Trang

Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh = 12 Nhân Duyên - TK Sīlānanda


Lần trước tôi đã nói đến luật Nghiệp Báo. Luật Nghiệp Báo là một phần của Luật Nhân Quả. Hôm nay tôi sẽ nói đến một phần khác của Luật Nhân Quả, đó là Lý Duyên Sinh.

Về Luật Nhân Quả, có ba quan niệm được nêu ra:

Hình ảnh có liên quan1.     Tất cả sự vật dù là sinh vật hay những vật vô tri đều được tạo ra bởi Thượng  Đế hay Phạm Thiên.

2.    Sinh vật hay vật vô tri phát sinh tự nhiên không có nhân nào cả. Có nghĩa là chúng khởi sinh và hoại diệt không do nhân nào cả.

3.      Sinh vật hay vật vô tri không do ai tạo ra cả, cũng chẳng phải không do nguyên nhân nào tạo ra cả; nhưng mọi sự vật khởi sinh do nhiều nguyên nhân và nhiều điều kiện. Đây là quan kiến của Phật giáo.

Luật Duyên Sinh dạy cho chúng ta biết rằng: không có gì độc lập một mình. Mọi sự vật đều có liên hệ, và mọi sự vật đều tùy thuộc vào một số sự vật khác để phát sinh.

Lý Duyên Sinh là Luật Nhân Quả chi phối chúng sinh, hay sinh vật còn được gọi là Vòng Tái Sinh hay Vòng Hiện Hữu. Trong Phật Giáo còn có một Luật Nhân Quả khác đó là Duyên Hệ Duyên. Luật Duyên Hệ Duyên bao trùm cả sinh vật và vật vô tri hay bao trùm cả vật hữu tình và vật vô tình. Patthāna (Duyên Hệ Duyên) không những nói đến sự liên hệ của sự vật này với sự vật kia mà còn nói chúng liên hệ với nhau như thế nào, theo đường lối nào, theo lực nào hay theo điều kiện nào. Như vậy, Luật Duyên Sinh và luật Duyên Hệ Duyên có khác nhau chút ít.


97

Lý Duyên Sinh là những lời dạy rất quan trọng trong giáo pháp của Đức Phật. Đây là đặc điểm khiến Phật Giáo khác với các tôn giáo khác. Trong khi đi tìm khởi nguyên của sự vật, hầu hết các tôn giáo đều bí lối, vì họ không thể tìm ra nguyên nhân, nên họ phải tự tìm lối thoát bằng cách cho rằng, hay quan niệm rằng: khởi nguyên của sự vật là một quyền lực siêu nhiên, không ai biết được, là đấng sáng tạo hay Thượng Đế. Nhưng theo Phật giáo, nguồn gốc của chúng sinh được giải thích một cách hữu lý, đặc biệt qua Lý Duyên Sinh, khiến những người hiểu biết có thể chấp nhận được.



Một cách ngắn gọn Lý Duyên Sinh nói rằng: "Khi mặt. Do cái này khởi sinh nên cái kia khởi sinh". thuộc vào một số sự vật khác.


cái này có mặt thì cái kia có Mọi sự vật khởi sinh đều tùy



Dầu cho Đức Phật có xuất hiện trên thế gian này hay không thì Luật Duyên Sinh vẫn luôn luôn hiện hữu. Đức Phật xuất hiện, khám phá ra Luật Duyên Sinh, công bố, làm hiển lộ ra và dạy cho thế gian.

Ngay cả trước khi Giác Ngộ Đức Phật đã biết đến Luật Duyên Sinh rồi. Trong một bài giảng ở Dīgha Nikāya cũng như ở Saṁyutta Nikāya có ghi rõ rằng: "Tất cả các vị Bồ Tát vào đêm trước ngày Giác Ngộ Đạo Quả đều đã suy tư đến Luật Duyên Sinh và hành Thiền Minh Sát trên mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh này. Kết quả của viêc hành Thiền Minh Sát trên mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh, Bồ Tát đã thành Phật. Như vậy, Luật Duyên Sinh đã được Đức Phật biết đến trước khi thành đạo. Công thức của Luật Duyên Sinh khởi đầu bằng Vô Minh, nhưng đường lối quán xét của Đức Phật khác hơn. Đức Phật quán xét theo chiều ngược lại. Ngài bắt đầu từ yếu tố Già, Chết.

1.     Là một chúng sinh ai cũng phải Già Chết. Ngày qua ngày, giờ qua giờ, phút qua phút, giây qua giây chúng ta đang trở nên già. Như vậy già là một sự kiện hiển nhiên của đời sống. Cái Già luôn luôn đi song hành với chúng ta trong mọi lúc. Một ngày nào đó, đời sống này sẽ đi đến chỗ chấm dứt. Chỗ chấm dứt của đời sống được gọi là "chết", không ai có thể tránh được sự chết. Như vậy, ai cũng tiến đến Già và Chết, không ai có thể tránh được Già và Chết. Đây là một sự kiện thực tế và chúng ta không thể trốn khỏi thực tế này.

2.     Bồ Tát đã quán xét như vầy: Bây giờ có Già và Chết. Cái gì là điều kiện của Già và Chết, hay do nguyên nhân gì Già và Chết khởi sinh? Bồ Tát thẩm xét và


98

thấy rằng: Do có Sinh nên có Già và Chết. Bởi vì chúng ta sinh ra làm người nên chúng ta trở nên già từng ngày, từng giờ, từng phút, và cuối cùng chúng ta sẽ Chết. Phân tích tận cùng thì nhân của Già và Chết là Sinh. Bởi vì có sự khởi đầu, có diễn tiến, thì sẽ có chấm dứt. Như vậy, Sinh hay Tái Sinh là nguyên nhân hay điều kiện của Già và Chết.

3.    Bồ Tát không chấm dứt ở đây mà Ngài quán xét ngược chiều thêm nữa. Ngài quán xét: Tại sao có Sinh và Tái Sinh? Cái gì là nguyên nhân hay điều kiện của tái sinh? Trong khi cố gắng tìm kiếm nguyên nhân của Sinh, Ngài khám phá ra đó là "Hữu" hay "Trở thành". "Hữu" hay "Trở thành" có nghĩa là làm cho cái gì đó "Có" hay làm cho cái gì đó "Trở thành". Thực ra "Hữu" hay "Trở thành" đó là "

Nghiệp". Bồ Tát khám phá ra nguyên nhân của Tái Sinh là Nghiệp (kamma).



Như các bạn biết, có hai loai Nghiệp: Nghiệp Thiện và Nghiệp Bất Thiện. Nghiệp Thiện cho quả thiện hay quả vui, Nghiệp Bất Thiện cho quả bất thiện hay quả khổ. Tái sinh làm người là quả của Thiện Nghiệp. Như vậy, được tái sinh làm người là vì chúng ta đã làm một số Nghiệp Thiện trong quá khứ. Có thể có một số người tái sinh vào địa ngục. Họ tái sinh vào địa ngục vì họ đã làm một số Bất Nghiệp Thiện trong quá khứ. Thiện Nghiệp hay Bất Thiện Nghiệp là nguyên nhân hay điều kiện để tái sinh làm người hay tái sinh làm các loài khác.

Tại sao chúng sinh làm cả hai Nghiệp thiện ác? Đâu là nguyên nhân hay điều kiện khiến Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh.

4.     Đôi lúc ta làm Nghiệp Thiện, đôi lúc ta làm Nghiệp Ác bởi vì ta có Tham Ái mạnh mẽ. Tham Ái mạnh mẽ trở thành bám víu, Chấp Thủ (upadāna). Chấp Thủ là điều kiện khiến Thiện và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh.

Chẳng hạn, chúng ta nghe người ta nói rằng: cảnh trời an vui hạnh phúc hơn cõi người nên chúng ta muốn tái sinh vào đó. Ta có sự dính mắc, chấp thủ vào cảnh đó nên chúng ta muốn tái sinh vào đó. Để được sinh vào cảnh trời, chúng ta phải làm một cái gì đó. Đôi lúc ta gặp được những lời khuyên đúng nên ta làm một số việc thiện và tạo Nghiệp Thiện. Đôi khi ta được hướng dẫn sai lầm nên tạo một số Ác Nghiệp, như giết dê cừu để cúng tế chẳng hạn. Nếu ta nghe theo lời hướng dẫn sai lầm rồi hi sinh tánh mạng súc vật để cúng tế kỳ vọng sẽ được sinh về cõi trời thì chúng ta đã tạo Nghiệp Bất Thiện. Bởi thế có khi ta làm việc thiện, có khi


99

ta làm việc bất thiện vì ta có tham muốn mạnh mẽ, hay có Chấp Thủ được sinh vào một cõi tốt đẹp hơn. Dầu tạo nghiệp lành hay tạo Nghiệp dữ, chúng ta đều phải nhận chịu hậu quả của Nghiệp. Tạo Nghiệp lành sẽ hưởng quả vui, sẽ tái sinh vào cõi trời hay cõi người. Tạo Nghiệp dữ sẽ mang quả khổ, sẽ tái sinh vào bốn cõi khổ (súc sinh, ngạ quỉ, a tu la, địa ngục). Bởi vì chúng ta có Tham Ái mãnh liệt hay Chấp Thủ được sinh vào cõi tốt đẹp hơn nên chúng ta làm điều thiện hay tạo Thiện Nghiệp.

5.  Bồ Tát lại tiếp tục quán sát. Cái gì là điều kiện cho Thủ? Nguyên Nhân nào làm cho Thủ khởi sinh?

Ngài tìm ra rằng: Tham Ái bình thường là điều kiện cho Tham Ái mạnh mẽ khởi sinh. Điều này có nghĩa là: Trước tiên ta có Tham Ái vào việc gì đó, rồi ta dính mắc vào vật đó, không thể nào bỏ được, không thể nào buông bỏ nó đi. Khi đạt đến mức độ Tham Ái mãnh liệt như vậy thì gọi là chấp thủ. Trước khi đạt đến tầng mức này, trước khi Thủ phát sinh thì có Tham Ái bình thường. Như vậy, Tham Ái bình thường là điều kiện cho Tham Ái hay nhân cho Tham Ái mạnh mẽ, Tham Ái mạnh mẽ trở thành Thủ. Vậy Tham Ái là Nhân hay điều kiện của Thủ.

Giả sử, bạn đi vào một cửa tiệm và thấy một vật gì đẹp đẽ. Trước tiên bạn thích vật đó. Bởi vì vật đó đẹp. Rồi bạn không thể nào rời khỏi vật đó. Thế là bạn muốn làm chủ vật đó và quyết định mua. Khởi đầu thấy vật đó bạn chỉ thích. Đó là Tham Ái, nhưng sau đó bạn không thể rời xa vật đó, bởi vì bạn thích mạnh mẽ vào vật đó. Đó là Thủ. Khi đã đến giai đoạn Thủ rồi thì không thể tách rời khỏi vật đó. Cả hai Tham Ái và Chấp thủ đều là một loại tâm sở giống nhau. Đó là Tâm Sở Tham, nhưng nồng độ dính mắc của chúng khác nhau. Ở Tầng mức Tham Ái thì sự dính mắc không nặng, nhưng khi đạt đến tầng mức Chấp Thủ thì Tham Ái trở nên mạnh mẽ hơn khiến bạn không thể tách rời sự vật mình ưa thích. Như vậy, điều kiện cho sự Chấp thủ hay sự dính mắc mạnh mẽ, đó là Tham Ái bình thường.

6.    Tại sao có Tham Ái? Hay tại sao ta có sự thích thú vào vật đó?

Bạn thích một vật nào đó bởi vì bạn cảm thấy vật đó tốt đẹp. Có những Cảm Thọ Lạc với vật đó. Đôi khi vật đó không đẹp, bạn không thích vật đó. Khi không thích vật đó cũng là Tham Ái, bởi vì bạn dính mắc vào vật có đặc tính tốt đẹp. Ngay cả khi bạn thấy một vật xấu thì bạn cũng có Tham Ái phát sinh. Không phải bạn Tham Ái với vật đó, nhưng bạn Tham Ái với cái đẹp của vật đó. Đôi khi Cảm Thọ trung tính cũng là Tham Ái, bởi vì dính mắc vào Cảm Thọ trung tính đó. Như vậy, Cảm Thọ là khổ hay trung tính đều là điều kiện cho Tham Ái.


100

7.    Tại sao có Cảm Thọ?

Chúng ta có Cảm Thọ tốt hay Cảm Thọ xấu về một vật nào đó. Đâu là Nhân hay Điều kiện của Cảm Thọ này?

Bởi vì ta có sự tiếp xúc với đối tượng nên mới có Thọ. Nếu không có tiếp xúc với đối tượng thì sẽ không có Cảm Thọ. Như vậy, Cảm Thọ là điều kiện hay nguyên nhân của Xúc. Xúc ở đây không phải chỉ là sự vật gặp đối tượng, nhưng Xúc là một cái gì đó khởi sinh như sự tiếp quản của sự vật ấy. Chẳng hạn, như khi bạn thấy một vật thì phải có vật thấy và phải có mắt. Khi vật thấy đi vào lộ của mắt thì sẽ có sự thấy hay xúc thấy. Khi mắt thấy cảnh sắc thì xúc thấy khởi sinh, sẽ có sự thấy. Đồng thời, cũng khởi sinh cái người ta gọi là xúc, tức là tâm sở đóng vai trò như sự tiếp nối. Bởi vì sự tiếp nối này mà Cảm Thọ đi tiếp theo và những tâm sở khác cũng đi theo.

Như vậy, điều kiện của Cảm Thọ là Xúc với đối tượng.

8.    Tại sao Xúc khởi sinh?

Xúc khởi sinh, như trong trường hợp thấy, bởi vì mắt và vật thấy tiếp xúc nhau. Như vậy, Xúc xảy ra khi có mắt và vật thấy. Giác quan tiếp xúc với cảnh, gọi là nhãn căn. Có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm; tương ưng với sáu đối tượng hay sáu trần là sắc, thinh, hương (khí), vị, xúc, pháp. Khi Căn và Trần gặp nhau thì có Xúc. Như vậy, Xúc có nhân hay điều kiện là Lục Căn và Lục trần.

9.    Cái gì là điều kiện của Lục Căn, Lục trần?

Các yếu tố của Lục Căn, Lục Trần là Vật Chất, có yếu tố là Tâm. Bồ Tát quán sát và thấy rằng: bởi vì có Vật Chất và Tâm nên mới có các Căn và Trần. Như vậy, Vật Chất và Tâm là điều kiện hay Duyên của Lục Căn và Lục Trần.

10.  Cái gì là Duyên khiến cho Vật Chất và Tâm khởi sinh?

Vật Chất và Tâm không thể khởi sinh nếu không có Thức. Chỉ khi nào có Thức, chỉ khi Thức khởi sinh thì Vật Chất và Tâm mới khởi sinh. Thức và một số Tâm Sở khởi sinh cùng lúc, nhưng Thức (hay Tâm Vương) được gọi là chủ hay kẻ lãnh đạo bởi vì nếu không có Thức, thì Tâm Sở không thể khởi sinh cùng với Thức được. Thêm vào đó, vào lúc tái sinh, một số yếu tố Vật Chất cũng khởi sinh. Nhưng yếu

tố Vật Chất này chỉ khởi sinh khi Thức khởi sinh. Như vậy, điều kiện hay Duyên khiến cho Vật Chất và Tâm khởi sinh đó là Thức.


101

“Thức” ở đây để chỉ cho cả hai: Thức phát sinh vào lúc tái sinh và Thức kéo dài trong suốt cuộc sống.

11.  Cái gì là điều kiện hay Duyên cho Thức khởi sinh?

“Thức ở đây” có nghĩa là Thức Quả, Thức Quả là Quả của một số sự kiện khởi sinh với tư cách là Quả của một số cái gì đó… Chẳng hạn như khi thấy một vật gì mà chúng ta thích thì có Thức Thấy khởi sinh, Thức Thấy khởi sinh là kết quả của một số Thiện Nghiệp trong quá khứ. Khi chúng ta thấy một vật gì chúng ta không ưa thích thì cũng có một loại Vật Chất và Tâm khởi sinh, Thức Thấy này là Quả của một số Bất Thiện Nghiệp trong quá khứ. Thức khởi sinh vào lúc tái sinh là Quả trực tiếp của Nghiệp trong quá khứ. Như vậy, khi Bồ Tát suy xét tại sao Thức khởi sinh, đặc biệt là Thức Quả thì Ngài thấy rằng: bởi vì có những Thiện Nghiệp hay Bất Thiện Nghiệp trong quá khứ nên Thức khởi sinh.

Như vậy, điều kiện hay Duyên cho Thức khởi sinh là Kamma (Nghiệp).

Kamma ở đây là Saṅkhāra (Hành Nghiệp).

12. Tại sao Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh?

Bởi vì có Vô Minh. Bởi vì chúng ta có Vô Minh nên không hiểu được bản chất thực sự của sự vật. Bởi vì chúng ta vô minh không hiểu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã của sự vật, nên chúng ta tạo Nghiệp Thiện và Bất Thiện. Bởi vì không hiểu bản chất thực sự của sự vật và không hiểu Tứ Diệu Đế nên không hiểu những điều kiện hay Duyên cho Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp khởi sinh, không thấy rõ Vô Minh là điều kiện hay Duyên cho Nghiệp Thiện và Bất Thiện khởi sinh.

Chuỗi suy xét về Thập Nhị Nhân Duyên chấm dứt ở chỗ Bồ Tát tìm ra Vô Minh. Nếu chúng ta theo tiến trình tìm hiểu của Đức Phật thì chúng ta hiểu Luật Duyên Sinh theo chiều ngược.

Nhưng mô thức thông thường là Luật Duyên Sinh mà chúng ta thường thấy trong các bài pháp được trình bày theo chiều thuận, từ khởi đầu cho đến chấm dứt. Nếu chúng ta đi từ yếu tố khởi đầu cho đến yếu tố chấm dứt của Luật Duyên Sinh thì chúng ta bắt đầu với yếu tố Vô Minh bởi vì có Vô Minh làm duyên nên mới có Hành Nghiệp hay Nghiệp Thiện và Bất Thiện. Bởi vì có Nghiệp Thiện và Bất Thiện làm duyên nên Thức phát sinh, Thức là Duyên do Danh Sắc (Vật Chất và Tâm)…


102

Như vậy, chúng ta có thể hiểu Luật Duyên Sinh theo chiều thuận hoặc theo chiều nghịch, từ khởi đầu đến chấm dứt hay từ chấm dứt đến khởi đầu. Hoặc đôi khi chúng ta có thể lấy yếu tố ở giữa xét ngược hay xét xuôi các yếu tố.

Mặc dầu khi chúng ta xét theo chiều ngược, chúng ta chấm dứt với Vô Minh, nhưng Vô Minh không phải là nguyên nhân đầu tiên. Vô Minh không phải là không có duyên trước đó, có nghĩa là không phải Vô Minh không có điều kiện. Vô Minh là một hiện tượng có điều kiện. Điều kiện của Vô Minh là Lậu Hoặc (Āsava). Khi có Vô Minh thì sẽ có Vô Minh khác theo sau, tiếp theo là những Vô Minh khác nữa. Như vậy, Vô Minh sau là quả của Vô Minh trước, hay Vô Minh sau có Vô Minh trước làm điều kiện. Như vậy, chúng tiếp tục diễn biến bởi vì Vô Minh là một trong những Lậu Hoặc. Bất kỳ lúc nào Lậu Hoặc khởi sinh thì Vô Minh cũng khởi sinh. Như vậy, Vô Minh chịu điều kiện hay duyên bởi Lậu Hoặc.

Tổng cọng có mười hai yếu tố hay mười hai bước trong Luật Duyên Sinh:

Vô Minh,

Hành Nghiệp,

Thức,

Danh Sắc (Vật Chất và Tâm ),

Lục Nhập,

Xúc,

Thọ,

Ái,

Thủ,

Hữu,

Tái Sinh rồi

Già - Chết.

Khi nhìn vào mười hai yếu tố này, chúng ta thấy một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Đây là cách giải thích về Luật Duyên Sinh theo Chú Giải. Trong số mười hai yếu tố thì Vô Minh và Hành Nghiệp thuộc về quá khứ; Tái Sinh, Già - Chết thuộc về tương lai. Tám yếu tố ở giữa là Thức, Vật Chất-Tâm, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu thuộc về thời hiện tại.


103

Nhưng chúng ta đừng hiểu lầm những điều nói trên đây, mặc dầu mười hai yếu tố này được phân chia ra ba thời kỳ, nhưng chúng ta đừng hiểu lầm rằng chúng chỉ xuất hiện trong các thời kỳ đã kê trên; bởi vì trong đời sống này, trong một đời sống này thôi, thì chúng ta cũng kinh nghiệm được cả mười hai yếu tố. Nói cách khác, chúng ta đừng hiểu Chú Giải theo nghĩa đã được giảng giải mà phải xuyên qua ba thời kỳ mới thấy rõ Luật Duyên Sinh. Bởi vì ngay trong kiếp sống này chúng ta cũng thấy được Vô Minh, chúng ta thấy được Hành Nghiệp, và chúng ta thấy đầy đủ các yếu tố của Luật Duyên Sinh. Như vậy chúng ta có thể thấy tất cả mười hai yếu tố của Luật Duyên Sinh trong kiếp sống này. Nhưng khi mười hai yếu tố này được chia ra theo ba thời kỳ, thì một số yếu tố thuộc về quá khứ, một số yếu tố thuộc về hiện tại và một số yếu tố thuộc về tương lai. Nếu ta lấy Vô Minh và Hành Nghiệp là quá khứ thì Tái Sinh, Già-Chết là tương lai và các yếu tố còn lại là hiện tại. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ tái sinh và già chết trong kiếp sống tương lai, chúng ta sẽ Già-Chết ngay trong kiếp hiện tại này. Nếu lấy Vô Minh và hành nghiệp là đời sống quá khứ, thì tái sinh, già và chết ngay trong kiếp sống này là tương lai. Như vậy, qua mười hai yếu tố được phân chia theo ba thời kỳ, chúng ta sẽ kinh nghiệm được mười hai yếu tố này ngay trong kiếp sống này. Có nghĩa là ngay trong kiếp sống này ta thấy được cả ba thời kỳ. Chúng ta không cần phải hoàn toàn xuyên qua ba thời kỳ mới kinh nghiệm được tất cả những yếu tố này.

Chúng ta phải thận trọng về vấn đề này bởi vì nhiều người nghĩ rằng: Chú Giải dạy ta phải xuyên suốt cả ba thời kỳ một cách trọn vẹn mới thấy được vòng Duyên Sinh. Bởi nghĩ chưa hiểu thấu đáo, nên họ nói rằng Chú Giải nói sai. Thật ra, Chú Giải không nói là bạn phải xuyên qua cả ba thời kỳ mới thấy trọn vẹn vòng Duyên Sinh. Những điều mà Chú Giải nói là: những yếu tố này thuộc về quá khứ, những yếu tố kia thuộc về hiện tại và những yếu tố tiếp theo thuộc về tương lai. Như vậy, trong thực tế nếu chúng ta nhìn vào chính mình, chúng ta sẽ biết rõ rằng: Chúng ta kinh nghiệm được tất cả các yếu tố ngay trong kiếp sống này. Thật vậy, chúng ta kinh nghiệm tất cả mười hai yếu tố ngay trong kiếp sống này. Nhưng khi nhìn những yếu tố này trên quan điểm kiếp sống hiện tại hay trên quan điểm kiếp tới thì chúng sẽ trở thành hiện tại, quá khứ và tương lai. Trong mô thức Duyên Sinh, chỉ nói đơn giản: Một điều kiện làm điều kiện cho những điều kiện khác, hay một Duyên này làm điều kiện cho Duyên kia. Nhưng trên thực tế, theo lời dạy của Đức Phật, thì không hề có chuyện một nhân sinh ra một quả.


104

Phật Giáo chấp nhận nhiều nhân sinh ra nhiều quả. Điều này có nghĩa là để cho Hành khởi sinh thì Vô Minh không phải là điều kiện hay nhân duy nhất mà còn có những điều kiện hay những yếu tố khác đi kèm. Có nhiều điều kiện khác hay duyên khác như Tham Ái hoặc những tâm sở khác làm Duyên. Khi nói đến một Duyên này làm Duyên cho Duyên kia là chúng ta muốn nói đến nguyên nhân chính hay điều kiện chính. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng: không phải chỉ có một điều kiện hay Duyên mà thôi.

Luât Duyên Sinh không phải dễ hiểu, nếu muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh bạn phải hiểu chút ít về Vi Diệu Pháp. Ý tôi muốn nói là hiểu biết Vi Diệu Pháp cho đến một từng mức nào đó chứ không có ý nói phải hiểu hoàn toàn Vi Diệu Pháp. Thêm vào đó muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh một cách trọn vẹn thì bạn phải hiểu Luật Duyên Hệ Duyên (Paṭṭhāna: Luật về Điều Kiện)

Như tôi đã nói trước đây, Luật Duyên Sinh chỉ giảng giải sự liên hệ hay duyên của sự vật này đối với sự vật kia, nhưng Luật Duyên Sinh không giải thích chúng liên hệ với nhau như thế nào? Chúng duyên với nhau theo cách thức nào. Đôi lúc ta không hiểu chúng liên hệ với nhau như thế nào thì chúng ta sẽ có sự hiểu lầm về sự liên hệ của chúng. Có một số liên hệ không phải là liên hệ nhân quả; đôi khi hai duyên cùng khởi sinh một lúc nhưng một duyên gọi là tạo điều kiện và một duyên gọi là chịu điều kiện. Trong trường hợp này chúng ta chỉ hiểu rõ nhờ biết về Luật Duyên Hệ Duyên: Như hai người liên hệ nhau nhưng liên hệ là cha con, vợ chồng hay bạn bè. Đó là lãnh vực của Duyên Hệ Duyên. Như vậy, muốn hiểu rõ Luật Duyên Sinh cần phải có sự hiểu biết về Luật Duyên Hệ Duyên. Nếu không biết luật Duyên Hệ Duyên, thì sự hiểu biết về Luật Duyên Sinh của chúng ta sẽ không trọn vẹn.

Ngay cả việc hiểu biết Luật Duyên Sinh mà không biết được Luật Duyên Hệ Duyên là một điều khó khan; thêm vào đó, những từ có tính cách chuyên môn dùng trong Vi Diệu Pháp cũng cần phải hiểu rõ, từ nào đại diện cho nghĩa lý nào. Nghĩa tổng quát của Luật Duyên Sinh là mỗi sự vật khởi sinh đều tùy thuộc vào một sự vật khác, không có gì khởi sinh mà không có nhiều nguyên nhân, hay không có cái gì có thể tự tạo ra mà không có nguyên nhân. Mọi sự vật đều có sự liên hệ, mọi sự vật đều tùy thuộc vào một số điều kiện hay duyên để khởi sinh.

Sau bài này chúng ta sẽ học về Luật Duyên Hệ Duyên. Sự khác nhau giữa Lý Duyên Sinh và Duyên Hệ Duyên có thể hiểu được qua ví dụ sau đây:


105

Luật Duyên Sinh nói rằng: hai người này liên hệ nhau. Luật Duyên Hệ Duyên nói thêm họ liên hệ theo cha và con, hay anh và em, vợ và chồng v.v…

Luật Duyên Sinh nói đến sự liên hệ của mười hai duyên.  Theo chiều thuận thì:

Vô Minh duyên Hành Nghiệp

Hành Nghiệp duyên Thức

Thức duyên ‘Vật Chất và Tâm’ (Danh Sắc)

‘Vật Chất và Tâm’ duyên Lục Nhập.

Lục Nhập duyên Xúc.

Xúc duyên Thọ.

Thọ duyên Ái.

Ái duyên Thủ.

Thủ duyên Hữu.

Hữu duyên Sinh.

Sinh duyên Già - Chết, Lo Âu Phiền Muộn, Uất Ức Than Khóc, Khổ Thân, Khổ Tâm, Thất Vọng.

Như vậy, chúng khởi sinh một khối đau khổ.

Khởi sinh, hoại diệt hay biến mất cũng bao gồm trong Luật Duyên Sinh. Thật ra, không phải là Luật Duyên Sinh mà phải nói là Luật Duyên Diệt hay dùng một chữ gì đó. Điều này giống như thứ tự thông thường mà Luật Duyên Sinh nói đến. Có nghĩa là bởi vì có sự biến mất của Vô Minh nên có sự biến mất của Hành Nghiệp. Bởi vì có sự chấm dứt của Hành Nghiệp nên có sự chấm dứt của Thức v.v… Đó là xét Lý Duyên Sinh theo chiều ngược. Xét theo chiều ngược không có nghĩa là đi trở lại. Xét theo chiều ngược ở đây là xét theo sự biến mất, ngược với thứ tự khởi sinh.

Như vậy, khi có sự già và chết, bị áp lực của sự già chết thì có sự Vô Minh khởi sinh. Khi đau khổ vì già chết, họ đau khổ từ cái gọi là Lậu Hoặc; trong số các Lậu Hoặc có Vô Minh trong đó. Một khi có Vô Minh thì sẽ có Nghiệp Thiện hay Nghiệp Bất Thiện v.v… Như vậy, vòng luân hồi hay vòng đời sống tiếp tục chuyển biến. Nếu chúng ta không loại trừ được nguyên nhân gốc rễ của nó là những phiền não thì không thể chấm dứt vòng tái sinh.

Ngay cả khi chúng ta hành thiền, đặc biệt là Thiền Minh Sát, chúng ta cắt đứt vòng tái sinh tại một số điểm. Chúng ta không để cho vòng tái sinh diễn biến khi


106

chúng ta hành Thiền Minh Sát. Như các bạn đã biết, khi Hành Thiền Minh Sát bạn có thể phá vỡ sự kết nối giữa Thọ và Ái. Mặc dù có Thọ, nhưng bạn sẽ không có Tham Ái nếu các bạn đang Hành Thiền Minh Sát. Do Hành Thiền Minh Sát bạn có thể cắt đứt một số kết nối trong Luật Duyên Sinh.

Khi bạn đang có một Lạc Thọ, nếu bạn không chánh niệm, không ghi nhận rằng: đây là Lạc Thọ thì bạn sẽ thích thú vào Thọ đó. Như vậy, khi bạn thích Lạc Thọ đó là bạn đã để cho vòng Duyên Sinh hay vòng tái sinh tiếp tục quay. Khi có Khổ Thọ phát sinh thì Lạc Thọ sẽ biến mất và bạn dính mắc vào Lạc Thọ đã mất thì bạn cũng để cho vòng tái sinh tiếp tục chuyển. Bạn có thể có Vô Ký Thọ. Vô Ký Thọ cũng rất tốt, và bạn thích Vô Ký Thọ. Khi bạn thích Vô Ký Thọ, thì một lần nữa bạn để cho bánh xe tái sinh tiếp tục chuyển. Khi thực hành Thiền Minh Sát, bạn cố gắng chánh niệm mỗi khi Thọ chiếm ưu thế. Khi bạn chánh niệm như thế là bạn đang cắt đứt vòng tái sinh. Nếu bạn thành công, hoàn toàn thành công trong việc thực hành của mình, và đạt A La Hán thì bạn sẽ cắt đứt hay hủy diệt hoàn toàn vòng tái sinh.

Những yếu tố trong Lý Duyên Sinh được diễn tả là một khối đau khổ. Khối đau khổ này tiếp tục diễn biến cho đến khi chúng ta loại trừ được hết tất cả các phiền não.

Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi vòng tái sinh, nếu chúng ta muốn đập vỡ vòng tái sinh này và hết khổ thì chúng ta phải làm một cái gì đó để chấm dứt vòng tái sinh tiếp tục di chuyển này. Đó là phải áp dụng chánh niệm vào đối tượng khởi sinh trong giây phút hiện tại. Khi bạn thực hành Thiền Minh Sát là bạn cố gắng chặt đứt hay cắt đứt vòng tái sinh. Bạn cố gắng chấm dứt không để cho vòng tái sinh này tiếp tục quay. Trong mỗi phút giây chánh niệm tốt đẹp, trong mỗi phút giây hiểu biết bản chất thực sự của sự vật thì bạn đã hướng đến việc loại trừ vòng tái sinh.

Với mục đích đó chúng ta hành Thiền Minh Sát. Chúng ta hy vọng rằng: một ngày nào đó chúng ta sẽ hoàn thành mục đích của chúng ta là cắt đứt vòng tái sinh hay vòng hiện hữu này.

********

*Nếu chúng ta hiểu Lý Duyên Sinh theo cách đơn giản là: Vật gì khởi sinh đều tùy thuộc vào những vật khác. Nhưng nếu chúng ta hiểu Luật Duyên Sinh với


107

toàn thể mô thức của nó thì chúng ta không có thể chỉ nói đơn giản như vậy được, bởi vì tại mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc, chúng ta không thể có trọn đủ mười hai yếu tố.

**Chữ Hành (Saṅkhāra) trong Ngũ Uẩn (Saṅ-khārakkhandha) và chữ Hành trong Luật Duyên Sinh có nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên của chữ Hành là “tạo” hay “sản xuất ra cái gì”. Đây là nghĩa tác động. Nghĩa thứ hai của chữ hành là “được làm ra” hay “được tạo nên”. Đây là nghĩa thụ động. Như vậy, chữ Saṅkhāra (Hành) có hai nghĩa. Thực ra không phải chỉ có hai nghĩa mà còn có những nghĩa khác nữa. Nhưng ở đây chỉ cần hiểu hai nghĩa này. Đó là: “cái gì được tạo ra”, và “cái gì tạo ra cái khác”. Chữ Hành trong Lý Duyên Sinh có nghĩa là Nghiệp (Kamma). Nghiệp là cái gì tạo ra quả của nó. Đó là hiểu chữ Hành theo nghĩa tác động. Nhưng khi chúng ta nói các Hành là Vô Thường (Sabbe saṅkhāra aniccā ti) thì Hành ở đây có nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra ở đây có nghĩa là tất cả mọi sự vật có điều kiện, nghĩa là những sự vật được tạo ra hay bị điều kiện. Bởi vậy, mỗi khi thấy chữ Saṅkhāra (Hành) trong một bài kinh nào chúng ta phải thận trọng để hiểu nghĩa chính xác của nó. Chúng ta phải biết chúng được hiểu với nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Chữ Saṅkhāra trong Ngũ Uẩn được hiểu theo nghĩa tích cực hay nghĩa tác động, bởi vì chữ Saṅkhārakkhandha trong Ngũ Uẩn được dẫn đầu bởi Cetanā (Sự cố ý) có nghĩa là Hành hay Nghiệp hoặc Hành Nghiệp. Bở vậy, chữ Hành trong Hành Uẩn, phải được hiểu nghĩa tác động, tức là Nghiệp tạo ra một cái gì hay tạo quả. Trong Lý Duyên Sinh, chữ Hành cũng được hiểu theo nghĩa tác động. Câu: “Các Hành đều Vô Thường” trong Pháp Cú Kinh, phải được hiểu theo nghĩa thụ động, có nghĩa là cái được tạo ra. Như vậy, chữ Hành ở đây, chúng ta phải hiểu ít nhất là hai nghĩa.

Mỗi khi chúng ta gặp chữ Hành chúng ta không thể dịch chỉ bằng một chữ tiếng Anh, một chữ tiếng Miến hay một chữ tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu tùy theo chữ Hành nằm trong bản kinh nào, nên hiểu chúng theo nghĩa tác động hay nghĩa thụ động. Trong nhiều bản dịch tiếng Pāḷi bây giờ, người ta dịch ra nhiều chữ khác nhau. Tôi không biết họ dịch như vậy có đúng hay không, không biết họ dịch theo nghĩa tác động hay theo nghĩa thụ động. Tốt hơn chúng ta nên dịch là “tạo điều kiện” hay “bị điều kiện” hoặc “cái tạo ra một cái gì” hay “cái được tạo ra”.


(Trích Phật Pháp Căn Bản, tác giả Sīlānanda, Khánh Hỷ dịch) 
Xem thêm thứ tự:
1. Nền tảng Phật Pháp - hiểu Phật Pháp Tăng - TK Sīlānanda
2. Nền tảng Phật Pháp - Lịch sử Đức Phật Gotama (Thích Ca) - TK Sīlānanda
3. Nền tảng Phật Pháp - Tứ Diệu Đế  - TK Sīlānanda 
4. Nền tảng Phật Pháp - Bát Chánh Đạo - TK Sīlānanda
5. Nền tảng Phật Pháp - Nghiên cứu về Nghiệp - TK Sīlānanda 
6. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Sinh  = 12 Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
7. Nền tảng Phật Pháp - Lý Duyên Hệ  = 24 Hệ Nhân Duyên  - TK Sīlānanda
8.  Nền tảng Phật Pháp - CÁC HẠNG CHÚNG SINH TRÊN ĐƯỜNG GIẢI THOÁT -TK Sīlānanda 
9. Nền tảng Phật pháp - Những giới luật quan trọng nhất - Tỳ kheo Silananda
10. Nền tảng Phật pháp - THIỀN ĐỊNH (SAMATHA) - Tỳ kheo Silananda
11. Nền tảng Phật pháp - THIỀN MINH SÁT (VIPASSANĀ)) - Tỳ kheo Silananda
12. Nền tảng Phật pháp - Giải thích sự giác ngộ  - Tỳ kheo Silananda
13. Nền tảng Phật pháp - Các kỳ kết tập Kinh điển lịch sử  - Tỳ kheo Silananda
14. Nền tảng Phật pháp - Hiểu vê Vô Ngã  - Tỳ kheo Silananda

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét