đẹp cho thân xác; ta thọ dụng vật thực này không phải để cho da dẻ và sắc diện tươi thắm; ta thọ dụng vật thực này chỉ để duy trì sự sống của thân; ta thọ dụng vật thực này để ngăn ngừa sự bức bách của đói; ta thọ dụng vật thực này để trợ duyên cho phạm hạnh.
Đây là thái độ đúng đắn mà quý vị phải có đối với vấn đề thọ thực. Đức Phật cũng tiếp nhận loại thái độ này. Khi ngài vẫn còn là một vị bồ-tát chưa giác ngộ, ngài đã hành pháp khổ hạnh trong sáu năm trường. Và một trong những pháp khổ hạnh mà ngài hành là chỉ ăn ngày một hạt mè. Tuy nhiên, sau một thời gian ngài nhận ra rằng nó không đem lại lợi ích nên đã từ bỏ loại khổ hạnh này. Ngài bắt đầu thọ thực bình thường và phục hồi lại thể lực. Sau khi từ bỏ hai cực đoan hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh, ngài hành theo trung đạo và không bao lâu thì đạt đến sự giác ngộ viên mãn.
- Câu Hỏi 62: Trong một bài pháp Sayadaw thuyết trước đây, Sayadaw nói rằng có lần đức bồ-tát của chúng ta làm sư tử chúa, và ngài có thể truyền thông được với những con vật khác, chẳng hạn như voi, thỏ v.v… Con thấy ngay cả giữa con người với nhau chúng ta còn gặp vấn đề trong việc truyền đạt nữa, làm thế nào các loài vật khác nhau lại truyền thông với nhau được? 
Trả Lời Câu Hỏi 62: Tôi nghĩ chính các ba-la-mật của đức bồ-tát đã cho ngài khả năng truyền đạt với những con vật khác vậy. Chẳng hạn, Đức Phật chỉ nói bằng một ngôn ngữ, nhưng tất cả mọi người trên toàn cõi Ấn Độ với những thổ ngữ khác nhau vẫn có thể hiểu được ngài không khó khăn.
- Câu Hỏi 63: Một trong những cách dễ nhất để có nimitta kasiṇa trắng (tướng của biến xứ mầu trắng) là nhìn vào sọ của người khác. Liệu có còn ý nghĩa nào khác trong việc chọn sọ người làm đối tượng không?
Trả Lời Câu Hỏi 63: Thực sự ra tôi dạy các thiền sinh hành kasiṇa trắng với màu trắng của sọ người màu trắng, bông hoa màu trắng, hòn đá màu trắng, miếng vải màu trắng, v.v…làm đối tượng. Trong thực tế thì bất cứ vật màu trắng nào cũng có thể dùng như căn bản của kasiṇa trắng được cả.
- Câu Hỏi 64: Làm thế nào để chánh niệm về chính mình và các đối tượng bên ngoài?
Trả Lời Câu Hỏi 64: Để chánh niệm về chính mình và các đối tượng bên ngoài, hành giả phải hành tứ niệm xứ. Đó là:
Niệm thân,
Niệm thọ,
Niệm tâm, và
Niệm pháp
Niệm xứ thứ nhất bao gồm cả thiền chỉ (samātha) lẫn thiền Minh-sát (Vipassanā), trong khi ba niệm xứ sau chỉ gồm Minh-sát (Vipassanā) mà thôi.
Nếu quý vị hành niệm hơi thở là quý vị đang hành niệm thân. Nếu quý vị hành nó một cách liên tục và với sự tôn kính, chánh niệm của quý vị sẽ càng lúc càng trở nên mạnh mẽ hơn, định của quý vị sẽ càng lúc càng sâu hơn, và tâm của quý vị sẽ trở nên rất yên tĩnh và trong sáng.
Khi quý vị hành Minh-sát (Vipassanā), quý vị có thể thấy rõ danh & sắc bên trong và bên ngoài cũng như các nhân của chúng, nói cách khác, quý vị có thể phân biệt một cách rõ ràng thân, thọ, tâm, và pháp cả bên trong lẫn bên ngoài. Như vậy, nếu quý vị muốn có chánh niệm tốt về chính bản thân mình và các đối tượng bên ngoài, quý vị phải cố gắng để phát triển định mạnh và đầy năng lực, và rồi thực hành Minh-sát (Vipassanā). Tất nhiên sẽ là tốt nhất nếu như quý vị có thể đắc A-la-hán thánh quả, bởi vì một vị A-la-hán thì luôn luôn có chánh niệm.
- Câu Hỏi 65: Làm thế nào để biết được là mình đã rơi vào hữu phần (bhavaṅga)? Làm thế nào để tránh rơi vào hữu phần (bhavaṅga)?
Trả Lời Câu Hỏi 65: Giữa hai tiến trình tâm có rất nhiều tâm hữu phần (bhavaṅga) sanh lên và diệt. Mặc dù lúc này quý vị đang nghe tôi nói nhưng đã có rất nhiều tâm hữu phần (bhavaṅga) sanh lên và diệt trong tâm quý vị; đây là hiện tượng tự nhiên. Thường thường người ta không thể biết được tâm hữu phần bởi vì định của họ còn yếu. Nhưng khi họ tu tập lên đến cận định, có thể họ sẽ hiểu được rằng đôi khi họ rơi vào hữu phần. Họ sẽ cảm thấy như thể tâm của họ không biết gì cả.
Tuy nhiên, họ vẫn không thể thấy được tâm hữu phần bởi vì tâm này bắt lấy đối tượng của tốc hành (javana) cận tử của kiếp sống vừa qua làm đối tượng. Chỉ khi họ hành pháp duyên khởi và phân biệt được tốc hành tâm cận tử cùng với đối tượng trong kiếp sống quá khứ của nó, họ mới có thể phân biệt được tâm hữu phần.
- Câu Hỏi 66: Có người hỏi con, ‘Mọi tượng Phật đều có tóc, tại sao đầu các vị sư và tu nữ lại cạo trọc?’ Con không biết phải trả lời như thế nào. Sayadaw có thể giúp con trả lời câu hỏi này được không?
Trả Lời Câu Hỏi 66: Trong kiếp chót, khi đức bồ-tát của chúng ta từ bỏ trần gian tại bờ sông Anoma, ngài đã cắt đứt mớ tóc của mình chỉ còn bằng bề rộng hai ngón tay. Kể từ đó tóc ngài luôn luôn giữ nguyên bề rộng hai ngón tay như vậy, không bao giờ dài hơn hay ngắn hơn.
Đức Phật cho phép các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni được phép giữ tóc không dài hơn bề rộng hai ngón tay. Nếu tóc của họ dài hơn bề rộng hai ngón tay, họ phạm tội tác ác (dukkata). Như vậy nếu quý vị thích quý vị có thể giữ cho tóc của mình luôn luôn dài bằng bề rộng hai ngón tay được.
- Câu Hỏi 67: Mọi người ai cũng có thể hành thiền được phải không? Có những người không thể thấy nimitta (tướng) dù đã hành trong một thời gian lâu? Phải chăng đó là do nghiệp xấu trong quá khứ của họ?
Trả Lời Câu Hỏi 67: Đúng vậy, mọi người ai cũng hành thiền được cả. Tuy nhiên một số không thể thấy nimitta, và điều đó có thể là do nghiệp xấu trong quá khứ của họ, chẳng hạn như kiếp trước thiếu tinh tấn, thiếu sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo, pháp môn sai, v.v… hoặc có thể là do sự kết hợp của các nguyên nhân ấy.
- Câu Hỏi 68: Liệu một người cư sĩ cúng dường đến một vị Tỳ-kheo đã xả y hoàn tục nhưng vẫn đóng vai trò như một vị Tỳ-kheo có được phước gì không?  Quả nghiệp của loại Tỳ-kheo này sẽ là gì?
Trả Lời Câu Hỏi 68: Theo Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhinavibhaṅga), cho dù người thọ nhận là một con vật hay một người ác giới, người bố thí vẫn gặt hái được phước báu từ việc bố thí của mình. Tuy nhiên phước ấy không thù thắng bởi vì nó không được trong sạch bởi người thọ nhận.
Nếu một vị Tỳ-kheo đã hoàn tục nhưng vẫn mặc y và xử sự như một vị Tỳ-kheo, họ được xem như một tên trộm bởi vì họ đã ăn trộm bốn món vật dụng mà người cư sĩ cúng dường. Theo giới luật Đức Phật ban hành, họ là một người pārajika (người phạm tội bất cộng trụ) và hết kiếp này không thể thọ giới làm Tỳ-kheo lại được.
- Câu Hỏi 69: Một số người nghi ngại rằng giáo lý về Niết-bàn là một loại đoạn kiến. Sayadaw có thể giải thích sự khác nhau giữa Niết-bàn và đoạn kiến được không ạ?
Trả lời Câu Hỏi 69: Đoạn kiến là tà kiến cho rằng một người sẽ bị huỷ diệt hoàn toàn sau khi chết mà không cần phải thực hiện các nhân thích hợp. Ngược lại, Đức Phật dạy rằng các quả sanh hợp theo các nhân của chúng. Nói cách khác khi có nhân thì quả thích hợp sẽ sanh. Chẳng hạn, khi có vô minh, tham ái, chấp thủ, các hành và nghiệp, thì năm uẩn là quả sẽ sanh. Đức Phật cũng dạy rằng khi không có nhân thì quả sẽ không sanh. Chẳng hạn, khi tất cả vô minh, tham ái, chấp thủ, các hành và nghiệp đã bị huỷ diệt bằng A-la-hán thánh đạo, năm uẩn kể như quả của chúng sẽ không sanh. Như vậy giáo lý về Niết-bàn là giáo lý trung đạo chỉ ra cho thấy rằng nhân sinh ra quả hợp theo một quy luật cố định tự nhiên. Hơn nữa nếu người nào nghĩ rằng không có Niết-bàn cho dù các nhân vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp đã bi huỷ diệt, người ấy thực sự có thường kiến.
- Câu Hỏi 70: Đức Phật đã đắc thành Phật Quả dưới cội cây Bồ Đề, và ngài cũng là một vị A-la-hán. Ngài đắc tứ đạo và tứ quả mà trước tiên không đắc ba đạo quả đầu[17]. Có vị đệ tử nào có thể đắc tứ đạo tứ quả mà trước không đắc ba đạo quả đầu như Đức Phật không?
Trả lời Câu Hỏi 70: Điều đó không đúng. Đức bồ-tát của chúng ta đắc thành Phật quả nhờ chứng bốn thánh đạo và bốn thánh quả. Ngài đắc bốn thánh đạo và bốn thánh quả trong một thời ngồi, và khoảng giữa hai thánh đạo chỉ khởi lên một vài sát-na minh sát mà thôi. Tất cả những ai đạt đến quả vị A-la-hán cũng đều như vậy hết, tức phải chứng bốn đạo và bốn quả theo tuần tự, vì thế không một vị đệ tử nào của Đức Phật có thể đạt đến quả vị A-la-hán mà trước không đắc ba đạo quả thấp hơn.
- Câu Hỏi 71: Nếu một người gặp khó khăn trong việc hành pháp chân đế (paramattha sacca) do sự không hiểu biết về tục đế (sammutti sacca), người ấy nên loại trừ khó khăn này như thế nào?
Trả lời Câu Hỏi 71: Đức Phật nói ‘Một vị Tỳ-kheo có định sẽ thấy các pháp đúng như chúng thực sự là’, như vậy nếu quý vị muốn thấy thực tại tối hậu hay pháp chơn đế, quý vị phải phát triển định mạnh và đầy năng lực. Quý vị cũng phải thực hành dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo nữa.
Ở đây tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện của Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc). Sau khi trở thành một vị Tỳ-kheo Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) đã hành dưới sự hướng dẫn của người anh, A-la-hán Mahāpanthaka. Tuy nhiên Châu-lợi Bàn-đặc không tài nào nhớ nổi dù chỉ một bài kẹ bốn câu trong suốt mùa an cư. Lý do tại sao ngài lại bị ám độn như vậy được giải thích như sau: Thời Đức Phật Ca-diếp (Kassapa), Châu-lợi Bàn-đặc tương lai là một vị Tỳ-kheo đa văn và cũng là một vị Pháp sư. Một lần ngài đã chế giễu một trong những người học trò của mình là người đần độn. Do sự chế giễu ấy, vị Tỳ-kheo này cảm thấy xấu hổ và mất tự tin trong việc học. Chính ác nghiệp này mà Châu-lợi Bàn-đặc tương lai đã trở thành một người ám độn trong nhiều kiếp sống. Thêm nữa, trong kiếp cuối làm Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc), ngài đột nhiên trở thành một người đần độn sau thời gian tập sự (làm Tỳ-kheo). Vì thế ngài đã quên hết tất cả những gì ngài nhớ ngay khi ngài xuất gia một cách đáng kinh ngạc.
Nghĩ rằng ngài không có khả năng để đắc đạo quả, người anh của ngài, Tôn-giả Mahāpanthaka, đã yêu cầu ngài hoàn tục. Khi nghe những lời chán nản này Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) cảm thấy buồn tủi và bật khóc.
Lúc bấy giờ Đức Phật đang ở tại ngôi chùa trong vườn xoài do lương y Jivaka dâng cúng. Thấy cảnh ngộ khốn đốn của Cūḷapanthaka và ngài biết rằng  Châu-lợi-bàn-đặc sẽ thành tựu sự giải thoát ‘khi ta đến thăm’, Đức Phật bèn đi đến Tôn-giả và hỏi: ‘Này con thân Cūḷapanthaka, sao con lại khóc?’ ‘Bởi vì, bạch Thế Tôn, anh con đuổi con về,’ Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) trả lời. ‘Này con thân Cūḷapanthaka, anh con đâu có năng lực để biết căn cơ và khuynh hướng của các chúng sinh[18]. Hơn nữa con là người do Như Lai dẫn dắt cơ mà.’ Với những lời khích lệ này Đức Phật đã đưa cho vị ấy một miếng vải do năng lực thần thông của ngài tạo ra và Đức Phật nói thêm: ‘Này con thân Cūḷapanthaka, hãy giữ lấy miếng vải này trong tay và đọc “rajo haraṅaṁ, rajo haraṅaṁ - miếng vải này có thể bị nhiễm bụi bẩn, miếng vải này có thể bị nhiễm bụi bẩn”, con hãy hành thiền trên miến vải như vậy.’
Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) ngồi xuống chà miếng vải Đức Phật đưa trong hai bàn tay của mình và đọc ‘miếng vải này có thể bị nhiễm bụi bẩn, miếng vải này có thể bị nhiễm bụi bẩn.’  Khi Tôn-giả chà được vài lần, miếng vải bắt đầu vấy bẩn và Tôn-giả càng vò đi vò lại nhiều lần thì miếng vải càng bẩn hơn, cuối cùng nó không khác gì một miến giẻ rửa chén. Khi đã đến lúc cho trí tuệ của ngài chín mùi, quy luật của sự dập tắt và đoạn diệt tự nó thể hiện trong tâm của Tôn-giả. Tôn giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) suy xét: ‘Miếng vải này ban đầu trắng và sạch. Nhưng do tiếp xúc với thân của ta mà giờ đây nó đã hoàn toàn dơ bẩn. Tâm ta cũng giống như miếng vải này. Tâm ban đầu thanh tịnh và sáng sủa trong trạng thái không bị khuấy động của nó có khuynh hướng bị ô nhiễm do sự kết hợp của nó với các tâm sở bất thiện như tham, sân, si v.v’…Sau khi đã suy xét như vậy ngài tiến hành thiền định và đắc tứ thiền sắc giới. Dùng những thiền ấy làm căn bản, ngài hành vipassanā và đạt đến A-la-hán thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và lục thông.
Từ trường hợp của Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc), chúng ta không thể nói nói rằng một người kém trí không thể thành tựu một sự chứng đắc cao nào.
Câu Hỏi 72: Đức Phật đã dạy cho Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) để đắc A-la-hán  thánh quả nhờ đọc câu ‘quét nhà, quyét nhà’. Chuyện đó xảy ra như thế nào? Câu đó cũng là một đề tài thiền sao? Một người có thể đắc tám thiền chứng, bốn thánh đạo và bốn thánh quả bằng cách đọc ‘quét nhà, quét nhà’ như vậy không?
Trả Lời Câu Hỏi 72: Theo Kinh Điển Thượng Toạ Bộ (Theravada), Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) không đọc câu ‘quét nhà, quét nhà’ mà đọc ‘có thể bị nhiễm bụi bẩn, có thể bị nhiễm bụi bẩn.’ như tôi đã đề cập.
Trong một tiền kiếp trước, Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc)  là một vị vua. Một hôm, trong khi đi thanh sát chung quanh thành phố, trán ngài đổ mồ hôi và ngài đã lau nó với một miếng vải sạch. Miếng vải bị nhơ bẩn. Đức vua lúc đó tự nhủ, ‘Do tấm thân bất tịnh này, miếng vải sạch như vậy đã trở nên nhơ bẩn, mất đi bản chất trong sạch tự nhiên của nó. Quả thực các pháp hữu vi là vô thường!’ Và như vậy ngài đã có được vô thường tưởng. Bởi thế cho nên, đối với Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) đề tài thiền ‘có thể nhiễm bụi bẩn’ đã góp phần mạnh mẽ vào việc chứng đắc A-la-hán  thánh quả của ngài. Có thể nói, khi đưa miếng vải trắng cho Cūḷapanthaka, Đức Phật đã thấy được thiện nghiệp đời trước của ngài và Đức Phật cũng muốn thúc giục ngài hành thiền trên đề mục được xem là thích hợp nhất với thiện nghiệp ấy vậy.
Tôn-giả Cūḷapanthaka (Châu-lợi-bàn-đặc) đã tích tạo các ba-la-mật trong một trăm ngàn đại kiếp. Ngài đã nghiên cứu Tam Tạng Kinh Điển (Tipiṭaka) và thực hành Minh-sát (Vipassanā) cho đến hành xả trí (saṅkhārūpekkhañāṇa) trong nhiều kiếp quá khứ, đây là quy luật cố định tự nhiên đối với các vị A-la-hán đạt đến A-la-hán Thánh quả cùng với tứ tuệ phân tích và lục thông. Trong kiếp cuối của mình, khi ngài thấy rằng miếng vải đã trở nên nhơ bẩn, ngài liền nhận thức được bản chất vô thường của các pháp hữu vi. Nhờ các ba-la-mật và việc thực hành trong quá khứ ngài còn có thể thấu triệt được bản chất vô thường của các pháp hữu vi ấy. Từ sự thấu triệt bản chất vô thường này ngài cũng thấu triệt được bản chất khổ và vô ngã của chúng, và như vậy đạt đến A-la-hán Thánh quả.
- Câu Hỏi 73: Một số người nói rằng người ta cần phải thực hiện các việc công đức trước rồi sau đó mới hiến mình cho việc hành thiền, nếu không thì họ sẽ phải đối đầu với rất nhiều khó khăn. Điều đó có thực không?
Trả Lời Câu Hỏi 73: Điều đó là thực nếu những công đức ấy muốn nói tới phước thiện của các kiếp sống quá khứ. Có hai loại hạt giống, hạt giống minh (vijja) và hạt giống hạnh (carana). Hạt giống hạnh muốn nói đến việc thực hiện các công đức như bố thí, hành giới, tu thiền định, v.v… Chính những hạt giống hạnh đã tích luỹ trong các kiếp quá khứ này tạo ra cơ hội để có được cha mẹ hiền lương, được gặp thiện hữu, minh sư, và nhất là gặp giáo pháp của Đức Phật. Hạt giống minh muốn nói đến việc thực hành thiền tứ đại, phân biệt danh-sắc, duyên khởi, và Minh-sát (Vipassanā). Hạt giống minh đã tích luỹ trong những kiếp sống quá khứ giúp người ta có thể hiểu được Pháp, đặc biệt là Tứ Thánh Đế.
Nếu một người có hạt giống hạnh nhưng không có hạt giống minh, họ sẽ có cơ hội được gặp giáo pháp của Đức Phật, nhưng không thể hiểu thông Pháp. Người ấy cũng giống như một người có chân nhưng mù mắt. Chẳng hạn, trong thời Đức Phật , một luận sư ngoại đạo tên là Saccaka. Mặc dù Đức Phật đã thuyết cho ông hai bài pháp nhưng ông không thể đắc được đạo quả nào cả. Trong thâm tâm ông vẫn đồng ý với Đức Phật rằng năm uẩn là vô thường và vô ngã, song ông không sẵn lòng bày tỏ sự đồng ý ấy ra bằng lời nói (tâm phục, khẩu bất phục). Dù Đức Phật biết rằng ông không thể đắc được đạo quả nào, ngài vẫn thuyết cho ông nghe hai bài pháp dài, bởi vì ngài thấy trước rằng, sau khi có được hạt giống minh này, ông sẽ đạt đến A-la-hán thánh quả khoảng bốn trăm năm sau khi ngài nhập Vô-dư-Niết-bàn (Parinibbāna) như một vị Trưởng-lão (Mahāthera) ở Tích Lan (Sri Lanka) với tên Mahākāḷabuddharakkhita.
Nếu một người có hạt giống minh nhưng không có hạt giống hạnh, họ có thể hiểu pháp nếu như gặp được giáo pháp của Đức Phật, nhưng việc gặp giáo pháp của Đức Phật của họ là rất khó. Họ cũng giống như một người có mắt sáng nhưng cụt chân. Chẳng hạn, đức Vua A-xà-thế (Ajatasattu) có tiềm năng để đắc đạo quả nhập lưu khi nghe Kinh Sa-môn Quả (Sammaññaphala Sutta) do Đức Phật thuyết, nhưng vua đã không đắc đạo quả ấy bởi vì không gặp được Đức Phật trước khi phạm tội giết cha. Như vậy, do sự khiếm khuyết của hạt giống hạnh, vua đã không thể gặp được Đức Phật đúng lúc. Cũng trong thời Đức Phật, một lần Đức Phật nhìn thấy hai vợ chồng người ăn xin già và ngài mỉm cười. Tôn-giả Ānanda đã hỏi Đức Phật lý do tại sao ngài cười. Đức Phật nói với Tôn-giả rằng nếu như cặp vợ chồng này thực hành Pháp trong giai đoạn đầu của cuộc đời, tức thời trai trẻ của họ, người chồng gọi là con trai của Mahādhanasetthi (Đại Phú Gia) kia ắt hẳn sẽ đắc A-la-hán thánh quả và vợ của ông ta sẽ đắc đạo quả bất lai (A-na-hàm). Nếu họ thực hành Pháp trong giai đoạn giữa của cuộc đời, hay tuổi trung niên của họ, người chồng sẽ đắc đạo quả Bất-lai (A-na-hàm) và người vợ sẽ đắc đạo quả Nhất-lai (Tư-đà-hàm). Còn nếu họ thực hành Pháp trong giai đoạn đầu của tuổi già, người chồng sẽ đắc đạo quả Nhất-lai (Tư-đà-hàm) và người vợ sẽ đắc đạo quả nhập lưu (Tu-đà-hoàn). Nhưng giờ đây họ đã trở thành những kẻ ăn xin, và quá già yếu để thực hành Pháp, vì thế mà họ đã bỏ lỡ mất cơ hội thực hành Pháp và không thể đắc được bất kỳ đạo quả nào trong kiếp này. Như vậy, có được cả hai hạt giống minh và hạnh là điều hết sức quan trọng, nhờ đó mà người ta có cơ hội được gặp giáo pháp của Đức Phật cũng như hiểu thông được Pháp.
Dưới dạng phước báu trong kiếp sống hiện tại, như tôi đã giải thích trong một bài giảng trước, thì nó lại không quá quan trọng đối với người có thể đắc A-la-hán  thánh quả trong kiếp này. Mà điều quan trọng là họ phải nhấn mạnh đến tam học giới, định và tuệ, để cố gắng đạt đến đạo quả A-la-hán. Phước làm trong kiếp hiện tại không thể cho họ quả lợi ích trong tương lai, bởi vì họ không còn kiếp sống tương lai nào nữa để thọ hưởng chúng vậy. Tuy nhiên với những người vẫn còn phải trải qua nhiều kiếp sống nữa trong vòng luân hồi, phước vẫn là điều quan trọng.
- Câu Hỏi 74: Một số vị Tỳ-kheo Ni (Bhikkhuni) nói rằng nếu một người phụ nữ phá thai thì đứa bé đã chết ấy và những kẻ thù đã chết khác của cô ta sẽ luôn luôn đi theo cô ta. Và họ sẽ khiến cho công việc làm ăn của cô ta thất bại, gia đình xào xáo, hay có khi làm cho cô ta ốm đau và mắc chứng bệnh ung thư nữa. Liệu những chúng sinh ấy có đi theo cô ta cả ngày cả đêm, hai mươi bốn giờ, để chờ cơ hội trả thù không?
Trả Lời Câu Hỏi 74: Đức Phật nói rằng có nhiều đứa bé chết trong bào thai hơn là những đứa bé được sinh ra an toàn. Khi một đứa bé chết trong bào thai, nó sẽ tái sanh vào một trong năm sanh thú tuỳ theo nghiệp đã chín mùi vào sát-na cận tử của nó. Nếu nó tái sanh vào cõi địa ngục, cõi súc sanh, cõi người hay cõi chư thiên, nó không thể đi theo người mẹ kiếp trước của nó. Nếu nó tái sanh làm ngạ quỷ (peta), rất có thể nó sẽ phải cảm thọ khổ đau mãnh liệt và cũng không thể đi theo người mẹ kiếp trước của nó được. Chỉ có một loại ngạ quỷ có thể đi theo người mẹ kiếp trước của nó, nhưng cũng rất khó mà xác định được đứa bé đã chết nào sẽ đi theo như vậy. Nếu ngạ quỷ ở loanh quanh chỗ của người mẹ kiếp trước của nó, nó không thể làm hại nghiêm trọng đến cô ta được. Những gì nó có thể làm là chỉ làm cho cô ta sợ hãi, như tạo ra mùi xú uế, v.v… như vậy cô ta không nên lo sợ về việc đó.
Điều cô ta cần phải biết là cô ta đã tạo một nghiệp xấu, bởi vì phá thai là giết chết một con người. Nếu nghiệp này chín mùi vào sát-na cận tử của cô ta, cô ta sẽ bị sanh vào một trong bốn khổ cảnh. Tuy nhiên, sẽ là vô ích nếu cô ta khóc than cho việc đã làm, bởi vì những gì đã làm kể như đã xong rồi, và không người nào có thể xoá bỏ được một nghiệp đã làm cả. Những gì cô ta nên làm là tránh lập lại nghiệp xấu ấy. Nếu cô ta có thể tránh hết được mọi nghiệp xấu và chỉ tạo những nghiệp tốt, điều đó sẽ tốt hơn. Chẳng hạn, cô ta có thể thực hiện việc bố thí, thọ trì giới. Hoặc nếu cô ta có thể thực hành thiền chỉ hay thiền Minh-sát (Vipassanā) được thì còn tốt hơn nữa. Và nếu một trong những thiện nghiệp này chín mùi vào sát-na cận tử của cô ta, cô ta sẽ tái sanh vào một sanh thú an vui. Nếu cô ta có thể đắc đạo quả nhập lưu, chắc chắn cô ta sẽ không bị tái sanh vào bất cứ khổ cảnh nào trong các kiếp sống tương lai nữa. Việc đắc đạo quả vẫn là điều khả dĩ đối với cô ta, bao lâu cô chưa phạm vào một trong năm trọng nghiệp liên quan đến giết cha, giết mẹ, giết một vị A-la-hán, làm cho Đức Phật chảy máu, và gây chia rẽ trong tăng chúng. Một điển hình ở đây là Tôn-giả Aṅgulimala (Vô Não). Ngài đã giết rất nhiều người khi còn là một người tại gia, nhưng ngài vẫn có thể đạt đến A-la-hán thánh quả sau khi trở thành một vị Tỳ-kheo. Như vậy người mẹ trước do không hiểu biết đã phá thai cũng không nên lo lắng về điều ấy, bởi vì sự lo lắng, hối hận không giúp cải thiện được cuộc sống của cô ta. Thay vào đó cô ta nên tận dụng quãng đời còn lại của mình để làm điều thiện.
- Câu Hỏi 75: Liệu những đề tài thiền dạy trong các khoá thiền như vầy có thể đem thực hành trong đời sống bình thường hàng ngày được không? Hay chúng chỉ được thực hành trong một khoá thiền thôi? Nếu người ta có thể hành chúng trong đời sống hàng ngày, làm thế nào để người ta có thể duy trì được thiền của mình, không để cho nó thối chuyển?
 Trả Lời Câu Hỏi 75: Được, những đề tài thiền dạy trong một khoá thiền như vầy có thể đem áp dụng trong đời sống hàng ngày. Mặc dù thực hành chúng trong một khoá thiền tất nhiên là tốt hơn, song hành giả vẫn phải thực hành chúng trong đời sống hàng ngày khi mà một cơ hội như vậy không thể kiếm được.
Thực ra việc có thể duy trì được thiền của mình hay không tuỳ thuộc vào lòng nhiệt thành và sự chuyên cần của hành giả. Khi thiền trong đời sống hàng ngày, một số người có thể buông bỏ được những lo toan và hiến mình cho công việc hành thiền. Những người như vậy có thể duy trì được thiền của họ. Song cũng có những người không thể buông bỏ được những lo toan của cuộc sống và do đó không thể tập trung tốt. Những người này phải cố gắng hành đi hành lại một cách chuyên cần và kiên trì mới được. Thường thì chỉ sau khi họ đã hành thiền đều đặn hàng ngày một vài năm rồi họ mới trở nên thiện xảo dần trong thiền. Lúc đó họ mới có khả năng duy trì thiền của họ trong đời sống hàng ngày được.
Vào thời Đức Phật người phụ nữ thường đi nghe Pháp và hành thiền nơi các tu viện vào ban ngày, còn người nam thì vào ban đêm. Nhờ nghe Pháp và hành thiền một cách chuyên cần như vậy họ có thể duy trì được thiền của họ. Đó là lý do vì sao hầu hết mọi người  đã đắc Thánh. Chẳng hạn, tất cả người dân Xứ Kuru đều trở thành các Bậc Thánh. Họ đã hành thiền ngay cả khi đang làm những công việc của mình, như nấu nướng, dệt vải v.v…
Để duy trì thiền, hành giả phải hành thiền ít nhất một hoặc hai tiếng mỗi ngày. Trong suốt thời gian một hay hai giờ đó hành giả phải cố gắng dẹp qua một bên những lo toan, nhớ tưởng và dự tính, và chỉ dán tâm vào đề mục thiền của mình. Hành giả cũng phải áp dụng những phương pháp đúng đắn trong khi thiền để khỏi phí thời gian. Dần dần hành giả sẽ loại trừ được những bất an, buồn ngủ và các chướng ngại khác, đồng thời tập trung trên đề mục thiền được lâu hơn. Lúc đó hành giả mới có thể duy trì được thiền của mình.
- Câu Hỏi 76: Làm thế nào để vượt qua những chướng ngại?
Trả Lời Câu Hỏi 76: Nói chung, những chướng ngại được tóm gọn trong năm pháp, gọi là năm triền cái (pañcanivāraṇa). Đó là tham dục, sân hận, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử-hối quá, và hoài nghi. Sở dĩ chúng được gọi như vậy là bởi vì chúng cản trở sự tiến bộ trong thiền của một người. Nếu hành giả vượt qua được những chướng ngại này họ sẽ thực hiện được những tiến bộ vững chắc và cuối cùng thành công trong thiền. Vượt qua năm triền cái là việc rất quan trọng đối với người hành thiền tới mức tôi muốn giải thích thêm một chút về nó ở đây.
Những nguyên nhân xa của năm triền cái là vô số phiền não đã được tích luỹ theo cuộc hành trình dài đăng đẵng trong vòng luân hồi của một người. Những phiền não này hiện hữu như những khuynh hướng ngủ ngầm nằm bên dưới dòng tương tục danh-sắc. Nhân gần của năm triền cái là sự tác ý không đúng (phi lý tác ý - ayonisomanasikāra). Do đó cách rốt ráo để vượt qua năm triền cái này là tiêu diệt hoàn toàn mọi phiền não kể cả những khuynh hướng ngủ ngầm của chúng.. Còn cách tạm thời là áp dụngnhư lý tác ý - yonisomanasikaara. Ở đây phi lý tác ý (ayonisomanasikāra) là tác ý không có lợi, tác ý sai lối. Hay có thể nói đó là sự tác ý xem vô thường là thường, khổ là lạc, vô ngã là tự ngã và bất tịnh là tịnh. Trong khi như lý tác ý hay tác ý đúng chỉ là ngược lại với phi lý tác ý. Đó là tác ý có lợi, tác ý đúng lối. Hay đó là tác ý vốn xem vô thường là vô thường, khổ là khổ, vô ngã là vô ngã, và bất tịnh là bất tịnh.
Đối với dục tham triền cái, trong Eka-Nipāta của Aṇguttara Nikāya (Tăng Chi Bộ Kinh) Đức Phật dạy như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho dục tham chưa sanh được sanh khởi, hoặc nếu đã sanh khiến cho được mạnh mẽ và tăng trưởng, như nét đẹp (tịnh tướng) như vậy.
‘Nơi người nào phi lý tác ý đến tịnh tướng, dục tham, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn được sự khởi sanh của dục tham, nếu chưa sanh, hoặc nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như nét bất tịnh (bất tịnh tướng).
‘Nơi người nào như lý tác ý đến nét bất tịnh dục tham, nếu chưa sanh, không khởi sanh, hoặc nếu đã sanh, được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua dục tham hành giả phải dừng lại quan niệm cho rằng mọi vật là đẹp, mà thay vào đó hãy ngẫm nghĩ đến tính chất bất tịnh của chúng. Thiền quán bất tịnh có thể được chia làm hai loại: hữu tình và vô tình hay vô tri. Loại hữu tình của thiền quán bất tịnh là tập trung vào tính chất bất tịnh hay đáng nhờm gớm của ba mươi hai thể phần, đó là, tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, …nước tiểu[19]. Loại vô tri hay vô tình của thiền bất tịnh là tập trung vào tính chất bất tịnh của những giai đoạn biến hoại của một tử thi, như trương phình, tái xanh, …Đây là những cách để giúp người ta vượt qua dục tham triền cái.
Đối với sân triền cái, Đức Phật dạy như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho sân hận, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng, như nét đáng ghét (đối ngại tướng).
Nơi người nào phi lý tác ý đến nét đáng ghét, sân hận, nếu chưa sanh, sẽ sanh khởi, hoặc, sân hận nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn ngừa sự khởi sanh của sân hận chưa sanh, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như từ tâm giải thoát.
Nơi người nào như ý tác ý đến từ tâm giải thoát, thời sân hận, nếu chưa sanh, sẽ không sanh khởi, hoặc, sân hận nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua sân hận hành giả phải ngừng tác ý đến nét đáng ghét là đối tượng của sân hận và tu tập tâm từ. Hành giả nên tu tập tâm từ không vị kỷ đối với tự thân, đối với người thân, người không thân không thù, và người thù một cách hệ thống, cuối cùng cho đến tất cả chúng sinh. Hành giả phải học cách tha thứ cho người khác, vì như Đức Phật đã nói trong vòng luân hồi vô thỉ này không có chúng sinh nào chưa từng là cha là mẹ và là thân bằng quyến thuộc của chúng ta. Đây là những cách để hành giả vượt qua sân triền cái.
Đối với hôn trầm-thuỵ miên triền cái, Đức Phật dạy như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như tâm trạng không hăng hái, thờ ơ, biếng nhác dài thây, buồn ngủ sau khi ăn và tâm trí thụ động.
Nơi người nào tâm trí thụ động, hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hôn trầm và thuỵ miên, nếu đã sanh, có thể mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, hôn trầm và thuỵ miên, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như yếu tố khơi dậy nghị lực, khơi dạy tinh tấn, và tinh tấn liên tục (phát cần giới, tinh tấn giới và dõng mãnh giới).
Nơi người nào nỗ lực một cách năng động, hôn trầm và thuỵ miên, nếu chưa sanh, không sanh khởi, hoặc nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ.’
Như vậy để vượt qua hôn trầm và thuỵ miên, hành giả phải ngưng tác ý đến trạng thái lười biếng và mỏi mệt của tâm và thân,  mà tác ý khơi dậy nghị lực và tinh tấn để hành thiền. Chính nhờ tinh tấn không ngừng mà đức Bồ-tát của chúng ta cuối cùng đã giác ngộ. Chúng ta nên noi theo tấm gương của Ngài. Hành giả cũng có thể phản tỉnh đến cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử, của bốn khổ cảnh (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và Atula), của vòng luân hồi trong quá khứ và tương lai, v.v…, để khơi dậy ý thức về sự khẩn cấp phải hành thiền. Dĩ nhiên, một lượng ngủ nghỉ thích hợp, ăn uống thích hợp và các oai nghi thích hợp cho việc hành thiền cũng quan trọng không kém trong việc vượt qua hôn trầm và thuỵ miên. Đây là những cách để hành giả vượt qua hôn trầm và thuỵ miên triền cái.
Đối với trạo cử và hối hận, Đức Phật dạy như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng , như sự bất an của tâm.
Nơi người nào tâm phiền muộn thời trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc trạo cử và hối hận, nếu đã sanh, có thể mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn trạo cử và hối hận nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc trạo cử và hối hận, nếu đã sanh, được đoạn trừ.’
Vì thế để vượt qua trạo cử và hối hận, hành giả phải không chú ý tới những trạng thái bất an của tâm và tập trung vào đề mục thiền của mình với một cái tâm an tịnh, mát mẻ và không dao động, một cái tâm tĩnh lặng. Nếu hành giả cố gắng theo cách này một cách chánh niệm và kiên trì trong mọi oai nghi, sức tập trung của hành giả dần dần sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể vượt qua được trạo cử và hối hận, Đây là cách hành giả vượt qua trạo cử và hối hận triền cái.
Đối với hoai nghi triền cái, Đức Phật dạy như sau:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh khiến cho hoài nghi, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi, nếu đã sanh, khiến cho mạnh mẽ và tăng trưởng, như  phi lý tác ý.
Nơi người nào phi lý tác ý thời hoài nghi, nếu chưa sanh, sanh khởi, hoặc hoài nghi, nếu đã sanh, có thể trở nên mạnh mẽ và tăng trưởng.’
‘Này các Tỳ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác có sức mạnh ngăn hoài nghi, nếu chưa sanh, không cho sanh khởi, hoặc, hoài nghi, nếu đã sanh, khiến cho được đoạn trừ, như như lý tác ý.
Nơi người nào có như lý tác ý thời hoài nghi không sanh khởi,hoặc, hoài nghi, nếu đã sanh, được đoạn trừ.’
Vì thế, để vượt qua hoài nghi triền cái hành giả phải luôn luôn áp dụng như lý tác ý, phản tỉnh trên sự kiện rằng các pháp hữu vi đều vô thường, khổ và vô ngã. Hành giả cũng nên suy tưởng đến những phẩm chất tối thượng của Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng, đồng thời học hỏi những lời dạy của Đức Phật và thực hành  thiền chỉ, thiền quán một cách cẩn thận dưới sự hướng dẫn của một vị thầy thiện xảo. Đây là những cách để hành giả vượt qua hoài nghi triền cái.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ về những cách vượt qua năm triền cái do Đức Phật dạy. Để có thêm chi tiết vui lòng nghiên cứu bài kinh và tham khảo bản việt dịch “Vượt Qua Chướng Ngại” (của TS Pa Auk Sayadaw, TK Pháp Thông dịch, 2008). Khi hành giả đắc các bậc thiền do hành thiền chỉ (samātha bhāvanā) hay đắc các Minh Sát Tuệ do hành thiền Minh Sát (Vipassana), hành giả vượt qua năm triền cái một cách tạm thời. Khi hành giả đạt đến giai đoạn Nhập-lưu (Sotāpanna), hành giả vượt qua hoài nghi triền cái vĩnh viễn. Khi hành giả đạt đến giai đoạn Bất Lai (Anāgāmī) hành giả vượt qua dục tham và sân hận triền cái vĩnh viễn. Khi đạt đến giai đoạn Alahán hành giả vượt qua hôn trầm-thụy miên triền cái và trạo cử-hối hận triền cái vĩnh viễn. Đây là cách vượt qua các chướng ngại một cách triệt để.
- Câu Hỏi 77: Nāma và rūpa là gì? Có phải chúng là danh và sắc hay nāma và rūpa trong pháp duyên khởi không? Hai loại rūpa này có giống nhau không?
Trả Lời Câu Hỏi 172: Kiến thức về nāma và rūpa rộng đến nỗi để giải thích chi tiết về chúng sẽ phải mất một thời gian khá lâu. Quý vị phải nghiên cứu tường tận Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) để hiểu rõ về chúng. Ở đây tôi sẽ chỉ trả lời một cách tóm tắt. Nāma (danh) bao gồm tâm (citta) và các tâm sở (cetasika). Có tám mươi chín loại tâm, gồm cả tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm duy tác. Có năm mươi hai tâm sở, gồm (1) những tâm sở chung (biến hành tâm sở): như xúc, tác ý, tư, (2) những tâm sở tịnh hảo: như tín, niệm, vô tham và vô sân, (3) Những tâm sở bất thiện: như tham, sân, si và tà kiến. Rūpa (sắc) gồm hai mươi tám loại, do tứ đại (đất, nước, lửa và gió) và hai mươi bốn tứ đại sở tạo sắc hay sắc y đại sinh như màu, mùi, vị, dưỡng chất, tạo thành. Sắc có thể chia làm bốn loại theo nguồn gốc của chúng: sắc do nghiệp sanh, do tâm sanh, do thời tiết sanh và do vật thực sanh.
Còn về nāma và rūpa đề cập trong pháp duyên khởi, giải thích theo pháp môn kinh (Suttanta), nāma ở đây có nghĩa là các tâm quả và tâm sở kết hợp của chúng, chứ không gồm các tâm thiện, bất thiện, duy tác và những tâm sở kết hợp của chúng như trong Vi-diệu -Pháp. Rūpa chủ yếu là sắc do nghiệp sanh và sắc do tâm quả sanh. Song hiển nhiên là sắc do thời tiết và sắc do vật thực sanh cũng được bao gồm. Hai sắc này được tạo ra bởi yếu tố lửa (hoả đại) và dưỡng chất tương ứng trong hai loại sắc đã đề cập ở trên. Tất cả bốn loại sắc được bao gồm ở đây. Vì thế rūpa và rūpa của nāma-rūpa trong pháp duyên khởi là như nhau.
- Câu Hỏi 78: Kinh nói rằng Đức Phật thường thường thuyết Pháp (Dhamma) bắt đầu với việc nói về bố thí, giữ giới, và hạnh phúc cõi trời. Rồi Ngài quan sát căn cơ của người nghe và dạy cho họ thấy những bất lợi của tham dục cũng như các Pháp cao quý của chư Phật — khổ, nguồn gốc (của khổ), sự diệt (của khổ) và con đường (dẫn đến sự diệt khổ). Xin Sayadaw vui lòng nói cho cúng con biết bố thí, cúng dường được quả lớn như thế nào và giữ giới ngăn được cái khổ thiêu đốt trong địa ngục và hưởng được những lợi ích lớn ra sao. Thế nào là Thuyết về Cõi Trời? Thế nào là những bất lợi của dục tham đối với các dục lạc?
Trả Lời Câu Hỏi 78: Loại thuyết pháp này gọi là anupubbi-kathā, tức hướng dẫn theo tuần tự. Đức Phật dạy theo cách tuần tự này chỉ khi nào cần thiết mà thôi. Đối với các vị Tỳ-kheo đã có giới và định trong sạch, Đức Phật chỉ dạy Vipassanā. Nhóm năm vị Tỳ-kheo (Kiều-trần-như) là ví dụ. Sau khi các vị đã đắc đạo quả Nhập lưu, Đức Phật dạy cho các vị Kinh Vô-Ngã -Tướng, tức là chỉ dạy vipassanā hay minh sát, chứ không dạy giới và định nữa. Đối với những vị Tỳ-kheo đã có giới trong sạch nhưng không đủ định, Đức Phật bắt đầu bài giảng của Ngài với việc thực hành định. Kinh Tiểu Không (Cūḷa Suññata Sutta) là một ví dụ. Đức Phật dạy tám thiền chứng hiệp thế  và Diệt Tận Định (nirodhasamāpatti) trong bài kinh đó. Đối với những người giới vẫn chưa thanh tịnh, Đức Phật bắt đầu bài giảng của Ngài với giới, giống như Kinh Ākaṇkheya. Đối với những người cần nghe những lời dạy về bố thí, giữ giới, v.v..., đặc biệt đối với người tại gia, Đức Phật đưa ra một sự hướng dẫn theo tuần tự, anupubbi-kathā.
Còn về cách để có được những quả lớn từ việc cúng dường hay bố thí, Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhiṅāvibhaṇga Sutta) cung cấp cho chúng ta nhiều hướng dẫn cụ thể. Trong bài Kinh đó, Đức Phật liệt kê mười bốn loại cúng dường cá nhân (cá nhân thí), từ cúng dường được làm đến một vị Phật xuống đến bố thí cho một phàm nhân không giới đức và thậm chí đến một con vật. Mỗi loại bố thí đều có những lợi ích của nó, nhưng sự hoàn thiện (giới đức) của người thọ nhận càng cao thì những lợi ích do việc cúng dường tạo ra càng lớn. Và rồi ngay cả đối với những cúng dường hay bố thí được làm đến cùng một loại người thọ nhận, lợi ích của chúng vẫn khác nhau tùy thuộc vào tác ý của người bố thí: chẳng hạn, khi người ta thực hiện việc cúng dường với tâm thanh tịnh, tức là, không mong đợi bất cứ điều gì đáp trả, họ gặt những lợi ích lớn hơn một người với tâm bất tịnh, mong đợi một phần thưởng nào đó.
Cúng dường được thanh tịnh nhờ giới thanh tịnh của người cúng dường, hoặc giới thanh tịnh của người thọ nhận, hoặc giới thanh tịnh của cả hai. Cúng dường thanh tịnh đem lại những lợi ích cao thượng. Do đó, để có được những kết quả lớn và cao thượng từ việc cúng dường hành giả phải hội đủ năm yếu tố:
1.      Là người có giới;
2.      Vật cúng dường có được một cách chính đáng (hợp lẽ đạo);
3.      Tâm gột sạch những cấu uế (không mong đợi phần thưởng);
4.      Có niềm tin đủ mạnh nơi nghiệp và quả của nghiệp;
5.      Người thọ nhận là người có giới đức.
Cúng dường có đủ năm yếu tố này sẽ tạo ra những quả lợi ích lớn. Tuy nhiên, Đức Phật hoàn toàn không tán dương loại cúng dường này, bởi vì nó vẫn đem lại sự tái sinh trong một sanh hữu nào đó. Bao lâu còn có tái sanh, chắc chắn sẽ vẫn còn sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Đức Phật khen ngợi một loại cúng dường khác. Ngài dạy trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường như vầy:
‘Này các Tỳ-kheo, Ta nói rằng khi một vị A-la-hán, với tâm trong sạch và không cấu uế, đặt niềm tin nơi quả lớn của nghiệp, cúng dường đến một vị A-la-hán những gì có được một cách chân chánh, thời cúng dường ấy quả thực là cúng dường tối thượng nhất trong tất cả những cúng dường của thế gian.’
Chúng ta thấy trong trường hợp này có đủ năm yếu tố:
1.      Người cúng dường là một bậc A-la-hán,
2.      Vật cúng dừng có được một cách chân chánh,
3.      Vị ấy có một cái tâm trong sạch và vô uế,
4.      Vị ấy có niềm tin đủ mạnh nơi Luật Nhân Quả (Nghiệp và quả của nghiệp),
5.      Người thọ nhận cũng là một bậc A-la-hán.
Loại cúng dường này sẽ không tạo ra bất kỳ sự tái sanh nào trong tương lai. Do đó sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não. Đó là lý do vì sao Đức Phật khen ngợi loại cúng dường này là cao thượng nhất.
Nhưng nếu người cúng dường không phải là bậc A-la-hán, vậy làm thế nào họ có thể thực hiện được loại cúng dường này? Trong Kinh Nandamātā (mẹ của Nanda), Đức Phật dạy rằng có hai cách để người ấy làm được điều này: Khi cả hai - người cúng dường và người thọ nhận - đều không có tham, sân, si, hay khi họ đang cố gắng để diệt tham, sân, si. Chúng ta có thể nói rằng cúng dường đó cũng hết sức cao thượng. Trong trường hợp này thí chủ vào lúc cúng dường thực hành Vipassanā, đó là, người ấy quán tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh-sắc của mình, danh-sắc của người thọ nhận và sắc chơn đế (paramattha rūpa) của những vật cúng dường. Người ấy cũng phải quán những tâm hành thiện trước, trong và sau khi cúng dường như vô thường, khổ và vô ngã. Loại cúng dường này thường sẽ không tạo ra bất kỳ sự tái sanh nào trong tương lai. Để thoát khỏi vòng tái sanh luân hồi, qúy vị được khuyên nên thực hiện loại cúng dường này.
Còn về giữ giới, nếu quý vị là một vị Tỳ-kheo, quý vị nên cố gắng để giữ các giới thuộc Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāṭimokkha). Nếu quý vị là một người tại gia, quý vị nên giữ ít nhất là ngũ giới và nếu giữ trong sạch trong suốt cuộc đời mình vẫn tốt hơn. Thỉnh thoảng phạm giới là điều không tốt. Nếu một người tại gia có cơ hội quý vị nên cố gắng giữ bát giới (bát quan trai giới) hoặc cửu phần bát quan giới (navanga uposatha). Cửu phần bát quan giới có nghĩa là khi quý vị giữ bát quan qúy vị cũng thực hành thêm thiền tâm từ nữa. Điều này được đề cập trong Navaka-Nipata của Tăng Chi Bộ Kinh. Giữ những giới này có thể ngăn được cái khổ thiêu đốt trong địa ngục. Khi những giới này được hỗ trợ bởi định, như tám thiền chứng, và các minh sát trí, chúng trở nên cao thượng hơn và mạnh mẽ hơn giúp người ta không phải rơi vào bốn ác đạo. Nếu người ta đắc giới của Bậc Thánh (Ariyakantasīla), có nghĩa là khi người ta trở thành một Bậc Thánh, họ chắc chắn không còn phải đi vào địa ngục nữa.
Thuyết về Cõi Trời (Sagga-kathā) nghĩa là thuyết về hạnh phúc trong thiên giới. Chúng ta không thể đo lường được hạnh phúc trong thiên giới. Nếu quý vị muốn biết hạnh phúc cõi trời ra sao quý vị nên cố gắng để lên trên đó. Chẳng hạn, những tòa lâu đài của họ rất là kỳ diệu, làm bằng vàng, bạc và các châu báu khác, v.v... hợp theo nghiệp đời trước của họ. Một số tòa thiên cung của họ rất lớn, kích thước của chúng chiều dài cũng như rộng dài cả ba do-tuần; một số thậm chí lên đến bốn mươi do tuần. (một do tuần - yojana khoảng mười một ki-lô-mét)
Đức Phật dạy những bất lợi của tham thú dục lạc theo nhiều cách. Trong Kinh Potaliya của Trung Bộ Kinh, Ngài dùng những ví dụ khác nhau như: Một con chó không thể dứt được cơn đói và sự yếu ớt của nó bằng cách gặm một khúc xương khô. Các dục lạc được so sánh với khúc xương ấy. Một con chim kên kên vồ được một miếng thịt và bay lên sẽ bị những con kên kên khác cắn mổ và cấu xé cho đến chết hoặc bị khổ đến chết do miếng thịt đó như thế nào thì các dục lạc cũng thế.  Một người cầm bó đuốc cỏ khô đi ngược chiều gió sẽ bị nó đốt cháy đến chết hoặc bị khổ như chết. Các dục lạc được so sánh với cây đuốc cỏ khô ấy. Một người rơi vào hố than đang cháy sẽ bị chết hoặc khổ như chết. Các dục lạc được so sánh với hố than đang cháy ấy. Một người nằm mộng thấy những vườn cây khả ái sẽ không thấy gì khi thức dậy. Các dục lạc được so sánh với cơn mộng. Một người mượn của cải của người khác sẽ trở nên thất vọng khi chủ nhân của nó lấy lại những của cải của họ. Các dục lạc được so sánh với của cải vay mượn. Một người trèo lên cây kiếm trái sẽ bị chết hoặc khổ như chết khi cây bị người khác chặt đổ xuống. Các dục lạc được so sánh với cây ăn trái đó. Như vậy các dục lạc đem lại nhiều khổ đau và ưu não, trong khi sự nguy hiểm trong chúng còn lớn hơn. Đây là những nguy hiểm của dục lạc và những bất lợi của lòng tham đối với chúng.
Trong Kinh Magandiya (Magandiya Sutta) của Trung Bộ. Đức Phật đã dùng một hình ảnh như vầy:
Ví như, này Magandiya, một người bị bệnh cùi với những vết lở lói và phồng giộp trên tay chân, bị trùng bọ đục khoét, đang cào bung vẩy miệng của những vết thương với móng tay của mình, hơ đốt thân mình trên hố than cháy đỏ; càng cào bung vẩy và càng hơ đốt thân mình, miệng các vết thương của người ấy càng trở nên dơ bẩn; hôi thối và bị nhiễm trùng thêm, tuy thế người ấy vẫn sẽ tìm được một mức độ thoả mãn và thích thú nào đó trong việc cào miệng các vết thương của mình. Cũng vậy, này Magandiya, các chúng sinh chưa thoát khỏi dục tham đối với các dục lạc, đang bị nhai nghiến bởi khát khao các dục lạc, đang bị thiêu đốt với cơn sốt của các dục lạc; càng đắm chìm trong các dục lạc, khát ái đối với dục lạc của họ càng tăng thì càng bị cơn sốt dục thiêu đốt thêm, tuy thế họ vẫn tìm thấy một mức độ thoả mãn và thích thú nào đó do duyên ngũ dục.
Còn trong Kinh Āditta-pariyāya của Tương Ưng Bộ Đức Phật nói về sự nguy hiểm chấp thủ tướng của các đối tượng giác quan như vầy:
“Này các Tỳ-kheo, thà để cho nhãn căn bị huỷ hoại bởi một cây kim bằng sắt nung cháy đỏ, cháy hừng, cháy với lửa ngọn, hơn là chấp thủ tướng riêng, tướng chung đối với các sắc do mắt nhận thức. Vì nếu thức bị trói buộc vào vị ngọt trong tướng chung hay vị ngọt trong tướng riêng, và vào lúc ấy nếu người đó mệnh chung, có thể người đó sẽ đi đến một trong hai sanh thú: cõi địa ngục hay cõi súc sanh. Do thấy sự nguy hiểm này, Ta nói như vậy.”
Theo cách tương tự Đức Phật đã giải thích sự nguy hiểm đối với việc chấp thủ tướng của một âm thanh, tướng của một mùi, tướng của một vị, v.v… Lý do một người chấp thủ như vậy bị tái sanh vào cảnh giới địa ngục hay cảnh giới súc sanh là vì tốc hành tâm cận tử (maraṇasanna-javana), tốc hành tâm cuối cùng trong một kiếp sống sẽ quyết định kiếp kế của họ. Nếu một tốc hành tâm cận tử bất thiện khởi lên, do tham ái hay bất kỳ một phiền não nào khác, người ta sẽ đi đến một trong bốn cõi khổ sau khi chết. Chẳng hạn, năm trăm tiên nữ của Thiên Tử Subrahma đã chết trong khi đang thọ hưởng các dục lạc nơi cõi trời và liền tái sanh vào cõi địa ngục.
- Câu Hỏi 79: Nimitta (quang tướng) có phải do tâm của chúng ta tạo ra không?
Trả lời Câu Hỏi 79: Đúng vậy, tâm định có thể tạo ra nimitta. Bởi vì hơi thở vô và hơi thở ra là do tâm tạo. Khi tâm trở thành một tâm định, tâm định đó có thể tạo ra nimitta. Tâm tạo ra hơi thở cũng như tâm định có thể tạo ra nimitta vậy. Nimitta và hơi thở là một. Theo lời dạy của Đức Phật, hơi thở là do tâm của chúng ta tạo ra. Mỗi thức sanh lên nương vào ý vật (tâm cơ) có thể tạo ra các tổng hợp sắc (kalāpas), và tổng hợp sắc này là sắc do tâm sanh. Nếu quý vị có thể phân biệt được tứ đại trong hơi thở của quý vị một cách hệ thống, quý vị sẽ thấy hơi thở không là gì cả ngoài một nhóm các phân tử nhỏ gọi là kalāpas. Những kalāpa này nếu phân tích ra thì có tám loại sắc. Trong số tám loại sắc ấy có sắc màu và màu của kalāpa này với màu của các kalāpa khác hợp lại trở thành quang tướng hay nimitta vậy.
- Câu Hỏi 80: Như vậy nimitta là một loại sắc, có phải vậy không?
Trả lời Câu Hỏi 80: Phải, đó là một loại sắc nhưng trước khi quý vị phá vỡ được nguyên khối tưởng của nó, chúng ta vẫn gọi nimitta này là khái niệm (paññatti), gồm một nhóm các phân tử nhỏ.
- Câu Hỏi 81: Con thực tình không hiểu chỗ khác nhau giữa sự cảm giác về hơi thở và tự thân hơi thở. Bởi vì trong phần trình pháp riêng ngài bảo con phải chú ý đến tự thân hơi thở, thay vì đến sự cảm giác về hơi thở. Nhưng chẳng biết điều đó có đúng không, bởi vì hơi thở chỉ là một loại gió vu vơ. Theo con nghĩ, chính nhờ có sự cảm giác về hơi thở mà con biết được có sự hiện hữu của hơi thở, có đúng không? Vì thế nếu không chú ý đến sự cảm giác về hơi thở, con không biết làm thế nào để có thể cảm giác được tự thân hơi thở.
Trả Lời Câu Hỏi 81: Điều đó đúng, nhưng bạn không nên chú trọng đến sự cảm giác, chẳng hạn khi hơi thở xúc chạm môi trên, đôi khi bạn cảm thấy môi trên trở nên cứng, đôi khi bạn cảm thấy ở chỗ đó ấm, đôi khi bạn cảm thấy ở chỗ đó mát (lạnh). Nói chung có thể bạn sẽ cảm giác những đặc tính cứng, thô, nặng, mềm, mịn, nhẹ, nóng, lạnh hoặc có thể có sự đẩy và hỗ trợ (nâng đỡ). Khi hơi thở của bạn xúc chạm môi trên hay lỗ mũi, nếu bạn nhấn mạnh đến sự cảm giác của bạn, bạn có thể cảm thấy các trạng thái cứng, thô, nặng, mềm, mịn, nhẹ, nóng, lạnh hoặc sự đẩy và hỗ trợ (nâng đỡ). Nếu bạn nhấn mạnh đến những cảm giác đó là bạn đang hành thiền tứ đại chứ không phải thiền niệm hơi thở (ānāpāna).  Bạn không nên lẫn lộn giữa thiền hơi thở và thiền tứ đại. Nếu bạn hành thiền tứ đại, thì các đặc tính của tứ đại là đề mục thiền của bạn. Nhưng bạn không chỉ phân biệt tứ đại ở một điểm như vậy, mà phải phân biệt ở khắp toàn thân. Đó là thiền tứ đại. Hiện nay bạn đang hành thiền hơi thở. Khi bạn hành thiền hơi thở thì hơi thở trên điểm xúc chạm là đối tượng thiền của bạn, vì thế sự cảm giác không phải là đối tượng thiền của bạn. Nếu bạn nhấn mạnh đến sự cảm giác, bạn có thể sẽ chỉ cảm thấy tính chất cứng, thô, nặng, mềm… Nhưng đây không phải là đối tượng của thiền hơi thở. Đề mục thiền hơi thở của bạn chỉ là hơi thở đi ra khỏi mũi bạn. Nhưng khi hơi thở ra-vô mà không có cảm giác xúc chạm, bạn không thể cảm nhận được, điều đó đúng. Nhưng bạn không nên nhấn mạnh đến cảm giác xúc chạm, mà phải nhấn mạnh đến hơi thở xúc chạm trên môi trên hay lỗ mũi của bạn. Chẳng hạn, có một khúc cây, và bạn đang cắt khúc cây ấy bằng lưỡi cưa. Lưỡi cưa đi qua phía bên này và bên kia (khúc cây). Nếu bạn cứ dõi theo phía bên này và phía bên kia thì sự tập trung của bạn không phát triển được. Lưỡi cưa đang chạm vào khúc cây. Từ điểm chạm này nếu bạn nhấn mạnh đến lưỡi cưa thì sự tập trung của bạn có thể phát triển được. Hơi thở cũng giống như lưỡi cưa, điểm xúc chạm giống như khúc cây, bạn không cần phải chú trọng đến cảm giác xúc chạm, bạn chỉ chú trọng đến lưỡi cưa. Bạn có hiểu không nào? Như vậy lưỡi cưa là đối tượng thiền của bạn, sự xúc chạm không phải đối tượng thiền, nhưng từ chỗ xúc chạm bạn phải nhấn mạnh chỉ lưỡi cưa (hơi thở) mà thôi, được không?
- Câu Hỏi 82: Trong thiền, tình trạng như thế nào được gọi là rơi vào hữu phần (bhavaṇga)?
Trả Lời Câu Hỏi 82: Trường hợp rơi vào hữu phần được cảm nhận một cách rõ ràng, đặc biệt khi người ta đạt đến giai đoạn cận định (upacāra Samādhi) nhưng không duy trì được định của mình. Vào lúc đó người ta sẽ để ý thấy rằng có một sự trống rỗng của tâm hay có một khoảng thời gian người ta không biết gì cả. Chính vì trong khoảng thời gian ấy không có những tiến trình tâm xảy ra mà chỉ có những tâm hữu phần nối tiếp nhau sanh và diệt mà thôi. Tâm hữu phần khởi lên giữa hai tiến trình tâm và bắt đối tượng cận tử trong kiếp trước của một người thay vì đối tượng hiện tại. Tất nhiên người ta không thể nhận ra đối tượng (của tâm hữu phần) trừ phi họ đã hành thiền phân biệt duyên khởi thành công. Vì lẽ không nhận thức được đối tượng nên người ta cảm giác rằng họ không biết gì cả. Hiện tượng này gọi là rơi vào hữu phần. Nó chẳng phải sự diệt của hoạt động tâm cũng chẳng phải là Niết-bàn (Nibbana).
Theo Vi Diệu Pháp của Đức Phật, sau mỗi tiến trình tâm, tâm hữu phần thường thường xuất hiện. Đối với Đức Phật, hai tâm hữu phần khởi lên giữa các tiến trình tâm; đối với Tôn-giả Xá-lợi-phất (Sariputta), mười sáu tâm hữu phần. Đối với những người khác thì vô số tâm hữu phần khởi lên giữa hai tiến trình tâm. Mặc dù lúc nào cũng có rất nhiều tâm hữu phần sanh lên và diệt đi như vậy, người ta vẫn thường không nhận ra chúng. Chỉ khi tâm của họ hoàn toàn yên tĩnh và tập trung, đặc biệt ở giai đoạn cận định, họ sẽ nhận ra sự khởi lên nối tiếp nhau của những tâm hữu phần này, đây là sự rơi vào hữu phần (bhavaṇga).
Khi hành giả kinh nghiệm sự rơi vào hữu phần, hành giả không nên thích thú hay chán nản, vì đây chỉ là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình hành thiền. Tất cả cái hành giả cần làm là tiếp tục giữ chánh niệm trên đối tượng thiền của mình. Khi hành giả đạt đến giai đoạn an chỉ định, các thiền chi sẽ đủ mạnh để duy trì định của hành giả trong một thời gian lâu, không rơi vào hữu phần.
- Câu Hỏi 83: Sayadaw vui lòng giải thích chi tiết cho chúng con biết vì sao người ta không thể phân biệt các thiền chi và hành Minh-sát (Vipassana) lúc đang ở trong định (samādhi)? Thế nào là Minh-sát (Vipassana) thực hành ngoài định? Có phải duyệt xét các thiền chi là một loại Minh-sát (Vipassana) thực hành ngoài định không?
Trả Lời Câu Hỏi 83: Có ba loại định (samādhi), đó là sát-na định (khaṇika-samādhi), cận định (upacāra-samādhi), và an chỉ định (appanā-samādhi hay jhāna-samādhi). An chỉ định sâu hơn cận định, và cận định sâu hơn sát-na định. Chỉ khi xuất khỏi an chỉ định hay cận định người ta mới có thể duyệt xét các thiền chi hoặc hành Minh-sát (Vipassana). Vì sao? Vì các thiền chi và các đối tượng của Minh-sát không phải là đối tượng của cận định và an chỉ định vậy.
Khi một người hành thiền chỉ (samatha), như niệm hơi thở (ānāpānasati) chẳng hạn, đối tượng của cận định và an chỉ định là tợ tướng của hơi thở (ānāpānasati-nimitta) chứ không phải là các thiền chi. Người ta không thể tập trung trên các thiền chi để đắc cận định hay an chỉ định được. Sau khi hành giả tập trung tâm trên tợ tướng hơi thở trong một thời gian đủ lâu, vào lúc hành giả bắt đầu duyệt xét các thiền chi, hành giả kể như đã xuất khỏi cận định hay an chỉ định rồi. Vào lúc đó định của hành giả chỉ là sát-na định. Đó là lý do vì sao hành giả không thể duyệt xét các thiền chi khi đang ở trong cận định hay an chỉ định.
Khi hành giả đang hành Minh-sát (Vipassana), đối tượng của hành giả là danh-sắc chơn đế và những tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng. Sự tập trung trên những đối tượng này chỉ là sát-na định, chứ không phải cận định hay an chỉ định, bởi vì những đối tượng này luôn luôn sanh và diệt. Nói chung hành giả không thể đắc cận định hay an chỉ định bằng cách tập trung trên những đối tượng của vipassana. Đó là lý do vì sao trong lúc đang ở trong cận định hay an chỉ định người ta không thể hành Minh-sát (Vipassana) được.
Hành Minh-sát (Vipassana) ngoài định có nghĩa là sau khi xuất khỏi cận định hay an chỉ định hành giả phân biệt danh-sắc chơn đế và quán chúng như vô thường, khổ và vô ngã. Việc quán này được thực hiện ngoài samātha jhāna (thiền định). Nhưng vào lúc đó hành giả vẫn có sát-na định, một loại định của thiền minh sát — vipassanā jhāna. Như vậy cận định hay an chỉ định đi trước là một hỗ trợ mạnh mẽ giúp hành giả phân biệt và quán các đối tượng minh sát một cách rõ ràng. Theo cách này, samātha jhāna chỉ hỗ trợ cho vipassanā jhāna.
Vipassanā hay Minh sát là quán các hành kể như vô thường, khổ và vô ngã. Vì thế, nếu một người chỉ duyệt xét các thiền chi, họ không phải đang hành minh sát. Để hành Minh-sát (Vipassana), người ta phải phân biệt không chỉ các thiền chi mà còn tất cả các tâm hành khác trong bậc thiền đó theo tiến trình tâm. Chẳng hạn, người ta phải phân biệt ba mươi bốn tâm hành thông thường trong sơ thiền. Đây là giai đoạn ban đầu của thanh tịnh kiến và là nền tảng của Minh-sát (Vipassana). Kế người ta phải quán chúng như vô thường, khổ và vô ngã.
           +d+



[1]  Giải thích đoạn này, trong The Great Chronicle of Buddhas do ngài Bhaddanta Vicittasārābhivaṃsa biên soạn có nói như sau: “Khi Ta đã tự mình vượt qua đại dương luân hồi (saṃsāra) với tinh tấn lực của ta, Ta cũng sẽ giúp các chúng sinh khác vượt qua; Khi Ta đã tự mình giải thoát khỏi những trói buộc của luân hồi (saṃsāra), Ta cũng sẽ giải thoát cho các chúng sinh khác; Khi ta đã điều phục được các căn của ta, Ta sẽ dạy dạy cho các chúng sinh khác biết cách như vậy để họ được điều phục; khi Ta đã dập tắt được ngọn lửa phiền não trong chính mình, ta sẽ giúp an tịnh tâm đang bị thiêu đốt của các chúng sinh khác; khi Ta đã đắc được trạng thái an ổn tối thượng của Niết-bàn, Ta sẽ giúp người khác hưởng được trạng thái ấy; khi Ta đã dập tắt được ngọn lửa tam luân (nghiệp luân, phiền não luân, và quả luân — kamma-vatta, kilesa vatta, vipāka vatta) trong ta, Ta sẽ dập tắt những ngọn lửa đang hoành hành trong những chúng sinh khác; khi Ta đã tự mình tịnh hoá khỏi bụi bặm phiền não do tinh tấn lực của ta, Ta sẽ giúp cho các chúng sinh khác được thanh tịnh; khi Ta đã đắc được trí giác ngộ Tứ Thánh Đế, Ta sẽ dạy pháp này cho các chúng sinh khác. (Tóm lại đại ý của đoạn văn này là, Ta sẽ phấn đấu để trở thành một ví Phật và đi cứu giúp các chúng sinh khác.)”
[2] Có những địa vị người nữ không thể đạt đến là: Phật Chánh Đẳng Giác, Chuyển Luân Vương, Đế Thích Thiên Vương, Ác Ma, Phạm Thiên v.v… (Majjhima Nikaya  III. 300. Anguttara Nikaya I. 30.)
[3] Sumedho, một vị đạo sĩ, tiền thân của Đức Phật Thích Ca, đã phát nguyện thành Phật trước mặt Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṇkara) và được vị này thọ ký.
[4] bhāva-dasaka-kalāpa (nhóm mười thuộc tính — nam hay nữ) hay còn gọi là Bọn Sắc Tính gồm: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc tính; kāya-dasaka-kalāpa (nhóm mười sắc thuộc thân) hay còn gọi là Bọn Thần Kinh Thân gồm: đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc thần kinh thân; hadaya-dasaka-kalāpa  (nhóm mười sắc thuộc ý vật) hay còn gọi là Bọn Ý Vật gồm đất, nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất, mạng căn và sắc ý vật.
[5] Bu-mơ-rang: một loại vũ khí của thổ dân Úc, làm bằng gỗ dẹt và cong, có thể được ném ra rồi tự động quay trở về với người ném.
[6] Người trú giới có trí,
  Tu tập tâm và tuệ,
  Nhiệt tâm và thận trọng,
 Tỳ-kheo ấy thoát triền.’ Tương Ưng Kinh (Saṃyutta Nikāya) I. 36
[7] Yojana (do-tuần) đơn vị đo chiều dài xưa bằng một cây số sáu, có chỗ nói mười sáu cây số bây giờ. ND
[8] xuất gia (nekkhamma) cần hiểu theo nghĩa từ bỏ và sự từ bỏ này là đồng nghĩa với giải thoát. Giải thoát ở đây có hai loại: giải thoát khỏi vòng luân hồi (saṃsāra) và giải thoát khỏi các dục (kāma), cái trước là kết quả của cái sau. Vì chỉ khi sự giải thoát khỏi các dục đã được tành tựu bằng việc thực hành (giới, định, tuệ) người ta mới có thể đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi vậy.
[9] Đức Phật đã nhận diện tiền thân qua ba vần kệ sau:
Mục-liên, xá-lợi-phất và Ta,
Ca-diếp, Analuật, Phú (lâu) na,
Cùng với Ā-nan-da thuở ấy
Thất Hiền Huynh Đệ chốn kia mà.
Liên Hoa sắc, tiểu muội ngày xưa,
Tỳ nữ Khuj-ju, thuở bấy giờ,
Cổ thụ, Thần kia, Sà-tá đó,
Cit-ta Gia chủ, chính gia nô.
Con Voi ngày trước chính Par-ley
Con khỉ là Ma-dhu-sét đây,
Đế-Thích là Ka-lu thuở ấy,
Chúng Tăng giờ hiểu Thiền thân này. (toàn bộ tích chuyện trên được trích từ Kinh Tiểu Bộ Tập 8, Chuyện Củ Sen 488. ĐTKVN.)
[10] Thập Vương Pháp (Rājadhamma): Bố thí; Có giới hạnh; Xả kỷ; Chánh trực; Nhu hoà; Khắc chế; Không nóng giận; Không não hại; Kham nhẫn; Không sai trệch (không đi ra ngoài đạo đức của một người lãnh đạo). (KTPH tr. 390)
[11] Phật quả ở đây tức là quả vị Phật Chánh Đẳng Giác hay Toàn Giác Phật.
[12] Bốn Nikāya ở đây là Trường Bộ Kinh (Dighā Nikāya); Trung Bộ kinh (Majjhima Nikāya); Tăng Chi Bộ Kinh (Aṇguttara Nikāya) và Tương Ưng Bộ Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). 
[13] DA. 567-8
[14] Tám cơ hội lười nhác hay tám giãi đãi sự (Kusītavatthūni) là:
1.         Có việc sắp phải làm, nghĩ rằng: “Ta có việc sắp phải làm, lúc ta làm việc, thân sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
2.         Vừa làm việc xong, nghĩ rằng: “Ta vừa làm việc xong, thân ta đang mệt mỏi vì làm việc, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
3.         Sắp phải đi đường xa, nghĩ rằng: “Ta sẽ phải đi đường xa, lúc đi đường, thân ta sẽ mệt mỏi, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
4.         Vừa mới đi đường xa, nghĩ rằng: “Ta vừa mới đi đường xa, thân ta đang mệt mỏi vì đi xa, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
5.         Khi thiếu ăn, nghĩ rằng: “Ta khất thực không có đủ thức ăn, thân ta đang mệt mỏi bạc nhược, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
6.         Khi đủ ăn, nghĩ rằng: “Ta khất thực được đầy đủ thức ăn, thân ta nặng nề không linh hoạt, cảm giác như bao thóc, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
7.         Nhuốm bệnh, nghĩ rằng: “Ta nhuốm bệnh rồi, cần thiết phải nghỉ ngơi, vậy ta hãy nằm nghỉ”.
8.         Vừa khỏi bệnh, nghĩ rằng: “Ta vừa mới khỏi bệnh, thân ta còn yếu đuối chưa thoải mái, vậy ta hãy nằm nghỉ”. Theo KTPH tr 312-313. TK Giác Giới.
[15] Chín nguyên nhân sanh sân hận:
1.Hiềm khích rằng “Nó đã làm bất lợi cho ta”
2. Hiềm khích rằng “Nó đang làm bất lợi cho ta”
3. Hiềm khích rằng “Nó sẽ làm bất lợi cho ta”
4. Hiềm khích rằng “Nó đã làm bất lợi cho người thân của ta”
5. Hiềm khích rằng “Nó đang làm bất lợi cho người thân của ta”
6. Hiềm khích rằng “Nó sẽ làm bất lợi cho người thân của ta”
7. Hiềm khích rằng “Nó đã làm lợi ích cho kẻ nghịch của ta”
8. Hiềm khích rằng “Nó đang làm lợi ích cho kẻ nghịch của ta”
9. Hiềm khích rằng “Nó sẽ làm lợi ích cho kẻ nghịch của ta” Theo KTPH tr 340-341 TK Giác Giới.
[16] Sabhāva of citta: bản tâm hay tự tính của tâm.
[17] Bốn thánh đạo và bốn thánh quả: Tu-đà-hoàn đạo, Tu-đà-hoàn quả (sơ đạo, sơ quả); Tư-đà-hàm đạo, Tư-đà-hàm quả (nhị đạo, nhị quả); A-na-hàm đạo, A-na-hàm quả (tam đạo, tam quả); A-la-hán đạo, A-la-hán quả (tứ đạo, tứ quả).
[18] Hai trong mười trí lực của Đức Phật là: Trí biết khuynh hướng dị biệt (ñānādhimuttikaññāṇa), và Trí biết thượng hạ căn cơ (Indriyaparopariyattañāṇa) của các chúng sinh, nhờ đó ngài biết được ai có khả năng giác ngộ và không thể giác ngộ, để tìm cách tế độ họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét