Thiền sư Goenka - Giáo trình thực hành vispassana - khóa học 11 ngày


- Những khó khăn ban đầu
- Mục đích của hành thiền
- Tại sao hơi thở được chọn như điểm khởi đầu
- Bản chất của tâm
- Những khó khăn và phương cách khắc phục
- Những nguy hiểm cần phải tránh.  
- Ðịnh nghĩa khái quát về tội và lòng mộ đạo [1]
- Hai phần đầu của Bát Thánh Đạo

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 2/4

- Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (văn tuệ), trí tuệ do tư duy (tư tuệ), trí tuệ do kinh nghiệm (tu tuệ).
- Kalāpā: Bốn đại ( đất, nước, lửa và gió)
- Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ
- Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng
- Những câu hỏi liên quan đến phương cách thực hành thiền Minh Sát Tuệ
- Qui luật nghiệp báo
- Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm
- Bốn chức năng phối hợp của tâm: ý thức, tưởng tri, cảm thọ và phản ứng
- Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường thoát khỏi khổ đau
- Bốn sự thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến đoạn diệt khổ.
- Vòng duyên khởi có điều kiện

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 3/4

/4 - Tầm quan trọng của tu tập tâm tĩnh thức và xả ly đối với các cảm thọ
- Bốn đại và mối quan hệ của chúng với các cảm thọ
- Bốn nhân tố ảnh hưởng đến thân
- Năm hạ phần kiết sử: tham, sân, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ
- Tầm quan trọng của tâm xả ly đối với các cảm thọ thô và tế
- Duy trì tâm tỉnh thức
- Năm người bạn tốt (năm sức mạnh): niềm tin, nỗ lực, chánh niệm, thiền định, và trí tuệ 
- Qui luật tăng và giảm
- Qui luật đoạn trừ
- Tâm xả ly là an lạc tối thượng
- Tu tập tâm xả ly có thể làm cho chúng ta sống một cuộc sống chân chánh
- Nhờ tu tập tâm xả ly, chúng ta xác định một tương lai hạnh phúc cho chúng ta

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 4/4

- Áp dụng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ vào đời sống hằng ngày
- Mười pháp Ba-la-mật (pāramī)
- Ôn lại phương pháp thực hành
- Làm thế nào để tiếp tục hành trì sau khi khóa tu hoàn mãn.

THUẬT NGỮ PĀLI & TRUNG TÂM TU THIỀN MINH SÁT TUỆ

 LỜI NGƯỜI DỊCH

Trước khi nói về phương pháp và lợi ích của thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta cần điểm qua một số vấn đề liên quan đến "pháp môn thiền định" Phật giáo. Gần đây, dường như pháp môn thiền của Phật giáo bị lãng quên và không còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tu tập của tu sĩ. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến cho Phật giáo bị biến dạng và mất đi sức mạnh nội tại. Ðiều đáng buồn nhất là một số tín đồ cũng như tu sĩ Phật giáo không biết gì về pháp môn thiền định Phật giáo lại phát biểu võ đoán và sai lầm rằng: "Tu thiền sẽ bị điên hoặc tẩu hoả nhập ma". Ở đây người dịch xin xác quyết rằng, tu tập đúng phương pháp thiền Phật giáo, hành giả không bao giờ bị những điều tai hại như vậy. Nếu ai tu thiền bị điên hoặc tẩu hoả nhập ma, chắc chắn người đó đã tu lạc pháp hoặc tu theo thiền định của ngoại đạo chứ không phải của Phật giáo, vì tu tập thiền Phật giáo, sớm hay muộn người đó sẽ loại trừ được tâm loạn động, vô minh. Nhiều thống kê hiện nay cho biết rõ pháp môn thiền Minh Sát Tuệ của Phật giáo đã giúp rất nhiều người giải toả những tâm bệnh căng thẳng, đạt được tâm bình thản và an lạc trong cuộc sống. Ngoài ra, thiền Minh Sát Tuệ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho người hành thiền và tha nhân.
Ở đây, người dịch đứng trên lập trường giáo lý của đạo Phật xin trình bày một vài nhận thức cá nhân về giáo lý thiền của Phật giáo, đặc biệt là thiền Minh Sát Tuệ.
Không ai từ chối sự thật là đức Phật Thích-ca đã chứng quả chánh đẳng chánh giác dưới cội Bồ-đề nhờ tu tập thiền quán. Và chứng tích rõ ràng hơn là kinh điển được ghi lại trong cả hai truyền thống: Phật giáo Nguyên thuỷ dựa vào năm bộ Nikāya (Pañca-nikāyā) và Phật giáo Phát triển dựa vào bốn bộ A-hàm (Āgama) và số Kinh Đại Thừa kết tập sau này đều nhấn mạnh thiền định là pháp tu căn bản nhất để loại trừ mọi tập khí phiền não của thân và tâm. Cụ thể hơn nữa, khi đọc vào những bản kinh, chúng ta thấy chư vị đệ tử của đức Phật thành tựu thánh quả từ quả Tu-đà-hoàn đến quả A-la-hán hầu như đều nhờ vào việc tu tập thiền định.
Thiền định mang lại kết quả an lạc, hạnh phúc ở nhiều mức độ khác nhau ngay trong hiện tại chứ không phải mong cầu kết quả viễn vong ở tương lai. Ðiều cốt yếu nhất của thiền định Phật giáo là tu tập nơi thân và tâm chúng ta. Thân và tâm này là đầu mối của luân hồi đau khổ và cũng là công cụ để giải thoát khổ đau. Không ai hoặc quyền lực nào đủ khả năng và thẩm quyền can thiệp vào đau khổ cũng như giải thoát của chúng ta. Chính chúng ta làm chúng ta đau khổ và cũng chính chúng ta tu tập để giải thoát.
Tu tập thiền Minh Sát Tuệ dựa vào nền tảng tu tập của Giới, Định và Tuệ. Tuy nhiên, nét đặc trưng của thiền Minh Sát Tuệ là duy trì tâm tỉnh giác và bình thản để quán sát những cảm thọ sinh khởi trên thân mà không phản ứng lại. Nhờ quán sát như vậy, hành giả sẽ loại trừ dần các tập khí quá khứ và hiện tại đồng thời chứng nghiệm thực tại vô thường, khổ và vô ngã của các hiện tượng trong thân và tâm. Chỉ có thực nghiệm này mới có thể giúp hành giả đoạn trừ tập khí phiền não và đạt được giải thoát.
Hiện nay, Phật giáo ở Ấn Độ chỉ là một tôn giáo thiểu số so với Ấn Độ giáo, tuy nhiên điều đáng mừng nhất là phương pháp thiền Minh Sát Tuệ được áp dụng phổ biến tại quốc gia này. Ngay cả các trường huấn luyện cảnh sát, các nhà tù lớn và những bệnh viện tâm thần cũng thường xuyên tổ chức các khoá tu tập thiền Minh Sát Tuệ định kỳ cho các cán bộ, tù nhân và bệnh nhân. Hơn thế nữa, các trung tâm thiền Minh Sát Tuệ đã và đang phát triển rộng rãi không những ở các nước Châu Á như Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản mà còn phát triển ở các nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Rất nhiều người tham gia những khoá tu thiền Minh Sát Tuệ và một số người sau khoá tu đã ở lại trung tâm để phục vụ cũng như tiếp tục tu tập. Nhiều trung tâm thiền Minh Sát Tuệ do người ngoại quốc trực tiếp hướng dẫn.
Ðiều này cho thấy rằng thiền Minh Sát Tuệ không phải là pháp môn chỉ dành riêng cho giới tu sĩ Phật giáo mà đây cũng là pháp môn phổ cập cho mọi người. Ở nước ta, phương pháp tu tập thiền định của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay dường như chỉ giới hạn cho giới xuất gia và bị ảnh hưởng phương pháp thiền Trung Quốc và Nhật Bản hay còn gọi là Tổ Sư thiền. Phương pháp thiền Nguyên Thuỷ hay Như Lai thiền không còn được quan tâm và hành trì nhiều. Khuyết điểm lớn là giới Phật tử Việt Nam không được khuyến khích tu tập thiền định và không có những trung tâm để cho Phật tử cũng như bất cứ ai từ bất cứ tôn giáo nào muốn tham dự đều có thể tham dự được. Một điều làm chúng tôi luôn thao thức, trăn trở, đó là làm thế nào để hình thành những trung tâm tu tập thiền Minh Sát Tuệ trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Phật giáo Việt Nam được xem có nguồn gốc gần 2000 năm lịch sử, có hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, có nhiều Tăng Ni và Phật tử, thiết nghĩ chúng ta nên cố gắng tập trung mở rộng truyền bá thiền Minh Sát Tuệ vì hạnh phúc và an lạc vô cùng tận cho bản thân, gia đình và xã hội.
Bản nguyên tác tiếng Anh "The Discourse Summaries" được dịch sang tiếng Việt là "Những Bài Giảng Cương Yếu" do Thiền sư Goenka thuyết giảng trong thời gian Ngài hướng dẫn Thiền sinh tu tập thiền Minh Sát Tuệ khóa mười ngày. Tuy nhiên, để tựa đề tiếng Việt được rõ ràng và dễ hiểu hơn, chúng tôi tạm dịch: "Những Bài Giảng Cương Yếu của Khóa Mười Ngày Tu Tập Thiền Minh Sát Tuệ". Nhìn qua họa đồ giảng dạy của khoá tu mười ngày, chúng ta thấy hành giả được hướng dẫn tu tập từng bước. Nội qui và thời khóa biểu thực hành mỗi ngày, đặc biệt nhất là phải giữ im lặng (tịnh khẩu) tối đa trong chín ngày cùng với việc thọ trì tam quy, ngũ giới được xem như là nền tảng của giới cho khóa tu. Mỗi ngày ngồi thiền mười giờ, trong ba ngày rưỡi đầu hành giả chủ yếu thực tập phương pháp tịnh chỉ tâm thức (phương pháp định tâm) qua việc theo dõi hơi thở ra vào, giúp hành giả dừng lại vọng niệm và đồng thời tập nhận ra cảm thọ quanh vùng mũi. Sáu ngày rưỡi còn lại là thời gian hành trì thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana), thực tập tuệ quán các cảm thọ sanh khởi trên toàn thân với tâm chánh niệm và xả ly. Tập sách mỏng bao gồm mười một bài pháp giảng giải những khúc mắc cho hành giả trong suốt khoá tu được xem như là cẩm nang quý báu. Nhận thấy sự cần thiết và hữu ích của tập sách, chúng tôi đã cố gắng chuyển sang Việt ngữ để giúp cho những vị đang tìm hiểu hoặc đã tiếp cận với pháp môn thiền định Phật giáo đặc biệt thiền Minh Sát Tuệ xác định đúng đắn và vững tin vào con đường tu tập của mình.
Trong khi phiên dịch tập sách này, chúng tôi có cơ hội ôn lại và hiểu thêm về phương pháp hành trì thiền Minh Sát Tuệ. Chúng tôi dịch trung thành với nội dung của mười một bài giảng và ghi chú cần thiết những phần trích dẫn liên quan đến Kinh, Luật và Luận nếu có trong mười một bài giảng. Ngoài ra có những đoạn trong nguyên bản quá cô đọng hoặc một số thuật từ khó hiểu, chúng tôi có giải thích bổ sung thêm phần trong ngoặc để người đọc tham khảo thêm. Khi bắt tay vào dịch tập sách này, người dịch nhắm đến mục đích chủ yếu là giới thiệu cho chư vị Phật tử cũng như những ai muốn tìm hiểu pháp môn thiền định Phật giáo, một phương cách sống tự điều phục tâm, một lối sống mang lại lợi ích thực sự cho bản thân cũng như mọi người . Bản thân người dịch và một số vị Tăng, Ni đồng tu học ở đây (Ấn Độ) đã tham gia vài khóa tu mười ngày thiền Minh Sát Tuệ (Vipassana). Sau những ngày nỗ lực tu tập, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được sự an lạc và giải thoát khỏi những căng thẳng của thân cũng như tâm. Nhận thấy rõ giá trị đích thực của pháp môn tu tập thiền Minh Sát Tuệ, chúng tôi mong mỏi mọi người nên tham gia các khoá tu hoặc ngắn ngày hoặc dài ngày nếu tại địa phương có các trung tâm thiền Minh Sát Tuệ. Dù đứng trước thời đại khoa học văn minh, vật chất phát triển, đạo đức con người đang biến chuyển theo đà suy thoái, người biết thực hành thiền định vẫn không bị mất đi tính tự chủ, đời sống tinh thần cũng như vật chất của gia đình vẫn luôn ổn định, và sống, xây dựng một xã hội hòa bình, hạnh phúc và an lạc.
Nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ tận tình của quí huynh đệ đồng tu học trong việc sửa bản thảo, bản dịch mới được tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, dù cố gắng hết mình vẫn không tránh khỏi sai sót trong lúc phiên dịch, chúng tôi xin hoan hỷ đón nhận mọi góp ý của quí độc giả.
Mọi công đức phiên dịch này xin hồi hướng đến vạn loại chúng sanh được an lạc và hạnh phúc, sớm quay về chân lý giác ngộ và giải thoát.
Trường Đại Học Pune - Ấn Độ, 1-05- 2002.
Tỳ Kheo Thích Minh Diệu cẩn chí

LỜI GIỚI THIỆU
Thiền sư S.N. Goenka đã phát biểu rằng: "Giải thoát chỉ có thể đạt được qua tu tập chứ không phải qua bàn luận." Tham dự khóa tu thiền Minh Sát Tuệ là một cơ hội để thực hiện những bước tiến cụ thể hướng đến giải thoát. Người tham gia một khoá tu như vậy sẽ học được cách giải tỏa tâm căng thẳng và những thành kiến sai lầm khuấy nhiễu sự yên tĩnh trong đời sống. Nhờ việc tu tập này, chúng ta bắt đầu khám phá ra một lối sống bình an, sáng tạo, hạnh phúc trong mỗi sát na. Đồng thời chúng ta cũng thăng tiến đến mục đích tối thượng, mục đích mà nhân loại luôn khao khát đạt đến: đó là tâm an tĩnh, giải thoát mọi triền phược khổ đau và giác ngộ viên mãn.
Nếu chỉ tư duy hoặc cầu mong, chúng ta không thể nào đạt được thiền định này. Chúng ta cần phải tu tập từng bước để đạt đến mục đích cao thượng. Vì lý do này, mỗi khóa tu thiền Minh Sát Tuệ luôn đề cập đến phương pháp hành trì thực tiễn. Tu tập Minh Sát Tuệ không chấp nhận hành giả bàn luận về triết lý hay tranh luận trên lý thuyết, cũng như những vấn đề không liên quan đến kinh nghiệm bản thân. Hành giả được khuyến khích để tìm ra giải đáp về những thắc mắc của mình càng nhiều càng tốt. Trong khi tu tập, vị thầy hướng dẫn những gì cần thiết, nhưng sự chỉ dẫn này còn tùy thuộc vào việc thực hành của mỗi người: chúng ta phải tự chiến đấu với bản thân và tự giải thoát.
Ngoài yếu tố quan trọng đã được trình bày, vẫn còn có một số vấn đề cần được giảng giải để hỗ trợ cho khoá tu. Thế nên mỗi buổi tối của khoá tu, Ngài Goenka đều giảng một bài pháp để giúp quý vị hiểu rõ những kinh nghiệm thực tập của ngày hôm đó, và làm sáng tỏ phương pháp tu tập dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Ngài khuyên rằng không được xem những bài giảng này như để tiêu khiển về mặt tri thức hoặc tình cảm. Mục đích của những bài giảng này cốt yếu giúp hành giả hiểu những gì cần phải thực hành và tại sao phải thực hành như vậy, để có thể thực hành đúng theo hướng dẫn và sẽ thành tựu kết quả tốt. Đó chính là mục đích của việc trình bày các bài giảng này trong hình thức cô đọng.
Mười một bài giảng này giúp chúng ta có cái nhìn bao quát về lời dạy của đức Phật. Tuy nhiên, việc tiếp cận lời dạy không mang tính học thuật hay phân tích. Thay vào đó, những bài giảng được trình bày như một động lực, một tổng thể nối kết với nhau để tháo gỡ những khó khăn và khúc mắc cho hành giả. Tất cả những khía cạnh khác của các bài giảng mà chúng ta đã thấy, nói lên một sự nhất quán cơ bản: đó là thể nghiệm thiền định. Thể nghiệm này là tia sáng bên trong dẫn đến một đời sống chân thật và làm giá trị của giáo pháp rực sáng.
Không có kinh nghiệm này chúng ta không thể nắm bắt được ý nghĩa trọn vẹn của các bài thuyết giảng, hay giáo pháp của đức Phật dạy điều gì. Tuy thế, điều này không có nghĩa là giáo pháp không thể được đánh giá trên phương diện tri thức. Hiểu biết trên lãnh vực tri thức có giá trị như một nhân tố trợ giúp cho việc thực tập thiền định, mặc dù tự thân thiền định là một tiến trình vượt qua những giới hạn của tri thức.
Vì lý do trên, những bài tóm tắt này được soạn, trình bày những điểm tinh yếu ngắn gọn của mỗi bài giảng. Ngài Goenka giảng những bài pháp này mục đích chính yếu là tạo ra nguồn cảm hứng cũng như hướng dẫn cho các hành giả đang thực tập phương pháp thiền Minh Sát Tuệ. Đối với những người tình cờ đọc những bài giảng này, hy vọng rằng chúng sẽ là niềm khuyến khích họ tham gia một khóa thiền Minh Sát Tuệ và để kinh nghiệm những gì đã được trình bày ở đây.
Những bài giảng này không nên xem như một cẩm nang tự thực hành thiền Minh Sát Tuệ, một hướng dẫn thay thế cho khóa thiền 10 ngày. Thiền định là một vấn đề rất hệ trọng, đặc biệt phương pháp thiền Minh Sát Tuệ, nó liên quan đến những cấp độ sâu thẳm của tâm thức. Thiền Minh Sát Tuệ không thể được thành tựu một cách dễ dàng hay ngẫu nhiên. Muốn học đúng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ duy chỉ có cách tham gia một khóa tu chính thức, ở đó có môi trường thích hợp và có người hướng dẫn đầy đủ kinh nghiệm giúp đỡ cho người hành thiền. Nếu ai đó không để ý đến lời khuyến nhắc này và cố gắng tự mình thực hành thiền Minh Sát Tuệ qua việc tự đọc sách, bản thân người ấy phải chịu lấy hoàn toàn mọi sự không may, nguy hiểm.
Thật may mắn, hiện nay, những khóa thiền Minh Sát Tuệ theo sự hướng dẫn của Ngài Goenka được tổ chức định kỳ ở nhiều nơi trên thế giới. Chương trình tu học của các khoá thiền Minh Sát Tuệ đều có thể liên hệ đến bất cứ trung tâm nào được ghi vào danh sách ở trang cuối của tập sách này.
Những bài giảng tóm tắt này chủ yếu dựa vào các bài giảng của Ngài Goenka tại Trung Tâm Thiền Minh Sát Tuệ, bang Massachusetts thuộc Mỹ Quốc trong suốt tháng 8 năm 1983. Ngoại trừ bài giảng ngày thứ 10 là dựa vào bài giảng cũng tại Trung tâm này vào tháng 8 năm 1984.
Trong thời gian Ngài Goenka xem qua và đồng ý cho tài liệu này xuất bản, Ngài không có thì giờ để kiểm tra văn bản kỹ lưỡng, vì vậy, có thể người đọc gặp một vài lỗi và khiếm khuyết. Những sơ sót này không phải do vị Thầy, cũng không phải của giáo pháp, mà là trách nhiệm của chính tôi. Tôi rất vui lòng đón nhận sự phê bình, điều này giúp tôi chỉnh lại những thiếu sót trong văn bản.
Cầu mong tác phẩm này giúp ích nhiều người trong tu tập giáo pháp.
Nguyện cầu tất cả chúng sanh
đều hạnh phúc.
William Hart

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI ĐỌC VĂN BẢN
Những bài pháp của đức Phật và chư đệ tử của đức Phật mà Ngài Goenka trích dẫn ở đây đều được rút từ Luật Tạng (Vinaya-pitaka) và Kinh Tạng (Sutta-pitaka) thuộc kinh điển Pāli. (Mặc dầu trong vài trường hợp, một số trích dẫn có mặt trong cả hai Tạng, nhưng ở đây chỉ trình bày những tham khảo thuộc Kinh Tạng). Ngoài ra, một vài trích dẫn khác được rút ra từ hậu văn học kinh điển Pāli (post-canonical Pāli literature). Trong những bài thuyết giảng này, Ngài Goenka giải thích các đoạn kinh phần lớn chú trọng đến việc lý giải hơn việc phiên dịch từng thuật ngữ theo văn bản Pāli. Mục đích là nhằm trình bày phần cốt lõi của mỗi đoạn trích trong ngôn ngữ bình dị, nhấn mạnh mối quan hệ của nó đến sự hành trì thiền Minh Sát Tuệ.
Những chỗ có đoạn trích Pāli xuất hiện trong hình thức tóm tắt, Ngài Goenka sử dụng đoạn văn ngắn gọn này để giải thích cho bài pháp. Phần sau của tập sách là những đoạn Pāli đã được dịch ra tiếng Anh, nhằm bổ sung cho các đoạn trích được chính xác hơn và vẫn chú trọng đến quan điểm của thiền giả.
Trong các bài giảng tóm tắt, việc sử dụng các thuật ngữ Pāli đều được giữ nguyên hình thức số ít. Khi nào những thuật ngữ này cần phải sử dụng theo hình thức số nhiều thì chúng được viết theo phong cách số nhiều của Pāli; ví dụ: số nhiều của sankhārasankhārā, của kalāpakalāpā, của parama paramā.

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Chỉ mục

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 1/4

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 2/4

 Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 3/4

 Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 4/4

THUẬT NGỮ PĀLI & TRUNG TÂM TU THIỀN MINH SÁT TUỆ

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét