Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 2/4

- Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (văn tuệ), trí tuệ do tư duy (tư tuệ), trí tuệ do kinh nghiệm (tu tuệ).
- Kalāpā: Bốn đại ( đất, nước, lửa và gió)
- Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ
- Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng

- Những câu hỏi liên quan đến phương cách thực hành thiền Minh Sát Tuệ
- Qui luật nghiệp báo
- Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm
- Bốn chức năng phối hợp của tâm: ý thức, tưởng tri, cảm thọ và phản ứng
- Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường thoát khỏi khổ đau

- Bốn sự thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến đoạn diệt khổ.
- Vòng duyên khởi có điều kiện

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Chỉ mục

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 1/4

Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 2/4

 Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 3/4

 Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 4/4

THUẬT NGỮ PĀLI & TRUNG TÂM TU THIỀN MINH SÁT TUỆ



  

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

- Phần thứ ba của Bát Thánh Đạo: Trí tuệ: Trí tuệ do truyền đạt (văn tuệ), trí tuệ do tư duy (tư tuệ), trí tuệ do kinh nghiệm (tu tuệ).
- Kalāpā: Bốn đại ( đất, nước, lửa và gió)
- Ba đặc tính: Vô thường, bản chất huyễn hóa của ngã và khổ
- Sự thấu hiểu thực tại của các hiện tượng

Ngày thứ ba đã qua. Chiều mai quý vị sẽ bước vào lãnh vực trí tuệ (paññā), đây là phần thứ ba của Bát Thánh Đạo. Thiếu trí tuệ, lộ trình tu tập sẽ không hoàn hảo.
Chúng ta bắt đầu hành trình bằng trì giới (Sīla), đó là không làm hại đến mọi người; cho dù không làm hại người khác đi nữa, chúng ta vẫn còn gây hại bản thân vì phiền não vẫn còn sinh khởi trong tâm. Vì vậy, chúng ta thực hành thiền định, học phương cách điều phục tâm, phương cách đè nén những phiền não đã sinh khởi. Tuy nhiên, phiền não bị đè nén này không thể đoạn trừ được. Phiền não vẫn còn tồn tại và tăng trưởng trong vô thức và chúng tiếp tục gây não hại đến chúng ta. Vì vậy tu tập trí tuệ, phần thứ ba của Bát Thánh Đạo, không cho phép phiền não tự do sinh khởi và cũng không tìm cách đè nén chúng, thay vào đó, phương pháp tu tập này cho phép phiền não sinh khởi để rồi loại bỏ chúng. Khi phiền não được đoạn trừ, tâm sẽ giải thoát mọi cấu nhiễm. Và khi tâm được thanh tịnh, tự nhiên những hành vi làm hại người không còn nữa mà chỉ còn một tâm thuần tịnh đầy thiện chí và tình thương đối với mọi người. Tương tự, khi tâm thanh tịnh, những hành vi có hại cho bản thân cũng không còn nữa. Chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Như thế, mỗi giai đoạn của hành trình tu tập cần phải tiến đến giai đoạn cao hơn. Giới dẫn đến phát triển thiền định (samādhi), hay chánh định; chánh định dẫn đến phát triển trí tuệ (paññā), trí tuệ thanh lọc tâm thức; trí tuệ đưa đến Niết-bàn (nibbāna), giải thoát mọi lậu hoặc, giác ngộ viên mãn.
Hai chi phần Trí tuệ trong Bát Thánh Đạo như sau:
Sammā-samkappa nghĩa là chánh tư duy: Toàn bộ tiến trình tư tưởng không cần thiết phải được chấm dứt trước khi trí tuệ phát sinh, tư tưởng vẫn còn tồn tại, chỉ có hình thức tư duy thay đổi mà thôi. Nhờ thực tập chánh niệm hơi thở, những cấu uế thô của tâm thức bắt đầu tiêu trừ. Thay thế những tư tưởng tham lam, sân giận và si mê chúng ta có những tư tưởng lành mạnh, những tư duy về chánh pháp, con đường để chúng ta tự giải thoát.
Sammā-ditthi nghĩa là chánh kiến: Đây là trí tuệ chân chánh, sự hiểu biết thực tại như nó đang hiện hữu, chứ không phải thực tại dường như sẽ là.
Tiến trình tu tập trí tuệ trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là suta-mayā paññā nghĩa là văn tuệ, trí tuệ đạt được qua nghe hoặc tiếp thu những kiến thức của người khác. Trí tuệ do được truyền đạt này giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc xác định phương hướng tu tập đúng đắn. Tuy nhiên, bản thân trí tuệ này nó không thể mang lại giải thoát vì nó chỉ là trí tuệ vay mượn. Chúng ta chấp nhận nó như chân lý có thể vì tin mù quáng, hoặc vì sân hận, sợ rằng "không tin" sẽ đưa chúng ta vào địa ngục, hoặc vì khao khát, hy vọng rằng "tin" sẽ đưa chúng ta đến thiên đường. Nhưng ở bất cứ trường hợp nào, trí tuệ này cũng không phải là trí tuệ của chúng ta.
Chúng ta nên chuyển vai trò của trí tuệ nhờ được truyền đạt sang giai đoạn kế tiếp: Cintā-mayā paññā nghĩa là tư tuệ. Về lý trí, chúng ta kiểm tra những gì chúng ta đã nghe hoặc đọc để xem chúng có logic, thực tế, ích lợi hay không; nếu đúng như vậy, chúng ta mới chấp nhận. Tư tuệ cũng rất quan trọng, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu chúng ta quá xem trọng nó. Một số người đạt được một số kiến thức nhờ khả năng tư duy, và vì vậy anh ta tự cho mình là một người uyên bác. Tất cả những gì anh ta học được chỉ nhằm mục đích nâng cao tự ngã; anh ta càng xa lìa giải thoát.
Vai trò đúng nghĩa của tư tuệ là để dẫn đến giai đoạn kế tiếp: Bhāvanā-mayā paññā nghĩa là tu tuệ, chúng ta đạt được trí tuệ này là do kinh nghiệm tu tập. Đây mới là chân trí tuệ. Văn tuệ và tư tuệ rất có ích nếu chúng tạo ra nguồn cảm hứng cũng như dẫn đến giai đoạn tu tuệ. Tuy nhiên, chỉ có trí tuệ tự chứng mới có thể giải thoát, vì đây là trí tuệ của chính chúng ta, trí tuệ được phát sinh từ kinh nghiệm của chúng ta.
Một ví dụ về ba loại trí tuệ này: Một bác sĩ cho bệnh nhân một toa thuốc. Bệnh nhân về nhà, và vì quá tin tưởng vào bác sĩ của mình, anh ta đọc đi đọc lại toa thuốc mỗi ngày; đây là văn tuệ (suta-mayā paññā) Phương thức trị bệnh này không làm bệnh thuyên giảm, bệnh nhân trở lại bác sĩ, yêu cầu và tiếp thu lời giải thích về toa thuốc, tại sao nó cần thiết và nó sẽ hoạt dụng như thế nào; đây là tư tuệ (cintā-mayā paññā). Cuối cùng anh ta uống thuốc và rồi khỏi bệnh. Lợi lạc chỉ có từ giai đoạn thứ ba, tức tu tuệ (bhāvanā-mayā paññā).
Quý vị tham gia khóa tu này để tự mình uống thuốc, để phát triển trí tuệ nơi quý vị. Để thực hành điều này, quý vị phải hiểu chân lý qua kinh nghiệm. Chúng ta thường nhầm lẫn sự khác nhau giữa các sự vật và hiện tượng, vì các sự vật hiện tượng sẽ hiển thị trong tương lai dường như hoàn toàn khác với bản chất thực tại của nó đang hiện hữu. Để không còn nhầm lẫn, quý vị phải tu tập trí tuệ tự chứng. Và chân lý không thể chứng nghiệm được ngoài thân tứ đại của chúng ta; chân lý có thể bị tri thức hoá. Vì vậy, quý vị phải pháp triển khả năng thể nghiệm chân lý, từ cấp độ thô nhất đến cấp độ vi tế nhất, để thoát ra khỏi vô minh và trói buộc.
Chúng ta biết rằng toàn thể vũ trụ là sự biến đổi không ngừng, nhưng nếu chỉ có sự hiểu biết bằng tri thức về sự thực này sẽ không mang lại ích lợi gì cả; chúng ta phải kinh nghiệm sự thay đổi không ngừng này trong mỗi chúng ta. Có thể một biến cố đau lòng xảy ra, như cái chết của người thân, bắt buộc chúng ta phải trực diện với vô thường khắc nghiệt, và chúng ta bắt đầu hiểu biết, thấy những lo toan kiếm lợi vật chất thế gian và tranh đua với người chỉ là những mưu cầu vô ích. Nhưng không bao lâu thói quen cũ của tính vị kỷ xác định lại quyền lực của nó, và trí tuệ suy giảm, vì nó không được căn cứ vào kinh nghiệm trực tiếp của cá nhân. Chúng ta không tự chứng nghiệm được thực tại vô thường.
Vạn vật phù du, sinh và diệt trong mỗi sát na (anicca); nhưng quá trình sinh-diệt diễn ra nhanh và liên tục tạo ra ảo tưởng như thường hằng. Ánh sáng của ngọn đèn cầy và của đèn điện đều thay đổi liên tục. Nếu nhận thức bằng giác quan, chúng ta có thể khám phá ra tiến trình thay đổi liên tục và không còn ảo giác, như trường hợp ánh sáng ngọn đèn cầy. Nhưng trong trường hợp ánh sáng của đèn điện, các giác quan của chúng ta không thể nhận ra sự thay đổi quá nhanh và liên tục của nó, do đó ảo giác mê lầm càng khó phá vỡ. Chúng ta có thể khám phá sự thay đổi liên tục của dòng sông, nhưng làm thế nào để chúng ta nhận ra một người đang tắm trong dòng sông đó cũng đang thay đổi liên tục trong từng sát na?
Phương cách duy nhất để phá vỡ ảo giác là hiểu biết và khám phá tự thân, và thể nghiệm thực tại của thân và tâm. Đây là những khám phá và thể nghiệm mà Bồ-tát Siddattha Gotama đã thực hành để trở thành một vị Phật. Từ bỏ tất cả thành kiến trước đây, Ngài quán chiếu tự thân để khám phá bản chất thật của cơ cấu thân và tâm. Bắt đầu từ cấp độ thô, ngoại tại, Ngài thể nhập vào cấp độ vi tế nhất, và Ngài khám phá ra toàn bộ cấu trúc cơ thể, toàn bộ thế giới vật chất, được kết hợp bằng những vi bào, thuật ngữ Pāli gọi là attha kalāpā. Và Ngài khám phá ra rằng mỗi vi bào này hàm chứa bốn đại: đất, nước, lửa, không khí và những đặc tính hỗ trợ của chúng. Ngài thấy được những vi bào này là những khối cơ bản xây dựng nên vật chất, và chính chúng luôn luôn sinh diệt liên tục nhanh chóng hàng tỉ lần trong một giây. Thực tế không có sự thường hằng nào trong thế giới vật chất này; chúng không là gì cả ngoại trừ sự đốt cháy và dao động. Các nhà khoa học hiện đại đã công nhận những khám phá của đức Phật, và đã chứng minh qua thực nghiệm rằng toàn bộ thế giới vật chất được kết hợp bởi những thành nguyên tử luôn sinh diệt mau chóng. Tuy nhiên, những nhà khoa học này không giải thoát khỏi những khổ đau, vì trí tuệ của họ chỉ là tri thức. Các nhà khoa học không trực tiếp tự thể nghiệm chân lý như đức Phật. Khi nào chúng ta tự thân kinh nghiệm thực tại vô thường nơi chính chúng ta, chỉ khi đó chúng ta mới bắt đầu đoạn trừ khổ đau.
Khi chúng ta tu tập và tuệ tri vô thường trong chúng ta, một yếu tố khác của trí tuệ sinh khởi: chúng ta tuệ tri không có "cái Ta" và "cái của Ta" (anttā). Trong toàn bộ cơ cấu thân và tâm, không có gì có thể lưu lại hơn một sát na, không có gì chúng ta có thể xem như tự ngã bất biến hoặc linh hồn bất biến. Nếu có cái gì đó thật sự là "của Ta", thì chúng ta phải sở hữu nó, làm chủ nó, nhưng thực tế chúng ta không thể điều khiển được nó ngay cả thân thể của chúng ta. Nó luôn thay đổi, suy tàn, không màng đến những mong muốn của chúng ta.
Kế đến, chúng ta quán chiếu yếu tố thứ ba của trí tuệ: đó là khổ (dukkha). Nếu chúng ta muốn sở hữu hoặc chấp giữ những gì mà chúng thay đổi vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta, ắt hẳn chúng ta tự tạo khổ đau. Thông thường, chúng ta nhận ra khổ đau qua những kinh nghiệm của cảm thọ bất lạc, nhưng những cảm thọ lạc có thể xem như tương đồng với những nguyên nhân của khổ, nếu chúng ta tham đắm các càm giác lạc thọ, vì chúng cũng là vô thường. Tham đắm những gì mang tính tạm bợ, chắc chắn phải chịu kết quả đau khổ mà thôi.
Khi tuệ tri rõ về vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anattā), tuệ tri này sẽ hiển bày trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cũng như chúng ta tu tập để thể nhập vào nội tại, chúng ta cũng có thể nhận ra chân lý ngoại tại (apparent truth) và chân lý tối hậu (ultimate truth) tại các hiện tượng bên ngoài. Chúng ta đoạn trừ những ảo vọng và sống một cuộc đời lành mạnh và hạnh phúc.
Nhiều ảo tưởng được tạo ra do thực tại bên ngoài, do thực tại hợp nhất, hoặc do thực tại kết hợp - chẳng hạn như ảo tưởng về vẻ đẹp của thân thể. Thân thể dường như đẹp chỉ khi nó được phối hợp. Nhìn từng bộ phận của thân thể thì chẳng có gì hấp dẫn và đẹp cả (asubha). Cái đẹp thân thể là bề ngoài, thực tại ở bên ngoài, không phải là chân lý rốt ráo.
Tuy nhiên, tuệ tri bản chất hão huyền về vẻ đẹp của thân thể sẽ không còn giận ghét người khác. Khi trí tuệ sinh khởi, tự nhiên tâm trở nên bình an, không cấu nhiểm, thuần tịnh, thiện cảm đối với mọi vật. Sau khi kinh nghiệm thực tại trong mỗi chúng ta, chúng ta có thể đoạn trừ mọi ảo tưởng, tham lam, sân hận, và sống một cuộc đời an bình và hạnh phúc.
Chiều mai, quý vị sẽ thực hành những bước tiến đầu tiên vào lãnh vực trí tuệ, khi đó quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát. Đừng hy vọng rằng ngay lúc bắt đầu thực tập, quý vị sẽ thấy tất cả những phần tử vi tế sinh diệt trong thân thể quý vị. Không, quý vị bắt đầu với sự thật thô, bên ngoài, và bằng cách duy trì tâm xả ly, lần lượt quý vị thể nhập vào sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu của tâm, của thân, của những yếu tố thuộc về tâm và cuối cùng chân lý tối hậu vượt qua thân và tâm.
Để thành tựu mục đích này, quý vị phải tự nỗ lực. Vì vậy, hãy giữ nội qui thật nghiêm túc, vì đây là nền móng của thiền định, và duy trì thực tập hơi thở đến ba giờ chiều ngày mai; tiếp tục quán sát thực tại xung quanh khu vực mũi. Giữ tâm quý vị thật nhạy bén để khi bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ vào ngày mai, quý vị có thể thể nhập vào cấp độ sâu hơn và đoạn trừ những phiền não tìm ẩn ở đó. Hãy hành trì tinh tấn, liên tục, kiên cố, vì sự tốt đẹp và giải thoát cho quý vị.
Nguyện cầu tất cả quý vị thành công trong hành trì những bước đầu tiên của giáo lý giải thoát.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh đều hạnh phúc!
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ

- Những câu hỏi liên quan đến phương cách thực hành thiền Minh Sát Tuệ
- Qui luật nghiệp báo
- Tầm quan trọng của hành động thuộc về tâm
- Bốn chức năng phối hợp của tâm: ý thức, tưởng tri, cảm thọ và phản ứng
- Duy trì tâm tỉnh thức và xả ly là con đường thoát khỏi khổ đau
Ngày thứ tư là ngày rất quan trọng. Quý vị bắt đầu thâm nhập vào suối nguồn chánh pháp (Ganges of Dhamma) [1], và đang khám phá sự thật ở nơi quý vị qua những cảm thọ trên thân. Trong quá khứ, vì vô minh, những cảm thọ này là những nguyên nhân gây ra vô số khổ đau cho quý vị, nhưng chúng cũng có thể là những công cụ để đoạn trừ khổ đau. Quý vị đã thực tập bước đầu tiên của lộ trình giải thoát đó là quán sát những cảm thọ trên thân và giữ tâm xả ly.
Sau đây là một số vấn đề thuộc về kỹ thuật hành trì thiền Minh Sát Tuệ thường được hỏi đến trong khi tu tập:
Tại sao di chuyển sự quán sát trên toàn thân phải theo một trình tự nhất định và vì sao phải tuân theo trình tự này?
Có thể di chuyển sự quán sát trên thân thể với bất cứ trình tự nào, nhưng chỉ nên hành trì theo một trình tự cần thiết. Mặt khác, quý vị sẽ mắc phải nhược điểm là xao lãng không quán sát một số nơi trên thân thể, và những nơi này cảm thọ không rõ ràng và trống rỗng. Dĩ nhiên, cảm thọ có mặt khắp thân thể, và trong phương pháp tu tập này, yếu tố quan trọng là phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ trên toàn thân. Vì lý do này, sự di chuyển quán sát các cảm thọ trên thân theo một trình tự sẽ rất có lợi.
Nếu phần nào của thân thể không có cảm thọ, quý vị có thể duy trì sự chú tâm ở đó khoảng một phút. Thực tế, cảm thọ đang có mặt ở đó như những bộ phận khác của thân thể, nhưng nó thuộc dạng vi tế khiến cho tâm của quý vị không thể nhận ra, và vì vậy nơi này dường như không có cảm thọ. Duy trì khoảng một phút, theo dõi một cách yên tĩnh, lặng lẽ và xả ly. Đừng mù quáng sinh tâm tham đắm hoặc có ác cảm với bất cứ cảm thọ nào. Nếu quý vị làm như vậy, quý vị sẽ đánh mất tâm xả ly, và tâm mất bình tĩnh không còn sáng suốt; chắc chắn quý vị không thể cảm nhận những cảm thọ vi tế hơn. Nhưng nếu giữ tâm bình tĩnh, nó sẽ nhạy cảm hơn và có khả năng khám phá các cảm thọ vi tế. Hãy quán sát từng phần trên thân thể trong niệm xả ly không quá một phút. Nếu trong vòng một phút, quý vị không thấy cảm thọ khởi lên, lúc đó mỉm cười và hãy dời quán sát đi nơi khác. Vòng quán sát kế tiếp, quý vị lại duy trì quán sát một phút nữa; sớm muộn gì quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ ở đó và khắp thân thể. Nếu quý vị duy trì đã một phút nhưng vẫn không nhận ra cảm thọ, khi đó hãy cố gắng nhận ra cảm thọ của thân thể xúc chạm với quần áo nếu chỗ ấy là nơi được phủ kín, hoặc sự tiếp xúc của thân thể với môi trường nếu chỗ ấy là nơi không phủ kín. Hãy bắt đầu quán sát những cảm thọ thô này, rồi tuần tự quý vị cũng sẽ nhận ra những cảm thọ khác.
Nếu sự quán sát đã được đặt định trên một phần nào của thân thể và có một cảm thọ vừa sinh khởi ở một nơi khác, chúng ta có nên quay trở lại hoặc hướng đến để quán sát cảm thọ vừa sinh khởi này không?
Không nên làm như vậy; hãy tiếp tục di chuyển sự quán sát cảm thọ theo trình tự đã đặt định. Đừng tìm cách ngăn cản không cho những cảm thọ sinh ra ở những nơi khác của thân thể - quý vị không thể dập tắt cảm thọ theo ý muốn được- nhưng cũng đừng quá chú trọng đến chúng. Chỉ quán sát từng cảm thọ khi quý vị tuần tự hướng tâm đến nó. Nếu không, quý vị sẽ di chuyển sự quán sát cảm thọ theo kiểu nhảy vọt từ nơi này đến nơi khác, bỏ sót không quán sát nhiều phần trên cơ thể và chỉ quán sát những cảm thọ thô. Quý vị phải tự huấn luyện chính mình để quán sát tất cả những cảm thọ khác nhau trong mỗi phần của thân thể, thô hoặc tế, lạc hoặc bất lạc, dễ nhận hoặc khó nhận. Vì vậy đừng bao giờ thực hành theo lối quán sát nhảy vọt từ chỗ này đến chỗ khác.
Chúng ta phải mất bao nhiêu thời gian trong việc duy trì sự quán sát cảm thọ từ đầu đến chân?
Thời gian quán sát cảm thọ không giống nhau tùy theo tình huống mà chúng ta đang thực hành. Sự yêu cầu ở đây là hãy dán sự chú tâm của quý vị lên một khu vực xác định, và ngay lúc quý vị nhận ra cảm thọ ở đó hãy tiếp tục di chuyển đến khu vực khác. Nếu tâm quý vị có nhạy cảm tốt thì cảm thọ sẽ nhận rõ ngay lúc tâm vừa chú ý đến, và quý vị có thể tiếp tục di chuyển sự quán sát ngay. Nếu trường hợp này xảy ra khắp thân thể, thì tiến trình di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân trong vòng 10 phút; nhưng không được di chuyển sự quán sát cảm thọ nhanh hơn khoảng thời gian vừa nói. Tuy nhiên, nếu tâm thức không bén nhạy, có thể nhiều khu vực cần phải chờ khoảng một phút để cho cảm thọ sinh khởi. Trong trường hợp này, có thể mất khoảng 30 phút hoặc một giờ để di chuyển sự quán sát từ đầu đến chân. Thời gian cần thiết để quán sát cảm thọ khắp thân thể không quan trọng. Chỉ hành trì một cách nhẫn nại và kiên trì; chắc chắn quý vị sẽ thành tựu.
Vùng quán sát cảm thọ rộng khoảng bao nhiêu để có thể dán tâm vào đó?
Hãy chú tâm vào một phần của thân thể có chiều rộng khoảng hai hoặc ba inch (1 inch = 2.54 cm); kế đó di chuyển sự quán sát đến khu vực khác cũng trong khoảng 2 hoặc 3 inch. Nếu tâm thức chưa nhạy bén, hãy quán sát theo kích thước rộng hơn, ví dụ như toàn bộ khuôn mặt, hoặc toàn bộ phần trên của cánh tay; rồi từ từ cố gắng thu nhỏ vùng quán sát lại. Cuối cùng quý vị có thể cảm nhận các cảm thọ ở mỗi phần của thân thể, nhưng trong giai đoạn này, mỗi vùng quán sát có kích thước khoảng hai hoặc ba inch là đủ.
Chúng ta chỉ nên cảm nhận những cảm thọ trên bề mặt của thân thể hay cũng phải cảm nhận những cảm thọ ở bên trong thân thể nữa?
Thỉnh thoảng có thiền giả cảm nhận những cảm thọ bên trong ngay lúc vị ấy bắt đầu hành trì thiền Minh Sát Tuệ; đôi khi ban đầu vị ấy cảm nhận những cảm thọ chỉ trên bề mặt. Quán sát cảm thọ trên cả hai phương diện ngoại tại hoặc nội tại đều tốt cả. Nếu cảm thọ chỉ xuất hiện trên bề mặt, theo dõi chúng qua nhiều lần cho đến khi quý vị nhận ra cảm thọ ở mọi nơi trên bề mặt của thân thể, sau đó quý vị tiếp tục quán sát những cảm thọ bên trong. Dần dần tâm thức sẽ phát triển khả năng cảm nhận các cảm thọ khắp mọi nơi, cả bên trong lẫn bên ngoài, tại mỗi phần của thân thể. Nhưng lúc mới bắt đầu, hãy quán sát những cảm thọ bên ngoài là đủ rồi.
Lộ trình tu tập để đạt đến thực tại tuyệt đối vượt qua kinh nghiệm giác quan cần phải tu tập quán sát toàn bộ cảm thọ của các giác quan. Nếu quý vị tiếp tục thanh lọc tâm với sự hỗ trợ của cảm thọ, chắc chắn quý vị sẽ đạt đến giai đoạn tối hậu.
Khi tâm còn vô minh, chính các cảm thọ là những nhân tố làm tăng trưởng phiền não trong chúng ta, vì chúng ta phản ứng lại các cảm thọ bằng tham ái hoặc sân hận. Ngay tức khắc, khổ đau và căng thẳng thuộc về thân phát sinh, vì vậy, ngay ở cấp độ này chúng ta phải luyện tập để loại trừ chúng, và cũng để chuyển đổi thói quen của tâm thức. Chúng ta phải huân tập tâm tỉnh giác đối với các cảm thọ khác nhau mà không hề phản ứng lại, chấp nhận sự thay đổi và bản chất khách quan của chúng. Bằng cách thực hành này, chúng ta từ bỏ những thói quen phản ứng thiếu ý thức để tự giải thoát ra khỏi khổ đau.
Cảm thọ là gì?
Bất cứ điều gì mà chúng ta cảm nhận trên thân thì đó là một cảm thọ - bất cứ cảm thọ thông thường và tự nhiên nào thuộc về thân, như cảm thọ lạc hoặc khổ, thô hoặc vi tế, mạnh hoặc yếu. Đừng bao giờ bỏ qua một cảm thọ nào dù nó phát sinh từ điều kiện môi trường, hoặc phát sinh do ngồi quá lâu, hoặc do một chứng bệnh từ trước. Vấn đề là dù trong điều kiện nào quý vị đều phải nhận ra cảm thọ. Trước đây quý vị có thói quen từ chối những cảm thọ khổ và thích thú với những cảm thọ lạc. Bây giờ quý vị chỉ quán sát nó một cách khách quan nhưng không đồng nhất với chúng.
Ðây là một sự quán sát bình đẳng, đừng bao giờ cố lựa chọn những cảm thọ; thay vào đó, quý vị hãy chấp nhận bất cứ cảm thọ sinh khởi một cách tự nhiên. Nếu quý vị có ý tìm kiếm cảm thọ nổi bật hoặc cảm thọ đặc biệt, quý vị sẽ tự tạo trở ngại cho chính mình, và sẽ không thể tiếp tục tu tập theo phương pháp này được. Phương pháp hành trì cốt yếu để giữ tâm xả ly đối với bất kỳ cảm thọ nào chứ không phải để cảm nhận các cảm thọ đặc biệt. Lúc trước, quý vị đã có những cảm thọ về thân tương tự như vậy, nhưng quý vị không tỉnh giác và đã phản ứng lại những cảm thọ này. Bây giờ quý vị đang tập luyện để tỉnh giác và không phản ứng lại, cảm nhận những gì đang diễn ra trên thân và giữ tâm bình thản.
Nếu thực hành theo cách này, dần dần quý vị sẽ nhận rõ toàn bộ qui luật của tự nhiên. Giáo pháp này có ý nghĩa: bản chất tự nhiên, qui luật, chân lý. Để hiểu chân lý trên bình diện thể nghiệm, chúng ta phải khảo sát nó trong phạm vi cấu trúc của thân thể. Sự khảo sát này đã được Thái tử Sidddhattha Gotama tu tập trở thành một vị Phật. Và bất cứ ai thực hành như Ngài cũng sẽ thấu đạt chân lý một cách rõ ràng, chân lý có mặt khắp vũ trụ, có mặt ở trong và ngoài thân thể: đó là vạn vật luôn chuyển dịch. Không có gì đoạn diệt hoàn toàn; mọi vật được liên kết theo tiến trình sinh thành (bhava). Và một thực tại khác hiển bày rõ ràng: đó là không có điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Mỗi sự chuyển đổi đều có một nguyên nhân, nguyên nhân đó tạo ra một kết quả, và rồi kết quả lần lược trở thành nguyên nhân cho sự chuyển đổi khác, tạo thành một chuỗi nhân - quả không đầu mối. Và một qui luật nữa cũng hiển bày rõ ràng: đó là nguyên nhân như thế nào thì kết quả sẽ như thế ấy; hột giống như thế nào thì hoa trái sẽ như thế ấy.
Trên cùng một mảnh đất chúng ta gieo hai loại hạt giống, một loại mía và một loại "neem"- một loại cây nhiệt đới rất đắng. Giống mía phát triển thành cây mía có vị ngọt từng sớ mía, giống neem thành cây neem và có vị đắng trong từng sớ neem. Chúng ta có thể hỏi tại sao thiên nhiên lại tử tế đối với cây này và lại bạc đãi với cây khác. Thực tế, thiên nhiên không tử tế cũng chẳng phải bạc đãi; thiên nhiên làm việc theo qui luật đã đặt định. Thiên nhiên chỉ giúp mỗi loại giống hiển bày tính chất của nó. Nếu chúng ta gieo trồng những hạt giống ngọt, thu họach sẽ là trái ngọt. Nếu chúng ta gieo trồng hạt giống đắng thì kết quả sẽ là trái đắng. Khi hạt giống như thế nào thì kết quả như thế ấy; khi những hành động như thế nào thì kết quả sẽ tương xứng như thế ấy.
Vấn đề là chúng ta rất tỉnh táo khi gặt hái kết quả, muốn nhận quả ngọt, nhưng trong suốt thời vụ gieo trồng chúng ta lại không tỉnh táo và đã trồng giống đắng. Nếu chúng ta muốn quả ngọt chúng ta nên trồng những loại giống tuơng xứng. Cầu nguyện hoặc mong ước một phép màu chỉ tự lừa dối mình; chúng ta phải hiểu và sống theo qui luật tự nhiên. Chúng ta phải cẩn trọng về những việc làm của chúng ta, vì những việc làm này là hạt giống liên quan đến tính chất của các hành động mà chúng ta sẽ đón nhận kết quả ngọt hoặc đắng.
Có ba loại hành động: đó là hành động của thân, của lời nói và của ý nghĩ. Trong quá trình tu tập quán sát tự thân, chúng ta nhận ra ngay rằng hành động thuộc về tâm thức là quan trọng nhất, vì đây là hạt giống sẽ dẫn đến kết quả. Các hành động của thân và lời nói chỉ là: những hình chiếu của hành động thuộc về tâm, những thước đo để trắc đạt cường độ của tâm hành. Chúng phát sinh từ hành động thuộc về tâm, và kết quả của hành động này biểu hiện qua hành động của thân hoặc lời nói. Vì vậy đức Phật đã dạy:

Tâm dẫn đầu mọi hành động
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm ô nhiễm
Nói lên hoặc hành động,
Khổ não sẽ theo sau
Như bánh xe theo chân vật kéo
[2] .

Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hoặc hành động
Hạnh phúc sẽ theo sau
Như bóng không rời hình
[3].
Nếu đúng như thế, chúng ta cần biết tâm là gì và nó hoạt động như thế nào. Quý vị đã bắt đầu khảo sát hoạt động của tâm qua việc tu tập của chính mình. Khi hành trì, quý vị sẽ thấy có bốn yếu tố chính hoặc bốn chức năng phối hợp của tâm.
Chức năng thứ nhất gọi là Viññāna, có thể được dịch là ý thức (consciouness). Các cơ quan cảm giác sẽ không hoạt động nếu "ý thức" không có mặt ngay lúc các giác quan tiếp xúc với đối tượng. Ví dụ, nếu mắt chúng ta đang bị một vẻ đẹp cuốn hút, cùng lúc đó có một âm thanh phát ra nhưng có thể chúng ta sẽ không nghe được, vì tất cả ý thức của chúng ta đang tập trung ở mắt. Tâm thức trong chức năng này là để nhận thức và hiểu biết, không có sự phân biệt. Khi tai nghe âm thanh và ý thức chỉ lưu ý đến âm thanh đang hiện hữu.
Sau đó chức năng kế tiếp của tâm bắt đầu làm việc: tức saññā có nghĩa là tưởng tri (perception). Một âm thanh phát ra, chúng ta nhận ra nó là nhờ trí nhớ và kinh nghiệm quá khứ: âm thanh của lời nói, …những tiếng khen … tốt; hoặc ngược lại, một âm thanh của lời chê bai, … lời nói xấu. Chúng ta đánh giá tốt hoặc xấu, theo kinh nghiệm quá khứ của chúng ta.
Ngay khi đó, chức năng thứ ba của tâm thức bắt đầu làm việc: đóvedanā, có nghĩa là cảm thọ. Ngay khi âm thanh phát ra, có một cảm thọ xuất hiện trên thân thể, nhưng khi tưởng tri nhận ra âm thanh và đánh giá về âm thanh, cảm thọ lạc hoặc khổ tuỳ theo sự đánh giá này. Ví dụ như âm thanh của lời ca ngợi … tốt đẹp, và chúng ta cảm nhận một cảm thọ lạc tỏa khắp thân thể. Hoặc ngược lại; âm thanh của những lời chê bai,… xấu xa, chúng ta cảm nhận một cảm thọ bất lạc tỏa khắp thân thể. Những cảm thọ sinh khởi trên thân và được tâm cảm nhận; chức năng này gọi là vedanā.
Sau đó chức năng thứ tư của tâm thức bắt đầu làm việc: đósankhāra [4], có nghĩa là phản ứng. Khi nghe âm thanh của những lời khen ngợi… tốt đẹp… cảm thọ lạc khởi lên và chúng ta bắt đầu thích thú lời ca ngợi ấy: "Đây là lời khen ngợi tuyệt vời! Tôi muốn được khen nhiều hơn nữa!" Ngược lại: khi nghe âm thanh của những lời chê bai…xấu xa… cảm thọ bất lạc khởi lên và chúng ta khởi niệm không thích nó: "Tôi không thích lời chê bai này, hãy chấm dứt ngay!" Tại mỗi căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, tiến trình tương tự như trên xảy ra. Cũng vậy, khi tâm suy nghĩ hoặc tưởng tượng một điều gì, một cảm thọ sinh khởi trong thân, lạc hoặc bất lạc, và chúng ta bắt đầu phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét cảm thọ đó. Sự thích thú này phát triển thành tham ái; và sự chán ghét phát triển thành ác cảm mạnh. Chúng ta bắt đầu bị những triền cái trong tâm trói buộc.
đây, hành động là hột giống chắc thật dẫn đến kết quả: hạt giống này chính là sakhāra, phản ứng thuộc về tâm. Trong mỗi sát na chúng ta gieo trồng hột giống này rồi phản ứng bằng sự thích thú hoặc chán ghét, tham ái hoặc sân giận, và cứ như vậy chúng ta tự tạo ra khổ đau.
Có những phản ứng chỉ để lại ấn tượng rất nhẹ, và nó sẽ tan biến ngay tức thời, còn những phản ứng để lại ấn tượng mạnh hơn thì nó sẽ hoại diệt chậm hơn, và những phản ứng nào có ấn tượng mạnh nhất thì phải mất cả thời gian dài mới loại bỏ được. Cuối mỗi ngày, nếu chúng ta cố gắng ghi nhớ lại tất cả những phản ứng của tâm đã tạo ra, chúng ta chỉ có thể nhớ lại một hoặc hai phản ứng đã tạo ấn tượng mạnh nhất trong ngày. Cũng như vậy, cuối mỗi tháng hoặc mỗi năm, chúng ta có thể nhớ lại chỉ một hoặc hai phản ứng đã tạo ra ấn tượng sâu nhất trong thời gian ấy. Và đến cuối cuộc đời, chắc chắn những phản ứng thích thú hay chán ghét nào đã tạo thành ấn tượng mạnh nhất sẽ khởi lên trong tâm; và đời sống kế tiếp sẽ bắt đầu với tâm thức có cùng một tính chất ngọt hoặc đắng của đời sống trước. Từ những phản ứng, chúng ta tạo ra tương lai của chúng ta.
Thiền Minh Sát Tuệ dạy nghệ thuật chết: đó là làm thế nào để chết nhẹ nhàng và an lạc. Và chúng ta học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống: làm thế nào để tự chủ trong giây phút hiện tại, làm thế nào để không phản ứng ngay sát na hiện tại, và làm thế nào sống một cuộc đời hạnh phúc tại đây và ngay bây giờ. Nếu hiện tại bình an, chúng ta không cần lo lắng cho tương lai, tương lai chỉ là sản phẩm của hiện tại, và vì vậy tương lai chắc chắn sẽ tốt đẹp.
Có hai vấn đề liên quan đến phương pháp tu tập:
Vấn đề thứ nhất là quý vị đang phá vỡ chướng ngại vật giữa ý thức và vô thức. Thông thường, ý thức không biết những gì mà tâm vô thức đã kinh nghiệm. Do sự cản trở này, những phản ứng luôn xảy ra ở vô thức; khi những phản ứng này đạt đến mức độ nhận thức, chúng trở nên quá mạnh và có thể dễ dàng áp đảo tâm thức. Qua phương pháp tu tập này, tất cả những chức năng của tâm thức trở nên nhạy bén, tỉnh giác; nhờ đó vô minh sẽ được đoạn trừ.
Vấn đề thứ hai là tâm xả ly. Chúng ta tỉnh thức tất cả những gì chúng ta kinh nghiệm trong mỗi cảm thọ, nhưng đừng phản ứng lại, đừng tạo thêm tham ái hoặc sân giận, đừng làm khổ chính mình.
Khi bắt đầu ngồi thiền, hầu như quý vị thường phản ứng lại những cảm thọ, nhưng sẽ có một vài khoảnh khắc nào đó quý vị ở trong trạng thái tâm xả ly, mặc dầu quý vị cảm nhận đang rất đau. Những khoảnh khắc này có năng lực rất mạnh trong việc chuyển đổi những thói quen trong tâm. Dần dần quý vị sẽ đạt đến trạng thái quý vị có thể mỉm cười với bất cứ cảm thọ nào, nhận biết nó là vô thường (anicca), chắc chắn nó sẽ trôi qua.
Để đạt được trạng thái này, chính quý vị phải thực hành; không ai có thể tu tập thế cho quý vị. Quý vị đã bước vào giai đoạn đầu của con đường tu tập này là điều rất tốt. Hãy tiếp tục tiến bước, tuần tự từng bước một, hướng đến giải thoát cho chính mình.

Cầu mong tất cả quý vị vui với chân hạnh phúc.
Cầu mong tất cả chúng sanh được an vui.
Ghi chú:
[1] Ganges là sông Hằng, được xem là dòng sông thiêng liêng nhất của Ấn Độ, biểu tượng của chân lý vĩnh hằng.
[2] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 1.
[3] Kinh Pháp Cú, phẩm Song Yếu, câu 2.
[4] Sankhāra: thông thường thuật ngữ này được dịch là "hành", cùng với sắc, thọ, tưởng và thức gọi là hợp thể ngũ uẩn của mỗi con người. Và nó là chi phần thứ hai trong ‘Thập nhị nhân duyên’. Nó là hành vi thuộc về tâm, có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến hành vi của lời nói và thân thể. Một chức năng quan trọng khác của nó là ‘phản ứng’ lại các đối tượng của sáu giác quan qua cộng tác với ý thức, tưởng tri và cảm thọ. Trong phạm vi của mười bài giảng này nó được dùng trong ý nghĩa ‘phản ứng’ lại các cảm thọ.


BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

- Bốn sự thật cao thượng: Sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật về sự đoạn diệt khổ và sự thật về con đường dẫn đến đoạn diệt khổ.
- Vòng duyên khởi có điều kiện
Ngày thứ năm đã qua; quý vị còn năm ngày tu tập nữa. Hiểu biết đúng phương pháp tu tập, quý vị hãy cố gắng nỗ lực hành trì trong những ngày còn lại.
Bắt đầu quán sát theo dõi hơi thở trong một khu vực giới hạn, quý vị đã thực tập quán sát những cảm thọ trên toàn thân. Khi bắt đầu quán sát, chúng ta sẽ tiếp xúc những cảm thọ thô, cứng ngắt, khốc liệt, chán ghét như cảm thọ đau, cảm thọ căng thẳng v.v... Trước đây, quý vị đã kinh qua những cảm thọ này, nhưng quý vị có thói quen phản ứng lại cảm thọ, đắm nhiễm cảm thọ lạc và vướng kẹt cảm thọ khổ, và quý vị luôn luôn bị khuấy động. Giờ đây quý vị đang hành trì phương cách quán sát mà không phản ứng lại, khảo sát các cảm thọ một cách khách quan, không đồng nhất với chúng nó.
Đau khổ vẫn còn tồn tại và hiện hành. Khóc than sẽ không vơi đi đau khổ. Làm sao chúng ta đoạn trừ được khổ đau? Làm sao chúng ta sống với khổ đau?
Một vị bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân, ông cần phải biết căn bịnh của bệnh nhân, và đâu là nguồn gốc của căn bệnh. Nếu tìm ra nguyên nhân của căn bệnh, bác sĩ cần phải có phương pháp trừ khử. Một khi nguyên nhân đã trừ khử rồi, căn bệnh tự động sẽ lành. Vì vậy chúng ta phải thực tập từng bước sau đây để loại trừ nguyên nhân.
Trước hết chúng ta phải chấp nhận sự thật khổ. Khổ hiện hữu ở mọi nơi; sự thật này hiển bày ở tất cả. Nhưng chân lý về khổ trở thành sự thật chỉ khi chúng ta bắt đầu quán sát nó mà không phản ứng lại, bởi vì bất cứ ai thực hành như vậy chắc chắn sẽ trở thành một người cao thượng, một bậc thánh.
Khi chúng ta bắt đầu quán sát sự thật tối thượng thứ nhất, sự thật về khổ, ngay khi đó nguyên nhân của khổ hiển bày rõ ràng, và chúng ta cũng bắt đầu quán sát nó. Đây là sự thật tối thượng thứ hai. Nếu nguyên nhân của khổ được đoạn trừ thì khổ cũng được đoạn trừ. Đây là sự thật tối thượng thứ ba - sự đoạn trừ khổ đau. Để đoạn trừ khổ, chúng ta phải tu tập những phương thức đoạn trừ khổ. Đây là sự thật tối thượng thứ tư - con đường dẫn đến chấm dứt khổ ngang qua việc đoạn trừ các nguyên nhân của nó.
Chúng ta bắt đầu tập quán sát không phản ứng lại. Quý vị quán sát và chiêm nghiệm sự đau khổ của bản thân một cách khách quan, như thể quý vị đang quán sát sự đau khổ của người khác. Xem xét nó kỹ lưỡng như một nhà khoa học đang tiến hành cuộc thí nghiệm trong phòng thí nghiệm. Khi quý vị bị thất bại, hãy cố gắng trở lại. Luôn nỗ lực, và quý vị sẽ thấy quý vị đang đi dần ra khỏi khổ đau.
Mọi chúng sanh đều phải chịu khổ đau. Cuộc đời khởi đầu bằng tiếng khóc; sanh là nỗi khổ lớn. Và bất cứ ai đã sinh ra thì ắt hẳn phải chịu những khổ đau của bệnh và tuổi già. Đời sống của chúng ta dù khổ thế nào đi nữa cũng không ai muốn chết, vì chết là nỗi khổ lớn.
Suốt cuộc đời, chúng ta đối diện những gì mà chúng ta không thích, và bị tách xa những gì mà chúng ta thương mến. Những gì chúng ta không mong muốn lại đến, những gì chúng ta mong muốn lại không đến, và chúng ta cảm thấy đau khổ.
Nếu chỉ hiểu biết sự thật khổ trên lĩnh vực tri thức, chúng ta không thể nào giải thoát khổ đau được. Tri thức chỉ có thể cung cấp chúng ta một động lực để tự nhìn lại chính mình, để chiêm nghiệm sự thật và tìm ra con đường thoát khổ. Đây là phương pháp mà Thái Tử Siddhatha Gotama thực hành để trở thành một vị Phật: Ngài đã bắt đầu quán sát thực tại ngay tự thân giống như một nhà nghiên cứu khoa học, di chuyển sự quán sát thực tại từ thô, bên ngoài đến thực tại vi tế hơn và cuối cùng là thực tại vi tế nhất. Ngài đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào chúng ta sinh khởi tham ái, chấp thủ một cảm thọ lạc hoặc từ bỏ một cảm thọ bất lạc, và khi tham ái đó không được thỏa mãn, chúng ta bắt đầu khổ đau. Và xa hơn nữa, ở cấp độ vi tế nhất, khi chánh niệm quán sát, Ngài thấy rằng chính tham đắm năm thủ uẩn, năm tập hợp tạo thành thân này là khổ. Qua tư duy, chúng ta có thể hiểu rằng sắc uẩn hay thân thể, không phải là "Ta", không phải "của Ta", vì sắc uẩn chỉ là hiện tượng khách quan, nó luôn thay đổi vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta; tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta đánh đồng chính mình với thân thể (sắc uẩn), và khởi tâm tham đắm nó. Tương tự chúng ta tập nhiễm tham đắm đối với bốn thủ uẩn còn lại: đó là thức uẩn, tưởng uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, và chấp thủ chúng "là Ta", "của Ta" cho dù bản chất của chúng luôn liên tục thay đổi. Vì mục đích tự lợi chúng ta quen dùng những từ "Ta" và "của Ta", nhưng khi nào chúng ta tham đắm năm thủ uẩn thì khi đó chúng ta tạo ra đau khổ cho bản thân. Bất cứ nơi nào có tham đắm, nơi đó chắc chắn có đau khổ sinh ra, và tham đắm bao nhiêu thì khổ não sẽ bấy nhiêu.
Có bốn loại tham luyến có mặt trong cuộc sống mà chúng ta luôn duy trì và phát triển chúng. Thứ nhất, do thói quen tham ái, chúng ta thường tham luyến những khát vọng. Bất cứ khi nào tâm tham ái sinh khởi, nó kết hợp với một thân cảm thọ. Mặc dầu ở độ sâu, tâm rung động đã phát sinh, ở cấp độ bên ngoài, chúng ta cũng khởi tâm thích thú và mong muốn cảm thọ tiếp tục còn mãi. Tham ái có thể ví như việc thích thú cào gãi một vết thương đang ngứa: cào gãi như vậy chỉ làm cho vết thương trầm trọng thêm, tuy nhiên chúng ta vẫn thích thú cảm thọ cào gãi ấy. Cũng như vậy, ngay khi khát ái được thỏa mãn, cảm thọ phối hợp với khát ái cũng tan biến, và cứ thế chúng ta tạo ra khát ái mới theo cách đó để cảm thọ có thể tiếp tục. Chúng ta đắm chìm trong tham ái và tạo thêm đau khổ cho chính mình.
Một tham luyến khác là sự chấp thủ "cái Ta" và "cái của Ta", không nhận ra thật thể "cái Ta" là gì. Chúng ta không thể chịu đựng bất cứ phê bình hoặc điều gì có hại đến "cái Ta". Và sự tham luyến bao trùm lên bất cứ những gì liên quan đến "cái Ta" và "cái của Ta". Tham luyến này sẽ không dẫn đến đau khổ nếu bất cứ những gì liên quan đến "cái của Ta" có thể tồn tại vĩnh viễn, và "cái Ta" cũng có thể tồn tại để vui thú mãi mãi với nó, nhưng theo qui luật tự nhiên, sớm muộn gì "cái Ta" hoặc "cái của Ta" cũng phải tuân theo qui luật vô thường. Tham luyến những gì thuộc vô thường, chắc chắn chúng sẽ mang lại khổ đau. Tương tự, chúng ta chấp thủ quan điểm và niềm tin của mình, và không thể chịu đựng nổi bất cứ sự phê bình chỉ trích nào, hoặc ngay cả chấp nhận những người khác quan điểm với chúng ta. Chúng ta không hiểu rằng mỗi người đang mang một cặp kính màu khác nhau. Thay vì tháo cặp kính màu ra, chúng ta sẽ thấy rõ sự thật như nó đang hiển bày, không bị che phủ, nhưng ở đây chúng ta vẫn cố chấp màu sắc của cặp kính, chấp giữ những định kiến và niềm tin cá nhân.
Còn một tham luyến khác nữa là chúng ta chấp thủ vào những nghi lễ, hình thức, và các nghi thức hành trì của tôn giáo. Chúng ta sai lầm vì không biết rằng, tất cả những thứ này chỉ là hình thức bề ngoài và không chứa đựng gì cốt lõi của chân lý. Nếu một người được hướng dẫn phương pháp tu tập để kinh nghiệm trực tiếp sự thật ở bản thân nhưng anh ta vẫn tiếp tục chấp thủ những hình thức trống rỗng bề ngoài ấy, chấp thủ này sẽ tạo ra tranh đấu và khổ đau trong anh ta.
Nếu được quán sát kỹ chúng ta sẽ thấy rằng tất cả khổ đau trong cuộc đời phát sinh từ một trong bốn tham chấp trên. Đây là những yếu tố mà Thái tử Siddhattha Gotama đã khám phá trong suốt hành trình tìm cầu chân lý. Vẫn chưa hết Ngài tiếp tục quát sát tự thân để khám phá nguyên nhân sâu xa của khổ đau, để hiểu và tìm ra căn nguyên của toàn bộ tiến trình vận hành.
Dĩ nhiên, những nỗi khổ trong cuộc đời như sanh, già, chết, khổ đau của thân và tâm, là kết quả tất yếu của kiếp người trót đã được sinh ra. Như thế, nguyên nhân của sinh là gì? Dĩ nhiên, nguyên nhân trực tiếp của sinh là sự phối hợp sinh lý của cha mẹ, nhưng xét trên phương diện rộng hơn, sinh xảy ra vì tiến trình liên kết hình thành của toàn bộ vũ trụ. Ngay lúc chết tiến trình sinh vẫn không chấm dứt: nghĩa là thân thể tiếp tục suy mòn, tiếp tục phân rã, trong khi tâm thức đã nối kết với một thân thể mới, và tiếp tục dòng vận hành sinh thành. Và tại sao lại có tiến trình sinh thành này? Ðức phật đã liễu tri nguyên nhân của sinh chính là tham ái mà chúng ta đã huân tập. Do tham ái, chúng ta đã tạo ra những phản ứng mạnh, sankhārā, và chính phản ứng này đã tạo ra ấn tượng mạnh trong tâm thức của chúng ta. Vào lúc chấm dứt cuộc đời, một trong những ấn tượng này sinh khởi trong tâm và sẽ tạo ra một lực đẩy để cho dòng tâm thức tiếp tục hoạt động.
đây nguyên nhân của tham luyến này là gì? Ngài đã phát hiện ra rằng tham luyến sinh ra là do các phản ứng thương - ghét liên tục xảy ra. Thương phát triển thành tham ái; và ghét phát triển thành sân hận. Và tại sao lại có những phản ứng thương - ghét này liên tục xảy ra? Bất cứ ai quán sát chính mình sẽ thấy rằng chúng xảy ra là do những cảm thọ về thân. Bất cứ khi nào một lạc thọ khởi lên, chúng ta thích nó, muốn giữ nó và muốn nó nhiều hơn nữa. Khi nào một cảm thọ khổ sinh khởi, chúng ta không thích và muốn loại trừ nó đi. Và tại sao lại có những cảm thọ này? Rõ ràng chúng sinh khởi do sự tiếp xúc của một giác quan nào đó với đối tượng: như mắt tiếp xúc hình sắc, tai với âm thanh, mũi với hương, lưỡi với vị, thân thể với xúc chạm, ý thức với một tư tưởng hoặc sự tưởng tượng. Ngay khi xúc sinh ra, chắc chắn một cảm thọ sẽ sinh khởi: đó là lạc thọ, khổ thọ, hoặc bất khổ bất lạc thọ.
Và nguyên nhân của xúc là gì? Tất nhiên, tất cả vật thể trong vũ trụ là những đối tượng của các giác quan. Một khi sáu giác quan (năm giác quan thuộc về thân và một giác quan thuộc về ý thức) còn hiện hành, ắt hẳn chúng phải tiếp xúc với đối tượng tương ứng của chúng. Và tại sao những giác quan này có mặt? Rõ ràng rằng chúng là những bộ phận không thể tách rời dòng hiện hành của sắc (thân thể) và tâm; chúng sinh ra ngay lúc đời sống bắt đầu. Và tại sao dòng vận hành đời sống, dòng vận hành của thân và tâm xảy ra? Vì sự vận hành của tâm thức, từ sát na này đến sát na khác, từ đời sống này đến đời sống khác. Và tại sao có dòng vận hành của tâm thức này? Ngài đã thấy rằng nó sinh khởi là vì những phản ứng thuộc về tâm (sankhārā). Mỗi phản ứng tạo ra một lực đẩy cho dòng tâm thức vận hành; sự vận hành này tiếp tục được tạo ra do sự thúc đẩy của những phản ứng (sankhārā). Và tại sao những phản ứng này xảy ra? Ngài thấy rằng chúng sinh ra vì vô minh. Chúng ta không biết những điều chúng ta đang làm, không biết chúng ta phải phản ứng như thế nào, vì vậy chúng ta liên tục tạo ra sankhārā. Hễ vô minh còn hiện hữu thì khổ đau còn tồn tại.
Nguồn gốc và nguyên nhân sâu xa nhất của vòng luân hồi khổ là vô minh. Do vô minh, mười một yếu tố còn lại của vòng luân hồi vận hành, do sự vận hành này chúng ta tự tạo ra khổ đau chất chồng như núi. Nếu vô minh có thể được đoạn trừ, khổ đau sẽ được đoạn trừ.
Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra vòng luân hồi đau khổ này? Làm thế nào chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi? Dòng vận hành của đời sống, của thân và tâm, đã hiện hữu. Tự tử sẽ không giải quyết được vấn đề mà chỉ tạo ra khổ đau mới mà thôi. Chúng ta cũng không thể hoại diệt các giác quan mà không hoại diệt thân thể. Bất cứ khi nào các giác quan còn hiện hành, chắc chắn chúng sẽ tiếp xúc với các đối tượng tương ứng, và khi nào có tiếp xúc, chắc chắn cảm thọ sẽ khởi lên trong thân.
Tại đây và bây giờ, ngay lúc cảm thọ, chúng ta có thể phá vỡ vòng luân hồi. Trước đây, mỗi cảm thọ tạo ra phản ứng thích thú hoặc chán ghét, chính thích thú hoặc chán ghét này phát triển thành tham ái hoặc sân giận, gây ra nhiều khổ não. Nhưng bây giờ, thay vì phản ứng lại cảm thọ, quý vị chỉ thực hành quán sát cảm thọ trong niệm xả ly, và tuệ tri rằng: "Cảm thọ này rồi cũng sẽ biến đổi." Quán sát cảm thọ theo cách này chắc chắn trí tuệ phát sinh, thấu đạt vô thường (anicca). Chúng ta làm vòng vận hành của bánh xe đau khổ dừng lại và bắt đầu quay nó theo hướng ngược lại, hướng đến giải thoát.
Bất cứ sát na nào chúng ta không tạo ra phản ứng mới (sankhārā), một trong những phản ứng cũ sẽ sinh khởi lên bề mặt của tâm thức kết hợp với phản ứng vừa sinh ra, một cảm thọ sẽ sinh ra trong thân. Nếu chúng ta giữ tâm xả ly, cảm thọ này sẽ tan biến và một phản ứng cũ khác sinh ra tại vị trí của nó. Chúng ta tiếp tục giữ sự xả ly đối với những cảm thọ trên thân, những phản ứng cũ tiếp tục sinh ra và tan biến, cái này nối tiếp cái kia. Nếu vì vô minh chúng ta phản ứng lại những cảm thọ, kết quả chúng ta sẽ tạo ra nhiều sankhārā, tạo ra nhiều đau khổ cho bản thân. Nhưng nếu chúng ta phát triển trí tuệ và không phản ứng lại với các cảm thọ, khi đó lần lượt những sankhārā và khổ đau sẽ được đoạn trừ.
Toàn bộ tiến trình là phương hướng dẫn đến đoạn trừ khổ đau. Khi hành trì, quý vị sẽ thấy rằng quý vị không còn tạo ra trói buộc mới, và những trói buộc cũ tự động mở ra. Tuần tự, quý vị sẽ tiến triển đến một giai đoạn, nơi đó tất cả sankhārā dẫn đến đời sống mới và khổ đau mới đều được đoạn trừ: đó là giai đoạn chứng ngộ và giải thoát viên mãn.
Bước vào tu tập, chúng ta không cần thiết phải tin vào những kiếp sống quá khứ và vị lai. Trong việc hành trì thiền Minh Sát Tuệ, sống với giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất. Ở đây, trong kiếp sống này, chúng ta liên tục tạo ra sankhārā, tạo ra khổ đau cho bản thân. Nếu quý vị hành trì, chắc chắn rằng một ngày nào đó quý vị sẽ nói rằng quý vị đã đoạn trừ hết tất cả sankhārā cũ, đã không còn tạo ra sankhārā mới nữa, và như thế chính quý vị đã giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.
Để đạt được mục đích này, quý vị phải tự mình tu tập. Vì vậy hãy tinh tấn hành trì trong năm ngày còn lại để loại trừ khổ đau, và hân hoan với niềm vui giải thoát.

Cầu mong tất cả quý vị an vui với chân hạnh phúc.
Cầu mong tất cả chúng sanh được hạnh phúc.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét