Thiền sư Goenka - Giáo trình vispassana - Phần 4/4


- Áp dụng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ vào đời sống hằng ngày
- Mười pháp Ba-la-mật (pāramī)
- Ôn lại phương pháp thực hành

 
 BÀI GIẢNG NGÀY THỨ CHÍN

- Áp dụng phương pháp thiền Minh Sát Tuệ vào đời sống hằng ngày
- Mười pháp Ba-la-mật (pāramī)

Ngày thứ chín đã qua. Bây giờ là lúc thảo luận về cách thức để thực hành giáo pháp trong đời sống hằng ngày. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Giáo pháp là một nghệ thuật sống. Nếu chúng ta không thể áp dụng giáo pháp vào trong đời sống thường ngày thì việc tham dự một khóa tu không khác gì việc hành trì một nghi thức hoặc một nghi lễ.
Mọi người đều phải đối diện với những hoàn cảnh bất như ý trong cuộc sống. Bất cứ khi nào những điều bất như ý xảy ra, tâm chúng ta mất bình tĩnh và chúng ta bắt đầu tự tạo ra phiền não. Và bất cứ khi nào phiền não sinh khởi trong tâm, chúng ta trở nên khổ sở. Chúng ta làm thế nào để không tạo ra phiền não, không tạo ra căng thẳng? Chúng ta phải làm thế nào để giữ tâm bình an và hài hòa?
Các nhà hiền triết đã khám phá ra thực tại của thân và tâm và cũng đã tìm ra một giải pháp để giải quyết những vấn đề này: đó là khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm vì bất cứ lý do gì, chúng ta nên chuyển sự chú ý của chúng ta đến một nơi khác. Ví dụ, chúng ta có thể đứng dậy, uống một ngụm nước, bắt đầu đếm, hoặc bắt đầu tụng danh hiệu của một thần hoặc tâm hướng đến một vị thánh mà chúng ta thành tâm tôn kính. Bằng cách chuyển đổi sự chú ý, chúng ta sẽ thoát khỏi phiền não bất như ý.
Giải pháp này có thể thực hành. Nhưng một số nhà khám phá chân lý nội tại khác đã đi vào cấp độ sâu nhất của thực tại, chân lý tối hậu. Các bậc Giác Ngộ này đã tuệ tri rằng do chuyển đổi sự chú ý, chúng ta tạo ra một lớp bình an và hài hòa ở cấp độ nhận thức, nhưng chúng ta đã không đoạn trừ phiền não đã và đang sinh khởi. Chúng ta chỉ đè nén nó. Ở cấp độ vô thức, nó tiếp tục tăng trưởng và mạnh mẽ hơn. Sớm hay muộn miệng núi lửa phiền não ngủ ngầm sẽ phụt ra và áp đảo tâm thức. Khi nào phiền não còn tồn tại, ngay cả ở cấp độ vô thức, giải pháp trên chỉ có hiệu nghiệm một phần nào và chỉ tạm thời mà thôi.
Một vị giác ngộ hoàn toàn đã tìm ra giải pháp đúng đắn: đóđừng tìm cách chạy trốn khổ đau; hãy đối diện với nó. Quán sát bất cứ phiền não nào sinh khởi trong tâm. Chúng ta quán sát nhưng không đè nén, cũng không để cho nó có những hành động xấu thể hiện qua thân hoặc lời nói. Chỉ có sự quán sát là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này. Khi chúng ta bắt đầu quán sát, phiền não mất đi sức mạnh và bị tiêu hoại, nó không áp đảo được tâm thức. Không chỉ thế, một số phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng bị tiêu diệt. Một khi một phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức, một phiền não ngủ ngầm cùng loại cũng sinh ra từ vô thức, bắt đầu liên kết với phiền não hiện tại, (phiền não sinh khởi ở cấp độ nhận thức) và chúng bắt đầu tăng trưởng. Nếu chúng ta quán sát các phiền não ấy, không những phiền não hiện tại mà còn một phần nào của phiền não ngủ ngầm sẽ được đoạn trừ. Bằng cách này, lần lượt tất cả phiền não sẽ được đoạn trừ, và chúng ta thoát khỏi khổ đau.
Nhưng đối với một người bình thường, việc quán sát một tâm phiền não thật không dễ. Chúng ta không biết khi nào phiền não phát khởi và nó chế ngự tâm thức như thế nào. Khi phiền não xuất hiện ở cấp độ nhận thức, nó trở nên quá mạnh đến nỗi rất khó cho việc quán sát mà không phản ứng lại. Dù là chúng ta cố gắng quán sát như vậy, việc quán sát một phiền não vi tế của tâm thức như sân hận, sợ hãi, hoặc tham ái ngấm ngầm cũng rất khó khăn. Thay vào đó, sự tập trung của chúng ta bị kích động bởi những phiền não từ bên ngoài, những điều này chỉ làm cho phiền não tăng trưởng.
Tuy nhiên, những vị Giác Ngộ đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não sinh khởi trong tâm, ngay lúc đó có hai yếu tố cũng phát sinh trong thân thể: đó là hơi thở sẽ trở nên khác thường, và phản ứng sinh-hóa còn gọi là cảm thọ xảy ra trên thân thể. Một giải pháp hữu hiệu đã được tìm ra. Rất khó quán sát những phiền não vi tế khởi lên trong tâm, nhưng nhờ tu tập chúng ta thực hành ngay lúc quán sát hơi thở và cảm thọ, cả hai đều là những tướng trạng của thân phiền não. Khi quán sát phiền não trong thân, chúng ta cho phép nó sinh ra rồi diệt đi mà không gây ra tác hại nào. Chúng ta bắt đầu giải thoát phiền não.
Phải mất nhiều thời gian chúng ta mới có thể thuần thục được phương pháp tu tập này, nhưng khi hành trì, dần dần chúng ta thấy rằng nhiều vấn đề bất như ý từ bên ngoài đưa đến mà trước đây chúng ta thường phản ứng lại chúng, bây giờ chúng ta có thể giữ tâm bình thản đối với chúng. Mặc dù chúng ta phản ứng, phản ứng này sẽ không quá mạnh hoặc kéo dài như nó đã có ở quá khứ. Một lúc nào nó sẽ khởi lên trong hoàn cảnh bực tức nhất, chúng ta có thể được nhắc nhở và cảnh giác bằng hơi thở và cảm thọ, và chúng ta sẽ bắt đầu quán sát chúng, ngay cả trong vài sát na. Những sát na tự quán sát này sẽ hoạt động như một thiết bị giảm sốc giữa những kích động bên ngoài và phản ứng lại của chúng ta. Thay vì phản ứng lại một cách mù quáng, chúng ta giữ tâm bình tĩnh, và làm những việc có lợi cho chúng ta và mọi người.
Quý vị đã thực tập bước đầu tiên hướng đến đoạn trừ phiền não và chuyển đổi những thói quen của tâm thức qua sự quán sát cảm thọ ở chính quý vị.
Từ lúc sanh ra đời, chúng ta thường có thói quen hướng ngoại. Chúng ta không bao giờ quán sát tự thân, và vì vậy chúng ta không thể đi vào những vấn đề sâu kín của chúng ta. Chẳng hạn chúng ta tìm nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta từ bên ngoài, và luôn luôn đổ lỗi người khác làm chúng ta đau khổ. Chúng ta nhìn những sự vật chỉ qua một góc cạnh, một phần của quan điểm, chắc chắn chúng ta đã hiểu sai lệch những điều này; và lại nữa chúng ta chấp chặt quan điểm của mình như chân lý toàn hảo. Bất cứ việc làm nào được tạo ra từ kiến thức khiếm khuyết này chỉ sẽ làm hại cho chính mình và người khác. Để nhìn tổng thể sự thật, chúng ta phải quán sát nó từ nhiều khía cạnh. Đây là điều mà chúng ta học để hành qua phương pháp thực tập thiền Minh Sát Tuệ: đó là nhìn thực tại không chỉ bên ngoài mà còn phải nhìn bên trong nữa.
Chỉ nhìn từ một góc cạnh, chúng ta tưởng rằng khổ đau của chúng ta do người khác gây ra, do hoàn cảnh bên ngoài. Vì vậy chúng ta tập trung toàn bộ năng lực cho mục đích thay đổi người khác và thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Thực tế, đây chỉ là một nỗ lực vô ích. Thực hành quán sát thực tại, chúng ta sớm tuệ tri rằng con người hoàn toàn có trách nhiệm với khổ đau hoặc hạnh phúc của chính mình. Ví dụ, ai đó bị chỉ trích và phiền não phát sinh. Vị ấy đổ lỗi người chỉ trích làm cho mình phiền não. Thực tế người chê bai đã tạo ra khổ sở cho bản thân vì anh ta đã làm tâm mình bị nhiễm ô. Người bị chê bai cũng tự tạo ra khổ đau khi vị ấy phản ứng lại lời chỉ trích, và tự làm cho tâm mình ô nhiễm. Mỗi chúng ta có trách nhiệm về khổ đau của bản thân, không ai có thể can thiệp vào cả. Khi nào chúng ta kinh nghiệm sự thật này, sự điên rồ trong việc đổ lỗi người khác sẽ không còn nữa.
Chúng ta phản ứng lại điều gì? Chính chúng ta tạo ra ảo tưởng chứ không phải thực tại bên ngoài. Khi chúng ta nhìn ai đó, sự tưởng tượng của chúng ta bị nhuốm màu do những tập khí quá khứ của chúng ta. Những sankhāra cũ tác động lên tưởng tri của chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh mới nào. Kế đó, vì tưởng tri có điều kiện, cảm thọ lạc hoặc bất lạc sinh ra trên thân. Và tuỳ theo cảm thọ, chúng ta tạo ra một phản ứng mới. Mỗi tiến trình này đều do sankhārā cũ quyết định. Nhưng nếu chúng ta duy trì tâm tỉnh giác và xả ly đối với mọi cảm thọ, thói quen phản ứng mù quáng trở nên yếu hơn, và chúng ta thực hành quán sát thực tại như nó đang là.
Khi chúng ta phát triển khả năng nhìn sự vật từ các khía cạnh khác nhau thì bất cứ khi nào người khác chê bai hoặc cư xử thiếu đạo đức đối với chúng ta, chúng ta khởi lên tuệ tri rằng vị này đang có thái độ sai vì anh ta đang đau khổ. Với tuệ tri này, chúng ta không khởi tâm phiền não phản ứng lại mà chỉ khởi lên tình thương và lòng từ bi đối với người khổ sở, như một người mẹ cảm thông người con đang bệnh. Thiện tâm này sinh khởi để giúp người đoạn trừ phiền não. Vì vậy, chúng ta giữ sự bình an và hạnh phúc cho mình, và giúp người khác cũng được bình an và hạnh phúc. Đây là mục đích của giáo pháp, thực tập nghệ thuật sống, đoạn trừ tâm cấu uế và tăng trưởng thiện tâm, vì sự tốt đẹp cho chúng ta và mọi người.
Có mười đức tính tốt (pāramī cũng còn gọi là Ba-la-mật) thuộc về tâm mà chúng ta cần phải thực hành hoàn hảo để đạt đến mục đích tối thượng. Mục đích của tu tập mười thiện tâm này là một tiến trình hoàn toàn vô ngã . Mười pāramī này là những đức tính tốt của tâm có khả năng lần lượt xoá trừ ngã chấp, và đưa chúng ta tiến đến giải thoát. Chúng ta có cơ hội để tu tập mười đức tính này trong khóa thiền Minh Sát Tuệ.
Ba-la-mật đầu tiên là nekkhamma, có nghĩa là sự xuất ly. Chúng ta trở thành một vị Tăng hoặc Ni, xuất ly đời sống tại gia và sống cuộc đời vô sở hữu vật chất, ngay cả phải xin ăn để nuôi sống hằng ngày. Tất cả những việc làm này là vì mục đích phá bỏ tự ngã. Làm thế nào để một người tại gia có thể phát triển đức tính này? Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hội để thực hành, từ lúc có mặt ở đây chúng ta sống dựa vào sự hảo tâm của người khác. Thọ nhận bất cứ những gì như thức ăn, chốn ở, hoặc những nhu cầu khác từ sự trợ giúp của người khác, chúng ta tuần tự phát triển đức tính xuất ly (xuất gia). Những gì chúng ta thọ nhận ở đây, sử dụng chúng đúng nghĩa nhất, chúng ta nỗ lực tu tập để thanh lọc tâm không chỉ lợi ích cho bản thân mà còn cho người khác, những người đã cúng dường vì sự có mặt của chúng ta.
Ba-la-mật kế tiếp là sīla, có nghĩa là đạo đức. Chúng ta phát triển đức tính này bằng cách giữ năm giới trong suốt thời gian tu tập và trong đời sống hằng ngày. Có nhiều khó khăn làm trở ngại việc hành trì giới trong đời sống thế tục. Tuy nhiên, ở đây trong khóa tu, không có điều kiện nào tác động đến việc phá giới, vì chương trình và nội qui rất nghiêm túc. Duy chỉ trong lúc nói năng có thể chúng ta sẽ xao lãng không giữ giới nghiêm túc. Vì lý do này chúng ta phát nguyện tịnh khẩu trong chín ngày đầu của khóa tu. Nhờ vậy, ít nhất trong suốt thời gian khóa tu, chúng ta giữ giới một cách hoàn chỉnh.
Một ba-la-mật khác là viriya, có nghĩa là tinh tấn. Trong đời sống thường ngày, chúng ta nỗ lực làm việc như tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, ở đây, sự tinh tấn là để làm cho tâm thanh tịnh nhờ vào chuyên tâm tỉnh giác và xả ly. Đây là chánh tinh tấn, tinh tấn này sẽ đưa đến giải thoát.
Một ba-la-mật khác là paññā, có nghĩa là trí tuệ. Ở ngoài thế gian, chúng ta có thể có trí tuệ, nhưng chúng ta đạt được trí tuệ này là do đọc sách, nghe từ những người khác, hoặc chỉ hiểu biết bằng tri thức. Chân trí tuệ ba-la-mật là sự tuệ tri những gì khai mở trong chính chúng ta, từ kinh nghiệm thiền định. Chúng ta liễu tri trực tiếp bằng cách tự quán sát những đặc tính vô thường, khổ và vô ngã. Nhờ kinh nghiệm trực tiếp về thực tại, chúng ta loại trừ khổ đau.
Một ba-la-mật khác là khanti, có nghĩa là nhẫn nhục. Trong một khóa tu như thế này, tu tập và sống chung trong cùng một nhóm, chúng ta cảm thấy mình bị phá rối và khó chịu do những việc làm của những người khác. Nhưng không bao lâu chúng ta nhận ra rằng người gây ra phiền hà chỉ vì vị ấy không biết hành vi mình đang làm, hoặc có thể vị ấy là một người bệnh. Sự bực tức này sẽ qua đi, và chúng ta chỉ khởi tâm yêu thương và lòng từ đối với vị ấy. Chúng ta đang tu tập hạnh nhẫn nhục.
Một ba-la-mật khác là sacca, có nghĩa là sự thật. Bằng cách hành trì giới chúng ta tu tập giữ lời nói chân thật. Tuy nhiên, sacca phải được hành trì trong ý nghĩa cao hơn. Mỗi bước trên con đường hành trì phải là một bước đi tới sự thật, từ sự thật thô, sự thật bên ngoài, đến sự thật vi tế hơn và cuối cùng đến chân lý tối hậu. Không có lý do gì để tưởng tượng. Chúng ta phải luôn luôn duy trì sự thật mà chúng ta thực sự kinh nghiệm nó ở giây phút hiện tại.
Một ba-la-mật khác nữa là adhitthāna, có nghĩa là sự quyết định mạnh mẽ. Khi chúng ta tham dự khóa thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta quyết định tu tập trọn thời gian của khóa tu. Chúng ta quyết định tuân thủ giới, giữ im lặng và tất cả những nội qui của khóa tu. Sau khi được giới thiệu về pháp tu thiền Minh Sát Tuệ, chúng ta tự quyết định hành thiền trong thời gian ngồi thiền, không hề mở mắt, không cử động tay, chân. Khi tu tập phương pháp này ở giai đoạn cao hơn, quyết định ba-la-mật rất quan trọng; khi gần đạt mục tiêu tối hậu, chúng ta phải sẵn sàng ngồi bất động cho đến khi thành tựu giải thoát. Vì lý do này, sự quyết định mạnh mẽ là yếu tố cần phải tu tập.
Một ba-la-mật khác nữa là mettā, có nghĩa là tình thương vô ngã, thanh tịnh. Trước đây, chúng ta cố gắng tu tập tâm yêu thương và thiện chí đối với người khác, nhưng thiện tâm này chỉ ở mức độ nhận thức. Ở cấp độ vô thức những phiền não cũ vẫn tiếp tục tồn tại. Khi tâm thức được thuần tịnh hoàn toàn, ở cấp độ sâu thẳm của tâm thức chúng ta có thể mong ước mọi người được hạnh phúc. Đây là tình thương chân thật, có lợi cho người khác và cho chính chúng ta.
Một ba-la-mật khác là upekkhā, có nghĩa là tâm xả ly. Chúng ta tu tập tâm xả ly không chỉ đối với những cảm thọ thô, bất lạc, hoặc những khu vực không nhận ra cảm thọ trong thân thể, mà còn đối với những cảm thọ lạc, vi tế. Trong mọi lúc, chúng ta hiểu rằng sát na mà chúng ta vừa kinh qua là vô thường, chắc chắn không tồn tại. Với tuệ tri này chúng ta duy trì tâm vô tham và xả ly.
Ba-la-mật cuối cùng là dāna, có nghĩa là bố thí, làm từ thiện. Với người tại gia, đây là bước tu tập quan trọng đầu tiên. Một người tại gia còn có bổn phận kiếm sống với việc làm chân chánh để nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng nếu chúng ta khởi tâm tham lam đối với tiền bạc mà chúng ta làm ra, khi đó chúng ta đã phát triển tự ngã. Vì lý do này, một phần của cải chúng ta làm ra phải nên bố thí cho người khác. Nếu chúng ta tập bố thí, tự ngã sẽ không tăng trưởng, từ đó chúng ta hiểu rằng chúng ta làm ra vật chất vì ích lợi cho chính chúng ta và cũng vì ích lợi cho những người khác nữa. Chúng ta ước mong giúp đỡ người khác bất cứ việc gì trong khả năng của mình. Và chúng ta hiểu rằng không có sự giúp đỡ nào cao quý hơn việc giúp người tu tập chánh pháp để thoát khỏi khổ đau.
Trong một khóa tu như thế này, chúng ta có cơ hội tốt để phát triển đức tính bố thí. Bất cứ những gì chúng ta thọ nhận ở đây đều được người khác cúng dường; không đòi hỏi trả tiền phòng và ban quản lý cũng không nhận thù lao trong việc giảng dạy. Đến lượt chúng ta cúng dường vì sự lợi ích cho người khác. Số tiền chúng ta cúng dường khác nhau tùy theo khả năng của chúng ta. Chắc chắn người giàu có sẽ mong muốn được cúng nhiều hơn, nhưng với nhận thức đúng, ngay cả việc cúng dường ít nhất vẫn có giá trị trong việc tu tập ba-la-mật này. Không mong cầu bất cứ sự đáp trả nào, chúng ta cúng dường để người khác có cơ hội tu tập giáo pháp, gặt hái lợi lạc và có thể đoạn trừ phiền não.
đây quý vị có cơ hội phát triển mười ba-la-mật này. Khi tất cả mười đức tính này được tu tập viên mãn, quý vị sẽ thành tựu mục đích tối hậu.
Hãy liên tục thực hành để tiến bộ từng bước. Tiếp tục thăng tiến trên con đường giáo pháp, không chỉ vì lợi ích và giải thoát cho bản thân quí vị, mà còn lợi ích và giải thoát cho nhiều người.

Cầu mong tất cả những người khổ đau tìm đến giáo pháp thanh tịnh và giải thoát.
Cầu mong tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc.
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

- Ôn lại phương pháp thực hành
Ngày thứ mười đã qua. Chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã thực hành trong suốt mười ngày qua.
Quý vị đã bắt đầu tu tập với việc qui y Tam bảo, đó là, qui y Phật, qui y Pháp và qui y Tăng. Nhờ qui y này quý vị không bị cải đổi từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Trong thiền Minh Sát Tuệ sự cải đổi chỉ là sự chuyển đổi từ đau khổ sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ trói buộc sang giải thoát. Toàn bộ phương pháp giảng dạy của thiền Minh Sát Tuệ mang ý nghĩa phổ quát. Quý vị đã qui y không phải ở một cá nhân, giáo điều, hoặc giáo phái, nhưng quy y đức tính giác ngộ. Đức Phật là vị đã khám phá ra con đường dẫn đến giác ngộ. Con đường Ngài tìm ra được gọi là giáo pháp. Tất cả ai thực hành theo con đường này và đạt đến trạng thái thuần tịnh được gọi là Tăng già (đoàn thể thanh tịnh). Ngưỡng vọng những vị này, chúng ta qui y đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn để đạt cùng mục đích tối hậu đóđạt được tâm hoàn toàn tâm thanh tịnh. Thực chất qui y là nương tựa vào đặc tính chung của giác ngộ mà chúng ta cần tu tập trong chính chúng ta.
Đồng thời, bất cứ người nào đang tiến tu trên con đường giáo pháp sẽ khởi lên một cảm niệm nhớ ơn và ước mong phục vụ người khác mà không mong cầu đáp lại bất cứ điều gì. Hai đức tính này nổi bật nhất ở đức Phật Thích-ca, một vị Phật lịch sử. Ngài đạt được giác ngộ viên mãn nhờ nỗ lực tự thân. Tuy nhiên, vì lòng từ bi đối với chúng sanh, Ngài đã tìm cách truyền trao lại cho chúng sanh phương pháp mà Ngài đã tìm ra.
Những đức tính tương tự sẽ có mặt trong tất cả những ai tu tập theo giáo pháp và những người đoạn trừ phần nào tập khí chấp thủ tự ngã. Giáo pháp mà quý vị đang tu tập chính là qui y chân thật, bảo vệ chân thật. Tuy nhiên, cùng với việc tu tập giáo pháp chúng ta sẽ khởi tâm biết ơn đức Phật Gotama [1], Ngài đã tìm ra và giảng dạy giáo pháp này, cũng như sự biết ơn đối với chư vị đã quên mình nỗ lực bảo tồn giáo pháp trong hình thức nguyên thủy của nó qua hơn 25 thế kỷ cho đến ngày hôm nay.
Với tuệ tri này chúng ta đã qui y với Tam bảo.
Kế đến quý vị giữ năm giới. Năm giới này không phải là một nghi thức tụng đọc hoặc lễ nghi. Nhờ tuân thủ năm giới, quý vị đã tu tập giới, đây là nền tảng tu tập. Không có nền móng vững chắc của giới, toàn bộ cấu trúc của thiền định sẽ bị suy yếu. Giới luật mang tính phổ quát và không thuộc giáo phái nào. Quý vị tu tập để từ bỏ những việc làm của thân và lời nói có thể ảnh hưởng đến bình an và hài hòa của người khác. Những tâm phiền não phát sinh và hiện hành qua lời nói hoặc hành động. Trong thiền Minh Sát Tuệ quý vị nỗ lực thanh lọc tâm để tâm trở nên vắng lặng và an tịnh thật sự. Quý vị không thể tiến hành thanh lọc tâm trong khi quý vị còn tạo ra những hành động quấy nhiễu đến tâm.
Nhưng làm sao để phá vỡ vòng lẩn quẩn, trong vòng này tâm bị dao động làm những việc bất thiện và cứ như thế những việc làm bất thiện ấy lại tiếp tục làm tâm dao động thêm? Một khóa tu thiền Minh Sát Tuệ giúp quý vị có cơ hội. Vì chương trình rất nghiêm ngặt, luật lệ nghiêm túc, phát nguyện tịnh khẩu, và môi trường tác động lên sự tu tập rất mạnh, rất khó có sự chểnh mảng làm cho việc giữ năm giới của quý vị bị phá vỡ. Vì vậy, suốt mười ngày quý vị có thể hành trì giữ giới, và dựa trên nền tảng này quý vị phát triển thiền định; lại nữa thiền định làm nền tảng cho trí tuệ, với trí tuệ này quý vị có thể thâm nhập vào chiều sâu của tâm thức và thanh lọc cấu uế của tâm.
Suốt khóa tu quý vị đã giữ năm giới để có thể tu tập giáo pháp này. Sau khi hiểu rõ giáo pháp chúng ta quyết định chấp nhận và tu tập theo giáo pháp. Và chúng ta phải tuân thủ giữ giới trong suốt cuộc đời chúng ta.
Kế đến quý vị qui y trước đức Phật và vị Thầy hướng dẫn hiện tại của khóa tu mười ngày. Sự qui y này là vì mục đích của việc dẫn đến cuộc xét nghiệm phương pháp tu tập một cách thích hợp. Chỉ có ai đã qui y giáo pháp này mới có thể tiến hành tu tập và nỗ lực một cách trọn vẹn. Người nào tâm chứa đầy hoài nghi và do dự sẽ không thể tu tập thích hợp. Tuy nhiên, niềm tin mù quáng không phải là ý nghĩa của việc qui y này; tin mù quáng không thích hợp đối với giáo pháp. Nếu bất cứ nghi ngờ nào khởi lên trong tâm, quý vị nên đến vị Thầy hướng dẫn vào lúc cần thiết để hoá giải nghi ngờ.
Sự qui y còn có nghĩa là tuân thủ qui luật và thời khắc của khóa tu. Những điều này được xác định, dựa vào kinh nghiệm của hàng ngàn người tu tập trước, để có thể giúp quý vị hành trì liên tục, và giúp quí vị đạt được lợi lạc lớn lao nhất từ khóa tu mười ngày này.
Nhờ qui y, quý vị tu tập chuẩn xác khi quý vị được hướng dẫn. Bất cứ những phương pháp nào mà quý vị đã tu tập trước đây, quý vị được yêu cầu đình chỉ lại trong suốt thời gian khóa tu. Quý vị có thể gặt hái những lợi lạc và đánh giá giá trị của phương pháp chỉ khi nào hành trì nó nghiêm túc theo một phương pháp thích hợp. Mặc khác, pha trộn phương pháp hành trì có thể làm quý vị gặp nhiều khó khăn trầm trọng.
Quý vị bắt đầu thực tập thiền quán hơi thở (Anāpāna meditation) để phát huy khả năng điều phục tâm và định tâm (samādhi). Quý vị được hướng dẫn chỉ thở một cách tự nhiên không sử dụng thêm bất cứ thần chú, kệ tụng, hình tượng hoặc một thể thức nào. Lý do của sự nghiêm cấm này là để giữ tính nhất quán của phương pháp tu này: hơi thở là yếu tố quen thuộc và có thể chấp nhận đối với mọi người, nhưng một câu chú hoặc một hình tượng chỉ có thể chấp nhận ở một số người mà không thể cho tất cả.
Nhưng còn một lý do quan trọng hơn về việc tu tập chỉ quán sát hơi thở. Toàn bộ tiến trình tu tập là một cuộc khám phá ra sự thật trong mỗi chúng ta, về bản chất thật của thân và tâm, chứ không phải theo sự mong muốn của quí vị. Đó là sự quán sát thực tại. Quý vị ngồi xuống và khép mắt lại. Không nghe ngóng, không hướng tâm ra ngoài, không lay động thân thể. Lúc đó hoạt động nổi bật nhất trong thân thể quý vị là hơi thở. Quý vị tu tập qua quán sát thực tại này: đó là hơi thở tự nhiên, khi nó đi vào và ra hai lỗ mũi. Khi nào quý vị không cảm nhận hơi thở, quý vị được phép thở hơi mạnh một tí, cốt đặt sự chú ý của quý vị nơi khu vực của hai lỗ mũi, và một lần nữa quý vị trở về hơi thở tự nhiên, bình thường và nhẹ nhàng. Quý vị bắt đầu tu tập sự thật thô và bên ngoài, và khi đó quý vị tiến xa và sâu hơn vào những sự thật vi tế hơn, sự thật tối hậu. Mỗi giai đoạn trong suốt tiến trình tu tập, quý vị quán sát sự thật mà quý vị thực sự kinh nghiệm, từ thô nhất đến vi tế nhất. Quý vị không thể đạt đến chân lý tối hậu bằng sự tưởng tượng. Quý vị sẽ bị rối loạn thêm vì những viễn tưởng xa vời và chỉ tự lừa dối mình.
Nếu quý vị sử dụng thêm thần chú vào đối tượng của hơi thở, quý vị có thể tập trung tâm nhanh hơn, nhưng sẽ gặp nguy hiểm trong phương cách hành trì đó. Mỗi lời chú có một tác động đặc biệt. Bằng sự lặp lại một lời chú hoặc câu chú, chúng ta tạo ra rung động ảo giác và bị chìm sâu vào đó. Ở mức độ bên ngoài của tâm, một lớp bình an và hài hòa được hình thành, nhưng ở mức độ sâu, tâm cấu uế vẫn còn tồn tại. Con đường duy nhất để loại trừ những phiền não ngủ ngầm này là tu tập quán sát chúng, bằng cách đưa chúng lên bề mặt của tâm để chúng tiêu hoại. Nếu chỉ quán sát sự rung cảm giả tạo đặc biệt, chúng ta không thể quán sát những rung cảm tự nhiên khác nhau liên quan đến phiền não của chúng ta, đó là quán sát một cách tự nhiên những cảm thọ sinh khởi trên thân chúng ta. Vì vậy, mục đích của chúng ta là để khám phá ra thực tại của chính mình và thanh lọc tâm, nếu sử dụng câu chú có thể gây ra những trở ngại.
Tương tự, sự mường tượng - sự sao chụp một hình ảnh trong tâm - có thể trở thành một chướng ngại cho việc thực hành. Phương pháp hành trì để phá vỡ sự thật bên ngoài và đạt đến sự thật tối hậu bên trong. Sự thật bên ngoài là sự thật được phối hợp lại luôn luôn chứa đầy ảo giác, vì ở cấp độ này tưởng tri hoạt động và bị dao động do những phản ứng của quá khứ. Tưởng tri có điều kiện này phân biệt và chia chẻ dẫn đến những thiên vị và thành kiến, làm phục hồi lại những phản ứng (sankhārā). Nhưng nhờ quán sát thực tại phân biệt bên ngoài, chúng ta dần dần đi vào kinh nghiệm thực tại tối hậu của thân và tâm: không gì khác hơn ngoài những rung động sinh diệt trong mỗi sát na. Ở giai đoạn này, tâm không phân biệt, và vì vậy sự thiên vị hoặc thành kiến không thể sinh ra, không có phản ứng sinh khởi. Phương pháp tu tập tuần tự làm suy yếu đi các tưởng tri có điều kiện và vì vậy cũng làm yếu đi các phản ứng, dẫn đến một trạng thái nơi đó nhận thức và cảm thọ đều bị tiêu diệt, đó là, chứng nghiệm Niết-bàn. Nhưng với sự chú ý có chủ tâm đối với một hình thể, bóng dáng, hoặc ảo ảnh, chúng ta chỉ dừng lại ở cấp độ của thực tại bên ngoài, và không thể vượt qua thực tại này được. Vì lý do này, hành giả không nên tưởng tượng hình tượng cũng không nên đọc tụng thần chú.
Sau khi tập trung tâm thức qua quán sát hơi thở tự nhiên, quý vị bắt đầu thực hành thiền Minh Sát Tuệ để phát triển trí tuệ, quán sát bản chất của quý vị, tẩy sạch tâm cấu nhiễm. Quý vị tu tập quán sát những cảm thọ tự nhiên trên thân thể từ đầu đến chân, bắt đầu trên bề mặt và sau đó vào sâu hơn, thực tập cảm nhận cảm thọ trong và ngoài, tại mỗi phần của thân thể.
Quán sát thực tại như nó đang hiện hữu, không khởi lên thành kiến nào, để phân tán sự thật bên ngoài và đi vào sự thật rốt ráo bên trong, đây là phương pháp thiền Minh Sát Tuệ. Mục đích của việc làm phân tán thực tại thô là để có thể làm cho thiền giả thoát khỏi "cái Ta" ảo giác. Ảo giác này là nguồn gốc của tất cả tham ái và sân hận, và mang lại khổ đau vô biên. Nhờ nhận thức, chúng ta có thể nhận ra nó là một ảo giác, nhưng hiểu biết này không đủ điều kiện để chấm dứt đau khổ. Niềm tin tôn giáo hoặc triết học không có quan hệ gì, một khi chấp thủ tự ngã còn hiện hữu, chúng ta vẫn còn đau khổ. Để phá vỡ ngã chấp này, chúng ta phải kinh nghiệm trực tiếp bản chất vô thường của thân và tâm, bản chất này thay đổi liên tục vượt ngoài khả năng điều khiển của chúng ta. Duy chỉ có kinh nghiệm này chúng ta mới có thể phá vỡ ngã chấp, dẫn đến con đường thoát khỏi tham ái, sân giận và khổ đau.
Vì vậy, nhờ kinh nghiệm trực tiếp, phương pháp này là một khám phá tìm ra bản chất thật của hiện tượng mà chúng ta gọi nó là "cái Ta" và "cái của Ta". Có hai yếu tố thuộc về hiện tượng này: đó là vật chất và tinh thần, thân thể và tâm thức. Thiền giả thực tập bắt đầu bằng quán sát thực tại của thân. Để kinh nghiệm trực tiếp thực tại này, chúng ta phải cảm nhận thân thể, nghĩa là tỉnh giác các cảm thọ xuyên suốt thân thể. Vì vậy quán sát về thân (kāyānupssanā) liên hệ mật thiết với quán sát những cảm thọ (vedanānupassanā). Tương tự, chúng ta không thể kinh nghiệm thực tại của tâm thức ngoài những gì phát sinh trong tâm thức. Vì vậy, quán sát tâm (cittānupassanā) cũng liên quan mật thiết với quán sát những thành phần của tâm (dhammānupssanā).
Điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải quán sát những tư tưởng riêng biệt. Nếu cố làm như vậy chúng ta sẽ bắt đầu lún vào các tư tưởng. Chúng ta chỉ nên đơn giản duy trì sự tỉnh giác tự nhiên của tâm thức trong mỗi sát na; xem tham ái, sân hận, vô minh và rung động có mặt hay không. Và đức Phật đã khám phá ra rằng bất cứ điều gì sinh khởi trong tâm sẽ được kết hợp với một thân cảm thọ. Vì vậy, cho dù hành giả đang khám phá ra các hiện tượng thuộc tâm hoặc thân của "cái Ta", việc tỉnh giác cảm thọ là điều quan trọng.
Khám phá này là đóng góp duy nhất của đức Phật và giữ vai trò quan trọng trong giáo pháp của Ngài. Ở Ấn Độ, trước và đương thời của đức Phật, đã có nhiều vị dạy và thực hành giới và định. Trí tuệ cũng đã có mặt, ít nhất trí tuệ thuộc về tri thức hoặc thuộc tín ngưỡng: trí tuệ nhận chân tâm cấu uế là nguồn gốc của khổ đau, sự tham ái và sân giận cần được đoạn trừ để thanh lọc tâm thức và thành tựu giải thoát. Đức Phật, người duy nhất đã tìm ra con đường để thực thi điều này.
Một điều bị thiếu sót là sự tuệ tri về tầm quan trọng của cảm thọ. Thời đó cũng như ngày nay, quan điểm được chấp nhận rộng rãi rằng những phản ứng (sankhārā) của chúng ta là phản ứng với những đối tượng bên ngoài của các căn: thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc và suy tư. Tuy nhiên, sự quán sát về sự thật bên trong cho thấy rằng giữa đối tượng và sự phản ứng có một điểm tiếp nối đã bị quên đi: đó là cảm thọ. Sự tiếp xúc của một đối tượng với một giác quan tương ứng dẫn đến cảm thọ; tưởng tri (sañña) thẩm định tốt hoặc xấu, tuỳ theo sự đánh giá đó cảm thọ phát sinh lạc hoặc bất lạc, và chúng ta phản ứng với tâm tham ái hoặc sân hận. Tiến trình xảy ra rất nhanh đến nỗi khi nhận thức ra nó thì phản ứng đã được lặp lại nhiều lần và đã tập trung đầy đủ sức mạnh để chế ngự tâm thức. Để đối phó những phản ứng này, chúng ta phải tỉnh giác tại thời điểm mà chúng (phản ứng) sinh ra; chúng (phản ứng) phát sinh cảm thọ, và vì vậy chúng ta phải tỉnh giác đối với những cảm thọ. Trước thời đức Phật, chưa ai khám phá ra điều này, chính nhờ khám phá này, Bồ-tát Siddhatha Gotama đạt được sự giác ngộ, và đây là lý do tại sao Ngài luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm thọ. Cảm thọ có thể đưa đến phản ứng tham ái, hoặc sân giận, và vì vậy khổ đau sinh ra, nhưng cảm họ cũng có thể dẫn đến trí tuệ với trí tuệ này chúng ta đoạn trừ phản ứng và bắt đầu thoát khỏi khổ đau.
Trong thiền Minh Sát Tuệ, bất cứ sự tu tập nào gây chướng ngại tâm tỉnh giác đối với cảm thọ đều có hại, ví dụ như sự tập trung vào một câu thần chú hoặc một hình tượng, hoặc chỉ chú ý đến sự vận hành vật lý của thân thể hoặc chú ý đến những tư tưởng sinh khởi trong tâm. Quý vị không thể loại trừ khổ đau trừ phi quý vị đi vào nguồn gốc của nó, đó là cảm thọ.
Phương pháp thiền Minh Sát Tuệ được đức Phật giải thích trong bài kinh Mahā-Satipaṭṭhāna sutta [2] (Kinh Đại Niệm Xứ), "Bài kinh dạy về tu tập chánh niệm". Bài kinh này được chia thành nhiều phần, khảo sát những khía cạnh khác nhau của phương pháp tu tập; quán sát về thân, về cảm thọ, về tâm, và về các pháp. Tuy nhiên, mỗi phần hoặc chi phần của bài kinh có cùng một lời kết luận như nhau. Có thể có những điểm khác nhau khi bắt đầu tu tập, nhưng điều này không quan trọng, một thiền giả phải trải qua những giai đoạn, những kinh nghiệm cố định trên con đường đi đến mục đích tối hậu. Những kinh nghiệm này cũng là những kinh nghiệm cốt lõi của sự hành trì thiền Minh Sát Tuệ được mô tả trong những câu kinh được lặp lại ở kết luận của mỗi phần.
Trong giai đoạn đầu tiên này, chúng ta kinh nghiệm sự sinh khởi (samudaya) và đoạn diệt (vaya) một cách riêng biệt. Ở giai đoạn này người hành thiền tỉnh giác về thực tại kết hợp trong hình thức của các cảm thọ thô trên thân. Chúng ta tỉnh giác cảm thọ, có thể là cảm thọ đau, sinh khởi. Nó có thể tồn tại trong một thời gian và cuối cùng sẽ tan biến.
Vượt qua giai đoạn đầu, chúng ta thể nhập vào giai đoạn của sinh-diệt (samudaya-vaya), trong giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm sự sinh-diệt đồng thời xảy ra, không có khoảng cách nào giữa sinh-diệt. Những cảm thọ thô, cảm thọ hợp nhất tan rã thành những rung động vi tế, sinh và diệt rất mau chóng, và đặc tính vững chắc của thân và tâm biến mất. Xúc cảm mạnh-vững-chắc, và cảm thọ mạnh-vững-chắc đều tan rã thành những rung động. Đây là giai đoạn bhaga (sự tan rã), giai đoạn này chúng ta kinh nghiệm chân lý tuyệt đối của thân và tâm: đó là sự sinh diệt liên tục, không có sự chắc thật nào.
Giai đoạn tan rã này (bhaga) là giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình tu tập, vì chỉ khi nào chúng ta thể nghiệm sự tan rã của thân và tâm thì sự tham ái đối với chúng mới không còn hiện hữu nữa. Khi đó chúng ta không còn tham ái dù ở bất cứ phương diện nào; điều này có nghĩa là chúng ta thể nhập vào giai đoạn của sankhāra-upekkhā (giai đoạn hành-xả). Những phiền não ngủ ngầm (sankhārā) bị chôn lấp trong vô thức bây giờ xuất hiện lên bề mặt của tâm thức. Đây không phải là tiến trình thối lui mà là tiến trình thăng tiến, vì chỉ khi nào phiền não hiện ra ở bề mặt của tâm thức, chúng mới có thể đoạn trừ được. Phiền não sinh khởi, chúng ta bình thản quán sát, và chúng tuần tự tiêu diệt. Chúng ta sử dụng những cảm thọ thô và bất lạc như công cụ để loại trừ sankhārā sân hận ngủ ngầm; và sử dụng những cảm thọ vi tế và cảm thọ lạc như công cụ để đoạn trừ sankhārā tham ái ngủ ngầm. Vì vậy, tu tập giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với mỗi cảm thọ, chúng ta thanh lọc tất cả tâm phiền não phức tạp ngủ ngầm bên trong, và tiến đến mỗi lúc càng gần hơn mục đích Niết-bàn, giải thoát.
Chúng ta phải vượt qua mọi khó khăn của những giai đoạn khởi đầu này để đạt đến Niết-bàn. Chúng ta có thể đạt đến mục đích sớm hay muộn tùy thuộc vào sự nỗ lực đoạn trừ những sankhārā quá khứ tích tụ trong chúng ta.
Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh và điều kiện, giữ tâm tỉnh giác và xả ly đối với cảm thọ là điều cốt lõi. Sankhārā sinh ra từ thân cảm thọ. Tu tập tâm xả ly đối với cảm thọ, quý vị ngăn ngừa không cho sankhārā mới sinh ra, và đồng thời quý vị cũng đoạn trừ những sankhārā cũ. Vì vậy tu tập quán xả ly những cảm thọ, quý vị tuần tự thăng tiến đến mục đích tối hậu của sự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau.
Hãy thực tập nghiêm túc. Đừng xem thiền định như một trò chơi, để rồi theo học hết phương pháp này tới phương pháp nọ mà không nỗ lực tu tập theo một phương pháp nhất định. Nếu làm như vậy, quý vị sẽ không bao giờ vượt qua những bước đầu của bất cứ phương pháp nào, và vì vậy quý vị cũng sẽ không bao giờ đạt đến mục đích. Đương nhiên, quý vị có thể thử nghiệm những phương pháp khác nhau để tìm ra một phương pháp thích hợp. Nếu cần, quý vị cũng có thể thử nghiệm hai hoặc ba lần về phương pháp tu tập này, nhưng đừng bỏ phí cả cuộc đời của quý vị chỉ vì những cuộc trắc nghiệm. Một khi quý vị tìm ra một phương pháp thích hợp, hãy thực hành nó một cách nghiêm túc để quý vị có thể thành tựu mục đích.

Cầu mong những người khổ đau khắp mọi nơi tìm thấy con đường thoát khổ.
Cầu mong mọi chúng sanh đều được hạnh phúc!
Ghi chú:
[1] Buddha Gotama: Một danh hiệu của đức Phật Thích-ca.
[2] Kinh Đại Niệm Xứ, số 22 thuộc Kinh Trường Bộ.

BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI MỘT

- Làm thế nào để tiếp tục hành trì sau khi khóa tu hoàn mãn.
Thực hành từng ngày một, việc nghiên cứu và thực hành giáo pháp của chúng ta đã đến ngày cuối. Khi quý vị tiến hành tu tập, quý vị được yêu cầu phải tuân thủ tuyệt đối vào phương pháp và nội qui của khóa tu. Không có sự tuân thủ này, quý vị sẽ không thể kiểm nghiệm phương pháp tu một cách nghiêm túc. Mười ngày đã qua; bây giờ quý vị là chủ nhân của chính mình. Khi trở về lại gia đình, quý vị điềm tĩnh ôn lại những gì quý vị đã tu tập ở đây. Nếu thấy rằng những gì quý vị đã thực tập ở đây là thực tế, hợp lý và có ích lợi cho bản thân và mọi người, quý vị nên chấp nhận, không phải vì người nào đó yêu cầu quý vị tu tập, nhưng ở đây quý vị tu tập theo tinh thần tự nguyện, theo thiện chí của quý vị; không chỉ vì mười ngày, nhưng vì cả cuộc đời của quý vị.
Việc chấp nhận phương pháp tu tập không phải chỉ ở khía cạnh tri thức hoặc tình cảm. Chúng ta phải chấp nhận giáo pháp trên thực tế bằng sự tu tập, áp dụng nó vào đời sống của chúng ta, vì chỉ có thực hành giáo pháp một cách thiết thực mới có thể mang lại những ích lợi trong đời sống hằng ngày.
Quý vị tham gia khóa tu này để học cách thực hành giáo pháp, làm thế nào để sống một đời sống đạo đức, làm thế nào để sống một cuộc đời với tâm tự chủ, làm thế nào để sống một cuộc sống với tâm thanh tịnh. Mỗi buổi tối, những bài pháp đã được giảng với mục đính để làm sáng tỏ phương pháp thực hành. Những bài pháp này rất cần thiết để chúng ta hiểu rõ những gì chúng ta đang hành trì và tại sao chúng ta phải hành trì như vậy, để không bị lầm lẫn hoặc tu tập sai phương pháp. Tuy nhiên, trong việc giảng giải về cách hành trì, một số quan điểm nào đó thuộc lý thuyết ắt hẳn đã được đề cập, và do đó những người thuộc các tôn giáo khác đã tham dự khóa tu này rất có thể tìm thấy phần lý thuyết nào đó không thể chấp nhận được. Nếu như thế, đừng bận tâm, hãy để điều này sang một bên. Điều quan trọng hơn là việc hành trì giáo pháp. Không ai không tán thành việc sống một cuộc đời không làm hại đến người khác, việc tu tập làm chủ tâm thức của chúng ta, không ai không tán thành việc tu tập tâm thoát khỏi phiền não, tạo ra tình thương và thiện chí với mọi người. Mọi người đều phải công nhận phương pháp tu tập này, và đây là đặc điểm của giáo pháp có ý nghĩa quan trọng nhất, vì bất cứ những ích lợi gì chúng ta gặt hái được không phải từ lý thuyết mà phải từ thực hành, từ việc áp dụng giáo pháp vào đời sống của chúng ta.
Trong mười ngày quý vị chỉ có thể học khái lược về phương pháp hành trì; chúng ta không thể hy vọng hoàn hảo trong một thời gian quá ngắn như vậy. Nhưng ngay kinh nghiệm sơ lược này, quý vị cũng không nên xem thường: quý vị đã tu tập bước đầu tiên, một bước rất quan trọng, mặc dù hành trình quá dài, thực vậy đây là một hành trình cho suốt cuộc đời.
Một hột giống giáo pháp đã được gieo, và đã bắt đầu nảy mầm thành cây con. Một người làm vườn giỏi chăm sóc cẩn thận cây con này, và nhờ sự chăm sóc, cây con sẽ dần dần phát triển thành cây có thân to lớn và rễ đâm sâu vào lòng đất. Khi đó vì nhu cầu phục vụ, cây này sẽ cung cấp, phục vụ trong suốt khoảng thời gian còn lại của nó.
Cây con giáo pháp đòi hỏi phải được chăm sóc ngay bây giờ. Bảo vệ nó ra khỏi các phê bình, đánh giá phân biệt giữa lý thuyết và thực hành của người khác, về lý thuyết có thể một số người sẽ chống đối, nhưng về thực hành có thể mọi người đều chấp nhận. Đừng để những đánh giá phê bình này làm gián đoạn sự hành trì của quý vị. Tập trung thiền định một giờ vào buổi sáng và một giờ vào buổi tối. Qui định này là điều rất quan trọng trong tu tập hằng ngày. Lúc đầu ngồi thiền hai giờ mỗi ngày dường như là một gánh nặng, nhưng không bao lâu quý vị sẽ thấy rằng quý vị sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ mà trước đây quý vị đã phung phí. Trước nhất, quý vị cần ngủ ít hơn, thứ đến, quý vị có thể hoàn thành công việc sớm hơn, bởi vì khả năng làm việc của quý vị tăng lên. Khi gặp khó khăn, quý vị sẽ giữ được tâm bình tĩnh, và ngay tức thời quý vị có thể tìm ra giải pháp đúng. Khi tu tập phương pháp này thành công, quý vị sẽ thấy rằng sau mỗi giờ thiền định vào buổi sáng, quý vị tạo ra năng lượng đầy đủ cho suốt ngày làm việc, và quý vị làm việc không bị ảnh hưởng bất kỳ sự khuấy nhiễu nào.
Vào mỗi buổi tối khi quý vị lên giường nghỉ, hãy tỉnh giác những cảm thọ ở bất cứ nơi nào trên thân khoảng năm phút trước khi ngủ. Sáng hôm sau, ngay lúc quý vị vừa thức dậy, lại nữa hãy quán sát những cảm thọ trên thân trong vòng năm phút. Những phút thiền định trước khi ngủ và sau khi thức dậy này sẽ rất có lợi.
Nếu sống trong khu vực có các vị tu thiền Minh Sát Tuệ, quý vị nên ngồi thiền với nhau trong vòng một giờ mỗi tuần. Và mỗi năm quý vị nên tham gia một khoá tu mười ngày. Thực tập hằng ngày có thể làm cho quý vị duy trì những gì mà quý vị đã đạt được ở đây, nhưng một khóa tịnh tu là điều rất quan trọng để quý vị có nhiều thời giờ chuyên sâu vào thiền định. Nếu quý vị có thể tham dự một khóa tu được tổ chức như vậy, điều này rất tốt. Nếu không, quý vị vẫn có thể tự tạo ra một khóa tu cho chính mình. Tự thực tập một khóa mười ngày ở bất cứ nơi nào quý vị có thể sống tách rời mọi người, và nơi nào có người có thể phục vụ thức ăn cho quý vị. Quý vị biết phương pháp tu tập, biết nội qui và thời khắc tu tập hằng ngày; quý vị phải ghi nhớ tất cả những điều này ngay bây giờ. Nếu quý vị muốn thông báo cho vị Thầy của quý vị trước rằng quý vị đang tiến hành một khóa tự tu, tôi sẽ nhớ đến quý vị và gởi tâm từ, những giao cảm an lành của tôi đến quý vị; điều này sẽ tạo ra một môi trường thanh tịnh để quý vị có thể tu tập tốt hơn. Tuy nhiên, nếu quý vị không thông báo cho vị thầy của quý vị, quý vị cũng không nên mất tự tin. Giáo pháp sẽ bảo hộ quý vị. Dần dần chắc chắn quý vị sẽ đạt đến trạng thái tự chủ. Vị thầy chỉ là vị hướng dẫn mà thôi; quý vị phải trở thành vị thầy của chính mình. Hễ còn nương tựa vào bất cứ ai thì không thể giải thoát được.
Thiền định mỗi ngày hai giờ và tịnh tu khóa mười ngày hằng năm chỉ cần thiết tối thiểu để duy trì phương pháp tu tập. Nếu quý vị có nhiều thời giờ hơn nữa, quý vị nên nỗ lực thiền định. Quý vị có thể tham gia khóa ngắn hạn một tuần hoặc vài ngày, ngay cả một ngày. Trong những khóa ngắn hạn như vậy, dành một phần ba thời gian tu tập thiền hơi thở (anāpāna meditation) và thời gian còn lại dành cho thiền Minh Sát Tuệ.
Trong thời giờ thiền tập hằng ngày của quý vị, hãy sử dụng hết thời gian để thực tập thiền Minh Sát Tuệ. Chỉ khi nào tâm của quý vị bị dao động hoặc trì trệ, nếu vì bất kỳ những lý do nào đó, quý vị khó có thể quán sát những cảm thọ và duy trì tâm xả ly thì hãy giành một khoảng thời gian thực tập thiền hơi thở.
Khi thực tập thiền Minh Sát Tuệ, hãy cẩn thận đừng đùa chơi với những cảm thọ, thích thú với những cảm thọ lạc và chán ghét những cảm thọ khổ. Hãy quán sát cảm thọ một cách khách quan. Di chuyển sự quán sát của quý vị có hệ thống xuyên suốt khắp thân thể, không cho phép nó dừng lại lâu trên bất cứ phần nào của cơ thể. Tối đa chỉ hai phút cho mỗi phần quán sát, hoặc năm phút cho trường hợp đặc biệt, nhưng đừng bao giờ để lâu hơn năm phút. Luôn tỉnh giác khi di chuyển sự quán sát cảm thọ trên toàn thân. Nếu sự thực tập này trở thành máy móc, hãy thay đổi cách di chuyển sự quán sát của quý vị. Trong mọi trường hợp hãy giữ tâm tỉnh giác và xả ly, và quý vị sẽ kinh nghiệm những lợi ích tuyệt vời của thiền Minh Sát Tuệ.
Quý vị cũng phải áp dụng phương pháp tu tập trong sinh hoạt hằng ngày chứ không chỉ khi quý vị ngồi nhắm mắt lại. Khi nào quý vị làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc; xem công việc như giờ thiền định của quý vị. Nhưng nếu có thời gian trống, ngay cả năm hoặc mười phút, hãy tận dụng thời gian này cho việc tỉnh giác đối với các cảm thọ; khi bắt đầu làm việc trở lại, quý vị sẽ cảm thấy rất tỉnh táo. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi quý vị thiền định nơi công cộng, nơi không có mặt những người tu thiền, quý vị không cần nhắm mắt; đừng bao giờ phô bày việc tu tập giáo pháp ở đó.
Nếu thực tập thiền Minh Sát Tuệ một cách thích hợp, đời sống của quý vị sẽ thay đổi tốt hơn. Quý vị nên kiểm tra sự tiến bộ của quý vị trong việc tu tập dựa vào tư cách đạo đức của quý vị trong đời sống hằng ngày, trong cách cư xử của quý vị và những mối tương quan của quý vị với người khác. Thay vì làm hại người khác, quý vị đã bắt đầu giúp họ chưa? Khi gặp những tình huống bất như ý xảy ra, quý vị đã giữ tâm bình tỉnh chưa? Nếu phiền não sinh khởi trong tâm, quý vị đã nhanh chóng tỉnh giác đến nó như thế nào? Quý vị tỉnh giác những cảm thọ sinh khởi cùng với những phiền não nhanh chóng như thế nào? Quý vị thực hành quán sát những cảm thọ nhanh chóng như thế nào? Quý vị đã nhanh chóng lấy lại sự thăng bằng của tâm thức, và đã tạo ra tình thương và lòng từ bi như thế nào? Hãy kiểm soát lại chính quý vị theo cách này và tiếp tục tiến triển trên con đường hành trì.
Những gì quý vị học được ở đây, không chỉ lưu giữ bảo tồn nó mà phải làm cho nó phát triển thêm lên. Luôn luôn áp dụng giáo pháp vào cuộc sống của quý vị. An hưởng tất cả những ích lợi của giáo pháp mang lại, và sống một cuộc đời hạnh phúc, bình an và hài hòa, tốt đẹp cho quý vị và mọi người.
Một điều cần nhắc nhở: đó là quý vị nên kể cho người khác nghe những gì quý vị đã thực tập ở đây; đừng bao giờ giấu giếm giáo pháp. Nhưng ở giai đoạn này, đừng nên dạy cách hành trì cho người khác. Trước khi làm điều này, chúng ta phải có thành tựu trong tu tập, và phải được huấn luyện để giảng dạy. Ngược lại, chúng ta sẽ làm hại cho người khác thay vì giúp đỡ họ. Nếu có ai đó, sau khi đã nghe quý vị kể về tu tập thiền Minh Sát Tuệ, muốn thực tập nó, hãy khuyến khích họ tham gia một khóa tu có tổ chức như ở đây, được một vị Thầy hướng dẫn đúng. Bây giờ, hãy tiếp tục tu tập để chính quý vị thăng tiến trong giáo pháp. Hãy tiếp tục thăng hoa trong chánh pháp, quý vị sẽ thấy rằng nhờ lối sống mẫu mực, quý vị sẽ lôi cuốn mọi người đến với giáo pháp một cách tự nhiên.
Cầu mong chánh pháp được truyền bá khắp thế gian vì sự tốt đẹp và ích lợi cho mọi người.

Cầu mong cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc, an lạc và giải thoát !




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét