Trang

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 1/4


- Những khó khăn ban đầu
- Mục đích của hành thiền
- Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu
- Bản chất của tâm
- Những khó khăn và phương cách khắc phục
- Những nguy hiểm cần phải tránh.  
 


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

- Những khó khăn ban đầu
- Mục đích của hành thiền
- Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu
- Bản chất của tâm
- Những khó khăn và phương cách khắc phục
- Những nguy hiểm cần phải tránh.

Ngày thứ nhất chúng ta thường gặp nhiều khó khăn và không mấy thoải mái, một phần vì chúng ta không quen ngồi lâu suốt ngày và cũng không quen trong việc nỗ lực thiền định, nhưng phần lớn là do phương pháp thiền định mà chúng ta đang thực tập: đó là chánh niệm bằng hơi thở, và chỉ có hơi thở.
Nếu không có những trở ngại trên, thì việc định tâm theo dõi hơi thở kết hợp với việc tụng niệm một lời nói, một câu chú, một danh xưng của một vị thần nào đó hoặc nếu chúng ta tưởng tượng hình ảnh của một vị thần linh sẽ dễ dàng và nhanh hơn. Nhưng ở đây phương pháp này chỉ yêu cầu quý vị theo dõi hơi thở, đúng như bản chất tự nhiên của nó, không có qui định nào cho hơi thở; không thể sử dụng thần chú hoặc phương thức tưởng tượng hình ảnh nào đó trong phương pháp hành trì này.
Những hình thức trên không được phép hành trì, vì mục đích tối hậu của phương pháp thiền này không phải là sự định tâm. Sự định tâm chỉ là một yếu tố hỗ trợ, một bước nối dẫn đến mục đích cao hơn: Đó là sự thanh lọc tâm, loại trừ mọi cấu uế của tâm, mọi bất thiện trong tâm, và giải thoát ra khỏi mọi khổ đau, thành tựu sự giác ngộ viên mãn.
Cấu uế sinh khởi trong tâm chúng ta từng sát na, như sân hận, thù hằn, tham lam, sợ hãi, v.v... làm chúng ta đau khổ. Bất cứ lúc nào, những điều chúng ta không cầu mong lại đến, chúng ta rơi vào hoàn cảnh khổ đau và tự tạo ra những nội kết. Khi nào những điều mong muốn không được thoả mãn, một lần nữa chúng ta lại tự tạo ra đau khổ cho bản thân. Những khổ đau này cứ tái diễn mãi trong cuộc sống, cho đến khi thân và tâm chúng ta trở thành một khối phiền não rối rắm. Và chúng ta không chỉ đau khổ riêng bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến những người thân xung quanh. Tất nhiên, đây không phải là một lối sống thích hợp.
Quý vị tham dự khóa tu này là để học nghệ thuật sống: đó là làm sao để sống hạnh phúc và an lạc cho chính chúng ta, và cho mọi người; làm thế nào để sống hạnh phúc trong mọi lúc đồng thời hướng đến hạnh phúc tối thuợng với một tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh, một tâm hồn tràn đầy tình thương vị tha, lòng từ bi, vui vẻ trước thành công của người khác, và tâm hỷ xả.
Để học nghệ thuật sống hạnh phúc, trước nhất chúng ta phải tìm nguyên nhân của đau khổ. Nguyên nhân này luôn tiềm ẩn bên trong, vì vậy quý vị phải khám phá thực tại ở nơi mình. Quý vị thực tập phương pháp thiền này là để giúp quý vị quán sát lại thân và tâm của mình, chính thân tâm là nơi chứa nhiều tham đắm dẫn đến kết quả tạo ra những tâm lý căng thẳng và khổ đau. Ở cấp độ kinh nghiệm, chúng ta phải tuệ tri bản chất của thân và tâm; có như vậy, chúng ta mới có thể kinh nghiệm những gì vượt ra ngoài thân và tâm. Do đó, đây là phương pháp chứng ngộ chân lý, chứng ngộ tự ngã, quán chiếu thực tại mà chúng ta đã gán cho nó cái tên là "tự ngã". Phương pháp này cũng có thể được xem là phương pháp chứng ngộ - Thượng đế (God-realization), bởi vì, đằng sau Thượng đế không có gì khác hơn là chân lý, tình thương và thanh tịnh.
Kinh nghiệm trực tiếp về thực tại là điều rất quan trọng. "Hiểu biết chính mình" (know thyself) quý vị sẽ quán sát thực tại qua nhiều hình thức từ đặc tính thô bên ngoài đến những hình thức có đặc tính vi tế hơn và vi tế nhất biểu hiện qua thân và tâm của quý vị. Sau khi kinh nghiệm qua những thực tại này, chúng ta có thể tiến xa hơn để kinh nghiệm thực tại siêu việt nhất vượt ra ngoài kinh nghiệm của thân và tâm.
Hơi thở là yếu tố thích hợp cho tiến trình thực nghiệm này. Sử dụng một đối tượng do mình tự tạo ra (self-created), tập trung vào một đối tượng do tưởng tượng - một câu thần chú hoặc một hình tượng - tất cả những cách hành trì này dẫn chúng ta vào những trạng thái hoang tưởng, và những ảo giác mơ hồ; nó không giúp được gì cho chúng ta trong việc khám phá ra sự thật vi tế của chính chúng ta. Để thể nhập vào sự thật vi tế này, chúng ta cũng phải bắt đầu bằng sự thật, đó là thực tại thô như hơi thở ra, vào. Hơn nữa, nếu chúng ta hành trì theo hình thức đọc tụng thần chú hoặc quán tưởng hình tượng của một vị thần nào đó thì phương pháp hành trì này trở thành một phương pháp mang đặc tính giáo phái. Tụng đọc thần chú hoặc quán tưởng hình tượng có giá trị tương đương với một hình thức tu tập, một hình thức tôn giáo hoặc một hình thức khác, và ở đây việc thực tập không chấp nhận những hình thức có nguồn gốc khác nhau này. Khổ đau là căn bệnh chung. Phương thuốc điều trị cho căn bệnh này không thể là một phương thuốc của một môn phái nào đó; mà nó phải là một phương thuốc chung cho tất cả. Tu tập tỉnh giác hơi thở sẽ đáp ứng yêu cầu này. Hơi thở là thành tố quen thuộc đối với mọi người: ai cũng có thể áp dụng phương pháp theo dõi hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập theo phương pháp này phải hoàn toàn vượt ra ngoài chủ nghĩa môn phái.
Hơi thở là một công cụ và với công cụ này chúng ta có thể khám phá ra sự thật về tự ngã của chúng ta. Thực ra, ở mức độ kinh nghiệm, quý vị biết rất ít về bản thân. Quý vị chỉ biết những hình thức mang tính thô thiển bên ngoài của thân, và quý vị có thể tự điều khiển những bộ phận và chức năng của nó một cách có ý thức. Quý vị không biết gì về những cơ quan bên trong, chúng hoạt động ngoài sự kiểm soát của quý vị. Thân thể được kết cấu do sự phối hợp của vô số tế bào, và những tế bào này luôn luôn thay đổi trong từng sát na. Vô số phản ứng sinh lý và điện lực hấp dẫn liên tục xảy ra trên khắp thân thể, nhưng quý vị không hề biết gì về chúng.
Thực tập phương pháp này, quý vị sẽ biết những gì mà lâu nay quý vị chưa biết về tự ng. Hơi thở sẽ giúp quý vị thành tựu mục tiêu này. Hơi thở hoạt động như là một nhịp cầu nối tiếp từ chỗ phân biệt đến chỗ không phân biệt, vì hơi thở đóng một vai trò quan trọng trong thân thể và nó có thể nhận thức hoặc không thể nhận thức, có tác ý hoặc tự nhiên. Chúng ta bắt đầu với sự hít thở có ý thức, có chủ ý, và thực tập chánh niệm hơi thở một cách tự nhiên và bình thường. Và từ đó quý vị sẽ tiến xa hơn để làm lắng động những sự thật vi tế hơn trong quí vị. Mỗi bước tu tập là mỗi bước tiến vào thực tại; mỗi ngày quý vị thể nhập sâu hơn để khám phá những thực tại vi tế hơn của thân và tâm.
Hôm nay quý vị chỉ được yêu cầu theo dõi vai trò của hơi thở đồng thời quý vị cũng phải theo dõi tâm thức của quý vị, vì bản chất của hơi thở có mối quan hệ rất mật thiết với các trạng thái tâm thức của quý vị. Khi nào cấu uế, phiền não sinh khởi trong tâm, khi ấy hơi thở trở nên bất thường - chúng ta bắt đầu thở nhanh và mạnh hơn một tí. Khi những phiền não qua đi, hơi thở sẽ trở lại nhẹ nhàng. Vì vậy hơi thở có thể giúp quý vị khám phá ra thực tại không chỉ ở cấp độ thân thể mà còn ở tâm thức nữa.
Thực tại của tâm mà quý vị bắt đầu kinh nghiệm hôm nay, đó là tâm có thói quen luôn luôn lang thang từ đối tượng này đến đối tượng khác. Nó không muốn an trú vào hơi thở, hoặc tập trung vào bất cứ đối tượng đơn lẻ nào: thay vào đó, tâm nghĩ lung tung.
Và khi nào, và nơi nào tâm thức lang thang đến? Khi thực tập, quý vị sẽ nhận ra tâm thức của quý vị rong ruổi về quá khứ hoặc tương lai. Đây là thói quen của tâm; nó không muốn an trú trong giây phút hiện tại. Thực tế, chúng ta phải sống với hiện tại. Quá khứ là những gì đã qua, vượt ngoài ký ức; tương lai là những gì chưa đến, ngoài tầm nắm bắt của chúng ta, cho đến khi nó trở thành hiện tại. Nhớ lại quá khứ và suy nghĩ về tương lai có giá trị quan trọng chỉ khi nào chúng giúp chúng ta giải quyết những vấn đề hiện tại. Nhưng vì thói quen đã bị tập nhiễm từ lâu, tâm thức luôn luôn tìm cách trốn khỏi thực tại và lang thang về quá khứ hoặc tuơng lai một cách vô vọng, và vì vậy tâm hoang vu này tạo ra khổ đau và bất an cho chúng ta. Phương pháp mà quý vị đang học ở đây gọi là "nghệ thuật sống", và cuộc sống thật sự có thể sống đúng nghĩa chỉ trong hiện tại. Vì vậy, bước đầu tiên là học phương cách làm sao để sống với giây phút hiện tại, bằng cách an trú tâm vào thực tại: Đó là hơi thở đang đi vào và ra từ lỗ mũi của quý vị. Đây chính là thực tại của sát na này, mặc dù nó là một thực tại không vi tế. Khi tâm thức lang thang, hãy mỉm cười và không nên khởi lên bất cứ trạng thái căng thẳng nào, chúng ta chấp nhận nó, vì đây là thói quen của tâm. Ngay lúc chúng ta nhận ra tâm thức đã lang thang, tự động nó sẽ trở lại với chánh niệm của hơi thở một cách tự nhiên.
Quý vị dễ dàng nhận ra thói quen của tâm là thường bị các vọng tưởng quá khứ hoặc tương lai đoanh vây. Những thói quen gì có mặt ở đây? Hôm nay, quý vị đã tự nhận ra rằng có những lúc các ý niệm khởi lên một cách ngẫu nhiên, không theo một trật tự nào cả. Thói quen của tâm trong hình thức như vầy thường được xem như một dấu hiệu của sự bất bình thường (madness). Tuy nhiên, ở đây, tất cả quý vị đã khám phá ra rằng quý vị đang ở trong một trạng thái tâm tương đồng với tâm của người bất bình thường, khi nhận ra điều này tâm quí vị không còn vô minh, ảo giác, ảo tưởng (moha). Ngay khi có một chuỗi ý niệm phát sinh, chúng phát sinh theo đối tượng và tuỳ thuộc vào đối tượng, tâm cảm thọ lạc hoặc khổ. Nếu đối tượng làm cho tâm cảm thọ lạc thì chúng ta bắt đầu ưa thích, rồi tham đắm, chấp thủ nó (rāga). Nếu tâm cảm thọ một đối tượng là khổ thì chúng ta bắt đầu phản ứng với tâm không thích, rồi oán ghét, sân giận (dosa). Tâm thức luôn chứa đầy vô minh, tham lam và sân hận. Tất cả những tâm bất thiện khác phát nguồn cũng từ ba tâm bất thiện căn bản này, và mỗi tâm bất thiện tạo ra một đau khổ.
Mục đích của phương pháp này là thanh lọc tâm, để tâm thoát khỏi khổ đau bằng cách đoạn trừ dần những phiền não trong tâm. Đây là một tiến trình giải phẫu đi sâu vào tâm vô thức của chúng ta, thực tập theo tiến trình này để khai mở và loại trừ những phiền não vi tế tiềm ẩn bên trong. Ngay bước đầu của phương pháp tu tập là phải thanh lọc tâm thức, và đây là phương pháp quán sát hơi thở, quý vị đã hành trì không chỉ tập trung vào việc định tâm mà còn phải thanh lọc tâm nữa. Có lẽ suốt ngày hôm nay chỉ có vài giây phút nào đó tâm quý vị tập trung hoàn toàn vào hơi thở, nhưng mỗi khi tâm quý vị ở vào trạng thái này nó có năng lực chuyển hoá những thói quen của tâm thức. Tại giây phút đó quý vị chánh niệm với thực tại hiện hữu, hơi thở vào hoặc ra từ hai lỗ mũi, và không khởi lên bất cứ ảo tưởng nào. Và quý vị không thể tham muốn thở nhiều hơn nữa hoặc cảm thấy nổi giận đối với hơi thở: quý vị chỉ đơn giản theo dõi, đừng phản ứng với nó. Trong tâm niệm như vậy, tâm sẽ xuất ly khỏi ba căn bản phiền não tham, sân và si mê, đây là tâm thanh tịnh. Tâm niệm thanh tịnh ở cấp độ tỉnh thức này có tác động mạnh đến các phiền não đã tích tụ từ lâu trong vô thức. Sự tiếp xúc giữa các động lực thiện và bất thiện tạo ra một sự bùng nổ. Một số phiền não tiềm ẩn trong vô thức hiện ra trên tầng ý thức, và nó biểu hiện thành các trạng thái bất an khác nhau của thân và tâm.
Khi chúng ta gặp tình huống như vậy, những nguy hiểm sẽ phát sinh, và những chướng ngại tâm sẽ tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta phải sáng suốt nhận ra rằng những gì có vẻ như chướng ngại khó khăn, thật ra chính nó là dấu hiệu của sự tiến bộ trong việc tu tập thiền định, nói tóm lại, điều này cho thấy phương pháp tu tập bắt đầu có hiệu nghiệm. Việc giải phẩu tâm vô thức đã bắt đầu, và chút ít mủ bị khuất bên trong đã bắt đầu xuất hiện ra ngoài vết thương. Mặc dù tiến trình giải phẩu tâm thức gặp nhiều trở ngại, chỉ có phương pháp duy nhất này mới lấy được mủ ung độc, loại bỏ mọi cấu uế của tâm. Nếu chúng ta tiếp tục hành trì đúng phương pháp, tất cả chướng ngại lần lượt tiêu tan. Ngày mai quý vị sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và ngày mốt lại dễ chịu hơn một tí nữa. Từng tí một, tất cả khó khăn sẽ được khắc phục, nếu quý vị nhẫn nại thực hành.
Không ai có thể tu tập thế cho quý vị; quý vị phải tự thực hành. Quý vị phải khám phá thực tại ở nơi quý vị. Và quý vị phải tự giải thoát.
VÀI LỜI KHUYÊN VỀ CÁCH HÀNH TRÌ
Suốt những giờ thiền định, quý vị luôn luôn hành trì trong nhà thiền. Nếu thiền định ở ngoài gặp ánh nắng mặt trời và gió, quý vị sẽ không thể thâm nhập vào mức độ sâu của tâm thức. Khoảng thời gian giải lao quý vị có thể ở ngoài.
Quý vị phải tu tập trong khuôn viên của trung tâm. Quý vị đang thực hành giải phẩu tâm thức của quý vị; vì vậy quý vị phải có mặt ở trong phòng giải phẩu (thiền đường).
Quyết tâm hành trì trong suốt khóa tu, nhẫn nại trước mọi khó khăn. Khi những khó khăn sinh khởi trong thời gian tu, hãy nhớ đến việc quyết tâm mạnh mẽ này. Bản thân có thể gặp nguy hiểm nếu quý vị từ bỏ khoá tu nửa chừng.
Tương tự, quyết tâm mạnh mẽ tuân thủ các nội qui, qui luật, trong đó điều quan trọng nhất là giới tịnh khẩu đồng thời cũng tuân thủ nội qui trong thời khắc biểu, và đặc biệt mỗi ngày phải có mặt ba lần ngồi thiền tập thể, mỗi lần một giờ.
Tránh ăn quá nhiều, tránh hôn trầm, và tránh nói những điều vô ích.
Khi được hướng dẫn, quý vị hãy hành trì một cách chính xác và nghiêm túc. Không than phiền bất cứ điều gì, trong suốt khoá tu hãy bỏ đi tất cả mọi việc, ngay việc đọc hoặc học tập bất cứ điều gì khác. Pha trộn phương pháp tu tập là điều vô cùng nguy hiểm. Nếu quý vị chưa rõ điều gì hãy đến vị Thầy hướng dẫn để làm rõ vấn đề. Chỉ nên tuân thủ hành theo phương pháp này; nếu thực hành đúng như vậy, quý vị sẽ gặt hái kết quả mỹ mãn.
Quý vị hãy vận dụng thời giờ quí báu, cơ hội, phương pháp, để tự giải thoát khỏi những trói buộc của tham, sân, si, và thưởng thức chân an lạc, chân an hoà, và chân hạnh phúc.
Chân hạnh phúc đến với quý vị.
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

- Ðịnh nghĩa khái quát về tội và lòng mộ đạo [1]
- Hai phần đầu của Bát Thánh Đạo

Ngày thứ hai đã qua. Mặc dù có phần nào dễ chịu hơn ngày đầu, những chướng ngại vẫn còn tồn tại. Tâm thức quá lăng xăng, lay động, điên cuồng giống như con bò hoang hay voi hoang gây ra nhiều thiệt hại một khi nó xâm nhập vào nơi cư trú của con người. Nếu một người thông minh biết huấn luyện và điều phục thú hoang thì tất cả sức mạnh và năng lực của nó dùng cho mục đích phá hoại trước kia, bây giờ được sử dụng cho công việc xây dựng xã hội. Tương tự, tâm thức có sức mạnh và nguy hiểm còn hơn cả voi hoang, nó cần phải được huấn luyện và điều phục; khi đó sức mạnh của nó sẽ bắt đầu phục vụ chúng ta. Nhưng quý vị phải luyện tập thật nhẫn nại, thật kiên trì, và liên tục. Hành trì bền bỉ là bí quyết của thành công.
Chính quý vị phải thực hành; không ai có thể tu giúp cho quý vị. Với tình thương bao la và lòng từ bi, bậc Giác Ngộ chỉ phương pháp tu tập, nhưng Ngài không thể mang bất cứ ai lên vai của Ngài để đi đến mục đích tối thượng. Chính quý vị phải thực hiện những bước tiến này, tự chiến đấu, tự giải thoát. Dĩ nhiên, một khi bắt đầu tu tập, quý vị sẽ nhận được sức mạnh hỗ trợ từ Giáo pháp, nhưng quý vị vẫn phải tự mình hành trì. Quý vị phải tự mình đi suốt con đường.
Để hiểu con đường mà quý vị đang đi là gì, đức Phật đã mô tả nó qua những lời nói rất giản dị:

Không làm tất cả những việc làm tội lỗi và bất thiện,
Hãy làm tất cả những việc lành
Hãy thanh lọc tâm;
Đây là lời dạy của các bậc Giác ngộ
[2].
Ðây là phương pháp chung có thể áp dụng cho mọi người ở bất kỳ giai cấp, sắc tộc, hoặc quốc gia nào. Nhưng vấn đề khó khăn là ở chỗ định nghĩa về tội lỗi và lòng mộ đạo. Khi tinh hoa giáo pháp bị mất, giáo pháp trở thành giáo phái, và rồi mỗi giáo phái lại định nghĩa "lòng mộ đạo" theo cách khác nhau, mang hình thức riêng biệt của từng giáo phái, hoặc hành trì theo nghi lễ nào đó, hoặc chấp chặt một số tín ngưỡng. Tất cả những định nghĩa này mang hình thức phe phái, chúng có thể được chấp nhận đối với một số người này nhưng không được chấp nhận đối với một số người khác. Tuy nhiên, giáo pháp đưa ra một định nghĩa chung về tội lỗi và thuần tín như sau: Bất cứ hành động nào có hại đến người khác, làm cho họ bất an và bất hòa thì đó là hành động tội lỗi, bất thiện. Bất cứ việc làm nào giúp người khác, giúp họ an ổn và hài hòa thì đó là việc làm đúng đắn, lương thiện. Ðịnh nghĩa này không thích hợp với bất cứ giáo điều nào, nhưng lại thích hợp với qui luật tự nhiên. Và theo qui luật tự nhiên, chúng ta không thể làm bất cứ việc gì có hại đến người mà không phát khởi phiền não trong tâm chúng ta trước: như là tâm sân hận, sợ hãi, thù hằn v.v...; và bất cứ khi nào chúng ta làm việc bất thiện, chúng ta đều phải chịu đau khổ, phải kinh qua những khổ sở của địa ngục trong tâm chúng ta. Tương tự, chúng ta không thể làm một việc giúp người mà trước hết chúng ta không đi từ tình thương, lòng từ, thiện chí; và ngay lúc chúng ta bắt đầu phát triển những thiện tâm thanh tịnh như vậy, chúng ta bắt đầu hưởng được an lạc thiên giới nơi chúng ta. Khi quý vị giúp người khác, cũng là lúc quý vị đang giúp chính mình; khi quý vị làm hại người khác, cũng lúc đó quý vị đang làm hại chính quý vị. Đây là giáo pháp, chân lý, qui luật - qui luật chung của tự nhiên.
Con đường của giáo pháp được gọi là Bát Thánh Đạo, mang ý nghĩa cao thượng là bất cứ ai đi trên con đường này, chắc chắn vị ấy sẽ trở thành một vị có tâm hồn cao thượng, một thánh nhân. Giáo pháp được chia làm ba phần: Giới, Định và Trí tuệ. Giới (sīla) là nền tảng đạo đức – nghĩa là sự từ bỏ những việc làm bất thiện của thân và lời nói. Thiền Định (Samādhi) là tu tập làm phát triển khả năng tự chủ tâm thức của chúng ta. Trì giới và tu tập thiền định rất có lợi ích nhưng cả hai đều không thể đoạn tận tất cả phiền não đã tích tụ trong tâm. Vì lý do này, phần thứ ba của giáo pháp phải được hành trì: đó là trí tuệ (Paññā), sự phát triển trí tuệ, tuệ quán, làm tâm thanh tịnh hoàn toàn. Ba chi phần trong Bát Thánh Đạo thuộc về giới như sau:
1. Sammā-vācā nghĩa là chánh ngữ, lời nói thanh tịnh. Để hiểu lời nói thanh tịnh là gì, chúng ta phải hiểu thế nào là lời nói bất tịnh. Nói láo để lừa gạt người khác, nói thô lỗ làm tổn hại đến người khác, nói sau lưng, nói vu khống, nói huyên thuyên và vô ích, tất cả những lời nói như vậy là lời nói bất tịnh. Khi chúng ta từ bỏ những lời nói bất tịnh này, những lời nói còn lại là lời nói thanh tịnh.
2. Sammā-kammanta nghĩa là chánh nghiệp, thân không làm ác. Trong tiến trình tu tập giáo pháp, thước đo duy nhất để định mức những hành động thuộc thân, khẩu hoặc ý có thanh tịnh hay không là tùy thuộc vào những hành động giúp hoặc hại người.Vì vậy, giết hại, trộm cắp, phạm tội hãm hiếp, hoặc tà dâm, và nghiện ngập đến nỗi chúng ta không biết những hành vi chúng ta đang làm có hại cho tự thân và tha nhân đều thuộc vào hành động bất thiện. Khi chúng ta từ bỏ những việc làm bất thiện này, những việc làm còn lại gọi là việc làm chân chánh.
3. Sammā-ājīva nghĩa là chánh mạng. Mỗi người phải có một vài phương kế để nuôi sống bản thân và những người nương tựa, nhưng nếu phương kế sinh sống có hại đến người khác, thì phương kế đó không phải là một lối sống chân chánh. Có thể chúng ta không sinh nhai bằng những việc làm sai trái, nhưng chúng ta lại khuyến khích người khác làm việc sai; nếu làm như vậy chúng ta cũng không thực hành đúng chánh mạng. Ví dụ: bán rượu, mở sòng bạc, bán vũ khí, bán thú sống, thịt thú, tất cả đều là những việc làm không phải là chánh mạng. Ngay cả khi giữ chức vụ cao nhất, nếu làm việc chỉ vì mục đích bốc lột người khác thì vị ấy cũng không thực hành đời sống chánh mạng. Nếu động cơ thúc đẩy người ấy thực hiện vai trò như là một thành viên của xã hội, để đóng góp sức lực và kỹ năng của mình vì sự tốt đẹp chung, đáp lại những việc làm này vị ấy nhận một phần thù lao tương xứng, vị ấy và những người nương tựa sinh sống nhờ phần thù lao này, như vậy vị ấy đang thực hành đời sống chánh mạng.
Người tại gia, thế tục đều cần tiền để xoay xở trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là việc kiếm tiền trở thành một phương tiện tâng bốc tự ngã: vị ấy tìm cách thu nhập càng nhiều càng tốt, và khinh miệt những ai có mức thu nhập ít hơn. Thái độ như vậy có hại cho bản thân và người khác, vì tự ngã càng tăng trưởng, thì giải thoát càng khó khăn hơn. Vì vậy, yếu tố quan trọng của đời sống chánh mạng là bố thí, làm từ thiện, chia sẻ một phần của chúng ta kiếm được cho người khác. Như thế, chúng ta không những chỉ làm lợi cho bản thân mà còn làm lợi cho mọi người.
Nếu giáo pháp chỉ có những điều khuyên răng từ bỏ việc làm có hại đến người khác, thì nó sẽ không có hiệu quả. Nhờ tri thức, chúng ta có thể hiểu mối nguy hiểm của việc làm bất thiện và ích lợi của việc làm thiện, hoặc chúng ta có thể chấp nhận tầm quan trọng của giới-luật vì lòng mến mộ của chúng ta đối với những người thuyết giảng về nó. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục làm sai, vì chúng ta không làm chủ được tâm của mình. Vì vậy, phần thứ hai của giáo pháp, Chánh định: chúng ta cần phải tu tập phát triển khả năng làm chủ tâm thức. Trong phần này bao gồm ba chi trong Bát Thánh Đạo:
4. Sammā-vāyāma nghĩa là chánh tinh tấn, hành trì đúng phương pháp. Trong khi thực hành, quý vị đã thấy tâm yếu ớt và không vững chắc như thế nào rồi, tâm luôn luôn bị đối tượng này đến đối tượng khác kích động. Tâm thức như vậy cần phải được trau luyện để tăng sức mạnh. Có bốn cách thực tập làm cho tâm tăng thêm sức mạnh: đó là tránh xa và từ bỏ tất cả các bất thiện pháp có thể phát sanh, không cho phát sinh những bất thiện pháp chưa phát sinh, duy trì và phát triển tất cả các thiện pháp đã có trong tâm và làm cho các thiện pháp chưa phát sinh được phát sinh. Qua thực tập chánh niệm hơi thở (Anāpāna), quý vị đã gián tiếp thực hành phương pháp tu tập này.
5. Sammā-sati nghĩa là chánh niệm, tỉnh giác trong sát na hiện tại. Quá khứ chỉ là kỷ niệm; tương lai chỉ là khát vọng, lo sợ và tưởng tượng. Quý vị bắt đầu thực tập chánh niệm (sammā-sati) bằng cách tự trau luyện để giữ tâm tỉnh giác với bất cứ cảm thọ gì đang xảy ra tại vùng hai lỗ mũi trong sát na hiện tại. Quý vị phải huân tập khả năng tỉnh giác các trạng thái hiện hữu trong thân và tâm, từ cấp độ thô nhất đến vi tế nhất. Khi bắt đầu thực hành, quý vị hãy tập trung vào ý thức, hơi thở có tác ý, hơi thở tự nhiên, hơi thở nhẹ, sau đó chú ý đến sự tiếp xúc của hơi thở với đối tượng của nó. Bây giờ quý vị hãy tập trung vào một đối tượng vi tế hơn: đó là các cảm thọ tự nhiên và cảm thọ của thân thể quanh khu vực của mũi. Quý vị có thể cảm nhận nhiệt độ của hơi thở, hơi thở lạnh khi hít từ ngoài vào, hơi thở ấm khi thở từ trong ra. Ngoài vấn đề vừa trình bày, có vô số những cảm thọ không quan hệ đến hơi thở: đó là cảm thọ nóng, lạnh, ngứa, kích động, dao động, đè nén, căng thẳng, đau đớn v.v… quý vị không thể chọn lựa bất cứ loại cảm thọ nào để cảm nhận, vì quý vị không thể tạo ra cảm thọ. Chỉ theo dõi; duy trì tỉnh giác. Cái tên cảm thọ không quan trọng; điều quan trọng là tỉnh giác với cảm thọ đang hiện hành mà không phản ứng lại nó.
Như quý vị đã thấy, thói quen của tâm thức thường bị lôi cuốn về tương lai hoặc quá khứ, làm phát sinh tham ái và sân hận. Khi thực hành chánh niệm quý vị bắt đầu phá vỡ thói quen này. Không phải sau khóa tu tập, quý vị sẽ quên hết quá khứ và không còn nghĩ ngợi gì về tương lai nữa. Nhưng thực tế quý vị thường tiêu phí năng lực khi đắm chìm trong quá khứ hoặc tương lai một cách vô ích, tiêu phí quá nhiều đến nổi khi quý vị nhớ lại hoặc lên kế hoạch làm việc gì đó, quý vị lại không làm được. Qua tu tập chánh niệm, quý vị sẽ học được cách luyện tâm kiên định hơn trong giây phút hiện tại, và quý vị sẽ thấy rằng quý vị có thể nhớ lại quá khứ khi cần thiết và lập ra những kế hoạch thích hợp cho tương lai. Quý vị sẽ sống một đời sống lành mạnh và hạnh phúc.
6. Sammā-samādhi nghĩa là chánh định. Mục đích của phương pháp hành trì này không phải chỉ có chánh định; quý vị phải định tâm trên nền tảng thanh tịnh. Chúng ta có thể định tâm dựa vào tham ái, sân hận hoặc vô minh, nhưng đây không phải là chánh định. Chúng ta phải tỉnh giác với tâm không tham ái hoặc không sân hận trong giây phút hiện tại. Duy trì sự tỉnh giác trong từng sát na như vậy được gọi là chánh định.
Qua việc tuân thủ nghiêm túc năm giới quý vị bắt đầu thực tập giới. Qua việc luyện tâm để chuyên chú vào một điểm, một đối tượng thật trong sát na hiện tại, không móng khởi tham ái hoặc sân hận, quý vị bắt đầu tu tập chánh định. Bây giờ hãy tu tập tinh tấn làm cho tâm thức được nhạy bén, để khi bắt đầu tu tập trí tuệ, quý vị có thể nhập vào những cấp độ sâu của tâm vô thức, loại trừ phiền não ẩn núp ở đó, và an trú chân hạnh phúc - hạnh phúc giải thoát.

Chân hạnh phúc đến với quý vị.
Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc.
Ghi chú:
[1] Thuật ngữ "lòng mộ đạo" được dịch từ thuật từ "piety", từ này kết hợp với từ ‘filial’ có nghĩa là "lòng hiếu thảo", "lòng trung thành" nhưng cả hai nghĩa này không thích hợp với nội dung của bài giảng. Vì vậy nghĩa thứ ba của từ là "lòng mộ đạo" tạm sử dụng trong bối cảnh này.
[2] Ý này xuất phát từ bài kệ:

Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.
Tạm dịch là:

Không làm các điều ác,
Hãy làm các điều việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch.
Ấy lời chư Phật dạy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét